Internet
HongYen 31.08.2004 03:26:10 (permalink)
Vài nét về Internet

Khi Internet được đưa vào lãnh vực thương mại vào thập niên 90, thì càng trở nên phổ thông. Số người sử dụng ngày càng gia tăng và được ước lượng khoảng 1 tỉ người trong năm 2000. Điều gì khiến Internet trở nên phổ thông đến như vậy? Bài viết này mong giúp bạn đọc một chút khái niệm cơ bản về Internet- một ”Siêu Xa Lộ Tin Liệu” (Information Superhighway).

Nguồn gốc:

Trở ngược thời gian thập niên 60, vào thời kỳ chiến tranh lạnh giữa hai siêu cường Nga-Mỹ đang sôi động. Trước viễn ảnh Nga có thể phóng hỏa tiễn nguyên tử vào những cứ điểm chiến lược trên lãnh thổ Hoa Kỳ để tiêu diệt những căn cứ quân sự điện tử trọng yếu. Do đó, phòng những căn cứ quân sự điện tử bị phá hủy, Hoa Kỳ đã phải nghĩ đến giải pháp móc nối các dàn điện tử lại với nhau để có thể trao đổi thông tin liền lạc với nhau.



Năm 1969, khởi sự từ một đồ án nghiên cứu của quân đội Hoa Kỳ được mệnh danh là ARPANET (Advanced Research Projects Agency), nhằm khai thác khả năng chuyển nhận tin tức giữa các máy điện toán ở một địa bàn rộng lớn, để làm thế nào hệ thống mạng lưới chuyển giao mệnh lệnh đến từng đơn vị thật nhanh và cùng một lúc ”điều binh khiển tướng” như một ”tướng vùng” thiện chiến, mưu chước và chính xác.



Arpanet đã dùng nghi thức ”gói” dữ kiện lại. Những thông điệp được gửi có thể được chia thành nhiều ”gói”; ta có thể mường tượng như một lá thư dài được chia làm thành nhiều tấm bưu thiếp. Nghi thức ”gói” này được gọi tắt là TCP/IP (Transmission Control Protocol/Internet Protocol) - tạm dịch là ”Nghi Thức Kiểm Soát Chuyển Giao”. Nghi thức TCP/IP đó chính là tiền thân của Internet hiện nay. Theo đó mỗi ”gói” dữ kiện đều được gắn tấm thẻ địa chỉ điện tử ghi tên máy nhận, hình thức như gửi lá thư theo đường bưu điện. Tuy nhiên, để tránh tình trạng bị phong tỏa, ”gói” sẽ được chuyển qua nhiều phương thức, khi thì qua đường dây của máy điện toán, lúc thì qua đường giây điện thoại, hoặc qua các làn sóng, vệ tinh v.v. và không nhất thiết là đường xa hay gần, miễn tới là được rồi. Ta cũng có thể so sánh như khi di chuyển trên hệ thống đường lộ. Một khi khúc đường nào đó bị chặn ta có thể vòng theo con đường khác như kiều lộ, hương lộ, quốc lộ hay xa lộ mà đi.


TCP/IP được phát triển liên tục qua công trình nghiên cứu của ARPANET. Năm 1980-1983 được đem sử dụng và được đánh giá là một thành công đáng kể. Cho đến năm 1984 cuộc khảo cứu được chia thành hai khối chuyên biệt:

- Mạng lưới quân sự (MILNET)

- Mạng lưới nghiên cứu và phát triển (ARPANET)



Với khả năng kiểm soát chuyển giao của nghi thức TCP/IP, kỹ thuật mạng lưới thông tin thuộc lãnh vực nghiên cứu phát triển Arpanet đã mang đến thành công vượt trội. Thấy được tầm mức quan trọng của mạng lưới thông tin trên lãnh vực khoa học, Hiệp Hội Khoa Học Quốc Gia gọi tắt là NSF (The National Science Foundation) liền phối hợp với nhiều viện khảo cứu khác để gia tăng nghiên cứu và phát triển. Nhờ đó, năm 1986 mạng lưới hoàn cầu Internet hiện nay được thực sự chào đời với tên NSFNET.


Chì trong một thời gian ngắn NSFNET đã nối kết được cả thảy 6 dàn trung tâm siêu điện tử. Thừa thắng xông lên NSFNET cũng phát triển thêm hàng loạt trạm mạng lưới khác mà các khu đại học có thể nối kết dàn điện toán của trường vào. NSFNET cũng lại nối được với đàn anh ARPANET để có thể trao đổi liên lạc và sử dụng hữu hiệu những nguồn phương tiện của nhau. Nhưng việc sử dụng những dàn siêu điện tử đó thật tốn kém và phức tạp. Chiến lược ”mượn gió bẻ măng” của NSFNET coi như bất thành, đưa đến một giải pháp là tự mỗi trạm mạng lưới có nhiệm vụ chủ động nối kết. Không ngờ trong cái bất thành này chính là cái thành qủa bất ngờ mà mạng lưới ngày hôm nay đã gặt hái được. Năm 1980 ARPANET giải thể, nhưng NSFNET vẫn tiếp tục đóng vai trò trọng yếu và đã góp công lớn trong lãnh vực phát triển Internet – ”Mạng Lưới Truyền Thông Hoàn cầu” hiện nay. Cũng nhờ đó mà mạng lưới ”vô chủ” này trở thành ”nàng dâu” đỡ đần trăm họ.

Trên thực tế, không có nguồn tài trợ nào cho Internet, bởi Internet là ”tài nguyên thiên nhiên”, có sẵn ngay trong không gian, vũ trụ. Nhưng quan trọng hơn hết là mạng lưới điện thoại, bởi Internet hoạt động được hay không là nhờ hệ thống điện thoại với nghi thức TCP/IP mà mỗi máy điện toán có thiết kế sẵn. Do đó, ”Mạng Lưới Truyền Thông Hoàn Cầu” này sẽ không tác dụng một khi hệ thống điện thoại ngưng hoạt động.

Internet:

”Mạng Lưới Truyền Thông Hoàn Cầu” là do sự nối kết hàng loạt máy điện toán với nhau. Sự nối kết không chỉ ở trong một phạm vi nhỏ như một cơ sở thương mại, nhà máy, trường học, mà bao trùm khắp nơi qua mạng lưới điện thoại để làm từ một công việc tầm thường như thông tin, liên lạc và sang đến cả lãnh vực an ninh quốc phòng... mà ít tốn kém tiền bạc lẫn thời gian. Sự tiện lợi đó không chỉ giới hạn cho những dịch vụ chuyên môn, cơ quan nhà nước mà ngày hôm nay cá nhân cũng có thể sử dụng được nếu hai đầu máy điện toán nối kết với nhau – Intranet – và gắn máy biến/hoàn điệu (Modem).

Đặc điểm của Internet trên lãnh vực thông tin là mọi người cùng một lúc có thể trao đổi với nhau ở nhiều nơi, mà chỉ cần chịu khó ngồi viết trước máy điện toán. Sự tiến bộ của Internet và với thành công của WEB, người ta còn có thể ”hội đàm bằng hình qua máy điện toán” (Videokonferanse). Ngoài những việc miễn phí thông thường khác như tìm tòi dữ kiện, đọc tin tức, trang hướng dẫn, còn có CHAT, đi dạo miễn phí tới những cửa hàng trên những trang quảng cáo và nếu cần bạn đặt hàng, thanh toán tiền bạc trên net để tiết kiệm thời giờ cho chuyện khác.

Sự phổ thông này có được, phần lớn là do sự tiến bộ không ngừng của ngành viễn thông. Để cụ thể, chúng ta nhìn lại qúa trình phát triển mạng lưới điện thoại. Cấu trúc ban đầu là nối máy với tổng đài địa phương, rồi từ mỗi địa phương nối lại với nhau. Kế tiếp là mạng lưới điện thoại của nhiều quốc gia nối kết để có đường giây viễn liên. Một thành công khác của khoa học kỹ thuật không gian, qua vệ tinh Satelite, trạm phóng tín hiệu đã khai thông được những cách trở không gian. Từ đó, ta lại thấy máy điện thoại di động (mobiltelephone) không giây, và thập niên 80 là thời điểm của máy điện thư (telefax) để chuyển tài liệu và hình ảnh... Không bao lâu, bước sang thời điểm của máy điện toán. Máy điện toán được nối kết qua kỹ thuật chuyển biến những tín hiệu từ máy điện toán sang âm hiệu bằng máy biến/hoàn điệu để có thể chuyển dữ kiện.

Trước đây cấu trúc của máy điện toán khác nhau, thí dụ như hệ thống truyền tin bằng e-mail VM/CMS của IBM khác với VAX của Digital hay UNIX. Do đó người ta đã quy ước với nhau một số cấu trúc chung để làm cùng một công việc chuyển nhận thư dễ dàng: SMTP (Simple Mail Transfer Protocol). Nghi thức đơn giản chuyển vận thư này đã giải quyết cảnh "bất đồng ngôn ngữ" của các hệ máy điện toán.

Các chuyên viên nỗ lực hoàn chỉnh phát minh IP/NG (Next Generation) - "Thế hệ kế thừa" để thay thế TCP/IP làm nhiệm vụ gói các "bưu kiện" điện tử, phân chia theo dạng dữ kiện, âm thanh, video hay bưu phẩm để nâng cao phẩm chất thông tin đa dạng trên mạng lưới hoàn cầu. Tóm lại, Intenet có thể được hiểu như là:

- Mạng lưới điện toán vĩ đại.

- Một xã hội tín liệu gồm có nha bưu điện, thư viện, chỗ hẹn hò, nơi giải trí, tạp chí, nhật báo, trung tâm thương mại...



World Wide Web:
World Widw Web thường viết tắt là WWW hay gọi là W3, được phát minh bởi nhóm nghiên cứu CERN Thụy Sĩ. Đây là một chương trình trên Internet, tựa như Windows trên Dos. Trong chương trình này được phân nhóm: Vertmaskin và klientsmaskiner - Máy chính/chủ và máy phụ/khách. Máy chủ là bộ phận lưu trữ dữ kiện được tiếp thị rộng rãi đến người đọc, tức khách hàng trên các trang Web, và máy khách là bộ phận tiếp nhận những dữ kiện từ W3, được trình bày thẩm mỹ trên trang Web.

Chức năng của WWW là thiết lập những dạng dữ kiện được xếp đậy đằng sau những biểu đồ hay loại chữ đặc thù hypertext (khác màu) bằng nghi thức HTTP (Hyper Text Transfer Protocol)... Người sử dụng chỉ cần dùng mũi tên bấm vào các hypertext. Với hình thức dây chuyền những dữ kiện lần lượt được kéo ra trên màn ảnh, có thể là hình ảnh, bài viết hay âm thanh nằm dưới dạng như GIF (về grafic), AVI (về audio video), AU (về âm thanh), MPG (về motion picture - phim ảnh), TXT (về text, chữ)...

E-mail:

Hay còn gọi là "Thư điện tử" (elektronisk post). E-mail là một trong những ưu điểm khác của Internet mà người sử dụng dễ dàng trao gửi một lời nhắn nhủ hay cả một pho tài liệu. E-mail gần như trở thành một phương tiện truyền thông hết sức "dân chủ" vì không phụ thuộc vào các nhà nước độc tài "thao túng". Mỗi người có thể thuê hay mở những hộp thư, trương mục miễn phí (account) trong trạm lưu trữ hay tạm gọi là "Nha Bưu Điện Tử". Thân chủ sẽ nhận được địa chỉ và chìa khóa thùng thơ (mật mã) để kín đáo trao đổi những thấm kín ấm ức mà không sợ bị tiết lộ danh tính.

Việc chuyển nhận thư trên Internet, như đã trình bày, được quy định theo cấu trúc Simple Mail Transfer Protocol (Nghi Thức Đơn Giản Chuyển Vận Thư). Nhờ vậy mà việc chuyển nhận thư trở nên đơn giản như... tên gọi của nghi thức, nhất là không còn là một "tháp Babel" trong cảnh bất đồng ngôn ngữ của những máy điện toán khác hệ.

Theo thông lệ địa chỉ E-mail có dấu hiệu @. Tiếng Na Uy đọc là "krøll alfa", còn gọi "snabel-a" hoặc "kanelbolle" - tiếng Việt gọi là "a-quăn". Những người sử dụng thành thạo Internet gọi dấu @ đó theo Anh ngữ là "at" và dấu chấm theo sau là "dot".

Sự phát triển này đã là mối đe dọa lớn cho dịch vụ chuyển thư cổ điển của Nha bưu điện. Trong khi đó với khả năng vận chuyển dữ kiện trong thời gian từ vài giây đến vài tiếng đồng hồ tùy thuộc vào "bưu kiện" nhẹ hay nặng và còn đính kèm âm thanh hình ảnh. So với một lá thư với bao tem và sau vài ngày mới đến tay người nhận, qủa anh bưu điện "In-tờ-giấy" khó lòng cạnh tranh với người em "In-tờ-nét".

News/Usenet:

Khác với WWW qua việc phổ biến những dữ kiện sẵn có thì News/Usenet đóng vai "điều khiển chương trình đề bạt" trên một diễn đàn hoàn cầu để mọi người đóng góp ý kiến, trao đổi quan điểm, bình luận thời sự, cố vấn kỹ thuật hay bàn chuyện phiếm, tìm bạn tâm đầu... với trên dưới 10 ngàn nhóm, và với muôn vạn đề tài sôi nổi cho mọi thành phần, tuổi tác, trình độ. Như vậy News-grupper hay còn gọi là Usenet trên thực tế không có nghĩa là "cơ sở thông tin" cung cấp tin tức như nghĩa News trong Anh ngữ. News-grupper và những "thông điệp" không tập trung vào một cứ điểm nào, nhưng được "phúc đáp" hay một cách dễ hiểu là sao chụp lại giữa hàng ngàn các News-servere (trạm lưu trữ) trên thế giới bằng một nghi thức vận chuyển chung được gọi tắt là NNTP (Network News Transport Protocol). Như ở Na Uy có Schibsted Nett, EUnet Norge, Netcon... mà ta có thể tìm qua dạng địa chỉ như của Eunet: News.eunet.no, hay Schibsted: news.sn.no. Riêng EUnet có "quan hệ ngoại giao" với 5200 mạng lưới. Thông thường các trạm lưu trữ sao chụp và lưu giữ mà người sử dụng có thể vào để coi như vô thư viện. Khác với E-mail thì được giữ kín trong hộp thơ địa chỉ riêng mà không ai vào đọc nếu không có "chìa khóa hộp thơ". Trong thư viện điện tử quốc tế đó còn được phân chia thành nhiều loại nhóm hội thoại chuyên đề để thích ứng với mọi thành phần, chẳng hạn:

- ALT: Alternative newsgroups - Nhóm "Tả Pí Lù", tự mình tổ chức nhóm riêng để trao đổi mọi lãnh vực từ A đến Z.

- COMP: Computer newsgroup - Nhóm điện toán, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về lãnh vực điện toán, nhu liệu.

- REC: Recreation newsgroup - Nhóm giải trí, trao đổi thi văn, nghệ thuật và điện ảnh.

- SCI: Science newsgroup - Nhóm khoa học.

- TALK: Talk newsgroup - Nhóm "rao giảng" về tôn giáo, thần học.

- NEWS: News newsgroup - Nhóm sử dụng Internet.

- MISC: Miscellaneous newsgroup - Nhóm "linh tinh", có lẽ vì không "hợp gu" với các nhóm nêu trên. Lâi lâu quy tụ vài chuyện thượng vàng hạ cám để tán gẫu cho vui.

Và dĩ nhiên còn vô số các nhóm khác.

Phần kết:

Vì nhu cầu thông tin mỗi ngày gia tăng và để bắt kịp đà thăng tiến của các lãnh vực: khoa học, điện tử, kinh tế, chính trị, quân sự... nhờ "Mạng Lưới Truyền Thông Hoàn Cầu" này mà người ta có thể tháp tùng đến mọi nơi để tham khảo, thông tin và liên hệ với nhau trong một thời gian vượt kỷ lục với thành qủa vượt bực. Những sinh hoạt kinh tế đang dần co rút vào địa bàn không biên giới, nhằm thu hút khách hàng mọi nơi trên thế giới, ngay cả nhà băng cũng hiện diện để giúp mọi người thanh toán chi phí bất cứ vào thời điểm nào và ở nơi đâu. Như ở Na Uy, sinh hoạt chính trị cũng được mở rộng địa hạt để bất cứ ai cũng có thể gửi thư thẳng đến chính trị gia, dân biểu Quốc Hội để trình bày quan điểm hoặc tranh luận với họ trong nỗ lực xây dựng xã hội tiến bộ và dân chủ. Trong khi đó, tại Việt Nam nhà cầm quyền lại tỏ ra lo sợ những "diễn biến hòa bình" qua hệ thống Internet và ngày nay nhà cầm quyền địa phương chính thức thực hiện qui chế về quản lý, cung cấp và sử dụng Internet và yêu cầu các nhà cung cấp Internet (gọi tắt là ISP) phải sử dụng kỹ thuật Logfile nhật ký truy cập, để kiểm soát từ xa tất cả các điểm thuê bao Internet.



Với khả năng giải quyết nhiều vấn đề một lúc như vậy, Internet đã và đang thay đổi bộ mặt sinh hoạt của xã hội, một xã hội "Siêu Xa Lộ Tin Liệu".

Sách tham khảo:

- Min første Internet bok

- Bli kjent med Internett
- Internett for nybegynere

- Internet World Wide Web - Datakommunikasjon

- World Wide Web

NMT www.viet.no
Postet Saturday 28 August @ 00:00 av NMT
< Sửa đổi bởi: Asin -- 31.8.2004 0:00:21 >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9