Chuỗi thời gian
Tra mi 18.06.2007 02:42:59 (permalink)
Thư cho Ba
(nhân ngày lễ dành cho Cha)


Thành phố YUL, 18 tháng 6, 2007

Kính thưa Ba,

Con cầm bút viết thư cho Ba, mà viết được vài dòng lại thôi. Con không biết phải viết gì cho Ba đọc. Con thấy nhớ nhà, nhớ bửa cơm với đầy đủ mọi người trong gia đình, nhớ từng đồ vật trong nhà. Nhớ nhất cái bếp nhỏ của Má, nhớ cái bàn làm việc của Ba, nhớ giọng ho khan húng hắng của Ba, nhớ tiếng chuông gọi cửa mỗi lần Ba đi làm về.

Ai ăn kem Foremost không? Hay... ai ăn chè Huế không? … thỉnh thoảng cứ khoảng 7-8 giờ tối, có ai đó thèm ăn quà vặt và làm sang thì hô lên như thế, để rồi hai chị em lại đèo nhau bằng xe đạp chạy tuốt ra ngoài chợ Sàigòn, khu công viên trước dinh Độc Lập, gần nhà thờ Đức Bà để mua chỉ có mỗi hộp kem Foremost 2 lít, hoặc đạp ra chợ Bàn Cờ mua mấy gói chè Huế, về nhà, 4-5 chị em xúm lại, vừa ăn vừa kể chuyện trong lớp, chuyện bạn bè, chuyện thầy cô…

Reng… Reeeeng, Reeeeng. Một ngắn, hai dài. Ký hiệu gọi mở cửa của Ba.

Ba về! Chỉ cần nghe tiếng chuông gọi cửa là những tiếng cười nói ròn rã bỗng biến mất. Đứa vội gom ly, chén lại chạy vào bếp rửa, đứa dọn lau bàn, kéo ghế, đứa chạy xuống mở cửa, đứa thì vội biến mất trên lầu ba hay lủi vô phòng đóng kín. Ba về, nhà tự nhiên không có một tiếng nói. Im vắng làm sao. Có người mà như không có ai.

-      T. đi mua cho Ba miếng chả quế, mua cho ba gói thuốc lá Sông Hương luôn.
-        Dạ.
-        Má đâu?
-        Dạ, má đi đổi gạo rồi Ba.

Đáp lời xong, con lấy xe đạp chạy ra góc đường Nguyễn Thiện Thuật và Phan Đình Phùng mua gói thuốc lá Sông Hương, cầm gói thuốc lên hít hít xem nó có mùi mốc hay không, trả tiền. Rồi đạp xe qua rạp hát Long Vân, vô ngỏ, dừng lại trước tiệm bán giò lụa quen thuộc: “Bác bán cho con nửa ký chả quế.” Xong, đầy đủ những thứ mà Ba cần, con vội đạp xe về để chuẩn bị cho Ba ăn bửa cơm tối.

Ba lặng lẽ ăn một mình. Bửa cơm của Ba không cầu kỳ, chỉ có dĩa rau muống luộc, miếng chả lụa, và đĩa nước mắm nguyên chất nhỏ. Bửa cơm nào của Ba cũng phải có đĩa nước mắm nhỏ đó. Ba ăn cơm không thể thiếu nước mắm. Thỉnh thoảng Ba vừa uống bia và ăn cơm. Cũng chỉ có một mình một bóng. Con ngồi học kế bên, lâu lâu lại lén nhìn Ba ăn cơm, học mà tai cứ vểnh ra, chỉ chực chờ xem Ba có sai bảo làm cái gì không.

Chị Tư nói mỗi khi nhìn Ba ăn cơm, chị thương Ba nhiều lắm. Con cũng thấy vậy. Những giận hờn Ba biến mất những khi nhìn Ba ngồi một mình với điếu thuốc, ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Con có cái may mắn, giường ngủ được kê gần phòng của Ba, nên những đêm khuya ba ngồi làm việc, những lần Ba mở đài Hà nội, những lần bắt đài BBC hay đài VOA nghe tin tức. Trong đêm khuya, tiếng hát chèo vọng ra từ cái radio cũ mèn kêu xè xè của Ba ru con ngủ. Những gì Ba nghe, con đều có cái vinh dự được nghe cùng Ba. Con biết yêu hát chèo, biết yêu tiếng thơ ngâm, biết yêu những bài hát yêu nước, đó là nhờ Ba. Con biết đọc truyện chưởng, đọc sách học làm người, cũng do từ Ba mà ra. Chính vì gần Ba nhất, chính vì “được việc” nhất trong nhà, nên con lại là đứa được chọn lựa để phải xa nhà sớm nhất.

Con còn nhớ ngày giỗ một năm nào đó, thật lâu lắm rồi, Ba kêu tụi con ra đứng xếp hàng trước bàn thờ Ông Bà. Ba dẫn từng đứa một ra đứng trước bàn thờ, trên chiếc chiếu hoa có chử Hỷ đỏ chói, Ba đốt bó nhang, phẩy phẩy cho tắt lửa, rồi chỉ cho con cách cầm nhang để cao ngang tầm mắt, rồi dạy con lời khấn, rồi dạy con cách quỳ lạy sau cùng trước khi chấm dứt phần cúng vái Ông Bà. Từng đứa một, Ba đều bắt phải làm y như vậy. Từng đứa một, Ba tận tay sửa nắn cách cầm nhang, cách quỳ xuống khấn vái của tụi con. Những ngày giỗ nhà thường tập họp đông đủ các bác, các cô, chú và anh chị em họ hàng đều về họp mặt đông đủ. Má là người cực nhất, vì phải quần quật cùng các cô, các thím lo nấu nướng. Ba là người vui và nói nhiều nhất vào những dịp như thế. Con thích nhất những ngày ấy, vì chỉ có những ngày đó mới thấy Ba cười nói, mà Ba hay nói về những câu chuyện xa xưa của ông bà, của những người thân thuộc trong họ hàng. Năm nào Ba cũng kể, câu chuyện nghe nhiều lần đến thuộc lòng.
 
Con còn nhớ lần cuối thứ nhất, Ba ôm con hôn lên trán – ngày con vượt biên. Lần cuối thứ hai, Ba cũng ôm con mà hôn lên trán trong vòng tay xiết chặt cứng cáp - ngày cuối đời của Ba. Đám con xa nhà, từ mọi nẻo trở về, về như đàn ong vội vả bay về tổ, quy tụ dưới chân Ba. Hôm đó, mắt Ba sáng rực niềm vui, cái miệng móm của Ba cười sung sướng. Ba chắc không ngờ chúng con lại về đông đủ như vậy.  Những ngày cuối của Má, thiếu bóng chị Hai. Nhưng những ngày cuối của Ba, thật đông đủ mọi người.

Ở tuổi già, Ba lại thích trồng cây. Nhà tự nhiên có chậu hoa Lài thật bự. Đang ngồi chơi trong phòng khách, tự nhiên Ba đi vô với nhánh Lài trên tay. Ba cắm bông vào cái tách nước. Chẳng nói gì, Ba lại đi ra. Mấy chị em nhìn nhau. Ba yêu thích hoa Lài hồi nào? Chưa hề thấy Ba nói Ba thích hoa.

Ngồi ăn cơm, con được xếp ngồi gần Ba, con vui lắm. Con gắp miếng thịt lớn nhất bỏ vào chén cho Ba, nhưng răng Ba rụng hết rồi, Ba không ăn thịt được, con lại vội chan miếng canh cho Ba, Ba không ăn mà cứ nói: “Sao các con không ăn đi, Ba chưa đói.” Chẳng đứa nào dám cầm đủa lên, mấy chị em ngó nhau, rồi lại nhìn Ba. Không ai buồn ăn cơm, vì bao năm xa cách - cha con xa cách, chị em cách xa - lần hội ngộ ấy, dễ gì mà có được bửa gặp mặt đầy đủ khi mà đời sống lôi tuột mỗi đứa một nẻo trời.

Vào đời, con đã không vấp phải sa ngã cũng nhờ Ba nhiều lắm. Ra đời, con mới nghiệm được nhiều điều, mà không có ai dạy cho con biết được, ngoại trừ Ba ra. Hồi còn ở nhà, mỗi khi bị Ba mắng, Ba la, con tức lắm, và tự hỏi sao Ba ghét chúng con như vậy. Ba hay la, Ba nghiêm nghị, Ba không gần gũi chúng con nhiều. Nhưng đến khi ở giữa chợ đời, con mới thấy thấm cái tính nết khó khăn đó của Ba. Rồi chính con là người đã áp dụng cái tính cứng rắn đó vào đời mình lúc nào không hay. Những lúc con yếu đuối nhất, lại là những lúc con cần Ba nhiều nhất. Những khi ấy, con biết ơn Ba nhiều lắm Ba ơi. Những lúc khốn khổ, con lại tự nhủ: “Can đảm lên T. ơi, cố gắng lên”. Rồi con chợt gọi: “Ba ơi!”. Có những lúc nhìn hình Ba với Má, Ba Má đẹp đôi lắm. Đôi mắt một mí sắt như dao cau với gương mặt vuông chữ điền rất nam tính của Ba. Đôi mắt ánh nét nhìn ngây thơ của Má, con tự hỏi: Ba Má có hạnh phúc không? Con không thấy. Con chỉ thấy Ba Má cực khổ cả đời, để rồi khi xuôi tay, người về với cát bụi chỉ mang theo mảnh vải trên thân, một tiếng thơm cho đời.

Ba biết không, hồi giải phóng vô, chúng con khốn khổ, vì bị bạn bè khinh ghét. Khi chưa biết chuyện, tụi con ai cũng có cả lô bạn cười nói vui vẻ. Vậy mà khi “khám phá” ra con có người cha nằm vùng, làm Cách Mạng, là cán bộ thì thái độ của họ xoay vòng 180 độ. Ngoài sân chơi, con đã từng bị một người bạn quay lại nhổ nước miếng vào mặt. Con tức, tự hỏi, Ba con làm cách mạng vì ông ấy yêu nước là chuyện của ông, đâu phải chuyện của con, sao lại ghét con? Và cũng từ đó con không còn bạn bè. Nhưng mà, Ba ơi, con không có buồn vì có người cha như Ba đâu. Con hãnh diện là đằng khác. Con rất hãnh diện vì Ba, Ba của con. Con nghĩ, người đời có quyền gì mà chửi, mà có chửi cũng chả sao, mỗi người một cách nhìn, mỗi người có sự suy nghĩ, mỗi người có cách thể hiện lòng yêu nước khác nhau. Có bao nhiêu người có người Cha bị tù đày vì yêu nước? Có bao nhiêu người có người cha mà hằng tháng phải nai lưng quần quật làm việc, đổ hết tâm huyết để nuôi sống một cơ sở cho Cách Mạng? Người đời chửi Ba cũng nhiều, nhưng mấy ai biết được, cán bộ như Ba cũng phải bương trãi, ngoi ngóc đề tồn tại khi mà các thế lực đang tranh giành và người như Ba, có thể “chết” bất cứ lúc nào. Không ai biết được nổi lo âu của Ba hằng đêm ngồi miệt mài bên bàn giấy. Chỉ có con nhìn thấy điều ấy.

Con của Ba không giỏi giang bằng Ba. Con của Ba chỉ biết sống an phận mà thôi. Con có nhiều cao vọng, nhưng con đã để trôi tất cả mà chỉ giữ được một điều. Làm người chân chính. Nói dễ - làm khó, câu ấy thực nghiệm với con lắm. Con băn khoăn, trăn trở hoài với cái đích của mình. Để rồi nhiều khi, bất chợt nhìn lại mình, con thấy mình là một kẻ tàn nhẫn. Rồi con đau khổ Ba ơi. Đau khổ vì chính người thân của mình, không ai hiểu được con. Đau khổ, vì con không có cái tính thích đính chính sự việc. Con biết con cứng đầu, và bướng cũng như Ba. Ai cũng nói con giống Ba.

Thời gian trước khi mất, Ba hỏi: “Các con có cần gì ở Ba nữa không?”. Con đã mạnh miệng nói: “Không, con không cần Ba làm điều gì hết, Ba đừng lo cho tụi con, tụi con lớn hết rồi”. Ba im lặng một lát rồi nói: “Giỏi, các con giỏi!”. Từ đó Ba không hỏi nữa. Nhưng Ba biết không, con biết con sai. Đến khi Ba mất, con đã phải thốt lên: “ Ba ơi, con cần Ba, con cần Ba lắm, Ba biết không?” Con ứa nước mắt khi nhớ điều này. Con khóc, và thấy con vẫn là đứa con bé nhỏ của Ba. Sống xa nhà, xa Ba, nhưng Ba vẫn còn đó để lâu lâu con còn nghe tiếng Ba nói qua điện thoại, lâu lâu còn đọc được thư Ba với những dòng chữ thật thân quen. Bây giờ Ba mất, có muốn nghe tiếng Ba nói cũng không nghe được, có muốn đọc thư Ba cũng không có mà đọc. Ba đi gặp Má.

Xin chờ con với. Chờ con làm xong bổn phận của mình với những người còn lại. Nhiều khi con thấy sao trách nhiệm của Ba Má giao cho con nó nặng nề quá. Hai vai con gánh chừng nào mới xuể được. Có lúc con thấy con bị đối xử bất công lắm. Nhưng rồi lại thấy, con người sinh ra đã có số mệnh, cái số của mình phải thế thì đành chấp nhận nó thôi. Con không dám oán trách ai, bởi vì con đã được chọn lựa để làm nhiệm vụ đó. Con biết, ngày nào khi đã hoàn tất nhiệm vụ, con sẽ được gặp lại Ba, gặp lại Má, ngày đó con sẽ không còn đau khổ trong tâm, sẽ không còn vướng bận về những người còn lại.

Xin tha lỗi cho con, nếu như khi còn sống, con đã không làm Ba Má vui lòng. Xin tha thứ cho con, nếu như trách nhiệm Ba Má giao cho con, con chỉ làm được chút ít. Xin tha thứ cho con, nếu con có sai sót. Xin tha thứ cho con, nếu như con có làm mất mát điều gì.

Ngoài trời bổng đổ mưa, cơn mưa hạ xối xả rơi nặng hạt.

Thư đã dài, con ngưng nha Ba. Thương Ba nhiều.

Con của Ba.

M.T.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.06.2007 02:45:38 bởi Tra mi >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9