Ung Thư Máu (hoại huyết)
Ngọc Trân 24.06.2007 02:08:12 (permalink)





Ung Thư Máu (hoại huyết) Leukemia

Nhiều tác giả

Dịch giả : Bác sĩ Trần Lý Lê




Ung thư bắt đầu từ tế bào. Bình thường, tế bào tăng trưởng và sinh ra những tế bào mới khi cần thiết; khi già đi, tế bào chết, và những tế bào mới thay thế. Khi tiến trình thay đổi này bị đảo lộn, tế bào mới thành hình trong khi cơ thể không cần đến, hoặc khi tế bào già không chết như đã định, trong cơ thể sẽ mọc ra bướu. Bệnh ung thư máu phát sinh khi tế bào máu sinh sôi hoặc không tự hủy theo một thứ tự định sẵn.
– Tế bào máu (bình thường): xem hình vẽ:






Phần 1: Bạch cầu (white blood cell), phần 2: hồng cầu (red blood cell), phần 3: tiểu cầu (platelet) 
–Tế bào máu thành hình tại tủy (bone marrow), tủy là chất lỏng nằm trong trung tâm của xương, hầu hết xương trong cơ thể đều chứa tủy, không nhiều thì ít. Xem hình vẽ:









–Tế bào máu chưa trưởng thành (immature), tạm dịch là tế bào máu non, gọi là "stem cell" (tế bào gốc, loại tế bào có thể tăng trưởng và trở thành một loại tế bào khác) và "blast". Hầu hết tế bào máu"trưởng thành" (dịch tạm từ chữ "mature" có nghĩa là tế bào lớn lên và làm nhiệm vụ của nó một cách bình thường) tại tủy rồi rời tuỷ vào mạch máu. Máu luân lưu qua tim phổi và khắp cơ thể gọi là peripheral blood.
Tủy tạo ra những loại tế bào máu khác nhau, mỗi loại có một nhiệm vụ riêng biệt:
- Bạch huyết cầu (bạch cầu, white blood cell): trừ nhiễm trùng
- Hồng huyết cầu (hồng cầu, red blood cell): đưa dưỡng khí (oxygen) đi khắp mọi mô, bộ phận trong cơ thể
- Tiểu cầu (platelet) giúp máu đông thành khối để ngừng chảy máu.




A. Tế bào máu bị ung thư (leukemia cell):


Khi bị bệnh ung thư, tủy tạo ra những bạch cầu bất thường gọi là leukemia cell. Lúc đầu, những bạch cầu này làm việc gần như bình thường (almost normal), nhưng sau đó, với đà sinh sản nhanh chóng sẽ lấn chỗ những tế bào máu bình thường như bạch cầu, hồng cầu, và tiểu cầu, khiến những tế bào này không thể làm việc bình thường nữa.


Những loại ung thư bạch cầu:


Ung thư bạch cầu được xếp loại từng nhóm theo mức độ sinh sản của tế bào và mức độ trầm trọng của sự ung hoại. Ung thư bạch cầu thường là "kinh niên" (chronic, ung hoại chậm) hoặc "cấp tính" (acute, ung hoại nhanh chóng):


Ung thư bạch cầu kinh niên (chronic leukemia): Lúc mới phát bệnh, bạch cầu còn duy trì được nhiệm vụ tương đối bình thường, và người bệnh thường không có triệu chứng. Từ từ, ung thư trở nên trầm trọng và gây ra triệu chứng khi lượng bạch cầu bất thường gia tăng.
Ung thư bạch cầu cấp tính (acute leukemia): Bạch cầu hoàn toàn bất thường, không còn làm nhiệm vụ của nó, lượng bạch cầu bất thường gia tăng rất nhanh và bệnh trạng trở nên trầm trọng mau chóng.
Ung thư bạch cầu còn được xếp loại theo loại bạch cầu bị ung hoại; ung thư bạch cầu có thể khởi thủy từ tế bào gốc lymphoid hoặc myeloid. Loại ung thư bạch cầu lymphoid gọi là lymphocytic leukemia, loại ung thư bạch cầu myeloid gọi là myeloid leukemia hoặc myelogenous leukemia.


Có 4 loại ung thư bạch cầu thường thấy:


Chronic lymphoblastic leukemia (CLL): Khoảng 7 ngàn bệnh nhân mới hàng năm tại Hoa Kỳ (new cases per year), bệnh nhân từ 55 tuổi trở lên và hoàn toàn không ảnh hưởng đến trẻ em. Chronic myelogenous leukemia (CML): Khoảng 4,500 bệnh nhân mới tại Hoa Kỳ mỗi năm, và thường thấy ở người lớn. Acute lymphoblastic leukemia (ALL): Khoảng 3,800 bệnh nhân mới mỗi năm. Đây là loại ung thư thường thấy nhất tại trẻ em. Acute myelogenous leukemia (AML): khoảng 10,600 bệnh nhân mới tại Hoa Kỳ mỗi năm, loại ung thư này tìm thấy tại trẻ em và người lớn. Hairy Cell leukemia là loại ung thư bạch cầu kinh niên rất hiếm, chương sách này không đề cập đến những loại ung thư bạch cầu hiếm hoi, nếu quý vị cần tin tức, xin liên lạc với The Cancer Information Services(1-800-4-CANCER).


B. Dù không biết rõ nguyên nhân gây ung thư bạch cầu, nhưng giới Y học đã tìm ra một số yếu tố làm gia tăng tỷ lệ ung thư gọi là risk "factors"(yếu tố có thể gây ung thư):


Bị nhiễm phóng xạ nặng: Lượng phóng xạ cao (có thể) gây ung thư bạch cầu thường do việc nổ bom nguyên tử (Thế Chiến II tại Nhật) hoặc từ những tai nạn ở những trung tâm nguyên tử lực (Chernobyl 1986). Quang tuyến trị liệu cũng có thể là nguồn gốc của sự nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, quang tuyến dùng vào việc chẩn bệnh ít gây nhiễm phóng xạ vì lượng quang tuyến được sử dụng thường rất thấp.
Hóa chất: khi làm việc trong môi trường sử dụng loại hóa chất như benzene, formaldehyde có thể gây ung thư bạch cầu. Hai loại hóa chất này dùng nhiều trong kỹ nghệ, nhất là kỹ nghệ hóa chất.
Hóa chất trị liệu: Những hóa chất dùng trong việc chữa trị ung thư có thể gây ung thư bạch cầu nhiều năm về sau, loại hóa chất như "alkylatingagent". Bác sĩ vẫn sử dụng những loại hóa chất này trong những loại ung thư khó chữa với hy vọng giữ mạng sống cho người bệnh (hiện tại). Nếu bệnh nhân qua cơn bệnh (in remission) và sống sót, ta có thể lo lắng đến biến chứng nhiều năm về sau (trong tương lai), và khi ấy, có thể Y học đã tìm ra những phương cách chữa trị mới. Down syndrome và vài bệnh di truyền khác với những nhiễm thể bất thường có thể gia tăng tỷ lệ ung thư bạch cầu Human-T-cell leukemia virus-I (HTLV-I): loại vi khuẩn này gây ra một loại ung thư bạch cầu kinh niên rất hiếm gọi là human T-cell leukemia. Dù vi khuẩn có thể truyền nhiễm, bệnh ung thư bạch cầu do vi khuẩn này gây ra không truyền sang người khác. Myelodysplastic syndrome: bệnh nhân với chứng bệnh này có tỷ lệ ung thư bạch cầu, loại acute myeloid leukemia rất cao. Trước đây, đã có một vài tài liệu cho rằng điện từ trường (electromagneticfield) có thể liên quan đến ung thư bạch cầu. Điện từ trường là mộtl oại quang tuyến với năng lực thấp xuất phát từ điện lực (power lines hoặc những vật dụng chạy bằng điện). Tuy nhiên, giả thuyết này đã được chứng minh là "thiếu căn bản".


C. Triệu chứng:


Như tất cả mọi loại tế bào máu, ung thư bạch cầu cũng luân lưu khắp cơ thể. Tùy theo có bao nhiêu tế bào ung thư bạch cầu và những nơi mà tế bào ung thư này tích tụ lại, bệnh nhân có thể có rất nhiều triệu chứng. Những triệu chứng thường thấy như:


Sốt hoặc tháo mồ hôi vào ban đêm Nhiễm trùng thường xuyên Yếu sức, mệt mỏi Nhức đầu Chảy máu hoặc dễ bị bầm tím (nướu răng rỉ máu khi đánh răng, những vết bầm tím hoặc những vết đỏ lấm tấm trên da) Đau trong xương hoặc khớp xương Bụng trướng hoặc khó chịu (vì lá lách sưng trướng) Hạch bạch huyết sưng tấy, nhất là tại cổ và nách Xuống cân Những triệu chứng này không nhất thiết là do chứng ung thư bạch cầu gây ra, sự nhiễm trùng cũng có thể tạo ra triệu chứng tương tự. Tuy nhiên, cần đi bác sĩ để thử nghiệm tìm nguyên nhân. Khi những chứng ung thư bạch cầu mới phát, thường không gây triệu chứng gì, vì vậy nên bác sĩ thường tìm ra bệnh ung thư bạch cầu kinh niên khi khám bệnh thường niên, và trước khi bệnh nhân có triệu chứng của bệnh. Khi triệu chứng xuất hiện, bệnh tình thường là rất nhẹ nhưng sau đó dần dần trở nên trầm trọng.


Với chứng ung thư bạch cầu cấp tính, triệu chứng xuất hiện và bệnh trở nên trầm trọng nhanh chóng. Bệnh nhân thường đi khám bệnh vì họ không được khoẻ, và thường ói mửa, lẫn, mất sự kiểm soát bắp thịt, cử động không theo ý muốn và đôi khi làm kinh. Tế bào ung thư đôi khi tích tụ trong dịch hoàn gây sưng và đau đớn. Một số ít bệnh nhân có những vết lở trong mắt hoặc trên da. Tế bào ung thư có thể ảnh hường đến bộ phận tiêu hóa,thận, phổi hoặc những bộ phận khác trong cơ thể.


D. Chẩn bệnh:


Ngoài việc lập bệnh sử và khám tổng quát, bác sĩ có thể dùng nhiều loại thử nghiệm:


Khám bệnh: Bác sĩ dò tìm sự sưng trướng tại lá lách, hạch bạch huyết và gan Thử máu: Ung thư tạo ra một lượng bạch cầu rất cao, gây ra thấp tiểu cầu và thấp hemoglobin (trong hồng cầu), thử máu để dò tìm dấu vết của ung thư tại gan hay thận. Trích mô (sinh thiết): Bác sĩ lấy tủy từ xương hông hoặc những xương lớn khác trong cơ thể. Sinh thiết là cách thử nghiệm chính xác nhất để tìm ung thư bạch cầu tại tủy xương. Có hai cách để bác sĩ lấy tủy, một số bệnh nhân sẽ cần cả 2 cách lấy tủy: Hút tủy (bone marrow aspiration): Bác sĩ dùng kim để hút ra một ít tủy Lấy tủyvà xương (bone marrow biopsy): Bác sĩ dùng một kim lớn lấy tủy và cả một mảnh xương. Bác sĩ dùng thuốc tê để giúp bệnh nhân không cảm thấy đau đớn khó chịu khi lấy tủy. Cytogenetics: Thử nghiệm nhiễm sắc thể (chromosome) từ máu, tủy hoặc hạch bạch huyết Lấy nước não tủy (spinal tap): Bác sĩ lấy nước não tủy (cerebralspinalfluid) qua khoảng cách giữa các đốt xương sống để tìm tế bào ung thư bạch cầu trong não bộ Quang tuyến phổi



E. Chữa trị:


1. Sửa soạn việc chữa trị & Ý kiến thứ nhì (Second Opinion): xem phần tổng quát tại "Những Điều Cần Biết Về Ung Thư"
Ngoài những câu hỏi tổng quát, bệnh nhân nên hỏi bác sĩ những câu riêng về ung thư bạch cầu, chẳng hạn như:


Tôi bị loại ung thư bạch cầu nào? Cách chữa trị ra sao? Tôi có sự lựa chọn nào không? Bác sĩ đề nghị cách chữa trị nào? Tại sao? Các cách chữa trị khác nhau ra sao? Biến chứng ra sao? Có loại thử nghiệm y tế cho loại ung thư bạch cầu tôi bị hay không? Bác sĩ có thể giúp tôi tìm kiếm? 2. Cách chữa trị sẽ tùy theo loại và phạm vi của ung thư, bác sĩ có thể dùng một hoặc nhiều cách chữa trị. Khi lá lách sưng trướng, bác sĩ có thể sẽ cần cắt bỏ lá lách.
Bệnh nhân với loại ung thư bạch cầu cấp tính sẽ cần được chữa trị ngay; mục đích của việc chữa trị là đưa bệnh nhân trở lại tình trạng "bình thường" (remission). Sau đó, khi các triệu chứng thuyên giảm, việc chữa trị sẽ nghiêng về việc ngăn ngừa bệnh tái phát, loại chữa trị này gọi là maintenance therapy. Bệnh nhân bị loại ung thư bạch cầu cấp tính có thể sẽ lành bệnh.
Bệnh nhân bị loại ung thư bạch cầu kinh niên thường không có triệu chứng và không cần được chữa trị ngay. Bác sĩ có thể đề nghị việc theo dõi cẩn thận bệnh trạng với một vài loại ung thư kinh niên và chỉ bắt đầu chữa trị khi triệu chứng trở nên trầm trọng. Việc chữa trị thường làm giảm triệu chứng, nhưng thường không dứt hẳn chứng ung thư bạch cầu kinh niên. Bệnh nhân đôi khi cần maintenance therapy để ngừa bệnh tái phát.


3. Hóa chất: Hầu hết bệnh nhân bị ung thư bạch cầu đều được chữa trị bằng hóa chất, để diệt tế bào ung thư. Tùy theo loại ung thư, cách chữa trị có thể một (single agent) hoặc nhiều loại hóa chất dùng chung với nhau (combination therapy). Hóa chất được đưa vào cơ thể bằng nhiều cách:

Thuốc uống Thuốc chích vào tĩnh mạch Thuốc chích qua một ống nhựa (catheter): Khi bệnh nhân cần được chích thuốc nhiều lần trong nhiều ngày, bác sĩ sẽ đặt một ống nhựa tại ngực nối với một tĩnh mạch lớn trong cơ thể. Ống nhựa này giúp bệnh nhân dễ chịu hơn. Thuốc chích vào nước não tủy: Khi bác sĩ tìm thấy tế bào ung thư trong nước não tủy, bác sĩ sẽ cần đưa hóa chất vào khoang não tủy (the space surrounding cerebrum & spine) gọi là intrathecal chemotherapy. Thuốc uống hoặc thuốc chích qua tĩnh mạch thường không đến khoang não tủy vì hệ thống mạch máu bao quanh não bộ và tủy sống tạo thành một màng ngăn (blood-brain barrier) và "lọc" đi những hóa chất. Bác sĩ có thể dùng một trong hai cách sau:

1. Chích vào khoang tủy sống (phần dưới cùng của cột sống)

2. Đặt ống Ommaya reservoir: Một loại ống nhựa đặc biệt nối với khoang não bộ (đặt dưới da đầu, qua xương sọ). Hóa chất được dùng theo định kỳ: Một thời gian chữa trị, nghỉ ngơi, rồi chữa trị tiếp. Tùy theo loại hóa chất và tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân, bệnh nhân có thể được chữa trị tại văn phòng bác sĩ hoặc tại bệnh viện. 

3. Bệnh nhân bị ung thư bạch cầu loại chronic myelogenous leukemia, CML được chữa trị với Gleevec (STI-571), loại "targeted therapy" đầu tiên được FDA cho phép bán để chữa CML.


4. Sinh hóa trị liệu (biological therapy) dùng trong một vài loại ung thư bạch cầu. Loại chữa trị này gia tăng sức đề kháng của cơ thể để chống lại ung thư, thường là thuốc chích vào tĩnh mạch. 

5.Một số bệnh nhân bị ung thư bạch cầu loại chronic lymphocytic leukemia, CLL, được chữa với monoclonal antibody, dùng sức đề kháng của cơ thể để diệt tế bào ung thư trong máu và trong tủy xương Một số bệnh nhân bị ung thư bạch cầu, loại CML, được chữa trị với interferon, giảm sự tăng trưởng của tế bào ung thư. 5. Quang tuyến dùng năng lượng cao để đốt tế bào ung thư. Hầu hết mọi bệnh nhân bị ung thư bạch cầu đều được chữa trị với quang tuyến chiếu thẳng vào lá lách, não bộ và những bộ phận khác nơi tế bào ung thư tích tụ. Một số bệnh nhân cần chữa trị toàn thân (total-body irradiation) trước khi được ghép tủy (bone marrow transplantation). Bệnh nhân được chữa tại bệnh viện hoặc trung tâm quang tuyến trị liệu.

6. Ghép tế bào gốc (stem cell transplantation): Một số bệnh nhân được chữa trị với tế bào gốc.  Với cách chữa này, bệnh nhân có thể chịu đựng một lượng hóa chất, một lượng quang tuyến rất cao hoặc cả hai thứ trị liệu. Lượng hóa chất hay quang tuyến cao sẽ hủy hoại tất cả mọi tế bào máu, tế bào ung thư và cả tế bào bình thường tại tủy xương. Sau đó bệnh nhân được tiếp tế bào gốc, những tế bào gốc này sẽ tăng trưởng và trở thành những tế bào máu bình thường. Có nhiều cách ghép tế bào gốc:

Ghép tủy: Tế bào gốc đến từ tủy Ghép tế bào gốc từ máu (peripheral stem cell transplantation) Ghép máu từ cuống nhau (umbilical cord blood transplantation): Trẻ em không có người hiến tủy phù hợp, bác sĩ có thể dùng tế bào gốc lấy từ máu trong cuống nhau (umbilical cord blood) của một trẻ sơ sinh. Đôi khi máu từ cuống nhau được làm đông lạnh để dùng về sau. Dùng tế bào gốc của bệnh nhân để ghép (Autologous stem cell transplantation): Tế bào gốc được lấy ra máu bệnh nhân, hủy diệt tế bòa ung thư nếu có, rồi đông lạnh. Sau khi bệnh nhân được chữa trị bằng một lượng hóa chất hay quang tuyến rất cao, tế bào gốc được xả lạnh, và ghép trở lại. Dùng tế bào gốc của người cho (donor) để ghép (Allogeneic stem cell transplantation): người cho có thể là thân nhân hoặc kẻ lạ. Bác sĩ cần thử nghiệm để tìm loại máu phù hợp (match) với bệnh nhân. Dùng tế bào gốc của anh/chị/em song sinh để ghép (Syneneic stem cell transplantation). Sau khi được ghép tế bào gốc, bệnh nhân thường ở tại bệnh viện (cách ly) nhiều tuần lễ để phòng ngừa nhiễm trùng cho đến khi tế bào gốc được ghép bắt đầu tạo ra đủ một lượng bạch cầu.


F.  Biến chứng:


Những phương cách chữa trị ung thư thường gây hư hại cho những tế bào hoặc cả bộ phận bình thường, vì thế nên thường có nhiều biến chứng. Các biến chứng xảy ra tùy thuộc vào nhiều yếu tố, kể cả cách chữa trị. Biến chứng của cùng cách trị liệu có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân, và có thể khác nhau với cùng một bệnh nhân trong những kỳ chữa trị khác nhau.
1. Hóa chất: Tùy theo loại hóa chất và lượng hóa chất được sử dụng biến chứng thường khác nhau. Nói chung, những loại hóa chất chữa ung thư ảnh hưởng đến những tế bào sinh trưởng nhanh chóng trong cơ thể, nhất là những tế bào bạch cầu bị ung thư.  Trong cơ thể bình thường, những tế bào tăng trưởng và sinh sôi nhanh chóng là:

Tế bào máu: Bạch cầu (giúp cơ thể chống lại sự nhiễm trùng), tiểu cầu (làm đông máu), hồng cầu (dẫn dưỡng khí đi khắp cơ thể). Khi tế bào máu bị hủy hoại bệnh nhân thường bị nhiễm trùng, bị xuất huyết (vì máu không đông), và cảm thấy yếu sức, mệt mỏi (vì thiếu máu, thiếu dưỡng khí). Tế bào tại chân tóc: Bị hủy hoại gây rụng tóc. Tóc có thể sẽ mọc trở lại nhưng màu tóc và sợi tóc có thể đổi khác. Tế bào lót bộ phận tiêu hóa (từ miệng đến hậu môn): Bệnh nhân bị lở miệng, môi, tiêu chảy, biếng ăn. Một vài loại hóa chất có thể ảnh hưởng đến việc sinh sản.  Phái nữ có thể bị mất kinh, kinh nguyệt không đều, hoặc tắt kinh và có những triệu chứng do sự tắt kinh như nóng lạnh, khô âm đạo.  Phái nam có thể mất tinh trùng. Những biến chứng này có thể vĩnh viễn, vì thế, một số nam bệnh nhân cần dự trữ tinh trùng bằng cách làm đông lạnh trước khi chữa trị ung thư để sau này có thể tiếp tục việc sinh sản. Phần đông trẻ em, sau khi được chữa trị, lúc khôn lớn không có biến chứng về việc sinh sản.
"Targeted therapy" chỉ ảnh hưởng đến loại tế bào bị "nhắm" đến, tế bào bạch cầu bị ung thư, nên những tế bào khác không bị ảnh hưởng, vì thế Gleevec không gây nhiều biến chứng trầm trọng. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể tạo ra việc "giữ nước", vì thế, bệnh nhân thường bị sưng trướng cơ thể.

2. Sinh hóa trị liệu: Da bị ngứa ngáy, tấy đỏ, sốt, đau bắp thịt, nhức đầu, những triệu chứng tương tự như khi bị cảm cúm (nên gọi là "flu-like") là những biến chứng thông thường.

3. Quang tuyến: Yếu sức, mệt mỏi là những biến chứng thông thường.

4. Ghép tế bào gốc: Khi được chữa trị với một lượng hóa chất và quang tuyến rất cao, các bệnh nhân này thường bị nhiễm trùng, xuất huyết và mất sức trước khi tế bào gốc (được ghép) tăng trưởng và trở thành những tế bào hữu dụng. Ngoài ra, tế bào dùng để ghép (graft) có thể gây phản ứng với cơ thể (graft-versus-host disease, GVHD), nhất là tế bào ghép đến từ người cho. Khi chứng GVHD xảy ra, gan, da, và bộ phận tiêu hóa bị ảnh hưởng, chứng GVHD có thể rất nhẹ (tiêu chảy, da tấy đỏ) hoặc rất trầm trọng (viêm gan) và có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong thời gian ghép tế bào, ngay cả nhiều năm sau khi chữa trị.  Bác sĩ dùng steroid để chữa trị phản ứng này.

 
Ấn bản tháng Chín, năm 2002
 





Nguồn : thuvientoancau






<bài viết được chỉnh sửa lúc 24.06.2007 02:10:37 bởi Ngọc Trân >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9