Sinh viên Việt Nam ở California
pham 31.07.2003 06:28:52 (permalink)
Sinh viên Việt Nam ở California

[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/2/Ig13697.jpg[/image]

California nổi tiếng không chỉ vì bờ biển

Tiểu bang California của Hoa Kỳ là nơi có khá nhiều trường đại học quen thuộc với người Việt Nam, là địa chỉ được nhiều sinh viên Việt Nam tìm đến theo học.

Hồi giữa tháng Bẩy, ban Việt ngữ đài BBC có phóng viên đến tiếp cận với cuộc sống của một số sinh viên Việt Nam ở California, và ghi nhận lại một vài nét tiêu biểu.

Với giảng viên đứng lớp ở các trường đại học thì thường sinh viên châu Á đều giống nhau, nhưng với cộng đồng người Việt ở California thì lại có sự phân biệt rất rõ ràng.

Ông Phó Thịnh Trương là phó chủ tịch của một hội đoàn người Việt ở Orange County, giải thích:

- Ở Orange County có rất nhiều trường đại học và đa số sinh viên là con em của những người Việt sống ở bên này. Tuy nhiên rất đông một số trường có những em du học sinh từ Việt Nam qua. Mấy em này đi theo 3 diện. Diện thứ nhất được học bổng của các trường đại học cấp. Diện thứ hai có thể nói là con ông cháu cha, tức là con của những cán bộ cộng sản ở bên nước đưa qua học. Còn thành phần thứ ba là con của những người không phải là chính quyền nhưng mà họ có tiền, họ cho con họ qua đây học.

- Làm sao mà ông có thể phân biệt được như vậy ?

- Những em giầu này, nói thật với mấy anh, là họ giầu lắm. Mấy em nghèo đi sang bên này học không có xe gì hết, đi học bằng xe buýt không. Còn những em học sinh con ông cháu cha thì đi học bằng những chiếc xe rất là mắc tiền, thí dụ như là BMW, giá một chiếc từ 40 đến 50 ngàn (đô-la Mỹ), hay Lexus giá cũng thế. Cho nên có sự phân biệt giữa du học sinh nghèo và du học sinh con ông cháu cha.

Tuy nhiên cũng có không ít sinh viên Việt Nam tự xếp họ không phải loại giầu, cũng không phải loại nghèo.

Nguyễn Anh Dũng ở Santa Monica là một trong số đó:

- Nếu mà phải xếp thì tất nhiên em không thuộc hai thành phần người mà anh vừa nói. Bởi vì sang đây thì tất nhiên là em cũng nhờ gia đình chuyển tiền sang, nhưng mà em cũng đâu có ăn chơi gì đâu. Đâm ra cái này xếp thì người khác phải xếp chứ còn em cũng không biết xếp mình vào đâu nữa.

Dũng thuê chung nhà với nhiều sinh viên Việt Nam khác để tiết kiệm tiền. Và họ phải dàn xếp với nhau những công việc chung trong nhà, ví dụ như Dũng nói chuyện trong lúc đang rửa chén cùng một cô gái.

- Vâng. Mọi thứ bọn em làm đều lên lịch hết cả. Chẳng hạn hôm nay đứa này rửa bát thì hôm sau đứa khác rửa bát. Ô-tô thì đứa nào có xe của đứa đó.

- Thế còn nấu ăn cũng phân ra nấu ăn chung ?

- Vâng. Tất nhiên là trong số bọn em có những đứa không chịu nấu ăn thì nó phải rửa chén nhiều hơn.

- Cô này thấy đang nấu ăn, chắc là thoát được rửa chén ?

- Em cũng phải rửa một ngày (cười)

- Nếu đi học về, người về sớm, người về muộn thì sao ?

- Ráng chịu (cười).


Xe ô-tô là cần thiết để giảm thời giờ đi lại
- (Dũng) Tất nhiên việc học là việc chính rồi, còn ăn uống chỉ là việc phụ. Nhiều khi bọn nó làm biếng không muốn nấu ăn thì ra ngoài ăn Burger, fast food...

- Chiên trứng.

- Vậy cuộc sống của các bạn thì tự kiếm tiền sống được hay gia đình phải gửi tiền sống ?

- Em gia đình gửi tiền.

- (Dũng) Em thì em cũng đi làm một chút đỉnh. Cũng đỡ được phần nào thôi. Phần chính thì ba mẹ gửi tiền sang.

- Nếu sinh viên từ Việt Nam sang đây học, nếu họ muốn vừa học đi làm kiến tiền đóng tiền học thì có thực tế hay không ?

- Cái này em nghĩ là trường hợp rất đặc biệt. Sinh viên sang bên này vừa học vừa kiếm tiền đóng tiền học thì nó hơi khó. Người ta sẽ phải trả giá. Nếu mà làm nhiều sẽ không có thời gian nhiều để học. Đó thì cũng không phải không thực hiện được. Cũng có rất là nhiều người có thể làm được việc đó, nhưng mục đích chính của bọn em sang đây học để mà có kiến thức, do đó làm chỉ là việc phụ thôi.

Đặng Linh Phương là một cô sinh viên sống ở nhà khác, nhờ mới mua được xe ô-tô mà đem quần áo tới máy giặt của khu này cho rẻ.

- Nếu như rẻ nhất thì giặt là một đồng, sấy là 75 cents.

- Vậy cuộc sống của sinh viên bên này như thế nào ?



- À, cũng tùy người. Chẳng hạn cuộc sống mà hơi khó khăn quá thì phải tự đi làm, kiếm tiền, nhưng nói chung vẫn thích hơn ở với bố mẹ, vì đi đâu không cần phải xin cả, và tự do hơn.

- Sang đây phải tự học lái xe, vậy chắc em bây giờ cũng đã thông thạo ?

- Dạ, em thì cũng chưa, vì em mới lấy cái xe đó được một tuần, cho nên chưa quen. Nhưng dạo này đi hơi nhiều, cho nên tốn tiền đổ xăng (cười).

- Lúc trước không có xe thì sao ?

- À lúc trước em đi xe buýt. Thì đó, đi đến trường 2 tiếng đồng hồ, đi về 2 tiếng đồng hồ, tổng cộng là 4 tiếng đồng hồ. Nói chung là cực khổ. Nhưng mà biết làm sao được. Đấy là mình chọn mà. Đâu có bắt buộc phải chọn cuộc sống đau khổ vậy đâu.


Để làm chương trình sinh viên Lê Hải phải tiếp xúc nhiều với giới trẻ
Như vậy, hầu hết sinh viên mà phóng viên có dịp tiếp xúc đều cho rằng nguồn tiền chủ yếu để đi học vẫn là do gia đình tài trợ, dù họ phải đi làm thêm để chi trả những khoản tiền phát sinh, hoặc mua ô-tô để giảm bớt thời gian đi lại. Tuy nhiên, họ đều cho là có nhiều chuyện mà bản thân mỗi sinh viên phải tự phấn đấu chứ không ai khác có thể giúp đỡ được. Nguyễn Quí Phước Anh giải thích:



- Trước khi đi sang Mỹ tôi đã biết cuộc sống ở Mỹ rất là tự lập. Chuyện của người nào là người đó phải tự lo, không thể nhờ vả như thường thấy ở Việt Nam. Từ khi qua đây bản thân tôi chuyện gì cũng phải tự làm cả. Tiếp xúc với những học sinh Mỹ trong trường cũng vậy. Phần lớn những người Mỹ khi nào qua 18 tuổi là họ tự ra ở riêng. Nếu những người Mỹ nào sau 18 tuổi vẫn ở chung với bố mẹ thì đó là một vấn đề hơi bất bình thường dữ lắm.

Và tính tự lập mà Phước Anh vừa nhắc cũng là một trong số những điều mà nhiều sinh viên cho biết là họ học được từ nước Mỹ, và nói là sẽ đem dùng cho tương lai, bất kể là tương lai định cư ở nước ngoài hay tương lai về Việt Nam sống.


Theo BBC
< Edited by: viviy2k -- 7/31/2003 2:31:36 AM >
Attached Image(s)
#1
    Asin 05.08.2003 08:20:58 (permalink)
    Bước 1: Lời nói đầu
    " Chuẩn bị tâm lý" . Tại sao ngay từ đầu mình lại nói là " chuẩn bị tâm lý" ? Bởi vì nước Mỹ xét một khía cạnh nào đó thì sẽ là thiên đường cho du học, nhưng ở khía cạnh khác thì sẽ là " địa ngục" . Cho dù bạn đi học tự túc hay học bổng thì bạn cũng phải nên biết câu này " no pay, no gain" . Sau một thời gian học ở Mỹ cũng như quay về Việt Nam thăm gia đình, mình cảm thấy có rất nhiều bạn còn mơ hồ về thế giới nuớc Mỹ. Đặc biệt là các phụ huynh quan tâm và lo lắng quá mức đến cho con em họ. Ví dụ: nước Mỹ có an toàn không, người Mỹ có phân biệt chủng tộc không, mình có phải học lại không, giá cả sinh hoạt như thế nào, chương trình học khó không, làm giấy tờ du học khó không và mất khoảng bao lâu...v. Tâm lý của các bậc phu huynh là muốn con em mình học những nơi an toàn, tốt, chi phí rẽ. Hơn nữa con cái họ sắp ra đi nên họ sợ bị mất con và nhớ con. Điều này đôi khi cũng gây áp lực lớn đến cho con cái của họ. Đối với các bạn chuẩn bị đi thì sợ không quen và tiếp thu được với nền văn hóa mới. Đặc biệt là vấn đề ngôn ngữ giao tiếp Anh văn. Để giải quyết những vấn đề này thì đối phụ huynh không nên tỏ thái độ lo lắng trước mặt con cái. Họ phải làm những điều gì đó như là kích thích, khuyên nhủ để tạo niềm tin cho con cái trước khi lên máy bay. Đối với các bạn trước khi đi thì nên tự biết lo cho bản thân mình, biết làm giấy tờ du học, sắp xếp hồ sơ, thao khảo các chương trình du học các nước khác, tham gia các forum để trao đổi kinh nghiệm, và đặc biệt là nên luyện English. Tốt nhất là các bạn nên luyện nói và luyện nghe. Tại sao lại như vậy, đơn giản là muốn giúp các bạn dễ tiếp thu nhanh hơn khi bước lên máy bay. Muốn được như vậy thì đầu tiên các bạn phải vượt qua được bản thân mình. Tức là " nhát" hay còn gọi là " ngại nói" . Các bạn đừng nghĩ rằng những bạn khác nói nhanh là nói đúng. Do đó tốt nhất là cứ mạnh miệng nói, nói được bao nhiêu cứ việc nói. Thậm chí nói một mình trong phòng, trong lúc ngủ cũng được. Tuy nhiên để khả năng nói của mình tiến bộ hơn và tự tin hơn trước đám đông thì nên đến các CLB English.

    Sau đây mình sẽ nói về " tâm lý hồ sơ" . Thật sự thì mình không biết dịch sao cho đúng nghĩa nhưng theo những lần làm giúp hồ sơ cho mọi người thì mình thấy ai cũng rất là lo sợ không thể làm được hồ sơ trong khi hồ sơ du học rất ư là dễ làm. Đại khái có những câu hỏi như sau: làm hồ sơ lâu không, khoảng bao lâu thì có thể đi phỏng vấn, bên đó cần giấy tờ gì, tài khoản bao nhiêu là đủ, không có toelf có được đi không, bá má hổng đi làm có được đi không...v.v. Có một điểm rất đáng là lưu ý mà mọi người không ai hiểu ra đó là hồ sơ đăng ký xin học tại Mỹ khác với hồ sơ đăng ký xin Visa khi đi phỏng vấn. Ví dụ như chứng minh tài chính xin học tại Mỹ thì chỉ cần một Chứng nhận tài khoản là đủ, có thể là VND hoặc USD. Còn tài chính xin visa thì nhiều hơn, có bao nhiêu tài sản, tiền, nhà cửa thì cứ việc chứng minh cho họ biết. Phần này mình sẽ nói rõ hơn trong các bước kế tiếp.

    " Tâm lý phỏng vấn" ...ôi mình lo sợ quá, mình không biết tại sao có nhiều bạn khác nhiều tiền hơn mình nhưng vẫn bị đánh rớt, mình không ngủ được, ăn mặc gì trước khi phỏng vấn, mình nên nói chuyện bằng English hoặc Vietnamese...v.v. Đó là những câu hỏi mà tụi mình hay gặp trên diễn đàn. Cũng đúng thôi bởi vì có đi được Mỹ hay không là ở chỗ này. Qua kinh nghiệm của bản thân, nhóm đã rút ra kết luận rằng là không có phương pháp nào tuyệt hảo để phỏng vấn đậu. Phỏng vấn đậu hay không có thể là tùy thuộc ở nơi người phỏng vấn mình. Tuy nhiên có 2 điểm cần lưu ý: khả năng nói của bạn có tính thuyết phục hay không và hồ sơ chuẩn bị phỏng vấn của bạn có đầy đủ, rõ ràng hay không. Bởi vì có rất nhiều bạn có tiền nhưng vì lý do gì đó nên họ cũng cho đi. Nhưng cũng có bạn chỉ đủ tiền học 1-2 mùa đầu lại được họ cho đi. Tại sao lại như vậy, điều này không ai có thể giải thích được. Tuy nhiên mình hy vọng là trước khi đi phỏng vấn nên lên trang diễn đàn của nhóm để hỏi ý kiến. Tại đây sẽ có nhiều điều khuyên bổ ích cho các bạn trước khi phỏng vấn từ những bạn đi trước. Ngoài ra hãy tự tin vào bản thân mình, " nothing can let you down" là châm ngôn mình thích nhất.

    Bước 2: I-20 và phương pháp đăng ký
    Ngay từ bây giờ bạn nên làm quen với từ I-20. I-20 có thể được xem là giấy chứng nhận vào học do nhà trường bên Mỹ cấp cho bạn. Nghĩa là sau khi bạn cung cấp, nộp những yêu cầu đầy đủ cho nhà trường thì nhà trường sẽ cấp cho bạn 2 giấy chứng nhận I-20. Sau khi nhận được I-20 thì bạn có thể bắt đầu đi phỏng vấn xin visa.

    Trước khi xin I-20 bạn nên xác định rõ mục tiêu đi học của mình là gì: trung học (highschool), đại học (college and university), cao học (graduation), english, exchange-student...v.v. Bởi vì mỗi mục tiêu đi học của bạn có những yêu cầu về giấy tờ khác nhau. Sau khi đã xác định được mục tiêu mình học cái gì rồi thì bạn nên tìm hiểu là mình có thể học ở đâu, tiểu bang nào, thành phố nào, trường học nào, trường công hay trường tư. Ở Mỹ có rất nhiều trường nên mình không thể nào khuyên bạn nên học tiểu bang này hay tiểu bang khác, trường này hay trường khác. Mỗi trường có những ưu điểm riêng của nó, mạnh về phần kỹ thuật hay về kinh tế. Mỗi tiểu bang có những điều kiện khí hậu khác nhau, điều lệ, yêu cầu khác nhau, môi trường, cuộc sống và con người cũng khác nhau. Do đó, bạn nên xác định nên học ở tiểu bang nào, trường nào sao cho phù hợp với điều kiện của bạn và gia đình bạn. Để hiểu rõ hơn về thời tiết nước Mỹ thì bạn có thể vào xem trong phần " Thông tin khác" . Trong một tiểu bang có rất là nhiều trường học, bạn có thể tìm hiểu tại " Học tập tại Mỹ" . Ngoài ra bạn có thể trao đổi và biết rõ hơn về trường học tại forum của nhóm.

    Sau khi bạn đã xác định được trường muốn học thì bạn có thể đăng ký học. Có thể đăng ký học theo nhiều cách: đăng ký trên internet, download mẫu đơn từ internet, gởi email cho nhà trường yêu cầu họ gởi application về cho mình, nhờ bạn bè người thân lấy giùm application cho mình.

    - Đăng ký trên internet: đây là phương pháp đăng ký nhanh nhất và phổ biến nhất tại Mỹ. Bởi vì như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc cho mình. Tuy nhiên so với dân Viêt Nam thì đây là điều mới mẻ nên có lẻ sẽ gây khó chịu cho các bạn. Do đó, bạn nào biết cách đăng ký thì nên đăng ký theo dạng này. Nếu không thì có thể gởi thông tin của bạn cho chúng tôi để chúng tôi giúp đỡ cho các bạn. Sau khi đăng ký online xong thì nhà trường sẽ kiểm tra thông tin của bạn và yêu cầu bạn phải gởi giấy tờ gốc để đối chứng. Do đó, sau khi đăng ký online xong thì bạn nên chuẩn bị giấy tờ gốc để gởi sang cho họ. Tại sao phải mất công đăng ký online rồi gởi giấy tờ gốc. Bởi vì nếu bạn đăng ký online thì bạn sẽ sớm có tên trong danh sách của nhà trường.

    - Ngoài phương pháp trên bạn có thể vào trang web của nhà trường download application xuống để điền thông tin vào. Sau khi download xong, mình khuyên bạn nên copy ra làm 3-4 bản để lỡ nếu bạn điền sai thì còn cái khác để làm. Hoặc bạn có thể email cho nhà trường, yêu cầu nhà trường gởi 2-3 application cho mình. Thời gian nhà trường gởi cho bạn sẽ từ 2-6 tuần. Nếu bạn có khó khăn gì trong việc điền appication hay liên lạc với nhà trường thì có thể email cho tụi mình.

    - Lệ phí đăng ký gồm có 2 phần: hồ sơ đăng ký 30-50 USD - lệ phí xin I-20 200-300 USD. Bạn có thể gởi theo dạng check hoặc credit card. Đừng bao giờ gởi tiền mặt vì như vậy sẽ dễ mất tiền. Lệ phí xin I-20 thì trước khi đóng tiền bạn nên hỏi nhà trường là giả sử bạn phỏng vấn không đậu thì được lấy lại bao nhiều phần trăm (%) và có cần gởi lại I-20 cũ cho nhà trường không.

    Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ xin I-20
    Trước khi đọc kỹ những nội dung bên dưới thì xin bạn hãy xác định rõ là mình đi học theo dạng gì: English, Trung học (highschool), Đại học (University), Cao học (Graduation).

    Hồ sơ xin học English:

    - Hồ sơ đăng ký học (phải lấy từ trường hay là download từ internet).

    - Lệ phí đăng ký 50 USD

    - Lệ phí xin I-20 từ 200-300 tùy theo từng trường. (bạn có thể lấy lại nếu như phỏng vần không đậu khoảng 100 USD.)

    - Bảng điểm trung học hay là đại học. (nếu có bảng điểm nào cũng nên nộp, không nên ngại là điểm kém)

    - Bằng tốt nghiệp trung học (đại học nếu có).

    - Giấy chứng tài khoản có trong ngân hàng. Ít nhất là 20,000 USD trở lên.

    - Giấy chứng nhận cha mẹ hay người đỡ đầu cung cấp tài chính cho mình học tại Mỹ. (bạn nên làm một tờ giấy chứng nhận mối quan hệ giữa bạn và người đỡ đầu)

    - Giấy khám sức khỏe. (có thể khám ở Việt Nam nếu trường cho phép, còn không bạn có thể hỏi trường là sang Mỹ khám được không?)

    Tất cả dịch sang English và nên copy mỗi thứ ra làm 2 bản (Vietnamese và English). Dĩ nhiên là phải có dấu mộc đỏ công chứng của nhà nước.

    Hồ sơ xin học trung học: (bạn nào biết xin email cho nhóm)

    Hồ sơ xin học đại học:

    Đầu tiên bạn xem thử khả năng English của bạn thế nào, đạt bao nhiêu điểm Toelf. Bởi vì muốn được vào học đại học ở Mỹ thì điều đầu tiên là bạn phải có bằng chứng nhận Toelf. Nếu bạn có khả năng từ 450-550 thì có thể đạt yêu cầu vào học tùy theo từng trường. Bước kế tiếp là bạn hỏi xem nhà trường có chấp nhận bằng Toelf thi ở Việt Nam không. Sau đó bác nên chọn lựa 2 cách sau: college hay university. Thế nào là college và university thì bạn nên vào đây tìm hiểu here

    - Hồ sơ đăng ký học (phải lấy từ trường hay là download từ internet).

    - Lệ phí đăng ký 50 USD

    - Lệ phí xin I-20 từ 200-300 tùy theo từng trường. (bạn có thể lấy lại nếu như phỏng vần không đậu khoảng 100 USD). Mình không nghi rõ giá tiền ở đây là vì mỗi trường có một giá khác nhau. Khi bạn nộp đơn cho nhà trường thì nhà trường sẽ yêu cầu bạn nộp bao nhiêu đó cho họ.

    - Bảng điểm trung học hay là đại học. (Bắt buộc phải có bảng điểm Trung học, nếu có thêm bảng điểm Đại học đang học dở dang càng tốt)

    - Bằng tốt nghiệp trung học (đại học nếu có).

    - Giấy chứng tài khoản có trong ngân hàng. Ít nhất là 20,000 USD trở lên.

    - Giấy chứng nhận cha mẹ hay người đỡ đầu cung cấp tài chính cho mình học tại Mỹ. (bạn nên làm một tờ giấy chứng nhận mối quan hệ giữa bạn và người đỡ đầu)

    - Giấy khám sức khỏe. (có thể khám ở Việt Nam nếu trường cho phép, còn không bạn có thể hỏi trường là sang Mỹ khám được không?)

    - Bảng điểm Toelf: nếu bạn học college thì chỉ cần từ 450-500. Còn nếu học university thì cần trên 500.

    Tất cả dịch sang English và nên copy mỗi thứ ra làm 2 bản (Vietnamese và English). Dĩ nhiên là phải có dấu mộc đỏ công chứng của nhà nước.

    Hồ sơ xin học cao học:

    Đầu tiên bạn xem thử khả năng English của bạn thế nào, đạt bao nhiêu điểm Toelf. Bởi vì muốn được vào học cao học ở Mỹ thì điều đầu tiên là bạn phải có bằng chứng nhận Toelf. Thường thường điểm yêu cầu là 550 nhưng theo mình nghĩ thì tốt nhất là trên 570. Tại vì trường học sẽ lấy số sinh viên theo điểm từ trên xuống. Do đó, khi trường nào yêu cầu chừng đó điểm thì bạn nên tự nâng cao số điểm của mình lên để có thể được nhận vào. Ngoài ra có một số trường chỉ cần IELTS, họ không cần Toelf. Vì vậy bạn nên tìm hiểu và liên lạc với nhà trường để hiểu rõ hơn về luật lệ và yêu cầu của trường.

    - Hồ sơ đăng ký học (phải lấy từ trường hay là download từ internet).

    - Lệ phí đăng ký 50 USD

    - Lệ phí xin I-20 từ 200-300 tùy theo từng trường. (bạn có thể lấy lại nếu như phỏng vần không đậu khoảng 100 USD). Mình không nghi rõ giá tiền ở đây là vì mỗi trường có một giá khác nhau. Khi bạn nộp đơn cho nhà trường thì nhà trường sẽ yêu cầu bạn nộp bao nhiêu đó cho họ.

    - Bảng điểm đại học.

    - Bằng tốt nghiệp đại học.

    - Giấy chứng tài khoản có trong ngân hàng. Ít nhất là 30,000 USD trở lên.

    - Giấy chứng nhận cha mẹ hay người đỡ đầu cung cấp tài chính cho mình học tại Mỹ. (bạn nên làm một tờ giấy chứng nhận mối quan hệ giữa bạn và người đỡ đầu)

    - Giấy khám sức khỏe. (có thể khám ở Việt Nam nếu trường cho phép, còn không bạn có thể hỏi trường là sang Mỹ khám được không?)

    - Bảng điểm Toelf (hoặc IELTS)

    - GMAT (nếu bạn học MBA), GRE

    Tất cả dịch sang English và nên copy mỗi thứ ra làm 2 bản (Vietnamese và English). Dĩ nhiên là phải có dấu mộc đỏ công chứng của nhà nước.

    Nếu bạn nào cảm thấy thiếu thông tin gì thì xin vui lòng liên hệ với nhóm mình. Chỉ cần những giấy tờ trên là bạn có thể xin I-20.

    Bước 4: Chuẩn bị hồ sơ xin visa
    Trước khi sang bước 4 bạn nên kiểm tra xem mình đã hiểu rõ và làm xong hết các thủ tục ở bước 1, 2, 3 chưa. Nếu chưa xong và còn thắc mắc thì xin vui lòng quay lại để hiểu rõ hơn hoặc email cho nhóm. Bởi vì bạn sẽ rất dễ nhầm lẫn bởi bước 3 và bước 4 nếu bạn không hiểu rõ hết những gì mình đã ghi.

    Sau đây là các bước chuẩn bị hồ sơ đi xin visa tại lãnh sự quán Mỹ ở Việt Nam.

    - Chụp hình làm passport 3x4, nền ảnh đằng sau lưng là màu xanh. Tốt hơn khi bạn đi chụp hình nên nói rõ cho họ biết là mình chụp hình làm passport. Sau đó bạn nên rửa ra làm khoảng 6 tấm để làm passport, visa và cho sau này. Khi đi thì nhớ cắt tóc cho gọn gàng. Quần áo thì sao cũng được, tùy sở thích của mỗi người vì người ta chỉ chụp từ đầu đến cổ thôi.

    - Sổ hộ khẩu gia đình, chứng minh thư, bản khai sanh của bạn.

    - Đi làm passport, cái này thì bạn nên tự tìm hiểu hoặc lên forum của nhóm.

    - Chứng nhận những bằng cấp mình có: bằng English cấp độ nào, bằng vi tính, bằng học nghề, bằng Tốt Nghiệp Trung Học Phổ Thông (tốt nghiệp Đại học), bảng điểm Phổ Thông Trung Học lớp 10, 11, 12 (bảng điểm Đại học), bằng Toelf, bằng khen thưởng các giải thưởng thi gì đó của bạn.

    - Tài chánh của bố mẹ, sổ tiết kiệm trong ngân hàng của bố mẹ. Chứng minh thu nhập hàng tháng của bố mẹ thông qua thuế thu nhập. Quyền sở hữu nhà cửa, đất đai, bất động sản đứng tên của bố mẹ. Nếu bố mẹ bạn đang làm chủ một cơ quan nào thì nên có thêm phần xác minh là bố mẹ mình đang giữ chức vụ gì. Đồng thời xác nhận là công ty đó đang hoạt động kinh doanh cái gì. Để rõ ràng hơn về hoạt động công ty thì nên kèm theo một cuốn catalogue. Điều này rất có lợi cho việc chứng minh ba mẹ đang hoạt động kinh doanh cái gì cho dù đó là công ty nhà nước hay tư nhân. Nếu bố mẹ bạn có cổ phiếu thì cũng chứng minh là có bao nhiêu cổ phần. Trị giá mua mỗi cổ phần là bao nhiêu và giá trị mỗi cổ phần đến ngày bạn đi phỏng vấn là bao nhiêu. Có thể bạn nên chứng minh nhà có ô tô riêng nhưng không cần chứng minh xe máy.

    - Tài chánh của bạn: nếu bạn có sổ tiết kiệm hay đứng tên sở hữa nhà cửa, đất đai thì có thể đem đi phỏng vấn. Nếu bạn đang đi làm thì chứng nhận là nhân viên của công ty. Chứng minh thu nhập hàng tháng hiện tại của mình.

    Tất cả giấy tờ trên phải được dịch sang English trừ catalogue nếu cảm thấy nó quá nhiều. Điểm dịch thuật có thể đến các nơi công chứng nhà nước hoặc lên forum của nhóm để hỏi.

    Lưu ý: những giấy tờ ở bước này được làm để đi xin visa chứ không phải để xin I-20
    Bước 5: Phỏng vấn xin visa
    Sau khi bước 4 bạn hoàn thành thì nên sắp xếp hồ sơ lại cho ngăn nắp. rõ ràng. Những gì liên quan đến bạn thì nên để riêng. Những gì liên quan đến bố để riêng, của mẹ cũng để riêng. Mình làm như vậy có thể gây được ấn tượng tốt đối với người phỏng vấn mình. Tại vì nhìn qua hồ sơ mình đem theo thì họ sẽ biết mình đã có chuẩn bị kỹ lưỡng và có quyết tâm đi học đàng hoàng.

    Bước kế tiếp bạn lên đại sứ quán (lãnh sự quán) để xin application xin visa. Khi đi nhớ cầm theo 65 USD và passport. Không nên cầm theo giấy tờ gì khác kẻo mất. Họ sẽ đưa cho mình 2 application và mình sẽ điền các thông tin yêu cầu vào trong đó. Application sẽ có bản English và Vietnamese. Để cho chắc ăn thì bạn nên điền hết 2 bản English và Vietnamese. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục thì bạn nên nghỉ ngơi để đến ngày hẹn lên phỏng vấn.

    Trước khi phỏng vấn

    Tâm lý của mọi người trước khi đi phỏng vấn rất là hồi hộp và lo lắng. Cộng thêm một chút lo sợ nên dễ làm cho các bạn hoang mang và suy nghĩ lung tung. Vì vậy tốt nhất là sau khi bạn hoàn tất mọi hồ sơ như mình chỉ dẫn thì lên forum tâm sự với tụi mình. Mọi người sẽ giúp cho bạn tìm ra phương pháp ổn định tâm lý và tạo ra tự tin cho bản thân bạn. Sau đây là phương pháp của mình đúc kết được từ trên forum. Chỉ là 2 chữ " giải trí" . Bởi vì nếu trước ngày phỏng vấn 1 ngày mà bạn cứ lo nghĩ cái này cái kia thì sẽ làm cho đầu óc của bạn rối bù lên và không còn minh mẫn nữa. Và như vậy sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Bạn sẽ không còn đủ sức và sự sáng suốt cho buổi sáng kế tiếp để đi phỏng vấn. Tốt hơn là nên giải trí bằng cách đi ăn, uống, xem phim hài, nghe ca nhạc, đọc chuyện, lên internet tán ngẫu, đi bơi, tennis, bóng đá...v.v. Đồng thời cũng giải thích với gia đình là đừng nên xem trọng và lo lắng quá mức. Nếu không bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng từ phía họ. Một người bạn của mình nói rằng: " Nếu mình đậu thì cho dù lo lắng hay không lo lắng thì mình vẫn đậu" . Buổi tối trước khi đi ngủ cho sáng mai phỏng vấn thì xem lại hồ sơ đã đủ chưa. Sau đó thì bạn nên ngủ sớm để sáng mai có thể dậy sớm.

    Phỏng vấn xin visa

    Buổi sáng trước khi đi phỏng vấn thì nếu bạn nào quen ăn sáng thì nhớ ăn sáng đi. Bởi vì có thể bạn mới được gọi phỏng vấn vào lúc 11 am hoặc 12 tùy theo số gọi của bạn. Đến lúc đó bạn sẽ rất là đói nếu không ăn sáng. Còn nữa, nhớ cầm theo chai nước suối uống cho đỡ khát trong lúc chờ đợi tới phiên mình. Nếu có hứng nữa thì cầm theo cuốn chuyện đọc cho vui. Khi đi phỏng vấn thì nên ăn mặc cho gọn gành, chỉnh tề. Con gái thì nên mặc áo dài. Con trai nếu bạn cảm thấy tự tin thì nên mặc áo sơ mi, quần tây và thắc caravat. Còn bạn nào đang đi học thì nên mặc áo quần phổ thông đồng phục ở trường.

    Khi đến đại sứ quán họ sẽ cấp cho bạn số gọi (number). Bạn sẽ chờ cho đến khi được gọi theo số mà bạn được cấp. Trong thời gian chờ đợi tới phiên mình sẽ có người thành công và không thành công. Đừng sợ, số của họ là vậy nhưng số của bạn sẽ thành công. Khi được gọi lên thì bạn nên bình tĩnh và chào họ trước " Good moring, m' em" hay " Good morning Sir" . Trong lúc phỏng vấn sẽ có người phiên dịch cho bạn. Tuy nhiên, theo nhận định của mình thì bạn nào có khả năng giao tiếp English thì cứ việc speak English với họ. Mình làm như vậy thì sẽ gây được ấn tượng tốt với họ hơn. Bởi vì họ cũng chỉ hỏi những câu hết sức là đơn giản, xung quanh đến giấy tờ, liên quan đến bạn. Nếu họ hỏi mà bạn không hiểu thì có thể hỏi lại. Thậm chí bạn có thể hỏi đến 2 lần, nhưng đừng nên hỏi đến lần thứ 3. Có nhiều cách để hỏi ngược lại họ như là " You mean...." . Còn nếu bạn không đủ khả năng thì chỉ nên nói tiếng Việt chứ đừng chơi theo kiểu một lúc thì English, một lúc thì Vietnamese. Bạn mà làm như vậy thì dễ mất điểm lắm. Thà mình không biết thì cứ nói tiếng Việt như vậy thì sẽ có người phiên dịch lại cho mình. Chứ nếu không thì dễ làm cho họ rối trí lắm. Sau khi phỏng vấn xong thi dù thành công hay không thì cũng nên " Thank you" người phỏng vấn và người phiên dịch. Dĩ nhiên không nên quên kèm theo một nụ cười tươi và nhớ đừng mừng quá mà để quên giấy tờ ở lại.

    Sau khi phỏng vấn

    - Nếu bạn thành công thì nên nhớ kiểm tra đồ đạc hồ sơ cẩn thận trước khi về. Họ sẽ giữ lại passport và I-20 của mình lại. Sau đó họ sẽ đưa cho mình một form điền vào rồi đóng 35 USD. Chiều khoảng 2 pm bạn sẽ lên lấy visa. Lúc này bạn không cần mang theo giấy tờ gì hết, chỉ cần mang theo số thứ tự hồi sáng phỏng vấn họ cấp cho bạn và chứng minh thư là đủ. Nếu bạn không đi lấy được vì lý do gì thì có thể nhờ người nhà nhưng phải đem theo hộ khẩu và chứng minh thư của người đi lấy cho bạn và chứng minh thư của bạn. Họ sẽ trả lại cho bạn passport, bên trong có đính kèm theo một bì thư dán kín. Tuyệt đối không nên mở ra vì cái bì thư dán kín này được sử dụng tại hải quan Mỹ. Tức là khi bạn đặt chân lên đất Mỹ, bạn sẽ đưa passport và bì thư này cho hải quan Mỹ để họ kiểm tra. Sau đó họ sẽ đóng dấu mộc đỏ lên I-20 (ở bên trong bì thư .

    - Nếu bạn không thành công thì cũng là điều đương nhiên. Phải có người đậu và không đậu thì mới gọi là phỏng vấn chứ. Tuy nhiên, không nên vì vậy mà đâm ra thất vọng và nản chí. Sau khi họ từ chối bạn thì họ sẽ đưa cho bạn một tờ giấy có ghi là bạn không đạt yêu cầu gì. Dĩ nhiên, họ chỉ nói chung chung nên theo mình nghĩ bạn nên hỏi trực tiếp luôn là tại sao tôi không được, tôi thiếu cái gì. Bạn căn cứ vào đó để bổ sung thêm cho lần phỏng vấn tiếp theo. Đặc biệt là nên nhớ tên người phỏng vấn và người phiên dịch cho mình. Để lỡ lần sau phỏng vấn lại người ta hỏi ai phỏng vấn lần trước thì mình còn biết trả lời.

    Visa du học

    Sau khi bạn phỏng vấn thành công, họ sẽ cấp cho bạn visa để vào Mỹ học. Trên visa sẽ ghi những thông tin mà bạn cần biết.

    - Issuing Post Name: Nơi bạn được cấp visa

    - Surname: Tên họ của bạn

    - Given Name: Tên và chữ lót của bạn

    - Passport Number: Số passport của bạn

    - Control Number: Số hiệu của visa

    - Sex: Giới tính

    - Birth Date: Ngày tháng năm sinh của bạn

    - Visa Type /Class: Loại visa (F1, F2, B1, J1...v.v)

    - Issue Date: Ngày tháng năm được cấp visa

    - Expiration Date: Ngày tháng năm hết hạn visa. Có nghĩa rằng trong thời gian chưa hết hạn visa, bạn vẫn có thể về VN bao nhiêu lần cũng được mà không cần phỏng vấn lại. Chỉ sau khi thời hạn này hết thì bạn phải phỏng vấn lại nếu bạn về VN. Còn nếu bạn vẫn đang học ở Mỹ mà hết hạn visa thì cũng không sao vì đã có nhà trường lo căn cứ trên I-20. Bạn chỉ làm lại khi passport hết hạn cho du đang ở Việt Nam hay ở Mỹ.

    - Annotation: Nơi bạn sẽ chuẩn bị sang học ở Mỹ

    Bước 6: Chuẩn bị trước khi đi Mỹ
    Vé máy bay

    Sau khi bạn thành công, bạn nên đi mua vé máy bay sớm để có thể chuẩn bị sang Mỹ. Có rất nhiều hãng máy bay mà bạn có thể mua: Cathay Pacific, Eva, China, Japan...v.v. Tùy theo khả năng tài chánh của gia đình mà bạn có thể mua ở những hãng khác nhau. Mình không thể nào đưa ra lời khuyên là nên mua hãng này hay hãng khác bởi vì mỗi năm giá cả của mỗi hãng khác nhau. Tuy nhiên, theo như mọi người nói thì Cathay Pacific hoặc Eva đi an toàn hơn và phục vụ tốt hơn.

    - Nếu bạn đi Cathay Pacific thì sẽ transit tại Hong Kong. Sau đó từ Hong Kong sẽ bay sang phi trường LAX tại thành phố Los Angeles, tiểu bang California, USA.

    - Nếu bạn đi Eva thì sẽ transit tại Taipei (Đài Loan), sau đó mới bay sang LAX.

    - Nếu bạn đi China thì sẽ transit tại China rồi bay sang LAX.

    - Nếu bạn đi Japan thì sẽ transit tại Japan rồi sang LAX.

    Cho dù bạn đi hãng nào thì cũng nên nhớ hỏi người bán vé là mình transit tại thành phố quá cảnh là bao lâu. Có nơi bạn chỉ tạm thời dừng chân 1 giờ, nhưng có nơi bạn phải dừng chân đến 6 - 8 giờ.

    Chuẩn bị đồ đạc

    Nên mang cái gì là câu hỏi đầu tiên mình phải nghĩ sau khi mua vé máy bay. Bởi vì, mỗi người theo qui định chỉ được mang 2 vali. Mỗi vali chỉ được nặng tối đa là 32 kg. Không được mang những trái cây tươi, hoặc những đồ ăn làm từ thịt. Bởi vì khi đến phi trường LAX họ sẽ kiểm tra và bắt bạn mở vali ra hết. Lúc đó họ sẻ hỏi và vứt bỏ thẳng tay nếu biết đó là những thứ mình nói ở trên. Dĩ nhiên, sẽ có nhiều cách để có thể đem vào được. Cái này thì mình chịu nên các bạn chịu khó lên net hỏi thăm từ các bạn khác.

    Bạn nên mang những thứ cần thiết sau đây

    - Laptop (ví tính sách tay nếu có), kim từ điển, từ điển Việt Anh, từ điển Anh Việt, từ điển English English.

    - Máy CD player hoặc máy cassette.

    - Dĩa nhạc bạn thích, dĩa chương trình học. Bởi vì ở VN rất là rẻ, chứ nếu bạn mua ở Mỹ thì dĩa nhạc khoảng 18 USD/ 1 dĩa.

    - Quần áo dành cho mùa thu, xuân, hè. Quần áo dành cho mùa đông. Bởi vì quần áo ở Việt Nam vừa rẻ vừa đẹp. Ở bên Mỹ giá một cái áo bình thường là khoảng 45 USD/ 1 cái. Với số tiền này bạn có thể mua mấy cái ở Việt Nam.

    - Mấy gói mì gói, một ít lương khô để chống đói mấy ngày đầu sang Mỹ. Sau mấy ngày đầu thì bạn sẽ quen và biết nên mua cái gì ăn ở Mỹ.

    Đó là những thứ chính yếu mà bạn nên mang theo, còn những thứ khác thì tùy theo vào thành phố, tiểu bang bạn ở. Muốn biết rõ hơn nên mang thứ gì thì nên tham gia forum của nhóm để mọi người chỉ rõ cho bạn.

    Tìm hiểu nước Mỹ

    Sau khi chuẩn bị đồ đạc hết mọi thứ, điều đầu tiên bạn nên làm là nên tìm hiểu về nước Mỹ, cuộc sống, con người, trường học và nơi ở của mình. Càng biết được bao nhiêu về nước Mỹ thì càng có lợi cho bạn bấy nhiêu sau này. Bạn nên vào những phần Kinh nghiệm, Nên biết, Thông tin hữu ích mà mình đã biên soạn ra.

    Bước 7: Lời cảm ơn
    kính chúc các bạn phỏng vấn thành công và chờ tin mừng từ các bạn. Sau khi các bạn phỏng vấn xong thì nên nhớ thông báo cho nhóm biết tại forum. Bởi vì những lần phỏng vấn của bạn sẽ giúp ích cho những bạn sau này. Biết đâu được sẽ có ai đó có những trường hợp giống bạn và họ sẽ cần đến bạn.
    (theo nguon` khac)
    #2
      HongYen 31.08.2003 17:43:38 (permalink)

      Nếu những người Mỹ nào sau 18 tuổi vẫn ở chung với bố mẹ thì đó là một vấn đề hơi bất bình thường dữ lắm.


      Đó, câu trên rất đúng cho phần đông người Mỹ, nghĩa là được sanh tại My. Nhưng các các bạn trẻ ơi, các bạn đâu có biết rằng các câu đó, ý đó làm quặn thắt lòng cha mẹ biết bao. Cha mẹ lúc nào cũng muốn các con ở chung với cha mẹ.

      Vì đủ thừ trên đời, con ra riêng hay đi du học đó là chuyện bắt đắc dỉ.

      Nhìn hiện tượng thiên nhiên, những con gà mái. Khi con còn nhỏ, nó e ấp cánh để che phủ con thơ trước nah vuốt diều hâu hay mưa gió. Thế mà thời gian sau, khi con cứng cáp tự kiếm ăn được nó mổ trọc đầu khi các bé gà con chút chít cứ bám vào cánh mẹ như trước đây.

      Rồi nhìn lên bầu trời bao la, nhìn những con chim. Nó hết lòng lo ấp ủ con thành hình, mà thân hình com cỏi. Rồi con nở ra, lo đi kiếm mồi lo bảo vệ con. Kế đó lo tập con biết bay gần, bay xa. Cuối cùng để con bay một cách hoảng sợ. Mẹ ơi, mẹ ơi con không bay được, không bay được. Mẹ chim vẫn ngoành mặt làm lơ để con chập choạng trong không trung bao la... Rổi con cũng trưởng thành.

      Các bạn trẻ ơi, các bà mẹ ơi. Làm sao ta phối hợp đậy không là vấn đề bất bình thường hay bình thuơng đâu. Nển tảng gia đình từ cá nhân, nền tảng xã hội từ gia đình.
      #3
        kimcuongtulong 02.12.2009 08:35:13 (permalink)
        Em sắp phỏng vấn du học Mỹ. Nghe nói là dễ rớt lắm. Em lo quá, các anh chị có kinh nghiệm cho em lời khuyên đi. Em cám ơn rất nhiều
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9