Câu Chuyện Thầy Lang: Những Viên Thuốc Chống Đau
Barbiegirl 03.09.2004 14:31:20 (permalink)
Câu Chuyện Thầy Lang: Những Viên Thuốc Chống Đau


"A lô. Thưa bác sĩ tôi đau dêm cả mình. Tôi uống thuốc gì bây giờ?
Xin bà hãy uống 2 viên aspirin, rồi sáng mai tới phòng mạch tôi coi cho".
"Má ơi, con nhức đầu quá. Má lấy cho con viên Tylenol đi".
Với cơn đau đến bất thình lình, phản ứng tự nhiên của mọi người là vội vàng kiếm một viên thuốc chống đau. Chẳng Tylenol cũng aspirin; hoặc "thời thượng" hơn nữa thì viên Advil, viên Aleve. Có người uống cả chục viên mỗi ngày với hy vọng làm dịu bớt cái đau. Và liên tục dùng tháng này qua tháng khác, đôi khi cũng chẳng để ý tới tác dụng tốt xấu của chúng ra sao.
Ý thức vấn đề đó nên Cơ Quan Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ mới đây đã ân cần nhắc nhở dân chúng về việc sử dụng các thuốc này. Theo vị Giám đốc cơ quan, bác sĩ Mark McClellan, các thuốc đều an toàn nếu ta dùng phân lượng đúng theo lời chỉ dẫn và tránh dùng nhiều thuốc có cùng hoạt chất. Tuy nhiên thuốc cũng gây ra rủi ro trầm trọng trong một số trường hợp và hàng năm có tới cả vài chục ngàn người thiệt mạng vì lạm dụng.

Cho nên, xin cùng nhau tìm hiểu về chúng một chút. Vâng, một chút thôi. Phần còn lại xin để lương y gia đình với bệnh nhân thảo luận. Và cũng chỉ nói tới mấy thuốc không có chất á phiện, thuốc bán tự do không cần toa của thầy thuốc, là thứ mà ta thường chạy ra chợ mua về uống mỗi khi đau nhức.
Nhưng trước hết xin tản mạn đôi điều về cái Đau. Đau như búa bổ trên đầu. Đau như cấu xé bắp thịt. Những nhức nhối khó chịu khi tế bào bị thương tích ở nơi nào đó trên cơ thể. Khác với cái day dứt tâm can vì xúc động hoặc than thân trách phận "Đau đớn thay phận đàn bà"mà cụ Nguyễn Du đã nêu ra.
Đau nhức là gì và làm sao ta cảm thấy đau nhỉ?

Theo Hội Quốc Tế Nghiên Cứu về Đau thì "Đau là một kinh nghiệm khó chịu về mặt cảm giác và cảm xúc liên quan tới sự tổn thương của các tế bào".
Còn Aristote thì coi "Đau là sự thịnh nộ của linh hồn".
Thành ra Đau là một cái gì mà ta cảm thấy rồi đáp ứng qua xúc động và là một diễn biến khá phức tạp do hệ thần kinh chịu trách nhiệm.

Tác nhân gây Đau có thể là một vật thể sắc bén, một hóa chất, nhiệt độ cao quá hoặc thấp quá hoặc một sức ép mạnh vào phần nào đó của cơ thể.
Giả thử khi không ta bị ai đó tặng cho một cái tát nẫy đom đóm mắt. Cảm giác đầu tiên là Đau điếng nơi gò má. Ta sững sờ, dơ tay soa nơi bị đánh và thấy bớt đau. Đáp ứng xúc động vì bị đánh có thể là tức giận "uýnh" lại hoặc thản nhiên chìa má kia để người ta tát cho cân bằng, như lời Chúa dậy.
Chỉ với một hành động bị "tát", mà một chuỗi đáp ứng nối tiếp: Giây thần kinh chuyển cái đau do tát gây ra về não bộ qua một cửa mở nơi tủy sống. Những xúc động chủ quan diễn ra. Bàn tay soa má truyền tín hiệu lên đóng cửa chặn lối về của cảm giác đau. Và ta thấy bớt đau.
Thần kinh cảm giác phân phối khắp nơi trên mặt da: ít nơi không hiểm nghèo như gan bàn tay, bàn chân; nhiều nơi sinh tử như cổ và bẹn. Chất xám của não không có nhưng mạch máu tiếp tế não lại nhiều, nên nhức đầu là do đau ở mạch máu chứ não không cảm thấy đau.
Cảm giác đau báo hiệu một hiểm nguy và cơ thể sẽ có những phản ứng khác nhau để đối phó: máu dồn về não, phổi, bắp thịt; huyết áp lên cao, tim đập nhanh. Nếu đau từ nội tạng thì huyết áp giảm, mệt muốn nằm để phục hồi. Tế bào não bộ cũng tiết ra vài hóa chất như endorphins, encephalins để chặn đường về của cảm giác đau.

Đau nhiều ít tùy thuộc một vài yếu tố.
Có người chịu đựng đau nhức cao hơn người khác, hoặc coi đau là chuyện nhỏ, không đáng kể.
Có văn hóa dậy con người đè nén biểu lộ sự đau đớn thì cũng có nơi khuyến khích nói ra cơn đau để cùng nhau chia xẻ.
Trong tâm tư buồn bã, bất mãn thì cảm giác đau đớn nhiều hơn là khi ta đang hớn hở, hạnh phúc.
Công Chúa đứt tay một chút thì kêu gào khóc lóc chẳng khác gì bác thợ cầy bị trâu điên húc lủng ruột.
Khi ta đang say mê chơi một sét tennis, thì không để ý tới cái đau gây ra do một vấp đụng ở đầu ngón chân, cho tới khi về nhà, cửi giầy ra mới xít xoa.
Quan Vân Trường lấy đánh cờ để phe lờ cái đau xé thịt khi Hoa Đà soàn soạt cạo khoét vết thương làm độc xương thịt mà chẳng có thuốc tê.
Cơn đau có thể là cấp tính, ngắn hạn nhưng hữu ích để báo hiệu một tổn thương của tế bào. Còn kinh niên thì kéo dài đôi khi vượt qua thời kỳ điều trị. Nạn nhân có thể quen với cảm giác đau trong khi đó thì tổn thương tế bào vẫn âm thầm tiếp diễn.

Theo bác sĩ James D Hardy, Đại Học Y khoa Pennsylvania, Đau Đớn làthước đo tốc độ sự hủy hoại của tế bào. Nó tùy thuộc rất ít vào số lượng tế bào bị tổn thương nhưng rất nhiều vào tốc độ của thương tích. Tế bào bị hủy hoại mau thì đau nhức trầm trọng hơn.
Cảm giác Đau có thể là cháy rát, nhoi nhói, ngưa ngứahoặc đau như cắt, đau buốt thịt da, nhức nhối, đau điên người như Tôn Ngộ Không với vòng Kim Cô trên đầu. Lại còn đau chỗ không bị tổn thương (referred pain) như là viêm tụy tạng mà lại thấy đau da thịt thắt lưng hoặc viêm xoang mặt thì lại nhức đầu.

Là gì đi nữa thì những cơn Đau cũng cần săn sóc điều trị, dùng thuốc giảm đau.
Ra tiệm thuốc tây, ta thấy có cả vài chục loại thuốc chống đau khác nhau với những tên cũng khác nhau. Nhưng coi kỹ thì hầu hết đều thuộc về bốn nhóm chính: aspirin, acetaminophen, naproxen và ibuprofen. Nhiều thuốc bầy bán có cùng hoạt chất, chẳng hạn acetaminophen có trong trên dưới 600 loại thuốc khác tên. Các thuốc này có một số tính chất như sau:

a-Chống đau nhức bình thường, từ đau răng, nhức đầu tới đau xương khớp, đau bụng dưới khi có kinh kỳ, nhức bắp thịt sau một ngày lao động cật lực. Với thiên đầu thống, hoặc đau nhức do nguyên nhân sâu xa hơn thì phải được khám nghiệm và có dược phẩm mạnh hơn, cần toa thầy thuốc.

b-Kháng viêm, ngoại trừ acetaminophen. Viêm là một đáp ứng của cơ thể với tổn thương. Các mạch máu ở chung quanh nơi thương tích căng lên, máu huyết tới nhiều, bạch cầu vào mô và tiêu diệt vi khuẩn cũng như vật lạ. Hiện tượng Viêm gồm đau, nóng, và sưng tại chỗ tổn thương.

c-Hạ nóng sốt khi bị nhiễm các vi sinh vật gây bệnh hoặc phản ứng của cơ thể với chất độc hại.

Đi khám bệnh, ta thấy các bác sĩ thường nới tới chữ tắt NSAIDS. Đây là chỉ các thuốc chống đau với khả năng kháng viêm mà không có chất steroid. Đó là aspirin. naproxen, ibuprofen. Các chất này tác dụng bằng cách ngăn không cho diêu tố cycloygenase (COX) sản xuất prostaglandins, một hóa chất gây viêm và đau.

a- Aspirin thì có aspirin Bayer, Empirin, Ecotrin, Easprin mà hoạt chất là Acetylsalicylic acid. Dùng với mọi sự dè dặt khi có bệnh suyễn, loét bao tử; suy chức năng của gan, thận, băng huyết. Không dùng nếu đã bị dị ứng với thuốc, có thai vào ba tháng cuối, nuôi con sữa mẹ hoặc trẻ em bị thủy đậu, cúm. Không giữ thuốc trong buồng tắm vì hơi ẩm, sức nóng làm hư thuốc. Khi thuốc đổi mầu từ trắng sang vàng hoặc có mùi chua như giấm thì vứt bỏ. Nên uống aspirin với thực phẩm hoặc sau bữa ăn để tránh sót bao tử. Trên thị trường có thuốc với vỏ bọc như Bufferin, Alka-Seltzer. Thuốc không hòa tan ở bao tử mà xuống ruột mới được hấp thụ, nên bao tử không bị sót chua.

b-Acetaminophen là hoạt chất chính trong Tylenol, Paradol, Tempo, Paracetanol. Lợi điểm của thuốc này là không gây sót và chẩy máu bao tử, không gây hội chứng hủy hoại não bộ trẻ em Ryes như aspirin. Nhưng thuốc lại có tác dụng rất xấu với gan khi dùng phân lượng cao hơn hướng dẫn và dùng quá mười ngày. Ghiền rượu kinh niên nên cẩn thận khi dùng thuốc này vì cả hai đều gây tổn thương cho gan.

c-Ibuprofen với thuốc đặc chế Motrin IB, Rufen, Advil, Nuprin, Pediacare, Medipren.Thuốc cũng làm sót và gây chẩy máu ở bao tử. Không dùng khi bị dị ứng với aspirin, có thai vào sáu tháng cuối; dùng với mọi dè dặt khi có bầu; không nên dùng khi cho con bú sữa mẹ.

d-Naproxen với Aleve. Không dùng khi có thai vào sáu tháng cuối, dị ứng với aspirin. Cẩn thận khi bị loét bao tử, suy gan thận, tim; cao huyết áp. Thuốc có thể gây táo bón, ợ chua, nhức đầu, chóng mặt. Nuôi con sữa mẹ không nên dùng.

Thuốc được ghi với chữ "Extra Strenght" có nghĩa là thuốc đó chứa gấp đôi, gấp ba hoạt chất chính. Chẳng khác chi "Big" Mac, "Jumbo" drink ở tiệm bán thực phẩm làm sẵn, ăn ngay. Thí dụ viên Regular Tylenol có 325 mg acetaminophen, thì Extra Strength có 500 mg. Đôi khi extra strength lại là hỗn hợp của nhiều hoạt chất. Chẳng hạn viên Extra Strength Exedrin có 250 mg acetaminophen, 250 mg aspirin và 65 mg caffeine. Caffeine có thể làm tăng hiệu năng của thuốc chống đau nhức nhưng gây mất ngủ hoặc kích thích bao tử ở một số người.

Sau tên thuốc mà ghi thêm chữ "PM" ( post meridiem=sau trưa) là trong đó có thuốc giúp ngủ ngon, thường thường là chất chống dị ứng diphenhydramine (Benadryl). Chẳng nên uống PM này khi điều khiển xe tự động hoặc làm việc cần sự tập trung tư tưởng.

Ibuprofen và Naproxen dường như công hiệu hơn hai thuốc kia để giảm đau khi có kinh nguyệt. Lý do là hai thuốc này làm giảm prostaglandins, một chất gây cảm giác đau do cơ thể sản xuất đáp ứng với thương tích. Theo nhiều bạn gái, khi đau ngầm ngầm bụng dưới trong kinh kỳ thì chỉ với hai viên là nhẹ hẳn người. Tác dụng của Naproxen cũng lâu hơn (6-12 giờ) so với Ibuprofen( 4-8 giờ).
Ngoài công dụng chống đau, aspirin còn được dùng để ngừa tái phát tai biến động mạch não ở người đã bị tai biến hoặc cơn suy tim. Chỉ với một viên nho nhỏ là aspirin có thể giúp ngăn ngừa sự kết tụ của các tiểu cầu trong mạch máu. Nhưng nhớ không nên dùng aspirin chung với các loại thuốc cầm máu như warfarin, coumadine. Và cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.
Một thắc mắc thường được nêu ra là thuốc chống đau nhức biệt dược (Brand name) và thuốc tên chung (Generic) có khác nhau gì không. Theo Cơ Quan Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ thì cả hai đều có cùng công hiệu. Khác nhau là biệt dược thường được trình bày hoa mỹ hơn, quảng cáo rộng rãi hơn do đó chi phí sản xuất cao hơn. Và giới tiêu thụ lãnh đủ, phải trả nhiều tiền hơn cho món hàng có cùng tác dụng.

Ngoài các thuốc kể trên, đôi khi bệnh nhân cũng được thầy thuốc cho dùng những "giả dược", những "thuốc vờ", những "Sugar pills". Thuốc giống như thật nhưng không có công dụng dược lý, không gây ra tác dụng phụ mà lại có nhiều tác dụng tâm lý. Vậy mà theo kết quả nhiều nghiên cứu, có tới 40% bệnh nhân đáp ứng thỏa mãn với thuốc "Placebo" này.
Nguồn gốc La Tinh của từ ngữ "Placebo" có nghĩa là "Tôi sẽ hài lòng- I will please". Tâm lý nhiều bệnh nhân mình đều muốn ông bà thầy chích cho một mũi thuốc mới an tâm, thoải mái. Thế là một chút sinh tố, một dung dịch nước biển mầu mè được lụi vào hông. Bệnh nhân ra về tin tưởng hân hoan. Thầy thuốc được tiếng là mát tay và thu bộn bạc.
Hiệu ứng Placebo thường được dùng trong các tình trạng rối loạn tâm thần nhẹ như lo âu căng thẳng buồn phiền hoặc nhức đầu, mất ngủ, đau nhức xương khớp.
Và Placebo còn được gọi là "thuốc gây niềm tin".
Vì ở đời vẫn có nhiều người dễ tính, cả tin ở những lời "mật ngọt chết ruồi", những tán tỉnh mời chào của mấy tay bán vịt trời giữa chợ, quảng cáo thuốc "Bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ". Không khỏi không lấy tiền. Mà tiền thì y ta đã thu rồi và khóa kỹ ở trương mục ngân hàng, khó mà moi lại được.
Nên đành tiền mất tật mang.

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC
Texas 4-2004
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9