Vài suy nghĩ về tiếng Việt "Nhiều khi bị gọi là Việt Kiều thấy cũng buồn buồn…"
Mỗi lần tôi về Việt Nam, bạn tôi hay hỏi: Ông về lần này có “ý đồ” gì không? Tôi cười nhạt. Lần nào, bạn tôi cũng hỏi như thế đâm ra tôi phát cáu. Chẳng “ý đồ” gì cả; tôi chỉ về thăm quê hương. Tôi không hiểu sao, bạn tôi là nhà báo mà lại hỏi tôi như vậy. Tôi có cảm tưởng như đang bị “thẩm vấn”.
Ðáng lẽ, anh ấy phải hỏi tôi: Có ý định hay mục đích gì không? Ðằng này… Ai cũng hiểu, từ “ý đồ” ngầm chứa một điều gì xấu xa. Người ta hay dùng từ “đồ” để chửi nhau. Hóa ra, tôi đang rơi vào trường hợp này.
Một lần tôi đi xem một chương trình văn nghệ, tấm biển quảng cáo treo ngang nơi nhà hát thành phố với hàng chữ to đậm nét “Một thập kỷ âm nhạc nhìn lại”. Tôi nhớ nếu không sai: Âm nhạc Việt Nam chưa có tới 100 năm thì làm sao có 1000 năm nhìn lại.
Bạn tôi giải thích một thập kỷ là 10 năm. Tôi không đồng ý. Kỷ là 100 năm. Niên là năm. Một thập niên là 10 năm. Cũng đâu cần thiết phải dùng một thập kỷ để có hơi hướm Hán - Việt. Dùng “10 năm âm nhạc nhìn lại”, tôi thấy vẫn hay hơn.
Trong các chương trình hỏi đáp hay dùng từ “ứng xử”. Từ này “hơi bị” lạm dụng. Trường hợp nào nên dùng từ “ứng xử” mới thích hợp? Như chương trình “Ðường lên đỉnh Olympia” của VTV4 dùng từ “ứng xử” là “chuẩn” nhất. “Ứng xử” là thể hiện thái độ và trí nhớ.
Khi thí sinh trả lời những câu hỏi là những câu mà họ đã được học cộng thêm vốn kiến thức thu thập trong đời sống để diễn đạt. Ðâu phải lúc nào cũng “ứng xử” cả. Có những lúc chúng ta nên dùng từ “ứng trí” – “ứng khẩu” để biểu tỏ sự thông minh, sự đối đáp nhanh nhẹn của người trả lời. Nghệ sĩ trên sân khấu khi được MC phỏng vấn, dùng từ “ứng khẩu” có vẻ đúng hơn.
Từ “sự cố” cũng bị lạm dụng rất nhiều. “Sự cố” – “sự vụ” – “sự việc” đều có thể dùng đúng ở mỗi trường hợp khác nhau. Không nhất định phải ôm giữ lấy từ “sự cố”.
Như chữ @ mà nhiều người hay đọc là “a còng” nghe không thanh lắm. Tại sao họ không dùng “a vòng” nghe dễ chịu hơn. Có một số người Việt ở Mỹ đọc tên trước họ theo kiểu Mỹ như: Phạm Tòng đọc thành Tòng Phạm thấy hơi kỳ kỳ.
Riêng từ “bảo đảm” và “đảm bảo” tôi thấy vô tình phân chia tiếng Việt của chúng ta về cách dùng từ (nghĩa) của người Việt trong nước và người Việt hải ngoại. Vua Tần Thủy Hoàng nổi tiếng hung bạo nhưng công lớn củaông là thống nhất ngôn ngữ Trung Hoa. Trong khi đó hiện nay, chúng ta lại chia cách tiếng Việt.
Thật ra, từ “đảm bảo” và “bảo đảm” đều đúng, nếu chúng ta dùng ở thể hỏi và thể xác định. Tôi hỏi: Ông có “bảo đảm” đến đúng giờ không? Trả lời: Tôi “đảm bảo” với ông đúng giờ. Nếu dùng như vậy thì hay biết chừng nào.
Khi nghị quyết 36 của chính phủ ban hành có đoạn: “Không phân biệt chính trị, tôn giáo, văn hóa… Khối người Việt sống ở hải ngoại là một bộ phận không thể tách rời của đất nước…” Như vậy: Ngôn ngữ - văn hóa - nghệ thuật của người Việt “sống” ở nước ngoài phải là văn hóa của Việt Nam, của đất nước chứ sao có chuyện phân biệt như vậy.
Khi thay từ “Việt Kiều” bằng “Kiều Bào” (ngầm hiểu là những người cùng một huyết thống), mọi người thấy có một điều gì gần gũi với quê hương hơn.
Thời trước năm 1975, người Hoa ở Chợ Lớn tranh đấu cho bằng được để gọi họ là Hoa Kiều, chứ không phải “Ba Tàu”. Còn người Việt chúng ta sao lại là “Việt Kiều”. Nay từ “Việt Kiều” đã được đổi nhưng dùng lâu ngày nên thành thói quên. Nhiều khi “bị gọi” là Việt Kiều thấy cũng buồn buồn…
Ngay cả chữ, từ mà hầu hết sách vở - báo chí trong nước và hải ngoại đều dùng là “độc giả”, có dấu “^”, tôi nghĩ chưa hẳn đúng. Mọi người khi viết từ “người đọc” “bạn đọc” đều không có dấu “^”. Vậy sao “độc giả” lại có dấu “^”? Mặc dù, trong tự điển Hán - Việt diễn nghĩa “độc giả” có dấu “^”, nhưng chưa chắc đúng. “Ðộc giả” có dấu “^” sẽ trở thành đơn độc - một người độc, như độc hành - độc bộ.
Những “từ”, “chữ” trên là thắc mắc của tôi, của một người rất tha thiết tiếng Việt, mong được quý vị thức giả, những ai quan tâm đến tiếng Việt xin chỉ dẫn thêm.
---------------------------------------------------------
MH, Hà Nội Thưa bạn Hoàng Trung. Tôi không rõ bạn đang sống ở miền nam hay Bắc nhưng câu hỏi của bạn làm tôi nghĩ rằng bạn ở miền Nam. Từ (Bổn) hay (bản) có lúc giống nhau có lúc khác nhau. Ví dụ dân Bắc nói Nhật bản nhưng người Nam nói Nhật bổn, còn Tam sao thất bản là đúng vì bổn có lúc là bổn phận từ bổn ở đây cả Bắc và Nam đều dùng giống nhau.
Người ta nói Bổn phận chứ không ai nói là bản phận cả. Và Tam sao thất bạn là 3 lần sao chép sẽ sai di thành 7 bản bị sai lệch, do vậy ở đây không thể dùng Tam sao tất bổn được.
TN, Hoa Kỳ Muốn biết tiếng Việt như thế nào có lẽ chúng ta nên tìm những sách giáo khoa căn bản về môn Tiếng Việt ở bậc trung học để đọc cho tỏ tường. Thứ hai là gặp các em HS trung học để hỏi xem các em ấy nghĩ sao về môn Tiếng Việt.
Bà xã tôi đã từng dạy môn Tiếng Việt thế mà bà ấy vẫn than thở sách giáo khoa viết kỳ lạ khó hiểu quá, có lẽ đó cũng là lý do HSVN xem việc học Tiếng Việt là một cực hình. Phải chăng môn Tiếng Việt thiếu phong phú, trong sáng, gọn nhẹ, dễ hiểu?...Đối với cá nhân tôi, cái gì là cụm chủ vị, chủ ngữ, ngữ danh từ, ngữ động từ vân vân đầy trong sách làm tôi muốn điên đầu. Đã không hiểu nổi thì thôi mình đành phải viết càn, nói đại không có đầu đuôi, văn phạm là chuyện dễ hiểu.
Hoàng Trung Tôi buồn nhiều, khi nghe lớp trẻ nói chuyện hoặc các MC nói trên TV. Họ dùng từ và cách họ dùng từ sao mà tự do nếu không nói là bừa bãi. Điều nguy hiểm là sau một thời gian dài dùng rộng rãi và phổ biến như vậy thì cách dùng đó sẽ nghiễm nhiên được chấp nhận bởi "xã hội".
Chẳng hạn: Chữ Phương án và Đáp án có nghĩa và trường hợp sử dụng hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng các MC cũng không nhận ra được điều này. Từ "xử lý" được dùng càng thoải mái hơn. Tôi không có thời gian để ghi lại hết nơi đây. Chỉ buồn, nỗi buồn không biết tỏ cùng ai. Không nói thì ấm ức. Nói ra thì người ta bảo mình già nua. Các bạn cứ lắng nghe đi. Trên TV có chương trình "Tam sao thất Bản". Xin hỏi các bạn Tam Sao Thất Bản hay Tam Sao Thất Bổn? Thương cho đời quá. Tạm biệt.
Lê Trung Tôi xin góp ý với bạn Lê Vân. Trường hợp dùng từ "nguyên" hiện nay là khá chính xác. Thí dụ như người ta gọi một ông bí thư nào đó khi ông này đã về hưu là nguyên bí thư nguyễn văn X chẳng hạn, chính xác hoàn toàn bởi vì một ông bí thư đã về hưu thì quyền hạn, và cái chân rết quyền lực của ông ta vẫn còn có khi còn hơn cả ông bí thư đương quyền.
Bí thư chỉ là một phiên bản của ông "cựu" bí thư. Có lúc ông "cựu" này lại là ông cố vấn cho ông đương chức. Vì vậy, người ta không phải không có cơ sở để gọi ông đã về hưu là ông "nguyên" đâu!
Theo tôi biết, có nhiều nước trên thế giới, nếu có một ông "cựu" nào đó vừa rời khỏi ghế mà quá trình nắm quyền của ông có nhiều vấn đề sai phạm, thì chắc chắn rằng ông sẽ rất dễ dàng bị pháp luật sờ gáy. Còn ở VN thì các quan chức biết rất rõ và rất ngại điều này. Vì vậy họ không để cho nhân dân gọi là "cựu" khi họ hạ cánh. Đây có thể gọi là "thuật hạ cánh".
Cuối cùng xin tóm lại là,riêng cái từ "nguyên" này thì nó không có nằm trong phạm trù ngôn ngữ. Xin bạn hãy đồng ý với tôi. Cám ơn, và xin chúc bạn vui vẻ.
NKL Nói đến Tiếng Việt, tôi thấy thích ý kiến của bạn Đoàn Hậu, Hải Phòng. Thử hỏi nếu Tiếng địa phương không được cho là Tiếng Việt thì hơn 80% dân số VN đang nói Tiếng Tây-Tàu gì hết à.
Các ông sống ở Tây hết nên chẳng thể nào hiểu hết được nữa, ngay cả bạn Đoàn Hậu - Hải Phòng, tôi cũng không cho là bạn cảm nhận được cái hay của tiếng địa phương như tiếng Nam hay Nghệ An. Tôi thử lấy một câu thế này các vị có "dịch" được không nhé: "Bọn choa nỏ mần răng nhại được giọng bay". Các vị sẽ gặp nhiều nữa, các vị sống ở Tây lâu rồi không thấy hết được nếu không về miền nông thôn VN một thời gian.
Phan Huy, San Jose Tiếng Việt ngày nay lệch lạc thì cũng dễ hiểu thôi mà tôi lấy làm lạ là chẳng ai suy luận gì cả. Thôi thì tôi xin nhắc lại cho quí vị nhớ: -Thứ nhất năm 1954, đa số các trí thức miền Bắc đã di cư vào Nam cả rồi. Vì thiếu thầy cho nên đa số giáo viên, giáo sư không đủ trình độ đảm nhiệm chuyện dạy học. Ví dụ cứ trình độ lớp 9+2 năm học tập chính trị là được dạy lớp 7. Rồi cứ thế thế hệ này dạy cho thế hệ khác cho đến ngày nay, lệch lạc tiếp nối lệch lạc.
Lý do thứ hai là sau năm 1975, những từ ngữ nào mà thời VNCH dùng, thì nhà nước CS cố tình đổi cho khác, vì không muốn giống những gì họ cho là Mỹ Ngụy. Do đó mới có: "máy bay lên thẳng" thay thế cho máy bay trực thăng, "tàu sân bay" thay vì gọi là hàng không mẫu hạm, diễu hành thay vì phải gọi là diễn hành, v,v. Thậm chí lúc đầu họ bắt tháo gỡ cụm từ "nhà bảo sanh", và phải dùng là "xưởng đẻ". Dân trong Nam chửi quá nên họ không còn bắt buộc gọi là xưởng đẻ nữa.
Tuấn Anh Tôi thật buồn khi thấy BBC đăng bài của một người không quá ít hiểu biết về ngôn ngữ và đặc biệt là tiếng Việt như thế này. Phân tích của ông ta thật ngô nghê, tôi nghĩ trong bất kỳ ngôn ngữ nào cũng vậy nó phát triển theo sự phát triển của xã hội. Tôi đồ rằng ông đang ngồi viết bài phân tích chê bôi ngôn ngữ được thể hiện trong các tác phẩm của SHAKESPEARE vì trong đấy cũng có rất nhiều câu, từ bị mắc lỗi nếu hiểu ngôn ngữ theo kiểu của ông.
Tôi ví dụ để ông nhận thấy rằng "Việt Kiều" và "Kiều Bào" rất khó dùng đồng nghĩa 1.Anh ấy là Việt Kiều sống ở London. 2.Họ là những Kiều Bào sống ở London. Hy vọng là cách hiểu và sử dụng ngôn ngữ của ông uyển chuyển hơn.
MH, Hà Nội Thưa bạn Lê Văn Toronto Canada. Tiếng nói cũng như đường đi không tự nhiên có sẵn nên không thể lấy một chuẩn mực nào cả. Do đi nhiều nên thành đường và từ ngữ còn phụ thuộc vùng miền. Cái gì quen dùng thành đúng, có vậy thôi.
Hải Linh Viết chữ Việt Kiều mà bỏ trong ngoặc kép là đúng quá. Ông Trọn làm nhiều việc (thiện) ở VN rồi, nhiều người truyền thông ở hải ngoại đâu có thể đi lại dể dàng ở VN như ông Trọn của Viên Thao. Còn chuyện phê bình chút đỉnh về văn chương chỉ là tát yêu mà thôi
Nguyễn Cường Tiếng Việt 60 năm trở lại đây có những sự mà nghĩ ra thì chỉ biết bật cười. Ví dụ các danh từ chung như "bác", "người"... bây giờ lại được viết hoa.
L.D.H., ATL Hai từ độc trong độc hành và độc giả đều là từ gốc Hán. Chúng đồng âm nhưng dị dạng, dị nghĩa. Như "Vạn lý độc hành" và "Ngư,Tiều,Canh,Độc". Người đọc là từ thuần Việt. Độc giả là từ Hán Việt có nghĩa là người đọc. Chưa thấy ai viết là đọc giả, nếu có thì chắc nghĩa nó là không đọc thật, chỉ giả vờ đọc mà thôi.
Lê Văn, Toronto, Canada Sau 1975, tôi thấy vấn đề dùng từ của Việt Nam rất đáng gây tranh cãi, nhưng rồi đâu cũng vào đấy, không có gì thay đổi cả. Điển hình là một số từ sau đây mà chúng ta thường gặp và nghe từ báo chí, các phương tiện truyền thôn đại chúng: - Chữ “i” (ngắn) và “y” (dài) viết lẫn lộn không theo một chuẩn mực nào cả, thậm chí ngay tên của một cá nhân mà người ta cũng thích viết theo ý của họ. Ví dụ như “Mĩ Trang” thay vì “Mỹ Trang”. Khi nhìn thấy những từ thay vì là “y” được viết bằng chữ “i” như: kí tên, địa lí, học kì, vật lí, kĩ thuật, kĩ sư v.v… hoặc những từ thay vì là “i” thì lại được viết là “y” như: bác sỹ, ca sỹ v.v… tôi cảm thấy chướng mắt vô cùng. Phải chăng những người đó họ muốn “lập dị” hay là họ muốn chứng tỏ cái sự ngu dốt của mình?
Từ Hán Việt: “Mãi” = bán, “Mại” = mua. Hai từ này được dùng lẫn lộn và không hiểu nghĩa của từ. Thí dụ như “khuyến mãi” là khuyến khích các đại lý bán hàng cho người tiêu dùng, bán càng nhiều hàng thì đại lý sẽ được nhà sản xuất thưởng; còn từ “khuyến mại” là khuyến khích người tiêu dùng mua hàng, càng mua nhiều hàng để sử dụng càng được thưởng. Từ “mãi dâm” = bán dâm còn “mại dâm” là mua dâm. Để sử dụng cho đúng, người ta phải nói là gái mãi dâm, tệ nạn mãi dâm còn từ mại dâm là để chỉ người đi mua dâm. Bởi vì trong luật pháp Việt Nam chỉ xử phạt gái “mãi dâm” (bị tập trung đưa đi trường phục hồi nhân phẩm) chứ không xử phạt người “mại dâm” (mua dâm - chỉ bị phạt tiền rồi thả về).
Từ "Nguyên" (Hán Việt) có nghĩa là gốc, dùng để gọi một người mà trước đây họ giữ một chức vụ nào đó, bây giờ họ thôi giữ chức vụ đó nhưng được điều động giữ một chức vụ mới. Ví dụ như: Ông Nguyễn Văn X, nguyên Phó Giám Đốc Công Ty Xuất Khẩu Hằm Bà Lằng, Chủ Tịch UBND Quận Y. Nếu một người nào trước đây đã đảm nhiệm một chức vụ nào đó mà hiện giờ không còn giữ chức vụ nào cả thì phải gọi họ là cựu chứ không gọi là nguyên (vì có ai gọi là “nguyên quân nhân” bao giờ đâu mà chỉ gọi là “cựu quân nhân” mà thôi). Nếu muốn sử dụng từ "nguyên" thì phải dùng “nguyên là”; ví dụ như Bà Lê Thị C, nguyên là Chủ Tịch Hội Phụ Nữ Huyện L. chẳng hạn.
Trên đây là một vài điển hình cụ thể, trong khuôn khổ hạn hẹp của mục góp ý, tôi không thể trình bày dài dòng được. Mong quý vị xa gần có lòng với sự trong sáng của tiếng Việt nêu lên những sự sai sót trong việc dùng tiếng Việt của người Việt Nam trong nước cũng như ở hải ngoại.
Đoàn Hậu, Hải Phòng Sai hay đúng tùy theo cách cảm nhận của từng người. Người ta dùng quen thì sẽ cho là đúng . Chuyện "Kiều bào" Đỗ Vẫn Trọn có vẻ như hơi xét nét quá mức. Nói như vậy thì tiếng địa phương - bản ngữ không được coi là Tiếng Việt? Từ khi ra đời, chữ Quốc ngữ đã có nhiều dị bản, nhiều cách phát âm khác nhau, từ đó cách viết khác nhau. Sau này cách viết của người Bắc được chọn làm chuẩn, có lẽ vì tiếng Nam lai lai tiếng mấy ông "Hoa kiều", còn tiếng Nghệ An thì khó "nhai" quá.
Dùng dần thành quen. Mấy anh - chị ca sĩ nói thì vẫn giọng Nam nhưng hát thì vẫn dùng được giọng Bắc. Chúng ta từng chịu 1000 năm Bắc thuộc, chịu chính sách đồng hoá của PK Tàu. Di chứng để lại cho con cháu sau này. Nhưng điều đó có gì xấu xa không? Tôi thấy chả có gì xấu cả . Bây giờ ta vẫn dùng lịch Âm song song với lịch Dương, các ngày Tết lễ giống như Tàu, trang trí theo phong cách đèn - lồng kiểu Tàu. Xem mấy quảng cáo bánh Trung Thu trên TV thấy toàn mượn "Hoa Kiều" đóng, ăn mặc quần áo Tàu, người Việt xem vẫn hiểu và đi mua rầm rầm.
Có thể cách dùng từ của người Việt có nhiều bất cập nhưng lại giúp người nghe "hiểu" đó , ví dụ như từ "cùng đồng hành", nếu dùng "cùng đi" thì nghe hơi thô quá , "cùng" với "đồng" thì giống nghĩa nhưng khác âm, dùng chung nếu xét nghĩa thì không chuẩn nhưng có mấy ai đủ thời gian xét nghĩa chi tiết. Mấy anh "Kiều bào" cũng dang chịu ảnh hưởng của Tây đó thôi, đi xin việc không nói là xin việc mà lại dùng "xin job"....
Ngọc Dung Tôi là dân Bắc di cư. Ông nội tôi, bố tôi làm nghề chụp hình, còn tôi bán đồ điện, thế mà mấy chục năm sau trở về cố hương, đứng trước tiệm hình, tiệm bán đồ điện, có nhiều thứ trên bảng hiệu đọc mãi mới hiểu. Nếu tôi lặp lại được ...chết liền. Nếu bảo ngôn ngữ Việt Nam đã bị "CS hóa" thì bị chửi là phản động, nhưng sự thật văn học VN ở miền Nam trong 20 năm hòa hợp và khởi sắc bao nhiêu, thì sau 30 năm hòa nhập nó cùng chung số phận với văn chương "Tự lực văn đoàn". Mong sao những thế hệ trẻ ý thức bảo tồn văn hóa nước nhà.
Noname Trong tiếng Việt thì "Kỷ" là năm (mượn tiếng Hán). 1 thập kỷ = 10 năm 1 thế kỷ = 100 năm 1 thiên niên kỷ = 1000 năm Về "ứng khẩu" thì chỉ miêu tả được sự nói năng, còn "ứng xử" thì miêu tả được cả hành động, thái độ. Từ "sự cố" ám chỉ sự việc không mong muốn. Từ "kiều bào" thường được sử dụng trong các văn bản chính thức và rất lâu rồi. Từ "độc giả" phiên từ âm Hán. Từ "độc" cũng có nghĩa là đọc. Vì dùng nhiều nên thành quen, không nên gọi là đọc giả (vì 1 âm thì là Việt, 1 âm thì là Hán) có thể thay bằng "người đọc".
Pham Thanh Phong, Bonn, Đức Đồng ý với anh Nguyễn Toàn:các phương tiện truyền thông có ảnh hưởng rất lớn đến phát triển ngôn ngữ. Nhiều người cho rằng ngôn ngữ thay đổi theo thời gian và sử dụng bừa bãi. Nhất là khi mà báo chí, truyền hình,phát thanh không chú trọng đúng đắn thì hậu quả như chúng ta đã thấy phần nào qua bài viết của anh Đỗ Vẫn Trọn.
Tiện đây tôi xin được nêu lên vài từ ,mà thấy rằng việc sử dụng nó sau 1975 hơi bị "lạm dụng". Nhất là trong đài Truyền hình, các chương trình cho tuổi trẻ.
1- "Giao lưu" được dùng khi diễn tả sự trao đổi to lớn nào đó, thí dụ "giao lưu văn hoá-giao lưu của hai luồng khí, của hai giòng sông,của hai quốc gia..."Ngày nay nhiều khi tặng nhau một món quà nhỏ, trao đổi với nhau vài suy nghĩ vụn vặt cũng gọi là giao lưu!
2-"Ấn tượng" thí dụ :"cô ta đã gây được ấn tượng đẹp đẽ" hoặc "tôi đã có ấn tượng tốt khi tiếp xúc với bạn..." là cách sử dụng bình thường. Nay có người dùng "ấn tượng" như một động từ, thí dụ: "bạn ấn tượng rất tốt!" hay là:"thật ấn tượng".
3-Trong mỗi câu hỏi đều có "đáp án"!bình thường dùng chữ "trả lời"là đủ rồi. Chữ "giải án hay đáp án"nên dùng khi hệ trọng. Chắc vẫn còn nhiều điều cần bàn về tiếng Việt, xin các bạn tiêp tục.
Nguyễn Toàn, Bratislava, Slovakia Muốn có tiếng Việt cho thật "Viet Nam" thì các phương tiện thông tin đại chúng trong nước phải là những người đi đầu , nhất là đài truyền hình. Rất nhiều lần tôi đã viết thư góp ý trực tiếp đến VTV sau khi nghe họ dùng từ một cách bừa bãi trên TV. Song cho đến bây giờ tôi vẫn thấy họ sử dụng tiếng VN sai rất nhiều. Ví dụ họ hay dùng cụm từ "cùng đồng hành" nghe rất thừa. Theo tôi lý do chính ở đây là khâu tuyển chọn người làm truyền hình không ngiêm túc hoặc là có tiêu cực.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2006/09/060926_tiengviet.shtml