Tiếng Việt
HongYen 07.07.2007 07:53:21 (permalink)
Hội-Nghị Quốc-Tế Về “Tiếng Việt: Lịch-Sử Và Giảng Dạy”
TÂM VIỆT . Việt Báo Thứ Ba, 7/3/2007, 12:02:00 AM
 
 
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích dự Hội Nghị Quốc Tế Về Tiếng Việt.
 
Hội-nghị Quốc-tế về “Tiếng Việt: Lịch-sử và Giảng dạy” đã khai mạc trọng-thể sáng thứ Bảy 30 tháng 6 tại Viện Việt-học trên đường Brookhurst, Westminster, California.  Vì đây là lần đầu một hội-nghị quốc-tế về đề-tài nói trên được tổ-chức ở hải-ngoại nên sinh-hoạt này cũng đã thu hút được sự chú ý của một số chuyên-gia hàng đầu của Việt-nam ở nước ngoài, nhất là ở Mỹ, về những vấn-đề như Hán-Nôm hay các địa-tầng ngôn ngữ trong lịch-sử tiếng Việt, chữ Quốc-ngữ và tương-lai của tiếng Việt v.v. trong phần đầu của hội-nghị đã diễn ra trong cuối tuần qua.
 
Sau phần nghi lễ, Bác-sĩ Viện-trưởng Trần Ngọc Ninh đã nêu lên tầm quan-trọng của một hội-nghị như thế này, đặc-biệt là tầm quan-trọng của âm-học tiếng Việt, không những trong việc giảng dạy mà còn trong cả việc nghiên cứu ngôn-ngữ-học lịch-sử của tiếng nước ta.
 
Thuyết-trình-viên đầu tiên trong hội-nghị là G.S. Phạm Văn Hải, hiện đang dạy tiếng Việt ở Viện Đại-học George Washington, thủ-đô Washington, DC.  Là một nhân-viên phục vụ lâu năm trong Thư-viện của VĐH Georgetown ở DC, ông Hải đã viết luận-án tiến-sĩ của ông về tiếng Hán-Việt.  Tuy-nhiên, đề-tài ông thuyết-trình lại là “Hệ-thống chữ viết của người Việt-nam,” tập trung vào một số đặc-điểm của chữ Quốc-ngữ như âm chính (nguyên-âm, mẫu-âm, chủ-âm), âm nửa (âm lướt, bán-âm), âm kèm (phụ-âm, vệ-âm, tử-âm) và sáu thanh.  Theo ông, “các âm và thanh ghép lại thành tiếng” và “qua sự cấu tạo của tiếng có thể tìm được những nguyên tắc và quy luật trong hệ thống chữ viết của người Việt.”  Vì ông chủ-trương viết tiếng Việt theo sát cách phát âm nên ông không tán thành cách viết “y dài” trong trường-hợp “i ngắn” cũng đã đủ nghĩa.
 
Đi vào lịch-sử tiếng Việt, diễn-giả tiếp, ông Nguyễn Ngọc Bích đã đi sâu vào việc trình bầy “địa-tầng Mã-lai – Đa đảo trong lịch-sử tiếng Việt.”  Đây là một thuyết mà ông đã theo chân tác-giả Bình Nguyên Lộc (Nguồn gốc Mã-lai của dân-tộc Việt-nam, 1971, và Lột trần Việt-ngữ, 1972) trình bầy một cách có hệ-thống hơn và với đầy đủ bằng-chứng từ năm 1994.  Theo ông Bích thì cũng vào năm này, G.S. Tạ Quốc Tuấn cũng cho công-bố một bảng so sánh “Tương quan giữa Việt-ngữ và Mã-ngữ” cho ta thấy những dị đồng giữa tiếng Việt và tiếng Mã-lai.  Đúc kết những kết-quả nghiên cứu của ông và của G.S. Tạ Quốc Tuấn, ông Bích đã đưa ra được khá nhiều bằng-chứng như từ ngữ giống nhau, luật biến âm (từ nhị âm thành đơn-âm), từ-pháp và cú-pháp để cho thấy địa-tầng Mã-lai – Đa đảo gần như chắc chắn là tầng xưa nhất trong sự hình-thành của tiếng Việt như ta có ngày hôm nay.
 
Mở đầu phần hội-nghị vào buổi chiều thứ Bảy, G.S. Trần Ngọc Ninh đã nói đến tính-cách thiếu khoa-học hay mơ hồ của một số quan-niệm trong khi nghiên cứu tiếng Việt.  Muốn tiến đến một trình-độ khoa-học thì ta phải định nghĩa một cách chính-xác hơn những quan-niệm ta dùng như “tiếng” và “vần.”  Ông đề nghị gọi “tiếng” như trong “tiếng Việt, tiếng Anh” là “ngữ” và “vần” cho những tiếng theo luật “bằng, trắc” trong thơ và hai loại “vần thông” (CV như “tha, tí, ngô, thụ,” còn gọi là “vần mở”) và “vần chặn” (CVC, còn gọi là “vần khép” như “than, tín, ngông, thục”).  Theo ông, tiếng Việt có những âm mà mình có thể viết được ra nhưng không có nghĩa (có người đề nghị gọi là “âm chờ,” những âm này ta có thể phát âm được nhưng phải chờ để cho người ta thấy một công-dụng nào đó rồi mới gán nghĩa cho nó, tỷ-dụ chữ “phún,” tắt cho “phụ” nghĩa là “đàn bà” và “nữ” nghĩa là “con gái,” để dịch chữ “Ms.” trong tiếng Anh).   Còn “âm-tiết” (“syllable” trong tiếng Anh) thì ông đề nghị gọi vắn tắt là “tiết.”
 
Bài nói chuyện thu hút được sự chú ý đông đảo của cử toạ có lẽ là bài “Ảnh hưởng các ngôn ngữ lân cận trên tiếng Việt” của B.S. Nguyễn Hy Vọng, trình bầy trong một giọng hùng hồn.  Đưa ra rất nhiều thí-dụ của những từ mà ông gọi là “đồng-nguyên” (“cognates” trong tiếng Anh), ông cho rằng một tác-giả như Lê Ngọc Trụ đã sai lầm khi cho là tiếng Việt đa-phần là gốc Trung-hoa, gốc Hán.  B.S. Vọng cho rằng do sự thiếu thông tin nên đã có nhiều người, như ông Lê Ngọc Trụ, lầm tưởng nhiều từ ngữ tiếng Việt là có gốc Hán trong khi chính thật đó là những từ ngữ mình học hay chia xẻ với tiếng nói của các dân-tộc lân-bang.  Như “lúc lắc” (mà trong Từ-điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes 1651 ghi là “blúc blắc”) chẳng hạn, theo ông thì chắc chắn phải là gốc từ “khrluk khrlak” của tiếng Miên hay những chữ tương-tự trong các tiếng Thái, Miến-điện hay Lào.  Có nhìn ra tất cả những chữ “đồng-nguyên” này, theo B.S., thì ta mới trông thấy tính-cách đa nguyên, đa dạng của tiếng Việt.  Ông cho rằng thật “đau buồn” là “những người anh em họ [như tiếng Việt và các tiếng lân-bang] chung một nôi ngôn ngữ đã không còn nhận ra nhau sau 2500 năm.”  Vì thế nên ông đã ghi lại tất cả những tiếng “đồng-nguyên” với tiếng Việt trong một tác-phẩm đồ sộ gần 5000 trang, hiện đã được xuất bản dưới dạng CD.
 
G.S. Lê Văn Đặng, đến từ Seattle, Washington, đăng đàn sau đó để trình bày về “Lớp chữ Nôm on-line cấp 4.”  Đây là một nỗ lực mới nhất của Viện Việt-học nhằm xây dựng một học-trình về chữ Nôm đầy đủ do G.S. Lê Văn Đặng là tác-giả.
 
Cuối ngày, ông Đoàn Xuân đã trình bầy vấn-đề mà ông gọi là “biến âm trong tiếng Việt” để nhấn mạnh đến nhu-cầu cần dùng gạch nối để phân-biệt những từ ngữ mà bề ngoài trông giống nhau trong tiếng Việt (như “săn-sóc [mẹ già]” thì phải khác đi “săn sóc,” không có gạch nối).
 
Sang ngày hôm sau, Chủ-nhật mồng 1 tháng 7, mở đầu ngày thứ hai của hội-nghị, G.S. Nguyễn Văn Sâm, về từ Texas, đã gây ra được những trận cười vui vẻ với những thí-dụ mà ông đưa ra, cho thấy càng ngày càng có một “khoảng cách giữa người đọc ngày nay và câu hát câu hò” xưa.  Ông cho thấy nhiều sách, như của Hồ Biểu Chánh, khi được in lại ở trong nước gần đây, đã bị “tân-thời-hoá” làm cho mất đi tính-cách thời-đại hay địa-phương-tính của nguyên-bản.  Đây, theo ông, không phải là “bảo tồn” mà là “xoá mất đi” những di-tích ta có trong các văn-bản xưa.  Tỷ như chữ “goa li” mà Hồ Biểu Chánh dùng đã bị đổi thành “va-ly” cho dễ hiểu, song đó không còn là Hồ Biểu Chánh nữa vì không bao giờ ông ta, hồi đó, đọc “goa li” là “va-ly” cả.
 
Bài của G.S. Lê Hữu Mục, đến từ Toronto, Canada, trình bầy những kết-luận của ông sau hơn 50 năm nghiên cứu tiếng Nôm trong Quốc-âm thi-tập của Nguyễn Trãi (1380-1442).  Gọi là “những chuẩn-thằng Nôm-học của Nguyễn Trãi,” ông cho rằng những cái mà đa-phần các nhà nghiên cứu khác gọi là “dấu nháy, v.v.” trong thơ Nôm Nguyễn Trãi chính là những cách ghi khoa-học để cho ta thấy sự ngạc-hoá (palatization) của một âm, tỷ-dụ từ “chầu” (viết bằng “trào” trong tiếng Hán) thành “giầu” trong tiếng Việt (tiếng Nôm).  Những loại dấu nháy khác cũng có những công-dụng tương-tự, vấn-đề là ta phải tìm cho ra đúng công-dụng của chúng, và như vậy thì sẽ không có cái gì gọi là “Hàn-luật” (thơ Đường chen câu 6 chữ) mà tất cả đều là đúng 7 chữ.  Dù sự trình bầy của ông xem ra rất khoa-học song trong cử-toạ cũng có không ít người thắc mắc, sợ là ông đang đi quá xa trong giả-thuyết của ông.
 
Bài thuyết-trình được theo dõi một cách kỹ càng và hứng thú nhất là một bài mang tên “Ai vẽ được, ai xoá được?  Lần theo dấu vết âm Việt cổ: từ song tiết và phụ âm kép” do hai nhà Nôm-học tương-đối còn trẻ ở hải-ngoại.  Bài được viết chung bởi anh Nguyễn Hữu Vinh và cô Hoài Hương song vì ở tận Đài-loan, tác-giả đầu không thể có mặt nên cô Hoài Hương đã thay mặt trình bầy cho cả hai người.  Bài viết thật công-phu và có đầy đủ bằng chứng nên thuyết phục được khá nhiều người nghe về nguồn gốc song tiết (disyllabic) của một số từ Việt cổ (như “la đá” hay “là đá,” “a nừng,” “la ngàn” v.v.) hay là sự hiện diện của phụ-âm kép (như “bl, kl, kr, ml…” ở đầu âm-tiết) vào thế-kỷ XIII-XVII”).  Có người, sau khi nghe, phát biểu: “Đúng là hậu-sinh khả uý.”
 
Sau những bài trên đây, trình bầy vào buổi sáng, chiều Chủ-nhật, những bài còn lại gồm:
“Tương lai tiếng Việt,” hiểu là ở Mỹ, do G.S. Kim Loan Hill, hiện đang dạy ở UCSD (University of California, San Diego), tỏ ra khá bi-quan.  Song một vài nhận-định của Giáo-sư đã bị một số quan-khách chất vấn.
 
“Một phương pháp dạy tiếng Việt” do G.S. Lưu Khôn, đến từ San Jose, trình bầy kể lại kinh-nghiệm của ông dùng tiếng và thơ chữ Hán để giúp sinh-viên học-sinh hiểu rõ hơn một số quan-niệm và điển-tích Trung-hoa được dùng khá phổ-biến trong tiếng Việt hay văn-học cận-hiện-đại VN. 
 
G.S. Lưu Khôn là một tác-giả, dịch-giả và giáo-sư nổi tiếng từ ở Việt-nam, song phần trình bầy của ông bị một vài người cho rằng ông đang nói đến chuyện dạy chữ Hán chứ không phải là dạy tiếng Việt.
 
“Các lớp tiếng Việt tại Đại-học Cộng-đồng Bắc Virginia” do G.S. Nguyễn Hữu Trí, đến từ Virginia, cho thấy những thành-phần đổi thay giờ đây đang đi tìm cách học tiếng Việt ở vùng ông (gần thủ-đô Washington).  Ngoài những em gốc Việt (có thể ăn nói lưu loát nhưng lại không biết đọc, biết viết tiếng Việt), còn có những người lấy vợ hay chồng Việt nhưng cũng có cả những người có bằng cấp cao nhưng vì một lý-do nghề nghiệp muốn hay cần biết tiếng Việt.  Tóm lại, tình-hình có vẻ khả-quan nhưng sự cách biệt về trình-độ học vấn cũng như hiểu biết về tiếng Việt làm cho việc dạy có phức-tạp hơn.
 
“Thế hệ trẻ VN và nhu cầu giảng dạy tiếng Việt” do cô Hoàng Quế Trân, đến từ Vancouver, Canada, cho ta thấy một môi-trường rất thuận lợi trong giáo-dục Canada cho phép các nhóm thiểu-số giảng dạy về văn-minh, văn-hoá và ngôn ngữ của cộng-đồng mình.  Tính-cách đa-văn-hoá mà Canada chính-thức công-nhận là một điểm lợi (khác với Mỹ) cho những nỗ lực giảng dạy các tiếng thiểu-số, trong đó có tiếng Việt.  Song điều trở ngại chính là thiếu người biết viết học-trình loại này để dạy tiếng Việt và nhất là văn-hoá Việt cho các em theo một tinh-thần mới.
 
Cuối cùng là bài “Dạy và học chữ Việt vỡ lòng” do G.S. Nguyễn Phước Đáng, từ San Jose đến, trình bầy.  Ông đưa ra một thuyết khá công-phu (mà đã từng được dùng để huấn luyện một số các anh chị em giảng huấn trong các trường Việt-ngữ) song nhìn từ một góc cạnh ngôn-ngữ-học thì đôi ba người cho rằng hãy còn khiếm khuyết.  Dầu sao đây cũng là một nỗ lực đáng kể đi tìm một phương-pháp mới cho việc giảng dạy tiếng Việt ở xứ người.
 
Nhân dịp hội-nghị, vào tối thứ Bảy 30/6, cũng đã có một buổi tưởng niệm G.S. Nguyễn Khắc Kham (100 ngày), một trong những sáng-lập-viên của Viện Việt-học và chủ-tọa danh-dự của Hội-nghị.  Buổi tưởng niệm đã diễn ra rất cảm-động với sự điều hợp của cô Kim Ngân và sự tham-gia lên tiếng của nhiều giáo-sư trong Viện và trong vùng.
 
Được biết, Hội-nghị Quốc-tế về tiếng Việt sẽ còn được tiếp-tục vào cuối tuần tới (thứ Bảy và Chủ-nhật mồng 7-mồng 8/7/2007) với một số đề-tài liên-quan đến các vấn-đề và phương-pháp giảng dạy tiếng Việt, nhất là ở Hoa-kỳ.  Trong số các diễn-giả sẽ có cả diễn-giả đến từ ngoài nước Mỹ, như từ Đức và một hai nước khác.
 
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=45&nid=110531
 
#1
    HongYen 08.07.2007 10:31:37 (permalink)
    Đi Tìm Lại Nhịp Cầu Đánh Mất
    HOÀNG TRIẾT . Việt Báo Thứ Bảy, 7/7/2007, 12:02:00 AM
     





    Lời dẫn

    Bài viết này được đúc kết bởi cảm xúc có được sau hai ngày tham dự Hội Nghị Quốc Tế Về Tiếng Việt (HNQTVTV) do Viện Việt Học (1) tổ chức. Tôi tình cờ được biết đến hội nghị này qua một người bạn. Sự tình cờ này đã trở thành một vinh hạnh cho tôi khi được nghe diễn thuyết, được tiếp chuyện, và được gặp gỡ các giáo sư tên tuổi như Gs bác sĩ Nguyễn Hy Vọng, Gs Trần Ngọc Ninh, Gs Nguyễn Ngọc Bích, Gs Phạm Văn Hải, Ông Đoàn Xuân, Ông Nguyễn Phước Đáng, cùng rất nhiều các giáo sư khác đến từ các nơi khác nhau.

    Cảm xúc vui buồn lẫn lộn này đã khơi lại những ưu tư đã đến rồi đi nhưng chưa bao giờ được viết xuống trong những buổi trò chuyện giữa tôi và một vài bạn trẻ khác. Đó là những ưu tư về khoảng cách nới rộng giữa hai thế hệ trẻ và già ở hải ngoại trong các sinh hoạt cộng đồng trên hai lãnh vực văn hóa và chính trị Việt Nam. Nhịp cầu nối liền hai thế hệ bị đánh mất này theo quan niệm riêng của tôi không gì khác hơn là sự kém hiểu biết của giới trẻ hải ngoại hôm nay về lịch sử văn hóa, lịch sử chính trị, và nguồn gốc dân tộc cũng như ngôn ngữ Việt. Sau một thời gian tiếp xúc với các bậc trưởng thượng ngoài đời và trong các diễn đàn mạng, tôi tin chắc đây không phải là những ưu tư riêng của một vài người mà là một nỗi lo chung cho những ai yêu tiếng Việt, yêu nguồn gốc dân tộc Việt, và nước Việt.

    Mặc dù trong lúc này, tôi chỉ đi tìm lại nhịp cầu đánh mất cho riêng cá nhân tôi. Nhưng tôi đã rất cảm động khi bác sĩ Nguyễn Hy Vọng đã nói với tôi bằng tất cả chân tình: "Lỗi ở Bác!". Tuy tôi không cho rằng câu nói đó hiện nay hoàn toàn đúng, nhưng đó là một cử chỉ cao đẹp mà tôi chưa lần thấy, không kể đây là từ một giáo sư lớn tuổi đã từng có những đóng góp đáng kể trong trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn, trong QLVNCH, trong khoa tâm thần học ở ĐH Kansas, tự điển Pháp Việt, và tự điển bách khoa Việt Nam. Trong tâm tình đó, tôi muốn dùng bài viết này trước là để cảm ơn Viện Việt Học cùng các giáo sư đã bỏ thời gian và tâm huyết để duy trì, phát huy sự hiểu biết về nguồn gốc tiếng Việt; sau đó là khuyến khích các bạn trẻ khác hãy đi tìm lại nhịp cầu đánh mất cho riêng mình.

    Sơ kết về hai ngày đầu của HNQTVTV

    Theo chương trình, hai ngày cuối tuần trong 4 ngày hội nghị (6/30/07 và 7/1/07) được dành cho phần lịch sử tiếng Việt. Mặc dù tôi đến trễ, nhưng vẫn nghe được một số điều lý thú về sự cách sử dụng "i" và "y" trong hệ thống chữ viết của người Việt Nam qua phần thuyết trình của Gs Phạm Văn Hải. Tiếp theo đó là phần thuyết trình của Gs Nguyễn Ngọc Bích về địa tầng Mã Lai đa đảo trong tiếng Việt. Tôi được làm quen với một thuyết mới về nguồn gốc tiếng Việt trước khi bị ảnh hưởng bởi chữ Nôm và chữ Hán với những điểm tương quan giữa các ngôn ngữ nằm trong vùng Mã Lai đa đảo (2). Thuyết này hoàn toàn phù hợp với những nghiên cứu khoa học về nguồn gốc sắc tộc và gen con người.

    Các trường hợp đồng âm, đồng nghĩa của một số từ giữa các ngôn ngữ khác nhau một lần nữa được nhấn mạnh trong phần thuyết trình của bác sĩ Nguyễn Hy Vọng về ảnh hưởng các ngôn ngữ lân cận trên tiếng Việt. Với một loạt các câu nói ngắn gọn giữa tiếng Khmer và tiếng Việt được ghi âm, tôi có cảm giác là người phát ngôn tiếng Khmer trong phần ghi âm đang nháy lại từng câu nói tiếng Việt. Điều bất ngờ hơn nữa là những người tôi quen biết nói cùng hai thứ tiếng này tôi quen biết không hề để ý đến những trùng hợp kỳ lạ này.

    Qua phần thuyết trình của Gs Trần Ngọc Ninh về tiếng và vần, tôi lại biết nhận diện âm bằng, âm trắc qua cách đánh dấu, và sau phần thuyết trình của Ông Đoàn Xuân, tôi bắt đầu để ý đến sự cần thiết của dấu gạch nối trong quốc ngữ để xóa đi những phức tạp về ý nghĩa trong các từ ghép như quân tử (lính chết, hay vua chết), săn sóc (săn con sóc), học giả (học thiệt), giáo sư (xảo sư hay giảo sư), v.v... Tôi cũng được biết đến các từ mới lạ đối với tôi như âm vận, tiết âm vị, mẫu âm, chánh âm, nguyên âm, phụ âm đơn, phụ âm kép... Và cứ thế theo từng phần thuyết trình, nhận thức về cái "biết" trong tôi cứ nhỏ dần và tôi bắt đầu có cảm giác về cái "hiểu".

    Sự cố gắng của Ông Nguyễn Hữu Đáng với phần thuyết trình về cách dạy học vỡ lòng cho lớp trẻ là một đóng góp đáng kể cần phải được tìm hiểu nhiều trước khi phê phán. Những nghiên cứu của ông có thể chưa được hoàn hảo để được công nhận vào chương trình giảng dạy toàn diện, nhưng vẫn có giá trị đối với những thầy cô giáo tuổi đôi mươi ở hải ngoại đang lúng túng tìm cách dạy các trẻ em đánh vần và nhận diện chữ Việt. Nó có thể dùng như một phương pháp trong những phương pháp khác. Nói đúng hơn là vẫn có thể dùng như một phương pháp hay trong khi chưa có một phương pháp nào chính thức.

    Trong phần thuyết trình về thế hệ trẻ VN ở hải ngoại và nhu cầu giảng dạy tiếng Việt, cô Hoàng Quế Trân (3) đã gây ấn tượng với lối diễn thuyết rõ ràng bằng tiếng Việt về phương pháp giáo dục văn hóa ngoại quốc ở Canada. Kết quả thành công của phương pháp này nói lên sự cần thiết của việc tạo dựng sự hiểu biết về văn hóa trước khi học hỏi về ngôn ngữ. Đối với người ngoại quốc hoặc trẻ em lớn lên ở hải ngoại, việc tập đọc và viết tiếng Việt không phải là một việc tất yếu như ở Việt Nam. Các học viên cũng không biết gì nhiều về văn hóa Việt trước khi học chữ Việt. Do đó, họ thiếu mất sự hăng say và lòng kiên trì trong việc học. Theo tôi, đấy cũng là một phương pháp cần nghiên cứu mặc dù không phù hợp với chương trình giảng dạy của đại học Hoa Kỳ. Ít ra, nó sẽ cho chúng ta thấy là tại sao mình có thể bắt con em ngồi trong lớp tiếng Việt bao năm liền mà phần đông chúng vẫn nghe tiếng Việt, trả lời tiếng Anh. Và khi chúng nói tiếng Việt, lại nói ra những câu có thể khiến cha mẹ chúng dở khóc, dở cười.

    Vẫn nhịp cầu đánh mất

    Khi bước vào phòng hội nghị, những điều đầu tiên tôi cảm nhận được là diện tích căn phòng, số người hiện diện, và tuổi tác. Đấy là một căn phòng chỉ đủ sức chứa khoảng 100 người với xấp xỉ 50 người tham dự, phần đông là các bậc chú bác thuộc tầng lớp đi trước. Tôi có cảm giác đây là một hội nghị dành riêng cho các nhà chuyên môn và bắt đầu thắc mắc là mình đang làm gì ở đây. Nhưng qua hai phần thuyết trình, những thắc mắc ban đầu đã trở thành tiếc rẻ. Theo tôi, nội dung của những bài thuyết trình là một cái gì đó vừa hấp dẫn, vừa quan trọng, vừa có giá trị suy ngẫm. Hấp dẫn là vì nó nói về một để tài tôi biết không ít nhưng chả hiểu gì cả. Nó quan trọng vì nó là một phần của nhịp cầu tôi tìm kiếm. Và nó có giá trị vì những gì tôi học được không phải là ý kiến phát xuất từ cái "tôi" của diễn giả, mà là những suy luận được gom góp từ mấy chục năm nghiên cứu có hệ thống khoa học.

    Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng đã mở đầu phần thuyết trình của ông với câu nói khôi hài dí dõm: "Tôi vui vì số người đến nghe diễn thuyết hôm nay bằng số diễn giả tham dự. Và tôi mừng vì trong số đó có vài bạn trẻ.". Câu nói đó (đối với tôi có một cái gì đó không ổn?) đã phản ảnh cảm giác về thắc mắc lúc đầu là mình đang gì ở đây, và sự tiếc rẻ của tôi sau đó như đã nói. Gs Trần Ngọc Ninh đã phát biểu một câu mà theo tôi hiểu đại khái là: Chỉ có qua đối thoại, chân lý mới được lóe sáng. Sống và lớn lên ở hải ngoại, được nghe một giáo sư với vài chục năm nghiên cứu về lịch sử văn hóa dân tộc thuyết giảng là chuyện đáng quý. Và việc nghe hơn một chục người như thế đối thoại, bình luận thì thật hiếm hoi. Nhưng rất tiếc, chỉ có một vài bạn trẻ tìm đến và số người tham dự cũng ít oi so với thành phần diễn giả.

    Không riêng gì về hội nghị tiếng Việt này, những cuộc họp mặt khác mà tôi đã từng có mặt cũng có sự chênh lệch rất rõ ràng giữa thế hệ trẻ và các thế hệ đi trước. Và khi được đề cập đến, những phát biểu của cả hai thế hệ về lý do dẫn đến sự chênh lệch này đầy dẫy những "tại" và "bởi" nhưng hoàn toàn không phải là "tại tôi". Nếu để ý, ta sẽ nghe "tại thời thế", "tại chúng không biết dựa cột mà nghe", "tại mấy ổng nghĩ biết nhiều thì phải đúng", "tại bận đi làm", "tại chúng ham chơi", "tại mấy chú ham danh", "tại ai cũng đầy thành kiến", "tại họ không thống nhất, chia rẽ hoài", v.v... Chúng ta sẽ ít khi nghe: "tại tôi muốn mua thêm nhà", "tại tôi thích đi chơi", "tại tôi muốn mở thêm tiệm", "tại tôi bận đi rong ngoài phố", "tại tôi bận đi cua gái", "tại tôi ham lợi", v.v...

    Tại sao tôi đi tìm?

    Tôi rời Việt Nam vào đầu thập niên 90 khi học gần xong lớp 7. Lúc bấy giờ, việc nói và đọc tiếng Việt đối với tôi không phải là chuyện khó khăn. Hơn nữa, tôi thường tìm đọc và xem các bộ tiểu tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa qua sách vở, phim ảnh được dịch và chuyển âm sang tiếng Việt. Thỉnh thoảng, tôi lại giúp bố đánh máy các bản tin nhỏ lượm lặt từ báo chí. Theo quan niệm sai lầm của tôi lúc trước, tiếng Việt bao gồm tất cả những gì được nói và dùng bởi người Việt. Không có một tiếng Việt nào tôi không viết ra được hoặc không đọc được. Vì vậy mà trong mười năm liền, tôi thường tự hào với bản thân là mình biết tiếng Việt, mình không bị mất gốc.

    Mãi cho đến khi bắt đầu viết lách và đọc lại bài viết của mình, tôi mới khám phá ra rằng bài viết của mình vẫn đơn sơ như bài viết của đứa bé lớp 7 năm nào. Những câu văn hoa mỹ, những từ ngữ phong phú mà tôi cho rằng mình biết được hoàn toàn không có trong bài viết của tôi. Và khi tôi bắt đầu để ý và tập sử dụng, tôi lại phải lúng túng vì phần nhiều các từ khi tách ra để dùng, tôi không biết nó phát xuất từ đâu, có ý nghĩa riêng gì, và được dùng như thế nào trong trường hợp nào. Thế là tôi không dám dùng. Tôi bắt đầu nhận định được rằng chuyện biết và hiểu là hai đề tài khác nhau. Và như thế, tôi bắt đầu lặn ngụp, mò mẫm học hỏi tiếng Việt vì trong quá khứ, tôi chỉ nói như một con vẹt và đọc như một cái máy. Bằng chứng là tôi chỉ nghe, đọc, và dùng một phần nhỏ của hơn 9,700 từ trong tiếng Việt. Tôi và các bạn chung quanh mình cũng chẳng biết nhiều về nguồn gốc và những thay đổi của tiếng Việt trong lịch sử trước khi có Hán ngữ trong tiếng Việt. Chỉ nội trong một bài viết của tôi, lúc thì bố, lúc thì bác, lúc thì lĩnh vực, lúc thì lãnh vực. "Chúng tôi" hay "chúng ta"? "dùng" và "sử dụng" hay "xài"? "mời dùng cơm" hay "mời ăn cơm", "mời xơi cơm"? Tôi không biết các chữ có nghĩa giống nhau khác nhau ở chỗ nào (chỗ hay chổ)? Và những chữ giống nhau có bao nhiêu ý nghĩa khác nhau. Lúc nào xài chữ nào? Bỏ dấu ra sao? Thôi thì cứ ráng viết và ai có kiên nhẫn đọc thì hãy cứ ráng mà hiểu và sửa dùm, vì ai cũng bảo nếu không viết ai biết mình muốn nói gì.

    Trong vài năm gần đây trước sự đàn áp nhân quyền trong nước cùng phong trào dân chủ gia tăng, tôi bắt đầu để ý đến tình hình chính trị và những sự kiện thế giới đã dẫn đến thực trạng hôm nay. Tôi lại một lần nữa nhận thức được rằng sự hiểu biết của mình rất kém cỏi và mù mờ khi nói đến lịch sử Việt Nam và các nhân vật tên tuổi trong lịch sử thế giới. Và tôi cũng bắt đầu mò mẫm tìm hiểu về lịch sử chính trị dân tộc mình. Trong khi tôi không có thời gian để nghiền ngẫm các pho Việt Sử Toàn Thư, các tác phẩm văn học và tiểu sử, hồi ký của người xưa, v.v... tôi lại phải len lỏi giữa một rừng ý kiến về chính trị, lịch sử, văn hóa Việt Nam trên các diễn đàn, bài viết trên mạng, báo chí trong và ngoài nước. Phần nhiều những ý kiến ấy nếu không bị bóp méo bởi thành kiến, tuyên truyền chính trị thì cũng bị sai lệch vì thiếu những hiểu biết chuyên môn và cái nhìn tổng quát. Tôi bắt đầu thấm thía hai câu nói "không thầy đố mầy làm nên" và "học thầy không tầy học bạn". Ở hải ngoại tìm thầy học đã khó, tìm bạn để học lại càng khó hơn vì số bạn bè tôi biết có cơ hội, thời gian, và nhu cầu để học hỏi như tôi chỉ được một ít người. Cho dù vậy, học lẫn nhau chẳng khác nào thằng mù dẫn đường thằng đui.

    Tại sao các chú, các bác tôi được biết lại đi tìm?

    Ở tuổi 85, Gs Trần Ngọc Ninh vẫn phải cặm cụi với những đề án văn học và giáo dục của Viện Việt Học nhằm duy trì tiếng Việt, văn hóa dân tộc Việt cho thế hệ sau ở hải ngoại. Ông Nguyễn Phước Đáng với cặp kiếng lão, dáng đứng và giọng nói run run vẫn cố gắng nghiên cứu và trình bài một phương pháp dạy đánh vần và ghép chữ cho các thầy cô giáo trẻ sau này. Ông Đoàn Xuân với tác phẩm Về Nguồn mà ông gọi là "chiếc chìa khóa" mấy mươi năm vẫn lay hoay tìm người trẻ để trao lại với hy vọng là thế hệ sau sẽ tìm ra cánh cửa để mở khóa những phức tạp trong ý nghĩa các từ ghép được viết bằng quốc ngữ. Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng, cũng đã hơn 70, vừa trao địa chỉ, điện thư, điện thoại cho tôi vừa nói: "Cứ liên lạc với Bác, any time, any place, any language (Anh, Pháp, Việt), any topic." Ông chỉ muốn trao lại cho giới trẻ những gì mình biết được để thu hẹp lại khoảng trống giữa hai thế hệ.

    Không chỉ những giáo sư tận tụy này, các nhà chính trị, bình luận gia lớn tuổi với nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về lịch sử chính trị, kinh tế thế giới lúc nào cũng rất vui vẻ và phấn khởi khi các bạn trẻ tìm đến và hỏi han về lịch sử Việt Nam. Bác Đỗ Quý Toàn đã từng thuyết giảng liên tục 3 giờ liền về các sự kiện nhân vật lịch sử VN từ 1900 đến 1975 cho một nhóm trẻ chúng tôi biết. Một vài người lớn tuổi tôi quen lại dùng các diễn đàn để giao du với các bạn trẻ và lúc nào cũng sẵn sàng trả lời những câu hỏi về nguồn gốc văn hóa chính trị trong lịch sử, những câu hỏi về Hán ngữ, thơ văn, v.v...

    Tất cả đều cùng một nỗi lo chung, họ muốn nối lại nhịp cầu đã và đang bị đánh mất trước khi quá trễ. Họ là những người đang có một cái gì đó cần phải được trao lại. Công cuộc duy trì nền văn hóa Việt ở hải ngoại cùng với sự phấn đầu cho nhân quyền, dân chủ, tự do Việt Nam là hai chuyện đòi hỏi sự kiên trì và đóng góp của nhiều thế hệ. Một khi bờ bên kia biến mất thì nhịp cầu đánh mất sẽ không thể nào tìm lại. Không riêng gì đến người Việt ở hải ngoại, nền giáo dục quốc nội cũng đang phải đối đầu với nhiều vấn nạn. Việc duy trì những kiến thức về nguồn gốc, lịch sử văn hóa cũng là một nỗi lo cho các nhà giáo dục trong nước. Trong một xã hội bị kiểm soát chặt chẽ, kẻ chiến thắng vẫn là người toàn quyền viết sử. Tất nhiên là những gì bất lợi cho Đảng sẽ bị bóp méo hoặc ém nhẹm một thời gian dài qua sự kiểm duyệt của cán bộ giáo dục. Khi thế hệ trước ra đi và đem theo những hiểu biết của mình, tuổi trẻ VN ở hải ngoại phải đối đầu với những nhịp cầu bị hạn chế và bóp méo của quốc nội để tìm về nguồn cội. Đồng thời, họ cũng phải tìm hiểu lịch sử văn hóa Việt Nam qua cái nhìn của người ngoại quốc; một phương pháp mà tôi chẳng có chữ gì khác thích hợp để diễn tả hơn là "chở củi về rừng".


    Lời kết

    Bác sĩ Vọng có thể đúng lúc ban đầu khi ông nói với tôi: "Lỗi ở Bác!". Nhưng hiện tại thì lỗi không phải bởi riêng một thế hệ nào. Nếu có khả năng đi tìm lại nhịp cầu đánh mất mà không làm, đó mới là lỗi. Ý nghĩa câu nói "thành kiến gây chia rẽ" mãi mãi không thay đổi ở bất cứ trường hợp nào, thời đại nào, thế hệ nào. Khi có thể bắt đầu câu nói từ "tại tôi", thì chúng ta sẽ thấy được rằng ở hai thế hệ, có rất nhiều người đang lần mò tìm lại nhịp cầu đánh mất. Và khi thấy được rồi, việc đi tìm nhau sẽ không còn khó khăn.

    Sau sự thành công với dự án "Nam Phong Tạp Chí" (4), Viện Việt Học vẫn còn các dự án khác muốn được trình bài đến tất cả. Tôi hy vọng là chung với những dự án đó, Viện Việt Học sẽ đảm nhiệm luôn trách nhiệm nối lại nhịp cầu bằng cách tạo phương tiện để hai thế hệ có một chỗ để tìm đến nhau. Và tôi cũng hy vọng là một bài viết nói về cái nhìn của một người trẻ sẽ được các bạn trẻ để ý đến. Nếu có khả năng, chúng ta hãy cùng nhau tìm lại cho chúng ta và cho con cái chúng ta. Câu hỏi "có lợi gì cho tôi?" hôm nay nếu chúng ta không trả lời được thì sau này chúng ta sẽ phải nhìn vào con cái và nói rằng: "Lỗi ở Bố!".

    Phần B của Hội Nghị Quốc Tế về Tiếng Việt sẽ được tiếp tục trong hai ngày cuối tuần 7/7 và 7/8 với chủ đề: giảng dạy tiếng Việt. Nội dung chương trình có thể tìm thấy trên trang nhà của Viện Việt Học. Đây là một dịp để đến và nghe các giáo sư bàn thảo về những phương pháp dạy tiếng Việt cho thế hệ sau. Đây cũng là dịp để chúng ta góp ý kiến giúp họ nhận định đối tượng, nhận định nhu cầu của mình và con cái mình. Tôi xin mượn câu nói của Gs Trần Ngọc Ninh để kết thúc bài viết này: "Qua đối thoại, chúng ta mới có thể tìm ra chân lý." Hy vọng trên con đường tìm lại nhịp cầu đánh mất, các bạn trẻ sẽ đồng ý với tôi rằng biết và hiểu là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

    7/3/07


    Chú thích:

    (1) Viện Việt Học - http://www.viethoc.org/

    (2) Malayo-Polynesian. Xin tìm đọc thêm về ngôn ngữ của các sắc dân trong vùng này dưới phần "Astronesian Languages" trong Wikipedia (http://en.wikipedia.org/wiki/Austronesian_languages)

    (3) Phụ tá cho dân biểu Adrian Dix, đại diện khu vực Vancouver-Kingsway, Canada.

    (4) Nam Phong Tạp Chí toàn bộ đã được chuyển vào DVD. Có thể xem ở trên trang web của Viện Việt Học.

    http://www.viethoc.org/index.php?module=pagemaster&PAGE_user_op=view_page&PAGE_id=101
    "Để bảo tồn và tìm hiểu một số tài liệu về văn hoá của các thế hệ trước để lại, Viện Việt-Học với sự hợp tác của gia đình học giả Phạm Quỳnh (người đại diện là Ông Phạm Tuân, con trai út của học giả Phạm Quỳnh) sẽ chuyển bộ Nam-Phong Tạp-Chí (1917-1934) vào DVD và kính mời các quí vị học giả, nhà giáo dục, nho học tham dự vào công trình dịch thuật phần chữ nho của tạp chí này sang chữ abc." - VVH


     HOÀNG TRIẾT
    http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=114&nid=110716
     
    #2
      HongYen 23.07.2007 05:55:15 (permalink)
      Vài suy nghĩ về tiếng Việt




      "Nhiều khi bị gọi là Việt Kiều thấy cũng buồn buồn…"

      Mỗi lần tôi về Việt Nam, bạn tôi hay hỏi: Ông về lần này có “ý đồ” gì không? Tôi cười nhạt.
       
      Lần nào, bạn tôi cũng hỏi như thế đâm ra tôi phát cáu. Chẳng “ý đồ” gì cả; tôi chỉ về thăm quê hương. Tôi không hiểu sao, bạn tôi là nhà báo mà lại hỏi tôi như vậy. Tôi có cảm tưởng như đang bị “thẩm vấn”.

      Ðáng lẽ, anh ấy phải hỏi tôi: Có ý định hay mục đích gì không? Ðằng này… Ai cũng hiểu, từ “ý đồ” ngầm chứa một điều gì xấu xa. Người ta hay dùng từ “đồ” để chửi nhau. Hóa ra, tôi đang rơi vào trường hợp này.

      Một lần tôi đi xem một chương trình văn nghệ, tấm biển quảng cáo treo ngang nơi nhà hát thành phố với hàng chữ to đậm nét “Một thập kỷ âm nhạc nhìn lại”. Tôi nhớ nếu không sai: Âm nhạc Việt Nam chưa có tới 100 năm thì làm sao có 1000 năm nhìn lại.

      Bạn tôi giải thích một thập kỷ là 10 năm. Tôi không đồng ý. Kỷ là 100 năm. Niên là năm. Một thập niên là 10 năm. Cũng đâu cần thiết phải dùng một thập kỷ để có hơi hướm Hán - Việt. Dùng “10 năm âm nhạc nhìn lại”, tôi thấy vẫn hay hơn.

      Trong các chương trình hỏi đáp hay dùng từ “ứng xử”. Từ này “hơi bị” lạm dụng. Trường hợp nào nên dùng từ “ứng xử” mới thích hợp? Như chương trình “Ðường lên đỉnh Olympia” của VTV4 dùng từ “ứng xử” là “chuẩn” nhất. “Ứng xử” là thể hiện thái độ và trí nhớ.

      Khi thí sinh trả lời những câu hỏi là những câu mà họ đã được học cộng thêm vốn kiến thức thu thập trong đời sống để diễn đạt. Ðâu phải lúc nào cũng “ứng xử” cả. Có những lúc chúng ta nên dùng từ “ứng trí” – “ứng khẩu” để biểu tỏ sự thông minh, sự đối đáp nhanh nhẹn của người trả lời. Nghệ sĩ trên sân khấu khi được MC phỏng vấn, dùng từ “ứng khẩu” có vẻ đúng hơn.

      Từ “sự cố” cũng bị lạm dụng rất nhiều. “Sự cố” – “sự vụ” – “sự việc” đều có thể dùng đúng ở mỗi trường hợp khác nhau. Không nhất định phải ôm giữ lấy từ “sự cố”.

      Như chữ @ mà nhiều người hay đọc là “a còng” nghe không thanh lắm. Tại sao họ không dùng “a vòng” nghe dễ chịu hơn. Có một số người Việt ở Mỹ đọc tên trước họ theo kiểu Mỹ như: Phạm Tòng đọc thành Tòng Phạm thấy hơi kỳ kỳ.

      Riêng từ “bảo đảm” và “đảm bảo” tôi thấy vô tình phân chia tiếng Việt của chúng ta về cách dùng từ (nghĩa) của người Việt trong nước và người Việt hải ngoại. Vua Tần Thủy Hoàng nổi tiếng hung bạo nhưng công lớn củaông là thống nhất ngôn ngữ Trung Hoa. Trong khi đó hiện nay, chúng ta lại chia cách tiếng Việt.

      Thật ra, từ “đảm bảo” và “bảo đảm” đều đúng, nếu chúng ta dùng ở thể hỏi và thể xác định. Tôi hỏi: Ông có “bảo đảm” đến đúng giờ không? Trả lời: Tôi “đảm bảo” với ông đúng giờ. Nếu dùng như vậy thì hay biết chừng nào.
      Khi nghị quyết 36 của chính phủ ban hành có đoạn: “Không phân biệt chính trị, tôn giáo, văn hóa… Khối người Việt sống ở hải ngoại là một bộ phận không thể tách rời của đất nước…” Như vậy: Ngôn ngữ - văn hóa - nghệ thuật của người Việt “sống” ở nước ngoài phải là văn hóa của Việt Nam, của đất nước chứ sao có chuyện phân biệt như vậy.

      Khi thay từ “Việt Kiều” bằng “Kiều Bào” (ngầm hiểu là những người cùng một huyết thống), mọi người thấy có một điều gì gần gũi với quê hương hơn.

      Thời trước năm 1975, người Hoa ở Chợ Lớn tranh đấu cho bằng được để gọi họ là Hoa Kiều, chứ không phải “Ba Tàu”. Còn người Việt chúng ta sao lại là “Việt Kiều”. Nay từ “Việt Kiều” đã được đổi nhưng dùng lâu ngày nên thành thói quên. Nhiều khi “bị gọi” là Việt Kiều thấy cũng buồn buồn…
      Ngay cả chữ, từ mà hầu hết sách vở - báo chí trong nước và hải ngoại đều dùng là “độc giả”, có dấu “^”, tôi nghĩ chưa hẳn đúng. Mọi người khi viết từ “người đọc” “bạn đọc” đều không có dấu “^”. Vậy sao “độc giả” lại có dấu “^”? Mặc dù, trong tự điển Hán - Việt diễn nghĩa “độc giả” có dấu “^”, nhưng chưa chắc đúng. “Ðộc giả” có dấu “^” sẽ trở thành đơn độc - một người độc, như độc hành - độc bộ.
      Những “từ”, “chữ” trên là thắc mắc của tôi, của một người rất tha thiết tiếng Việt, mong được quý vị thức giả, những ai quan tâm đến tiếng Việt xin chỉ dẫn thêm.

      ---------------------------------------------------------

      MH, Hà Nội
      Thưa bạn Hoàng Trung. Tôi không rõ bạn đang sống ở miền nam hay Bắc nhưng câu hỏi của bạn làm tôi nghĩ rằng bạn ở miền Nam. Từ (Bổn) hay (bản) có lúc giống nhau có lúc khác nhau. Ví dụ dân Bắc nói Nhật bản nhưng người Nam nói Nhật bổn, còn Tam sao thất bản là đúng vì bổn có lúc là bổn phận từ bổn ở đây cả Bắc và Nam đều dùng giống nhau.

      Người ta nói Bổn phận chứ không ai nói là bản phận cả. Và Tam sao thất bạn là 3 lần sao chép sẽ sai di thành 7 bản bị sai lệch, do vậy ở đây không thể dùng Tam sao tất bổn được.

      TN, Hoa Kỳ
      Muốn biết tiếng Việt như thế nào có lẽ chúng ta nên tìm những sách giáo khoa căn bản về môn Tiếng Việt ở bậc trung học để đọc cho tỏ tường. Thứ hai là gặp các em HS trung học để hỏi xem các em ấy nghĩ sao về môn Tiếng Việt.

      Bà xã tôi đã từng dạy môn Tiếng Việt thế mà bà ấy vẫn than thở sách giáo khoa viết kỳ lạ khó hiểu quá, có lẽ đó cũng là lý do HSVN xem việc học Tiếng Việt là một cực hình. Phải chăng môn Tiếng Việt thiếu phong phú, trong sáng, gọn nhẹ, dễ hiểu?...Đối với cá nhân tôi, cái gì là cụm chủ vị, chủ ngữ, ngữ danh từ, ngữ động từ vân vân đầy trong sách làm tôi muốn điên đầu. Đã không hiểu nổi thì thôi mình đành phải viết càn, nói đại không có đầu đuôi, văn phạm là chuyện dễ hiểu.

      Hoàng Trung
      Tôi buồn nhiều, khi nghe lớp trẻ nói chuyện hoặc các MC nói trên TV. Họ dùng từ và cách họ dùng từ sao mà tự do nếu không nói là bừa bãi. Điều nguy hiểm là sau một thời gian dài dùng rộng rãi và phổ biến như vậy thì cách dùng đó sẽ nghiễm nhiên được chấp nhận bởi "xã hội".

      Chẳng hạn: Chữ Phương án và Đáp án có nghĩa và trường hợp sử dụng hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng các MC cũng không nhận ra được điều này. Từ "xử lý" được dùng càng thoải mái hơn. Tôi không có thời gian để ghi lại hết nơi đây. Chỉ buồn, nỗi buồn không biết tỏ cùng ai. Không nói thì ấm ức. Nói ra thì người ta bảo mình già nua. Các bạn cứ lắng nghe đi. Trên TV có chương trình "Tam sao thất Bản". Xin hỏi các bạn Tam Sao Thất Bản hay Tam Sao Thất Bổn? Thương cho đời quá. Tạm biệt.

      Lê Trung
      Tôi xin góp ý với bạn Lê Vân. Trường hợp dùng từ "nguyên" hiện nay là khá chính xác. Thí dụ như người ta gọi một ông bí thư nào đó khi ông này đã về hưu là nguyên bí thư nguyễn văn X chẳng hạn, chính xác hoàn toàn bởi vì một ông bí thư đã về hưu thì quyền hạn, và cái chân rết quyền lực của ông ta vẫn còn có khi còn hơn cả ông bí thư đương quyền.

      Bí thư chỉ là một phiên bản của ông "cựu" bí thư. Có lúc ông "cựu" này lại là ông cố vấn cho ông đương chức. Vì vậy, người ta không phải không có cơ sở để gọi ông đã về hưu là ông "nguyên" đâu!

      Theo tôi biết, có nhiều nước trên thế giới, nếu có một ông "cựu" nào đó vừa rời khỏi ghế mà quá trình nắm quyền của ông có nhiều vấn đề sai phạm, thì chắc chắn rằng ông sẽ rất dễ dàng bị pháp luật sờ gáy. Còn ở VN thì các quan chức biết rất rõ và rất ngại điều này. Vì vậy họ không để cho nhân dân gọi là "cựu" khi họ hạ cánh. Đây có thể gọi là "thuật hạ cánh".

      Cuối cùng xin tóm lại là,riêng cái từ "nguyên" này thì nó không có nằm trong phạm trù ngôn ngữ. Xin bạn hãy đồng ý với tôi. Cám ơn, và xin chúc bạn vui vẻ.

      NKL
      Nói đến Tiếng Việt, tôi thấy thích ý kiến của bạn Đoàn Hậu, Hải Phòng. Thử hỏi nếu Tiếng địa phương không được cho là Tiếng Việt thì hơn 80% dân số VN đang nói Tiếng Tây-Tàu gì hết à.

      Các ông sống ở Tây hết nên chẳng thể nào hiểu hết được nữa, ngay cả bạn Đoàn Hậu - Hải Phòng, tôi cũng không cho là bạn cảm nhận được cái hay của tiếng địa phương như tiếng Nam hay Nghệ An. Tôi thử lấy một câu thế này các vị có "dịch" được không nhé: "Bọn choa nỏ mần răng nhại được giọng bay". Các vị sẽ gặp nhiều nữa, các vị sống ở Tây lâu rồi không thấy hết được nếu không về miền nông thôn VN một thời gian.

      Phan Huy, San Jose
      Tiếng Việt ngày nay lệch lạc thì cũng dễ hiểu thôi mà tôi lấy làm lạ là chẳng ai suy luận gì cả. Thôi thì tôi xin nhắc lại cho quí vị nhớ: -Thứ nhất năm 1954, đa số các trí thức miền Bắc đã di cư vào Nam cả rồi. Vì thiếu thầy cho nên đa số giáo viên, giáo sư không đủ trình độ đảm nhiệm chuyện dạy học. Ví dụ cứ trình độ lớp 9+2 năm học tập chính trị là được dạy lớp 7. Rồi cứ thế thế hệ này dạy cho thế hệ khác cho đến ngày nay, lệch lạc tiếp nối lệch lạc.

      Lý do thứ hai là sau năm 1975, những từ ngữ nào mà thời VNCH dùng, thì nhà nước CS cố tình đổi cho khác, vì không muốn giống những gì họ cho là Mỹ Ngụy. Do đó mới có: "máy bay lên thẳng" thay thế cho máy bay trực thăng, "tàu sân bay" thay vì gọi là hàng không mẫu hạm, diễu hành thay vì phải gọi là diễn hành, v,v. Thậm chí lúc đầu họ bắt tháo gỡ cụm từ "nhà bảo sanh", và phải dùng là "xưởng đẻ". Dân trong Nam chửi quá nên họ không còn bắt buộc gọi là xưởng đẻ nữa.

      Tuấn Anh
      Tôi thật buồn khi thấy BBC đăng bài của một người không quá ít hiểu biết về ngôn ngữ và đặc biệt là tiếng Việt như thế này. Phân tích của ông ta thật ngô nghê, tôi nghĩ trong bất kỳ ngôn ngữ nào cũng vậy nó phát triển theo sự phát triển của xã hội. Tôi đồ rằng ông đang ngồi viết bài phân tích chê bôi ngôn ngữ được thể hiện trong các tác phẩm của SHAKESPEARE vì trong đấy cũng có rất nhiều câu, từ bị mắc lỗi nếu hiểu ngôn ngữ theo kiểu của ông.

      Tôi ví dụ để ông nhận thấy rằng "Việt Kiều" và "Kiều Bào" rất khó dùng đồng nghĩa 1.Anh ấy là Việt Kiều sống ở London. 2.Họ là những Kiều Bào sống ở London. Hy vọng là cách hiểu và sử dụng ngôn ngữ của ông uyển chuyển hơn.

      MH, Hà Nội
      Thưa bạn Lê Văn Toronto Canada. Tiếng nói cũng như đường đi không tự nhiên có sẵn nên không thể lấy một chuẩn mực nào cả. Do đi nhiều nên thành đường và từ ngữ còn phụ thuộc vùng miền. Cái gì quen dùng thành đúng, có vậy thôi.

      Hải Linh
      Viết chữ Việt Kiều mà bỏ trong ngoặc kép là đúng quá. Ông Trọn làm nhiều việc (thiện) ở VN rồi, nhiều người truyền thông ở hải ngoại đâu có thể đi lại dể dàng ở VN như ông Trọn của Viên Thao. Còn chuyện phê bình chút đỉnh về văn chương chỉ là tát yêu mà thôi

      Nguyễn Cường
      Tiếng Việt 60 năm trở lại đây có những sự mà nghĩ ra thì chỉ biết bật cười. Ví dụ các danh từ chung như "bác", "người"... bây giờ lại được viết hoa.

      L.D.H., ATL
      Hai từ độc trong độc hành và độc giả đều là từ gốc Hán. Chúng đồng âm nhưng dị dạng, dị nghĩa. Như "Vạn lý độc hành" và "Ngư,Tiều,Canh,Độc". Người đọc là từ thuần Việt. Độc giả là từ Hán Việt có nghĩa là người đọc. Chưa thấy ai viết là đọc giả, nếu có thì chắc nghĩa nó là không đọc thật, chỉ giả vờ đọc mà thôi.

      Lê Văn, Toronto, Canada
      Sau 1975, tôi thấy vấn đề dùng từ của Việt Nam rất đáng gây tranh cãi, nhưng rồi đâu cũng vào đấy, không có gì thay đổi cả. Điển hình là một số từ sau đây mà chúng ta thường gặp và nghe từ báo chí, các phương tiện truyền thôn đại chúng: - Chữ “i” (ngắn) và “y” (dài) viết lẫn lộn không theo một chuẩn mực nào cả, thậm chí ngay tên của một cá nhân mà người ta cũng thích viết theo ý của họ. Ví dụ như “Mĩ Trang” thay vì “Mỹ Trang”. Khi nhìn thấy những từ thay vì là “y” được viết bằng chữ “i” như: kí tên, địa lí, học kì, vật lí, kĩ thuật, kĩ sư v.v… hoặc những từ thay vì là “i” thì lại được viết là “y” như: bác sỹ, ca sỹ v.v… tôi cảm thấy chướng mắt vô cùng. Phải chăng những người đó họ muốn “lập dị” hay là họ muốn chứng tỏ cái sự ngu dốt của mình?

      Từ Hán Việt: “Mãi” = bán, “Mại” = mua. Hai từ này được dùng lẫn lộn và không hiểu nghĩa của từ. Thí dụ như “khuyến mãi” là khuyến khích các đại lý bán hàng cho người tiêu dùng, bán càng nhiều hàng thì đại lý sẽ được nhà sản xuất thưởng; còn từ “khuyến mại” là khuyến khích người tiêu dùng mua hàng, càng mua nhiều hàng để sử dụng càng được thưởng. Từ “mãi dâm” = bán dâm còn “mại dâm” là mua dâm. Để sử dụng cho đúng, người ta phải nói là gái mãi dâm, tệ nạn mãi dâm còn từ mại dâm là để chỉ người đi mua dâm. Bởi vì trong luật pháp Việt Nam chỉ xử phạt gái “mãi dâm” (bị tập trung đưa đi trường phục hồi nhân phẩm) chứ không xử phạt người “mại dâm” (mua dâm - chỉ bị phạt tiền rồi thả về).

      Từ "Nguyên" (Hán Việt) có nghĩa là gốc, dùng để gọi một người mà trước đây họ giữ một chức vụ nào đó, bây giờ họ thôi giữ chức vụ đó nhưng được điều động giữ một chức vụ mới. Ví dụ như: Ông Nguyễn Văn X, nguyên Phó Giám Đốc Công Ty Xuất Khẩu Hằm Bà Lằng, Chủ Tịch UBND Quận Y. Nếu một người nào trước đây đã đảm nhiệm một chức vụ nào đó mà hiện giờ không còn giữ chức vụ nào cả thì phải gọi họ là cựu chứ không gọi là nguyên (vì có ai gọi là “nguyên quân nhân” bao giờ đâu mà chỉ gọi là “cựu quân nhân” mà thôi). Nếu muốn sử dụng từ "nguyên" thì phải dùng “nguyên là”; ví dụ như Bà Lê Thị C, nguyên là Chủ Tịch Hội Phụ Nữ Huyện L. chẳng hạn.

      Trên đây là một vài điển hình cụ thể, trong khuôn khổ hạn hẹp của mục góp ý, tôi không thể trình bày dài dòng được. Mong quý vị xa gần có lòng với sự trong sáng của tiếng Việt nêu lên những sự sai sót trong việc dùng tiếng Việt của người Việt Nam trong nước cũng như ở hải ngoại.

      Đoàn Hậu, Hải Phòng
      Sai hay đúng tùy theo cách cảm nhận của từng người. Người ta dùng quen thì sẽ cho là đúng . Chuyện "Kiều bào" Đỗ Vẫn Trọn có vẻ như hơi xét nét quá mức. Nói như vậy thì tiếng địa phương - bản ngữ không được coi là Tiếng Việt? Từ khi ra đời, chữ Quốc ngữ đã có nhiều dị bản, nhiều cách phát âm khác nhau, từ đó cách viết khác nhau. Sau này cách viết của người Bắc được chọn làm chuẩn, có lẽ vì tiếng Nam lai lai tiếng mấy ông "Hoa kiều", còn tiếng Nghệ An thì khó "nhai" quá.

      Dùng dần thành quen. Mấy anh - chị ca sĩ nói thì vẫn giọng Nam nhưng hát thì vẫn dùng được giọng Bắc. Chúng ta từng chịu 1000 năm Bắc thuộc, chịu chính sách đồng hoá của PK Tàu. Di chứng để lại cho con cháu sau này. Nhưng điều đó có gì xấu xa không? Tôi thấy chả có gì xấu cả . Bây giờ ta vẫn dùng lịch Âm song song với lịch Dương, các ngày Tết lễ giống như Tàu, trang trí theo phong cách đèn - lồng kiểu Tàu. Xem mấy quảng cáo bánh Trung Thu trên TV thấy toàn mượn "Hoa Kiều" đóng, ăn mặc quần áo Tàu, người Việt xem vẫn hiểu và đi mua rầm rầm.

      Có thể cách dùng từ của người Việt có nhiều bất cập nhưng lại giúp người nghe "hiểu" đó , ví dụ như từ "cùng đồng hành", nếu dùng "cùng đi" thì nghe hơi thô quá , "cùng" với "đồng" thì giống nghĩa nhưng khác âm, dùng chung nếu xét nghĩa thì không chuẩn nhưng có mấy ai đủ thời gian xét nghĩa chi tiết. Mấy anh "Kiều bào" cũng dang chịu ảnh hưởng của Tây đó thôi, đi xin việc không nói là xin việc mà lại dùng "xin job"....

      Ngọc Dung
      Tôi là dân Bắc di cư. Ông nội tôi, bố tôi làm nghề chụp hình, còn tôi bán đồ điện, thế mà mấy chục năm sau trở về cố hương, đứng trước tiệm hình, tiệm bán đồ điện, có nhiều thứ trên bảng hiệu đọc mãi mới hiểu. Nếu tôi lặp lại được ...chết liền. Nếu bảo ngôn ngữ Việt Nam đã bị "CS hóa" thì bị chửi là phản động, nhưng sự thật văn học VN ở miền Nam trong 20 năm hòa hợp và khởi sắc bao nhiêu, thì sau 30 năm hòa nhập nó cùng chung số phận với văn chương "Tự lực văn đoàn". Mong sao những thế hệ trẻ ý thức bảo tồn văn hóa nước nhà.

      Noname
      Trong tiếng Việt thì "Kỷ" là năm (mượn tiếng Hán). 1 thập kỷ = 10 năm 1 thế kỷ = 100 năm 1 thiên niên kỷ = 1000 năm Về "ứng khẩu" thì chỉ miêu tả được sự nói năng, còn "ứng xử" thì miêu tả được cả hành động, thái độ. Từ "sự cố" ám chỉ sự việc không mong muốn. Từ "kiều bào" thường được sử dụng trong các văn bản chính thức và rất lâu rồi. Từ "độc giả" phiên từ âm Hán. Từ "độc" cũng có nghĩa là đọc. Vì dùng nhiều nên thành quen, không nên gọi là đọc giả (vì 1 âm thì là Việt, 1 âm thì là Hán) có thể thay bằng "người đọc".

      Pham Thanh Phong, Bonn, Đức
      Đồng ý với anh Nguyễn Toàn:các phương tiện truyền thông có ảnh hưởng rất lớn đến phát triển ngôn ngữ. Nhiều người cho rằng ngôn ngữ thay đổi theo thời gian và sử dụng bừa bãi. Nhất là khi mà báo chí, truyền hình,phát thanh không chú trọng đúng đắn thì hậu quả như chúng ta đã thấy phần nào qua bài viết của anh Đỗ Vẫn Trọn.

      Tiện đây tôi xin được nêu lên vài từ ,mà thấy rằng việc sử dụng nó sau 1975 hơi bị "lạm dụng". Nhất là trong đài Truyền hình, các chương trình cho tuổi trẻ.

      1- "Giao lưu" được dùng khi diễn tả sự trao đổi to lớn nào đó, thí dụ "giao lưu văn hoá-giao lưu của hai luồng khí, của hai giòng sông,của hai quốc gia..."Ngày nay nhiều khi tặng nhau một món quà nhỏ, trao đổi với nhau vài suy nghĩ vụn vặt cũng gọi là giao lưu!

      2-"Ấn tượng" thí dụ :"cô ta đã gây được ấn tượng đẹp đẽ" hoặc "tôi đã có ấn tượng tốt khi tiếp xúc với bạn..." là cách sử dụng bình thường. Nay có người dùng "ấn tượng" như một động từ, thí dụ: "bạn ấn tượng rất tốt!" hay là:"thật ấn tượng".

      3-Trong mỗi câu hỏi đều có "đáp án"!bình thường dùng chữ "trả lời"là đủ rồi. Chữ "giải án hay đáp án"nên dùng khi hệ trọng. Chắc vẫn còn nhiều điều cần bàn về tiếng Việt, xin các bạn tiêp tục.

      Nguyễn Toàn, Bratislava, Slovakia
      Muốn có tiếng Việt cho thật "Viet Nam" thì các phương tiện thông tin đại chúng trong nước phải là những người đi đầu , nhất là đài truyền hình. Rất nhiều lần tôi đã viết thư góp ý trực tiếp đến VTV sau khi nghe họ dùng từ một cách bừa bãi trên TV. Song cho đến bây giờ tôi vẫn thấy họ sử dụng tiếng VN sai rất nhiều. Ví dụ họ hay dùng cụm từ "cùng đồng hành" nghe rất thừa. Theo tôi lý do chính ở đây là khâu tuyển chọn người làm truyền hình không ngiêm túc hoặc là có tiêu cực.


      http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2006/09/060926_tiengviet.shtml

      <bài viết được chỉnh sửa lúc 23.07.2007 05:59:38 bởi HongYen >
      #3
        HongYen 23.07.2007 06:03:49 (permalink)
        Phi truờng Tân Sơn Nhất.
         
        Đến phi truờng Tân Sơn Nhất hay sân bay Tân Sơn Nhất: SGTSN (Sài Gòn Tân Sơn Nhất).
         
        Bạn thấy:
        Cụm TSN
        Cảng TSN
        Nhà Ga
         
        Vậy ra có ba ông giám đốc của cụm nhà ga cảng máy bay...
         
        Chúc vui với tiếng và nghĩa
         
        #4
          Mayvang 23.07.2007 15:03:35 (permalink)

          Trích đoạn: HongYen

          Phi truờng Tân Sơn Nhất.

          Đến phi truờng Tân Sơn Nhất hay sân bay Tân Sơn Nhất: SGTSN (Sài Gòn Tân Sơn Nhất).

          Bạn thấy:
          Cụm TSN
          Cảng TSN
          Nhà Ga

          Vậy ra có ba ông giám đốc của cụm nhà ga cảng máy bay...


          Chúc vui với tiếng và nghĩa



          bên Tây thì nhà ga dành cho xe lửa ah Hồng Yến

          Đọc bài "Hỏi và ngã" bên kia làm MV nhớ Hồng Yến đó nha.  
          #5
            duongusa 12.10.2007 01:54:00 (permalink)
            Là người mới -- không biết post new question -- please help.
            Tôi ở miền nam VN, chỉ nghe, biết cây trứng gà (canistel - pouteria campechiana) Chưa bao giờ nghe ai gọi là 'lekima' hết

            Nhờ bạn nào kiếm dùm cho tiểu sử của từ này\. Cảm ơn nhiều



            #6
              Ngọc Lý 12.10.2007 03:57:23 (permalink)
              Chào bạn,
               

              Tôi ở miền nam VN, chỉ nghe, biết cây trứng gà (canistel - pouteria campechiana) Chưa bao giờ nghe ai gọi là 'lekima' hết

              Nhờ bạn nào kiếm dùm cho tiểu sử của từ này\. Cảm ơn nhiều

               

               
              Trái trứng gà là trái này phải không?
               
              Đây là một chút tiểu sử có dính líu hơi hơi tới tên "lekima"
               
              "The Canistel (Pouteria campechiana) is an evergreen tree found from Mexico to Brazil. Its binomial name is derived from the Mexican town of Campeche, where it is native. It is sometimes (wrongly) referred to as Lucuma campechiana."
               
              Hổng biết có đúng hông...
               

              #7
                duongusa 14.10.2007 09:32:12 (permalink)
                Cám ơn ban Ngọc Lý đã gởi hình -- Dữ kiện từ chừ lucuma là một ý kiến hay, nhưng tôi thấy không ổn lắm\.  VN mình thì hay mươn chữ hán, nhưng mượn chữ spanish để thay cho chữ đã có "trứng gà" .... Why?
                #8
                  Ngọc Lý 14.10.2007 10:03:42 (permalink)
                  Chào bạn,


                  Cám ơn ban Ngọc Lý đã gởi hình -- Dữ kiện từ chừ lucuma là một ý kiến hay, nhưng tôi thấy không ổn lắm\. VN mình thì hay mươn chữ hán, nhưng mượn chữ spanish để thay cho chữ đã có "trứng gà" .... Why?


                  Gửi thêm một chùm "Trứng Gà" nữa nè:



                  Và đây là một link có tài liệu về nguồn gốc và xuất xứ cây này :
                  http://www.hort.purdue.edu/newcrop/morton/canistel.html#Origin%20and%20Distribution

                  Theo tài liệu từ link trên, thì loại cây Trứng Gà có nguồn gốc từ Nam Mỹ, lúc đầu là cây mọc hoang tại Mễ Tây Cơ (thành phố Campeche, nên cây có tên là Pouteria Campechiana), Belize, Guatemala, và El Salvador. (Có cùng khí hậu nhiệt đới như tại Việt Nam).

                  Loại cây này được mang đến Phi Luật Tân năm 1924. Nên nhớ Phi Luật Tân ngày xưa là thuộc địa của Tây Ban Nha. Và người Tây Ban Nha cũng có rất nhiều thuộc địa tại Nam Mỹ. Có thể người Tây Ban Nha đã mang hạt giống cây Lucumas campechiana  từ Nam Mỹ đến Phi Luật Tân. Và đó là lý do cây có tên tiếng Tây Ban Nha .

                  Rồi có "con chim bay ngang biển ngậm lòng đỏ trứng gà nhả xuống vùng đất hình chữ S" (truyền thuyết xạo) và tại Việt Nam mọc lên cây Trứng Gà .

                  Có lẽ một ai đó khi mang hột cây Poutera Campechiana từ Phi Luật Tân đến Việt Nam đã gọi tên cây này là Lucumas Campechiana. Và người Việt phiên âm tên đầu là Le ki ma . Cũng có thể âm "u" đọc theo lối phát âm của tiếng Pháp là /oui/ và thay vì /Lu /  và /cu / thi phát âm  /Luy / và /kuy /, từ đó Lu cu ma thành /Luy / /Kuy / /Ma / và Việt hóa thành Le-Ki- Ma .

                  Tuy nhiên, người Việt mình có cách sáng tạo thần tình hơn nhiều . Bất kể tên nguyên gốc là gì, ăn thấy nó giống trứng gà, nhìn thấy nó giống trứng gà, thì gọi là "Cây Trứng Gà " thôi .

                  Giản dị ghê ha 

                  (nếu bạn không đồng ý thì thử đi tìm một nguồn gốc tiếng Hán Việt xem, biết đâu có một hôm Dương Quý Phi đòi ăn "Trứng Gà mọc trên cây" và Đường Minh Hoàng sai quan sang Việt tìm được cây Trứng Gà. Vì trái cây từ Việt Nam, nên đặt tên tương tự Lee chi (trái vải) nhưng thành Le ki và thêm Ma vào để phân biệt cho khác  hihihi, bạn nghĩ hai thuyết thuyết nào có lý hơn ?)


                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 14.10.2007 10:05:55 bởi Ngọc Lý >
                  #9
                    Ngọc Lý 14.10.2007 10:13:34 (permalink)
                    Cho cuộc tìm hiểu của chúng ta thêm phần hứng thú và "delicious", mời các bạn đọc thêm tài liệu này:


                    Weird Fruit




                    Just when you think you've seen it all ...

                    Dave and I are finishing up our tenth year in Asia and we're still in the 'discovery' stage. Our newness is brought home to us everytime we hit a food market, be it here at home in Kuala Lumpur or on our travels around the region. No matter the locality, no matter the time of year, we're almost always guaranteed to stumble upon something - fruit, vegetable, ingredient, prepared food - we've never seen before.

                    We found this smooth-skinned, heavy fruit on our first morning in Chiang Mai, at Myang Mai morning market. Two vendors, each with a single basket of fruit, told us it grows wild on Doi Ang Khang  (aka Thailand's 'Little Switzerland' and home to one of the King's Royal Agricultural Projects). Called dien taw, the fruit was fetching the exceedingly high price of 60 baht a kilo (about 75 US cents a pound).

                    As Dave took photographs Thais wandered up to examine the fruit. Not a one had seen it before.

                    'So sweet', the vendors assured us. 'Eat it when it's very, very soft'. We bought a couple, took them back to our room, placed them on the dining table, and forgot about them.

                    Four days later, as we were readying to leave Chiang Mai for Nan province, I remembered the dien taw. 'Don't forget to pack the weird fruit!' I called over to Dave (who usually does most of our packing).

                    And four more days later, as we were preparing to drive north from Nan: 'Be sure to grab the weird fruit!' Which, more than a week after we'd bought it, was still rock-hard.

                    The weird fruit accompanied us north and then west, to Fang and Tha Thon and Ang Khang, and then back down to Chiang Mai. Three days later we - and the weird fruit - were back where we'd started, in Chiang Mai. And finally, it was starting to soften.



                    The next morning we headed back to Myang Mai market. There were dien taw - baskets and baskets of them - everywhere. Not just at Myang Mai but at Warorot market as well, nestled next to avocadoes and surrounded by plastic-wrapped styrofoam trays of red globe grapes and peeled pomelo. We'd apparently hit the height of dien taw season, for the price had dropped to 20 baht a kilo.

                    Two days later our 60 baht-a-kilo dien taw was 'very, very' soft and ready to eat. I cut it in half to find two burnished brown seeds and smooth, starchy golden flesh. Dien taw's texture is a cross between that of a rich, dense Haas avocado and cooked butternut squash, and its flavor is quite like the latter. The flesh is a bit dry and exceedingly sweet, but weird, not at all what I think of as 'fruit-like'. I'd be more likely to eat dien taw hot and mashed, mixed with butter and sprinkled with salt and pepper, than out of hand.

                    Update: Mystery solved, thanks to vigilant EatingAsia reader Bobbie (see comments section), who directed us to this picture of the weird fruit on the tree. The fruit is a lucuma, native to the Andes mountains of Chile, Peru, Bolivia, and Ecuador, where it is eaten out of hand or made into ice cream. This site describes the lucuma as having thin skin and 'dry and starchy orange-yellow flesh' - a description that fits the weird fruit to a 'T' - and notes that in Peru and Chile, where the most lucumas are grown, only a small percentage reach the market in the raw state. Most are dehydrated and ground to a powder that is used to make ice cream and other milk products. South American lucuma are in season January to April. The question is, how - and when - did the fruit make its way from the Andes to the mountains of northwestern Thailand?
                     
                    http://eatingasia.typepad.com/eatingasia/2006/11/weird_fruit.html

                    Chú thích: Ngọc Lý không biết tiếng Spanish, nhưng hình như Lucumas có nghĩa là "Trái Táo" (apple) , và "Lucumas Campechiana" có nghĩa là "Loại Táo ở vùng Campechiana", cũng hơi giống như trái thơm (khỏm / dứa) được gọi là Pine/apple.
                    Có thầy cô nào ở ngoài kia xin chạy vào chỉ giùm ...
                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 14.10.2007 10:20:32 bởi Ngọc Lý >
                    #10
                      duongusa 20.10.2007 08:05:43 (permalink)
                      Cám ơn bạn nhiều  -- Có lẽ là giải thích của Dương quí Phi là hay hơn hết :=)

                      Theo tài liệu của Purdue University http://www.hort.purdue.edu/newcrop/morton/canistel.html  và
                      http://www.hort.purdue.edu/newcrop/morton/lucmo.html

                      Đây là hai loại cây khác nhau -- Trái trứng gà thuộc loại canistel
                      hơn là lucmo (lucomo) -- Có lẽ ông Tây nào đã gọi sai, nên ông bà goi theo, và đọc trại ra là Le-ke-me

                      Tôi không biết Spanish, nhưng có hỏi người bạn Mễ, Lucomas không phải là apple, trái táo la manzana -- Ppinapple (dứa, thơm, khóm), không phải la hai chữ ghép lại (pine: cây thông còn apple: cây táo)
                      Chữ Spanish gọi la "pina" (có dấu ngã trên chữ n), In Guatamela (Nam Mỹ) gọi la pine... Còn tại sao gọi là apple thì mình chịu thua




                      #11
                        Ngọc Lý 20.10.2007 10:54:52 (permalink)
                         
                        Đây là hình của Lucmo hay Pouteria Lucuma theo Đại Học Hawaii, Khoa Thực Vật (www.botany.hawaii.edu)



                        http://www.botany.hawaii.edu/faculty/carr/images/pou_luc_klove.jpg
                         





                         
                        Cám ơn bạn nhiều  -- Có lẽ là giải thích của Dương quí Phi là hay hơn hết :=)

                         
                        Tiếp truyện Dương Quý Phi: Một đêm sáng trăng, Đường Minh Hoàng vừa nhận được tin quân lính từ miền Nam đang gánh Trái Trứng Gà từ Việt về, vội vàng bầy cỗ trông trăng cạnh hồ tắm của Dương Quý Phi và mời Lý Bạch đến làm thơ ca tụng Trái Lee Chi Ma.
                         
                        Lý Bạch uống rượu từ sáng tới chiều, khi trăng lên thì đã hết mấy vò mỹ tửu, nhìn thấy chùm Lee Chi Ma bị khiêng từ Việt trải ngàn dặm sang đến đất Hoa, không khỏi ngậm ngùi chuếnh choáng than rằng:
                         
                        "Lệ chi mà nhỏ máu hồng đào
                        Ưng ửng oan ương thấm nỗi đau
                        Nguyệt điện Minh Hòang mơ tưởng thật
                        Gốc đa Cuội Việt tỉnh mộng sầu"
                         
                        Thấp thoáng bóng Cuội trong trăng lung linh đáy hồ tắm, Lý Bạch thấy gốc đa tưởng gốc Lee Chi Ma bèn nhảy xuống hồ tìm trái Lệ Chi mà đang nhỏ máu hồng đào mong đem lên tặng Quý Phi.
                         
                        Lý Bạch chết đuối vì lầm.
                         


                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 20.10.2007 11:09:28 bởi Ngọc Lý >
                        #12
                          HongYen 22.01.2008 09:29:44 (permalink)
                          Trái Trứng Gà
                           
                          Ghét Ngọc Lý quá hè,
                           
                          Kêu giải thích dùm trái lý mà không giải, mà lại nói từ đông sang tây rồi sang Hawaìi về cái trứng gà.
                           
                          Sau đây HY cũng xí xọn về cái trái trứng gà nầy.
                           
                          Hồi còn bé tí ti, nghĩa là còn ham ăn ham uống, hổng có ham nói như NL bây giờ.  (Chúc Đúng).  Ông cậu HY cho một trái nho nhỏ tròn tròn, nói ăn vào y như quả trứng gà, thứ mà HY rất thích.  Thế mà HY từ chối quầy quậy, vì ăn vaò nó dính răng.
                           
                           
                          Khi lớn lên, hổng biết có phải đói quá hông, mà HY xin bà cô một trái ô-ma là li-ki-ma mà bà cô nói để bán...
                           
                          Dú ô-ma thì bà cô mượn HY hái lá chùm hôi về dú nó mau chín và ngon.  Thế là HY có dịp ăn cắp để ăn dù bà cô có đếm từng trái.
                           
                          Sao mà trên đời có cái trái gì nó ngon quá trời.  Bây giờ mới biết là lê-ki-ma.
                           
                           
                          Ngon quá há NL & DS
                           
                           
                          #13
                            HongYen 22.01.2008 09:39:43 (permalink)
                            Lịch sử các loại chữ viết Việt Nam

                            Trong lịch sử hình thành và phát triển, chữ Việt cũng chịu nhiều ảnh hưởng của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt.
                             
                             

                            Chữ Hán

                            Chữ Hán vào Việt Nam theo con đường giao lưu văn hóa bắt đầu từ thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Hiện nay, ở Việt Nam còn lưu giữ được số hiện vật như đỉnh cổ có khắc chữ tượng hình (chữ Hán cổ). Điều này là một phần chứng minh được rằng chữ Hán cổ xuất hiện ở Việt Nam khá sớm và thực sự trở thành phương tiện ghi chép và truyền thông trong người Việt kể từ những thế kỷ đầu Công nguyên trở đi.
                             
                            Đến thế kỷ VII - XI chữ Hán và tiếng Hán được sử dụng ngày càng rộng rãi ở Việt Nam. Thời kỳ này tiếng Hán được sử dụng như một phương tiện giao tiếp, giao lưu kinh tế thương mại với Trung Quốc. Do Việt Nam bị ách đô hộ của phong kiến phương Bắc trong khoảng thời gian hơn một ngàn năm, vì vậy hầu hết các bài văn khắc trên tấm bia đều bằng chữ Hán. Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng chữ Hán có ảnh hưởng to lớn như thế nào đối với nền văn hóa của nước Việt Nam xưa. Từ sau thế kỷ thứ X, tuy Việt Nam giành được độc lập tự chủ, thoát khỏi ách thống trị của phong kiến phương Bắc, nhưng chữ Hán và tiếng Hán vẫn tiếp tục là một phương tiện quan trọng để phát triển văn hóa dân tộc.

                            Chữ Nôm

                            Dù chữ Hán có sức sống mạnh mẽ đến đâu chăng nữa, một văn tự ngoại lai không thể nào đáp ứng, thậm chí bất lực trước đòi hỏi, yêu cầu của việc trực tiếp ghi chép hoặc diễn đạt lời ăn tiếng nói cùng tâm tư, suy nghĩ và tình cảm của bản thân người Việt. Chính vì vậy chữ Nôm đã ra đời để bù đắp vào chỗ mà chữ Hán không đáp ứng nổi.

                            Chữ Nôm là một loại văn tự xây dựng trên cơ sở đường nét, thành tố và phương thức cấu tạo của chữ Hán để ghi chép từ Việt và tiếng Việt. Quá trình hình thành chữ Nôm có thể chia thành hai giai đoạn:

                            Giai đoạn đầu, tạm gọi là giai đoạn "đồng hóa chữ Hán", tức là dùng chữ Hán để phiên âm các từ Việt thường là tên người, tên vật, tên đất, cây cỏ chim muông, đồ vật... xuất hiện lẻ tẻ trong văn bản Hán. Những từ chữ Nôm này xuất hiện vào thế kỷ đầu sau Công nguyên (đặc biệt rõ nét nhất vào thế kỷ thứ VI).

                            Giai đoạn sau: Ở giai đoạn này, bên cạnh việc tiếp tục dùng chữ Hán để phiên âm từ tiếng Việt, đã xuất hiện những chữ Nôm tự tạo theo một số nguyên tắc nhất định. Loại chữ Nôm tự tạo này, sau phát triển theo hướng ghi âm, nhằm ghi chép ngày một sát hơn, đúng hơn với tiếng Việt. Từ thời Lý thế kỷ thứ XI đến đời Trần thế kỷ XIV thì hệ thống chữ Nôm mới thực sự hoàn chỉnh. Theo sử sách đến nay còn ghi lại được một số tác phẩm đã được viết bằng chữ Nôm như đời Trần có cuốn "Thiền Tông Bản Hạnh". Đến thế kỷ XVIII - XIX chữ Nôm đã phát triển tới mức cao, át cả địa vị chữ Hán. Các tác phẩm như hịch Tây Sơn, Khoa thi hương dưới thời Quang Trung (1789) đã có bài thi làm bằng chữ Nôm. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng được viết bằng chữ Nôm là những ví dụ.

                            Như vậy, có thể thấy chữ Hán và chữ Nôm có những khác nhau cơ bản về lịch sử ra đời, mục đích sử dụng và mỗi chữ có bản sắc riêng về văn hóa.

                            Chữ Quốc ngữ hiện nay



                            Việc chế tác chữ Quốc ngữ là một công việc tập thể của nhiều linh mục dòng tên người châu Âu, trong đó nổi bật lên vai trò của Francesco de Pina, Gaspar d'Amaral, Antonio Barbosa và Alexandre De Rhodes. Trong công việc này có sự hợp tác tích cực và hiệu quả của nhiều người Việt Nam, trước hết là các thầy giảng Việt Nam (giúp việc cho các linh mục người Âu). Alexandre De Rhodes đã có công lớn trong việc góp phần sửa sang và hoàn chỉnh bộ chữ Quốc ngữ.
                             
                            Đặc biệt là ông đã dùng bộ chữ ấy để biên soạn và tổ chức in ấn lần đầu tiên cuốn từ điển Việt - Bồ - La (trong đó có phần về ngữ pháp tiếng Việt) và cuốn Phép giảng tám ngày. Xét về góc độ ngôn ngữ thì cuốn diễn giảng vắn tắt về tiếng An Nam hay tiếng đàng ngoài (in chung trong từ điển) có thể được xem như công trình đầu tiên khảo cứu về ngữ pháp. Còn cuốn Phép giảng tám ngày có thể được coi như tác phẩm văn xuôi đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ, sử dụng lời văn tiếng nói bình dân hàng ngày của người Việt Nam thế kỷ XVII.

                            Tuy chữ Quốc ngữ của Alexandre De Rhodes năm 1651 trong cuốn từ điển Việt - Bồ - La đã khá hoàn chỉnh nhưng cũng phải chờ đến từ điển Việt - Bồ - La (1772), tức là 121 năm sau, với những cải cách quan trọng của Pigneau de Behaine thì chữ Quốc ngữ mới có diện mạo giống như hệ thống chữ Việt mà chúng ta đang dùng hiện nay.
                             
                            Theo e-cadao.com
                             
                            <bài viết được chỉnh sửa lúc 23.01.2008 07:57:23 bởi HongYen >
                            #14
                              HongYen 13.02.2008 12:49:59 (permalink)





                              Phật ơi, tiếng Việt
                               






                              Ryan Nelson
                              Sinh viên Mỹ đang học tiếng Việt ở Nha Trang
                               



                               






                              Viết là 'thích', nhưng người Nha Trang cứ đọc là 'thứt'
                              Học tiếng Việt đang ngày càng được thêm nhiều người nước ngoài quan tâm, kèm theo là thêm nhiều góc nhìn rất lý thú về tiếng Việt, như tâm sự của anh Ryan, được BBCVietnamese.com dịch từ tiếng Anh sang. Tôi là Ryan Nelson, sinh viên người Mỹ học tiếng Việt ở Nha Trang, thứ ngôn ngữ mà với tôi thực sự khó học vô cùng.
                               
                              Nhưng có cả những điều thú vị trong việc học nữa.
                               
                              Mỗi ngày tôi học hai tiếng đồng hồ, cho đến nay liên tục đã 6 tháng rồi, mà mới chỉ biết phát âm đại khái sao cho chính xác mà thôi, chưa thể nào đúng 100% được, nhưng dù sao thì cũng đỡ rối rắm hơn lúc mới bắt đầu học.
                               
                              Theo tôi, "ng" là phụ âm đôi khó học nhất, giống như "n" nhưng kết thúc hơi bằng cổ và mũi.
                              Thật là vất vả, nhưng "dễ thôi mà" - nhiều người Việt nói vậy.
                               
                              Rồi còn các dấu phát âm nữa, làm thay đổi nghĩa của chữ, mà nhiều lúc, như khi sư cô Diệu An ở chùa dạy tôi phát âm chữ Phật, thì tôi nghe rõ ràng giống một từ chửi trong tiếng Anh.
                              Mà nhiều chữ không có dấu sắc nhưng vẫn nghe như có vậy, như khi tôi nghe người ta nói "không", hay cách bạn bè gọi tên cô bạn của tôi là "Qua".
                               
                              Khi người Việt nói cả câu liền nhau thì hầu như không còn có thể phân biệt dấu nào ra dấu nào nữa.
                               
                              Tôi cũng từng thử học tiếng Việt bằng cách đọc và dịch chữ trên các bảng khẩu hiệu tuyên truyền.
                               
                              Nhưng không dễ dàng gì phân định chính xác cấu trúc câu để mà dịch ý của chúng được.
                              Nhiều lúc không thể tìm từ ngữ nào chính xác để dịch các từ ngữ trên đó.
                               
                              Người ta hay bỏ bớt chữ, cấu trúc thì giống thơ, kết cấu giản lược hơn tiếng Anh, và chắc tôi sẽ phải mất thêm một năm để học ngữ pháp.
                               
                              Đó là chưa kể đến phương ngữ, mới thật là phức tạp hơn.
                               
                              Cô giáo của tôi nói giọng Bắc, mà tôi hiểu là thứ phương ngữ phổ biến nhất.
                              Còn người Nha Trang thì hầu như cứ thấy chữ nào kết thúc bằng 'n' là đổi hết thành 'ing'.
                              Ví dụ mỗi khi tôi tự giới thiệu "tôi là một sinh viên" (I am a student) thì họ đều cười và lặp lại "Ohhhh, sinh ving".
                              Rồi như chữ "thích", mà người Nha Trang rõ ràng nói là "thứt".
                               
                              Tạm vậy, bây giờ tôi phải ngừng để "đi học", ngày nào cũng phải "đi học".
                                http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/02/080211_ryan_nelson.shtml
                              #15
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9