Tiếng Việt
HongYen 07.07.2007 07:53:21 (permalink)
Hội-Nghị Quốc-Tế Về “Tiếng Việt: Lịch-Sử Và Giảng Dạy”
TÂM VIỆT . Việt Báo Thứ Ba, 7/3/2007, 12:02:00 AM
 
 
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích dự Hội Nghị Quốc Tế Về Tiếng Việt.
 
Hội-nghị Quốc-tế về “Tiếng Việt: Lịch-sử và Giảng dạy” đã khai mạc trọng-thể sáng thứ Bảy 30 tháng 6 tại Viện Việt-học trên đường Brookhurst, Westminster, California.  Vì đây là lần đầu một hội-nghị quốc-tế về đề-tài nói trên được tổ-chức ở hải-ngoại nên sinh-hoạt này cũng đã thu hút được sự chú ý của một số chuyên-gia hàng đầu của Việt-nam ở nước ngoài, nhất là ở Mỹ, về những vấn-đề như Hán-Nôm hay các địa-tầng ngôn ngữ trong lịch-sử tiếng Việt, chữ Quốc-ngữ và tương-lai của tiếng Việt v.v. trong phần đầu của hội-nghị đã diễn ra trong cuối tuần qua.
 
Sau phần nghi lễ, Bác-sĩ Viện-trưởng Trần Ngọc Ninh đã nêu lên tầm quan-trọng của một hội-nghị như thế này, đặc-biệt là tầm quan-trọng của âm-học tiếng Việt, không những trong việc giảng dạy mà còn trong cả việc nghiên cứu ngôn-ngữ-học lịch-sử của tiếng nước ta.
 
Thuyết-trình-viên đầu tiên trong hội-nghị là G.S. Phạm Văn Hải, hiện đang dạy tiếng Việt ở Viện Đại-học George Washington, thủ-đô Washington, DC.  Là một nhân-viên phục vụ lâu năm trong Thư-viện của VĐH Georgetown ở DC, ông Hải đã viết luận-án tiến-sĩ của ông về tiếng Hán-Việt.  Tuy-nhiên, đề-tài ông thuyết-trình lại là “Hệ-thống chữ viết của người Việt-nam,” tập trung vào một số đặc-điểm của chữ Quốc-ngữ như âm chính (nguyên-âm, mẫu-âm, chủ-âm), âm nửa (âm lướt, bán-âm), âm kèm (phụ-âm, vệ-âm, tử-âm) và sáu thanh.  Theo ông, “các âm và thanh ghép lại thành tiếng” và “qua sự cấu tạo của tiếng có thể tìm được những nguyên tắc và quy luật trong hệ thống chữ viết của người Việt.”  Vì ông chủ-trương viết tiếng Việt theo sát cách phát âm nên ông không tán thành cách viết “y dài” trong trường-hợp “i ngắn” cũng đã đủ nghĩa.
 
Đi vào lịch-sử tiếng Việt, diễn-giả tiếp, ông Nguyễn Ngọc Bích đã đi sâu vào việc trình bầy “địa-tầng Mã-lai – Đa đảo trong lịch-sử tiếng Việt.”  Đây là một thuyết mà ông đã theo chân tác-giả Bình Nguyên Lộc (Nguồn gốc Mã-lai của dân-tộc Việt-nam, 1971, và Lột trần Việt-ngữ, 1972) trình bầy một cách có hệ-thống hơn và với đầy đủ bằng-chứng từ năm 1994.  Theo ông Bích thì cũng vào năm này, G.S. Tạ Quốc Tuấn cũng cho công-bố một bảng so sánh “Tương quan giữa Việt-ngữ và Mã-ngữ” cho ta thấy những dị đồng giữa tiếng Việt và tiếng Mã-lai.  Đúc kết những kết-quả nghiên cứu của ông và của G.S. Tạ Quốc Tuấn, ông Bích đã đưa ra được khá nhiều bằng-chứng như từ ngữ giống nhau, luật biến âm (từ nhị âm thành đơn-âm), từ-pháp và cú-pháp để cho thấy địa-tầng Mã-lai – Đa đảo gần như chắc chắn là tầng xưa nhất trong sự hình-thành của tiếng Việt như ta có ngày hôm nay.
 
Mở đầu phần hội-nghị vào buổi chiều thứ Bảy, G.S. Trần Ngọc Ninh đã nói đến tính-cách thiếu khoa-học hay mơ hồ của một số quan-niệm trong khi nghiên cứu tiếng Việt.  Muốn tiến đến một trình-độ khoa-học thì ta phải định nghĩa một cách chính-xác hơn những quan-niệm ta dùng như “tiếng” và “vần.”  Ông đề nghị gọi “tiếng” như trong “tiếng Việt, tiếng Anh” là “ngữ” và “vần” cho những tiếng theo luật “bằng, trắc” trong thơ và hai loại “vần thông” (CV như “tha, tí, ngô, thụ,” còn gọi là “vần mở”) và “vần chặn” (CVC, còn gọi là “vần khép” như “than, tín, ngông, thục”).  Theo ông, tiếng Việt có những âm mà mình có thể viết được ra nhưng không có nghĩa (có người đề nghị gọi là “âm chờ,” những âm này ta có thể phát âm được nhưng phải chờ để cho người ta thấy một công-dụng nào đó rồi mới gán nghĩa cho nó, tỷ-dụ chữ “phún,” tắt cho “phụ” nghĩa là “đàn bà” và “nữ” nghĩa là “con gái,” để dịch chữ “Ms.” trong tiếng Anh).   Còn “âm-tiết” (“syllable” trong tiếng Anh) thì ông đề nghị gọi vắn tắt là “tiết.”
 
Bài nói chuyện thu hút được sự chú ý đông đảo của cử toạ có lẽ là bài “Ảnh hưởng các ngôn ngữ lân cận trên tiếng Việt” của B.S. Nguyễn Hy Vọng, trình bầy trong một giọng hùng hồn.  Đưa ra rất nhiều thí-dụ của những từ mà ông gọi là “đồng-nguyên” (“cognates” trong tiếng Anh), ông cho rằng một tác-giả như Lê Ngọc Trụ đã sai lầm khi cho là tiếng Việt đa-phần là gốc Trung-hoa, gốc Hán.  B.S. Vọng cho rằng do sự thiếu thông tin nên đã có nhiều người, như ông Lê Ngọc Trụ, lầm tưởng nhiều từ ngữ tiếng Việt là có gốc Hán trong khi chính thật đó là những từ ngữ mình học hay chia xẻ với tiếng nói của các dân-tộc lân-bang.  Như “lúc lắc” (mà trong Từ-điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes 1651 ghi là “blúc blắc”) chẳng hạn, theo ông thì chắc chắn phải là gốc từ “khrluk khrlak” của tiếng Miên hay những chữ tương-tự trong các tiếng Thái, Miến-điện hay Lào.  Có nhìn ra tất cả những chữ “đồng-nguyên” này, theo B.S., thì ta mới trông thấy tính-cách đa nguyên, đa dạng của tiếng Việt.  Ông cho rằng thật “đau buồn” là “những người anh em họ [như tiếng Việt và các tiếng lân-bang] chung một nôi ngôn ngữ đã không còn nhận ra nhau sau 2500 năm.”  Vì thế nên ông đã ghi lại tất cả những tiếng “đồng-nguyên” với tiếng Việt trong một tác-phẩm đồ sộ gần 5000 trang, hiện đã được xuất bản dưới dạng CD.
 
G.S. Lê Văn Đặng, đến từ Seattle, Washington, đăng đàn sau đó để trình bày về “Lớp chữ Nôm on-line cấp 4.”  Đây là một nỗ lực mới nhất của Viện Việt-học nhằm xây dựng một học-trình về chữ Nôm đầy đủ do G.S. Lê Văn Đặng là tác-giả.
 
Cuối ngày, ông Đoàn Xuân đã trình bầy vấn-đề mà ông gọi là “biến âm trong tiếng Việt” để nhấn mạnh đến nhu-cầu cần dùng gạch nối để phân-biệt những từ ngữ mà bề ngoài trông giống nhau trong tiếng Việt (như “săn-sóc [mẹ già]” thì phải khác đi “săn sóc,” không có gạch nối).
 
Sang ngày hôm sau, Chủ-nhật mồng 1 tháng 7, mở đầu ngày thứ hai của hội-nghị, G.S. Nguyễn Văn Sâm, về từ Texas, đã gây ra được những trận cười vui vẻ với những thí-dụ mà ông đưa ra, cho thấy càng ngày càng có một “khoảng cách giữa người đọc ngày nay và câu hát câu hò” xưa.  Ông cho thấy nhiều sách, như của Hồ Biểu Chánh, khi được in lại ở trong nước gần đây, đã bị “tân-thời-hoá” làm cho mất đi tính-cách thời-đại hay địa-phương-tính của nguyên-bản.  Đây, theo ông, không phải là “bảo tồn” mà là “xoá mất đi” những di-tích ta có trong các văn-bản xưa.  Tỷ như chữ “goa li” mà Hồ Biểu Chánh dùng đã bị đổi thành “va-ly” cho dễ hiểu, song đó không còn là Hồ Biểu Chánh nữa vì không bao giờ ông ta, hồi đó, đọc “goa li” là “va-ly” cả.
 
Bài của G.S. Lê Hữu Mục, đến từ Toronto, Canada, trình bầy những kết-luận của ông sau hơn 50 năm nghiên cứu tiếng Nôm trong Quốc-âm thi-tập của Nguyễn Trãi (1380-1442).  Gọi là “những chuẩn-thằng Nôm-học của Nguyễn Trãi,” ông cho rằng những cái mà đa-phần các nhà nghiên cứu khác gọi là “dấu nháy, v.v.” trong thơ Nôm Nguyễn Trãi chính là những cách ghi khoa-học để cho ta thấy sự ngạc-hoá (palatization) của một âm, tỷ-dụ từ “chầu” (viết bằng “trào” trong tiếng Hán) thành “giầu” trong tiếng Việt (tiếng Nôm).  Những loại dấu nháy khác cũng có những công-dụng tương-tự, vấn-đề là ta phải tìm cho ra đúng công-dụng của chúng, và như vậy thì sẽ không có cái gì gọi là “Hàn-luật” (thơ Đường chen câu 6 chữ) mà tất cả đều là đúng 7 chữ.  Dù sự trình bầy của ông xem ra rất khoa-học song trong cử-toạ cũng có không ít người thắc mắc, sợ là ông đang đi quá xa trong giả-thuyết của ông.
 
Bài thuyết-trình được theo dõi một cách kỹ càng và hứng thú nhất là một bài mang tên “Ai vẽ được, ai xoá được?  Lần theo dấu vết âm Việt cổ: từ song tiết và phụ âm kép” do hai nhà Nôm-học tương-đối còn trẻ ở hải-ngoại.  Bài được viết chung bởi anh Nguyễn Hữu Vinh và cô Hoài Hương song vì ở tận Đài-loan, tác-giả đầu không thể có mặt nên cô Hoài Hương đã thay mặt trình bầy cho cả hai người.  Bài viết thật công-phu và có đầy đủ bằng chứng nên thuyết phục được khá nhiều người nghe về nguồn gốc song tiết (disyllabic) của một số từ Việt cổ (như “la đá” hay “là đá,” “a nừng,” “la ngàn” v.v.) hay là sự hiện diện của phụ-âm kép (như “bl, kl, kr, ml…” ở đầu âm-tiết) vào thế-kỷ XIII-XVII”).  Có người, sau khi nghe, phát biểu: “Đúng là hậu-sinh khả uý.”
 
Sau những bài trên đây, trình bầy vào buổi sáng, chiều Chủ-nhật, những bài còn lại gồm:
“Tương lai tiếng Việt,” hiểu là ở Mỹ, do G.S. Kim Loan Hill, hiện đang dạy ở UCSD (University of California, San Diego), tỏ ra khá bi-quan.  Song một vài nhận-định của Giáo-sư đã bị một số quan-khách chất vấn.
 
“Một phương pháp dạy tiếng Việt” do G.S. Lưu Khôn, đến từ San Jose, trình bầy kể lại kinh-nghiệm của ông dùng tiếng và thơ chữ Hán để giúp sinh-viên học-sinh hiểu rõ hơn một số quan-niệm và điển-tích Trung-hoa được dùng khá phổ-biến trong tiếng Việt hay văn-học cận-hiện-đại VN. 
 
G.S. Lưu Khôn là một tác-giả, dịch-giả và giáo-sư nổi tiếng từ ở Việt-nam, song phần trình bầy của ông bị một vài người cho rằng ông đang nói đến chuyện dạy chữ Hán chứ không phải là dạy tiếng Việt.
 
“Các lớp tiếng Việt tại Đại-học Cộng-đồng Bắc Virginia” do G.S. Nguyễn Hữu Trí, đến từ Virginia, cho thấy những thành-phần đổi thay giờ đây đang đi tìm cách học tiếng Việt ở vùng ông (gần thủ-đô Washington).  Ngoài những em gốc Việt (có thể ăn nói lưu loát nhưng lại không biết đọc, biết viết tiếng Việt), còn có những người lấy vợ hay chồng Việt nhưng cũng có cả những người có bằng cấp cao nhưng vì một lý-do nghề nghiệp muốn hay cần biết tiếng Việt.  Tóm lại, tình-hình có vẻ khả-quan nhưng sự cách biệt về trình-độ học vấn cũng như hiểu biết về tiếng Việt làm cho việc dạy có phức-tạp hơn.
 
“Thế hệ trẻ VN và nhu cầu giảng dạy tiếng Việt” do cô Hoàng Quế Trân, đến từ Vancouver, Canada, cho ta thấy một môi-trường rất thuận lợi trong giáo-dục Canada cho phép các nhóm thiểu-số giảng dạy về văn-minh, văn-hoá và ngôn ngữ của cộng-đồng mình.  Tính-cách đa-văn-hoá mà Canada chính-thức công-nhận là một điểm lợi (khác với Mỹ) cho những nỗ lực giảng dạy các tiếng thiểu-số, trong đó có tiếng Việt.  Song điều trở ngại chính là thiếu người biết viết học-trình loại này để dạy tiếng Việt và nhất là văn-hoá Việt cho các em theo một tinh-thần mới.
 
Cuối cùng là bài “Dạy và học chữ Việt vỡ lòng” do G.S. Nguyễn Phước Đáng, từ San Jose đến, trình bầy.  Ông đưa ra một thuyết khá công-phu (mà đã từng được dùng để huấn luyện một số các anh chị em giảng huấn trong các trường Việt-ngữ) song nhìn từ một góc cạnh ngôn-ngữ-học thì đôi ba người cho rằng hãy còn khiếm khuyết.  Dầu sao đây cũng là một nỗ lực đáng kể đi tìm một phương-pháp mới cho việc giảng dạy tiếng Việt ở xứ người.
 
Nhân dịp hội-nghị, vào tối thứ Bảy 30/6, cũng đã có một buổi tưởng niệm G.S. Nguyễn Khắc Kham (100 ngày), một trong những sáng-lập-viên của Viện Việt-học và chủ-tọa danh-dự của Hội-nghị.  Buổi tưởng niệm đã diễn ra rất cảm-động với sự điều hợp của cô Kim Ngân và sự tham-gia lên tiếng của nhiều giáo-sư trong Viện và trong vùng.
 
Được biết, Hội-nghị Quốc-tế về tiếng Việt sẽ còn được tiếp-tục vào cuối tuần tới (thứ Bảy và Chủ-nhật mồng 7-mồng 8/7/2007) với một số đề-tài liên-quan đến các vấn-đề và phương-pháp giảng dạy tiếng Việt, nhất là ở Hoa-kỳ.  Trong số các diễn-giả sẽ có cả diễn-giả đến từ ngoài nước Mỹ, như từ Đức và một hai nước khác.
 
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=45&nid=110531
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9