NHÀ THỜ PHÁT DIỆM: MỘT CÔNG TRÌNH VĂN HÓA DÂN TỘC
Thái Nhi 06.09.2004 16:51:35 (permalink)
Trần Khuê

NÓI đến nhà thờ Thiên chúa giáo, ta thường nghĩ đến một công trình kiến trúc kiểu Gothic: một tòa nhà chạy dài hình chữ nhật, mái dốc lợp ngói tây với một tháp chuông cao, nhọn vút. Riêng nhà thờ Phát Diệm lại không như thế. Nếu tạm che đi cây thánh giá và tượng Chúa, du khách hẳn sẽ tưởng đang đứng trước một ngôi chùa cổ hay một khu văn miếu với cửa tam quan và hai tầng lầu mái cong, nào có khác chi một khuê văn các. Đặc biệt hàng chữ nho viết kiểu dại tự THÁNH CUNG BẢO TỌA trên mặt nước phương đình càng tôn thêm vẻ trang nghiêm cổ kính. Mà xét cho cùng, dùng biểu tượng chữ thập (十) hay chữ vạn (卍), dù đặt tượng Chúa hay tượng Phật thì cũng vẫn cứ là một nơi để người đời tìm đến, để chiêm ngưỡng và tìm lại một chút thanh thản của lòng mình đã mất đi giữa cuộc đời đầy xáo động. Bước đến một nơi thờ kính tôn nghiêm, ai chẳng thấy tâm trí mình thanh thản, hồn nhiên, trong trẻo như thuở nào còn ấu thơ, vô tư lự. Thế mới biết Tổ tiên loài ta thiệt tình khôn giỏi. Dù ở trời Đông hay trời Tây, các vị Tổ của mỗi tộc người đều biết tìm ra, tạo ra ít nhất là một thần tượng dùng làm nơi an tịnh lòng người. Thật xứng danh thiên tài vị Tổ đầu tiên của Tộc người đầu tiên đã tưởng tượng ra vị thần đầu tiên rồi chắp tay trước ngực mà trầm tư, nguyện vái. Có thể nói mọi thứ tôn giáo đều là phương tiện ít tốn kém nhất để cân bằng tâm linh nhân loại. Khiến cho nó trở thành tốn kém, xa xỉ, lãng phí hẳn là lỗi lầm của các lớp người bậu thế.
Giờ đây, đứng trước Thánh cung bảo tọa Phát Diệm, tôi chỉ còn biết nghiêng mình trước tài năng của người kiến trúc sư đã thiết kế, đã thi công để lại cho đất nước thêm một công trình văn hóa tuyệt vời. Quy mô chưa phải là lớn so với người; nhưng với ta, đó là một công trình tầm cỡ, một quần thể kiến trúc độc đáo hòa hợp đủ sắc thái Đông-Tây mà Đông phương vẫn là nét chủ và Việt Nam vẫn là bản sắc.
Du khách bất cứ từ phương nào đã đặt chân lên Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam xin mời quá bộ chừng hơn trăm cây số ngàn về phía nam sẽ có dịp thưởng ngoạn một cảnh sắc hiếm có trên đời. Tọa lạc trên một vùng đất mà xưa kia Nguyễn Công Trứ - một nhà thơ kiêm nhà kinh tế - đã dạy dân dinh điền lấn biển, đào kênh, mở cõi; nhà thờ Phát Diệm, 6 ngôi lớn nhỏ bao hẳn một khu rộng tới 21 mẫu 8 sào Bắc bộ, nghĩa là tương đương 8 ha, nghĩa là bằng 16 cái sân bóng tròn kháp lại.
Từ phía trước đi vào, bạn sẽ gặp ngay một mặt hồ nước yên bình biếc trong, xinh xắn; giữa hồ là một gò nổi với tượng Chúa uy nghi mở rộng vòng tay dang dón, giữa một lùm cây xòe những tàn lá xanh dìu dịu; xa hơn một chút về phía sau, lặng lẽ soi bóng mặt hồ là tòa Phương đình, sải dài 24 m, rộng 17 m và nhô cao tới 25 m với hai tầng lầu ngự trên tam quan. Trên lầu treo cả trống lẫn chuông. Trống vẫn là trống cái, tang gỗ mít bịt da trâu thường gặp ở mọi đình chùa, nhưng chuông thì dáng vẻ thật khác lạ và đồ sộ: đường kính đã 1,1 m, cao hẳn tới 1,4 m, còn nặng thì chao ôi là nặng, ngót nghét 20 tạ tây. Thân chuông còn hiện rõ mấy hàng chữ Latin và mồn một mấy con số ghi cái năm đúc chuông đã cách ta tròn thế kỷ: 1890.
Du khách cứ tha hồ mà ngạc nhiên nhìn ngắm những mái lầu cong lợp ngói ta, in hệt những mái đao ở mọi đình chùa rải rác khắp đất nước, rồi tiếp tục mà tấm tắc ngợi khen những bức tranh khắc nổi trên nền vách đá cả mặt ngoài và mặt trong phương đình. Đánh giá nghệ thuật chạm khắc đành là phải dành cho các vị giỏi lý sự về mỹ thuật, nhưng với ta thì cảm nhận tức thời vẫn là cái chất dân tộc cổ truyền đậm trong từng đường nét và hình thù chạm khắc dù đó là hình ảnh Chúa, thiên thần hay người phàm tục, thú vật, chim muông hay lá hoa, cây cỏ...
Du khách sẽ được mời xem lần lượt khu Nhà thờ lớn và bốn nhà thờ cạnh, nhỏ hơn, ở hai bên tả hữu, sẽ được nghe thuyết minh thật cụ thể bằng những con số còn trong hồ sơ lưu trữ của nhà thờ. Nhà thờ lớn dài 74 m, rộng 21 m với 4 mái và 6 hàng cột lim. Riêng hai hàng giữa đã đếm được 16 cột, mỗi cột là một thân lim cao 11 m, chu vi 2,35 m, nghĩa là phải một người lớn rưỡi ôm vòng mới xuể. Tất nhiên, mọi du khách đều thấy cần đứng lâu hơn trước những công trình đá, những tác phẩm đá ít có dịp gặp trên thế gian này. Trước hết là cái bàn thờ chính trong nhà thờ lớn: cả một khối đá lớn rộng 9 tấc, cao 8 tấc và dài hẳn 3 m; mà cả ba mặt đều chạm nổi những hình hoa lá cách điệu khá là tinh vi, sống động. Nổi bật trên nền lam đá là rực rỡ sơn son thiếp vàng mọi đế đèn, chân nến và các khung gỗ thờ, cũng với công phu chạm nổi. Mỗi thứ tách riêng đã là một tác phẩm nghệ thuật lại hài hòa trong một tổng thể điêu khắc sơn thiếp vừa dịu dàng về đường nét, vừa lộng lẫy về màu sắc. Trước khi rời nhà thờ chính, du khách không thể không dừng thêm một lần để ngắm hai cánh cửa sổ, để xuýt xoa khen tài hoa chạm lộng của những tay thợ chạm vùng châu thổ sông Hồng. Rồi du khách sẽ lần lượt xem tiếp bốn nhà thờ cạnh. Nhà thờ thánh Rôcô, nhà thờ Trái tim Chúa Giêsu bên hữu, nhà thờ thánh Giuse và nhà thờ thánh Phêrô phía tả. Mỗi nhà mỗi kiểu, mỗi nhà mỗi vẻ, phong phú và hấp dẫn. Nhưng hấp dẫn nhất hẳn phải là nhà thờ Trái tim Đức Mẹ nằm riêng ở góc sau phía tây bắc, mà mọi người vẫn quen gọi là Nhà thờ đá, vì toàn bộ công trình này đều được dựng tạc bằng đá phiến.
Bạn chưa có dịp nào về thăm Phát Diệm? Vậy mời bạn hãy tưởng tượng hình dung một ngôi nhà thờ bằng dá, toàn bộ là đá phiến, có phiến nặng hàng tấn. Những người thợ xây vùng Sơn Nam hạ xưa xây tường bằng những phiến đá lớn như thế đó. Nói xây có lẽ chưa đúng, nói ghép tường có lẽ mới chính xác. Bằng sức của trí tuệ và cơ bắp, với kỹ thuật con lăn và một hệ thống đòn bẩy, họ đã đẩy đá lên cao, dựng lên, xếp lên, lớp nọ chồng khít lớp kia, chẳng cần đến vôi vữa hoặc xi măng chít mạch. Cột đá, kèo đá, rui mè cũng đá... Tất cả đều chạm khắc tỉ mỉ công phu, tất cả cứ như du hồn ta vào một thiên thai đá. Nhà thờ đá, bàn thờ đá, phương đình đá... Người xưa xa rồi mà hồn như vẫn còn quyện trong từng thớ đá, từng hoa văn đá làm xúc động lòng người hôm nay. Du khách rời chân mà dạ như còn ngẩn ngơ, bâng khuâng lưu luyến một áng thơ liên hoàn đá.
Bạn đã từng đến thăm Phát Diệm? Thế thì tôi tin rằng thế nào bạn cũng có ngày trở lại. Vì trong cái thế giới đầy biến cố này, có ai không mong, trở về với thơ và mộng, trở về với những ngọn nguồn tươi mát xa xưa...
TP.HCM, 8-11-1991
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9