Viết về quê ngoại : Cái Răng
rongxanhag 11.07.2007 09:55:08 (permalink)

 

Viết về quê ngoại : Cái Răng
 
Cái Răng, trước ngày 2 tháng 1 năm 2004 là một thị trấn trung tâm của huyện Châu Thành , tỉnh Hậu Giang. Sau ngày này là trung tâm hành chánh &kinh tế của quận Cái Răng, Tp Cần Thơ trực thuộc trung ương, theo nghị định của chính phủ ban hành vào ngày nêu trên .
Quận Cái Răng sau khi được thành lập có 6.253,43 ha diện tích tự nhiên và 74.942 nhân khẩu; có 7 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các phường: Lê Bình, Thường Thạnh, Phú Thứ, Tân Phú, Ba Láng, Hưng Phú, Hưng Thạnh.
 
I.Vài tư liệu có liên quan đến Cái Răng xưa:
 
Sách Lịch sử khẩn hoang miền Nam, nxb Văn Nghệ Tp năm 1994, nhà văn Sơn Nam viết:
 
-Vùng Cái Răng trở thành làng vào đời Minh Mạng rồi phát triển thêm.Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), làng Thường Thạnh tăng thêm dân cư, tách ra một làng mới tên Trường Thạnh…(tr.77)
 
-Làng Trường Thạnh tách ra từ làng Thường Thạnh do 2 người đứng đơn.Làng tân lập này gồm 8 người dân lậu và một niên lão 67 tuổi.Họ chịu đóng thuế 5 khoảnh đất, hạng Sơn điền (mức thuế nhẹ)
 
- Khi Pháp đến, vùng Ba Láng, nhánh của rạch Cần Thơ (tức rạch Cái Răng) là nơi khởi nghĩa của Đinh Sâm.Tuy ông này thất bại nhưng vào tháng 3 dương lịch 1870, chừng 200 nghĩa quân tụ tập lại ăn tiệc, chuẩn bị đánh tòa tham biện Cần Thơ.Thực dân phát hiện kịp, bắt giam 111 người,trong số này chừng 55 người mà thực dân cho là nguy hiểm bị đề nghị đày ra Côn Nôn hoặc đảo Re’union.Tham biện lúc bấy giờ là Alexandre dùng dân địa phương làm xâu, cất nhà chung quanh nhà lồng chợ (chỉ chợ Cái Răng) để bán hoặc cho mướn lại (Tr.269)
 
-Tài liệu của E.Deschaseaux ghi chép: năm 1854, một đội khoảng 50 người dân lậu xin khẩn 2 khoảnh đất tổng cộng là 200 mẫu của làng Thường Thạnh ( Cái Răng). Đội trưởng Nguyễn Văn Tấn đứng đơn…Đơn này có quan tổng đốc An Hà phê.(tr.102-103)
 
-Lúa từ phía Rạch Giá theo kinh Xà No chở ra chợ Cái Răng, do người Huê kiều mua về, mướn nhà máy xay ra gạo tại chỗ trước khi đem về Chợ Lớn mà xuất cảng.Nhờ đó, chợ Cái Răng trở thành kho lúa gạo to lớn với nhiều dịch vụ mua bán mà người Huê kiều thao túng...Năm 1908, chợ đã sung túc đến mức hương chức hội tề sở mua cái sườn nhà chợ khác to, chắc chắn hơn. Và đầu năm 1911, nhiều người bày ra sáng kiến lập chành (nơi thu gom hàng hóa), thoạt tiên chành cất bằng lá.Và cũng năm này công ty Asiatic Petroleum xin cất câu cầu sắt dài 15 mét tại bến Cái Răng cho tàu cặp bến dễ dàng hơn.
(trích tài liệu lưu trữ của văn khố tỉnh Cần Thơ).
 
Tôi nói thêm, trước 1975, cầu bị đặt bom mìn phá hỏng đôi lần, nay nó chỉ còn mấy đoạn sắt han rỉ nằm buồn thiu kề cận một cây cầu bê tông rộng, xe cộ lúc nào cũng qua lại như mắc cửi…
 
-Cái Răng là nơi đất tốt, đông dân cư, được lập làng từ thời Minh Mạng. Khoảng 1889 – 1890 người Pháp cho đào tại đây một con kinh, lúc đầu chưa có tên sau đó đặt là rạch Cái Răng.
 
 Về mặt quản lý hành chính,đầu tiên Tòa Bố tỉnh Cần Thơ đặt tại Trà Ôn (làng Thiện Mỹ, tổng Bình Lễ), nhưng chỉ được một năm thì dời về đặt ở Cái Răng (làng Thường Thạnh, tổng Định Bảo). Sau, do Nghị định của Soái phủ Nam Kỳ ngày 23-2-1876 vùng Phong Phú lập thành tỉnh Cần Thơ, tỉnh lỵ đặt tại đây. Từ đó Trà Ôn và Cái Răng trở thành quận.
-Làng Thường Thạnh thuộc quận Cái Răng là quê ngoại của người soạn bài này. Hiện nay, nếu có dịp ghé thăm chợ Cái Răng các bạn sẽ thấy nơi này vẫn còn vài ngôi đình chùa, nhiều dãy phố xá xưa kiểu Tây, kiểu Tàu .Chọn một chỗ ngồi nơi ven sông mát mẻ, ngắm xuồng ghe chở đầy ắp hoa trái xuôi ngược rồi thưởng thức món mì sợi, bánh bao, xíu mại khô do chính  người Hoa khéo tay chế biến…chắc chắn sẽ gợi nhiều nỗi niềm cho những bạn có tấm lòng hoài cổ...
 
Trước đây, nơi chốn này nổi tiếng về nghề dệt chiếu lát & về cam quýt nhưng ngày nay tất cả đã không còn; vì “đô thị hóa” nhanh và vì:
 
“Tôi nghe đâu mấy năm trước quýt được mùa, được giá ; nhiều hộ đã sắm được xe gắn máy , tivi…Mấy năm gần đây chén cơm của họ khá bấp bênh do giá thuốc sâu, phân bón vùn vụt tăng cao, nguồn nước tưới bị ô nhiễm và sâu “vẽ bùa” kháng thuốc  nên chồi lá  cứ vàng úa , quăn queo, hoa trổ rồi lại rụng, lũ kiến vàng lũ lượt bỏ đi . Đến khi vào mùa vụ thì quýt hồng không sao cạnh tranh nổi với lê, táo nhập nên giá cả rẻ như bèo, như cho…”
 
(Trích một đoạn bài Xóm Quýt, quê xa do tôi viết, để các bạn dễ hình dung)
 
- Ở ngay đầu doi làng này, còn một ngôi đình  bề thế; nghe đâu khi xưa  nó rất đẹp đẽ .Giờ đây đình đang bị hư hại trầm trọng, nếu không sớm trùng tu Tp Cần Thơ sẽ mất đi một di tích  rất có giá trị.
 
II.Vì sao có tên gọi Cái Răng ? :
 
Cụ Vương Hồng Sển có ghi trong sách Tự vị tiếng Việt miền Nam (Nhà xuất bản Văn hóa, 1993) ở mục từ “Cái Răng”, trang 98:

“Cà ràng” ( karan)  hình thù như con số 8 để nằm, một đầu là ba ông Táo lú đầu lên cao để đội nồi ơ siêu trách, còn một đầu kia nắn cái bụng chang bang dài dài vừa vặn với cây củi chụm, bụng này chứa được tro nhiều không rơi rớt ra ngoài, lại ấm cúng che kín gió, mau chín mau sôi.

Truy nguyên ra, trong sách Pháp, Le Cisbassac chẳng hạn, và nhiều sách khác đã có từ lâu vẫn ghi:
 “Krôk kran: rạch Cái Răng, nay cứ lấy điển này làm chắc, một đàng khác hỏi thăm người cố cựu bản xứ thuật rằng ngày xưa, không biết từ đời nào, nguyên người Thổ (Cơ Me) ở Xà Tón (Tri Tôn) chuyên làm nồi đất và “karan” chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo sông cái đến đậu ghe nơi chỗ này để bán, năm này qua năm nọ, chầy ngày người mình phát âm “karan” biến ra “Cái Răng” rồi trở nên địa danh thiệt thọ của chỗ này luôn.
III. Nói thêm về Cà Ràng: 
206207/Cà ràng thuộc văn hóa Óc Eo:

 
Thật ra chiếc cà ràng đã từng có mặt trên vùng đất này khoảng 1.500 – 2.000 năm (thế kỷ I đến thế kỷ VI). Chủ nhân của nó là cư dân thuộc nền văn hóa cổ ở Đồng bằng sông Cửu Long, bởi qua khai quật những di chỉ khảo cổ ở nhiều nơi trong vùng, thí dụ như kết quả khai quật khảo cổ học tại Gò Tháp (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) năm 2000 vừa qua, người ta đã bắt gặp hàng vạn hiện vật, đa phần là những mảnh gốm bể, trong đó nhiều nhất là mảnh bể cà ràng, vòi ấm (siêu), nồi, tô chén, chum vại, lu hũ...
 Theo các nhà khảo cổ thì cà ràng và  ấm siêu là hiện vật đặc trưng của nền văn hóa Óc Eo, thuộc vương quốc Phù Nam. Vậy thì, chiếc cà ràng mà ngày nay đang dần biến mất, đã là vật dụng thân thiết trong sinh hoạt đời sống con người từ hàng ngàn năm trước.
 
Và nó cũng  là dấu ấn khó phai của cuộc sống khẩn hoang của cha ông từ hơn ba trăm năm trước: vì Cà Ràng sử dụng thật tiện lợi đặc biệt là với người sống nghề sông nước, rày đây mai đó… Chỉ cần một cái cà ràng đặt trên ghe, xuồng là người ta có thể thoải mái vừa nấu vừa nướng cùng một lúc. Phần trước cà ràng, nơi có lửa ngọn thì nấu, phần sau đuôi cà ràng, người ta cào than để nướng....
 
2/Nói sơ cách làm Cà Ràng:
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp : Đất làm gốm thường được khai thác dưới chân núi Nam Quy.Theo bà con Khmer thì ở Tri Tôn chỉ có đất ở ven núi Nam Quy mới làm được đồ gốm tốt.(ở Hòn Đất thuộc Kiên Giang cũng có sản xuất thứ gốm này, nhưng tôi thấy người khơ-me ở đây, ngoài Cà Ràng, họ còn làm “Cà Om” (hình dáng giống như trái bí đỏ lớn, dùng chứa nước sinh hoạt…Người soạn viết thêm)
 
Cà Ràng vốn là tiếng Khmer, tên gọi một loại bếp lò độc đáo vừa bao gồm nơi nấu với 3 ông táo, gắn với một thân đáy chịu lửa hình số 8 dùng đun củi, cời than. Bếp nấu cà ràng khá linh hoạt, có thể để trên sàn nhà bằng tre nứa, ván gỗ; có thể để ngay trên ghe thuyền mà không sợ bị cháy mặt sàn, gọn nhẹ và dễ di chuyển.
Muốn có một cái cà ràng hoặc lò đất, người ta lấy ba phần đất sét trộn với bảy phần trấu, nắn theo kiểu ước chừng trước khi phơi. Bởi sản phẩm không có khuôn nên làm cho giống nhau về hình dáng và kích cỡ là điều không đơn giản. Sản phẩm hoàn thành, sau khi dùng cây đập cho đều và láng, phơi chừng 4-5 nắng tốt thì khô. Mùa mưa cà ràng “mộc” phải để trong mát chừng một tháng, sau đó có thể đưa vô lò hầm ba ngày mới có sản phẩm. Đây cũng là kỹ thuật làm gốm khá nguyên thuỷ còn được lưu truyền ở số nơi trong các dân tộc trong nước .
 
IV.Chợ nổi Cái Răng:
Ðến Cần Thơ mà chưa đi chợ nổi Cái Răng, thì kể như chưa biết về đất Tây Ðô này!”
 
Cái Răng là một trong những chợ trên sông nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ. Chợ chuyên mua bán các loại trái cây, nông sản của vùng. Sáng sáng, hàng trăm chếc thuyền lớn bé đậu san sát. Khác với chợ phiên trên bờ, chợ nổi trên sông ở miệt này có chiêu “tiếp thị” hết sức độc đáo là người bán hàng không rao hàng bằng lời mà dùng cây sào cắm trước mũi ghe ( hoặc ở bến sông ngay trước kho vựa, trước cửa nhà…)  rồi treo những món hàng hóa cần bán lên cây sào đó.
 
Cây sào được gọi là “cây bẹo”, việc buộc sản phẩm lên “cây bẹo” gọi là “treo bẹo”. Có những cây bẹo cao khoảng 7 - 8 mét buộc hơn chục thứ trái, từ bầu bí các loại đến dưa leo, củ hành, củ sắn, khoai mì, khoai lang vv…Vậy là không cần phải rao hàng như các chợ trên đất liền (thực tế cũng không thể rao khi tiếng sóng, tiếng máy nổ liên tục, và khó có thể áp mạn với xuồng khác để xem bán hàng gì).
 

 
Do nhu cầu của người đi chợ nên không chỉ có các xuồng trái cây, nông sản phẩm mà còn có nhiều loại dịch vụ khác: phở, hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi… Các xuồng dịch vụ (thường là thuyền nhỏ) len lỏi rất thiện nghệ áp mạn phục vụ khách đi chợ tận tình và chu đáo, ngay cả khi sóng rập rình.
 
Chợ Cái Răng thường họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Những ghe bầu lớn thường chuyên thu mua trái cây để chở đi các nơi, kể cả sang Cam-pu-chia và Trung Quốc. Lại cũng có những ghe bầu chở các mặt hàng khác cung cấp cho bà con miệt vườn như xăng dầu, muối mắm, thuốc tây, bánh kẹo, quần áo trẻ con, nhu yếu phẩm… Sự độc đáo của chợ nổi đã để lại nhiều ấn tượng thật thú vị cho du khách trong & ngoài nước…
 (theo web Du lịch Cần Thơ)
 
V.Giới thiệu một món ăn “đặc sản” của quê hương:
 
Theo Báo Cần Thơ : Nằm ẩn khuất trong "xó" chợ Cái Răng, Cần Thơ, nhưng quán bún tôm khô này vẫn luôn tấp nập thực khách. 9-10 bàn trong lòng căn nhà khá chật hẹp nên không đủ chỗ tiếp tất cả khách. Đến trễ, người ta phải ngồi mấy quán cà phê gần đó "ăn nhờ".
 
Bán từ chục năm nay, bún tôm khô đã trở thành thương hiệu được nhiều người ưa thích. Tô bún chẳng có gì ngoài mớ tôm khô xào mỡ nấu lấy nước lèo, vài miếng tiết lợn, da lợn cùng một miếng chả được làm từ tôm khô trộn hột vịt đánh nhuyễn chiên vàng. Ăn kèm với tô bún là đĩa rau muống chẻ nhỏ xanh mướt, giòn rụm; một ít giá sống trắng tinh, ngòn ngọt vị đậu xanh; vài cọng húng cây thơm tho mùi đất đai quê nhà.
 
Nếu là người thích ăn cay thì chén ớt băm đỏ sậm đang chờ bạn. Ngoài ra còn có chén nhỏ đựng mắm ruốc để tạo thêm hương vị độc đáo, đậm đà của tô bún. Nếu bạn thích, có thể kêu thêm bát nước súp có một ít tôm khô hoặc thêm một bát tiết chín. Cứ vậy mà người ta sung sướng thưởng thức vị ngọt của các thứ thực phẩm trong tô bún trong một không khí ồn ào của những người phụ nữ đi chợ, những người đàn ông "dằn cho ấm bụng" trước khi kêu một ly cà phê đen ngọt đắng trong cổ họng.
Món ăn giông giống bún riêu của người Bắc này được chị Dương Thị Ngọc Phượng "biến tấu" theo suy nghĩ của mình không ngờ được thực khách địa phương hoan nghênh quá cỡ. "Tiếng lành đồn xa", khách từ quận Ninh Kiều cũng đổ đường tới đây ăn sáng. Món ăn sạch sẽ, giá lại rẻ, chỉ 5.000 đồng/tô, gọi thêm bát nước súp và tôm khô thêm 3.000 đồng.
Mỗi ngày, quán bán từ 6 giờ tới 9-10h sáng hết hàng.
Địa chỉ: Chợ Cái Răng, số 35/4, đường Lý Thường Kiệt, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.
 
VI.Vài câu thơ, câu hát xưa nói về Cái Răng : 
Năm 1897, toàn Cần Thơ có 10 chợ thì Cái Răng là một số chợ ấy.Nhờ có đường bộ rộng rãi, đường sông lưu thông dễ dàng nên hoạt động mua bán phát triển mạnh. Vì vậy ở đây sớm có chành lúa, nhà máy xay xát quy mô, đủ khả năng tiếp nhận lúa toàn cả miền Tây để chế biến chuyển về Chợ Lớn xuất khẩu….


Và vì bán đủ các mặt hàng nông lâm thủy sản nên trước đây nó được xem là chợ chánh, sầm uất hơn cả chợ Cần Thơ, lỵ sở huyện Phong Phú (lúc bấy giờ thuộc làng Tân An, tổng Định Bảo).

Sách Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong, năm 1909 mô tả:

Chợ Cái Răng xứ hào hoa

Phố lầu hai dãy xinh đà quá xinh

Có trường hát cất rộng thinh

Để khi hứng cảnh thích tình xướng ca


Từ lâu, trong dân gian còn có câu hát huê tình:

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No

Có thương em, anh mua cho một chiếc đò

Để em lên xuống thăm dò ý anh!


Và câu hát cũ ghi lại dấu ấn xứ “cả cơm lớn tiền” này:

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền

Anh có thương em thì cho bạc cho tiền,

đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê…
vv…
 
Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn 
 




Ảnh trên:Chợ nổi Cái Răng
 
Ảnh giữa: minh họa "bẹo"

Ảnh dưới: nơi sản xuất"cà ràng"
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 12.07.2007 04:32:09 bởi rongxanhag >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9