Chữ Viết
HongYen 11.07.2007 21:06:43 (permalink)
2006/12/10, 17:43:01

Tình hình và chính sách xây dựng và phổ cập chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam
• Hoàng Thị Châu
 
1. Việt Nam là một nước đa dân tộc, đa ngôn ngữ như nhiều nước ở Đông Nam Á. Chữ viết cho các dân tộc thiểu số (DTTS) khá phát triển. Việt Nam có 53 DTTS thì hơn một nửa đã có chữ viết. Nhưng tình hình thực tế cho thấy có nhiều bộ chữ trong số này chưa được phổ cập rộng rãi, mặt khác, nhu cầu đặt chữ cho những DTTS chưa có chữ vẫn cấp bách. Bằng chứng là nhiều DTTS tuy chưa có chữ viết nhưng đã có sử thi (Mường), sách sưu tầm ca dao, tục ngữ (Giáy, Cao Lan), thơ ca tự sáng tác (Dao Đỏ), tác phẩm dịch thuật (Dao Ô Gang) được xuất bản bằng cách dùng chữ quốc ngữ (chữ Việt) để phiên âm tiếng các DTTS nói trên.
Vì vậy việc khảo sát tình hình và chính sách xây dựng và phổ cập chữ viết các DTTS ở Việt Nam có thể rút ra được nhiều kinh nghiệm bổ ích, để giải quyết vấn đề này cho các nước trong khu vực.
 
2. Các bộ chữ DTTS ở Việt Nam có tự dạng đa dạng. Một số bộ chữ cổ, có lịch sử lâu đời không thuộc hệ chữ La tinh. Các bộ chữ Khmer, Chăm, Thái có nguồn gốc từ chữ Pali, Sanscrit ở miền Nam Ấn Độ. Ngoài ra còn có các bộ chữ Nôm Tày, Nôm Nùng, Nôm Dao, Nôm Cao Lan,... đã được xây dựng từ chữ Hán. Những thứ chữ này chỉ còn lại trong các văn bản cổ mà các văn bản đó còn lại đến nay không phải là nhiều. Hiện nay chỉ có một số ít người cao tuổi biết đọc, biết viết.
 
3. Khoảng 20 bộ chữ DTTS mới được xây dựng vào cuối thế kỉ 19 và trong suốt thế kỉ 20, có tự dạng La tinh và dựa trên cơ sở chữ Việt. Chữ Việt được chế tác vào giữa thế kỉ 17. Đó là bộ chữ La tinh được bổ sung thêm nhiều dấu phụ để ghi thanh điệu và một số nguyên âm. Bộ chữ Việt khá thuận lợi để ghi các ngôn ngữ có loại hình ngữ âm giống tiếng Việt (đơn tiết và có thanh điệu) của các DTTS cư trú ở miền Bắc Việt Nam. Do đó mà trí thức các DTTS thông thạo tiếng Việt có thể dựa vào chữ Việt để ghi chép văn bản bằng tiếng DTTS như đã nói trên. Tuy vậy những bộ chữ được chính thức công nhận để phổ cập ở miền Bắc rất ít: Chỉ mới có 2 bộ chữ: chữ Tày–Nùng và chữ Hmông (Chữ Thái La tinh hoá chưa được phổ cập rộng rãi).
 
4. Các ngôn ngữ DTTS ở miền Nam Việt Nam (ở Trường Sơn, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ) có loại hình ngữ âm khác tiếng Việt: đa tiết, không thanh điệu và có nhiều tổ hợp phụ âm ( ).
Nếu người không có trình độ nhất định về ngữ âm học, thì khó mà xác định đúng âm để phiên âm tiếng mẹ đẻ vì thế mà tất cả các bộ chữ DTTS ở miền Nam đều được các giáo sĩ Cơ đốc giáo, các chuyên gia ngôn ngữ học nước ngoài (Pháp, Mĩ) và gần đây là các nhà ngôn ngữ học Việt Nam xây dựng nên. Trước khi thực dân Pháp sang xâm lược Việt Nam đã có các giáo sĩ Châu Âu lên Tây Nguyên. Với mục đích truyền giáo, họ đã dựa vào bộ chữ Việt chế tác ra chữ Bahnar (1861). Tiếp theo là 2 bộ chữ Jarai (1918) và Êđê (1923) giống hệt bộ chữ Bahnar ra đời. Những bộ chữ này tuy lấy chữ Việt làm cơ sở (dùng các dấu phụ trên nguyên âm), nhưng có cải tiến và bổ sung một số chữ cái cho phù hợp với ngữ âm các ngôn ngữ DTTS ở Tây Nguyên. Bộ chữ Êđê từ rất sớm đã được phổ cập rộng rãi trong cộng đồng người Êđê. Năm 1935, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương chính thức công nhận các bộ chữ này và cho phép phổ cập ở Tây Nguyên.
 
Những bộ chữ này có tính khoa học cao, đạt được yêu cầu dùng một kí hiệu để ghi một âm và giá trị ngữ âm của các chữ cái gần đúng với phiên âm quốc tế. Vì tính ưu việt của nó mà từ đó về sau, các bộ chữ DTTS ở miền Nam Việt Nam đều được dựa trên cơ sở các bộ chữ Tây Nguyên này để chế tác.
 
5. Mức độ phổ cập các bộ chữ không giống nhau. Có 10 bộ chữ được dạy trong nhà trường. Những bộ chữ khác chưa được phổ cập rộng rãi. Trong số 10 bộ chữ, chữ Khmer và chữ Hán là chữ viết chính thức quốc gia của hai nước láng giềng.
5.1. Các bộ chữ không theo tự dạng La tinh được dạy trong trường là: chữ Khmer, chữ Chăm, chữ Hán, chữ Thái.
a. Chữ Khmer của người Khmer ở Nam Bộ Việt Nam gần như thống nhất hoàn toàn với chữ Khmer ở Căm Pu Chia. Chữ Khmer tương đối phổ biến trong đồng bào Khmer, nhất là trong tầng lớp tăng lữ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
 
b. Dưới thời Pháp thuộc, chữ Khmer được dạy trong trường tiểu học. Dưới chính quyền Sài Gòn, chữ Khmer bị cấm dạy trong nhà trường, tuy vẫn được dạy trong nhà chùa. Sau ngày giải phóng miền Nam, việc dạy và học chữ Khmer song song với việc dạy và học tiếng Việt đã được tiến hành một cách tự nhiên, tự phát ở một số địa phương có đồng bào Khmer sinh sống. Vào đầu thập kỉ 80 của thế kỉ 20, tiếng Khmer được đưa vào chương trình giáo dục song ngữ Khmer - Việt ở các trường tiểu học theo các giáo trình của Nhà xuất bản Giáo dục. Tiếng Khmer vẫn được dạy ở các chùa. Nhưng số học sinh đi học các trường song ngữ ngày càng đông. Riêng tỉnh Sóc Trăng, năm học 1993-1994 có 59 trong 100 trường thực hiện giáo dục song ngữ, với 24.820 học sinh(1).
Hệ thống truyền thanh, phát thanh, xuất bản sách báo bằng tiếng Khmer được phát triển khắp nơi trong các tỉnh có đồng bào Khmer sinh sống. Đài Truyền hình Cần Thơ có chương trình phát sóng bằng tiếng Khmer. Những năm mới giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt, Đài Truyền hình Pnôm Pênh chưa phát sóng, người dân Pnôm Pênh thường mở xem Đài Truyền hình Cần thơ.
 
b. Sau ngày giải phóng miền Nam Việt Nam, tiếng Chăm và chữ Chăm Akhar Thrah) cũng được dạy trong các trường tiểu học song ngữ theo chương trình và sách giáo khoa của Bộ Giáo dục, ở những nơi tập trung người Chăm (trong hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận) chữ Chăm đã được La tinh hoá từ đầu thế kỉ 20. Bộ chữ này gần giống bộ chữ Êđê ở Tây Nguyên được phổ cập khá rộng rãi. Nhiều người Chăm thích dùng để ghi chép cá nhân, viết thư, chép chuyện cổ tích, thơ ca, văn học dân gian. Nhưng đa số người Chăm chủ trương cho con em học chữ Chăm Akhar Thrah để bảo tồn nền văn hoá dân tộc lâu đời của mình.
 
c. Trước đây chữ Hán được dạy ở các trường của người Hoa với cách phát âm Bắc Kinh (âm chuẩn) cùng với phương ngữ từng vùng (Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hakka,...) tuỳ theo xuất xứ của từng nhóm người Hoa di cư sang Việt Nam. Bên cạnh việc học chữ Hán, con em người Hoa vẫn theo học các trường phổ thông và đại học, như học sinh người Việt. Sau những biến động của người Hoa cuối thập kỉ 70, không còn các trường riêng của người Hoa nữa. Người Hoa và người Việt học chung trường từ cấp tiểu học đến đại học. Riêng đối với các trường có đông học sinh người Hoa, Bộ Giáo dục cho phép dạy thêm Hoa ngữ theo chương trình và sách giáo khoa của bộ từ cấp tiểu học đến cấp phổ thông trung học cho những học sinh có nguyện vọng(2).
 
d.Chữ Thái ở Việt Nam tuy có cùng nguồn gốc với các chữ viết Pali, Sanscrit ở Nam Ấn Độ, nhưng rất khác với chữ Lào và Thái Lan vì những bộ chữ này được vay mượn qua chữ Khmer, còn chữ Thái ở Việt Nam được phỏng theo chữ Nôm.
 
Ở Việt Nam có đến 8 kiểu chữ Thái cổ khác nhau của các nhóm Thái, các nhóm người Thái sinh sống ở khắp miền Tây Bắc Việt Nam và bắc Trường Sơn. Do sự không thống nhất của chữ Thái cổ như vậy nên sau nhiều cuộc thảo luận, năm 1961, Nhà nước Việt Nam ban hành bộ chữ Thái cải tiến, thống nhất để sử dụng rộng rãi trong đời sống văn hoá và đưa vào dạy trong các trường tiểu học bắt đầu từ năm học 1962-1963. Hai năm đầu người Thái hăm hở cho con em đi học. Nhưng về sau, người ta thấy việc học chữ Thái không đem lại lợi ích gì, mà lại làm chậm trễ việc học tiếng và chữ Việt trong chương trình phổ thông. Đến năm 1968, chữ Thái cải tiến không còn được dạy ở trường phổ thông trong các vùng người Thái cư trú nữa.
 
Trước tình hình này, nhiều người muốn La tinh hoá chữ Thái. Năm 1981, phương án chữ Thái La tinh được phê chuẩn ở tỉnh Lai Châu. Bộ chữ này được sử dụng để làm từ điển Thái-Việt, in các trang văn nghệ dân tộc trong các sách báo địa phương. Ở Sơn La và các tỉnh khác một số trí thức người Thái dùng chữ quốc ngữ phiên âm để in những tác phẩm văn học dân gian Thái.
 
Trong những năm gần đây, cùng với việc tăng cường ý thức bảo tồn văn hoá truyền thống của dân tộc, việc dạy và học chữ Thái cổ lại được phát động lại ở một số địa phương ở Thanh Hoá, Sơn La.
 
Dân tộc Lào ở Việt Nam dùng chữ Lào như ở chính quốc.
 
5.2. Những bộ chữ theo tự dạng La tinh
 
Năm 1961, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành cùng một lúc ba phương án chữ viết: chữ Tày-Nùng, chữ Hmông theo tự dạng La tinh, trên cơ sở chữ Việt và chữ Thái cải tiến như đã nói ở trên.
 
Hai bộ chữ Tày-Nùng và Hmông đã được đưa vào dạy ở các trường tiểu học vùng Đông Bắc Việt Nam.
 
a. Cũng như việc dạy chữ Thái ở Tây Bắc, chữ Tày-Nùng được dạy từ năm học 1962-1963 với hàng ngàn học sinh. Đến năm học 1967-1968 là cao trào có đến hàng trăm, chục ngàn học sinh học chữ và tiếng Tày Nùng ở các lớp vỡ lòng và tiểu học. Nhưng sau đó phong trào xuống dần và đến năm 1978 việc dạy chữ và tiếng Tày-Nùng trong trường phổ thông cho học sinh dân tộc này chấm dứt.
 
b. Việc dạy tiếng và chữ Hmông cũng có tình trạng tương tự. Từ 1962 đến 1968 phong trào học chữ Hmông khá rầm rộ. Chữ Hmông được dùng để xoá nạn mù chữ và dạy ở cấp tiểu học theo chương trình song ngữ xen kẽ với tiếng Việt. Trong thực tế sau khi xoá nạn mù chữ một thời gian, dân mù chữ trở lại. Theo điều tra của Ban Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc (Bộ Giáo dục) ở xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai vào năm 1987 thì số người biết chữ Hmông (từ 6 tuổi trở lên) là 2,9%. Trước đây xã này đã xoá xong mù chữ bằng chữ Hmông (năm 1963). Từ 1990 đến nay việc dạy và học tiếng Hmông lại được Bộ Giáo dục quan tâm trở lại, cải tiến chương trình song ngữ biên soạn lại sách giáo khoa và tổ chức dạy thí điểm ở Thanh Hoá, Lào Cai. Nhưng tình hình không khả quan hơn.
 
c. Sau khi thống nhất đất nước, vào thập kỉ 80 thế kỉ 20, bốn ngôn ngữ và chữ viết các DTTS ở Tây Nguyên: Bahnar, Êđê, Jarai, Xêđăng được đưa vào dạy thí điểm để xây dựng trường song ngữ. Nhưng cuối cùng cũng không thành công.
 
Rất gần đây, Báo Lao động ngày 17/9/2002 đưa tin dưới đầu đề: "Dạy và học tiếng Êđê ở Đắc Lắc còn thiếu hơn 100 giáo viên". Bài báo viết: "... Sau nhiều năm thử nghiệm, năm học 2001-2002, tỉnh Đắc Lắc đã tổ chức dạy đại trà tiếng Êđê (dân tộc bản địa đông người nhất Đắc Lắc) trong các trường có nhiều con em đồng bào Êđê. Toàn tỉnh đã mở được 171 lớp gồm 4, 986 học sinh...". Mục tiêu của Đắc Lắc trong năm học 2002 - 2003 là phải đưa số lớp lên 274 và số học sinh lên trên 9.000 em. Bài báo cũng nêu: "Khó khăn lớn nhất là cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho dạy và học quá thiếu thốn, ngoài bộ sách giáo khoa chưa có gì thêm. Đội ngũ giáo viên dạy tiếng Êđê vừa thiếu, vừa yếu (toàn tỉnh thiếu trên 100 giáo viên)... Về lâu dài, lãnh đạo tỉnh và Bộ Giáo dục - Đào tạo cần phải cho mở thêm một khoa đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc trong trường Cao đẳng Sư phạm Đắc Lắc, mới mong có được một đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao".
 
Tiếng Êđê có đông người nói nhất Tây Nguyên. Chữ Êđê là bộ chữ phản ánh ngữ âm khá chính xác, có giá trị khoa học cao và để được phổ cập rộng rãi trong xã hội Êđê từ lâu (như đã nói ở trên). Nếu khắc phục được những khó khăn mà bài báo nêu lên, thì những cố gắng để khởi động phong trào rầm rộ hiện nay mới không uổng phí, mới tránh được những kết cục không như ý, đã xảy ra ở các phong trào chữ và tiếng Tày-Nùng, chữ và tiếng Hmông ở Đông Bắc Việt Nam trong các thập kỉ 60, 70 thế kỉ 20.
Qua tình hình xây dựng và phổ cập chữ viết của DTTS nói trên, có thể thấy rằng chữ viết vừa thiếu lại vừa thừa, nhiều bộ chữ được chế tác ra, nhưng không được phổ cập rộng rãi trong các cộng đồng dân tộc. Việc đưa tiếng và chữ DTTS các trường tiểu học được tổ chức đại trà tại nhiều nơi khác nhau, trong những thời gian khác nhau, nhưng đều không duy trì được.
 
6. Để giải thích điều này cần tìm hiểu chính sách ngôn ngữ và chữ viết và các quan điểm, chủ trương khi thực hiện chính sách này.
 
Các văn kiện chính thức của Nhà nước Việt Nam từ Hiến pháp đầu tiên cho đến những văn kiện gần đây đều thống nhất một quan điểm: Tôn trọng quyền tồn tại và phát triển của tiếng nói và chữ viết các DTTS và hỗ trợ để tiếng nói và chữ viết của họ phát triển.
 
Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1960 có ghi: "Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, phát triển văn hoá dân tộc mình".
Quyết định của Chính phủ số 53/CP ngày 22/02/1980 có đoạn ghi: "Tiếng nói và chữ viết hiện có của các DTTS được Nhà nước tôn trọng, duy trì và giúp đỡ phát triển. Các DTTS chưa có chữ viết đều được giúp đỡ xây dựng chữ viết theo chữ La tinh".
 
Luật phổ cập tiểu học ban bố ngày 16/8/1991 viết: "Các dân tộc thiểu số có quyền sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình cùng với tiếng Việt để thực hiện giáo dục tiểu học".
 
Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 viết: "Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kì thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình".
 
Việt Nam là một nước đa dân tộc, đa ngôn ngữ. Giải quyết các vấn đề ngôn ngữ thường gắn với hàng loạt vấn đề ngoài ngôn ngữ, như chính trị, xã hội, tâm lí dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng... Có chính sách ngôn ngữ đúng đắn là một động lực to lớn đối với việc nâng cao dân trí, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng dân tộc và cộng đồng quốc gia. Giải quyết không thích đáng vấn đề dân tộc và ngôn ngữ dân tộc có thể dẫn đến các xung đột tộc người, sự bất ổn về chính trị, xã hội. Trong những năm 1970, 1971, dưới chế độ Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam, đồng bào Khmer ở Trà Vinh, Ba Xuyên, Bạc Liêu đã thường xuyên xung đột với chính quyền địa phương do tiếng Khmer không được công nhận là tiếng dân tộc riêng, người Khmer chỉ được học tiếng Việt, không được học tiếng Khmer. Cũng như vậy, có thời kì tiếng Hoa bị cấm dạy, các lớp dạy tiếng Hoa của người Hoa bị đóng cửa, chữ Tây Nguyên bị cấm dạy ở Tây Nguyên.
 
Có thể khẳng định rằng chính sách dân tộc và ngôn ngữ của Nhà nước Việt Nam là đúng về căn bản. Nó đáp ứng được ở chừng mực nhất định về mặt chính trị trong việc giải quyết các vấn đề dân tộc và ngôn ngữ ở Việt Nam trong cách mạng giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Trong xây dựng đất nước, chính sách này đã được thực hiện trong những lĩnh vực như văn hoá, giáo dục, truyền thông đại chúng,... nhưng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
 
Trên phương tiện truyền thông đại chúng như đài phát thanh, truyền thanh ở trung ương và ở các tỉnh miền núi đều có chương trình phát thanh bằng các ngôn ngữ DTTS. Trên đài "Tiếng nói Việt Nam" đã có chương trình phát thanh bằng tiếng Hmông từ năm 1990, bằng tiếng Khmer (1991), bằng tiếng Êđê (1993),… Ở các tỉnh miền núi phía Bắc từ trong những năm chiến tranh, các đài phát thanh địa phương tuỳ theo các DTTS có số người đông và tiêu biểu trong vùng mà chọn ngôn ngữ. Ví dụ: Ở đài phát thanh tỉnh Lai Châu có các chương trình phát bằng tiếng Thái, tiếng Hmông và tiếng Hà Nhì, ở đài phát thanh tỉnh Thái Nguyên có những chương trình bằng tiếng Tày-Nùng, Hmông, Dao. Đối với những ngôn ngữ chưa có chữ viết như tiếng Dao, tiếng Hà Nhì, các phát thanh viên dùng chữ Việt để phiên âm các bản tin trước khi phát. Những chương trình này cũng phát lời ca tiếng hát của những DTTS khác nhau.
 
Trong lĩnh vực văn hoá, rất ít các sách song ngữ Việt và DTTS, rất ít văn học DTTS được in bằng tiếng và chữ DTTS, phần lớn được dịch ra tiếng Việt và in bằng chữ quốc ngữ để có đông độc giả. Ngoài ra còn có một số tác phẩm của các DTTS chưa có chữ được xuất bản bằng cách phiên âm bằng chữ Việt. Không có báo chí in bằng tiếng DTTS, mà chỉ có những bài báo rời rạc, chủ yếu là thơ ca trong các tạp chí Văn nghệ ở các tỉnh miền núi in bằng tiếng DTTS. Do không có sách báo bằng tiếng DTTS cho nên sau khi xoá xong mù chữ DTTS, người lớn mù chữ trở lại, trẻ em không có hào hứng để học tiếng và chữ của dân tộc mình vì không biết học để làm gì.
 
8.Trong lĩnh vực giáo dục, do quan niệm thiển cận về mục đích dạy chữ và tiếng DTTS là "bắc cầu" để học chữ Việt và tiếng Việt, cho nên như chúng ta đã thấy những phong trào dạy và học chữ Thái, Hmông, Tày Nùng ở miền núi phía Bắc, đợt thử nghiệm đưa tiếng và chữ Bahnar, Êđê, Jarai, Sêđăng dạy ở các trường tiểu học Tây Nguyên đều có kết thúc đáng buồn.
 
Thật ra, việc học chữ và tiếng DTTS có mục đích sâu xa hơn để hiểu biết bản sắc riêng của nền văn hoá vật chất và tinh thần của dân tộc đó và để tham gia vào việc bảo tồn và phát triển nền văn hoá đó. Nếu không được sự hỗ trợ của ngành văn hoá, thì ngành giáo dục chỉ làm được công việc xoá mù chữ và vỡ lòng rồi dừng lại ở đây là một việc làm vô nghĩa.
 
Chương trình song ngữ ở một số trường tiểu học miền núi trước đây được cấu tạo để dạy xen kẽ 2 ngôn ngữ: Lớp 1 dạy chữ và tiếng DTTS, lớp 2 thêm môn tiếng Việt, lớp 3, lớp 4 tăng dần các môn khác bằng tiếng Việt. Chương trình song ngữ như vậy cũng thể hiện rõ quan điểm "bắc cầu" học tiếng DTTS là bắc cầu để học tiếng Việt. Qua cầu xong thì bỏ cầu là một cách làm không đúng. Thực ra, phải quan niệm việc học tiếng DTTS là nhằm vào việc sử dụng và phát triển truyền thống văn hoá của dân tộc, phát triển xã hội.
 
Trong thực tế, ở các trường tiểu học phổ thông miền núi (không phải trường song ngữ) những nơi tập trung nhiều học sinh có số dân đông nhất vùng, như ở vùng người Thái, vùng Tày-Nùng, vùng Êđê, vùng Jarai... ta thường thấy giáo viên giảng bài trong sách giáo khoa phổ thông bằng hai thứ tiếng: tiếng Việt như trong sách và giải thích thêm bằng tiếng DTTS đông dân cư của vùng đó. Cách dạy bằng hai thứ tiếng đó được giáo viên các địa phương gọi là "phương pháp song ngữ". Cách dạy này hoàn toàn tự nhiên, tự phát do nhu cầu truyền đạt kiến thức của giáo viên và nhu cầu tiếp thu kiến thức của học sinh. Khi vốn từ Việt của học sinh tăng lên thì vai trò phụ trợ của ngôn ngữ DTTS (tiếng phổ thông vùng) cũng giảm dần. Khi đóng vai trò phụ trợ để giảng bài, ngôn ngữ DTTS cũng được nâng cao và phát triển theo với tiếng Việt. Nó bỗng nhiên được đưa vào một môi trường mới: văn hoá, khoa học, kĩ thuật... khác với môi trường gia đình, xã hội mà nó vẫn hành chức. Như vậy, ngành giáo dục ở miền núi cần có kế hoạch tăng cường giáo viên là người DTTS và khuyến khích giáo viên người Kinh học tiếng DTTS để có thể giảng dạy theo phương pháp trên. Nên dùng biện pháp khích lệ bằng cách trả lương cao hơn cho những giáo viên biết hai ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng DTTS. Hiện nay ở tỉnh Thừa Thiên-Huế, ban lãnh đạo huyện Nam Đông (một huyện miền núi) đang tổ chức lớp học tiếng và chữ Katu trong 6 tháng cho 100 cán bộ công tác trong huyện. Việc làm này rất đáng hoan nghênh và đáng kể cho các huyện miền núi học tập.
 
Ở Việt Nam, có một hệ thống trường sư phạm miền núi khá đầy đủ. Ở các tỉnh miền núi có các trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm. Ngoài ra có hai trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên thu nhận sinh viên ở vùng núi Bắc Bộ, và Đại học Sư phạm Tây Nguyên ở Buôn Ma Thuột dành cho sinh viên các tỉnh Tây Nguyên. Nhưng một thiếu sót lớn của hệ thống các trường sư phạm này là không có chương trình dạy ngôn ngữ và văn hoá các DTTS ở địa phương. Đúng ra trong hệ thống giáo dục, thì đây là nơi đầu tiên cần được dạy tiếng và chữ DTTS, trước khi mở đại trà các lớp song ngữ ở cấp tiểu học. Giáo viên không được đào tạo về môn này thì việc giảng dạy không thể thành công được. Hơn nữa, các bộ chữ Tày-Nùng, Hmông lúc khởi động phong trào là hoàn toàn mới mẻ đối với chính người bản ngữ.
 
9. Vấn đề làm chữ viết
 
Vì ngôn ngữ là một đặc trưng của dân tộc, một biểu hiện của văn hoá dân tộc cho nên văn hoá là lĩnh vực tối ưu để ngôn ngữ dân tộc được bảo tồn và phát triển. Để in sách giáo khoa bằng một ngôn ngữ DTTS trước tiên ngôn ngữ đó phải có chữ viết chính thức, được chính quyền công nhận. Còn in sách văn nghệ, văn hoá, phổ cập kiến thức bằng tiếng dân tộc nào đó mà chưa có chữ, thì các nhà văn hoá, các vị trí thức dân tộc, các tác giả, dịch giả có thể tự phiên âm tiếng dân tộc mình bằng chữ Việt. Như trên đã nói, đã có nhiều sáng tác tác phẩm, sách sưu tầm, sách dịch in bằng các ngôn ngữ DTTS chưa có chữ viết như bộ sử thi "Đẻ đất đẻ nước" của dân tộc Mường dài 5000 câu, những tập thơ bằng tiếng Dao của nhà thơ Bàn Tài Đoàn; "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch" do Triệu Thanh Sơn dịch ra tiếng Dao và phiên âm; thơ, truyện thơ bằng tiếng Cao Lan do Lâm Quý sưu tầm và phiên âm, "Tục ngữ Giáy" do Sần Cháng sưu tầm và phiên âm,... Những sách nói trên được Nhà xuất bản Văn hoá - Dân tộc ở Hà Nội và các Sở Văn hoá - Thông tin ở các tỉnh xuất bản.
 
Qua thực tế trên, vấn đề chữ cho các DTTS chưa có chữ đã được nhiều DTTS tự giải quyết bằng cách dùng chữ quốc ngữ phiên âm. Ngay cả ở những dân tộc đã có chữ được Nhà nước ban hành như Tày-Nùng, Thái, Hmông, nhiều người vẫn thích cách viết tự mình phiên âm hơn là dùng các bộ chữ đã được công nhận. Vì khi đã hiểu biết thông thạo tiếng Việt và chữ Việt thì phiên âm dễ và thoáng hơn là gò bó trong một bộ chữ mà họ không quen dùng. Thực tế đó buộc chúng ta phải xem xét lại vấn đề làm chữ viết cho các DTTS.
 
Ở Việt Nam hiện nay đã có 20 bộ chữ DTTS theo tự dạng La tinh, trong số đó chỉ có 3 bộ chữ Tày-Nùng, Hmông ở miền Bắc, còn lại là thuộc các ngôn ngữ DTTS ở miền Nam. Như vậy, nhu cầu làm chữ viết chính là ở các DTTS miền Bắc và như chúng ta đã thấy, nhân dân đã tự giải quyết bằng cách dùng chữ quốc ngữ phiên âm. Như vậy, đối với việc làm chữ viết cho các DTTS chưa có chữ hiện nay, tốt nhất là giúp cho các DTTS chưa có chữ tự làm chữ bằng cách dựa vào chữ quốc ngữ phiên âm sao cho đúng với ngữ âm của mình.
 
Trung Quốc là một nước đa dân tộc đa ngôn ngữ, bản thân tiếng Hán cũng có nhiều phương ngữ khác nhau, khác đến mức không thể hiểu nhau được và phải dùng bút đàm trong khi giao tiếp. Hiện nay ở Trung Quốc giải quyết vấn đề chuẩn hoá cách phát âm tiếng Hán trong toàn quốc bằng cách dạy ngay cho trẻ em mới đến trường bộ chữ La tinh phiên âm cách đọc tiếng Hán Bắc Kinh (được xác định là cách phát âm chuẩn cho cả nước), sau đấy mới học chữ Hán. Chữ viết cho các DTTS cũng được xây dựng trên cơ sở bộ chữ phiên âm này.
 
Ở Việt Nam có thuận lợi là, với bộ chữ quốc ngữ là chữ La tinh, chữ ghi âm, chúng ta không cần đặt ra một bộ chữ để phiên âm như Trung Quốc làm, mà chỉ cần cải tiến những điều bất hợp lí của chữ quốc ngữ (như những chữ không phải ánh đúng âm; hai, ba chữ cái khác nhau để ghi một âm...) và bổ sung thêm một số kí hiệu để ghi những âm của các ngôn ngữ DTTS mà tiếng Việt không có.
 
Với ý tưởng đó, để xây dựng bộ chữ phiên âm chung cho các ngôn ngữ DTTS chưa có chữ chúng tôi đã là như sau: Nghiên cứu 20 bộ chữ viết La tinh của các DTTS ở Việt Nam đã có chữ, hơn 40 hệ thống ngữ âm của hơn 40 ngôn ngữ các DTTS ở Việt Nam và các nước láng giềng có chữ viết và chưa có chữ viết thuộc các ngữ tộc khác nhau, thuộc các loại hình ngữ âm khác nhau, tập hợp lại những nét chung và riêng để xây dựng nên bộ chữ "tối đa và tối ưu" dựa trên cơ sở bộ chữ quốc ngữ được cải tiến theo hướng tiến gần đến bộ chữ phiên âm Quốc tế (IPA: International Phonetic Alphabet). Sau đó chúng tôi ứng dụng bộ chữ chung đó thử làm chữ viết cho 5 ngôn ngữ chưa có chữ viết: Dao, Hà Nhì, Ksing Mul, La Chí, Xá Phó ở vùng núi phía Bắc Việt Nam (đây những ngôn ngữ đã được các học giả Việt Nam và nước ngoài miêu tả ngữ âm khá chính xác trong những công trình khoa học). Những ngôn ngữ này có loại hình ngữ âm khác nhau, thuộc các ngữ tộc khác nhau, có cảnh huống (situation) ngôn ngữ khác nhau và đều có nhu cầu chữ viết cấp bách. Trên cơ sở đó, chúng tôi còn đưa ra một kiểu ứng dụng khác: Dựa vào bộ chữ trên để chỉnh lí văn bản phiên âm bằng quốc ngữ (đã xuất bản) bộ sử thi dài 5.000 câu truyền khẩu của dân tộc Mường, để hoàn thiện thành bộ chữ Mường ("Xây dựng bộ chữ phiên âm cho các DTTS ở Việt Nam". Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 2001).
 
Qua thực tế xây dựng và phổ cập chữ viết ở Việt Nam có thể rút ra những kinh nghiệm như sau:
 
a. Nhu cầu viết tiếng DTTS thành văn bản là có thật, là cấp thiết của người lớn tuổi. Vậy chữ DTTS trước tiên phải được phổ cập cho người lớn tuổi, sau đó mới dạy cho trẻ em. Khi đã có chữ viết, thì việc đầu tiên là xoá nạn mù chữ dân tộc cho người lớn, và trước tiên là cho cán bộ để họ ghi chép sổ công tác, chuẩn bị bài nói chuyện trong các cuộc họp với nhân dân, viết bản tin trước khi phát thanh, ghi chép văn học dân gian, sáng tác tác phẩm của mình,...
 
Chỉ khi nào người lớn nhận thấy chữ viết quả là có ích, không thể thiếu được trong cộng đồng, họ sẽ tự dạy cho con em họ, yêu cầu mở lớp dạy chữ và khuyến khích con em đi học. Khi ấy việc tổ chức dạy đại trà tiếng và chữ DTTS cho trẻ em cấp tiểu học mới có ý nghĩa và duy trì được lâu dài.
 
b. Cần có nhiều biện pháp đưa chữ viết vào đời sống như viết các thông báo, biển treo ở những nơi công cộng bằng song ngữ (tiếng DTTS và tiếng Việt) nhất là ở các thị xã, thị trấn.
 
c. Nhà nước và chính quyền địa phương cần đầu tư thêm để đẩy mạnh việc dùng tiếng DTTS qua các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, truyền hình, in báo địa phương, bản tin, sách phổ biến kiến thức về sản xuất kinh doanh, về vệ sinh phòng bệnh, về văn hoá dân gian...
 
d. Việc dạy và học tiếng DTTS phải nhằm mục đích nâng cao dân trí, bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc, chứ không phải là để đối phó với tình hình chính trị trong một thời điểm nào đó.
_____________
(1) Theo tài liệu nội bộ của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Ngôn ngữ học "Điều tra cơ bản ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (1994 - 2000), Báo cáo tổng kết", Hà Nội tháng 12 năm 2000, tr.116.
(2) Xem thêm Hồ Thiệu Hùng "Vấn đề xoá mù chữ cho đồng bào Hoa và dạy Hoa ngữ trong thời mở cửa". Những vấn đề chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội - 1993, tr.165-164.




Theo Chuyên đề Mông-Dao số 1 – hmongmien-study.net.
 
http://ngonngu.net/index.php?p=173
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9