Chùa Dơi-Sóc Trăng
alonewolf 07.09.2004 14:33:36 (permalink)
Không chỉ vì khung cảnh cổ kính, trang nghiêm của lối kiến trúc, của những tán cây cổ thụ mà ẩn đằng sau mỗi một ngôi chùa ở Sóc Trăng lại có không biết bao nhiêu chuyện lạ khiến nhiều du khách khám phá một cách thú vị.

Chùa Mahatúp - còn gọi là chùa Mã tộc hay chùa Dơi - nằm tại phường 3, thị xã Sóc Trăng là một điểm du lịch khá nổi tiếng. Chùa có một khuôn viên rộng như bất kỳ một ngôi chùa Kh’mer nào ở đây. Trên những tàn cây xanh yên bình và tĩnh mịch, ban ngày, từng đàn dơi quạ mà mỗi con nặng cả ký treo mình lủng lẳng trên cành cao ngủ say, mặc cho du khách đứng bên dưới chỉ trỏ, chụp hình. Trời chạng vạng, đàn dơi bắt đầu đêm rong ruổi kiếm ăn. Cũng lạ là dù bay tản mác ở đâu đi nữa thì mỗi sáng, khi tiếng chuông chùa vừa điểm, chúng lại lục tục kéo nhau về. Sự hiện hữu của đàn dơi có lúc lên đến hàng vạn con đã làm cho chùa Mahatúp càng trở nên nổi tiếng.

Tuy nhiên, ngôi chùa này độc đáo bởi một nghĩa trang dành cho những... "lão trư" 5 móng. Nghĩa trang này hiện nằm ở hậu liêu của chùa. Chuyện truyền rằng, một đêm nọ của 15 năm trước, bà cụ Khiên - người chuyên quét dọn chùa - nằm mộng được báo rằng ngày mai sẽ có một nữ thí chủ đến quy y tại đây. Sáng ra, vừa quét dọn bà Khiên vừa ngó chừng ra cổng xem ai đến. Đến trưa người đâu chẳng thấy, chỉ thấy một heo cái 5 móng đang im lìm ngủ phía sau chùa, lay không dậy, đuổi không đi. Nhớ lại giấc mộng, bà Khiên sực tỉnh mau mau chuẩn bị chỗ cho heo.

Theo nhiều người quanh chùa, "lão bà" 5 móng này mỗi ngày chỉ ăn một bữa đúng vào giờ ngọ. Heo lớn nhanh, nặng khoảng 400 kg. Sự hiện diện của heo 5 móng đã bùng thổi nhiều lời đồn đoán và một số người không dám gọi heo nữa mà thay vào đó là "cô Năm Hợi". Kể từ đây, xung quanh chùa nhà ai có heo 5 móng là cứ gửi đến nhập hội với "cô Năm Hợi". Cụ Thạch Thị Mao - người thay công việc cụ Khiên sau này - kể, khi còn sống "cô Năm Hợi" thường dẫn nguyên "đoàn anh chị em đồng liêu" vào thị xã để... dạo phố. "Đoàn" đi rất trật tự và đến giờ nhà chùa sắp tụng kinh thì quay về, ngày nào cũng vậy, bất kể mưa nắng.

Lời cụ Mao chính xác cỡ nào thì chưa rõ song việc đàn heo 5 móng từ chùa đi hơn 3 cây số vào trung tâm thị xã không lạc thì rất nhiều người dân Sóc Trăng đã nhìn thấy. Chính những biểu hiện kỳ lạ này mà khi "cô Năm Hợi" chết, nhiều người đã đến cúng vái, nhà chùa đã cho khâm liệm và chôn phía hậu liêu. Anh Long nhà gần chùa cho biết, sự đồn thổi về "cô Năm Hợi" đã kéo nhiều tay chơi đề đêm đêm vào mộ khấn xin số. Trúng trật chẳng rõ.

Điều kỳ thú nữa là "cô Năm Hợi" có mộ chí đàng hoàng và sau đó có đến 3 bậc hậu duệ "5 móng" khác cũng an giấc nghìn thu trong những ngôi mộ khá đẹp. Những người đứng ra xây mộ đều đến từ TP HCM. Bà Nguyễn Thị Tiếp ở quận 10 đã xây mộ cho "cô Năm Hợi" với số tiền 500.000 đồng từ hàng chục năm trước đây.

Thượng tọa Kim Rêne, trụ trì chùa cho biết, xung quanh 4 ngôi mộ này còn có hơn chục mộ của những "cô, chú 5 móng" khác được chôn cất đàng hoàng chỉ có điều là không xây nấm mộ mà thôi. Nhà chùa hiện giờ có 5 "cô, chú 5 móng" khi nào chết sẽ được chôn tại đây.

Bửu Sơn tự hay còn gọi là chùa Đất sét tọa lạc ở đường Lương Định Của, phường 5, thị xã Sóc Trăng. Chùa không lớn, không bề thế song nổi tiếng bởi cả ngàn bức tượng đất sét và những cây đèn cầy khổng lồ cháy hoài không tắt. Ông Ngô Kim Giản cho biết, người sáng lập chùa là Ngô Kim Tòng, anh ruột ông. Tất cả tượng bên trong đều làm bằng đất sét trộn với một chất phụ gia đặc biệt nên độ dẻo khá cao. Tuy nhiên, có nhiều người vào vãn cảnh đã không tin tượng làm bằng đất nên cứ nắm bẻ riết gây sứt mẻ.

Làm xong tượng, ông Ngô Kim Tòng nhờ mua sáp tận bên Pháp mang về để đúc 4 cặp đèn cầy. Cặp nhỏ nhất, mỗi cây cao 1,3m, đường kính 0,5m, nặng 100kg. Ba cặp còn lại đồng cỡ nhau, mỗi cây cao 2,6m, đường kính 0,5m, nặng 200 kg. Tim đèn mỗi cây to bằng ngón tay cái. Làm 4 cặp đèn cầy này nhà chùa mất mấy tháng ròng. Ban đầu là làm giàn giáo, quấn tole tạo ống, ruột tim kéo thẳng từ đáy lên ngọn sao cho luôn nằm ở giữa. Sáp nấu chảy ra đạt độ nóng cần thiết thì rót từ từ vào, phải rót làm sao cho đều, cho dè dặt, không rỗng ruột mà khi khô thì ruột đèn nén chặt cứng như đá. Bí quyết này chỉ có ông Tòng là rõ nhất. Chính yếu tố cứng như đá đã mở ra kỷ lục cháy năm này qua năm khác của đèn cầy. Ngày 18/7/1970, ông Tòng qua đời và cặp đèn cầy nhỏ nhất được thắp lên. Nó đã cháy ròng rã từ đó đến nay và sẽ tắt vào tháng 7/2005.

Ban đầu thoạt nghe đèn cầy trường hỏa, cháy liên tục mấy chục năm, nhiều người không tin nhưng khi mục sở thị thì mới thấy quả là từ thế kỷ 19 ông Tòng đã lập ra một kỷ lục Guinness về đèn cầy. Khách du lịch hiếu kỳ vào xem cứ ngỡ đèn cầy đúc bằng xi măng nên đưa móng tay bấm thử. Ngày qua ngày, những cây đèn cầy chưa đốt ở đây đầy dấu móng tay người. Ông Giản tự hào và nói tỉnh như không: "3 cặp đèn cầy còn lại nếu đốt từng đôi thì chúng cháy tổng cộng 210 năm, còn đốt lẻ từng cây thì là 420 năm". Nếu chúng cháy được như thế thì quả là kỷ lục thế giới chứ chẳng chơi.
#1
    cdq 06.10.2004 09:32:35 (permalink)
    Anh "alonewolf" oi,
    Soc Trang con mot chua khac nua cung kha noi tieng nua khong biet anh co biet khong? Do la chua "Chen Kieu", cdq khong ro ten thuc cua no la gi nhung moi nguoi goi nhu the vi xung quanh chua nay duoc trang tri bang nhung manh vo cua chen kieu, nhung manh chen nay duoc xep thanh nhung hinh va hoa van kha doc dao do.
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9