Chuyện con trẻ - Truyện ngắn
Nghiêm Lương Thành 15.07.2007 18:39:03 (permalink)
Nghiêm Lương Thành

CHUYỆN CON TRẺ  
                            "Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn trở; bởi nước
thiên đàng thuộc về những kẻ giống như trẻ con ấy !" [1]
Lời Jesus

Cuộc họp vẫn chưa kết thúc. Nội dung chỉ có sơ kết học kỳ một mà sao lại lê thê thế ! Tôi xem đồng hồ và đã bắt đầu thấy sốt ruột. Không khéo lại muộn giờ ở một lớp dạy thêm "hệ B". Loại lớp được một số đồng nghiệp của tôi vẫn đánh giá là béo bở và không phải bỗng dưng mà có được. Học sinh ở lớp này, tuy là tiếp thu chậm hoặc không muốn tiếp thu những kiến thức tôi truyền đạt nhưng lại rất giỏi trong việc đi xe máy nhanh và có khả năng đánh giá, cũng rất nhanh, chất lượng của các mỹ phẩm, đặc biệt là các loại thuốc xịt làm cho tóc trở nên bóng nhẫy và dựng ngược lên trời xanh (hoặc đen, nếu về ban đêm) và rất "đam mê" những bài hát nói về "tình yêu nhau" mà trong ca từ của chúng luôn toả ra cái lấp lánh của những viên ngọc từ vựng như cuộc tình, mộng mơ, tan lỡ, chia xa, gian dối, dối lừa .... Bố mẹ chúng mời tôi dạy vì tôi là giáo viên đã có "thương hiệu", tuy là không thành văn và không đăng ký bản quyền. Còn tôi nhận lời vì thấy rằng đó là một món hời bởi khoản thù lao hậu hĩnh, được thể hiện bằng những đồng tiền phẳng tang, thơm mùi mực in và giấy mới, chưa hề qua tay thế tục để rồi mang mùi tanh ẩm của các bà hàng rau hàng cá lam lũ hoặc thấm đẫm, cáu bẩn mồ hôi của những người nông dân, những người thợ luôn được sách vở đề cao nhưng đời này có mấy ai thích làm. Tôi nhận tiền mà vẫn thấy yên tâm vì hiểu rất rõ rằng dạy tốt hay không, tâm huyết hay không đều không quan trọng, bởi, chúng chẳng bao giờ quan tâm đến những gì tôi truyền đạt và đằng nào thì cuối cùng, bố mẹ chúng chả "thi" hộ chúng ! Ai chả biết: có cầu thì tất có cung. Mọi cái mà con người ta vẫn mơ tưởng, ông Trời đều cất kỹ trên Thiên đàng. Mà Thiên đàng thì phải chịu khó đợi tới sau khi chết kia ! Chà, đời người té ra cũng không phải là ngắn !
- Còn ai có ý kiến gì không ? - Bà hiệu trưởng cất giọng, đưa mắt nghiêm trang nhìn một lượt các cử toạ.
Tôi thở phào nhẹ nhõm: rồi cũng phải kết thúc chứ ! Đang xếp tài liệu vào cặp thì ... trời ơi, chị Tâm - một đàn chị trong nghề mà lâu nay tôi vẫn kính nể - lại có ý kiến ! Chị cho rằng phải giữ chữ tín. Nghĩa là khi tuyển sinh, nhà trường đã thông báo là mỗi lớp chuyên chỉ có ba mươi học sinh; Vậy mà khi bố trí lớp học, nhà trường đã ghép hai lớp làm một, khiến sỹ số tăng lên gần gấp đôi, không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh giáo dục; mà lại là một lớp hệ A với một lớp hệ B, trình độ chênh lệch khiến hiệu suất giảng dạy và tiếp thu không thể cao được. Yêu cầu cần phải có sự bố trí lại ngay !
Một số người, sau khi kín đáo quan sát nét mặt bà hiệu trưởng, đã công tâm, thẳng thắn giải thích là "Do hạ tầng cơ sở của nhà trường còn gặp nhiều khó khăn" hoặc "cần phải có những khoản thu nhập thêm cho cán bộ nhân viên toàn trường để bù đắp vào đồng lương vốn đã ít ỏi cùng những khoản chi tế nhị trong những dịp lễ, tết ...trong khi chúng ta chỉ là một đơn vị sự nghiệp thuần tuý" 
- Thôi, hãy chấm dứt kêu ca về đồng lương của ngành giáo dục đi ! - chị Tâm, chứng nào tật nấy, vẫn khư khư cái lối "lội ngược dòng" của những kẻ ngu dại - Thật xấu hổ ! Vì sao vậy ? Thứ nhất: Lương của chúng ta hiện thời đã cao hơn so với các cán bộ cùng ngạch bậc ở các ngành khác. Thứ hai: Họ còn thiếu thốn hơn chúng ta, nhưng họ không kêu ca mà tự tìm thêm nguồn thu bằng chính mồ hôi của mình trong khi họ không hề có chức năng giảng dạy các bài học đạo đức cho con em người khác !
Trời đất ! - Tôi thầm lo cho chị - không khéo rồi phiền lắm đây. Xin được một chỗ dạy học ở cái đất Hà Nội đâu phải là dễ ở vào cái thời buổi này. Quả nhiên, người ta (những người vừa ôn tồn phân tích cho chị rõ) bắt đầu phân tích thêm, và, cuối cùng, bằng cái lối quy nạp sắc bén quen thuộc, họ đưa ra các kết kuận quen thuộc rằng chị: Không thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của đất nước; Không có tinh thần xây dựng; Không có tinh thần tập thể ... Không có ý thức bảo vệ uy tín cho cơ quan nhà nước !
Đa số thì ngồi im, lơ đãng. Họ là những người nghiêm túc và khôn ngoan, có nhiều việc quan trọng và thiết thực hơn phải làm. Cái lối quy nạp và kết luận luôn viện vào các "đại nghĩa", "đại cục" cao cả, tuy đã tồn tại nhiều chục năm, làm người đời chán ngấy và rùng mình như nhìn thấy rắn, đang dần bị người đời quên lãng, nhưng không hẳn đã mất khả năng gây nguy hiểm cho người khác. Còn tôi, tuy thấy bức xúc lắm rồi, muốn nói điều gì đấy đỡ cho chị ... nhưng chợt nghĩ đến cái lớp tôi đang làm chủ nhiệm ... học kỳ này tỷ lệ học sinh giỏi chỉ đạt 74% con số chỉ tiêu của nhà trường đặt ra. Danh hiệu Lớp tiên tiến đang có nguy cơ vuột khỏi tầm tay. Mà điều này, tôi cầm chắc, còn kéo theo nhiều cái khác, vừa phiền toái, vừa nhức đầu. Chẳng hạn: uy tín chuyên môn của tôi sẽ bị suy giảm, lòng tự ái nghề nghiệp sẽ phải trải qua một thời gian thương tổn nặng nề; sẽ phải chứng kiến sự khoái trá kín đáo của một vài đồng nghiệp có ít học sinh đến xin học thêm hơn tôi; Khả năng được tăng lương vào kỳ tới và việc trở thành ứng cử viên cho cái chân hiệu phó sắp khuyết là vô cùng mỏng manh ... và thế là tôi đành phải hạ thấp bộ mặt đỏ dừ cùng cái cảm giác sàn sạn, dằn mình, cắn răng kiềm chế để làm một người nghiêm túc, khôn ngoan và có giáo dục.
Tan họp. Chị Tâm thừ người, buồn bã và thất vọng. Mọi người, dường như không ai để ý đến chị, rào rào kéo ghế và hối hả rời khỏi phòng họp. Người thì vội đi đón con, kẻ phải tranh thủ đi dạy thêm, người phải đến chỗ hẹn với bạn làm ăn ...  Tôi, tuy bã cả người nhưng vẫn phải lốc thốc xách cặp lao về phía nhà để xe. Đang loay hoay tra chìa vào ổ khoá điện thì có mấy đứa con gái chạy lại; Con Hiền túm chặt lấy cánh tay tôi: "Thưa thầy - nó hào hển, hớt hải chỉ tay về phía cuối dãy khối 10 - các ... bạn ... ấy đang đánh ... nhau ở đằng kia !". Trời, lại thế nữa ! Tôi vội chạy lại, vừa lúc thằng Nghĩa - học sinh lớp 10A của tôi - né người, tránh được hòn gạch từ tay thằng Tuấn Anh - học sinh lớp 11Z9 và cũng là một học sinh lớp học ngoài giờ "hệ B" của tôi - ném lại và xoay người, giáng một quả nghe đánh rắc vào giữa mặt đối thủ, khiến Tuấn Anh phải ôm mặt ngồi thụp xuống và buông ra những câu chửi tục tĩu cùng những lời đe dọa tầm phơ. Thằng Hoàng, một đứa thông minh, bé loắt choắt, tứ thời mặc đồ thải từ những người anh em họ của nó, tiến tới trước mặt kẻ bại trận, đưa ngón tay lên ngoáy ngoáy lỗ mũi, giễu: "Ôi ... Các anh ơi, đỡ em dậy để em cho nó một trận (!)".
- Dừng lại, học trò học choẹt, lớp dưới đánh lớp trên, thế là thế nào ?!
Vừa lúc ấy, mấy giáo viên cuối cùng từ phòng họp đi ra cũng dừng lại. "Thôi ! - tôi thoáng nghĩ - vụ tăng lương và cái chân ứng cử viên thế là đi đứt rồi !"
-  Học sinh lớp anh đấy - tôi trỏ tay vào Tuấn Anh, cau có nói với một đồng nghiệp vừa dừng lại - Còn cậu Nghĩa, vào lớp ngồi làm bản kiểm điểm ! Học sinh thời nào rồi mà có cái thói ứng xử hoang dã như thế ? Thật ... không thể tưởng tượng nổi !
Đọc bản kiểm điểm ngắn tũn của Nghĩa, tôi có cảm giác rằng nó buộc phải làm thì làm cho xong chuyện.
-  Có thế này thôi sao ? ít ra cậu cũng phải nói rõ nguyên nhân, phải phân tích thái độ sai trái của mình ...
- Thưa thầy, đã là đánh nhau, là bạo lực, làm mất điểm thi đua và ảnh hưởng xấu đến lớp thì phải nhận lỗi và chịu hạnh kiểm xấu thôi, còn dài dòng làm gì ... 
Nghĩa nói chậm rãi, không hề hoảng hốt, sợ hãi như các cậu trai khác khi ở cùng hoàn cảnh. Làm một việc tày trời như thế ... biết trước mức kỷ luật như thế và những phiền toái kéo theo mà vẫn bình thản, vẫn lạnh lùng. Học trò thời nay là thế đấy ! Tôi nóng mặt:
- Về xin chữ ký của bố mẹ rồi mai nộp cho tôi !
- Vâng, em chào thầy ! - Tay cầm bản kiểm điểm, Nghĩa từ từ đi ra. Phía ngoài đã có mấy đứa, cả trai lẫn gái đang đứng đợi sẵn, nét mặt đầy lo lắng.
Tôi cảm thấy mình bị xúc phạm, bởi, một lần nữa, qua ánh mắt của "những cái búp trên cành" này, tôi lại cảm nhận một cái gì đấy, na ná như sự thương hại, khinh bỉ thường trực ẩn sâu bên trong cái vẻ lễ độ cho phải phép, cho đỡ rầy rà, cho xong ... Những ánh  mắt, tuy vẫn trong veo nhưng dường như hàm chứa cả những tia sắc nhọn và biết bao dấu hỏi, dấu than của đám học trò thời nay.
Dắt xe đến khúc ngoặt đầu một dãy lớp học, tôi nhận ra tiếng nói của thằng Tuấn Anh và mấy đứa khác.
-  Chỗ này nữa, có thế mà lau cũng không sạch. Đồ ăn hại !
-  Đại ca yên tâm, em đã làm là đâu ra đấy. Vụ này ... đại ca cứ mách bố đại ca, xử lý cho nó biết thế nào là lễ độ ! Nhưng mà em cũng thấy lo ... Nếu nhà trường kỷ luật thằng kia thì mình cũng khó thoát.
- Thằng này vớ vẩn ! Lễ tết nào mẹ tao chả ... (chỗ này Tuấn Anh hạ giọng, nghe không rõ) ... cái phong bì "nặng chuỳ". Mà đã nhận thì phải bênh người ta chứ, lo đếch gì ! Thôi, hôm nay xù lớp học thêm, đi chơi xả xui đi mày !
Tôi điếng người. Mắt tối xầm lại, tay phải vịn vào tay lái xe cho vững. Một cảm giác tủi mọn, nhục nhã, ê chề, dâng lên ngập ngụa cả cái phần hồn mà trước đây đã từng có lúc có thể gọi là trong sáng của tôi. Đồ mất dạy ! - Tôi muốn thét lên - nhưng mà ... cũng không hẳn là mất dạy ... ! Mà ... cũng có phần là mất dạy thật !
Đã muộn giờ dạy thêm. Mà dù không thế thì hôm nay tôi cũng không thể nào có tâm trạng để đến cái lớp ấy. Tôi dắt xe, bải hoải, chán nản đi dọc theo lề đường. Lại một đợt gió mùa nữa. Trời lạnh giá. Hà Nội đã lên đèn. Tôi rẽ vào một quán cà phê vỉa hè trên một phố vắng, đầu óc lan man, nặng trĩu.
Nhớ lại, một lần, lớp tôi chủ nhiệm có hai đứa đi thi học sinh giỏi cấp thành phố và cùng đoạt được giải cao. Nhà trường đã tổ chức nêu gương trong một buổi lễ chào cờ  đầu tuần. "... được sự quan tâm của nhà trường - Bà hiệu trưởng trịnh trọng nhận xét - được sự dìu dắt tận tình của thầy chủ nhiệm, các em đã trở thành con ngoan, trò giỏi ...". Nói cho công bằng: đã tự thưởng cho mình các đức từ, tuy là đẹp nhưng đã quá quen thuộc, đến nỗi, như một kẻ nhờn thuốc, không gây được cảm xúc gì trong tôi, thì cũng phải nghĩ: cái thằng Tuấn Anh cùng mấy thằng đàn em của nó thuộc về công lao của những ai đây ?! 
Nhớ lại những thầy cô giáo cũ của tôi. Cô Định, một giáo viên cấp một từ thời Pháp thuộc chuyển sang, tóc đã bạc trắng, già yếu thế mà vẫn đi bộ đến từng nhà hỏi han xem học sinh của mình học hành thế nào. Cô Hoà dạy toán, đã cho chúng tôi tình cảm của một người mẹ; Một lần, trong giờ ra chơi, ngồi ở bậc cửa lớp học, cô vẫy tôi lại và hỏi: "Hôm qua trốn học, rủ nhau đi bẻ trộm mía phải không ?". Cái đầu con nít của tôi cho rằng đấy là một hành vi nam nhi táo bạo và đáng tự hào nên hồn nhiên trả lời: " Vâng !". Cô nhìn tôi, cười hiền hậu rồi xoa đầu tôi: "Xấu lắm, người ta bắt được thì khổ, từ rày chớ có dại như thế !".  Chỉ có thế thôi mà làm tôi nghĩ mãi và nhớ mãi nụ cười có hơi ấm người mẹ của cô. Rồi thầy Cừ dạy toán và lý, không bao giờ nói một câu gì về đạo đức, nhưng tấm lòng của một người thầy, người cha luôn khiến chúng tôi cảm thấy ấm áp mỗi khi nhớ về thày. Rồi thầy Thao dạy toán, như một người anh cả, thông minh, hóm hỉnh và nghịch ngợm, đã từng xẻ chia, thông cảm với lũ học sinh nhà nghèo chúng tôi và đã có công đem đến cho đời một nhà văn nữ chuyên viết về những điều trong sáng và nhân hậu ... Các thầy cô ấy, những con người hằng ngưỡng mộ cái chất cao khoát mà nghiêm cẩn của cụ Chu Văn An, cháy bỏng cái lý tưởng giải phóng con người của cụ Carl Marx, đã thực sự toả sáng, mang lại hơi ấm tình người, để lại những dấu ấn tươi thắm không thể phai trong tâm hồn trong vắt của những đứa trẻ - ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm - chúng tôi thời bấy giờ.
Vậy mà cái thằng tôi, vẫn làm cái nghề dạy học như các thầy cô tôi thuở ấy, đã làm những gì ?! Đã qua rồi, cái thời ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, vậy mà cái gì đã làm phần hồn tôi trở nên tiều tuỵ đến thế ? Hay chính tôi đã chủ động biến hình trong một cuộc sống có nhiều khẩu hiệu cùng biết bao cám dỗ này ? Đã bao lần tôi tự nhủ, tự vuốt ve mình rằng "Kẻ quân tử" thì luôn "tuỳ thời mà thông biến !", rằng chỉ những kẻ ngu dại, cố chấp mới lội ngược dòng như những con cá hồi thèm khát sự sinh nở, như những con thiêu thân thèm khát ánh lửa, như những chú "Thorn Bird" [2] thèm cất lời ca ! ... rằng cuộc sống là cuộc sống, cơm áo không có thì giờ đùa với những sự lý tưởng !
Tách cà phê đen của tôi đã nguội ngắt. Tôi nhấp một chút và cảm thấy rùng mình vì giá buốt và vị đắng khê của thứ cà phê rẻ tiền. Đặt tách cà phê xuống bàn, vô tình tôi nhìn sang bên kia đường và trông thấy hai chữ thất đức. Cái gì thế này ... một cái biển hiệu ! Thời buổi bây giờ ... thật không thể hiểu nổi, lấy một cụm chữ như thế mà đặt tên hiệu cho mình: Để chửi đời ? Để giễu đời ? Để chửi mình ? Để giễu chính mình ? ... Kiểu gì thì cũng thật ngông cuồng, thậm ngông cuồng ! Tôi đứng phắt dậy và rảo bước sang đường, tới gần cái biển hiệu đó ... Ôi, thì ra tán lá của hai cây sà cừ hai bên nhà đã xoà ra và che lấp mất hai chữ đầu và cuối của cái biển hiệu đó; Chữ đầy đủ của nó là: nội thất đức anh !  Bất giác, tôi nhớ tới chuyện thầy bói xem voi và cảm thấy mặt mình đỏ nhừ.
Rời quán cà phê, tôi cứ đi lang thang, vô định, không biết trong bao lâu. Và không hiểu như thế nào, cuối cùng, tôi nhận ra mình đang đứng trong bóng tối, trên một vỉa hè rộng rãi phủ đầy lá rụng, trước cổng Văn Miếu; Một biểu tượng của ánh sáng, nỗi khát khao về Trí Đức của những người Việt thiện lương, có lẽ sẽ đi mãi cùng con người trên suốt chặng đường lịch sử tiến hoá của nó. ở đây không có sự thâm nghiêm mù mờ, xa cách lạnh lùng mà chỉ có sự cao nghiêm minh bạch, gần gũi như hơi thở thế tục mà bất cứ ai cũng có thể tìm được chỗ đặt chân cho mình. Tôi bước qua cổng chính, qua lối đi ven Thiên Tỉnh tĩnh lặng, Khuê Văn Các cổ kính và những hàng bia tiến sỹ trầm mặc như vẫn đang đau đáu sự đời, tìm vào bàn thờ cụ Chu, mong tìm được chút an ủi cho dịu nỗi tái tê tủi mọn trong lòng. Có người đang thắp hương ở bàn thờ cụ Chu ... Tôi dừng lại, đứng trong bóng tối khuất của hàng cột gỗ và nhận ra hai kẻ có tín ngưỡng đó: Con Hiền và thằng Hoàng ! Thế đấy ! - bất giác, tôi buông ra một tiếng thở dài. Trên ban thờ, hương cháy có dễ đã đến phân nửa. Hai đứa vẫn đứng yên, hai tay vòng trước ngực, mắt nhìn chăm chắm lên bức tượng cụ Chu.

*
           Hôm sau.
Buổi sáng.
Đầu giờ học. Thằng Nghĩa, mặt mày ủ ê, má còn lằn vết ngón tay người lớn, thản nhiên đưa cho tôi bản kiểm điểm đã có chữ ký của bố nó. Buổi học thật nhạt nhẽo và lạnh lùng. Cả thầy và trò chừng như đều thực hiện việc đó như một thủ tục hành chính bắt buộc phải hoàn thành. Nhớ tới cái biển hiệu tối hôm trước, tôi, bụng bảo dạ, nhất định phải hỏi cho ra nhẽ !
Cuối giờ học. Thầy giám thị thập thò ngoài cửa lớp. Như thường lệ, tôi đi ra xem có việc gì. Thầy đưa cho tôi một mảnh giấy khổ A4 oặt oẽo: "Ban giám hiệu và Hội đồng kỷ luật vừa họp xong, yêu cầu thầy đọc ngay Quyết định này trước lớp và phải xử lý nghiêm khắc ngay lập tức, răn đe học sinh, nhanh chóng chấm dứt cái thói ứng xử man rợ này !". Qua vai thầy giám thị, cách đấy không xa, tôi nhận ra thằng Tuấn Anh, có vẻ như đang theo dõi chúng tôi. Tôi thừa đoán biết chính bố con nó là tác giả của cái Quyết định này. Thật khốn nạn !
" ... Hành vi bạo lực hoang dã của trò Phan Duy Nghĩa hoàn toàn đi ngược với đạo đức của người học sinh dưới mái trường xã hội chủ nghĩa tươi đẹp, ảnh hưởng xấu đến các trò khác và uy tín của nhà trường. Vậy quyết định: Điều một: Cảnh cáo toàn trường và đuổi học trò Phan Duy Nghĩa. Điều hai: Ông chủ nhiệm lớp 10A, ông trưởng phòng giáo vụ có trách nhiệm thi hành quyết định này và báo cáo lại với Ban giám hiệu và Hội đồng kỷ luật nhà trường". Tôi buồn bã đọc nội dung tờ Quyết định, thực hiện cái bổn phận của một viên chức giáo dục. Cả lớp lặng đi. Nhìn những khuôn mặt non nớt, những hình hài bất động, những cặp mắt đen nhánh đang ánh lên những tia sắc nhọn cùng nhiều dấu than, dấu hỏi ấy, tôi nhận ra, có một cái gì đấy, trong sâu thẳm của những quả tim học trò hồng tươi kia, đang vận động, đang trào lên nóng bỏng ...
Bỗng cả lớp cùng quay đầu về phía cửa ra vào. Tôi cũng quay ra và thấy thằng Tuấn Anh, mặt mày nhợt nhạt, đang thểu não, thập thõm bước vào. Nó dừng lại trước bục giảng và xoay người xuống phía học sinh:
- Xin lỗi thầy ... xin lỗi mọi người ... Chuyện này là do thằng Năng (một đàn em của nó) lén em, mách với bố em tối qua. Không ngờ ông ấy đã gọi điện cho nhà trường ...
- Còn dám đến đây à ?! - Thằng Dũng (bố nó hiện đang làm việc dưới quyền bố của Tuấn Anh) đứng phắt dậy, run bắn người.
- Yêu cầu các em trật tự, lắng nghe Tuấn Anh nói xem ...
-  Chuyện hôm qua ... lỗi là do em kéo bè kéo đảng, bắt nạt Hoàng. Nghĩa đánh em là để bênh cho Hoàng, chứ không phải là hư hỏng với lại hoang dã như các thầy bảo. Người phải chịu kỷ luật chính là em. Các thầy không được đuổi học Nghĩa !
Chà, đúng là nghĩa khí và sự minh bạch của kẻ giang hồ ! - Tôi thở phào và bất giác, nhớ mang máng, hình như V.I Lê Nin cũng có một cuốn sách viết về "Chiến tranh và bạo lực cách mạng".
- Nhưng nhà trường đã có quyết định rồi !
Tôi đưa tờ giấy cho Tuấn Anh. Nó đưa mắt đọc rất nhanh và mặt mày, thoắt cái, không còn chút nhợt nhạt nào nữa mà trở nên đanh phẫn khác thường. Nó giơ tờ giấy lên, nhìn một lượt toàn lớp:
- Chúng mày, lên gặp ban giám hiệu !
Bọn trẻ quên phắt, chẳng để ý xem thầy có đồng ý hay không, tất cả ào ra khỏi cửa lớp như nước tháo cống. Trong lớp chỉ còn lại hai đứa. Thằng Nghĩa, ngồi nguyên tại chỗ, hai giọt nước mắt đang từ từ ứa ra nơi khoé mắt. Con Hiền đứng bên cạnh, túm vào cánh tay bạn, thủ thỉ: "Đônkihôtê ơi, cảm ơn bạn !". Còn tôi, vùng dậy, chạy như bay ra khỏi lớp học như một kẻ sợ lỡ chuyến tầu vét, hét với theo đám học trò:
-         Các Bạn ơi, đợi tôi với !


Tháng 11 năm 2004

Tác giả: Nghiêm Lương Thành
Đánh máy: Thiện Văn
Nguồn: Nhà xuất bản HNV





[1] Kinh Phúc âm. Tân ước. Mathiơ. Phần: Các con trẻ.


[2] Tiếng chim hót trong bụi Mận gai.
 
*****





Đã mang vào thư viện
Chúc vui
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.09.2007 18:13:34 bởi Ct.Ly >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9