Một chút thời ngôn - Tản văn
Nghiêm Lương Thành 15.07.2007 18:48:28 (permalink)
Nghiêm Lương Thành

MỘT CHÚT THỜI NGÔN  
Nhờ năng lực tư duy của bộ não và cấu tạo không có xương của cái lưỡi, con người đã tạo ra ngôn ngữ. Ngôn ngữ được dùng để viết lịch sử; Và chính sự phát triển của ngôn ngữ cũng là một pho sử đồ sộ và sống động, phản ảnh mọi mặt đời sống vật chất và văn hoá của con người. Lâu nay, người ta vẫn không ngừng tiến hành các thăm dò để biết được rằng, trong cái vũ trụ không biết đâu mà lần này, liệu có một loài nào đó tương tự như mình không. Cái đó, thuộc tầm tư duy vĩ mô của các nhà thông thái, lo xa cho cả thiên hạ. Những người bình thường như chúng ta, nguyên chỉ loay hoay để cập nhật và cố hiểu các từ mới xuất hiện trong đời sống cũng đã đủ bở cả hơi tai ra rồi.
Trước đây, tôi chẳng để ý gì đến chuyện ngôn ngữ. Được cha mẹ sinh ra, rồi cứ lớn lên như bao đứa trẻ khác, việc gì đến thì tất cứ tuần tự mà đến. Đến tuổi học nói thì bắt đầu bập bẹ, bi bô suốt ngày. Đến tuổi đi học thì đến trường cùng bạn bè trang lứa, cùng nghe thầy giáo, cô giáo giảng bài, dạy bảo. Có lỗi thì phải nghe những lời rầy la, uốn nắn. Ngoan ngoãn, chăm chỉ thì được nghe những lời khen tặng ... Đọc sách, đọc truyện còn được biết cả những từ ngoài đời ít dùng. Vốn từ vựng cứ thế theo đường tai, đường mắt mà tự nhiên vào đầu, nhiều dần lên lúc nào không biết. Lúc bực tức thì cũng biết nói to, thậm chí hét lên, văng tục, chửi bậy, đả đảo ầm ĩ. Lúc sung sướng thì hồn nhiên hò reo, hoan hô, ngợi ca, muôn năm vui vẻ. Lúc nhờ vả, xin xỏ thì cũng biết đường tìm những chữ dịu dàng, mềm mỏng, thậm chí, khẩn khoản mà bày tỏ. Lúc phán xét thì cũng biết sau lưng mình là cái gì để ra oai, để đanh thép, để hùng hồn, để nói ra những lời to tát chẳng kém ai. Và, khi đã vào tuổi dậy thì, lúc ngồi cạnh bạn gái, ngay cả giữa một chiều hè oi ả, tịnh không một sợi gió, mây đen ùn tới, sấm chớp ì ầm, cũng biết cách sắp xếp các chữ cho thành "lời thì thầm của mùa xuân" !
Tốt nghiệp bậc phổ thông, năm ấy chúng tôi không phải thi vào đại học; Chiến tranh mà. Thật may mắn, bởi nếu phải thi thì e rằng tôi và không ít các bạn cùng lứa chả bao giờ bén mảng được đến rìa cổng các trường đại học. ấy là nói chung. Riêng cậu bạn thân của tôi, chẳng hiểu có bị mắc mớ gì không, không nhận được giấy gọi đi học gì cả, trong khi các bạn cùng lứa đều đã nhận giấy và tựu trường cả rồi; Thậm chí, một đứa trong lớp bị trượt tốt nghiệp, cũng đã nhận được giấy đi học nước ngoài. Cậu bạn ấy, lúc bấy giờ, học lực cũng vào loại kha khá, đạo đức thì cũng giống như mọi người xung quanh; nghĩa là hoàn toàn đủ tư cách để vào đại học. Về hình thức thì đã là một thanh niên, nhưng thực ra, cũng như tôi, cậu ta vẫn chỉ là một đứa trẻ lớn, lấy làm tủi thân và đánh liều tìm đường lên Ban tuyển sinh tỉnh, "nói khó" với họ. Cũng do sự hỗ trợ ngấm ngầm và hiệu quả của một người cha từng trải cùng vài thứ hàng phân phối mà mãi về sau này hai đứa mới biết, cuối cùng cậu ấy cũng được phân vào một trường mà trước đấy chúng tôi chưa hề biết là trên đời này lại có cả nó. Tất nhiên, điều này hoàn toàn cảm thông được; Có ai lại đi chấp chi những đứa trẻ ranh ! ít năm sau, khi cũng đã được nếm trải một chút vị đắng của cuộc đời, cũng được đọc qua một vài đoạn Kinh Thánh và Kinh Phật, cũng được gặp gỡ chứng kiến một số cuộc đời bèo mọn éo le lác đác đây đó ... tôi mới hiểu rằng cái cao quý của một con người chẳng hề có liên quan hữu cơ đến nghề nghiệp của họ. Các nhà báo, các nhà phát biểu cứ đua nhau bảo nghề cày ruộng, nghề quai búa, nghề quét rác ... và trong thời thị trường tái lai, cả nghề kinh doanh nữa, là rất cao quý. Không thể đúng hơn được nữa ! Nhưng, riêng về phần mình, tôi cứ ấm ức vì nỗi tại sao những nghề khác như Tài chính, Ngoại giao, Địa chính, Hải quan, Quản lý ...  lại không được người đời nhuộm cho, dù chỉ một chút, cái chất thơ chính sự trữ tình ấy ? Và những lúc đó, tôi thường chạnh lòng nhớ tới người anh của mình đã nằm lại trên chiến trường B mà cho đến bây giờ, sau bao cố gắng của gia đình và các đồng đội của anh, vẫn chưa tìm thấy phần mộ.
Qua những quyển sách, tôi biết được ngày xưa, từ những năm cha tôi còn mặc quần đùi đánh khăng trở về trước, trong thiên hạ, không ai không chê nghề cày ruộng là vất vả, là chân lấm tay bùn, là bán mặt cho đất bán lưng cho trời và, trong những hoàn cảnh cho phép, họ đã cố bứt mình, thoát ra khỏi cái nghề có nhiều mồ hôi và nước mắt đó; Họ "nói dzậy và làm dzậy" ! Ngày nay, chưa bao giờ người làm ruộng, người quai búa ... lại đi vào thơ ca, nhạc, họa, văn học, kịch trường, phim ảnh nhiều và lồng lộng đến như thế. Nhưng, quái lạ, tại sao vẫn chưa thấy công dân nào, kể cả hạng công dân ưu tú, thậm chí trên cả ưu tú, đưa những nghề này ra hướng nghiệp tương lai cho con cháu ruột thịt của mình ?!. Họ "Nói dzậy , nhưng không phải dzậy !"
 
*
 
            Vậy là tôi trở thành sinh viên của một trường đại học, giữa một thủ đô ngót ngàn năm tuổi của một đất nước bốn ngàn tuổi hẳn hoi ! Sao lại nói là "hẳn hoi" ? Nói quá đi chứ ! bởi nước Mỹ so với mình chỉ thuộc vào hàng dưới cả chút chít, dưới nhiều lắm, nhiều đến nỗi nếu lục lọi trong đám đại từ nhân xưng thuộc loại phong phú nhất thế giới của ta ra, cũng không biết phải gọi họ là gì nữa ! Còn nếu ai đó cố tình vặn vẹo: Thế thì tại sao họ đã bỏ lại Mặt Trăng ở phía sau từ lâu và đã tiếp cận được sao Hoả ? thì đúng kẻ đó chẳng hề biết câu cổ ngữ "Hậu sinh khả uý" tý nào. Vốn ngôn ngữ phổ thông của hắn có vấn đề !
Trường của tôi đúng là ở giữa thủ đô thật. Nhưng hồi đó tôi nào đã biết đích xác nó nằm ở chỗ nào, mặt mũi nó ra làm sao. Và cho đến khi tốt nghiệp tôi vẫn chưa một lần được ngồi trong các giảng đường của nó. Hồi đó chiến tranh vẫn chưa chấm dứt, chúng tôi phải học tập ở nơi sơ tán trên một vùng cũng chẳng ra miền núi, cũng không hẳn là trung du. Nghĩa là cái thủ đô tràn ngập ánh sáng văn hoá đối với tôi vẫn là cái gì đó, sáng lung linh nhưng xa xôi và mờ ảo, phải vận dụng nhiều trí tưởng tượng và óc suy đoán để hiểu về nó. Trong lớp tôi cũng có một số sinh viên người Hà Nội. Lúc đầu, tôi không thấy ưa họ vì họ cứ khôn khôn thế nào ấy; Không ngô nghê như mấy gã tỉnh lẻ chúng tôi, chẳng chịu nhìn nhận, phân tích tình hình, cứ hồn nhiên mọi sự, chẳng biết đánh giá khoa nào là tốt, sau này làm việc nhàn hạ và có nhiều tương lai. Nhưng sau đó mấy tháng, tôi phát hiện ra họ là những thanh niên khá hiểu biết. Họ có thể kể tên vanh vách các danh hoạ, các tác gia, các nhạc sỹ nổi tiếng thế giới và nói không dứt về các kiệt tác của những vị đó. Tôi nghe không chán và cứ há hốc mồm ra mà thán phục. Những cái đó không những đã khiến cái định kiến mới hình thành kia có nguy cơ thui chột mà tôi còn thấy rất thú vị khi được tiếp xúc với những sinh viên này. Chỉ có điều, không hiểu tại sao, những danh nhân nước Việt và công tích của các vị thì hình như họ chả quan tâm gì lắm.
Trong quá trình giao tiếp với những thanh niên đã được thụ hưởng một nền văn hoá và học vấn ưu tú này, tôi đã nhiều lần phải kinh ngạc về vốn từ vựng của họ. Những từ thường nhật và những từ được dùng trong sách vở chẳng nói làm gì; Điều đáng nói ở đây là họ luôn có những từ mới, đặc biệt là sau mỗi kỳ nghỉ về thăm nhà, họ lên trường và thường đem theo đến những thời ngôn mới cứng. Tại sao không phải là "mới" mà lại là "mới cứng" ? Người ta nói thế, để nhấn mạnh, để khẳng định, để tự hào về cái mới đích thực .... Thời ngôn mà ! Bấy giờ, người ta khao khát đồ mới bởi thứ này hiếm hoi như nhân tài nước ta thời bị nhà Minh thống trị. Những thứ đồ người ta bền bỉ ki cóp sắm sửa được, nhờ Kế hoạch ba nấu rượu và chăn lợn, phần lớn đã qua sử dụng. Những người tốt số, may mắn hoặc khôn ngoan, thường được đi Tây thì gọi loại hàng đấy là secondhand [1]; Nhưng trên thực tế, thậm chí có khi đến bậc fourthhand [2] hoặc hơn nữa cũng nên. Bởi thế, nhiều kẻ lâm vào tình trạng khát khao và say mê đồ vật đến mức gần như bệnh lý. Họ có thể ngồi hàng giờ lặng ngắm, tìm hiểu và thán phục các chức năng của một cái quạt điện hoặc im lìm say sưa ngắm ngía, thưởng thức, bình luận từng đường vân thớ gỗ trên cánh cửa một chiếc tủ ly. Họ có thể đặt trọn tâm hồn của mình và xúc động bàn luận hàng giờ về cái nước sơn dai chắc, cái nước mạ long lanh, cái tiếng nổ ga răng ty êm ái và thưa đến mức có thể đếm được của một chiếc xe máy Nhật và không ngần ngại gì mà gọi chúng là những "ngôi nhà di động". Oái oăm một nỗi, hàng tốt lại cứ hay đề các chữ Made in Japan, Made in France, Made in Italy ... Mấy cụ già lạc hậu, không còn đủ sức theo thời nữa, thì chép miệng, thở dài: "Người ghét của yêu !". Cũng nên thông cảm với người già bởi sớm muộn gì thì ai cũng phải đến cái kỳ lẩm cẩm đáng buồn ấy ! 
Năm 1983, tôi may mắn được chuyển về công tác tại thủ đô. Việc này là nhờ ở người thầy dạy tôi thời đại học, lúc bấy giờ là viện trưởng một viện nghiên cứu trong ngành. Tôi mừng lắm: Cái số mình cũng không đến nỗi nào ! Phen này thì được tiếp xúc, được thỏa thích mà ngụp lặn, mà học hỏi trực tiếp trong cái bể ánh sáng văn hoá đệ nhất xứ Việt này ! Có ai đó đã bảo: "Ai muốn trở thành người khổng lồ không thể không đến thủ đô !". Câu này quá đúng, nhưng tuyệt nhiên không phải để dành cho tôi, một thảo dân nhem nhuốc thuộc về đám đại bình dân chỉ thích vui vẻ. Trong việc này, cái sự vui vẻ, hớn hở của tôi là hoàn toàn thành thực, là sự thuận theo, là minh hoạ vụng về cho cái đạo lý "Đất lành chim đậu" của tự nhiên đó thôi.
Té ra những từ mới phần lớn đều khởi phát ở thủ đô. Điều đó có thể lý giải được bởi thủ đô luôn là nơi tụ hội của đủ các loại anh tài, quái kiệt. Nghề gì cũng có, từ cao sang cho đến thấp hèn, từ giản đơn cho tới phức tạp, và tất cả đều đạt tới trình độ thâm hậu tuyệt vời, thậm chí trên cả tuyệt vời. Những từ mới, lúc đầu được ai đó phát tác, rồi mọi người thấy đúng, thấy hay, thấy khoái rồi dùng theo mà thành thời ngôn. Sau đó, lâu dần trở thành vốn từ vựng chính thức và ổn định của xã hội. Đấy là những từ trụ lại được. Cũng có những từ không trụ lại được và chúng chỉ còn tồn tại như một dấu ấn lịch sử - hay thời sự gì đó - của một thời kỳ. Cũng có những chữ không hề mới, bị lãng quên từ lâu, bỗng lại được đem ra dùng lại, rộ cả một thời, không biết gọi là gì, tạm gọi là tái thời ngôn. Nghe nói các chính khách có tầm nhìn xuyên quốc gia, xuyên thời gian có lúc chỉ căn cứ vào mỗi cái khoản Thời ngôn cũng đã đánh giá được khá chính xác tình trạng chung của một quốc gia đang cần tìm hiểu.
Những lúc rỗi rãi, ngồi buồn, điểm lại một số từ "thời trang", thời sự chợt nhớ ra cũng thấy thú ra phết. Gì nhỉ ...
"À ơi mãi, vào vấn đề đi !" - Đấy là cách người ta bảo: Đừng làm rối vấn đề lên, đừng có loanh quanh, rào trước đón sau phiền phức, đây biết rồi, cứ huỵch toẹt ra, đằng ấy muốn gì?
"Nói cho nhanh ..." - Đấy là lối nói, là tâm trạng của những người đã phát ngấy lên tận cổ cái lối nói dai, nói dài, nói mãi một điều không có gì mới của một bà nội trợ hồi trẻ đã trót dại bỏ học sớm. ý họ là "Tao chán lắm rồi, đừng dài dòng văn tự nữa. Việc là thế này ... , đồng ý hay không thì bảo. Tao không có nhiều thì giờ; thì giờ của tao còn phải dành để làm việc, cho vui chơi giải trí !
"Thằng ấy vào cạ rồi ..." -  Cạ là một từ chuyên môn trong lĩnh vực đánh chắn, đánh "Tá lả".  Ấy là lối nói khi thói cờ bạc đang có xu hướng phổ cập trở lại trong xã hội. Người ta muốn thông báo cho nhau biết rằng có một người quen chung đã nhập được vào một đường dây, một bè đảng kiếm lợi bất minh trong hệ thống tổ chức hoặc kinh doanh của nhà nước.
Vào cầu ... - Là một từ chỉ một người nào đó đã khai thông có hiệu quả một cách làm ăn. Từ này xuất hiện trong những năm của thập kỷ tám mươi, khi hàng hoá, vật tư dùng trong sản xuất đặc biệt khan hiếm, khi thương mại tư nhân chưa được thừa nhận chính thức và vì thế chụp giật là một phương thức làm ăn có nhiều khả năng sinh lợi cao.
"Có mầu mè gì không ?" - Là cái cách người ta muốn hỏi xem việc này có đem lại cái lợi vật chất nào không.
"Phải đếm đấy !" - Một thông báo cho biết rằng việc này phải lo lót mới xong.
Khen đểu - Là cách gọi mới một mô tip giao tiếp trong quan trường phong kiến, dùng lời khen để chê bai, hạ thấp phẩm giá và tài năng của cái kẻ mà mình không ưa. Đây là một kiểu cách của những kẻ có thể có học nhưng văn hoá lại ... lùn.
Xin đểu - Một gã nghiện rượu, đang lên cơn nhưng lại không có tiền, tay cầm một viên gạch, chặn một người tử tế lại trong một ngõ vắng, chìa viên gạch ra và nói: Mua đi, có năm mươi ngàn thôi ! Sau đó người đời bèn dùng " Điển tân" này mà gán cho những gã được nhà nước giao giải quyết một loại việc công nào đó, nhất định cứ tạo ra cái sự nhùng nhằng chậm trễ, nhùng nhằng chậm trễ cho đến bằng ra cái "bì thơ" thì mới thôi.
 Múc hoặc xúc - Những động từ chỉ hành vi vặt lén hoặc cả gan công khai xâu xé "chùm khế ngọt" của những gã luôn mồm "nặng lòng vì Quê hương".
 "Sao mày ăn dày thế ?!" - Là lời trách cứ vì bạn làm ăn đã ăn chia không công bằng (!). Về sau, người ta nói dày thành giày và thế là lập tức nó có một cách diễn đạt mới "Ăn cả tất !"
"Đồ ăn chặn !"  - Là câu mắng kẻ này cướp công, hớt hết lãi hoặc tiền "nhuận khẩu" của kẻ khác trong một vụ "làm ăn" chung.
"Vợ tao ấy à ? Trả về địa phương rồi !" - Những cán bộ công nhân viên chức kém đạo đức trong biên chế nhà nước thường bị kỷ luật, buộc thôi việc và trả về địa phương. Câu trả lời này hàm ý: Tao bỏ vợ rồi !
Tinh vi - Là một từ cũ, ổn định từ lâu trong kho từ vựng tiếng Việt. Ngày nay được dùng như một tính từ để chỉ hạng người đầu óc lúc nào cũng chứa đầy mẹo vặt, cũng luôn thích bày đặt ra những việc rối rắm tồi tệ để gây nhiễu và cầu lợi, nhưng lại không lừa được ai. Cũng có lúc nó giống như từ "Tinh tướng". Và khi nền văn minh Computer ùa vào nước ta, chữ Vi tính cũng được dùng với nghĩa tương tự
Cũng có một số từ bị biến thái, không còn chút nào cái nghĩa khởi thuỷ của nó. Tỷ như tính từ  "Hâm". Trước kia, người ta chỉ dùng chữ này để chỉ những người thần kinh có vấn đề hoặc để trêu chọc, đùa vui với nhau. Vì chuyện này, cũng có khối người tự ái, tức giận đến mất cả bạn. Đến thời kỹ thuật phát triển, chữ này thỉnh thoảng còn được diễn đạt là chập cheng, chập mạch hoặc ẩm IC. Vào những năm đầu của thiên niên kỷ, mấy quý vị có cương vị trong hệ thống công quyền hoặc hệ thống kinh doanh của nhà nước mà cứ "mần thinh", cứ cắm cổ mà làm việc, mặc cho vợ con sống khổ sống sở trong những căn nhà cấp bốn thấp tè, khuôn mặt không mấy khi được tròn trịa bởi luôn thiếu tiền tiêu thì liền bị gọi là dở hơi, là ngu, là hãm, là hâm (có kèm theo nhiều dấu chấm than được viết hoa). Vậy mà có một số gã, điên không ra điên, khùng cũng chả ra khùng, đã không biết ngượng lại còn nhâng nháo tuyên bố: Thời buổi này ai được gọi là hâm thì mới là vinh dự ! Đúng là cái đồ chết tiệt, còn lâu mới khá được ! ấy vậy, mà không chừng, cái đám dân chúng điên khùng bất tử, không biết đâu mà lần ấy lại hùa theo, rồi đua nhau dùng cái chữ hâm đó như một tính từ ngợi ca bay bổng, đưa nó lên tầm Thời ngôn sáng chói cũng nên.
Về công tác ở thủ đô được hơn bốn năm thì tôi lên 36 tuổi và lấy vợ. Chuyện lấy vợ của tôi cũng chỉ giản dị như một gã trai 25 tuổi lấy vợ thôi, chứ tuyệt nhiên không phải vì lời cảnh báo của những người thân: "Lấy vợ đi, bắt đầu hâm rồi đấy !". Tôi sợ gì hâm chứ ! kể cả lúc ý, những kẻ nhâng nháo nói trên chưa hề xuất hiện !
Bố vợ tôi là một quân nhân chuyên nghiệp, đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và nếm đủ mùi gian khổ, bom đạn và lao tù. Hồi mới làm rể, vào những dịp tết Nguyên Đán, tôi thấy cụ thường vào doanh trại uống rượu giao thừa với những quân nhân phải ở lại trực cơ quan. Những người này thường quê ở rất xa thủ đô, nghỉ tết có mấy ngày, không về được. "ồ, công tác chính trị mà !" - tôi nghĩ vậy. Cho đến một hôm, vợ tôi trách cụ: " Cả năm mới có một giao thừa mà chưa có giao thừa nào bố ở nhà với chúng con !". Cụ cười kiểu mắc lỗi: "Từ thời còn trẻ, bố phải xa nhà nhiều; Những lúc năm hết tết đến thế này, thấy buồn và nhớ gia đình đến thắt cả bụng. Các chú ấy ở trong doanh trại bây giờ cũng ở trong tâm trạng như bố ngày ấy. Vào với anh em một tý, bố cũng chỉ muốn xẻ chia, được tý nào hay tí ấy; có cả mấy cậu tuổi mới bằng anh con, trông tội lắm !". Từ đấy, cái nhìn của tôi về cụ khác hẳn. Một lần, khi đã về hưu, vào dịp cuối năm, cụ bảo tôi đưa cụ về nghĩa trang ở quê trong Mọc Hạ Đình để viếng mộ. Lúc về, thấy tôi còn đang tần ngần nhìn vào nghĩa trang, cụ mới hỏi:
- Con nghĩ gì thế ?
- Bố có biết hết những người nằm ở đây không ?
- Không hết, nhưng cũng nhiều. Có điều gì không ?
- Bố ạ, những người nằm đây, bây giờ mà đứng cả dậy thì có dễ thành một rừng người ! Những người này cũng gồm đủ loại: Cao thượng, thấp hèn; tốt đẹp, xấu xa; hạnh phúc, bất hạnh; độ lượng, đố kỵ; oán thù, ân nghĩa; đấu đá, nhường nhịn; khôn ngoan, ngu dại; độc ác, hiền lành ... sau một hồi cựa quậy, loay hoay, ngơ ngác ... rồi lần lượt ra đây, mỗi người làm vài mét vuông, rồi nằm im thin thít ... bố con mình cũng không phải ngoại lệ. Nghĩ cũng buồn cười thật !
- Ôi trời ! Cái anh này, tuổi còn trẻ mà yếm thế ! - Cụ già nhìn tôi, diễu cợt.
            Sau đó một thời gian, cụ nhờ tôi mua một cái bàn thờ. Khi bàn thờ đưa về nhà, cụ lại hỏi: "Con có quen ai viết được chữ Nho không ? Nhờ người ta viết giúp cho chữ Tâm. Kích thước thế này ... thế này ...". Khi tôi đem chữ về, cụ lấy ra một cái khung kính đã chuẩn bị sẵn từ bao giờ, cẩn thận lồng chữ vào rồi treo lên giữa bàn thờ, vị trí trân trọng nhất. Vậy là cụ thờ chữ Tâm !
            Tôi, một gã tân học trăm phần trăm, không hề có một chút kiến thức gì về Nho học, chỉ lờ mờ hiểu một cách cảm tính rằng Tâm là cái phần tốt đẹp nhất trong phần hồn con người ta. Chuyện chỉ có thế, không có gì đáng nói, và tôi cũng nhanh chóng quên đi như bao chuyện bình thường khác. Cho đến một hôm tôi chợt phát hiện ra rằng độ này người ta hay nói đến chữ Tâm lắm, đặc biệt nhiều ở những người cao tuổi. Rồi, sau đó, tôi lại phát hiện thêm rằng người ta còn hay nói đến cả chữ Nhẫn nữa. Tôi cũng ang áng hiểu Nhẫn là nhẫn nại, là một đức tính tốt, vậy thôi. Tôi còn thấy các cụ, thậm chí cả những hạng trung niên, độ này cũng rủ nhau ngồi thiền nhiều lắm. Lúc này, tôi mới thấy giật mình: Tại sao thế nhỉ ?! Thói quen sưu tầm thời ngôn mách bảo tôi: không chừng, đây lại là loạt Tái thời ngôn cũng nên. Vậy thì phải tìm hiểu xem nó ra sao.
            Tôi bèn tìm đến cụ già - người bạn vong niên kiến thức sâu rộng, đức cao vọng trọng, đã cho tôi chữ Tâm - để hỏi. Cụ nói: "Tâm là quả tim, cũng là cái thần minh trong con người ta". Rồi cụ cầm bút lên viết ra giấy cho tôi xem. "còn chữ Nhẫn - cụ nói tiếp - gồm có chữ tâm ở dưới và bộ đao ở trên tỳ xuống mà thành. Đao kiếm sắc nhọn, dùng để đâm chém, mà đã tỳ sát vào quả tim ... thì biết rồi đấy, chỉ còn cách im và lặng ... im và lặng ... thế thôi !" - Cụ nhìn tôi thăm dò, dường như muốn biết là tôi có hiểu hay không, rồi lại giảng tiếp - "Nhẫn là một năng lực, một số người may mắn được trời phú bẩm, tự nhiên mà có; số còn lại phải rèn luyện thì mới nên. Còn cái Tâm nói đây là cái lương tâm của người ta. Có lương tâm thì mới biết điều nhân điều nghĩa, lẽ phải lẽ trái. Có lương tâm là có lương năng và lương tri; tức là cái giỏi, cái biết rất tự nhiên, rất mẫn tiệp. Hãy xem như đứa trẻ con ẵm trên tay, không đứa nào là không biết yêu cha mẹ nó. Đến lúc lớn lên, không đứa nào là không biết kính anh nó.Thân yêu cha mẹ là nhân, kính trọng kẻ huynh trưởng là nghĩa. Khắp trong thiên hạ đâu đâu cũng thế. Vậy nhân nghĩa là vốn có sẵn trong lương tâm người ta. Chỉ vì ta đắm đuối vào vật dục, cho nên cái lương tâm mới mờ tối đi, thành thử ta bỏ mất nhân nghĩa. Bởi thế, người quân tử lấy sự giữ cái tâm hồn nhiên thuần hậu như cái tâm của đứa trẻ con làm quý ! " [3]
            Như vậy, thời nào cũng rất cần có Tâm. Điều đó khỏi phải bàn nữa. Duy có Nhẫn, nói thế thì ... cũng đúng thôi. Nhưng tôi cứ thấy thế nào ấy, cách giải thích hình như chưa được thoả đáng, chưa được sáng tỏ cho lắm ... Nhưng chưa thoả đáng, chưa sáng tỏ như thế nào thì tôi lại không phát biểu ra được. Chỉ láng máng rằng, thời Pháp thuộc, nếu dân ta mà đề cao chữ Nhẫn thì chắc, đến bây giờ, mấy quý ông "Phăng xe" vẫn còn ngồi ngất ngưởng trong cái Phủ toàn quyền giữa mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến này !
Mà dù có phát biểu ra được thì tôi cũng quyết không dám; Bởi tôi sợ cụ già đáng kính của tôi phật ý. Mà người già, thì biết rồi đấy, thường kiên định lắm ! Khi ấy cụ sẽ không thèm nhìn mặt tôi nữa; Cụ sẽ từ tôi: "Có tôi thì không có anh !". Ôi, thế thì khốc liệt quá ! Tôi vốn thuộc típ người uỷ mị, điều đó thật quá sức. Vậy nhẫn là hơn !
 
Tháng 5 năm 2005



Tác giả: Nghiêm Lương Thành
Đánh máy: Thiện Văn
Nguồn: Nhà xuất bản HNV

[1] Sang tay người sử dụng thứ hai
[2] Sang tay người sử dụng thứ tư.
[3] Nho giáo. Phần Mạnh Tử - Trần Trọng Kim
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9