Khám phá Tây Tạng Huyền Bí !
thanhlien 21.07.2007 12:06:15 (permalink)
Với độ cao trung bình vào khoảng 4900 mét, Tây Tạng được gọi là “Nóc nhà của thế giới”, phiên âm từ tiếng Hoa “Xizang” (phiên âm quốc tế là Tibet) được biết đến như một vương quốc huyền bí của Phật Giáo và là một cao nguyên cao nhất thế giới thuộc dãy Hy Mã Lạp Sơn. Tây Tạng còn được biết đến với tên gọi “đất nước của núi tuyết”. Đây là khu tự trị của Trung Quốc được thành lập từ năm 1965.

Du khách sẽ có dịp ngắm cảnh thiên nhiên độc đáo của Tây Tạng với những ngọn núi quanh năm tuyết phủ trắng, những làn mây quyện sương tạo nên một khung cảnh mờ ảo, mà ẩn mình trong đó là những ngôi chùa, tu viện nổi tiếng như chùa Đại Chiêu, một di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, chùa Tashilumpo, nơi ở của các vị Đạt Lai Lạt Ma…Tất cả đều là những điểm hành hương thiêng liên của các tín đồ Phật giáo. Đặc biệt nhất là cung điện Potala hay còn gọi là “cung điện mùa đông” của Đạt Lai Lạt Ma, một di sản văn hóa được cả thế giới trân trọng và mong muốn được chiêm ngưỡng tận mắt.

Mùa xuân và hè là thời gian thích hợp nhất cho việc tham quan miền đất này bởi mùa đông nhiệt độ có thể xuống âm vài chục độ là chuyện bình thường. Tuỳ kiểu đi và có thể thu xếp thời gian hay không mà bạn có thể chọn thời điểm trong năm cho thích hợp. Nếu đi vào mùa lễ hội, sẽ có khả năng được xem các hoạt động này, tuy nhiên nếu muốn vào thăm các danh thắng thì quả là cực hình, bởi mùa lễ hội khách đông khủng khiếp. Có người đã phải xếp hàng mua vé và chờ 2-3 ngày mới vào được cung điện Potala. Còn nếu muốn hưởng không khí lặng lẽ, thanh tịnh của đất Tạng, không gì bằng đi trái mùa ( tháng 11 trở đi đến tháng 3), giá cả cũng rẻ hơn bởi ít khách, nhưng đôi khi một số tuyến xe bus từ Lhasa đến các vùng phụ cận sẽ không có như mùa cao điểm, cũng bởi ít khách quá, thời tiết lại khá lạnh, cảnh vật lại khô cằn, khắc nghiệt.

Lhasa - thủ phủ Tây Tạng - là nơi cao nhất thế giới với những ngọn băng sơn sừng sững, độ cao trung bình từ 4000 mét trở lên so với mặt nước biển trong đó diện tích cao trên 4500 mét chiếm 65%, được ví là “nóc nhà thế giới” hay “cực thứ ba của Trái Đất”.

Tương truyền công chúa Văn Thành thời nhà Đường của Trung Quốc trong thời gian làm dâu xứ Tây Tạng đã ném chiếc nhẫn mình hay đeo và cho những con dê đổ đất vào hồ nước bị ma nữ ám để khắc chế yêu tinh. Theo tiếng Tây Tạng, dê là “ra” (linh vật của thần hộ pháp Dancen), đất là “sa”. Từ đó chốn này mang tên là Rasa, dần dần biến thành Lhasa, tên gọi ngày nay, được mệnh danh là “thánh địa nhà Phật” bởi đâu đâu cũng có chùa chiền cổ kính.

* POTALA – BIỂU TƯỢNG CỦA LHASA:

Biểu tượng của thành phố Lhasa là cung điện Potala (phiên âm theo tiếng Sankrit chữ “Phổ đà la” nghĩa là cung điện của Bồ Tát), là nơi ở và làm việc ngày xưa của các vị Phật của người Tây Tạng: Đạt Lai Lạt Ma (DaLai Lama). Đứng ở bất kỳ phương hướng nào ngoài vài kilomet đều có thể nhìn thấy cung Potala. Nó cao đến 13 tầng lầu, giống như một vách đá lớn, tường màu trắng, với từng dãy cửa sổ và mái nhà cao thấp khác nhau. Potala được xây dựng trên núi Mabuge (Núi Đỏ), có độ cao hơn thành phố Lhasa tới 91 m.

Cung điện Potala được xây dựng vào thế kỷ thứ 7, đánh dấu cuộc hôn nhân chính trị gắn kết hai dân tộc Hán – Tạng giữa quốc vương Srongtsangampo và Văn Thành (Wei Cheng) Công chúa nhà Đường (con gái của vua Đường Thái Tông). Tuy nhiên cung điện đã bị phá hủy hầu hết vào thời Trung Cổ và cho đến thế kỷ 17 mới được Đại Lai Lạt Ma đời thứ 5 xây dựng lại. Potala chạy dọc theo đỉnh một dãy núi thấp nhìn xuống thành phố Lhasa ở hướng Nam, cũng là một bộ phận của khu đất có hướng bao hình chữ nhật nằm ở chân núi. Phần trung tâm của khu đất có 2 thành phần chính: Bạch cung ở phía Đông và Hồng cung ở phía Tây. Cả Bạch lẫn Hồng cung sau cùng là sự phát triển thiết kế tu viện Ấn Độ cổ đại. Phòng họp ở tầng 1 hình chữ nhật được bao quanh bằng những phòng nhìn vào bên trong, bên trên chồng thêm từ 2 tầng hay nhiều hơn với các phòng nhỏ khác, chứa một dải đất bằng tạo bậc phía trong, lộ thiên, làm hành lang phía trên phòng lớn. Các khoảng không gian bên trong hầu hết là nhà nguyện, phòng tu viện, căn hộ sinh hoạt của các đức Đạt Lai Lạt Ma hay am hài cốt của họ.

Vật liệu xây dựng cung điện chủ yếu là đất, đá và gỗ. Lúc đó chưa có phương tiện di chuyển, tất cả vật liệu này đều phải dùng dê và sức người chở đến. Tòa nhà lớn có hơn 1.000 gian phòng, hơn 10.000 Phật điện và 20.000 tượng điêu khắc. Đạt Lai ở trong gian phòng gần vùng nóc, ngăn cách với dân chúng. Trên mái bằng cung điện, các Đạt Ma thổi kèn dài 4 m để cầu nguyện.

Potala rất hòanh tráng về mặt của cải, di sản, lịch sử ... nhưng nay tuyệt nhiên thấy không có một tu sỹ người Tạng sống ở đó và người Tạng đi hành lễ cũng chỉ trước cửa hay vòng quanh Potala phía ngoài mà thôi, dường như các lễ nghi tôn giáo đã chuyển sang các tu viện khác. Potala nay có thể xem như cái tủ kính bày chiến lợi phẩm của người Hán trong công cuộc thôn tính Tibet trước đây bởi trước cửa cung điện Potala có một quảng trường lớn mà tại nơi này người Hán đã dựng lên một cái kỳ đài ngạo nghễ và một đài tưởng niệm hoành tráng để kỷ niệm "công cuộc giải phóng Tibet", hai công trình này giống như trông giống như là "yểm long mạch" của Potala và cả xứ Tibet vậy ...

* THIỀN VIỆN DREPUNG TRÁNG LỆ:

Thiền viện Drepung do các đệ tử của Tông Khách Ba (Tsong - Kha – Pa) - nhà cải cách tôn giáo lớn nhất trong lịch sử Tibet - xây dựng lớn bằng cả ngôi làng, lúc cao điểm có đến 10,000 tăng sỹ từ các miền đến đây để học tập. Tông Khách Ba chính là người xây dựng Phật Giáo Tây Tạng, sáng lập ra tông phái Hoàng Đạo (mũ vàng) – là tông phái của Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma ngày nay. Từ khá xa, từng đoàn người Tây Tạng hành hương áo quần lam lũ, mang theo áo quần đồ đạc, dắt theo cả gia đình vợ con. Đi vài bước họ lại chắp tay khỏi đầu, trán, cằm, ngực vái lạy rồi rạp sát mặt đất rất thành kính. Đây là phương thức cầu nguyện rất phổ biến của người Tây Tạng: phương thức “ngũ thể đầu địa” (hai tay, hai chân và trán phải chạm đất). Hình ảnh này nhắc người ta nhớ đến vị thánh tăng Hư Vân (1840-1959) mà theo sách sử cho biết ngài đã thực hiện chuyến hành trình tam bộ nhất bái (ba bước một lạy) từ Phổ Đà sơn về Ngũ Đài sơn với đường dài trên 2.500km. Tôn giáo là nền tảng cơ bản để người Tây Tạng tồn tại. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi bạn thấy rất nhiều ông bà già Tây Tạng da nhăn nheo, chống gậy lụm cụm leo lên từng bậc thang, lần xuống từng góc chùa để được đảnh lễ, được xoay các pháp luân chung.

* UỐNG TRÀ BƠ Ở TÂY TẠNG:

Bạn sẽ dễ dàng tìm thấy một quán trà bơ của người Tây Tạng, quán nhỏ nhưng đông nên khách ngồi tràn ra ngoài đường. Vào buổi sáng trời lạnh ngắt, uống tách trà bơ làm từ sữa bò yak với mùi hơi ngấy những cái hậu ngọt, mùi thơm rất nhẹ nhàng tự nhiên thấy người mình ấm áp hẳn. Chỉ cần 1 NDT (1 nhân dân tệ gần bằng 2000 VND) là bạn có thể uống thoải mái, mỗi bàn để sẵn một bình trà bơ nóng, uống hết thì chủ quán lại châm tiếp bình khác cho khách.

Hành trình còn đưa du khách vượt qua những địa hình đặc trưng của cao nguyên Tây Tạng như đèo Gangbala cao 4800 mét so với mặt nước biển và Đại cầu Khúc Thủy, một trong ba cây cầu nổi tiếng bắc qua sông Yarlung Tsangpo. Bạn sẽ được ghé Đền Jokhang, nằm giữa khu buôn bán sầm uất Barkhor có bức tượng "Jowo Đức Hạnh Cao Quý" tức Phật Thích Ca Mâu Ni khi mới 12 tuổi, bức tượng này do Văn Thành Công Chúa nhà Đường đem sang nhà chồng tại Tây Tạng mở đường cho Phật Giáo du nhập tại đây.

Và nếu có thêm thời gian, du khách đừng quên ghé thăm Tu viện Palcho ở thung lũng Gyantse, bên trong tháp có hơn 100,000 bức tranh Phật giáo, thả bộ ngắm mặt nước Dương Hồ (Yanmdrok Lake) xanh lam trong vắt hòa lẫn với màu trời, một trong bốn nơi thiêng liêng mà người Tây Tạng xem là nơi trú ẩn của các vị thần (các hồ còn lại là Lhamo Latso, Namtso và Manasarovar) hay thăm chùa Tashilumpo, ngôi chùa có giá trị lịch sử lớn thứ hai của phái Gelug, nơi ngụ của Ban Thiền Lạt Ma.

Khung cảnh tuyệt đẹp cùng không khí trong lành ở Tây Tạng sẽ giúp tẩy sạch mọi ưu phiền và đem lại sự thanh tịnh, an nhàn trong tâm trí mỗi người khách khi đến đây.
 
Theo (phanquocvinh/blog/tay-tang-huyen-thoai)


[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/36975/A7A7972A8A4742EEB7773F23D616961A.jpg[/image]
Attached Image(s)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9