Khoa bảng, trí thức và nhân tài đất Việt
silverbullet 29.07.2007 06:41:18 (permalink)
Khoa bảng, trí thức và nhân tài đất Việt

... đây là thời điểm thuận tiện nhất để nhà nước nghĩ đến một chiến lược dài hạn hơn nữa trong việc giáo dục và đào tạo nhân tài cho Việt Nam. Đó là không phải chỉ để tự hài lòng với việc xây dựng được trường đại học đẳng cấp quốc tế, hay tìm ra phương án tối ưu để đào tạo cho được 20.000 tiến sĩ vào năm 2020! Nhưng quan trọng và ưu tiên hơn tất cả, chính là nhà nước cần phải nghĩ đến một chiến lược giáo dục tích cực hơn cho cả triệu em bé sắp sửa chào đời, nhằm tạo ra được một lực lượng thế hệ trẻ có đầy đủ các phẩm chất cần thiết, với hy vọng sẽ trở thành những nhân tài lỗi lạc cho Việt Nam trong tương lai...

Nguyễn Cường

Năm vừa qua trong nước bỗng nhiên xuất hiện khá nhiều những buổi hội thảo thuyết trình nói về việc sử dụng chất xám, giáo dục và đào tạo. Thêm vào đó là hàng loạt các bài viết có chủ đề nói nhiều về trí thức người Việt. Nhìn chung, thật là một sự kiện đáng chú ý và tin tưởng rằng, lãnh đạo Việt Nam cũng đã nhìn thấy rõ được con đường duy nhất để làm cho dân giầu nước mạnh, với hy vọng trong tương lai đất nước Việt Nam sẽ trở thành một trong những con Hổ của châu Á.

Trong khi đó thì hơn 30 năm qua ở hải ngoại, không thiếu gì những bài viết nhằm vào chuyện trăm dâu đổ đầu tằm, phê phán chỉ trích, quy tất cả những tai họa xảy đến cho dân Việt trong hơn thế kỷ qua, vào hai thành phần được ngầm hiểu là ưu tú nhất của xã hội, khoa bảng và trí thức. Điển hình là mới đây, đã có những loạt bài và những tranh luận gay gắt, phê bình rất tiêu cực về giới trí thức người Việt. Dù không hẳn là hoàn toàn sai, nhưng hình như có một sự hiểu nhầm không thể bỏ qua được, nếu không muốn nói là “sai một ly, đi một dặm.”

Thật sự là đa số người Việt đã hiểu nhầm hơn suốt một thế kỷ qua, kể từ khi chữ quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của cả nước, về bản chất của ba thành phần trong ngôn ngữ Việt: khoa bảng, trí thức và nhân tài. Đáng ngạc nhiên và bức xúc ở đây, không phải là đa số không biết rõ sự khác biệt chi tiết về ý nghĩa của ba từ ngữ nói trên, nhưng đa số đều chỉ muốn đơn giản hóa vấn đề bằng cách nhập chung ba thành phần trên vào thành một, cho tiện việc ăn nói và nhất là cho đỡ mất thì giờ (!?)

Kết quả cho thấy là ngay đến bây giờ sau gần một thế kỷ dùng những từ nói trên, đại đa số dân Việt vẫn còn lúng túng chuyện chữ và nghĩa. Thí dụ cụ thể như theo từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn Ngữ Học định nghĩa: “Trí thức là người chuyên làm việc về lao động trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình”. Nếu chịu tìm hiểu những định nghĩa trên, chúng ta có lý do để nói rằng định nghĩa trên không đạt hết ý nghĩa, dễ bị hiểu nhầm, và nhất là cần phải được điều chỉnh lại cho rõ hơn.

Thật ra không phải chỉ có người viết có nhận định như trên. Trong vài tuần liên tiếp mới đây, đã có một loạt bài viết về chủ đề “Trí Thức” được mạng VNNet trong nước tổ chức, trong đó các tác giả cũng có cùng một nhận định tương tự, là không đồng thuận với định nghĩa về trí thức của viện Ngôn Ngữ. Rõ rệt nhất để minh chứng là có rất nhiều người làm việc “lao động trí óc và có tri thức chuyên môn” như: giáo viên, nhân viên thuế vụ, thư ký kế toán, thông dịch viên, ngân hàng, chiêm tinh gia v.v, mà đâu phải tất cả đều được coi như là trí thức hết! Ngược lại, những người có chuyên môn nhiều về lao động chân tay như nha sĩ, bác sĩ giải phẫu và chỉnh hình, kỹ sư cơ khí v.v, thì có ai dám nghĩ không phải là trí thức!? Hậu quả tai hại do từ sự hiểu nhầm nói trên đã cho xuất hiện hàng loạt những hiện tượng gọi nôm na là “Râu ông này lại cắm cằm bà kia!” Kết quả vô tình là chúng ta đã cho ra đời một xã hội kém hiệu quả, nhất là ở việc giáo dục và đào tạo. Chỉ nói đến riêng về sự hiểu nhầm thôi, thì cũng đã đưa đến những câu chuyện rất đáng buồn cười. Thí dụ như trong vài năm qua, có một số tỉnh thành đã cố gắng “chiêu hiền đãi sĩ” bằng cách ra giá đàng hoàng, là sẽ tặng một số tiền thưởng “đầu quân” cho những ai có bằng cấp tốt nghiệp sau đại học như thạc sĩ hay tiến sĩ, nếu chịu về làm việc tại tỉnh nhà!

Nhưng sự kiện trên cũng chưa bức xúc bằng chuyện cựu Thủ tướng VN đã ngỏ lời yêu cầu Mỹ giúp xây dựng cho Việt Nam một “Trường Đại Học đẳng cấp quốc tế”! Bức xúc ở đây chính là điều khó có thể thực hiện được, ít ra là trong thời điểm hiện tại này. Muốn có một trường đại học đẳng cấp quốc tế, thì điều căn bản đòi hỏi đầu tiên là cần phải có ban giảng huấn trình độ quốc tế. Nghĩa là ngoài trình độ hiểu biết chuyên môn, ban giảng huấn phải có thu nhập khá cao, nhất là tinh thần độc lập trong công việc nghiên cứu và giảng dạy. Nhưng cũng chưa đủ! Quan trọng nhất là ở đầu vào, cần phải có sinh viên đạt chuẩn trình độ quốc tế. Những sinh viên không phải chỉ có kiến thức đầy đủ, mà còn phải được chuẩn bị ngay từ thời còn ở bậc trung tiểu học. Phải có những sinh viên có thói quen tự nghiên cứu học hỏi, biết cách tranh luận với nhau trong lớp học, không ngần ngại nói lên những ý tưởng khác biệt của mình với giảng viên hay giáo sư v.v, như những sinh viên có cùng một trình độ ở khắp nơi trên thế giới. Sau hết là khi đã có hai yếu tố thầy và trò rồi, thì cũng chỉ mới thỏa mãn có điều kiện cần, vẫn còn chưa đủ! Muốn có hết tất cả các điều kiện cần và đủ, thì lại phải có một xã hội hay môi trường văn hóa đạt chuẩn quốc tế bao bọc xung quanh để duy trì mức sinh hoạt tối thiểu và hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần cho đời sống của sinh viên và ban giảng huấn. Do đó, cơ cấu tổ chức đầy đủ của một trường Đại học có đẳng cấp quốc tế thường rộng lớn như một thành phố thu gọn lại (University có từ nghĩa nguyên thủy là Universal City) Nếu không hội đủ các điều kiện nói trên thì kết luận chung là không ai có thể giúp để lập nên được một trường Đại Học đẳng cấp quốc tế thành công tại VN, trong môi trường chưa đạt chuẩn quốc tế.

Lần lượt sau đây người Viết sẽ phân tách chi tiết ba thành phần khoa bảng, trí thức và nhân tài nói trên, với hy vọng sẽ mang lại cho đọc giả một cái nhìn rõ hơn về bản chất của những thành phần ưu tú nhất trong xã hội VN. Nhưng trước hết, tưởng cũng nên nhắc lại là bài viết này chỉ có ý định duy nhất là phân tích ý nghĩa của từ ngữ theo như cách hiểu của người Việt, qua ngôn ngữ hay văn hóa Việt mà thôi. Trước hết xin bắt đầu bằng giới khoa bảng.

Khoa bảng

Trong ba thành phần nêu trên đầu bài viết này, có lẽ giới khoa bảng là dễ định nghĩa và hiểu hơn hết. Dù ai ít học nhưng nghe nói đến ông cử nhân, luật sư hay bác sĩ , thì cũng đều hiểu và biết ngay vị trí của người được giới thiệu trong xã hội. Khoa bảng đúng theo nghĩa đen là “Có Tên Trên Bảng Vàng”. Thời nho học ngày xưa, một thí sinh thi đậu thường được đề tên trên “Bảng” niêm yết có ghi rõ là “Khoa” thi năm nào. Như vậy thì rõ ràng là không có một sự khác biệt nào hết từ xưa đến nay. Những ai thi đậu hay ra trường tốt nghiệp từ cấp cao đẳng hay đại học trở lên, thì có thể được coi như là thuộc về giới “Khoa Bảng”. (Cũng xin ghi chú riêng ở đây là người Mỹ lại không có ngôn từ riêng để nói về giới khoa bảng. Họ chỉ nói chung với nghĩa rất rộng là thành phần được giáo dục tốt, hay gọi là well-educated Class). Nhưng thật sự để gia nhập giới khoa bảng có khó lắm không? Câu trả lời sẽ là không và sẽ được giải thích sau đây.

Điều đáng ngạc nhiên mà ít người chú ý là, để gia nhập được giới khoa bảng hay tốt nghiệp đại học, một người chỉ cần có “trí nhớ” tốt trung bình là đủ, theo đúng như tiêu chuẩn hiện nay. Thật vậy, tất cả chỉ tùy thuộc vào trí nhớ! Nếu thời Nho học xưa, các nhà khoa bảng chỉ việc học thuộc lòng, hiểu nghĩa lý và nhớ các bài văn thơ trong Tứ thư Ngũ kinh là đủ, thì ngày nay đối với nền tân học cũng chẳng khác gì mấy. Những ngành học về Y-Nha-Dược nhất là Luật, chỉ cần sinh viên có một trí nhớ tốt để nhớ hết tất cả các trường hợp có thể dùng cho giải quyết các vấn đề pháp luật cho thân chủ. Ngay các môn học về kỹ thuật hay toán, thường cũng chỉ thuộc lòng một số công thức căn bản, hiểu nguyên lý áp dụng và nhất là “ghi nhớ” các phương pháp để tìm cách giải bài toán là đủ. Chẳng có gì để gọi là thông minh lắm như đa số lầm tưởng. Ngay cả khi nói đến thực chất của sự thông minh, đúng hơn cũng chỉ là một biến dạng từ trí nhớ tốt mà ra thôi! Nên biết là, sở dĩ ở VN có rất ít bác sĩ kỹ sư là vì nhà nước không có đủ khả năng tài chánh và nhân sự để đào tạo nhiều hơn, nên con số sinh viên được tuyển ở đầu vào bị hạn chế đi rất nhiều. Nhưng ai có thể có được một “trí nhớ” tốt trung bình? Câu trả lời là đa số nhân loại sống trên trái đất này kể cả dân Việt mình nói riêng! Cụ thể minh chứng là con số hơn 1.5 triệu người Việt sống ở Mỹ. Trong số đó phải gần một nửa còn trong tuổi đi học và chưa đi học (dưới 25), còn lại khoảng chừng 800 ngàn người lớn. Trong số 800 ngàn đó cũng có hơn một nửa là những người không muốn đi học, gồm các thành phần như người già cả hay bận đi làm vì sinh kế, nhất là phần đông phụ nữ theo truyền thống Á đông, thường muốn ở nhà để giữ con và làm nội trợ. Vậy thì nếu tính ra cho thấy phù hợp với con số còn lại, là có khoảng chừng 300 ngàn (18% của số hơn 1.5 triệu) chuyên viên người Việt ở hải ngoại có trình độ đại học!

Vậy thì người Việt ở hải ngoại có khác gì người Việt ở trong nước không? Nếu tính đúng theo tỷ lệ thì cả nước VN phải có khoảng trên 15 triệu khoa bảng (Trong khi theo thống kê, nước Mỹ có khoảng 50 triệu hay chừng 17% dân số tốt nghiệp đại học! Vẫn ít hơn con số 18% của người gốc Việt) Thực tế cho thấy là VN chỉ có khoảng gần một triệu rưỡi dân số có trình độ Đại học hay Cao đẳng. Một con số quá ít! Tại sao? Câu trả lời cơ bản là mặc dù người Việt ở nước ngoài hay ở trong nước không khác nhau mấy về mức độ thông minh hay trí nhớ, nhưng có một sự khác biệt lớn do chính vì môi trường xã hội, và dĩ nhiên là do sự sai biệt trong mức sống kinh tế mà ra.

Xã hội nghèo thì ít trường học nên con số thu nhận sinh viên phải bị giới hạn, kết quả là đa số đã không có cơ hội để được đi học. Những gia đình nghèo với cái ăn cái mặc còn lo chưa xong, thì nói gì đến chuyện đi học. Mặt khác, nếu những đứa trẻ từ lúc mới sinh ra cho đến tuổi đi học mà ăn uống thiếu chất dinh dưỡng cần thiết, hay thường xuyên bị đói và thiếu ăn, thì chắc chắn não bộ sẽ bị mất đi rất nhiều hai khả năng cho sự học là “tập trung tinh thần” và “khả năng tư duy”. Kết quả là mặc dù dân Việt có hiếu học, nhưng lại không được đi học. Hoặc giả nếu có cố gắng đi học thì một số không ít rồi cũng sẽ thất bại, không học được vì trí nhớ bị trở ngại, do hậu quả của việc ăn uống thiếu dinh dưỡng, đưa đến kết quả là đầu óc không thể tập trung được để tư duy! Chưa nói đến nhiều thanh thiếu niên phải phụ lo cho công việc sinh kế của gia đình, nên đành phải dở dang, gián đoạn việc học.

Nói vậy để cho thấy phần đông giới khoa bảng VN trong mấy trăm năm qua thật sự chẳng có tài cán đặc biệt gì hơn người cả, trừ một chút may mắn có một trí nhớ khá tốt, được sinh ra trong những gia đình khá giả có đủ ăn đủ mặc và được đi học! Gần tám trăm năm lịch sử của Đại Việt chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa, và gần một trăm năm theo văn minh Âu châu của cả nước, Việt Nam chỉ mới có khả năng đào tạo ra được một số những nhà khoa bảng! Và, trong số hàng trăm tên tuổi của các nhà khoa bảng VN có tên khắc trên những con rùa đặt trong Văn Miếu, thì chỉ có một số rất ít xứng đáng được gọi là “Kẻ sĩ “, tương đương với danh xưng là “Trí Thức” thời nay.

Trí thức

Nếu ngày nay dân Việt và các dân tộc chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, không ngần ngại gì khi xài từ “trí thức” một cách phổ biến và rộng rãi, thì cũng nên nghĩ đến người Nhật đã có công sáng tạo ra nó, khi phong trào canh tân đất nước bắt họ phải dịch ra nhiều thứ sách vở tài liệu của Tây Phương. Tuy nhiên, điều đáng nói là khi người Nhật dịch chữ “intellectual” ra “trí thức”, họ đã không chịu dịch sát nghĩa với từ gốc, mà lại diễn dịch theo như cách của họ hiểu! Vô tình hay cố ý, tuy không đúng và bị sai lệch từ gốc, nhưng lại cho ra một từ mới vừa dễ hiểu mà lại khá chính xác, để nói một trạng thái đặc biệt trong đời sống tinh thần của con người: “Trí tuệ thường luôn luôn trong trạng thái thức tỉnh và làm việc”! Trong ngôn ngữ tiếng Việt từ “thức” ở đây nói về trạng thái đang hoạt động của trí óc, đóng vai trò hiểu ngầm như một “Trạng từ” (Adverb) và ở thể động, hơn là một danh từ ở thể tỉnh như nhiều người thường vẫn hiểu nhầm! Thí dụ những từ khác như Tâm thức, Ý thức, Tiềm thức, v.v. đều ám chỉ trạng thái đang làm việc của một số các chức năng đặc biệt trong não bộ của con người, dù người đó có biết hay không biết, hoặc đang ở trong trạng thái tỉnh hay mê.

Người Việt mình còn đi xa hơn để sáng chế (nghĩ ) ra một từ ngữ khác phản nghĩa, vừa châm biếm, nhưng cũng rất đúng cho những ai không muốn làm “trí thức” là “trí ngủ”. Chính nhờ có sự nói chơi tương phản như trên mà ý nghĩa của từ trí thức lại hiện ra một cách rõ ràng như là phản ánh lại nghĩa đen của nó!. Dĩ nhiên từ “Thức” ở đây có một ý nghĩa rất trừu tượng, để nói về một trạng thái linh động thuộc về tinh thần nhiều hơn. Một cách tổng quát, từ Trí thức dùng để nói tới những người mà đầu óc của họ thường xuyên làm việc. Hay nói cách khác, người trí thức luôn tư duy nhiều về một vấn đề nào đó, nhiều hơn là mức cần thiết và đòi hỏi của những nhu cầu tư duy tối thiểu cho công việc làm ăn và sinh sống.

Cụ thể nếu như những chuyên gia về khoa học và kỹ thuật, sau giờ làm việc chỉ lo cho vợ con nhà cửa và thư giãn, hoặc tìm đến những thú vui tiêu khiển cùng bạn bè cho khỏi “mệt óc”, nhất là không có một tư duy sáng tạo hay bất cứ sinh hoạt tinh thần nào khác nhằm vào xã hội bên ngoài hay cho cộng đồng nhân loại, thì chắc chắn họ không thể được nhìn nhận là trí thức. Nhưng đồng thời, cũng có những nghề nghiệp luôn được coi như là nghề của trí thức như nhà văn, nhạc sĩ hay ký giả v.v. Được nhìn nhận là trí thức vì nghề nghiệp đòi hỏi họ luôn luôn phải sống trong môi trường tư duy để viết sách báo hay sáng tác, nên dù là công việc làm vì mưu sinh kiếm ăn, vẫn được coi là trí thức. Tương tự như vậy cho các chính trị gia chuyên nghiệp, các vị dân biểu hay nghị viên.

Có thể đi đến kết luận: Một người được coi là trí thức, nếu có nghề nghiệp hay do bản tính tự nhiên, làm những công việc thuộc về tư duy sáng tạo và thường cho ra đời những sản phẩm tinh thần mới lạ, tuy không nhất thiết phải biết trước hậu quả sẽ mang đến cho xã hội tốt xấu như thế nào.

Nhân đây cũng xin nhắc tới một bài viết rất ngắn gọn mới đăng trên mạng của VNNet với đề tài “Suy nghĩ về khái niệm Trí Thức”. Một vị GS đã có dùng một định nghĩa tương tự như trên cho trí thức, nhưng thêm vào đó một tiêu chuẩn thứ hai là: “Chỉ tôn thờ những giá trị tinh thần vĩnh hằng: Chân Thiện Mỹ”! Tuy nghe qua rất có ấn tượng nhưng thật sự là quá cảm tính, một thói quen khó bỏ của văn hóa Á châu, khi đặt nặng tiêu chuẩn đạo đức một cách rất hình thức, và dĩ nhiên là không đúng lúc! Nói cách khác, chúng ta thật sự chỉ muốn đi tìm một định nghĩa đúng cho từ trí thức, không phải cố tình đi tìm một sự phân biệt hay so sánh giữa “trí thức lương thiện” và “trí thức bất lương”!

Cụ thể sau đây từ giới khoa bảng: Một người đã là luật sư rồi, thì cho dù có phạm pháp và bị xã hội lên án tử hình đi nữa, người đó vẫn là luật sư. Không ai có thể phủ nhận được cái khả năng hành nghề luật sư mà tử tội có được! Còn như nếu phải thêm đủ tiêu chuẩn đạo đức như vị GS đã đưa ra, thì tại sao xã hội có lúc lại “lên án” trí thức, gọi họ với những cái tên xấu như là: trí thức phòng trà, trí thức nửa mùa, vv. Chưa nói đến thắc mắc là dựa vào tiêu chuẩn đạo đức nào của xã hội, để cho đó là Chân, Thiện hay Mỹ(!?) Còn nhớ khi nhà tranh đấu cho nhân quyền ở Nam Phi là ông Mandela bị tòa kết án tù ‘chung thân’ vì tội bội phản. Ông đã bị tước đoạt hết tất cả danh dự và tài sản, nhưng rồi sau cùng cũng không ai có thể lấy đi được cái con người ‘trí thức’ của ông!

Dựa vào theo định nghĩa chung của từ trí thức đã nói trên, thí dụ cụ thể rất tiêu biểu cho các thành phần xã hội sau đây: Thuộc giới trí thức có thể là những ai có nghề nghiệp như sau: văn sĩ, ký giả, phóng viên các đài truyền thông, nhạc sĩ, họa sĩ, thi sĩ, nhà nghiên cứu khoa học, chính trị gia, hoạt náo viên, tu sĩ tôn giáo, nhà tham vấn xã hội, v.v.

Không thuộc giới trí thức hoặc chưa là trí thức gồm có tất cả các chuyên gia về đủ mọi ngành nghề như: khoa học gia, bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, kỹ sư, luật sư, ca sĩ, tài tử điện ảnh, kịch sĩ v.v. Điều đáng nói và cần giải thích thêm để phân biệt là, nếu một ca sĩ hay tài tử điện ảnh chỉ cần sử dụng những năng khiếu đặc biệt về thể xác để ca hát hay trình diễn lại những gì được soạn ra sẵn cho, thì không thể nào là trí thức được.

Đa số người Việt do bởi ngôn từ dùng để diễn tả, thường bị nhầm lẫn giữa hai giới khoa bảng và trí thức. Để minh chứng, xin đơn cử thí dụ nghề Y khoa Bác sĩ chẳng hạn. Nếu đem so sánh giữa một bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân theo đúng những gì sách vở đã dạy, cộng thêm với những kinh nghiệm hành nghề, thì cũng không khác gì mấy nếu đem so sánh với chuyên viên thợ máy “chữa bệnh” cho xe ôtô. Cũng bắt đầu bằng việc chẩn đoán cho đúng bệnh trạng của xe bằng các thử nghiệm, và nếu cần thì phải chữa trị hay “giải phẫu” để thay thế luôn các bộ phận hư hỏng! Tất cả đều rập khuôn theo bài bản mà tài liệu sách vở (hay cuốn hướng dẫn kỹ thuật) chỉ dạy, và thêm vào đó là kinh nghiệm nghề nghiệp. Dĩ nhiên, cái khác duy nhất chính là cơ thể con người phức tạp hơn (đòi hỏi trí nhớ nhiều hơn) và sinh mạng của con người quý hơn cái xe nhiều, nên tiền trả lương cho bác sĩ cao hơn chuyên gia sửa xe gấp nhiều lần! Hiện nay đang có những nghiên cứu về chế tạo người máy (Robot-Doc) để làm công việc khám và chữa bệnh như một bác sĩ chuyên môn thông thường, và đôi khi có thể còn cho ra kết quả chính xác hơn rất nhiều vì không bị chia trí bởi ngoại cảnh. Nhưng dù cho tài giỏi cách mấy thì Robot-Doc cũng sẽ không được coi như là một nhà “Trí thức”! Tương tự như vậy cho các ngành nghề còn lại đã kể trên, vì thật sự ra, họ chỉ dựa vào một yếu tố cần thiết là trí nhớ để học thuộc bài thôi! Cụ thể như máy đánh cờ vua “Deep Blue” của hãng IBM. Máy có thể “tư duy” để đánh thắng hầu hết những tay cờ quốc tế thượng thặng, nhưng sau hết cũng chỉ là một bộ máy nhớ cao cấp, không hơn không kém.

Tóm lại, xin ghi nhận và khẳng định một điều là một người thuộc giới khoa bảng có thể không phải là trí thức, và đồng thời ngược lại, một người trí thức cũng không nhất thiết phải xuất thân từ giới khoa bảng. Như trường hợp miền Nam trước đây có hai nhà học giả Nguyễn Hiến Lê và Vương Hồng Sển. Cả hai ông đều được xã hội công nhận như là những nhà trí thức tầm cỡ, nhưng không ai thuộc vào giới khoa bảng, nghĩa là hai ông không xuất thân từ các trường đại học chuẩn cấp cao, cũng như không có học vị hay bằng cấp tốt nghiệp đại học.

Nhân tài

Sau cùng, đây là từ ngữ dễ hiểu nhưng lại rất dễ bị hiểu nhầm nhất, bởi đại đa số người Việt thường hay nghĩ rằng những người khoa bảng hay trí thức đều là “nhân tài”! Tại sao lại có sự nhầm lẫn tai hại nói trên? Câu trả lời là do trong quá khứ, xã hội Việt Nam đã chịu quá nhiều ảnh hưởng văn hóa của Trung Hoa, qua hệ thống thi cử để tuyển chọn quan lại cai trị dân. Thời Nho học hay Hán học xa xưa đó nếu ai có một trí nhớ tốt tương đối, biết đọc và viết được chữ Hán, chịu khó học thuộc lòng Tứ Thư Ngũ Kinh, thì chắc có nhiều hy vọng thi đậu để ra làm quan cai trị dân, được xã hội trọng vọng và đương nhiên được coi như là một nhân tài!

Tuy vậy, hãy thử xét nghiệm thêm một con số thống kê sau đây: Trong số hàng trăm Tiến sĩ có tên khắc trên bia đá ở Văn Miếu, có bao nhiêu vị đã để lại cho đời được một cuốn sách, vài bài văn sách hay ít nhất là một vài tập thơ coi được, chưa nói đến nội dung có giúp ích gì được cho xã hội hay không? Cùng một câu hỏi trên cho các vị khoa bảng tân thời ngày hôm nay. Tuy không thể so sánh tốt xấu do mỗi xã hội đều có một tiêu chuẩn riêng và thay đổi theo thời gian, nhưng vấn đề chính trước hết là cần phải tìm một định nghĩa chung cho từ “nhân tài”.

Dùng định nghĩa sau đây: “Nhân tài là người có khả năng tạo ra được những sản phẩm, vật chất hay tinh thần, có giá trị cần thiết và hữu ích cho xã hội”. Thí dụ như số thợ máy chuyên môn giỏi về máy xe ôtô ở VN hiện nay, chắc là phải ít hơn rất nhiều so với con số của tất cả các chuyên gia về ngành Y khoa cộng lại! Nhưng dám chắc hầu hết người Việt mình luôn có ấn tượng cho rằng chỉ có Y-Nha-Dược sĩ mới thật sự là nhân tài, còn thợ máy xe dù có tài giỏi đến đâu, cũng không được nhìn nhận là nhân tài (!?). Một nhầm lẫn thật sự quá tai hại, và cũng chính vì vậy nên xã hội VN chỉ biết coi trọng giới khoa bảng mà thờ ơ hay không biết quý trọng nhân tài!

Hậu quả tai hại cho quan niệm sai lầm nói trên đã cho thấy hiện tượng mà nhiều người đã từng nói đến là có lắm thầy (dỡ), nhưng thiếu thợ (giỏi) là vậy. Thử xem một nước nghèo và chậm tiến như VN, phải tốn bao nhiêu tiền bạc và công sức để đào tạo các sinh viên ưu tú ra trường chỉ để ngồi bán thuốc hay cho thuê bằng, hoặc chỉ để làm cái công việc trám, nhổ hay trồng lại mấy cái răng giả, thay vì dùng sự thông minh của họ làm công việc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm công nghệ về sinh hóa học, để phát minh hay bào chế ra những sản phẩm mới lạ. Trong khi đó, chỉ cần những y tá hay y sĩ với trình độ từ 2 hay 4 năm đại học, nếu được đào tạo bài bản đúng mức, vẫn có thể làm công việc chữa trị bệnh nhân thay cho bác sĩ trong đa số các trường hợp (trừ giải phẫu, dạy học hay chữa trị các ca bệnh phức tạp hơn rất nhiều).

Kinh nghiệm thực tế của xã hội VN cho thấy, nếu vô tình tạo cho tâm lý người dân quá ấn tượng về khoa bảng, thì rồi cuối cùng xã hội cũng chỉ cho ra những nhà khoa bảng mà thôi, thay vì là nhân tài như mong muốn! Tóm lại theo định nghĩa đời thường, nhân tài là những người có khả năng sản xuất, cho ra đời những sản phẩm cần thiết và có ích lợi thiết thực cho cộng đồng xã hội, và có thể tùy thuộc cả về hai mặt tinh thần và vật chất. Thí dụ sau đây sẽ làm cho rõ hơn các định nghĩa trên.

Trở lại thí dụ Bác sĩ Y khoa, mới đầu họ chỉ thuần túy là những nhà khoa bảng với cấp bằng và một số các kiến thức chữa trị bệnh thông thường được học hỏi từ sách vở và nhà trường. Nhưng nếu trong số đó có ai chịu sinh hoạt phục vụ cho cộng đồng và xã hội, như viết bài phổ biến kiến thức về y học cho đồng nghiệp hay công chúng, tranh đấu để bảo vệ sức khỏe cho công nhân, hay tham gia vào những hoạt động chính trị và xã hội nói chung, giúp ích cho cộng đồng, thì lúc bây giờ những vị bác sĩ nói trên mới có thể được coi như là trí thức. Mặt khác, giả sử đồng thời nếu có ai trong số các bác sĩ đó, bỏ công sức ra làm việc trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu, khám phá ra được một loại vi khuẩn mới lạ nguy hiểm cho sức khỏe con người, hay tìm ra một phương pháp mới để định bệnh và chữa trị, hay có khả năng đặc biệt về ngành phẫu thuật cao cấp v.v, thì lúc bây giờ mới có thể được coi như là nhân tài. Điều đáng chú ý trong ngôn ngữ tiếng Việt là chữ “nhân tài” cũng có thể hàm chứa ý nghĩa dùng luôn cho “thiên tài”, và nếu có sự khác biệt chính ở đây là thiên tài cần được huấn luyện và đào tạo ít hơn so với nhân tài.

Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Thất phu ở đây chính là kẻ sĩ thời xưa, hay trí thức thời nay. Thật vậy, đất nước thịnh hay suy thì mọi trách nhiệm đều nằm trên vai của giới trí thức. Bởi một lý do dễ hiểu, trí thức là những người mà trí tuệ luôn luôn làm việc theo sát với tầm tư duy của thời đại, nên trí thức phải nhìn thấy rõ và sớm nhất, những nghịch cảnh hay trở ngại thăng tiến đi lên cho cộng đồng và cho xã hội, trừ khi giới trí thức tự chối bỏ vai trò của mình. Lịch sử thế giới trong mấy ngàn năm qua đã được xác minh rõ rệt với những chứng từ đầy đủ. Hầu hết các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, chống các chế độ phong kiến độc tài chuyên chế lạc hậu, và nhất là chống lại cường quyền áp bức, tất cả đều được lãnh đạo bằng tầng lớp trí thức (theo định nghĩa) và không hề có ngoại lệ. Mặt khác, muốn cho dân giầu nước mạnh thì quốc gia nào cũng phải cần rất nhiều cả ba thành phần nói trên. Nhưng trong hoàn cảnh hạn chế về tài nguyên và nhân lực của Việt Nam hiện nay, tưởng cũng cần phải đặt thành vấn đề ưu tiên là nên đào tạo thành phần nào nhiều nhất: khoa bảng, trí thức hay nhân tài? Câu trả lời ngắn gọn cho thấy ngay là trong vòng 10 hay 20 năm nữa, nước Việt Nam chắc chắn sẽ cần rất nhiều nhân tài hơn là cần những nhà trí thức và khoa bảng.

Sau cùng, có một điều gây bức xúc nhất cho người Viết là sau khi đọc hơn 10 bài viết đăng trên mạng VNNet, và gần chục bài khác nói về “Nhân tài” của VN trong thời gian qua: Hầu hết các tác giả đều mang tâm trạng giống như của một người đầu bếp làm bánh với cục bột đã được chuẩn bị sẵn để trước mặt, và họ chỉ có việc trổ tài để làm ra cái bánh ăn cho thật ngon. Tất cả hình như đều quên đi một việc rất là quan trọng trong việc làm bánh: Làm sao có được cục bột chuẩn bị đầy đủ, với các tiêu chuẩn cần thiết cho một cái bánh ngon!? Có lẽ đây là thời điểm thuận tiện nhất để nhà nước nghĩ đến một chiến lược dài hạn hơn nữa trong việc giáo dục và đào tạo nhân tài cho Việt Nam. Đó là không phải chỉ để tự hài lòng với việc xây dựng được trường đại học đẳng cấp quốc tế, hay tìm ra phương án tối ưu để đào tạo cho được 20.000 tiến sĩ vào năm 2020! Nhưng quan trọng và ưu tiên hơn tất cả, chính là nhà nước cần phải nghĩ đến một chiến lược giáo dục tích cực hơn cho cả triệu em bé sắp sửa chào đời, nhằm tạo ra được một lực lượng thế hệ trẻ có đầy đủ các phẩm chất cần thiết, với hy vọng sẽ trở thành những nhân tài lỗi lạc cho Việt Nam trong tương lai.

Nguyễn Cường
Sacto, 2/2007

http://www.vietsoul.com/home/news/?forum=37&topic=7032
<bài viết được chỉnh sửa lúc 29.07.2007 06:43:33 bởi silverbullet >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9