Vấn-Đề Tranh-Chấp Trường-Sa: Hậu-Quả Của Những Sai Lầm Chiến-Lược - Trương Nhân Tuấn
Ngọc Lý 30.07.2007 02:46:18 (permalink)
Vấn-Đề Tranh-Chấp Trường-Sa: Hậu-Quả Của Những Sai Lầm Chiến-Lược
Trương Nhân Tuấn
Marseille, Pháp Quốc 28-07-2007
©Vietnam Review

http://www.vietnamreview.com


Bản đồ: Biển Nam Hải và quần đảo Trường Sa (Spratly Islands).


I. Những nạn-nhân trực-tiếp :

Theo tin BBC loan báo ngày 20 tháng 7 năm 2007 « tàu hải quân Trung Quốc hôm 9/7 đã nã súng vào một số thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam trong vùng biển gần Trường Sa, cách TP Hồ Chí Minh 350km làm cho một ngư dân thiệt mạng và một số người khác bị thương ». Ngày hôm sau RFA xác-nhận tin này sau khi trích bản tin của hãng tin Kyodo (Nhật Bản). Trên bản-đồ, địa-điểm xảy ra biến-cố thuộc vùng biển ở giữa vùng Trường-Sa và bờ biển Việt-Nam.

Biến-cố xảy ra đã 2 tuần-lễ nhưng phía Việt-Nam và Trung-Quốc hoàn-toàn im-lặng (cho đến thời-điểm viết bài này). Việc im lặng của hai phía đã không làm người ta ngạc-nhiên. Cả hai (tức hai đảng cộng-sản) chỉ giải-quyết vấn-đề theo lối « anh em đóng cửa dạy nhau », không cho người ngoài xen vào, nhưng mọi người đều biết là anh ba Trung-Quốc luôn « giao-thiệp nghiêm-khắc » với đám em út Việt-Nam.

Nhớ lại biến-cố vịnh Bắc-Việt ngày 8 tháng 1 năm 2005, hải-quân Trung-Cộng « giao thiệp nghiêm khắc » xả súng bắn chết 9 ngư-dân Việt-Nam cư-ngụ tại các làng chài lưới vùng Thanh-Hóa, bắt đi 8 người khác và tịch-thu một thuyền đánh cá (xảy ra ở điểm có tọa-độ 19° 16’ vĩ-độ Bắc và 107° 06’ kinh-độ Ðông, chiếu theo hiệp-định phân-định vịnh Bắc-Bộ tháng 12 năm 2000, điểm này thuộc hải-phận Việt-Nam). Rõ ràng đây là hành động của hải-tặc. Hải-quân Trung-Quốc xâm-phạm chủ-quyền của Việt-Nam lại còn giết người, cướp của, nhưng phía Trung-Quốc « nghiêm-khắc » dạy nhà-nước VN rằng chính những ngư-nhân Thanh-Hóa mới là hải-tặc. Vụ việc này đến hôm nay không ai biết được đã giải-quyết ra sao, các nạn-nhân được đền bồi thế nào ?

Ngày hôm nay những ngư-dân Việt-Nam đánh cá trong vùng biển của mình cũng bị Trung-Quốc « nghiêm khắc giao thiệp » bằng súng ống. Biến-cố xảy ra tại vùng biển cách Sài-Gòn 350km, tức cách bờ biển VN khoảng 250km, tức ở giữa vùng Trường-Sa và bờ biển Việt-Nam. Vị-trí này nằm trên thềm lục-địa của Việt-Nam chứ không thuộc hải-phận (nếu có) của các đảo thuộc Trường-Sa. Nên biết, việc xảy ra trong vùng biển này không phải chỉ mới lần đầu mà đã có nhiều lần tương-tự trong quá-khứ. Điều 1 của bộ « luật biên giới quốc gia » năm 2003 qui-định : « Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ». Điều luật liên-quan đến Hoàng-Sa và Trường-Sa phù-hợp với lịch-sử Việt-Nam và thực-tế công-pháp quốc-tế. Các ngư-nhân Việt-Nam đánh cá trong vùng biển xảy ra biến-cố là đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt-Nam.

Tuy-nhiên, Đại-Tá Lê Phúc Nguyên, phó Tổng-Biên-Tập báo Quân-Đội Nhân-Dân, trả lời phỏng-vấn với báo The Straits Times (Tân-Gia-Ba) được BBC ghi lại ngày 19 tháng 7: « Ngư dân rất khó mà biết được đâu là lằn ranh chính xác giữa hai bên. Thế nhưng không nên dùng vũ lực trên biển vì việc này sẽ chỉ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn mà thôi »

« Lằn ranh » mà ông Nguyên nói là lằn ranh nào ? Đã có phân-định lãnh-hải chưa mà nói đến « lằn ranh » ? Lãnh-hải chưa phân-định sao lại nói đến « lằn ranh chính xác giữa đôi bên » ? Nhưng khi nói đến « phân-định » thì đã gián-tiếp công-nhận tính hợp-lý và hơp-pháp của đối-tượng tranh-chấp. Bọn cướp vào cướp đất, cướp đảo, cướp biển của mình, bây giờ mình « phân-định » với nó, vạch ra « lằn ranh », mình một bên, nó một bên à ? Phát biểu của ông Nguyên không khác những lời phát-biểu ngu-xuẫn, thiển-cận, theo lối tự bắn vào chân mình, của các viên-chức cao-cấp như Ung Văn Khiêm, Lê Lộc (1956) và Phạm Văn Đồng (1958) dưới thời Hồ Chí Minh. Một trong các chứng-cớ mà Trung-Quốc dựa lên để đòi hỏi chủ-quyền Hoàng-Sa và Trường-Sa là các lời tuyên-bố hàm-hồ, vô trách-nhiệm của các ông này. Nay mai sẽ có thể có tên của ông đại-tá Nguyễn Phúc Nguyên trong danh-sách ấy !

Ông Nguyên cũng nói « không nên dùng vũ lực trên biển vì việc này sẽ chỉ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn mà thôi ». Trung-Quốc thường-xuyên dùng vũ-lực trên biển nhưng đã dẫn đến « vấn-đề nghiêm-trọng » nào ? Đài-Loan cách đây không lâu cũng tập-trận bằng đạn thật trên đảo Ba-Bình (Itu Aba, thuộc Trường-Sa), xây ra-đa, làm lại phi-trường, công-sự chiến-đấu… trên đảo nhưng Việt-Nam đã làm được gì Đài-Loan ? Phía Nam-Dương cũng thế, vừa rồi bắn chìm thuyền và gây tử thương nhiều ngư dân VN, nhưng có việc nào « nghiêm-trọng » đã xảy ra đâu ? Thực sự sẽ không có việc gì nghiêm-trọng xảy ra cả, lý-do rất đơn-giản : Việt-Nam không có một khả-năng đối-kháng nào, hải-quân Việt-Nam đối với Trung-Quốc, Nam-Dương, Đài-Loan… là đứa bé sơ-sinh trước những anh khổng-lồ.

Ở một nước mà nhà-nước có trách-nhiệm, các biến-cố (tai-nạn) tương-tự đều được giải-quyết một cách minh-bạch và theo luật-pháp, các nạn-nhân phải được đền-bồi đầy đủ, quốc-gia phía sai-quấy phải có công-hàm chính-thức xin-lỗi gia-đình và quốc-gia các nạn-nhân. Ở đây ta thấy nhà-nước Việt-Nam, dầu đã tỏ ra rất côn-đồ trong việc giải-quyết các vụ dân oan bị cán-bộ đảng cộng-sản cướp đất trong những ngày trung tuần tháng 7-2007 vừa qua, nhưng lại tỏ ra khiếp-nhược đến mức hèn-hạ trước những nước hùng-mạnh khác. Có nhiều triệu-chứng cho thấy biến-cố ngày 9 tháng 7 năm 2007 sẽ như biến-cố trong vịnh Bắc-Việt ngày 8 tháng 1 năm 2005. Những nạn-nhân vô-tội sẽ bị Trung-Quốc vu-cáo là hải-tặc, rồi mọi việc sẽ chìm vào quên lãng.

Chúng ta cũng không thể không nhắc đến những vạt dầu không biết từ đâu liên-tục trong nhiều tháng (đầu năm 2007) từ ngoài khơi tràn vào bờ biển miền Trung VN, chạy dài từ Quảng-Bình cho đến Phan-Thiết, gây ô-nhiễm môi-sinh và làm thiệt-hại lớn lao cho kinh-tế của những người dân sống trong vùng. Nhà-nước VN hôm nay vẫn không biết nguồn-gốc các vết dầu loan ấy đến từ đâu. Vừa qua ông thủ-tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng sẽ nhờ Nhật-Bản truy-tầm nguồn các vết dầu đã gây ô-nhiễm ấy nhưng đến nay chưa thấy công-bố kết-quả. Chắc-chắn các vệ-tinh của Nhật-Bản không mù-lòa và bất-lực như nhà-nước VN. Họ đã biết các vạt dầu ấy từ đâu đến, nhưng nhà-nước VN không công-bố vì sợ phản-ứng mạnh của Trung-Quốc.

Qua các lời tố-cáo trước đây, tháng 5 năm 1992, TC ký với công ty Crestone, Hoa Kỳ để tìm dò một khu-vực 25.000 km2 thuộc lãnh-hải Việt-Nam, nằm về phía tây quần-đảo Trường-Sa (thuộc bãi Tu-Chính, không thuộc nhóm Trường-Sa) và chỉ cách bờ biển Việt-Nam khoảng 250Km. Tháng 3 năm 2004 Trung cộng mang dàn khoan KANTAN 3 vào trong hải-phận Việt-Nam, thuộc vùng cửa vịnh Bắc-Việt để thăm-dò. Khu-vực mục tiêu nằm ở tọa độ 17 độ 25’ 42 ‘’, vĩ độ Bắc, 108 độ 19’05’’ kinh độ Đông, cách bờ biển Việt-Nam 63 hải-lý, và cách đảo Hải-Nam 67 hải-lý. Tháng 8 năm 2006, Trung-Quốc đã cho khai-thác giếng dầu Hóa-Quang, thuộc khu-vực Hoàng-Sa, cách Đà-Nẵng 230km v.v…

Phía Việt-Nam có lên tiếng phản-đối lấy-lệ nhưng Trung-Quốc đã bất-chấp những phản-đối này và ngang-nhiên khai thác những mỏ dầu trên thềm lục-địa Việt-Nam hoặc thuộc lãnh-hải Việt-Nam.

Như thế, chắc-chắn là các giếng dầu của Trung-Quốc khai-thác đã làm tràn dầu gây ô-nhiễm cho bờ biển các tỉnh miền Trung của Việt-Nam. Vấn-đề đặt ra: Chủ-quyền vùng khai-thác đã xác-định chưa ? Việt-Nam sẽ phản-ứng ra sao nếu vùng Trung-Quốc hiện khai-thác thuộc Việt-Nam? ai sẽ bồi-thường những thiệt-hại cho dân-chúng và tái-tạo lại môi-trường bị ô-nhiễm tại các vùng bị dầu loang?

II. Trung-Quốc và quan-niệm « không-gian sinh-tồn ».

1/ Không-gian sinh-tồn, tạm dịch từ “L’Espace Vital”, tác-phẩm nghiên-cứu về “địa-lý chính-trị” – Géopolitique – nổi tiếng của Ratzel xuất-bản năm 1902, đề-cập 7 định-luật liên-quan đến sự bành-trướng của một quốc gia: Định-luật 1. Không-gian (sinh-tồn) của một dân-tộc được mở rộng đồng-thời với văn-minh của dân-tộc đó. Một dân-tộc có nền văn-minh tiến-bộ sẽ đồng-hóa các dân-tộc kém văn-minh hơn. 2. Lãnh-thổ quốc-gia sẽ phát-triển theo tỉ-lệ thuận với sức mạnh kinh-tế và đội-ngũ thương-buôn của quốc-gia cũng như chủ-thuyết phát-triển quốc-gia. Việc bành-trướng vì thế chỉ tùy-thuộc vào ý-chí và phương-tiện. 3. Việc bành-trướng của một đế-quốc được thực-hiện qua cách « hấp-thụ và tiêu-hóa » các nước nhỏ. 4. Đường biên-giới quốc-gia không xác-định (frontière vivante). Biên-giới xác-định chỉ có giá-trị tạm-thời, chỉ để đánh dấu giữa hai giai-đoạn bành-trướng. 5. Trong quá-trình bành-trướng, đất (bây giờ là biển) là mục-tiêu chính. 6. Mục-tiêu bành-trướng là các quốc-gia yếu-kém ở kế-cận. Sự bành-trướng của đế-quốc không thể tiến-triển nếu quốc-gia lân-bang cũng là cường-quốc. 7. Hiện-tượng bành-trướng có khuynh-hướng lan rộng do việc tranh-dành lãnh-thổ của các quốc-gia.

Những nhà chiến-lược hiện-đại cho rằng lý-thuyết « địa-lý chiến-lược » của Ratzel là sơ-khai, lỗi-thời, tuy-nhiên, ở một số điểm cơ-bản lý-thuyết này vẫn còn nguyên giá-trị cho đến ngày nay. Tranh chấp lãnh-thổ Do-Thái và Palestine là một thí-dụ điển-hình. Lý-thuyết này cũng đã ảnh-hưởng rất sâu-đậm lên nhiều thế-hệ lãnh-đạo Trung-Hoa, như Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào v.v… Tưởng Giới Thạch có tuyên-bố về « không-gian sinh-tồn » của Trung-Quốc như sau : « le territoire de l’Etat chinois est délimité par les besoins de son exitance et par les bornes de sa culture » , lãnh-thổ của Trung-Quốc định-nghĩa theo họ Tưởng là được xác-định bằng văn-minh cũng như những cần thiết để dân-tộc này hiện-hữu. Như thế bao gồm hầu hết các nước Đông-Nam Á. Các học-giả Tây-Phương gọi Trung-Quốc là một « Empire sans voisin », một đế-quốc không có nước láng-giềng.

Lý-thuyết của Ratzel cũng ảnh-hưởng đến một số các lãnh-tụ đảng-phái quốc-gia Việt-Nam.

Mặt khác, ngoài lý-thuyết của Ratzel, các nhà lãnh-đạo Trung-Quốc sau này cũng ảnh-hưởng sâu đậm đến lý-thuyết của Alfred Mahan (1840-1904) về địa-lý chính-trị. Bài học bị phân-liệt bắt đầu từ 1840, kéo dài đến cả trăm năm đã làm cho nhiều lớp trí-thức ái-quốc Trung-Hoa ý-thức được cái hay của học-thuật Tây-Phương. Theo lý-thuyết này hải-quân đóng vai-trò trọng-yếu trong quá-trình bành-trướng của một quốc-gia.

Từ 1949 đến nay Trung-Quốc đã nỗ-lực liên-tục để hiện-đại hóa hải-quân của họ.

2/ Bảy định-luật của Ratzel, ngoài định-luật số 2, hoàn-toàn chứng-nghiệm cho dân-tộc Hán từ lập-quốc đến ngày hôm nay. Định-luật 1 : Nền văn-minh Hán-Tộc đã đồng-hóa tất cả các dân-tộc khác, kể các các dân-tộc dũng-mãnh đã chiếm-hữu và trị-vì Trung-Quốc. Văn-hóa các dân-tộc Mãn-Châu, Mông-Cổ, Liêu, Kim… đã không còn dấu vết ở Trung-Quốc. Định-luật 3 : Dân-tộc Hán luôn bành-trướng và tiêu-diệt (hay Hán-hóa) tất-cả các dân-tộc khác. Hiện nay việc đồng-hóa đang được thực-hiện ráo-riết tại Tây-Tạng. Đặc-biệt hai định-luật số 5 và 6 phản-ảnh rõ-rệt thái-độ bành-trướng của Trung-Quốc ngày hôm nay: Trung-Quốc xem vùng biển Đông của Việt-Nam là « không-gian sinh-tồn » của dân-tộc Hán ; Trung-Quốc không bao giờ muốn thấy một Việt-Nam giàu mạnh. Một nước Việt-Nam giàu, mạnh sẽ ngăn-cản sức bành-trướng của Trung-Quốc.

Các thế-hệ lãnh-đạo Trung-Quốc từ đầu thế-kỷ 20 cho đến nay đều có chung quan-điểm này. Họ luôn tìm cách làm cho Việt-Nam suy-yếu để thực-hiện nhu-cầu bành-trướng. Mục-tiêu trước tiên là chiếm biển Đông và kéo Việt-Nam vào vòng ảnh-hưởng của họ. Ta thấy Nam-Hàn, Nhật-Bản đã ý-thức hiểm-họa đến từ Trung-Quốc. Hai nước này muốn hiện-hữu phải « mạnh », hay phải dựa vào một thế lực mạnh. Theo thuyết của Samuel P. Huntington về « Sự Đụng-Độ của các nền văn-minh », nguyên-nhân đụng-độ đến từ tranh-chấp biển Đông, sau đó Nhật-Bản ngả về phía Trung-Quốc, lúc đó là một đại-cường. Lý-thuyết này phần nhiều chủ-quan, nhưng không thể bỏ qua. « Chủ-Nghĩa nước nhỏ » vì thế sẽ không thể hiện-hữu được ở các nước láng-giềng của Trung-Quốc. Định-mạng đã xếp dân-tộc Việt-Nam ở kế-cận Trung-Quốc, vì thế phải thật khéo-léo. Nếu Việt-Nam không đủ mạnh thì phải dựa vào một thế-lực mạnh khác (như trường-hợp Đại-Hàn, Đài-Loan và Nhật-Bản) để tự-vệ, nếu không chắc-chắn sẽ không tránh được hấp-lực của Trung-Quốc.

3/ Trung-Quốc không muốn một Việt-Nam thống-nhất và mạnh. Trong thời chiến-tranh 1954-1975 mọi người đều biết Trung-Quốc sẵn-sàng giúp súng-đạn cho CSVN đánh Mỹ đến người Việt-Nam cuối cùng. Ngay sau khi thống-nhất 1949, Trung-Quốc có cả một sách-lược đào-tạo các cán-bộ tương-lai lãnh-đạo Việt-Nam. Đỗ Mười và Lê Đức Anh cũng thuộc đội-ngũ cán-bộ này. Vì thế chính-trị đối-ngoại của Việt-Nam trong một thời-gian rất dài luôn phù-hợp với quan-niệm địa-lý chiến-lược của Trung-Quốc. Người ta ca-ngợi nhiều về tư-tưởng của ông Hồ Chí Minh (vận-dụng từ tư-tưởng quốc-tế Marx-Lenin), cho nó có một giá-trị thực-dụng dựng nước bất-khả tranh-nghị và đưa nó lên hàng tư-tưởng chiến-lược phát-triển quốc-gia. Nhưng đây là một sai lầm lớn, vì nếu xét tỉ-mỉ thì tư-tưởng của ông Hồ luôn phù-hợp với chính-sách bành-trướng của Trung-Quốc. Người ta cho rằng ông Hồ là người « yêu nước », nhưng quan-niệm về quốc-gia của ông Hồ là một cái gì rất không rõ-rệt : « Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa ». Nhiều học-giả nước ngoài phê-bình Việt-Nam lấy đất nước để xây dựng XHCN trong khi Trung-Quốc lấy XHCN xây-dựng đất nước. Trong tư-tưởng của ông Hồ người ta thấy thấp-thoáng một « chủ-nghĩa nước nhỏ », đu giây giữa hai thế-lực áp-đảo là Liên-Xô và Trung-Quốc, khai-thác những mâu-thuẩn của hai thế-lực này để thực-hiện mưu-đồ cá-nhân và làm tròn bổn-phận của một thành-viên quốc-tế vô-sản gương-mẫu. « Chủ-nghĩa nước nhỏ » của ông Hồ đã trở thành «chủ-nghĩa chư-hầu », cam chịu lệ-thuộc, làm tay chân cho Nga và Tàu bành-trướng chủ-nghĩa hơn là tự-chủ và độc-lập dân-tộc. Việt-Nam đã có lần mang danh « thành đồng cách-mạng vô-sản » là một bằng-chứng. Nhưng vấn-đề của ông Hồ không nằm trong phạm-vi bài viết này.

Trung-Quốc cũng là một trong những tác-nhân chánh trong vấn-đề Việt-Nam chia cắt tại vĩ-tuyến 17. Theo nhiều nhân-chứng ghi lại, trong cuộc-chiến (1954-1975) phía Bắc-Kinh luôn chủ-trương 2 nước Việt-Nam và họ đã làm nhiều thủ-thuật để gây trở ngại cho phe miền Bắc trong các chiến-dịch tiến-công miền Nam. Ngay sau khi Hoa-Kỳ rút khỏi miền Nam, trong những ngày cuối cùng, Bắc-Kinh đề-nghị với một số lãnh-đạo miền Nam, thông qua tòa đại-sứ Pháp, Trung-Quốc sẽ dàn quân trên biên-giới Việt-Trung làm áp-lực, ép Hà-Nội rút quân và ngồi vào đàm-phán. Làm thế vì Trung-Quốc không bao giờ muốn một Việt-Nam thống nhất.

Sau 1975, chủ-trương của Trung-Quốc là muốn có một Việt-Nam suy-yếu ở phía Nam. Trong khoảng thời-gian 1975-1978 Việt-Nam say men chiến-thắng, dựa vào Liên-Xô hống-hách với Trung-Quốc. Trung-Quốc liên-minh với Hoa-Kỳ bao vây Việt-Nam, ngăn-chắn sự bành-trướng của Liên-Xô. Cuộc chiến 10 năm Kampuchia, Đặng Tiểu Bình giúp-đỡ tận-tình Khmer đỏ, chủ-trương « làm cho VN chảy máu đến chết ». Đây là cái bẩy hiểm-độc mà Đặng Tiểu Bình gài cho lớp lãnh-đạo « phản-phúc » ở Hà-Nội. Theo nguyên thứ-trưởng bộ Ngoại-Giao Trần Quang Cơ, qua hồi-ký năm 2002, đây là một thất-bại vô cùng lớn về ngoại-giao của Việt-Nam. Đúng ra đây không phải là một thất bại ngoại-giao, mà phải nói là một sai lầm chiến-lược của nhóm lãnh-đạo Hà-Nội.

Thực-tế và lịch-sử cho thấy Khmer đỏ của tập-đoàn Pol Pot là một lũ diệt-chủng, cả thế-giới kinh-tởm và lên án. Hiện nay có nhiều nỗ-lực vận-động một tòa-án đặc-biệt để xử các hung-thần Khmer đỏ hiện còn sống-sót nhưng còn gặp nhiều trở ngại. Lý ra, khi can-thiệp vào Kampuchia, Việt-Nam đã có vai trò của một anh hùng cứu dân độ thế. Thế nhưng hầu như cả thế-giới lúc đó chống lại Việt-Nam. Thái-độ hung-hăng của Việt-Nam, quá thân Liên-Xô, đòi đánh cả Thái-Lan, đã làm cho khối ASEAN và Hoa-Kỳ ủng-hộ lập-trường Trung-Quốc, giúp Khmer đỏ, bao-vây Việt-Nam về mọi mặt . Hậu-quả sai-lầm này vẫn còn ảnh-hưởng sâu-đậm đến Việt-Nam hôm nay.

4/ Lãnh-đạo CSVN không có viễn-kiến. Khi Liên-Xô sụp-đổ đầu thập niên 90, thay vì nhanh-chóng lập quan-hệ ngoại-giao với Hoa-Kỳ, thiết-lập trục chiến-lược Do-Thái - Ấn-Độ - Việt-Nam – Nhật-Bản để tìm thế đối-trọng, lãnh-đạo Việt-Nam lại quyết-định khấu đầu hướng về thiên-triều, liên-kết với Trung-Quốc để bảo-vệ thành-trì xã-hội chủ-nghĩa, xem Hoa-Kỳ là kẻ thù chiến-lược. Đây là một sai-lầm về chiến-lược khác của Hà-Nội, đã dẫn Việt-Nam vào vòng kềm-tỏa của Trung-Quốc, kéo đất nước trì-trệ thêm hàng thập niên so với các nước trong vùng. Theo hồi-ký Trần Quang Cơ, thủ-phạm của sai-lầm chiến-lược lần này là Đỗ Mười và Lê Đức Anh.

Trong việc giao-thương với Hoa-Kỳ, Trung-Quốc luôn tìm cách phá-bỉnh, vụ ngưng ký hiệp-ước thương-mãi với Hoa-Kỳ, để cho Trung-Quốc ký trước, năm 2000 là một thí-dụ. Trung-Quốc không muốn Việt-Nam có quan-hệ chặt-chẽ với Hoa-Kỳ. Trung-Quốc biết rằng chỉ có Hoa-Kỳ mới có thể giúp Việt-Nam phát-triển bắt kịp các nước rồng, hổ trong vùng.

Khuynh-hướng chính-trị hiện nay của đảng CSVN thông qua ông Nông Đức Mạnh, là tiếp nối con đường của Đỗ Mười và Lê Đức Anh, đã làm Việt-Nam trì-trệ hàng 20 năm và đẩy Việt-Nam lệ-thuộc ngày thêm sâu-đậm vào Trung-Quốc. Công việc chính của ông Tổng Bí-Thư họ Nông là xem việc nhà, việc làng to hơn việc đảng, xem việc đảng to hơn việc quốc-gia. Việt-Nam sẽ phải trì-trệ thêm nhiều năm nữa.

5/ Bành-trướng ra biển Đông.

Ngoài mục-tiêu phải làm Việt-Nam suy-yếu, Trung-Quốc hiện-đại hoá quân-đội của họ, nhất là hải-quân, để bành-trướng ra biển Đông.

Năm 1949, Trung-Quốc cho công-bố một bản-đồ, trong đó lãnh-hải của Trung-Quốc bao gồm tất cả các đảo Đài Loan, quần đảo Senkaku (Điếu-Ngư), Pescadores (Bành-Hồ), Pratas (Đông-Sa), Macclesfield Bank (Trung-Sa), Paracel (Tây-Sa tức Hoàng Sa của Việt-Nam) và Spratley (Nam-Sa, tức Trường Sa của Việt-Nam). Đường xác-định lãnh-hải chỉ cách bờ biển của Việt-Nam, Phi-Luật-Tân, Mã-Lai, Brunei khoảng 50 đến 100km. Năm 1974, Trung-Quốc sử-dụng vũ-lực tấn-công Hoàng-Sa và chiếm quần-đảo này từ tay Việt-Nam Cộng-Hòa. Tháng 3 năm 1988, Trung-Quốc cho tàu đổ bộ vào chiếm 6 rạng đá nhỏ vùng rạng đá Chữ Thập (Recif Croix de Feu – Fiery Cross), bắn chìm 3 tàu Việt-Nam, gây thiệt mạng 74 chiến-sĩ. Vào tháng 2 năm 1992, Trung-Quốc ra Luật Lãnh-Hải Trung Quốc (Chinese Territorial Waters Law) qui-định rõ các đảo và quần-đảo nói trên thuộc Trung-Quốc. Ngày 21 tháng 5 cùng năm, Đài-Loan ra luật lãnh-hải có nội-dung tương-tự. Nói thêm là trong vụ đánh chiếm các vị-trí của Việt-Nam tại bãi Chữ-Thập, Trung-Cộng đã được quân Đài-Loan đóng tại đảo Ba-Bình giúp-đỡ về vật-chất như nước uống. Trung-Quốc đã cho xây tại đây một căn-cứ quân-sự có dạng tương-tự như một chiếc hạm. Năm 1992, Trung-Cộng đánh chiếm thêm một vị-trí của VN trên Trường-Sa là đảo d’Eldad Reef (đá En Đát), tổng-số đảo chiếm đóng là 9. Tháng 2 năm 1995, Trung-Quốc cho xây công-sự trên vùng bãi đá Vành-Khăn (Mischief), giống như công-sự xây trên đá Chữ Thập.

Hiện nay hải-quân Trung-Quốc có khoảng 76 chiến hạm (so với Hoa-Kỳ là 100 chiến hạm và 11 mẫu-hạm) nhưng khôngTrung-Quốc không có hàng-không mẫu hạm nào. Trung-Quốc cũng có khoảng 60 tàu ngầm, một số tàu này được trang-bị hỏa-tiễn siêu-thanh của Nga để tấn-công hàng-không mẫu hạm. Nhưng việc so-sánh hải-quân hai nước Hoa-Kỳ và Trung-Quốc sẽ khập-khểnh. Mục-tiêu của Trung-Quốc chỉ ở biển Đông, Đài-Loan và Châu Á trong khi mục-tiêu Hoa-Kỳ là giữ vị-trí hàng đầu thế-giới. Trung-Quốc không ngừng tăng ngân-sách quốc-phòng. Những năm sau này, mức gia-tăng mỗi năm là 18%. Năm 2005, Trung-Quốc tuyến-bố chi 45 tỉ đô-la cho quốc-phòng, nhưng thực ra con số này lớn hơn rất nhiều. Trung-Quốc hiện nay cũng có nhiều tàu đổ bộ, có khả năng vận chuyển 150 người với vận-tốc 120km/giờ và họ đang nghiên cứu tàu đổ bộ 450km/giờ chuyên-chở 500 người. Đảo Phú-Lâm (Hoàng-Sa) được xây phi-đạo dài 2.800m, xây nhiều nhà hầm chứa phi-cơ có khả năng chứa hơn 20 phi-cơ SU 27. Khu đá Vành-Khăn cũng được xây-dựng lại ; vị-trí thiên-nhên của bãi đá này (dài 8km, rộng 6,5km) trung-tâm là vùng nước sâu và êm, có thể được dùng làm cảng trú-ẩn của một hàng-không mẫu-hạm, chung-quanh được bao bọc bằng các công-sự chiến-đấu. Vì thế, với khả-năng hiện có, hải-quân Trung-Quốc có thể chiếm và giữ bất-kỳ một vị-trí nào trên biển Đông.

Trung-Quốc bành-trướng như thế, trên đất thì lấn đất, dưới biển thì dành biển, cướp hải-đảo. Hiện nay việc phân-định biên giới trên đất liền vẫn chưa xong, nguyên-nhân đưa đến sự trì-trệ này là vì Trung-Quốc đòi chủ-quyền tại một vùng đất thuộc Việt-Nam, vùng này có mỏ urani .

Thái độ của Việt-Nam ra sao ?

III. Qui-tắc hành-sử 2000.

Việt-Nam hoàn-toàn bất-lực, chỉ dựa vào chính-trị để xoa-dịu Trung-Quốc. Vũ khí duy-nhất để Việt-Nam tự-vệ hiện nay là…. Qui-Tắc Hành-Sử 2000.

« Qui-Tắc Hành-Sử - Code de Conduite » đã được các nước ASEAN đề-nghị vào tháng 3 năm 2000 với các nước có tranh-chấp tại Trường-Sa – đặc-biệt là với Trung-Quốc - có các nguyên-tắc như sau : Các nước quan-hệ cam-kết : 1/ không sử-dụng vũ-lực và giải-quyết những tranh-chấp bằng những nỗ-lực hòa-bình. 2/ Cam-kết giữ nguyên-trạng (statue quo) và không làm điều gì có thể gây trở-ngại thêm (những tranh-chấp tại Trường-Sa). 3/ Giữ những quan-hệ đối-thoại và trao đổi thông-tin giữa các bên. 4/ Ngưng mọi việc thăm-dò và khai-thác liên-quan đến dầu-hỏa và khí đốt. 5/ Thông-báo mọi cuộc thao-diễn quân-sự cũng như mọi cuộc chuyển quân trong vùng. 6/ Phi-quân-sự hóa và thay-thế những nhân-viên quân-sự tại đây bằng nhân-viên dân-sự. 7/ Hợp-tác trong chiều-hướng bảo-đảm an-ninh cho thuyền-bè qua lại trong vùng. 8/ Hợp-tác để chống hải-tặc và buôn bán trái phép ma-túy, vũ-khí. 9/ Hợp-tác trong các công-tác khoa-học và bảo-vệ môi-sinh. 10/ Tìm một giải-pháp đa-phương và thỏa-đáng cho các bên tranh-chấp.

Việt-Nam được các nước ASEAN chấp-nhận cho vào làm hội-viên năm 1991 vì lý-do bành-trướng thế-lực của Trung-Quốc tại biển Đông. Các nước nhận thấy sau khi Hoa-Kỳ ngó lơ các vụ xâm-lăng bằng vũ-lực của Trung-Quốc qua các vụ chiếm Hoàng-Sa (1974) và Trường-Sa (1988, 1992,1995). Trung-Quốc chiếm đảo Vành-Khăn gần Phi-Luật-Tân, trong khi Hoa-Kỳ bỏ Subic Bay ; biển Đông hoàn-toàn « giao » cho Trung-Quốc. Các nước ASEAN có nhu-cầu đoàn kết chống lại áp-lực và sức bành-trướng của Bắc-Kinh.

Qui-tắc này đã gây bất-lợi rất nhiều cho Việt-Nam vì các việc sau đây : Các nước Trung-Quốc và Đài-Loan luôn vi-phạm qui-ước này mà Việt-Nam không có phương-tiện trả đũa. Một thí-dụ khác bất-lợi cho Việt-Nam : Trong khi Trung-Quốc khai-thác bừa-bãi trên thềm lục-địa cũng như trong các vùng biển của Việt-Nam, phía Việt-Nam phản-đối nhưng Trung-Quốc vẫn tiến-hành việc khai-thác, không coi Việt-Nam và qui-ước hành-sử ra cái gì. Khi Việt-Nam cho khai-thác vùng Tu-Chính (trên thềm lục-địa Việt-Nam), Trung-Quốc đã lên tiếng phản-đối. Kế-hoạch hợp-tác giữa Việt-Nam với công ty xăng dầu BP của Anh Quốc trong việc xây-dựng hệ-thống dẫn khí đốt trong Biển Đông vừa mới ký-kết phải hủy-bỏ. Thí-dụ khác, Trung-Quốc và Đài-Loan liên-tục xây-dựng công-sự chiến-đấu trên các đảo mà họ kiểm-soát, vi-phạm trầm-trọng qui-tắc hành-sử, Việt-Nam hoàn-toàn bất lực trước các vi-phạm này.

IV Kết luận :

Vì sao Việt-Nam bất-lực đến mức không-thể khai thác tài-nguyên trong vùng biển của nước mình ?
Vì sao Việt-Nam không đuổi được bọn cướp đến cướp đất, cướp biển của mình ?
Vì sao người dân Việt-Nam đã không thể an-ổn làm ăn trên vùng biển mà từ ngàn xưa ông cha họ đã từng bỏ lưới đánh cá ở đó ?

Nguồn tin BBC đã dẫn ghi « Các nguồn tin quân sự nói ngày 9/7 hai tàu chiến cơ động BPS-500 của Việt Nam do Nga thiết kế đã vội vã đến hiện trường nhưng phải đứng từ xa vì hỏa lực quá mạnh từ tàu Trung Quốc.

Đại tá Nguyễn Phúc Nguyên nói: "Về lâu dài, chúng tôi cần củng cố lực lượng hải quân cũng như nâng cấp các đơn vị tuần tra ven biển."

Câu trả lời trước tiên là hải-quân Việt-Nam quá yếu, không có khả-năng bảo-vệ dân và nước. Họ chỉ đứng xa và ngó. Việt-Nam không còn thì giờ để « củng-cố lực-lượng hải-quân » như ông đại-tá Nguyễn Phúc Nguyên nói. Việt-Nam cũng không còn thì giờ để liên-minh chiến-lược với Ấn-Độ, cho dầu Ấn-Độ rất muốn trang-bị vũ-khí nguyên-tử cho Việt-Nam để đối-trọng với Pakistan trong vấn-đề đối-đầu với Trung-Quốc. Việc liên-minh này người ta đã nói đến từ lâu, nhưng lãnh-đạo VN chọn hướng thiên-triều.

Nguyên-nhân của tình-trạng tệ-hại ngày hôm nay rõ-ràng là do những sai lầm chiến-lược của nhiều thế-hệ lãnh-đạo Việt-Nam từ nhiều thập-niên qua. Nhiều vùng biển (và vùng đất) của Việt-Nam đã và đang âm-thầm đổi chủ, trở thành biển và đất của Trung-Quốc. Việc này không phải mới đây mà đã bắt đầu xảy ra từ thập niên 50, lúc ông Hồ Chí Minh còn sống.

Ông Hồ Chí Minh có trách-nhiệm rất lớn trong vấn-đề nhượng đất và biển cho Trung-Quốc. Vì hậu quả của những công-hàm ngoại-giao ký dưới thời ông Hồ mà Trung-Quốc mới có cớ xâm-chiếm Hoàng-Sa, một số đảo thuộc Trường-Sa và đòi hỏi toàn biển Đông thuộc chủ quyền của họ. Một số đất vùng biên-giới trên đất liền đã bị mất vào tay Trung-Quốc, điển hình là khu-vực Nam-Quan và thác Bản-Giốc, cũng mất dưới thời Hồ Chí Minh.

Tài-liệu « Con Hổ Và Thùng Dầu », nguyên tác Joachim Hoelzgen, Báo Spiegel Online, CHLB Đức, ngày 25.06.2007 do Phạm Việt Vinh chuyển ngữ *, đăng trên Tổ-Quốc số 21 vừa rồi có viết : Thềm lục-địa của những quốc gia vùng Đông Nam Á, các dàn khoan càng ngày càng gặp nhiều khí đốt và dầu mỏ. Việt Nam là quốc gia gặp nhiều may mắn nhất: ở đây, các bãi dầu như một tấm thảm trải dài từ Bắc chí Nam- trong đó, có cả một „supergiant field“ (bãi dầu siêu khổng lồ) tầm cỡ như ở Ả Rập Xê Út. Chắc không ai muốn « các bãi dầu như tấm thảm trải dài từ Bắc chí Nam » của Việt-Nam thuộc về Trung-Quốc.

Việt-Nam không thể bó tay, bất-lực « từ xa đúng nhìn » như hiện-tại.

Lãnh-đạo Việt-Nam hãy tức-thời mở mắt, định-hướng lại chiến-lược quốc-gia, nhận rõ đâu là bạn đâu là thù, phải coi quyền lợi dân-tộc là tối-thượng. Tình-trạng này kéo dài là mất tất cả cho Tàu.

Trước mắt, nhà-nước VN lấy bớt ngân-sách cho công-an, giải-tán ít nhất 2/3 đám côn-đồ ức-hiếp dân này, thanh-lọc, chỉ chọn những người có ý-chí phục-vụ cho dân ; lấy lại ngân-sách dành cho tổng-cục 2 (nghe nói là làm tay sai cho Tàu) ; dẹp bỏ hệ-thống đảng-ủy song song với hệ-thống nhà-nước, dẹp đám đảng-viên ăn hại đát nát, ăn bám vào dân, là gánh nặng cho đất nước ; thanh-lọc lại toàn-bộ nhân-sự bộ Quốc-Phòng, tuyển những người trong sạch, có khả-năng quân-sự, tất-cả dồn vào hiện-đại hóa quân-đội, thì rất có thể không bao lâu Việt-Nam sẽ có khả-năng làm cho đối-phương nhượng-bộ.


  Bản để in

http://www.vietnamreview.com/modules.php?name=News&file=article&sid=6735
 
_____________________
 
* Đọc thêm:
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.07.2007 05:32:32 bởi Ngọc Lý >
#1
    Ngọc Lý 20.12.2007 13:06:12 (permalink)
    Con hổ và thùng dầu:
    Những thế lực dầu lửa mới của Châu Á
    Joachim Hoelzgen

    Phạm Việt Vinh chuyển ngữ
     
     
    “… tài nguyên thiên nhiên hào phóng hoàn toàn không đảm bảo sự phồn thịnh cho một quốc gia …”

    Lời người dịch: Nếu những điều trong bài viết dưới đây là chính xác thì có lẽ số phận không phải lúc nào cũng "cau có" với dân tộc Việt Nam. Trong khuôn khổ một bài báo trên mạng điện tử, các dữ kiện được nêu ra không đi kèm theo nguồn dẫn chưa thể chứng minh được tính xác thực của chúng, ngoài ra, chất lượng của nguồn dầu mỏ Việt Nam cũng chưa được đưa ra. Hơn nữa, tài nguyên thiên nhiên hào phóng hoàn toàn không đảm bảo sự phồn thịnh cho một quốc gia. Với túi dầu khổng lồ và dòng sông mênh mông nước, Iraq vẫn là một quốc gia khốn khổ và loạn lạc triền miên. Sự khắc nghiệt của tạo hóa vẫn không thể ngăn cản Nhật Bản trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới. Thí dụ về Indonesia cho thấy, một nước nằm trong các khối các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đã mang lại hàng tỉ Đô la vào túi riêng những chính trị gia và tướng lãnh tham nhũng, nhưng một bộ phận lớn dân chúng vẫn phải sống ở cảnh bần cùng, vẫn đang tan tác vì khủng bố và cuộc chiến ly khai trong khi món quà tặng của thiên nhiên đang bị lãng phí. Giống như một nhà đào được vàng, nều biết cách sử dụng, họ sẽ trở thành đại gia; còn không, vàng sẽ là đại họa. Một quốc gia, nếu được hưởng một báu vật của thiên nhiên, sẽ càng cần một thể chế khôn ngoan và trong sạch ; một xã hội dân chủ với những cơ cấu và hoạt động cạnh tranh, kiểm soát lành mạnh là một yêu cầu tất yếu, ít nhất là để người dân biết và được quyền "chọn mặt gửi vàng" !

    Trước bờ biển của những quốc gia hổ vùng Đông Nam Á, các dàn khoan càng ngày càng gặp nhiều khí đốt và dầu mỏ. Việt Nam là quốc gia gặp nhiều may mắn nhất : ở đây, các bãi dầu như một tấm thảm trải dài từ Bắc chí Nam - trong đó, có cả một "supergiant field" (bãi dầu siêu khổng lồ) tầm cỡ như ở Ả Rập Xê Út.

    Lâu nay, những thanh niên lang thang thế giới, những chàng trai cô gái vai khoác ba lô đi từ Châu Âu, Châu Mỹ đã phát hiện ra một tụ điểm hành hương mới : đó là bãi biển Campuchia bên thành phồ Sihanoukville, nơi mà những hàng phi lao và thốt nốt chạy dài ra tận bãi cát ven bờ biển. Cuộc đời thật đáng sống khi người ta có thể thưởng thức tôm hùm nướng và duỗi lưng nằm trên những chiếc ghế mây đan dưới hàng cây cọ. Đó là chuyện cho đến hôm nay. Còn giờ đây, trên bến cảng Sihanoukville, những hàng núi Container, những trục khoan và ống dẫn dầu đang biểu hiện cho một thứ hoàn toàn khác : đó là khí đốt và dầu lửa đã được tìm thấy ở phía ngoài thế giới nhiệt đới của những túp lều bãi biển và của những dải cát mịn như bông. Không những chỉ có Sihanoukville buồn tẻ, mà toàn bộ Campuchia - một trong những quốc gia nghèo nhất của Á Châu, đang muốn dùng nguồn nguyên liệu đã tìm thấy để làm một bước nhảy vọt về phía trước.

    Trong khi khoan thử tại vùng biển trước Sihanoukville, 4 trong tổng số 5 hố khoan của tập đoàn Mỹ Chevron đã chạm vào dầu lửa - như nhận định của Chevron, đó là một kết quả tìm kiếm "đáng kể". Trong 6 bãi dầu, người ta dự đoán là sẽ có 500 triệu thùng "vàng đen" - và đây có thể chỉ là một dấu hiệu đầu tiên như ở tất cả những nguồn mỏ khí đốt và dầu lửa khác đang hầu như được phát hiện ra từng ngày tại vùng Đông Nam Á.

    Khai thác đến tận độ sâu 2.800 mét

    Malaysia đang nỗ lực để trở thành một thế lực dầu lửa và xúc tiến việc thăm dò gần bờ biển tại Sabah và Sarawak là hai bang tại phía bắc đảo Borneo. Ở đây, các trục khoan sục đến tận độ sâu 2.800 mét dưới biển.

    Việt Nam đuổi kịp và đã trở thành nước xuất khẩu dầu lửa đứng thứ ba trong khu vực. Quốc gia xã hội chủ nghĩa này có một sự may mắn về địa lý : các bãi dầu lửa và khí đốt của họ nằm tại những vùng nước nông không xa bờ biển, và như một tấm thảm dưới lòng biển trải dài suốt từ Vịnh Bắc Bộ đến tận mũi phía nam của đất nước.

    Và Myanmar, trước đây là Miến Điện, cũng chuyển các dàn khoan của mình ra biển - nhưng với chức năng là vệ tinh nguyên liệu của Trung Quốc. Chính quyền quân sự của Myanmar tuyên bố rằng giờ đây, họ đã có một trữ lương dầu 3,2 tỉ thùng. Họ cũng đã ký với công ty nhà nước National Petroleum của Bắc Kinh hợp đồng khai thác những vùng mỏ dầu khác. Qua hệ thống ống dẫn, thành quả tìm kiếm sẽ được chuyển ngay lập tức về tỉnh Yunnan miền nam Trung Quốc.

    Nhưng cả nước Nga, nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất của chính quyền quân sự Myanmar cũng được phép tham gia tìm kiềm dầu lửa thông qua công ty "Dầu lửa ở ngoại quốc" Sarubeshneft- sau đó, cử chỉ đi lại có thể là việc chuyển các chiến đấu cơ MiG-29 tới tay các vị tướng lãnh.

    Thái Lan và Philippin cũng hăng hái và hình như đã ký hàng tá những hợp đồng chuyển nhượng quyền săn lùng các khu mỏ khí đốt và dầu lửa, những thứ được hình thành từ phù sinh vật đáy biển và rừng thực vật bờ biển sau hàng triệu năm trời. Ở một mức độ nào đó, tương lai của các quốc gia dầu lửa vùng Đông Nam Á nằm ở hy vọng là những di sản trầm tích này sẽ không bao giờ cạn, rằng sẽ không xảy ra đối với họ câu chuyện đã từng xảy ra với vương quốc Brunei- ở đó, vị chúa tể quốc gia đã dùng các dàn bơm dầu để ăn chơi xả láng đến mức hiện nay sản lương dầu tụt xuống chỉ còn có 198.000 thùng mỗi ngày.

    Điều tương tự cũng đã xảy ra tại Indonesia, một thời đã là thế lực tiền phong về dầu lửa. Ở đây, quản lý kinh tế tồi dở và tham nhũng đã dẫn đến tình trạng các bãi dầu trở nên quá lỗi thời, lý do là người ta đã hầu như không đầu tư vào các thiết bị khai thác tối tân. Thậm chí, Indonesia là quốc gia duy nhất trong số 12 thành viên khối Opec phải thực sự nhập dầu, măc dù người ta đã chứng minh được rằng đất nước này còn một trữ lượng dầu lửa với hơn 4 tỉ thùng. Hiện nay, người ta đang tìm cách xoay chuyển tình thế bằng việc khai thác những bãi dầu mới nằm giữa miền đông và miền trung Java.

    Khoan dầu trước núi rừng nhiệt đới





    Giá dầu lửa cao trên thế giới không phải là lý do duy nhất thúc đẩy các quốc gia đang phát triển về dầu như Malaysia và Việt Nam quan tâm tới việc thăm dò dầu vùng gần bờ biển. Trong cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia hổ với nhau, hai nước này muốn dùng dầu lửa và khí đốt của chính mình trước hết là để thúc đẩy phát triển kinh tế nhằm mục đích tăng cường khả năng ghanh đua. Trong khu vực này, người ta còn chưa quên cái gọi là cuộc khủng hoảng Á Châu xảy ra trước đây đúng 10 năm, được bắt đầu bằng việc phá giá đồng tiền Thái Lan và đã đưa tất cả các quốc gia đến mép bờ phá sản.

    Ngày nay, các con hổ tả tơi hồi đó đã có lại những bắp cơ khỏe mạnh. Họ đã nhân đôi mức tăng trưởng kinh tế- và giờ đây, nhờ có dầu lửa, họ có cơ sở để nhốt kỹ con cọp trong thùng dầu. Malaysia đã đạt được bước tiến dài nhất; đất nước này đã trở thành một quốc gia công nghệ cao nhờ vào các xí nghiệp sản xuất Chip, và trên hết, đã tự mình xuất khẩu được dầu lửa.

    Với trợ giúp của các công ty nước ngoài như Royal Dutch Shell và của công ty Mỹ Murphy Oil chuyên về nghiên cửu nước sâu, trước bờ biển vùng Sabah, các bãi dầu lửa mới đang liên tục được khai mở. Ví dụ như vào mùa thu tới, từ khu mỏ Kikeh sẽ trào lên dòng dầu lửa dầu tiên- nguồn lợi được mong đợi ở đây sẽ là 350 triệu thùng.

    Cách đây ba năm, ở Malaysia, bãi dầu Gumusut-Kakap chứa 400 triệu thùng được phát hiện. Và cùng với ông khổng lồ về nguyên liệu Úc là tổ hợp BHP Billiton, công ty nhà nước Malaysia Petronas bắt đầu khai mở những khu mỏ mới trên biển trước vùng bờ biển thành phố Kota Kinabalu- thủ phủ của vùng Sabah, và được gọi tên theo ngọn núi với rừng nhiệt đới Mt. Kinabaluh, đỉnh chóp của Đông Nam Á với độ cao 4101 mét.

    Nhưng ở cái thành phố ven biển này, không chỉ có những ngôi nhà cao tầng mới tinh biểu lộ cho sự bùng phát về dầu lửa. Trên bán đảo Malaysia còn có một công trình kỳ vĩ nữa: đó là việc lắp đặt một hệ thống ống dẫn dầu xuyên ngang qua đất nước, chạy từ Ấn Độ Dương phía tây qua những nông trường chè và thung lũng rừng nhiệt đới tới tận Biển Nam Trung Quốc ở phía đông.






    Khai thác dầu khí ngoài khơi

    Trỗi dậy để trở thành một không lồ dầu lửa

    Công trình ống dẫn khổng lồ với chiều dài 320 Km và tổng giá 14,2 tỉ Đô la này có nhiệm vụ giải tỏa cho đường biển nhỏ hẹp vùng Malakka đang bị tràn ngập bởi những con tàu chở Container và tàu chở dầu. Tại đây, một nửa số dầu lửa được vận chuyển trên thế giới đang phải len lỏi để đến tay các nhà tiêu thụ lớn ở Nhật Bản và Nam Triều Tiên.

    Có một nước không quan tâm đến hệ thống ống dẫn dầu, mà trước mắt, chỉ tập trung vào việc tự cung cấp cho nhu cầu bản thân: đó là Việt Nam. Quốc gia Phổ vùng Đông Nam Á này đang hối hả khoan dầu trên hải phận trước vùng bờ biển.

    Hiện nay, ba khu mỏ mới với trữ lượng 700 triệu thùng đang được khai mở trước vùng biển phía nam Việt Nam tại khu vực được gọi là lưu vực sông Cửu Long, và mới đây, tổ hợp JapanVietnam Petroleum lại công bố về việc phát hiện ra một bãi dầu mới với trữ lương 37 triệu thùng.

    Nhưng, trữ lương dầu lớn nhất lại nằm ở lưu vực sông Hồng, ở giữa đất liền và hòn đảo nghỉ mát Hải Nam của Trung Quốc. Đối với khu vực 50.000 Ki lô mét vuông mặt biển này, ngày 11 tháng Sáu vừa qua, Hà Nội đã ra thông báo đấu thầu cho 7 khu mỏ khai thác- với trữ lượng được cho biết là 5 tỉ thùng dầu. Nếu đúng như vậy, thì con số này sẽ ứng với một bãi dầu siêu khổng lồ „supergiant field“, cái mà lẽ ra chỉ có ở Ả Rập Xê Út và vùng Sibiri.

    Ở đất nước Campuchia bên cạnh, việc trỗi dậy để trở thành một khổng lồ dầu lửa như vậy chỉ có thể có trong mơ. Ở đây, trước hết người ta còn phải chống chọi với nạn tham nhũng của giới thương lưu tham lam đang ngự trị ở thủ đô Phnom Penh để có thể dùng đồng tiền tương lai của dầu mỏ vào việc xây dựng trường học và xây dựng nhà thương.
     
     
    Nguồn: Báo Spiegel Online, CHLB Đức, ngày 25.06.2007
    Phạm Việt Vinh chuyển ngữ
     
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 20.12.2007 13:07:31 bởi Ngọc Lý >
    #2
      Ngọc Lý 20.12.2007 13:09:18 (permalink)
      Bảo vệ Giếng Dầu của Tổ Quốc
      Trần Quốc Hiên- Đảng Dân Chủ Nhân Dân
      http://ddcnd.org/main/




      Chúng ta hãy xem những gì mà người láng giềng Trung Quốc đã làm trong thời gian qua:

      Sau hơn 20 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã vươn lên trở thành một cường quốc của thế giới. Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đứng thứ 4 thế giới và họ có lực lượng quân sự hùng mạnh khiến các cường quốc hàng đầu cũng phải dè chừng.

      Tuy nhiên, do mục tiêu phát triển bằng mọi giá - Như lời của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã hứa hẹn trước nhân dân: “Chúng tôi nhất định sẽ tập trung tinh thần sức lực tiến hành xây dựng, một lòng một dạ tìm kiếm sự phát triển.” - đã khiến cho họ phạm nhiều sai lầm. Trung Quốc đang phải đối mặt với những vấn đề lớn, nếu không được giải quyết sẽ có nguy cơ phá hủy mọi thành quả của họ từ trước đến nay.

      Đó là vấn đề ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên, Trung Quốc là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về tiêu thụ tài nguyên và thải ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ước tính trong vòng 20 năm nữa, chỉ còn 6 loại tài nguyên thiên nhiên ở Trung Quốc còn đủ khả năng cung cấp. Tiếp theo là vấn đề chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, tạo ra sự mất cân bằng nghiêm trọng, đặc biệt đã hình thành tâm lý “thù giàu” ở một bộ phận người nghèo. Người Trung Quốc coi “Giáo dục, y tế và nhà ở” là Tam Đại Sơn, nghĩa là 3 quả núi lớn. Giống như ở các nước Cộng sản khác, người dân Trung Quốc cũng phải đối mặt với những khó khăn lớn về giáo dục, y tế và nhà ở. Một vấn đề không kém phần nghiêm trọng mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn lẩn tránh, đó là nguy cơ chệch hướng XHCN, xa rời lý tưởng Cộng sản, ngày càng tiến gần đến chủ nghĩa bá quyền.

      Vừa qua, Quốc Vụ Viện Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam trực tiếp quản lý 3 quần đảo trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Thực tế từ năm 1974 Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa. Chưa dừng lại ở đấy, họ luôn tìm cách chiếm Trường Sa bằng quân sự, và thực tế họ đã xâm chiếm được nhiều đảo. Gần đây nhất, Trung Quốc tiếp tục thực hiện những cuộc tập trận ở Hoàng Sa, mở tour du lịch, xây dựng hải cảng, sân bay và các công trình quân sự trên những đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đảo thì hoang vu, không bóng người, tại sao họ lại phải tranh chấp với ta? Vấn đề ở chỗ có thêm một hòn đảo là có thêm hàng nghìn cây số vuông biển, nghĩa là có thể khai thác dầu lửa ở đó. Cho nên tấc đảo quý hơn tấc vàng. Nếu mất đảo, mất biển, thì sẽ mất dầu lửa.

      Trung Quốc và các nước khác đều đói dầu lửa. Nhưng, nếu họ đói một thì chúng ta đói mười. Người dân Việt Nam đã thấu hiểu những hậu quả của việc thiếu dầu lửa và tăng giá xăng dầu. Chúng ta ý thức được dầu lửa là tài nguyên chiến lược quan trọng hàng đầu của quốc gia, của thế hệ hôm nay và mai sau. Hiện nay, do chưa có nhà máy lọc dầu, Việt Nam phải xuất khẩu dầu thô với giá rẻ, để rồi lại nhập dầu thành phẩm (xăng, dầu nhớt, dầu chạy máy…) với giá cao. Vì vậy, khi giá dầu thế giới tăng thì giá xăng dầu trong nước cũng tăng.

      Tình hình ở Trung Quốc cũng diễn ra tương tự. Mặc dù nền kinh tế phát triển nhanh, luôn giữ được tốc độ tăng trưởng cao, nhưng do chưa tập trung ưu tiên cho các ngành công nghệ cao, đầu tư chất xám, nên họ đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu tài nguyên, năng lượng và ô nhiễm môi trường. Trung Quốc đã có hàng loạt bước đi nhằm củng cố an ninh năng lượng quốc gia, trong đó chiến lược quan trọng nhất của họ là hướng ra Biển Đông, nơi có những giếng dầu với trữ lượng lớn mà nước ta đang khai thác.

      Những hành động gần đây của nhà cầm quyền Trung Quốc, cho thấy họ đang tiến gần đến việc chiếm hoàn toàn 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những nhà lãnh đạo Trung Quốc dự tính, đến năm 2020, nước này sẽ bước vào thời kỳ hoàng kim và vươn lên đứng đầu thế giới. Điều đó đồng nghĩa với việc các nước láng giềng như Việt Nam sẽ trở thành sân sau, thành chư hầu của Trung Quốc; Nếu còn đi theo người anh cả Trung Quốc, học tập kinh nghiệm xây dựng XHCN đặc sắc Trung Quốc, thì chẳng những không có được XHCN mà ngay cả nền độc lập dân tộc cũng bị đe dọa.

      Nếu thiếu cảnh giác để nước ngoài chiếm mất hai quần đảo quan trọng đó, thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Nên nhớ, lịch sử Việt Nam là lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm phương Bắc. Nhân dân ta đã đấu tranh kiên cường để bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ giống nòi. Chưa bao giờ tinh thần bất khuất, kiên cường chống các thế lực ngoại xâm của dân tộc ta mất đi. Bây giờ, tinh thần đó đang dâng lên mạnh mẽ.

      Trung Quốc và Đài Loan luôn đối đầu với nhau như lửa với nước. Thế mà thời gian gần đây, họ đã dẹp bỏ thù riêng, cùng bắt tay nhau để thực hiện âm mưu chiếm quần đảo Trường Sa. Hành động của họ là phi nghĩa, chúng ta có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Công lý có bảo vệ ta không? Tinh thần quốc tế vô sản trong sáng đâu mất rồi? Và người dân Việt Nam có thể tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong lúc nguy nan này không?

      Con người đang tìm những nguồn năng lượng mới thay thế tài nguyên hóa thạch, nhưng ít nhất trong 30 năm tới, dầu lửa vẫn là tài nguyên quan trọng hàng đầu của con người. Chỉ cần nhìn vào những biến động lớn trong đời sống người dân Việt Nam do tăng giá xăng dầu, cũng đủ thấy tầm quan trọng của dầu lửa. Chưa nói đến cái mục tiêu xa vời là XHCN, ngay như mục tiêu trước mắt là xóa đói giảm nghèo sẽ trở nên khó thực hiện nếu không có dầu lửa. Những quyết định thiếu sáng suốt của các nhà lãnh đạo trong lúc này sẽ đẩy người dân vào tình cảnh khó khăn.

      Đây là thời cơ để các lực lượng Dân chủ trong và ngoài nước cùng lên tiếng bảo vệ chủ quyền đất nước, thể hiện tinh thần trách nhiệm trước nhân dân. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần có nhận thức đúng đắn về cuộc khủng hoẳng năng lượng của thế giới đang ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Cuộc khủng hoẳng đó và cuộc tranh chấp trên Biển Đông có chung bản chất, đó là dầu lửa. Trong thế kỷ 21, nước nào có trong tay dầu lửa, nước đó sẽ chiến thắng. Ngược lại, mất dầu lửa là mất tất cả.

      Hỡi đồng bào cả nước. Hỡi thanh niên sinh viên. Hỡi các lực lượng dân tộc trong và ngoài nước. Hỡi quân đội nhân dân Việt Nam. Hãy chiến đấu và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam trước khi quá muộn.

      Việt Nam ngày 15 tháng 12 năm 2007


      http://www.canh-en.de/index.php?id=123&tx_mininews_

      #3
        Ngọc Lý 22.12.2007 08:50:28 (permalink)
         
        Phục hồi phẩm giá quốc gia
        Ngô Nhân Dụng
        20, 12, 2007


        Phát ngôn nhân của chính phủ Trung Quốc lại lên tiếng đe dọa chính quyền Cộng Sản Việt Nam, yêu cầu họ phải “tỏ ra có tinh thần trách nhiệm,” tức là phải ngăn chặn không cho thanh niên biểu tình chống Trung Quốc. Nhưng trách nhiệm của chính quyền một nước là trách nhiệm đối với ai? Tất nhiên là trách nhiệm với quốc dân. Ðây là lúc giới lãnh đạo đảng Cộng Sản phải nói thẳng điều đó với các “đồng chí, anh em” của họ.



        Nửa thế kỷ trước, những người lãnh đạo cộng sản còn bắt dân Việt Nam theo phong trào cộng sản quốc tế, muốn đưa dân tộc Việt Nam đứng vào tuyến đầu mặt trận chống tư bản bóc lột. Trách nhiệm chính của họ khi đó là trách nhiệm đối với phong trào cộng sản thế giới. Các quyền lợi quốc gia bị coi là thứ yếu trong một cuộc cách mạng quốc tế. Hồ Chí Minh chịu đổi tên đảng cũng vì nghĩa vụ quốc tế. Việt Nam chỉ là một pháo đài bảo vệ các thành tựu xã hội chủ nghĩa đã đạt được ở Liên Xô và Trung Quốc, đồng thời được đóng vai mũi nhọn xung phong bành trướng của cách mạng vô sản thế giới. Bây giờ, ai cũng biết phong trào cộng sản quốc tế là một ảo tưởng, cả đảng Cộng Sản Việt Nam cũng đang tư bản hóa theo gương Trung Quốc,mặc dù họ không dám thú nhận đã sai lầm.

        Phẩm cách của một chính quyền có thể được đo lường bằng thái độ khiêm cung, thú nhận những lỗi lầm đã phạm. Ðã có ít nhất hai ông thủ tướng Nhật Bản chính thức xin lỗi dân tộc Ðại Hàn, vì trong thế kỷ 20 quân đội Nhật đã thi hành các chính sách tàn ác khi chiếm đóng Hàn Quốc. Ở nhiều tiểu bang trong nước Mỹ, Quốc Hội tiểu bang đã thông qua những quyết nghị công nhận trong quá khứ họ ủng hộ chế độ nô lệ, đó là một lầm lẫn, và họ bầy tỏ lòng ân hận về chủ trương sai lầm đó. Tuy những người đứng ra nhận lỗi sống cách xa những người phạm lỗi lầm hàng thế kỷ hoặc lâu hơn, nhưng thái độ can đảm dám công nhận tiền nhân của mình đã sai lầm khiến người ngoài trông thấy phải kính trọng.

        Quan nhất thời, Dân vạn đại. Ðời sống một dân tộc thường rất dài, còn vận mạng những người cầm quyền không đáng kể. Người nắm quyền trong tay mà biết lắng nghe tiếng nói của người dân, bỏ qua những quyền lợi nhất thời của một phe, một đảng, biết làm theo nguyện vọng lâu dài của nhân dân, thì không những được dân tin tưởng, mà còn được sử sách ngợi khen.

        Thanh niên, sinh viên, giới văn nghệ, báo chí đã biểu tình lần thứ nhì tại Hà Nội và Sài Gòn để phản đối Trung Quốc chiếm cứ các hòn đảo của Việt Nam. Nhiều nhà trí thức trong nước đã viết trên mạng lưới yêu cầu chính quyền Việt Nam phải công khai phủ nhận giá trị của lá thư mà ông Phạm Văn Ðồng viết gửi chính phủ Trung Quốc năm 1958 tỏ ý tán thành quan điểm của họ về lãnh hải. Nếu đảng Cộng Sản biết nắm lấy cơ hội này, họ sẽ có cách trả lời với những mệnh lệnh từ Bắc Kinh.

        Phủ nhận bức thư của Phạm Văn Ðồng là một việc khó khăn cho giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam hiện nay, giống như những người con phải nhận cha mình đã làm sai. Nhưng một nửa thế kỷ đã trôi qua từ khi ông Phạm Văn Ðồng đặt bút ký, bây giờ các đại biểu Quốc Hội ở Hà Nội có thể biểu quyết thẳng thắn công nhận rằng lá thư đó là một sai lầm; rồi yêu cầu ông Nguyễn Tấn Dũng viết thư mới phủ chính bức thư năm 1958.

        Như nhiều người đã nêu ý kiến trên mạng lưới, cũng như các ý kiến đã nêu lên trên Nhật Báo Người Việt, lá thư Phạm Văn Ðồng, dù với tính cách một thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, không hề có giá trị pháp lý.

        Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc lãnh thổ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, trong thời gian ông Phạm Văn Ðồng viết lá thư trên. Ðó là những vùng ở dưới vĩ tuyến 17, theo Hiệp Ðịnh Genève thì thuộc Việt Nam Cộng Hòa. Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam đã ký vào Hiệp Ðịnh Genève, không thể coi là họ không biết sự kiện đó. Chính phủ miền Bắc không có thẩm quyền khi nhường các vùng thuộc miền Nam cho nước khác. Một độc giả báo Người Việt đã ví lá thư của Phạm Văn Ðồng giống như chính phủ một nước Úc hay Phi Luật Tân viết thư cho thủ tướng Nhật Bản, công nhận các quần đảo Guam và Wake là thuộc lãnh thổ Nhật chứ không phải là của nước Mỹ! Một bức thư như vậy là vô giá trị.

        Hơn nữa, những quyết định về lãnh thổ, về hải phận một nước phải được quốc hội phê chuẩn chứ không thể do bức thư của một ông thủ tướng quyết định. Nay nếu coi như sau khi đã chiếm được miền Nam, chính quyền hiện tại đã thừa kế chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, thì Quốc Hội hiện giờ vẫn có thể biểu quyết xác nhận lại chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo ở Biển Ðông, và ủy thác cho ông Nguyễn Tấn Dũng viết thư mới, xóa bỏ lá thư cũ của Phạm Văn Ðồng.

        Tất nhiên, lá thư mới này sẽ chỉ có giá trị tượng trưng. Sau khi quân Trung Quốc đã đánh bại bốn chiến hạm hải quân Việt Nam Cộng Hòa năm 1974 để chiếm Hoàng Sa mà chính quyền miền Bắc không hề lên tiếng phản đối, thì mọi người đều biết hậu quả. Không biết đến bao giờ người Việt Nam mới giành lại được chủ quyền trên các hòn đảo đã mất đó.

        Nhưng không phải vì thực tế đó mà cả nước phải im lặng chịu nhục mãi. Dù chỉ có giá trị tượng trưng, người Việt Nam vẫn phải lên tiếng chính thức đòi lại chủ quyền trên các hòn đảo bị chiếm. Trên thế giới hiện nay có hàng ngàn vụ tranh chấp lãnh thổ, muốn giải quyết tất cả sẽ phải mất cả ngàn năm. Nhưng không một quốc gia nào lại âm thầm ngậm miệng không lên tiếng phản đối và đòi lại các miền đất đã bị nước ngoài chiếm đóng phi lý. Không một chính quyền nào lại cấm người dân của nước mình phản đối các nước lớn chiếm đất đai mà tổ tiên để lại. Ðó là danh dự và phẩm giá của dân tộc. Dân các nước Nhật Bản, Trung Quốc và Ðài Loan vẫn dùng lời nói và hành động đòi chủ quyền trên hòn đảo “Ðiếu Ngư Ðài” nhỏ xíu, họ không bao giờ ngưng!

        Hãy xem tấm gương Phi Luật Tân trong thập niên 1970, 80. Chính phủ Phi Luật Tân bao giờ cũng thân thiện với Mỹ, dân chúng cả nước họ cũng vậy. Nhưng chính phủ Mỹ không lúc nào được yên thân không bị người Phi Luật Tân biểu tình đòi Mỹ rút quân khỏi các căn cứ hải quân ở Vịnh Subic và căn cứ Clark. Cuối cùng Mỹ phải trả lại Phi Luật Tân các căn cứ quân sự mà họ đã đóng từ hàng thế kỷ. Không biết như vậy cuối cùng là nước họ lợi hay thiệt, nhưng người nước ngoài phải kính trọng người dân và chính phủ Phi Luật Tân. Khi đụng chạm tới danh dự quốc gia, người ta không còn tính lợi hay thiệt nữa.

        Giao thiệp giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể so sánh với mối quan hệ giữa Estonia và Nga. Ðó đều là tình trạng một nước nhỏ bên cạnh một láng giềng lớn gấp bội. Năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ, các nước vùng Baltic giành lại độc lập, nhưng Nga vẫn coi đó là vùng nằm trong ảnh hưởng của mình. Cuối Tháng Tư vừa qua, chính phủ Estonia đã di chuyển một pho tượng kỷ niệm Hồng Quân Liên Xô ở trung tâm thủ đô Tallinn ra một nghĩa trang tử sĩ ở ngoại ô. Ðối với dân Estonia, đài kỷ niệm “Hồng Quân Giải Phóng Estonia” này là một mối nhục. Họ không nói thẳng điều đó ra, mà chỉ nêu lý do cần chỉnh trang thành phố. Sau đó, các tay “đạo tặc tin học” phát xuất từ Nga đã tấn công tất cả các mạng lưới điện toán ở Estonia làm tê liệt gần hết hệ thống thông tin thương mại trong nước này. Estonia, với dân số 1 triệu 300 ngàn, bị tê liệt, vì hai phần ba dân chúng dùng Internet (broadband); họ dùng mạng lưới trong mọi giao dịch thương mại, có 80% dân đóng thuế qua mạng lưới. Chính phủ Estonia đã yêu cầu Nga chấm dứt cuộc tấn công trong khi cũng kêu gọi các nước Tây Âu giúp mình. Không phải vì sợ nước Nga to lớn mà chính phủ Estonia không dám gia nhập các liên minh chính trị và quân sự với Tây Âu. Họ vẫn giữ được phẩm cách, dù là một nước nhỏ.

        Một nước nhỏ muốn đương đầu với nước láng giềng lớn thì phải dựa vào dân. Dựa vào dân có nghĩa là khi chính quyền bị nước khác ép quá, có thể chống lại lấy cớ rằng dân chúng của nước mình không chịu. Nếu điều ép buộc lại làm nhục quốc thể, càng dễ cưỡng lại các áp lực của nước lớn hơn, vì không một dân tộc nào muốn chịu nhục.
        Trong mấy chục năm nay ở Ðại Hàn vẫn luôn luôn có những cuộc biểu tình của sinh viên chống áp lực của Mỹ, nhiều lần họ đòi quân Mỹ phải rút khỏi Nam Hàn. Ai cũng biết quân Mỹ đã giúp bảo vệ cho Nam Hàn khỏi trở thành cộng sản, nếu không thì các thanh niên này đang phải sống dưới quyền của “Bác Kim Chính Nhật muôn vàn kính yêu.” Nhưng chính phủ Nam Hàn vẫn chấp nhận cho sinh viên biểu tình chống Mỹ. Họ có thể nhân cơ hội đòi hỏi chính phủ Mỹ phải thỏa hiệp với họ trên các vấn đề bất đồng ý kiến khác. Người Mỹ hiểu được tình trạng đó mà không lên tiếng đòi chính phủ Seoul phải dẹp bỏ những cuộc biểu tình. Vì Mỹ cũng là một nước tự do dân chủ, họ hiểu rằng chính phủ Ðại Hàn không điều khiển được tất cả hoạt động của các công dân. Xã hội công dân ở Hàn Quốc cũng mạnh không khác gì ở các nước dân chủ khác.

        Một nước nhỏ muốn dựa vào dân chống lại áp lực của các nước lớn thì trước hết phải tôn trọng các quyền tự do phát biểu của dân. Bắc Kinh yêu cầu Hà Nội phải dẹp biểu tình vì họ biết rằng Cộng Sản Việt Nam xưa nay vẫn điều khiển tất cả mọi việc. Khi đảng ra lệnh thì tất cả các báo, đài, các nhà văn, nhạc sĩ đều hoan hô “Trung Quốc vĩ đại.” Ðến lúc đảng ra lệnh mới, tất cả các báo, đài, các nhà văn, nhạc sĩ đều quay ra chống “Trung Quốc bá quyền xâm lược.” Không những các cá nhân làm theo lệnh như vậy đã mất tư cách mà cả dân tộc cũng mất phẩm giá. Cho nên, trong việc sửa chữa lại các lỗi lầm quá khứ, đảng Cộng Sản Việt Nam phải trả lại các quyền tự do dân chủ cho nhân dân. Như vậy mới có thể phục hồi phẩm giá quốc gia.


        http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=71130&z=7
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.12.2007 08:52:42 bởi Ngọc Lý >
        #4
          Ngọc Lý 23.12.2007 13:27:10 (permalink)
          Xã hội Việt Nam có nhu cầu lên tiếng
          Nguyễn Quang
          Gửi đến BBC từ Paris
           






          Cuộc biểu tình 9.12 trước các cơ quan ngoại giao Trung Quốc tại Việt Nam


          Có lẽ sau này sẽ còn nhiều người nhắc lại cuộc biểu tình ngày 09/12/2007 vừa qua như là một dấu mốc quan trọng trong sự trưởng thành của xã hội dân sự Việt Nam.


          Cuộc biểu tình đã cho chúng ta thấy lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với vận mệnh của dân tộc cũng như tinh thần dấn thân cho Tổ quốc vẫn luôn là những giá trị căn bản của dân tộc Việt Nam, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

          Đặc biệt là giới trẻ đã chứng minh rằng họ không chỉ biết đến internet, game, bóng đá, … mà còn quan tâm đến mọi vấn đề trọng đại của đất nước mà chính họ là người làm chủ trong tương lai gần.

          Cuộc biểu tình đã có tác dụng tinh thần, nó tạo nên sự quan tâm cần thiết của công luận trước tình hình của đất nước, là nguồn động viên tinh thần lớn lao cho những chiến sỹ đang bảo vệ Tổ quốc.

          Và đúng là nó chỉ có giá trị tinh thần, không có giá trị ngoại giao.

          Không ảnh hưởng tới ngoại giao
           
          Khi người phát ngôn Bộ ngoại giao của Việt Nam Lê Dũng nói quan điểm của Việt Nam là "thông qua đàm phán, giải quyết một cách hoà bình mọi tranh chấp trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế.", đã hàm ý rằng biểu tình không phải là giải pháp ngoại giao mà Nhà nước Việt Nam lựa chọn. Ở đây có vấn đề về việc nhìn nhận biểu tình có phải là một hoạt động ngoại giao hay không. Rõ ràng biểu tình chỉ là một hoạt động xã hội thông thường độc lập với với đường lối đối ngoại giao của Chính phủ. Sự ảnh hưởng nếu có cũng chỉ là gián tiếp, theo giá trị tinh thần nói trên.

          Nhà nước không phải chịu trách nhiệm về ngoại giao cho một hoạt động dân sự trên đất nước mình, khi mà nó không mang tính bạo lực hay kích động chiến tranh.

          Lấy ví dụ là Tổng thống Mỹ khi thăm các nước đồng minh, dù là thân cận nhất, vẫn luôn bị biểu tình phản đối. Nhưng các cuộc biểu tình đó không bao giờ được phép là một cơ sở để giải quyết các vấn đề trên bàn ngoại giao. Chính phủ các nước sở tại không bị chê trách bởi các cuộc biểu tình này cũng như không có trách nhiệm về nó, trừ trách nhiệm bảo đảm an ninh cho quan khách.

          Do vậy mà không có sự mâu thuẫn nào giữa cuộc biểu tình này với đường lối ngoại giao đối thoại hòa bình hiện hành của Nhà nước, nếu không muốn nói là đa số những người tham gia biểu tình cũng đều ủng hộ đường lối ngoại giao này. Càng không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương (quan hệ Nhà nước – Nhà nước) giữa hai quốc gia như người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Hoa vừa phát biểu.



          Người biểu tình mang nhiều biểu ngữ nhắc đến vấn đề lãnh thổ VN

          Sự thực là các cuộc biểu tình đã diễn ra trong hòa bình, nó cũng đồng điệu với đường lối ngoại giao hòa bình của Chính phủ.

          Xã hội dân sự
           
          Cũng người phát ngôn Bộ ngoại giao nói "Đây là việc làm tự phát chưa được phép của các cơ quan chức năng Việt Nam". Trên các diễn đàn mạng đã có nhiều người đưa tin là cuộc biểu tình này "đã được phép của bên an ninh", có lẽ để trấn an và động viên người tham gia biểu tình ?

          Câu hỏi đặt ra là biểu tình có cần được phép của Nhà nước hay không ?

          Hiến pháp điều 69 nói rằng công dân có quyền "biểu tình theo quy định của pháp luật". Nhưng khi chúng ta chưa có Luật biểu tình thì việc biểu tình có phạm pháp luật hay không ?

          Cần nhìn lại bản chất tự nhiên của luật pháp: luật pháp sinh ra để hướng dẫn các hoạt động xã hội đã tồn tại. Như vậy Nhà nước, Quốc hội có trách nhiệm làm ra luật pháp để xã hội vận hành theo luật, chứ xã hội không có nghĩa vụ phải chờ luật pháp ra đời rồi mới được hoạt động.

          Do vậy việc thiếu luật biểu tình ở Việt nam hiện nay không thể là lý do hợp pháp để ngăn quyền biểu tình của người dân đã được ghi trong Hiến pháp. Chỉ có thể ngăn khi mà đã có luật rồi mà vẫn biểu tình không đúng luật. Công dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm, và Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Nếu vi phạm pháp luật thì là vi phạm với luật nào?

          Dĩ nhiên là không có luật biểu tình thì cũng không có nghĩa là khi biểu tình thì muốn làm gì cũng được. Với những công cụ luật pháp đã có, Nhà nước hoàn toàn có đủ biện pháp để đảm bảo cho cuộc biểu tình diễn ra hòa bình, trật tự (luật gây mất trật tự công cộng, phá hoại của công, ... ).

          Trước đó đã nhiều người khuyên rằng, mọi người cứ bình tĩnh chờ đợi, Nhà nước sẽ có những biện pháp phù hợp để giải quyết ổn thỏa vấn đề này.

          Có những hoạt động xã hội mà không một bộ máy Nhà nước nào có thể đảm nhiệm được. Và một xã hội lấy những những hoạt động cộng đồng đó làm nền tảng của sự vận hành chính là xã hội dân sự, hay xã hội công dân.

          Và hình ảnh của một xã hội dân sự đang manh nha hình thành ở Việt Nam như là một hệ quả của sự phát triển kinh tế xã hội vượt bậc trong những năm vừa qua (mà nhiều lúc chúng ta cũng không ngờ hết sức mạnh và tốc độ của nó). Quan điểm của chúng ta do vậy cũng cần thay đổi theo: xã hội có những nhu cầu biểu hiện riêng biệt mà Nhà nước cần tôn trọng, không thể làm thay hay cấm đoán mãi được.

          Ví dụ cụ thể là phải coi biểu tình như một hoạt động dân sự thông thường và cần thiết. Vấn đề của Nhà nước hiện nay không phải là làm thế nào để khống chế những vụ biểu tình tiếp theo mà làm thế nào để nâng tầm quản lý của Nhà nước đáp ứng được nhu cầu xã hội này, làm thế nào để Quốc hội có thể sớm triển khai soạn thảo và ban hành Luật biểu tình.

          Một điểm đáng chú ý là Phó chủ tịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài đã đích thân ra tận nơi nói chuyện và mời thanh niên vào Nhà văn hóa Thanh niên đối thoại. Mong rằng những nhà lãnh đạo các Tỉnh, thành phố khác, cũng như MTTQ, Đoàn, ... tổ chức thêm nhiều cuộc thảo luận công khai để nhân dân bày tỏ ý kiến.

          Nhớ lại năm 2003 chúng ta đã tổ chức rất nhiều cuộc mítting, hội thảo đông đảo để phản đối chiến tranh của Mỹ tại Iraq, lẽ nào chúng ta không làm được điều này khi vấn đề (dù không tương tự) đang xảy ra trên đất Việt Nam ?

          Cảnh báo và đòi hỏi
           
          Trước cuộc biểu tình cũng đã có rất nhiều tin nhắn cho rằng sẽ có những kẻ phản động, người của các thế lực thù địch trà trộn gây rối, kích động chống phá nhà nước. Lời tường thuật của những người trong cuộc đã trả lời rất rõ ràng cho điều này.

          Cuộc biểu tình vừa rồi chỉ có một mục đích và tiếng nói duy nhất: bày tỏ lòng yêu nước và tinh thần bảo vệ Tổ quốc một cách độc lập của người dân Việt nam.

          Những cảnh báo này quá coi thường người biểu tình. Chính những người tham gia biểu tình là những người có ý thức nhất. Họ hiểu những gì mình làm, hiểu những gì là giới hạn và nhất là không dễ bị dụ dỗ theo những mục đích chính trị khác.

          Chỉ cần hình dung ai đó tự nhiên hô lên "đả đảo chính quyền Việt nam" hay "đòi tự do dân chủ" thì chẳng cần đến lực lượng an ninh, chính những người biểu tình sẽ tống khứ họ.

          Những cảnh báo này thực tế đã cố tình gán ghép việc "đòi hỏi dân chủ của những người đối lập" với nguyên nhân của cuộc biểu tình nhằm đánh lạc hướng dư luận.

          Cuộc biểu tình này cũng là một bài test về việc người dân Việt nam có khả năng tham gia các hoạt động vận động xã hội hay không. Nó chứng minh cho chúng ta thấy là chúng ta có thể biểu tình ôn hòa như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đó là quy luật chung của tất cả các nước đang phát triển trên thế giới : Hàn quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Nam Phi, ... biểu tình dần dần xuất hiện và đồng hành cùng sự phát triển.

          Lập luận "Nước mình dân trí còn thấp ..." có lẽ sẽ không còn phù hợp để biện minh cho tính khả dụng của những hoạt động xã hội tương tự sau này.

          Điều cuối cùng muốn nhắn nhủ cùng quý vị độc giả, là chúng ta hãy nghĩ đến một hành động rất cần thiết và có ý nghĩa hiện nay, đó là hãy xây dựng một đài tưởng niệm các chiến sỹ đã ngã xuống để bảo vệ hải đảo của Tổ quốc, bao gồm 54 chiến sỹ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh năm 1974 tại Hoàng Sa và 72 chiến sỹ Việt Nam hy sinh tại Trường Sa năm 1988.

          Nguyễn Quang, bình luận và tổng hợp từ X-cafe và nhiều Blog khác. Đôi khi có thể có ý trùng mong các tác giả vui lòng bỏ qua.

          Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, một thanh niên Việt Nam hiện đang làm bằng tiến sĩ tại Paris, Pháp và cũng là thành viên chủ chốt của Diễn đàn X-Café.






          BCM
          Hãy cẩn thận, việc tranh chấp là việc của hai chính phủ. Chúng ta là những người dân, cũng rất quan tâm đến vấn đề này, cả tôi cũng rất he mũi, nhưng xin các bạn bình tĩnh đi kẻo dính vào âm mưu chia rẽ tình hữu nghị Việt Trung đang tốt đẹp, tôi tin chính phủ hai nước sẽ giải quyết ổn thoả. Có bạn thì cho rằng nên bỏ Trung Quốc, chơi thân với Mỹ hơn nhưng chính phủ ta vẫn khẳng định chơi thân với cả hai trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, tất nhiên có thể thiệt vài ba cái nhỏ nhưng không sao cái khác có lợi hơn là được.

          Hoang Sa VN
          Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ thiêng liêng của VN Chủ quyền thiêng liêng đối với Trường Sa và Hoàng Sa đã được minh chứng bằng thời gian và lịch sử của nhiều thế kỷ những cư dân và Nhà nước VN đã quản lý và khai thác vùng lãnh thổ trên biển Đông này. Điều đáng nói là, giữa lúc hai nước Việt-Trung đã xác lập được những quan hệ hữu nghị, hợp tác trên những nguyên tắc của "16 chữ vàng” do chính các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra thì việc Quốc vụ viện Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố cấp huyện Tam Sa” thuộc tỉnh Hải Nam bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đáng để chúng ta phải nhắc lại những bằng chứng và bài học lịch sử!

          hoacoxanhxanh hanoi, vietnam
          Đã lâu rồi BBC mới có 1 bài bình luận hay như vậy. Bài đã phân tích thấu đáo các góc cạnh của vấn đề và đưa ra một cách nhìn tương tối khách quan. Cảm ơn BBC và Nguyễn Quang.

          Lý Thái Hùng
          Qua những diễn tiến trong nửa thế kỷ vừa qua, từ năm 1956 đến năm 2007, ta thấy là Trung Quốc đã từng bước xâm lấn lãnh thổ Việt Nam. Từ chiếm Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc và nhất là đặt cơ quan hành chánh trên hai đảo Trường sa và Hoàng sa cho thấy là Bắc Kinh đã không coi Việt Nam dưới chế độ CSVN là một quốc gia độc lập mà chỉ là nước phụ thuộc hay còn gọi là nước đỡ đầu. Vì coi như vậy, Bắc Kinh đã có những thái độ trịch thượng và ngang nhiên coi thường công luận thế giới, trong khi đó, CSVN lại lên tiếng quá yếu - như là vuốt ve Bắc Kinh hơn là lên tiếng công kích. Ngay cả sự phản ứng của CSVN qua phát ngôn nhân Lê Dũng trước sự kiện hàng trăm đồng bào và thanh niên sinh viên biểu tình chống Trung Quốc trước tòa đại sứ Bắc Kinh tại Hà Nội và trước Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Sài Gòn vào ngày 9 tháng 12, cho thấy là quá rụt rè và tránh né.

          Phan Thanh Hoài
          Các phản ứng đối với việc TQ xâm lấn lãnh thổ có vẻ lẻ tẻ, nghèo nàn, vắng vẻ trên diễn đàn BBC, điều này không thể hiện tinh thần bạc nhược của người dân Việt, mà cho thấy Ban Việt ngữ biết tôn trọng tình giao hảo tốt đẹp giữa Anh Quốc, Trung Quốc và An Nam Quốc. Dự tính biểu dương tinh thần bất khuất của thanh niên, sinh viên học sinh VN đang bị nhà nước tìm cách vô hiệu hóa dưới nhiều hình thức vận động.

          Ẩn danh
          Hãy hăng hái tham gia vào cuộc biểu tình phản đối TQ, nhưng hãy suy nghĩ về bài học cay đắng của Iraq. Cả thế giới phản đối, LHQ phản đối, chỉ có Anh Quốc là ủng hộ, nhưng Mỹ vẫn ngang nhiên với lý do của Mỹ để tấn công Iraq. Dân Iraq bây giờ thoát khỏi sự hà khắc của tập đoàn Saddam nhưng cũng đang điêu đứng vì chia rẽ. Người VN hãy kinh nghiệm bài học này để bảo vệ đất nước và tiến đến tự do dân chủ.

          Tony Saigon
          Sự kiện Hoàng Sa và Trường Sa chẳng thấy Đài TH, báo chí đề cập gì cả. Vận mệnh dân tộc không bằng con nhỏ Hoang Thuỳ Linh. Đau lắm thay!!!

          nguyenduc
          Nói chung chỉ có chính phủ mới sợ Trung Quốc, chứ người dân chúng ta chẳng sợ gì. Nếu cần chúng tôi sẵn sàng tiến lên để bảo vệ đất nước.

          SV SG
          Bài hay có phân tích trước sau.Cám ơn bạn Quang.Xin lỗi tình yêu Tổ Quốc là thiêng liêng xin đừng chen vào ý thúc chính trị.Nếu thấy tim mình nóng vì Tổ Quốc thì tham gia còn không thì ngồi đó đừng tham gia bạn TomMy Sài Gòn nhé.

          Linh, Moscow
          Chính phủ nghe thanh niên hay sẽ bịt miệng thanh niên để nghe TQ?

          Mai Ninh, Việt Nam
          Hiến pháp VN ghi rõ dân có quyền biểu tình và nhiều quyền khác. VN đã có nhiều bản hiến pháp, nhưng các quyền này được ghi ngay từ bản hiến pháp thứ nhất trở đi cho đến nay. Tôi nghĩ rằng nhà nước cần luật hoá các quyền này để thực hiện trong cuộc sống "mọi thứ đều có luật và hành xử theo luật". Nếu nhà nước sau 60 năm (từ 1946) vẫn không có các luật về quyền dân thì quả là một nhà nước "có vấn đề". Ít ra là cai trị 60 năm mà vẫn viện cớ "dân trí thấp" để trì hoàn quyền dân thì "vấn đề" quả không nhỏ. Đã không có luật "cấm" hoặc "cho làm" thì người dân cứ làm theo cách hiểu Hiến pháp của mình. Không phải ở VN chưa hề có biểu tình, nhưng là biểu tình ủng hộ đảng và đả đảo các thế lực mà đảng coi là thù địch; phải do dảng dật dây mới là hợp pháp. Đây là cách thể hiện nhà nước ta (tự coi mình là đầy tớ) thực hiện chức năng "quản lý" mọi hoạt động của 84 triệu "ông chủ".

          Nguyen Viet, Praha
          Tôi thấy dân ta ít được thông tin về các vụ việc bị xâm phạm chủ quyền như thế này quá. Ngay từ những năm 1988 tôi biết nhiều chuyện về đánh nhau ở Hoàng sa và trường sa, nhưng đại đa số những người sống ở Hà nội khi đó mờ tịt. Tôi biết vì tình cờ có người bạn làm phi công nói lộ ra sau những ngày căng thẳng phải bay đến tiếp tế đồ và cả ném bom nơi chiến sự. Hay những vụ họp bàn ký kết về biên giới có gì khuất tất không mà chỉ đăng vài dòng thay cho việc thông báo cụ thể như các nước khác đã làm để dân biết ranh giới đất nước mình đến đâu mà giữ gìn bảo vệ. Mong các nhà lãnh đạo Việt nam lưu ý.

          Nguyen Quoc Minh, Hà Nội
          Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang tận dụng "Diễn biến hoà bình" thực thi chủ nghĩa bành trướng từ trước đến nay và mãi sau này nhằm xâm lược, thôn tính Việt Nam. Sự chỉ đạo này, đã chà đạp lên sự thật lịch sử và mối quan hệ tốt đẹp của nhân dân hai nước Trung Quốc và Việt nam. Hành vi chiếm đoạt Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam do đảng Cộng Sản Trung Quốc chỉ đạo quân đội Trung Quốc xâm lược Việt Nam là không thể chấp nhận .Người dân yêu nước Việt Nam không chỉ biểu tình , mà còn cương quyết đòi lại toàn vẹn lãnh thổ mà lịch sử đã minh chứng Hoàng Sa , Trường Sa là của Việt Nam.

          Duy Nguyen, Sài Gòn
          Quá hay, hoàn toàn đồng ý.

          Nguyen Duc Phu, Hà Nội
          Một bài viết với lập luận rất chặt chẽ. Tôi hoàn toàn đồng ý. Còn anh Tommy nói cái gì tôi không hiểu. Nguyễn Quang làm TS ở Pháp cũng phải qua đò môn CN Mác-Lênin à?

          Tommy, Sài Gòn
          Cách so sánh của anh hơi khặp khiểng, vì ở đây là hai nhà nước cộng sản nói chuyện với nhau chứ không phải Mỹ nói chuyện với Đức. Đối với họ thì biểu tình là vấn đề ngoại giao cho dù bất cứ lý do gì. Nếu lấy lý luận của xã hội dân chủ mà áp đặt lên xã hội XHCN thì coi chừng bị người CS nói là rập khuôn giáo điều. Anh mà làm luận án TS trong nước thì rớt là cái chắc vì không quán triệt quan điểm Mác-xít và tư tưởng HCM.

          http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2007/12/071212_chinavietnamnguyenquang.shtml
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 23.12.2007 13:31:38 bởi Ngọc Lý >
          #5
            Ngọc Lý 09.01.2008 13:51:46 (permalink)
            .
            Vài Ý-Kiến Nhân Đọc Bài Phỏng-Vấn Thứ-Trưởng Bộ Ngoại-Giao Vũ Dũng Về Vấn-Dề Biên-Giới Trên Báo Nhân-Dân
            Trương Nhân Tuấn
            06-01-2008

            ©Vietnam Review




            Báo Nhân-Dân hôm 2 tháng 1 năm 2008 có đăng bài phỏng-vấn ông Vũ Dũng, Thứ-Trưởng bộ Ngoại-Giao kiêm Chủ-Nhiệm Ủy-Ban Biên-Giới Quốc-Gia nhân-dịp tỉnh Lào-Cai hoàn-thành công-tác phân-giới cắm-mốc trên thực-địa với tỉnh Vân-Nam, Trung Quốc. Toàn-bộ bài phỏng-vấn đăng ở link http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=37&sub=50&article=112915 (đăng lại ở phần cuối) Tác-giả bài viết này có một số nhận-xét về bài phỏng vấn, phần liên-quan đến đường biên-giới, lần-lượt ghi lại theo thứ-tự các câu hỏi của phóng-viên báo Nhân-Dân như sau :

            1/ Hỏi: Xin ông cho biết ý nghĩa của việc hoàn thành phân giới cắm mốc (PGCM) biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc tại địa bàn tỉnh Lào Cai?

            Trả lời: Với việc cắm cột mốc số 144 tuần qua, công tác PGCM trên tuyến biên giới của tỉnh Lào Cai của Việt Nam với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đã kết thúc thắng lợi…

            Người ta không thể nói việc cắm mốc khu-vực biên-giới này là thắng-lợi nếu người ta nắm rõ tình-hình biên-giới Việt-Trung. Việc cắm mốc được bắt đầu từ cuối năm 2001, tức đã 6 năm qua và đoạn biên-giới Lào-Cai là đoạn ngắn nhất, dễ cắm mốc nhất so với các tỉnh khác như Cao-Bằng, Lạng-Sơn.

            Biên-giới trên bộ giữa Việt-Nam và Trung-Quốc dài khoảng 1.400Km, đi qua các tỉnh thuộc Việt-Nam từ Đông sang Tây là Quảng-Ninh, Lạng-Sơn, Cao-Bằng, Hà-Giang, Lào-Cai và Lai-Châu. Hai tỉnh Lào-Cai và Quảng-Ninh có đường biên-giới ngắn hơn nhiều so với các tỉnh còn lại. Đặc-biệt đường biên-giới Lào-Cai với Vân-Nam hầu hết là biên-giới thiên-nhiên do sông, suối cấu thành. Vùng biên-giới Lào-Cai chỉ được xác-định vỏn-vẹn bằng 4 giới-điểm chiếu theo Hiệp-Ước Biên-Giới 20-12-1999 (HUBG), là các giới-điểm 6,7,8 và 9 (tức chỉ có 3 đoạn biên-giới trên tổng số 60 đoạn). Theo HUBG, nếu biên-giới theo sông hay suối thì không cắm mốc mà chỉ xác-định đường biên-giới qua đường trung-tuyến dòng chảy hay trung-tuyến luồng tàu bè qua lại và chủ-quyền các cồn, bãi nếu có trên sông hay suối. Như thế biên-giới Lao-Cai với Vân-Nam chỉ phải cắm mốc trên chiều dài vài ba chục ki-lô-mét. Điều đáng chú ý khác đoạn biên-giới Lào-Cai – Vân-Nam không có những tranh-chấp lãnh-thổ làm thay đổi đường biên-giới lịch-sử (tức đường biên-giới theo các công-ước Pháp-Thanh 1887 và 1895). Các đoạn biên-giới có tranh-chấp được thể-hiện qua HUBG ở các điểm « đường biên-giới theo đường đỏ », tức hai bên không đồng-ý bản-đồ của Nha Địa-Dư Pháp vẽ theo các công-ước 1887 và 1895 mà phải thuơng-lượng lại.

            Phải 6 năm mới hoàn-tất được vài mươi cây-số khu-vực Lào-Cai cho thấy đây không phải là một « thắng-lợi lớn » như ông Vũ Dũng nói.

            Nguyên-văn phần mô-tả đường biên-giới Lào-Cai theo HUBG sau đây (1), các chữ viết màu xanh là đoạn biên-giới phải cắm mốc.

            2/ Hỏi: Xin ông cho biết thực trạng tình hình PGCM (tức phân giới, cắm mốc, chú thích của tác-giả) trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và khả năng hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ này trước tháng 6-2008?

            Trả lời: Biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc dài khoảng 1.400 km. Hai bên thống nhất cắm khoảng 1.800 cột mốc, trong đó có 1.533 mốc chính và gần 300 mốc phụ.

            Kể từ khi cắm mốc giới đầu tiên đến nay các lực lượng PGCM của hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã hoàn thành hơn 85% khối lượng công việc PGCM trên thực địa… Ngoài Lào Cai, các tỉnh Lai Châu, Quảng Ninh cũng đã hoàn thành hơn 95% công việc, Nhóm PGCM số sáu thuộc tỉnh Hà Giang cũng vừa hoàn thành toàn bộ công việc trên thực địa… chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng công tác PGCM trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc sẽ hoàn thành thắng lợi trong sáu tháng đầu năm 2008 như thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước

            Đường biên-giới tỉnh Quảng-Ninh, tương-tự như tỉnh Lào-Cai, là đường biên-giới ngắn so với các tỉnh khác và một phần là biên-giới thiên-nhiên do sông, suối cấu-tạo thành. Đường biên-giới này tương-ứng khoảng từ mốc-giới 56 đến mốc giới 61 của HUBG, tức chỉ có 5 đoạn biên-giới trên tổng-số 60 đoạn. Trong đó có một vùng tranh-chấp lãnh-thổ, ghi lại qua HUBG bằng câu « đường biên-giới theo đường đỏ », được viết bằng màu đỏ (2).

            Đoạn màu đỏ tương-ứng trên thực-địa là vùng Trình-Tường. Tài-liệu của nhà-nước CSVN do Nhà Xuất-Bản Sự-Thật phát hành năm 1979 mang tựa đề « Vấn Đề Biên-Giới giữa Việt-Nam và Trung-Quốc » mô-tả lại nguyên-nhân và hậu-quả của tranh-chấp vùng Trình-Tường như sau :

            « Lợi-dụng đặc-điểm là núi-sông hai nước ở nhiều nơi liền một dải, nhân-dân hai bên biên-giới vốn có quan-hệ họ-hàng, dân-tộc, phía Trung-Quốc đã đưa dân họ vào những vùng lãnh-thổ Việt-Nam để làm ruộng, làm nương, rồi định-cư những người dân đó ở luôn chỗ có ruộng, nương, cuối cùng nhà cầm-quyền Trung-Quốc ngang-ngược coi những khu-vực đó là lãnh-thổ Trung-Quốc.

            Khu-vực Trình-Tường thuộc tỉnh Quảng-Ninh là một thí-dụ điển-hình cho kiểu lấn-chiếm đó. Khu-vực này được các văn-bản và các bản-đồ hoạch-định và cắm mốc xác-định rõ-ràng là thuộc lãnh-thổ Việt-Nam: đường biên-giới lịch-sử tại đây đi qua một dải núi cao, chỉ rõ làng Trình-Tường và vùng chung-quanh là lãnh-thổ Việt-Nam. Trên thực-tế, trong bao nhiêu đời qua, những người dân Trình-Tường, những người dân Trung-Quốc sang quá-canh ở Trình-Tường đều đóng thuế cho nhà đương-cục Việt-Nam. Nhưng từ năm 1956, phía Trung-Quốc tìm cách nắm số dân sang làm ăn ở Trình-Tường bằng cách cung-cấp cho họ các loại tem phiếu mua đường, vải, và nhiều hàng khác, đưa họ vào công-xã Ðồng-Tâm thuộc huyện Ðông-Hưng, khu tự-trị Choang - Quảng-Tây. Nhà đương-cục Trung-Quốc ngiễm-nhiên biến một vùng lãnh-thổ Việt-Nam, dài 6 km, sâu hơn 1.300 m thành sở-hữu tập-thể của một công-xã Trung-Quốc. Từ đó, họ đuổi những người Việt-Nam đã nhiều đời nay làm ăn sinh-sống ở Trình-Tường đi nơi khác, đặt đường dây điện-thoại, tự cho phép đi tuần-tra khu-vực này, đơn-phương sửa lại đường biên-gới sang đồi Khâu-Thúc của Việt-Nam. Tiếp đó họ đã gây ra rất nhiều vụ hành-hung, bắt cóc công-an vũ-trang Việt-Nam đi tuần-tra theo đường biên-giới lịch-sử và họ phá-hoại hoa-mầu của nhân-dân địa-phương ».

            Theo biên-bản phân-giới cắm mốc ngày 21 tháng 12 năm 1893 của công-ước Pháp-Thanh 1887, biên-giới vùng Trình-Tường tương-ứng các cột mốc 30, 31, 32, được xác-định nguyên-văn như sau:

            «La frontière suivra ensuite le cours de ce même affluent jusqu’à son intersection avec le ruisseau qui prend sa source à 500 mètres de 呈祥 (en annamite Trinh Tuong, en chinois Tcheng Siang) ; elle suivra ce ruisseau depuis cette intersection jusqu’à sa source ; de là, elle se dirigera par des lignes droites jusqu’à 北崗 (en annamite Bac Cuong Aï, en chinois Pé Kang Aï), passant par les sommets 675, 812 et 746 qui se trouvent au N.O. de Trinh Tuong.

            Le village de Trinh Tuong appartient à l’Annam ; ceux de 衞慙 (en annamite Vệ Tàm, en chinois Shu Tsan) et de 矯曹(en annamite Kiểu-Tào, en chinois Kiao Tsao) à la Chine. »

            Tạm dịch : Ðường biên-giới sau đó theo dòng chảy của phụ-lưu nói trên cho tới giao điểm của phụ-lưu này với con suối mà nguồn của nó cách Trình-Tường 呈祥 (Tcheng-Siang) 500 m ; đường biên-giới theo dòng suối từ giao-điểm này cho tới nguồn của nó. Từ đây đường biên-giới là những đường thẳng nối cho tới Bắc-Cương Ải 北崗, đi ngang qua các đỉnh 675, 812 và 746 ở phía Tây-Bắc Trình-Tường.

            Làng Trình-Tường thuộc về Việt-Nam ; các làng Vệ-Tàm 衞慙 ( Shu-Tan) và Kiểu-Tào 矯曹(Kiao Tsao) thì thuộc về Trung-Hoa. »

            Nguyên-văn biên-bản cắm mốc các cột mốc chung-quanh vùng Trình-Tường như sau :

            BORNE n° 30
            à 60 mètres au S.E. du village de 那沙 (en annamite Na Sa, en chinois Na Cha).
            Repérage (azimuths magnétiques)
            Cote 327 65°
            Poste de Hoan Mô (côté Ouest) 343°

            BORNE COMMUNE n° 31
            à 600 mètres à l’Est de 呈祥 (en annamite Trinh Tuong, en chinois Tcheng Siang).
            Repérage (azimuths magnétiques)
            Poste de Hoan Mô 347°
            Sommet du 東另嶺 (en annamite Đông Lánh Lãnh, en chinois Toung Linh Ling)
            cote 763 210°

            BORNE COMMUNE n° 32
            à 1160 mètres au N.N.O. du village de Trinh Tuong.
            Repérage (azimuths magnétiques)
            Sommet du Ðông-Lánh-Lãnh 176°
            Sommet du (en annamite Pha Lai Lanh, en chinois Pa Lai Ling)
            cote 895 73°

            BORNE COMMUNE n° 33
            au col situé entre les côtes 746 et 750 ; à 340 métres au S ; de la vallée de Bac Cuong Aï.

            Biên-bản của công-ước Pháp-Thanh xác-định rõ rệt làng Trình-Tường thuộc về Việt-Nam cũng như các cột mốc xác-định vị-trí đường biên-giới. Nếu văn-bản này được đưa ra thì phía Trung-Quốc không có lý-do gì dành đất của Việt-Nam (nếu họ tôn-trọng công-ước 1887).

            Đến nay tỉnh Quảng-Ninh đạt được 95% công việc. Chắc-chắn 5% còn lại là khúc xương khó nuốt tên Trình-Tường. Biên-giới vùng Trình-Tường đã được Ủy-Ban Phân-Giới do ông Galliéni vẽ bản-đồ (năm 1893) rất chính-xác. Bộ bản-đồ 1/50.000 của Sở Địa-Dư Đông-Dương cũng vẽ rất rõ-rệt vùng này. Việc khó-khăn chắc-chắn là do phía Trung-Quốc đã chiếm và cho dân đến sinh-sống từ nhiều thập niên (từ năm 1956). Biện-pháp nào giải quyết cho những người dân Hoa trên đất Việt này ? Phía Trung –Quốc thì luôn có luận-cứ : Nếu là đất Việt thì làm sao có dân Hoa được ? Và như vậy trên đường biên-giới có vài mươi trường-hợp tương-tự như vùng Trình-Tường.
            Ông Vũ Dũng tin-tưởng các đội phân-giới – cắm mốc sẽ hoàn-tất vào tháng 6 năm này nhưng có lẽ đây là lời tiên-đoán lạc-quan, không thuyết-phục.

            3/ Hỏi: Một số mạng nước ngoài đưa tin thất thiệt rằng, Việt Nam bị mất đất. Ông có bình luận gì về ý kiến này?

            Trả lời: Chủ quyền lãnh thổ là vấn đề hết sức thiêng liêng đối với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào. Ðối với dân tộc Việt Nam thì chủ quyền lãnh thổ lại càng thiêng liêng cao cả. Dân tộc ta từ nghìn xưa đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Gần tám thập kỷ qua, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Bác Hồ kính yêu, đã đi qua những cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ, chịu đựng những hy sinh, mất mát to lớn để giữ vững chủ quyền lãnh thổ của mảnh đất thân yêu này…Chỉ có thể giải thích rằng những mạng này hoặc do thiếu thông tin hoặc cố tình làm sai lệch thông tin vì những ý đồ khác nhau.

            Tước tiên là nhận-xét về cách đặt câu hỏi của phóng-viên báo Nhân-Dân. Chúng tôi cho rằng cách đặt câu hỏi như thế thật không đúng điệu, nếu không nói là vừa thiếu lương-tâm vừa vô trách nhiệm. Người cầm bút lương-thiện không ai đặt như thế. Ký-giả cho rằng « Một số mạng nước ngoài đưa tin thất thiệt rằng, Việt Nam bị mất đất ». Căn-cứ vào đâu ký-giả cho rằng người ta loan tin thất-thiệt ?

            Vấn-đề mất đất đã quá rõ-ràng ở một số địa-điểm mà các bằng-chứng đến từ các cơ-quan như bộ Ngoại-Giao, các viên-chức thẩm-quyền của nhà nước CSVN hay từ các tài-liệu phân-giới Pháp-Thanh 1885-1897, hiện đang tồn-trữ ở Văn-Khố Hải-Ngoại Pháp-Quốc (Centre des Archives d’Outre Mer - CAOM) tại Aix-En-Provence. Nó đã là những sự thật hiển-nhiên, người viết sẽ trở lại ở dưới. Về biển cũng thế, trong Vịnh Bắc-Việt nhà-nước CSVN đã làm mất 11.000km² lãnh-hải Việt-Nam cho Trung-Quốc do hậu-quả hiệp-ước tháng 12 năm 2000. Số-phận quần-đảo Hoàng-Sa có thể sẽ vĩnh-viễn thuộc về Trung-Quốc nếu công-hàm 1958 của chủ-tịch Hồ Chí Minh (do thủ-tướng Phạm Văn Đồng ký) được một tòa-án quốc-tế công-nhận hiệu-quả của nó.

            Ông Vũ Dũng cho rằng : « Chỉ có thể giải thích rằng những mạng này hoặc do thiếu thông tin hoặc cố tình làm sai lệch thông tin vì những ý đồ khác nhau ».

            Đất đai, đường biên-giới lịch-sử (1887), đường biên-giới hiện nay (1999) vẫn còn nguyên-vẹn, một mặt trên giấy-tờ lịch-sử và pháp-lý, một mặt trên thực-địa. Nếu ông Vũ Dũng cho rằng những « mạng này » thiếu thông-tin thì phải cung-cấp thông-tin cho người ta. Không thể một mặt dấu thông-tin mặt khác cho rằng nguời ta thiếu thông-tin được. Làm thế là thiếu trách-nhiệm. Và cũng cần khẳng-định là không ai có « ý-đồ » nào trong vấn-đề lãnh-thổ, lãnh-hải quốc-gia ngoài « ý-đồ » yêu nước, muốn bảo-vệ lãnh-thổ. Ông Vũ Dũng sẽ gặp nhiều khó-khăn để bênh-vực hành-vi mà một bộ-phận lớn nhân-dân Việt-Nam cho là « bán nước nhượng biển » của chế-độ hiện-tại.
            Riêng về ký-giả phỏng-vấn, thiển-nghĩ, xưa nay đã đi « dưới tấm chỉ đường của trí-tuệ », đã quen thói đi một bên lề đường, cây viết của họ là « cần câu cơm ». Vì thế cũng thông-cảm cho việc sai sót. Tuy nhiên, chuyện của đất nước là chuyện trọng-đại, khi khác nếu có viết thì nên cân-nhắc.

            4/ Hỏi: Gần đây có nhiều dư luận khác nhau về việc phân định khu vực thác Bản Giốc và khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, xin Thứ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?

            Trả lời: Như trên tôi đã nói, căn cứ quan trọng nhất để xây dựng Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc là các Công ước Pháp - Thanh năm 1887 và 1895. Do hạn chế của điều kiện lịch sử, các văn bản pháp lý về hoạch định và PGCM giữa Pháp và Nhà Thanh có những điểm quy định không rõ ràng. đường biên giới được vẽ trên bản đồ tỷ lệ lớn từ 1/20.000 đến 1/500.000, có nghĩa một mi-li-mét trên bản đồ tương đương với từ 20 m đến 500 m trên thực địa. Hơn nữa, địa hình trên bản đồ không hoàn toàn phù hợp với địa hình trên thực địa, nên rất khó xác định hướng đi của đường biên giới tại các khu vực này. Chính vì vậy tại các khu vực này đã xảy ra tranh chấp rất phức tạp và kéo dài.

            Tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, theo các văn bản pháp lý lịch sử, đường biên giới luôn nằm phía nam Ải Nam Quan. Trấn Nam Quan do Trung Quốc xây dựng vẫn thuộc Trung Quốc, chứ không phải đường biên giới đi qua Ải Nam Quan như một số người vẫn hiểu.

            Thác Bản Giốc gồm hai phần: phần thác cao hoàn toàn thuộc Việt Nam, không có tranh chấp; phần thác thấp gắn liền với sông Quây Sơn. Theo Công ước Pháp - Thanh, đường biên giới đi giữa sông Quây Sơn đến thác và mốc 53 nằm phía trên thác đánh dấu sự chuyển hướng đường biên giới từ sông lên bờ. Hiện nay ta và Trung Quốc chưa PGCM đoạn biên giới khu vực này nhưng có thể khẳng định phần thác cao hoàn toàn thuộc Việt Nam, phần thác thấp sẽ được phân giới theo luật pháp và tập quán quốc tế về trung tuyến dòng chảy hoặc trung tuyến tàu thuyền đi lại được, hoàn toàn không có chuyện Việt Nam mất thác Bản Giốc như một số người nói. Hàng triệu lượt khách du lịch đến thác Bản Giốc đều biết rất rõ điều này.

            Như vậy, có thể khẳng định rằng, về tổng thể, các giải pháp đạt được trong việc giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền nói chung và đối với hai khu vực cụ thể nói trên là thỏa đáng, đáp ứng được lợi ích và nguyện vọng của cả hai bên.

            a/ Vấn-đề khu-vực Nam-Quan :

            Ở trên ông Vũ Dũng đã cho rằng « các mạng » loan tin sai hoặc vì do thiếu thông-tin, hoặc vì do có « ý-đồ ». Nhưng đọc phần trả lời của ông Vũ Dũng về khu-vực Nam-Quan người ta không khỏi nghi-ngờ về sự hiểu biết « thông-tin » của ông Dũng. Ông Dũng thiếu thông-tin hay ông có « ý-đồ » ?

            Ông Dũng là Thứ-Trưởng bộ Ngoại-Giao kiêm Chủ-Nhiệm Ủy-Ban Biên-Giới Quốc-Gia, ông phải thông-hiểu các vấn-đề liên-quan đến biên-giới hơn ai hết. Ông nói « Tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, theo các văn bản pháp lý lịch sử, đường biên giới luôn nằm phía nam Ải Nam Quan ». Điều này không sai nhưng không ai nói như thế vì nó không có ý nghĩa gì hết. Đường biên-giới ở phía Nam của Nam-Quan, ta thấy Hà-Nội hay Sài-Gòn đều ở phía Nam của Nam-Quan, phải chăng đưòng biên-giới qua các nơi này ?

            Đường biên-giới tại cổng Nam-Quan được xác-định ra sao theo các công-ước Pháp-Thanh ?

            Biên-bản phân-định ký ngày 7 tháng 4 năm 1886 của hai phái-đoàn Pháp và nhà Thanh tại Đồng-Đăng như sau :

            La Commission de Délimitation Franco-Chinoise a reconnu, le sept avril mil huit cent quatre-vingt-six, qu’à partir du point situé à cent mètres en avant de la Porte de Nam-Quan, sur la route de Nam-Quan à Ðồng-Ðăng, la frontière remonte à l’Ouest jusqu’au sommet de la montagne rocheuse sur lequel est situé le fort marqué A sur le croquis ci-joint, suit à partir de ce fort le haut de la muraille rocheuse qui domine la route de Ðồng-Ðăng jusqu’au point marqué B sur le croquis. Ce point B se trouve à l’endroit où le sentier qui, se détachant de la route de Ðồng-Ðăng à Nam-Quan, conduit au village de Lung-Ngieu, coupe la muraille rocheuse. Elle suit ensuite ce même chemin jusqu’au la Porte du village de Lung-Ngieu. A partir de cette Porte elle reprend le haut des rochers qui contournent le cirque du village de Lung-Ngieu pour arriver à un point marqué C. Du point C elle se dirige à l’Ouest jusqu’à la Porte de Kida.
            ....
            Tạm dịch:

            Biên-bản số 4.

            Ủy-Ban Pháp-Hoa Phân-Ðịnh Biên-Giới nhìn-nhận, nhằm ngày bẩy tháng tư năm một ngàn tám trăm tám mươi sáu, từ một điểm được xác-định cách cổng Nam-Quan 100 thước trên đường từ Nam-Quan về Ðồng-Ðăng, đường biên-giới theo hướng Tây đi lên đến đỉnh ngọn núi đá mà trên đó có một đồn-binh được đánh dấu là điểm A ở trên sơ-đồ kèm theo đây, sau đó đường biên-giới đi từ điểm nầy theo đỉnh cao của bức tường núi đá nhìn xuống con đường Ðồng-Ðăng cho đến điểm B đánh dấu trên sơ-đồ. Ðiểm B là điểm mà con đường mòn - đường mòn nầy là một nhánh rẽ của con đường Ðồng-Ðăng đi Nam-Quan - dẫn đi đến làng Lũng-Ngọ cắt bức tường núi đá. Ðường biên-giới theo con đường mòn nầy cho đến Cổng làng Lũng-Ngọ. Từ cổng nầy đường biên-giới đi lên ngọn rặng núi đá bọc quanh thung-lũng của làng Lung-Ngieu để đi đến điểm C. Từ điểm C đường biên-giới đi về hướng Tây cho đến cửa Du.

            Tài-liệu khác là biên-bản tổng-hợp ký-kết giữa đại-tá Galliéni và ông tri-phủ Long-Châu tên Thái Hy Bân ngày 19 tháng 6 năm 1894, cột mốc tại Nam-Quan được ghi-nhận như sau: Tên Nam-Quan, Mang số 18, cắm trên đường Nam-Quan về Ðồng-Ðăng, cách cổng Nam-Quan 100 mét. (A environ 100m en avant de la porte de Nam-Quan). Biên-bản tiếng Hán thì cột mốc số 18 mang tên Trấn Nam Quan Ngọai 鎭南關外 .

            Như thế cột mốc tại Nam-Quan đã được xác-định một cách rõ-rệt trên hai biên-bản : biên-bản phân-định 7 tháng 4 năm 1886 và biên-bản phân-giới, cắm mốc ngày 19 tháng 6 năm 1894, ghi rõ tên và vị-trí cột mốc bằng 2 thứ tiếng (Pháp và Hoa). Mô-tả như thế không thể chính-xác hơn được nữa.

            Thế mà ông Dũng nói là : « các văn bản pháp lý về hoạch định và PGCM giữa Pháp và Nhà Thanh có những điểm quy định không rõ ràng ».

            Tài-liệu của bộ Ngoại-Giao, nơi ông Vũ Dũng làm việc đến chức Thứ-Trưởng, công-bố năm 1979 qua nhà Xuất-Bản Sự-Thật, nói về Nam-Quan như sau :

            Năm 1955, tại khu-vực Hữu-Nghị Quan, khi giúp Việt-Nam khôi-phục đoạn đường sắt từ biên-giới Việt-Trung đến Yên-Viên, gần Hà-Nội, lợi-dụng lòng tin của Việt-Nam, phía Trung-Quốc đã đặt điểm nối ray đường sắt Việt-Trung sâu trong lãnh-thổ Việt-Nam trên 300m so với đường biên-giới lịch-sử, coi điểm nối ray là điểm mà đường biên-giới giữa hai nước đi qua. Ngày 31 tháng 12 năm 1974, Chính-Phủ Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa đã đề-nghị chính-phủ hai nước giao cho ngành đường sắt hai bên điều-chỉnh lại điểm nối ray cho phù-hợp với đường biên-giới lịch-sử nhưng họ một-mực khước-từ bằng cách hẹn đến khi hai bên bàn toàn-bộ vấn-đề biên-giới thì sẽ xem-xét. Cho đến nay họ vẫn trắng-trợn ngụy-biện rằng khu-vực hơn 300m đường sắt đó là đất Trung-Quốc với lập-luận rằng “không thể có đường sắt nuớc này đặt trên lãnh-thổ nước khác”.

            Cũng tại khu-vực này, phía Trung-Quốc đã ủi nát mốc biên-giới số 18 nằm cách cửa Nam-Quan 100m trên đường Quốc-Lộ để xóa vết-tích đường biên-giới lịch-sử, rồi đặt cột mốc ki-lô-mét 0 đường bộ sâu vào lãnh-thổ Việt-Nam trên 100m, coi đó là vị-trí đường quốc-giới giữa hai nước ở khu-vực này.

            Như vậy, họ đã lấn-chiếm một khu-vực liên-hoàn từ đường sắt sang đường bộ thuộc xã Bảo-Lâm, huyện Văn-Lãng, tỉnh Lạng-Sơn của Việt-Nam, dài 3.100km (có lẽ ghi sai, m chứ không thể km, chú-thích của tác-giả) và vào sâu đất Việt-Nam 0,500 km. Năm 1975, tại khu-vực mốc 23 (xã Bảo-Lâm, huyện Văn-Lãng, tỉnh Lạng-Sơn), họ định diễn lại thủ-đoạn tương-tự khi hai bên phối hợp đặt ống dẫn dầu chạy qua biên-giới: phía Việt-Nam đề-nghị đặt điểm nối ống dẫn dầu đúng đường biên-giới, họ đã từ-chối, do đó bỏ dở công-trình này.

            Như thế phía Việt-Nam nắm vững hoàn-toàn nội-dung công-ước Pháp-Thanh, phần liên-quan đến Nam-Quan.

            Ông Vũ Dũng không thể không biết việc cột mốc mang số 18 cách cổng Nam-Quan 100m đã bị Trung-Quốc « ủi nát » và biên-giới tại đây đã lấn vô phía Việt-Nam trên 100m từ thời ông Hồ còn làm Chủ-Tịch nước.

            Ông Dũng diễn-dịch đường biên-giới vùng Nam-Quan với ngôn-ngữ rất « ngoại-giao », rất chung chung, không nói chính-xác cột mốc tại Nam-Quan thời Pháp và nhà Thanh họ cắm tại đâu, cột mốc này sang thời chủ-tịch Hồ Chí Minh thì bị Trung-Quốc « ủi nát » và lấn đất ra sao. Ông không nói thì mọi người cũng thông-cảm thôi. Vì nói ra thì để lộ cái tội không giữ được nước của Bác Hồ mà ông đã không hết lời ca ngợi : Gần tám thập kỷ qua, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Bác Hồ kính yêu, đã đi qua những cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ, chịu đựng những hy sinh, mất mát to lớn để giữ vững chủ quyền lãnh thổ của mảnh đất thân yêu này…

            Giữ thế nào mà lại viết công-hàm nhượng đảo 1958, ký hiệp-ước nhượng đất và biển năm 1999 và năm 2000 ? Thật mĩa-mai phải không ông Vũ Dũng ?

            b/ Vấn-đề thác Bản-Giốc :

            Ông Vũ Dũng nói rằng : Thác Bản Giốc gồm hai phần: phần thác cao hoàn toàn thuộc Việt Nam, không có tranh chấp; phần thác thấp gắn liền với sông Quây Sơn. Theo Công ước Pháp - Thanh, đường biên giới đi giữa sông Quây Sơn đến thác và mốc 53 nằm phía trên thác đánh dấu sự chuyển hướng đường biên giới từ sông lên bờ.

            Đây cũng là ngôn-ngữ « ngoại-giao », chỉ nói chung chung, hiểu sao cũng đúng. Con sông Qui-Xuân (Quây-Sơn) bắt nguồn từ Trung-Quốc, chảy vào Việt-Nam (qua Ải Lung, cột mốc 81), cắt một góc Đông-Bắc Cao-Bằng, và chảy vào lại Trung-Quốc (mốc 30, 31, 32). Phần trên hay phần dưới thác đều thuộc sông Qui-Xuân. Đoạn trên thuộc Việt-Nam, đoạn dưới sông này (khoảng các cột mốc 30-31-32) con sông là đường biên-giới. Nhưng thác Bản-Giốc nằm ở đâu ?

            Ông Dũng cho rằng thác gồm hai phần, phần trên và phần dưới, nhưng nói vậy là thiếu.

            Chỉ nói về trường-hợp thác Bản-Giốc. Thác Bản-Giốc là một loại thác bậc thềm (có 3 bậc), cao khoảng 50m. Như thế thác Bản-Giốc (cũng như các thác nước khác) có 3 phần : phần trên (là sông), phần giữa (là thác), phần dưới (là sông). Phần giữa thác Bản-Giốc cao khoảng 50m. Ông Dũng nói thác có hai phần để khỏi cắt nghĩa lôi-thôi về phần giữa, tức phần quan-trọng nhất, cái thác thuộc về nước nào ?

            Ký-giả phỏng-vấn rõ-ràng không có kiến-thức (thông-tin) về thác nước.

            Nhưng thực ra vị-trí thác Bản-Giốc trên sông Qui-Xuân (Quây-Sơn) không đơn-giản như ông Dũng mô-tả. Sự thật về thác Bản-Giốc như thế nào ? Thác này theo tài-liệu lịch-sử thì thuộc về ai ? Quí độc-giả có thể xem bài viết sau đây, có đầy đủ hình-ảnh, tài-liệu lịch-sử và pháp-lý đính kèm. http://www.congdongnguoiviet.fr/TaiLieu/tlTimHieuChuQuyenBanGioc.htm

            Trong bài viết này chúng tôi chỉ xin trưng ra tài-liệu của bộ Ngoại-Giao Việt-Nam công-bố năm 1979 nói về chủ-quyền thác Bản-Giốc.

            « Năm 1955-1956, Việt-Nam đã nhờ Trung-Quốc in lại bản-đồ nước Việt-Nam tỉ-lệ 1/100.000. Lợi-dụng lòng tin của Việt-Nam, họ đã sửa ký-hiệu một số đoạn đường biên-giới dịch về phía Việt-Nam, biến vùng đất của Việt-Nam thành của Trung-Quốc. Thí-dụ: họ đã sửa ký-hiệu ở khu-vực thác Bản-Giốc (mốc 53) thuộc tỉnh Cao-Bằng, nơi họ định chiếm một phần thác Bản-Giốc của Việt-Nam và cồn Pò-Thoong….

            Tại khu-vực cột mốc 53 (xã Ðàm-Thủy, huyện Trùng-Khánh, tỉnh Cao-Bằng) trên sông Qui-Thuận có thác Bản-Giốc, từ lâu là của Việt-Nam và chính-quyền Bắc-Kinh cũng đã công-nhận sự thật đó. Ngày 29 tháng 2 năm 1976, phía Trung-Quốc đã huy-động trên 2.000 người kể cả lực-lượng vũ-trang lập-thành hàng rào bố-phòng dày-dặc bao-quanh toàn-bộ khu-vực thác Bản-Giốc thuộc lãnh-thổ Việt-Nam, cho công-nhân cấp-tốc xây-dựng một đập kiên-cố bằng bê-tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên-giới, làm việc đã rồi, xâm-phạm lãnh-thổ Việt-Nam trên cồn Pò-Thoong và ngang-nhiên nhận cồn này là của Trung-Quốc. »

            Theo tài-liệu dẫn trên và các tài-liệu lịch-sử thì thác Bản-Giốc hoàn-toàn thuộc về Việt-Nam.

            Ta thấy mới đây, phát-ngôn-nhân Trung-Quốc ông Tần Cương có cho rằng phe Việt-Nam thay đổi quan-điểm theo thời-gian. Ông này nói đúng. Thác Bản-Giốc đang của Việt-Nam bây giờ thành của Trung-Quốc ½.

            Ông Dũng nói rằng vùng Bản-Giốc chưa phân-giới : « Hiện nay ta và Trung Quốc chưa PGCM đoạn biên giới khu vực này nhưng có thể khẳng định phần thác cao hoàn toàn thuộc Việt Nam, phần thác thấp sẽ được phân giới theo luật pháp và tập quán quốc tế về trung tuyến dòng chảy hoặc trung tuyến tàu thuyền đi lại được, hoàn toàn không có chuyện Việt Nam mất thác Bản Giốc như một số người nói. Hàng triệu lượt khách du lịch đến thác Bản Giốc đều biết rất rõ điều này ».

            Từ lâu phía Trung-Quốc đã đặt tên thác Bản-Giốc của Việt-Nam là Đức Thiên Bộc Bố và cho khai-thác du-lịch. Thác này được giới thiệu trên tờ quảng-cáo du-lịch « Guangxi Carte Touristique » như là « première grande chute d’eau transnationale de l’Asie ».

            Nếu chưa phân-giới thì tại sao Trung-Quốc có thể làm việc này được? Ông Dũng lại nói sai.

            Kết-luận: Không ngoại-lệ, ông Vũ Dũng, không khác các nhân-vật tương-tự như Thứ-Trưởng bộ Ngoại-Giao Lê Công Phụng, ông Bộ-Trưởng Nguyễn Dy Niên trong quá-khứ, tất-cả những tuyên-bố hay trả lời phỏng-vấn của các ông này chỉ làm cho vấn-đề biên-giới càng mù-mờ thêm. Ở hai điểm trên biên-giới được đề-cập là Nam-Quan và Bản-Giốc, nội-dung bài trả lời của ông Vũ-Dũng không khác ông Lê Công Phụng, tức cả hai chối quanh là không có mất đất, có điều ông Dũng có cái lưỡi gỗ chuyên-nghiệp hơn ông Phụng. Việc công-tác cắm mốc kéo dài cho thấy đã có những tranh-chấp sôi-nổi chủ-quyền một số vùng đất trên biên-giới. Ở Nam-Quan, Bản-Giốc với những bằng-chứng cụ-thể như vậy cho thấy Việt-Nam có mất đất cho Trung-Quốc, nhà-nước CSVN không thể ngụy-biện. Chúng tôi nghĩ rằng, nhà-nước CSVN không thể bưng-bít thông-tin mãi như thế được. Ông Vũ Dũng, với trách-nhiệm đang có, nên công-bố bộ bản-đồ đính-kèm hiệp-ước 1999, một bộ-phận không thể tách-rời của HUBG 1999. Chỉ có việc công-bố này mới có thể giải-tỏa mọi ngộ-nhận bất-lợi nơi dư-luận và chứng-tỏ đây là một nhà-nước có trách-nhiệm.


            Tài-liệu tham-khảo: hồ-sơ phân-định biên-giới CAOM. Xem Biên-Giới Việt-Trung 1885-2000 – Lịch-sử thành-hình và những tranh-chấp xuất bản năm 2005 của cùng tác-giả.

            (1) Từ giới điểm số 6, đường biên giới theo sống núi, hướng Tây Nam đến một điểm gần yên ngựa phía Đông Bắc điểm có độ cao 2546 trong lãnh thổ Việt Nam, sau đó theo khe, hướng Đông Nam đến đầu nguồn suối Lũng Pô (Hồng Nham), rồi xuôi theo suối Lũng Pô (Hồng Nham) và hạ lưu của nó, hướng chung Đông Bắc đến hợp lưu suôn này với sông Hồng, từ đó đường biên giới xuôi sông Hồng, hướng Đông Nam đến hợp lưu sông Hồng với sông Nậm Thi (Nam Khê), tiếp đó ngược sông Nậm Thi (Nam Khê), hướng chung Đông Bắc đến hợp lưu sông Nậm Thi (Nam Khê) với sông Bá Kết (Bá Cát), rồi ngược sông Bá Kết (Bát Tự), hướng chung là hướng Bắc đến hợp lưu sông này với một nhánh suối không tên, sau đó ngược nhánh suối không tên đó, hướng Bắc đến giới điểm số 7. Giới điểm này ở giữa nhánh suối không tên nói trên, cách điểm có độ cao 614 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,00 km về phía Tây Bắc, cách điểm có độ cao 595 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,20 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 463 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,65 km về phía Đông.

            Từ giới điểm số 7, đường biên giới rời suối, hướng Đông Bắc, đến điểm có độ cao 143, sau đó hướng Đông Bắc, cắt qua một khe rồi bắt vào sống núi, hướng Bắc, qua các điểm có độ cao 604, 710, 573, 620, 833, 939, 1201 đến điểm có độ cao 918, rồi theo đường phân thủy giữa các nhánh sông trong lãnh thổ Việt Nam và các nhánh sông trong lãnh thổ Trung Quốc, hướng chung Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 1158, 1077, 997, 1407, 1399, 1370, 1344, 1281, 1371, 1423, 1599, 1528, 1552, 1372, 1523, 1303 đến điểm có độ cao 984, sau đó theo sống núi nhỏ, hướng chung là hướng Nam đến giới điểm số 8. Giới điểm này ở hợp lưu sông Xanh (Qua Sách) với một nhánh phía Tây của nó, cách điểm có độ cao 1521 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 3,85 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 1346 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 3,82 km về phía Nam - Tây Nam, cách điểm có độ cao 1596 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,27 km về phía Tây - Tây Bắc.

            Từ giới điểm số 8, đường biên giới xuôi sông Xanh (Qua Sách), hướng chung là hướng Nam đến hợp lưu sông này với sông Chảy, rồi ngược sông Chảy, hướng chung Đông Nam, đến giới điểm số 9. Giới điểm này ở hợp lưu sông Chảy với sông Xiao Bai, cách điểm có độ cao 1424 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,95 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 1031 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,00 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 1076 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,40 km về phía Nam.

            (2) Từ giới điểm số 56, đường biên giới theo đường phân thủy giữa các nhánh sông trong lãnh thổ Việt Nam và các nhánh sông trong lãnh thổ Trung Quốc, hướng chung Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 652, 975, 875, 835, 1150, 1082 đến giới điểm số 57. Giới điểm này ở điểm có độ cao 882, cách điểm có độ cao 638 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 3,55 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 1265 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,95 km về phía Nam - Tây Nam, cách điểm có độ cao 1025 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,20 km về phía Tây - Tây Nam.

            Từ giới điểm số 57, đường biên giới theo sống núi, hướng Tây Nam đến điểm tiếp nối với một khe, rồi theo khe, hướng Nam - Đông Nam, đến giữa suối Tài Vằn, sau đó xuôi suối này và hạ lưu của nó là suối Nà Sa đến giới điểm số 58. Giới điểm này ở hợp lưu suối Nà Sa với một nhánh sông nằm ở phía Đông, cách điểm có độ cao 423 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,95 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 447 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,75 km về phía Nam, cách điểm có độ cao 320 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,45 km về phía Tây.

            Từ giới điểm số 58, đường biên giới ngược nhánh sông phía Đông nói trên đến ngã ba sông Đồng Mô, rồi ngược sông Đồng Mô, Bỉ Lao, Cao Lạn đến giới điểm số 59. Giới điểm này ở hợp lưu hai con suối Cao Lạn và Phai Lầu, cách điểm có độ cao 1052 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,10 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 600 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,57 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 602 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,00 km về phía Tây.

            Từ giới điểm số 59, đường biên giới ngược suối Cao Lạn hướng Đông Nam, sau đó rời suối đi theo đường thẳng hướng Đông - Đông Nam đến một chỏm núi không tên phía Bắc điểm có độ cao 960 trong lãnh thổ Việt Nam, rồi theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước đến giới điểm số 60. Giới điểm này ở điểm có độ cao 1100, cách điểm có độ cao 1156 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,10 km về phía Bắc - Tây Bắc, cách điểm có độ cao 683 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,65 km về phía Tây Nam, cách điểm có độ cao 1094 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,95 km về phía Nam - Tây Nam.

            Từ giới điểm số 60, đường biên giới theo sống núi nhỏ hướng Đông Bắc, xuống khe, rồi theo khe hướng chung là hướng Đông Bắc chuyển Đông - Đông Nam, đến một nhánh thượng lưu sông Ka Long, sau đó xuôi theo sông này, hướng Đông - Đông Bắc, đến giới điểm số 61. Giới điểm này ở hợp lưu sông Ka Long với một sông khác (Bắc Luân), cách điểm có độ cao 561 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,20 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 117 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,95 km về phía Tây Bắc, cách điểm có độ cao 224 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,60 km về phía Nam - Tây Nam.

            Từ giới điểm số 61, đường biên giới xuôi theo trung tuyến luồng chính tầu thuyền đi lại của sông Ka Long, Bắc Luân, đến điểm cuối của nó, bắt vào giới điểm số 62. Giới điểm này là điểm tiếp nối đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

            Hoàn Thành Phân Giới Cắm Mốc Biên Giới Trên Đất Liền Việt Nam - Trung Quốc Là Nguyện Vọng Chung Và Lợi Ích Lớn Của Nhân Dân Hai Nước

            Nhân Dân
            02-01-2008

            LGT (ND): Nhân dịp tỉnh Lào Cai hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên thực địa với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, ông Vũ Dũng, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia đã trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

            Hỏi: Xin ông cho biết ý nghĩa của việc hoàn thành phân giới cắm mốc (PGCM) biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc tại địa bàn tỉnh Lào Cai?

            Trả lời: Với việc cắm cột mốc số 144 tuần qua, công tác PGCM trên tuyến biên giới của tỉnh Lào Cai của Việt Nam với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đã kết thúc thắng lợi. Lào Cai trở thành tỉnh đầu tiên trong bảy tỉnh biên giới phía bắc nước ta hoàn thành nhiệm vụ mang tính lịch sử quan trọng này. Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với Lào Cai, mà còn có tác dụng lan tỏa tích cực đối với cả khu vực biên giới Việt - Trung và mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước.

            Từ nay, đường biên giới của tỉnh Lào Cai đã được xác định rõ ràng và được đánh dấu bằng một hệ thống mốc giới hiện đại trên thực địa, tạo cơ sở để các ngành chức năng tiến hành quản lý biên giới một cách hiệu quả, góp phần gìn giữ sự ổn định ở khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam nói riêng và giữa Việt Nam với Trung Quốc nói chung.

            Lào Cai hoàn thành PGCM cũng sẽ cổ vũ, khích lệ công tác PGCM trên toàn tuyến biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các bài học và kinh nghiệm của Lào Cai chắc chắn sẽ được các tỉnh khác tham khảo, học tập để đẩy nhanh tiến độ PGCM nhằm hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử này trong sáu tháng đầu năm 2008, theo tinh thần chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước ta, cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

            Ðúng như phát biểu ý kiến của đại diện lãnh đạo tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tại Lễ mừng công hoàn thành công tác PGCM của tỉnh Lào Cai ngày 30-12-2007 vừa qua: Có thể coi đây là "bông hoa đẹp" của quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc nói chung và Lào Cai nói riêng, góp phần xây dựng đường biên giới Việt - Trung thật sự trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

            Hỏi: Xin ông cho biết thực trạng tình hình PGCM trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và khả năng hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ này trước tháng 6-2008?

            Trả lời: Biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc dài khoảng 1.400 km. Hai bên thống nhất cắm khoảng 1.800 cột mốc, trong đó có 1.533 mốc chính và gần 300 mốc phụ.

            Kể từ khi cắm mốc giới đầu tiên tại cặp cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và Ðông Hưng (Quảng Tây) cuối năm 2001, trải qua hơn sáu năm bền bỉ phấn đấu, khắc phục muôn vàn khó khăn, gian khổ, đến nay các lực lượng PGCM của hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã hoàn thành hơn 85% khối lượng công việc PGCM trên thực địa, đồng thời đã khẩn trương tiến hành nghiệm thu thành quả PGCM, đăng ký mốc giới, mô tả hướng đi của đường biên giới, hoàn chỉnh bản đồ đính kèm Nghị định thư PGCM...

            Ngoài Lào Cai, các tỉnh Lai Châu, Quảng Ninh cũng đã hoàn thành hơn 95% công việc, Nhóm PGCM số sáu thuộc tỉnh Hà Giang cũng vừa hoàn thành toàn bộ công việc trên thực địa.

            Mặt khác, để đẩy nhanh tiến độ PGCM, vừa qua, tại Hà Nội, hai Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ đàm phán về biên giới lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí một số biện pháp quan trọng để đẩy nhanh tiến độ PGCM như tăng cường lực lượng PGCM, ưu tiên ổn định cuộc sống bình thường của cư dân biên giới, dỡ bỏ tất cả các công trình nằm trên đường biên giới, kể cả các công trình quân sự... để tạo thuận lợi cho PGCM.

            Như vậy, với tiến độ PGCM như hiện nay và với các biện pháp quan trọng chỉ đạo công tác PGCM mà hai bên đã thỏa thuận, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng công tác PGCM trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc sẽ hoàn thành thắng lợi trong sáu tháng đầu năm 2008 như thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

            Hỏi: Một số mạng nước ngoài đưa tin thất thiệt rằng, Việt Nam bị mất đất. Ông có bình luận gì về ý kiến này?

            Trả lời: Chủ quyền lãnh thổ là vấn đề hết sức thiêng liêng đối với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào. Ðối với dân tộc Việt Nam thì chủ quyền lãnh thổ lại càng thiêng liêng cao cả. Dân tộc ta từ nghìn xưa đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Gần tám thập kỷ qua, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Bác Hồ kính yêu, đã đi qua những cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ, chịu đựng những hy sinh, mất mát to lớn để giữ vững chủ quyền lãnh thổ của mảnh đất thân yêu này.

            Trong đàm phán với Trung Quốc và các nước láng giềng khác cũng như trong quá trình PGCM trên thực địa, chúng ta đều đã thể hiện hết sức rõ ràng lập trường bất di bất dịch, đó là: chủ quyền lãnh thổ là vấn đề mang tính nguyên tắc, không thể nhân nhượng. Vì vậy, không thể có chuyện "Việt Nam mất đất", "cắt đất" cho nước này, nước kia như một số mạng nước ngoài đưa tin.

            Chỉ có thể giải thích rằng những mạng này hoặc do thiếu thông tin hoặc cố tình làm sai lệch thông tin vì những ý đồ khác nhau.

            Việt Nam và Trung Quốc khởi động đàm phán về vấn đề biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ từ năm 1974. Năm 1991, hai bên ký Hiệp định tạm thời về việc giải quyết các công việc trên vùng biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, năm 1993, ký tiếp Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước; theo đó, về biên giới trên bộ, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, cam kết tôn trọng đường biên giới lịch sử theo các Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895 để lại. Ngày 30-12-1999, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp ước biên giới trên đất liền.

            Vì vậy, có thể nói Hiệp ước 30-12-1999 là kết quả của quá trình đàm phán kiên trì trong rất nhiều năm giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hiệp ước đã phản ánh đầy đủ, hoàn chỉnh nhất đường biên giới lịch sử để lại theo những nguyên tắc đã nói ở trên.

            Hỏi: Gần đây có nhiều dư luận khác nhau về việc phân định khu vực thác Bản Giốc và khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, xin Thứ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?

            Trả lời: Như trên tôi đã nói, căn cứ quan trọng nhất để xây dựng Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc là các Công ước Pháp - Thanh năm 1887 và 1895. Do hạn chế của điều kiện lịch sử, các văn bản pháp lý về hoạch định và PGCM giữa Pháp và Nhà Thanh có những điểm quy định không rõ ràng. đường biên giới được vẽ trên bản đồ tỷ lệ lớn từ 1/20.000 đến 1/500.000, có nghĩa một mi-li-mét trên bản đồ tương đương với từ 20 m đến 500 m trên thực địa. Hơn nữa, địa hình trên bản đồ không hoàn toàn phù hợp với địa hình trên thực địa, nên rất khó xác định hướng đi của đường biên giới tại các khu vực này. Chính vì vậy tại các khu vực này đã xảy ra tranh chấp rất phức tạp và kéo dài.

            Tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, theo các văn bản pháp lý lịch sử, đường biên giới luôn nằm phía nam Ải Nam Quan. Trấn Nam Quan do Trung Quốc xây dựng vẫn thuộc Trung Quốc, chứ không phải đường biên giới đi qua Ải Nam Quan như một số người vẫn hiểu.

            Thác Bản Giốc gồm hai phần: phần thác cao hoàn toàn thuộc Việt Nam, không có tranh chấp; phần thác thấp gắn liền với sông Quây Sơn. Theo Công ước Pháp - Thanh, đường biên giới đi giữa sông Quây Sơn đến thác và mốc 53 nằm phía trên thác đánh dấu sự chuyển hướng đường biên giới từ sông lên bờ. Hiện nay ta và Trung Quốc chưa PGCM đoạn biên giới khu vực này nhưng có thể khẳng định phần thác cao hoàn toàn thuộc Việt Nam, phần thác thấp sẽ được phân giới theo luật pháp và tập quán quốc tế về trung tuyến dòng chảy hoặc trung tuyến tàu thuyền đi lại được, hoàn toàn không có chuyện Việt Nam mất thác Bản Giốc như một số người nói. Hàng triệu lượt khách du lịch đến thác Bản Giốc đều biết rất rõ điều này.

            Như vậy, có thể khẳng định rằng, về tổng thể, các giải pháp đạt được trong việc giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền nói chung và đối với hai khu vực cụ thể nói trên là thỏa đáng, đáp ứng được lợi ích và nguyện vọng của cả hai bên.

            Hỏi: Vừa qua dư luận đã thể hiện thái độ bức xúc trước việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, xin Thứ trưởng bình luận về vấn đề này?

            Trả lời: Chính phủ ta đã tỏ thái độ rất rõ ràng về việc thành lập thành phố "Tam Sa". Ðây là việc làm không phù hợp với thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Ðông (DOC).

            Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có những biện pháp kịp thời đối với việc làm sai trái này. Chúng ta sẽ tiếp tục giao thiệp trực tiếp, chính thức với phía Trung Quốc về vấn đề này, cố gắng giải quyết vấn đề thông qua đàm phán hữu nghị trên tinh thần hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, có lý, có tình.

            Chúng ta có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

            Hỏi: Nhân đây, xin Thứ trưởng cho biết đôi nét về tình hình quan hệ Việt - Trung hiện nay?

            Trả lời: Quan hệ Việt - Trung từ sau bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Trung Quốc đã trở thành đối tác toàn diện rất quan trọng của Việt Nam. Lãnh đạo hai nước đã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và đạt được nhiều nhận thức chung rất quan trọng có liên quan đến tất cả các lĩnh vực quan hệ hai nước trên tinh thần tin cậy, hợp tác hữu nghị, cùng phát triển.

            Liên quan đến biên giới lãnh thổ, lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận sớm hoàn thành PGCM biên giới trên bộ như đã nói ở trên; về trên biển, hai bên cam kết thông qua đàm phán hòa bình giải quyết các vấn đề tồn tại, tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Ðông (DOC), không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình.

            Quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc có bước phát triển lớn. Trong nhiều năm liền, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (riêng năm 2007, kim ngạch buôn bán hai chiều dự kiến đạt hơn 14 tỷ USD). Ðầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tuy chưa tương xứng với tiềm năng nhưng đang tăng với tốc độ khá cao. Ðặc biệt, với việc triển khai thực hiện dự án "hai hành lang, một vành đai kinh tế" đã được Lãnh đạo cấp cao hai nước thỏa thuận và nhiều dự án lớn khác về hạ tầng cơ sở như cải tạo, nâng cấp một số đoạn đường bộ và đường sắt, xây dựng một số cầu cảng, nhà máy điện..., Trung Quốc có thể sẽ trở thành một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam trong tương lai không xa.

            Về du lịch, Trung Quốc là thị trường nguồn lớn nhất của Việt Nam với lượng khách từ Trung Quốc mỗi năm đạt từ 600.000 đến 800.000 lượt người và có thể tăng nhanh trong vài năm tới. Trung Quốc cũng đang là một trong những nước cung cấp tín dụng ưu đãi dài hạn cho Việt Nam để xây dựng các dự án hạ tầng cơ sở và công nghiệp. Quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực khác, kể cả quốc phòng, an ninh, cũng đang phát triển ngày thêm chặt chẽ. Hai nước đã và đang phối hợp với nhau rất tốt trên nhiều vấn đề khu vực và quốc tế.

            Ðối với vấn đề biên giới lãnh thổ, ngoài công tác PGCM như đã nói ở trên, trong Vịnh Bắc Bộ, hai nước đã phối hợp triển khai có hiệu quả hai hiệp định là Hiệp định phân định và Hiệp định hợp tác nghề cá; hải quân hai nước đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra chung trong Vịnh; Tập đoàn dầu khí hai nước đã hoàn thành công tác khảo sát địa chấn chung trong Vịnh, số vụ vi phạm giảm một cách đáng kể. Hai nước cũng đã tiến hành ba vòng đàm phán về phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và 11 vòng đàm phán về các vấn đề trên biển.

            Mới đây nhất, trong cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa hai Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới lãnh thổ, hai bên đã thỏa thuận tăng cường hợp tác trên biển, trước mắt trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như nghiên cứu khoa học biển, phòng, chống thiên tai, phòng, chống tội phạm trên biển, đối xử nhân đạo với ngư dân hai nước.

            Những kết quả đạt được nói trên cho thấy, cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều đã có những cố gắng giữ gìn và vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt - Trung, vì lợi ích chung hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

            Phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Trung là trách nhiệm và lợi ích của cả Việt Nam và Trung Quốc. Hai nước cần đứng trên tầm cao của lợi ích lớn của hai nước, của hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và quốc tế để xử lý các vấn đề do lịch sử để lại, các vấn đề nảy sinh thông qua đối thoại, thương lượng hòa bình.

            Thực tiễn cũng chứng minh rằng, xây dựng mối quan hệ Việt - Trung "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" thật sự là nguyện vọng chung, là lợi ích lớn của nhân dân hai nước. Quan hệ giữa hai Ðảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển tốt đẹp và chắc chắn sẽ ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.



              Bản để in

            http://www.vietnamreview.com/modules.php?name=News&file=article&sid=7215
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.01.2008 13:56:26 bởi Ngọc Lý >
            #6
              Ngọc Lý 17.01.2008 00:02:30 (permalink)
              .
               
              Tàu Cộng: Chánh sách di dân và lấn chiếm biên giới
              Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Sảng



              Gần đây nhà cầm quyền Hà Nội quyết định miễn chiếu khán nhập cảnh cho khách du lịch người Trung Quốc khi vào Việt Nam. Đây là một quyết định đầy bất trắc cho tương lai dân tộc. Chúng ta hãy nhìn lại những gì Trung Quốc đã làm trong quá khứ với các nước láng giềng của họ trong chánh sách di dân và biên giới.

              Trung Quốc và Liên Sô có chung chiều dài biên giới khoảng 4,300 cây số. Họ đã có một cuộc chiến đẫm máu vào năm 1969 giữa hai người đồng minh ruột thịt vì Trung Quốc đã xua quân chiếm vùng sông Amur của Liên Sô, mà họ cho là thuộc chủ quyền của họ. Liên Sô phải dùng đến hỏa tiễn để tiêu diệt quân Trung Quốc. Sau đó hai người bạn tiêu biểu cho thành trì Xã Hội Chủ Nghĩa đã ký một hiệp định về biên giới năm 1977, nhưng Trung Quốc vẫn lén lút cho quân lính lấp đá và dồn bao cát bỏ xuống bờ sông Amur bên phía Trung Quốc để lấn ranh Liên Sô.

              Khi Liên Sô xin gia nhập vào cơ quan Mậu Dịch Thế Giới (WTO), Trung Quốc chỉ đặt có một điều kiện duy nhất để hỗ trợ Liên Sô đó là cho phép người lao động Trung Quốc được vào Liên Sô miễn chiếu khán nhập cảnh.

              Một khi họ đã vào được Liên Sô, họ dùng mọi cách để ở lại hợp pháp. Ông Andrei Chernenko, vụ trưởng vụ Di Trú Liên Sô đã từng phát biểu rằng người Trung Quốc dùng mọi hình thức để hợp pháp hóa sự hiện diện của họ, chẳng hạn như kết hôn với người bản xứ, hoặc kinh doanh để tạo sản nghiệp lớn để dễ dàng trong việc lưu trú vì tài sản lớn của họ.

              Mặc dù đã ký kết hiệp định với Liên Sô, nhưng những vị lãnh đạo của Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình vẫn khẳng định rằng vùng đất Vladivostok và Khabarovsk vẫn là của họ, và trong trường học họ vẫn tiếp tục dạy học sinh rằng Liên Sô đã dùng bạo lực chiếm những vùng đất trên của họ.

              Hơn thế nữa, họ đưa ra những bằng cớ về Nhân Chủng Học để chứng minh rằng những bộ lạc Trung Hoa có mặt ở đó rất lâu trước khi người Liên Sô tới.

              Sự di dân của người Trung Quốc qua đường biên giới vẫn là nỗi ám ảnh của chính quyền Liên Sô. Theo ước tính của các chuyên gia thì đến năm 2010 dân số Trung Quốc tại vùng Cận Đông của Liên Sô sẽ lên đến 10 triệu người (hiện tại khoảng 3,26 triệu) và kiểm soát từ 30 đến 40 phần trăm nền kinh tế của vùng nầy. Vì vậy gần đây ông Viktor Ishayev, toàn quyền vùng Khabarovsk quyết định không cấp quyền công dân cho người Trung Quốc dù đã kết hôn với người Liên Sô tại địa phương ông, mặc dù người ngoại quốc khác được hưởng quyền nầy.

              Với Ấn Độ, bắt đầu từ năm 1950 đã có những sự căng thẳng giữa hai quốc gia, nhất là vào những năm 1956-1957 khi Trung Quốc xây dựng trục giao thông quân sự trên vùng đất đang tranh chấp Aksai, phía tây Tân Cương. Ấn Độ lên án Trung Quốc xâm lăng vùng đất này của họ. Tiếp theo là cuộc đàm phán giữa đôi bên kéo dài trong ba năm không mang lại kết quả nào cả. Tháng Mười năm 1962 Trung Quốc đưa chín sư đoàn chiếm đóng dọc theo biên giới 3,225 kí-lô-mét vùng biên giới Hy Mã Lạp Sơn và Trung Quốc. Hai nước đã nổ ra một cuộc đụng độ về biên giới rất khốc liệt. Kết qủa là Trung Quốc đã đẩy lùi Ấn Độ sâu 50 kí-lô-mét vào vùng đất Aksai mà Ấn Độ cho là thuộc chủ quyền của họ, và Trung Quốc đơn phương tuyên bố ngưng chiến. Mười hai năm sau khi ngưng chiến, một cuộc họp song phương cao cấp về biên giới giữa hai quốc gia được tổ chức tại Tân Đề Ly (Ấn Độ) vào tháng Hai năm 1994. Một giai đoạn mới về sự bang giao giữa hai nước bắt đầu, tuy vấn đề biên giới giữa hai nước vẫn xảy ra những mâu thuẩn gay gắt.

              Với Mông Cổ, sau 11 năm làm chủ Hoa Lục, tháng Năm 1960, Thủ Tướng Chu Ân Lai của Trung Quốc thăm Ulaanbaatar (U-Lan-Ba-To) của Mông Cổ để bàn về hiệp định hợp tác song phương, và cả hai bên đã đạt được một hiệp uớc về biên giới. Trong buổi tiệc khoản đãi lãnh đạo Mông Cổ tại Bắc Kinh ngày 27 tháng 12 năm 1960, Chu Ân Lai tuyên bố: "Sự nhanh chóng giải quyết êm đẹp vấn đề biên giới giữa hai quốc gia không những đánh dấu sự củng cố và phát triển tình hữu nghị giữa hai quốc gia, mà còn tạo gương sáng trong mối quan hệ giữa hai nước xã hội chủ nghĩa anh em". Tiếc thay kỷ nguyên hợp tác thân thiện này tồn tại không lâu.

              Mặc dù hiệp định về biên giới được ký kết chính thức năm 1962, nhưng mãi đến 1982 mới được thực hiện. Trong khoảng thời gian 20 năm đó Trung Quốc luôn tìm cách lấn biên giới và cho di dân sang Mông Cổ. Năm 1981 dấy lên phong trào trục xuất người Trung Quốc ra khỏi Mông Cổ đã bùng nổ. Thêm vào đó, Liên Xô tố giác Trung Quốc đã vi phạm hiệp định về biên giới với Mông Cổ tất cả hơn 400 lần chỉ riêng trong năm 1969. Tờ New York Times, ngày 27 tháng 5 năm 1983 chạy trang đầu tin Mông Cổ trục xuất nhiều ngàn công nhân Trung Quốc ra khỏi nước họ. Ngày 2 tháng 9 năm 1964, tờ Pravda, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng cộng sản Liên Xô loan tin rằng Mao Trạch Đông rất hối tiếc vì không tranh thủ được sự đồng tình của Liên Xô để Trung Quốc chiếm Ngoại Mông. Trung Quốc, một quốc gia rộng mênh mông, nhưng người cầm quyền của họ luôn luôn tìm cách lấn chiếm lân bang mình dù chỉ năm, mười ngàn cây số!

              Với Bắc Hàn, trong hai điện tín gởi cho Stalin vào tháng 10 năm 1950, Mao Trạch Đông khẳng định rằng nếu toàn bộ Đại Hàn bị Mỹ chiếm đóng, và lực lượng cách mạng Đại Hàn bị hủy diệt, bọn xâm lược Mỹ thêm kiêu căng, và toàn bộ vùng bắc Á sẽ bất lợi cho chúng ta (Liên Xô và Trung Quốc). Sau khi thấy Stalin ngần ngại trong việc gởi không lực yểm trợ, Mao kết luận rằng chúng ta phải tham chiến, tham chiến sẽ rất có ích lợi và ngược lại sẽ rất tai hại. Mao không ngần ngại tuyên bố mục tiêu của Trung Quốc trong việc xua quân chiếm Bắc Hàn là không những bảo vệ biên giới và cứu vãn chế độ Bình Nhưỡng. Mao hứa với Stalin là sẽ gởi 12 sư đoàn vào Bắc Hàn vào tháng 10 năm 1950 và sẽ tiếp tục gởi thêm 24 sư đoàn nữa vào mùa xuân và hè năm 1951.

              Với chiêu bài "Mặt Trận Giải Phóng" của thế giới, Mao quyết định chiếm Bắc Hàn để bảo vệ mặt trận giải phóng của xứ này, bảo vệ cả mặt trận giải phóng Trung Quốc và thế giới nữa. Mao lạc quan tin rằng Hoa Kỳ sẽ bị bại trận tại Bắc Hàn, hậu quả sẽ thuận lợi cho mặt trận giải phóng quốc tế. Rõ ràng là Trung Quốc nhận ra cuộc chạm trán giữa họ và Hoa Kỳ là không thể tránh được, nhất là khi hạm đội thứ bảy của Hoa Kỳ bắt đầu bỏ neo ngoài khơi Đài Loan trong lúc quân đội Liên Hiệp Quốc can thiệp vào cuộc chiến Triều Tiên. Họ muốn đem chiến tranh ra ngoài nước họ, và Bắc Hàn là nơi Trung Quốc lựa chọn cho cuộc chiến. Tóm lại, mục tiêu của họ khi xua quân vào Bắc Hàn không phải vì bảo vệ nước xã hội chủ nghĩa anh em, mà là chiếm nước anh em làm chiến trường để đọ sức với địch thủ. Họ luôn coi các nước láng giềng là "ao nhà" và có quyền xử dụng vào bất cứ mục tiêu nào họ muốn.

              Với Tây Tạng, sau khi chiếm được Hoa Lục vào năm 1949, nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc lập tức đòi Tây Tạng phải chấp nhận (1) quốc phòng của Tây Tạng phải do Trung Quốc kiểm soát, (2) Tây Tạng là một bộ phận của Trung Quốc. Dĩ nhiên đề nghị phi lý này không được chấp nhận. Liền sau đó, ngày 7 tháng 10 năm 1950 Trung Quốc xua 40,000 quân đánh chiếm Chamdo, thủ đô miền nam Tây Tạng. Mặc dù Ấn Độ, Hoa Kỳ, Anh Quốc cùng một số quốc gia khác phản đối quyết liệt. Trung Quốc không những làm ngơ mà còn thách thức quốc tế bằng cách đưa thêm một quân đoàn tiến vào thủ đô Lhasa vào ngày 9 tháng 9 năm 1951. Lần lượt các thành phố khác của Tây Tạng rơi vào tay quân Trung Quốc. Mặc dù Tây Tạng đã anh dũng tạo ra hai cuộc khởi nghĩa vào các năm 1956 và 1959, nhưng tất cả đều bị quân Trung Quốc đè bẹp. Kết quả là hơn hai chục ngàn người Tây Tạng bị giết, khoảng 80 ngàn người cùng Đức Dalai Lama phải lưu vong sang Ấn Độ.

              Sau hai thập niên bị thống trị bởi Trung Quốc, khoảng 1,2 triệu người Tây Tạng, tức 20% dân số đã bỏ mình trong các trại tù hoặc tại các nông trường tập thể, hoặc bị thủ tiêu. Nhiều tù nhân bị bỏ đói đến chết. Hơn 6,000 cơ sở văn hoá, đền đài, chùa chiền, tu viện bị phá hủy. Để duy trì lực lượng thống trị tại Tây Tạng, khoảng 300,000 binh sĩ và công an, phần lớn lương thực bị thu mua, vì thế đã gây ra hai nạn đói vào các năm 1958-1961 và 1966-1976.

              Nhưng âm mưu thâm độc nhất vẫn là chánh sách đồng hoá cố hữu mà họ đã từng áp dụng không thành công tại Việt Nam khi họ đô hộ ta hàng ngàn năm trước. Họ đưa đến Tây Tạng khoảng 7,5 triệu người Trung Quốc, vượt xa dân số Tây Tạng khoảng nửa triệu. Người Tây Tạng trở thành dân thiểu số ngay trên chính quê hương cuả họ. Họ thống trị Tây Tạng không những về mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá và xă hội, mà còn ngự trị về mặt ngôn ngữ, vì ngôn ngữ chính thức là tiếng Trung Hoa, và Tây Tạng chỉ là ngôn ngữ địa phương.

              Tây Tạng là bài học xương máu mà nhà cầm quyền Hà Nội phải học để bảo đảm sự tồn tại, độc lập của đất nước.

              Với Việt Nam, trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, tổ tiên chúng ta trải qua muôn vàn khó khăn với nước lân bang khổng lồ Trung Quốc. Với quan niệm Bắc địch, Tây rợ, Đông di, Nam man, các triều đại vua chúa Trung Quốc luôn đánh phá, gây bất ổn để đồng hoá, hoặc thôn tính Việt Nam. Cộng Sản Trung Quốc giữ nguyên quan niệm Đại Hán lạc hậu đó.

              Chỉ kể trong lịch sử cận đại, hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc rất thân thiện trong thời gian Việt Nam chống Pháp, nhưng sau khi Stalin qua đời, người kế vị là Khrushchev, quan niệm về cộng sản của ông khác hẳn, nhất là với Mao Trạch Đông, từ đó đưa đến tình trạng căng thẳng giữa hai đảng cộng sản anh em. Kể từ đó Việt Nam thân Liên Sô hơn Trung Quốc. Nắm cơ hội này, Liên Sô viện trợ nhiều cho Việt Cộng để chống Pháp, và hé lộ ý đồ giúp Việt Nam trở thành cường quốc cộng sản trong vùng Đông Nam Á. Trung Quốc rất khó chịu khi nhận ra điều này vì phía bắc của họ là Liên Sô, nếu phía nam Việt Nam trở thành cườnng quốc thì họ bị kẹt vào chính giữa, sẽ chận thế phát triển của họ về phía nam.

              Phản ứng đầu tiên của Trung Quốc là bắt đầu liên hệ với Hoa Kỳ vào cuối năm 60, đầu năm 70 trên cấp bực cao với ngoại trưởng Henry Kissinger và rồi với Tổng Thống Nixon. Cùng lúc đó họ bắt đầu hỗ trợ cho Cam-Pu-Chia dưới sự lãnh đạo của Pol Pot về ý thức hệ cộng sản, nhưng trên thực tế, họ muốn cô lập Việt Nam với Trung Quốc về phía bắc và Campuchia ở hướng tây.

              Khi Khmer Đỏ của Pol Pot nắm quyền, họ bắt đầu đòi lại lãnh thổ mà họ cho là Việt Nam đã chiếm trong quá khứ. Bị từ khước, Pol Pot bắt đầu tàn sát Việt Kiều ở Campuchia, và hỗ trợ cho du kích đánh phá Việt Nam ở phía tây vào năm 1978 (theo Wikipedia, Google). Nắm lấy cơ hội này, Liên Sô giúp Việt Nam đánh chiếm Campuchia, trước hết để loại trừ ảnh hưởng Trung Quốc tại đây, và để chứng minh với đám cộng sản đàn em là theo Liên Sô có lợi hơn là theo Trung Quốc. Việt Nam cũng nhận thấy rằng đây là cơ hội, vì Lào đã theo Liên Sô, nếu lật đổ được Pol Pot lập chánh phủ bù nhìn thì Việt Nam sẽ trở thành cường quốc cấp vùng ở Đông Nam Á. Vào ngày 7 tháng Giêng 1979, Việt Nam xua quân chiếm Phnom Penh, chấm dứt chế độ Khmer Đỏ và lập lên chánh phủ bù nhìn thân Việt Nam.

              Để trả đũa, ngày 15 tháng Hai năm 1979 Trung Quốc công khai tuyên bố hiệp định giữa Trung Quốc và Liên Sô hết hiệu lực, và họ có quyền gây chiến tranh với đồng minh của Liên Sô vì Việt Nam ngược đãi Hoa Kiều và họ dùng chiêu bài bảo vệ kiều dân để gây chiến với Việt Nam. Hai ngày sau họ đưa 120 ngàn Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân đánh chiếm các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, và Lạng Sơn vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam 30 cây số. Ngày 6 tháng Ba họ đơn phương tuyên bố nhiệm vụ "dạy cho Việt Nam một bài học" đã hoàn tất, và đơn phương rút quân. Và ngày 16 tháng Ba họ đã hoàn toàn triệt thoái khỏi biên giới Việt Nam.

              Qua những sự kiện nêu trên, ta thấy Trung Quốc luôn tìm cách di dân họ, lấn biên giới, và dùng kiều dân như một loại vũ khí để xâm lăng các nước láng giềng khi cần. Với những nước yếu kém, họ coi như là "sân sau" của họ và sẵn sàng dùng vũ lực để xử dụng theo nhu cầu chiến lược.

              Chúng ta đều biết rằng con số người Trung Quốc hiện đang sinh sống tại Việt Nam không ít, và họ chiếm ưu thế trong lãnh vực kinh tế. Nay cho phép người Trung Quốc vào Việt Nam không cần chiếu khán nhập cảnh sẽ tạo cơ hội cho một số trong đám họ ở lại, dù bất hợp pháp, điều ấy gây muôn vàn khó khăn cho đồng bào ta trong lãnh vực kinh tế, đó là chưa kể đến vấn đề an ninh, chính trị.

              Quyết định trên của nhà cầm quyền Hà Nội hết sức sai lầm, vô tình, hay hữu ý thực hiện chánh sách di dân của nhà cầm quyền Trung Quốc mà họ không tốn cống sức đòi hỏi, hoặc trả giá để có được như họ đã từng làm với Liên Xô hoặc với các nước khác. Khi có nhiều cư dân Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam đó là một trong nhiều nguyên cớ để họ dùng để xâm lấn ta khi họ có nhu cầu. Đành rằng họ có thể viện bất cứ nguyên nhân nào, nhưng chúng ta không nên tạo thêm nguyên nhân giúp họ.

              Ngày nay Trung Quốc là một quốc gia hùng cường về kinh tế và quân sự đuợc cai trị bởi chế độ bá quyền đầy tham vọng, đó là hiểm họa cho thế giới nói chung và cho Việt Nam nói riêng. Nhà cầm quyền Hà Nội phải sáng suốt nhận ra cái hoạ mất nước từ Trung Quốc.

              Vì quyền lợi tối thượng của dân tộc, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải mạnh dạn, nhanh chóng rút lại lệnh trên trước khi chánh quyền Trung Quốc lợi dụng nó gây bất lợi lâu dài cho dân tộc. Làm được việc nầy đảng cộng sản Việt Nam ít nhất còn có được một lần tuyên truyền với đồng bào rằng họ tranh đấu để bảo vệ quyền lợi dân tộc, và họ không phải là đầy tớ suốt đời của Trung Cộng.

              Nhà cầm quyền Hà Nội luôn miệng hô hào hãy khép lại quá khứ thù nghịch, cùng nhau bắt tay xây dựng lại đất nước. Nhưng nghịch lý thay với người Trung Quốc đến Việt Nam thì được miễn chiếu khán nhập cảnh, còn người Việt Nam sống ở nước ngoài khi về thăm quê hương thì những khúc ruột ngàn dậm nầy bắt buộc phải có chiếu khán nhập cảnh. Người cộng sản Việt Nam nói một đàng, làm một nẻo. Không biết bao giờ họ mới bắt đầu sự chân thật và chấm dứt sự lừa dối. Họ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng thái độ thù nghịch với chính đồng bào của họ.


              Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Sảng
               





              Tài liệu tham khảo:

              * Barnard, Calvin, J. Lieutenant Commander, ỤS. Navy, The China- India Border War 1962, Marine Corps Publisher.
              * Department of State, International Boundary Study, No 173, August 14, 1984.
              * Nguyễn Quốc Khải, Liệu Tây Tạng.., Người Việt, số 7280, ngày 12/11/05.
              * Sheng, Micheal M. Korea and World Affairs, Vol. XIX, No. 2, Summer 1995.
              * World Press Review, No 12, Vol 50, December 2003.

              http://www.canh-en.de/index.php?id=187&tx_mininews_pi1
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 17.01.2008 00:16:53 bởi Ngọc Lý >
              #7
                Ngọc Lý 23.01.2008 11:32:02 (permalink)
                NGÀY HOÀNG SA
                Luật Sư Nguyễn Hữu Thống
                 
                Hôm nay chúng ta tập hợp nơi đây để kỷ niệm trận Hải Chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974. Trước đó một năm, tháng 1-1973, hai nước Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã ký Hiệp Định Hòa Bình Paris với sự tham dự và bảo lãnh của 14 quốc gia trên thế giới trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các quốc gia kết ước và bảo lãnh cam kết tôn trọng quyền dân tộc tự quyết của nhân dân Việt Nam và không xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của quốc gia Việt Nam.
                 
                Vậy mà, một năm sau, khi Hiệp Định Paris còn chưa ráo mực, bỗng dưng vô cớ, ngày 19-1-1974 Trung Quốc đem quân xâm chiếm 6 đảo Hoàng Sa thuộc Nhóm Lưỡi Liềm (Nguyệt Thiềm) phía Tây Nam.


                Sau Thế Chiến II, tháng 8-1945 khi Nhật Bản đầu hàng đồng minh, quân đội Trung Hoa kéo sang giải giới quân đội Nhật và đã thừa cơ chiếm 7 đảo Hoàng Sa thuộc nhóm An Vĩnh (Tuyên Đức) phía Đông Bắc.
                 
                Trong trận Hải Chiến Hoàng Sa, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền lãnh hải. 58 chiến sĩ đã hy sinh trong đó có Trung Tá Ngụy Văn Thà là người đã từ chối di tản để ở lại tuẫn tiết cùng chiến hạm theo truyền thống hào hùng của hải quân.
                 
                14 năm sau, tháng 3-1988, bỗng dưng vô cớ, Trung Quốc lại đem quân xâm lăng vùng biển Trường Sa và đã chiếm 2 đá nổi và 6 đá chìm.
                 
                Trong trận Hải Chiến Trường Sa, 74 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã bỏ mình vì tổ quốc. Lúc này, vì Liên Xô còn có mặt tại Cam Ranh và Hoa Kỳ còn đóng quân tại Subic Bay (Phi Luật Tân), nên Trung Quốc không dám thừa thắng xông lên để chiếm cứ tất cả những đảo, cồn, đá, bãi củaViệt Nam tại Trường Sa.


                Vả lại Trung Quốc cũng không dám cạn tàu ráo máng. Vì còn muốn lưu giữ chút nhân tình để hy vọng thực thi kế hoạch đánh cá chung và khai thác dầu khí chung tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (riêng) của Việt Nam.
                 
                Trước đó, ngay từ 1946 Trung Quốc đã đặt tên vùng Biển Nam Hải là Đặc Khu Hành Chánh Hải Nam. Qua năm 1947 lại đổi tên Hoàng Sa thành Tây Sa và Trường Sa thành Nam Sa.
                 
                Mới đây Trung Quốc loan báo thành lập Huyện Tam Sa tại đảo Hải Nam để quản lý hành chánh các đảo Đông Sa, Tây Sa (chỉ Hoàng Sa) và Nam Sa (chỉ Trường Sa).
                 
                Đây chỉ là một chiến dịch hỏa mù. Vì từ 1946, như đã trình bày, Trung Hoa đã thành lập Đặc Khu Hành Chánh Hải Nam nói là để quản trị toàn thể vùng Biển Nam Hải từ Việt Nam qua Nam Dương, Mã Lai, Brunei và Phi Luật Tân. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này.
                 
                I. CÔNG ƯỚC LIÊN HIỆP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN 1982
                 
                Trong thập niên 1960 cuộc Cách Mạng Văn Hóa đã phá nát Trung Hoa về văn hóa, đạo lý, kinh tế và nhân sự.
                 
                Qua thập niên 1970, Trung Hoa bắt đầu phục hồi. Được gia nhập Liên Hiệp Quốc thay thế Đài Loan năm 1971, Trung Hoa nghiễm nhiên trở thành một ngũ cường, hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An có quyền phủ quyết. Sau cái chết của Mao Trạch Đông năm 1976, và với sự thiết lập bang giao với Hoa Kỳ năm 1979, Trung Hoa hội nhập vào cộng đồng thế giới. Từ đó, về mặt kinh tế, với chính sách “mèo đen mèo trắng”, Đặng Tiểu Bình đã từ bỏ xã hội chủ nghĩa để theo chủ nghĩa thực dụng.
                 
                Năm l982 phái đoàn Trung Hoa đến Montego Bay, Jamaica tham dự Đại Hội Liên Hiệp Quốc Kỳ 3 về Luật Biển. Vì Anh, Mỹ không ký Công Ước, 3 ngũ cường còn lại Nga-Pháp-Hoa đóng vai chủ chốt. (Lý do là vì Anh-Mỹ chưa thỏa mãn về quy chế khai thác khoáng sản tại biển sâu: deep seabed mining). Tự ái quốc gia được thỏa mãn, Trung Hoa hoan hỉ ký Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
                 
                Ký xong, Bắc Kinh mới thấy lo! Ký Công Ước thì phải theo Công Ước. Những điều khoản trong Công Ước đã quá rõ rệt: Các quốc gia duyên hải chỉ được hưởng quy chế 200 hải lý vùng Đặc Quyền Kinh Tế đánh cá từ bờ biển. Vùng này trùng điệp với Thềm Lục Địa 200 hải lý để khai thác dầu khí.
                 
                Trong khi đó, Hoàng Sa cách bờ Biển Trung Hoa tới 270 hải lý và Trường Sa cách Hoa Lục hơn 750 hải lý. Do đó Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc chủ quyền lãnh hải của Trung Hoa.
                 
                Chiếu Công Ước về Luật Biển 1982, các quốc gia duyên hải có chủ quyền lãnh hải tại:
                 
                - Biển Lãnh Thổ (Territorial Sea) dài 12 hải lý (22km) chạy từ đường căn bản ra khơi. Đường căn bản (baseline) là lằn mức thủy triều xuống thấp. Tại biển lãnh thổ các tàu ngoại quốc được quyền thông quá vô tư trong vòng hòa bình và phải tôn trọng an ninh trật tự của quốc gia duyên hải.
                 
                - Vùng Đặc Quyền Kinh Tế 200 hải lý (370 km) để đánh cá tính từ đường căn bản
                 
                (Exclusive Economic Zone, 200-mile fishery zone). Tại vùng này các quốc gia duyên hải có đặc quyền đánh cá, nhưng cũng có nghĩa vụ phải bảo tồn ngư sinh, và nếu cần, chia sẻ phần tôm cá không khai thác hết cho các quốc gia kế cận không có bờ biển (như Ai Lao).
                 
                - Thềm Lục Địa (Continental Shelf) để khai thác dầu khí cũng dài 200 hải lý và trùng điệp với Vùng Đặc Quyền Kinh Tế đánh cá.
                 
                Khác với vùng đặc quyền kinh tế đánh cá, chiếu Điều 77 Luật Biển, Thềm Lục Địa thuộc chủ quyền tuyệt đối của quốc gia duyên hải trong việc khai thác dầu khí.
                 
                Quyền này không tùy thuộc vào điều kiện chiếm cứ (occupation) hay công bố (proclamation). Do đó việc Trung Quốc chiếm cứ một số đảo cồn đá bãi tại Hoàng Sa và Trường Sa không có tác dụng tước đọat chủ quyền của Việt Nam và Phi Luật Tân tại các Thềm Lục Địa của hai quốc gia này. Vì có chủ quyền tuyệt đối, các quốc gia duyên hải không cần phải chiếm cứ hay công bố chủ quyền. Chỉ cần nạp họa đồ đường căn bản để định ranh thềm lục địa.
                 
                Ngoài ra, chiếu Điều 76 Luật Biển, các quốc gia duyên hải có quyền mở rộng Thềm Lục Địa Pháp Lý 200 hải lý thành Thềm Lục Địa Địa Lý (hay Nền Lục Địa: Continental Margin) dài tới 350 hải lý (648km), nếu về mặt địa hình, đáy biển là sự tiếp nối tự nhiên của thềm lục địa từ đất liền ra ngoài biển (như trường hợp Việt Nam).
                 
                Như vậy: Các đảo Hoàng Sa thuộc Thềm Lục Địa 200 hải lý của Việt Nam. Từ Quảng Ngãi ra đảo Trí Tôn chỉ có 123 hải lý, và ra đảo Hoàng Sa chỉ có 160 hải lý. Trong khi đó Hoàng Sa cách Lục Địa Trung Hoa hơn 270 hải lý nên không thuộc thềm lục địa của Trung Hoa.
                 
                Hơn nữa, về mặt địa hình đáy biển, độ sâu nhất tại Hoàng Sa là 900m. Đây là những hải đảo hay bình nguyên của Thềm Lục Địa Việt Nam trên mặt biển. Nếu nước biển rút xuống khoảng 900m thì đáy biển Hoàng Sa sẽ biến thành một hành lang chạy thoai thoải từ dãy Trường Sơn ra các đảo Trí Tôn, Hoàng Sa và Phú Lâm.
                 
                Trong khi đó từ Hoàng Sa về Lục Địa Trung Hoa phải qua một rãnh biển sâu tới 2,500m. Như vậy các đảo Hoàng Sa không phải là sự tiếp nối tự nhiên của Thềm Lục Địa Trung Hoa từ đất liền ra ngoài biển.


                Tại Trường Sa cũng vậy. Tại bãi dầu khí Thanh Long -Tứ Chính biển sâu không tới 400m, và trong vùng Đảo Trường Sa (do Việt Nam chiếm cứ) độ sâu chỉ tới 200m. Bãi Tứ Chính cách bờ biển Việt Nam khoảng 190 hải lý nên thuộc Thềm Lục Địa Việt Nam.
                 
                Trong khi đó Trường Sa cách Lục Địa Trung Hoa tới 750 hải lý. Hơn nữa từ Trường Sa về Lục Địa Trung Hoa phải qua một rãnh biển sâu tới 4,600m. Vì đáy biển không phải là sự tiếp nối tự nhiên của thềm lục địa từ đất liền ra ngoài biển nên Trung Hoa không thể xin mở rộng thềm lục địa qua mức 200 hải lý.
                 
                Như vậy, về mặt pháp lý, theo Tòa Án Quốc Tế và Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa về phía Tây Biển Đông Nam Á thuộc chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.
                 
                II. BIỂN LỊCH SỬ HAY LƯỠI RỒNG TRUNG QUỐC
                 
                Đuối lý về mặt luật pháp, Trung Quốc tung ra chiến dịch hỏa mù với huyền thoại Biển Lịch Sử Trung Hoa mệnh danh là Lưỡi Rồng Trung Quốc.
                 
                Từ 1983 Bắc Kinh tập hợp 400 học giả Trung Quốc ngày đêm nghiên cứu thảo luận trong 10 năm để kết luận rằng Nam Hải là Biển Lịch Sử của Trung Hoa. Rồi họ hội nghị với 100 học giả Đài Loan để xác nhận điều này.
                 
                Lưỡi Rồng Trung Quốc không chỉ bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa về phía Việt Nam. Đây là cả một vùng biển bao la chạy từ Việt Nam qua Nam Dương, Mã Lai, Brunei và Phi Luật Tân. Theo ngoa ngôn của Bắc Kinh, Biển Lịch Sử Trung Hoa hay Lưỡi Rồng Trung Quốc có vùng lãnh hải rộng bằng phân nửa Lục Địa Trung Hoa.
                 
                Lưỡi Rồng Trung Quốc nằm sát bờ biển Việt Nam, cách Quảng Ngãi 40 hải lý, cách Natuna (Nam Dương) 30 hải lý, cách Sarawak (Mã Lai), Brunei và Palawan (Phi Luật Tân) 25 hải lý. Nó chiếm trọn 3 túi dầu khí đang khai thác là Bãi Tứ Chính (Vanguard) của Việt Nam, Bãi Natuna của Nam Dương và Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) của Phi Luật Tân. Nó chiếm hơn 80% Biển Đông Nam Á.
                 
                Năm 1992, Trung Hoa vẽ lại bản đồ và đòi chủ quyền lãnh hải toàn vùng biển Đông Nam Á. Họ coi biển Đông Nam Á (hay Nam Hải) là biển lịch sử của họ. Cũng như hơn 2000 năm trước đây, Đế Quốc La Mã gọi Địa Trung Hải là “biển của chúng tôi” (mare nostrum).
                 
                Địa Trung Hải là một biển rất lớn chạy từ bờ biển Tây Ban Nha qua Pháp, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Do Thái đến Ai Cập và toàn vùng biển Bắc Phi. Nó rộng gấp mấy chục lần bán đảo Ý Đại Lợi nơi Đế Quốc La Mã đặt thủ đô.
                 
                Về yêu sách Biển Lịch Sử của Trung Quốc, các luật gia tại Viện Hải Học Đông Tây Hawaii phải kêu lên rằng: “Không có nguyên tắc pháp lý hay điều khoản nào trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cho phép Bắc Kinh đòi như vậy!”
                 
                Thật vậy, ngày nay về mặt pháp lý, Luật Biển và Tòa Án Quốc Tế đã bác bỏ thuyết Biển Lịch Sử hay Lưỡi Rồng Trung Quốc của Bắc Kinh.
                 
                Theo Tòa Án Quốc Tế, Biển Lịch Sử chỉ là Nội Hải.
                 
                Theo Điều 8 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển: “Biển Lịch Sử hay nội hải của một quốc gia, nằm trong đất liền, về phía bên trong đường căn bản của Biển Lãnh Thổ.” (The International Court of Justice has defined historic waters as internal waters. Waters on the landward side of the baseline of the territorial sea form part of the internal waters of the State: Article 8 LOS CONVENTION l982).
                 
                Như vậy, nếu Địa Trung Hải không phải là Biển Lịch Sử của Đế Quốc La Mã, thì Biển Nam Hoa cũng không phải là Biển Lịch Sử của Đế Quốc Trung Hoa. Cả hai đều là ngoại hải, và cách La Mã và Lục Địa Trung Hoa hàng ngàn cây số.
                 
                Và công trình 10 năm nghiên cứu của 500 học giả Trung Hoa chỉ là công “dã tràng xe cát Biển Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì!”
                 
                III. THUYẾT THỦ ĐẮC CHỦ QUYỀN
                 
                Đuối lý về mặt pháp lý và thất bại trong thuyết Biển Lịch Sử, Trung Quốc đưa ra thuyết Thủ Đắc Chủ Quyền, thủ đắc do khám phá và thủ đắc do chiếm cứ.
                 
                1) Thủ đắc do khám phá (discovery)
                 
                Theo Bắc Kinh, từ trên 2000 năm nay, dưới đời Hán Vũ Đế (Thế Kỷ thứ 2 trước Công Nguyên), 100 ngàn hải quân Trung Hoa tuần hành tại Nam Hải đã khám phá các hải đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
                 
                Và trong Thế Kỷ 15, dưới đời Minh Thành Tổ, hải quân Trung Hoa đã đi tuần thám từ Biển Nam Hải đến Ấn Độ Dương để tuyên dương công đức vua nhà Minh. Do sự khám phá này Trung Quốc đã thủ đắc chủ quyền về các hải đảo này.
                 
                Sự kiện này không thể kiểm chứng được.
                 
                Trước hết không có tài liệu khách quan nào cho biết có sự tuần thám của hải quân Trung Hoa tại các đảo san hô tí hon tại Nam Hải.
                 
                Lịch sử chỉ thấy ghi 100 ngàn quân của Tào Tháo mượn lệnh Hán Đế đi xâm chiếm Đông Ngô và đã bị Chu Du đánh tan trong trận Hải Chiến Xích Bích.
                 
                Và dưới đời Minh Thành Tổ, các đội hải quân yểm trợ và tiếp viện cho Vương Thông đã bị Lê Lợi đánh tan trong vùng sông biển Việt Nam. Lịch sử chép rằng, sau những thất bại liên tiếp tại Đông Quan, Vương Thông đã hai lần xin hòa, rồi rút toàn bộ hải quân và lục quân về Tàu.
                 
                Trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết: “Hai mặt cứu binh, cắm đầu chạy trốn, các thành cùng khấu, cởi giáp quy hàng. Bắt tướng mang về, nó xin phục tội. Thể theo lòng Trời bất sát, ta cũng mở đường hiếu sinh. Cấp cho Mã Kỳ, Phương Chính 500 chiếc thuyền, ra đến Biển Đông chưa thôi trống ngực; phát vài ngàn cỗ ngựa cho Vương Thông, Mã Anh, về đến đất Tàu còn đổ mồ hôi. Nó đã sợ chết cầu hòa, ngỏ lời thú phục, ta muốn toàn quân là cốt, cả nước nghỉ ngơi. Giang sơn từ đây mở mặt, xã tắc từ đây vững bền. Nhật nguyệt hối mà lại minh, càn khôn bĩ mà lại thái. Là nhờ Trời Đất Tổ Tông khôn thiêng che chở giúp đỡ nước ta vậy....”
                 
                Những chiến thắng của Lê Lợi cho biết, đời Minh Thành Tổ, những đoàn hải quân Trung Hoa tuần thám tại Nam Hải chỉ nhằm thôn tính Việt Nam và Chiêm Thành. Chứ không phải để thám sát và khám phá các đảo san hô tại Biển Đông.
                 
                Vả lại kẻ khám phá không nhất thiết là kẻ sở hữu.
                 
                Từ 1969, Hoa Kỳ đã khám phá mặt trăng, treo cờ, lấy đá, chạy xe thử nghiệm và chiếm cứ tượng trưng nhiều lần. Nhưng không phải vì các hành động này mà Hoa Kỳ có thể tuyên bố “mặt trăng thuộc chủ quyền không gian của Hoa Kỳ”.
                 
                Cũng trong Thế Kỷ 15, các nhà thám hiểm hàng hải quốc tế như Christopher Columbus đã khám phá Mỹ Châu; Vasco de Gama đã khám phá Mũi Hảo Vọng tại Phi Châu và các hoang đảo tại Ấn Độ Dương; Magellan đã đi xuyên dương, từ Đại Tây Dương vượt Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương, khám phá quần đảo Phi Luật Tân và hải đảo Guam. Vậy mà Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng không đòi chủ quyền các lục địa, hải đảo và quần đảo này.
                 
                2) Thủ đắc do chiếm cứ (occupation)
                 
                Theo Công Pháp Quốc Tế, muốn thủ đắc chủ quyền các đất vô chủ (terra nullius), sự chiếm cứ phải có những đặc tính sau đây:
                 
                a) Chiếm cứ hòa bình
                 
                Không có sự chối cãi rằng, trong những năm 1974 và 1988, Trung Hoa đã dùng võ lực chiếm cứ một số hải đảo Hoàng Sa thuộc nhóm Lưỡi Liềm và một số đá bãi tại Trường Sa.
                 
                Sự chiếm cứ không có tính hòa bình mà do xâm lăng võ trang. Sự chiếm cứ bằng bạo hành không được luật pháp bảo vệ. Cũng như thời Đệ Nhị Thế Chiến, Nhật Bản đã chiếm cứ Hoàng Sa và Trường Sa bằng võ lực nên không có tư cách chủ quyền hợp pháp.
                 
                b) Chiếm cứ liên tục và trường kỳ
                 
                Trung Hoa không mang lại bằng chứng nào cho biết họ đã liên tục chiếm cứ Hoàng Sa, Trường Sa từ đời Nhà Hán hay ít nhất từ đời Nhà Thanh.
                 
                Sau Thế Chiến II, khi quân đội Nhật Bản rút lui vào cuối năm 1945, Trung Hoa mới chiếm một số đảo Hoàng Sa thuộc nhóm An Vĩnh (Amphitrite) phía đông bắc.
                 
                Năm 1974 họ đã xâm lăng võ trang để chiếm nốt các đảo Hoàng Sa thuộc Nhóm Lưỡi Liềm (Crescent) về phía tây nam.
                 
                Tại Trường Sa, Trung Hoa thú nhận rằng, lần đầu tiên, năm l988, họ đã chiếm cứ một số đá bãi (bằng võ lực). Sự chiếm cứ này vô hiệu vì không có tính hòa bình. Vả lại tới 1974 và 1988, các đảo Hoàng Sa-Trường Sa đã do Việt Nam chiếm cứ, nên không thể coi đó là đất vô chủ (terra nullius).
                 
                c) Hơn nữa sự chiếm cứ không được thừa nhận bởi các quốc gia liên hệ.
                 
                Năm l951, tại Hội Nghị Hòa Bình San Francisco, 51 quốc gia đồng minh ký Hiệp Ước Tái Thiết Nhật Bản, theo đó Nhật từ bỏ chủ quyền tại Hoàng Sa-Trường Sa, nhưng không nói để trả cho nước nào. Đại biểu Liên Xô yêu cầu Hội Nghị biểu quyết trả cho Trung Hoa. Nhưng Hội Nghị đã bác bỏ đề nghị này với 46 phiếu chống.
                 
                Sau đó, Thủ Tướng Trần Văn Hữu, Trưởng Phái Đoàn Quốc Gia Việt Nam, lên diễn đàn minh thị công bố chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa-Trường Sa, và không gặp sự phản kháng nào. (Ngày 8-3-1949 Pháp đã ký Hiệp Định Élysée để trao trả chủ quyền độc lập và chủ quyền lãnh thổ cho Quốc Gia Việt Nam).
                 
                Vả lại, sự thừa nhận chủ quyền hải đảo chỉ có nghĩa nếu xuất phát từ các quốc gia duyên hải đối diện hay tiếp cận. Vì Hoàng Sa, Trường Sa tọa lạc tại Biển Đông Nam Á, nên chỉ các quốc gia Đông Nam Á mới có thẩm quyền thừa nhận. Mà cho đến nay tất cả các quốc gia Đông Nam Á không một nước nào thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa.
                 
                IV. 10 TIÊU CHUẨN PHÂN RANH HẢI PHẬN
                 
                Trong phạm vi điều giải và tố tụng, Ủy Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa, Tòa Án Trọng Tài về Luật Biển và Tòa Án Quốc Tế đưa ra 10 tiêu chuẩn để giải quyết vấn đề phân ranh hải phận hay đồng hóa hải đảo vào lục địa của quốc gia duyên hải kế cận.
                 
                1) Vị trí của các đảo đối với bờ biển tiếp cận. Tại vùng quần đảo Hoàng Sa, đảo Hoàng Sa chỉ cách lục địa Việt Nam 160 hải lý, và cách Lục Địa Trung Hoa tới 270 hải lý. Tại bãi biển Trường Sa, bãi thanh Long, Tứ Chính chỉ cách bờ biển Việt Nam 190 hải lý, trong khi đảo Trường Sa cách Hoa Lục hơn 750 hải ly. Do đó Việt Nam có ưu thế vì Hoàng Sa Trường Sa tọa lạc tại thềm lục địa Việt Nam.
                 
                2) Diện tích các hải đảo so sánh với chiều dài bờ biển tiếp cận. Đảo Trường Sa (0.13 km2), và Hoàng Sa (0.56km2) quá nhỏ bé chỉ bằng 1/1000 đảo Phú Quốc (568km2), nên được đồng hóa vào lục địa Việt Nam. Vả lại bờ biển Việt Nam dài hơn 10 lần bờ đảo Hải Nam phía tiếp giáp Hoàng Sa.
                 
                3) Về độ sâu và địa hình đáy biển, các đảo, cồn, đá, bãi Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối tự nhiên của Thềm Lục Địa Việt Nam từ đất liền ra ngoài biển. Độ sâu nhất tại Hoàng Sa là 900 m và tại Trường Sa là 400 m. Trong khi đó, từ Hoàng Sa và Trường Sa về Hoa Lục có 2 rãnh biển sâu tới 2500 m và 4600 m.. Như vậy Hoàng Sa và Trường Sa không phải là sự tiếp nối tự nhiên của thềm lục địa Trung Hoa từ đất liền ra ngoài biển.
                 
                4) Tại Hoàng Sa, về mặt địa chất, năm 1925, sau 2 năm nghiên cứu, đo đạc và vẽ bản đồ, Tiến Sĩ Khoa Học A. Krempt, Giám Đốc Viện Hải Học Đông Dương, xác nhận rằng “về mặt địa chất, các đảo Hoàng Sa là thành phần của Việt Nam”. (Geologiquement les Paracels font partie du Vietnam). Một số học giả Pháp khác như Olivier Saix năm 1933, và Marcel Beauvois năm 1971, cũng xác nhận điều đó.
                 
                5) Về dân số, các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa quá nhỏ bé, không có thường dân cư ngụ và không thể tự túc về kinh tế. Trong khi đó số dân cư ngụ tại miền bờ biển Việt Nam đông gấp 10 lần số dân sinh sống tại đảo Hải Nam. Chiếu Điều 121 Luật Biển, Hoàng Sa Trường Sa không được hưởng quy chế 200 hải lý để đánh cá và khai thác dầu khí.
                 
                6) Về khí hậu và sinh thực học, tại Hoàng Sa và Trường Sa, các đảo san hô cũng như cây cỏ và sinh vật tiêu biểu cho vùng nhiệt đới Việt Nam, chứ không thấy ở vùng ôn đới Trung Hoa.
                 
                7) Về Khu Đặc Quyền Kinh Tế để đánh cá, Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa là khu vực đánh cá căn bản của Việt Nam. Trong khi đó, ngoài hải phận về phía Tây, Đảo Hải Nam còn được thêm 200 hải lý để đánh cá về phía Đông thông ra Thái Bình Dương. Vả lại Trung Hoa còn có biển Hoàng Hải và Đông Trung Quốc Hải thông ra Thái Bình Dương.
                 
                8) Tại Thềm Lục Địa Việt Nam những vùng có nhiều dầu khí nằm tại giữa lòng biển Vịnh Bắc Việt và tại khu bãi Thanh Long-Tứ Chính phía Đông Nam Cà Mau. Đây là nơi kết tầng các thủy tra thạch chứa đựng các chất hữu cơ do nước phù sa Sông Hồng Hà và Sông Cửu Long, con sông dài nhất Đông Nam Á, từ cao nguyên Tây Tạng đổ ra biển từ hàng triệu năm nay. Trong khi đó tại Biển Đông, không có con sông lớn nào từ lục địa Trung Hoa hay từ đảo Hải Nam chảy ra biển. Do đó dầu khí nếu có là do các chất hữu cơ từ lục địa Việt Nam chứ không phải từ Hoa Lục. Hơn nữa, ngoài hải phận về phía Tây, Đảo Hải Nam còn được thêm 200 hải lý thềm lục địa để khai thác dầu khí về phía Đông thông ra Thái Bình Dương.
                 
                9) Biển Đông với Hoàng Sa, Trường Sa có ảnh hưởng kinh tế, chiến lược và quốc phòng mật thiết với Việt Nam hơn là Trung Hoa. Vì Trung Hoa còn có biển Hoàng Hải và Đông Trung Quốc Hải chạy thông ra Thái Bình Dương.
                 
                10) Các tài liệu, sách báo, họa đồ hay các chứng tích lịch sử phải có tính xác thực. Dầu sao các tài liệu này không có giá trị bằng các yếu tố khoa học như địa lý, địa hình, địa chất, dân số, khí hậu, sinh thực học, và những yếu tố đặc thù về kinh tế như đánh cá và khai thác dầu khí, cũng như các yếu tố về chiến lược và an ninh quốc phòng.
                 
                Về điểm này chúng ta chỉ viện dẫn một vài tài liệu khách quan do chính người Trung Hoa biên soạn:
                 
                - Theo các học giả Trung Hoa, Biển Nam Hoa hay Nam Hải là tên biển của miền Hoa Nam, cách Quảng Đông 50 dặm về phía Nam. Các nhà thám hiểm và hàng hải Tây Phương muốn cho tiện nên gọi đó là Biển Nam Hoa (South China Sea). (Ngoại nhân xưng Nam Trung Quốc Hải).
                 
                - Theo cuốn Từ Điển Tối Tân Thực Dụng Hán Anh do các học giả Trung Hoa biên soạn tại Hồng Kông năm 1971 thì “Nam Hải là vùng biển kéo dài từ Eo Biển Đài Loan đến Quảng Đông”. (The Southern Sea stretching from the Taiwan Straits to Kwantung.)
                 
                - Theo Từ Điển Từ Hải xuất bản năm 1948 thì “Nam Hải thuộc chủ quyền lãnh hải của 5 nước là Trung Hoa, Việt Nam, Mã Lai, Phi Luật Tân và Đài Loan”. (Đúng ra là Nam Dương, không phải Đài Loan).

                Như vậy nếu Ấn Độ Dương không phải là đại dương của Ấn Độ, thì biển Nam Hoa cũng không phải là biển của nước Trung Hoa về phía Nam.
                 
                V. 5 KHUYẾN CÁO VÀ 4 TRỌNG TỘI
                 
                Vì vùng biển này tọa lạc tại Đông Nam Á nên trong Bản Phúc Trình năm 1995 gửi 7 vị nguyên thủ quốc gia Khối Asean (Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á), người viết đã đề nghị đổi danh xưng Biển Nam Hoa (South China Sea) thành Biển Đông Nam Á (South East Asia Sea).
                 
                Theo quan niệm “chính quyền nào rồi cũng tiêu vong nhưng đất nước và dân tộc thì vẫn còn mãi”, trong Bản Phúc Trình năm 1995, người viết đã khuyến cáo nhà cầm quyền Hà Nội thực hiện 5 việc sau đây:
                 
                1) Trước hết Việt Nam phải nhờ các luật gia và chuyên gia quốc tế vẽ ranh thềm lục địa lý (Nền Lục Địa), để yêu cầu Ủy Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa Liên Hiệp Quốc chấp thuận cho nới rộng thềm lục địa pháp lý qua mức 200 hải lý tới 350 hải lý.
                 
                2) Muốn vậy, Việt Nam phải tuân hành Luật Biển bằng cách thu hẹp Đường Căn Bản cho hợp pháp.
                 
                3) Phát triển tối đa kỹ nghệ đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý để sử dụng đúng mức, điều hành và bảo tồn nguồn lợi ngư nghiệp thiên nhiên tại Biển Đông.
                 
                4) Vận động với các quốc gia trong khối ASEAN yêu cầu đổi danh xưng Biển Nam Hoa thành Biển Đông Nam Á.
                 
                5) Đưa vụ phân ranh hải phận và vấn đề chủ quyền lãnh hải tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ra Ủy Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa, Tòa Án Trọng Tài hay Toà Án Quốc Tế, nếu cuộc điều giải bất thành.
                 
                Từ đó tới nay đã hơn 12 năm, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn im hơi bất động. Thậm tệ hơn nữa:
                 
                1. Năm 1999, Việt Nam đã ký Hiệp Định Biên Giới Việt Trung để nhượng 800 km2 đất biên giới cho Trung Quốc.
                 
                2. Năm 2000, Việt Nam đã ký Hiệp Định Vịnh Bắc Bộ để hiến dâng một vùng lãnh hải 12,000 km2 nước Biển Đông cho Trung Quốc.
                 
                3. Cũng trong năm này, Việt Nam còn ký Hiệp Định Hợp Tác Nghề Cá để dâng cá dâng dầu cho Trung Quốc.
                 
                4. Và, để có sự yểm trợ của Bắc Kinh trong kế hoạch thôn tính Miền Nam bằng võ lực, năm 1958, do văn thư của Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh, Chủ Tịch Đảng và Chủ Tịch Nước, đã tự ý chuyển nhượng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.
                 
                Những hành vi này cấu thành 4 tội phản bội tổ quốc bằng cách “cấu kết với nước ngoài nhằm xâm phạm chủ quyền quốc gia, xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc và xâm phạm quyền của nhân dân được sử dụng đầy đủ những tài nguyên và nguồn lợi thiên nhiên của đất nước”.
                 
                Kể từ tháng 6-2004, khi Hiệp Định Hơp Tác Đánh Cá có hiệu lực chấp hành do sự “phê duyệt” của Chính Phủ (thay vì phải có sự “phê chuẩn” của Quốc Hội), Trung Quốc đã lấn chiếm các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa tại Trung Việt (Đà Nẵng, Khánh Hòa) trong chính sách Vết Dầu Loang.
                 
                Đặc biệt là ngày 8-1-2005 tại Vịnh Bắc Việt, lính tuần duyên Trung Quốc đã dùng đại liên hạ sát 9 ngư dân, gây thương tích 7 người và bắt giữ 8 người tại một vùng biển của Việt Nam. Nạn nhân là những ngư dân Thanh Hóa đi đánh bắt tôm cá tại miền duyên hải Biển Đông là môi trường sinh sống đời đời.
                 
                Đây không phải là những hành động tự phát của một số binh sĩ vô trách nhiệm, mà là cả một chính sách khủng bố “sát nhất nhân, vạn nhân cụ” (giết một người khiến hàng vạn người khác phải sợ). Mục đích để ngăn cấm ngư dân Việt Nam không được đến đánh cá tại vùng biển sâu, dành cho Trung Quốc độc quyền đánh cá, thăm dò và khai thác dầu khí tại Vịnh Bắc Việt và miền duyên hải Trung Việt.
                Do những hành động này Trung Quốc đã phạm tội cố sát có dự mưu.
                 
                VI. ĐIỀU GIẢI VÀ TỐ TỤNG
                 
                Về mặt tố tụng nhiều người nghĩ rằng Việt Nam ngày nay là hội viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An nên có lợi thế để đưa vụ tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
                 
                Vấn đề không đơn giản như vậy.
                 
                Trước hết đương đơn phải là Chính Phủ Hà Nội. Vấn đề là ngày nay Hà Nội có dám khởi tố Bắc Kinh hay không? Trong tình trạng hiện tại chúng ta có quyền hoài nghi điều- này.
                 
                Vả lại, theo Hiến Chuơng Liên Hiệp Quốc, Hội Đồng Bảo An là một cơ quan tài phán và hành động có nhiệm vụ bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới. (Các Điều 24 và kế tiếp). Như vậy chỉ khi nào có những vụ vi phạm hay đe dọa hòa bình và an ninh thế giới (như xâm lăng võ trang) thì các quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc mới có thể đưa vụ tranh chấp ra trước Hội Đồng Bảo An.
                 
                Chúng ta hãy trở lại vụ Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa ngày 19-1-1974. Ngay ngày hôm sau, 20-1-1974, Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An triệu tập một phiên họp bất thường để giải quyết vấn đề này. Vì đây rõ rệt là một vụ xâm lăng võ trang, vi phạm chủ quyền quốc gia và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời đe dọa hòa bình và an ninh tại Đông Nam Á.
                 
                Trở ngại đầu tiên là vấn đề túc số. Muốn triệu tập một phiên họp bất thường phải có sự tán thành của quá bán tổng số các quốc gia hội viên thường trực và không thường trực (15 nước). Túc số cần có là quá bán cộng 1 (8 +1 = 9), nghĩa là phải có 9 quốc gia đồng ý. Tuy nhiên theo sự thăm dò của ông Chủ Tịch Hội Đồng Bảo An chỉ có 5 nước là Mỹ, Anh, Úc, Ái Nhĩ Lan và Costa Rica tán thành, nên không đủ túc số. Sau đó Chủ Tịch Hội Đồng Bảo An gửi văn thư tham khảo ý kiến của Bắc Việt về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, nhưng Hà Nội cố ý lẩn tránh, không trả lời.
                 
                Dầu rằng đây chỉ là một giả thuyết - Hội Đồng Bảo An có đủ túc số để triệu tập phiên họp và tuyên nghị quyết yêu cầu Trung Quốc triệt thoái khỏi Hoàng Sa, thì nghị quyết này cũng sẽ không được chấp hành do quyền phủ quyết của Trung Quốc. Là một trong 5 ngũ cường, hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An có quyền phủ quyết, Trung Quốc có quyền đơn phương hủy bỏ mọi quyết nghị của Hội Đồng Bảo An mà không cần viện dẫn lý do.
                 
                Về nội dung, căn cứ vào thủ tục, thẩm quyền của Hội Đồng Bảo An và thực tế chính trị hiện nay, đơn khởi tố của Việt Nam, nếu có, cũng ít hy vọng được chấp thuận. Vì Hội Đồng có thể chủ trương rằng việc thành lập một huyện như Tam Sa để quản trị các đảo Đông Sa, Hoàng Sa (Tây Sa), và Trường Sa (Nam Sa) chỉ là vấn đề hành chánh, không phải là xâm lăng võ trang đe dọa hòa bình và an ninh thế giới.
                 
                Năm 1974 Hội Đồng Bảo An đã bác đơn của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa yêu cầu triệu tập phiên họp bất thường, dầu rằng Trung Quốc đã xâm chiếm võ trang một số hải đảo tại Hoàng Sa của Việt Nam.

                Trên thực tế đơn khởi tố nặng về tác dụng chính trị. Trong mọi trường hợp, Chính Phủ Việt Nam phải tố cáo Bắc Kinh là kẻ xâm lược. Trong khi đó Quốc Hội phải công bố trước quốc dân và quốc tế chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời với sự công bố chủ quyền của Quốc Hội và đơn khởi tố của Chính Phủ là sự phản kháng quyết liệt của đồng bào trong nước hành sử quyền yêu nước là một quyền tinh thần và quyền biểu tình là một quyền hiến định (Điều 69 Hiến Pháp).
                 
                Ba mặt giáp công sẽ tạo nên một áp lực tinh thần mạnh mẽ đẩy tới cuộc đấu tranh trên bình diện chính trị. Sự biểu dương lực lượng quy mô và đồng loạt này sẽ tạo nên thế toàn dân đoàn kết chống ngoại xâm là một võ khí mạnh nhất để đánh động lương tâm của các dân tộc yêu chuộng công lý và nhân quyền trên thế giới. Trước áp lực quốc tế, Bắc Kinh sẽ phải suy nghĩ lại và chùn bước xâm lăng. Chính sách cố hữu của họ là “mềm nắn rắn buông”.
                 
                Dầu sao khu hành chánh Tam Sa cũng chỉ là một hỏa mù. Vì sau khi công bố thành lập huyện Tam Sa, Bắc Kinh lại chỉ thị cho hội đồng nhân dân địa phương không ghi vấn đề này vào chương trình nghị sự. Mục đích để xoa dịu đấu tranh, cho Hà Nội có lý do giải thích xuyên tạc và dối gạt dư luận rằng Trung Quốc đã nhượng bộ về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Từ đây Nhà Nước sẽ đàn áp thẳng tay mọi cuộc mít tinh biểu tình của sinh viên chống chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc.
                 
                Trong khi đó, thay vì phản kháng Trung Quốc, và công bố chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, Đảng và Chính Phủ lại ủy thác cho một vài cán bộ hành chính địa phương lên tiếng xác định chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Đây cũng chỉ là một chiến thuật hỏa mù để xoa dịu công phẫn của quốc dân, khiến dư luận ngộ nhận rằng Đảng Cộng Sản vẫn tha thiết với tiền đồ dân tộc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
                 
                Do đó khu hành chánh Tam Sa chỉ là hỏa mù lập ra để đánh lạc dư luận quần chúng. Vì như đã trình bày, từ 1946, Trung Hoa đã lập Đặc Khu Hành Chánh Hải Nam để quản trị toàn thể vùng biển Nam Hải. Đặc Khu này rộng bằng phân nửa lục địa Trung Hoa, chạy từ Việt Nam qua Nam Dương, Mã Lai, Brunei và Phi Luật Tân. Nó chiếm hơn 80% Biển Đông Nam Á. Đã có Đặc Khu Hành Chánh Hải Nam thì cần gì phải lập Huyện Tam Sa?
                 
                Vấn đề căn bản là Việt Nam có dám khiếu tố Trung Quốc không?
                 
                Trong điều kiện hiện tại, chúng ta có quyền hoài nghi việc này.
                 
                Vì Đảng Cộng Sản đi trái quyền lợi của đất nước và tước đoạt quyền biểu tình của người dân, quốc dân chỉ còn một cách là đứng làm lịch sử để thiết lập chính phủ dân cử đủ tư cách và khả năng đấu lý và đấu pháp với Bắc Kinh.
                 
                Về cả hai mặt điều giải và tố tụng, Việt Nam có triển vọng thắng thế. Và dầu Trung Quốc có chiếm một số đảo, cồn, đá, bãi tại Biển Đông thì sự chiếm cứ này cũng không có tác dụng tước đoạt chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chiếu Điều 77 Luật Biển.
                 
                Có điều là từ nay các ngư dân vùng bờ biển Việt Nam, từ Ninh Bình-Thanh Hóa, Quảng Bình-Quảng Trị đến Đà Nẵng-Khánh Hòa v...v... sẽ không còn quyền được sử dụng các tài nguyên và nguồn lợi thiên nhiên của đất nước.
                 
                NGÀY HOÀNG SA
                Luật Sư NGUYỄN HỮU THỐNG
                (Thuyết trình tại California ngày 19-1-2008)
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 23.01.2008 12:17:43 bởi Ngọc Lý >
                #8
                  Chuyển nhanh đến:

                  Thống kê hiện tại

                  Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                  Kiểu:
                  2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9