KHẢ NĂNG CỦA THƠ ÐƯỜNG LUẬT
lá chờ rơi 30.07.2007 15:35:23 (permalink)







KHẢ NĂNG CỦA THƠ ÐƯỜNG LUẬT

Thơ thất ngôn bát cú Ðường Luật có một bố cục trình bày rất hay, rất đẹp những gói nhỏ tâm tình, sự việc.
Dùng nó để đối đáp, xướng họa, kẻ nói ra người phụ họa hay phản đối, hoặc than thở, tự thuật  v.v. thì rất là đắc dụng.
Nhưng sự đắc dụng ấy chỉ thích hợp cho những sự phát biểu nhỏ gọn, chung chung.

Còn khi cần trình bày cả một khúc nôi cảm xúc, một câu chuyện với nhiều tình tiết, thì thơ Ðường Luật chưa cho thấy có khả năng thích hợp.
Cấu trúc của nó bắt buộc cứ mỗi 8 câu là phải một lần mở ra một lần đóng lại nên rất là không tiện trình bày liên tục những tình huống của một vấn đề. Dù là dùng một loạt bài liên hoàn, phần chính yếu cần được trình bày vẫn bị chia cắt thành từng mảnh nhỏ, làm mất đi rất nhiều cảm xúc cho người đọc.

Trong khi đó thì nhiều thể khác như thơ tự do, thơ mới, thơ lục bát lại cho phép trình bày liên tục mọi tình tiết, chỉ cần một lần mở một lần đóng cho mỗi bài thơ.

Vì không dám dùng thơ của người khác trong đề tài nhạy cảm này, nên đành phải bêu xấu dùng vài bài thơ của chính tôi làm ví dụ.

Ba bài thơ sau đây của tôi, tôi chịu thua là không thể viết được dưới dạng thơ Ðường Luật.
Nếu có bạn nào giỏi thơ Ðường Luật, chịu khó lấy những ý tứ đó và viết lại được với khuôn khổ của thơ Ðường Luật thì tôi rất hoan nghênh.
Vả lại, thành tích đó sẽ là một bằng chứng hùng hồn cho thấy rằng thơ Ðường Luật là nhất, hoặc ít nhất cũng là hay hơn nhiều thể loại thơ khác.

Ví dụ thứ nhất là một bài thơ mới :

CHIỀU SAY XUÂN LẠNH
(để nhớ một  mùa Xuân còn rơi tuyết)

Xuân đã đến còn mang ba lớp áo
Chiều không hờn không giận cũng căm căm
Ðường trước nhà ngửng mặt thấy xa xăm
Xe vắng tiếng trên lề người vắng bóng

Nụ xơ-ri trĩu cành say nhựa sống
Góc vườn xanh tu-líp trải hoa vàng
Én bay về vội vả gọi mùa sang
Mù vẫn đậm ánh dương hồng nghẽn lối

Ðàn chim sẻ thập thò trên mái ngói
Nhìn chân trời như hỏi chúa xuân đâu
Con quạ đen nay rảnh việc bắc cầu
Ðang sục sạo trong lùm xây tổ ấm

Mây lang thang trên cõi trời u ám
Hỏi trần gian sao vắng vẻ không vui
Người xin thưa nhân thế vẫn yêu đời
Nhưng vắng vẻ bởi đất trời lỗi hẹn

Bởi xuân đến mà đông chưa tách bến
Trời âm u con trẻ khó ra chơi
Chân xun xoe những muốn được leo đồi
Tay ngứa ngáy muốn vê từng cọng cỏ

Hơi thở nhạt phổi thèm hương lộng gió
Tai thèm nghe ra rít tiếng côn trùng
Mắt thèm vui đi hái nấm ven rừng
Tay thèm vẩy tung cần khi được cá

Mùa xuân đến mang về cho tất cả
Có muôn hoa nuôi bướm trắng ong vàng
Có côn trùng sâu bọ để chim ăn
Có cõ mượt cho muôn loài nhơi gặm

Mùa sinh nở thiên nhiên bừng sắc thắm
Mặc đông tàn dai dẳng mãi năm nay
Nửa địa cầu xoay mặt đón tương lai ...
VNN

Bài làm ví dụ thứ hai có thể gọi là thơ tự do hay thơ mới cũng được :

TRĂN TRỐI

Tôi còn sống khoảng hai mươi năm nữa
Ðể mà chi ai biết nói tôi nghe ?

Ðấu cờ vua, cờ tướng ?
nhậu lè nhè ?
Rồi đốt đuốc soi đời tìm chân lý ?

Hai mươi năm ...
ruộng dâu chưa hóa bể !

Ðủ gì đâu để thay đổi cuộc đời ?
Có chăng là vắng bóng hình tôi
Và quả đất nhẹ hơn vài chục kí !

Nước mắt cay thắm tình tri kỷ
Ô hay sao chưa nói đã cạn lời !
Có buồn vui mới đúng nghĩa kiếp người
Ðời vô sự là thiên đàng tẻ nhạt !

Có tan hợp mới nghe lòng tha thiết
Có giận hờn mới rõ nghĩa yêu thương
Khi đam mê lều cỏ giống thiên đường
Lúc chán ngán ngoảnh đi còn xốn mắt !

Hai mươi năm... hai mươi vòng quả đất
Hai mươi lần Xuân Hạ Thu Ðông
Ðếm làm chi khi Sắc cũng là Không
Vinh hay nhục đều là hư ảo

Ai khổ hạnh để cầu mong đắc đạo ?
Ai bạc đầu đeo đuổi mộng công khanh ?

Tôi chỉ mong cuộc sống mãi yên lành
Trong gió sớm không nặng mùi thuốc súng !

Hai mươi năm nữa nếu tôi còn sống
Có thấy gì tin tưởng được tương lai ?
Mừng trẻ thơ rạng rỡ một ngày mai ?
Mừng thế giới không còn vương khói lửa ?

Hai mươi năm... râu dài thêm chút nữa
Mà niềm yêu đời có được gia tăng ?
Trước khi đi về cõi vĩnh hằng
Tôi muốn biết để yên lòng nhắm mắt !

Và sẽ nán lại thêm vài phút
Nghe những lời thân thiết mến yêu tôi...

Rồi theo mây ... tan biến giữa lưng trời
Khi cánh cửa kiếp con người khép lại !
VNN

Bài ví dụ thứ ba theo thể lục bát :

THƠ NGỜI MẮT EM

Mẹ ngâm mấy khúc ầu ơ ...
Con lim dim mắt mẹ chờ ngủ sâu
Lời thơ trong gió bay cao
Nửa ru con dại, nửa theo bạn vàng

Ầu ơ ...
“Quạ kêu nam đáo nữ phòng
Người dưng khác họ sao lòng nhớ thương !”

Lời như tạc đá ghi vàng
Ðưa con vào giấc mộng xuân đầu đời
Mụ bà dạy trẻ mỉm cười
Mẹ nhìn âu yếm thương rồi lại thương ...
Thương chồng đội gió dầm sương
Chồng thương chung với con thương một lòng !

Ầu ơ ...
“Phải chi vác nổi cây súng đồng
Em đi lính thế cho chồng đôi năm !"

Tình ngời trong mắt xa xăm
Dòng thơ sưởi ấm gối chăn lạnh lùng !

Ầu ơ ...
“Chim quyên ăn trái nhản lồng
Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi.”

Ngoài trời sao lại đổi ngôi ...
Một vì sao lạc ... thơ ngời mắt em !
VNN

Dĩ nhiên thơ 7 chữ cũng viết được liên tục những cảm xúc, những nối tiếp của tư tưởng con người, nhưng phải dùng thể thơ trường thiên như bài sau đây của Tạ Ký :

XUÂN VỀ THƯƠNG NHỚ VỚI AI ÐÂY
A QUI PENSONS NOUS CE PRINTEMPS
(en hommage des Chân-Ðăng)

Tết đến rồi đây, Xuân đến đây
Voici le printemps qui arrive amenant le Têt
Xuân xuân Tết Tết được bao ngày
Mais pour combien de temps serons nous en fête ?
Cười nghiêng núi thẳm Xuân gian khổ
Que nos rires ébranlent les précipices, en ce printemps de labeurs et corvées
Tết đứng quê xa, Tết đọa đày
Et que les les pleurs pour notre patrie lointaine inondent ce Têt rudoyé
Có những con người không biết Tết
Il y a des gens qui ignorent volontairement le Têt
Cầm bằng năm tháng một cơn say
Considérant ces mois et jours comme une soûlerie toute faite
Có những con người không nói hết
Il y a des gens qui ne veulent pas tout dire
Căm căm thế sự nhíu đôi mày
Fronçant continuellement les sourcils, face à l'avenir
Có những con người không biết chết
Il y a enfin des gens qui refusent de disparaître
Hẹn cùng trời đất một ngày mai
Tenant le pari de durer aussi longtemps que la planète !

***
Tết đến Xuân về băm mấy bận
C'est déjà une trentaine de fois que mon printemps s'en va et revient
Giang hồ ta vẫn trắng đôi tay
J'ai beau parcourir le monde, toujours ne reste t-il sur mes deux mains.. que rien !
Lòng riêng nào biết Xuân hay Tết
Personnellement que m'importe le Têt ou le printemps
Tóc đã pha sương kể những ngày
Sinon que depuis ... mes cheveux se font grisonnants
Câu chuyện tâm tình không tỏ được
Sans parvenir à sonder mon coeur jusqu'au tréfonds
Hoa đào hàng xóm lả lơi bay
Je contemple les fleurs du pêcher voisin tournoyer en rond
Xót thương thân thế còn dang dở
Je plains ma vie ne connaissant que de défaites
Khói thuốc làm cay đôi mắt cay
Et mes yeux irrités par la fumée de ma cigarette
Chợt thấy bên hiên hoa lại nở
Soudain je vois les plantes fleurir sous l'auvent
Và Xuân lại đến ở đâu đây
Et quelque part ... s'annonce le printemps.

***
Nhưng hoa đã tỏ đường ong bướm
Mais que de fois les fleurs s'épanouissent
Xuân vẫn còn xuân với đọa đày
Le printemps reste toujours celui des supplices
Xuân vẫn còn xuân trong khói lửa
Celui d'un monde à feu et à sang
Còn Xuân nhưng vẫn trắng đôi tay
Et de mes deux mains aussi nues qu'auparavant !
Nhắm mứt gừng suông ba bửa Tết
Goutons à cette piquante confiture de gingembre les trois jours du Têt
Dở chồng thư cũ mấy năm nay
Et relisons ce tas de vieilles lettres
Ðâu đây nhạc rót mừng Xuân mới
Saluant le nouveau printemps la musique emplit l'éther
Không hiểu thương ai nước mắt đầy
Mais l'amour de qui me fait les yeux si amers !
Nhà vắng tha hồ mơ mộng đến
La nudité du foyer donne libre évolution aux rêves
Tiền đâu mua lấy nửa cơn say ?
Seulement y a-t-il de quoi se soủler pour une demi-heure de trêve ?

***
Thơ chẳng ai yêu rồi cũng vẫn
Personne n'aime mes poèmes personne ne les préfère
Ðêm đêm nằm tính chuyện tương lai
N'empêche que nuit après nuit j'en use ... pour édifier mes chimères !
Cố tri dăm đứa nghèo xơ xác
Il y a bien quelques vieux amis, mais ce sont aussi des gueux
Ăn chực nằm chờ khắp đó đây
Vivant en parasite par-ci par-là sous tous les cieux
Tán gẩu cười suông ngâm lạc giọng
Discutant l'inutile, rigolant au néant et chantant en fausse note
"Sòng đời thua nhẳn cả thơ ngây"
"Qu'ils ont joué et perdu leur ingénuité jusqu'à la dernière goutte !"
Thuốc chưa hết điếu mà cay mắt
La cigarette n'est pas finie est-ce que c'est la fumée ?
Tình chủng muôn đời vẫn đắng cay
Ou c'est par ces sentiments éternellement poignants que j'ai les yeux mouillés ?
Xuân bỗng tưng bừng trên má thắm
Mais voila que sur les joues roses le printemps sautille
Xuân về thương nhớ với ai đây ?
A qui nous fait penser ce printemps qui brille ?
Tạ-Ký

(sommaire traduction faite en 1981 par VNN
pour les descendants francophones des Chân-Ðăng)


(phỏng dịch để tặng lớp con cháu của các ông bà « chân đăng » chỉ biết tiếng Pháp. Bài này được tờ báo Les Nouvelles ở Nouméa, Nouvelle Calédonie, cho đăng miển phí, nhân dịp người ta nhắc lại đoạn đời khổ cực của những người phu được tuyển mộ từ Bắc Việt. Những người này gọi nhau là dân « chân đăng »)

Vài dòng góp ý, góp vui.
Cái lẽ « đúng/sai » không thể do tiếng nói của một người, mà phải do sự ưa thích của đa số người trong cuộc. Thế nên không có việc phải tranh luận.
Dĩ nhiên người không đồng ý nên cho dư luận nghe sự phản bác của mình để rộng đường suy nghiệm.

Trân trọng kính chào quý bạn.

Võ Nhựt Ngộ (VNN > Lá chờ rơi)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.07.2007 15:49:49 bởi lá chờ rơi >
#1
    hobac 03.08.2007 14:03:15 (permalink)
    Xuân Lạnh

    Chiều bận ngẩn ngơ đường vắng bóng
    Vườn hồng én lạc chút dương trong
    Đâu đây chim chóc khác thường ngày
    Đất trời vạn vật như ủ sóng
    Đông líu rộn ràng chưa sổ bước
    Xuân ôm sự sống vẫn bên lòng
    Về đi nhộn nhịp đâu
    mầu nhiệm
    Rộn rã nơi ta nỗi nhớ mong

    Hobac


    Chào huynh lá trờ rơi thấy bài thơ hay đệ chỉ thử theo thể đường luật thôi, chứ theo đệ nghĩ bài thơ nhiều hình ảnh thế này viết theo đường luật tiếng việt e khó lắm. chúc huynh vui vẻ


    <bài viết được chỉnh sửa lúc 03.08.2007 17:09:56 bởi hobac >
    #2
      lá chờ rơi 11.08.2007 09:22:55 (permalink)
      Chào huynh Hobac

      Cám ơn huynh đã tham gia ý kiến.
      Thơ chính thống phần lớn là sự rung cảm thực sự trong lòng người mà lắm khi sự « viết ra » của chính ta cũng chưa lột tả được hoàn toàn đúng mức. Những khi ấy ta vẫn còn cái cảm giác chưa thật hoàn toàn thỏa mãn.
      Do đó mà người chơi thơ thường linh động chọn thể thơ nào giúp nói ra được hết (hay nhiều nhất) những điều muốn nói.
      Sự trắc nghiệm này chỉ có mục đích chứng tỏ điều ấy, để tránh những sự khen-chê bừa bải có thể khiến một số người trẻ mới yêu thơ phải đi lạc lối.
      Thân mến,
      VNN-LCR
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 11.08.2007 09:28:04 bởi lá chờ rơi >
      #3
        Tứ Trụ 31.07.2009 00:16:06 (permalink)


        Kính Bác Lá

        Tình Cờ bước vào đây xin gởi lại vài hàng thơ  với lòng thành kính bác
        Mytutru.. Kính

        Cõi Phù Du

        Vòng xoay trái đất vốn vô ưu
        Sắc thể trần gian đã muốn hưu
        Cõi thế bao mùa vui, ái, khổ
        Hương lòng giải thoát chớ sầu tư
        Đam mê cõi thế như ngoạn cảnh
        Chán ngán định lòng rỏ biết dư
        Trước mắt định thần nuôi tuệ trí
        Thăng trầm bỏ hết thoát phù du
        Mytutru_30.7.2009

        -----

        Cõi Phù Du

        Vòng xoay trái đất vốn vô ưu
        Sắc thể trần gian đã muốn hưu
        Cõi thế bao mùa vui, ái, khổ
        Thăng trầm buông bỏ chớ sầu tư
        Luyến ái đam mê như ngoạn cảnh
        Định thần chán ngán biết thừa dư
        Trước mắt thức tâm nuôi tuệ trí
        Hương lòng tự tại chốn phù du.
        Mytutru_30.7.2009
        Sửa/7.8.2009


        Tặng Bác Lá

        Đã Sửa Niêm Luật 7.8.2009
        Kính Bác Lá Tu Tru Theo sự hướng dẩn niêm luật
        của Bác TuTru sửa lại cho đúng, kính Bác .
        Tu Trụ



        Đính kèm (1)
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 07.08.2009 16:29:08 bởi Tứ Trụ >
        #4
          lá chờ rơi 17.09.2009 09:32:05 (permalink)
          Trích đoạn: Tứ Trụ


          Cõi Phù Du

          Vòng xoay trái đất vốn vô ưu
          Sắc thể trần gian đã muốn hưu
          Cõi thế bao mùa vui, ái, khổ
          Hương lòng giải thoát chớ sầu tư
          Đam mê cõi thế như ngoạn cảnh
          Chán ngán định lòng rỏ biết dư
          Trước mắt định thần nuôi tuệ trí
          Thăng trầm bỏ hết thoát phù du
          Mytutru_30.7.2009

          -----

          Cõi Phù Du

          Vòng xoay trái đất vốn vô ưu
          Sắc thể trần gian đã muốn hưu
          Cõi thế bao mùa vui, ái, khổ
          Thăng trầm buông bỏ chớ sầu tư
          Luyến ái đam mê như ngoạn cảnh
          Định thần chán ngán biết thừa dư
          Trước mắt thức tâm nuôi tuệ trí
          Hương lòng tự tại chốn phù du.
          Mytutru_30.7.2009
          Sửa/7.8.2009


          Tặng Bác Lá

          Đã Sửa Niêm Luật 7.8.2009
          Kính Bác Lá Tu Tru Theo sự hướng dẩn niêm luật
          của Bác TuTru sửa lại cho đúng, kính Bác .
          Tu Trụ



          Đính kèm (1)
           
          Chào bạn Mytutru,
           
          Xin lỗi không để ý nên góp ý chậm bài này.
          Thơ bạn ngày càng tiến bộ một cách rõ rệt. Xin hoan hô sự cố gắng và tinh thần cầu tiến.
          Nên xin góp ý : « Hương lòng giải thoát chớ sầu tư » là 1 câu thơ đúng Luật Bằng Trắc, đúng Niêm so với các câu khác, đúng cú pháp.
          Nhưng ý nghĩa thì rất kém : « Hương lòng giải thoát »... chủ ý nói gì không rõ nên đoạn cuối « chớ sầu tư » có nghĩa rõ ràng lại giống như vô nghĩa.
          Chính bạn đã nhận ra điều ấy nên đã sửa lại thành :
           
          « Thăng trầm buông bỏ chớ sầu tư » nên câu thơ giờ có đầy đủ ý nghĩa.
           
          Câu : « Đam mê cõi thế như ngoạn cảnh » được thay thế bằng một câu súc tích hơn là : « Luyến ái đam mê như ngoạn cảnh »
          Hai câu 6 và 7 mới cũ gì cũng tương tự như nhau. Còn câu 8 sửa lại nghe hay hơn câu dùng lần trước.
           
          Ngoài các ràng buộc : Luật Bằng Trắc của từng câu, Niêm trên dưới giữa các câu, đối chỉnh tề trong mỗi cặp 3-4 và 5-6, vần trên dưới ăn nhau, của thơ TNBC Đường Luật, còn một cái khó chung cho mọi thể thơ là sự « cấu tứ ».
           
          Tức tìm ra những « tứ thơ » hay để diễn đạt « ý thơ ».
           
          Nói ví thì « ý thơ » giống như ta quy định một bức tường phải xây : ở đâu, cao, rộng bao nhiêu ? Còn « tứ thơ » thì giống như ta sẽ chọn loại gạch nào : to, nhỏ, dày mỏng, màu gì, cửa sổ, cửa cái v.v. để xây bức tường.
           
          Có « tứ thơ » mới hình thành được « ý thơ ».
           
          Thực sự với thơ, ví dụ như là : Muốn tả con sông Đà quanh co, ngọn núi Tượng cao ngất.
           
          Cách cấu tứ 1/
          Một giải sông Đà nằm uốn khúc
          Nghìn thu non Tượng đứng chen mây.
           
          Cách cấu tứ 2/
          Non Tượng trời cho bao tuổi lẻ
          Sông Đà ai vặn một vòng quanh.
           
          Sau đây là một bài thơ tương tự như bài Cõi Phù Du, nhưng với tứ thơ thật dồi dào, thành ra câu thơ rất hấp dẫn lôi cuốn người đọc.
           
          LẺ LOI
           
          Ô hay ! cuộc sống như vầy hả ?
          Ngó trước trông sau bóng hỏi hình
          Một kiếp phù du vờ ấy xác
          Trăm khoanh huyễn hoặc giả là danh
          Ðược thua đi ở âu phần mệnh
          Phú-quí vinh hoa lọ giật giành    
          May có duyên thơ khuây tóc bạc
          Sông Xuân gió dịu nguyệt long lanh !
          Giản-Chi
          (viết trên bến nhà Rồng trước thềm xuân Quý-Dậu 1993)
           
          Cụ Giản Chi nghiên cứu rất nhiều về triết lý Phật. “Trăm khoanh huyễn hoặc” là cái mà đức Phật dùng khi luận về hai chữ Sắc, Không.
           
          Thân ái chào bạn.
          LCR

           
          #5
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9