Tìm Hiểu Ngày Lễ Vu Lan
Nguyên Đỗ 03.08.2007 21:47:16 (permalink)
Tìm Hiểu Ngày Lễ Vu Lan



Mỗi năm vào tháng Bảy âm lịch, trong thơ văn, nghệ thuật và cuộc sống hằng ngày, người ta thường nhắc tới mưa Ngâu, với những cơn mưa lâm râm lất phất bay bay nhắc nhớ lại mối tình huyền thoại Ngưu Lang và Chức Nữ.  Nhưng vào ngày Rằm tháng Bảy thì không ai có thể quên ngày lễ hội  quen thuộc Vu Lan, đã đi vào truyền thống của người Việt Nam từ lâu đời, nhất là đối với những người Việt theo đạo Phật và đạo Cao Đài.
 

"... Tháng Sáu buôn nhãn bán trăm
Tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân..."
 
Ngày Xá Tội Vong Nhân vào ngày Rằm tháng Bảy âm lịch thực sự đã đi vào tâm não của người Việt Nam.  Đây là lễ Vu Lan Bồn, đây là ngày dâng cúng, tưởng nhớ  tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người đã khuất.  Trong suốt tháng Bảy, từ đầu tháng đến cuối tháng, người dân sắm sửa chuẩn bị mua những đồ ăn, hoa quả quí hơn thường ngày để cúng kiến vào dịp lễ báo hiếu Vu Lan, có người ăn chay trường cả tháng để cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất.
 
Nhiều người quan niệm một cách đơn giản là theo lời ông bà hồi xưa kể lại là vào ngày Rằm tháng Bảy, cửa âm phủ được mở hết ra để những người chết đang bị giam cầm trong tù ngục được ra.  Họ chuẩn bị làm đồ ăn cúng để các linh hồn bị giam đói lâu ngày trên đường về thăm con cháu được ăn một bữa no nê thỏa dạ. 
 
Chẳng riêng gì Việt Nam, những nước Trung Hoa, Đại Hàn, Thái Lan,  Kamphuchea, Nhật Bản cũng có những phong tục tương tự.  Vào ngày Rằm tháng Bảy, người Nhật cũng tin vong linh tổ tiên, những người quá vãng được thả ra từ chốn địa ngục.  Họ sắm sửa đồ cúng và lồng đèn treo trước nhà để giúp vong linh tìm được lối về, rồi hôm sau sáng hoặc tối họ đưa đồ ăn, lồng đèn thả ra sông, suối, biển khơi để tiễn ông bà tổ tiên về thế giới bên kia.
 
Tìm hiểu cặn kẽ sâu xa hơn, lễ Vu Lan, lễ Hội Đèn của Trung Hoa và Nhật Bản, cũng như các lễ của các quốc gia có nhiều Phật tử khởi nguồn từ đại lễ trong Phật giáo vào ngày Rằm tháng Bảy mỗi năm, đó là lễ Vu Lan Bồn được phát âm từ chữ Phạn Ullambana.  Theo Phật tích, Phật Thích-ca có mười đại đệ tử được xếp vào hàng đệ nhất, đứng đầu là Xá-lợi-phất (trí huệ đệ nhất), kế tiếp là Mục-kiến-liên (thần thông đệ nhất), v.v... Sau khi đắc quả a la hán, ông Mục-kiến-liên dùng mắt thần thông tìm xem hồn mẹ ở đâu thì thấy bà Thanh-đề đang đọa địa ngục, đói khát. Tuy phép lực thần thông, Mục-kiến-liên vẫn không thể cứu mẹ; thậm chí, muốn cho mẹ đói được ăn mà cũng bó tay chịu thua. Mục-kiến-liên đành về hỏi Phật. Nhân dịp này Phật thuyết kinh Vu lan (Ullambana Sutra), dạy Mục-kiến-liên vào ngày Rằm tháng Bảy âm lịch dâng bát (vu) cúng dường chư tăng, nhờ sức tập thể của chúng tăng cầu nguyện mới có thể giải thoát mẹ ra khỏi địa ngục. Từ đấy có lễ vu lan, hội vu lan để phận làm con báo ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha.
 
Mục Kiến Liên, đa số dân chúng đọc trại ra là Mục Kiền Liên, hay Mục Kiện Liên theo chữ Sanskrit là Maudgalyàyana, hay Pali là Moggallàna, nhưng theo sát nghĩa mắt thần thông nhìn thấu suốt, theo tôi phải viết là Mục Kiến Liên mới đúng.  Xin các bậc thông giả Phật tử góp ý kiến thêm.  Mục Kiến Liên, một người con có hiếu thấy mình bất lực trước sự đau khổ đói khát của Mẹ trong địa ngục đã phải thỉnh cầu Đức Phật và được Ngài chỉ lối sắm sửa hương hoa đèn đóm làm lễ trai tăng cùng Đức Phật và các Thánh Tăng hợp chung sức cầu  nguyện để bà Thanh Đề nương theo đó mà thoát khỏi ngục lửa vào cõi siêu thăng.
 
Lời Phật thuyết pháp trong dịp này gọi là Vu Lan Bồn Kinh ( Ullambana Sutra) hay đơn giản dễ hiểu mang tính cách dân gian hơn là Kinh Báo Hiếu.  Từ đó dần dần mỗi năm truyền thống Vu Lan càng đi sâu và lan rộng vào dân gian ở các nước có đông Phật tử.
 
Tưởng cũng nên nhắc tới là vào dịp này từ đầu triều Nguyễn trong triều cũng như trong dân gian, người ta thường đọc bài văn tế thập loại chúng sinh của đại thi hào Nguyễn Du mở đầu bằng câu:
 
"Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt
Gió heo may lạnh buốt sương khô..."
 
Cho nên lễ Vu Lan, không chỉ thuần vào cúng kiến tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất, mà chung cho cả những vong linh quen lạ trong kiếp trần gian ba nghìn thế giới.
 
Tôi không nhớ Việt Nam có ngày lễ Hiền Mẫu, hay Từ Phụ như ở các nước Tây phương không, mặc dù ở phương Đông mình chữ Hiếu có thể được xếp vào hàng Đạo Hiếu.  Các dịp lễ giỗ, cúng kiến rất linh đình, nhưng tại sao phải đợi ông bà, cha mẹ đã khuất rồi mới tỏ lòng biết ơn, hiếu thảo, tại sao không có một ngày lễ Từ Phụ, Hiền Mẫu như ở các nước phương Tây mà may mắn thay các người Việt Nam tỵ nạn đang sống đang tiếp thu.  Tôi nhớ mang máng câu ca dao Việt Nam chua xót diễn tả nỗi mâu thuẫn trớ trêu bi ai này:
 
Sống thì con chẳng cho ăn
Chết rồi xôi thịt làm văn tế ruồi
 
Hy vọng một ngày nào đó, Việt Nam mình sẽ chính thức có một ngày Hiền Mẫu, một ngày Từ Phụ để con cái tỏ lòng hiếu thảo với Mẹ hiền, Cha quí lúc các người còn đang sống, trở thành một truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ mai sau.  Ai chẳng biết lòng hiếu thảo cần thể hiện hằng ngày chứ không phải chờ một ngày trong một năm, nhưng có một ngày lễ chính thức trong năm sẽ tạo một truyền thống mới nhắc nhở công ơn dưỡng dục của cha mẹ và lòng thương yêu của con cái đối với cha mẹ mình là một điều tốt đáng làm.
 
Nguyên Đỗ
<bài viết được chỉnh sửa lúc 03.08.2007 21:48:20 bởi Nguyên Đỗ >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9