Đến An Giang, thăm Hoa Thê Sơn…
rongxanhag 05.08.2007 04:04:00 (permalink)

 
Đến An Giang, thăm Hoa Thê Sơn…
 
Trên bản đồ vị trí hành chính tỉnh An Giang, thị trấn Óc Eo ( một phần của xã Vọng Thê cũ ) cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 40 cây số, theo tỉnh lộ 943.
 
Xã Vọng Thê (huyện Thoại Sơn) tiếp giáp Tân Hội (huyện Tân Hiệp), Mỹ Hiệp Sơn (huyện Hòn Đất) và nhiều xã của 2 huyện Tri Tôn, Thoại Sơn. Ở đây có di chỉ của nền văn hóa Óc Eo lâu đời, có vị trí khá thuận lợi về giao thông thủy bộ, liên hệ với tất cả các địa phương trong khu vực. 
 
Năm 2003 xã Vọng Thê đã được chia tách thành thị trấn Óc Eo và xã Vọng Thê .
 
I.Vì sao núi có tên gọi Ba Thê?
 
 Sách Đại Nam nhất thống chí chép:
 
Núi Ba Thê có tên là Hoa Thê Sơn. Diện mạo núi có 3 chóp đứng, có nhiều cây cổ thụ xanh mát, mặt trước là lung, đầm lầy. Vào triều Minh Mạng, do húy ky tên Hoàng hậu Hồ Thị Hoa nên Hoa Thê Sơn đổi thành núi Ba Thê.
 
Trong sách Tự Vị Tiếng Nói Miền Nam của Vương Hồng Sển ghi:
 
Núi Ba Thê cao 30 trượng, châu vi 30 dặm, cách phía tây bến Thoại Hà 18 dặm ngoài.Nơi đây có 3 ngọn núi trùng điệp xanh tươi, có nhiều cây cao bóng mát…Mặt trước ngó ra chằm lớn, cỏ rậm bùn lầy.
Thọai Ngọc Hầu nhân đó cho đào vét, rộng 20 tầm ghe thuyền lưu thông dễ dàng…
Vùng này trước đây còn nhiều voi, trâu rừng, khỉ, sấu & nhiều chim chóc lạ

 Riêng  tên gọi, cụ Sển giải thích : Thê là cái thang, vì ngày trước vào thời đàng cựu nơi đây có bắc thang cao để trông hành động của phe Thổ…
 
 II.Đôi điều về vùng đất Ba Thê xưa :
 
 Thành cổ Óc Eo là một thương cảng lớn thời trung cổ, không hiểu sao bị chìm sâu dưới đất, chỉ mới được phát hiện khi nhân dân đào kênh xáng Ba Thê, cách nay chưa lâu.
 
         Đây là một địa danh được nhiều người trong và ngoài nước biết đến.Là một khu di tích cổ rộng lớn, gắn liền với nhiều vết tích vật chất của vương quốc Phù Nam, một quốc gia hùng mạnh ở vùng Đông Nam Á mà thư tịch cổ Trung Quốc có nhắc đến, đã hình thành và phát triển rực rỡ vào khoảng thế kỷ I đến thế kỷ VII.
 
Theo các nhà nhiên cứu, đô thị này có 2 khu vực chính: nội thành là nơi ở của vua chúa, quan lại, đạo sĩ, thương gia, nghệ nhân, công chức, binh lính và ngoại thành là nơi ở của công nhân và các cư dân.
 Khi xưa nơi đây là một thương cảng lớn, một trung tâm thương mại rất sầm uất nằm bên bờ vịnh Thái Lan, từ vùng biển Rạch Giá ăn sâu vào đất liền đến tận vùng Thoại Sơn (An Giang) ngày nay.Dấu vết vùng biển khô cạn cuối cùng, giờ là một khu mỏ chứa vô số vỏ sò đã hóa thạch, gần núi Chóc…
 
 Và nói đến Ba Thê, người ta cũng thường nhắc đến Linh Sơn Tự, Hồ Sen, Giồng Xoài, Giồng Cát, Gò Cây Thị vv… là những di chỉ thuộc nền văn hoá Óc Eo của Vương quốc Phú Nam vừa kể  (đã được công nhận di tích Lịch sử -Văn hoá cấp quốc gia)
 
1.Dấu vết của nền văn hóa cổ Óc Eo:
 
Tại cánh đồng phía nam phía Ba Thê có một vùng đất lẫn đá gọi là Giồng Cát, Giồng Xoài.Vào tháng 2-1944, ông L.Malleret chủ trì đã khai quật tìm thấy một loại di tích kiến trúc gạch đá nền hình vuông không có mái ngói, nhiều hạt cườm, mảnh vàng, đồ trang sức được chế tác tinh xảo….
Từ lâu, khu vực Đá Nổi, vùng giáp ranh giữa 2 huyện Thoại Sơn và Thốt Nốt, người ta đã đào bới và tìm được vàng của người xưa cùng nhiều di vật…
 
 Ông Trần Văn Hùm, nông dân ở khóm Tây Huề, phường Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên kể lại, những năm trước 1975 ông hay xuống khu vực Đá Nổi để đặt trúm bắt lươn, giăng câu lưới vào mùa nước nổi. Ngày nào cũng có hàng trăm người từ khắp nơi đổ về đây tìm vàng, phần lớn đều là dân nghèo mong gặp cơ may và thực tế họ cũng tạm kiếm ăn được …
Sau khu vực Đá Nổi, người ta lại phát hiện ra vàng tương tự ở khu vực Giồng Xoài, Giồng Cát chạy dài qua 2 huyện Thoại Sơn (An Giang) và Hòn Đất (Kiên Giang), trung tâm là xung quanh chân núi Ba Thê ; nơi đã tìm thấy được nhiều hiện vật quý hiếm như pho tượng cổ Phật Bốn Tay có niên đại từ thế kỷ thứ 1-2 đến thế kỷ thứ 6-7 sẽ kể ngay sau đây.
 
. Anh Tư Chậu ở xã Tân Hội (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) nói: “Những năm còn làm lúa mùa nổi, tôi đem máy cày qua làm mướn ở chân núi Ba Thê, thường lượm được những đồ vật ở giữa đồng và có hình dạng rất ngộ. Khi bằng đất nung, có lúc giống như đồng đen, thậm chí có nhiều món cầm lên cứ ngỡ là vàng thật”…
Chuyện đi đào vàng ở Óc Eo luôn hấp dẫn người nghe và thu hút dư luận quan tâm.Từ những câu chuyện có thật, mỗi người thêu dệt đôi chút khi kể cho nhau nghe, làm kỳ bí thêm về giá trị vùng Di chỉ khảo cổ…
2.     Nói thêm về Linh Sơn Tự :
 

 
Vào năm 1912, khi người Pháp cho xe ủi đất xây đồn Ba Thê, nằm cách gò Óc Eo hơn một cây số rưỡi, đã khai quật được pho tượng “Phật bốn tay” bằng đá có chiều  cao 1,70m cùng hai bia đá cao 1,80 m hai mặt khắc chữ cổ của người Phù Nam (không phải chữ Phạn hay chữ Khơmer cổ). . . Dân quanh vùng khi ấy đã dựng lên ngôi chùa đặt tên là Linh Sơn Tự  để tôn thờ Phật và gìn giữ bia cổ…
 
Các nhà chuyên môn cho biết, tượng thờ này mang mô típ mỹ thuật Bà-la-môn giáo có nguồn gốc từ Ấn  Độ tương tự tượng thờ Bà Chúa Xứ ở núi Sam (Châu Đốc) - thực chất đây không phải là tượng người phụ nữ mà là pho tượng dạng lưỡng tính thường gặp trong tín ngưỡng Bà-la-môn giáo.
3.Về công cuộc khai quật& bảo tồn di tích :
 
Trong nhiều năm qua, Bảo tàng tỉnh An Giang đã phối hợp cùng Viện Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh và Viện Khảo cổ Hà Nội tiến hành khảo sát và khai quật một số loại hình tại vùng Di chỉ Óc Eo và một số nơi khác trong tỉnh.
 
Liên tiếp trong 3 năm, từ 1998 đến năm 2000, các nhà khảo cổ khai quật 2 di chỉ ở núi Ba Thê là khu kiến trúc, mộ táng nằm phía Nam chùa Phật Bốn Tay và khu gò Cây Thị nằm dưới đồng bằng. Kết quả cho thấy, đây là một dạng kiến trúc cung đình mang tính cách tôn giáo, được xây dựng rất xưa và tồn tại đến thế kỷ thứ 9.
Đặc biệt, qua đợt khai quật cũng phát hiện một chum cải táng bằng gốm thô đường kính 0,67m, cao 0,4m, trong chum có vài mảnh nhỏ chất hữu cơ, 5 hạt chuỗi bằng vàng và một mảnh chuỗi vỡ bằng mã
não.
 

 
Tỉnh An Giang đã xây dựng mái che cho 2 di tích này, với tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng, nhằm phục vụ du khách tham quan và công tác nghiên cứu khoa học.
 
Trong lần khảo sát điền dã hồi đầu tháng 10 năm 2001, Bảo tàng tỉnh An Giang cũng phát hiện một công trình kiến trúc cổ nằm ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn có chiều dài 18m, rộng 12m và cao 3m. Theo nhận định ban đầu của giới chuyên môn, công trình dưới dạng đền tháp còn khá nguyên vẹn thuộc nền văn hóa Óc Eo, có niên đại khoảng thế kỷ thứ 7, 9 cách đây hơn 1.000 năm.
Với ý tưởng tái hiện lại nền văn hóa vương quốc Phù Nam, nhà trưng bày cổ vật Ốc Eo được thiết kế theo hình thù của chiếc Linga khổng lồ có chiều cao hơn 20m, đường kính 10,9m.

Nhà trưng bày đang trong thời kỳ xây dựng và khi hoàn thành có khả năng bảo quản và trưng bày hàng ngàn cổ vật được tìm thấy…

179180.Điểm vài thắng cảnh tại Ba Thê:
-Trên núi Ba Thê, tại Chùa Bà, có vết tích “Bàn chân Tiên” ở sân Tiên Tự với những truyền thuyết thật lãng mạn.
Đi về phía Bắc của dãy núi là các danh thắng khác như : hang Ông Hổ, Linh Sơn Tự và Thạch Đại Đao … Còn trên cao nhất của dãy núi Ba Thê là Chót Ông Tà - nơi thờ phượng thần Núi.

 (Thạch Đại Đao, sự tích kể lại rằng, trên đỉnh núi phía bắc sau một trận cuồng phong, sấm sét đã làm vỡ một vồ đá lớn làm lộ ra một tảng trông gần giống hình một thanh đao.
Từ đó, người dân đặt tên là Thạch Đại Đao và dựng “cây đao thần” trên đỉnh núi để du khách đến chiêm bái.)

-Từ độ cao hơn 300m, nhìn ra tứ phía là màu xanh ngút ngàn của những cánh đồng lúa vùng tứ giác Long Xuyên. Vào những ngày trời quang, ta có thể phóng tầm mắt tới tận biển Rạch Giá, núi Thất Sơn, Tri Tôn…

 
5.Phác họa về một Ba Thê trong tương lai gần:
 
 Mấy năm gần đây, chính quyền cùng người dân đã đầu tư, góp tay rất nhiều cho Óc Eo; để vùng đất giàu tiềm năng này mau chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng; phấn đấu trở thành một thị trấn du lịch-văn hóa thuộc loại đặc trưng & hấp dẫn ở An Giang & Đồng bằng Sông Cửu Long
 Nhờ vậy, giao thông xung quanh chân núi đã được nâng cấp và trải nhựa, đường dây điện, đường ống nước máy phục vụ sinh hoạt của người dân ngày một vươn xa, nhất là ở ấp Trung Sơn, nơi có đông đồng bào gốc Khơ-mer.
 
 Vào ngày 30-4-2002, thị trấn đã tưng bừng khánh thành con đường lên đỉnh núi Ba Thê, dài hơn 2.000m và rộng 3m, với kết cấu bê tông cốt thép.Trên đỉnh cũng đã xây dựng xong chiếc cầu dây văng bắc qua hai ngọn núi Ba Thê vào dịp Tết 2003, thay thế cây cầu sắt mục gẫy có từ thời Pháp thuộc.Và nhiều công trình khác như  gắp rút hoàn thành nhà trưng bày hiện vật di chỉ văn hóa Óc Eo vv…
 
Riêng nhiều năm nay, ngành Kiểm lâm An Giang luôn miệt mài với công việc trồng rừng, phủ xanh đất trống, sườn đồi trọc cho vùng núi Ba Thê.Không chỉ vậy, cơ quan này còn phát động nhân dân trồng cây ăn trái, cây gây bóng mát, xây dựng nhiều vườn rừng để phục vụ du khách tham quan &nghỉ dưỡng…
 
III. Tạm kết bài :
 
 
 Ba Thê, khi tôn tạo xong nó sẽ là một trọng điểm du lịch trong tuyến liên hoàn Bảy Núi - Hà Tiên và ngược lại.
 
Vì là trung tâm của khu vực Tứ giác Long Xuyên, nên du khách đến tham quan núi Ba Thê không chỉ thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình của một đồng bằng nhiều ruộng đồng, nhiều sông núi, tham quan các di tích văn hóa Óc Eo, làm quen với phong tục của đồng bào Khơ-me vùng núi; mà còn được dịp thưởng thức các món dân dã nhưng rất lạ miệng & ngon miệng như: cá linh kho lạt bằng nước dừa tươi chấm với gỏi bông súng, lẩu mắm kho của người Khơ-me ăn kèm với nhiều loại rau đồng, hay món bánh xèo với nhiều loại rau rừng thật đậm đà hương vị vv…
 
Cộng với tấm lòng hiền hậu và hiếu khách của người bản địa.Chắc chắn  vùng đất cổ đẹp đẽ, hoang sơ, còn ẩn chứa bao điều kỳ bí này sẽ  gợi trong lòng du khách biết bao nỗi niềm.
 
Đứng trên đỉnh núi, trong không gian lộng gió, ngắm bốn phía là những cánh đồng rộng lớn, phì nhiêu cùng những dãy núi xanh thẫm nhấp nhô; liên tưởng về một đô thị cổ sầm uất, về công lao khó nhọc của người đi mở cõi; tôi tin du khách sẽ vừa vui vì một Ba Thê đang năng nổ đi lên,vừa bùi ngùi cho những gì của xa xưa đã xa khuất, đã lụi tàn…
 
Bùi Thụy đào Nguyên, biên soạn
 
Tài liệu tham khảo:
 
-Trân Châu (Theo tienphongonline)
-Báo Bình Dương- (11/10/2006 )
-Thanh Tuấn (Theo Saigonnews)
-Theo web báo Cần Thơ

Ảnh minh họa (từ trên xuống )
 
-Đường bê tông dẫn lên núi Ba Thê
-Tượng Phật Bốn Tay
-Tượng Phật Quan Âm “thiên thủ thiên nhãn”
-Tượng Thần Visnu
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9