Những Tấm Gương Sáng: Nữ nghị viên họ Nguyễn
Mayvang 05.08.2007 16:18:24 (permalink)


Gặp nữ nghị viên họ Nguyễn
 
Nguyễn Hùng
Thực hiện tại San Jose - California


Ngồi đối diện tôi trong hành lang và cũng là phòng khách của một đài phát thanh địa phương ở San Jose là một phụ nữ trông có vẻ mảnh khảnh với nét mặt tươi tắn và nụ cười thường trực.

Khi được nghe nói về cô với tư cách nữ nghị viên cấp thành phố gốc Việt đầu tiên ở Hoa Kỳ, tôi nghĩ mình sẽ gặp gỡ một phụ nữ trung niên. Nhưng Madison Nguyễn mới vừa rời ghế nhà trường ít lâu để theo đuổi tham vọng trong chính trường.
Người có tấm bằng thạc sỹ Đại học Chicago đã phải tạm ngưng chương trình học tiến sĩ xã hội học ở Đại học California để trở thành nghị viên của Khu vực bầu cử hay Đơn vị số Bảy tại thành phố đông người Việt nhất ở Hoa Kỳ.
"Madison đắc cử lần đầu tiên vào năm 2005 và tái đắc cử vào năm 2006. Madison sẽ đại diện cho cư dân của Đơn vị Bảy tới năm 2010 và sau đó còn có một cơ hội nữa để ra tranh cử và đại diện cho Đơn vị từ năm 2010 tới năm 2014,” nghị viên họ Nguyễn nói.
Trước khi gặp Madison, tôi có nói chuyện với một người bạn của cô. Khi nghe nói tôi sẽ gặp Madison, người bạn này nói trước khi ra tranh cử Madison cũng tham vấn ý kiến của mọi người trong đó có anh. Anh nói anh đã nói thẳng với Madison là anh không thích điều mà anh gọi là tính hơi ‘cocky’ của cô.
Anh bạn Madison nói tiếng Anh và tôi không hỏi anh thực sự muốn nói gì khi dùng từ ‘cocky’. Khi nghe anh nói tôi hình dung ra một người hơi khó tính nhưng người tôi gặp hoàn toàn dễ chịu và nói chuyện như một chính trị gia thứ thiệt. Có thể anh bạn cô đã chỉ nói về một đôi lúc khó tính của cô hoặc có thể cô đã thay đổi.

Công việc nghị viên
“Madison nghĩ mình trưởng thành rất là nhanh và quan trọng trong hai năm qua. Mỗi ngày mình tiếp xúc với rất nhiều người Việt Nam trong Đơn vị Bảy và trong thành phố San Jose.

“Mình cũng biết là làm một người nghị viên ở đây rất là khó khăn. Mình đại diện cho một cộng đồng mà lúc nào mình cảm thấy như là mình phải học hỏi thêm. Có rất nhiều bậc cha chú đã đi trước mình, họ có rất nhiều kinh nghiệm và muốn chia sẻ. Trong những lúc Madison lắng nghe, Madison học hỏi rất nhiều. Madison cảm thấy mỗi ngày đều học hỏi những điều khác nhau. ”
Madison nói San Hose chia ra làm mười đơn vị và mỗi nghị viên là ‘một người thị trưởng nhỏ’. Toàn bộ các nghị viên nằm dưới sự chỉ đạo của Thị trưởng Chuk Reed, người mà BBC cũng có dịp hỏi chuyện và sẽ chuyển tới qúy vị trong thời gian tới.
“Mỗi ngày đều khác biệt. Một người nghị viên mình đại diện cho cư dân ở đây, cư dân Đơn vị Bẩy có 96.000 người, lớn hơn so với thành phố Westminster hay Garden Grove ở Quận Cam.
“Mỗi sáng Madison đến làm việc lúc tám giờ. Cứ ba chục phút Madison gặp một người. Một người cử tri họ có thể tới họ nói là ‘Tôi có vấn đề này, vấn đề kia nhờ nghị viên Madison giúp đỡ’. Hay đó có thể là một thương gia họ muốn thành lập một cái thương xá hay business gì đó cần sự giúp đỡ của mình. Sau năm giờ, Madison xong thì cũng đi ra ngoài họp với hội đoàn này hay hội đoàn kia.
“Thực sự công việc của Madison nhiều khi nghĩ không bao giờ hết. Nhưng mình cũng phải chấp nhận thôi vì nếu mà muốn đi vô con đường chính trị thì sự hy sinh nó rất là lớn.
“Và Madison đã chấp nhận nên cũng không có gì complain (phàn nàn)”.
Madison kết thúc câu trả lời với một nụ cười. Và cũng với tiếng cười khá vô tư, cô nói cô ‘không biết có phải may mắn không’ nhưng cô vẫn còn độc thân nên trước mắt cô có nhiều thời gian hơn cho công việc. Cô nói cô ‘rất thích công việc hiện nay và hứng thú còn rất là cao’ nên cô không ngại chuyện bận bịu.

Sức sống San Jose
Nghị viên họ Nguyễn nói San Jose là thành phố đa sắc tộc. Tại Đơn vị Bảy mà cô là một ‘thị trưởng nhỏ’ có gần 45% người ‘Mễ’, gồm người Mexico và Mỹ Latinh, hơn 30% người Việt và người ‘Mỹ trắng’ chỉ chiếm 15%.
Tuy nhiên Madison có lợi thế tại khu vực này vì chỉ có 15-20% người ‘Mễ’ đi bỏ phiếu trong các dịp bầu cử trong khi người Việt đi bỏ phiếu với số đông.
Madison nói điều khiến San Jose và Silicon Valley phát triển nhanh chóng trong mấy chục năm qua là khả năng thu hút ‘người tài’ từ các nơi khác ở Hoa Kỳ và trên thế giới về làm việc ở đây.
Silicon Valley là nơi có thể coi là ‘ra ngõ gặp sáng kiến’ và những ý tưởng đi trước thời đại gặp miền đất lành tại Thung lũng Điện tử với cơ sở hạ tầng, những chính sách khuyến khích mạo hiểm và nguồn đầu tư mạo hiểm sẵn có.

Gốc gác Việt Nam
Nghị viên Madison ngày nay rời Việt Nam cùng bố mẹ và tám anh chị em vượt biên khi mới lên bốn.

Sau ba năm ở trong tại tị nạn tại Philippines, cô cùng gia đình được một nhà thờ bảo lãnh tới Hoa Kỳ và công việc trong những năm đầu là ‘đi hái trái cây’ và sống trong cảnh nghèo khó.
Mấy chục năm trôi qua, ba mẹ cô đã già và sống ở một vùng quê cũng ở California nơi cô nói không có điều kiện tiếp xúc nhiều với truyền thông đại chúng.
Nhưng chắc chắn bố mẹ cô tự hào về những gì cô con gái đã đạt được, Madison nói với BBC.
Cô nói nước Mỹ cho bất cứ một người chịu khó và có tinh thần làm việc phục vụ cộng đồng cơ hội lớn lao để ‘đi lên’.
Hiện giờ nữ nghị viên trẻ tuổi này nói rằng cô chưa muốn có mối liên hệ nào giữa San Jose và Việt Nam vì những tiêu chuẩn về ‘tự do, nhân quyền và dân chủ’ ở Việt Nam còn chưa đạt mức mong muốn.
Nhưng cô nói ‘sau này nếu Việt Nam có những điều này thì Madison 'sẵn sàng’ nối lại sợi dây liên hệ với nơi mà cô đã rời đi khi còn là một đứa trẻ ngây thơ, cùng bố mẹ và tám anh chị em phó mặc số phận cho sóng biển, những con người và miền đất đầy xa lạ.

Nguyễn Hùng gặp và phỏng vấn Madison Nguyễn trong chuyến thăm San Jose


Một khu thương mại của người Việt tại Đơn vị Bẩy mà Madison Nguyễn đại diện
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.08.2007 18:15:28 bởi Mayvang >
#1
    HongYen 05.05.2008 05:51:22 (permalink)
    Tỉ phú trồng lan
    02-05-2008 22:34:17 GMT +7
     






    Ông Trần Văn Xê chăm sóc lan tại vườn
    Từ một nông dân làm ăn thất bại, ông Trần Văn Xê đã kiên trì học hỏi và tìm ra cách làm giàu bằng đôi bàn tay cần cù và lòng say mê.
     


    Đến xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn - TPHCM, hỏi thăm đường đến vườn lan của ông Trần Văn Xê, một cán bộ xã mau mắn chỉ đường. Tôi men theo con đường mới mở, mà theo lời anh cán bộ nọ, có hơn 400 m2 đất của ông chủ vườn lan hiến tặng. Chẳng mấy chốc, trước mắt tôi đã hiện ra vườn lan bạt ngàn với những bông hoa đủ màu đang khoe sắc.
     
    Duyên nợ cùng lan
    Từ vườn lan bước ra là nông dân Trần Văn Xê trong bộ trang phục làm vườn cũ kỹ. Ông cười nói với tôi: “Trồng lan coi vậy chứ cực lắm, bận rộn suốt ngày, hết bón phân lại tưới nước, xịt thuốc. Nhưng bù lại được nhìn những bông hoa khoe sắc là tôi thấy khỏe lại liền. Ngày nào không ra vườn là trong người tôi lại bứt rứt không yên”. Với ông, vườn lan không chỉ là nguồn sống mà còn là niềm đam mê. Những cành lan đủ màu sắc kia đã đi vào từng bữa cơm, giấc ngủ của ông suốt 5 năm qua.
     
    Để có được vườn lan như hôm nay, gia đình ông đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, vất vả. Ông kể: “Trước đây, tôi từng nuôi bò sữa, heo, trồng hoa màu... Nhưng suốt 10 năm làm cật lực, kết quả là... lỗ vốn. Buồn quá, tôi chuyển qua nuôi cá, ba ba. Không ngờ, mấy đợt cá tai tượng, ba ba đều chết hết vì mình không có kiến thức, cũng không có kinh nghiệm”.
     
    Đang lúc túng quẫn, thành phố có quyết định phê duyệt chương trình phát triển hoa lan, cây kiểng, ông đăng ký tham gia các lớp tập huấn với mong muốn thử thời vận một lần nữa xem sao! “Mấy lần tập huấn, tôi được đi tham quan những mô hình trồng lan hiệu quả, trong đó có mô hình của ông Trần Văn Bạch ở quận Bình Tân có thu nhập 700 triệu đồng/ha/năm. Tôi mê quá, về nhà quyết định bắt tay vào trồng lan”- ông nhớ lại.
     
    Năm 2003, với số vốn 20 triệu đồng, vợ chồng ông mua 500 cây lan Mokara về trồng thử nghiệm trên mảnh vườn cạnh nhà. Vợ ông kể lại những ngày đầu đáng nhớ ấy: “Do chưa có kinh nghiệm nên khi thấy lan không phát triển do vi nấm, ông nhà tôi cứ tưởng nó èo uột vì thiếu phân, thiếu nước. Vậy là chỉ lo bón phân tưới nước mà không chú ý đến việc xịt thuốc. Kết quả là một tháng sau, toàn bộ 500 gốc lan đều bị thúi rễ”. Phải mất 3 tháng chăm sóc tận tình, những gốc lan đầu tiên mới phục hồi, ra rễ, đâm cành tươi tốt trở lại.
     
    Một năm sau, những bông hoa đầu tiên hé nở. Không thể nói hết niềm vui của hai vợ chồng ông lúc đó. “Nhưng không ngờ gần đến ngày thu hoạch, hơn 100 cành lan đầu tiên bị kẻ trộm vào cắt sạch. Nhìn những cây lan trơ trọi, vợ chồng tôi muốn khóc” - ông kể mà giọng đượm buồn.
     
    Trước tổn thất ấy, vợ chồng ông bảo nhau không nản lòng, cố gắng làm lại từ đầu. Ngày chăm sóc, đêm thay nhau ngủ canh vườn lan. Một tháng sau, những cây lan tiếp tục cho hoa. “Vụ thu hoạch ấy, tôi bán được hơn 400.000 đồng. Tuy số tiền không lớn nhưng tôi mừng lắm. Bước đầu như vậy là thành công”.
     
    Sẵn sàng giúp người khác vượt nghèo
    Từ thành quả ban đầu, ông quyết tâm nhân rộng diện tích trồng lan ra phần ruộng còn lại. Cuối năm 2004, vợ chồng ông bán hơn 20 con bò sữa thu được 150 triệu đồng để đầu tư trồng thêm 1.000 m2 lan Mokara và Denzo. Đầu năm 2005, ông bán mảnh vườn được 400 triệu đồng, vay thêm 500 triệu đồng cải tạo 2.000 m2 đất, làm rào, mua lan giống. Chỉ một năm sau, vườn lan đã cho thu hoạch hơn 20 triệu đồng mỗi tháng.
     
    Giờ đây, sau gần 5 năm gắn bó với nghề trồng lan, tài sản của ông có được là 10.000 gốc lan Mokara, 10.000 gốc Denzo và 15.000 cây mô giống trị giá vài tỉ đồng. Ông vui vẻ nói: “Càng làm, càng mê nên tôi quyết định xây dựng phòng nghiên cứu cấy mô để sản xuất lan giống cung cấp cho thị trường. Ngoài ra, bà con xa gần, ai muốn làm ăn bằng nghề trồng lan, tôi sẵn sàng giúp cây giống, kinh nghiệm”.
     
    Rất nhiều nông dân đã tìm đến với ông để học hỏi kinh nghiệm; nhiều người đã thoát nghèo. Anh Nguyễn Thanh Tùng ở Củ Chi cho biết: “Tôi đã được ông trực tiếp hướng dẫn từ chọn giống đến kỹ thuật trồng, chăm sóc.
     
    Nhưng quan trọng nhất là tôi đã học ở ông lòng say mê, sự cần cù và quyết tâm đã làm thì làm đến cùng...”. Người con trai duy nhất của ông là Trần Xuân Trí, dù đang theo học tại Trường ĐH KHXH & NV TPHCM nhưng rất giống cha ở chỗ rất mê hoa lan. Anh tâm sự: “Tôi hy vọng sau khi tốt nghiệp khoa quan hệ quốc tế sẽ về phụ ba mẹ phát triển vườn lan và đưa lan của gia đình xuất khẩu sang các nước. Đó cũng chính là mơ ước của ba tôi. Ông luôn mơ ước hoa lan Việt Nam không chỉ quanh quẩn trong vùng mà phải khoe sắc hương ở các nước”.
     





    Ông Trần Văn Xê tâm sự: “Từng tham quan mô hình trồng hoa tại Thái Lan, tôi nhận thấy, ngoài việc trồng hoa, người dân Thái còn có chợ hoa dành cho những nông dân trồng hoa đến trao đổi, mua bán. Tôi mong tại TPHCM có một chợ hoa như thế để người trồng hoa tránh được tình trạng bị ép giá, có được lợi nhuận cao nhất.
     
    Bài và ảnh: Huỳnh Nga
     
    http://www.nld.com.vn/tintuc/viec-lam/223432.asp
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9