CHÈ HỒ XUÂN HƯƠNG
Viet duong nhan 07.08.2007 20:22:25 (permalink)
0
CHÈ HỒ XUÂN HƯƠNG
Trịnh Khánh Thiêng

 
"Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nỗi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẽ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son"
(Hồ Xuân Hương)


Ðó là lời thơ vịnh, tả một viên chè trôi nước của một nữ thi sĩ danh tiếng của nước ta. Trịnh Khánh Thiêng xin phép đặt tên lại mà gọi là "chè Hồ Xuân Hương". Theo lời thơ vịnh, Hồ Xuân Hương so sánh cái tấm lòng son của viên chè trôi nước, như có ý vinh danh người phụ nữ Việt Nam, dù có trải qua bao nhiêu tan thương, dâu bể, trầm bỗng tươi vui với đời, tấm lòng son thay tựa cho viên nhân làm bằng đường mía, có màu đỏ tựa như son không bao giờ thay đổi với thời gian của sự chung thuỷ bền vững trăm năm trong tình nghĩa Phu Thê.

Ngày xưa, bánh trôi nước được sửa soạn một cách giản tiện hơn bây giờ. Bánh làm bằng bột nếp dẻo, gói tròn với một miếng đường mía. Bánh được nấu chín trong nước sôi, khi bánh bột nếp chín, bánh sẽ nổi lên, trôi trong nồi nước đun sôi, nghĩa là bánh chín. Người ta vớt bánh ra, ngâm vào nước lạnh. Trong lúc ấy, nước và đường hoà tan nấu cho kẹo lại, rồi lại thả bánh vào nước đường. Tuỳ theo người nấu, có thể cho thêm vài lát gừng cho thơm. Một món ăn ngọt, dân Việt Nam mình gọi là chè. Ðể đi sâu thêm vào chi tiết làm viên chè Hồ Xuân Hương thế nào, Trịnh Khánh Thiêng tôi xin bày cách cho quý vị, hy vọng rằng, đây là một cách thật mạch lạc.

Thời bây giờ, năm 2007, ai thích làm bánh loại bột nếp thì cứ ra chợ mà mua bột nếp về nhồi với nước ấm mà nắn bột. Khi xưa, ông bà ta cực nhọc hơn thế nữa, họ phải ngâm nếp cho mềm để cho vào cối xay. Nếp muốn mềm thì phải ngâm qua một ngày dài, thâu suốt một đêm. Nếp ngấm nước cho vào cối đá xay ra thành nước bột sền sệt. Sau đó, nước bột này lại cho vào cái túi vải, cột thật chặt miệng cái bồng bột, đặt lên đó là một cái vật nặng, thường là cái cối đá hay cái thớt. Ðợi qua một đêm nữa, bột mới ráo nước, để làm các loại bánh "nắn". Có khi, họ chỉ xay bột, ép ráo khô, phơi nắng, để khi cần, đem bột nếp khô ra nhồi làm bánh. Ðó là cách giữ gạo nếp bột được lâu hơn.

Riêng về phần làm chè Hồ Xuân Hương, lúc ngâm gạo nếp với nước qua đêm, chúng ta cần thêm một trái khóm. Khóm ngâm cùng với gạo nếp, khi thành viên chè "Hồ Xuân Hương", nếp dẻo càng thêm dẻo, hình thể viên chè sẽ trong như bột lọc, lúc bột nếp còn sống, vò viên chè cũng không khó khăn như câu "Rắn nát mặc dầu tay kẽ nặn".

Những lời ghi trên, Thiêng mong rằng quý vị cùng Thiêng "nắn bóp" cho cục bột dẻo dai. Còn cách làm nhân của viên chè thì cải tiến hơn xưa. Tấm lòng son của Hồ Xuân Hương được chế biến thêm bằng những vật liệu như: đậu xanh, nước cốt dừa, hành hương ráng dầu. Cách sửa soạn làm nhân được sửa soạn như sau:

Ðậu xanh cà ( đậu xanh đã bốc võ), ngâm nước cho đậu nỡ và nấu chín. Khi đậu chín, cho vào nửa muỗng cà phê muối và dùng chiếc đũa bếp tán nhuyễn đậu. Củ hành hương phi dầu, hành thơm vàng, cho vào đậu xanh, tán thêm một lần nữa. Nồi đậu xanh nhuyễn thơm mùi hành phi này chờ nguội, vắt vò lại trong nắm tay thành những viên tròn, đặt nhân đậu lên một cái khay. Nhân đậu tròn viên nguội dần và khô ráo.

Bột nếp nhồi lại cho dẻo và vừa nhão. Một nồi nước sôi đun lên để luộc bánh. Lúc này là "mặc dầu tay kẽ nặn", bột nếp nắn cho khéo tay, vo tròn nằm gọn bên trong là phần nhân đậu xanh đã đánh. Nước sôi, lúc này thả viên bột vào, lúc bột chưa chín, bột chìm ở đáy nồi, khi nào bột chín, viên chè sẽ nổi lên mặt nước. Vớt viên chè ra, cho vào thau nước lạnh đã chờ sẵn. Khi luộc viên chè xong, lúc này là lúc mình nấu nước đường. Nước đường nấu cho kèo kẹo và ngọt gắt. Tuỳ theo ý thích, có người nấu chè trôi nước bằng đường cát trắng hay đường cát vàng. Nưóc đường được nấu cho thật thấm tới hoà cùng với gừng cắt lát mỏng. Lúc đó, viên chè trôi nước luộc chín được vớt ra, sang qua nồi nước đường, trôi ngâm cho nước đường thấm dần vào trong bột nếp. Gia đoạn này chờ cũng phải đến 3 tiếng đồng hồ.

Viên chè qua nhiều giai đoạn "bảy nỗi ba chìm" đã xong. Chịu khó thêm, nước cốt dừa nấu cho kẹo chan lên mặt, chén chè "trôi nước", Hồ Xuân Hương thêm phần hấp dẫn vì bột nếp trong dẻo thêm chút xí mè rang. Viên nếp nắn tròn nhuộm màu trắng hay vàng mật của đường là một món ăn thuần tuý của người Việt Nam. Chè trôi nước được dân mình nấu vào bất cứ dịp nào, tháng Giêng cúng rằm thượng trăng, giỗ ông bà, và nhiều lắm ...

Cuối bài, Thiêng xin góp thêm cách làm nhân của viên chè "Hồ Xuân Hương", cho viên chè thêm phần hấp dẫn. Cách chế biến nhân đậu xanh, theo ý thích, quý vị có thể làm nhân đậu xanh với sầu riêng và dừa nạo. Nhân chè sẽ béo và thơm lắm. Cách làm nhân chè sẽ có khác hơn, đậu xanh nấu chín, đánh tan đậu cho nhuyễn cùng với vài múi sầu riêng. Chảo nóng, cho hai thứ hỗn hợp này vào xào chung với dừa nạo. Xào cho nhân khô ráo rồi vắt thành viên.

Mong quý vị cùng Thiêng vào bếp hồng vui vẽ và thành công


Trịnh Khánh Thiêng
 
Nguồn : www.dactrung.net
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9