Loãng Xương

Tác giả Bài
HongYen
  • Số bài : 7536
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 25.07.2003
  • Nơi: Sài Gòn
Loãng Xương - 14.08.2007 13:39:10
Đàn ông lớn tuổi cũng cần dò tìm bệnh loãng xương
Thursday, August 09, 2007
 
MINNEAPOLIS (HealthDay News) - Những cuộc thử nghiệm mật độ xương (bone-density test) để chẩn đoán bệnh loãng xương (osteoporosis) được thi hành thường xuyên cho những phụ nữ lớn tuổi; tuy nhiên, một cuộc nghiên cứu mới cho thấy chúng cũng cần thiết đối với một số đàn ông trên 65 tuổi.
 
Một trong những công tác lượng giá về những phí tổn và phúc lợi của việc dò tìm bệnh loãng xương cho nam giới thấy rằng tất cả đàn ông trên 80 tuổi cần nên thường xuyên thử nghiệm, cũng như những người đàn ông từ 65 tuổi trở lên đã từng trải qua một vụ gẫy xương.
 

“Số tiền phí tổn để thử nghiệm (khoảng 82 đô-la), so với phẩm chất của đời sống mà quý vị được hưởng, là điều xứng đáng cho xã hội đối với những người đàn ông có nhiều nguy cơ bị loãng xương,” người cầm đầu cuộc nghiên cứu, Bác Sĩ John Schousboe, thuộc cơ quan y tế Park Nicollet Health Services ở Minneapolis, nói.
 

Toán nghiên cứu đã xuất bản phúc trình của họ trong số đề ngày 8 Tháng Tám của đặc san Journal of the American Medical Association (JAMA) của Hiệp Hội Y Khoa Mỹ.
 

Từ lâu công chúng Mỹ đã có quan niệm sai lầm rằng bệnh loãng xương chỉ có hại cho giới phụ nữ, theo lời các chuyên gia y tế.
 

“Những số liệu hiện thời cho thấy rằng một trong bốn người đàn ông thuộc sắc dân da trắng (Causcasian) sẽ bị gẫy xương liên quan bệnh loãng xương vào một thời điểm nào đó trong suốt đời họ, so với tỉ lệ khoảng một trong hai người đàn bà,” Bác Sĩ Felicia Cosman, giáo sư y khoa tại trường đại học Columbia University, và cũng là một bác sĩ chuyên khoa về bệnh loãng xương tại bệnh viện Helen Hayes Hospital ở West Haverstraw, N.Y., nói và thêm: “Tuy rằng tỉ lệ đàn ông mắc bệnh loãng xương chỉ bằng một nửa đàn bà, nhưng nó vẫn là một bệnh thông thường đối với nam giới.”
 

Bác Sĩ Cosman - người không tham gia cuộc nghiên cứu - ghi nhận rằng những vụ gẫy xương không những khiến cho những người lớn tuổi bị tàn phế mà còn có thể gây ra cái chết. Bà nói: “Chúng tôi biết rằng có tới 20% bệnh nhân sẽ chết trong vòng một năm, sau khi họ bị gẫy xương hông.
Nguyên nhân là do sự kết hợp của những yếu tố liên quan tới giải phẫu, liên quan tới tình trạng nằm một chỗ trong bệnh viện, hoặc tới những biến chứng cấp tính của chính vụ gẫy xương - thí dụ như bị bế tắc mạch máu trong phổi.”
 

Các chuyên gia nói rằng nam giới dễ bị chết từ những biến chứng liên quan tới gẫy xương hơn nữ giới. Nhưng cho tới nay, chưa có cơ quan y tế nào lên tiếng để khuyến cáo hãy thi hành thử nghiệm mật độ xương thường xuyên cho những người đàn ông lớn tuổi.
 

Bác Sĩ Schousboe nói: “Cho tới nay cơ quan U.S. Preventive Services Task Force - USPSTF (Lực Lượng Ðặc Nhiệm Dịch Vụ Ngừa Bệnh) và đối tác của họ ở Canada vẫn còn giữ im lặng về vấn đề này - có lẽ vì họ chưa trông thấy loại số liệu có khả năng thuyết phục họ.”
 

Cuộc nghiên cứu do toán chuyên gia của Bác Sĩ Schousboe thi hành là một bước để tiến tới việc cung cấp những số liệu đó. Rút tỉa từ những thông tin hiện có liên quan tới tình trạng sức khỏe thuộc về xương của đàn ông, các nhà nghiên cứu đã dùng kỹ thuật ước tính qua máy điện toán để tính toán phí tổn suốt đời và phúc lợi của việc dò tìm bệnh loãng xương, cộng thêm với phí tổn trị liệu bằng thuốc trong thời gian 5 năm sau đó, đối với những người đàn ông ở tuổi 65, 70, 75, 80 và 85, đã có hoặc không có tiểu sử bị gẫy xương.
 

Cuộc nghiên cứu nhận thấy rằng việc thi hành thử nghiệm mật độ xương, rồi sau đó trị liệu bằng thuốc, đã thực sự làm giảm đáng kể nguy cơ gẫy xương nơi những người đàn ông lớn tuổi.
 

Bác Sĩ Schousboe hy vọng rằng những thông tin từ cuộc nghiên cứu này sẽ giúp khởi động một cuộc bàn cãi trong các giới chuyên gia về việc khuyên những người đàn ông lớn tuổi hãy thử nghiệm để dò tìm sớm bệnh loãng xương để điều trị. Ông nói: “Chúng tôi cảm thấy cuộc nghiên cứu này là bước đầu tiên hữu ích.” (n.m.)
 
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=63851&z=14
 

HongYen
  • Số bài : 7536
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 25.07.2003
  • Nơi: Sài Gòn
Loãng Xương - 04.10.2007 07:11:27
BỆNH XỐP XƯƠNG
(Osteoporosis)
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức
8748 E. Valley Blvd. # H
Rosemead, CA 91770
(626) 288-3306
(www.hqtysvntd.org)
 
Nhờ những tiến bộ cuả y học, tuổi thọ chúng ta ngày càng tăng. Song cao tuổi, chúng ta dễ gãy xương. Một trong những yếu tố quan trọng khiến ta hay gãy xương khi có tuổi là bệnh xốp xương. 
Bệnh xốp xương, hay rỗng xương (osteoporosis), khiến xương yếu dần, trở nên mềm, dễ gãy. 20 triệu người ở Mỹ hiện mang bệnh xốp xương. Nhiều vị thành tàn phế, phải trông nhờ vào sự chăm sóc của người khác. Ở Việt Nam ta, hình ảnh của bệnh cũng đã đi vào ca dao:
“Bà còng đi chợ trời mưa
Cái tôm cái tép đi đưa bà còng”
 
Bệnh xảy ra cho phụ nữ nhiều hơn đàn ông.
Thời gian gần đây, nhiều khám phá mới đưa đến những hiểu biết cặn kẽ hơn về căn bệnh, đồng thời, những phương pháp định bệnh chính xác, nhiều cách chữa trị hữu hiệu lần lượt ra đời, giúp các bác sĩ có thêm phương tiện định bệnh, trong tay thêm nhiều vũ khí chiến đấu chống căn bệnh. 
Mỗi xương gồm có vỏ bên ngoài, bao bọc một lòng bên trong. Lòng xương bình thường đặc và chắc. Bệnh xốp xương do một số các chất trong lòng xương mất đi dần theo thời gian, khiến xương không còn đặc, chắc như trước. Đây là hiện tượng mất xương (bone loss) theo thời gian khi ta có tuổi.
Đời là một tiến trình vừa phá hoại, vừa xây dựng. Xương là nơi thể hiện triết lý này triệt để nhất. Trong suốt cuộc đời ba vạn chín nghìn ngày của chúng ta, luôn luôn trong xương lúc nào cũng có tiến trình phá xương cũ, tạo xương mới. Công tác phá xương cũ được trao cho các tế bào có tên gọi “osteoclast”. Công tác tạo xương mới do các tế bào có tên “osteoblast” đảm nhiệm. Tên chúng giống nhau, chỉ khác có chữ c và b ở giữa. c là cắn cấu, b là bồi bổ. 
Thời gian không những gặm nhấm tâm hồn ta, còn gặm dần xương ta. Cho đến khoảng tuổi giữa 30 vào 40, xương vẫn tiếp tục phát triển, nên ta tạo xương nhiều hơn mất xương. Sau đó, tới một giai đoạn cân bằng, xương tạo ra do các tế bào “osteoblast” cân bằng với xương lấy mất đi bởi các tế bào “osteoclast”. Chỗ nào trong xương bị các tế bào osteoclast cắn phá, chỗ ấy lập tức được các tế bào osteoblast chạy tới bồi đắp những xương mới. Rồi khi về già, ít nhiều, chúng ta đều mất xương dần, do xương cũ bị phá đi, song xương mới không tạo ra kịp để trám các chỗ hổng trong xương, nơi những xương cũ không còn. Ai mất xương nhiều quá, sẽ bị bệnh xốp xương.  
Đặc biệt, phụ nữ, sau khi mãn kinh, cùng với những thay đổi khác của cơ thể gây do mãn kinh, như hay bị những cơn hừng nóng mặt (hot flashes), khó ngủ, buồn sầu, ngứa ngáy âm đạo, đi tiểu nhiều lần, tiểu khó, ..., người phụ nữ cũng bị mất xương nhanh chóng. Do buồng trứng nghỉ làm việc, không còn tiết đủ chất kích thích tố nữ estrogen cần cho cơ thể như xưa. Estrogen có tác dụng cân bằng sự phá xương và sự tạo xương. Thiếu estrogen, các tế bào osteoclast gia tăng hoạt động, cắn phá, tạo những lỗ hổng trong xương, trước con mắt bất lực của các tế bào osteoblast. Lâu dần, lòng xương không còn đặc, chắc như trước, và xương trở nên xốp rỗng, mềm, dễ gãy.
Như vậy, chất kích thích tố nữ estrogen là lính canh cửa cần mẫn, ngăn không cho thời gian ăn cắp mất xương của người phụ nữ. Trong khoảng tuổi 45 đến 55, người phụ nữ kinh, chất estrogen đột ngột giảm đi trong cơ thể, trộm thời gian tha hồ tung hoành. Có vị mất đến 25% độ đặc của xương (bone density), chỉ trong vòng 5-7 năm sau khi mãn kinh.
    
Ai dễ bị bệnh xốp xương?
 
Nhiều yếu tố khiến tình bạn giữa ta và xương dễ mất, xương bỏ ta ra đi:
- Tuổi tác: càng cao tuổi, ta càng mất xương dần. Nếu xương mất nhiều quá, sẽ đưa đến bệnh xốp xương.
- Phụ nữ: trong 100 trường hợp bệnh xốp xương, 80 người là phụ nữ.
- Người gốc da trắng.
- Gia đình có người gãy xương do bệnh xốp xương (nhất là gãy xương hông ở mẹ).
- Người lớn đã từng gãy xương, nhất là ở những nơi hay bị bệnh xốp xương như xương sống, xương hông, xương cổ tay.
- Mãn kinh sớm (trước tuổi 45).
- Người cả đời ít dùng chất calcium và sinh tố D.
- Đời sống ít hoạt động, ít thể dục thể thao.
- Hút thuốc lá.
- Uống rượu nhiều quá.
- Người gầy, nhẹ cân.
Ngoài ra, những người mang bệnh cường tuyến giáp trạng (hyperthyroidism) hoặc dùng thuốc steroid lâu ngày cũng dễ bị xốp xương.    
 
Triệu chứng
 
Xốp xương là một căn bệnh khởi đầu thầm lặng. Nó lặng lẽ ở với nhiều người qua những năm tháng, cho tới khi người ấy đột nhiên bị gãy xương.
Khi xương sống (spine) đã trở thành mềm và yếu do mất xương nhiều quá, nó cứ gãy dần, từ từ, ít một. Có khi chỉ cần ho một tiếng, hoặc cúi xuống bế cháu đang khóc, cũng đủ khiến xương sống gãy thêm một chút. Lâu ngày, xương sống gãy đã nhiều lần, mà ta không hay biết, sẽ ngắn dần, làm người thấp đi. Nhiều người thấy quần mình tự nhiên sao dài hơn trước, hoặc quần áo vẫn mặc nay hơi kỳ kỳ, không còn thực vừa ý. Sau cùng, một ngày kia, họ bắt đầu thấy đau, lưng còng đi, rồi đi lại khó khăn. Đi chợ trời mưa hay té ngã.
Té ngã như vậy lại gây gãy xương ở những chỗ khác, những xương đã mềm sẵn, mỏng mảnh như pha-lê. Có người chỉ va tay vào cạnh bàn, đã gãy cổ tay. Gãy xương cổ tay gây trở ngại biết bao cho những công việc hàng ngày, ngay cả với những công việc giản dị nhất. Giặt dũ, cơm nước, mặc quần áo, may vá, làm vườn, đi chợ, trông cháu, ..., đều đòi hỏi một xương cổ tay mạnh và khéo léo.
Có người gãy xương hông (hip), dù chỉ ngã rất nhẹ. Gãy xương hông đưa đến chết người, sống được cũng khổ lắm. Hơn một nửa số người sống sót sau khi gãy xương hông vào nhà dưỡng lão, hoặc phải nhờ người giúp khi đi lại.
 
Định bệnh
 
Xốp xương là căn bệnh thầm lặng, việc truy tìm căn bệnh trong giai đoạn sớm của nó không dễ. Gần đây, với những hiểu biết mới, việc truy tìm căn bệnh không còn khó.
Bác sĩ sẽ nghi bạn mang bệnh xốp xương “osteoporosis” nếu bạn hay đau lưng, nay thấp nhỏ đi, lưng còng hơn trước theo gánh nặng thời gian, hoặc bạn bị gãy xương, đặc biệt tại nơi dễ bị bệnh xốp xương (như xương sống, xương hông, xương cổ tay). Nhất là bạn lại có những yếu tố dễ đưa đến bệnh xốp xương kể trên.
Nghi là một chuyện (bác sĩ nào cũng mắc bệnh đa nghi, nghi đủ thứ), nhưng bạn có thực sự bị bệnh xốp xương hay không, chúng ta cần hỏi ý kiến của các phim chụp xương (X-ray), và của máy đo độ đặc xương (bone densitometry).
Các phim chụp cột sống (thoracolumbar X-ray) có thể cho thấy các vết gãy xương, và những thay đổi của xương khi bệnh xốp xương đã tiến triển khá xa, nhưng không cho thấy được những thay đổi của xương trong những trường hợp bệnh còn nhẹ, mất xương chưa nhiều. Phim chụp cột sống tương đối rẻ.
Phương pháp cho biết thực sự ta đã mất đến bao nhiêu xương là phương pháp đo độ đặc của xương. Có nhiều cách để đo độ đặc xương. Cách đo bằng máy có tên “dual energy X-ray absorptometry”, viết tắt DXA, hiện được xem là cách đo độ đặc xương hữu dụng nhất.
Máy đo DXA cho kết quả nhanh chóng, chính xác, lại phóng ra chất phóng xạ tối thiểu, nên không gây hại cho người được đo xương. Máy có thể đo độ đặc của bất cứ xương nào trong cơ thể, nhưng thường được dùng để đo xương sống, xương hông, những xương hay bị bệnh xốp xương tấn công. Máy hoạt động nhanh chóng, trong vòng 5-10 phút là xong, bạn không phải nằm lâu mỏi lưng. Tiền một lần đo xương bằng máy DXA khoảng 150-300 đô-la.
So với các trị số độ đặc xương của một phụ nữ bình thường trước tuổi mãn kinh, nếu máy đo cho thấy độ đặc xương của bạn trong khoảng 1 đến 2.5 dưới các trị số bình thường của phụ nữ trước tuổi mãn kinh ấy, xương của bạn đã bị mất đi ít nhiều rồi đấy. Nếu máy đo DXA cho thấy các trị số độ đặc xương của bạn còn tệ hơn thế, tức dưới 2.5, bạn quả thực đã bị bệnh xốp xương, với triển vọng bị gãy xương rất cao.
Vẫn còn một ít bàn cãi về những trường hợp nào cần dùng đến máy đo độ đặc xương DXA. Nên “Đo Xương Ai”? Ai sau tuổi mãn kinh cũng cần được đo xương chăng?
- Các vị phụ nữ 65 tuổi trở lên nên được đo độ đặc xương. (Vì vậy, Medicare cho các vị phụ nữ 65 trở lên đo dộ đặc xương mỗi 2 năm.)
- Các phụ nữ đã mãn kinh dưới 65 tuổi, song trước từng gãy xương, hoặc nhẹ cân, đang dùng thuốc steroid (như Prednisone), hút thuốc lá, uống rượu nhiều, mang bệnh viêm khớp rheumatoid (rheumatoid arthritis), có phim chụp (X-ray) cho thấy xương trông mỏng (osteopenia), hoặc có bố, mẹ từng gãy xương hông, cũng nên đo độ đặc xương.
- Nói chung, đo độ đặc xương không cần thiết trước tuổi mãn kinh (mãn kinh tự nhiên, hoặc do đã cắt buồng trứng). Tuy vậy, nên nghĩ đến việc đo độ đặc xương cho những người đang mang các bệnh, hoặc dùng các thuốc khiến xương dễ bị mất, dù họ chưa mãn kinh.
Bài kỳ sau, chúng ta sẽ bàn về các cách chữa trị và phòng ngừa bệnh xốp xương.
 
http://saigontimesusa.com/bai/ykhoa/benhxopxuong.shtml