Rác thải y tế
Ngọc Lý 30.08.2007 00:34:34 (permalink)
Tai tiếng rác thải y tế Việt Nam
BBC 29/8/2007
 



Các loại rác thải y tế bẩn thường bị bán cho tư thương để 'tái chế'

Báo chí trong nước cho hay cảnh sát mới phát hiện rác thải y tế từ các bệnh viện thường được tuồn ra bên ngoài để bán cho các tư thương ‘tái chế đồ gia dụng’ thay vì được xử lý đúng theo quy trình.
 
Một tư thương ở Thanh Trì, Hà Nội thừa nhận với báo Tiền Phong là đã mua khoảng 200 đến 300 tấn rác thải từ bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội trong vài năm qua.

Cảnh sát điều tra đã bắt quả tang vụ việc khi các xe tải chở rác thải y tế từ bệnh viện Việt Đức đổ hàng xuống cho các tư thương thay vì cho xí nghiệp xử lý rác thải y tế.

Được biết trong số các loại rác thải có nhiều chai lọ thuốc qua sử dụng, dây truyền dịch, bơm tiêm còn dính máu, chưa khử trùng…

Hiện, người ta chưa xác định được lượng rác thải y tế bị tuồn ra ngoài lớn đến đâu.

‘Tái chế đồ gia dụng’


Theo quy định, các loại rác thải y tế phải được thu gom, vận chuyển về nơi chuyên trách xử lý rác thải của bệnh viện.

Tuy nhiên, do tình trạng quản lý lỏng lẻo nên các nhân viên bệnh viện Việt Đức vẫn lén lút bán các chất thải chưa khử trùng, tiệt khuẩn cho tư thương.

Cục cảnh sát Môi trường cho biết tình trạng vi phạm này không chỉ xảy ra tại bệnh viện Việt Đức, mà còn ở một số bệnh viện khác.


Dịch bệnh có thể lây truyền từ các loại rác thải chưa tiệt trùng

Những rác thải này sau đó được tái chế làm đồ gia dụng. Được biết có nhiều loại không qua tái chế mà được bán thẳng ra thị trường làm đồ sinh hoạt, như các loại chai lọ…

Ông Lương Minh Thảo, đại tá, phó cục trưởng cục Cảnh sát Môi trường cho báo chí trong nước biết mối nguy hiểm là các chất thải y tế của bệnh viện Việt Đức có nhiều loại mang mầm bệnh của các bệnh nhân phải cách ly, như lao, HIV…

Giới chức e ngại là khả năng lây truyền dịch bệnh do việc xử lý lỏng lẻo chất thải y tế là rất lớn.

Thanh tra Bộ Y tế có quyết định xử phạt hành chính 20 triệu đồng đối với bệnh viện Việt Đức về vụ việc này.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Quyết, giám đốc bệnh viện Việt Đức, khẳng định rằng bệnh viện không có chủ trương bán rác thải y tế ra ngoài. Ông Quyết nói vụ việc này là do các nhân viên hợp đồng của bệnh viện làm sai và họ đã bị đuổi việc.

Cục cảnh sát Môi trường Việt Nam cho biết sắp tới họ còn tiếp tục điều tra việc quản lý chất thải tại nhiều bệnh viện khác.







Quang, Mỹ
Việc nầy chính ông giám đốc bệnh viện Việt Đức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Có nghĩa là ông phải ra hầu tòa cùng với những người dưới quyền, chắc chắn ông không thể tiếp tục với cương vị hiện tại vì thiếu trách nhiệm và biết đâu còn là đồng phạm nữa. Nếu ở nước ngoài chắc ông phải từ chức trước.

Phạt hành chánh 20 triệu đồng là một hành động quá hời hợt nếu không nói là bao che. Vừa rồi vụ cảnh sát dùng kiếm uy hiếp nhân viên sân bay cũng phạt hành chính 5 triệu. Tại sao lại phạt tiền với những kẻ lắm tiền? 5 triệu chỉ bằng một bữa nhậu của cảnh sát Minh và 20 triệu thấm vào đâu với bệnh viện VĐ? Mong rằng sớm thôi đi cái trò hề phạt hành chánh nầy.

Ẩn Danh
Tôi cũng hết ý kiến. Thôi đành để cho mấy ông chống Cộng tận dụng cơ hội này. Mấy ông này tài lắm, kiểu gì cũng nói được và cái gì cũng suy thành chính trị hết.

Zavphi
Hết ý kiến - không thể nói người ta thiếu hiểu biết vì chính "nhân viên của khoa Chống nhiễm khuẩn cùng một nhân viên ở phòng Quản trị, một nhân viên Kế toán tham gia cân" là nhóm bán đồ rác y tế nầy. Hết ý kiến!!


http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/08/070829_medical_waste.shtml
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.08.2007 00:37:00 bởi Ngọc Lý >
#1
    Ngọc Lý 11.09.2007 00:09:47 (permalink)
    Thêm chuyện kinh hoàng nước thải bệnh viện
    2007.09.08
    Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
     
    Báo chí thời gian qua đánh động dư luận về chuyện rác thải y tế được bán cho tư thương. Câu chuyện Nhà thương nhà ghét chưa ngừng lại, hôm nay chúng tôi chọn đọc bài viết trên Vn Express ngày 4/9/2007, một bản tường trình với tựa đề ‘Kinh hoàng nước thải bệnh viện’.


    Bấm vào đây để nghe tiết mục này
    Tải xuống để nghe



      Nguồn nước thải bệnh viện được đổ trực tiếp ra kênh rạch. Hình của báo Tiền Phong.
      > Xem hình lớn hơn">>> Xem hình lớn hơn

       
      Vn Express trích lời thạc sĩ Từ Hải Bằng một phó trưởng khoa thuộc Viện Y Học Lao Động và Vệ Sinh Môi Trường ở Hà Nội nói rằng, trong hơn 1 ngàn bệnh viện ở Việt Nam chỉ khoảng 1/3 có hệ thống xử lý nước thải, chủ yếu ở tuyến trung ương và tỉnh, và ít đơn vị đạt tiêu chuẩn.

      Nhiều nơi có khu xử lý nước cũng như không vì hệ thống không được bảo dưỡng, dẫn đến hỏng hóc. Nhiều bệnh bệnh viện chỉ vận hành hệ thống trong giai đoạn bảo hành, sau đó bỏ không với lý do không có kinh phí trả tiền điện, hoá chất khử trùng. Một Chuyên gia vệ sinh môi trường ở Hà Nội giải thích thêm:

      “Ngày xưa chưa có qui định xây dựng bệnh viện phải có hệ thống xử lý nước thải. Tình hình chung ở Việt Nam không những chỉ có bệnh viện mà các công trình khác cũng thế. Tuy nhiên cũng có một số bệnh viện có xây dựng trạm xử lý nước thải, nhưng không được chăm sóc sửa chữa thường xuyên. Hơn nữa các bệnh viện ngày một lớn hơn dẫn tới quá tải, số bệnh nhân nhiều hơn so với lúc thiết kế trạm xử lý.”

      Chứa vô số loại vi trùng, virus

      Vn Express mô tả, nước thải bệnh viện chứa vô số loại vi trùng, virus và các mầm bệnh sinh học khác trong máu mủ, dịch đờm, phân của người bệnh, các loại hoá chất độc hại từ cơ thể và chế phẩm điều trị, thậm chí cả chất phóng xạ. Do đó nước thải bệnh viện được xếp vào danh mục chất thải nguy hại.
      Theo kết quả phân tích của cơ quan chức năng, loại nước này ô nhiễm nặng nề về mặt hữu cơ và vi sinh. Hàm lượng vi sinh cao gấp 100 tới 1.000 lần tiêu chuẩn cho phép, với nhiều loại vi khuẩn như Salmonella, tụ cầu, liên cầu, virus đường tiêu hoá, bại liệt, các loại ký sinh trùng, a-míp, nấm. Hàm lượng chất rắn lơ lửng cao gấp 2-3 lần tiêu chuẩn cho phép.



      Tình hình chung về nước thải không riêng gì về nước thải y tế mà còn nước thải dân dụng, nước thải công nghiệp. Đa số đều thải trực tiếp ra nguồn nước và đây là vấn đề nghiêm trọng. Lượng hoà loãng ngày càng giảm dần, vì lượng nước thải tăng theo nền kinh tế, trong khi lưu lượng nguồn nước là vẫn vậy.

      Thạc sĩ Hồ Long Phi

      Trả lời Thanh Quang của Đài chúng tôi, Thạc sĩ Hồ Long Phi một giảng viên đại học về lãnh vực thoát nước ở TP.HCM cũng nhìn nhận vấn đề này theo nhãn quan của ông:

      “Tình hình chung về nước thải không riêng gì về nước thải y tế mà còn nước thải dân dụng, nước thải công nghiệp. Đa số đều thải trực tiếp ra nguồn nước và đây là vấn đề nghiêm trọng. Lượng hoà loãng ngày càng giảm dần, vì lượng nước thải tăng theo nền kinh tế, trong khi lưu lượng nguồn nước là vẫn vậy.
      Rộ lên gần đây nhất là chuyện nước thải y tế, số lượng bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải có thể là hơn phân nửa nhưng thực tế họ có cho hoạt động hay không là chuyện khác, không ai kiểm tra được. Vận hành hệ thống xử lý thì sẽ tốn thêm chi phí.”
       
      Vẫn theo Vn Express, nước thải bệnh viện không qua xử lý, sau khi hoà lẫn vào hệ thống nước thải sinh hoạt, những mầm bệnh này chu du khắp nơi, xâm nhập vào các loại thuỷ sản, vật nuôi, cây trồng, nhất là rau thuỷ canh và trở lại với con người. Việc tiếp xúc gần với nguồn ô nhiễm còn làm tăng nguy cơ ung thư và các bệnh hiểm nghèo khác cho người dân.

      Chúng tôi hỏi chuyện ông Quân cư dân TP.HCM, ông cũng có nhận xét tương tự: “Những mầm bệnh độc hại xả thẳng ra nguồn nước, vi trùng sẽ lây lan trong môi trường rất nhanh và đi xa qua hệ thống kênh rạch .”

      Gần như giữ nguyên mức độc hại

      TP.HCM và Hà Nội là hai địa phương có nhiều bệnh viện và cơ sở y tế so với cả nước. Theo bài viết của Vn Express, ở TP.HCM hiện còn trên 40 bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, ngoài ra còn 35 bệnh viện và cơ sở y tế khác thậm chí chưa bao giờ thiết trí hệ thống xử lý nước thải.

      Phóng viên Vn Express đưa ra hai ví dụ về trường hợp có hệ thống xử lý nước thải nhưng lại không đạt chuẩn vệ sinh. Nhà báo mô tả, bước vào cổng Bệnh Viện Ung Bướu TP.HCM, nhiều người phải bịt mũi vì mùi hôi bốc lên. Qua một lỗ cống vỡ, dòng nước đen chảy ồng ộc ra phía ống thoát nước công cộng, trong khi phòng xử lý nước thải cách đó chỉ vài mét.

      Không có nhân viên trực, không nghe thấy tiếng máy bơm thuỷ lực, hệ thống xử lý nước thải duy nhất của Bệnh Viện Ung Bướu thành phố xây trên diện tích gần 20 m2 chỉ có bồn chứa dung dịch Clor và vài thứ khác. Nước được coi là đã qua xử lý nhưng vẫn đậm đặc mùi bệnh viện. Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Chấn Hùng Giám đốc Bệnh Viện cho biết hệ thống xử lý nước thải vẫn hoạt động, còn chất lượng nước sau xử lý thì bệnh viện rất khó kiểm soát.



      Theo hướng của thủ tướng chính phủ từ nay đến 2010 thì 100% bệnh viện từ tuyến trung ương xuống tuyến huyện đều phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên thực hiện được hay không thì là chuyện khác vì còn nhiều khó khăn…

      Một chuyên viên vệ sinh môi trường ở Hà Nội

      Thí dụ thứ hai là Bệnh viện An Bình TPHCM tuy có khu xử lý nước thải khá rộng nhưng hệ thống không hoạt động hơn 10 năm nay, khiến nước thải y tế chảy thẳng ra cống công cộng. Theo lời một nhân viên ở đây, hệ thống được xây dựng từ năm 1995 nhưng chỉ hoạt động được khoảng 2 năm.

      Một chuyên viên vệ sinh môi trường ở Hà Nội nhận định: “Theo hướng của thủ tướng chính phủ từ nay đến 2010 thì 100% bệnh viện từ tuyến trung ương xuống tuyến huyện đều phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên thực hiện được hay không thì là chuyện khác vì còn nhiều khó khăn…”
       
      Theo số liệu ngành môi trường, TP.HCM tích góp khá lớn vào lượng nước thải công nghiệp 480 ngàn mét khối xả trực tiếp ra hệ thống sông Đồng Nai. Riêng về nước thải y tế , các bệnh viện TP.HCM mỗi ngày đổ ra sông 17 ngàn m3 nước thải y tế, trong đó chỉ có một lượng rất nhỏ là có qua xử lý đạt chuẩn.

      Tại Hà Nội, Vn Express trích thông tin ngành Tài Nguyên Môi Trường cho biết, trong số 400 ngàn m3 nước thải hầu hết không qua xử lý đổ vào sông Nhuệ, sông Đáy mỗi ngày, có gần 200 ngàn m3 là nước thải bệnh viện. Như thông tin của Vn Express thì rõ ràng tình hình ở Hà Nội nghiêm trọng gấp 10 lần TP.HCM.

      Nhà báo ghi nhận Bệnh Viện Hữu Nghị Việt Đức, cơ sở ngoại khoa lớn nhất nước, nơi thực hiện hàng chục nghìn ca mổ mỗi năm, đồng nghĩa với việc xả ra lượng nước thải y tế khổng lồ. Tuy vậy Việt Đức chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn vệ sinh môi trường.

      Do đó nước thải y tế từ Bệnh viện Việt Đức gần như giữ nguyên mức độ độc hại khi xả ra môi trường. Chúng tôi xin thêm rằng Việt Đức chính là bệnh viện vừa xả ra vụ bê bối nghiêm trọng, bệnh viện đã bán rác thải y tế độc hại cho tư thương để tận dụng nhựa phế liệu và chai lọ thuỷ tinh.

      Không có cách nào khác?

      Vẫn theo Vn Express, Bệnh Viện Việt Đức tuy nằm trong 6 bệnh viện được chính phủ phê duyệt xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nhưng cho đến nay vẫn chưa được cấp kinh phí để tiến hành.

      Tình hình không khác gì ở Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương, nhiều năm nay nước thải y tế, sản phẩm của phòng mổ, phòng sinh và nhiều khoa phòng khác, vẫn được xả trực tiếp vào hệ thống cống ngầm rồi tập kết ra sông Tô Lịch. Phó giám đốc bệnh viện tiến sĩ Trần Quốc Việt nhìn nhận là rất đau lòng vì bệnh viện là nơi chữa bệnh mà lại xả ra nguồn gây bệnh, nhưng theo lời ông, khi hệ thống xử lý chưa có thì không có cách nào khác.



      Sống giữa xung quanh nào là không khí, rồi thức ăn , môi trường ô nhiễm độc hại vô cùng. Nhưng cứ việc ăn đi, chừng nào ông trời kêu ai thì nấy dạ.

      Một phụ nữ ở Hà Nội

      Tâm lý vừa nói cũng là chuyện miễn cưỡng chấp nhận của người dân, như lời phát biểu của một phụ nữ ở Hà Nội: “Sống giữa xung quanh nào là không khí, rồi thức ăn , môi trường ô nhiễm độc hại vô cùng. Nhưng cứ việc ăn đi, chừng nào ông trời kêu ai thì nấy dạ.”
       
      Thực ra vấn đề xử lý nước thải y tế, cũng có một vài tín hiệu tích cực, như trường hợp Bệnh Viện Nhân Dân Gia Định ở TP.HCM. Theo Vn Express hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện này đạt chuẩn vệ sinh môi trường. Kỹ sư Nguyễn Tăng Tiến cho biết, nước thải ở Bệnh viện Gia Định sau xử lý rất trong và không có mùi hôi.

      Chi phí cho hệ thống này khoảng 800 triệu đồng, bao gồm hồ chứa rộng 100 nét vuông với công suất xử lý 1.500 mét khối mỗi ngày. Hệ thống máy xử lý gồm các khoang chứa nước đến, có bộ phận lọc rác phía ngoài. Nước được cho vào bồn khử mùi bằng dung dịch Clor lỏng, sau đó là lọc khử vi sinh, hữu cơ. Toàn bộ các khoang chứa nước được xây kín, không cho thoát mùi. Hệ thống được xả cặn 2 lần mỗi tuần.

      Câu hỏi đặt ra là khi nào tất cả bệnh viện ở Việt Nam đều thực hiện được hệ thống xử lý nứớc thải như Bệnh Viện Nhân Dân Gia Định ở TP.HCM. Chúng tôi trích lời tiến sĩ Nguyên Trung Việt chuyên gia môi trường ở TP.HCM thay cho lời kết mục đọc báo hôm nay:

      “Dù sao Việt Nam mới phát triển mười mấy năm thôi, nhiều ngừơi cũng hiểu biết được vấn đề môi trường nhưng thực tế quá chậm so với tốc độ phát triển kinh tế. Sức ép về bảo vệ môi trường và nhận thức của ngừơi dân thì nay đã nhanh hơn trước rất nhiều. Sự hiểu biết nhiều hơn về mặt môi trường sẽ giúp cho môi trường cuả Việt Nam không đến nỗi như môi trường một nước khác ở châu Âu mà ngày xưa đã phải trả giá.”
       
      Thưa quí thính giả, phát triển kinh tế mà vẫn song hành bảo vệ môi trường, theo nhiều nhà phân tích, luôn là một mục tiêu không dễ dàng.

      © 2007 Radio Free Asia







      Những bài liên quan


      http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2007/09/08/ReviewDomesticPressHospitalWaste_NNguyen/
      #2
        Ngọc Lý 14.09.2007 00:34:21 (permalink)
        .

        Phế Thải Y Tế Ở Việt Nam
        Mai Thanh Truyết
        Phát biểu trên Radio Australia ngày 7/9/2007

         
         
         


        Hầu hết chúng ta đều biết tình trạng môi trướng ở Việt Nam hiện tại đang xuống cấp ngày càng trầm trọng, hậu quả của việc sản xuất của cải vật chất cho xã hội mà không chú trọng đúng mức đến việc bảo vệ mội trường từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa ra thế giới bên ngoài từ năm 1986 trở đi. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng trên là các nguồn phế thải rắn. Có ba loại phế thải rắn: - Phế thải từ các công nghệ sản xuất goị là phế thải kỹ nghệ; - Phế thải từ rác từ các hộ gia đình goị là phế thải sinh hoạt; - Và sau cùng phế thải y tế là tất cả các loại rác phát sinh từ những dịch vụ y tế trong bịnh viện và các trung tâm y tế trên toàn quốc.

        Baì viết nầy có mục đích trình bày tình trạng các loại phế thải y tế  ở Việt Nam và một số nhận định về tình trạng trên cùng một vài đề nghị giải quyết một vấn đề không kém quan trọng hiện đang xảy ra ở Việt Nam. 

        Định nghĩa và thành phần của chất thải y tế

        Chất thải y tế còn gọi là chất thải bịnh viện là những chất phế thải từ bịnh viện qua những dịch vụ y tế như chửa trị, mổ xẻ, và thử nghiệm. Đại để đó là những quần áo bịnh nhân và y công, bác sĩ sau khi chửa trị có dính máu và chất thải của người bịnh, cũng như vi khuẩn, các bộ phận bị tách rời, hóa chất, thuốc men cùng dụng cụ dùng trong các sinh hoạt trên. Do đó, phế thải y tế rất dễ bị lây nhiễm và có nguy cơ ảnh hưởng lên sức khỏe con người sống trong môi trướng bịnh viện, nếu không được xử lý thích đáng. Thông thường theo ước tính trong 4 Kg phế thải y tế có 1 Kg phế thải đã bị nhiễm vi khuẩn nguy hiểm.

        So với các loại chất thải khác như chất thải rắn trong kỹ nghệ và phế thải gia cư, đây là một loại phế thải độc hại hơn cả vì phế thải y tế có thể trực tiếp ảnh hưởng tức khắc lên sức khỏe của con người, và hơn nữa có thể có nguy cơ tạo ra bịnh dịch qua sự lây nhiễm qua một vùng dân cư rộng lớn. Còn tính độc hại của hai loại phế thải gia cư và kỹ nghệ có tính cách lâu dài hơn và khó nhận diện trước mắt.

        Cung cách xử lý loại phế thải y tế trên thế giới

        Hiện tại, trên thế giới ở hầu hết các quốc gia kỹ nghệ, trong các bịnh viện, cơ sở săn sóc sức khỏe, hay những công ty đặc biệt xử lý phế thải đều có thiết lập hệ thống xử lý loại phế thải nầy. Đó là các lò đốt (incinerators) ở nhiệt độ cao tùy theo loại phế thải từ 1.000oC đến trên 4.000oC. Tuy nhiên phương pháp nầy hiện nay vẫn còn đang tranh cãi về việc xử lý khí và bụi sau khi đốt đã được thải hồi vào không khí.

        Các phế thải y tế trong khi đốt, thải hồi vào không khí nhiều hạt bụi li ti và các hóa chất độc hại phát sinh ra do quá trình thiêu đốt như: acid cloridric, dioxin/furan, và một số kim loại độc hại như thủy ngân, chì, hoặc arsenic, cadmium. Do đó, tại Hoa Kỳ vào năm 1996, đã bắt đầu các điều luật về khí thải của lò đốt nghiêm khắc hơn và lượng khí thải hồi phải được giảm thiểu bằng những hệ thống lọc hóa học và cơ học tùy theo loại phế thải. Cũng như các hạt bụi phóng thích sau khi đốt phải nhỏ hơn 10 um.

        Ngoài ra còn có phương pháp khác để giải quyết vấn đề nầy đã được các quốc gia lưu tâm đến vì phương pháp đốt đã gây ra nhiều bất lợi vì lượng khí độc hại phát sinh thải vào không khí; do đó các nhà khoa học hiện đang áp dụng một phương pháp mới. Đó là phương pháp nghiền nát chất phế thải và xử lý dưới nhiệt độ và áp suất cao để tránh việc phóng thích khí thải trong khi xử lý.

        Dựa theo phương pháp nầy phế thải bịnh viện được chuyển qua một máy nghiền nát. Phế thải đã được nghiền xong sẽ được chuyển qua một phòng hơi có nhiệt dộ 138oC và áp suấn 3,8 bar (1bar tương đương với áp suất 1 atmosphere). Ở điều kiện nhiệt độ và áp suất trên là điều kiện tối ưu cho hơi nước bảo hòa. Phế thải được xử lý trong vòng 40 đến 60 phút. Sau cùng phế thải rắn đã sẽ được chuyển đến các bãi rác thông thường vì đã đạt được tiêu chuẩn tiệt trùng. Phương pháp nầy có thêm lợi điểm là làm giảm được khối lượng phế thải vì được nghiền nát, chi phí ít tốn kém hơn lò đốt, cũng như không tạo ra khí thải vào không khí.

        Phế thải y tế ở các nước đang phát triển

        Đối với các quốc gia đang phát triển, việc quản lý môi trường chung vẫn còn rất lơ là, nhất là đối với phế thải bịnh viện. Tuy nhiên trong khoảng 5 năm trở lại đây, các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc đã bắt đầu chú ý đến việc bảo vệ môi trường, và có nhiều tiến bộ trong việc xây dựng các lò đốt ở bịnh viện. Đặc biệt ở Ấn Độ từ năm 1998, chính ohủ đã ban hành Luật về “Phế thải y tế: Lập thủ tục và Quản lý”. Trong bộ luật nầy có ghi rõ ràng phương pháp tiếp nhận phế thải, phân loại phế thải, cùng việc xử lý và di dời đến các bãi rác. . Do đó, vấn đề phế phải độc hại của quốc gia nầy đã được cải thiện rất nhiều.

        Trong lúc đó Việt Nam hiện nay chưa đặt mối quan tâm đúng mức về vấn đề nầy, ngay cả đối với rác gia cư và rác kỹ nghệ. Hà Nội có 36 bịnh viện mà chỉ có một bịnh viện có lò đốt. Tp HCM cũng chẳng khá gì hơn, chỉ có 3 lò đốt cho trên 100 bịnh viện trong thành phố. Đối với các tỉnh, thị xã còn lại, chúng tôi thiết nghĩ cũng không có bịnh viện nào có trang bị lò đốt cả.

        Cho đến hiện nay, chưa thấy có chỉ dấu nào của Việt Nam về việc cải thiện tình trạng quản lý các nguồn rác nói chung, và phế thải y tế nói riêng. Các loại phế thải rắn và lỏng là hai vấn nạn môi trường quan trọng nhất hiện tại mà Việt Nam phải đối mặt và giải quyết một cách rốt ráo. Nếu Việt Nam không chịu thay đổi cung cách hành xử chúng tôi e rằng Việt Nam sẽ phải chịu một cơn khủng hoảng môi trường nghiêm trọng trong một tương lai rất gần.

        Mới đây, vào ngày 30-8-2007, TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế CS Việt Nam cho biết Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế trong cả nước cần thúc đẩy gấp việc kiểm tra, kiểm soát cũng như thắt chặt việc quản lý, kiểm soát và xử lý rác thải theo Quy chế quản lý chầt thải y tế. Bộ còn yêu cầu cho đến ngaỳ 30-9 tất cả các bịnh viện, sở y tế, các trung tâm y tế phải rà soát và báo cáo đầy đủ công tác thu gom, xử lý, và tiêu hủy chất thải bịnh viện theo đúng quy định, tuân thủ Luật Bảo vệ Môi trường.

        Qua công văn vừa phát ra, chúng ta thấy rõ ràng là Việt Nam chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của phế thải y tế. Một vấn đề cấp bách như trên đã tồn tại hàng hai chục năm qua, mà Bộ Y tế cỉi ra công văn “yêu cầu” giải quyết rác y tế?

        Chính vì vậy, cho nên tình trạnh chung trên 64 tỉnh toàn quốc vẫn xảy ra nhiều trường hợp cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Tình trạng nầy càng tệ haị hơn nữa ở hai nơi cần phải giữ gìn hơn cả là ở Hà Nội và Sài Gòn, vì hai nơi nầy là hai trung tâm tiếp cận với ngoại quốc nhiều nhất và đông dân nhất so với các tỉnh khác.

        Tại Sàigòn, hầu hết các bịnh viện trong thành phố chỉ có trách nhiệm thu gom, phân loại, kiểm soát và chuyển tải rác y tế về nhà rác; còn vấn đề vận chuyển rác đi đâu, xử lý như thế nào thì giao cho cơ quan quản lý môi trường. Chính vì sự quản lý còn lõng lẽo mà tình trạng rác y tế ngày càng tê hại hơn.

        Đối với Tp Sài gòn, đây là thành phố có số lượng bịnh nhân lớn nhất, trung bình hàng tháng có thể thải ra hơn 7 tấn rác y tế gồm kim và ống chích, bông băng, dao mỗ, các ống plactic chuyền nước biển hay thuốc men v.v.. .Tất cả được thu gom vào các thùng nhưạ, có ghi mã số riêng và được chuyển xuống nhà rác. Sau đó là việc của Cty Quản lý Môi trường, và bịnh viện hoàn tòan không còn chịu trách nhiệm việc xử lý! Do đó, Cty Môi trường chuyển rác đi đâu, xử lý như thế nào thì không ai được rõ cả! Cũng không quên nói thêm là thành phố còn có hàng ngàn văn phòng khám bịnh và chữa trị do các bác sĩ hành nghề, và vấn đề thu gom rác y tế hoàn tòan không được nêu lên. Đây cũng là một số lượng rác không nhỏ, gây thêm nguy cơ cho rất nhiều mầm bịnh.

        Riêng tại thủ đô Hà Nội, vấn đề quản lý còn tồi tệ hơn nữa, và nhiều tệ trạng mới vùa được nêu ra trên baó chí và truyền thanh gần đây nói lên sự bất lực của những nhà chịu trách nhiệm trong lãnh vực nầy. Điển hình là trường hợp bịnh viện Việt Đức. Trong nhiều năm qua, bịnh viện đã ký hợp đồng với Xí nghiệp Xử lý chất thải công nghiệp Y tế thuộc Cty Môi trường Hà Nội vận chuyển và xử lý rác y tế. Tuy nhiên vì không ai quản lý khâu xử lý, cho nên Cty trên đã bán lại các laọi rác có thể tái sinh thay vì phải xử lý. Điều nầy cũng xảy r a cho bịnh viện Bạch Mai và một số bịnh viện khác tuy chưa được khám phá ra. Ngay chính Đài Radio ABC ở Úc châu trong buổi phát thanh ngaỳ 29/8 vừa qua nêu tin tức gần 300 tấn rác y tế ở Việt Nam ở các bịnh viện Hà Nội đã được tái sản xuất thành các dụng cụ dùng trong kỹ nghệ ăn uống như muỗng nĩa, dao nhựa, các loại ly chén nhựa, các thùng chứa bằng nhựa v.v…

        Phế thải y tế lõng

        Ngoài phế thải rắn vừa kể trên, chúng ta cũng không quên một lượng nước thải y tế. Từ trên 1.000 bịnh viện trên tòan quốc hiện tại, theo thống kê của VN hiện chỉ có 1/3 có hệ thống xử lý nước thải, đặc biệt là ở trung ương và các thành thị lớn. Tuy nhiên trong số trên chỉ có một phần nhỏ đạt được tiêu chuẩn môi trường. Nhiều nơi có cũng như không vì hệ thống không được bảo hành sau đó bỏ không với lý do là không có kinh phí cho tiến điện và hóa chất cùng nhân viên điều hành…Ở nhiều bịnh viện lớn ở thành phố, nước thải chỉ qua bồn chứa rồi chải thẳng vào sông rạch.. Thí dụ như bịnh viện Việt Đức, cơ sở ngoại khoa lớn nhất nước, thực hiện hàng chục ngàn ca mổ mỗi năm mà vẫn chưa có nhà máy xử lý nước thải đúng tiêu chuẩn. Sài gòn còn trên 35 bịnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải và 40 bịnh viện hệ thống không đạt tiêu chuẩn.

        Theo Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, trong số 400 ngàn m3 nước thải đổ vào sông Nhuệ, sông Đáy mỗi ngày, có độ khoảng phân nửa là nước thải bịnh viện. Từ đây cho thấy mầm bịnh trên các sông rạch chằn chịt ở Việt Nam đang bị ô nhiễm như thế nào vì các mầm bịnh sinh học, thậm chí cả phóng xạ,  virus đừơng tiêu hóa, bại liệt, ký sinh trùng, liên cầu, tụ cầu, Salmonella v.v… Thêm nữa, những mầm bịnh nầy chu du khắp nơi, xâm nhập vào các loại thủy sản, cây trồng, nhất là thủy canh như rau muống chẳng hạn. Từ đó, con người sau khi tiếp nhiễm với các mầm bịnh trên, nguy cơ ung thư và các bịnh hiễm nghèo khác sẽ tăng rất nhanh. Đối lại, Sài Gòn cũng không khá gí hơn với trên 17 ngàn m3 nước thải y tế lõng thải vào sông rạch hàng ngày.

        Từ những thông tin nêu trên đây, chúng ta nhận thức được tình trạng rác y tế ở Việt Nam đã được quản lý tồi tệ cũng như các viễn kiến để giải quyết vấn đề hầu như không được những người đang nắm quyền lực lưu ý đến.

        Đề nghị hướng giải quyết

        Đứng trước tình trạng cấp bách về việc xử lý phế thải y tế, cũng như khả năng tài chính của các bịnh viện không thể nào trang trải cho chi phí thiết lập một lò đốt, một số phương cách giải quyết trước mắt để có thể điều chỉnh và hạn chế được chất thải nầy. Tuy nhiên, vấn đề chỉ có thể giải quyết từng bước một khi có sự tham gia của nhà cầm quyền.

        Đối với các bịnh viện có bịnh nhân dễ bị nhiễm trùng và truyền nhiễm cao như các bịnh viện nhiệt đới, nhà bảo sinh, nhà nước bắt buộc bằng giá nào cũng phải xây lò đốt càng sớm càng tốt. Thêm nữa cần phải tăng cường kiểm soát việc quản lý các lò đốt của bịnh viện. Và việc làm cấp yếu tức thời đối với những bịnh viện còn lại là phải hạn chế chất thải y tế tối đa.

        Ở các quốc gia kỹ nghệ, song hành với việc xử lý phế thải, Cơ quan Bảo vệ môi trường sở tại thường thiết lập chính sách khen thưởng bằng cách giảm thuế cho cơ sở sản xuất nào áp dụng chương trình giảm thiểu phế thải. Mức độ khen thưởng tùy theo điều kiện và mức độ độc hại cho mỗi quy trình. Trong trường hợp chất thải y tế, sau đây là một số gợi ý về phương cách để làm giảm thiểu chất thải:

        -         Trước hết, trong bịnh viện không nên xử dụng bao tay, áo choàng, khăn trải v.v..bằng chất dẽo nhân tạo như PVC, mà được thay thế các dụng cụ trên bằng cao su thiên nhiên (latex).
        -         Thủy ngân trong các hổn hợp kim loại dùng trong việc trám răng, trồng răng, cũng như Chì (Pb) dùng làm điện cực của pin trong các hệ thống theo dõi nạn nhân bị bịnh tim v.v… sẽ được tái xử dụng bằng phương pháp tái sinh hóa học.
        -         Một số trang phục và hệ thống hô hấp trong phòng mổ có thể được tiệt trùng và dùng lại nhiều lần.
        -         Các dung môi thông thường trong bịnh viện như benzen, toluene, xylen có thể được xử dụng lại qua hệ thống chưng cất phân đoạn.

        Tóm lại, bịnh viện có thể xử dụng lại tất cả những dụng cụ, hóa chất nào có thể tái sinh được và làm dúng theo quy định về an toàn y tế.

        Ngoài ra, còn rất nhiều phương cách để giảm thiểu phế thải y tế cho từng bịnh viện chuyên ngành khác.

        Nếu làm được một số việc căn bản đan cử trên đây, chúng ta đã hạn chế được một phần nào tình trạng ô nhiễm, giảm thiểu lượng chất thải và mức độ độc hại của chúng, và nhất là giảm thiểu được chi phí điều hành.

        Sau hết, với sự tham gia đúng mức của các thành phần nhân sự trong bịnh viện từ nhân viên quản lý đến nhân viên y tế, cùng bịnh nhân sẽ chứng minh mức độ thành công của chương trình giảm thiểu chất thải nói chung.

        Mai Thanh Truyết
        West Covina, 9/2007


        http://www.canh-en.de/index.php?id=123&tx_mininews_pi1
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 14.09.2007 00:35:22 bởi Ngọc Lý >
        #3
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9