TRUYỆN NGẮN VÀ TẠP BÚT CỦA VIÊN NHẬT
caochuong 02.09.2007 22:11:50 (permalink)
  TIẾNG HÓT CỦA CON CHIM CHÌA VÔI
 
Quê hương trong bóng con đò
Trong câu hát bội, trong lời mẹ ru
Quê hương trong tiếng lá reo
Tiếng chuông chùa đổ, khói chiều miên man
Quê hương trong vắt ao làng
Vẽ đôi cò trắng về ngang liếc nhìn
Ta đi mấy núi, mấy non
Thấy con đò - nhớ, thấy sông xa - buồn
Tiếng đàn bầu nghe mà thương
 


 
 1.
 Bé Tú ngồi ở bậc cửa sau nhà, nhìn con chim chìa vôi với bộ lông có hai màu đen và trắng đang nhảy nhót trên cây me mọc sát bờ sông. Mỗi lần con chim cất tiếng hót, Tú lại cười khanh khách vì giai điệu hót của con chim giống hệt như một câu cha hay nói: “Tú ơi, bây giờ Tú sợ bị đét, bị đét!”. Tất nhiên là còn thiếu một chữ quan trọng mà cây roi của cha hay hăm he, bởi vì tiếng hót của chú chim chìa vôi chỉ có thế.
Ông Nhã nghe tiếng con gái cười, ông cũng cười một mình. Nó chịu cười, vậy là có thể để nó lại quê với ông bà. Ông nghe tiếng cha mình đang trò chuyện với con gái, tiếng bé Tú vui vẻ nói chuyện véo von với ông nội. Thì ra nó đang nói cho ông nội nghe vì sao nó cười khi nghe con chim chìa vôi hót. Tiếng mẹ ông hỏi chuyện bé Tú.
Hai ông bà già rất mừng vì cuối cùng con trai đã chịu gởi đứa út xinh xắn về quê với mình. Mỗi lần ông bà nội lên Sài Gòn thăm con cháu, cô bé út này hay quấn lấy ông bà nói đủ thứ chuyện và cười suốt ngày. Không như mấy đứa lớn, chỉ chào hỏi xong là biến đâu mất.
Thật ra ông Nhã không muốn xa đứa con út. Ngày nào đi làm về, ông đều thấy bé ngồi trên bậc tam cấp trước nhà, hai bàn chân nhỏ xinh nhịp nhịp, tay chống cằm chờ ông. Gương mặt sáng rỡ vẻ tinh nghịch rất đáng yêu của nó luôn làm ông cảm thấy mọi mệt nhọc sau một ngày làm việc đều không còn. Viện cớ bé Tú còn nhỏ quá, về cha mẹ không tiện chăm sóc, hè năm ngoái, ông Nhã cho con gái lớn đang học lớp đệ Tam về. Ở chưa hết một tháng, cô con gái khóc lóc đòi về Sài Gòn vì ở quê buồn quá. Hai đứa kế thì lắc đầu quầy quậy khi nghe cha hỏi. Chỉ mỗi cô nhóc nhất nhà thì vừa nhảy nhót, vừa vỗ tay vì được về quê thăm ông bà nội.
Bé Tú rất thích vì ông bà cho quá trời đồ chơi. Nó ngồi giữa một đống đồ chơi, chỉ hơi ngoảnh lại khi ông Nhã đi. Ông Nhã đã ngồi lên chiếc Vespa, nhưng lại quay trở vào, bồng con gái lên áp chặt vào ngực. Ông cố tình đưa cái cằm râu mấy ngày không cạo, cọ vào má con gái. Bé Tú nhột, cười khanh khách. Nó lấy tay đẩy mặt cha ra bảo:
- Mặt cha toàn là gai, không cho hun nữa đâu.
- Con ở đây với ông bà nội, chủ nhật thì cha về thăm con.
- Dạ. Cha đi đi, cho con xuống chơi đồ chơi.
Ông thả nó xuống là nó chạy vào giữa đống đồ chơi ngay. Ông bà nội ngồi bên cạnh, chơi với nó.
Mới xa con gái một chút, ông Nhã bắt đầu thấy nhớ. Bình thường, ông không như thế này. Có lẻ vì ông biết từ nay, mỗi chiều sẽ không thấy cô bé ngồi nhịp chân, chống cằm mong đợi ông trên bậc thềm nhà.
Buổi tối, bé Tú hỏi:
- Nội ơi, sao không thấy cha về? Trời đã tối rồi mà?
- Mấy ngày nữa cha mới về.
- Mấy ngày là trời sáng hả nội?
- Ừ.
- Bây giờ tối quá, cha không thấy đường chạy xe đâu. Con buồn ngủ quá, khi nào cha về, nội nhớ gọi con nha.
          *        *        *        *        *        *
Chỉ vài ngày là bé Tú chán đồ chơi. Nó lang thang trong vườn một mình. Một buổi trưa, bà nội bắt gặp bé Tú đang ngồi nói chuyện với mấy con kiến đang bò dưới kẽ đất bên hông nhà:
- Mình bây giờ, mình nhớ cha mình lắm. Mình nhớ chị Ngọc Diệp, anh Hiếu Dũng và chị Ngân Hoa nữa. Không ai về chơi với mình. Mình bây giờ, mình buồn lắm.
Giọng bé rưng rưng như sắp khóc. Bà nội thương quá lại ôm nó vào lòng nói:
- Con có muốn về nhà với cha và anh chị không?
- Dạ có.
- Nhưng con đi thì ông bà buồn lắm, làm sao đây?
- Ông bà buồn như con bây giờ đó hả?
- Ừ. Buồn muốn khóc luôn.
- Vậy con không đi, con ở đây nha, nội đừng khóc.
Bé Tú đưa bàn tay nhỏ vuốt má bà nội, đôi mắt nó mở to nhìn chăm chú xem bà nội có vui không, thấy bà cười mà nước mắt tràn ra mi, nó ngập ngừng hỏi:
- Sao bà nội khóc?
- Bà nội không khóc, bà vui vì con không bỏ ông bà nội mà đi.
- Nhưng con buồn lắm, con phải khóc mới được.
Nói xong, bé Tú khóc òa lên. Ông bà nội luýnh quýnh không biết làm sao, chỉ biết loanh quoanh đưa hết thứ này, đến thứ khác cho nó chọn, nhưng nó đều lắc đầu. Phải gần cả tiếng đồng hồ nó mới ngưng khóc.
Từ hôm ấy, bé Tú không nhắc đến chuyện đòi về. Ông bà biết nó vẫn rất mong cha vì ngày nào nó cũng tự tay bóc tờ lịch và thông báo với ông bà hôm đó là thứ mấy. Chiều thứ bảy nào nó cũng bắc cái ghế con ngồi ngoài ngõ, chỉ chờ thấy bóng xe cha nó ở đầu đường là chạy a ra. Cả ngày chủ nhật, nó quấn quít bên cha, dẫn cha đi xem hàng cây cải hay hàng ớt nó mới trồng, rồi bắt cha nó xách nước tưới cho cây của nó. Sáng thứ hai khi cha nó đi thì nó vẫn còn ngủ chưa thức. Lúc dậy rồi, nó chỉ làm một chuyện là lại xé một tờ lịch và thông báo.
                   *        *        *        *        *        *
Ông nội dẫn bé Tú xin vào học dự thính lớp một vì bé chỉ mới sáu tuổi. Cô giáo thấy bé đã biết đọc, biết viết liền cho bé học chính thức.
Bé Tú có bạn, hôm nào đi học về cũng kể cho ông bà nghe chuyện bạn bè, chuyện thầy cô … Nó đi học thì thôi, nó về là trong nhà luôn vẳng tiếng nó cười khanh khách hoặc hát véo von. Ông nội thường hay nói:
- Con bé này hay cười, cuộc đời nó sẽ rất tốt đẹp.
Những ngày cận Tết, bé Tú cứ lon ton xách nước ra tưới mấy cây mai mà ông nội đã suốt lá. Nó nghe ông nội nói: Khi nào mai nở thì Tết đến. Nghĩa là cha và các anh chị sẽ về. Đợi hàng chục ngày mà nụ mai vẫn cứ chi chít, bum búp, không chịu to ra, nó nói:
- Ông nội ơi, cây không có lá nên chết mất rồi.
- Không sao đâu, khi nào cận ngày, ông nội dùng vòi phun tia lên cành, búp sẽ lớn, mai sẽ nở vào đúng giao thừa. Sáng mùng một là vàng rực cả vườn nhà mình luôn.
Mãi đến 27 Tết, các anh chị mới về, còn cha thì tận chiều 29 Tết mới về. Những ngày đó, bé Tú vui lắm. Nó suốt ngày đi theo các anh chị, cũng lăng xăng phụ chùi bàn ghế, phụ chà lư đồng …
Chiều 30, ông Nhã chọn một nhánh mai to và nhiều nụ nhất, cắt đem vào chưng bàn giao thừa. Bé Tú rất thích ngồi nhìn cha cắt giấy đỏ thành chữ: Chúc Mừng Năm Mới, dán lên mấy trái dưa hấu to đùng đặt trên các bàn thờ và bàn giao thừa.
Trong khi chờ giao thừa, ông Nhã ngồi trò chuyện với cha mẹ, những đứa con ngồi chơi đánh bài ba cào. Tiếng bé Tú lanh lảnh:
- Không thèm chơi nữa, bàn nào cũng thua, hổng cho em ăn gì hết.
Tiếng Ngọc Diệp an ủi:
- Lát nữa chị đêm bài cho em ăn nha.
- Đêm cho em ba cào già!
Tiếng Hiếu Dũng:
- Trời ơi, nó còn đòi ăn cào bự nhất nữa.
Tiếng Ngân Hoa:
- Anh phải nhường nó chứ, tội nghiệp nó ở quê mà.
- Cái gì mà tội nghiệp chứ? Phải nhường em đó nha. Hổng ăn bàn này là em … khóc cho mà coi.
Đồng hồ vừa chỉ đúng mười hai giờ đêm, Hiếu Dũng liền châm dây pháo treo ở trước cửa giữa. Mọi người đốt nhang theo ông bà nội đi cắm vào các bàn thờ. Xong xuôi thì xếp hàng chúc Tết cho ông  bà nội. Ông Nhã bổ dưa trên bàn giao thừa. Ruột dưa đỏ tươi và hơi cát, mẹ ông cười khen:
- Mua dưa khéo lắm, đỏ như thế tức là một năm gặp nhiều may mắn.
Đêm trước ngày cha và các anh chị sẽ trở lên Sài Gòn, bốn anh chị em không chịu ngủ, cứ rúc rích mãi. Ông Nhã hăm he, chúng mới chịu yên. Nhưng, ông vừa nằm xuống thì chúng lại thức dậy ra ngồi trước nhà cười giỡn tiếp. Lần này, ông Nhã liền cầm cây roi đi lên nhà trên, quất vào mặt bàn một cái “Trót”. Ba anh chị lớn hoảng hốt, co giò chạy tứ tán ra ngoài vườn. Bé Tú ngược lại, chạy đến ôm chân cha mếu máo:
- Mai cha và các anh chị đi rồi nên các anh chị muốn chơi thêm với con mà.
- Cha biết. Nhưng phải để ông bà ngủ chứ. Ồn ào như thế thì không ngoan, có biết không con?
Ông ngồi vào chiếc ghế bành, bồng con lên. Bé Tú nép vào lòng cha dặn:
- Chủ nhật tới, cha nhớ về thăm con nha.
- Ừ.
Vừa lúc đó, ông nghe tiếng mấy đứa con ré lên um sùm ngoài vườn:
- Ma! Cha ơi! Ma!
Ông Nhã bồng luôn bé Tú chạy ra cửa, lia đèn pin hỏi:
- Ma ở đâu? Các con ở đâu?
Từ ba hướng khác nhau, Ngọc Diệp, Hiếu Dũng, Ngân Hoa hớt hải chạy vào nhà.
- Ma ở đâu?
- Dạ, không có – Ngân Hoa trả lời – Lúc nãy cha la, con sợ cha nên chạy ra vườn. Nhưng, ngoài vườn bây giờ tối thui à!
- Mấy đứa kia, cũng vậy phải không?
- Dạ.
Tiếng mấy đứa con bẽn lẽn làm ông Nhã buồn cười quá. Thì ra, ban đầu chúng sợ cha hơn sợ ma. Đứng trong tối một mình thì sợ ma hơn sợ cha. Ông ký đầu con gái lớn:
- Làm chị cả mà cứ đầu têu cho các em như thế, lần này, cha tha cho đó.
                   *        *        *        *        *        *
Bé Tú không muốn nhìn cảnh cha và anh chị đi nên ra cuối vườn ngồi. Mọi người phải đi kiếm nó. Chị Ngọc Diệp ôm nó nói:
- Em đừng buồn, khi nào rảnh, anh chị lại về thăm em mà.
- Dạ.
Mấy cha con lấy bé Tú làm cục nhưn, ôm nó muốn nghẹt thở. Bé Tú buồn buồn nói:
- Cha và anh chị đi đi, con muốn ngồi đây một mình.
Sự trống vắng trong lòng bé Tú còn nhiều gấp mấy lần hồi nó mới về quê. Có lẽ vì niềm vui đoàn tụ những ngày Tết quá nhiều, nên nỗi buồn mới càng sâu trong lòng nó.
          *        *        *        *        *        *
2.

Bé Tú xách cái rổ tre, đi cùng bà nội ra vườn hái rau càng cua. Nó rất thích cái món càng cua bóp sổi, vừa chua, vừa ngọt, vừa nhân nhẫn của bà nội làm. Ở nhà quê, nó hiếm khi thấy bà nội đi chợ, thứ gì cũng có sẵn.
Vườn nhà nội rộng gần 40 sào. Một mặt quay ra sông, một mặt giáp với miếng ruộng rẫy trước nhà. Gọi là ruộng rẫy để phân biệt với ruộng đồng. Ruộng rẫy có nước sông ra vô, chỉ cấy lúa vào mùa mưa, khi nước sông ngọt. Mùa nắng, ruộng rẫy chỉ là một cánh đồng sình, nước mặn, nơi mà lũ cá kèo, cồng quều, cồng voi … ra phơi nắng và ăn bùn.  Ruộng đồng mùa nắng khô nứt đất, đi không khéo thì bị nhét dép xuống kẽ. Mùa mưa, nước mưa xuống ngập đồng thì người ta gieo mạ, cấy hoặc xạ.
 Trong vườn thì rau, trái khắp nơi. Chỉ riêng những rau cỏ hoang đã ăn không hết: Ăn canh thì có mồng tơi, bù ngót,  … mọc đầy dọc hàng rào. Ăn sổi thì có càng cua. Ăn sống thì có rau đắng, rau má … Ấy là chưa nói đến mấy thứ rau, quả mà ông bà nội trồng như: Dưa leo, dưa gang, cà chua, đậu bắp … . Cây hàng niên thì có vú sữa, xoài, mãng cầu sim, mãng cầu ta, mít, ổi, quấc ….Tha hồ mà kể cũng chưa hết cây trái trong vườn nhà nội.
Thức ăn mặn thì tôm cá dưới sông nhiều vô kể. Nhưng bé Tú chỉ thích nhất là đi vòng lũ cá kèo trên ruộng. Hôm trước, ông nội đã làm cho nó một cái cần câu, có sợi dây cước ngắn nơi đầu thành một cái thòng lọng. Nó đi dọc bờ ruộng, chỗ nào nổi đầu cá kèo to là thòng dây xuống, tròng vô đầu con cá và giật. Thòng lọng xiết chặt và thế là con cá lên đường …, chui vào giỏ của bé Tú. Tiếng nó cười làm lũ cá hoảng hốt lủi xuống nước. Vậy là bé Tú biết con cá sợ âm thanh.
Khi nước ròng, nó đi bắt cồng quều. Đợi khi nước vừa lớn, mới chảy vào ruộng, nó lấy cái vợt ra, bỏ lũ cồng đã bị tách mu, nhử cá hủng hỉnh. Lũ cá hủng hỉnh nghe mùi tanh, nhào tới đông như hội, ăn ăn, xé xé, chỉ nhử được mấy lần là lũ cồng chỉ còn trơ cái xác vôi. Cá hủng hỉnh dành để nấu cám cho con heo mọi.
Tháng nắng, khi nước lớn đầy ruộng, những cái gốc rạ mục nổi lên mặt nước, trên đó, chi chít những con ốc dừa, bé chỉ bằng cái móng tay người lớn, tha hồ mà nhặt. Thịt ốc dừa rất ngọt và thơm.
Tháng mưa, ruộng lúa xanh um, muốn ăn ốc dừa thì lội ra hàng dừa nước ở mé rạch, mé sông. Ốc dừa bám trên các bẹ dừa, cứ lựa con to mà lượm, cho vào giỏ.
Ông nội còn dạy bé Tú đi bắt tôm tít ngoài sông và cách phân biệt hang tôm tít với hang rắn, hang cá bống sao, rồi mò chem chép về nấu canh …
Nó bắt được nhiều tôm cá quá, đâm ham, hôm nào đòi ông nội dẫn ra sông. Tôm cá ăn không hết, nó cứ bắt về rộng đến ốm nhom trong mấy cái khạp. Có hôm, ông nội không đi, thế là nó một mình, lén xách giỏ ra sông. Báo hại ông bà nội dáo dác đi kiếm, thấy nó rồi, ông bà nội la cho một mẻ tưng bừng, rồi lại ôm nó khóc. Bé Tú phải hứa không một mình ra sông nữa.
          *        *        *        *        *        *
Buổi chiều, bé Tú đi một vòng quanh vườn hái càng cua, mồng tơi và bù ngót, bó một bó to mà nó phải ôm lặc lè mới ra được ngoài sân, hứng sương. Ông bà nội ngạc nhiên hỏi:
- Hái làm chi mà nhiều dữ vậy Tú, ăn sao hết?
- Cái này để mai con đem vào trường nộp kế hoạch nhỏ.
- Sao không nộp giấy cho gọn, nộp rau thì làm sao? Không lẽ thầy trò đem ra chợ bán?
- Thì đúng là tụi con đem ra chợ bán mà!
- Con tham quá, bó to như vậy làm sao đem đi?
- Thì ông nội đem dùm con!
Ông bà nội cười: Bé Nhóc nhà mình tính sẵn rồi, có ông nội làm phu khuân vác!
Lũ học trò đem cây nhà, lá vườn đi nộp kế hoạch nhỏ. Đủ thứ rau củ, chất thành một đống to như cái chợ rau: Mướp, Dưa leo, Cà chua, Rau muống, Cải ….. Thầy Cô đứng nhìn mà ngẩn ngơ, không biết làm cách nào cho đống thập cẩm đó bay ra chợ? Rồi biến thành tiền?. Cũng may là có ông nội, ông kêu người đem xe đẩy tới, đẩy đi.
Mấy Thầy Trò ra chợ bán. Người mua – Cũng là phụ huynh, ai cũng ghé vô mua một ít, đắt hàng thấy mê! Chắc Kế hoạch nhỏ năm sau, bổn cũ xài lại quá!
              *    *        *        *        *        *
Ở nhà không có bạn, bé Tú một mình chơi trốn tìm với mình. Có một hôm, nó  chạy mệt quá, chui nấp đằng sau kẹt bồ lúa và ngủ quên luôn ở đó. Lại một phen ông bà đi kiếm.
Nó cũng chán trò trốn tìm một mình bèn xoay ra tập viết chữ cho đẹp. Cứ cuốn tập có một vết dơ là nó bỏ, viết lại từ đầu. Ông nội cắt những giấy trắng, đóng thành một cuốn tập cho nó làm nháp. Cuốn tập của ông nội đóng đẹp quá, thế là nó bắt ông nội cắt tập ra để đóng. Ông nội bảo:
- Tập đóng là vì tiết kiệm giấy. Tập còn nguyên mà cắt để đóng thì uổng lắm.
- Nhưng con thấy nó đẹp hơn!
Ông nội nói cách nào, nó cũng không chịu. Thế là từ đó, nó luôn có những cuốn tập khác người.
Lúc này, nó đã viết chữ rất đẹp và ngay hàng. Nó không còn thích những cuốn tập kẻ ô sẵn, mà chỉ thích giấy trắng tinh, không hàng mà cha nó phải đem từ Sài Gòn về cho ông nội đóng sổ cho nó. Trên nền giấy trắng, chỉ có chữ bằng mực tím nổi rõ, ngay hàng, thẳng lối, rất đẹp. Cha nó còn mang về cho ông nội nguyên một thùng đồ nghề dùng để đóng tập.
 Hồi đó, bé Tú rất thích học cách viết chữ Pháp của ông nội. Nét chữ nghiêng nghiêng, nét đậm, nét nhạt, nhìn rất thích mắt. Nó phải tập rất nhiều ngày mới có thể viết coi được.
Thầy giáo mắng vốn ông nội vì bé Tú không chịu xài tập có kẻ ô như các bạn. Ông nội hỏi:
- Nó viết chữ có lên bờ, xuống ruộng hôn?
Thầy giáo phải công nhận rằng: Nó viết ngay hàng. Ông nội lại hỏi:
- Nó viết tập nó, có ảnh hưởng tới bạn bè hôn?
Thầy lại phải nói rằng: Không đứa nào học lớp ba mà thích viết tập không hàng như nó. Có hàng mà còn trèo lên, té xuống ì xèo!
Vậy là huề vốn, nó cứ tập không hàng mà viết. Buồn buồn, thầy cho một hàng chữ phê bằng mực đỏ: Còn sai nhiều lỗi chính tả!
Bé Tú hỏi:
- Ông nội ơi, làm thế nào để không sai chính tả? Rõ ràng thầy đọc sao, con viết vậy mà? Làm sao để biết khi nào bỏ dấu hỏi, khi nào bỏ dấu ngã?
Ông nội ngẫm nghĩ một hồi rồi nói:
- Cứ đọc nhiều sách là hết sai lỗi chính tả!
- Tại sao đọc nhiều sách thì hết sai hả ông nội?
- Con đọc đi thì biết tại sao. Con hỏi hoài, ông nội chẳng biết đường nào mà lần.
- Ông nội trồng bí rồi! – Bé Tú cười.
Tủ sách của ông nội toàn sách tiếng Pháp và sách chữ Nôm. Chỉ lèo tèo mấy cuốn truyện cổ kinh điển: Truyện cổ tích Việt Nam, truyện cổ Đan Mạch của Andecxen, Ngàn lẻ một đêm và cuốn Thần thoại Hy Lạp. Đọc có mấy ngày đã hết, bé Tú ngắm nghía cái thư viện trường, nhưng sách chỉ để Thầy Cô mượn, đâu có cho học trò lớp ba đọc.
Cô thủ thư thấy cô bé cứ lấp ló ở cửa thư viện, nhìn những dãy kệ sách một cách thèm muốn, liền hứa tháng sau, khi cô kiểm sách xong, sẽ cho nó mượn về nhà. Bé Tú mừng rơn.
Trong suốt thời gian học tiểu học, bé Tú may mắn được cô thủ thư chọn lọc sách phù hợp lứa tuổi cho nó mượn về nhà.
                   *        *        *        *        *        *
3.

Năm bé Tú học lớp sáu, nó không còn được học ở cái trường cấp I cổ kính, mái ngói rêu phong và khoảng sân rộng trồng mấy cây điệp già.
Trường cấp II nằm cạnh sân banh. Năm nay, trường mới xây thêm một dãy có 4 phòng học vách lá, mái tôn.
Lớp học của bé Tú lại ở nơi mới dựng. Đầu năm, mới vào, vách lá nguyên nếp, đưa cái sống lá dừa nước ra ngoài, có màu nâu đỏ rất đẹp.
Khổ nỗi đám nhóc ngứa tay, đi qua, xé một cái, đi lại xé một cái. Ngồi trong lớp học, mấy đứa nào ngồi gần vách lá, buồn tay, xé một miếng. Ra chơi còn tệ hơn, chúng xé vách thông hai phòng để có lỗ bắn dây thun vào “kẻ địch” phía lớp bên kia!
Đến giữa năm thì vách lá xơ xác một cách thảm hại. Từ trong lớp, có thể nhìn thông thống ra ngoài sân, buồn buồn, lũ học trò bên này quay lưng lại, nghe giáo viên bên kia giảng bài. Câu chuyện về thầy giáo mới cũng từ cái vách lá đó.
Nghe nói thầy giáo là người quận Tư, ở Sài Gòn. Lúc giới thiệu về thầy, thầy hiệu trưởng ca ngợi hết lời: Sinh viên xuất sắc, giáo viên thực tập đoạt giải I.
Thầy giáo cao, gầy và trắng như Tây. Khi vào lớp, thầy chỉ giở sách ra đọc ro ro lý thuyết và cứ theo sách làm những bài toán chứng minh lý thuyết, hết giờ, thầy cho một đống bài tập trong sách cho học trò về nhà làm.
Giờ sau, thầy xem qua vài cuốn vở bài tập học trò, thấy sai bét nhè, thế là thầy giải bài tập trên bảng cho học trò chép vô. Đứa nào thắc mắc, thầy thờ ơ nói:
- Chuyện rõ ràng, đương nhiên vậy mà cũng hỏi sao? Cứ bên này dấu bằng là cộng thì chuyển qua bên kia dấu bằng là trừ, đơn giản như 1+1=2. Các em học hành kiểu gì mà ngu dữ vậy?
Thầy giáo xuất sắc mà thờ ơ như đứng lộn chỗ? Lũ học trò vỡ mộng thần tượng, xin thầy hiệu trưởng đổi giáo viên. Nhưng kiếm đâu ra giáo viên khác mà thay? Thế là đến giờ toán, bọn nó ráp nhau quay lưng lại, ngó qua lớp bên kia. Bên kia làm gì, chúng làm theo.
Cái kiểu biểu tình của bọn nó cũng chẳng làm thầy toán nao núng.
Nói cho cùng, thầy đã làm hết cách để xin được ở lại thành phố. Thế mà một sinh viên xuất sắc, đoạt cả giải I giáo viên thực tập, lại bị chuyển về dạy ở nông thôn. Đã vậy, trường lớp gì mà tệ như cái trại chăn nuôi! Những hôm trời mưa, sân trường ngổn ngang dấu chân và bọn nhóc mang sình vào lớp, nhầy nhụa đến nỗi đi cứ nghe xèm xẹp. Bọn học trò thì ăn mặc lôi thôi, áo quần vá tứ tung, có đứa còn đi chân không, chẳng mang dép giày gì.
Thầy giáo mới làm sao hiểu được, nơi này vừa hồi lại sau mấy năm liên tiếp đồng ruộng bị dịch rầy nâu làm mất mùa. Cháo không có mà ăn, toàn là ăn rau, ăn củ và bo bo. Cũng may là đi học không mất tiền, sách giáo khoa thì thư viện trường cho học sinh mượn, cuối năm trả lại. Chỉ mua tập thôi mà có đứa còn mua không nổi. Quần áo, giày dép thì chỉ có mấy đứa dân chợ là tươm tất, dân đồng hả? Có quần áo lành lặn để mặc là tốt rồi.
Thầy giáo đem sự bất bình của mình, trút lên đầu lũ học trò nhà quê ngây thơ. Thái độ của thầy làm nhiều thầy cô khác buồn lòng. Đặc biệt là cô giáo dạy môn tiếng Anh tên Quỳnh.
Cô cũng là dân Sài Gòn, về trước thầy một năm. Một năm làm chủ nhiệm, cô đã đến rất nhiều nhà học trò. Học trò xóm Đáy thì suốt ngày đạp ruốt làm mắm, xới cá khô trên sân, người lúc nào cũng sặc mùi mắm ruốt và mùi cá khô. Học trò ở đồng thì cứ ngày mùa là nghỉ học kéo dài, cấy gặt xong, mới đi học lại. Bọn học trò ở chợ sáng sớm đã dậy phụ cha mẹ dọn hàng rồi mới đi học. Đứa nào học buổi chiều là sáng ngồi chợ bán. Tuy cực nhọc như vậy, bọn nhóc vẫn rất thích tới trường. Trong cuộc mưu sinh khó nhọc, hầu như chỉ có ở trường học, bọn nhóc mới thực sự là trẻ con. Mai này có lẽ, đó mới là nơi mãi mãi ghi lại ký ức tuổi thơ tươi đẹp của chúng.
Thoạt đầu, cô Quỳnh và mấy cô giáo nữa rủ thầy vào xóm Đáy chơi.
Những con đường đồng  be bé, chạy ngang những mảnh ruộng lúa xanh tươi, uốn quanh những ngôi nhà lá, đỏ một màu hoa giấy trên cổng rào. Nông thôn đất rộng, nhà nào cũng có một mảnh sân, trồng rất nhiều hoa và kiểng. Quanh nhà thì bí, bầu, mướp treo lủng lẳng rất thích mắt. Những luống rau, cải thẳng hàng, xanh um.
Từ khá xa, thầy đã bịt mũi vì mùi khô mắm nồng nặc. Thầy cô ghé vào căn nhà gần một con rạch.
Ở cửa hiện ra một con bé khoảng sáu bảy tuổi. Thầy toán nhớ ngay cô bé thường theo anh trai vào lớp và chuyên môn lấy phấn giáo viên vẽ bậy. Có hôm, nó đã xài sạch trơn phần phấn nhà trường phát cho lớp học. Tụi học trò không xin thêm hộp khác được. Đích thân thầy phải lên phòng giáo vụ xin, mới có. Nhìn thấy cô Quỳnh, nó khoanh tay, cúi đầu chào rất ngoan:
- Con chào cô!
- Chào em! Có ai ở nhà không em?
- Dạ, ba má đi cào, mấy bữa nữa mới về. Anh hai đang trở mắm.
Cô Quỳnh xoa đầu em bé, bước vào nhà. Thầy toán không muốn vào, cô giáo môn Sinh đẩy lưng thầy.
Trong góc nhà, thầy nhìn thấy học trò mình chỉ mặc chiếc quần xà lỏn, đang đứng đạp nhồi lớp ruốt có màu hồng mét, bốc sặc mùi tanh, trong một cái chậu lớn.
Thấy thầy cô, em nhe răng cười. Vẫn đứng trong chậu, em khoanh tay cúi đầu chào thầy cô. Xong rồi, em mới dùng tay gạt lớp ruốt dính trên da và bước ra ngoài.
Từ con rạch phía sau nhà em vang lên tiếng bủm khá lớn. Chắc hẳn là cậu học trò đã nhảy xuống sông mà tắm.
Lát sau đã thấy nó đầu tóc ướt mèm bước vào, lăng xăng lấy nước cho thầy cô uống. Cô Quỳnh hỏi:
- Em định nghỉ mấy ngày?
- Dạ, chắc em phải nghỉ thêm hai ngày nữa. Lớp ruốt ngoài sân đã dốt, phải đạp cho kịp để trống sân, vài bữa phơi cá. Cô nhớ dặn các bạn chép tập dùm em.
- Đi học bữa đực, bữa cái như vầy, làm sao mà lên lớp được đây?
- Dạ. Ba má nói: Học biết chữ là được rồi. Mai mốt cũng đi cào, học nhiều tốn thời giờ. Ở lại lớp là cho em nghỉ luôn!
Con bé ngước mắt nhìn thầy cô cười rất xinh:
- Anh hai bị nghỉ nhưng con vẫn đi học. Má nói con thông minh, mơi mốt cho đi học tới thành phố luôn.
******

<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.12.2007 21:01:11 bởi caochuong >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9