TRUYỆN NGẮN VÀ TẠP BÚT CỦA VIÊN NHẬT
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 18 trên tổng số 18 bài trong đề mục
caochuong 28.09.2007 19:25:03 (permalink)
MỘT GÓC SÀI GÒN


Đã mang vào thư viện
<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.10.2007 01:06:20 bởi caochuong >
#16
    caochuong 10.10.2007 01:03:55 (permalink)
      HÀNH TRÌNH CỦA NHỮNG QUE DIÊM 
                                                                    
    Tất cả những que diêm có hai con đường cơ bản: Cháy hoặc rã đi.
    Cháy một mình hay cùng cháy.
    Rã và thành đất.
    Thiên nhiên có bốn sức mạnh: Đất, nước, lửa, gió. Thật ngẫu nhiên là trong một que diêm đã tiềm ẩn hết hai trong bốn sức mạnh của thiên nhiên. Que diêm không cháy, thì đất cũng là nơi ươm mầm sự sống. Nếu que diêm cháy có ích, thành ngọn lửa nấu chín thức ăn, tức là duy trì sự sống … . . Nếu que diêm cháy vô ích?
    …………………..

    Thư đưa mắt nhìn những gương mặt trong buổi lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Hầu hết là những người đang tác nghiệp tại một tòa soạn nào đó, chỉ có mình cô là lính mới tò te. Khi giáo viên vào, lại có thêm học viên cùng vào, cô nhận ra ngay một chị là nhà nhiếp ảnh nghệ thuật khá tên tuổi, một người là nhạc sĩ trẻ đang lên và một nhà sư trẻ măng dù trong bộ áo nâu sồng, vẫn trông rất đẹp trai!
    Lời giảng viên: … là nhà nước công dân, trong đó, có ba quyền lực gồm Quyền Lập Pháp, Quyền Hành Pháp và Quyền Tư Pháp. Có một thứ quyền lực không chính thống, vẫn được xem là Quyền Lực Thứ Tư, vì nó có sức mạnh hướng dẫn dư luận. …Chúng ta không thể cho phép mình vì tình cảm riêng tư mà đưa thông tin theo ý kiến chủ quan. Một sự kiện điển hình, phải có ít nhất ba trường hợp giống như thế. Nếu các anh chị không cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa tin, hậu quả của nó ….. Tôi ví dụ: …..
    Tiếng giảng viên đều đều khiến cô gần như ngủ gật.
    … Một tin tức phải chứa đầy đủ các thông tin gồm 5 chữ bắt đầu bằng W: Who, What, When, Where, Why. Trật tự của những chữ W đó do các anh chị quyết định chọn ý nào đắt nhất….
    Nghe loáng thoáng cái gì đắt đắt, cô giật mình tỉnh ngay. Cái mà thầy cho là đắt chắc là quý hiếm lắm đây. Thì ra chỉ là bài giảng. Lỡ thức rồi, cô mở mắt nghía anh chàng nhạc sĩ người Nha Trang. Anh nho nhã, trí thức với cái kính trắng và nụ cười thật tươi.  Chỉ tiếc là anh có cái giọng nam cao gần như giọng gió. Còn anh nhà sư người Đà Lạt chỉ biết cười một cách hiền lành làm cô nghịch ngợm nảy ý muốn trêu chọc thầy. Cô cầm cây bút xoay xoay trên ngón tay, nghĩ ngợi nên viết cái gì cho nhà sư. Ra rồi, cô cười mủm mỉm viết: Thầy ơi, U hỏi thầy khi nào về?
    Vo tròn tờ giấy, cô nhắm lưng thầy, liệng véo. Kịch.
    Nhà sư quay lại, cô đưa bàn tay làm chữ OK lắc lắc và mấy ngón tay lần lượt vừa cúp, vừa bung thành hình như thể gọi điện thoại.
    Nhà sư nhìn cô học viên trẻ măng có khuôn mặt thanh tú, đang hồn nhiên cười như hoa với mình, không cần nói cũng biết cô vẫn còn giữ tính học trò, chọc phá người khác. Thầy cười cười, cúi xuống nhặt viên giấy. Xem thử cô gái này viết gì nào – Thầy vừa nghĩ, vừa mở. Nhìn thấy dòng chữ, mặt thầy trở nên đỏ hồng – Hãy đợi đấy, cô gái thích chơi chữ.
    Xem như thầy thua 1 – 0. Thư thích chí nhìn vào thầy. Bàn tay cô đang ở dạng gọi điện thoại trên tai, liền đưa ra ngoài ngang mũi, đầu ngón cái chỉ vào mũi mình, đầu ngón út chỉ vào nhà sư. Cô đưa ngón cái tay trái thành hình number One để ngay mũi, bàn tay phải thành số O như ống dòm, nheo một mắt vào thầy.
    - Em.
    Thư giật mình vì bị thầy giáo chỉ ngay mình.
    - Dạ?
    Thầy lấy bút gạch chân một cái tít trên tờ báo mới ra mà hầu như ai cũng có một tờ.
    - Em lên bảng viết bài báo này thành một tin. Các anh chị cũng viết tin từ bài báo này. Chúng ta sẽ xem mọi người viết như thế nào.
    Thư nhanh chóng lướt mắt suốt cả bài báo dài. Trong đầu cô những từ: Ai, khi nào, ở đâu, việc gì, tại sao … cứ như lồng đèn kéo quân chạy loanh quanh, như muốn nứt toác cả trán cô mà chui ra. Cuối cùng, cô nghĩ: Một cái tin, điều đập vào ý nghĩ người khác trước hết chính là sự kiện, thời gian, địa điểm, nhân vật và kết luận vì sao xảy ra sự kiện.
    Thầy giáo nhìn vào cái tin của cô và nhăn mặt:
    - Vì sao em chọn cách sắp xếp thông tin như thế?
    - Thưa thầy, có vấn đề ạ?
    - Có vấn đề đấy.
    - Dạ ??
    - Đây là một bài báo viết về một chương trình truyền hình mới, do những diễn viên kịch nói tên tuổi dàn dựng. Theo em, cái gì khiến bạn đọc chú ý trước hết?
    - Thưa thầy, chương trình ạ.
    - Nếu chương trình không phải do những nghệ sĩ này dàn dựng, em có chú ý không?
    - Dạ ….. Thưa thầy, em có chú ý ạ, vì cái tên của chương trình rất hấp dẫn: Ngày Xửa, Ngày Xưa …
    - Em thích làm công chúa lắm nhỉ?
    - Thưa thầy, sao cơ?
    Thầy giáo chỉ vào nhà sư:
    - Vui lòng đọc cho tôi nghe cái tin của Thầy.
    - Hai diễn viên TL, TT vừa kết hợp với Đài THTP dàn dựng một chương trình dành cho thiếu nhi có tên gọi ….
    - Em có biết hai diễn viên này không?
    - Dạ biết.
    - Có thích họ không?
    - Dạ có.
    - Nếu những người em đã biết, đã thích, em có chú ý xem họ làm gì mới không?
    - Dạ có.
    …..
    Nhân lúc thầy giáo bận nhìn xuống mọi người, Thư nhìn nhà sư, nheo một mắt, ra dấu số 1 với thầy rồi hơi cúi đầu đi về chỗ.
    Giờ ra chơi, Thư lên xem tập album ảnh của nhà nhiếp ảnh. Thư trầm trồ:
    - Nhìn ảnh là biết chị đã đi rất nhiều nơi. Chị thật là giỏi, ảnh đẹp quá, trông cứ như tranh ấy. Chị học lớp này, định làm phóng viên ảnh ạ?
    - Chỉ để cộng tác tin ảnh.
    - Vậy chị nghĩ anh nhạc sĩ đẹp trai kia học để làm gì?
    - Có lẻ để tự làm PR cho mình.
    - Chị giỏi quá, cái gì cũng nghĩ ra.
    Chị vò đầu Thư cười:
    - Ngốc. Vậy em học để làm gì?
    - Em muốn làm phóng viên.
    - Trông em không giống phóng viên đâu.
    - Làm sao mới giống hả chị?
    - Mai mốt em sẽ biết, ráng chờ đi hen.
    Nhìn thấy nhà sư đang ngồi một mình ở ghế đá dưới gốc cây sứ trắng, Thư lại gần:
    - Thầy ơi?
    Nhà sư nghĩ bụng: Cô gái nghịch ngợm lại đến nữa rồi – Nhìn vào Thư, thầy hỏi:
    - Dạ, có chuyện gì?
    - Dạ. Em nghe nói thầy tu ở Trúc Lâm thiền viện?
    - Dạ phải.
    - Thầy đi học để về làm cho báo Giác Ngộ phải không ạ?
    - Không hẳn thế.
    - Thầy ơi, có phải thầy học để làm PR cho chùa Trúc Lâm phải không ạ?
    - Không hẳn thế.
    Thư bắt đầu ngờ vực nhà sư đang có ý trêu mình:
    - Cái gì cũng không hẳn, tức là cái gì cũng có hẳn một chút nhỉ?
    - Dạ phải. Không hay có chỉ là một khái niệm. Ta làm chưa hẳn là có, ta không làm, chưa hẳn là không.
    Thư nhìn nhà sư đang mủm mỉm cười, bất chợt cô nói:
    - Thầy ơi, thầy nói khó hiểu quá, em không hiểu tức là không hoàn không, may quá, dạ chào thầy.
    Vừa nói xong, Thư đã vội quay người, vung vẩy hai tay mà đi.
    *          *          *          *          *          *
    Anh trưởng ban Chính trị Xã hội gọi Thư vào:
    - Em đã có đề tài nào chưa?
    - Dạ, em báo cáo tuần mấy đề tài đó ạ.
    - Cái đó đều xài không được. Tôi cho em một đề tài đây.
    - Dạ, cám ơn anh. Đề tài gì ạ?
    - Em vào trại giam xin phỏng vấn P.
    - Tên cướp giết người không ghê tay, đang chờ thụ án tử hình ạ?
    - Phải.
    - Dạ thôi, em không nhận đề tài này đâu.
    - Không nhận là thế nào?
    - Gã đó, khi cướp của thì quyết giết chết không tha để nạn nhân không thể nhận diện. Thuở ban đầu còn nghèo hèn, hắn sử dụng vũ khí thô sơ là dao, mác. Khi giàu có, hắn dùng súng đạn. Gã giết người máu lạnh như thế, lời cuối cùng cũng chẳng hay ho lắm đâu ạ. Anh cho em đề tài khác đi.
    - Không có cái khác, em làm đi. Đây là một đề tài rất hay mà anh dành cho em. Cuộc đời ngắn ngủi của hắn, tội ác và kết thúc là dựa cột ở trường bắn. Đó là bài học cho những ai không chăm chỉ làm việc, chỉ muốn ăn chơi, hưởng thụ trên mồ hôi, nước mắt và cả máu của người khác.
    - Nhưng em làm sao vào đó được? Anh cũng biết là em đang tập sự, đâu có giấy tờ gì để qua cửa công an?
    - Có đủ giấy tờ thì ai làm chẳng được, cần gì gọi em. Làm được mới có tương lai chứ. Anh đã viết sẵn cho em một giấy giới thiệu nè, cầm lấy.
    - Cái giấy này, vào tới phòng trực ban của trại giam là chấm hết. Cửa phòng giam hắn còn chưa kịp ngó nữa là …
    - Đi đi, lằng nhằng là ăn đòn bây giờ. Chúc em nhiệm vụ khả thi.
    - Nhiệm vụ bất khả thi thì có – Thư nhăn nhó khẽ lẩm bẩm.
    Giọng anh trưởng ban tuy rất hiền lành, vui vẻ, nhưng Thư biết mình chỉ có hai con đường: Một là Hoàn thành nhiệm vụ, hai là Say good bye my job! Không có cửa thứ ba cho cô chọn lựa.
    Đúng như những gì Thư dự đoán, tại cửa trại giam Chí Hòa, anh công an gác cửa sau khi xem giấy giới thiệu của cô, chỉ cô vào phòng trực ban ngồi chờ. Khoảng chừng 15 phút, một sĩ quan công an mang quân hàm thượng tá vào gặp cô. Sau khi đọc hết những giấy tờ của Thư, ông nói:
    - Muốn gặp tử tù này, phải có giấy cho phép của Sở Công An thành phố. Khi nào cô có giấy ấy, tôi sẽ lập tức cho cô vào gặp hắn. Nhưng cô phải nhanh lên đấy, 7 ngày nữa là hắn bị đưa đi xử bắn rồi. Thông thường, từ khi cô nộp đủ giấy tờ, cho đến khi có được dấu mộc cho phép của Sở Công An, cũng hết đúng một tuần, nghĩa là đã muộn rồi. Dù sao, cũng chúc cô may mắn và hẹn gặp lại.
    Thư thầm nghĩ: Một câu chuyện cũng như một cái tin, không trực tiếp thì vào đề gián tiếp. Không gặp được hắn, ta cũng có thể đi vòng từ phía gia đình hắn.
    Cô chỉ biết nhà hắn ở khu vực Cầu Cống. Không hiểu cố ý hay vô tình, mọi thông tin đã có trên báo chí về P. hoàn toàn không nhắc gì về gia đình và địa chỉ cụ thể. Biết hỏi ai bây giờ? – Thư đau hết cả đầu để tự hỏi và đáp: Người có thể biết về P, ngoài người thân của hắn (Những người này đâu có dán nhãn cho cô thấy), còn lại là công an khu vực, người lái xe ôm. Gặp công an khu vực, tức là đụng vào thủ tục giấy tờ, vậy chỉ còn gặp các bác tài xe ôm.
    Thư vào khu Cầu Cống, nghĩ là nên chọn những bác tài xe ôm có gắn tờ báo trên xe. Người thích đọc báo, ngoài chuyện rành đường xá, sẽ biết nhiều thông tin ngoài luồng hơn.
    Thư có thông tin nhanh hơn là cô dự đoán. Người đầu tiên cô hỏi chuyện là một bác tài xe ôm đứng tuổi đã có thể nói vanh vách về P và gia đình. Hắn, cũng bình thường như những thanh niên khác, có một mẹ già, một vợ, một con. Trong xóm, hắn nổi tiếng là đứa con hiếu thảo, một chàng trai lịch sự, lễ phép, một người chồng yêu vợ, thương con … , cho đến khi hắn lên báo, người dân trong xóm còn ngờ vực không hiểu ảnh đó có phải là chính P. hay không? Gia đình hắn không xác nhận. Hắn không thấy có mặt ở nhà, trong lúc mẹ hắn hiện đang bệnh rất nặng, sống nay chết mai. Xác nhận hay không cũng thế thôi.
    Thư đứng nhìn căn nhà ọp ẹp, vách gỗ có nhiều kẽ hở, mái tôn. Cái cửa sổ chỉ có chấn song, treo một tấm rèm bông hoa đã rất cũ, buộc xéo, bên trong tối mờ. Cánh cửa gỗ đóng im ỉm, có một cái lỗ chó bên dưới. Trong nhà vẳng ra tiếng ho sù sụ và tiếng trẻ con khóc oe oe.
    Cô gõ cửa và đứng chờ khá lâu mới có người mở cửa.
    Người mẹ trẻ đang bồng nách một đứa bé gầy nhom:
    - Cô là ai? Nếu là phóng viên thì về đi, tôi không tiếp.
    - Chào chị. Em bên Hội Liên Hiệp Phụ Nữ.
    - Có chuyện gì không?
    - Dạ, nghe bảo bà bệnh nặng và cháu bé suy dinh dưỡng cần giúp đỡ, em đến để xác minh.
    - Chúng tôi tự lo được, không cần phải nhờ vả ai. Cô về đi.
    - Chị ơi, khoan đã. Em không xác minh xong, về bị la chết. Chị giúp em với.
    - Hỏi xong thì về ngay nhé.
    - Dạ, cám ơn chị.
    Thư nhìn mọi thứ xung quanh, lòng tự hỏi: Hắn đã cướp nhiều vụ lớn, vậy tiền đã đi đâu mà nhà cửa thì huơ hoác, mẹ già con yếu nheo nhóc thế này?
    - Bác bệnh sao vậy chị?
    - Mẹ bị tai biến nằm liệt giường mấy năm nay rồi. Khi trước nằm ở bệnh viện, chỉ mới về gần đây thôi.
    - Chị có đi làm không?
    - Tôi nuôi con nhỏ, chăm mẹ chồng bệnh, còn làm được gì?
    - Vậy chồng chị đâu?
    - Cô không biết thật hay ….
    - Sao ạ?
    - Không sao. Ảnh đang ở tù.
    - Khi nào thì anh ấy được ra?
    - Không có ngày ra, cũng không có ngày về.
    - Trước đây, ảnh làm nghề gì?
    - Chúng tôi quen nhau khi cùng làm cho một cơ sở in lụa. Sau này, khi mẹ chồng bệnh, tôi có mang thì chỉ còn mình anh ấy đi làm, tôi ở nhà.
    - Vậy vì sao …
    - Khi anh ấy bị bắt, tôi mới biết ảnh kiếm tiền bằng cách nào. Con gái tôi có một người cha như thế, làm sao mà ngẩng mặt nhìn ai đây hở trời!
    Bỗng dưng chị khóc nức nở. Bé gái trong lòng chị cũng khóc váng lên.
    - Con à!
    Tiếng người mẹ vẳng ra từ chiếc giường bỏ mùng kín mít.
    - Dạ, mẹ gọi con.
    - Sao mà khóc vậy con? Nhà có khách à? Ai thế?
    - Có một cô bên Hội Liên Hiệp Phụ Nữ đến.
    - Họ muốn gì?
    - Không có gì đâu mẹ, cô ấy chỉ đi xác minh hoàn cảnh nhà mình.
    - Để làm gì?
    - Nghe nói họ muốn giúp đỡ chúng ta.
    - Để dành giúp cho người khác đi. Gia đình mình còn mặt mũi nào nhận giúp đỡ. Ôi, con ơi là con.
    Cả nhà đều khóc nức nở. lòng Thư nặng nề mặc cảm dối trá trước những giọt nước mắt của họ.
    - Khi nào gia đình sẽ vào thăm chồng chị?
    - Cô muốn đi theo? Để làm chi?
    - Dạ, em phải xác minh tất cả mới xong việc, chị có thể giúp em không?
    - Cô không theo vào được đâu, có trong danh sách thăm tù mới được.
    - Bác có trong danh sách không?
    - Danh sách chỉ có hai người là tôi và mẹ tôi.
    - Em có thể xin đổi danh sách thăm nuôi, nếu chị đồng ý.
    - Cho nó đổi đi, dù sao mẹ cũng không thể đi được – Tiếng người bệnh thều thào – Con gái, lại đây.
    Cô con dâu bế em bé lại gần, người bệnh lắc đầu:
    - Cô bên hội Liên Hiệp Phụ Nữ kìa.
    Thư đến bên giường, mở một góc màn nhìn vào.
    - Vào thăm nó, cô đừng nói gì về bệnh tình của tôi. Tôi biết cô thực sự là ai, cô muốn gì …, nhưng tôi không trách cô đâu. Trước khi gặp nó, tôi sẽ cho cô biết về nó, về chúng tôi đã sống như thế nào.
    *          *          *          *          *          *
    Lời người mẹ: Đây là khu ổ chuột. Hàng xóm đều là những người lao động chân tay, nghề thợ đụng, chạy xe ôm, mua gánh bán bưng. Bước ra cửa là thấy bán xì ke ma túy, chích hút, trộm cắp …. Công an hốt như cơm bữa. Tôi luôn răn đe nó: Nghèo cho sạch, rách cho thơm. Học về là bắt theo tôi bán rong, đi rửa chén, bưng đồ ăn cho khách lề đường. Lớn chút, không chịu đi học là tôi xin cho vào học nghề ở xưởng in lụa bên khu Mã Lạng. Nó không dính xì ke ma túy, không hề điều tiếng, trộm cắp. Đi làm thì thôi, về nhà là nó ngoan lắm, sửa này, sửa kia, một dạ, hai thưa. Rồi nó cưới vợ, có con. Tôi thì vào bệnh viện. Từ đó, nó đi suốt ngày đêm. Nghe nó nói tăng ca kiếm thêm, tôi cũng mừng. Ai ngờ nó lại đi cướp của, giết người. Được mình mà hại người, thà nó để tôi chết đi còn hơn. Sống mang nhục thế này … Cô ơi, con gái ơi – Những dòng nước mắt chảy không ngừng trên đôi má hóp của người bệnh.
    *          *          *          *          *          *
    Phải mất hai ngày chạy ngược, chạy xuôi, Thư mới làm xong thủ tục đổi tên người thăm nuôi tử tù.
    Trong khi chờ người công an dẫn hắn ra, cô bỗng cảm thấy thật trống rỗng. Cô không biết sẽ nói gì, sẽ hỏi gì. Hắn chết đã đành, nhưng còn những người ở lại?
    Hắn sẽ có lý do của hắn để biện minh, như nhiều người đã làm khi phạm lỗi.
    Thư không thể thuyết phục mình biện minh cho hắn, lại không thể để mẹ hắn sắp mất phải chịu thêm đau khổ, còn vợ và con hắn nữa! Nhưng, còn những người vô tội chết dưới tay hắn, còn có một người sống sót thì trở thành phế nhân, gây đau khổ một đời cho họ và gia đình? –  Chưa gì, Thư đã lúng túng, để cho tình cảm lấn át lý trí.
    Hắn đã ra tới. Trông hắn trẻ, hiền lành như mọi chàng trai ở lứa tuổi 28, chưa đủ già để chững chạc, nhưng đã qua tuổi bồng bột, vô tư.
    - Mẹ tôi khỏe không?
    - Khỏe.
    - Vợ con tôi khỏe không?
    - Khỏe.
    - Mẹ có trách tôi không?
    - Có.
    - Cô về nói lại với mẹ tôi, tôi xin lỗi mẹ.
    Thư vội vàng kết thúc cuộc viếng thăm mà cô đã thấy vô vị như chính bản thân mình.
    Ngồi trước xấp tư liệu, hình ảnh thu thập được, Thư thở dài chán nản. Xem ra, mình chỉ có thể viết gương Người Tốt, Việc Tốt thì đầu óc mới không đau. Cô hình dung hắn như một que diêm cháy vô ích. Khi cô đốt cháy hắn, hắn không cháy một mình mà cả gia đình hắn cùng cháy.
    Cuối cùng thì Thư đã hiểu vì sao nhà nhiếp ảnh nói mình không giống một phóng viên. Ngốc nghếch, thiếu bản lĩnh và sự quyết đoán đến lạnh lùng, Thư chỉ có thể làm người kể chuyện. Người kể chuyện không cần phải chỉ mặt, đặt tên, nhưng sự thật vẫn tồn tại.
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 10.11.2007 21:25:01 bởi caochuong >
    #17
      caochuong 21.10.2007 23:16:02 (permalink)
      TRÒN MỘT NGÀY
       
      Tiếng chuông điện thoại reo inh ỏi làm tôi choàng thức giấc. Trái tim giật thót vì lo lắng, không hiểu ở nhà có chuyện gì không? Điện thoại mà reo những giờ không giống ai thì hồi hộp lắm, nhất là khi trong nhà còn có mẹ già đau ốm triền miên.
      Quờ quạng trong bóng tối tìm cái SPhone và mở màn hình: Mới có 4 giờ sáng! Tôi lò dò lại, soi màn hình di động vào cái điện thoại bàn và bấm xem số ai vừa gọi. Bất thình lình, cái đèn đỏ nhấp nháy và chuông điện thoại lại réo inh ỏi: Thì ra là số của anh.
      Tôi cầm điện thoại lên cằn nhằn:
      - Trời ơi, đi ăn trộm hay sao mà …!
      - Anh nhắn cho em vào Email rồi mà: Kể từ hôm nay, mình sẽ đi tập thể dục sớm một tiếng.
      - Anh nhắn hồi nào sao em không thấy? Messenger mở suốt mà đâu có cái thư nào của anh?
      - Anh gởi vào cái hộp thư nick C. từ trưa hôm qua.
      - Có phải anh cố tình không? Cái hộp thư ấy chỉ mở khi em biết chắc mình có thư.
      Tiếng anh cười nghe là biết gian giảo đầy người.
      - Xuống nhà đi, anh đã đến dưới đường chờ rồi.
      Đã lỡ thức rồi, tôi đành đi tắm qua và thay bộ short rồi nhanh chóng mang vớ, đi giày. Xuống hết sáu tầng lầu mới nhớ ra là quên mang chìa khóa cổng, tôi lại phải lò dò đi ngược trở lên.
      Mồ hôi đầy người, khi mở cánh cổng ra, gió sớm mai thổi làm tôi phát lãnh. Ngoài đường hãy còn tối và vắng. Anh đang đứng ngay đài Liệt sĩ, chiếc xe dựng trên lề.
      Lấy tay đẩy cái gọng kính cận, anh chỉ vào ngọn đèn đường sáng choang trên đầu nói:
      - Mình đánh cầu lông ở đây giờ này là tiện nhất, vừa sáng, vừa thoáng, vừa …
      Tôi nhăn mặt:
      - Anh cũng biết là em hay thức khuya, có đêm nào ngủ trước một giờ sáng đâu. Tập bây giờ thì lên tới nhà chỉ mới có 5 giờ 30, chắc em phải ngủ thêm giấc nữa thì mới đi làm nổi. Rủi mà không ngủ được, thì giác 9 – 10 giờ không gà gật mới kỳ đó. Nếu lúc đó đang chạy xe trên đường, buồn ngủ quá chạy như người say đánh võng, không bị công an túm, cũng bị bệnh viện ghi tên.
      - Em nói sao nghe y như thật ấy, thương tâm quá trời!
      Giọng anh cười cộng với cái tròng kính nhá đèn nhấp nháy hết sức hài hước, còn cửa nào để nổi sùng, thôi thì đánh cầu cho rồi.
      Vì tức mình, tôi trút giận vào trái cầu như đánh kẻ thù. Khổ nỗi anh cao lênh khênh, cứ nhẹ nhàng đánh qua vừa tầm cho tôi, dù tôi nhiều lần chơi xấu, khi thì tạt thấp, khi thì đánh xéo để anh phải chạy bở hơi tai, rồi phải múa may đủ tư thế để đỡ trông rất buồn cười. Nhìn thấy anh như thế, tôi vui quá cứ cười khoái chí, đánh không biết mệt. Chỉ đến khi người tôi nóng như lò lửa, mặt rát bỏng và cánh tay gần như không thể giơ lên, tôi mới ngừng.
      Sáu tầng lầu bây giờ thật là xa xôi vạn dặm. Tôi thấy tiếc, lúc nãy cho anh cùng lên, thì bây giờ có người để nhờ vả rồi!
      Khi về được tới cửa, tôi lại mừng vì lúc nãy, mình sáng suốt không cho anh lên cùng?! Tôi lúc nào cũng đầy mâu thuẩn như thế. Ngay cả tôi, lắm phen còn không chịu nổi mình, làm sao người khác có thể chịu nổi tôi?
      Là nói thế thôi, những khi tôi khỏe mạnh, kiểm soát được mình thì tôi là một người hoạt bát, vui vẻ, cực kỳ dễ thương! Nhưng khi mệt mỏi, không đủ sức kiểm soát chính mình thì tốt nhất là kiếm một xó mà trốn biệt, để thiên hạ nhìn thấy một con sư tử Hà Đông thì kinh dị lắm!
      Có khối thời gian dư vào sáng nay, thế mà loanh quanh sao không biết, tôi lại thấy mình sắp trễ giờ tới nơi. Chuyện cơm bữa ấy mà, chỉ tự mình hơi thắc mắc mình xài thời gian kiểu gì kỳ lạ thế không biết?
      Cũng may tôi là người dị ứng với mọi loại kem, phấn. Mỹ phẩm duy nhất mà tôi xài muôn năm là hai cây son. Vì vậy, dù có tháo mồ hôi chạy như bay xuống lầu cũng chẳng ảnh hưởng tới hòa bình thế giới! Có khi còn hay vì có má hồng tự nhiên ấy nhỉ?
      Đang xông ra cửa, tôi nghe tiếng anh gọi:
      - Anh ở đây, hôm nay cho em đi nhờ xe miễn phí.
      Biết là mình mà chạy tới bãi xe, lấy được chiếc xe ra, trễ càng thêm trễ, tôi vờ cười hớn hở:
      - Cám ơn anh nha, cái gì miễn phí, em đều thích hết!
      - Em nói đó nha, từ nay anh làm tài xế miễn phí cho em.
      - Thôi, cám ơn anh. Em đâu nỡ lợi dụng công khai như thế.
      - Là anh tình nguyện mà!
      - Ui trời! Chuyện đó hồi sau sẽ tính. Em trễ mất rồi.
      Từ khe cửa, tôi đã nhìn thấy chị giám đốc ngồi ở bàn đang viết cái gì đó. Tôi rón rén cúi thấp người xuống, toan âm thầm bò về cái bàn của mình. Chính lúc ấy, tôi thấy một cái bóng chồng lên bóng của mình. Quay phắt lại, tôi nhận ra anh phó giám đốc cũng đang lom khom như thế ở sau mình:
      - Em làm rơi gì sao? – Không hiểu sao, giọng anh rất thấp, gần như thì thầm.
      - Anh nói sao? Em đâu có làm rơi gì?
      Anh liền đứng thẳng dậy:
      - Vậy sao em cứ lom khom?
      Tôi đưa ngón tay lên miệng:
      - Anh đừng la lớn.
      - Lại đi trễ nữa! Còn nấp nánh làm gì, tui đã thấy tiểu thư từ dưới cổng rồi.
      - Dạ! – Còn gì là bí mật đâu, tôi đành đứng thẳng dậy, liếc cho anh phó một con dao lam bén ngót.
      Anh nhe răng cười làm tôi muốn bịnh luôn.
      Treo cái giỏ ra sau ghế và cái áo khoác lên lưng ghế xong, tôi ngồi xuống.
      - Hôm nay trễ 20 phút, phạt ngồi trực thêm hai tiếng buổi chiều, nghe chưa?
      - Dạ! – Tôi ỉu sìu. Ngày nào cũng bị phạt trực sau giờ làm việc, gặm bánh mì muốn ngán mà tôi vẫn hiếm khi tới chỗ làm đúng giờ.
      Chuông điện thoại đổ, tôi cầm máy, khẽ ho cho thông giọng rồi mới đưa lên tai, “Alô … xin nghe!” bằng cái giọng dịu dàng nhất thiên hạ. Một phụ huynh nhờ góp ý về đứa con gái của mình. Tôi lấy kinh nghiệm từ mình, nhỏ nhẽ nói chuyện với chị ấy.
      Nhiều khi, tôi nghĩ: Nếu tôi không là một cô gái có nhiều vấn đề nổi loạn thuở thiếu niên, chắc là tôi cũng không có bao nhiều kinh nghiệm để thuyết phục người khác. Chuyện tư vấn cho mọi lứa tuổi này quả thật rất đau đầu. Đôi khi, các phụ huynh đã có biện pháp xử lý, điều họ muốn nghe là để giải áp lực cho chính họ chứ không phải cần giải pháp. Còn chưa kể đến nhưng cuộc gọi quấy phá chỉ vì thích nghe giọng nói của người tư vấn, làm mất bao nhiêu thời gian quý báu của người khác.
      Nhiều lần, chị giám đốc yêu cầu tôi đưa số điện thoại nhà riêng để có thể tư vấn ngoài giờ, nhưng tôi đều từ chối. Buổi tối là thời gian riêng để tôi thoát khỏi những rắc rối của người khác. Nếu đem cả về nhà, chắc gì tôi có thể còn giữ được giọng nói kiên nhẫn, ngọt ngào được nữa vì quá tải!
      Hết giờ làm, mọi người đã về từ lâu, chỉ còn tôi với căn phòng trống và những tiếng điện thoại. May quá, đồng hồ đã chỉ 6 giờ 30, tôi đã xong nghĩa vụ Quốc Tế. Đang khóa cửa, tôi nghe tiếng điện thoại đổ chuông.
      Tuy rất muốn đi luôn, coi như mình không nghe thấy. – Cái khó nhất là tự lừa dối mình. – Tôi đành thở dài, quay trở vào. Lại ho hen cho thật tươi tỉnh, tôi bắt máy:
      - Alô … xin nghe?
      Giọng anh ở đầu dây nghe như ru:
      - Có ai bị bỏ đói không nhỉ? Có người đợi sẵn chở đi ăn đây nè!
      Không hiểu sao tôi lại thở dài. Sẽ có ngày, anh làm tôi đổi ý mất. Gần đây, tôi thường hay muốn dựa dẫm vào anh, dấu hiệu chẳng hay chút nào! Anh là cái vòng tròn mở ra, khép lại một ngày của tôi. Hơi lắc đầu, tôi tự nói: Không nên để nó thành thói quen. Cái gì quen cũng chẳng mấy hay ho! Chuyện đó, ngày mai hẳn tính, bây giờ, chưa kịp quen, cứ đi ăn cùng anh cái đã! Và tôi lon ton khóa cửa xuống lầu.

       
      *****
       

      Hai truyện ngắn Tròn một ngày
       
      Hành trình của những que diêm đã được đưa vào thư viện
       
      Thành thật cảm ơn tác giả Cao chương / Viên Nhật thật nhiều
       
      Tình thân
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 31.10.2007 16:46:05 bởi Ct.Ly >
      #18
        Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 18 trên tổng số 18 bài trong đề mục
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9