Nhớ công chúa Ngọc Hân…
rongxanhag 09.09.2007 06:15:17 (permalink)


 

Nằm mộng gặp hoa bích đào,
Nhớ công chúa Ngọc Hân…

Một bạn thơ cho biết, ngày Quang Trung vào Thăng Long
có giao cho đô đốc Tuyết mang gấp một cành đào vàoPhú Xuânđể tặng cho công chúa Ngọc Hân.Còn
Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng có lần phát biểu, lịch sử của Việt Nam thường pha trộn truyền thuyết và hiện thực. Mà cành hoa đào vua Quang Trung tặng Ngọc Hân là một ví dụ cụ thể.

Vì theo khảo cứu của giáo sư, chi tiết cành hoa đào bích xuân Kỷ Dậu 1789  là chuyện không hề xảy ra. Thế nhưng trước 2 ý kiến trái ngược này , người dân Việt hầu như ai cũng tin câu chuyện đẹp đẽ kia có thật và xem đó như là biểu tượng của một tình yêu mãi sáng trong.
I.Vắn tắt tiểu sử Lê Ngọc Hân (1770 - 1799)
“Người quý giá thế này, thực không hổ thẹn là em dâu của ta”( Nguyễn Nhạc)
*
Lê Ngọc Hân sinh ngày 27 tháng 4 năm Canh Dần (tức 25-5-1770) là con vua Lê Hiển Tông và bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền. Bà có nhan sắc, thông minh, lại giỏi thơ văn.
Năm 1786, anh hùng "áo vải cờ đào" Nguyễn Huệ ra Bắc với chiêu bài "phù Lê diệt Trịnh", Ngọc Hân vâng mệnh vua cha kết duyên cùng Nguyễn Huệ và theo ông về Thuận Hóa.
Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu Quang Trung, trước khi ra Bắc lần thứ ba để diệt quân Thanh, đã sắc phong Ngọc Hân làm Hữu cung hoàng hậu.
Năm 1789, sau khi đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ lại phong bà làm Bắc cung hoàng hậu.
Năm 1792, Quang Trung Hoàng Đế đột ngột băng hà…



II. Về cái chết của Lê Ngọc Hân:
Có nhiều giả thuyết về cái chết của Bắc cung hoàng hậu, song thuyết đáng tin cậy nhất và được nhiều người đồng tình là:


2.1Theo bản phả ký họ Nguyễn Ngọc ở làng Phù Ninh, huyện Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh thì Ngọc Hân mất ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (tức 4-12-1799).
Khi đó Phan Huy Ích đang là một trọng thần của nhà Tây Sơn, đã soạn giúp năm bài văn tế.Cả năm bài này, đều có chép trong Dụ Am văn tập.
Và cũng theo viên quan này thì tang lễ của Ngọc Hân được tổ chức rất trọng thể và được an táng tại Huế, 16 tháng trước khi Nguyễn ánh đánh chiếm Phú Xuân.


Bài viết của PGS Chu Quang Trứ còn cho biết thêm chi tiết :
Lê Ngọc Hân đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiền (Dương Xuân ở Huế) cạnh điện Đan Dương để thờ chồng nuôi con. (Lăng mộ Quang Trung, người đương thời gọi là Đan Lăng hay Đan Dương lăng. Tháng 11 Tân Dậu (1801), 6 tháng sau khi chiếm được Phú Xuân, Gia Long đã cho phá hủy lăng mộ Quang Trung, san thành bình địa. Từ đó đến nay đã hơn 200 năm, Đan Lăng bị mất dấu. Vị trí Lăng này ở đâu vẫn là điều bí ẩn đối với biết bao thế hệ các nhà nghiên cứu. Và điện Đan Dương có thể ở kề cận nơi chôn cất vua Quang Trung- người soạn ghi thêm )
 
Bà gượng sống đến ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4-12-1799) thì mất, lúc ấy mới 29 tuổi. ( vì lý do gì cũng không thấy nêu cụ thể)”


2.1Và cũng chính vì không biết rõ vì sao Bắc cung chết trẻ, nên có nhiều lời đồn đoán như sau:
-Ngọc Hân bị ép uống thuốc độc:


Ngô Tất Tố trong "Lược sử công chúa Ngọc Hân" (Thi văn bình chú, Hà Nội 1952)ghi :
Sau khi nhà Tây Sơn thất bại, Ngọc Hân và các con đều đổi tên họ lẻn vào một làng thuộc tỉnh Quảng Nam. Nhưng chẳng bao lâu thì bị phát giác, Ngọc Hân phải uống thuốc độc tự tử, còn hai con đều bị thắt cổ chết.
Đồng ý kiến này, trên web dactrung.net, ở mục bài viết có bài “Bắc Cung Hoàng Hậu”, không thấy ghi tên người soạn, mô tả thêm :


Khi Nguyễn Quang Toản, con dòng lớn lên nối ngôi, bọn họ ngọai mà đứng đầu thái Sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, nội bộ triều Tây Sơn xảy ra lục đục liên miên.
Ngọc Hân và hai con phải đổi tính danh trốn vào sống lẫn với dân chúng ở Quảng Nam. Không lâu sau, bị phát hiện và bị bắt, Ngọc Hân uống thuốc độc quyên sinh, hai con bị thắt cổ chết, đó là năm Kỷ Mùi (1799) khi bà mới 29 tuổi.(  tác giả không nói rõ phe nào đến bắt, bọn họ ngoại của vua Quang Toản hay quan quân của Nguyễn Ánh?-người soạn ghi thêm)


-Ngọc Hân được bình yên chết ở quê nhà:
Theo bài “Triều Nguyễn với Lê Ngọc Hân” đăng trên  tạp chí Xưa và Nay, Đỗ Đức Hùng viết :

Trước đây trong một số bài viết của mình, tôi cũng theo ý kiến cho rằng công chúa Ngọc Hân đã mất từ trước khi triều Tây Sơn bị sụp đổ hoàn toàn.
Song khi đọc kỹ lại "Quốc sử di biên", tập thượng, bản dịch Sài Gòn 1973, tr.136., tôi thấy tác giả đời Nguyễn là Phan Thúc Trực (1808 - 1852), chép rõ ràng như sau:


" Nguyên năm Bính Ngọ (1786) niên hiệu Lê Cảnh Hưng, vua Lê gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Đến khi nhà Tây Sơn mất, công chúa lại về ở tại mẫu quán là làng Phù Ninh. Tại đây, tháng 5 năm Giáp Tý (1804) công chúa nhà cựu Lê là Ngọc Hân tạ thế.Kẻ hàng thần hiện nhậm chức quan tại huyện Đông Ngạn xin làm tang lễ cho cố công chúa, nhà vua chấp thuận, dân làng Phù Ninh làm từ đường thờ cố công chúa"
Với tư cách là bộ sử tư nhân, ghi chép và bổ sung những sự kiện mà quốc sử còn bỏ sót hoặc đề cập đến chưa chính xác, được biên soạn vào khoảng đầu thời vua Tự Đức (khoảng 1851 - 1852), quốc sử di biên đã cung cấp những thông tin quan trọng:


- Có thể là hai người con của bà Ngọc Hân với Nguyễn Huệ đã bị giết hại sau khi nhà Tây Sơn bị sụp đổ, nhưng riêng Lê Ngọc Hân vẫn còn sống mà trở về quê mẹ là làng Phù Ninh.


- Bà Lê Ngọc Hân đã qua đời tại quê nhà vào tháng 5 năm Giáp Tý (1804) và đã được vua Gia Long nhà Nguyễn cho phép làm tang lễ và nhân dân làng Phù Ninh đã xây dựng từ đường để thờ bà. Điều này có thể hiểu được vì chính vua Gia Long đã lấy em gái của Lê Ngọc Hân, nên ông vua này không thể không nể tình …


Cùng quan điểm này là tác giả Nhất Thanh trong bài viết “Công chúa Lê Ngọc Hân...”, tạp chíVăn sử địa, số 21, Sài Gòn, 1971.cũng cho rằng khi triều Tây Sơn sụp đổ, Lê Ngọc Hân có bị bắt cùng với hai con hoặc ở Huế hoặc ở nơi khác. Vua Gia Long đã sai giết hai con bà một cách kín đáo, còn riêng Lê Ngọc Hân thì cho về quê mẹ vì nghĩ tình vừa lấy em bà là Lê thị Ngọc Bình làm vợ…

III.Về cái chết của 2 người con:

Ngày Phú Xuân thất thủ, hai con Ngọc Hân đã trên 10 tuổi.Và cũng theo Lê tộc phả ký thì người anh trai hơn đứa em gái 2 tuổi.
Lý do khiến hai đứa trẻ vương giả này mất đi, hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau:
3.1Không ghi lý do chết:
-Theo PGS Chu Quang Trứ :
  Tiếp theo, triều đình Cảnh Thịnh lục đục và suy yếu, ngày càng bị tập đoàn Nguyễn Ánh đe dọa. Hai con bà phải đổi sang họ Trần, nhưng rồi với sự sụp đổ của triều Tây Sơn, theo tộc phả họ Nguyễn Đính, ngày 18 tháng 11 năm Tân Dậu (23-12-1801), hoàng tử Nguyễn quang  Đức mất khi mới 12 tuổi, rồi ngày 17 tháng 4 năm Nhâm Tuất (18-5-1802) công chúa Nguyễn Thị Ngọc Bảo cũng mất khi mới 10 tuổi.”
-Đại Nam Thực lục, bộ chính sử của nhà Nguyễn, nhân năm 1842 phá hủy đền thờ Ngọc Hân ở Phù Ninh cũng chỉ ghi rất mơ hồ:
 "Nguyên người xă ấy là Nguyễn Thị Huyền làm cung nhân của vua Lê Hiển Tông, có người con gái là Lê Ngọc Hân, sau gả cho ngụy (Nguyễn) Huệ, sinh được 1 trai và 1 gái, Ngọc Hân chết, con trai, con gái cũng chết non cả".
Phần "Biệt lục" của tộc phả Nguyễn Đính có ghi khá hơn, nhưng cũng không cho biết rõ nguyên do cái chết:
Bà Nguyễn Thị Huyền ( mẹ của Ngọc Hân, vợ vua Lê Hiển Tông) thương con gái và các cháu ngoại đều chết yểu nơi xa.


3.2Bị thắt cổ chết, nhưng không ghi rõ ai giết:
Ngô Tất Tố ở bài viết đã trích dẫn bên trên, ghi khá rõ: “Sau khi nhà Tây Sơn thất bại …Ngọc Hân phải uống thuốc độc tự tử, còn hai con đều bị thắt cổ chết.”


3.3 Bị nhà Nguyễn hành hình, thuyết này được nhiều người tán đồng:
-Trích sách Triều Tây Sơn của Phan Trần Chúc:


Khi thành Phú Xuân mất, Quang Toản phải chạy ra Bắc, thì Ngọc Hân nhờ sự che chở của một bầy tôi cũ, mang hai con chạy vào Quảng Nam, đổi tên 2 con ra họ Trần( Trần Văn Đức, Trần thị Ngọc Bảo)và khai mình là vợ một người Bắc vào mua bán ở Phú Xuân, gặp cơn loạn lạc không biết chồng trôi giạt nơi đâu…
Sau có kẻ tố giác nên quan tỉnh bắt mẹ con bà giam cầm. Kết cục, Ngọc Hân phải nhận chén thuốc độc để chết trước,  vì không muốn nhìn thấy cảnh hai con bị nhà Nguyễn hành hình…


-Và trong bức thơ đề ngày 16 tháng 7 năm 1801 của Barizy, một sĩ quan người Pháp, tháp tùng cùng Nguyễn Ánh vào chiếm Phú xuân đã ghi lại như sau:


 "Nhà vua (Nguyễn Ánh) bảo tôi đi xem mặt các cô công chúa của kẻ tiếm vị (Quang Trung). Tôi đến đó họ ở trong một phòng hơi tối, không phải là một phòng sang trọng, có tất cả năm công chúa: một cô 16 tuổi theo tôi là một cô gái đẹp,có tất cả 5 công chúa, một cô 16 tuổi, theo tôi là một cô gái đẹp, một em bé 12 tuổi là con gái của bà Công chúa Bắc kỳ (Ngọc Hân) em này cũng coi được, còn ba cô nữa cũng từ 16 đến 18 tuổi thì nước da hơi nâu nhưng diện mạo cũng dễ thương.
Ngoài ra còn có 3 con trai, có một em độ 16 tuổi cũng da nâu nhưng nét mặt thì tầm thường, còn em trai kia độ 12 tuổi là con của bà công chúa Bắc kỳ thì diện mạo rất đáng yêu và có những cử chỉ rất dễ thương".
 
Trong thư của Barizy, ta không thấy ghi sự có mặt Hoàng hậu Ngọc Hân mà ông ta đã gọi là “Công chúa Bắc kỳ”.Và nếu ta tin theo 2 tư liệu sau, thì 2 con của Ngọc Hân đã bị nhà Nguyễn bắt được và bị xử án chết.

<bài viết được chỉnh sửa lúc 14.01.2008 01:24:55 bởi rongxanhag >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9