Một Bài Viết Hay (Chỉ Tham Khảo) của___vanthach_sun

Tác giả Bài
hobac
  • Số bài : 885
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 19.07.2007
Một Bài Viết Hay (Chỉ Tham Khảo) của___vanthach_sun - 11.09.2007 06:20:03
(Tác Giả Chưa Đặt Tên)

Từ trước đến nay, tất cả những người mệnh danh là thi sĩ đều không biết LÀM THƠ. Họ chỉ biết viết những mớ chữ lên mặt giấy theo nhiều hình dạng khác nhau, hấp dẫn hay chán ngắt, mà người ta vẫn gọi chính xác là những bài thơ. Nhưng, bài thơ không phải là THƠ.

Ý nghĩa của việc LÀM THƠ đã bị ngộ nhận trầm trọng suốt bao nhiêu thế kỷ. Chữ LÀM bị ngộ nhận trầm trọng. Chữ THƠ bị ngộ nhận trầm trọng.

Người ta vẫn hiểu chữ LÀM (trong "làm thơ") theo nghĩa "chế tác" (như làm một cái bánh tráng, bánh bèo).

[Có lần, bạn tôi nói: "Bánh tráng, bánh bèo thì ăn no được,
chứ một mớ chữ trên giấy thì làm cái chó gì!"]
LÀM là Thực Hiện. LÀM là Hành Động.

LÀM THƠ không phải là chế ra bài thơ (tác thi bản).

LÀM THƠ là thực hiện thơ, là hành động thơ (hành thi).

[THƠ cũng như ĐẠO.
ĐẠO chỉ thực sự hiện hữu khi có người hành đạo.
HÀNH THI cũng như HÀNH ĐẠO.]
Một bài thơ trên mặt giấy cũng giống như một bài nhạc trên mặt giấy.

Bài nhạc trên mặt giấy không phải là Nhạc, mà chỉ là một bản ký âm.

Nhạc là nguồn âm thanh hoan lạc, đau đớn, hào hùng, sầu não, linh thiêng, dâm dật... đến từ cổ họng, dây đàn, mặt trống, từ tiếng hót loài chim, tiếng kêu loài thú, tiếng thác reo, nước chảy, gió hú... từ tiếng khóc của trẻ sơ sinh đến tiếng nổ của những tinh cầu chạm nhau trong vũ trụ.

Nơi nào có sự chuyển động, nơi đó có Nhạc.

Nơi nào có Nhạc, nơi đó có THƠ.

Bài thơ trên giấy không phải là THƠ, mà chỉ là một bản ký ngôn. Tất nhiên những bản ký ngôn là những tác phẩm của những người viết ra chúng. Ta có thể xếp loại và đánh giá chúng theo những thang giá trị thẩm mỹ chủ quan khác nhau. Ta nói: bài thơ này hay, bài thơ kia dở...

Nhân loại đã có hàng tỷ bài thơ được xem là hay và dở [tôi cũng đã đóng góp dăm ba bài], nhưng tất cả những bài thơ ấy cộng lại vẫn không phải là THƠ; bởi THƠ không phải là một cái tổng thể gồm những mảnh nhỏ cộng lại. Cũng như Nhạc, THƠ là một ý niệm song sinh với ý niệm SỐNG.

THƠ chỉ có trong sự chuyển động, trong hành động.

Người chết không thể làm thơ.

Một mớ chữ im lặng và bất động vĩnh viễn trên mặt giấy còn tệ hại hơn là một xác chết.

[Có lần, bạn tôi nói: "Xác chết còn bốc mùi,
chứ bài thơ trên mặt giấy thì chẳng có mùi gì để ngửi."]
Mớ chữ ấy chỉ bắt đầu nhích đến gần THƠ khi nó bắt đầu cựa quậy và hít thở cùng với con người đang sống trên mặt đất.

Khi đã ngộ nhận ý nghĩa của việc LÀM THƠ thì tất nhiên người ta ngộ nhận ý nghĩa của chữ THI PHÁP.

Chữ THI PHÁP bị hiểu là [TÁC] THI [BẢN] PHÁP = cách chế ra bài thơ.

Đúng ra, chữ THI PHÁP phải được hiểu là [HÀNH] THI PHÁP = cách LÀM THƠ.

Có vô hạn cách LÀM THƠ.

Khi đã ngộ nhận ý nghĩa của chữ THI PHÁP là [TÁC] THI [BẢN] PHÁP thì người ta tưởng việc làm thơ hoàn tất khi họ đã viết xong bài thơ. Họ tưởng cái mớ chữ trên mặt giấy ấy có những khả năng kỳ diệu. Họ tưởng nó vừa phản ảnh được cảm xúc và tư tưởng bên trong họ, lại vừa phản ảnh được cái hiện thực thiên biến vạn hoá vô hạn chung quanh họ, lại vừa tác động đến và làm thay đổi cái hiện thực ấy.

[Huệ Khả: "Tâm của con chưa an, xin Thầy làm cho tâm của con được an."
Đạt Ma: "Đem tâm của ngươi ra đây, ta sẽ an tâm cho ngươi."
Huệ Khả: "Con tìm mãi mà không thấy tâm đâu cả."]
Kỳ thực, một mớ chữ trên mặt giấy không nắm bắt, mô tả, phản ảnh được bất cứ điều gì cả. Bởi thế, nó lại càng không thể có bất cứ một tác động gì đến thế giới chung quanh nó.

[Bài thơ nằm trên mặt giấy như một con mèo no bụng đang say ngủ;
ngoài kia, bầy trẻ con đang bới rác để kiếm miếng ăn.]
Không một máy thu âm thu hình siêu đẳng nào có thể ghi nhận trung thực cái diễn biến đa phương đa tầng vô hạn của thế giới. Nó chỉ ghi được những mảnh hình ảnh (chứ không phải cái diễn biến) của một góc không gian rất nhỏ nào đó mà người điều khiển máy nhắm đến. Chỉ có những con người ngây thơ tột độ mới tin rằng họ có thể ghi nhận chính xác hiện thực bằng chữ trong một bài thơ, rồi tin rằng bài thơ ấy sẽ làm thay đổi hiện thực.

Đúng ra, cái hiện thực xấu xa như ta thấy quanh ta chính là những gì đã được ta thực hiện một cách xấu xa. Nếu ta muốn thay đổi cái hiện thực xấu xa ấy bằng THƠ, ta không nên tiếp tục viết ra những bài thơ như những mớ chữ nằm chết cứng trên mặt giấy như thế nữa.

Ta phải viết ra những bài thơ nhẩy cẫng khỏi mặt giấy, níu lấy người đọc, mời gọi họ THỰC HIỆN những gì họ đọc được trong bài thơ. Những bài thơ như thế mới có thể tác động đến và làm thay đổi cái hiện thực chung quanh ta.

Tôi gọi những bài thơ như thế là những bài THƠ THỰC HIỆN.

Hãy để tôi nói rõ thêm về THƠ THỰC HIỆN.

Trong THƠ THỰC HIỆN, trước hết, một người nào đó viết ra một bài thơ nào đó. Ta gọi người này là thi bản tác giả (dù thông thường ta vẫn gọi là "thi sĩ" hay "nhà thơ"). Mỗi bài thơ là một bản ký ngôn của một [HÀNH] THI PHÁP — bản hướng dẫn cho một cách LÀM THƠ [xin hiểu chữ LÀM THƠ trong ý nghĩa "thực hiện một công tác có thi tính", "hành động có thi tính", và tất nhiên có vô hạn cách LÀM THƠ]. Rồi những độc giả (trong số đó có cả người đã viết chính bài thơ ấy) sẽ đọc bài thơ ấy (bản hướng dẫn ấy), và THỰC HIỆN nó, biến nó thành HÀNH ĐỘNG. Khi họ đang THỰC HIỆN nó, đang biến nó thành HÀNH ĐỘNG, họ đang LÀM THƠ. Làm xong, họ trở thành những thi hành giả (tức là những người đã thực sự LÀM THƠ).

Trong THƠ THỰC HIỆN, mỗi bài thơ là một bản ký ngôn của một [HÀNH] THI PHÁP — bản hướng dẫn cho một cách LÀM THƠ — nghĩa là nó hoàn toàn khác với tất cả những bài thơ từng có từ trước đến nay. Nếu nó KHÔNG là một bản hướng dẫn cho một cách LÀM THƠ, nó không phải là một bài THƠ THỰC HIỆN.

Tất nhiên THƠ THỰC HIỆN không dừng lại ở bài thơ. Trong THƠ THỰC HIỆN, bài thơ chỉ là sự khởi đầu. Sự THỰC HIỆN THƠ, sự HÀNH THI mới là cùng đích.

Trong THƠ THỰC HIỆN, người viết ra những bài thơ vẫn chưa phải là thi hành giả. (Dĩ nhiên ta có thể gọi y là "thi sĩ", theo cách nói thông thường). Chỉ đến khi y THỰC HIỆN bài thơ ấy, thì y mới trở thành thi hành giả. Ngược lại, người chưa từng viết ra một bài thơ nào vẫn có thể trở thành thi hành giả, nếu y THỰC HIỆN bài thơ mà y đã đọc.

[Có lần, bạn tôi nói: "LÀM đi! LÀM ngay đi!
Viết mãi, đọc mãi những mớ chữ ấy thì sẽ ra cái chó gì!"]
THƠ THỰC HIỆN hoàn toàn khác với Thơ Trình Diễn (Performance Poetry). Trong Thơ Trình Diễn, một bài thơ được viết ra, rồi người viết sẽ vừa xướng nó lên vừa "diễn" nó ra trước khán giả (tương tự như diễn kịch). Ngược lại, trong THƠ THỰC HIỆN, một bài thơ (một bản ký ngôn của một [HÀNH] THI PHÁP ) được viết ra, rồi mỗi người sẽ tự đọc (một cách im lặng, chứ không xướng lên) và tự THỰC HIỆN trong không gian của mình, không cần có khán giả hay sân khấu. Nếu một bài THƠ THỰC HIỆN được nhiều người cùng THỰC HIỆN tại cùng một nơi, một cách ngẫu nhiên hay vì rủ nhau cùng chơi cho thêm hào hứng, thì tất nhiên nồng độ của thi tính càng cao, nhưng cuộc LÀM THƠ tập thể này vẫn hoàn toàn khác với một cuộc trình diễn. Điểm khác biệt triệt để nhất giữa Thơ Trình Diễn và THƠ THỰC HIỆN là: Thơ Trình Diễn xảy ra như một màn đóng kịch, còn THƠ THỰC HIỆN là hành động thật sự của con người trong cuộc sống.

Từ trước đến giờ, tôi vẫn viết ra những bài thơ dài ngắn và thấy mình là một thi sĩ.

Hôm qua, tôi chợt nhận ra mình chỉ là một thi bản tác giả. Hôm nay, tôi vừa viết xong một bài THƠ THỰC HIỆN đầu tiên, và ngay sau đó tôi đã đọc và THỰC HIỆN nó. Tôi đã trở thành một thi hành giả — một người LÀM THƠ.

Còn các bạn (những thi bản tác giả và những độc giả), chừng nào các bạn sẽ LÀM THƠ?

tác giả: Vanthach_sun

Nguồn:  "http://www.vanhoaphuongdong.com/modules.php?name=Forums&file=viewtopic&t=4646"
Mai trắng điểm gợi chút xuân thanh tịnh
Ngõ thưa người cô tịch bóng văn nhân