Dẫn đàn trăng nuôi mộng Thạch Sùng...
TrinhTuan 21.09.2007 22:05:03 (permalink)
Ừ THÔI, TỪ TẠ TÊN EM.
( Cho NT )



Ta trở về với đêm thẳm sâu, ngút trùng tia lạnh găm trầy khuôn mặt, mặc cả về những giấc ngủ vùi.

Thơ òa khóc, vỡ tung toé ngữ ngôn, rơi lả tả xuống lòng bàn tay những âm điệu xạc xào ngày tháng.

Đêm bừng nóng những tia lửa thoát thai từ trái tim giấu hình hài kim tự tháp, vẩy lên trời sắc lạnh hồng hoang.

Ghì víu kí tự tên em, gập ngã chúi đầu về phía vòm khói thuốc, rệu rã cười gằn trong li khai ngữ âm hỗn loạn.

Tên bạo chúa bản năng xòa bàn tay gai, ra lệnh trái tim từ khước tước hiệu cuộc tình, phủ dụ những đam mê quy hàng miền tưởng tượng.

Hơi thở lòa câm sờ soạng lần theo làn sương kí gửi, lịch sử chùng dây ở đoạn nàng Eva biết e lệ thẹn thùng.

Bầy kiến bò vào giấc mơ hấp hối, lần tha từng kí hiệu cuộc tình. Dị vết yêu thương chỉ còn lại sần sùi trên vành mi đặc cóng.

Tên em kẻ chỉ bàn tay, khúc xạ trên đường định mệnh, buông thỏng hư hao về một ám hiệu rã rời.

Tôi quỳ lên vết thương lọt thỏm, gục mặt xuống chỗ có tên em hóa thạch, vời cơn đau minh chứng lỗi lầm.


TRỊNH TUẤN
#1
    TrinhTuan 22.09.2007 18:47:38 (permalink)
    ĐÊM NGHE TIẾNG VỢ RU CON...

    Đêm nghe tiếng vợ ru con
    Như nghe tuổi tác đang dồn tháng năm
    Tiếng ru chật cả phòng văn
    Bao nhiêu sách vở cũng bần thần thôi...

    Quả là, chưa bao giờ tôi cảm thấy mình vô dụng như khi nhìn con khóc! Bao nhiêu sách vở nhồi sọ mấy chục năm trời trở nên vô nghĩa và còn chật chội một cách khó chịu trong đầu, khi không thể đem ra mà dỗ cho con đừng khóc. Phải chi con đã biết nói, tôi sẽ hỏi xem con cần gì hay đang khó chịu điều gì. Nhưng con còn quá bé, những động tác lắc cổ, hươ tay của con như đang mỉa mai sự bất lực của một ông bố vụng về. Ôm chặt lấy con mà tôi vẫn thấy đôi tay nông dân chắc nịch của mình bỗng như thừa thải...

    ...Vậy là con đã ngủ ngoan rồi. Chẳng hiểu sao lúc này lòng tôi lại nghẹn ngào đến vậy! Ký ức như đang rủ nhau ùa cả về trong cái bộ não nhỏ nhoi này. Những tháng năm xa và những tháng năm xưa gom về những hình ảnh của mẹ cha tôi, của những ngày tôi còn để chỏm. Ngày đó, mỗi khi giật mình lúc bốn năm giờ sáng, tôi thấy mẹ không còn nằm cạnh bên tôi, bà đang lúi húi xếp rau lang lên chiếc xe đạp cà tàng của cha tôi mua lại của một bác trong làng đi Liên Xô về, và bà đi làm từ lúc ấy. Trước giờ lên lớp dạy học trò, bà đã đi bán được một hai chuyến rau ở chợ đầu mối cách nhà tôi gần chục cây số. Mùa đông cũng như mùa hè, sáng nào cũng vậy. Còn cha tôi, một người lính đặc công với thương tật quá nửa số phần trăm mất sức, được nhà nước cử đi học và trở về huyện làm cán bộ tăng cường cho các xã vùng ven. Bà con ở quê vẫn còn thường kể cho nhau nghe chuyện ông Bí thư đi họp bên huyện xong, đợi mọi người về hết, rút trong cặp ra một cái liềm và một cái vỏ bao phân đạm, cởi quần dài nhảy xuống đồng cắt cỏ về cho cá. Có hôm, ông đang đi đâu về, quần áo còn đóng thùng lịch lãm lắm, bỗng gặp trên đường một đống phân trâu, ông liền xoắn tay áo, rồi bốc luôn ném xuống ruộng lúa. Đó là cha tôi, người cha đã cho tôi một sức mạnh tinh thần vô cùng lớn lao, khi tôi còn nhỏ là những cái bắt tay động viên, xem tôi như bạn, còn khi tôi đã lớn lên thì bằng những lá thư như quân lệnh. Năm tôi học năm thứ hai Đại học Sư phạm Văn Tp.HCM, ông gửi cho tôi một lá thư vẻn vẹn một câu văn: "Nếu con không làm được gì để tôn vinh truyền thống tổ tiên và giòng tộc, thì, con cũng đừng làm gì để hoen mờ đi truyền thống đó!". Ông cho tôi cả niềm tin và sự lạnh lùng cần có của trang nam tử. Nhưng, hôm nay, tôi chẳng biết những thứ ông cho tôi bỗng nhiên đi đâu mất, khi tôi nhìn con tôi khóc. Tôi chỉ hiểu ra được một điều giản đơn vô cùng, mà mãi cho đến bây giờ tôi mới hiểu, đó là Sự-Hi-Sinh. Từ trong cái thuở khoai sắn độn cơm, rau má rau bần thay sữa ấy, mẹ cha tôi đã hi sinh và dành dụm cho tôi tất cả! Bây giờ, tôi sẽ thực hiện cái sứ mệnh hi-sinh ấy cho con trai tôi. Nhưng tôi chưa biết phải làm thế nào, và làm từ đâu...Nhưng tôi tin là tôi làm được!

    Con người ta chỉ có thể đứng lên và bước đi bằng chính đôi chân của mình, và chỉ có thể đứng lên cái bục vinh quang mà tạo hóa đã bày sẵn nhưng quẳng đâu đó trên con đường số mệnh, mà chỉ khi ta tìm ra đúng khả năng mạnh nhất của mình mới leo lên được. Tôi đã tìm ra cho mình cái khả năng mạnh nhất của tôi. Tôi sẽ chọn nó, chăm sóc nó, và quẳng bỏ tất cả những gì chung quanh nó, để an nhiên đi, bình thản bước. Dù rằng, tôi biết rằng, khi tôi chọn cái khả năng có thật và mạnh nhất trong tôi, thì vợ con tôi sẽ khổ, nhưng tôi luôn tin là vợ con tôi sẽ hiểu. Hơn một lần vợ tôi đã hiểu và ủng hộ tôi. Hơn một lần vợ tôi đã mỉm cười khi nhìn thấy những nếp nhăn trên mặt tôi giãn ra khi tôi được làm những gì tôi thích và đúng khả năng tôi nhất. Nếu như câu chuyện này sẽ chỉ khép lại khi nó dừng ở trang cuối của một cuốn sách, tôi sẽ kể cho bạn về sự lựa chọn của tôi…

    - Trịnh Tuấn-

    (còn nữa)
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.09.2007 18:49:12 bởi TrinhTuan >
    #2
      TrinhTuan 24.09.2007 13:08:32 (permalink)
      VĂN TẾ...THƠ (Nhân vụ "Gửi VB")
      Trịnh Tuấn

      Thực ra, đâu phải cứ "què" là được vời "khập khễnh lên ngai" (!?). Tôi thấy nhiều trường hợp, Hội này, Hội kia vời toàn bậc "lành lặn", "tròn trịa", "ùng ục", "phinh phính" về UY TÍN (VŨ), cá nhân lên trao giải đấy chứ. Ngay như cái tờ báo Văn Nghệ của một ngành to tướng kia...toàn bê thơ của một vị cũng...to tướng kia lên để đăng, nhưng chả ai buồn đọc. Có đọc cũng chả hiểu cụ viết gì, người ta chỉ biết cụ về cái chức vụ, về cái uy lực, về cái danh vị, chứ thơ cụ cụ đăng lên chỉ được mỗi một thứ, đó là "tăng hệ số choán" cho tờ báo, như con người ăn thịt lâu ngày, phải ăn thêm măng tươi, rau xanh...để tạo xơ, tăng hệ số choán cho dạ dày co bóp.

      Học trò thấy cộng đồng ủng hộ Lê Thiếu Nhơn nhiều, bênh Vàng Anh cũng nhiều, nhưng cả từ hai phía chả thấy phía nào nói thẳng vào bản chất vấn đề. Học trò trộm nghĩ, "Gửi VB" không có tội, tác giả của nó lại càng không, hay-dở chẳng có gì đáng tội. Tội là do những kẻ gán danh cho nó!

      Nhân cái vụ "Gửi VB" này, học trò tếu táo một hai vần:


      VĂN TẾ...THƠ

      Hỡi ôi,
      Trăm nghìn thuận nghịch
      Một vụn chữ còm
      Nhác thấy ngữ ngôn rơi lả tả...

      Chị nổi hứng một bữa kia dương dương thiên hạ, anh buồn sừng húc túi bụi giậu thưa, tiếng lảnh khảnh cọc rào nghe rôm rả.

      Bầy chữ co ro gập gối liếc nhìn, có những kí tự thầm ước chi mình không bị đưa vào bầy chung chạ.

      Đám người ê a thập thò nhòm ngó, vài ba người đọc chỉ mong rằng đừng phải mua nhầm của ngon vật lạ.

      Cái gọi là thơ run rẩy khóc nhè.

      Nhớ hôm nào,

      Những câu thơ của bậc kỳ tài, câu cú giản đơn, ý tình ngàn dặm, đọc qua một lần là nhớ, nhớ rồi chẳng thể nào quên.

      Những cái tên văn học sử đã ghi tên, bóng mát tỏa xuống thềm văn của bao nhiêu khung cửa học trò nhiều đời không thể tả.

      Bao cuốn sách làm nghiêng bờ thế kỷ, khiến có khi gieo lòng dân Việt một sự ước ao thầm: Rằng, biết đâu một ngày giật được giải Nobel, bốn biển năm châu miệng tròn mắt trố.

      Lại những lần sách in ra không đủ bán, cả cây đại thụ ngàn năm cũng bị nghiền làm bột giấy để in thơ, sách mới kịp ra lò, đã hết sạch sành sanh như chẳng có.

      Buồn thay!

      Một tẹo ngữ ngôn dúm dó
      Mấy hàng học hội quanh co.
      Liền chị im miệng giả đò
      Liền anh giọng căng như gió.

      Chuyện vặt vãnh như ngoài đường ngoài chợ
      To tát gì khiêng cả thượng lên văn?
      Chữ làm nhục người? Hay người làm nhục chữ? Thật băn khoăn...
      Xin cúi lạy trước thi dân ra rả!

      <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.09.2007 22:06:06 bởi Ct.Ly >
      #3
        Nghiem phu 24.09.2007 22:19:21 (permalink)
        "Chuyện vặt vãnh như ngoài đường ngoài chợ
        To tát gì khiêng cả thượng lên văn?
        Chữ làm nhục người? Hay người làm nhục chữ? Thật băn khoăn...
        Xin cúi lạy trước thi dân ra rả!"





        Tôi không thể hiểu bạn giận cá chém thớt gì mà đem cả chữ lẫn người ra làm tội?
        Nếu còn "băn khoăn" thì vấn đề đang mang nặng cảm tính.
        Vẫn có những dòng suối trong trẻo len lỏi trườn ra sông bằng được để góp chút nước mát lành cho biển cả nhạt dần độ mặn.
        Vẫn có những cơn gió nhẹ  nhõm trên cao kia để đón những làn mây lang thang rong ruổi khắp sân trời.
        Dù cảm nhận bằng trái tim hay bằng lý trí, đều phải được soi rọi bằng con mắt trong veo của người bình dị. Thế nên, chưa trả nghĩa cho thiên nhiên, cho cuộc sống này, thì sao có thể là trang nam tử.
        Cũng xin mạo muội đôi lời rông dài cùng bạn 
        #4
          TrinhTuan 24.09.2007 22:27:10 (permalink)
          Phiếm luận về văn hóa giao tiếp Online...
          Trịnh Tuấn



          "Nếu bạn có một cái bánh mì, tôi có một cái bánh mì, ta đổi cho nhau, thì mỗi ngưỡi vẫn chỉ có một cái. Nhưng nếu bạn có một luồng tư tưởng, tôi có một luồng tư tưởng, ta đổi cho nhau, thì mỗi người có đến hai luồng tư tưởng.". Câu nói đó chẳng biết của ai, có người bảo nó của Shakespeare, lại có người bảo là không phải. Tôi không quan tâm đến việc nó được ai phát ngôn ra, nhưng quả thực, ý nghĩa của nó làm tôi ám ảnh, có thể nói, nó ghim chặt vào trí óc tôi mỗi khi định giao tiếp với ai.

          Nếu như, ngôn ngữ là công cụ để tư duy, thì giao tiếp lại là công cụ cho việc giao thoa các luồng tư tưởng. Lý thuyết là thế, còn thực hành lại là một chuyện khác. Thực hành giao tiếp ngày nay thông qua nhiều phương tiện, nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật, các phương tiện truyền thông đáp ứng đủ các loại máy hỗ trợ cho tiếng nói của con người, bằng những tín hiệu số hóa, các giao tiếp cũng trở nên "sang trọng" hơn về mặt quy cách và hình thức. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc chỉ có "hạt sạn trong đống gạo", thì người viết cũng chẳng cần phải ngồi đây để viết ra những dòng này, quấy rầy mất thời gian bạn đọc. Sự thật, chẳng cần phải thống kê, chẳng cần phải mất nhiều thời gian để ý, chúng ta cũng nhìn thấy nhan nhản những giao tiếp trên mạng: Thiếu thốn đến trầm trọng từ phương thức, cách thức, kỹ năng, đến trình độ lẫn nghệ thuật giao tiếp; hơn thế, là những biểu hiện của sự xuống cấp về mặt đạo đức giao tiếp, thông qua việc biểu đạt giao tiếp trực tuyến.

          Người viết có đọc được một số "câu chuyện buồn" của người xưa liên quan đến bài viết này, nhân tiện, cũng xin trích y nguyên, để ai đó có nhu cầu tìm hiểu khỏi phải mất công tìm kiếm. Trong Phạm Quỳnh, Pháp du hành trình nhật ký, năm 1922, có viết: "Người mình không những nghề diễn thuyết chưa biết, mà đến nói câu chuyện cho có đầu đuôi manh mối cũng ít người nói được. Khi Hội đồng thời chẳng khác gì như họp việc làng, tranh nhau nói, ồn ào lộn xộn mà ít ai nói được câu gì cho có nghĩa lý, chỉ bẻ hành bẻ tỏi nhau những cái vặt vặt chẳng đâu vào đâu. Khi yến tiệc thời đương câu chuyện vui, gặp có tiếng gì buồn cười, nhất là nói tiếng bẩn, ông nào to miệng cả tiếng thở ra một cái cười hà hà, cử toạ đều cười ầm cả lên đến vo đổ nhà, thế là câu chuyện tan. Chỗ công môn thời ông quan nói, muốn ra oai mặt sắt chỉ nói nhát gừng, cách một vài câu lại điểm những tiếng nghe chưa? nghe chưa? thằng dân thưa thốt gãi tai gãi đầu, chỗ nghe những tiếng bẩm bẩm dạ dạ nói không ra lời. Mấy cậu thiểu niên thời toa toa moa moa ngậu xị cả đường phố câu chuyện không những vô vị mà thường bất thành ngôn nữa. Thời buổi nhố nhăng, ngữ ngôn bác tạp, anh bồi chú bếp con bạc làng chơi ả giang hồ cậu công tử, Tây không ra Tây, Tàu không ra Tàu, ta không ra ta, có nhiều cái xã hội không biết họ nói thứ tiếng gì. Thử tìm khắp trong nước được mấy người là biết nói năng lịch sự? Thật ít quá.". Ở cái thời của cụ Phạm Quỳnh, mà cụ còn phải thốt lên là Thử tìm khắp trong nước được mấy người là biết nói năng lịch sự? Thật ít quá, thì hôm nay, giữa "thời đại @" này, lấy ai ra mà thốt? Và biết thốt thế nào?

          Cách đây vài năm, người viết bài này có tham gia sáng lập và quản trị box Nghệ Thuật Thư Pháp trên mạng Trái Tim Việt Nam (TTVNOL), nhưng cuối cùng, cũng xin "nghỉ hưu" không làm tiếp được. Không phải là không còn quý mến con chữ, mà chẳng chịu được những "reply" theo kiểu chợ búa, thô tục và đầy hách dịch của không ít thành viên. Cho đến khi tham gia vào các diễn đàn khác, thì mới "ngộ" ra rằng, rốt cuộc, "tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa!".

          Phải công nhận rằng, "thời mở cửa cái gì cũng mở" (câu của Võ Trung Hiếu), mở đến mức khi khép lại soi mặt xuống ao, cá tôm cũng sợ, có người chẳng nhận ra mình là ai nữa. Từ kiểu dáng đến hình hài, từ ngôn ngữ đến tư duy, từ v.v..., nói chung đều..."ba rọi"! Có những cậu học trò lớp 8, lớp 9 đi học về nói chuyện với ông bà toàn bằng ngôn ngữ mạng, các ông bà chả hiểu mô tê được gì, đành cười trừ với cháu cho qua chuyện. Mà cũng lạ, cái văn hóa cười trừ của Việt Nam cứ như ngấm vào xương tủy bao người từ thuở nào đến bây giờ vậy. Trong Nguyễn Văn Vĩnh, Đông Dương Tạp chí, năm 1914 có ghi: "An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì, phải cũng hì mà quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang...". Bây giờ cũng vậy thôi, thử lướt qua các trang blog của một số "Nhà lớn"(bao gồm chữ Nhà thừa số cho thơ, văn, báo, nhạc,...), các vị cũng thường...cười trừ cả. Có lẽ có nhiều lý do, một trong những lý do thường thấy là các vị ngại cúi xuống nói chuyện với "phường lòi tói" như cái phường mà bà Hồ Xuân Hương ngày xưa đã chửi, vì sợ mình chửi họ cũng chả khác gì mình như họ. Nhưng người viết bài này trộm nghĩ, đã dự mình vào cái bữa tiệc chia tên (tên miền miễn phí cho các địa chỉ blog) này, thì sang hay hèn cũng đều "chung mâm" cả. Các vị có ngồi trên cái sập gụ kê ở giữa gian chính trong tòa biệt thự, sạch như li như lau đi chăng nữa, mà bên ngoài trẻ con nó "đi bậy" ra khắp sân hè, thì chắc cũng chẳng thơm tho gì. Nên chăng...tất cả cùng tham gia "lễ hội môi trường mạng", trước khi quay về cái "sập gụ" của mình(?).

          Có lần, tôi bị trách là không để lại comments khi vào thăm blog của một người bạn trong My Friends trên blog.360.yahoo rằng: "Ông cứ vào đọc chùa, không comments gì hết là sao?". Nhưng quả thật, tôi không biết nói gì, viết gì. Viết hoặc nói ra cái điều mình không muốn, thì tốt nhất là đừng nói, đừng viết. Viết hay nói ra không khéo thì tổn thương bạn, tránh cho bạn khỏi bị tổn thương thì lại bị tổn thương mình. Tôi quả là không dám dự với "nồi lẩu ngôn ngữ" của bạn, đành nghe bạn trách mà đọc một câu thơ của Bùi Giáng làm vui: "Rằng xin các hạ hãy vô ngôn!".

          Có lẽ, trong số quý vị, những người đọc bài viết này, nhiều ít cũng đã phải có những lúc "vô ngôn". Nhưng, thưa quý vị, dù là mất cả đêm để ngồi viết những dòng, mà tôi biết, có không ít các blogger cho rằng, đó là nhảm nhí, là lẩm cẩm, là hâm hấp, là lạc hậu...tôi vẫn có một niềm tin là: Sớm muộn gì cũng sẽ có một sự sàng lọc tất yếu hoặc ngẫu nhiên cho hiện trạng văn hóa giao tiếp online này. Tôi cũng tin chính quý vị là những người sẽ lên tiếng để bênh vực chữ nghĩa, quan trọng hơn là bênh vực cho sự vô tội của tiếng Việt đang bị cưỡng bức bởi số ít những người dùng công nghệ làm sức mạnh xâm lược nó.
          #5
            Nghiem phu 24.09.2007 23:05:23 (permalink)
            Bánh mỳ của tôi không batê, không trứng kẹp...
            Nhưng ăn rồi không muốn đổi món?
            Đồng ý, ngôn ngữ online đang có vấn đề.
            Không thể trách thế hệ trẻ, có ai dạy, có hệ quy chiếu nào, có Luật định nào hướng dẫn họ đâu?
            Mở cửa không có lỗi, là tất yếu, là lối thoát toàn cục cho đất nước.
            Hãy xem người Pháp văn minh hơn ta bao nhiêu thế hệ mà mãi mãi nền văn hoá thời phục hưng  của họ vẫn khiến cả nhân loại phải nghiêng mình.
            Nếu tôi có phép màu, nghĩa là tôi có cái gậy để chỉ, tôi sẽ làm gì ngay lần chỉ đầu tiên bạn có biết không?
            Tôi sẽ chỉ ra cái chuẩn mực văn hoá Việt đầu tiên trong hệ quy chiếu 3D của thế giới hiện đại này
            #6
              TrinhTuan 24.09.2007 23:50:10 (permalink)


              Tôi không thể hiểu bạn giận cá chém thớt gì mà đem cả chữ lẫn người ra làm tội?
              Nếu còn "băn khoăn" thì vấn đề đang mang nặng cảm tính.
              Vẫn có những dòng suối trong trẻo len lỏi trườn ra sông bằng được để góp chút nước mát lành cho biển cả nhạt dần độ mặn.
              Vẫn có những cơn gió nhẹ  nhõm trên cao kia để đón những làn mây lang thang rong ruổi khắp sân trời.
              Dù cảm nhận bằng trái tim hay bằng lý trí, đều phải được soi rọi bằng con mắt trong veo của người bình dị. Thế nên, chưa trả nghĩa cho thiên nhiên, cho cuộc sống này, thì sao có thể là trang nam tử.
              Cũng xin mạo muội đôi lời rông dài cùng bạn 



              DẠ THƯA, LÀ BIẾT THỐT THƯA THẾ NÀO?

              1. Tranh luận học thuật hay lộng ngôn cảm tính?

              Thưa, học trò cũng đọc rất kỹ bài viết của mình, có trao đổi với Nhà phê bình văn học TS.Văn Giá, nhà văn Đỗ Tiến Thuỵ và gửi email cho một số anh em khác như anh Nguyễn Thanh Mừng ở Hội VHNT Quy Nhơn, anh Nguyễn Xuân Thu ở Hội VHNT Thái Nguyên v.v..., và có cho đăng trên một số trang blog như 360.yahoo.com, vnweblog..., đã nhận được nhiều ít commenst (góp ý) của các anh chị em. Tuy vậy, chưa ai nghĩ và cho rằng học trò "giận cá chém thớt gì" qua nội dung văn bản mà học trò đăng tải. Bản thân học trò thấy rằng, mình đang đứng trước một vấn đề, mà vấn đề ấy không đáng phải có một cuộc tranh luận theo chiều hướng căng thẳng, nên dùng chút suy nghĩ thiển thô lên tiếng, mong cho việc tiếp nhận các ý kiến lẫn nhau dừng lại trong chừng mực trao đổi học thuật. Vì thế mà có bài "Văn tế...thơ" kia.

              Từ việc bài "văn tế" của học trò ra đời trong hoàn cảnh vừa nêu, xin có thêm vài suy nghĩ, cũng để thưa rằng, sự băn khoăn của học trò không hề mang tính cảm tính, mà hoàn toàn có cơ sở.

              Bielinski viết: "Không phải nghệ thuật sinh ra phê bình, cũng không phải phê bình sinh ra nghệ thuật, mà cả hai đều là con đẻ của tinh thần thời đại. Cả hai đều là sự nhận thức thời đại, khác nhau là ở chỗ, phê bình là nhận thức triết học, nghệ thuật là sự nhận thức trực tiếp". (V.G.Bilelinski, Toàn tập, t.2, M., 1984, tr.348). Trong bài viết của học trò, trước cái lời khiêm cung mà học trò thưa là: "
              Nhân cái vụ "Gửi VB" này, học trò tếu táo một hai vần", trở lên thì tạm gọi là phần "Tiếp nhận văn học" còn từ cái dòng vừa dẫn trở xuống thuộc về sáng tác. Nếu nhìn một văn bản theo hướng nhận thức đúng về bản chất của nó, học trò tin rằng các hạ (Nghiêm Phu) sẽ không vội vàng khép tội cho học trò là "giận cá chém thớt gì". Trong phần đầu, học trò nêu ra cái "hiện trạng" trao giải lung tung, đăng bài vô lối của báo chí Việt Nam nói chung và báo Văn Nghệ của...nói riêng, dẫn ra các ví dụ về hiện trạng ấy, là để chứng minh cho cái nhận định về việc có hay không chuyện "trao giải nhầm" cho tập thơ "Gửi VB" của Phan Thị Vàng Anh mà Nhà thơ Lê Thiếu Nhơ có viết một bài phê bình đăng trên E Văn: "Gửi VB gửi gì cho thơ?". Và học trò cũng đã mạnh dạn đưa ra chính kiến của mình trong bài viết đó là: "Trộm nghĩ, "Gửi VB" không có tội, tác giả của nó lại càng không, hay-dở chẳng có gì đáng tội. Tội là do những kẻ gán danh cho nó!". Ấy thế thì sao lại có thế "gán" cho học trò cái tội "giận cá chém thớt gì" khi học trò chỉ là một anh nông dân nhờ may mắn thời đại mà biết đến internet, chả quen biết cả hai tác giả trên kia, chỉ nghiên cứu các văn bản của họ ở dạng đã công bố, thì xin hỏi, động cơ (hoặc động lực) của học trò khiến phải giận cá chém thớt ở đây là gì, thưa các hạ (Nghiem thu)? Vậy có nên chăng, học trò xin trả lại chữ mà các hạ (Nghiem thu) dùng để gán cho học trò: "Nặng cảm tính.".

              2. Mâu thuẫn hay phi logic trong cách góp ý của (Nghiem phu)?


              Các hạ (Nghiem phu) viết: "Vẫn có những dòng suối trong trẻo len lỏi trườn ra sông bằng được để góp chút nước mát lành cho biển cả nhạt dần độ mặn.
              Vẫn có những cơn gió nhẹ  nhõm trên cao kia để đón những làn mây lang thang rong ruổi khắp sân trời.
              Dù cảm nhận bằng trái tim hay bằng lý trí, đều phải được soi rọi bằng con mắt trong veo của người bình dị. Thế nên, chưa trả nghĩa cho thiên nhiên, cho cuộc sống này, thì sao có thể là trang nam tử
              ." Học trò đang cố gắng liên tưởng, nói chính xác là cố gắng lắp ghép cái mạch dẫn từ câu "gán tội" của các hạ cho học trò, đến cái đoạn vừa dẫn kia, có "quan hệ" với nhau như thế nào? Và các hạ đang chỉ điểm cho học trò điều gì? Đang định hướng cái gì? Và, đang giáo huấn cái nghĩa của câu nói ấy cho lĩnh vực gì?

              Học trò phải cúi đầu công nhận đây là một đoạn văn rất đẹp, mà các hạ (Nghiem phu) đã cô đúc lại nhiều tầng nghĩa chỉ trong một ít câu chữ. Thế nhưng, có vẻ như, đằng sau những chữ ấy, mới tàng ẩn một tinh thần "giận cá chém thớt" của người viết ra nó, chứ không phải là để gán tội cho học trò. Người viết (các hạ) đang đứng trên một cái bục cao vời vợi, trỏ xuống những giáo huấn, mà xin hỏi, những giáo huấn ấy đã khách quan chưa? Sao ở đây lại có một hành động "trả nghĩa cho thiên nhiên" trong chừng mực một lời góp ý mang tính trao đổi về văn học? Phép ẩn dụ này làm cho học trò cảm thấy tổn thương cho thế hệ mình, chẳng khác gì các hạ ( Nghiem phu) đang bảo thế hệ học trò vô ơn ư? Mà vô ơn với ai? Với cái cụ có chức có quyền tự in thơ của mình lên báo, rồi coi thường bạn đọc bằng cách cho họ đọc thứ học chả biết nó là gì ư? Hay vô ơn với hai tác giả Lê Thiếu Nhơn và Phan Thị Vàng Anh? Hay vô ơn với các hạ (Nghiem phu) - tầng lớp cao vòi vọi?

              Nếu như không phải thế, thì học trò nhận thấy, ở đoạn viết "rất đẹp" kia chình ình một sự mâu thuẫn, có thể nópi là một sự phi logic về nhận thức đáng kể. Học trò cũng cảm thấy đau lòng và mất tự tin trong việc bớt tiền ăn sáng đi mua báo mỗi sớm, ăn cắp thời gian đời mình mỗi ngày, nếu như các hạ ( Nghiêm phu) là đại diện cho những người đang gán cho thế hệ học trò là vô ơn, là "chưa thể là trang nam tử". Nhưng học trò cũng trộm nghĩ, có lẽ học trò nhầm, vì nói thế thôi, chứ cũng hiếm những người "bề trên" mà thể hiện như thế, học trò lại có chút niềm tin rằng các hạ (Nghiem phu) không đại diện cho một sự "giận cá chém thớt" ngầm nào cả.
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 25.09.2007 01:31:06 bởi TrinhTuan >
              #7
                Nghiem phu 27.09.2007 00:36:00 (permalink)
                Bạn có một lập luận khá thuyết phục của một luật sư, hơn là của một nhà phê bình văn chương. Rất cảm ơn bạn, đã và còn chia sẻ cho tôi, cho những ai quan tâm đến một số vấn đề đang và sẽ còn diễn ra đối với văn học Việt hiện nay.
                Tôi bình dân hơn bạn nghĩ nhiều. Tôi yêu Nguyễn Bính, nhà thơ "chân quê" mẫu mực. Tôi khâm phục Nguyễn Du, nhà thơ uyên thâm nhất đất Việt của mọi thế hệ.
                Chỉ thế thôi bạn Trinh Tuấn ạ?
                Và tôi cũng muốn cùng bạn đôi điều:
                - Nếu khảng khái, không cần rào đón trong lời phê bình văn học?
                - Lôgic trong văn không có bề trên, dưới.
                - Rất cần tin tưởng sức sống của văn học, dù ai đó có cố tình áp đặt chủ quan của bất cứ thế lực nào thì văn học vẫn mãi là của người dân như tôi như bạn?
                - Nếu chỉ biết đưa đám văn học bằng "văn tế", liệu có công bằng không? Có cứu rỗi cho sự sống văn học Việt nam như bản thân nó vẫn sống đó không?
                             Tôi không phải là đồng nghiệp của bạn. Nhưng tôi yêu cuộc sống bằng cách của một người biết hát bằng trái tim nhạy cảm. Tôi không thích ai, dù bất kể ai, băm nát văn chương, xé rách cuộc sống này.
                Cũng rất cảm ơn bạn vì tất cả suy luận.
                #8
                  TrinhTuan 28.09.2007 11:12:37 (permalink)
                  HẮT HIU NHẬN LẤY BỘN BỀ THẾ GIAN

                  Ngày lại nở ra sau một đêm co quắp bởi đám tinh tú giỡn đùa ánh nguyệt, ta ngồi tựa một bào thai, mắt cụp xuống đôi bàn chân không còn tì vết Giao Chỉ, cả cười hiu hắt. Sâu hoắm tự trong lồng ngực thốc ra một làn khói đục, ta ghì víu vào từng sợi, mơn man những tư tưởng, ve vuốt những đam mê, dỗ dành từng ham muốn. Chợt có một thanh âm cựa quậy trong vòm họng, muốn nhảy bổ ra ngoài, như xui ta tham gia vào cuộc tranh giành tấm áo choàng của tên quỷ và chàng hòang tử. Ta kiên nhẫn chối từ sự xúi giục đó và khẽ cười gằn với mình về một nỗi trống tênh đến lạ.

                  Có vẻ như trong cái hình dạng người hanh hao, mòn vẹt này, ta luôn cưỡng bức những luồng tư tưởng thông thênh như đại lộ trần gian, để nhận lấy một niềm hiu hắt trơ trọi giữa cái bộn bề chằng chịt. Ai đó bảo ta rằng, như thế là mua cái khổ vào người. Ta đồng ý. Người nói đúng, ta không cãi. Mà ta cũng quen rồi cái việc không cãi bất kì ai. Trái tim ta từ lâu đã như một khu rừng hoang hoải gió, ngồn ngộn những thạch nham bao phủ lối vào, tận cuối sự âm u không ánh sáng, chỉ có duy nhất một hang động, nơi khởi nguồn một mạch máu muôn đời thao thiết chảy. Ta đã nhặt nhạnh những chiếc lá rụng trong khu rừng mình, gấp làm những chiến thuyền thả vào giòng mạch ấy, hòng cố thủ sự gào thét của con quỷ bản ngã.

                  Chiến thắng vinh hiển nhất của các chiến thuyền mà ta chứng kiến, là lần ta cố tình để cho lý chí can thiệp vào sự định đọat cát cứ giữa cái tôi và cái ta. Kết quả, ta đã rủ bỏ được những bộn bề bụi bặm dính dáng bởi hồng trần - nơi hiện thân của những phù phiếm. Nhờ đó, ta chối từ được những ân sũng bố thí của cuộc đời, cặm cụi vẽ lên bàn chân mình bản đồ của cuộc chinh phục mới trong từ khước những tước hiệu nhàm chán.

                  Trong tư thế của một bào thai, ta thấy mình như đang tái sinh. Một huyễn tượng kì lạ bừng tỉnh, ta khẽ đưa tay lên mắt, nhấc nhẹ cụm mi dính chặt, ngơ ngác ngó xuống bầy đàn lạo xạo nói cười, một nỗi hiu hắt ngút ngàn như tấm lưới vũ trụ, quăng ra lùa đàn bộn bề vào lòng. ..
                  #9
                    TrinhTuan 29.09.2007 08:04:52 (permalink)
                    Thư pháp Online - Đâu là điểm dừng cho giá trị?



                    Trịnh Tuấn


                    Những năm gần đây, cùng với đà phát triển rầm rộ của công nghệ internet, các lĩnh vực văn hóa văn nghệ nói chung đều đã tạo nên cho mình một "sân chơi @", với đủ sắc màu của các kiểu xiêm y thích hợp với từng lĩnh vực ngành ngề. Lĩnh vực nào cũng có những website riêng, từ tổ chức cho đến cá nhân cũng đều đua nhau lập web, tạo ra một xã hội số hóa đến kinh ngạc. Dĩ nhiên, dù chỉ là một phân môn, nhưng nghệ thuật thư pháp ở Việt Nam cũng không nằm ngoài cái vòng xoáy công nghệ mạng này. Tính đến trung tuần tháng tám năm 2007, cả nước có đến hàng chục website về thư pháp, thư họa, của các CLB hoặc nhóm cá nhân có cùng đam mê lập ra. Trong đó, những forum có lượng thành viên đáng kể cả trong và ngoài nước tham gia như mạng Thư Họa Việt Nam, mạng Thư Pháp Chữ Việt, mạng Hồn Chữ Việt v.v...đã tạo được tiếng nói thân thiết trong một sân chơi bổ ích đối với cộng đồng những người yêu thích thư pháp Việt toàn cầu. Đó là những điều nhìn thấy, tuy nhiên, trong bài viết này, người viết chỉ xin đề cập đến một vấn đề nho nhỏ, đó là: Thư pháp online - Đâu là điểm dừng cho giá trị?

                    Từ: "Qua đường không ai hay"...

                    Khi đọc lại những vần thơ trong bài Ông Đồ của Vũ Đình Liên, thật không kể hết những ngậm ngùi. Cứ như bài thơ là một dấu chấm hết cho "thời đại những ông đồ" sống bằng nghề cho và bán chữ. Xã hội đã quẳng họ ra vỉa hè rồi lại khiêng họ đặt lên những trang văn, nhìn thấy cứ như chữ nghĩa bị lộn sòng trầy xước, ngẫm mà xót xa hơn xát muối. Cuộc sống của các Ông Đồ ấy bì bõm vật lộn với cơn khát cơm thừa chữ, như một nhà thơ nọ đã viết: Tiền thiếu quanh năm nghèo kiết xác/ Sách thừa mấy đống đọc nhoài hơi. Thế nhưng, lạ lùng thay mà cũng tự hào thay, cái sĩ khí của người có chữ, cái cốt cách của bậc Nho gia, cái tinh anh của tâm hồn Việt, cứ như những cây tre ghì chúi xuống hôn lên đầu cây sậy mỗi khi gió giật, nhưng lại thẳng vút hiên ngang khi trời quang mây tạnh. Và họ âm thầm "giữ lửa", như nhưng vị tù trưởng của những bộ lạc sắp bị tuyệt chủng, giữ vật báu gia truyền, mong đợi sự tái sinh cốt cách của thế hệ kế nhiệm, để trao lại. Đó là công đức tiền nhân mà cũng là cái phúc lớn lao của hậu thế hôm nay thừa hưởng.

                    Đến: Cơn vật vờ chữ nghĩa...

                    Người viết bài này còn nhớ như in trong đầu hình ảnh của những năm 1999 - 2000, tại thành phố Hồ Chí Minh, những "ông đồ nay" ôm cả dép lẫn chữ chạy thục mạng mỗi khi Tết đến. Người biết chữ Hán thì viết chữ Hán, viết không được thì vẽ, vẽ chưa đúng thì tra Từ điển. Người không viết được chữ Hán thì vẽ chữ Quốc ngữ, vẽ không xong thì tô đi tô lại, rồi cũng xong. Miễn sao "bán được giấy viết thư pháp", còn chữ thì...tặng. Bản thân tôi cũng đã từng "gắn bó" với nhà sách Nguyễn Văn Cừ (Quận 1) gần 2 năm làm cái "bán giấy - tặng chữ" như vừa nói. Những câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra thường xuyên như cơm bữa. Nếu không là chuyện với người xin chữ, thì là chuyện với người thanh toán tiền bán giấy. Cái chợ chữ nghĩa rẻ ngang hàng chợ ve chai, người viết chữ thì sạch sẽ hơn người đi lượm rác, nhưng chưa chắc bụng đã no hơn. Cả thành phố Hồ Chí Minh khi đó có được vài CLB thư pháp, những hội viên có tuổi thường là đã có nghề nghiệp ổn định, nói một cách khác, họ chơi thư pháp như một thú chơi đúng nghĩa, còn anh em sinh viên tụi tôi, chơi thư pháp đồng nghĩa với cả mưu sinh nữa. Cũng may là chưa nỡ lấy "tiền chữ" của ai, chưa lấy "học phí" của học viên bao giờ. Chứ nếu không, bây giờ, tai nghe đầy chuyện xì xồ. Như anh bạn tôi, chả biết vơ đâu được ít ghi chép, làm được hẳn một cuốn luận văn thạc sĩ về Thư pháp, rồi được in thành sách. Đọc thấy cũng giông giống như sách Tàu viết về thư pháp, thế mà có người độc miệng bảo là lí luận quái gì thứ ấy. Thôi thì, không ghi nhận cái sự sáng tạo, cũng nên ghi nhận cái công sức sưu tầm. Nói thế nghe cứ như thạc sĩ bây giờ toàn đi chép tư liệu về xào nấu làm luận hết hết ấy. Tôi không tin! Mà có tin cũng chả biết tin cái gì!

                    Và những người cõng chữ lên mạng...

                    Xưa, sách nọ sách kia trích dẫn nhiều chuyện lí thú về việc học tập và thực hành thư pháp. Còn sót lại hôm nay những mẫu chuyện nghe mà cứ ngỡ như cổ tích, nhưng không thể không suy ngẫm. Ví như chuyện Liễu Công Quyền quyết chí luyện thư phá, bái một người liệt cả hai tay làm sư phụ, cuối cùng trở thành một trong những thư pháp gia lưu danh sử sách Trung Hoa; hay như Vương Hi Chi dạy con là Vương Hiến Chi bí quyết luyện thư pháp bằng câu nói: "Bí quyết viết chữ nằm cả trong 18 cái chum này, con chỉ cần đem nước trong đó viết cho bằng hết, con khắc tìm được lời giải". Vương Hiến Chi chợt hiểu ra điều bố muốn nói, biết rằng không có con đường ngắn để luyện thư pháp, chỉ có một chữ Cần mà thôi. Cổ thư trích sự với bao nhiêu lời văn dồn cả vào những dặn dò hậu thế, cũng mong là cái hình, cái tiếng của muôn xưa còn vọng tới muôn xa.

                    Nói lòng vòng mãi cũng là muốn dẫn đến chuyện thư pháp bây giờ, nhất là thư pháp online trên mạng internet. Người viết có bỏ khá nhiều thời gian để lần theo các đường link với những từ khóa của Ta lẫn Tàu và cả Tây nữa, như: Thư pháp, Thư họa, Calligraphy, 書法 (shu fa), Thư đạo (sho do), Thư pháp Ả Rập kiểu viết gothic, Kiểu Diwani v.v...Mất khoảng nửa tháng thì đọc lướt và xem qua được khoảng 70 đường link tiêu biểu. Thế nhưng, đa phần là dẫn đến những tác phẩm đã được scan và chỉnh sửa để phù hợp với rất nhiều lí do, ví dụ như: Cho phù hợp với Template của website đó, cho bắt mắt, cho dễ truy cập...Thật ít những đường link dẫn đến những nội dung mang ý nghĩa học thuật, nếu có thì theo được một hai topic trong forum là đã thấy cãi cọ tơi bời như ngoài chợ đầu mối buổi tan tầm. Người viết cũng đã cố đi tìm những nhân vật mà như sách vở xưa dạy lại là: Nom nhân cách của họ phải cao hơn họ, hay chí ít thì phong thái phải xứng tầm với chữ của họ, nhưng, cứ như là mình vô duyên vậy, chưa hề được gặp, nhất là trên những forum thì thật hiếm những mẫu người như thế!

                    Quay lại chuyện đi tìm giá trị, vậy giá trị của những tác phẩm thư pháp online đó ở đâu? Có ý kiến cho rằng, trong thời buổi "nhập nhằng về thư pháp" này, trước tiên là quảng bá cho công chúng biết về loại hình nghệ thuật này trước đã, sau mới đi sâu vào chất lượng. Nghe cũng có lý. Lại có ý kiến cho rằng, không thể thiếu việc đưa vào cộng đồng mạng những tin tức liên quan đến những phong trào thư pháp trong và ngoài nước, vì nếu thiếu, sẽ mất đi một lượng công chúng trí thức quan tâm đáng kể. Cũng có lý. Ý kiến khác lại đưa ra hẳn một ví dụ rằng, có người đã từng rất ấn tượng về những tác phẩm thư pháp trên mạng, tìm gặp bằng được người viết ra nó, nhưng đến khi nhìn anh ta viết thì...ông khách lắc đầu và bỏ đi. Vì "thư pháp gia" kia cứ đồ đi đồ lại từng nét một. Hóa ra những bức chữ anh ta pots lên mạng là thế, và nhờ chút kỹ thuật photoshop hoặc firewoork, tác phẩm của anh ta đã như chị hoa hậu vừa rồi ở Nha Trang đăng quang đội chiếc vương miện mua ở chợ Đồng Xuân.

                    Xin được tạm khép bài này bằng một câu hỏi mở: Trong mắt các bạn thì Thư pháp Online - đâu là giá trị? Người viết bài này thật không đủ trình độ và công sức để tìm ra được câu trả lời xứng đáng, và cũng cảm thấy xấu hổ khi viết bài này. Mong được sẻ chia và lượng thứ.

                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.09.2007 22:00:18 bởi Ct.Ly >
                    #10
                      Chuyển nhanh đến:

                      Thống kê hiện tại

                      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                      Kiểu:
                      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9