Xin việc làm
Tung Son 02.10.2007 20:35:14 (permalink)
Nạp đơn xin việc làm
 
- Ông ngồi đây làm . Công việc là ông sắp xếp lại đống phôn di động và kiểm tra lại xem cái nào bị defected (khiếm khuyết) thì loại bỏ đi .

Một bà xếp Mễ bỏ đi sau khi chỉ dẫn tôi làm như thế nào . Tưởng gì khó khăn , chứ ngồi mà lựa ra từng cái như con Linda nhà tôi hay bày biện đầy nhà . Từng đống phôn đầy màu sắc của hãng Nokia , Motorola , Samsung , Erricson ngổn ngang khắp mặt bàn . Tôi lựa ra từng cái , anh nào trông còn mơi mới , mở nắp ra xem xét bỏ riêng qua một bên . Anh nào hơi bị trầy , tiện tay tôi vất ngay vào thùng recycle kế bên .

 
Đâu chừng hơn một giờ , đống cell phôn cao nghều nghệu mấy ngàn cái tôi lựa ra gần hết . Một ông đầu đen mỉm cười biểu tôi :
- Ông làm nhanh tay quá nhỉ ! Ở đây tiêu chuẩn một người mỗi giờ sửa cell phôn là năm cái . Ông làm nhanh quá , một giờ được mấy ngàn cái . Chúng tôi chắc thất nghiệp hết .

 
Tôi cười không nói , công việc dễ dàng như ăn cơm . Cái nào sửa không được , vất ngay vào sọt rác . Tôi đưa mắt nhìn quanh kiếm bà nhà tôi . Mục đích vào hãng phôn này là để có thể giúp đỡ gì cho bà nhà tôi mới vào làm hôm nay . Tiếng Anh tiếng u lớ ngớ , không biết bả vô đây làm có bị bỡ ngỡ gì chăng . Ngó đồng hồ gần sáu giờ chiều , tôi bước ra ngoài để bấm thẻ đi về và chợt nghe tiếng gọi ơi ới của bà nhà tôi .
- Ông ơi ! Ông ra đây giúp tôi với . Ngày mai chắc tui đi kiếm hãng nào làm quá .
 
Tôi thầm nghĩ trong bụng , hai tuần nay cứ thỉnh thoảng xin phép ông xếp Mỹ nghỉ vài giờ để đưa bà nhà tôi điền đơn xin việc . Hãng này là hãng thứ ba vào làm . Mới được có một ngày lại có chuyện gì đây .

- Sao vậy bà ? Công việc không vừa ý ? Mỹ nói sai bà làm việc quá sức , hay nó nói bà không hiểu ?
- Ông này thiệt là ... Tui vô làm không ngại công việc khó khăn , cái nào không hiểu mình quơ tay riết thì Mỹ cũng hiểu thôi . Có điều là thằng cha đằng kia mặc áo ca rô cao bồi đang hút thuốc phì phèo cứ làm khó dễ tui . Hắn biểu tui làm thế này không đúng làm thế kia không phải . Tui làm việc này ở hãng Perlos , Nokia mấy năm sao lại không biết . Ngày mai tui nghỉ ở nhà không làm nữa .
- Thôi đi bà , bây giờ tui lên mách văn phòng ếch a (HR = Human Resource : Phòng Nhân Sự) thì cả bà và hắn đều bị đuổi . Bà lại qua hãng khác làm , nó cũng nạp đơn đi theo thì cũng vậy thôi .

 
Tôi đứng phân vân giữa đám đông người Việt đồng hương . Ngày xưa còn trẻ tôi không ngại đứng cãi cọ tay đôi tay ba , cùng lắm là đục nhau vài đấm . Mình không bênh vực cho vợ mình , về nhà thì chết với bả . Nghĩ vậy tôi bước tới . Hình như cả đám đông biết chuyện xảy ra nên rẽ sang hai bên . Tôi gọi lớn tiếng :
- Ông bạn à ! Cho tôi hỏi vài điều .

 
Một ông đầu đen quay lại , mặt già dặn tóc tai rụng gần hết có lẽ hơn tôi chừng vài tuổi , nói tiếng Anh bằng giọng Mỹ đen :
- What ' s up old man !

 
Và cứ thế hắn sổ một tràng tiếng Mỹ liên thanh không ngừng . Tôi chợt nhớ ra hình như mặt ông này quen quen . Không chừng là cái ông già móm mém nói tiếng Anh lưu loát , không ngừng nghỉ trên một mạng lưới " Youtube " gì đó mà tôi chợt coi trên nét . Cứ như vậy ông ta nói hết câu này tới câu khác , tôi không có dịp phân trần hay hỏi han câu chuyện giữa hắn và vợ tôi .
 
Trời đã tối dần , tôi ngó đồng hồ . Trời ơi ! Ông già dịch này nói chi mà hơn hai tiếng đồng hồ . Bỗng tôi nghe tiếng ai gọi giựt bên tai :
- Ông ! Dậy đi làm .

 
À ! Thì ra chỉ là giấc mơ . May quá , tôi lại không có khả năng nói tiếng Mỹ trôi chảy như ông già Sài Gòn trên mạng You Tube . Đứng mà nghe ổng nói chừng hai ba giờ chắc tôi lăn đùng ra quá .

Còn tiếp ....

Mời bấm vào đây coi Ông Già Nói Tiếng Anh

http://www.youtube.com/watch?v=6lMGW1Rvk3A

Andy Tran
2 tháng 10/2007
<bài viết được chỉnh sửa lúc 26.10.2007 02:38:54 bởi Tung Son >
#1
    Tung Son 03.10.2007 21:41:12 (permalink)
    Vào hôm gần Tết Trung Thu bà nhà tôi đi làm về với bộ mặt không vui , với giọng ấm ức :
    - Ông biết bà Bang Tàu không?
     
    Tôi đang chúi mũi vào bàn cờ tướng trên mạng lưới Clubxiangqi , đầu óc tập trung không nghe rõ câu hỏi :
    - Không !
     
    Bà nhà tôi giận dỗi :
    - Ông tối ngày không làm gì hết , chỉ mê man ba cái con cờ. Ông mà không biết bà Bang ư !
    - Phải bả vợ ông Lưu Báng nhà gần đường rầy xe lửa không. Ờ ! Nhớ ra rồi ! Cái bà mà bà kể chuyện đi Na Uy tham dự tiệc cưới con gái bả chứ gì. Tốn gần năm ngàn đô chỉ qua ăn một tiệc cưới và ở lại chơi có một tuần. Lúc trước bà có nói rồi mà. Cách đây hơn một năm bà Bang Tàu muốn qua bên Na Uy ăn đám cưới con Muối lớn lấy chồng bên đó , bả không có quốc tịch Mỹ thì bà khuyên bả xin visa trước , khi nào có hãy mua vé máy bay. Bà Bang Tàu gạt đi : " Không phải lo , đã có dịch vụ  do công ty Biểu Thắng biểu ngừng gì đó lo hết. Chừng đâu đến ngày đi chừng một tháng , công ty Biểu Thắng gọi xuống bả phải lên thành phố Dallas xin visa nhập cảnh.
    - Thì đấy , ông biết mà. Chuyện xin visa từ mấy nước châu Âu phiền phức lắm , nào là họ đòi giấy mời của thân nhân bên đó , giấy chứng nhận mình đang đi làm bên Mỹ , phải có giấy chứng có tiền ở nhà băng. Làm như mình muốn ở mấy cái nước bên đó lắm sao. Đòi hỏi đủ thứ. Rồi đến ngày đi bà Bang Tàu không có visa đi , đành mất toi cái vé máy bay hết hơn ngàn rưỡi đô. Vài ngày sau mới có mua thêm lần vé , thêm lần tiền nữa.
     
    Tôi sực nhớ lại :
    - Nhưng hồi nãy bà muốn nói gì đến bả?
    - Thì bả được thằng Mỹ Gio gì gio giếc con rể cha chủ hãng may tăng lương lên một đô , . Bả qua bên hãng Cinram làm phôn áp lai (apply , xin việc làm ) họ trả tám đô một giờ. Ông coi !  Tui làm chung với mấy bả ở công ty may nón cáp mấy năm chỉ tăng năm mươi xen (cent Mỹ) rồi đứng luôn bảy đô rưỡi đến giờ. Tôi tức lắm , ngày mai tui nghỉ ở nhà đi qua hãng khác xin việc.
     
    Tôi biết cái hãng may nón Mulholand này , nó nằm ngay trên đường Northside gần khu Mễ ở. Thường một cái nón cap lưỡi trai ngòai chợ bán chừng hai ba đô , nhưng lọai này đặc biệt có thêu hình hoa hòe hoa hiệu các đội bóng chày bóng rỗ Mỹ giá bán theo đơn đặt hàng có khi lên tới mười mấy đô một cái. Nơi đây phần đông công nhân là Mễ , lác đác vài bà người Việt. Hầu hết đều không biết nói tiếng Anh , đành chấp nhận đồng lương gần như là lương lao động tối thiếu tại xứ Mỹ. Mấy lần tôi ngõ ý bả xin hãng khác làm , bà nhà tôi hờn giỗi ra mặt nên đành thôi. Ý vợ là ý trời mà.
     
    - Thế bà muốn xin việc ở đâu. Cinram à ! Hãng này cách đây mấy tháng là hãng Motorola nằm trên khu Alliance phía bắc thành phố Fort Worth dẹp tiệm nên đổi chủ mới. Mai tôi cũng xin nghỉ phép để đưa bà đi điền đơn xin việc.
     

    Công việc tôi làm hiện nay test thử nghiệm mấy cái board điện tử cho giàn phôn. Có cái to hơn bánh pizza , có cái nhỏ nhất cũng bằng cuốn vở đi học , trên đó gắn đầy các mạch điện , các con điện trở bé như con kiến , các con chip BGA úp mặt xuống mặt board chẳng thấy chân (pin) thò ra ngòai. Các đường dây nối với nhau nằm giữa các lớp trong mặt board (multilayer ). Phương pháp để tìm ra bệnh (troubleshoot) là nhờ kỹ thuật mới có tên là Jtag Technology và một nhu liệu để test Labview. 
     
    Hãng phôn Motorola tôi làm được gần 8 năm nằm  trên đường North Beach , trong một ngọn đồi cao phóng mắt ra nhìn tòan cảnh khu Fossil Creek , những dãy nhà mới xây xinh xắn ẩn núp dưới các rặng cây xanh. Đây chỉ là một chi nhánh của tập đòan Motorola , nó rải rác khắp thế giới. Trụ sở chính ở thành phố Chicago , và nó mở rộng ra từ thành phố Phoenix , qua Texas , Florida sang tận Penang Mã lai á , Thiên Tân Trung Quốc và còn nhiều nữa. Theo các xếp lớn CEO muốn tiết kiệm nhiều tiền và để tòan cầu hóa hãng phôn Motorola sẽ thu gọn lại. tập trung các mối vào. Do đó chi nhánh tại thành phố Fort Worth sẽ giảm rất nhiều nhân viên , dời tòan bộ phận chế tạo các board mới (NPI , New Product Introduction) sang thành phố Reynosa Mễ tây cơ. Ở đây chỉ giữ lại một số ít kỹ sư thiết kế D.E. (Developement Engineer).
     
    Từ tháng Chín năm nay các công nhân ở đường line , dây chuyền đã bị cho nghỉ việc "Laid off". Các giàn máy nướng , máy gắp các linh kiện đã được tháo gỡ đóng thùng gởi đi. Còn lại chừng đâu mười mấy người trong nhóm chúng tôi ngồi quanh quẩn chờ đến ngày gởi về nhà. Chính thức là ngày 16 tháng 11 năm nay. Mấy bà Mễ vẫn cười đùa , biểu rằng : " Chỗ này bây giờ làm sân chơi bóng bowling cũng được. " Năm 1999 tôi vào đây làm , ở khu này mỗi ca là mấy trăm người. Tất cả có bốn ca A B C D thay phiên máy chạy không ngừng. Giờ đây ngổn ngang từng đống hàng , bàn ghế , bench , máy com piu tơ chờ được chuyển đi.

     
    Còn tiếp....
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.10.2007 02:39:21 bởi Tung Son >
    #2
      Tung Son 05.10.2007 00:18:09 (permalink)
      Xin việc làm

      Sáng thứ Hai hôm sau tôi xin phép nghỉ mấy tiếng . Từ hãng phôn qua bên sở tư nhân kiếm việc làm Ellwood nằm trên đường Ruffsnow chừng lối mười phút lái xe . Dạo này mấy cái sở manpower tìm việc  mọc lên như nấm nào là Addeco , Ellwood , Express vân vân ... Hãng lớn thông qua các sở nhỏ này mướn người với giá rẻ hơn , họ không phải trả những sở phí bảo hiểm sức khỏe , ngày lễ nghĩ vacation , chương trình 401K .

      Trong văn phòng nhỏ có ba nhân viên , trong đó có một cô người Việt vừa trông thấy dáng hai vợ chồng tôi bèn bước ra chào hỏi :
      - Hai bác xin việc làm ? Vậy cho cháu coi bằng lái xe hay là cái Ai Đi (ID , thẻ căn cước ) .

      Trong bóp tôi chỉ có bằng lái xe và thẻ thư viện . Cô nhân viên , Thao lắc đầu :
      - Bác không có cái thẻ nào khác chăng , chẳng hạn như là thẻ an sinh xã hội hay thẻ xanh ?

      Tối qua bận bịu lu bu luyện mấy phim Gia tộc phong vân tôi quên khuấy mất mấy cái thẻ này .
      - Không có thẻ này không điền đơn được .

      Mục đích tôi đến đây để điền đơn và làm bài giùm cho bà nhà tôi . Mẫu đơn application dài ba bốn trang chỉ thua đơn xin nhập quốc tịch Mỹ . Đôi khi có vài sở khó khăn , mình không biết điền đơn họ đuổi khéo về . Quanh quẩn cũng tên họ chỗ ở , làm ở đâu , làm việc gì , làm bao lâu , lương bắt đầu , tại sao nghỉ việc , có bị tù đày gì không ... Tôi ngồi yên , thỉnh thoảng ngó sang bà nhà tôi đang điền vào mấy dòng trống .
      - Thế có phải làm toán hay không vậy cô ?

      Cô Thao mỉm cười lắc đầu :
      - Không bác . Nhưng phải thử Drug Test .

      Cùng ngồi chung bàn với chúng tôi , một đôi vợ chồng cũng người Việt . Người vợ ngồi ôm đứa bé gái chừng đâu hai tuổi , mặt xinh xắn dễ thương . Ông chồng ngồi thừ ra trước cái đơn tiếng Mỹ loằng ngoằn , ngần ngừ hỏi tôi :
      - Chú à , cái này điền sao ?

      Tôi ngạc nhiên , ông chồng này còn trẻ trông có vẻ thông minh lắm mà .
      - Anh qua Mỹ bao lâu rồi , ồ mười mấy năm rồi à . Đây dưới cái chữ Last name anh để họ vô , first name cho tên anh vô . Còn cái ô này , anh làm hãng nào điền vô .
      - Dạ , em làm hãng Perlos làm vỏ phôn .

      Bà nhà tôi chợt nghe thoáng chữ Perlos , ngước mặt lên hỏi :
      - Ủa ! Ông làm ở đó à , tui cũng làm ở đó năm 2000 ca A , còn anh ?
      - Tôi hả , tui mần ca Bi (B) . Tui làm gì hả ? Đứng máy , machine operator . Còn cái ô này điền sao chú ?
      - Nó hỏi cậu lương lúc nghỉ việc là bao nhiêu . Mười một đô hả . Ghi vô .

      Có nhiều người nhanh nhẹn biết cách xoay sở khi xin việc . Không có kinh nghiệm xin việc làm rất khó , bởi vậy  nhưng khi xin việc cứ ghi bừa vô . Dạo năm 1984 tôi lò mò từ thành phố Oklahoma City xuống Fort Worth kiếm việc  , sau khi học khoá căn bản về điện tử , vô hãng điện Radio Shack và phải thi bài trắc nghiệm hơn 120 câu . Mới học ở trường ra , tương đối pass cái bài test này không khó lắm . Đến khi vô điền đơn , hỏi có kinh nghiệm làm việc ở đâu chưa . Tôi sực nhớ một người bạn ở chung nhà , dặn dò là phải ghi vào làm ở đâu cũng được , không có họ không mướn đâu . Ở Việt Nam ngoài công việc test mấy vỏ ruột cao su xe đạp , xe gắn máy , xe hơi , đo độ tensil strenght đàn hồi dài ngắn , tôi rảnh rổi cùng bạn chung sở cắt vỏ xe hơi làm dép râu mang , chỉ tội là hay đen chân . Rồi khi nghỉ sở ở nhà đem giao giò chả bán cho vợ bỏ mối ngoài chợ . Lúc đó ngành điện tử rất mới mẻ ở Việt Nam , tôi đành ghi đại vào là sửa Ti Vi , Radio vào trong đơn . Ông phỏng vấn xem đơn gật gù cái đầu : " Good man , trả you sáu đô , ô kê ? "

      Năm đó lương tôi thiểu là 3,35 đô một giờ . Trả sáu đô cũng đủ sống . Lúc đó bà vợ và thằng con trai mới được ba tuổi còn ở Việt Nam . Xuống thành phố này tôi quen được một ông bán thịt ngoài chợ . Ổng mướn một căn apartment hai phòng ở khu Mỹ đen trên đường Lancaster 300 đô một tháng . Nhà se (share) phòng ở tôi nhớ là bảy người . Thương tình tôi bơ vơ , ông bạn tốt bụng chỉ lấy tôi 100 đô bao hết mọi thứ , tối chỉ có việc chun vào một cái ghế sa lông ngoài phòng khách ngủ mặc kệ tiếng léo nhéo của chiếc ti vi màu Sony .

      Cậu thanh niên này chắc giống như tôi , nhưng can đảm hơn nhiều . Một chữ tiếng Anh không biết mà dám xin vô đứng chạy máy machine operator . Ngày đó tôi cũng dắt bà nhà tôi điền đơn xin việc ở hãng Perlos . Bả nhát lắm , biểu ghi thêm vài công việc điện tử vớ vẩn , bả nhất quyết không chịu cứ nằng nặc : "Ông ghi vô là tui may áo quần chuyên nghiệp . " Vô xin việc ở hãng điện mà kinh nghiệm hãng may . Bố nó cũng trả tiền cao . Vào phỏng vấn interview với một bà Mỹ gốc Mễ , bà này có vẻ thành kiến với dân đầu đen , dạo đó dân vào khá đông cả một phòng , tôi dặn dò khi nào tôi cúi đầu xuống là bả nói Yes , tôi lắc đầu là nói No . Thế vậy mà bà nhà tôi cũng được nhận . Công việc không khó khăn lắm , chỉ cần có đôi mắt tinh là được . Cầm hai cái vỏ phôn , một cái tốt và một cái hư . So sánh làm sao để tìm ra vết trầy vết nứt . Những người thợ may chắc chắn mắt phải tinh tường , nếu không sao xỏ chỉ qua lổ kim được . Hôm sau hai vợ chồng tôi vào hãng Perlos làm . Hãng này có diện tích mặt bằng rất rộng , kê đầy các máy móc tân tiến , có cả những giàn máy rô bô gắp linh kiện tự động . Công việc của công nhân dây chuyền đường line là nhặt những cái vỏ phôn đủ loại , sắp xếp , xem xét và bỏ vào khung . Việc làm chưa nhìn thì thấy khó , bắt tay vào cũng dễ thôi . Trong đây tôi gặp mấy bà đầu đen , họ ở quanh khu nhà tôi và đã làm được mấy tháng . Tôi nhờ họ giúp đỡ những khi bà nhà tôi làm ở đây và bỏ đi về nhà . Lương dây chuyền là 8 đô một giờ , đứng máy 9 đô .

      Một lát sau cô Thao cầm hai cái miếng trông như bông gòn màu trắng , biểu bà nhà tôi và ông nọ ngậm vào miệng vài phút . Con bé dễ thương đang được mẹ bồng trong tay , chồm người tới đòi lấy .
      - Chắc nó tưởng đó là viên kẹo , sorry nhé !

      Cô Thao nhúng từng miếng bông gòn thấm đầy nước miếng vào trên mẫu giấy nhỏ có chua những chữ viết tắt gì đó . Tôi chưa hiểu cách thức thử ra sao . Thông thường được thử với nước tiểu và đưa vào phòng lab để phân tích xem có dùng thuốc Drug hay không như cần sa , bạch phiến v.v... Chừng hai phút sau trên mảnh giấy thuốc một màu tím nhạt hoa cà từ từ hiện và đi lên . Cô Thao mỉm cười nói :

      - Được rồi ngày mai bà và ông này đi làm . Good luck !

      Cô Thao cắt nghĩa cho biết tôi , khi người có dùng thuốc loại nào , ngay vạch chữ đó sẽ hiện nét đậm rõ cho biết người đang xài thuốc gì .

      Còn tiếp

      TS 4.10.2007
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.10.2007 02:39:47 bởi Tung Son >
      #3
        Tung Son 05.10.2007 22:38:57 (permalink)
        Xin việc làm
         
        Buổi chiều hôm sau bà nhà tôi đi làm về mặt hớn hở :
        - Ông ơi ! Vô làm công việc dễ lắm . Hãng Cinram lúc trước có tên là Motorola , trong đó chỗ tui làm có hai chục đường line (dây chuyền) , mỗi line mười mấy người . Phôn nó chạy ra mình cứ cắm vô đầu dây côm biu tờ , thấy hiện ra chữ Pass là được . Có điều thằng cha Mỹ đen coi đường line nói nhiều quá tui nghe không hiểu , à này ông ! Cắm vô tiếng Mỹ là gì ?

         
        Tôi gãi đầu suy nghĩ một lát :
        - Cắm vô thì có vài chữ , nếu mình cắm vô lỗ điện thì là "plug" , còn "insert" thì đút vô , "install" là lắp ráp " , "put together , connect " cũng là cho nó vô , không hiểu ông Mỹ đen nói chữ nào .
        - Tôi đâu có nhớ , nhưng mà sao nhiều quá tui làm sao nhớ hết . Trong hãng có mấy bà đầu đen thấy tui bập bẹ vài chữ : " Sao chị nói tiếng Mỹ giỏi quá , em nhờ chị tí nữa giờ nghỉ chị lên văn phòng cùng em làm cái thẻ ra vào cửa .
        - Rồi bà có giúp dùm cô ta không ?
        - Cô cái gì , bà ta là má của cái cô Loan bán tiệm ăn Phú Lâm đầu ngõ . Cô Loan nấu món chi ông cũng khen ngon . Cổ mới bảo lãnh hai ông bà được mấy tháng , giờ vô đây làm . Con mẹ ấy lăng xăng lắm , lúc sáng sớm hôm nay bắt đầu chờ ngoài cửa để tụi tem (nhân viên kiếm việc) dán cho mảnh giấy trên ngực để vào cửa , bả lanh chanh chen lên hàng đầu . Đến khi Mỹ hỏi , ú ớ không biết trả lời câu nào . Làm từ sáu giờ sáng , 9 giờ 45 mới nghỉ break (nghỉ giải lao) , một giờ trưa ăn cơm và 5 giờ 45 tan sở . Đứng suốt 12 giờ mỏi chân gần chết , có nhiều con Mễ Mỹ chịu không nổi đi về nhà luôn . Gặp tui ngoài nhà ăn , a " Sao chị không giúp em vậy ? " , đứng từ sáu giờ sáng đến gần mười giờ mới cho nghỉ phải kiếm ngồi mà nghỉ chớ .

         
        Thường các hãng điện tử tôi làm đều có ghế để ngồi làm việc , Radio Shack , Halliburton , nhưng có vài hãng phôn như Nokia công nhân đứng đường dây chuyền phải đứng suốt 10 hay 12 tiếng mỗi ngày . Giờ đây tôi đứng chừng nửa giờ là run lên chịu không nỗi , phải kiếm chỗ mà ngồi . Chỗ tôi làm hiện nay ngồi suốt cả ngày , cứ năm mươì phút đi lòng vòng cho đỡ mỏi chân . Tôi có quen một anh bạn đầu đen , bây giờ là chủ một hãng tư sửa lặt vặt đồ điện tử , laptop , camcorder , máy ảnh digital ... cứ hay lắc đầu : " Mướn mấy cha đầu đen cứ hay đi restroom , mỗi lần ra vô hết 10 phút , ông có biết không mỗi người một ngày tôi mất hết một giờ , nhân viên tôi mấy chục người tôi mất là bao nhiều . "  Tôi nghe hơi phật ý , cảm thấy lời thật mất lòng . Đứng trên cương vị một người chủ phải trả tiền cho công nhân , muốn đồng tiền công phải xứng đáng với công việc làm . Tôi thà thất nghiệp cũng không muốn làm cho những ông chủ như vậy .
         
        - Thế bà mỏi chân chân quá thì làm sao ?
        - Thì có người dựa trên cái bench (bench , bàn làm việc có thể dài chục mét)  mà nghỉ , có ông ngồi bẹt xuống đất . Ở đó tui nghe nói có nhiều bà đứng lâu quá , máu dồn xuống đất sưng vếu lên .

         
        Hằng năm tôi đều đi kiểm tra sức khỏe , năm nào cũng vậy nhận báo cáo sức khỏe của bác sĩ : "Lượng mỡ HDL , LDL cô lét tơ rôn của ông cao đấy . " Tôi cố đai ết đai ớt mà người lúc nào cũng hơn 160 pao , đổi ra đơn vị quốc tế ngót nghét 80 kí , loại đô vật hạng nặng . Bà nhà tôi cũng lên cân không ít 110 cân . Một hôm đọc được bí phương của Trường Sinh Quyết trong Đại Đường Song Long Truyện , cứ ăn cơm ăn gạo ít đi . Ông bà mình có câu : " Thuốc ba thang , người ba chén "  . Tôi cứ theo cách theo cách đó , coi bộ không khá thôi đành "Thuốc lá ba gói , người chỉ hai chén thôi " . Mà đúng thiệt , đâu chừng hai tuần tôi xuống hẵn 5 kí lô . Bà nhà tôi nửa tin nửa ngờ . Bà cứ tin tui đi , tui làm gương rồi mà . Bà nhà tôi sau khi làm hãng Nokia , Perlos qua hãng may nón , chuyên ngồi bây giờ qua hãng Cinram chuyên đứng , không biết chịu nỗi bao lâu , bèn an ủi :
         
        - Hãng này xem coi , hôm qua thứ Ba bà làm , mai mốt xuống ca rồi ba ngày cuối tuần vào ca . Vậy ngày mai tui đưa bà xin việc hãng khác , tui nghe nói hãng ATC có bà Nga lùn cũng check phôn mà ngồi không hà . Công việc cũng dễ chỉ xem xét phôn thôi .
        - Ừ cũng được , nhưng tui sợ nó cho vô bấm máy còm biu tơ hiện chữ tùm lum tùm la là tui nghỉ ở nhà .

         
        TS 5.10.2007

        Còn tiếp
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.10.2007 02:40:12 bởi Tung Son >
        #4
          Tung Son 09.10.2007 22:17:57 (permalink)
          Xin việc làm

          Con bé Linda nhà tôi trông thấy mẹ đi làm về , ôm chầm lấy :
          - Con nhớ má quá .
          - Xạo không hà .
          - Thiệt mà , má thấy không . Tối qua con ngủ chung với má đâu có đạp lưng má phải không , nhưng hình như chân con đau quá .

          Tôi cười và xoa đầu con bé :
          - Chắc con đạp chân vào thành giường rồi . May là chân giường bằng sắt , chớ bằng gỗ tre chắc gẫy hết rồi .

          Linda cười tươi , khoe :
          - Má biết không hôm nay ở nhà con biết nấu hai món .
          - Món gì vậy ?
          - Trứng gì mà quậy quậy đó .
          - Trứng bắc , còn món kia .
          - Làm bánh pancake . Dễ lắm má , cứ cho bột vào chảo hấp một lát là thành bánh .

          Bánh pancake hay gọi là bánh kếp , có chỗ gọi dẹp như bánh đa không đúng lắm , dày hơn bánh tortilla của Mễ hay bánh nan của Ấn độ . Thành phần bánh gồm có bột mì pha với trứng , loại bánh này có bán sẵn ngoài siêu thị hơn nửa kí một hộp . Mua về cứ theo công thức pha chế in ngoài hộp mà làm . Buổi chiều con bé Linda đến bên tôi hỏi muốn làm bánh pancake :
          - Biết làm không con ?
          - Dễ mà bố , nó chỉ hết trơn . Nhưng bố chỉ cho con biết cách mở bếp ga .
          - Ờ ! Để bố gọi chị Kim ra giúp con nhé !

          Được một lát nó chạy vào mếu máo :
          - Kim la con kìa bố , bố ra mắng Kim đi .

          Tôi chạy ngoài patio xem nó làm đến đâu rồi . Chiếc bánh pancake nằm ịn trong cái chảo bé tí . Mặt dưới cháy khét , dính vào chảo không lấy ra được .

          - Con phải dùng cái chảo không dính mới được , làm như vầy nè . Cho tí dầu vào mặt chảo xoa xoa một chút , đổ bánh vô rồi đậy nắp lại . Chừng đâu mấy phút con dở nắp ra xem thấy hơi nâu vàng lật qua mặt kia , đợi một chút cho bánh vàng đều là xong . Thế Linda biết làm chưa ?
          - Dạ biết rồi bố . Bố cứ vào chơi cờ đi .

          Nó làm như tôi rãnh rỗi lắm . Bà nhà tôi đi làm mãi bảy tám giờ tối mới về , ở nhà tôi phải lo cơm nước cho cả nhà .
          - Linda xong chưa con ?
          - Dạ , sắp xong rồi bố .
          - Ủa , nguyên một hộp bánh sao làm được có mấy cái vậy con ?
          - Ồ ! Cái nào nó đen con cho con chó phóc Bé Sô xơi hết .

          Cơm nước tôi dọn lên . Canh bầu nấu tôm theo kiểu mới trong nét , vỏ râu tôm đừng dục bỏ đem xào với hành . Lấy nước cốt nấu với bầu , màu nước màu đỏ váng gạch tôm . Món cá bass chiên sốt cà chua thơm ngát , cộng thêm món bí xanh kho gừng .

          Bà nhà tôi cầm đôi đũa khuây khuấy trên các món ăn tôi vất vả mấy tiếng đồng hồ nấu nướng :
          - Tui nói ông rồi , thà làm cá chiên dòn dễ ăn hơn cá sốt cà . Cá sốt cà ông phải gỡ thịt ra rồi xào , trông không hấp dẫn tí nào . Còn món bí kho mới ăn tuần trước lại ăn nữa , thà là ông luộc lên chấm nước mắm ăn còn được .

          Tôi ráng cười , lấy lòng vợ :
          - Ờ , ngày mai tui nấu bí luộc cho bà ăn cho khỏe nhé .
          - Hôm nay bí kho mai bí luộc ăn gì nỗi .

          TS 9/10/07
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.10.2007 02:40:37 bởi Tung Son >
          #5
            Tung Son 12.10.2007 22:28:10 (permalink)
            Xin việc làm

            Hôm sau khoảng mười giờ sáng , tôi nhớ ra là có hẹn với bà nhà tôi tại văn phòng kiếm việc làm Express . Tôi không muốn gặp mặt trực tiếp với ông xếp Mỹ , bèn nhấc phôn lên gọi :
            - Hê lô , tui muốn nghỉ mấy tiếng bệnh .

            Trong phôn tôi nghe chừng như ông ta có vẻ ngần ngừ , và sau cùng hắn nói : "Ừ , nhớ ghi giờ giấc vào ."

            Tôi nghĩ bụng , lầm bầm : "Giờ này trong hãng có gì đâu mà làm . Cả cơ sở chế xuất rộng lớn như sân đá banh đang chất chứa đầy những bàn ghế , kệ chờ đấu giá . Chừng hơn một tháng tao với mày cũng xếp hàng lãnh tiền thất nghiệp thôi . Không cho , ông cũng nghỉ . "

            Tôi tới văn phòng sở Express chừng mươi phút , đã thấy bà nhà tôi chờ sẵn ở đó . Nơi đây lèo tèo vài người vào xin việc . Một cô người Mỹ chừng đâu đôi mươi tươi cười đưa chúng tôi hai lá đơn và kèm theo là hai tờ giấy thi toán chi chít toàn chữ Anh . Mấy bài toán đố này đối với tôi không khó lắm , có lẽ con bé Linda nhà tôi đang học lớp bốn có thể giải được .

            Cô nhân viên Mỹ trắng dáng cao lớn như bà đầm xòe cầm lấy hai tờ đơn , chăm chú đọc một hồi , ngẩng đầu mỉm cười :
            - Ông có kinh nghiệm làm hãng điện tử nào chưa ? Trong đơn này ông ghi làm nghề rửa chén mười mấy năm , à xem ! Còn hãng cuối cùng ông làm là bếp trưởng nhà hàng . Ủa ! Nhà hàng IHOP à ! Tụi tui cũng hay tới đó ăn lắm , sao chúng tôi không gặp ông nhỉ ?

            - Tại tui làm dưới bếp .

            Trong đơn tôi đề nơi làm việc là Hop restaurant , có lẽ cái cô đầm Mỹ mắt sáng quá nên đọc nhầm chăng . Lúc điền đơn xin việc tầm xàm này , tôi chợt nhớ ra cái quán phở Hợp nằm trên đường Beo ngáp (Belknap) , ghi đại vô làm cook lương 12 đô một giờ . Tiệm IHOP hoàn toàn của Mỹ , phục vụ các món ăn sáng như bánh kếp pancake  , trứng chiên trứng bắc , xúc xích , thịt bò chiên (fried steak) .
            - Ông đang làm lương cao như vậy tại sao lại xin vào làm hãng điện ?

            Bố tôi cũng không dám khai là đang làm hãng phôn , nếu biết họ không cho điền đơn và phỏng vấn làm mất thời gian của họ . Tưởng gì thì dễ thôi , tôi cười mỉm chi :
            - Cô biết làm nhà hàng nóng lắm , tôi muốn kiếm hãng nào có máy mở máy điều hòa không khí lành lạnh một chút .

            Cô ta gật đầu , nói :
            - À ... không có kinh nghiệm về điện . Trả ông 8 đô một giờ nhé . Tí nữa thử nước tiểu rồi mai đi làm . Thế còn bà này , bà khai là có năm năm gói hàng , kiểm tra các loại xeo phôn . Very very very .... good . Trả bà tám đô rưỡi . Mai đi làm . Chiều nay cũng tại đây mời hai vị học lớp orientation chừng lối một giờ .

            Cô này có lối phát âm , kéo dài và lập lại ba bốn lần "Very very very ... good" y chang như cô giáo Nhàn dạy Anh văn trường trung học Võ Trường Toản những năm 1965 .

            Lúc ra ngoài bà nhà tôi hỏi :
            - Orientation là cái gì vậy ông ?
            - Thì nó giới thiệu hãng xưởng làm cái gì , công việc ra sao . Đây họ giới thiệu cho hãng ATC , cũng hãng sắp xếp phôn . Hồi xưa là hãng AT&T đó , lúc trước bà làm có hơn một tuần bà nghỉ . Hãng này ai không biết tiếng Mỹ là họ  cho đi về . Bà chắc là Ô kê không ?
            - Có sao đâu , tui quen mấy bà trong đó cũng bập bẹ tiếng Mỹ như tui . Bà Ngan , bà Ngáng làm mấy năm nay rồi lương hơn mười một đô . Công việc có khó gì đâu mà ngại .

            Đến hai giờ trưa chúng tôi quay lại văn phòng tìm việc . Trong đó lố nhố mấy chục mạng , trắng đen vàng đỏ đủ cả . Phòng họp bé xíu không đủ chỗ , chúng tôi phải ngồi ngoài hành lang . Sau khi yên vị đâu đó một cậu thanh niên Mỹ đứng lên giới thiệu hãng ATC . Tôi lơ đãng ngó tới ngó lui . Bên cạnh tôi , một cậu thanh niên da đen chừng đâu mới học xong trung học , áo quần tươm tất . Cậu cứ mãi xắn vén ống quần jean , hé mở đôi giày thể thao chơi tennis trắng tinh . Tôi hỏi nhỏ cậu :
            - Chà ! Đôi giày cậu mang hiệu Nike đẹp quá há . Bao nhiêu vậy ?

            Cậu nhe hàm răng trắng ra :
            - Trăm rưỡi đô .
            - Ríu ly ?  (3)

            Tôi nghĩ bố mẹ cậu chẳng cho cậu bấy tiền để mua đôi giầy đắt tiền như vậy , có lẽ tiền này do cậu đi làm . Tôi chỉ xuống đôi giầy nâu cũ kỷ đã mang mấy năm , bạc thếch  :
            - Giày tui hơn hai trăm đô , cậu muốn đổi không ?
            - Ríu ly !
            - Không tin hả , giầy này là loại này đặc biệt chung quanh bọc thép steel shoes đó .

            Cậu ta bèn giơ chân ấn xuống mũi giầy tôi , toét miệng ra cười tỏ vẻ tin những lời tôi nói . Trong hãng phôn tôi làm bắt buộc phải mặc áo choàng smock ESD , và mang giầy thép ESD do hãng cung cấp . Đôi giầy nặng một ký rưỡi , mang đôi này thượng đài có thể ngang ngửa với đôi chân của lão Tây Độc hay Lỗ Tử Cước trong truyện Thần Điêu Đại Hiệp .

            Chú thích :
            1. TWC : Texas Workforce Commission : Sở Thất Nghiệp của tiểu bang Texas .
            2. Orientation  : hướng nghiệp
            3. Ríu ly : really : thật không ?
            4. ESD : Electrostatic Discharge : Tĩnh điện , có thể hơn ngàn vôn .

            Còn tiếp

             
            Andy Trần 12.10.07
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.10.2007 02:41:03 bởi Tung Son >
            #6
              Tung Son 18.10.2007 04:12:55 (permalink)
              Xin việc làm
               
              Khoảng 7 giờ ngày hôm sau từ trong hãng phôn tôi gọi về nhà xem các con đi học chưa . Bỗng tôi nghe tiếng bà nhà tôi trả lời . Ngạc nhiên quá đỗi , tôi hỏi han :
              - Ủa ! Tui tưởng bà đi làm rồi chứ .

               
              Bà nhà tôi cười :
              - Không làm nữa ở nhà cho ông nuôi .
              - Sao vậy ? Chắc họ nói không hiểu tiếng Anh rồi họ đuổi về phải không ?

               
              Tiếng bà nhà tôi có vẻ hơi dỗi hờn :
              - Ông này thiệt là ... làm như tui dốt lắm .

              - Thì tui nghe bà Ngan bà Ngáng nói là hôm bữa cũng có một ông vô làm , siêng năng lắm , thấy một bà Mễ đang xếp phôn vô hộp rồi le te tới giúp , ngó sang bà Mỹ đen đang dán lê bầu (label = nhãn hiệu ) cũng lót tót bò sang . Bà xếp Mỹ trông thấy ông này lăng xăng đầu này đầu kia , bước tới khen ngợi : "Ông làm siêng quá , vô làm lâu chưa ? Ông nọ nhìn bà xếp , nghĩ ngợi một lát ậm ừ : " Yes . " Bà xếp tưởng ông này nghe không rõ , hỏi tiếp : "Ông ngưòi nước nào ? " Ông nọ gật đầu , nói chắc chắn : "Yes ." Bà xếp hơi bực bội : " Ông có nghe tôi nói gì không ? " Yes " . "Thế ông có muốn tôi cho ông về nhà nghỉ không " . Ông kia nói rõ to : " YES . "
               
              Bà nhà tôi cười :
              - Rồi sao nữa ?
              - Thì ổng ở nhà chơi chớ sao . Nhưng còn bà thì sao ?
              - Họ cho tui vào bấm máy côm biu tơ , tui lắc đầu không chịu . Hỏi nó có công việc nào gói phôn xếp phôn gì đó , nó nói bây giờ chưa : " Thôi chừng nào có việc đó sẽ gọi bà đi làm nhé . Vậy là tui ở nhà , nhưng mà không sao , trên hãng Cinram nó đang lấy người vô chính thức sau ba tháng có bảo hiểm đầy đủ . Ngày mai dắt tui đi xin việc tiếp nhé .

              - Ờ .
               
              Văn phòng nhận đơn của hãng Cinram nằm vào một góc của exit 66 trên xa lộ North 35 . Bên trong lố nhố mấy chục người đang chờ phỏng vấn . Ngay cửa sổ có một chồng đơn xin việc , tôi vớ lấy hai tờ và chúng tôi kiếm một góc bàn bỏ trống , ngồi điền đơn . Hầu hết là người Mễ đứng ngồi xì xào bu rí tồ , ta cồ um xùm . Thỉnh thoảng có một hai bà nhân viên hãng Cinram mặc áo thun vàng hay xanh lá cây cầm tờ đơn đứng gọi tên người Mễ , Hô dê (Jose) Ha vi ê (Javier ) inh ỏi . Đàn bà Mễ cứ năm người lại có ba người Maria . Trong hãng tôi có anh Mễ làm công việc hàn gắn linh kiện ( rework) tên Jose , nếu theo Mễ gọi là Hô Dê , chữ Ho dê nghe ra tiếng Mỹ là Hose A (vòi hay ống A ) , thỉnh thoảng tôi hay gọi đùa với hắn , you có thằng em là Hose B phải không , mới đầu hắn ngẩn người chưa hiểu , nhưng sau tôi nhấn mạnh vài lần hắn hiểu ngay .
               
              Việt Nam ta chỉ vỏn vẹn mấy người , chúng tôi ngồi đợi hơn nửa tiếng chưa thấy ai ra gọi tên . Tôi chợt thấy một bà đầu đen từ cửa văn phòng bước ra lòng mừng thầm , nào dè bà ta xách cái cặp ra cửa đi mất . Tôi ngó đồng hồ 12 giờ trưa , lẩm bẩm : " Chắc bả đi ăn , đành ngồi đợi thôi . Mình cũng đói bụng nhưng mà tí nữa về nhà xơi luôn . " Khoảng một giờ bà ta trở lại , rồi đi tới đi lui và gọi tên bà nhà tôi :
              - Toan Phan .
               
              Dù tên gọi không chính xác lắm nhưng có lẽ nộp đơn nhiều lần , bà nhà tôi nhận ra là cô ta gọi mình , dạ rõ to . Người Mỹ cứ nhìn tên Toan mà cứ nhầm lẫn gọi Tôn hay là  Dô an (Joan) .
              - Mời chị theo tôi .

               
              Thế là hai bà lững thững đi vào một căn phòng nhỏ . Trong khi tôi đang nhắm mắt lim dim ngoài phòng chính , chợt trông thấy một cô gái trạc hai mươi mấy dắt tay hai ông bà già vào xin việc . Cô nói tiếng Anh khá lưu loát trôi chảy với mấy nhân viên văn phòng . Một ông Mỹ già đang đứng đó ngó cô bé khá dễ thương , tới gần hỏi han :
              - Cô xin việc làm hả ?

               
              Cô ta lắc đầu :
              - Không , tôi xin cho ba mẹ tôi .
              - Ba mẹ cô có làm ở đâu chưa ? Chưa bao giờ à ! Ừm nhưng không sao , tôi là manager ở đây để tôi bảo cô Nhung coi đơn , còn cô trước có làm ở đâu không ?
              - Dạ , cháu đang đi học năm thứ hai , ngoài ra làm manager cho tiệm phở trong khu chợ Phú Lâm .

               
              Nghe chữ phu lem phu lam , tôi đoán cô này có lẽ là người Việt . Nhìn kỹ một chút , té ra là cô Loan có một lúc làm việc ở đó . Tiệm đó cách đây mấy năm là nhà hàng Phú Lâm bán thập cẩm đủ thứ , phở bánh cuốn cơm mì bún như đa số các nhà hàng Việt Nam bên Mỹ , đôi khi họ nhận tiệc đám cưới . Có lần tôi đi ăn đám cưới thằng cháu tôi , ăn nhằm dĩa mì xào có mùi muốn hư , tôi hỏi ai là quản lý nhà hàng , một cậu hầu bàn chỉ ngay cô Loan này . Cô ta còn trẻ bằng tuổi con trai đầu tôi , nói năng rất có duyên nhe chiếc răng khểnh ra cười :
              - Có chuyện chi hả chú ?
              - Chú muốn hỏi ....

               
              Cô Loan lắc đầu lia lịa :
              - Cháu còn đi học , chưa muốn cưới hỏi chi sớm .
              - Không , tôi muốn hỏi cô là cô làm manager nhà hàng này phải không ?

               
              Cô ta cười nói xoen xoét :
              - Dạ, có chi không chú , các món cháu nấu ngon không ?
              - Ngon thơm lắm , tính hỏi cháu có nhận người làm không ?
              - Có , cần thợ nấu hay chạy bàn . Thế chú xin vào job gì ?
              - Chú thì dễ lắm , job nào cũng được . Nhưng nếu mà có cái job nào đứng chỉ tay như vầy nè ... thì chú vào làm .

               
              Cô Loan cười , bỏ vào trong lo công việc bếp núc .
               
              Ông Mỹ gật đầu , lật tờ đơn coi đi coi lại , nói :
              - Nếu mà cô vào làm , với kinh nghiệm manager của cô tôi trả cô mười lăm đô một giờ . Công việc là đứng trông coi đường line dây chuyền , cô chịu không ?

              - Ô ! Yeah .
               
              Manager một tiệm ăn Việt Nam vỏn vẹn chỉ có mấy người , công việc chỉ có mua rau mua thịt , về sửa soạn nấu nướng . Theo như tôi biết cô ta là cháu của bà chủ một cơ sở khu chợ Việt Nam gần đó . và được bà chủ tín nhiệm giao coi cửa hàng . Ngày xưa hồi những năm 90 , tôi có một hai đứa cháu qua Mỹ đứng bán cửa tiệm Seven Eleven , viết thư về nhà làm "Manager" một cửa tiệm . Bố tôi là chú của bố nó , mẹ nó cầm lá thư khoe nhí nhắng hàng xóm : " Con tôi bên Mỹ làm giám đốc một tập đoàn kinh doanh nhất nhì nước Mỹ , mà cháu chỉ mới hai mươi mấy tuổi thôi . Bà con lối xóm hết lời khen ngợi , thằng con chị giỏi quá làm nở nang mày mặt cho dân Việt . Bên này đi thanh niên xung phong thủy lợi thấy mẹ , mặt mày lúc nào cũng dính đầy sình đầy đất , qua bển làm đến chức giám đốc lận .
               
              Cửa hàng bách hoá 7 Eleven có cả ngàn tiệm trên đất Mỹ , nghề bán hàng trong tiệm này rất nguy hiểm rủi ro đến tính mạng chỉ đứng sau nghề làm cảnh sát . Tại sao hả , cướp hay vô tiệm lắm .
               
              Biết vậy tôi xúi dại bà nhà tôi điền đại là làm manager nhà hàng nào cũng được , lương cao đứng chỉ tay năm ngón .
               
              17/10/07
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.10.2007 02:41:31 bởi Tung Son >
              #7
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9