Sự phát triển của lực lượng cánh tả Trung Quốc Từ những hồ sơ lưu trữ của QTCS về Trung Quốc ta có thể thấy trong suốt năm 1928 Bộ Chính Trị ĐCS Trung Quốc muốn theo đuổi một chính sách vũ trang mạnh mẽ hơn của QTCS trong hiện tình cách mạng Trung Quốc. Ví dụ như một tuyên bố vào tháng 5 1928 của Bộ Chính Trị ĐCS Trung Quốc đã phê phán Hội Nghị Toàn Thể Ban Chấp Hành QTCS lần 9 vào tháng 2 năm ấy. Tuyên bố nhấn mạnh rằng "cao trào cách mạng" vẫn đang tiếp diễn và nghị quyết của QTCS đã "đề cập quá ít về sự thiếu sót của viễn cảnh cho sự ổn định kinh tế và chính trị của giai cấp thống trị" ở Trung Quốc.[84] Cục Viễn Đông thuộc Ban Chấp Hành QTCS, được thành lập ở Thượng Hải vào năm 1926 để hướng dẫn những đảng cộng sản châu Á, đã thuyên giảm xuống còn một nhóm cốt cán ít ỏi trong thời kỳ này và đã không nắm lại vai trò chỉ đạo hoàn toàn cho đến mùa xuân 1929.[85] Đại diện của Cục Thông Tin Quốc Tế (Otdel Mezhdunarodnoi Svyazy hay OMS) thuộc QTCS là A.E. Albrecht (Abramovich), lãnh hai trách nhiệm: phân bổ ngân sách và đại diện chính trị trong thời kỳ gián đoạn này. Vào thượng tuần tháng 6 1928, từ Thượng Hải Albrecht đã viết thư cho Moscow than phiền về "tính manh động" trong ĐCS Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển đến các vùng nông thôn. Ở miền nam các tỉnh Hồ Nam, Sơn Tây và phía bắc Quảng Đông, quân đội vẫn tiếp tục giao tranh. Nhưng nó đã xa rời quần chúng và hành xử như "một nhóm thổ phỉ". Albrecht quy trách nhiệm cho đồng nghiệp của mình, một đại diện QTCS tên Mitkevich (còn có tên là Olga), là đã gieo rắc tinh thần manh động trong ĐCS Trung Quốc.[86] Nhưng bản thân Mitkevich cũng đã phê phán những hành động thái quá của Xô Viết Hải-Lục-Phong: ví dụ như mệnh lệnh bắt tất cả nhà cửa phải được sơn đỏ, và "chủ trương tàn phá các huyện lỵ (là trung tâm quyền lực của giới địa chủ và quý tộc)".[87]
Mặc dù Albrecht báo cáo việc người Nhật can thiệp vào Tế Nam (Jinan - ND) đã dẫn đến việc "đẩy mạnh phong trào quần chúng tại thành thị", nhưng trọng tâm của ĐCS Trung Quốc đã hướng về vùng nông thôn. Các toán quân cộng sản do Chu Đức (Zhang De - ND) và Trần Nghị (Chen Yi - ND) chỉ huy đã kết hợp với lực lượng của Mao Trạch Đông tại vùng biên giới Hồ Nam - Giang Tây vào tháng 4 1928 để tạo thành một vùng cơ sở nông thôn. Sau thất bại của Xô Viết Hải-Lục-Phong vào tháng 3, một số người tham gia đã rút vào vùng núi non phía đông Quảng Đông, trong khi một số khác có thể đã quay về Quảng Châu và hoà nhập với quân đội Quốc Dân Đảng. Những người còn lại hoà chung với làn sóng tị nạn đang dồn lên trong năm 1927 hướng về những cộng đồng người Hoa ở Nam Dương.[88] Làn sóng của tầng lớp lao động Trung Quốc đổ về khu vực Đông Nam Á rõ ràng là đã thúc đẩy việc thành lập Uỷ Ban Lâm Thời Nam Dương và từ đấy đã củng cố ảnh hưởng của uỷ ban này đối với phong trào cộng sản Việt Nam. Bộ Ngoại Giao Pháp đã báo cáo rằng cho đến năm 1927 tại Sài Gòn, Chợ Lớn và Phnom Penh đã có một "con số đáng kể của người Hoa" trong thành phần cu-li và phu bến tàu. Tại Bắc Kỳ người Hoa có mặt rất đông ở "một số các vựa mỏ".[89]
Những người tị nạn trong đó bao gồm cả những người cộng sản lẩn trốn, đã được lôi cuốn vào cộng đồng lưu vong được tổ chức chặt chẽ ở nơi mà Quốc Dân Đảng đã có cơ sở vững vàng. Báo cáo của Pháp về vấn đề người nhập cì cho biết rằng "những người Trung Quốc tại Đông Dương đều nhận là có liên hệ với tổ chức dân tộc Quốc Dân Đảng... Họ đã bị bắt buộc tham gia, và họ không dám cưỡng lại quyền lực của các "Hội Đồng" vì chúng đều trực thuộc dưới quyền của một Tổng Đoàn thuộc Quốc Dân Đảng."[90] Ta không rõ những cơ cấu cộng sản vào năm 1928 đã ẩn mình ra sao trong lòng tổ chức Quốc Dân Đảng. Tại Quảng Châu, như ta đã thấy, một số thành viên cộng sản người Việt vẫn nằm trong cơ cấu của Quốc Dân Đảng cho đến cuối năm ấy để tiếp tục những lớp tập huấn bí mật của mình cũng như để mưu sinh. Tại những nước thuộc địa Đông Nam Á, họ cũng phải làm như thế đơn giản là để sống còn. Ví dụ như tại Singapore, thành phần cánh tả chịu ảnh hưởng của cộng sản (được biết đến như là phong trào Main School) đã kiểm soát 21 trong số 29 chi bộ Quốc Dân Đảng vào tháng 4 1928.[91] Nhưng Uỷ Ban Nam Dương có lẽ đã thiết lập một cơ chế mặt trận mới trong năm ấy nhằm giữ nguyên tổ chức, như tôi sẽ phân tích thêm ở dưới.
Trong khoảng giữa năm 1928 và 1929 không khí trí thức cánh tả tại Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng từ nỗ lực chấn hưng khối Quốc Dân Đảng tả khuynh, không phụ thuộc vào QTCS. Vào tháng 5 1929 Hội Đồng Chí Tái Tổ Chức được thành lập. Cụm từ "tái tổ chức" hàm ý về tinh thần của phong trào tái tổ chức Quốc Dân Đảng trong năm 1924, được thực hiện dưới ảnh hưởng của Borodin. Nguyên nhân tiên khởi kích động việc thành lập tổ chức này chính là việc Nhật chiếm đóng Tế Nam trong tỉnh Sơn Đông trong cùng tháng ấy.[92] Nhưng theo quan điểm của So Waichor, thành phần Quốc Dân Đảng cánh tả không bằng lòng về việc Tưởng Giới Thạch đã lơ là những nguyên tắc cơ bản của họ: phản đế và cải cách điền địa .[93] Cái lý tưởng mà Hội Đồng Chí đại diện từ 1928 đến khi nó sụp đổ vào năm 1931 là để "nhắm vào sự đồng tình của "giai cấp bị bóc lột" ở Trung Quốc, bao gồm nhiều thành phần xã hội như giới trung thương và tiểu thương, giới nông dân - từ tiểu địa chủ đến lao công nông trại, giai cấp lao động, giai cấp tiểu tư sản, trí thức và thanh niên."[94]
Ảnh hưởng trí thức của nhà lãnh đạo Hội Đồng Chí là Trần Công Bác (Chen Kungpo - ND) đã vượt ra ngoài phạm vi Quốc Dân Đảng. Ông là một học giả được đào tạo tại Mỹ và một cựu đảng viên ĐCS Trung Quốc từng giữ nhiều chứ vụ quan trọng trong thời kỳ mặt trận thống nhất.[95] Tạp chí Cách Mạng Bình Luận (Ko Ming P'ing Lun - ND) do ông xuất bản từ đầu năm 1928 đến khi bị Tưởng Giới Thạch đóng cửa vào tháng 9 là một tờ báo có chiều hướng Marxist. Những người viết bài cho tạp chí đại diện cho phái cực tả của Quốc Dân Đảng và có cả những người "bạn đồng hành" cộng sản.[96] Một trong những tư tưởng do Trần Công Bác cổ xuý trong tạp chí và những bài viết khác là "Cuộc Cách Mạng Dân Tộc Trung Quốc có liên hệ chặt chẻ với cuộc cách mạng phản đế toàn cầu". Ông tin rằng Quốc Dân Đảng nên nhận lấy nhiệm vụ lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc của nhân dân thuộc địa Đông phương, từ đó thúc đẩy cách mạng thế giới.[97] Về vấn đề này ông khuyến khích việc thành lập một tổ chức "Quốc Tế Phương Đông" hoặc một "Tam Dân Quốc Tế" nhằm cân bằng thế lực với cả Hội Liên Hiệp Quốc Gia và Đệ Tam Quốc Tế ở Moscow. So Waichor đoan chắc rằng chủ thuyết phản đế của Trần Công Bác "đã gieo mầm tư tưởng về vấn đề này trong những người cánh Tả."
Việc thành lập một hội phản đế mới tại Thượng Hải vào tháng 7 hoặc tháng 8 "Liên Hiệp các Dân Tộc Phương Đông bị Áp Bức" có thể là kết quả hoạt động của Hội Đồng Chí (còn được gọi là "Tái Tổ Chức") trong Quốc Dân Đảng.[99] Liên Minh này sẽ đóng vai trò chủ chốt trong trong phong trào cánh tả ở Nam Dương trong giai đoạn từ 1929 đến đầu 1930. Sự ra đời của nó có thể đã tạo điều kiện cho nỗ lực của Hội Đồng Chí trong việc thành lập các chi nhánh hải ngoại tại Hồng Kông, Nhật, Việt Nam và Singapore.[100] Nhưng Liên Hiệp này dường như chỉ để dùng làm một vỏ ngoài hợp pháp cho những hoạt động cộng sản. Việc này có vẻ như đã lỗi thời - giống như một sự tiếp tục của mặt trận thống nhất giữa Quốc Dân Đảng - ĐCS Trung Quốc - có lẽ đã liên hệ đến chủ trương của Willy Munzenberg trong Liên Hiệp Phản Đế ở Berlin. Tại Đại Hội 6 QTCS ông đã lên tiếng về sự cần thiết của việc giữ vững ảnh hưởng cộng sản trong hàng loạt những tổ chức phi cộng sản khác.[101] Cho đến tháng 4 1929 Phu nhân Tôn Dật Tiên, nằm trong phong trào "Đệ Tam Đảng", vẫn được mang chức vụ Chủ Tịch Danh Dự trong tờ báo của Hội Liên Hiệp.[102] Trong một lá thư viết vào tháng 3 1930, Cục Viễn Đông đã khen ngợi ĐCS Trung Quốc về sự "thành thạo trong việc sử dụng những khả năng hợp pháp và bán hợp pháp", trong đó bao gồm Liên Hiệp Phản Đế và "Liên Hiệp Tự Do".[103]
Một báo cáo của Uỷ Ban Lâm Thời Nam Dương (cho Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Trung Quốc) viết vào ngày 19 tháng 7 1928 đã phản ánh tầm quan trọng của phong trào phản đế trong giai đoạn này. Nó cũng đề cập đến việc đòi hỏi phải có một cuộc "đấu tranh không khoan nhượng" trong các tổ chức hàng đầu của Uỷ Ban.[104] Bản báo cáo cũng tường thuật một hội nghị toàn thể mở rộng bắt đầu vào ngày 2 tháng 7 1928. Hội nghị này bao gồm những đại biểu từ Bonero, "Tiểu Tổ Thuỷ Thủ Đặc Biệt", những tổ công nhân cao su, Liên Đoàn Thanh Niên Cộng Sản và Liên Đoàn Phản Đế.[105] Uỷ Ban Quảng Đông đã không gửi đại biểu tham dự; và cũng không thấy nhắc đến những đại biểu của chi bộ Nam Kỳ - Cam Bốt. Đại Hội Toàn Thể tuyên bố rằng tổ chức đảng của vùng Quần Đảo Mã Lai (một cách gọi khác của người Nga cho vùng Nam Dương) phải được tái tổ chức; mọi thành phần "phá hoại, thoái hoá và do dự" sẽ bị đào thải. Chỉ có "những đồng chí cương quyết, trung thực và quên mình" sẽ được đề bạt; những người xuất thân thành phần công nông được đưa thẳng lên hàng ngũ lãnh đạo. Hội Nghị đã dành ngày 3 tháng 8 cho những khoá giảng về phản đế, và nó đã được nhấn mạnh một cách đặc biệt trong chương trình đại hội. Các học viên được chỉ thị "đến với nông dân" và tổ chức "một đội ngũ quần chúng rộng rãi" để "tự nổi dậy" tham gia phong trào chống Nhật. Nhưng những hoạt động trên không được nhân danh Uỷ Ban Nam Dương. Báo cáo nói rằng "hiện tại chúng tôi không có khả năng lãnh đạo phong trào quần chúng một cách công khai dưới danh nghĩa đảng cộng sản". Vì thế phong trào ngày 3 tháng 8 đã được lãnh đạo một cách bí mật, nhân danh những tổ chức quần chúng như Hiệp Hội Kháng Nhật, Hiệp Hội Hoa Kiều Cứu Quốc, Hiệp Hội Tẩy Chay Hàng Hoá Nhật, vân vân.[107]
Điều lý thú là thời điểm của Hội Nghị toàn thể mà trong đó sắc lệnh tái tổ chức Uỷ Ban Nam Dương được ban hành lại rất gần với thời điểm của "Hội Nghị Tái Tổ Chức" của Kỳ Uỷ Bắc Kỳ của Thanh Niên vào tháng 9. Liệu chi bộ Nam Kỳ-Cam Bốt của Uỷ Ban Nam Dương đã nhận chỉ thị về việc cần phải "tái tổ chức" sau hội nghị toàn thể tháng 7? Liệu có những liên hệ gì giữa những nhà hoạt động người Hoa tại Sài Gòn hoặc Bắc Kỳ và những thành viên người Việt trong Thanh Niên? Rất có khả năng những tổ chức cộng sản Nghiệp Đoàn Thuỷ Thủ, Liên Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, Ban Bí Thư Nghiệp Đoàn Thái Bình Dương, hoặc những phần tử cộng sản trong Liên Đoàn Phản Đế đã cung cấp cơ cấu tổ chức để liên lạc và truyền đạt những giúp đỡ về chính trị. Ta có thể đoán ít nhất là động lực thúc đẩy Thanh Niên và chú trọng việc tổ chức tầng lớp vô sản đã được chuyển tải từ ĐCS Trung Quốc, có lẽ là qua ngõ Uỷ Ban Nam Dương mà không phải trực tiếp từ Moscow hoặc từ Hồ Chí Minh đang ở Xiêm. Uỷ Ban Trung Ương của Thanh Niên tại Quảng Đông hình như không liên quan đến việc này - theo như những sự kiện trong năm 1929 cho thấy.
Khi Lý Lập Tam (Li Li San - ND) từ Moscow quay về vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu 1928, ông đã nhanh chóng khuyến khích xu hướng thiên tả bên trong ĐCS Trung Quốc với phương pháp tạm thời đưa những người cộng sản Trung Quốc vào một mặt trận thống nhất hạ tầng với những thành phần cánh tả của Quốc Dân Đảng. Đây là một khía cạnh trong chính sách của Lý Lập Tam đã không được phản ánh trong tài liệu chính thức của ĐCS Trung Quốc. Nhưng tài liệu của QTCS về ĐCS Trung Quốc đã cung cấp những bằng chứng về khía cạnh đã không được công nhận này trong phong cách lãnh đạo của Lý Lập Tam. Khía cạnh này theo tôi đã có ảnh hưởng đến hướng đi của những sự kiện tại Việt Nam trong năm 1929 và đầu năm 1930. Khi Lý quay về lại Thượng Hải, ông chỉ là một thành viên dự khuyết của Bộ Chính Trị và Uỷ Ban Thường Trực.[108] Nhưng với tư cách là người đứng đầu Phòng Tổ Chức, ông đã sớm trở thành người lãnh đạo tối cao trong những khu vực thành thị. Rất có thể là Lý Lập Tam đã đưa ảnh hưởng của mình vào trong Uỷ Ban Lâm Thời Nam Dương. Là lãnh đạo của Tổng Liên Đoàn Lao Động tại Thượng Hải trong thời kỳ hoàng kim của nó vào năm 1925, và cũng là thành viên trong Ban Bí Thư Thường Trực của Nghiệp Đoàn Thái Bình Dương, có thể ông đã là một nhân vật quen thuộc đối với những người hoạt động công đoàn đã nhập cư đến những bến cảng ở Đông Nam Á từ năm 1926 đến 1928.[109] Ông mang những quan điểm thiên tả của Uỷ Ban Chấp Hành của Phân Bộ Quảng Đông mà ông đã là thành viên sau khi trốn khỏi Thượng Hải vào cuối năm 1925.[110] Sau thất bại của Công Xã Quảng Châu ông được đề cử để đứng đầu Tỉnh Uỷ Quảng Đông; không rõ là ông đã giữ chức vụ này bao lâu.[111] Cảnh sát Singapore sau này đã lưu ý rằng đã có một "sự tăng cường mạnh mẽ trong việc tuyên truyền" từ Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Trung Quốc đến Mã Lai trong năm 1928 và 1929. Họ cho là việc phát triển của chủ nghĩa cộng sản tại Mã Lai là do phong trào tuyên truyền này.[112] Việc Lý Lập Tam quay về Thượng Hải vào nửa cuối năm 1928 cho thấy đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tăng cường tuyên truyền trên.
Một trong những hành động đầu tiên của Lý Lập Tam khi quay về Thượng Hải là trục xuất Thái Hoà Sâm (Cai Hesen - ND) ra khỏi thành phần lãnh đạo, một hành động mà QTCS cho là để bác bỏ những kết quả của Đại Hội 6 ĐCS Trung Quốc. QTCS đã hy vọng việc bảo đảm được sự đoàn kết trong thành phần lãnh đạo ĐCS Trung Quốc bằng cách đưa những đại biểu từ nhiều tầng lớp khác nhau vào Bộ Chính Trị, một lá thư của Vladimir Kuchumov thuộc Cục Viễn Đông gửi vào tháng 12 1928 cho Stalin, Molotov, Bukharin và Pyatnitsky đã giải thích như thế. Nhưng việc Thái bị trục xuất được xem là một bước lùi lại thời kỳ cực tả trước Đại Hội 6. Lá thư của Kuchumov đã đề cập đến thông tư (không có số) của Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Trung Quốc bàn về những vấn đề tổ chức trong đó đã lên án đường hướng ôn hoà của Chi Uỷ Thượng Hải, khác hẳn với đường hướng cực đoan của Tỉnh Uỷ Quảng Đông. Lá thư của Kuchumov do đó đã phê phán Hướng Trung Phát (Xiang Zhong Fa - ND) và Lý Lập Tam đã không tổ chức được quần chúng và không phát huy khẩu hiệu "Đoàn kết với giai cấp Tiểu Tư Sản". Phương cách khắc phục những sai lầm chính trị này là gửi đến một nhóm đại diện cho Ban Chấp Hành QTCS để làm việc với Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Trung Quốc. Điểm cuối cùng trong lá thư của Kuchumov là đề xuất việc tái thiết lập Phân Bộ Viễn Đông để lãnh đạo các tổ chức tại Trung Quốc, Nhật, Triều Tiên, Philippines và Đông Dương.[113]
Phân Bộ Viễn Đông mới đã bắt đầu hoạt động tại Thượng Hải vào hạ tuần tháng 3 1929.[114] Nó bao gồm một người Ba Lan tên là Ignaty Lyubinetski-Kylski, còn có tên là "Osten", và một người Đức thuộc cả hai cánh tả và hữu của ĐCS Đức trong những năm 20. Người này tên là Gerhard Eisler, anh của Ruth Fischer, được biết đến với tên "Roberts". Những người khác đóng cơ sở tại Thượng Hải là đại diện của Công Đoàn Quốc Tế Đỏ (Profintern - ND) là George Hardy và một người khác tên là G.M. Bespalov, phái viên của Liên Đoàn Thanh Niên Cộng Sản là Willy hoặc "Young". Jakov Rudnik, người đứng đầu những hoạt động của Cục Thông Tin Quốc Tế đã quay lại Thượng Hải vào mùa xuân 1930 với bí danh Milaire Noulens cùng với một số người khác.[115] Osten/Rylski và Robers/Eisler là những báo cáo viên chính trị chủ chốt cho đến khi Pavel Mif xuất hiện vào tháng 9 1930, trong khi đó những thành viên khác trong Phân Bộ Viễn Đông có ít trách nhiệm hơn, ví dụ như là những công tác về công đoàn, hoặc trong trường hợp của Rudnik là lo về tài chánh và hậu cần cho Phân Bộ. Những người cộng sản biết được, theo lời Trương Quốc Đào (Zhang Guo Tao - ND), rằng Kylski và Eisler đã có "nhưng sai lầm hữu khuynh" trong quá khứ. (Trương đã nhầm lẫn tên của họ là Thalheimer và Brandler.) Vì lý do này, ông cho rằng, họ không được xem như những những người uỷ quyền đáng tin cậy dưới quan điểm của một QTCS đã được Stalin hoá.[116]
Mùa hè 1929 đã đem đến những tiến triển mới hứa hẹn một "cao trào cách mạng" xa vời mà những người Trung Quốc hằng trông đợi mà giờ đây sắp sửa xảy ra. Như ta đã thấy, Đại Hội Toàn Thể QTCS lần thứ 10 vào tháng 7 đã quyết định "Phương Hướng Mới" và việc đấu tranh giai cấp là những chính sách chủ đạo trong phong trào cộng sản quốc tế. (Một lá thư của QTCS gửi cho ĐCS Trung Quốc vào mùa hè năm ấy thông báo cho ĐCS Trung Quốc biết rằng những người trung nông không còn được xem như là đồng minh trong cuộc đấu tranh chống giai cấp địa chủ.[117]) Cùng lúc ấy, phong trào chống đối vũ trang của một liên minh lỏng lẻo gồm những địa chủ và sứ quân chống lại Quốc Dân Đảng đang dâng cao ở Nam Kinh. Kuusinen đã phê bình ĐCS Trung Quốc trong một hội nghị của Ban Bí Thư Chính Trị thuộc Ban Chấp Hành QTCS vào tháng hai rằng "Rất nhiều đồng chí Trung Quốc chỉ chú trọng vào mục tiêu trước mắt,, làm như họ đang ngồi bên cửa sổ chờ đợi một phép màu cách mạng thình lình xuất hiện. Phép màu này phải xuất hiện ra sao thì không rõ ràng mấy.... Họ bàn về cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản và tổ chức Quảng Tây và bảo rằng nhờ nó mà cao trào cách mạng đang đến gần."[118] Dù vậy, vì QTCS không ngừng nhấn mạnh sự cần thiết cảnh giác chống lại "chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh" và "chủ nghĩa thoả hiệp", ĐCS Trung Quốc dường như đã quyết định rằng việc nhen nhóm lại "chiến tranh quân phiệt" đã mở ra cho họ cơ hội để đẩy mạnh những cuộc khởi nghĩa vũ trang. Stalin cũng đã đẩy mạnh mối căng thẳng trong nội bộ QTCS bằng cách liên tục đưa ra những cảnh báo về một cuộc chiến tranh của đế quốc chống lại nước Nga Xô Viết, có lẽ để kêu ủng hộ cho những chính sách kinh tế táo bạo của mình. Ông đã sử dụng mối mâu thuẩn đang căng thẳng tại tuyến đường sắt Trung Quốc Đông Phương (đoạn nối dài của tuyến đường sắt nổi tiếng Trans-Siberian, là nguyên nhân của chiến tranh Nga-Nhật và Trung-Nhật - ND) để đưa ra quan điểm rằng một trong những nhiệm vụ của cộng sản thế giới là bảo vệ Liên Bang Xô Viết.
Khi những người trong Hội Tái Tổ Chức tham gia vào việc điều phối cuộc đấu tranh vũ trang chống lại chính quyền Nam Kinh vào giữa năm 1929, ĐCS Trung Quốc đã chủ tâm ủng hộ họ. Trong số những người quân phiệt đã thách thức giới lãnh đạo Quốc Dân Đảng gồm có Trương Phát Khuê (Zhang Fakui - ND) ở Hồ Bái, Lý Tôn Nhân (Li Zong Ren - ND) và Du Bình Bá (Yu Zuobo - ND) ở Quảng Tây.[119] Trần Công Bác chuyển đến Hồng Kông vào tháng 6 1929 để chỉ huy chiến dịch vũ trang, được gọi là "Phong Trào Vệ Đảng Cứu Quốc".[120] Có lúc dường như nó đã có cơ hội chấm dứt quyền lực của Tưởng Giới Thạch. Hai thành viên cộng sản, Đặng Tiểu Bình (Deng Xiao Ping - ND) và Trương Vân Dật (Zhang Yun Yi - ND) người gốc Hải Nam đã được điều từ Thượng Hải đến Quảng Tây để trà trộn vào "Phong Trào Cứu Quốc", Đặng đến vào khoảng giữa năm 1929 và Trương vào khoảng đầu năm 1928. Đặng kể lại với Edgar Snow (nhà báo Mỹ - ND) vào năm 1936 rằng ông đã đến Quảng Tây qua ngã Hải Phòng, Việt Nam vì ngã Quảng Châu quá mạo hiểm. Ông kể rằng đã liên lạc với những phiến quân người Việt, những người đã phát động cuộc "khởi nghĩa Công-Nông vào năm 1930".[121] Không chắc hẳn như lời của Uli Franz (nhà sử học Đức - ND) rằng Đặng đã tham khảo với Hồ Chí Minh tại Thượng Hải về con đường nào tốt nhất để đi Quảng Tây. Nhưng rõ ràng là Đặng đã dùng những cơ sở người Việt để giúp ông di chuyển từ Hải Phòng bằng tàu hoả để đến biên giới Quảng Tây, từ đó ông đi theo con đường của những thành viên Thanh Niên đến Long Châu rồi từ đó đi Nam Kinh.[122]
Sau Đại Hội Toàn Thể Ban Chấp Hành QTCS lần thứ 10, Phân Bộ Viễn Đông tại Thượng Hải - bao gồm những nhân viên "hữu khuynh" cũ - đã đưa ra quan điểm bằng cách thông qua một nghị quyết biểu lộ sự ủng hộ tuyệt đối của họ đối với chính sách "Phương Hướng Mới". Tài liệu này được viết vào tháng 10 1929, trong đó tuyên bố rằng Phân Bộ Viễn Đông sẵn sàng chiến đấu chống lại "những đe doạ mang tính cơ hội và dao động trong ĐCS Trung Quốc". Bản nghị quyết cũng đã phê phán ĐCS Trung Quốc chỉ có "một lớp mỏng của thành phần công nhân và tiếp xúc với một số tổ chức quốc gia cách tân". Tỉnh Uỷ Quảng Tây đã thương lượng với Tướng Du Bình Bá về hoạt động trong đội quân của ông ta, và gửi điện đến những tổ chức địa phương kêu gọi một chiến dịch rộng lớn ủng hộ khối Trương Phát Khuê - Du Bình Bá, bản nghị quyết cho biết. Một số đảng viên đã từ chối thành lập những công đoàn đỏ trong những hãng xưởng đã có những công đoàn vàng hoặc trực thuộc chính phủ tồn tại.[123]
Nghị quyết này của Phân Bộ Viễn Đông đã tạo ra phản ứng đầy giận dữ từ Bộ Chính Trị Trung Quốc. Trong những cuộc họp với Phân Bộ Viễn Đông vào tháng 12 1929, những người Trung Quốc, do Chu Ân Lai, Lý Lập Tam và Hướng Trung Phát đại diện, đã không thừa nhận việc bị cáo buộc là có những "sai lầm hữu khuynh". Tại cuộc họp ngày 10 tháng 12 Rylski đã phê bình ĐCS Trung Quốc về việc đã hợp tác với thành phần trung nông và những người "quốc gia cách tân" tại Quảng Tây.[124] Ông thừa nhận là khi những mâu thuẫn xảy ra tại tuyến đường sắt Đông Phương, "chúng tôi đã thảo luận về chiến tranh du kích với các đồng chí và đã đưa ra những đề xuất rất vững chắc mà các đồng chí cũng đã chấp nhận. Chúng tôi đã đề nghị các đồng chí nên tổ chức, mở rộng và kích hoạt những cuộc chiến tranh du kích..."[125] Nhưng với nỗ lực nhằm tránh liên hệ trách nhiệm vì những sai lầm của ĐCS Trung Quốc, ông đã bổ xung rằng đề nghị này đã đi kèm với những chỉ thị giáo dục quần chúng mà ĐCS Trung Quốc đã không chịu áp dụng.[126] Lý Lập Tam phản biện lại lời chỉ trích này tại cuộc họp thứ hai (13 tháng 12), ông nói rằng Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Trung Quốc luôn đấu tranh chống lại mối đe doạ hữu khuynh, rằng họ đã chiến đấu những khuynh hướng thiên hữu bằng những phương pháp như hợp pháp hoá phong trào, phát triển hoà bình và đánh giá nghiêm khắc tầng lớp tư sản. Ông cũng chỉ ra rằng Uỷ Ban Trung Ương cũng đã phê phán những người "Tái Tổ Chức" tại Quảng Tây: "Có thể có những đồng chí hoạt động trong quân đội đã không hiểu rõ tình hình tại Quảng Tây. Nhưng không nên liên hệ những sai lầm của họ với Uỷ Ban Trung Ương và Đặc Uỷ Quảng Tây."[127]
Cuối cùng sau một thuyết trình dài của Eisler vào ngày 17 tháng 12, cả hai phía đã đồng ý đệ trình những bất đồng của họ lên Moscow để thỉnh cầu quyết định tối hậu về chính sách. "Khi chưa có được nghị quyết về vấn đề này, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục những hoạt động thường nhật như trước đây", Hướng Trung Phát kết luận. "Nếu ĐCS Trung Quốc phạm sai lầm, Phân Bộ Viễn Đông sẽ chấn chỉnh họ và ngược lại, nếu Phân Bộ sai phạm, chúng tôi sẽ phải đấu tranh phản đối họ. Ngoài việc gửi điện, chúng tôi đề nghị gửi một đồng chí Trung Quốc đến Moscow."[128] Kết cục này đã làm cho Phân Bộ Viễn Đông không có một quyền lực thật sự nào trong mắt của ĐCS Trung Quốc cho đến khi Moscow đưa ra quyết định cuối cùng. Dường như từ cuối tháng 12 1929, Lý Lập Tam và người của ông đã cho thấy họ càng trở nên độc lập trong việc giải thích những chính sách của QTCS. Dù thế, họ lại không muốn mất đi số tiền viện trợ từ QTCS mà trong năm 1929 đã lên đến hơn 200 nghìn đô-la cũng như số tiền 16.408 đô-la dành cho Đoàn Thanh Niên Cộng Sản.[129] Vào tháng 2 1930 Chu Ân Lai bắt đầu đi Moscow để hội ý. Ông đến Moscow vào tháng 4 sau khi đi qua Berlin.[130] Rylski cũng quay lại Moscow trong khoảng thời gian ấy.