RE: Hồ Chí Minh: Những năm tháng chưa được biết đến
-
17.06.2008 16:43:11
Hội Nghị Lần 6 và cuộc khởi nghĩa năm 1940
Nguyễn Văn Cừ từ Hà Nội đến Sài Gòn vào mùa thu 1939 để tham gia Hội Nghị Lần 6 của ĐCS Đông Dương (ông đã bị trục xuất khỏi Bắc Kỳ vào mùa hè 1938, không bao lâu sau khi ông đảm nhiệm chức vụ mới[48]). Đây là cuộc họp cuối cùng của Uỷ Ban Trung Ương trước khi cuộc khởi nghĩa 1940 từ đó tạo nên sự thay đổi lớn trong hệ thống lãnh đạo đảng. Bản thân Nguyễn Văn Cừ bị bắt vào tháng 1 1940 cùng với Lê Duẩn, một cựu tù Côn Đảo hoạt động tại Sài Gòn trong năm 1939.[49] Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn và Võ Văn Tần là ba thành viên thường được nhắc đến là đã tham gia trong cuộc họp được tổ chức từ ngày 6 - 8 tháng 11 tại Hóc Môn. Hoàng Quốc Việt dường như đã không tham gia vì ông đang lẩn trốn ở phía bắc Hà Nội; đại diện của Uỷ Ban Trung Ương Trung Kỳ là Nguyễn Chí Diểu trong lúc ấy đang nằm liệt vì bệnh lao. Một thành viên khác đã tham gia là Tạ Uyên, người gốc Ninh Bình, đang hoạt động tại miền nam sau khi ông vượt ngục Côn Đảo vào năm 1935. Là thành viên của thành phần nguyên thuỷ của ĐCS Đông Dương từ năm 1929, lý lịch của ông cho biết là ông đang là bí thư Xứ Uỷ Nam Kỳ vào thời gian ông bị bắt vào tháng 10 1940.[50] Minh Khai dường như không phải là thành viên Uỷ Ban Trung Ương trong giai đoạn này mặc dù trong năm 1940 người Pháp đã xác nhận bà là bí thư Uỷ Ban Trung Ương.
Hội Nghị lần 6 đã có phản ứng đối với những thay đổi của tình hình thế giới vào cuối năm 1939 bằng cách kêu gọi việc thành lập một Mặt Trận Thống Nhất Phản Đế. Giải phóng đất nước giờ đây trở thành mục tiêu trọng yếu của ĐCS Đông Dương. Trong một văn bản phát hành vào tháng 12, những người cộng sản đã kêu gọi "những lực lượng đấu tranh của giai cấp vô sản, nhân dân lao động của những quốc gia nhỏ bé" đứng lên chiến đấu, "dập tắt ngọn lửa chiến tranh bằng cách tiêu diệt nguồn gốc của nó là hệ thống tư bản đế quốc".[51] Bản tuyên ngôn kêu gọi chấm dứt việc gửi lính Việt sang Pháp và những nước khác; nó cũng kêu gọi thành phần cộng sản ủng hộ Liên Xô cũng như những cuộc cách mạng tại Pháp, Trung Quốc và trên thế giới.[52] Theo phiên bản được công bố vào năm 1983 về Nghị Quyết Hội Nghị lần 6, cuộc họp này đã khôi phục chính sách ôn hoà trong thời kỳ 1930 của Hồ Chí Minh về vấn đề tịch thu ruộng đất.[53] Nhưng tương phản với những tuyên bố từ Hội Nghị lần 8 vào năm 1941, những tài liệu của năm 1939 vẫn chủ yếu nhắm vào tầng lớp công nông và dân chúng. Một mặt ĐCS Đông Dương đang quay lại những lĩnh vực quen thuộc mà những nhà hoạt động như Hồ Chí Minh có thể nhớ lại phong trào phản chiến trong thời kỳ Chiến Tranh Thế Giới thứ Nhất. Trong thời gian ấy tầng lớp xã hội thiên tả và Bolshevik đã không thừa nhận những mục tiêu chiến tranh của tầng lớp thống trị. Trong khi đó, đảng hiện đang đứng trên lập trường mà nhờ đó có thể gần gũi hơn với thành phần cánh tả của mình trong khi đang chuẩn bị vị thế để quay lại những cuộc đấu tranh bạo lực hơn nhằm lật đổ quyền lực của Pháp.
Sau việc Nguyễn Văn Cừ bị bắt vào tháng 1 1940 không rõ là chiếc ghế lãnh đạo đang trống đã được thay thế ra sao. Việc Cừ biến khỏi sân khấu chính trị dường như đã tạo ra cơn khủng hoảng trong ĐCS Đông Dương vốn vẫn chưa giải quyết xong cho đến Hội Nghị lần 8 vào năm 1941. Có thể là vào năm 1940 hai xu thế khác nhau bên trong đảng lại nổi lên, tương tự như việc chia rẽ của Thanh Niên Hội thời gian 1928-9. Trong khoảng tháng 3 hoặc tháng 4, Võ Văn Tần bị bắt, làm mất đi một lãnh đạo chủ chốt.[54] Đến năm 1940, hai nhà hoạt động hợp pháp tại Bắc Kỳ là Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng bắt đầu đảm nhận vai trò liên lạc giữa Uỷ Ban Trung Ương và những người cộng sản ở miền nam Trung Quốc. Trong lúc ấy tại Nam Kỳ phong trào chống Pháp được hồi sinh và đã xem việc kết nạp thành viên trong hàng ngũ quân đội là một trong những nhiệm vụ chính của mình. Khó có thể nói được những gì đang xảy ra tại Vân Nam và Quảng Tây đã được điều phối chặt chẻ ra sao với những hoạt động tại Nam Kỳ cũng như những vùng khác tại Việt Nam. Những thành viên cộng sản cố gắng tìm cách đến Côn Minh để gặp Hồ Chí Minh và Ban Chỉ Huy Hải Ngoại trong năm 1940 là những người có quan hệ mật thiết nhất với những chính sách của Mặt Trận Liên Minh Dân Chủ. Ngoài Giáp và Đồng, những người này bao gồm cựu đảng viên Tân Việt là Phan Đăng Lưu. Một phụ nữ có tên là Lý Thị Lan được thấy đã có gặp Hồ Chí Minh tại Vân Nam vào tháng 5 và tháng 6 1940. Điều đáng lưu ý là một báo cáo của người Pháp vào tháng 6 có nhắc đến việc ĐCS Đông Dương đã "có ý định sử dụng thành viên nữ nhiều hơn nữa trong công tác tuyên truyền và liên lạc".[55]
Vào tháng 6 1940 những chi bộ của ĐCS Đông Dương trong và ngoài nước cuối cùng đã tập hợp lại với nhau. Hồ Chí Minh đã đến Vân Nam, thủ phủ của Côn Minh vào đầu năm. Sau khi thất bại trong việc bắt liên lạc với ĐCS Đông Dương vào mùa thu 1939, ông được cho là đã quay lại Quế Lâm và tìm cách đến Quí Dương (Gui Yang - ND) và Trùng Khánh (Chong Qing - ND). Tại đấy ông đã gặp lại Chu Ân Lai một lần nữa, theo tài liệu của Trung Quốc.[56] Với việc thay đổi chính sách thình lình của Moscow vào tháng 8 1939, những người Việt chắc hẳn đã rất nôn nóng học hỏi cách áp dụng chiến thuật của riêng họ. (Hẳn là Hồ đã gặp Chu trước khi Chu đi Moscow vào đầu năm 1940.[57]) Tài liệu của Việt Nam viết rằng Hồ cũng gặp Hồ Học Lãm, người đồng hương của ông tại Trùng Khánh, Lãm vẫn còn nằm trong Bộ Tổng Tham Mưu của Quốc Dân Đảng.[58]
Những người cộng sản Việt Nam đang biến Côn Minh trở thành trung tâm hoạt động của mình là những thành phần bao gồm những cựu học viên Thanh Niên tại Quảng Châu và những cựu đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng đang nương náu tại Vân Nam từ năm 1930. Trong số những thành viên Thanh Niên thì Hoàng Văn Hoan và Phùng Chí Kiên là hai người nổi bật nhất. Giống như Hồ Chí Minh, Kiên vẫn được xem là thành viên của Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Đông Dương cho đến năm 1938.[59] Ông đã trở thành người đứng đầu của Ban Chỉ Huy Hải Ngoại vừa được tái thiết. Lai lịch của hai thành viên khác trong nhóm này là Vũ Anh (Trịnh Đông Hải) và Cao Hồng Lĩnh hoặc Lành thì ít rõ ràng hơn. Cả hai rõ ràng đều là những người cộng sản thuần thành và thông thạo tiếng Hoa. Có thể họ là những người trong nhóm Nam Kinh chung quanh Hồ Học Lãm. Vào năm 1935 Vũ Anh và một cựu đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng là Trần Hồ Kinh đã được ĐCS Đông Dương gửi đi để xây dựng một tổ chức cộng sản tại Vân Nam. Họ đã kết nạp hai học viên tại trường đào tạo sĩ quan Côn Minh là Bùi Đức Minh và Lê Tùng Sơn, những người này đang bất mãn với giới lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng.[60] Hai người này đã trở thành trụ cột của nhóm cộng sản hải ngoại, Bùi Đức Minh là người dẫn đường cho Giáp và Đồng khi họ đến Côn Minh vào tháng 5 1940. Có thể vẫn còn một số đông công nhân có liên hệ với Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Vân Nam vào năm 1940, dọc theo tuyến đường sắt Hà Nội - Côn Minh. Mặc dù mặt trận thống nhất đang hiện hữu tại Trung Quốc, những người cộng sản vẫn thường dùng một tổ chức trá hình nào đấy để tránh bị những người Quốc Dân Đảng địa phương quấy rầy. Một số tài liệu của Việt Nam cho biết Hồ Chí Minh và Phùng Chí Kiên đã thực hiện một chuyến kiểm tra dọc theo tuyến đường sắt Vân Nam vào tháng 4 1940. Hồ khuyến khích giới cộng sản Việt Nam tăng cường công tác tuyên truyền dọc theo tuyến đường, kêu gọi dân chúng Việt Nam "chống lại người Pháp và ủng hộ Trung Quốc kháng Nhật", dùng vỏ bọc của "Hiệp Hội Người Việt Ủng Hộ Cuộc Kháng Chiến Trung Quốc" để che đậy những hoạt động của mình.[61]
Võ Nguyên Giáp kể lại rằng ông và Phạm Văn Đồng đã đáp tàu hoả từ Hà Nội vào đầu tháng 5 1940. Họ gặp Bùi Đức Minh tại Yên Bái, Minh đưa họ đi chặng sau bằng đường sông. Sau khi băng qua sông tại Lào Cai để qua Trung Quốc, họ ăn mặc như người Trung Quốc để tiếp tục cuộc hành trình đến Côn Minh.[62] Điều kỳ lạ là vào ngày 13 tháng 5 Sở Liêm Phóng nhận được một báo cáo rằng "một người nhập cư vừa đến từ Tây An, Trần Bá Quốc", và Lý Thị Lan đã rời Vân Nam Phủ bằng tàu hoả vào ngày 12 tháng 5. Họ dự định sẽ đi đến biên giới Việt Nam và đi bộ qua Việt Nam, bản báo cáo cho biết. Người đàn ông ăn vận như một học giả và người đàn bà mặc trang phục Khách Gia (Hakka - ND).[63] Người Pháp nhận diện người đàn ông này là Hồ Chí Minh. Có thể là Hồ Chí Minh đã hy vọng gặp được hai đại diện từ Hà Nội tại biên giới. Nhưng theo lời kể của Giáp, ông và Đồng đã đợi ở Côn Minh cho đến đầu tháng 6 trước khi Hồ, giờ được gọi theo bí danh cũ từ Hồng Kông là Vương, xuất hiện. Vào thời điểm này thì tài liệu của Việt Nam không cho biết rõ về cuộc thảo luận đã xảy ra sau đó. Nhưng có một bản báo cáo dài và yêu cầu trợ giúp mà Hồ soạn thảo gửi cho ĐCS Trung Quốc vào tháng 7 1940 có thể là kết quả của một quyết định chung đạt được trong tháng đó. Báo cáo của Sở Liêm Phóng vào tháng 12 1940 cho biết rằng Phan Đăng Lưu đã thú nhận sau khi bị bắt rằng ông cũng có mặt tại Vân Nam vào tháng 6.[64] Một báo cáo khác của Sở Liêm Phóng vào ngày 9 tháng 6 1940 đã đề cập về việc "những người cộng sản Đông Dương đang trở về nước". Báo cáo đã nhắc đến có 4 người đồng hành là: Trần Bá Quốc, Lý Thị Lan (bản báo cáo khẳng định người này không phải là Nguyễn Thị Minh Khai, còn được biết đến như Cô Duy, Lý Minh Xuân hoặc Trần Thị Lan), Dương Bá Linh và Nguyễn Công Nam.[65] Lúc Giáp và Đồng còn ở Trung Quốc thường lấy bí danh là Dương Hoài Nam và Lâm Bá Kiệt. Vì thế chúng ta không thể chắc chắn bốn nhân vật này là ai. Danh phận của người phụ nữ vẫn là một bí ẩn nhưng người Pháp có lẽ cũng quá hấp tấp khi kết luận rằng người này không phải là Minh Khai. Họ đã không có bằng chứng chắc chắn về dấu vết của bà từ hội nghị vào mùa thu 1937 cho đến khi bà bị bắt tại Chợ Lớn vào hạ tuần tháng 7 1940, mặc dù họ tin rằng bà đã sinh một bé gái vào đầu năm 1939. Đến tháng 5 1940 bà bị chỉ điểm của Sở Liêm Phóng nhận diện là bí thư Uỷ Ban Trung Ương, vì thế việc bà tham gia vào nhóm người đi Vân Nam là rất có lý.[66]
Báo cáo của Hồ về tình hình Đông Dương cùng với yêu cầu trợ giúp đề ngày 12 tháng 7 1940, được trình bày với phong cách vô cùng cặn kẽ theo khuôn khổ của QTCS. Nó bao gồm một phân tích về hiện tình chiến lược tại Đông Dương và thái độ của quốc tế về tương lai của vùng này. Tác giả báo cáo viết rằng vào cuối năm 1929 ông quay về Hồng Kông để tổ chức một hội nghị gồm các thành phần cộng sản, ta có thể giả định rằng tác giả chính là Hồ Chí Minh. Ông liên hệ việc Pháp đầu hàng Đức vào ngày 16 tháng 6 1940 là ngày mà tất cả người Việt đều vui mừng, tin rằng thời điểm thuận tiện để lật đổ ách thống trị của Pháp đã đến. "Về việc này chúng tôi chỉ thiếu những người lãnh đạo và tổ chức. Và tại sao ĐCS không lãnh lấy trách nhiệm tổ chức và lãnh đạo này? Bởi vì 80 - 90% các đảng viên kỳ cựu đã bị bắt, và những đảng viên mới không có đủ kinh nghiệm hoặc thực lực. Vấn đề là để kêu gọi nhân dân đứng lên chúng tôi cần một người có ảnh hưởng, một người sẽ tiến công một cách quyết đoán và mạnh mẽ."[67] Phân tích của Hồ về chủ ý của Nhật cho thấy rằng ông đã không nhìn trước được mối hợp tác giữa Nhật và chính phủ Vichy của Pháp để đô hộ Đông Dương sẽ được thiết lập vào tháng 9 1940. "Hiện tại", ông viết, "Nhật đang cố gắng để nắm lấy nước này" [Đông Dương]. Người Nhật đã cách Hà Nội chỉ 3 giờ đồng hồ, trong khi lực lượng đặc nhiệm của họ đang sẵn sàng đổ bộ vào Hải Phòng bất cứ lúc nào, ông nói. Mặc dù chính quyền tại Đông Dương đã tuyên bố ủng hộ Hội Đồng London của nước Pháp Tự Do, ông lưu ý rằng trên thực tế họ đang đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác đối với người Nhật.[68] Nhưng ông lại kết luận rằng, mặc dù Nhật đang mạnh, họ không thể dùng toàn bộ lực lượng để bảo hộ Đông Dương, vì bộ máy quân sự khổng lồ của họ đang đang bị trói chân trong cuộc chiến tại Trung Quốc. Quân đội Pháp tại Đông Dương nói chung đa phần bao gồm binh lính bản xứ, ông chỉ ra, và "nếu chúng ta có thể kêu gọi họ được, họ - hoặc ít nhất một số trong họ - sẽ chống lại người Pháp (hoặc ngay cả Nhật)." Ông cũng lưu ý rằng các lực lượng chống Pháp có được những đồng minh lớn: ngoài Liên Xô còn có Trung Quốc và Ấn Độ. Một tình thế sẽ được thành hình khi nó có đủ "cho một người lên tiếng kêu gọi, để toàn bộ đồng đứng lên". "Nói tóm lại", ông viết, "những điều kiện khách quan đang có lợi cho thành công của chúng tôi, nhưng lực lượng chủ quan - đảng của chúng tôi - thì lại rất yếu... hiện tại các đồng chí kỳ cựu đầy kinh nghiệm của chúng tôi đang rên xiết trong ngục tù. Vì thế quần chúng không có người cầm đầu và không thể lợi dụng được "thời cơ nghìn năm có một này".[69]
Để thay đổi hiện tình, để giúp đảng thực hiện nhiệm vụ lịch sử của mình, ông giải thích rằng họ cần phải tấn công từ bên ngoài. Để làm được việc này họ cần: (1) được tự do qua lại biên giới; (2) một số vũ khí; (3) một số trợ giúp về tài chính; và (4) một vài cố vấn. Khi chúng tôi có được những thứ này, "chúng tôi hoàn toàn có thể tạo ra được một hậu cứ chống phát xít Nhật," ông viết. "Ngoài ra," ông kết luận, "nếu chúng tôi có thể lợi dụng những mâu thuẩn bên trong bọn đế quốc để thành lập và mở rộng một mặt trận thống nhất của quần chúng bị áp bức, thì tương lai sáng lạn cũng không còn xa mấy."[70] Lời yêu cầu này dường như là phương án đầu tiên để thành lập lực lượng vũ trang Việt Minh. Nó cũng có thể là dấu hiệu đầu tiên về nhân vật được biết đến là Nguyễn Ái Quốc đang chuẩn bị biến mình thành vị lãnh đạo quốc gia Hồ Chí Minh, "một con người đầy ảnh hưởng luôn sẵn sàng ra tay tấn công". Sự yếu kém của ĐCS Đông Dương dường như đã tạo nên một khung thời gian ít nhất là 6 tháng đến 1 năm để kế hoạch nổi dậy có thể khởi sự.
Vào mùa hè 1940, Bộ Phận 6 (chuyên nắm thông tin) của Quốc Dân Đảng Trung Quốc nhận được tin rằng một thành viên cộng sản người Việt đang tìm cách tiếp xúc với ĐCS Trung Quốc. Họ đã báo cáo rằng có một đảng viên cộng sản từ miền nam là Trần Văn Hinh đã đến Diên An và đến tháng 8, hai bên Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được một thoả thuận tương trợ. (Không rõ rằng người này đã chuyển giao yêu cầu của Hồ Chí Minh hay đây là một tiếp xúc riêng với ĐCS Trung Quốc.) Kinh Chen đã liệt kê những điều khoản trong bản thoả thuận như sau: (1) xây dựng một Mặt Trận Thống Nhất của nhân dân Hoa - Việt chống Nhật; (2) mở rộng tổ chức vũ trang cộng sản và bắt đầu các hoạt động du kích; (3) liên hiệp ĐCS Đông Dương với tất cả các đảng chính trị khác trong nỗ lực thiết lập một "Mặt Trận Thống Nhất cho Nền Độc Lập Quốc Gia", (4) biến mục tiêu đấu tranh cua ĐCS Đông Dương trở thành "Chống Đế Quốc Pháp và Chống Phong Kiến"; (5) gửi thành viên ĐCS Đông Dương đến Diên An để học tập tại Đại Học Kháng Nhật ; và (6) để những thành viên ĐCS Trung Quốc đang làm đại diện tại Phòng Thông Tin Châu Á của QTCS trở thành người hướng dẫn ĐCS Đông Dương, và phụ giúp 50 nghìn đồng Trung Quốc hằng tháng cho ĐCS Đông Dương.[71] Thoả thuận này phản ánh sự bất lực của ĐCS Pháp trong việc tiếp tục cố vấn cho người Việt, và là một khởi đầu của việc chấp nhận phục tùng của ĐCS Đông Dương đối với ĐCS Trung Quốc. Thoả thuận trên có thể là không tránh khỏi vào thời điểm này trong quá trình phát triển của ĐCS Đông Dương vì liên lạc trực tiếp với QTCS dường như đã bị giảm thiểu. (Yêu cầu trợ giúp của Hồ gửi đến ĐCS Trung Quốc đã không được dịch sang tiếng Nga mãi cho đến năm 1942; việc nó có mặt trong hồ sơ của QTCS ra sao thì không được rõ.) Hồi ký của Giáp nói rằng tại Bắc Kỳ đang thảo luận việc cần thiết phải phục hồi lại Liên Hiệp Các Dân Tộc Châu Á Bị Áp Bức[72], một ý định được Hồ đưa ra trong kết luận của bản yêu cầu viện trợ của ông. Dường như tổ chức dùng làm vỏ bọc để liên kết những người cộng sản châu Á vào những năm 1925-6 và 1928-30 đang được cân nhắc để biến thành guồng máy cho mặt trận kháng Nhật do Trung Quốc dẫn đầu.
Vào tháng 7 1940 người Pháp bắt đầu thu thập chứng cứ tại Nam Kỳ về mầm mống của một cuộc nổi dậy. Họ tin rằng vào cuối tháng 6 1940, Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Đông Dương đã thông qua một điều lệnh chỉ đạo đảng viên chuẩn bị một cuộc khởi nghĩa vũ trang.[73] Bản tường trình này có thể đang nói về cuộc họp được tổ chức tại Côn Minh vào tháng 6 1940, vì ở đó thực sự đang có nhiều thành viên của Uỷ Ban Trung Ương hơn là số thành viên còn lại đang lưu lạc tại Nam Kỳ. Những người này bao gồm Phùng Chí Kiên, Hồ Chí Minh, Phan Đăng Lưu và có lẽ có cả Nguyễn Thị Minh Khai. Sở Liêm Phóng cũng đã báo cáo rằng đảng Việt Nam đã gửi một thành viên người Hoa thuộc ĐCS Đông Dương đến Trung Quốc để yêu cầu ĐCS Trung Quốc hậu thuẫn cuộc nổi dậy.[74] Chúng ta không biết được việc này có phải đang nói về chuyến đi của Phan Đăng Lưu đến Vân Nam hoặc những di chuyển của "Trần Văn Hinh" được ghi nhận bởi Quốc Dân Đảng, hoặc có một mối liên hệ nào khác giữa ĐCS Trung Quốc và Nam Kỳ qua chi bộ của ĐCS Trung Quốc tại Sài Gòn hay không. Người Pháp đã có được bằng chứng chắc chắn về công tác chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang khi họ bắt giữ Nguyễn Thị Minh Khai tại văn phòng của Uỷ Ban Trung Ương ở Chợ Lớn vào ngày 30 tháng 7 1940, cùng với người tù chính trị từng vượt ngục là Nguyễn Hữu Tiến. Họ đã thu giữ được những tài liệu mà họ miêu tả là "liên quan đến một cuộc nổi dậy do ĐCS Đông Dương chuẩn bị thực hiện khi "thời cơ thuận lợi" đến". Hầu hết những tài liệu trên chưa được quay rô-nê-ô và phân phát đến các thành viên. Một số đoạn trong số tài liệu bị tịch thu mang chủ trương chống lại quân đội Pháp vì thế những người vừa bị bắt được giao cho toà án quân đội.[75] Sud Chonchirdsen viết rằng những tài liệu này bao gồm "việc thành lập một tổ chức kháng chiến, kế hoạch phá hoại và chiến thuật du kích".[76] Những đảng viên bị bắt chung với Minh Khai là Nguyễn Hữu Tiến (Giáo Hoài), cũng như Tạ Uyên, một cựu thành viên của ĐCS Đông Dương cũ từ Hà Nam. Hai người đã cùng vượt ngục Côn Đảo vào mùa xuân 1935.
Dường như đã có một mối liên hệ giữa cuộc họp tại Côn Minh vào tháng 6 1940, không được ghi nhận trong lịch sử đảng như là một phiên họp chính thức của ĐCS Đông Dương, và khởi đầu của phong trào kháng chiến bên trong Việt Nam. Nhưng từ những biến chuyển sau đó tại Nam Kỳ, ta có thể nghi ngờ rằng những kế hoạch mà Hồ Chí Minh đã thảo luận với các đồng chí của mình và yêu cầu trợ giúp mà ông đã gửi cho ĐCS Trung Quốc đã thực sự tạo thành một sơ đồ cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, được khởi sự từ ngày 23 tháng 11 hay không. Hồ Chí Minh, một người lập kế hoạch đầy thận trọng, chắc hẳn đã không ủng hộ một lịch trình cấp tốc cho cuộc khởi nghĩa đang thành hình ở Nam Kỳ giữa tháng 9 và tháng 11 1940. Đến năm 1930, dường như cánh duy chí trong đảng với chủ trương tạo ra một khởi nghĩa bạo lực mang tính tượng trưng trong lòng quân đội Pháp, đã là người cầm trịch cho những sự kiện xảy ra trong những tháng mùa thu. Một nguồn tài liệu của Việt Nam cho rằng tại một cuộc họp của Xứ Uỷ Nam Kỳ được tổ chức tại Mỹ Tho vào tháng 7 1940, một nhóm đại biểu đã chủ trương hoãn khởi nghĩa vì các lực lượng của đảng quá yếu. Nhóm người này bao gồm những đại biểu từ Sài gòn - Chợ Lớn, những tỉnh miền đông và Phan Đăng Lưu, được xem là đại diện của Nam Kỳ tại Uỷ Ban Trung Ương. Nhưng thành phần đa số đã biểu quyết tiếp tục khởi nghĩa. Đến lúc này thì Phan Đăng Lưu đã đề nghị nên tham khảo với toàn thể Uỷ Ban Trung Ương. [77] Sau khi Phan Đăng Lưu bị bắt vào tháng 11, ông đã khai rằng cuộc khởi nghĩa đã do những thành phần cực tả trong đảng chủ trương "họ đã không thèm để ý đến những lời khuyên từ Ban Chấp Hành Đảng Uỷ Nam Kỳ về việc đảng đã sẵn sàng hay chưa."[78]
Một số tài liệu của Việt Nam mà cụ thể là Trần Huy Liệu cho rằng Mặt Trận Phản Đế tại phía Nam đã cực kỳ thành công trong việc chiêu dụ thành phần binh lính bản xứ. Trong bài viết của ông về cuộc Khởi Nghĩa Nam Kỳ ông nói rằng đã có một số nhóm lính tại Gia Định và Chợ Lớn, có khi đã lên đến 300 người, đã bỏ trốn vào rừng cùng với vũ khí để chuẩn bị khởi nghĩa chống Pháp. Vào tháng 11 1940, khi người Pháp đang chuẩn bị gửi quân đến vùng biên giới Thái - Miên để chống lại việc Thái đang lấn chiếm, Liệu viết rằng có đến 15.000 (sic) binh lính người Việt tại Sài Gòn, gồm cả hai đơn vị pháo binh, đang chuẩn bị biểu tình phản đối việc họ phải tham chiến. Có đến hai phần ba lính người Việt sẵn sàng "đi theo cách mạng" vào thời điểm ấy, cùng với 15.000 thường dân miền nam, Liệu viết.[79] Những nguồn tài liệu khác viết rằng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của chi bộ phía nam vào thời điểm sau Hiệp Ước Molotov-Ribbentrop.[80] Nhưng dường như người Pháp đã nắm được thông tin của phong trào một cách dễ dàng khi nó nổ ra vào tháng 11.
Nhật và Pháp đã đi đến thoả thuận hợp tác quân sự vào ngày 22 tháng 9 1940, trong đó cho phép Nhật giữ 6.000 quân tại Bắc Kỳ, được quyền sử dụng 4 sân bay tại Bắc Kỳ và di chuyển quân từ Bắc Kỳ đến Vân Nam.[81] Nhưng vào đêm ký kết thoả thuận, Nhật đã tấn công không lý do vào đồn biên giới Đồng Đăng của Pháp, dẫn đến 3 ngày giao chiến giữa lính Pháp và Nhật. Người Việt trong tổ chức được Nhật hậu thuẫn Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội đã tham gia trong trận chiến tại Lạng Sơn, trong khi tại huyện Bắc Sơn một cuộc nổi dậy do ĐCS Đông Dương cầm đầu đã xảy ra vào ngày 23 tháng 9. Kháng cự tại khu vực Vũ Lăng xảy ra lẻ tẻ cho đến ngày 23 tháng 10, khi người Pháp quay lại để dập tắt những chiến binh cách mạng.[82] Một lần nữa những người cộng sản thấy rõ rằng người Nhật sẽ không đánh bật người Pháp để hậu thuẫn cho các lực lượng quốc gia người Việt, mục đích ngắn hạn của Mặt Trận Phản Đế đã phải tái thẩm định.
Khi Phan Đăng Lưu đi Bắc Kỳ để tham vấn vào tháng 10 1940, không rõ là ông đã tham gia một cuộc họp nào, hoặc quyền hạn của nó có được đảng bộ phía nam công nhận hay không. William Duiker (nhà sử học Mỹ - ND) dựa trên những cuộc phỏng vấn của Hà Nội, viết rằng Lưu đã gặp những thành viên của Xứ Uỷ Bắc Kỳ, những người này vào đầu tháng 11 1940 đã tái tổ chức Uỷ Ban Trung Ương, đề cử Đặng Xuân Khu, tức Trường Chinh, làm quyền Tổng Bí Thư.[83] Những thành viên khác gồm có Hoàng Quốc Việt (đã nằm trong Uỷ Ban Trung Ương ít nhất là từ 1937), Hoàng Văn Thụ và Trần Đăng Ninh, người đang chỉ đạo phong trào khởi nghĩa Bắc Sơn. Đây có vẻ là câu trả lời hợp lý nhất cho sự khủng hoảng trong giới lãnh đạo ĐCS Đông Dương đã được giải quyết ra sao, mặc dù không rõ là cuộc họp tháng 11 đã được xem như là Hội Nghị Lần 7 từ khi nào, hoặc những thành viên trong Uỷ Ban Trung Ương tại Côn Minh đã tham gia quyết định hay không. Điều đáng lưu ý là tại Viện Bảo Tàng Cách Mạng tại Thành Phố Hồ Chí Minh có giữ một "thông báo khẩn" dưới dạng tờ rơi từ Đảng Bộ Trung-Bắc Kỳ gửi đến Ban Chấp Hành Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Đông Dương yêu cầu giúp đỡ cuộc Khởi Nghĩa Nam Kỳ. Cuộc nổi dậy đã bắt đầu vào ngày 23 tháng 11, tờ thông báo viết; nhiệm vụ của Đảng Bộ Trung-Bắc Kỳ là "đem thanh thế của những người tham gia khởi nghĩa bằng cách đánh động những lực lượng đế quốc".[84] Nếu tài liệu này là thật thì nó cho thấy ít nhất một số đảng viên phía nam vẫn nghĩ rằng Ban Chấp Hành đang ở tại Nam Kỳ. Nhưng Sở Liêm Phóng vào tháng 12 1940 đã tường trình rằng Phan Đăng Lưu đã thú nhận là ông đã đi Bắc Kỳ vào tháng 10 1940, "chắc chắn là để tham gia cuộc họp của Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Đông Dương, được cho là đã diễn ra vào ngày 5,6 và 7 tháng 11".[85]
Dù thế, cuộc họp mà Phan Đăng Lưu tham dự đã biểu quyết đồng ý dời ngày khởi nghĩa ở miền nam nhưng muốn phát triển các lực lượng vũ trang tại Bắc Sơn.[86] Hoặc là ý kiến của Uỷ Ban Trung Ương đã không đến được chi bộ miền nam đúng lúc, hoặc theo như một số nguồn tài liệu, kế hoạch đã đi quá xa nên không thể huỷ bỏ. Phan Đăng Lưu đã bị bắt khi vừa đến Sài Gòn, ngay trước khi Tạ Uyên bị bắt. Người Pháp đã tìm cách bám sát được kế hoạch khởi nghĩa nhờ đã bắt được những nhân vật chủ chốt. Do đó hầu hết những mục tiêu của cuộc khởi nghĩa như việc đánh chiếm Nhà Lao Chính tại Sài Gòn đã được ngăn chận. Việc nổi dậy đồng loạt của binh lính bản xứ bị dập tắt ngay từ đầu khi họ bị nhốt trong doanh trại. Có thể người Pháp đơn giản chỉ đợi chờ những người tổ chức ra tay là tiến hành bắt giữ. Một bức điện tín năm 1941 gửi cho nhà cầm quyền thuộc địa của chính phủ Vichy đã liệt kê những thiệt hại từ cuộc nổi dậy như sau: 30 tử vong trong đó có 3 người Pháp, 30 bị thương trong đó cũng có 3 người Pháp. Một số nạn nhân đã bị tấn công một cách tàn bạo. Vẫn chưa tìm lại được 40 khẩu trong số 130 súng trường và súng ngắn bị đánh cắp. Nhiều toà nhà bị đốt trụ, cầu cống, đường dây điện và dây thép bị phá hoại. Đô đốc Decoux cho rằng mức độ bạo lực quá ghê tợn vì thế không thể nương tay với bất kỳ người lãnh đạo của ĐCS Đông Dương nào bị bắt giữ.[87]
Những vụ bắt bớ và tử hình theo sau cuộc nổi dậy bất thành đã phá vỡ nền móng ĐCS Đông Dương tại miền nam. Có đến 100 nhân vật cầm đầu bị án tử hình, theo lời Trần Huy Liệu.[88] Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Hữu Tiến bị xử bắn vào tháng 8 1941. Lê Hồng Phong, Lê Duẩn và nhiều thành viên cộng sản hợp pháp như Dương Bạch Mai và Nguyễn Văn Tạo bị cầm tù mãi cho đến khi người Nhật đầu hàng vào năm 1945 (Lê Hồng Phong đã chết tại Côn Đảo vào năm 1942). Việc này đã làm cho Uỷ Ban Trung Ương vừa mới tái thiết ở Bắc Kỳ phải tổ chức cơ cấu, trên lý thuyết là chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài giành độc lập. Trọng tâm của đảng giờ đây đã chuyển sang phía bên kia biên giới Trung Quốc, nơi Hồ Chí Minh và những đảng viên hải ngoại đang bắt đầu thiết lập liên lạc để giúp họ tham dự vào phong trào giải phóng Việt Nam do Quốc Dân Đảng Trung Quốc hậu thuẫn. Nền lãnh đạo chính thống mới của đảng giờ đây được chuyển sang Hồ Chí Minh và những đồng chí của ông từ những năm của những khoá đào tạo tại Quảng Đông. Ngay cả Trường Chinh vào năm 1941 cũng đã cần đến sự phê chuẩn của Hồ Chí Minh để được chấp thuận vào chức vụ đứng đầu đảng. Đối với những đảng viên thuộc thế hệ 1928-35, có lẽ nhóm lãnh đạo này có ít uy tín nhất: họ đã hai lần tham gia vào những mặt trận thống nhất với tầng lớp tư sản Quốc Dân Đảng và chỉ có vài người trong họ được "vô sản hoá". Võ Nguyên Giáp, người sẽ trở thành một trong những cánh tay đắc lực của Hồ Chí Minh, chỉ mới trở thành đảng viên chính thức vào năm 1937.[89] Quá khứ của ông là một học sinh hoạt động cho Tân Việt vào những năm 1928-30 và là một nhà báo trong mặt trận thống nhất tại Hà Nội đã tạo ra ngờ vực dưới mắt một số đảng viên ĐCS Đông Dương. Chỉ có Phùng Chí Kiên là thật sự có kinh nghiệm khi từng tham gia Hồng Quân Trung Quốc. Nhưng họ lại là những người đã đóng vai trò chủ đạo trong năm 1941, khi tổ chức Việt Minh bắt đầu thành hình.