Nhớ về một vương quốc xa xưa: Phù Nam
rongxanhag 06.10.2007 05:55:11 (permalink)
Đến thị trấn Óc Eo,
Nhớ về một vương quốc xa xưa: Phù Nam
 
Ngày nay, ở huyện Thoại Sơn, An Giang;  hầu hết những gò nhỏ, kể cả gò Óc Eo, từ rất lâu đều đã bị người dân san phẳng để làm ruộng. Chỉ những gò lớn như Gò Cây Thị,Giồng Cát, Giồng Xoài.. là còn tồn tại.
 
I.Phần mở đầu:
 
Trên bản đồ vị trí hành chính tỉnh An Giang, thị trấn Óc Eo (một phần của xã Vọng Thê cũ) cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 40 cây số, theo tỉnh lộ 943.
 
Nơi này đã từng tồn tại một hải cảng sầm uất của vương quốc Phù Nam từ  thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII.
Đó là một nền văn hoá biển, hình thành và phát triển ở miền Tây sông Hậu, cư dân Oc Eo-Phù Nam đã sớm thành thạo trong kỹ thuật khai thác biển, có kiến thức và kinh nghiệm sâu sắc trong việc trị thuỷ, làm thủy lợi và phát triển kinh tế hải thương.


Do đón nhận được và biết phát huy những điều kiện thuận lợi của vị thế tự nhiên, Phù Nam đã trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất Đông Nam á đồng thời là nơi tiếp nhận và truyền phát văn hoá giữa hai thế giới phương Đông (Trung Hoa, Ấn Độ) và phương Tây (La Mã, Ba Tư)…
 
Chính vì vậy, Óc Eo hiện chứa đựng trong mình một trữ lượng tài liệu lịch sử vô cùng phong phú, minh chứng cho sự tồn tại của một dân tộc, của một nền văn minh, một quốc gia đã từng hiện hữu trên đất nước Việt Nam.
Đó chính là vương quốc Phù Nam.
 
Danh từ Óc Eo có nghĩa là gì?

Theo nhà dân tộc học người Pháp Pierre Bitard thì từ Óc Eo đồng âm với chữ Khmer địa phương là "Ur Kev". Khi phát âm danh từ đó, nghe gần giống âm “Ô kéo” .Từ ấy có nghĩa là rạch ngọc.
Nhưng nhà nghiên cứu George Coedes lại không đồng tình vì cái tên "Ur Kev" không phải là từ cổ lắm. Bởi lẽ, từ "Kéo"(đá ngọc) là một từ thuộc nhóm ngôn ngữ Thái, nó không hề có ở Kampuchia thời Angkor (thế kỷ VIII - XII), càng khó có thể xuất hiện ở thời Phù Nam (thế kỷ I - VI).
Câu chuyện vì sao gọi là Óc Eo hẳn còn tiếp tục tranh luận.
 
II.Truyền Thuyết dựng nước Phù Nam:
 
Theo Khang Thái, sứ giả của Ngô Tôn Quyền thời Tam Quốc chép trong sách  Phù Nam thổ tục thì ông vua đầu tiên của nước Phù Nam, có lẽ là một quí tộc người Ấn Độ hay là một tăng lữ Balamôn tên Kaunđinya (Sách Trung Quốc gọi là Hỗn Điền).
Truyền thuyết kể  ông ta từ miền Đông Ấn Độ mang theo một chiếc nỏ thần và một đạo quân hơn ngàn người vượt biển sang đánh chiếm xứ Koh Thlok.
 
Công chúa xứ này là Sôma (con gái của thần mặt trăng - sách Trung Quốc gọi là Liễu Diệp), con vua Naga, đã chống cự lại kẻ xâm lược.
Nhưng sau khi bị nỏ thần bắn thủng nhiều chiến thuyền, nàng công chúa đành phải đầu hàng và thuận để cho Kaunđinya lên ngôi vua, lấy mình làm vợ; rồi sinh ra dòng dõi vua chúa thống trị xứ Koh Thlok, sau này là Phù Nam…
 
Mặc dầu là truyền thuyết, nhưng ít nhiều nó cũng phản ảnh một thực tế lịch sử:
Người Khơme vẫn coi Kaunđinya là người sáng lập ra đất nước và đã đem đến cho họ một nền văn hóa mới. Nhờ vị vua này, phụ nữ biết cách ăn mặc che thân, biết ngôn ngữ, văn tự sănxcơri, tôn giáo Balamôn, luật pháp Ấn Độ cùng chế độ chính trị xã hội thịnh hành ở Ấn độ thời bấy giờ…
 
III.Điểm qua vài thư tịch cổ viết về Phù Nam
 
Danh xưng “Phù Nam” là gọi theo tiếng Trung Quốc, có lẽ do họ phiên âm từ tiếng Môn-Khơme cổ “boman”.(ngày nay nó được đọc là “phnom”, có nghĩa là núi, và các vua của vương quốc này đều lấy vương hiệu là “ kurung boman” có nghĩa là “vua Núi”).
 
Thủ đô của Phù Nam có thể là Vyađapura, gần ngọn núi Ba phnom ở làng Banam, thuộc tỉnh Prây Veng.(ngày nay vẫn còn giữ nguyên tên cũ- Có giả thuyết khác cho rằng thủ đô đặt ở Angkor Borei)
 
Và quyển sách có niên đại sớm nhất đề cập tới Phù Nam là Dị vật chí của Dương Phù thời Đông Hán (25-220).
 
Đến thời Tam Quốc (220-280), Phù Nam đã thiết lập quan hệ bang giao với nước Ngô.
 
Theo Ngô thư thì vào tháng chạp năm Xích Ô thứ sáu (243), Vua Phù Nam là Phạm Chiên sai sứ  sang dâng nhạc công và nhiều sản vật địa phương.Sau này khi đánh chiếm Giao Châu và Cửu Chân, Vua Ngô cũng đã sai người đến các nước phương Nam. Vua các nước Phù Nam, Lâm Ấp và Minh Đường đều sai sứ dâng cống.
 
Sách Lương thư còn cho biết Tôn Quyền nước Ngô đã sai Chu Ứng và Khang Thái đi sứ các nước phía Nam, trong đó có Phù Nam. Sau khi đi sứ về, Khang Thái có viết quyển Phù Nam thổ tục còn gọi là Phù Nam truyện (người soạn có nói đến ở phần đầu).

Các sách có liên đại muộn hơn vào các thế kỷ VI-VII như Trần thư, Tuỳ thư, Thông điển, Tân Đường thư... đều có chép khá tỉ mỉ về vương quốc.

Như vậy, những nguồn sử liệu thư tịch kể trên không chỉ ghi nhận sự tồn tại của Vương quốc Phù Nam mà còn ghi nhận các mối quan hệ rộng và rất thường xuyên của vương quốc này với các triều đại phong kiến Trung Quốc.
 
Không chỉ vậy, qua những dấu tích vật chất ta biết họ còn có mối quan hệ giao lưu rộng rãi với thế giới bên ngoài như Ấn Độ, Tây Á và Địa Trung Hải.
 
Theo một văn bản viết hồi thế kỷ thứ V do nhà học giả Pháp P.Pelliot dẫn dụng, thì vua Phù Nam là Phạm Chuyên có phái sứ thần của mình sang Ấn Độ. Sứ thần được đón tiếp nồng nhiệt và lúc ra về họ được vua triều Murunđa trao cho 4 con ngựa chiến để đem về tặng nhà vua Phù Nam…
 
Tuy nhiên, trong một thời gian dài nền văn minh cổ đại của cư dân Nam Bộ chỉ được biết đến qua các thư tịch cổ.

Cho đến năm 1944, nhà khảo cổ học Pháp Ma-lơ-rê (Louis Malleret) đã tiến hành một cuộc khai quật có ý nghĩa lịch sử ở địa điểm Óc Eo. Nhiều di tích kiến trúc và hiện vật quý đã phát hiện.
Sau này còn nhiều cuộc khai quật khác nữa, và tất cả cho thấy nền văn hoá này phân bố rất trù mật trên địa bàn các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và nhiều địa điểm khác thuộc đồng bằng Nam Bộ.

 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.10.2007 06:02:06 bởi rongxanhag >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9