Tác giả-tác phẩm mới

Tác giả Bài
Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
Tác giả-tác phẩm mới - 08.10.2007 19:52:49
TIỂU SỬ TÁC GIẢ

Nguyễn Anh Nông

Sinh năm 1959
Quê: Quảng Yên, Quảng Xương, Thanh Hoá
Nhập ngũ: 1980
Hiện là biên kịch phim

Các tập thơ đã in:
- Bàn tay lá cỏ (tập 1), 1993
- Bàn tay lá cỏ (tập 2), 1995
- Kỵ sỹ ngựa gỗ (thơ viết cho thiếu nhi), 1998
- Mây bay, 2000
- Những tháng năm ở rừng, 2005

Tham gia hội:
- Hội viên Hội nghệ sỹ Điện ảnh
- Hội viên Hội nhà báo
- Hội viên Hội dân tộc Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam
- Hội viên Chi hội Nhà văn Quân đội

Liên hệ:
- Email: nguyenanhnong@yahoo.com.vn, khoihoangnang@yahoo.com.vn
- Trang chủ:
http://nguyennong.vnweblogs.com/
http://kimdieuhuong.vnweblogs.com/

THƠ NGUYỄN ANH NÔNG CÓ MẶT TẠI CÁ TRANG BÁO MẠNG:
 
1- THI VIỆN:   http://annonymous.online.fr/Thivien/viewauthor.php?ID=956
2- THƠ VIỆT:  http://www.thovn.net/viewarthor.asp?athor=103
3- VĂN NGHỆ SÔNG CỬU LONG:
http://www.vannghesongcuulong.org/vietnamese/vanhoc_tacgia.asp?TGID=1078
4- E VĂN: http://www.evan.com.vn/News/phe-binh/phe-binh/2006/11/3B9AD4C5/
5- VĂN NGHỆ CHỦ NHẬT:http://www.vannghechunhat.net/modules/news/index.php?storytopic=44
 6- VŨ HỒNG: http://www.vuhong.com/tho_2/nguyenanhnong.htm
 7- Tại Phong Điệp: <http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=4104>
8- Thơ song ngữ: <http://nguyennong.vnweblogs.com/>
 9- Nguyễn Tử Vương <http://blog.360.yahoo.com/blog-MCYasys_fLPtkwmHJo6ZICTCQOciQXE-?cq=1&p=331#comments>
10-Mai Văn Phấn <http://maivanphan.com/TieusuNguyenAnhNong.asp>
11-Trần Quang Đạo <http://tranquangdao.vnweblogs.com/post/2800/38005>
12- Việt Nam Thư Quán <http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=302300&mpage=1&key=>
13-Họ Đỗ <http://72.14.253.104/search?q=cache:YF7ycgoIdm4J:hodovietnam.vn/index.php%3Foption%3Dcom_content%26task%3Dview%26id%3D354%26Itemid%3D33+%22+Nguy%E1%BB%85n+Anh+N%C3%B4ng%22&hl=vi&ct=clnk&cd=38&gl=vn>
14-Ngô Thanh Hằng <http://ngothanhhang.vnweblogs.com/post/1967/14169>
15-Việt Văn Mới<http://vietart.free.fr/index1.887.html>
16-Sưu tập.com <http://www.suutap.com/default.asp?id=313&muc=1>
17- Gooleg: <http://www.google.com.vn/search?q=%22+Nguy%E1%BB%85n+Anh+N%C3%B4ng%22&hl=vi&start=0&sa=N>
18-Viết về người lính: <http://kimdieuhuong.vnweblogs.com/post/1117/39680>
19-Tại newvietart.net:<http://www.newvietart.net/index01.1.html>
20 Vi.Wikipedia:- < http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%A3o_lu%E1%BA%ADn_Th%C3%A0nh_vi%C3%AAn:Tambang >         
TRANG THƠ DỊCH:
 1-<http://nguyennong.vnweblogs.com/category/2836/10049>
TRANG PHÊ BÌNH
 1-<http://kimdieuhuong.vnweblogs.com/post/1117/39686>
2-<http://www.thivien.net/searchwriting.php>



NHỮNG BÀI VIẾT VỀ THƠ NGUYỄN ANH NÔNG
 
BÀN VỀ TẬP THƠ NHỮNG THÁNG NĂM Ở RỪNG

Đá và hoa - một bông thơ dâng tặng
                     Đọc “ Những tháng năm ở rừng” NXB Quân đội nhân dân-2005
                                                ĐỖ TRỌNG KHƠI


    Tập thơ Những tháng năm ở rừng được nhà xuất bản Quân đội nhân dân in năm 2005 này, có thể xem là một tập hợp tương đối đầy đủ của Nguyễn Anh Nông cho quá trình sáng tác mấy mươi năm qua. Tác giả, quê Xứ Thanh, có thơ in báo từ khi còn là học viên trường sỹ quan Lục quân I, tốt nghiệp lên đóng quân ở Cao Bằng thơ Nguyễn Anh Nông đã tỏ ra chững chạc, nhiều hứa hẹn

Và chính ở miền Cao Bằng đã cho thơ Nguyễn Anh Nông những bài hay, thấm đẫm chất hào khí, cái trập trùng núi non biên ải. Những sáng tác thời gian này góp mặt làm nền tảng cho những thành công của tập. Như các bài: Hoa cỏ tía, Khúc tưởng niệm bên dòng suối, Những tháng năm ở rừng, Với quê…
Là nhà thơ chiến sỹ, tất nhiên đề tài, mối quan tâm chủ đạo và tâm huyết nhất Nguyễn Anh Nông dành viết về người lính. Các vấn đề chiến tranh, sự hy sinh, cũng như trong hoà bình trước cuộc sống đời thường đều đi vào thơ anh với nhiều cảm xúc sâu đậm, những ưu tư trăn trở, bức xúc, song tất cả đều được thể hiện qua các câu chữ chân thành yêu thương và tài hoa. Những tháng năm ở rừng bài thơ được lấy làm tiêu đề cho tập là bài thơ tiêu biểu cho bút pháp mang lại nhiều thành công cho thơ Nguyễn Anh Nông.
Câu chữ giản dị mà tinh tế, khái quát. Hình ảnh thơ như những nhát cắt cho hiện ra từng mảng sống chân thực của người lính ở rừng:
Những tháng năm ở rừng
Cùng đồng đội làm thanh gươm sắc
Cùng đồng đội làm lá chắn bên cột mốc.

Những tháng năm ở rừng
Ăn trong nắng, ngủ trong sương
Ngày mấy bận ngóng thư
Đêm bầu bạn với trăng trời mây gió.

Những tháng ở rừng
Đồng đội mấy người gục ngã
Hồn thiêng gửi lại lá cây rừng.

Những tháng năm ở rừng
Con kiến lửa đốt lòng nhoi nhói
Tin quê bão bùng lụt lội…

Trong bài thơ Những tháng năm ở rừng, có câu bật ra như một tiếng thở dài, không vì tiếc nuối, mà có lẽ đơn thuần chỉ là tiếng thở dài hồn nhiên bật ra trước thực tế không ngờ tới: “Người thân hờ hững hoá người dưng/ Ngày xuống phố thẫn thờ ngơ ngác…” Người lính, nhất là người lính đồn trú nơi núi rừng, hải đảo, xa cách với phần sống hiện đại đang diễn ra nơi đô thị phồn hoa với bao vẻ mới mẻ, bao quan niệm về giá trị cũng đã có sự đổi thay, khiến mình thành lạc lỏng xa lạ. Và vì thế đã cho cảm nhận, không chỉ hoá người dưng trước người thân mà ngay với chính mình. Trước tình yêu cũng thành: “Ta thành người cổ điển lúc yêu nhau…”(Thơ tình lính biển). Đây cũng là một cách trình bày về hiện thực có tính hệ thống, tính giải pháp của lựa chọn nghệ thuật thơ Nguyễn Anh Nông. Và chất lính trong thơ anh, qua những nhát cắt hình ảnh đó, trước sau ở bất cứ cung bậc tình cảm nào cũng được thắp lên từ chất thép của một ý chí, một nghị lực yêu, dâng hiến. Do vậy sự thanh thản, tin yêu vẫn là cảm xúc chủ đạo của tập thơ, ở ngay cả những bài viết về mất mát, hy sinh: “ Đời bạn tôi dừng lại tuổi thanh xuân/ Đâu Tổ quốc cần bạn tôi có mặt/ Dẫu đồng đội có người quay quắt/ Bạn tôi như mạch suối nhỏ trong lành…” (Khúc tưởng niệm bên dòng suối). Niềm thanh thản, tin yêu của con người dành cho nhau, trong thơ Nguyễn Anh Nông có khi còn được đẩy sâu, tương hợp và hoá giải tới tận vùng tâm linh, siêu nghiệm: “Bây giờ xanh hai nấm đất/ Khói hương thi thoảng thăm nhau…” ( Cảm tác).
Chiều sâu tinh thần, đạo lý được khắc hoạ đã cho thơ Nguyễn Anh Nông nói được niềm trăn trở, âu lo, tiếng thở dài u uẩn nhưng không bao giờ sa vào bi luỵ, bế tắc, sầu đau tuyệt vọng.
Về nghệ thuật sử dụng hình ảnh ngôn ngữ với cách tạo nhịp điệu trình diễn nó qua lăng kính các ý niệm tinh thần, thơ Nguyễn Anh Nông có một hình ảnh đáng chú ý, đó là hình ảnh Đá và Hoa cỏ. Bài Hoa cỏ tía với bốn câu tứ tuyệt chặt chẽ, hàm xúc:
Cỏ tía như là hoa tím pha
Bâng khuâng hoa đợi bướm ong qua
Bướm ong mê mải phương trời lạ
Hoa tím mơn man mặt đá già.
Còn ở bài, Loanh quanh một khúc sông Bằng, hình ảnh hoa bên đá núi được hoạ với sắc màu, âm thanh rất gợi: “Chẳng chờ nổi trời xanh kia thấu đáo/ Trời cũng lơ ngơ như cây cỏ thôi mà/ Cỏ thực đấy mà như hư ảo/ …” Câu thơ sau đây đột ngột trở nên một thi ảnh rất lạ, thú vị: “ Lịch kịch Bằng Giang đá đẻ hoa” Âm thanh của Lịch kịch của đá phát ra khi sinh nở, quả là thứ âm thanh rất lạ. Đá nở, ngỡ như thứ tiếng trời rung đất chuyển mà ở trường hợp thơ này lại đòi hỏi một lỗ tai thẩm âm tinh vi lắm mới lắng nghe được. Khi đá và hoa phối cảnh, hoà âm bên nhau trong thơ Nguyễn Anh Nông luôn có cơ đem lại cho thơ anh những bài, câu thơ hay, rất ấn tượng. Bài Khúc ca bên cỏ viết riêng về cỏ, ý niệm thơ thể hiện với suy ngẫm cảnh người, lẽ đời thấm thía. Đặc điểm sử dụng Đá và Hoa cỏ làm vật liệu, thi liệu thơ qua một số bài cho thấy một hướng khai thác vật liệu ngôn ngữ và cấu tứ của thơ Nguyễn Anh Nông là một điểm riêng, nhiều hứa hẹn thành công. Bản thân tác giả cần suy ngẫm, đúc kết thêm.
Thơ Nguyễn Anh Nông qua tập Những tháng năm ở rừng thành công rõ ràng hơn cả là ở một loạt bài viết với cách viết giản dị, chân thành, tạo cảm xúc ở vấn đề, hình ảnh diễn quanh mình cùng những gì gắn bó thân thuộc với đời sống chiến sỹ.
Trong tập Những tháng năm ở rừng cũng nổi lên một cụm bài với lối viết có những tìm tòi, cách điệu, như: Miền tuyết bỏng, Chân dung, Phân thân, Linh cảm…
…Rồi một lần anh vượt qua anh
Anh thành anh với khuôn mặt khác
Một lần em vượt qua em
Em không chỉ thành sông mà thành thác
Anh thành con thuyền vượt thác ghềnh em
Thác ghềnh chót vót, chon von
Có thể thuyền anh tan tành phút chốc…
( Phân thân)
Bài thơ được thể hiện tính đa chiều, đa ảnh của sự phân thân. Một cuộc truy tìm vào chính mình và đã gặp chính mình ở nhiều dạng gương mặt khác nhau trong ước mong tối hậu và nhận chân ra gương mặt chân thật nhất của mình. Con đường này các hành giả xưa từng đi và rất nhiều người đã chìm khuất mình trong vô tăm tích. Qua các lớp lang ngôn ngữ, vỉa tầng ý tưởng thơ bộc lộ một Nguyễn Anh Nông khát khao dấn thân trên đường, nhưng song hành trong anh lại còn mang một cảm nhận khá ý vị, sâu sắc: “ Anh túm được em rồi/ Bỗng sững sờ ngơ ngác/ Khi bắt được niềm vui/ Dáng hình em đã khác…” ( Nàng còng gió). Cách tổ chức ngôn ngữ và khả năng tạo sự dung chứa nội dung, mang sức lực truy sâu vào bản thể con người, bản chất sự vật, sự việc là một nỗ lực đổi mới đáng ghi nhận của thơ Nguyễn Anh Nông.Tuy vậy, ở hướng thơ thể nghiệm này công tâm mà đánh giá, còn nhiều bài, câu sa vào cầu kỳ xắp đặt. Bài thơ, con chữ đứng bấp bênh vì nó bị xây trên nền tảng ý tưởng, tư tưởng nghệ thuật chưa được đầy dặn.
Qua những thành quả đã đạt được, với những vỉa tầng đang được khơi lộ cho hy vọng nhà thơ chiến sỹ Nguyễn Anh Nông sẽ còn vững bước trên đường dài nghệ thuật. Những tháng năm ở rừng với giá trị của nó, giá trị của một bông thơ tạo nên từ Đá và Hoa cỏ, từ tình yêu người lính là một dâng tặng thơ ca./.

                   2/9/2005
                      Đ.T.K

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Quân đội- số 645- tháng 5-2006

 
 
Lõi "trầm" từ "Những tháng năm ở rừng" của Nguyễn Anh Nông
NGUYỄN HƯNG HẢI

     Sinh ra ở Thanh Hoá- đất anh hùng hào kiệt, trưởng thành trong quân đội, nhà thơ Nguyễn Anh Nông đã xuất bản 5 tập thơ, là một cây bút đã và đang được chú ý trong lực lượng vũ trang.
Đọc “ Những tháng năm ở rừng” tập thơ mới của anh (vừa mới được NXBQĐND ấn hành năm 2005) cảm nhận được những phẩm chất tuyệt vời vốn có của người lính. Những tháng năm ấy, Nguyễn Anh Nông đã “Cùng đồng đội làm thanh gươm sắc/ Cùng đồng đội làm lá chắn bên cột mốc/...ăn trong nắng, ngủ trong sương”. Gian khổ hy sinh của người lính ở nơi chiến trường, bây giờ nghĩ lại, lắm lúc chúng ta vẫn giật mình, không tin là mình có thể còn sống sót trở về. Nhưng gian khổ ấy, hy sinh ấy không đau bằng khi trở về gặp cảnh đời “Người thân xưa hờ hững hoá người dưng/ Ngày xuống phố thẫn thờ, ngơ ngác...”. Mừng vì cuộc sống đổi thay nhưng cũng sợ vì lòng người đổi khác. Đó có lẽ là vết thương không lành miệng của người lính sau trận mạc. Câu thơ như cứa vào lòng người, tôn thêm vẻ đẹp nhân cách, phẩm chất bộ đội cụ Hồ của Nguyễn Anh Nông.
Tập thơ 55 bài, hầu hết là viết về những kỷ niệm của Nguyễn Anh Nông như một nhắc nhở ân tình của anh về tình đồng đội, quê hương, tình người, viết về những miền quê anh đã từng gắn bó, đi qua trong những cuộc hành quân trùng điệp của người lính. Gặp ở đây những tháng năm ở rừng, niềm vui, nỗi buồn và cả sự thức tỉnh.
Cũng như bao người lính khác, tháng năm biền biệt xa nhà, Nguyễn Anh Nông luôn đau đáu: “ ở quê nhà bão lụt/ mẹ cha già cả rồi/ vợ con mong đỏ mắt/ mình xa tít mù khơi”. Trong nỗi xa vắng ấy, dù nhiều từng trải, giàu bản lĩnh, con người ta vào những lúc thương nhớ dội về không ai không ngẫm ngợi khi “ hoang vắng bóng em”, hình như sự hoang vắng ấy làm cho “ Đất với trời vênh bánh tráng?”.
“Chiều không em khập khiễng đất Cao Bằng”, Nguyễn Anh Nông cũng như bao người lính khác: “ Ước gì được ngắm em cười khóc/...Ước gì tóc được xoà trong tóc”. Nghe đau và xót trước nỗi xa, trước một ước mơ hạnh phúc bình dị nhưng cũng rất đỗi thiêng liêng của con người.
Chỉ một tiếng chim kêu trong rừng đêm cũng đủ làm cho chúng ta xao xuyến: “ Tiếng chim hay em/ Gọi tôi trong mơ...”( Đêm ở rừng nghe tiếng chim quyeng quý). ám một nỗi buồn của Nguyễn Anh Nông để tin yêu thêm cuộc đời, để hiểu thêm người lính, dù chỉ hiểu mà không sao chia xẻ:
“ Thế là chim hót/ Thế là tôi nghe/ Thế là thao thức/ Thế là canh khuya...”.
Những tháng năm ở rừng, cùng với nỗi nhớ người yêu, nhớ quê hương gia đình, những người thương yêu ruột thịt, Nguyễn Anh Nông còn bao nỗi nhớ khác trong “ Ba chốn đều thương yêu/ Bốn nơi cùng lưu luyến”( Một con thuyền).
Tôi cảm phục Nguyễn Anh Nông ở nỗi buồn thánh thiện, ở nỗi đau cao thượng. Đọc đi đọc lại nhiều lần bài thơ Cõi thu trong “ Những tháng năm ở rừng” còn thấy ở anh một tình yêu con người thật cao quý, dù ở đây là niềm xót xa nhiều buồn tủi. Những câu thơ chia sẻ của anh với người chị “ Chồng chết” làm chúng ta mủi lòng: “ Có chồng con bỗng tay không/ Đắng cay đời chị- long đong phận tình/ Sớm khuya thui thủi một mình...”. Một kiếp nhỡ nhàng, người chị của Nguyễn Anh Nông phải mượn đến tiếng mõ, tiếng “ A di đà Phật” để trấn an lòng mình, còn Nguyễn Anh Nông cho chúng ta nhiều thức tỉnh: “ Thế thì thôi- thế thì tin/ Cõi người, cõi Phật biết vin cõi nào?/ Cõi trời, cõi đất thanh tao/ Cúi đầu tôi lạy cõi vào ...thiên thu”
ở Trước lá vàng- Một bài thơ cũng nói về, viết về nỗi bất hạnh của vợ chồng một người bạn- cả hai từng mất chồng, mất vợ, đến với nhau muộn mằn, Nguyễn Anh Nông đã tôn lên phẩm chất người bằng vẻ đẹp nhân cách: “ Trước ảnh, chị nâng đèn/ Anh cầm nhang, châm lửa/ Nhớ người không về nữa/ Họ lặng trầm, bóng đôi”.
Đọc trong cảm động, thấm thía, tôi thực sự tin vào những câu thơ, bài thơ thấm đẫm tinh thần nhân ái như thế của Nguyễn Anh Nông qua tập thơ này, đó cũng là ấn tượng có được qua các bài : Nhát chổi trong chiều, Khúc tưởng niệm bên dòng suối, Với bạn, Người đẽo cày và chiếc tăm, Bạn ngồi...
Cùng nỗi nhớ thẳm sâu, tri ân với đồng đội, tình thương yêu con người thánh thiện, thơ Nguyễn Anh Nông thủ thỉ như một lời tâm sự. Giọng thơ đôn hậu, trữ tình đã và đang vươn tới thế sự cho tôi và chúng ta nhiều liên tưởng. Trước hết là những tháng năm không “ yên ổn” ở rừng, dù trong trạng thái nhiều yên ổn thì vẫn cứ bắt gặp ngổn ngang tâm sự, nỗi niềm: “ Hai chàng từng là địch thủ/ Choảng nhau có lúc mẻ đầu/ Bây giờ xanh hai nấm đất/ Khói hương thi thoảng thăm nhau”( Cảm tác).
Hình như cùng với phẩm chất “ Bộ đội cụ Hồ”, thơ Nguyễn Anh Nông còn lung linh một vẻ đẹp cứu rỗi. Thơ anh rất nhiều chia xẻ, cảm thông. Rất nhiều thức tỉnh về đạo lý, nhân cách. Dường như Nguyễn Anh Nông luôn nghiêng bút chủ âm về cái đẹp. Đôi lúc viết về cái xấu thì thơ anh vẫn luôn ấm áp với những gợi mở và cảnh tỉnh: “ Khi lòng ta trống rỗng/ Mọi không gian- hình khối- đồ vật chẳng thể lấp đầy/ Hãy nhớ mà giữ lấy, nghe em!/ Niềm thiêng trời đất/ Rung rẩy trong lồng ngực ta đây”( Niệm thiêng).
Có lẽ “ Những tháng năm ở rừng” không đơn thuần chỉ là những hồi ức mà còn là những trải nghiệm, và trải nghiệm rõ nhất là trong bài thơ Người đẽo cày và chiếc tăm, xin dẫn dụ: “ Bào bóng nhoáng, phẳng lỳ mọi nhấp nhô, khấp khểnh lồi lõm thế sự/ Mạ kền những ám muội nhân gian/ Đốt thời gian bằng tỷ mẩn: con kiến tha mồi/ con dã tràng xe cát/ con công nhảy múa chốn hoang sơ?/ Chiều nay, sau bao đớn đau, trăn trở/ Chiếc tăm ngó nghiêng nhìn tôi, mỉm cười/ Nó vừa được bạn tôi phóng thích”
Trở lại với con người thật giàu nhân ái, trách nhiệm Nguyễn Anh Nông cũng như tôi và chúng ta vẫn là con người bổn phận, và những câu thơ bổn phận của anh ứa nước mắt: “ Riêng ta- đi xa biền biệt/ Tháng năm mải miết, đam mê/ Về nhà từ vầng trăng lạ/ Một năm được mấy trung thu”( Nhà ta).
Trong sự “hy sinh” vô bờ ấy của người lính, bổn phận của Nguyễn Anh Nông với vợ con gia đình cũng chính là bổn phận của anh với đồng đội, bạn bè ở nơi “ tít mù xa”, ở “ Những tháng năm ở rừng”. Dường như Nguyễn Anh Nông luôn thường trực một nỗi lo cho người khác, luôn đau đáu một tình yêu, luôn day dứt về tình đời, tình người. Trong rất nhiều thức tỉnh của anh, thức tỉnh rõ nhất là hãy luôn biết phát huy phẩm chất người lính cụ Hồ, dù hôm nay cuộc sống đã có nhiều thay đổi.
Và như vậy, tôi đã bắt được lõi trầm từ “ Những tháng năm ở rừng” của anh./.
                                              N.H.H


                                     ( BÀI ĐĂNG BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN CUỐI TUẦN) 

*******************************
BÀN VỀ TẬP THƠ KỴ SĨ NGỰA GỖ
        (TẬP THƠ THIẾU NHI)
BÀI 1:
Tiềm năng đồng nhất hoá trong thơ viết cho thiếu nhi của Nguyễn Anh Nông

Thi pháp thơ ca, chủ yếu và bao trùm là đồng nhất hoá, một thi pháp rộng hơn nhiều thủ pháp nhân hoá và vật hoá về định lượng, lại hiệu lực lớn hơn, cả hai thủ pháp ấy về định tính. Thú vị thay, trong thơ viết cho thiếu nhi, Nguyễn Anh Nông đã tỏ ra khá thành thạo trong sự chủ yếu và bao trùm ấy, dù vô thức hay ý thức, đồng nhất hoá là gạt đi những mâu thuẫn, xoá đi những dị biệt, thu hẹp những khoảng cách.
Điều trước tiên nhận ra phẩm chất cao quý của thơ- tác giả hai tập "Bàn tay lá cỏ này là sự đồng nhất hoá cảm thức tuổi thơ và cảm thức tuổi hoa niên. Anh đã dùng một lối thơ ngụ ngôn để một bài thơ có hai bài thơ, một ý hồn nhiên cho tuyến trẻ thơ và một nghĩa hàm súc cho tuyến người lớn. Một loạt bài thể hiện thao tác tư duy này như: Nghiền ngẫm, Chiếc bóng, Mèo và hổ, Điều lãng quên...
"Riêng hai em cáo, gấu
Thường có hành vi xấu
Hình như khi ở nhà
Không ai người dạy bảo"
(Điều lãng quên)
Nguyên lý của thơ là dù thơ viết cho riêng ai, viết cho lứa tuổi nào cũng phải hướng tới con người phổ biến, tất nhiên bằng ngôn ngữ khu biệt. Anh sẽ bất cập nếu anh không tạo ra được sự tương quan của hai cảm thức ấy, có thể nhắc đến "Thầy giáo gà trống" bởi sự buồn thương vợ chồng người lớn và bài "Điều lãng quên"bởi sự phơi lộ những giáo lý.
Bước sang thủ pháp thứ hai của đồng nhất hoá.Đó là hoà nhập con người và vạn vật, cái khả năng hoà đồng vào cuộc đời, hoà đồng vào thiên nhiên.Cái khả năng ấy tạo ra một ngôn ngữ chung cho con người và con vật.Anh nói người hay nói vật đây:
"Ngỡ như ai khóc
Hoá ra chú bò
Bữa nay tập hát"
(Chú bò tập hát)
Mà thân thiết với cuộc đời đến thế. Với thủ pháp này, anh nhìn vào vườn dạy thú con cũng như nhìn vào vườn trẻ. Chú ếch cốm khoác bộ áo xanh, cây lang tím cũng bỉết bò, con vịt cũng biết gọi mẹ, tất cả đều ngây thơ hồn nhiên. Anh đã làm cho câu thơ sinh động có hồn, có vía:
"Ao sâu sung rụng bì bòm
Có anh bói cá lom rom cọc rào"
(Hoa bèo)
Con vật cũng hoà đồng vào cuộc sống xã hội của con người, cũng như con người hoà đồng vào thiên nhiên. Con người là một phần của tạo hoá:
"Con là bông hoa
Của trời và đất
Con là gió mát
Của đêm oi nồng
Con là dòng sông
Của ngày nắng lửa.."
(Con là)
Anh tiến thêm bước nữa trong thi pháp của mình khi đặt ra bình diện "nghĩ" và bình diện "cảm". Để rồi hoà trộn hai yếu tố ấy:
"Hoa đào nghiền ngẫm mùa xuân
Cây sen mùa hạ tần ngần nở hoa
(Nghiền ngẫm)
Nở hoa là sự việc hồn nhiên của tạo hoá mà anh đưa vào trạng thái của tâm trạng "tần ngần", nghiền ngẫm, làm cho hồn thiên nhiên vương vấn hồn người, làm cho sự cảm, sự nghĩ là một, làm cho mọi tư duy đều nở hoa hồn nhiên. Mối quan hệ giữa "tức thời" và "vĩnh hằng" là mối quan hệ phức tạp- mối quan hệ của những phạm trù triết học mà anh làm thơ thật nồng nàn, chất phác, hồn nhiên và thi vị:
"Vĩnh viễn vầng trăng vẫn vầng trăng ấy
Gà mẹ mỗi ngày thêm một...vầng trăng
(Vầng trăng)
Anh cũng thể hiện được sự khát khao đối với con người, niềm vui được làm chính bản thân con người, không phải là cái bóng:
"Bóng đen
Lừng lững như đống rơm khô
Sao vắng bóng gà con và tiếng chim
lích chính"
(Chiếc bóng)
Cô quạnh thay chiếc bóng dù là bóng người nhưng không phải là người. Thi pháp của anh đã tới thời kỳ tinh tế và chín muồi.
Thi pháp nếu dùng vụng thô thì chỉ đơn giản là hình thức nhưng khi đã thành thạo khi nó thành nội dung. Điều ấy càng rõ ràng khi anh đồng nhất hoá yếu tố thi vị và yếu tố thường ngày nhờ sự phát hiện cao xa của thi pháp và anh tự lạc vào mê cung của sự thơ mộng của những sự việc tưởng như không thơ ấy.
Anh đã hoá thân thành ếch con mà sững sờ trước vầng trăng và giá như không có sự hoá thân ấy thì làm sao tìm được sự kỳ diệu này:
"Êchs giật mình kêu lên mấy tiếng:
- Ô, vầng trăng té xuống nước rồi
Thương cho vầng trăng quá đi thôi.
Êchs vội vã nhảy ùm xuống cứu.
(Vầng trăng với ếch con)
Anh lại hoà cùng vạn vật mà tìm ra:
"Trăng xanh như mắt mèo
...
Vỡ thành hai ngôi sao"
(Chuyện một đêm trăng)
Bằng thi pháp của mình, tác giả đã nghe được ngôn ngữ của vạn vật. Anh nghe được tiếng gọi mẹ của chú vịt con lạc đàn, lời của cây xà cừ, tiếng khúc khích của dãy núi trẻ. Cũng chính nhờ vậy, tác giả đã nhìn ra những điều mà mắt thường không nhìn thấy. Hoa bèo trong ao mà thành:
"Loay xoay trong cái gương trời"
(Hoa bèo)
Và con sáo mỏ vàng:
"Bần bật lưng trâu đen
Bần bật tiếng hót cất lên"
(Mưa chiều)
Điều đáng vui hơn, là nhờ thủ phấp anh đã cảm được cuộc đời bằng ngũ giác trẻ thơ.
Anh biến thành đứa trẻ thực sự khi trò chuyện với búp bê:
"Lúc nào em nhớ chị
Thì soi chiếc gương này
Chiếc gương kỳ diệu lắm
Mình, mỗi mình mà hai"
(Dặn dò búp bê)
Cái phép kỳ diệu này, chỉ có đứa trẻ con của Nguyễn Anh Nông mới tưởng tượng được.
Phép biện chứng tâm hồn ấy đưa tác giả những tâm trạng thật là trẻ con trong bài "Kỵ sỹ ngựa gỗ": Bé cưỡi ngựa gỗ, lại hăng lên phi nhanh quá, đã ngã định bụng không thèm nhè nhưng lại nhăn mặt và lau nhanh nước mắt. Có nước mắt mà lại lau nhanh thì đúng là kỵ sỹ ngựa gỗ rồi. Hoá thánh trẻ thơ, anh đã phát hiện ra bản chất của lễ hội, tết, rằm:
"Bữa nay bố về phép
Chỉ vào ngày dưng thôi
Âý mà vui phải biết
Tết- nhà ta đây rồi"
(Tết)
Đọc tập thơ" Kỵ sỹ ngựa gỗ" viết cho thiếu nhi này, ta được gặp một Nguyễn Anh Nông hồn nhiên, trong trẻo, giàu tưởng tượng, giàu sức khám phá. Thi pháp đồng nhất hoá do anh áp dụng có tính chất hệ thống, tạo cho thơ anh đã tiếp cận được thế giới tuổi thơ kỳ lạ và đầy bí ẩn với tất cả chúng ta.

                                          Hoà Bình, ngày 9-2-1998
                               
Nhà thơ Nguyễn Tấn Việt

BÀI 2:

Kỵ sỹ ngựa gỗ
TIẾN SĨ BÍCH THU

Dễ nhận thấy trong tập Kỵ sỹ ngựa gỗ, cuộc sống con người và thế giới thiên nhiên với những cỏ cây hoa lá, loài vật xen cài, hoà quện tạo nên một bức tranh xã hội- thiên nhiên sinh động và ấm áp. Ở đây chủ đề trữ tình không chỉ là thiên nhiên vạn vật:Hoa bèo, Mưa chiều, Lang tím, Nghiền ngẫm, Chuyện một đêm trăng,Vầng trăng với ếch con, Chuyện sáng nay,Cào cào,Chuyện lạ quê nội...
Nhân vật trữ tình trong những bài thơ nay không tồn tại một cách dị biệt, đơn lẻ và luôn luôn hiện hữu trong sự sum vầy, hoà hợp, gợi được sự giao hoà của trẻ thơ với cộng đồng, với cảnh sắc thiên nhiên. Bằng các góc độ khác nhau, tác giả tập thơ Kỵ sỹ ngựa gỗ tỏ ra khá nhậy cảm khi quan sát và cảm nhận vẻ đẹp tự nó của thiên nhiên nơi thôn dã với các loài vật dễ thương: Chú nghé con, chú ếch cốm, chú dế mèn, chó con, mèo con, với bóng cò nhấp nhoá,đàn chim gáy, lũ bướm vàng, chuồn chuồn, với cây lang tím, hoa bèo, với vầng trăng mặt trời. Tất cả cảnh vật ấy đã trở thành "giáo cụ trực quan", khảm vào tâm trí trẻ thơ những ấn tựơng ban đầu không thể quên trong cuộc đời này.
Gần đây thưa vắng các tập thơ viết về thiếu nhi.Tập thơ Kỵ sỹ ngựa gỗ của Nguyễn Anh Nông đã góp một tiếng nói trong sự im lặng ấy, có thể nói tập thơ đã đến được với thế giới trẻ thơ hồn nhiên, trong trẻo, làm thơ cho thiếu nhi, hướng về trẻ em, Nguyễn Anh Nông đã tránh được sự giả vờ ngây ngô, "ông cụ non"của một vài tác giả viết cho thiếu nhi trước đây. Nếu Nguyên Anh Nông tìm được một sư so sánh nhuần nhuyễn hơn (Mặt trời) giảm bớt sự đại ngôn (Điều lãng quên, con là...) tập thơ Kỵ sỹ ngựa gỗ sẽ tạo cảm giác đầy đặn hơn với người đọc.

Kỵ sĩ ngựa gỗ - tập thơ cho thiếu nhi của Nguyễn Anh Nông, xuất bản năm 1998
                     ( BÀI ĐĂNGTẠP CHÍ VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI)

 
BÀI 3: 

Chút cảm nghĩ trước một khu vườn cổ tích
                                    ĐỖ TRỌNG KHƠI

Trước thế giới trẻ thơ- một thế giới mang cái phần người nguyên khôi nhất, cái phần mà bản thân đời sống của nó đã là một ánh thơ kỳ diệu tuyệt nhất. Vậy khi tác giả người lớn sáng tác thơ cho đối tượng bạn đọc tuổi thần tiên này cũng là đông nghĩa ca ngợi, chăm lo cõi phần thơ- cõi phần người nhất tâm hồn mình. Vì lẽ đó, khi tình chưa thật hoàn nguyên, chưa thật biết yêu thương trẻ nhỏ thì cầm bằng chưa có thực khả năng nhập cảm tuyệt đối vào thế giới tuổi của trẻ nhỏ mà cải lão cái tâm cái cốt, mà hoàn đồng con chữ - thì viết sao cho đạt?
Tôi đọc tập thơ kỵ sỹ ngựa gỗ với ý nghĩ như vậy. Thật vui mừng khi nhiều lần tôi gặp được sự chia sẻ của Nguyễn Anh Nông qua cảm xúc thơ anh.
...Vĩnh viễn vầng trăng vẫn vầng trăng ấy
Gà mẹ mỗi ngày thêm một... vầng trăng
Gà mẹ mỗi ngày đẻ một quả trứng, được miêu tả liên tưởng như "thêm một vầng trăng"
, chỉ hồn trẻ thơ mới có cách nghĩ, cách liên tưởng vật hoá, sinh thể hoá hình ảnh vầng trăng xa vời một cách cụ thể gần gũi như vậy.
Sự cảm nhận về mối quan hệ tương tác, song ứng giữa con người và vật, cùng môi cảnh thiên nhiên xung quanh là sợi dẫn tiếp cận trong cảm thức thơ Nguyễn Anh Nông. Ơ những bài như "Núi trẻ, dặn dò búp bê, giàn và mướp, chú bò tập hát..." bằng thủ pháp vật hoá, nhân hoá được sử dụng thành công với cấp độ sự "hoá" ấy đồng nhất lại với nhau là một – xoá nhoà các ranh giới. Ơ bài "thầy giáo gà trống" với giọng thơ theo kiểu ngụ ngôn, anh viết: "...Chị mái đêm qua cáo bắt
Để lại đàn con măng tơ
Anh trống buồn đau xé rột
Lộc ngộc vụng về con thơ..."
Rồi dẫn đến hoàn cảnh, tâm lý:
"Anh trống xem chừng tất bật
Cái dáng cao gầy lắc lư...
Chân đá vào chân mắc tóc
Lòng dạ anh như tơ vò
...Dạy trò học thầy quên hết
Nhớ mỗi vần ò ó o..."
Ơ bài này, xuất hiện của những cặp liên động từ, lộc ngộc, tất bật, lắc lư, chân mắc tóc, dạ tơ vò... thể và vía của thơ đã hoạ lên sinh động hợp đúng hình ảnh, trạng thái tâm lý của loài gà trống. Đến bài "Núi trẻ" cách nhân hoá vật- vật thành như nhân cũng đạt tới sự nhuần nhuyễn, bất ngờ:
"Xôn xao bầy lít nhít
Gió thầm thì: núi non
Trời lắng nghe khúc khíc
Toàn tiếng cười trẻ con..."
Nguyễn Anh Nông đã tạo được một lối cấu trúc từ rất trẻ thơ, giàu tính liên tưởng biểu đạt.
Thư pháp nghệ thuật vật hoá, nhân hoá, huyền ảo hoá... dường như đã là thứ thành phẩm nghề riêng của loại hình văn chương viết cho trẻ thơ. Thế giới tâm hồn trẻ thơ còn mang nhiều tính cách thiên nhiên, tự nhiên. Khu vườn đời các em là khu vườn cổ tích, thần thoại. Trong khu vườn ấy, cõi phần sống ấy đức nguyên của nó vốn không có ránh giới phân cách nào, dù là sự phân cách ở thể vật chất hay tâm tính, linh hồn. Một cái chớp mắt cô Tấm từ quả thị bước ra, từ cái vươn vai chú bé làng Gióng lớn dậy thành dũng tướng, và ngay những đồ vật vốn vô tri như cái bút chì cũng có thể hoá thnàh chú lính chì dũng cảm, những con vật(kể cả ác thú như gấu, hổ...). Khi chúng sống bên cạnh các em, chúng cũng có thể thuần dưỡng hiền hoà được v.v... Vậy rõ ràng, sống trong một khu vườn đời như thế thì chỉ có khả năng liên tưởng Người, Vật, Cảnh trong sức đồng nhát hoá làm một, ta mới lắng, thấu, mới giao cảm tìm đến tiếng nói chung- Không giới tính của khu vườn được cấu thành 3 yếu tố Trẻ thơ+ Thiên nhiên + Tự nhiên = Vũ trụ.
Điều có tính cách người lớn đặt ra cho sáng tác nghệ thuật- đặc biệt sáng tavs cho trẻ thơ là: Giáo dục đạo đức công dân và nhận thức thẩm mỹ. Đặt ra cái giáo lý sáng tác này trước trẻ thơ- tính cách xã hội người lớn thường ngược lại- bị thế giới trẻ thơ + Thiên nhiên + Tự nhiên đồng hoá. Vì sao ? Phải vì, giáo lý đã gặp gốc nguyên lý.
Và bởi vậy có thể nói trở về với tuổi thơ là trở về với Gốc của con người. Với ý thức này, từ điểm quy chiếunày, người đọc nhận ra điểm mạnh cũng như điểm han chế ít nhiều còn vương sót trong tập thơ. Như, tình thơ(cảm xúc) có những chỗ chưa nhập cảm tới độ tuyệt vết, nên tính cách giáo lý lộ ra: Tứ thơ có bài chưa đạt sự kết cấu xuyên suốt khiến cho hình ảnh, ý tưởng của bài lộ ra sự sắp xếp, gượng ép. Và, tập thơ cũng còn thiếu bài thật hay – những câu thơ thật lay động lòng người.
Trước con đường hoàn nguyên – con đường tuổi thơ con người, với hành trình có chú Kỵ sỹ ngự a gỗ đồng hành, bạn đọc lớp tuổi thơ đã đón gặp Nguyễn Anh Nông – một nhà thơ mặc áo lính và các em chờ ở anh sức ươm gieo những mùa chữ mới cho khu vườn cổ tích.

                                 Nhà văn Đỗ Trọng Khơi
                                    (Hội Văn nghệ Thái Bình)

 
BÀI 4:
 

Về với tuổi thơ qua tập thơ "Kỵ sĩ ngựa gỗ" của Nguyễn Anh Nông
KHÁNH VĂN

Trẻ em tiếp xúc với thế giới bên ngoài của sự sống bằng con mắt. Quan sát, phát hiện và nghiền ngẫm. Niềm thích thú, say sưa của các em khi bắt gặp một hình ảnh nào đó của cuộc sống sẽ tạo ra những suy nghĩ rất trẻ thơ. Nắm bắt được nét chính yếu trong tâm lý các em, Nguyễn Anh Nông đã viết "Kỵ sỹ ngựa gỗ".

Đọc cả tập thơ ta bắt gặp một tâm hồn trẻ thơ quan sát sự sống một cách tinh tế. Sự vật, việc diễn ra quanh các em rất quen thuộc. Từ vầng trăng mặt trời, cây bàng, mùa xuân, mưa chiều, cây lang tím, giàn mướp, cây xà cừ...cho đến những chú bò, chú ngỗng, mèo, hổ, ngựa gỗ, ếch con, gà trống, cào cào... và cuối cùng là nét chữ đầu tiên, "điều lãng quên"... Quen thuộc và thân thương, bởi tất cả rất sống động. Dường như trong thế giới người – vật, việc – sự việc ấy, Nguyễn Anh Nông chủ yếu miêu tả qua sự quan sát, miêu tả một cách tự nhiên. Sự việc nó diễn ra như thế nào thì ghi lại thế ấy. Đơn giản vậy thôi. Nhưng trong sự quan sát ấy, Nguyễn Anh Nông đã lựa chọn để từ miêu tả trở thành diễn tả. Mà diễn tả theo suy nghĩ của trẻ thơ. Hình ảnh mặt trời được ví như "chiếc mâm lửa" khổng lồ và vĩ đại có một cái gì đó siêu nhiên lắm, ghê gớm lắm, nhưng với trẻ thơ, các em ước một cách rất hồn nhiên "mặt trời là chiếc bánh ngọt" để các em bé chia nhau – (một khát vọng đẹp về hạnh phúc theo suy nghĩ của trẻ thơ).
"Giá mặt trời là chiếc bánh ngọt
Để bạn bè, khi đói, chia nhau"
(Mặt trời)
Nguyễn Anh Nông đã miêu tả cuộc sống với một sự dung dị để phát hiện, để diễn tả, chỉ ra chất thơ của cuộc sống từ những gì bé nhỏ, dễ bị chìm trong quên lãng. Trong thơ anh có tiếng "ậm pò" của chú bò tập hát, có tiếng khàn khàn của chú vịt con lạc mẹ, tiếng chú sáo mỏ vàng bần bật cất lên sau cơn mưa chiều, tiếng chú mèo con "meo meo"... Chuyện học hành là vấn đề quan trọng nhất của các em, Nguyễn Anh Nông đã khéo léo nhìn, cảm nhận và nhẹ nhàng nhắc nhở bằng hình ảnh chú Ngỗng lơ tơ mơ để quên bài học ở nhà, bằng chuyện cái tẩy:
"Đừng kiện tôi anh giấy
Tôi chẳng hề tôi chi
Mà đang giúp anh đấy
Kẻo anh mang tiếng hề"
(Tâm sự của cái tẩy)

Từ quan sát tới phát hiện, anh vẫn giữ nguyên cảm thức của trẻ thơ với núi bố, núi mẹ, núi con với lời dặn dò búp bê... Đúng là thế giới bên ngoài qua sự cảm nhận của trẻ thơ. Một thế giới sống động hồn nhiên...
"Chợt nhìn thấy con nghé
Cháu gọi "Ê- trâu con"
Nghé chạy nhảy lon ton
Cháu bảo: "Trâu nhảy xếch"
(Chuyện lạ quê nội)
Cả tập thơ có những câu rất hay:
"Ao sâu sung rụng bì bòm
Có anh bói cá lom rom cọc rào
Bè hoa nhấp nháy nghiêng chao
Như mưa đêm xuống, ngàn sao sáng ngời"
(Hoa bèo)

Hay:
"Cây lang tím không có chân đi
Sao biết bò từ thu sang đông
Từ xuân về hè?
Ai nhuộm lang tím thế
Hay vì tiếng ve?
Hay vì tiếng cuốc đêm hè ?
Hay vì tiếng gà cục tác ?
Hay vì sấm nở bờ tre?"
(Lang tím)
Phát hiện cây bàng cả mùa đông phờ phạc tới mùa xuân chồi non hé, lộc nhú đầu cành, với ngọn gió, tia nắng hồng tưởng như không có gì mới mẻ nhưng thực sự làm ta ấm lòng lại bởi một niềm tin yêu cuộc sống. Chuyện vầng trăng ngã xuống nước và chú ếch con ngây thơ thương trăng chết đuối cũng vậy. Nó giúp ta tìm lại những ngày xưa của chính mình.
Không thể khác, từ quan sát, phát hiện tới cái địa hạt cuối không chỉ là nụ cười, niềm vui mà còn là sự nghiền ngẫm.
Người lớn chúng ta nghiền ngẫm quá nhiều. Trẻ em nghiền ngẫm chỉ là bước khởi đầu sự nắm bắt cuộc sống, hiểu cuộc sống.
Phát hiện chiếc bóng của mình trên nền nhà lặng im là điều trước tiên em bé trong bài thơ suy nghĩ và nghiền ngẫm.
"Cái bóng đen đen ấy
Giống y như một ông người
Sao ông người không cười, không nói ?
Sao ông người không múa không hát ?
Sao ông người chẳng biết khóc nhè ?"
(Chiếc bóng)
Suy ngẫm đấy nhưng mà vẫn hồn nhiên. Hỏi các bóng đen trên tường cũng giống như một ông người đấy nhưng sao lại không biết khóc nhè. Hoá ra ông người này là trẻ con. Thú vị là ở chỗ ấy!
Cũng là sự nghiền ngẫm nhưng ở bài thơ "Lời cây xà cừ" lại là sự nghiền ngẫm của trẻ thơ đấy cũng là của tất cả mọi người không kể tuổi tác.
"Ơ hay, sách không là dây trói
Mà cột người ta đến thế a ?"
Câu thơ này gợi ta đến nét thơ Đường.
"Vũ vô kiềm toả năng lưu khách
Sắc bất ba đào dị nịch nhân"
(Mưa không là khoá mà giam được chân khách
Sắc đẹp không có sóng mà dìm chết con người)

Từ một suy nghĩ nhỏ về sách mà ngẫm thấy cuộc đời rộng lớn và vĩ đại, thấy sách có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống.

Hai bào thơ sáng lấp lánh trong tập là" Vườn có" và "Tết". Bài "Vườn cò" gợi ra những suy nghĩ về thân phận con người được thể hiện rất tinh tế qua lời của bà với cháu.
Ngày thường bố về là tết. Như vậy là cái tết của niềm vui, không phải cái tết của cỗ bàn.

Cả tập thơ 32 bài đều có một nhịp điệu chung: dung dị, gần gũi, chủ yếu là chỉ ra sự vật để suy ngẫm, những phát hiện rất trẻ thơ. Hồn nhiên mà không kém phần tinh tế.

Phải yêu trẻ, hiểu trẻ em Nguyễn Anh Nông mới có được những bài thơ như thế. Hình dung sau những trang thơ ấy là nhà thơ với nụ cười ánh lên gần gũi và tin cậy./

                                                   Khánh Văn 
                              ( BÀI ĐĂNG BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN)

<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.03.2008 12:09:31 bởi Hoàng Trong >

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 08.10.2007 19:55:30
MIỀN TUYẾT BỎNG







I
Đêm nay
Tôi gối đầu
bông lau ngàn trăn trở
Ngoài kia
Con gà mơ thế giới ban mai
Nó tấu bản tình ca thời cổ lổ
Nó đập cánh hoàng hôn
Nó ấp iu quả trứng mặt trời
Sóng hay gió
mịn màng hơi thở?

II
Mây hay em
khoác lên tôi chiếc khăn thương nhớ
Chiếc khăn mộng mị, bâng quơ
Ánh trăng hay bóng em lồng lộng?
Sông suối soi bóng em
hay em soi bóng núi -
róc rách một làn hương.
Con nai tác gọi bạn
gọi ánh trăng mơn man làn gió thơm
Tắc kè kêu mưa gọi nắng
Chim bìm bịp vừa bay vừa điểm nhịp thời gian
Con dúi gặm gốc lau
như chó nhai xương rau ráu
niềm khoái lạc tinh mơ
Tôi đốt thời gian - hòn than cháy hết mình
- em chập chờn hư ảo.

III
Đằng đẵng xa em
Cây nến- niềm tin le lói.
Thời gian - người hoạ sỹ
Vẽ lên rừng cây hương sắc
Tôi - chú linh dương cô đơn
khát
miền tuyết bỏng.

 
 
TÁC GIẢ: NGUYỄN ANH NÔNG
NGUỒN: THI VIỆN




<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.10.2007 21:32:58 bởi Hoàng Trong >

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 08.10.2007 19:58:45
NGHE TIẾNG CHIM HÓT TRONG VƯỜN NHÀ MÌNH

Anh đã nghe rất nhiều âm thanh véo von nơi đất khách quê người
Sớm nay nghe tiếng chim hót trong vườn nhà mình
Ơi, khóm tre, nhành dâu da, hoa giấy, thiên tuế, đinh lăng, chanh, bưởi, roi, hoa hoè, hoa lý
Ơi, con sông quê hiền hoà lặng lẽ
Và mây trời xứ khác bay trong vườn nhà mình!
Có âm thanh nào trong trẻo, thanh khiết, thơm tho và nồng nàn đến vậy?
Lần đầu tiên ta say sưa ngửa cổ uống từng âm thanh véo von như trẻ nhỏ nuốt từng giọt sữa
Lần đầu tiên ta mê li, sung sướng như được trẻ lại lần nữa
Vườn nhà mình mà đủ đầy quá thể
Có ai đem kho báu để đổi lấy buổi sáng nay- vườn nhà mình
Anh coi kẻ đó- đồ ngông cuồng, rồ dại
Bởi không bao giờ...không bao giờ anh đánh đổi
Hơi thở em còn hôi hổi nhường kia
Đây: chiếc giường, ti vi, xe máy, ấm pha trà, phích nước...đều vểnh tai nghe?
( Em dứng chải tóc bên gương lược mới- dịu dàng-dịu dàng quá đổi)
Kìa, chú chim nhỏ xíu đang nhún nhảy vô tư nhành tre đằng ngà hoe hoe lửa
Từng chuỗi âm thanh trong suốt đổ hồi không biết mệt
Kìa ngãi cứu, rau muối, cây cọ, chanh, ớt, riềng, vạn niên thanh rung rinh nhảy múa
Kìa, những chiếc ảnh trên từng và bàn ghế, mái hiên, mặt trời, mặt trăng, lọ mực, trang sách, cây bút, cái quạt khò bếp...bỗng thấy xôn xao
Tiếng chim say sưa, thánh thót, thanh tao
Em ạ, tưởng chừng tiếng nói của mình trở thành cặn bã
Đành lặng im, lặng im, lặng im
Vườn nhà mình ngây ngất tiếng chim.



Hùng Dũng, 3/5/2004
BÀI ĐĂNG TRONG TẬP THƠ NHỮNG THÁNG NĂM Ở RỪNG CỦA NGUYỄN ANH NÔNG, NXB QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN, 2005

NGUỒN: THI VIỆN
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.10.2007 21:34:40 bởi Hoàng Trong >

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 08.10.2007 20:01:34
NÀNG CÒNG GIÓ

       THƠ - NGUYỄN ANH NÔNG






Anh thầm bước lăn tăn
Theo dấu chân còng gió
Ơi cô nàng bé nhỏ
Trên cát em nhãy múa
Trái tim ai phập phồng.

Ơi cô nàng bé nhỏ
Em giơ còng dọa ai
Thoáng bóng anh xuất hiện
Em co chân chạy hoài

Ơ kìa, nàng biến mất
Em trốn chạy đâu rồi?
Đừng bỏ đi em nhé
Để anh thành lẻ loi

Đừng để anh thất vọng
Đừng để chiều cô đơn
Đừng để trời hoang vắng
Đừng để buồn hoàng hôn

Anh túm được em rồi
Bỗng sững sờ ngơ ngác
Khi bắt được niềm vui
Bóng hình em đã khác...


Đồ Sơn, 10.1998
(Bài đăng trong tuyển thơ 1975-2000, NXB Hội Nhà văn)



<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.10.2007 21:36:21 bởi Hoàng Trong >

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 08.10.2007 20:04:46
LẠC THỦY
      THƠ -  NGUYỄN ANH NÔNG


(Tặng Tuấn Anh)

I

Tôi tới đây này, Lạc Thuỷ ơi!
Sông Bôi(*) vang tiếng trẻ reo cười
Kìa hang Trinh Nữ(*) cô sơn nữ
Dăm gã trai khờ men tới nơi
Bòng Bong(*) cây đứng như ai đứng
Chi Nê(*) thì thầm em với tôi
Ông lão đánh cờ không lạc nước
Chòm râu phơ phất áng mây trời
Bà lã lưng còng tay bới gió
Lá vàng tứ phía cứ rơi rơi
Đôi bò khua vó con đường đá
Mặt trời
    đi
       đủng đỉnh
          như người.

II

Đầm Đa(*) lau trắng như tơ trắng
Hoa vải Thanh Hà(*) hong nắng mai
Hương chè ai hái thơm lên tóc
Cầu Cả(*) bao chàng
       ríu
         bước
              say.

III
Đồng Nội(*) người xưa thương mến ơi!
Ù…u… vỏ ốc rúc liên hồi
Nhớ em một sớm tôi tìm lại
Lối cũ bơ phờ... ai lẻ đôi!


(*) Các địa danh ở Lạc Thuỷ, Hoà Bình.
&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&

LẠC THỦY- TÊN GỌI MỘT BÀI THƠ
               lỜI BÌNH: NGUYỄN TẤN VIỆT

  Lạc Thuỷ, một địa danh, qua cảm xúc thẩm mỹ của cây bút Nguyễn Anh Nông, trở thành tên gọi một bài thơ, một tên gọi rất đặc trưng cho nhà thơ nhiều hào hển , lắm thảng thốt, trong lành và ngơ ngác, hồn nhiên và trải nghiệm này .
  Cái tên riêng mà thành thơ, lại ở mật độ cao, đồng thời lại là địa danh anh chưa một lần đặt chân tới, thế mà anh làm nên bài thơ hay.Tại sao thế !Cái gì đây?
   Anh đã làm cho quan niệm “tên riêng và con số là hai điều tối kỵ trong thơ , nhất là thơ trữ tình”, trở thành không đúng nữa, ít ra là bài này là một hy hữu , việc bài thơ của anh trở thành ngoại lệ với một tiền lệ phổ biến đưa ra những ý kiến lý thú và ngạc nhiên và nghĩ ngợi .
Vậy Nguyễn Anh Nông thoát hiểm bằng cách nào. Thế mà anh cũng nhiều võ : bài bản và mảng miếng ra trò đấy. Thứ nhất anh biến địa danh thành tên gọi nhân vật trữ tình:
Tôi đến đây này Lạc Thuỷ ơi !
  Anh dõng dạc, anh đàng hoàng tuyên bố cuộc viếng thăm người đẹp tưởng tượng, gọi tên một huyện như gọi tên người yêu.Từ “ơi” sao mà tha thiết, nồng thắm thế, nó vang trong tâm tưởng ít nhất là hai đối tượng, nhiều nhất không biết là bao nhiêu. Biến thiên nhiên thành đối tượng, xưa nay là thủ pháp quen thuộc, nhưng biến địa danh thành khách thể trữ tình thì chưa nhiều, với Anh Nông lại thành công. Điều kỳ lạ hơn là anh dùng thủ pháp này có ý thức bởi một số lượng khá lớn và cùng một thủ pháp mà anh biến hoá “màu sắc trữ tình”.
Với hang Trinh Nữ thì :
Kìa hang Trinh Nữ, cô Sơn nữ
Dăm gã trai khờ men tới nơi.
Với dốc Bòng Bong thì:
Bòng Bong, cây đứng như ai đứng
Với thị trấn Chi Nê thì :
Chi Nê thì thầm em với tôi.
  Ở cái hang thắng cảnh thì chàng ví von, lại thổi vào sự đam mê, ví von nhân tình và khơi gợi đam mê khác giới.
Ở cái dốc thì chàng đặt câu hỏi mơ màng “ai” đứng , “ai” vừa dùng để hỏi, vừa dùng để tả .
Ở thị trấn thì chàng đã thân mật thì thầm, rì rào. Đặc biệt với di tích ngàn, vạn năm thì:
Đồng nội , người xưa thương mến ơi!
Thương mến ơi! Yêu mến à! Quý nhớ nữa! ạnh gọi ai đấy, con người ư, không, thiên nhiên đấy. Đến đây, chợt thấy niềm hoà đồng với tự nhiên của Nguyễn Anh Nông, thật là sâu xa, thật là gắn bó. Các địa danh anh đưa vào thơ vừa là tên riêng, lại là hình dung từ rất lạ, rất mới : Bòng Bong, Trinh Nữ, Đồng Nội ..., mới lạ đến mức thân quen, hay đúng hơn là vừa quen vừa lạ. Chính điều này đem hấp dẫn cho thơ.
  Sau khi đã chuyển hoá thiên nhiên thành con người, tác giả còn đi bước nữa, đó là cá thể hoá cái con người thiên nhiên đó :
Ông lão đánh cờ không lạc nước
Chòm râu phơ phấp áng mây trời
Bà lão lưng còng tay bới gió
Lá vàng tứ phía cứ rơi rơi.
Ông lão, bà lão – hay là dáng núi, hình non mang dáng hình ông lão, bà lão. Núi hình người, non bóng người mà đó là người thì núi cũng có thể đánh cờ không lạc nước và lưng còng bởi gió và lắng nghe .
Đôi bò khua vó con đường đá
Và ngắm nhìn:
Mặt trời đi đủng đỉnh như người
  Hai câu thơ tung ra như hai nét vẽ cẩn thận và phóng túng.
  Đôi bò- khua vó- con đường đá, hay con đường đá- khua vó- đôi bò, chỉ một thủ pháp hoán vị cộng với thủ pháp biến trạng ngữ thành tân ngữ tạo cho câu thơ sắc lẹm đến óng ánh thuỷ tinh.
Đôi bò khua vó con đường đá.
  Ý vừa xa lại vừa gần, vừa cũ lại vừa mới, còn nữa tạo nên sự đanh gọn, khúc triết.
Thủ pháp “hoán vị” lại là thủ pháp có ý thức nữa:
Đầm Đa, lau trắng như tơ trắng
Hoa vải Thanh Hà hong nắng mai.
   Hai từ Đầm Đa, đưa lên đứng một mình trong câu, vừa tưng bừng, kệ nó, mặc nó xoay xở lấy ý chí của nó thế mà nó xoay xở được! “ Lau trắng như tơ trắng”.
Trở lại câu thơ: Mặt trời đi đủng đỉnh như người.
    Mặt trời không quay, không lên xuống, mà đi, còn đi đửng đỉnh nữa. Có núi cao mây thấp mới nhìn ra mặt trời như thế, có “bình yên” mới có thì giờ nhìn nó đủng đỉnh, thì rừng và suối chả bình yên mãi sao. Hoá ra câu thơ rất “miền núi”. Vì quả vậy, mặt trời đi đủng đỉnh thì là mặt trời trong màn sương rồi. Nó lại như người nữa, con người nơi bình yên, thanh thản nơi vùng cao mà.
     Một phát hiện nữa là mối quan hệ giữa sự sáng tạo và thực tế sáng tác. Cụ thể là “Lạc Thuỷ” là nơi tác giả chưa hề đến mà có một bài thơ hay. Trong khi chúng tôi, những người viết, đến đó ở hàng tháng lại không viết nổi như thế. Và thế là vấn đề thực tế lại không có vai trò gì chăng? tôi chợt nhớ tới đến ý trong lời một học giả: Nếu ở gần quá anh sẽ chẳng nhìn thấy gì, nhìn rõ nhất là qua một khoảng cách thích hợp. Hoá ra là thế: Nhìn gần quá bằng nhiều lý do anh lẫn lộn cái lớn, cái nhỏ, cái chính yếu và cái thứ yếu, cái bên ngoài và cái bên trong, nhìn xa hơn anh sẽ chữa được sai sót cảm tính đó, tức là đã đủ xa để bình tĩnh sàng lọc các chi tiết, tái hiện các ấn tượng, nhìn rõ bản chất của vấn đề, các chi tiết- còn- nhớ là chi tiết đắt, các chi tiết quên là chi tiết rẻ. Vấn đề quan trọng hơn là xa cách làm ta nhìn tổng thể sự việc. Vậy, đúng thế, các chi tiết “ Lạc Thuỷ” thật độc đáo và sinh động.
Hoa vải Thanh Hà hong nắng mai
Hương chè ai hái thơm lên tóc.
  “ Hoa” thì “ hong nắng”, “hương” thì “ thơm lên”, cả hoa và hương đều động đậy và chủ động.
  Cái thực tế lùi xa mà tồn tại sâu lắng trong lòng tác giả. Chuyện gì đây, hoá ra chưa đến Lạc Thuỷ, tác giả đã có Lạc Thuỷ rồi, từ đòi nảo , đời nào, từ ba bốn kiếp trước. Chả trách anh, nhà thơ Nguyễn Anh Nông cười mỉm, có chút gì ghen tuông với:
Dăm gã trai khờ men tới nơi
Chàng thơ, càng cảm thông với sự tấp nập của người cùng giới .
Cầu cả, bao chàng ríu bước say
Hoá ra anh đã có duyên tình với Lạc Thuỷ từ lâu rồi :
Nhớ em, một sớm tôi tìm lại
Lối cũ bơ phờ ... ai lẻ đôi!
    Mình cô đơn , còn đổ cho người khác lẻ đơn, hay người ta lẻ đôi là người mình đơn chiếc .
Từ thực tế Nguyễn Anh Nông, có ý kiến cho rằng thực tế của thơ không phải là thực tế bên ngoài mà là thực tế trong lòng tác giả. Vậy đâu phải là anh không đi không có thực tế, vấn đề là thực tế nào, ở đâu tiếp cận nó, bằng phương thức nào.
   Nguyễn Anh Nông có thể chưa đến Lạc Thuỷ nhưng thực tế miền núi đã thấm vào anh lâu rồi, thành ấn tượng rồi, thành tiềm thức rồi, nay chỉ cần nhắc đến : dốc Bòng Bong, thị trấn Chi Nê, Đầm Đa, hang Trinh Nữ là ấn tượng ấy được gọi tên và niềm cảm xúc thức dậy ca hát thành thơ và sự đặt hàng thơ anh chỉ còn là cái cớ khơi dậy dòng sông kỷ niệm .
   Còn gì để nói về bài thơ “ Lạc Thuỷ” không nhỉ ? Còn vô số, còn các thủ pháp “ ve sầu thoát xác”, “mỹ nhân kế”, “đổi khách làm chủ”... nhất là “mượn xác hoàn hồn” và “ vô trung sinh hữu”.
Từ “trong cái không tạo ra cái có”, Nguyễn Anh Nông đã đối diện: không có chi tiết mà có, không có chí mà có, không có tình mà có. Anh chẳng tới đó mà anh đầy chi tiết, anh không cấu tứ mà thành tứ, không phải thơ tình mà hoá thơ tình.
   Chi tiết của anh cứ tự thị, tự tôn, nối tiếp nhau mà chẳng liên quan gì. Không thấy chi tiết mà chỉ thấy cái thần thái của chi tiết, không thấy sự liên kết mà chỉ thấy sợi chỉ hồng xuyên suốt mong manh, có mà không đấy, cứ dây mơ rễ má mà vòng vèo quanh co, vớ vẩn mà có chủ ý. Các chi tiết rời rạc mà thần của nó gắn kết lại. Cái tứ ư: làm gì có, mà tồn tại hiện diện, lại sáng rõ cả bản tính, bản sắc nữa. Bài thơ ba đoạn, ngỡ vô tình mà hữu ý, đoạn nào cũng mở đầu bằng địa danh, bằng cảnh, các chi tiết thì phải chú thích, chú thích và chú thích, thế mà chan chứa nhân tình, chan chứa sự hoà hợp.
   Thơ tình ư, viết về cảnh đấy chứ, mê đích thị bài thơ tình. Lấy tình yêu trang trí cho bài thơ thôi, thế mà thành sự trang hoàng có chủ đề. Anh như chàng trai trong bài thơ Lạc Thuỷ khờ khạo lắm, nôn nao lắm và bơ phờ lắm. Đa tình nữa chứ.
    Từ không mà có, từ không đi mà tới, Nguyễn Anh Nông đã để lại một kinh nghiệm làm thơ cho bạn bè, cho độc giả, nhất là cho chính anh: nhà thơ Nguyễn Anh Nông ạ ./.

                                           Nguyễn Tấn Việt
                                     ( Sở VH-TT Hoà Bình)
                                         Hoà Bình,9/2001
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.10.2007 05:02:53 bởi Hoàng Trong >

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 08.10.2007 20:06:57
PHÂN THÂN
      THƠ -  NGUYỄN ANH NÔNG


Hoa bung biêng
Gõ vang nỗi nhớ
Chơ vơ đồi núi
Không em
Buồn thương
Ngõ rừng
Chếnh choáng
Biền biệt xa
Bằn bặt xa
Anh hoá rồ hoá dại
Anh thành con chồn ở chốn hoang sơ.

Con chồn chốn hoang sơ
Móng chân
Cào đất
Kêu trời
Em có là củ mài củ vớn
Anh cũng đào cũng bới em ra.

Đằng này em là em
mà anh thì bất lực
thể nào anh cũng vớ được em.

Rồi một lần anh vượt qua anh
Anh thành anh với khuôn mặt khác
Một lần em vượt qua em
Em không chỉ thành sông mà thành thác
Anh thành con thuyền vượt thác ghềnh em.

Thác ghềnh chót vót chon von
Có thể thuyền anh tan tành phút chốc
Nhưng không, anh bồng bềnh, bồng bềnh
Trôi như sương như mây
Trôi như ngất như ngây..

Bất chợt tóc em loà xoà, loà xoà
Quấn xiết vào cổ vào vai làm anh tỉnh giấc
Anh ngồi gỡ tóc em, tóc em.

Không. Không phải tóc em mà là lâu trắng
Lâu trắng tóc tiên mơn man da thịt anh...



2-1996

NGUỒN: THI VIỆN
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.10.2007 05:03:49 bởi Hoàng Trong >

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 08.10.2007 20:09:25
CÚC PHƯƠNG

          THƠ - NGUYỄN ANH NÔNG


Em nghiêng nón bài thơ lay bóng núi
Mắt mộng mơ e ấp tuổi mười lăm
Anh cổ thụ bên cây chò nghìn tuổi
Xoè bàn tay ôm ấp bóng trăng rằm.

Đá giận hờn, ghen tuông phách lối
Mây vô tâm cũng hoá kẻ si tình
Gió hào phóng bữa nay sao ích kỷ
Hoa bung biêng sao nỡ chẳng rung rinh?

Bươm bướm hỡi lung linh vờn bóng nắng
Nhuỵ hoa thơm ngan ngát cánh ong say
- Chim gõ kiến đừng khua tan giấc mộng
Ta gối đầu thiêm thiếp Cúc Phương đây!

- Ờ, có thể là anh hoang tưởng
Tiếng vượn, tiếng chim léo nhéo ở bên trời
Vùng vằng em đi tóc vờn gió núi
Anh - cây chò vòi vọi châng vâng.




2-5-1998


BÀI ĐĂNG TRONG TẬP THƠ MÂY BAY, XUẤT BẢN NĂM 2000

NGUỒN: THI VIỆN
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.10.2007 05:05:18 bởi Hoàng Trong >

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 08.10.2007 20:12:38
THẢO NGUYÊN ĐÊM

            THƠ - NGUYỄN ANH NÔNG



Bập bùng ngọn lửa, bập bùng đêm
Cây cỏ liêu xiêu dưới gót mềm
Đèn trăng ai thả bay lơ lửng
Anh cùng em lạc giữa cung tiên.

Cung tiên: sỏi đá như mềm mại
Lời em dịu ngọt rót vào men
Tình anh gió thoảng xanh như lá
Cứ rực hồng lên ánh lửa đèn.

Cồng chiêng ai gõ bâng khuâng quá
Trời ơi, mặt đất cứ chao nghiêng
Rượu cần mới nhấm đôi ba giọt
Chân tay cũng có nỗi niềm riêng.

Cỏ cây bỗng hát lời của gió
Sóng nước sông Đà vỗ vỗ êm
Trăng lặn, lửa tàn, sương ướt tóc
Tiếng vạc ngang trời ngỡ tiếng em.

 
NGUỒN: THI VIỆN
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.10.2007 05:06:08 bởi Hoàng Trong >

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 08.10.2007 20:15:46
NHÀ TA
         THƠ -  NGUYỄN ANH NÔNG


Trước nhà: rạo rực vầng đông
Sau nhà: dòng sông thao thiết
Khóm tre xôn xao, khúc khích
Mái hiên kết nụ tầm xuân.

Vườn ta - một lồng tiếng chim
Sân ta - một vườn bọn trẻ
Nhà ta - chiếc chòi thế kỷ
Hương đồng gió nội thoảng đưa.

Con ta - Hai thằng quỷ sứ
Chọc nhau chí chóe suốt ngày
Học hành được chăng hay chớ
Chơi bời bát ngát cung mây.

Vợ ta - vốn cô thôn nữ
Thương chồng con ít ai bằng
Lam làm sớm hôm tất bật
Quên hết mặt trời mặt trăng.

Riêng ta - đi xa biền biệt
Tháng năm mải miết, đam mê
Về nhà, từ vầng trăng lạ
Một năm được mấy trung thu.



1995

NGUỒN: NXB QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN, 2005
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.10.2007 05:06:44 bởi Hoàng Trong >

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 08.10.2007 20:18:27
HÁT DƯỚI TRĂNG VÀNG

       THƠ- NGUYỄN ANH NÔNG


Tặng nhà thơ Đỗ Trọng Khơi)

Ta đi tìm ta bâng khuâng hơi thu
Trời đã đông đâu mờ ảo sương mù?
Ta như vầng tăng tròn rồi lại khuyết
Ta như người say người say mộng mơ.

Ta bây giờ đã là người đến muộn
Em xinh tươi lỗi hẹn với ai rồi?
Em nhí nhảnh, em kiêu sa, em dại dột
Em chân thành với trái tim đơn côi?

Và, cứ thế, sao trời ơi, cứ thế
Giọt buồn vui tí tách đa mang
Ta như đất nằm mơ điều huyền diệu
Mà bàn tay buông bắt...lỡ làng.

Rồi, đêm xuống bình minh bao tổ ấm
Đôi cánh màn khép lại, chuyện ái ân...
Ta - chú dế cô đơn, vò võ
Dưới trăng vàng bên cọng cỏ dương gian
Hình như mắt như mi và như tóc
Giàn giụa thu - cõi lệ, sương tan.



24/9/1993

NGUỒN: THI VIỆN
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.10.2007 05:07:39 bởi Hoàng Trong >

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 08.10.2007 20:36:52
một địa chỉ giới thiệu thơ Nguyễn Anh Nông
 
 Nguồn, Thơ Việt:http://www.thovn.net/viewarthor.asp?athor=103

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 08.10.2007 20:38:57
HOA BẰNG LĂNG
                 THƠ- NGUYỄN ANH NÔNG
 
 
I
Chọn một mùa để nở hoa thôi
Hoa bằng lăng tím lừng góc phố
Hoa e ấp như người thiếu nữ
Một chiều hè, gió trở, bâng khuâng

Hoa bằng lăng, ơi hoa bằng lăng
Hoa chan chứa sắc mầu kỷ niệm
Cánh mỏng manh duyên thầm lưu luyến
Hoa thương ai chung thuỷ đợi chờ?

Anh là chàng trai trẻ bơ vơ
Gặp hoa tím rồi thương, rồi nhớ
Như thương nhớ một người thiếu nữ
Mà một thời khao khát, mê say.

II
Chiều may trời trở gió, heo may
Áo kín cổ, mình anh dạo phố
Cây còn đó hoa đâu còn nữa
Hoa bằng lăng, em trốn nơi nào?

Anh nhìn lên trời xanh nôn nao
Cây như nói điều gì chẳng rõ?
Nhấp giọt nắng đôi chim xanh tình tự
Thấm nỗi buồn chân anh bước bâng quơ...



T.B, 5/12/1992
Nguồn: Rút trong tập thơ Bàn Tay Lá Cỏ- NXB Văn học, năm 1993



Một địa chỉ của tác giả Nguyễn Anh Nông

Nguồn:http://kimdieuhuong.vnweblogs.com/
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.11.2007 09:26:33 bởi Hoàng Trong >

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 08.10.2007 20:42:57
 

NGUYỄN THỊ BÍCH NGA DỊCH  2 BÀI THƠ CỦA NGUYỄN ANH NÔNG SANG TIẾNG ANH

 
Đà giang, miền bè bạn 


I
Người tung hòn đá đầu tiên chặn dòng Đà Giang nay đã về nơi trời cũ
Bức thư gửi trăm năm sau nhắn nhủ điều gì?
Núi uy nghi
Sông rầm rì
Em khoả sóng gót hồng toan bước nhẹ
Bông lau ngàn phơ phất thoáng bâng khuâng.

II
168 kỹ sư và công ngân Nga- Việt
168 trái tim kỳ vĩ
168 đôi tay trong triệu triệu đôi tay
Góp gom tình hữu nghị
Lấp lánh dòng Đà Giang.

III
I-A-Ly là đâu?
Nghe róc rách tâm can bè bạn
Tà Pú là đâu?
Ai hăm hở lên miền sơn cước.
Tiếng khúc khích trên cao ngàn thước
Gió nôn nao mây khói bén hơi người
Sông Đà dâng-dòng nước ngập ngừng trôi
Nghe rậm rịch thượng nguồn tuôn thác lũ
Lá vàng rơi chới với gió mưa sa.

IV
Sao chiều nay tôi gọi em: - Sông Đà!
Mặt trời mặt trăng rủ nhau về đoàn tụ
Lòng ngực trẻ râm ran nhịp thở
Bóng con cò be bé nhẩn nha bay.

NGUYỄN ANH NÔNG  
 
Nguồn:http://annonymous.online.fr/Thivien/viewpoem.php?ID=13128

 Đà River, the friendship region 

I
The man who had thrown the first stone to stop Đà River went back to his old place
What did the letter want to say to one hundred years later?
The mountains were standing giantly
The rivers were singing softly
You dipped in water, your lovely feet walked tenderly
I felt dazed in front of the white arundinaceous canes. 

II

168 Russian – Vietnamese engineers and workers
168 wonderful hearts
168 pairs of arms in millions arms
The friendship was collected
Made Đà River be glittering. 
III
Where was I-A-Ly?
It was full of hot hearts of the friendship
Where was Tà Pú?
We went up to the mountain areas eagerly.
The sounds of giggling echoed from there
Winds were blowing, clouds and smoke were hanging about people
Đà River raised – the current was running slowly
From the upper river, waterfalls and whirlpools began
Yellow leaves were falling down in the heavy rains. 
IV
This afternoon why I called you: “Đà River!”
The sun united with the moon
We breathed with our young chests
A small white stork was flying slowly in a distance.


DỊCH THƠ: Nguyễn Thị Bích Nga   
 


Đêm ở rừng nghe tiếng chim quý


 - Queng quý giót...
- Queng quý giót...
*
Tiếng chim trong đêm
Làm tôi giật thót
Tiếng chim hay em
Gọi tôi trong mơ?
*
- Queng quý giót...
- Queng quý giót...
*
Rừng khuya trăng mờ
Lũ nguồn tuôn réo
Nằm lắng chim kêu
Trong lòng ruột héo.
*
Riêng mình dư chăn
Dư màn, dư chiếu
Mà vẫn băn khoăn
Đời như còn thiếu
"Một hơi thở ấm
Thoảng hương hoa chanh
Một làn tóc rối
Xõa xanh vai mình
Một lời thủ thỉ
Đêm dài qua nhanh"
*
- Queng quý giót...
- Queng quý giót...
*
Thế là chim hót
Thế là tôi nghe
Thế là thao thức
Thế là tôi nghe...
Cao Bằng, 1989

NGUYỄN ANH NÔNG
Nguồn:
http://annonymous.online.fr/Thivien/viewpoem.php?ID=13129



Hearing “quý” bird singing songs in the night forest 

- Queng quý giót...
- Queng quý giót...
*
A bird’s voice in the night
Made me startled
A bird’s voice or your voice
Called me in my dream?  
*
- Queng quý giót...
- Queng quý giót...
*
The dim moon was on the night forest
Whirlpools were spurting noisily
I lay down, hearing a bird’s voice
And my heart felt so sad.
*
I had more blankets
More nets, more mats than I needed
But I still asked myself
It seemed I missed something
“A warm breath
With the smell of lemon flowers
Some tangled hair
Covered my shoulders
A whispering voice
Made my long nights go fast” 
*
- Queng quý giót...
- Queng quý giót...
*
Then a bird sang songs
And I heard it
Then I couln’t sleep
And I heard it… 

Cao Bằng, 1989

Nguyễn Thi Bích Nga - dịch sang tiếng Anh

<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.10.2007 05:10:17 bởi Hoàng Trong >

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 08.10.2007 20:50:06
NHỮNG THÁNG NĂM Ở RỪNG



Những tháng năm ở rừng
Cùng đồng đội làm thanh gươm sắc
Cùng đồng đội làm lá chắn bên cột mốc.

Những tháng năm ở rừng
Ăn trong nắng, ngủ trong sương
Ngày mấy bận ngóng thư
Đêm bầu bạn với trăng trời mây gió.

Những tháng ở rừng
Đồng đội mấy người gục ngã
Hồn thiêng gửi lại lá cây rừng.

Những tháng năm ở rừng
Con kiến lửa đốt lòng nhoi nhói
Tin quê bão bùng lụt lội...

Những tháng năm ở rừng
Người thân xưa hờ hững hoá người dưng
Ngày xuống phố-
thẩn thờ, ngơ ngác

Những tháng năm ở rừng
Bập bùng bao kỷ niệm
Ôi, ngọn lửa giữa rừng đêm
Âm ỉ cháy trong ta da diết.



Cao Bằng, 1988

NGUYỄN ANH NÔNG

<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.11.2007 04:20:49 bởi Hoàng Trong >

BĂNG NGUYỆT
  • Số bài : 6789
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 15.06.2003
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 10.10.2007 17:27:51
Chào mừng HT đến với dd VNTQ nha , Ko biết Hoàng Trong có fải là Nguyễn Anh Nông hay ko nè...nếu ko bn fải dời bài wa thơ sưu tầm á...Chúc vui và vui nhiều...


Mỗi trái tim có một lối về  
Thôi cứ như mây kề nước biển  
Chỉ một thời dành cho dâng hiến  
Còn lại là những chuyến chơi rong  

Ai cố dành bẻ nửa số 0  
Cho ngăn tim bập bồng bọt thổi  
Bước chân trần đạp lên đá sỏi  
Để đôi ta chấp vá nổi trời..
  
( trich Nguoi tinh hu

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 11.10.2007 12:45:39
TIỂU SỬ TÁC GIẢ

Nguyễn Anh Nông

Sinh năm 1959
Quê: Quảng Yên, Quảng Xương, Thanh Hoá
Nhập ngũ: 1980
Hiện là biên kịch phim

Các tập thơ đã in:
- Bàn tay lá cỏ (tập 1), 1993
- Bàn tay lá cỏ (tập 2), 1995
- Kỵ sỹ ngựa gỗ (thơ viết cho thiếu nhi), 1998
- Mây bay, 2000
- Những tháng năm ở rừng, 2005

Tham gia hội:
- Hội viên Hội nghệ sỹ Điện ảnh
- Hội viên Hội nhà báo
- Hội viên Hội dân tộc Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam
- Hội viên Chi hội Nhà văn Quân đội

Liên hệ:
- Email: nguyenanhnong@yahoo.com.vn, khoihoangnang@yahoo.com.vn
- Trang chủ:
http://nguyennong.vnweblogs.com/
http://kimdieuhuong.vnweblogs.com/

THƠ NGUYỄN ANH NÔNG CÓ MẶT TẠI CÁ TRANG BÁO MẠNG:
 
1- THI VIỆN:   http://annonymous.online.fr/Thivien/viewauthor.php?ID=956
2- THƠ VIỆT:  http://www.thovn.net/viewarthor.asp?athor=103
3- VĂN NGHỆ SÔNG CỬU LONG:
http://www.vannghesongcuulong.org/vietnamese/vanhoc_tacgia.asp?TGID=1078
4- E VĂN: http://www.evan.com.vn/News/phe-binh/phe-binh/2006/11/3B9AD4C5/
5- VĂN NGHỆ CHỦ NHẬT:http://www.vannghechunhat.net/modules/news/index.php?storytopic=44
 6- VŨ HỒNG: http://www.vuhong.com/tho_2/nguyenanhnong.htm
7- Tại Phong Điệp: <http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=4104>
8- Thơ song ngữ: <http://nguyennong.vnweblogs.com/>
 9- Nguyễn Tử Vương <http://blog.360.yahoo.com/blog-MCYasys_fLPtkwmHJo6ZICTCQOciQXE-?cq=1&p=331#comments>
10-Mai Văn Phấn <http://maivanphan.com/TieusuNguyenAnhNong.asp>
11-Trần Quang Đạo <http://tranquangdao.vnweblogs.com/post/2800/38005>
12- Việt Nam Thư Quán <http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=302300&mpage=1&key=>
13-Họ Đỗ <http://72.14.253.104/search?q=cache:YF7ycgoIdm4J:hodovietnam.vn/index.php%3Foption%3Dcom_content%26task%3Dview%26id%3D354%26Itemid%3D33+%22+Nguy%E1%BB%85n+Anh+N%C3%B4ng%22&hl=vi&ct=clnk&cd=38&gl=vn>
14-Ngô Thanh Hằng <http://ngothanhhang.vnweblogs.com/post/1967/14169>
15-Việt Văn Mới<http://vietart.free.fr/index1.887.html>
16-Sưu tập.com <http://www.suutap.com/default.asp?id=313&muc=1>
17- Gooleg: <http://www.google.com.vn/search?q=%22+Nguy%E1%BB%85n+Anh+N%C3%B4ng%22&hl=vi&start=0&sa=N>
18-Viết về người lính: <http://kimdieuhuong.vnweblogs.com/post/1117/39680>
19-Tại newvietart.net:<http://www.newvietart.net/index01.1.html>
20 Vi.Wikipedia:- < http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%A3o_lu%E1%BA%ADn_Th%C3%A0nh_vi%C3%AAn:Tambang >         
TRANG THƠ DỊCH:
 1-<http://nguyennong.vnweblogs.com/category/2836/10049>
TRANG PHÊ BÌNH
 1-<http://kimdieuhuong.vnweblogs.com/post/1117/39686>
2-<http://www.thivien.net/searchwriting.php>


<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.03.2008 12:33:34 bởi Hoàng Trong >

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 11.10.2007 21:08:26
 HAI BÀI THƠ CỦA NGUYỄN ANH NÔNG ĐƯỢC NGUYỄN THỊ BÍCH NGA DỊCH SANG TIẾNG ANH

Đà giang, miền bè bạn 


I
Người tung hòn đá đầu tiên chặn dòng Đà Giang nay đã về nơi trời cũ
Bức thư gửi trăm năm sau nhắn nhủ điều gì?
Núi uy nghi
Sông rầm rì
Em khoả sóng gót hồng toan bước nhẹ
Bông lau ngàn phơ phất thoáng bâng khuâng.

II
168 kỹ sư và công ngân Nga- Việt
168 trái tim kỳ vĩ
168 đôi tay trong triệu triệu đôi tay
Góp gom tình hữu nghị
Lấp lánh dòng Đà Giang.

III
I-A-Ly là đâu?
Nghe róc rách tâm can bè bạn
Tà Pú là đâu?
Ai hăm hở lên miền sơn cước.
Tiếng khúc khích trên cao ngàn thước
Gió nôn nao mây khói bén hơi người
Sông Đà dâng-dòng nước ngập ngừng trôi
Nghe rậm rịch thượng nguồn tuôn thác lũ
Lá vàng rơi chới với gió mưa sa.

IV
Sao chiều nay tôi gọi em: - Sông Đà!
Mặt trời mặt trăng rủ nhau về đoàn tụ
Lòng ngực trẻ râm ran nhịp thở
Bóng con cò be bé nhẩn nha bay.

NGUYỄN ANH NÔNG  
 
Nguồn:http://annonymous.online.fr/Thivien/viewpoem.php?ID=13128

 Đà River, the friendship region 

I
The man who had thrown the first stone to stop Đà River went back to his old place
What did the letter want to say to one hundred years later?
The mountains were standing giantly
The rivers were singing softly
You dipped in water, your lovely feet walked tenderly
I felt dazed in front of the white arundinaceous canes. 

II

168 Russian – Vietnamese engineers and workers
168 wonderful hearts
168 pairs of arms in millions arms
The friendship was collected
Made Đà River be glittering. 
III
Where was I-A-Ly?
It was full of hot hearts of the friendship
Where was Tà Pú?
We went up to the mountain areas eagerly.
The sounds of giggling echoed from there
Winds were blowing, clouds and smoke were hanging about people
Đà River raised – the current was running slowly
From the upper river, waterfalls and whirlpools began
Yellow leaves were falling down in the heavy rains. 
IV
This afternoon why I called you: “Đà River!”
The sun united with the moon
We breathed with our young chests
A small white stork was flying slowly in a distance.


DỊCH THƠ: NGUYỄN THỊ BÍCH NGA    
 
 

Đêm ở rừng nghe tiếng chim quý


 - Queng quý giót...
- Queng quý giót...
*
Tiếng chim trong đêm
Làm tôi giật thót
Tiếng chim hay em
Gọi tôi trong mơ?
*
- Queng quý giót...
- Queng quý giót...
*
Rừng khuya trăng mờ
Lũ nguồn tuôn réo
Nằm lắng chim kêu
Trong lòng ruột héo.
*
Riêng mình dư chăn
Dư màn, dư chiếu
Mà vẫn băn khoăn
Đời như còn thiếu
"Một hơi thở ấm
Thoảng hương hoa chanh
Một làn tóc rối
Xõa xanh vai mình
Một lời thủ thỉ
Đêm dài qua nhanh"
*
- Queng quý giót...
- Queng quý giót...
*
Thế là chim hót
Thế là tôi nghe
Thế là thao thức
Thế là tôi nghe...
Cao Bằng, 1989

NGUYỄN ANH NÔNG
Nguồn:
http://annonymous.online.fr/Thivien/viewpoem.php?ID=13129



Hearing “quý” bird singing songs in the night forest 

- Queng quý giót...
- Queng quý giót...
*
A bird’s voice in the night
Made me startled
A bird’s voice or your voice
Called me in my dream?  
*
- Queng quý giót...
- Queng quý giót...
*
The dim moon was on the night forest
Whirlpools were spurting noisily
I lay down, hearing a bird’s voice
And my heart felt so sad.
*
I had more blankets
More nets, more mats than I needed
But I still asked myself
It seemed I missed something
“A warm breath
With the smell of lemon flowers
Some tangled hair
Covered my shoulders
A whispering voice
Made my long nights go fast” 
*
- Queng quý giót...
- Queng quý giót...
*
Then a bird sang songs
And I heard it
Then I couln’t sleep
And I heard it… 

Cao Bằng, 1989

NGUYỄN THỊ BÍCH NGA - DỊCH
<bài viết được chỉnh sửa lúc 12.10.2007 04:29:01 bởi Hoàng Trong >

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 11.10.2007 21:13:31
BÀI THƠ CẢM TÁC CỦA NGUYỄN ANH NÔNG ĐƯỢC DỊCH SANG TIẾNG TRUNG, PHÁP, ANH



CẢM TÁC
HAI CHÀNG TỪNG LÀ ĐỊCH THỦ
CHOẢNG NHAU CÓ LÚC MẺ ĐẦU
BÂY GIỜ XANH HAI NẤM ĐÂT
KHÓI HƯƠNG THI THỎANG THĂM NHAU.
                          NGUYỄN ANH NÔNG
 
 
WRITING WITH INSPIRATION
Two men used to be the enemies,
Fighting each other until their heads were injured.
Now their graves turned green with grass,
Smoke of their joss-sticks visited each other, at times…



Nguyễn Thị Bích Nga – chuyển ngữ sang tiếng Anh

No title  ( TẠM DỊCH: KHÔNG ĐỀ)


Two men were competitors
They used to fight each other (broken head)
Now both ones lied under the graves (dead for a long time)
Incense smoke sometimes visits each other.

Author: Nguyen Anh Nong
Translated by: Linh Huong


VIỆT DUY:

Chuyển dịch bằng Pháp ngữ bài thơ CẢM TÁC của Nguyễn Anh Nông.


Deux hommes étaient des adversaires
Ils ont été habituées de se combattre
Maintenant tous les deux se trouvent sous les tombes ( morts depuis longtemps)
La fumée d'encens leur rend visite parfois.
               Việt Duy
            Newvietart.com

CHUYỂN NGỮ BÀI THƠ CẢM TÁC SANG TIẾNG TRUNG
ĐỖ ĐỨC NẬM- CHUYỂN NGỮ

CẢM TÁC


Lưỡng nam nhi phùng địch thủ
Quá khứ  đả thương đầu
Hiện tại  lưỡng thảo mộ
Hương hỏa vãng lai quá (qua)

HỌA SĨ, NHÀ THƠ LÂM CHIÊU ĐỒNG- DỊCH:

NAM NHI PHÙNG ĐỊCH THỦ ,
QUÁ KHỨ ĐÃ THƯƠNG ĐẦU ,
HIỆN TIỀN SONG THẢO MỘ ,
HƯƠNG HỎA VÃNG LAI THÂN .


Nguồn:
http://annonymous.online.fr/Thivien/viewpoem.php?ID=13244


LỜI BÌNH BÀI THƠ CẢM TÁC

CẢM TÁC


             Thơ - Nguyễn Anh Nông


Hai chàng từng là địch thủ
Choảng nhau có lúc mẻ đầu
Bây giờ xanh hai nấm đất
Khói hương thi thoảng thăm nhau.

Lời Bình: của  nhà thơ Trần Mạnh Hảo.

    Đọc bài thơ này, tôi cứ ngồi ngẩn ra, không thể đọc tiếp được nữa vì có bao điều từ bài thơ truyền vào làm cổ họng tôi, tim tôi ứa nghẹn xúc cảm, tràn ngập suy tư, mê man nỗi niềm sống chết phận người.  
     Tục ngữ bảo:" Đánh nhau chia gạo, mời nhau ăn cơm",tôi xin mượn tinh thần câu tục ngữ này để nói về bài thơ rất hay trên của Nguyễn Anh Nông" Đánh nhau khi sống, mời nhau khi chết". Cái chết kia chợt nhân đạo quá chừng,có một nén hương cắm mộ này mà khói cũng chia phần cho cả nấm mộ" địch thủ" kia, mà chia phần "thi thoảng" vì khói còn bẽn lẽn làm quen, làm thân.Khói còn thay người ngường ngượng ,ân hận vì lúc sống từng choảng nhau mẻ đầu."Khói hương" hay chính hình ảnh hai linh hồn kia xám hối, chìa khói sang nhau như cố ý làm một sợi lạt hư vô buộc hai nấm đất vào nhau cho bớt lạnh, bớt cô đơn? Khói hương thi thoảng thăm nhau là câu diệu bút nâng hiệu quả bài thơ lên cõi vô bờ. Về nghĩa thực,đúng là khi thắp hương ở phần mộ này thì bao nhiêu khói bay sang phần mộ kia gần hết. Thành ra thắp hương cho một người mà hương toả cả hai. Có khi hai nhà đến thắp hương cùng lúc, hoặc nhân thắp cho mộ này, tiện tay, người sống cũng thắp tràn sang mộ bên một nén cho bên kia đỡ tuổi. Nhưng nghĩa bóng của bài thơ, câu thơ đã vượt qua cây hương mà thấm vào phận người,thấm vào cả tạo hoá, vào nỗi thiện ác, ghét thương.
Thơ chúng ta, giá mà trong lúc nhập đồng, làm được thiên chức" khói hương" kia để " Thi thoảng thăm nhau" như một an ủi, một dìu dắt, một ân sủng, một sự làm lành vĩnh cửu giữa sống và chết, giữa tuyệt vọng và hy vọng, giữa bất hạnh và hạnh phúc? Bài thơ "Cảm Tác" trên của Nguyễn Anh Nông có thể đứng đàng hoàng trong bất cứ truyển tập thơ sang trọng dù chọn khắt khe, chọn theo tiêu chuẩn "Vip" cỡ nào cũng vẫn giữ được cái hay riêng của nó mà không một bóng đa đề nào có thể che phủ.Thơ lấy chất mà đánh bạt lượng, lấy chỉ một cái hay đích thực, hay cỡ các mét( mai tre: bậc thầy) mà đánh bại 99 cái dở là vậy đó./.

( Trích trong bài “Mây bay đi thơ đậu lại” của Trần Mạnh Hảo in báo Văn nghệ trẻ, 6/5/2001 và báo Quân Đội nhân dân cuối tuần, 20/1/2002



 

<bài viết được chỉnh sửa lúc 12.10.2007 04:32:41 bởi Hoàng Trong >

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 19.10.2007 04:50:52
CHÙM THƠ 6 BÀI CỦA NGUYỄN ANH NÔNG
 
 
NGƯỜI


( Trích)
Người-
một người
Mà hoá muôn người
Vũ trụ xa xanh gần gũi
Hạt bụi mang hình bóng núi
Hạt thóc- sự kiêu hãnh của trí lực
Bước chân gió nhẹ mang hồn bão tố
Tâm tình ngân rung tiếng đàn
Khuấy không đục hoà chẳng tan
Lung linh, huyền ảo
Con- người- sáng tạo
Con người có phép nhiệm mầu rất thực
Như ánh trăng
Như nắng trời
Như nhài thơm
Như sen thắm
Như đèo cao
Như vực thẳm
Như anh như em
Như giọt mực lên hương./.

Nguyễn Anh Nông


TÔ THỊ

Nàng lặng lẽ bồng con đứng đợi
Giữa bão táp mưa sa mong ngóng bóng chồng về
Nước mắt nghìn năm hoá sông hoá suối
Nàng hoá non ngàn tình tự với người đi./.
Lạng Sơn, 1983

Nguyễn Anh Nông



NIỆM THIÊNG

Em ơi!
Không sự linh thiêng nào xây tổ ngoài trái tim yêu dấu
Ngọn núi nọ có thần
Dòng sông kia ắp đầy tâm sự
Biển khơi thương nhớ
Bầu trời thăm thẳm buồn vui
Cũng thế thôi:
Không ngoài tình yêu con người.
2
Khi lòng ta trống rỗng
Mọi không gian- hình khối- đồ vật- chẳng thể lấp đầy.
3
Hãy- nhớ-mà- giữ lấy, nghe em!
Niềm thiêng trời đất
Rung rẩy trong lồng ngực ta đây./.
14/2/2004

Nguyễn Anh Nông



Buổi Sáng
 
Tiếng kèn lôi tôi khỏi giấc say
Hai chân hai tay loay hoay trong bóng tối
Lẩn mẩn công tắc điện cười xoà
Đôi dép hát bài ca muôn thuở.

Râm ran tiếng ếch vỡ giọng
Một...hai...ba...bốn...những vì sao chưa tắt
Chúng ngái ngủ trong lụng bụng đêm
Những mép măng tơ còn ngậy sữa
Toan xông pha với khói bụi đường.

Đèn trăng quạt gió hây hẩy buồn vui
Bình minh hấp háy môi mắt người tỉnh giấc
Cỏ cây đẫm hương lau bàn chân không khô không ướt
Chợt ý nghĩ loé lên như ánh nắng đầu ngày
Ấm bừng da thịt.


28/12/2003
 
CHUYỂN NGỮ SANG TIẾNG ANH
 
MORNING
 
The sound of a trumpet woke me up
My hands and feet didn’t know what to do in the dark
A switch bursted out laughing
A pair of slippers sang the everlasting songs
 
I heard the rumbustious sound of young frogs
One… two… three… four… the stars were still up there
They were sleepy in the night sky
The young with their mouths still stained by milk
Decided to brave their difficult lives.
 
I was half sad, half happy with lights of moon and fans of wind
The dawn shone in my face and lips – a woken person
The fragant grass cleaned my undry and unwet feet
Suddenly a thought occurred as bright as the first sunlight
Made my flesh warm.
 
 
 

Cảm Tác Đá
 
Nhặt hòn đá Chư Sê
Tôi mang về Hà Nội
Nghe trong lòng bổi hổi
Nhịp con tim thầm thì.

Chư Sê, 27/10/2004
 
INSPIRATION WITH A STONE
 
Picking a stone in Chư Sê
I brought it back to Hà Nội
I feel my soul sobbing
And my heart beating softly.
 
NGƯỜI DỊCH: NGUYỄN THỊ BÍCH NGA 
 
Chân Dung
 
Anh-
Két bạc kín bưng
Bao kẻ gian nhòm ngó
Mỗi mình vầng trăng tỏ
Mở lối vào tâm tư.

Anh-
Cây đa cổ thụ
Rúc rích bọn trẻ
Đánh đu cành xanh cội rễ
Toẽ bàn chân nương níu mảnh hồn làng.

Anh-
Gã trời đày
Si mê mỹ nữ thoát y vũ
Đàn đúm cùng lũ đom đóm, trăng sao
Rồi, từ bi như cây cỏ.
 
Anh-
Nắng
Gió
Hoang toàng;
Tích tụ
Giếng trong
Gương biếc.
 
Anh-
Nhà hiền triết
Tháng ngày nặng nợ
Bạn bè
bìu ríu
nhẩn nha đi.
 
 
 
PORTRAIT
 
He’s -
The locked safe
Which many thieves desire
Only the bright moon
Can open his heart door.
 
He’s -
The big and old banyan-tree
Which children come to and giggle
Winging under the green branches
His strong roots stick to the village’s soul.
 
He’s -
The guy who is banished
Falls in love with the strippers
Hangs out with the fire-flies, the moon and the stars
Then, he is as merciful as the grass.
He’s -
Sunny
Windy
Lavish
Thrifty
A clear well
A blue mirror.
 
He’s -
The sage
His life is full of debt
Friends
Pull and drag
He walks carefreely.
 
 



CHĂN VOI

Tôi- gã chăn voi
Trời, những chú voi khổng lồ ngang bướng
Tôi dắt chúng đi bằng luồng tư tưởng
Mảnh hơn sợi tóc.
*
Núi đồi nhấp nhổm- lũ voi thành tinh
Đàn ngôn ngữ lắm khi bất trị
trước nhào nặn uốn nắn của tôi.
Chúng lừng lững bên người đẹp
Ngàn năm bất tử?
Vạn năm sau còn thổn thức cánh đàn ông?
*
Tôi
Tóc trắng
Răng trắng
Tay trắng...
Lùa lũ voi xinh tươi tắm ánh trăng vàng.
Bây giờ
Lũ voi xênh xang./.
27/12/2003
Nguyễn Anh Nông

 

CHUYỂN NGỮ SANG TIẾNG ANH 
 
 
KEEPING THE ELEPHANTS
 
I was – an elephants keeper
God, the giant elephants were very stubborn
I controlled them with my thinking
which was thinner than a thread of hair.

Hills and mountains were rolling – the elephants became goblins
Sometimes languages seemed incompetent
before my tameness.
The elephants  came to the beauty slowly
who had been immortal for thousands years?
who still made the men sob in ten thousands years?

I was a man
with white hair
white teeth
white hands…
who drove the pretty elephants home under the yellow moonlight.
And now
they were walking swaggeringly. /.

NGUYỄN THỊ BÍCH NGA 



LẶNG LẼ TRĂNG VÀNG
( Tặng Nguyễn Ngọc Dậu)

Lâu lâu mới được bữa đói
Người ngợm cứ mập ú ra
Ngày nào cũng xôm như hội
Đi đâu cũng rượu cũng trà...
*
Chẳng bù cái ngày : Biên giới
Xanh xao, vàng vọt- gầy nhom
Lủi thủi xó rừng, đến tội
Ngắm trăng, khát tiếng thì thòm...
*
Loanh quanh phố phường chật chội
Người như kiến cỏ, sao trời
Gặp lại bạn xưa, lặn lội
Tâm tình bỗng thấy chơi vơi,
*
Thương bạn, gác tay lên trán
Cứ thấy đời nó thế nào?
Lúc khổ, tâm hồn thanh thản
Sướng rồi, lòng cứ chênh chao.
*
Biết rằng: mỗi người mỗi phận
Mà tôi vẫn thấy bâng khuâng?
Ôm bạn, ôm luôn tiếng ngáy
Bên hiên lặng lẽ trăng vàng./.
Hà Nội,2/4/2004

Nguyễn Anh Nông

( Những bài thơ được rút trong tập thơ Những tháng năm ở rừng của Nguyễn Anh Nông-NXB Quân đội nhân dân- xuất bản năm 2005)






<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.11.2007 04:35:47 bởi Hoàng Trong >

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 19.10.2007 04:57:45
CHÙM THƠ THIẾU NHI CỦA NGUYỄN ANH NÔNG


Kỵ sỹ ngựa gỗ

Nhong nhong nhong nhong
Bé cưỡi ngựa hồng
Ngựa phi nước đại
ở trong căn phòng.
*
Nhong nhong nhong nhong
Ngựa phi ra phố
Xe cộ tránh xa
Nhỡ què ngựa gỗ.
*
Ngựa phi hăng quá
Hất bé té nhào
Đã là kỵ sỹ
Chẳng thèm nhè đâu.
*
Nhưng mà có đau
Chỉ hơi nhăn mặt
Trót rơi nước mắt
Tay áo quệt mau.
*
Nhong nhong nhong nhong
Ngựa phi nước kiệu
Miệng cười như mếu
Bé thành diễn viên./.

Con là...

Con là tình yêu
Của mẹ và cha
Con là bông hoa
Của trời và đất
Con là gió mát
Của đêm oi nồng
Con là dòng sông
Của ngày nắng lửa...
*
Con là nỗi nhớ
Của cha bây giờ
Chao ơi, nhớ lắm
Những ngày xa con.
*
Mẹ con héo hon
Cũng vì con đấy
Con ơi, có thấy
Mẹ luôn mỉm cười
Bởi vì mẹ nghĩ
Có con trên đời.
*
Con là ngọn sóng
Biển xanh yêu thương
Con là ngọn sóng
Mơn man hàng dương
Sóng ngân lời mẹ
Sóng ru ơi... à...
Sóng tung trắng xoá
Vẫy chào buồm xa
Lăn tăn sóng biếc
Trên vầng trán cha...

Cao Bằng, 1986

Lời cây xà cừ

Khi cây tôi còn non
Nhẹ tay thôi, bạn ơi!
Lúc nào tôi cao lớn
Cho bạn đấm liên hồi.
*
Ngày đông rét tái tê
Sân trường bay lá đỏ
Tôi hoá mảng tường che
Chắn đi bao luồng gió.
*
Ngày hè oi ả nắng
Tôi làm chiếc ô xanh
Bạn bè ai tránh nắng
Xin mời đến đây nhanh.
*
Khi tôi trở về già
Lắng trong mình giông gió
Những yêu thương, đau khổ
Nổi chìm bao sóng vân./.

Tâm sự của cái tẩy

Sách vở nào rây mực
Hay chữ xấu chữ thừa
Tôi bào trơn, đánh bóng
Lại hình hài như xưa.
*
Đừng kiện tôi, anh giấy
Tôi chẳng hề tội chi
Mà đang giúp anh đấy
Kẻo  anh mang iếng “ hề”..
*
Có kiện, thì hãy kiện
Cậu học trò của anh!
Nhưng mà thôi, sao nỡ
Họ đâu đã trưởng thành...

Hoa bèo

Rễ đen, thân trắng, lá xanh
Hoa như ngọn lửa- dập dềnh nổi trôi
Loay hoay trong cái gương trời
Ai đi qua cũng ngắm, soi, liếc, dòm
Ao sâu sung rụng bì bòm
Có anh bói cá lom dom cọc rào
Bè hoa nhấp nháy nghiêng chao
Như là đêm xuống ngàn sao sáng ngời
Bờ ao sao tạnh lâu rồi
Mà cô ếch cốm vẫn ngồi đếm hoa./.

Chú ngỗng tơ

Ngỗng tơ đi học muộn
Vẫn đủng đỉnh như không
“ Chẳng học, ta cũng thuộc
Có chi mà bận lòng”
*
Ngỗng bước tới cửa lớp
Bạn bè vào học rồi
Ngỗng, lẻn, ngồi bàn dưới
Tiện học lại tiện chơi.
*
Cô giáo gà biết thế
Nhìn ngỗng con, mỉm cười;
- Mời em ngỗng, tại chỗ
Đọc bài cũ, thử coi?
*
Ngỗng, nghe cô giáo gọi
Mà chân chồn, mắt hoa:
“-Thưa...cô- ngỗng líu ríu
Bài học cũ hôm qua
Em thuộc như cháo chảy
Sáng nay quên, để nhà...”

(*) Nguồn: 6 bài thơ này được rút trong tập thơ Kỵ sỹ ngựa gỗ -  thơ thiếu nhi của Nguyễn Anh Nông, xuất bản năm 1998




<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.10.2007 05:00:09 bởi Hoàng Trong >

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 20.10.2007 09:14:05
 
ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY

HOA CỎ TÍA

Cỏ tía như là hoa tím pha
Bâng khuâng hoa đơị bướm ong qua
Bướm ong mê mải phương trời lạ
Hoa tím mơn man mặt đá già
Nguyễn Anh Nông


LỜI BÌNH CỦA NHÀ THƠ Y PHƯƠNG
Là người miền núi, ai cũng biết loài cỏ mọc tùm lum trên các triền núi đá vôi? cái màu tía không lẫn với sắc lá, sắc cỏ - cái màu tía bền bỉ ấy có tự bao giờ?
Nếu không được đọc bài thơ HOA CỎ TÍA của Nguyễn Anh Nông - chắc là tôi không mảy may nhớ tới cái loài cỏ mà một thơì gần gũi, thân quen và trìu mến của tuổi thơ tôi. Chính nó mang cái tên" Chắp - Pi- Đeng": Người Tày đã gọi như vậy. Nó bình thường như nhiều loài thảo mộc khác.
Chắp- Pi- Đeng thực ra nó là loài cỏ-loài cỏ không trực tiếp hút mầu từ đất- nó cứ bám vào rêu phong cổ kính, tự tình với rêu phong phủ dày trên các mỏm đá tai mèo sắc nhọn. Năm tháng cứ thế mà sinh con, đẻ cái. Cứ thế mà yêu nhau vững bền. Bởi nó là loài cỏ nhưng được trời phú cho sắc màu của hoa.
" Cỏ tía như là hoa tím pha…"
Lần đầu tiên ánh mắt gặp nó là CỎ TÍA, nhưng nhờ nhạy cảm nghệ thuật, từ màu tía đã chuyển sang màu" Tím pha"- nó bớt cái phần chói gắt, khắc khổ- Thêm phần trẻ trung, nền nã, giờ chỉ còn cái màu " hoa tím pha" thanh thoát, lịch sự.
" Bâng khuâng hoa đợi bướm ong qua"
Đích thị" HOA CỎ TÍA" không còn là hoa nữa- không còn cái bản ngã thiên tạo. Hoa đã ý thức được cái đẹp thuần khiết vốn có. Hoa chính là người. Người con gái miền núi đang độ thì mơn mởn. Thân thể của nàng đang lan toả cái mùi hương đến là ngọt ngào, đến là dễ chịu. Tặng vật của thiên nhiên chỉ dành cho con người- Thứ tặng vật vô cùng quý báu và chỉ vào cái thơì ấy, cái lúc ấy- cái phút giây thiêng liêng âm dương gặp gỡ để bàn giao cái kỳ công để tạo ra một thứ vũ trụ mới ra đời. Bởi vậy không bâng khuâng sao được, không nôn nao, bồn chồn sao được? Nó giống như cái kíp mìn, chỉ cần chạm khẽ là nổ tung lên cho hả; ấy vậy mà:
" Bướm ong mê mải phương trời lạ" thì đáng trách quá! Cái thứ bướm ong vô tâm, vô tính- cái thứ bướm ong có mắt như mù, có tai như điếc, có cái mũi bị" viêm xoang" mãn tính. Em- hoa- cỏ- tía đây- Ngay dưới đôi cánh mỏng của các chàng đây- chẳng lẽ em còn phải cất tiếng chaò mời? Chẳng lẽ em táo tợn bước qua khuôn phép, cái khuôn phép bền chặt, muốn mà không nói được, thích mà không được làm- cái khuôn phép không hình thù, không màu sắc, cứ thế trơ ra giữa trời cao đất dày, mãi mãi không hoen rỉ, không hao mòn, không nhàu nát. Biết vậy nên: " Hoa tím mơn man mặt đá già". Bài thơ đóng lại bằng niềm hạnh phúc giả tạo. Niềm hạnh phúc đích thực thì đã tuột khỏi tầm tay, đau xót cho mình biết bao nhiêu- ý tưởng nhân văn bật lên từ đấy- niềm an ủi lớn lao chính là sự đền bù của" Mặt đá già"- cái " Mặt đá già "mơn man hay" hoa tím" mơn man đều được cả- cái sự mơn man cần thiết cứ xảy ra thường nhật. Sự "mơn man" chứa đựng cái nghĩa chuẩn lấp cái tình- cái lý vượt trội cái cảm. Nguồn năng lượng trực tiếp đưa đến không truyền qua các công đoạn thông thường.
Hiện tượng hoa cỏ tía vượt mãi lên khuôn phép truyền đời, kiếp kiếp?
Bài thơ chỉ có bốn câu, các "nhân vật đưa lên sàn diễn" chỉ có" Hoa cỏ tía" và "Mặt đá già" thoảng có tiếng vù vù những đôi cánh mỏng của ong bướm, xa vời, mờ nhạt, vô định.
Cỏ tía như là hoa tím pha
Bâng khuâng hoa đợi bướm ong qua
Bướm ong mê mải phương trời lạ
Hoa tím mơn man mặt đá già.
HOA CỎ TÍA là một bài thơ hay của Nguyễn Anh Nông- một tác giả trẻ, là cây bút mặc áo lính với lực viết đang độ sung sức và hứa hẹn nhiều triển vọng./.

Y Phương
Hội nhà văn Việt Nam
Trụ sở: 9 - Nguyễn Đình Chiểu
(ĐT: 091.3280777)

 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.11.2007 04:25:37 bởi Hoàng Trong >

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 21.10.2007 21:16:59
 

MỪNG HAI CHÁU VÀO NHÀ MỚI


                             (Tặng Điềm và Thu)


Chú, nghiêng mình, kính nể
Trước cái nóc cao hơn cái nóc
Cái tư duy khác ý nghĩ thông thường.

Người ta nhìn nhau qua nhãn mác
Nội dung hay hình thức cái nào hơn?
Ít nhất, tư chất người được khẳng định.

Gió mưa thôi bớt sụt sùi
Trong lòng người vợ trẻ
Lời ong tiếng ve bay biến đi đâu?

Mừng ngôi nhà mới
Sớm hôm ăm ắp tiếng cười
Tư duy đừng bao giờ mất điện.
                                                  

                                                        2007

CHUYỂN NGỮ SANG TIẾNG ANH
 

A POEM FOR MY NIECE'S AND MY NEPHEW'S NEW HOUSE
 
 
(to Diem & Thu)
 
I bend down respectfully
In front of a roof which is higher than a roof
The mind is different from a normal thought.
 
People look at you by the mark
Inside and outside, which is better?
But at least you can affirm your characters.
 
Winds and rains will stop
In the heart of a young wife
Where has the gossip gone?
 
Congratulations to your new house
In which is full of laughters all the time
The mind is never black out.
                                                  

                                                            2007

Người dịch: Nguyễn Thị Bích Nga


TẢN MẠN VỀ NHÀ THƠ TRẦN DẦN


Người không khóc cho nỗi đau của mình
Mà “Khóc cho chân trời không có người bay”(*)
Và “Khóc cho người bay không có chân trời”(*)

Người đi tìm Mùa Sạch (*)
Mặt đất có sạch đâu?
Bầu trời có sạch đâu?
Mà nảy nở, sum suê mùa tinh khiết?

Người- sinh- ra- lấy- thơ- làm- gậy- chống
Đi suốt cuộc đời biến động
Bây giờ chiếc gậy nhân chứng
Gõ vào thời gian
Gõ vào sự bạc nhược, ẩm mốc
Rồi, nó cười bao dung.                               

                                               
17/11/2007

(*) ý thơ Trần Dần



CHUYỂN NGỮ SANG TIẾNG ANH

SOME THINGS ABOUT THE POET TRAN DAN

He's the man who doesn't cry for his own suffering
But "cries for the horizon where there are no flying men" (*)
And "cries for flying men who don't have the horizon" (*)
 
He's the man who looks for the Clean Season
Isn't the earth clean?
Isn't the sky clean?
But how can the Pure Season be born?
 
He's the man who makes his poems a cane
Walking along with his whole changing life
And now a cane is the witness
Knocks into the time
Knocks into the feebleness, the damp, the mould
Then it smiles mercifully.                                

                                                  

(*) poems of Tran Dan
 
17/11/2007
Người dịch: Nguyễn Thị Bích Nga
[font=.vntime] 





CÁI MIỆNG- CHIẾC LOA

Cái miệng-Chiếc loa
cửa khẩu
xuất và nhập
hàng đàn ngôn ngữ xấu đẹp
lũ lượt đi- về
qua tai mình và tai người khác
khiến trái tim ai đó rung lên
Âm thanh phát ra
từ chiếc loa
có kẻ chết ngất
Có người hân hoan như bắt được vàng.

Đêm nay, hai chiếc loa úp vào nhau
Âm thanh phát ra không rõ tiếng
Biết đâu chín tháng mười ngày sau
Tại chiếc giường này bật lên tiếng khóc?

Có chiếc loa phát ra hương hoa, ánh sáng
Có chiếc loa tỏa mùi thum thủm, u ám khói độc
Có chiếc loa kéo con người lại với nhau
Có chiếc loa phá đám, xui khiến con người thù địch, chém giết đồng loại
Có chiếc loa gieo trồng hạnh phúc
Từ đống tro tàn

Có người vô tình đi qua cửa hàng loa
Giật mình, không dám nhìn
Cun cút đi
không quay đầu lại...

                                                         17/11/2007


NGẪU NHIÊN VÀ TẤT NHIÊN                          

                                         (Tặng nhà thơ Đỗ Trọng Khơi)

Anh có cuộc bứt phá ngoạn mục
Cuộc đại nhảy vọt, bất ngờ:
Sự lộn nhào chiếc xe bốn bánh- hất – anh - văng- sang nỗi đau tứa máu
ít nhất anh cũng cao – xa - hơn mình mấy xăng - t i - mét
Bởi tác động của lực quán tính trước vật cản- chiếc hố- cái bẫy cát vô tình.
Cái bẫy cát vô tâm vô tính?

Cảm ơn sự xui khiến của cảm tính hay thăng hoa của ngẫu nhiên
Cảm ơn bạn bè và tiền nhân (*)
Cảm ơn mảnh đất bằng mà không bằng mà lại công bằng
Giống như sự vẫy cánh của loài chim
Ta cần một làn gió
Ta cần làn hương hoa
Ta cần một chỗ vịn
Để nhấc mình lên.

                                                             
17/11/2007

(*) Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi cùng bạn bè đi viếng người Cộng sản Nguyễn Đức Cảnh, anh bị tai nạn ngày 15/11/2007
 
Nguồn: http://tranquangdao.vnweblogs.com/post/6517/38005/tin-tuc-festival-tho/festival-tho-2007.html
<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.11.2007 19:09:21 bởi Hoàng Trong >

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 21.10.2007 21:19:20
 Giọt nước
 
    Nguyễn Anh Nông


(Kính tặng thầy giáo Quản Phượng)

Mây bay, ừ nhỉ? mây bay!
Khát khao tôi ngửa bàn tay hứng trời.
Mưa rơi
Từng giọt mưa rơi
Bàn tay tôi đậu mảnh trời xinh xinh.
Ngắm nhìn giọt nước lung linh
Mà sao thấy cả bóng hinh nước non
- Ô hay, giọt nước con con
Mà như tích tụ ngọn nguồn gió mưa.

1988
(Trích tập thơ Bàn tay lá cỏ, tập 1, 1993)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.11.2007 04:22:47 bởi Hoàng Trong >

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 15.11.2007 15:26:22
EM VÀ HOA (*)

Em - bông hoa nhỏ xinh tươi
Một thời chang chói
Một thời kiêu sa.
*
Ước gì em mãi mãi hoa
Và hoa kia mãi mãi là hoa khôi.
*
Gió mưa sao cứ dập vùi
Nỗi hoa tàn tạ- nỗi tôi nát nhàu.
*
Chiều, em đứng đợi bên cầu
Sắc hoa đã nhuốm một màu tương tư.
 
 Nguyễn Anh Nông
(*) Rút trong tập thơ Bàn Tay Lá Cỏ, tập 1, xuất bản năm 1993
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.11.2007 04:23:49 bởi Hoàng Trong >

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 22.11.2007 04:39:57
 NGUYỄN ANH NÔNG
 
 Hai ông già
(Chuyện giữa Bác ruột và Bố tôi)

Hai ông già tóc bạc
Ông anh bảo ông em:
- Đêm nay, chỉ một đêm
Chú ngủ với tôi nhé?

Ông em không hiểu ý
- Ấy, ấy - em phải về!
Nồi cám, chưa kịp nấu
Với lại, còn thằng cháu
Nó rất hay quấn ông...

nửa đêm, người anh mất
Sáng ra, thật bàng hoàng
Người em thấy ân hận
Cây gậy trúc run run
Khóc, không còn giọt lệ...


17-1-2005

CHUYỂN SANG TIẾNG ANH

Two Old Men
(the story of my Uncle and my Father)

Two old men with white hair,
The older told the younger:
"Tonight, just one night,
You sleep with me, right?"

The younger didn't understand
"Hey, no, I must come home!
And cook bran for the pigs!
Besides, my little grandson
He needs to sleep with me!"

After midnight, the older died.
Next day, the younger felt stunned,
And he was so regretful.
A bamboo cane in his hand was trembling.
He cried until there were no more tears.

17-1-2005

NGƯỜI DỊCH: NGUYỄN THỊ BÍCH NGA
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.11.2007 04:42:12 bởi Hoàng Trong >

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
RE: THƠ NGUYỄN ANH NÔNG - 25.11.2007 19:14:38
 
 
Chiếc tàu chiến Pháp từ đáy sông Đà
 
Người ta vừa moi từ đáy sông Đà lên chiếc tàu chiến Pháp
Nó- chiếc tàu- bị lính Cụ Hồ bắn chìm năm năm mốt (1951)
Con tàu rưng rưng cảm ơn những người thợ nạo vét đường sông
Nửa thế kỷ...lần đầu tiên nó được thấy trời xanh và gió mát
xúm quanh thân tàu: Những cựu chiến binh, những tân binh và những người thợ
Mỗi người nhìn nhận con tàu với tâm trạng khác nhau.

Sáng xuân 2000
Người ta gom số hài cốt về một nơi nào đó
Vương mấy mẫu xương  lem bem, nham nhở
Vương mấy ê cu gỉ ghét sàn tàu
Vương lũ quạ chiều ngơ ngẩn, lao xao

Chiếc cần cẩu khổng lồ- nhấc bổng con tàu kếch xù
Chiếc ô tô cà tàng tha con đường tang thượng
Bãi cỏ xanh non đón con tàu tội lỗi với lòng nhân ái, bao dung.

Chiếc tàu như gã chiến binh mình đầy thương tích
Nó vừa nằm vừa ngắm trời xanh vừa ngẫm nghĩ
&&&&&&
CHUYỂN NGỮ SANG TIẾNG ANH
 
A French war-ship at the bottom of Đà river
 
A French war-ship was discovered at the bottom of Đà river
It was fired and sunk by Uncle Ho's soldiers in 1951
Feeling grieved, it thanked the workers for dredging the river
Half of a century… and then it saw the blue sky for the first time
It was surrounded by the veterans, the new recruits, the workers…
Each of them looked at the war-ship with different mood.
 
In the spring morning of 2000
They collected the remains and brought them to somewhere,
scattering some rough bones on the floor,
scattering some rusted screws here and there,
scattering some silly ravens everywhere.
 
The giant crane – lifted the huge war-ship
like an old car carried a miserable road.
Then the green grass field greeted the guilty ship with its generosity.
 
The ship looked like a warrior with lots of wounds
It was lying on the grass, seeing the blue sky, and thinking…
 
NGƯỜI DỊCH: NGUYỄN THỊ BÍCH NGA

Hoàng Trong
  • Số bài : 31
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 05.10.2007
  • Nơi: Việt Nam
THƠ NGUYỄN ANH NÔNG - 19.02.2008 18:49:50
 
LINH CẢM
                    THƠ NGUYỄN ANH NÔNG
 
I
Con nai trắng lồng lộn trong ngực anh
Em hẹn sao em chưa tới?

II
Con dế mèn kêu trong tai anh
Em hẹn sao em chưa tới?

III
Hương cỏ mật thơm trong mũi anh
Em hẹn sao em chưa tới?

IV
ánh trăng rơi mờ mắt anh
Em hẹn sao em chưa tới?

V
Dòng điện chạy từ bàn chân lên đỉnh đầu
Linh cảm em tới?

VI
Nhoi nhói trong xương thịt anh
Hau háu đàn kiến đói.






DỊCH SANG ANH NGỮ

THE PRESENTIMENT


I
A white deer is struggling in my chest
You dated me why you don't come?


II
A house-criket is singing in my ears
You dated me why you haven't come yet?


III
The smell of honey grass is inside my nose
You dated me why now you don't come?


IV
The moonlight is shining down and makes my eyes blurred
You dated me why you haven't come yet?


V
An electricity current runs from my feet up to my head
I have the presentiment you will come?

VI
Then there's a herd of hungry ants
Makes my bones and my flesh feel stung

Translated by ( dịch bởI) Nguyen Thi Bich Nga
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.02.2008 18:51:15 bởi Hoàng Trong >

hoangtrong
  • Số bài : 2
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 07.04.2008
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 17.04.2008 01:56:48
 
“Aquilaria” core from “Months And Years In The Forest” written by Nguyen Anh Nong
                                    Nguyen Hung Hai

   Nguyen Anh Nong was born in Thanh Hoa – the land of the heros. Growing up in the Army, he had 5 poems books were published, he was a poet who was-and-is interested in the armed force.  Reading Nguyen Anh Nong new poem book “Months And Years In The Forest” (which was published by The Publishing House Of The Army Of People, 2005) I regconize the wonderful characters of a soldier. During those heroic days, he “With my comrades, I had been a sharp sword/ With my comrades, I had been a shield at the border landmark/ … I had eaten in the sun, slept in the fog”. The soldiers had so many difficulties in the battle fields that sometimes when we think back, we still startle and don’t believe we can survive. But then he felt more hurt when he came back home and realized “My beloved people in the past were so indifferent that they turned into strangers/ The day I went down town – I felt dazed, bewildered…” He felt happy because the life changed, but he also scared because people’ souls changed too. It might be the reason why the soldier’s wounds never healed after the war. The sentence cut people’ souls like a knife, let us know the beauty of the characters of Nguyen Anh Nong, a soldier of Uncle Ho. There were 55 poems in the book, most of them wrote about Nguyen Anh Nong’s memories as a reminder to his comradeship, his country, his people, wrote about the countryside where he used to live, to pass by in his countless operations. In the book, we meet months and years in the forest, the happiness, the sorrow and even the awakening. Like many other soldiers, far away from home for a very long time, Nguyen Anh Nong always thought about: “There was a flood in my hometown/ My parents were very old/ My wife and my children were expecting me/ But I was still very far from them”. In that situation, though he was experienced, he was rich of skill and spirit, he always felt dazed when “there was no you beside me”. It seemed the lacking of his wife made “the earth and the sky warped as a dry pancake?” “Without you this afternoon, Cao Bang land was uneven”, like many other soldiers, Nguyen Anh Nong: “Wishing I could look at you smiling, crying/ … Wishing my hair could blend into your hair”. It sounded so hurt and so sad before the separation, before the wish of simple but holy happiness of human-beings.  In the forest, just only the singing sound of bird could make us flurried: “A bird’s voice or your voice/ Called me in my dream?” (Hear “Quý” Bird Singing Songs In The Night Forest). We sympathize this sorrow with Nguyen Anh Nong to believe and love this life more, to understand the soldiers more, though we can’t share anything with them: “Then a bird sang songs/ And I heard it/ Then I couln’t sleep/ And I heard it…” Months and years in the forest, along with missing his lover, missing his family and hometown, missing his beloved people, Nguyen Anh Nong still had different misses in “All of people in three places love him/ All of people in four places don’t want him to go” (A Boat). I admire Nguyen Anh Nong for his holy sadness, for his noble hurt.  I’ve read many times the poem “The Autumn World” and I can see the lofty love for people inside him, though it was very sad. He wrote these sentences to share the hurt with his sister “Husband Died” made our eyes wet: “She had a husband and children suddenly her hands were empty/ Her life was bitter – her fate of love was unlucky/ From the early morning until late at night, she was alone…” Because her life was uncompleted, Nguyen Anh Nong’s sister had to borrow the sentence “A di da Buddha” to calm herself down, then Nguyen Anh Nong gave us some awakening: “That was it – that was belief/ But people world, Buddha world, which world for me to believe?/ The sky world and the earth world were pure/ I bowed my head, praying for the thousands of autumns world”. In “In Front Of Yellow Leaves” – the poem also wrote about a couple of his friends – they also lost a husband and a wife, they came to each other rather late, and Nguyen Anh Nong honored people’s characters with the beauty of personality: “In front of the pictures, she raised the lamp/ He held the joss-sticks and lit them/ They thought of people who never came back/ They kept silent, their shadows were side by side”.   Reading this poem, I feel touched. I really believe in the sentences, the poems which were full of Nguyen Anh Nong’s spirit of compassion. I’m impressed by the poems: “A Sweep In The Afternoon”, “A Memorial Song By The River”, “With Friends”, “A Man Who Whittles Down A Bit Of Wood Into A Plough…”, “Like A Mountain, He Sits”…  
 
Along with his deep miss, his gratefulness, his holy love for people, Nguyen Anh Nong’s poems whispered as the words of confidence. The voice of poem was honest, sentimental, had been trending upwards to the current events, giving you and me many connecting ideas. First is the “unpeaceful” months and years in the forest, though nothing had happened, we still see the thinkings: “Two men used to be the enemies/ Fighting each other until their heads were injured/ Now their graves turned green with grass/ Smoke of their joss-sticks visited each other, at times…”. (Writing With Inspiration) Along with the characters of “Uncle Ho’s Soldiers”, it seemed Nguyen Anh Nong’s poems were sparkling with the saving. In his poems, there were many sharings, many sympathies, many awakenings of principles and personalities. It seemed Nguyen Anh Nong always wrote about the beauty. If he had to write about the bad, his voice was still warm to suggest and alert: “When my soul is empty/ It can’t be filled up by every space-shape-thing/ So honey, try to remember and keep it!/ The holy confidence of the earth and the heaven/ Is trembling inside our chests”. (The Holy Pray) Maybe “Months And Years In The Forest” was not only Nguyen Anh Nong’s memory but also his experience. The clearest experience was displayed in the poem “A Man Who Whittles Down A Bit Of Wood Into A Plough And A Toothpick”. For example: “He tries to make the rolling, bumpy life be bright, shining and smooth/ He tries to plate the deep black world with nickel/ He burns the time with his detailed work: an ant pulls some food, a sandcrab collects some sand, a peacock dances in the wild place?/ This afternoon, after so much hurt and so much restless/ A toothpick tilts its head, looks at me and smiles/ It’s just been freed by my friend”. Coming back to a person who was full of compassion and responsibility, Nguyen Anh Nong, as well as us, was still a man with his responsibility, and his sentences made us shed tears: “And I – just go farther and farther/ For the whole month and the whole year/ Then I come back from the strange moon/ How many Mid-autumn Festivals are there per year?” (My Home)  In the endless “sacrifice” of a soldier, Nguyen Anh Nong’s responsibility to his wife, his children, his family was also his responsibility to his comrades – who was living very far from homes, “months and years in the forest”. It seemed Nguyen Anh Nong always worried for another people, always felt anxious for the love inside him, always looked harassed for the love of life. He had lots of awakenings, but the clearest one was, he knew how to apply himself to characters of Uncle Ho’s soldiers though the life at present had many changes. And from there, I’ve got the “aquilaria” core from Nguyen Anh Nong’s “Months And Years In The Forest”.                                                   N.H.H.
 


hoangtrong
  • Số bài : 2
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 07.04.2008
RE: Tác giả-tác phẩm mới - 17.04.2008 02:02:13
 
Stones and Flowers – a flowery poem to give ( ĐÁ VÀ HOA MỘT BÔNG THƠ DÂNG TẶNG)

                           Do Trong Khoi 

Reading “Months And Years In The Forest” – The Publishing House Of The Army of People – 2005.


The poem book “Months And Years In The Forest”, published by The Publishing House Of The Army of People, in 2005, was considered as an enough collection of Nguyen Anh Nong in his career of writing poems. The author, was born in Thanh province, had some poems printed on newspapers when he was a student of The Infantry Academic I. Since he moved to Cao Bang after he graduated, his poems seemed more mature and more promising. And right in Cao Bang, Nguyen Anh Nong wrote many good poems which were full of heroic souls. His works in this period became the base for the success of this poem book. Such as: Months And Years In The Forest, Morning, Go Around On Bang River Bank, Come Back To My Hometown…
 As a poet of the Army, of course Nguyen Anh Nong always wrote about the images of the soldiers. The problems of war, sacrifice, as well as normal lives in peace went into his poems with deep feelings, thinkings and concerns, but all of them were displayed by his talented and true loving sentences. The poem “Months And Years In The Forest” which was used as the name of his book symbolized for his successful style of Nguyen Anh Nong’s poems.  

Words and sentences in the poem were simple but subtle and general. Pictures in the poem looked like the cuts to make the real life of the soldiers in the forest appear: 


 MONTHS AND YEARS IN THE FOREST 

For many months and years in the forest,
with my comrades, I had been a sharp sword
 with my comrades, I had been a shield at the border landmark.
*
For many months and years in the forest
I had eaten in the sun, slept in the fog
I had expected the mails for few times every day
I had made friends with the moon, with winds and clouds every night.
*
 For many months and years in the forest
A few of my comrades had fallen down
But their holy spirits still stay there with the leaves in the forest.
*
  For many months and years in the forest
Fire-ants had bitten and made my soul hurt
when I heard the storm and the flood were coming to my hometown…
*
     In the poem above, some sentences sounded as a sigh, not because of regretting but it was purely an innocent sigh before an unbelievable reality: “My beloved people in the past were so indifferent that they turned into strangers/ The day I went down town/ I felt dazed, bewildered…” A soldier, especially a soldier living in the forest, on the island, far away from the modern life-styles in the city with new look, new points of view, then he felt himself a stranger. Therefore he thought he was a stranger not only to his beloved people but also to himself. And in his love: “Then we become two classical people when we love each other…” (The Love Of A Navy Sailor).
 
      There were systematization and solution in the way he showed the reality when he chose the art of poems. And the characters of a soldier in his poems, through the cuts of pictures, in any levels of emotions, were lit brightly by the steel of his will, his power of loving and giving. Therefore, peace and love and trust were still the essential feelings of the book, even inside some poems about the lose, the sacrifice: “My friend’s life ended at his youth/ He was there wherever the country needed him/ Though some of his comrades changed the thinkings/ He was always the pure and clear small stream…” (A Memorial Song By The Stream). 

     In Nguyen Anh Nong’s poems, the peace and trust which people gave to people were pushed deeply, interactedly, freedly to the bottom of the souls: “Now their graves turned green with grass/ Smoke of their joss-sticks visited each other, at times…” (Writing With Inspiration). 

     The depth of spirits and principles which was scarved in Nguyen Anh Nong’ poems expressed his concerns, anxiousness and sad sighs but it didn’t mean the extremity, the sorrow and the despair.

     In Nguyen Anh Nong’s poems, he used pictures and words as the rhythms of performance through a prism of spirit. There were outstanding pictures of Stones and Flowers. There were four wonderful sentences in the poem “Flowers And Purple Grass”:  

   The grass is as purple as the violet flowers
Grievedly, flowers were waiting for butterflies and bees
But butterflies and bees were interesting in strange sky
Then violet flowers caressed the face of an old stone.
 In the poem “Go Around On Bang River Bank”, pictures of flowers by the stones were blended with colors and sounds very well: “I can’t wait for the blue sky to understand/ The god is still as dazed as the trees and the grass/ Everything is real but it seems virtual…” The next sentence suddenly became a strange and interesting picture: “Then noisily in Bang river, stones give birth to flowers”. The sound noisily when stones gave birth to flowers truly was the strange sound. Stones hatched, it seemed the sky shook and the earth moved, but in this case, only the poetic ears could hear that. When stones and flowers were in the same scene, Nguyen Anh Nong always had a chance to write the impressive sentences, poems. He wrote the poem “A Song By The Grass” for the grass, but the concept under that was about fates of people and reasons of lives. Using stones and flowers as materials to write poems let us know that he had a special style to operate words and structures of poems. This promised the success, but the author himself should think more to get his own special style. 

      Through the poem book “Months And Years In The Forest”, Nguyen Anh Nong was more successful in a series of poems with simple and true words, created emotions at problems and pictures around him, made the readers understand what was closed to the soldiers’ lives. 

     Also, in the poem book “Months And Years In The Forest” there were few poems very outstanding with creative style, such as: “The Hot Snow Region”, “A Portrait”, “I Divided Myself”, “A presentiment”…

   “… Then once I passed myself
I turned into me with a different face
Once you passed yourself
You turned into not only a river but also a waterfall
I turned into a boat to pass the whirlpool you
The whirlpool was high up to the sky
It might break a boat me in a minute…” (I Divided Myself)/

       The poem displayed the character of multi-dimentions and multi-pictures of “dividing himself”. He searched into himself and met himself in many different faces. He wished he could regconize his truest face. In the past, many monks did do that and most of them drowned into themselves. Through the slays of language, ideas in poems displayed a poet Nguyen Anh Nong desired walking on the street, but along with him, there was some feelings rather deep and interesting: “I’ve already got you/ Then suddenly I’m stunt and dazed/ ‘Cause when I have the happiness/ Your image has changed…” (A Water Crab)

     His organization of language and his ability of creating the content which could go into people’s egos, things’ natures, were the new effort of Nguyen Anh Nong’s poems. However, straightly to say, there were still few poems, few sentences very sophisticated and arranged. The words lost its balance because they were built on a base of ideas and art which were lacking in perfect. 

       With the achievements, with the slays were expanding for hope, the soldier poet Nguyen Anh Nong will still walk steadily on the long road of poetry. “Months And Years In The Forest” with its value, the value of a flowery poem which was created by Stones and Flowers, by a soldier’s love, as a gift to poetry.  

                                                       02/September/2005
                                                                D.T.K

Source: The Army Literature And Art Magazine – vol 645 – May, 2006. 
NGƯỜI DỊCH: NGUYỄN THỊ BÍCH NGA
( BẠN XEM BẢN TIẾNG VIỆT: TẠI ĐÂY)