Đền, Chùa Nhật Bản
BanHien 15.10.2007 12:52:51 (permalink)
Vài di tích lịch sử của Nhật

Người viết xin dùng chữ Đền cho Shinto Shrines và Chùa cho Buddhist Temples để viết bài này.

Theo rất nhiều sách, Đền là nơi trang nghiêm người Nhật thờ cúng Tổ tiên và Thần linh. Người Nhật còn dựng Đền (bàn thờ) trong nhà nhưng nay đã giảm nhiều.

Chùa Phật giáo là nơi tôn nghiêm thờ kích Đức Phật như mọi chùa Phật giáo khắp nơi. Nếu ai còn nhớ chùa Vĩnh Nghiêm trên đường Công lý thì có thể tưởng tượng phần nào ra chùa ở Nhật vì Chùa Vĩnh Nghiêm được Nhật giúp xây cất.



Qua tiến trình lập quốc hàng ngàn năm, Nhật bản đã chọn nhiều chỗ để làm thủ đô trước khi dời đến Tokyo. Ngoài những nơi chọn làm thủ đô, Nhật bản cũng có những nơi trụ trì các lãnh chúa, được coi như là thủ đô bên cạnh (de facto). Trong chuyến ghé Nhật ngắn ngủi, chúng tôi đã đến vài cố đô của Nhật: Nara, Kamakura, Kyoto và vài lâu đài lớn.

Nhận xét đầu tiên của chúng tôi là xưa kia Phật giáo rất mạnh ở Nhật. Chùa được thiết lập rất nhiều và các kiến trúc lớn đều nằm trong khu vực thủ đô vào giai đoạn đó. Các người đến Chùa hiện nay hầu hết là du khách đi xem các công trình kiến trúc xưa. Tuy nhiên cũng rất nhiều du khách đến Chùa để làm 1 công hai chuyện.

Nara (奈良): Nara được coi là thủ đô đầu tiên của Nhật (710-784). Nara là nơi có nhiều di tích lịch sử được xếp vào Di sản Văn hoá Thế giới (UNESCO World Heritage). Ngoài những đền, chùa nổi tiếng, Nara còn nổi tiếng với số lượng nai trong thành phố, đặc biệt trong các công viên.

Chúng tôi đến ga xe lửa Nara sau khoảng nửa giờ dùng xe lửa tốc hành từ Kyoto. Sau đó dùng xe buýt tới ngay Nara Park, do thấy tấm quảng cáo lớn ngay tại ga xe lửa. Tiếc thay, chúng tôi đến ban ngày thay vì ban đêm.


Các giàn đèn đang được dựng trong công viên

Cả vùng Nara đang chuẩn bị ngày hội 15 tháng 8. Hàng năm, ngày hội lớn nhất của Nara vào tháng 3 (từ 1 đến 14) để chào mừng Xuân mới. Kế đến là tháng 8 (từ 6 đến 15), khi Nara lập lại những chương trình hội hè của những ngày đón Xuân, đặc biệt là hội đèn (đèn cầy và đèn điện). Tháng 8 cũng là thời điểm người Nhật kính nhớ tổ tiên, nên không chỉ Nara mà hầu như toàn nước Nhật đang chuẩn bị cho các ngày này.


và trên các con đường dẫn vào đền/chùa


Một giàn đèn dọc theo hông đền

Có bảy ngôi đền, chùa và cung điện cổ ở Nara được xếp vào khu Di sản Văn hoá Thế giới đó là chùa Tōdai, chùa Saidai, chùa Kōfuku, đền Kasuga, chùa Gangō, chùa Yakushi, chùa Tōshōdai và phần còn lại của cung điện Heijo. Chùa Tōdai hiện nay là kiến trúc bằng gỗ lớn nhất thế giới, chẳng lạ gì khi chùa có tượng Phật (trong nhà) lớn nhất của Nhật. Toàn nước Nhật thời đó phải dùng toàn bộ số lượng đồng trong 7 năm để đúc tượng Phật cao trên 14 mét (49’) này. Nara cũng còn có ngôi chùa bằng gỗ lâu đời nhất thế giới đó là chùa Horyu.


Chùa Tōdai: kiến trúc gỗ lớn nhất thế giới

Như trên đã đề cập ở trên về nai. Chúng ta có thể thấy nai chạy khắp nơi, đặc biệt là công viên Nara. Tương truyền Emperor đầu tiên của Nhật là Jimu đã từ trên trời xuống và cưỡi nai đến Nara. Những con nai hiện nay ở Nara là giòng giống của con nai ngày xưa.

Kamakura (鎌倉): Cách Tokyo khoảng 50 cây số về phía Tây-Nam. Từ năm 1186 đến 1333, Kamakura đã trở thành một thứ thủ đô khi quyền hành từ thủ đô Kyoto được chuyển cho quân đội ở đây. Với chiến thuật gả con gái cho vương tộc (emperial), hai giòng tộc Taira và Minamto đã trở nên có nhiều quyền hành hơn Vương triều (Emperor) Fujiwara tại thủ đô Kyoto.


Địa điểm đền và chùa quanh Kamakura

Sau đó, giòng tộc Minamoto trở nên mạnh mẽ hơn, đồng thời được hỗ trợ bởi nhiều gia đình chiến hữu (warrior) khác, nên đã thắng giòng tộc Taira và tự thành lập chính quyền tại Kamakura, cắt đứt liên hệ với Vương triều. Giòng tộc này cầm quyền tại Kamakura cho đến năm 1333.

Có rất nhiền đền, chùa tại Kamakura. Các đền, chùa này không xa nhau lắm, nổi tiếng nhất là chùa Kotokuin với tượng Phật ngồi rất lớn được đúc bằng đồng. Một trận sóng thần vào thế kỷ XV đã cuốn trọn ngôi chùa nhưng tượng Phật vẫn còn và trở thành tượng ngoài trời cho tới ngày nay.


Tượng Phật ngồi bằng đồng nay ở ngoài trời

Trong khu vực còn có những chùa khác như 2 chùa Zen: Kencho, chùa Engaku; chùa Tokei là chùa đặc biệt cho những người ly dị do 1 ni cô thiết lập riêng cho phụ nữ đến tạm trú khi muốn ly dị chồng.

Chúng tôi đã đến hết đền và chùa trong khu vực này, do đúng dịp con gái chúng tôi ký hợp đồng với nhà xuất bản Fodor’s để cập nhật vài chương trong một cuốn sách hướng dẫn du lịch ở Tokyo (http://www.fodors.com/). Trong đó có chương về các đền, chùa tại Kamakura. Cuốn sách này được tái bản cho năm 2007 và sẽ được phát hành khoảng trước hoặc sau Christmas 2006.

Ngoài đền, chùa, khách đến Kamakura còn có thể dạo quanh bãi biển bên cạnh.

Kyoto (京都): Vào thời đại Heian, Kyoto được chọn là thủ đô và là thủ đô của Nhật từ 794 đến 1867. Kyoto có một thời được gọi là Saikyo (chữ Hán là Tây kinh 西京).Về một phương diện nào đó, Kyoto vẫn còn được coi là thủ đô của Nhật (vì Kyoto có nghĩa là Thủ đô). Kyoto là thành phố lớn duy nhất của Nhật không bị đồng minh bỏ bom trong Thế chiến thứ II do sự vận động của một sử gia Mỹ. Vị này muốn Kyoto không bị tàn phá để Nhật bản nói riêng và nhân loại nói chung còn được thấy các di sản quý giá vượt không gian. Hiện nay, là thành phố lớn thứ 5 của Nhật, nhưng Kyoto chưa bị (hay được) canh tân hoá nhiều, có lẽ do không bị tàn phá nhiều.


Tháp Kyoto nằm đối diện với ga xe lửa

Có 2 Chùa nổi tiếng ở Kyoto (và cả nước Nhật) là Kinkaku-ji (Golden Pavilion) và Ginkaku-ji (Silver Pavilion). Cả hai chùa này đã được trùng tu hoặc tái thiết nhiều lần nhưng vẫn duy trì thiết kễ cũ. Ngoài ra, Kyoto còn có nhiều công trình khác được liệt kê vào những Di sản Văn hoá Thế giới.


Chùa Kinkaku hay Golden Pavilion


Một góc sân chùa Ginkaku hay Silver Pavilion

Ngoài các di tích lịch sử, Kyoto còn nổi tiếng với khu Gion và Pontochō, nơi có các nhà Geisha. Hiện nay, các nhà Geisha đã đóng cửa gần hết. Rất hiếm thấy các cô xuất hiện (các cô mặt trắng thường thấy là các Maiko – xin xem bài viết về Geisha).

Chúng tôi đã dùng Kyoto là “căn cứ địa” để từ đó đến Nara, Himeji, Kobe và các vùng phụ cận Kyoto trước khi đến Hiroshima và Osaka.


Một đêm hội cách Kyoto khoảng 40 cây số

Himeji (姫路): Mục tiêu chính của chúng tôi khi đến Himeji là để coi lâu đài Himeji (Himeji-jo, còn gọi là Shirasagi-jo) toạ lạc ở đây. Chúng tôi dự định chỉ ở Himeji một buổi sáng nhưng không khí ngày hội của thành phố đã giữ chân chúng tôi cả ngày.

Từ Kyoto, không đầy 1 giờ trên shinkansen, chúng tôi tới ga Himeji. Mới 9 giờ sáng mà đã nóng kinh khủng. Chúng tôi lên xe đưa đón (shuttle bus) để đến ngay cổng của toà lâu đài. Trên đường đi, chúng tôi thấy cờ, quạt (nghĩa đen) khắp nơi cùng với các nhóm với áo quần chỉnh tề và đầy màu sắc.


Xe buýt đi vào lâu đài

Chúng tôi xuống xe, nhìn quanh. Âm nhạc từ mọi phía phát ra. Mỗi khu vực một nhóm. Họ đang múa, hát rất nhộn nhịp. Đi vội vào cổng để tránh nắng, chúng tôi thấy sân bên trong cổng đầy ắp người. Họ đang xem các màn biểu diễn trên hai sân khấu lộ thiên rất lớn.


Một trong các sân khấu

Chúng tôi đến quầy bán vé, thấy tấm bảng “Hôm nay không lấy tiền vào cửa” (đỡ được 15 Mỹ kim) nên chào người gác cổng và đi vào trong.

Lâu đài Himeji được xây dựng từ năm 1601, gồm có 6 tầng. Toà lâu đài được bao quanh một bờ thành dài (chu vi) khoảng hơn 1 cây số. Như các thành quách xưa, bên ngoài hàng rào là một hào nước. Có tất cả 15 cửa và 27 chòi canh đặt vũ khí. Lâu đài này được coi là lâu đài đẹp, kiên cố nhất và còn được giữ nhiều vật liệu nguyên thuỷ nhất của Nhật.


Lâu đài Himeji

Sau khi đi khoảng 1 nửa khuôn viên ngoài sân, chúng tôi vào trong để “thám hiểm”. Trước khi bước lên bậc thang, chúng tôi phải cởi giầy bỏ vào bao do họ cung cấp. Bên trong lâu đài tuy đã được sửa chữa và gắn thêm nhiều thứ (thêm cầu thang, hệ thống phòng hoả …) nhưng được bố trí rất tiệp và hài hoà với kiến trúc cũ.

Theo đoàn người, chúng tôi lần lượt lên lầu. Các tầng trên có diện tích nhỏ hơn các tầng dưới và tầng trên cùng chỉ rộng khoảng 40 mét vuông. Ngoài các chòi canh trên bờ thành, toà lâu đài cũng có những chòi canh riêng ở tầng 2. Mỗi chòi canh có cả một khu chứa vũ khí (nay không còn nữa nhưng được ghi lại gồm có dầu, nước để đun sôi và đá).


Phòng trên cùng của lâu đài với một bàn thờ

Quá trưa, chúng tôi ra ngoài. Thấy các đoàn múa hát vẫn hăng say trình diễn ở 5 chỗ khác nhau chúng tôi chọn một khu có bóng cây ngồi xem. Hoá ra đây là một cuộc thi đua hàng năm. Có những đoàn cách xa Himeji hàng ngàn cây số cũng đến đây dự.

Dù chẳng hiểu họ múa hát gì nhưng cũng vui. Dù trình diễn ngay trên một khu đất, họ không để lúc nào có thời gian chết khi mỗi đoàn chỉ được trình diễn 1 lần.


Múa hát ngoài đường

Nikko (日光): Nikko được xem là trung tâm Phật giáo do vị tu sĩ Shodo Shonin thiết lập vào thế kỷ thứ VIII. Ý định của vị tu sĩ này là truyền bá giáo lý Phật giáo để người Nhật bỏ đi “tôn giáo” Shinto của họ qua việc thờ cúng tổ tiên và thần linh. Kết quả không đúng như ý muốn, nên đền và chùa nằm hài hoà bên nhau khắp nơi.


Chiếc cầu nổi tiếng đẹp vào mùa Đông, có thể là cầu lấy "mãi lộ"
đắt nhất thế giới tính theo chiều dài


Nikko nằm trên khu đồi núi cách Tokyo khoảng 140 cây số về phía Bắc. Trong thời kỳ Edo (1603-1867), người Nhật tin rằng: phía Bắc được coi là phía của quỷ thần đến, nên các chùa được dựng nên để chấn áp quỷ thần. Trái với Kyoto, các đền và chùa ở Nikko đều được dựng trên vùng đồi núi, gần thiên nhiên nên tạo được khung cảnh tĩnh mịch và tôn nghiêm hơn.

Tất cả hiện nay có 103 toà nhà trong khu vực 424 mẫu (ha), trong đó có một số đền và chùa. Có 9 đơn vị được chọn là tài sản quốc gia và 94 đơn vị được liệt kê là tài sản quan trọng. Các đền và chùa chính ở Nikko đã được liệt kê là Di sản Văn hoá Thế giới.


Bản đồ khu Di tích Văn hoá Thế giới tại Nikko

Chúng tôi đến Nikko trễ hơn dự định, nên phải lo giữ chỗ cho chuyến xe về. Không dè chuyến xe còn chỗ duy nhất mà chúng tôi có thể trở về Tokyo là chuyến 13:36, nghĩa là chỉ 45 phút nữa. Các chuyến xe lửa sau đó không còn ghế trống. Không lẽ mới đến mà phải về ngay. Chúng tôi phải đi hỏi đường và tìm ra cách đi vòng, chuyến cuối cùng là 18:45 và mất 2 giờ 15 phút mới về đến Tokyo. Như vậy chúng tôi còn trên dưới 4 tiếng ở Nikko.


Một góc chùa cổ


Không nghe điều xấu, không nói điều xấu, không thấy điều xấu

Xe buýt chạy khoảng 10 phút từ ga xe lửa Nikko đến khu “Nikko park”. Chúng tôi theo hướng đi vào khu đền, chùa ngay vì sợ không đủ giờ. Cũng may các đền, chùa trong khu Di sản Văn hoá Thế giới nằm rất gần nhau.

Với vé gộp 1,300 yen một người, đủ cho chúng tôi vào cửa các khu cần xem như: vườn Zen, bảo tàng viện và các đền, chùa nằm trong khu Di tích. Sợ không kịp giờ nên chúng tôi không vào bên trong các điện (trong đền, chùa) mà chỉ vào các phòng bên ngoài.

Chiều xuống, chúng tôi còn được nửa giờ đi quanh Nikko và thưởng thức một vài món ăn địa phương.


Sản phẩm địa phương

Enoshima (江ノ島): Nếu bảo là đi viếng đền hay chùa ở khu vực này thì hoàn toàn không đúng. Mặc dù có đền, chùa ở đảo Enoshima nhưng với bãi tắm biển nằm đối diện trong đất liền và rất nhiều nhà nghỉ mát nên toàn khu vực Enoshima là trung tâm giải trí ngoài trời vào mùa hè. Đảo Enoshima được nối với đất liền bằng 1 chiếc cầu khoảng 600m.


Bãi tắm Enoshima (bên đất liền)

Để lên tới điểm cao nhất của đảo, chúng tôi phải mua vé. Vé trọn gói vẫn là vé gọn và rẻ hơn mua lẻ tẻ rất nhiều. Với vé này, chúng tôi có thể đi các thang máy (loại thang cuốn) đến thẳng các cổng đền, chùa và đi thang máy (lift) lên đỉnh tháp. Vé cũng cho phép chúng tôi vào các đền, chùa và vườn tược mà không phải trả tiền thêm. Thang cuốn chỉ đi lên mà không đi xuống.

Các đền và chùa trên đảo tương đối nhỏ, có lẽ vì thế mà vắng khách thập phương. Chúng tôi không vào hết các đền, chùa ở đây, chỉ rửa tiền (nghĩa đen) bên ngoài trước khi thả vào giếng (ghi chú: theo tục lệ ở đó, nếu rửa tiền trước khi cúng thì mình sẽ được gấp đôi trị giá số tiền cúng).


Một ngôi chùa trên đảo

Một đền nổi tiếng ở đảo là đền nữ thần (khoả thân) Benten (hay Benzaiten - 裸弁財天). Nữ thần Benten là thần nữ duy nhất trong số 7 thần linh. Tương truyền một con rồng biển rất dữ hay tàn phá Ensohima, cho đến ngày nữ thần Benten kết hôn với con rồng (chú thích của CNN: dữ mà có nội tướng cũng phải êm re). Các đền thờ nữ thần Benten đều nằm gần biển. Nữ thần Benten là thần (bà tổ) của sân khấu và kịch nghệ Nhật.


Óc thương mại ngày nay

Trên đảo có một vườn lớn (kiểu botanic garden) do một thương gia người Anh có vợ Nhật thành lập và mở cửa cho công chúng coi từ năm 1880. Kể từ năm 1949, khu vườn thuộc thành phố/tỉnh Fujiwana. Hiện nay, vườn được chia ra nhiều khu khác nhau: khu Miami, khu Beijing, khu Montréal, … đó là những tặng phẩm của các thành phố trên thế giới tặng cho đảo này.

Điểm cao nhất của đảo có một tháp quan sát (khoảng 54m) và một khu sinh hoạt lộ thiên khá lớn. Bên cạnh đó, một số quán và xe bán thực phẩm. Tuy “trên cao, xa đất liền” nhưng chúng tôi ngạc nhiên khi thấy thực phẩm ở đây rẻ hơn phía bên đất liền rất nhiều.


Quang cảnh bến thuyền buồm (yatch)


Cửa sông Katase và bãi biển Enoshima nhìn từ đài quan sát


BH
#1
    BanHien 04.11.2007 06:41:37 (permalink)
    Đông du ký

    Xưa kia, cụ Phan đã biết được sức mạnh của Nhật bản nên vận đông đưa thanh niên sang đó học. Ngày nay, dù Trung hoa, Đại hàn đang vươn mạnh nhưng Nhật vẫn còn chiếm một vị thế quan trọng trên phương diện mậu dịch của Thế giới.

    Chuyến đi Nhật của BH phải nói là “Tây du ký again” mới đúng, vì Nhật nằm phía Tây nước Úc. Tuy nhiên, xin vẫn cứ gọi là “Đông du” theo thói quen. Do kể chuyện tuỳ trí nhớ nên chuyện sau đây đã bỏ đi nhiều chi tiết xuất hiện trên các câu chuyện khác.



    Là một trong những thành phố bận bịu nhất thế giới, Tokyo ngày nay bao gồm 23 quận nội thành (ku) 26 thị xã ngoại thành (shi) và 8 làng (son hay mura) với tổng số dân trên 12 triệu người. Ngoài các quận, thị xã, làng trong đất liền, Tokyo còn bao gồm một số đảo, có đảo cách xa đến hàng ngàn cây số.

    Năm 1603, Tokyo được chọn bởi Tokugawa Ieyasu, lúc đó có tên là Edo. Edo đã trở thành trung tâm hành chánh, văn hoá, kinh tế và thương mại mặc dù ở thời điểm đó thủ đô chính thức vẫn là Kyoto. Tới năm 1869 Emperor Meiji dời đô về Edo, đổi tên Edo sang Tokyo (Đông kinh - 東京) và chọn lâu đài Edo là nơi cư ngụ cho đến đời Emperor hiện nay (lâu đài hiện nay đã được tái thiết nhiều lần).


    Một phía Tokyo nhìn từ ferry

    Khoảng đầu thế kỷ XX, Tokyo bắt đầu phát triển chung quanh các ga xe lửa. Thành phố Tokyo đã phải xây dựng lại nhiều lần, nhất là sau trận động đất năm 1923 (làm trên 142 ngàn người chết) và sau Thế chiến thứ II.

    Năm 1964, chưa đầy 20 năm sau khi bại trận, Nhật bản đã phô trương với thế giới thành quả tái thiết của mình qua Thế vận hội 1964 và shinkansen (bullet train). Năm 1965, Tokyo đã qua mặt Nữu Ước để trở thành thành phố lớn nhất thế giới về dân số.

    Qua thập niên 1970, với sự phát triển khu Sunshine và việc xây dựng phi trường Narita đã làm cho dân số Tokyo tăng thêm. Hệ thống chuyên chở công cộng ở Tokyo, mà chính yếu là xe lửa, từ đó trở thành bận bịu nhất thế giới. Ai đã tới Tokyo không thể quên được các ga xe lửa đầy ắp người, đặc biệt là các ga Shinjuku, Shibuya, Marunouchi (Tokyo), Shinagawa, Ikebukuro, Ueno, Akihabara …


    Sunshine

    Chúng tôi đặt chân đến Tokyo vào hạ tuần tháng 7. Từ phi trường Nirata đến trung tâm Tokyo mất gần 1 giờ dùng xe lửa tốc hành hạn chế (limited express). Sau đó chúng tôi vào tuyến đường Yamanote (Tokyo loop) đến Shibuya và từ Shibuya đến chỗ ở. Chúng tôi chọn cách di chuyển rẻ nhất, nên đã mất thêm hơn khoảng 20 phút (mất gần 2 giờ thay vì 1 giờ rưỡi từ Nirata đến chỗ ở).

    Shibuya (渋谷) là một trong số 29 ga của tuyến đường Yamanote. Đó là ga xe lửa chúng tôi phải dùng hàng ngày khi ở Tokyo. Để chạy một vòng của tuyến xe lửa không trạm đầu, không trạm cuối này, mỗi xe lửa phải mất khoảng 60 phút. Chúng tôi không biết cùng một lúc có bao nhiêu xe chạy cùng chiều (clockwise) và ngược chiều (anticlockwise). Tôi dự tính khoảng 40 xe, mỗi xe gồm 10/11 toa và dài trên dưới 300m. Trung bình mỗi ngày khoảng 3 triệu rưởi người dùng tuyến đường này và ga Shinjuku là ga rất tấp nập, được xếp hạng là tấp nập nhất thế giới1.


    Xe Yamanote vừa rời Shinjuku

    Nếu trái tim của nước Nhật là Tokyo thì trái tim của Tokyo có lẽ chính là Shinjuku (新宿). Shinjinku là nơi tập trung tất cả các cơ quan hành chánh, với những toà nhà chọc trời được xây dựng trong thập niên 1970, và những cửa hàng thương mại chính yếu. Trên TV, khi có tin tức về Nhật với cảnh đèn neon chớp nhoáng sáng chưng, chúng ta có thể đoán ngay đó là Shinjuku.

    Tokyo có nhiều danh hiệu “nhất thế giới”. Thực sự, người Nhật cố tình làm sao cho được danh hiệu đó. Hãy lấy vài ví dụ: tháp Tokyo được dựng lên theo khuôn mẫu tháp Eiffel của Pháp nhưng cao hơn chút đỉnh nên trở thành kiến trúc kim loại cao nhất thế giới (Tháp Tokyo nhẹ hơn tháp Eiffel nhiều do thép mới hơn, có cùng độ bền nhưng nhẹ hơn). Hay là cái vòng quay ở khu Odaiba cũng được coi là vòng quay cao nhất thế giới. …


    Tượng Nữ thần Tự do


    Cầu Rainbow

    Tokyo nói riêng và Nhật bản nói chung cũng thích làm giống “Mỹ” qua các công trình như bãi biển Tokyo là bãi nhân tạo dựa theo một bãi biển ở Nam California. Hoặc giả tượng Nữ thần Tự do cũng ở Odaiba, rồi cầu Rainbow Bridge v.v.. Có người còn nói nếu Dysneyland ở Tokyo không có các bảng chữ Nhật và chữ Hán thì ta có thể nghĩ là mình đang vào trong Dysneyland ở Nam Cali.

    Về phương diện kinh tế, Tokyo có mức thu nhập hàng năm (GDP) cao hơn cả quốc gia đứng thứ 8 về phương diện kinh tế trên thế giới. Mức sinh hoạt ở Tokyo rất đắt đỏ, đã dẫn đầu thế giới 14 năm liền (hiện đang cạnh tranh với Oslo). Đây là vài con số mà chúng tôi đã thực sự dùng:

    • Gạo hạng trung bình ¥ 3,980/10kg hạng tốt hơn ¥ 5,200/10kg,
    • Thịt heo từ ¥ 2,100 đến ¥ 4,400 một ký,
    • Thịt bò từ ¥ 3,000 đến ¥ 8,000 một ký (riêng thịt bò Kobe, giá trên bàn ăn lên tới ¥ 50,000 một ký, rẻ nhất cũng phải ¥ 35,000 một ký),
    • Vé xe lửa từ ¥ 120 đến ¥ 210 mỗi trạm (dĩ nhiên đi càng xa càng rẻ),
    • Taxi tối thiểu ¥ 660 và lên rất nhanh theo đoạn đường đi (tính theo mét) hoặc theo giờ (nếu kẹt xe). Đi sau 10-11 giờ đêm thêm 30%,
    Chúng tôi nhận thấy có một vài mặt hàng rẻ hơn ở Úc như máy giặt quần áo (rẻ khoảng 50%), mực máy máy in (rẻ hơn khoảng 55%), xe đạp (khoảng 20%) và thuốc lá (đến 75%).

    Như tất cả các thành phố lớn, Tokyo có những khu riêng thích hợp cho mỗi sinh hoạt ban ngày hoặc ban đêm. Các khu nổi tiếng:

    Shinjuku (新宿区): Khu hành chánh và thương mại chính. Vì có ga xe lửa bận rộn nhất thế giới nên không lạ khi có một chỗ băng qua đường nhộn nhịp nhất thế giới.


    Một góc Shinjuku


    Một tấm khắc treo trong toà hành chánh Tokyo


    Chuẩn bị .....


    .... cùng qua đường ở Shinjuku

    Marunouchi (丸の内) - Tokyo station ở đây - và Otemachi (大手町): Tập trung những cơ sở tài chánh, ngân hàng, bảo hiểm và văn phòng trung ương của những công ty lớn. Ngoài ra, đây cũng là nơi có các phòng triển lãm (exibition), các nơi hội họp (seminar) và rất gần nơi cư ngụ của Emperor (Emperor Palace).

    Shibuya (渋谷): Trung tâm thương mại, thời trang và giải trí đặc biệt cho giới trẻ. Đây là nơi tập trung các hộp đêm mới và lớn nhất Tokyo (kể cả hộp đêm có live sex).

    Ikebukuro (池袋): Phát triển cùng với Sunshine City vào thập niên 1970. Nơi tập trung nhiều khách sạn và những thương xá (shopping complex).

    Ueno (上野): Cửa ngõ của Tokyo đi về phía bắc và là nơi có khu thương mại Ameyoko, có chợ (market). Ueno còn nổi tiếng với Ueno park và Ueno zoo. Đến Tokyo vào mùa hoa Anh đào (cuối tháng 3 đến cuối tháng 4) thì phải đến Ueno park. Chúng tôi đến Tokyo vào tháng 7, tháng 8 nên không được xem hoa Anh đào.


    Một khu chợ gần ga Ueno


    ... bán các mặt hàng rất ....Chợ

    Shinagawa (品川駅): Tuy là một trong những ga xe lửa đầu tiên nhưng mới phát triển thêm về phía đông sau này. Đây cũng là cửa ngõ của Tokyo đi về phía Nam như Kyoto, Osaka, Naygoga …. (Người viết không đồng ý với một vài trang web đã cho Shinagawa là trạm ga xe lửa đi về phía bắc).

    Odaiba (お台場): Đây là khu tân lập từ vùng lầy và đã trở thành nơi được nhiều người đến với các cửa hàng, đặc biệt là phương diện giải trí. Odaiba cũng là nơi trưng bày rất nhiều sản phẩm xưa và nay (kiểu viện bảo tàng nhưng không mang ý nghĩa như vậy). Nơi lái xe ảo nổi tiếng cũng nằm trong khu vực này.


    Cảnh khu Odaiba nhìn từ xe lửa

    Ginza (銀座): Đây là nơi bán các hàng “hiệu” đắt giá nhất thế giới và là nơi tập trung nhiều rạp hát.

    Roppongi (六本木) và Akasaka (赤坂): Nơi tập trung các nhà hàng đắt tiền và cũng có rất nhiều toà Đại sứ. Không hiểu tại sao cùng 1 món hàng mà họ có thể bán gấp đôi tại đây trong khi chỉ cần 1 trạm xe lửa có thể mua nửa giá. Tháp Tokyo cũng ở gần khu vực này.


    Qua khỏi Roppongi Hill là có thể thấy tháp Tokyo


    Từ lưng chừng tháp Tokyo nhìn về phía Shinjuku (rất tiếc chỉ thấy rất mờ)

    Aoyama (青山): Rất nhiều công viên nên nhà rất đắt giá. Nhiều nhà hàng ngoại quốc và các quán cà phê kiểu Âu châu.

    Nagatacho (永田町): Đây là trung tâm chính trị và quyền lực của Nhật với Diet (kiểu quốc hội), văn phòng bộ, các cơ quan chính phủ và tổng hành dinh của các đảng phái. Xin thêm là hiện cơ chế của Nhật gần giống Anh, Úc … vì sau khi bại trận 1945, thay vì theo thể chế Hoa kỳ, Nhật bản đã chọn thể chế kiểu Anh để duy trì ngôi vị của Emperor.

    Akihabara (秋葉原): Đây là khu tập trung bán tất cả các vật dụng về điện. Có rất nhiều tiệm bán từ cái cắm điện cho đến các thứ gia dụng lớn trong nhà. Do phải cạnh tranh nên hầu hết các sản phẩm bán ở đây đều do cãng hãng Nhật ở ngoại quốc làm. Tuy nhiên trong một vài cửa tiệm bán hàng miễn thuế (duty free), khách có thể mua hàng làm tại Nhật cho nước của mình với giá khác chút đỉnh (vì không có thứ giống để so sánh). Akihabara cũng có các cửa hàng bán đồ không dùng điện, đặc biệt là đất đai (từ phần mộ tới chỗ cất nhà hoặc building).

    Nippori(日暮): Cửa ngõ của Tokyo với thế giới vì rất nhiều hành khách quốc tế “gặp” Tokyo từ trạm này khi dùng xe lửa từ phi trường quốc tế Narita vào thành phố.

    Asakusa(浅草): Nổi tiếng với Senso-ji hay còn gọi là Asakusa temple. Có thể nói Asakusa là một nơi “cổ” của Tokyo vì còn nhiều nhà xây dựng trong thập niên 1950. Asakusa còn là nơi tập trung bán dụng cụ nhà bếp và các món đồ kỷ niệm. Các chuyến du ngoạn trên sông Sumida nằm rất gần chùa Senso.


    Senso-ji hay là Asakura Temple


    Một dãy hàng bán đồ kỷ niệm


    Một quảng cáo đi ..... Úc

    Trên đây là những khu tiêu biểu của trung tâm Tokyo. Như đã kể ở trên, Tokyo còn có 26 thị xã, một số thành phố nhỏ và làng mạc (các đảo cũng được coi là làng mạc).

    Trung bình cứ 20 người dân Tokyo “được phục vụ” bởi 1 máy bán hàng (vending machines). Máy bán nhiều loại mặt hàng, nhưng hầu hết là nước giải khát (mùa Hè lạnh, mùa Đông nóng), bia và thuốc lá. Theo luật, trẻ em dưới 18 tuổi không được mua bia hoặc thuốc lá. Phải nhìn nhận trẻ em Nhật rất tôn trọng chuyện này. Các máy bán hàng, dù ở chỗ vắng vẻ (ban đêm) cũng không bị phá như chúng tôi thấy ở một vài nơi khác trên thế giới. Nhật đang thí điểm máy bán hàng riêng cho “người lớn” và dự trù qua năm 2008 sẽ đưa ra khắp nơi.


    Một dãy trong số hàng ngàn dãy máy bán hàng

    Đánh bạc là chuyện cấm kỵ tuyệt đối ở Nhật. Tuy nhiên ở Nhật có khá nhiều nơi giật máy (pocker machines), nhưng chỉ “ăn” hàng chứ không được thưởng tiền. Nhật bản cũng có xổ số tương tự như lotto ở Mỹ hay ở Úc.

    Là một quốc gia vùng ôn đới, Nhật có 4 mùa riêng biệt. Mùa Xuân của hoa, mùa Hè của hội hoa đăng với pháo bông bắn mọi nơi, mùa Thu của lá vàng và mùa Đông của tuyết. Tuy nhiên một năm tuyết chỉ rơi ở Tokyo khoảng vài lần.

    Vào mùa Hè, khí hậu Tokyo ở vào khoảng 34-36 độ C nhưng rất nóng nực có lẽ do không khí ẩm ướt. Là mùa nghỉ hè nên hội hè, đình đám khắp nơi. Bắn pháo bông là một cái thú trong mùa hè của người Nhật. Trên toàn quốc có những cuộc bắn pháo bông rất lớn được ghi hẳn vào trong lịch hàng năm. Ngoài ra, các cuộc bắn pháo bông của địa phương thì vô số kể. Chỉ riêng tại Tokyo từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8 có 3 cuộc bắn pháo bông lớn (từ 1 giờ đến 2 giờ) và khoảng chục cuộc bắn pháo bông lẻ tẻ (thường chỉ khoảng nửa giờ).


    Một nhóm người đợi xem bắn pháo bông

    Người Tokyo khá vội vã, tương đối cao chứ không còn là “Nhật lùn” như nhiều người nói từ giữa thế kỷ trước. Đàn ông Nhật vẫn là chủ gia đình, nói đúng hơn là người lo sinh nhai cho gia đình. Hầu hết phụ nữ Nhật khi lập gia đình và có con đều nghỉ việc ở nhà trông coi gia đình. Phụ nữ Nhật cũng dễ chấp nhận chồng đi làm về trễ vì đó là truyền thống.

    Con trai Nhật tương đối xuề xoà nhưng con gái Nhật, nhất là các thiếu nữ trung học đệ nhị cấp hoặc sinh viên đại học, rất chịu trang điểm. Có khi họ dùng cả thời gian trên xe lửa để làm mặt, chủ yếu là mắt. Học sinh Nhật đến trường phải mặc đồng phục dù chỉ chơi banh cuối tuần, ngay cả lúc nghỉ Hè.

    Sau vụ nerve gas năm 1995, các ga xe lửa và nhiều chỗ đông người không còn để thùng rác. Tuy nhiên rất khó mà thấy rác trên đường phố. Ghế đợi ở các ga xe lửa rất hiếm, vì xe chạy hầu như liên tục và hành khách canh giờ rất kỹ khi đón xe. Hệ thống xe lửa của Tokyo được coi là hữu hiệu nhất thế giới. Do xe lửa quá đông nên có những toa xe dành riêng cho phụ nữ (women only) vào các giờ cao điểm hoặc sau 9 giờ tối. Họ thẳng thắn nói là để tránh va chạm không đúng mức giữa đàn ông và phụ nữ.

    Nói chuyện Tokyo mà không nói phố Tầu (China town) là một điều thiếu sót. Thật ra China town nằm trong lãnh thổ hành chánh của Yokohama, nhưng không ai để ý chuyện đó. Do tình cờ chúng tôi được ăn nhà hàng lần đầu tiên khi đến Tokyo ở China town và lần sau cùng trước khi về Úc cũng ở China town.


    Cảnh Chinatown vào lúc trưa Chủ Nhật


    Cảnh Chinatown vào một tối ngày thường

    Đại đa số các cửa hàng là tiệm ăn, sau đó đến các tiệm bánh và cuối cùng các tiệm thực phẩm. Chúng tôi có tìm mua nước mắm trong các tiệm thực phẩm ở đây nhưng không có (hay có mà đọc không được) nên phải mua ở tiệm “International Foods”.

    Dù ban ngày hay buổi tối, China town luôn luôn chật cứng. Đi một nhóm đông người mà không hẹn nhau cẩn thận chỉ cần 5 phút là phải lo kiếm nhau.

    Thay lời kết: Nếu kể hết phải mất rất nhiều thời gian, lại nhàm. Quả thật cụ Phan đã nhận được ngay sự kỷ luật, kiên nhẫn và quyết tâm của người Nhật đên đã vân động phong trào Đông du. Nước Nhật đã từng “bế quan toả cảng” và họ khôn khéo mở cửa dù bị bắt buộc và từ đó nhanh chóng học được cái hay để phát triển đất nước. Ngày nay, sau thời gian đen tối nhất là bại trận trong WWII, nước Nhật đã tái thiết và xây dựng rất nhiều để vẫn là 1 cường quốc trên Thế giới.

    Khanh sẽ viết nhận định của mình về những vấn đề hiện tại của Nhật, nếu quý vị còn sức đọc tiếp.

    BH

    Trong một ngày, xe lửa NY chuyên chở gần 5 triệu hành khách qua 468 ga trên 26 tuyến đường, trong khi chỉ một tuyến Yamanote đã chuyên chở trên 3 triệu rưởi người qua 29 ga. Trong số 29 ga, chỉ có 2 ga không “nối” với các tuyến đường khác.

    #2
      BanHien 27.11.2007 17:22:13 (permalink)
      Nghệ nhân Nhật bản - Geisha

      Trong dịp ghé Kyoto 4 ngày, gia đình BH cố thu xếp để tham dự 1 tối trình diễn của các cô geiko ở Gion. Tiếc thay do không book sớm nên đã không được dự (giá vé vào cửa khoảng 30 đô la/người, ăn uống tính sau). Đây là những buổi trình diễn cuối cùng trước khi nhà này đóng cửa.

      Các nhà geisha bên Nhật có tên là okiya nghĩa là nhà bán gái được hiểu theo nghĩa đen. Nếu quý vị đã coi phim Memoirs of a geisha thì thấy ở các nhà này người ta thực sự bán hoặc trao đổi những cô gái từ tuổi còn nhỏ. Các trẻ nhỏ này được huấn luyện để trở thành m trước khi tới tuổi và đủ tài năng trở thành geisha. Riêng vùng Kyoto, các cô chưa đạt tiêu chuẩn geisha gọi là geiko芸子, có lẽ đây là những cô còn ở giữa maiko 舞子 hay 舞妓 và geisha.

      BH không biết các nhà hát cô đầu ngày xưa ở VN và lại không có dịp vào nhà geiko ở Nhật nên không thể viết theo kinh nghiệm của mình được. Nhưng căn cứ vào sách vở, các nhà cô đầu của VN và các nhà geisha ở Nhật (từ thế kỷ thứ 18 về sau) có rất lẽ giống nhau. Họ hoàn toàn không có liên lệ gì đến nhà chứa, nhà thổ, động điếm … mặc dù các cô ở những nhà geisha “được quyền bán mình” cho khách.

      Bản thân chữ geisha bao gồm “gei” 芸 có nghĩa là nghệ thuật (art) và “sha” 者có nghĩa là người (person, doer). Công việc chính yếu của các geisha là làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi bằng những kỹ thuật trong nghề: tài năng ca hát, múa may, đàn địch và thêm đối với các cô: sắc đẹp và những cái lả lơi khéo léo.


      Hình các geisha ngày xưa

      Thuở xưa, geisha là những người nghệ sĩ chuyên nghiệp, nghĩa là được huấn luyện đàng hoàng và hầu hết là đàn ông. Các nghệ nhân này dùng tài năng để trình diễn các truyền thống nghệ thuật của Nhật, đặc biệt là đàn hát, múa và kể chuyện. Dần dần, số lượng đàn ông geisha giảm đi và đến đầu thế kỷ 19 thì khi nói đến geisha người ta chỉ nghĩ đến các nghệ nhân phụ nữ mà thôi.


      Tóc được kết rất công phu

      Theo truyền thống, geisha được huấn luyện từ hồi còn rất trẻ (dưới 10 tuổi). Một số trẻ em gái được bán cho các nhà và được huấn luyện ngay. Các bé gái này ban đầu là đầy tớ cho một geisha kinh nghiệm. Dần dần, đứa trẻ trở thành một maiko và sau cùng trở thành một geisha.

      Ngoài việc trình diễn tại nhà, các geisha được thuê đi trình diễn bên ngoài và tính giờ theo cây hương (nhang). Theo truyền thống, geisha có thể làm mọi thứ để chiều khách nhưng tuyệt đối không được bán mình nghĩa là lấy tiền qua dịch vụ bán thân. Tuy nhiên các cô có quyền liên hệ tình dục với khách hàng và thông thường được trả tiền, nên từ đó lẫn với chuyện làm điếm (prostitute).

      Các geisha phải giải nghệ khi lập gia đình. Tuy nhiên khá nhiều cô có con mà vẫn hành nghề vì chưa hề lấy chồng. Có những cô “may mắn” có được người đỡ đầu (danna hay patron) thường là rất giầu có để bao bọc và giúp cô chịu những chi phí rất đắt trong khi làm geisha.


      Một cô maiko

      Có thể nói hình ảnh trẻ các cô Nhật trang điểm thật màu mè và cầu kỳ đều là các cô maiko. Các cô geisha kinh nghiệm trang điểm cách khác, nhẹ nhàng hơn và điểm quan trọng là mặt trắng toát. Trong ba năm đầu, các cô maiko được các “chị”, hay “mẹ” giúp trang điểm nhưng sau phải tự làm lấy.

      Khi ngủ, tất cả các cô đều phải gối đầu (thực sự là gáy/sau ót) trên một vật đặc biệt gọi là takamakura mà không được dùng gối, mục đích để giữ cho bộ tóc. Ngày nay, các cô dùng tóc giả nên không còn việc phải gối khổ sở như chúng ta thấy trong phim.


      Một thiếu nữ bình thường

      Mới đây, phim Memores of a gaisha đã làm “kỹ nghệ” geisha được nhiều người hiểu và để ý thêm. Tuy nhiên, dù là chuyện giải trí nghệ thuật nhưng bên cạnh đó có dính dáng ít nhiều đến vụ mua bán thiếu lành mạnh. Mặt khác, theo truyền thống Á đông, dù không là điếm nhưng có bán nhan sắc của mình là một điều không tốt đẹp. Thêm vào đó, các cô gái Nhật ngày nay không muốn làm “món đồ giải trí” mà lại phải học tập cực khổ trong một kỷ luật khắt khe, nên các nhà geisha phải tự động đóng cửa.

      BH
      Bài có một vài chữ Hán, xin thứ lỗi cho nếu máy của quý vị không đọc rõ và đầy đủ utf-8
      Các hình được lấy từ Net thay vì dùng hình của người viết.
      geovisit();
      #3
        BanHien 04.03.2009 17:39:26 (permalink)
        Đi lộn ngày

        Do quên Sử (hay dốt), tôi tưởng ngày 12 tháng 8 mới là ngày Hiroshima bị bỏ bom nguyên tử. Tôi đã bảo con giữ chỗ khách sạn ngày 12 và 13 tháng 8 từ tháng 6/2006. Mãi đến khi ở Korea về lại Nhật tôi mới vỡ lẽ ra là mình sai. Muốn đổi thì quá trễ vì ngày 5, 6 và 7 tháng 8 các khách sạn ở Hiroshima đều đã được giữ chỗ hết. Rất nhiều người từ khắp nơi ở nước Nhật và trên thế giới đổ về Hiroshima để kỷ niệm ngày 6 tháng 8 1945, ngày Hiroshima bị quả bom nguyên tử đầu tiên.

        Chúng tôi đành xin đổi khách sạn qua ngày 8 và 9 tháng 8, với hy vọng sẽ còn cơ hội nhìn sinh hoạt ở Hiroshima. Chỉ tiếc là chúng tôi không được tham dự ngày kỷ niệm hàng năm, nhất là xem cảnh họ thả hàng trăm ngàn đèn xuống con sông Aioi, nơi mà 61 năm trước đây được mô tả là đầy xác chết của người bị bom. (Tôi chưa tìm ra tài liệu nói rõ lý do nhưng đoán là do cháy khắp nơi, những người còn sống chỉ còn cách chạy ra sông và đã chết sau đó không lâu do tác hại của phóng xạ).


        Genbaku Dome

        Chúng tôi đáp sinkansen rời Kyoto từ sáng. Chỉ hơn 1 giờ sau chúng tôi đã đến Hiroshima. Thấy mãi 2 giờ chiều mới check in khách sạn được nên để tranh thủ thời gian, chúng tôi gởi hành lý ngay tại ga xe lửa thay vì đem đến khách sạn gửi. Sau đó, chúng tôi tìm đường đi thẳng tới khu kỷ niệm A-bomb ở Hiroshima.

        Tuyến xe điện (họ gọi là street car) Hakushima có trạm ngừng ngay trước toà nhà đổ nát (Genbaku Dome park). Chúng tôi xuống xe, băng qua đường. Trước mặt chúng tôi là một toà nhà xập gần hết, chỉ còn lại mái vòm đứng im lặng như cho mọi người biết thảm hoạ của chiến tranh. Chúng tôi đi quanh toà nhà. Nhiều chỗ đã được kềm lại để di tích có thể được tồn tại theo năm tháng. Toà nhà này rất gần tâm điểm của trái bom. Nó còn tồn tại cái vòm (dome) và là toà nhà duy nhất còn được giữ lại ở Hiroshima sau ngày bị bỏ bom. Hiện nay, mái vòm này đã được liệt kê là 1 di sản của thế giới (World Heritage Site).

        Rời khu vực này chúng tôi đi bộ qua khu “Viện bảo tàng Tưởng nhớ Hoà bình” (Peace Memorial Museum). Đây có lẽ là nơi vào cửa rẻ nhất ở Nhật, chỉ 50 Yen. Vào cửa ở nhiều chỗ khác có thể lên đến 2000 Yen. Viện bảo tàng gồm 2 phần chính:


        Peace Park nhìn từ Peace Memorial Museum

        Phần 1 kể lại lịch sử và nguyên nhân dẫn đến việc Mỹ bỏ bom nguyên tử trên thành phố Hiroshima. Khu này cũng trưng bày rất nhiều những mô hình Hiroshima trước, sau khi bị bỏ bom và sự trùng tu, tái thiết Hiroshima. Những con số thống kê làm cho chúng ta không thể tưởng tượng nổi.

        Phần 2 bao gồm những di tích thực được góp nhặt lại sau khi bị bỏ bom và những hậu quả sau đó. Đây là chiếc xe đạp của 1 đứa bé, đây là cặp kính vỡ, đây là khung cửa sổ sắt bị sức nóng làm quăn lại …

        Vào thời điểm 1946, mọi người đều nghĩ hậu quả của trái bom có thể kéo dài đến 75 năm. Không có gì có thể tái sinh trong giai đoạn 75 năm đó. Nhưng hơn 3 năm sau, người ta đã tìm ra chồi cây phát triển và từ đó việc tái thiết Hiroshima được thực hiện sớm hơn. Giờ đây, nhìn chung quanh Hiroshima, nếu không có những chứng tích được lưu trữ, không ai có thể nghĩ ra được là 61 năm trước chỗ này đã thành bình địa.

        Giữa viện bảo tàng và Dome park là những khu kỷ niệm với những đài tưởng niệm để tưởng nhớ những người đã chết bởi trái bom. Một đài tưởng niệm riêng cho những người Đại hàn tử nạn. Một đài tưởng niệm rất “dễ thương” và có một lý lịch cũng rất dễ thương để nhớ đến các trẻ em đã chết. Ngoài ra còn một vài đài tưởng niệm khác, cùng chung ý nghĩa tưởng nhớ những nạn nhân.


        Danh sách các nạn nhân được ghi lại nơi đây


        Để tưởng nhớ đến các nạn nhân trẻ em

        Thấy đã quá trưa, chúng tôi đi tìm một nhà hàng đặc biệt ở Hiroshima để ăn trưa. Chỗ chúng tôi đến không phải là một nhà hàng mà nhiều nhà hàng rất giống nhau. Họ bán thức ăn tương tự như bánh xèo ở Việt Nam. Chỉ khác là thực khách ăn ngay trên bếp. Thấy các phần ăn quá nhiều, chúng tôi chỉ gọi 2 phần và xin 3 cái đĩa vì mặt bàn rất nóng (mặt bàn chính là cái chảo chiên bánh).

        Sau bữa trưa, chúng tôi để khoảng 2 giờ đi quanh các khu thương mại. Sau đó, chúng tôi trở lại ga xe lửa lấy hành lý và thuê xe taxi đến khách sạn. Không ngờ khách sạn lại ở rất gần khu thương mại chúng tôi mới đi qua, khoảng 10 phút đi bộ. Vừa nhận chìa khoá phòng xong thì trời đổ mưa. Sau hơn nửa ngày đi bộ, chúng tôi tạm nghỉ trước khi ra ngoài lại.

        Tối đến, trời mưa lớn hơn, tôi bảo vợ con: “Mình xuống nhà hàng ở đây ăn tối tạm cho xong chứ mưa to quá”. Nhưng đa số thắng tiểu số, chúng tôi đội mưa đi ăn tối, vì không biết sẽ dừng ở chỗ nào nên không gọi taxi.


        Tori nhìn từ đất liền ra đảo (đã được máy ảnh kéo gần lại)

        Sau cơm tối, chúng tôi về lại khách sạn bàn chuyện giờ giấc cho hôm sau do con nước rất quan trọng khi ra đảo. Trên TV thời tiết cho biết một trận bão nhiệt đới nhỏ đang kéo vào các đảo phía đông bắc nước Nhật. Hiroshima ở phía tây nam nên chúng tôi không lo lắm.

        Con nước cao nhất vào lúc 9 giờ 19 sáng, như vậy chúng tôi phải đáp chuyến xe lửa trễ nhất là 8 giờ 30 từ ga Hiroshima. Chúng tôi đã đến bến phà sớm hơn dự định 1 chuyến và chỉ khoảng 10 phút chúng tôi đã đặt chân lên đảo Miyajima. Nắng đã lên nhưng chưa đủ xoá tan bầu trời còn mờ hơi nước sau một đêm mưa.


        Nhìn từ đảo vào đết liền

        Đảo Miyajima nổi tiếng, được coi là 1 trong 3 chỗ đẹp nhất của Nhật, nhờ vào đền Itsukushima Shrine và nhất là cái cổng gỗ “nổi” trên mặt nước (floating tori). Chiếc cổng này cách bờ khoảng 200m. Lúc nước xuống cổng sẽ lộ chân móng không đẹp vì vậy đi ra đảo nên để ý giờ nước lên. Đền Itsukushima Shrine bao gồm những căn nhà nối liền nhau, cũng “nổi” trên mặt nước khi triều lên. Chúng tôi mua vé vào cửa và chỉ đi chung quanh chứ không vào trong điện vì khá đông người đang xếp hàng đợi.


        Đền "nổi"

        Chúng tôi ra khỏi đền lúc trời đã nắng gắt. Để tránh nắng chúng tôi đi vào khu đường có căng bạt che nắng, không dè đó là nơi chúng tôi tốn khá nhiều tiền với đồ kỷ niệm vì chúng tương đối rẻ hơn các nơi khác.

        Chúng tôi trở về khách sạn nghỉ sau đó đi ăn tối. Do giãi nắng giầm mưa liên tục hơn 2 tuần nên tôi đề nghị về ngủ sớm để lấy sức ngày mai làm một chặng nữa trước khi về lại Tokyo nghỉ dưỡng sức.

        Hôm sau, chúng tôi trả phòng sớm vì có ý định ghé Osaka chơi để có thể về Tokyo trước nửa đêm (vì vé đi khắp nơi của hai vợ chồng tôi chỉ có hiệu lực đến đó). Chỉ sau khoảng 1 giờ xe, chúng tôi đến Shin-Osaka. Shin-Osaka (hay Tân Osaka) là khu vực Osaka mới (ở Nhật có rất nhiều Shin, hình như tất cả các thành phố tương đối lớn đều có Shin như Shin-Kobe, Shin-Kyoto … ngay cả Tokyo có Shinjuku). Shin-Osaka cách Osaka vài trạm xe lửa.


        Khu thương mại Nama ở trung tâm Osaka

        Sau khi gửi hành lý ở ga xe lửa, chúng tôi đến thẳng Namba, trung tâm thành phố Osaka nơi có một thời được chọn làm thủ đô của triều đại Kotoku. Sau đó chúng tôi dự định đi coi Osaka Castle nhưng khi xem hình thấy nó chẳng khác Himeji Castle mà chúng tôi đã vào xem mấy ngày trước nên thôi.


        Lâu đài Osaka nhìn từ nóc toà nhà Umeda - Sky Garden
        (qua kiếng an toàn)


        Sau cơm trưa, chúng tôi đến khu vực Umeda và leo lên nóc Sky Building ngồi uống nước để ngắm toàn bộ Osaka. Dù thay đổi nhiều nhất là trong thập niên 1990 khi mà rất nhiều công ty dời về Tokyo, Osaka ngày nay vẫn nắm vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nhật với dân số chỉ sau Tokyo và Yokahama. Osaka cùng với các thành phố lớn vùng Kansai như Kyoto, Kobe và Nara còn được coi là trung tâm đào tạo các nhân tài cho Nhật, chỉ tiếc một điều là những người giỏi nhất sẽ bỏ vùng Kansai đi qua vùng Kanto hết.

        BH
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9