Đền, Chùa Nhật Bản
BanHien 15.10.2007 12:52:51 (permalink)
Vài di tích lịch sử của Nhật

Người viết xin dùng chữ Đền cho Shinto Shrines và Chùa cho Buddhist Temples để viết bài này.

Theo rất nhiều sách, Đền là nơi trang nghiêm người Nhật thờ cúng Tổ tiên và Thần linh. Người Nhật còn dựng Đền (bàn thờ) trong nhà nhưng nay đã giảm nhiều.

Chùa Phật giáo là nơi tôn nghiêm thờ kích Đức Phật như mọi chùa Phật giáo khắp nơi. Nếu ai còn nhớ chùa Vĩnh Nghiêm trên đường Công lý thì có thể tưởng tượng phần nào ra chùa ở Nhật vì Chùa Vĩnh Nghiêm được Nhật giúp xây cất.



Qua tiến trình lập quốc hàng ngàn năm, Nhật bản đã chọn nhiều chỗ để làm thủ đô trước khi dời đến Tokyo. Ngoài những nơi chọn làm thủ đô, Nhật bản cũng có những nơi trụ trì các lãnh chúa, được coi như là thủ đô bên cạnh (de facto). Trong chuyến ghé Nhật ngắn ngủi, chúng tôi đã đến vài cố đô của Nhật: Nara, Kamakura, Kyoto và vài lâu đài lớn.

Nhận xét đầu tiên của chúng tôi là xưa kia Phật giáo rất mạnh ở Nhật. Chùa được thiết lập rất nhiều và các kiến trúc lớn đều nằm trong khu vực thủ đô vào giai đoạn đó. Các người đến Chùa hiện nay hầu hết là du khách đi xem các công trình kiến trúc xưa. Tuy nhiên cũng rất nhiều du khách đến Chùa để làm 1 công hai chuyện.

Nara (奈良): Nara được coi là thủ đô đầu tiên của Nhật (710-784). Nara là nơi có nhiều di tích lịch sử được xếp vào Di sản Văn hoá Thế giới (UNESCO World Heritage). Ngoài những đền, chùa nổi tiếng, Nara còn nổi tiếng với số lượng nai trong thành phố, đặc biệt trong các công viên.

Chúng tôi đến ga xe lửa Nara sau khoảng nửa giờ dùng xe lửa tốc hành từ Kyoto. Sau đó dùng xe buýt tới ngay Nara Park, do thấy tấm quảng cáo lớn ngay tại ga xe lửa. Tiếc thay, chúng tôi đến ban ngày thay vì ban đêm.


Các giàn đèn đang được dựng trong công viên

Cả vùng Nara đang chuẩn bị ngày hội 15 tháng 8. Hàng năm, ngày hội lớn nhất của Nara vào tháng 3 (từ 1 đến 14) để chào mừng Xuân mới. Kế đến là tháng 8 (từ 6 đến 15), khi Nara lập lại những chương trình hội hè của những ngày đón Xuân, đặc biệt là hội đèn (đèn cầy và đèn điện). Tháng 8 cũng là thời điểm người Nhật kính nhớ tổ tiên, nên không chỉ Nara mà hầu như toàn nước Nhật đang chuẩn bị cho các ngày này.


và trên các con đường dẫn vào đền/chùa


Một giàn đèn dọc theo hông đền

Có bảy ngôi đền, chùa và cung điện cổ ở Nara được xếp vào khu Di sản Văn hoá Thế giới đó là chùa Tōdai, chùa Saidai, chùa Kōfuku, đền Kasuga, chùa Gangō, chùa Yakushi, chùa Tōshōdai và phần còn lại của cung điện Heijo. Chùa Tōdai hiện nay là kiến trúc bằng gỗ lớn nhất thế giới, chẳng lạ gì khi chùa có tượng Phật (trong nhà) lớn nhất của Nhật. Toàn nước Nhật thời đó phải dùng toàn bộ số lượng đồng trong 7 năm để đúc tượng Phật cao trên 14 mét (49’) này. Nara cũng còn có ngôi chùa bằng gỗ lâu đời nhất thế giới đó là chùa Horyu.


Chùa Tōdai: kiến trúc gỗ lớn nhất thế giới

Như trên đã đề cập ở trên về nai. Chúng ta có thể thấy nai chạy khắp nơi, đặc biệt là công viên Nara. Tương truyền Emperor đầu tiên của Nhật là Jimu đã từ trên trời xuống và cưỡi nai đến Nara. Những con nai hiện nay ở Nara là giòng giống của con nai ngày xưa.

Kamakura (鎌倉): Cách Tokyo khoảng 50 cây số về phía Tây-Nam. Từ năm 1186 đến 1333, Kamakura đã trở thành một thứ thủ đô khi quyền hành từ thủ đô Kyoto được chuyển cho quân đội ở đây. Với chiến thuật gả con gái cho vương tộc (emperial), hai giòng tộc Taira và Minamto đã trở nên có nhiều quyền hành hơn Vương triều (Emperor) Fujiwara tại thủ đô Kyoto.


Địa điểm đền và chùa quanh Kamakura

Sau đó, giòng tộc Minamoto trở nên mạnh mẽ hơn, đồng thời được hỗ trợ bởi nhiều gia đình chiến hữu (warrior) khác, nên đã thắng giòng tộc Taira và tự thành lập chính quyền tại Kamakura, cắt đứt liên hệ với Vương triều. Giòng tộc này cầm quyền tại Kamakura cho đến năm 1333.

Có rất nhiền đền, chùa tại Kamakura. Các đền, chùa này không xa nhau lắm, nổi tiếng nhất là chùa Kotokuin với tượng Phật ngồi rất lớn được đúc bằng đồng. Một trận sóng thần vào thế kỷ XV đã cuốn trọn ngôi chùa nhưng tượng Phật vẫn còn và trở thành tượng ngoài trời cho tới ngày nay.


Tượng Phật ngồi bằng đồng nay ở ngoài trời

Trong khu vực còn có những chùa khác như 2 chùa Zen: Kencho, chùa Engaku; chùa Tokei là chùa đặc biệt cho những người ly dị do 1 ni cô thiết lập riêng cho phụ nữ đến tạm trú khi muốn ly dị chồng.

Chúng tôi đã đến hết đền và chùa trong khu vực này, do đúng dịp con gái chúng tôi ký hợp đồng với nhà xuất bản Fodor’s để cập nhật vài chương trong một cuốn sách hướng dẫn du lịch ở Tokyo (http://www.fodors.com/). Trong đó có chương về các đền, chùa tại Kamakura. Cuốn sách này được tái bản cho năm 2007 và sẽ được phát hành khoảng trước hoặc sau Christmas 2006.

Ngoài đền, chùa, khách đến Kamakura còn có thể dạo quanh bãi biển bên cạnh.

Kyoto (京都): Vào thời đại Heian, Kyoto được chọn là thủ đô và là thủ đô của Nhật từ 794 đến 1867. Kyoto có một thời được gọi là Saikyo (chữ Hán là Tây kinh 西京).Về một phương diện nào đó, Kyoto vẫn còn được coi là thủ đô của Nhật (vì Kyoto có nghĩa là Thủ đô). Kyoto là thành phố lớn duy nhất của Nhật không bị đồng minh bỏ bom trong Thế chiến thứ II do sự vận động của một sử gia Mỹ. Vị này muốn Kyoto không bị tàn phá để Nhật bản nói riêng và nhân loại nói chung còn được thấy các di sản quý giá vượt không gian. Hiện nay, là thành phố lớn thứ 5 của Nhật, nhưng Kyoto chưa bị (hay được) canh tân hoá nhiều, có lẽ do không bị tàn phá nhiều.


Tháp Kyoto nằm đối diện với ga xe lửa

Có 2 Chùa nổi tiếng ở Kyoto (và cả nước Nhật) là Kinkaku-ji (Golden Pavilion) và Ginkaku-ji (Silver Pavilion). Cả hai chùa này đã được trùng tu hoặc tái thiết nhiều lần nhưng vẫn duy trì thiết kễ cũ. Ngoài ra, Kyoto còn có nhiều công trình khác được liệt kê vào những Di sản Văn hoá Thế giới.


Chùa Kinkaku hay Golden Pavilion


Một góc sân chùa Ginkaku hay Silver Pavilion

Ngoài các di tích lịch sử, Kyoto còn nổi tiếng với khu Gion và Pontochō, nơi có các nhà Geisha. Hiện nay, các nhà Geisha đã đóng cửa gần hết. Rất hiếm thấy các cô xuất hiện (các cô mặt trắng thường thấy là các Maiko – xin xem bài viết về Geisha).

Chúng tôi đã dùng Kyoto là “căn cứ địa” để từ đó đến Nara, Himeji, Kobe và các vùng phụ cận Kyoto trước khi đến Hiroshima và Osaka.


Một đêm hội cách Kyoto khoảng 40 cây số

Himeji (姫路): Mục tiêu chính của chúng tôi khi đến Himeji là để coi lâu đài Himeji (Himeji-jo, còn gọi là Shirasagi-jo) toạ lạc ở đây. Chúng tôi dự định chỉ ở Himeji một buổi sáng nhưng không khí ngày hội của thành phố đã giữ chân chúng tôi cả ngày.

Từ Kyoto, không đầy 1 giờ trên shinkansen, chúng tôi tới ga Himeji. Mới 9 giờ sáng mà đã nóng kinh khủng. Chúng tôi lên xe đưa đón (shuttle bus) để đến ngay cổng của toà lâu đài. Trên đường đi, chúng tôi thấy cờ, quạt (nghĩa đen) khắp nơi cùng với các nhóm với áo quần chỉnh tề và đầy màu sắc.


Xe buýt đi vào lâu đài

Chúng tôi xuống xe, nhìn quanh. Âm nhạc từ mọi phía phát ra. Mỗi khu vực một nhóm. Họ đang múa, hát rất nhộn nhịp. Đi vội vào cổng để tránh nắng, chúng tôi thấy sân bên trong cổng đầy ắp người. Họ đang xem các màn biểu diễn trên hai sân khấu lộ thiên rất lớn.


Một trong các sân khấu

Chúng tôi đến quầy bán vé, thấy tấm bảng “Hôm nay không lấy tiền vào cửa” (đỡ được 15 Mỹ kim) nên chào người gác cổng và đi vào trong.

Lâu đài Himeji được xây dựng từ năm 1601, gồm có 6 tầng. Toà lâu đài được bao quanh một bờ thành dài (chu vi) khoảng hơn 1 cây số. Như các thành quách xưa, bên ngoài hàng rào là một hào nước. Có tất cả 15 cửa và 27 chòi canh đặt vũ khí. Lâu đài này được coi là lâu đài đẹp, kiên cố nhất và còn được giữ nhiều vật liệu nguyên thuỷ nhất của Nhật.


Lâu đài Himeji

Sau khi đi khoảng 1 nửa khuôn viên ngoài sân, chúng tôi vào trong để “thám hiểm”. Trước khi bước lên bậc thang, chúng tôi phải cởi giầy bỏ vào bao do họ cung cấp. Bên trong lâu đài tuy đã được sửa chữa và gắn thêm nhiều thứ (thêm cầu thang, hệ thống phòng hoả …) nhưng được bố trí rất tiệp và hài hoà với kiến trúc cũ.

Theo đoàn người, chúng tôi lần lượt lên lầu. Các tầng trên có diện tích nhỏ hơn các tầng dưới và tầng trên cùng chỉ rộng khoảng 40 mét vuông. Ngoài các chòi canh trên bờ thành, toà lâu đài cũng có những chòi canh riêng ở tầng 2. Mỗi chòi canh có cả một khu chứa vũ khí (nay không còn nữa nhưng được ghi lại gồm có dầu, nước để đun sôi và đá).


Phòng trên cùng của lâu đài với một bàn thờ

Quá trưa, chúng tôi ra ngoài. Thấy các đoàn múa hát vẫn hăng say trình diễn ở 5 chỗ khác nhau chúng tôi chọn một khu có bóng cây ngồi xem. Hoá ra đây là một cuộc thi đua hàng năm. Có những đoàn cách xa Himeji hàng ngàn cây số cũng đến đây dự.

Dù chẳng hiểu họ múa hát gì nhưng cũng vui. Dù trình diễn ngay trên một khu đất, họ không để lúc nào có thời gian chết khi mỗi đoàn chỉ được trình diễn 1 lần.


Múa hát ngoài đường

Nikko (日光): Nikko được xem là trung tâm Phật giáo do vị tu sĩ Shodo Shonin thiết lập vào thế kỷ thứ VIII. Ý định của vị tu sĩ này là truyền bá giáo lý Phật giáo để người Nhật bỏ đi “tôn giáo” Shinto của họ qua việc thờ cúng tổ tiên và thần linh. Kết quả không đúng như ý muốn, nên đền và chùa nằm hài hoà bên nhau khắp nơi.


Chiếc cầu nổi tiếng đẹp vào mùa Đông, có thể là cầu lấy "mãi lộ"
đắt nhất thế giới tính theo chiều dài


Nikko nằm trên khu đồi núi cách Tokyo khoảng 140 cây số về phía Bắc. Trong thời kỳ Edo (1603-1867), người Nhật tin rằng: phía Bắc được coi là phía của quỷ thần đến, nên các chùa được dựng nên để chấn áp quỷ thần. Trái với Kyoto, các đền và chùa ở Nikko đều được dựng trên vùng đồi núi, gần thiên nhiên nên tạo được khung cảnh tĩnh mịch và tôn nghiêm hơn.

Tất cả hiện nay có 103 toà nhà trong khu vực 424 mẫu (ha), trong đó có một số đền và chùa. Có 9 đơn vị được chọn là tài sản quốc gia và 94 đơn vị được liệt kê là tài sản quan trọng. Các đền và chùa chính ở Nikko đã được liệt kê là Di sản Văn hoá Thế giới.


Bản đồ khu Di tích Văn hoá Thế giới tại Nikko

Chúng tôi đến Nikko trễ hơn dự định, nên phải lo giữ chỗ cho chuyến xe về. Không dè chuyến xe còn chỗ duy nhất mà chúng tôi có thể trở về Tokyo là chuyến 13:36, nghĩa là chỉ 45 phút nữa. Các chuyến xe lửa sau đó không còn ghế trống. Không lẽ mới đến mà phải về ngay. Chúng tôi phải đi hỏi đường và tìm ra cách đi vòng, chuyến cuối cùng là 18:45 và mất 2 giờ 15 phút mới về đến Tokyo. Như vậy chúng tôi còn trên dưới 4 tiếng ở Nikko.


Một góc chùa cổ


Không nghe điều xấu, không nói điều xấu, không thấy điều xấu

Xe buýt chạy khoảng 10 phút từ ga xe lửa Nikko đến khu “Nikko park”. Chúng tôi theo hướng đi vào khu đền, chùa ngay vì sợ không đủ giờ. Cũng may các đền, chùa trong khu Di sản Văn hoá Thế giới nằm rất gần nhau.

Với vé gộp 1,300 yen một người, đủ cho chúng tôi vào cửa các khu cần xem như: vườn Zen, bảo tàng viện và các đền, chùa nằm trong khu Di tích. Sợ không kịp giờ nên chúng tôi không vào bên trong các điện (trong đền, chùa) mà chỉ vào các phòng bên ngoài.

Chiều xuống, chúng tôi còn được nửa giờ đi quanh Nikko và thưởng thức một vài món ăn địa phương.


Sản phẩm địa phương

Enoshima (江ノ島): Nếu bảo là đi viếng đền hay chùa ở khu vực này thì hoàn toàn không đúng. Mặc dù có đền, chùa ở đảo Enoshima nhưng với bãi tắm biển nằm đối diện trong đất liền và rất nhiều nhà nghỉ mát nên toàn khu vực Enoshima là trung tâm giải trí ngoài trời vào mùa hè. Đảo Enoshima được nối với đất liền bằng 1 chiếc cầu khoảng 600m.


Bãi tắm Enoshima (bên đất liền)

Để lên tới điểm cao nhất của đảo, chúng tôi phải mua vé. Vé trọn gói vẫn là vé gọn và rẻ hơn mua lẻ tẻ rất nhiều. Với vé này, chúng tôi có thể đi các thang máy (loại thang cuốn) đến thẳng các cổng đền, chùa và đi thang máy (lift) lên đỉnh tháp. Vé cũng cho phép chúng tôi vào các đền, chùa và vườn tược mà không phải trả tiền thêm. Thang cuốn chỉ đi lên mà không đi xuống.

Các đền và chùa trên đảo tương đối nhỏ, có lẽ vì thế mà vắng khách thập phương. Chúng tôi không vào hết các đền, chùa ở đây, chỉ rửa tiền (nghĩa đen) bên ngoài trước khi thả vào giếng (ghi chú: theo tục lệ ở đó, nếu rửa tiền trước khi cúng thì mình sẽ được gấp đôi trị giá số tiền cúng).


Một ngôi chùa trên đảo

Một đền nổi tiếng ở đảo là đền nữ thần (khoả thân) Benten (hay Benzaiten - 裸弁財天). Nữ thần Benten là thần nữ duy nhất trong số 7 thần linh. Tương truyền một con rồng biển rất dữ hay tàn phá Ensohima, cho đến ngày nữ thần Benten kết hôn với con rồng (chú thích của CNN: dữ mà có nội tướng cũng phải êm re). Các đền thờ nữ thần Benten đều nằm gần biển. Nữ thần Benten là thần (bà tổ) của sân khấu và kịch nghệ Nhật.


Óc thương mại ngày nay

Trên đảo có một vườn lớn (kiểu botanic garden) do một thương gia người Anh có vợ Nhật thành lập và mở cửa cho công chúng coi từ năm 1880. Kể từ năm 1949, khu vườn thuộc thành phố/tỉnh Fujiwana. Hiện nay, vườn được chia ra nhiều khu khác nhau: khu Miami, khu Beijing, khu Montréal, … đó là những tặng phẩm của các thành phố trên thế giới tặng cho đảo này.

Điểm cao nhất của đảo có một tháp quan sát (khoảng 54m) và một khu sinh hoạt lộ thiên khá lớn. Bên cạnh đó, một số quán và xe bán thực phẩm. Tuy “trên cao, xa đất liền” nhưng chúng tôi ngạc nhiên khi thấy thực phẩm ở đây rẻ hơn phía bên đất liền rất nhiều.


Quang cảnh bến thuyền buồm (yatch)


Cửa sông Katase và bãi biển Enoshima nhìn từ đài quan sát


BH
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9