Lịch sự như người Pháp
Ct.Ly 20.10.2007 01:30:20 (permalink)
 

Caroline Wyatt
BBC News, Paris








Paris lãng mạn, nhưng đừng quên hiện thực


Người Anh vốn coi người Pháp là thô lỗ với dân ngoại quốc, bởi vậy khi thấy tựa đề một cuốn sách là "Nguồn gốc sự nhã nhặn Pháp quốc" thì có thể có người cho rằng cuốn sách này chắc chẳng mấy trang.
 
Thực tế, tuyển tập nghiên cứu của Frederic Rouvillois về phong cách lịch sự của người Pháp qua nhiều thời kỳ dài tới 550 trang lận.
Trước đó, cũng có một cuốn sách bán chạy như tôm tươi của tác giả Nadine de Rothschild với các lời khuyên về cách đối nhân xử thế trong "xã hội lịch sự của Pháp".
Toàn là các tác phẩm cần thiết cho những người nào không biết cách sống kiểu Pháp mà phải tham dự tiệc tùng ở trời Tây này.
Than ôi, tôi chưa từng được nghe tới chúng trước khi tôi được mời dự bữa ăn tối kiểu Paris đầu tiên của đời mình.
Tôi đến căn hộ sang trọng tại khu Tả Ngạn sông Seine đúng tám giờ tối như trên giấy mời, tay ôm hoa để tặng bà chủ nhà.
Tôi hơi ngạc nhiên thấy bà có vẻ không hài lòng lắm. Sau đó, tôi vỡ lẽ rằng các vị khách mời khác, toàn là chính trị gia, với một ông triết học gia, một vài vị trong ngành ngân hàng và các phu nhân; một giờ sau mới tới.
Họ nói chuyện bằng thứ tiếng Pháp liên thanh, không thương xót gì kẻ ngoại quốc duy nhất trong phòng là tôi.
Thế là để thoải mái hơn một chút, tôi với lấy chai rượu và rót cho mình ly thứ hai.
Cả bàn ăn đột nhiên chết lặng trong khi dòng rượu vang chảy như trong phim quay chậm vào chiếc ly của tôi.
Không khí lặng tờ và mười cặp mắt Paris xoáy nhìn. Tôi chỉ biết cười gượng gạo và im như hến suốt buổi tối rồi ra về lúc sớm nhất có thể được.
Chắc chắn là tôi đã phạm lỗi lầm gì đó nghiêm trọng lắm, nhưng tôi không rõ là lỗi gì.


Trọng tội
Mãi tới tuần này tôi mới phát hiện ra theo các quy tắc hành xử nghiêm khắc của Pháp tôi đã mắc bao nhiêu lỗi khủng khiếp.
Tôi được bà Constance Reitzler, giám đốc trường La Belle Ecole - gọi nôm na là Trường Đẹp - chuyên dạy cách đối nhân xử thế nhã nhặn cho người Paris và ngoại quốc, dành cho một buổi học.
Trường của bà dạy "arts de vivre", tức nghệ thuật sống kiểu Pháp, từ cách thưởng thức rượu và đồ ăn, tới liệu ăn kem phải dùng thìa hay nĩa.
Nếu quý vị muốn biết, thì tôi có thể trả lời: ăn kem phải dùng nĩa. Và đừng có bao giờ trét gan ngỗng lên bánh mỳ nhé. Cần ăn gan ngỗng bằng nĩa, và ăn bánh mỳ riêng.
Bà Constance giải thích một cách kiên nhẫn rằng một quý bà thực sự không bao giờ vồ lấy chai rượu để mà tự rót lấy một ly cả.
Theo đúng nguyên tắc, phải chờ chủ nhà hoặc một người đàn ông rót rượu cho mình. Mà nói chung, uống nhiều hơn một cốc rượu khai vị trước khi ăn tối thì rõ là một kẻ nát rượu, hoặc là người Anh.
Dân Pháp gọi dân Anh là 'lơ-nát-rượu' mà.
Tôi còn phạm tiếp lỗi nữa khi to tiếng chúc các thực khách ăn ngon rồi khen ngợi đồ ăn rối rít.
Cả hai việc đó đều là trọng tội theo luật ứng xử Pháp.
Bà Constance giải thích: "Chúc ăn ngon là bỗ bã quá khi gặp giới lịch sự". Tôi nghe mà hãi hùng vì bữa ăn nào tôi cũng chúc hết lượt mọi người.

'Hội chứng Paris'
Đáng ra BBC phải cho tôi đi học một khóa trước khi cử tôi sang Paris.
Đúng kiểu Pháp anh phải đặt cùi chỏ lên bàn khi ngồi và cho mọi người nhìn thấy tay anh.
Quy tắc này bắt nguồn từ nhiều thế kỷ trước, khi giới quý tộc làm đủ mọi cách để khoe các loại nhẫn lóng lánh họ đeo trên tay nhằm chứng tỏ vị trí xã hội.
Tôi thì ngược lại, luôn giấu tay và cùi tay khi ngồi cạnh bàn.
Thế nhưng tôi không hiểu ai lỗ mãng hơn: tôi, người không biết quy tắc địa phương; hay chủ nhà, vì khiến khách cảm thấy lúng túng.





Mua quần áo ở Paris cũng khó


Người Pháp không phải là dân tộc thô lỗ, nhưng nhiều người Paris có thể lỗ mãng lắm.
Một chuyên gia tâm lý đã nghĩ ra tên cho chứng bệnh mà du khách Nhật khi tới đây hay mắc phải là "Hội chứng Paris".
Năm nào cũng có vài người Nhật bị sốc phải hồi hương sau khi tiếp xúc với các vị chủ nhà Paris.
Nào là hầu bàn giả vờ không hiểu khách gọi gì, rồi lái xe taxi chở khách tới sai địa điểm để thu tiền gấp đôi.
Đối với nhiều người thì họ không chịu đựng nổi, khi mà kinh đô ánh sáng trong mơ của họ biến thành cơn ác mộng.


'Bon Appetit'
Tôi biết rõ họ cảm thấy như thế nào vì bản thân cũng có kinh nghiệm từ chuyến thăm một cửa hàng quần áo hồi tuần trước.
Tôi lấy một chiếc váy định thử mặc, nhưng khi trên đường vào phòng thử đồ thì người bán hàng kêu lớn: "Nếu tôi là bà thì tôi khỏi thử cái đó, nó không vừa đâu!"
Câu "Khách hàng là Vua" chẳng có chỗ đứng ở Pháp; hay là người Pháp nghĩ sau cách mạng họ chẳng còn vua nữa?
Khi tôi đứng dậy rời Belle Ecole, bà Constance tặng tôi một bản quy tắc hành xử vắn tắt dài hai trang với vẻ mặt thông cảm.
Đọc y như là viết riêng cho tôi vậy.
"Đừng bao giờ uống một hơi cạn cốc". Rồi "Ne jamais ecraser le buste vers l'assiette", tức "Đừng tỳ ngực vào đĩa ăn" hay "Đừng bao giờ xuýt xoa tỏ vẻ thỏa mãn tại bàn ăn".
Điểm nữa là không bao giờ được nói : Bon Appetit.


---------------------------------------------------------
Neo, TP HCM
Tôi học tiếng Pháp được 4 năm rồi, có lẽ bất cứ người nào học ngoại ngữ đều ước mong một ngày nào đó được đến thăm đất nước nói tiếng mà minh đang học, nhưng sau khi đọc xong bài này có lẽ tôi sẽ từ bỏ ý định đi du lịch đến Pháp... có lẽ tốt hơn nên ngắm nhìn văn hóa Pháp từ xa.



Ẩn danh
Nói chung Mỹ hay Pháp cũng có những cái hay. Còn VN ta thì chả có gì. Mấy cái cầu cái nhà to to ở VN cũng do Pháp nó xây cho chứ ta có gì đâu mà khoe. Có mỗi cái Đại Nội trong Huế thì ngày xưa bộ đội giã pháo ầm ầm vào, bây giờ lèo tèo còn lại mấy thứ.



Minh Van, Melbourne, Australia
Tôi rất đồng ý là Paris đẹp tuyệt vời. Nhưng Paris dơ dáy bẩn thỉu lắm! Không tin ư? Cứ đến phi trường Charles de Gaulle là biết liền. Văn hóa của Pháp được bày tỏ ở đây thật rõ nét! Với hai bản thông báo bằng Pháp ngữ và Anh ngữ tại quầy nhân viên kiểm soát vé là: Coi chừng bọn móc túi. Thật kinh hãi!

Vậy tại sao người ta lại thích du lịch ở Paris? Câu hỏi này sẽ thực trả lời chính xác cho các bạn khi các bạn đã đến Paris. Còn bạn nào chưa đến, tôi cũng mong các bạn nên có dịp đến để hiểu và cảm thông với cô bỉnh bút Caroline Wyat.


Binh, Paris
Đi du lịch kiểu hà tiện không chịu mua sách hướng dẫn mà đọc trước thì chỉ gặp từ thất vọng này đến thất vọng khác . 1 - Tiền TIP Ở Pháp, tiền TIP đã được tính sẵn trong hóa đơn . Muốn cho thêm thì cho , nhưng cách cho quan trọng hơn số tiền cho : ở Pháp, khách hàng, người biết cách cư xử, không ai xem mình là thượng đế tự cho phép mình cư xử kiểu trịch thượng với nhân viên phục vụ . Họ là người làm việc để kiếm tiền chứ không phải là đầy tớ .

2 - Taxi lừa: Rất hiếm vụ tài xế chạy lòng vòng để lừa khách hàng . Vì khách hàng có thể ghi số xe , đòi hóa đơn và thưa kiện . Cũng rất hiếm vụ bật bảng số gian lận tăng giá . Hệ thống có tổ chức nên rất hiếm gian lận : có đèn hiệu để cảnh sát hay kiểm soát viên nhìn xe Taxi chạy ngoài đường hiện đang áp dụng giá nào . Tài xế họ sống thoải mái không cần lừa mới sống được .
3 - Móc túi: Nạn móc túi thì hầu như xứ nào có du khách là đều có . Tại Pháp dân chuyên nghiệp móc túi có đặc điểm là làm việc rất tự nhiên không cần giấu vì họ dùng trẻ em, chừng 5 hay 6 người ập vào cứ tự nhiên thò tay vào túi của du khách . Trẻ em này đến từ mấy nước cộng sản cũ , nhất là Roumanie . Trẻ em, nếu có bị bắt thì cảnh sát cũng phải thả ngay vì pháp luật của nước Pháp là như thế .
4 - Hai mặt của du lịch: Ngoài những danh lam thắng cảnh và viện bảo tàng còn có đời sống và sinh hoạt của dân bản xứ . Không biết tiếng Pháp thì cũng khó xen vào trừ khi có hay thuê hướng dẫn viên. Đi ăn là cả một vấn đề vì nhà hàng có đủ kiểu . Lớ ngớ đi nhầm vào nhà hàng của khu toàn du khách thì nơi đó là những cái bẫy . Ai đã đi du lịch nhiều thì đều biết cả .


Tu Nguyen, USA
Coi bộ muốn tới Pháp du lịch phải học cách xử sự của họ rồi, thôi thì "nhập gia tùy tục" mà. Dù sao nếu có sang Pháp chơi, gặp cảnh người dân Pháp "không hài lòng lắm" cũng chẳng sao, có thể họ không cư xử đẹp với người nước ngoài nhưng có lẽ nước Pháp vẫn đẹp.



Trang, California
Là một người đã ở Pháp hơn 12 năm, tôi cảm thấy "sorry" cho người viết bài này. VN ta có câu "nhập gia tùy tục", đi tới một nước ngoại quốc mà bắt họ phải nói tiếng của mình, cư xử theo lối sống quen của mình....

Quý vị thử đến Los Angeles và New York mà thử hỏi đường bằng tiếng ngoại quốc, trừ tiếng Tây Ban Nha, xem người Mỹ "thân thiện" như thế nào? Gọi nước Mỹ là một nước thân thiện, lịch sự hơn thì thật là buồn cười.


NHT, Hà Nội
Có thể thấy phong cách người Việt hơi giống người Pháp. Có lẽ là ảnh hưởng của thời kỳ thực dân chăng?

Chẳng hạn như người Việt khi sản xuất hay làm một dịch vụ gì đó thường chỉ hướng tới sự tiện lợi cho mình (nhà cung cấp) mà không hướng tới sự tiện lợi cho người dùng (khách hàng). Thái độ tỏ ra ta đây biết nhiều hơn khách hay bắt mọi người sống giống như mình thường xuyên xuất hiện ở khắp nơi.
Sai hẹn hay chậm muộn thì khỏi phải bàn, không riêng gì các công sở của nhà nước mà còn cả các công ty tư nhân và các nhân cũng thường xuyên hành hạ người khác bằng thói quen sai hẹn hoặc không đúng giờ của mình!
Có lẽ phong cách 'thực dân mới' sẽ đổi được phong cách này chăng? Nếu các vị ra đường ở HN hay HCMC sẽ còn gặp nhiều thứ giống ông Tây Pháp lắm: chạy xe bừa bãi, còi ing ỏi, bất cần người đi bộ lẫn bất chấp luật giao thông là chuyện thường ngày. Tóm lại có lẽ người Pháp là bản sao tồi của người Việt chăng?


Qui, Paris
Coi bài này và những lời bình luận làm tui nhớ tới bài viết của bé Crys viết về Hà Nội quá. Các bạn ạ tuy dân Parisiens mất lịch sự nhưng tôi không hiểu sao khách du lịch lại đổ xô vào nước Pháp và hầu như năm nào nước Pháp cũng có lượng khách du lịch đông nhất thế giới? Có lẽ du khách họ thích bị quẳng trả lại tiền tip như bạn nào đó bị như vậy, hay là du khách họ thích bị đối xử theo kiểu trịch thượng theo kiểu kẻ cả ta đây của dân Pháp?

Tôi nghĩ là chỉ mới gặp vài người, mà đã đánh giá thì hơi vội, giống như về VN nghe vài người chửi thề, đánh nhau rồi qui kết là người VN, nước VN là như vậy thì qúy vị nghĩ ra sao? Vài lời mong quý vị thấu hiểu khi đánh giá việc gì cũng nên nhìn đại thể, đừng nên nhìn tiểu tiết rồi suy ra đại thể.


Boomerang
Đúng là Paris đẹp thật vì có nhiều công trình kiến trúc. Người Paris thì tôi chưa tiếp xúc nhiều nên không dám lộng ngôn. Chỉ có điều đường phố ở Paris lại rất bẩn, cũng chẳng kém gì ở Việt Nam mình đâu.

Tuy nhiên, ở Tours, một TP nhỏ không xa Paris lắm về Phía Tây Nam, thì lại rất sạch sẽ. Người dân ở đó cũng rất tốt bụng, nồng hậu. Ở Lille, một TP ở miền Bắc của Pháp thì người ta sẵn sàng nói tiếng Anh với bạn ngay cả khi bạn nói với họ ... bằng tiếng Pháp. Chỉ có điều người ta nói tiếng Anh bằng giọng Pháp nên phải vừa nghe vừa... suy ngẫm mới hiểu nổi.


Ẩn danh
Ảnh hưởng văn hoá đi theo làn sóng kinh tế hàng hoá. Văn hoá muốn lan toả đến các quốc gia khác thì yếu tố đầu tiên là phải cởi mở. Đó cũng chính là lý do tại sao hai từ "Mỹ hoá" lại được nói đến ở nhiều nơi trên thế giới. Mỹ ngoài việc lắm tiền, trùm sò kinh tế thì văn hoá - vốn là văn hoá pha trộn - tỏ ra phóng khoáng, bất quy tắc, dễ dàng được chấp nhận ở nhiều nơi.

Văn hoá Pháp hiện nay vẫn có ảnh hưởng lớn tại những vùng đói nghèo vốn là thuộc địa cũ của người Pháp, ví dụ như ở châu Phi. Ở châu Âu, Pháp cũng chẳng phải là đầu tàu vì có hai ông lớn là Đức và Anh rồi. Châu Âu bây giờ trào lưu học và nói tiếng Anh, Đức là nhiều, sau đó mới đến tiếng Tây Ban Nha, Ý rồi mới tới tiếng Pháp.
Cảm tưởng cá nhân thì tôi thấy dân Đông Âu là lành tính và tốt bụng, họ nhiều nét tương đồng với người châu Á. Người Bắc Âu rất nhiệt tình, thích giúp đỡ kẻ khác. Dân các nước có nền văn hoá pha trộn như Mỹ, Canada, Úc lại dễ gần và vui vẻ, hay pha trò và không câu nệ.


Giấu tên
Pháp là cô gái sành điệu ngoe nguẩy đỏng đảnh, Mỹ là chàng cao bồi cục mịch đội mũ rộng vành và có nhiều tiền. Anh là bà già nhiều kinh nghiệm viết nhiều sách có nhiều lời khuyên quý báu nhưng cũng hay đa sự và thọc gậy bánh xe. Đức là anh khoa học gia tài giỏi lâu lâu hay nổi điên đánh hàng xóm nhưng họ vẫn thích đi ké xe hơi.

Nga cũng là khoa học gia tài giỏi nhưng chẳng làm nên trò trống gì ngoài việc kiêm luôn viết nhạc và đánh cờ xuất sắc. Úc là chàng nông dân nhà quê thực thà chơi thể thao hay hết xẩy.
Việt Nam thì chỉ biết nói cái miệng chứ không sành điệu, không có tiền, không thể viết sách, chẳng có lời khuyên nào quý báu cho ai, không là khoa học gia, không làm xe hơi, không đánh cờ viết nhạc giỏi, không thực thà gì lắm và cũng không chơi thể thao gì hay.


Nguyễn Quang Anh, Czech
Thành thật tôi hơi bị choáng và thất vọng khi đặt chân đến đất Paris vì vừa bước xuống xe đã bị một hội móc túi đón tiếp,chạy đi đâu tụi nó cũng bám theo và còn trắng trợn thò tay vào túi mình để sờ.Vậy là đành phải chạy vào một cái quán gần nhất để tránh và ăn trưa luôn ở đó.

Ăn thì có biết món gì đâu nên gọi bừa và cái cảm nhận là .... không ngon (hay là có khi đang hoảng quá với vụ móc túi vừa rồi nên nuốt không trôi). Ngồi mãi rồi mới dám đi ra ngoài để dạo phố.
Phải công nhận Paris rất đẹp,nhiều công trình rất đồ sộ và nghệ thuật nhưng ...đường sá hơi bẩn chút. Xe hơi ở đây thì chạy ẩu dã man, mạnh ai nấy chạy gần như ở VN nhà mình. Nói nhỏ chút, mình cũng thuộc loại "giặc lái" nhưng đến đây cũng chỉ dám men men vỉa hè thôi chứ không dám ngổ ngáo :).
Nhưng ra đến các thành phố khác ngoài Paris thì thấy dân Pháp khác hẳn,đường phố sạch sẽ,dân tình rất hiền lành và tốt tính. Nếu có điều kiện sang Pháp lần nữa để chơi chắc là mình sẽ chọn một nơi nào đó trừ Paris ra!


No Name
Người Pháp quả thật thô lỗ, có thể cả với những dân của họ. Cách đối nhân xử thế của họ thiệt là phiền hà thiếu tính cách tự nhiên. Trước nay tôi tưởng họ văn minh lắm có ngờ đâu. Người ta đâu có cảm thấy hạnh phúc hay vui sướng khi cười chê người khác chứ, việc đó chỉ tạo ra cảm giác giả tạo là mình hơn người.



TN, Virginia, Hoa Kỳ
Mỗi nước và mỗi thành phố có 1 phong cách khác nhau, không nên vì 1 thành phố mà gán cho cả nước. Tôi thấy là ở đâu cũng vậy, dân miền quê tiếp đãi khách nồng hậu & thành thật hơn là dân thành thị. Còn về thành thị thì lại có 3 loại tiếp khách: thượng, trung & hạ lưu.

Hạ lưu thì gần như dân quê, thành thật không khách sáo. Trung lưu thì gần gần như vậy nhưng khách sáo, lịch sự hơn 1 chút. Thượng lưu thì khỏi nói, lịch sự có thừa nhưng thành thật và tính háo khách thì tùy theo khách thuộc về tầng lớp nào, nếu khách không thuộc về tầng lớp của họ thì phớt tỉnh kiểu Ăng lê, lạnh lùng như Đức kèm theo lịch sự nhát gừng kiểu Pháp.
Đến nước nào cũng vậy, bạn không chịu nói hoặc không chịu học vài câu tiếng của người ta thì người ta lạnh lùng là phải rồi, xin hỏi ngược lại nếu người ngoại quốc đến Vĩnh Long, Cà Mau hay Vinh hay Quảng Trị nếu không nói tiếng Việt thì họ sẽ được dân ta tiếp đãi thế nào ??


Võ Thơm, Canada
Khi còn trẻ, thời học sinh trung học (khoảng năm 1972), tôi từng học sinh ngữ thứ hai là Pháp văn. Tôi còn nhớ đến bây giờ hình ảnh ông thầy Pháp văn của chúng tôi có thái độ rất là thực dân. Tôi không có ấn tượng tốt về ông thầy, và giận lây cả văn hóa Pháp và nước Pháp. Nay đọc bài này tôi lại còn ác cảm hơn về nước Pháp. Họ tự nhận mình văn minh lịch sự, mà họ đối xử với người ngoại quốc bất lịch thiệp như thế. Khá lâu nay tôi định đến Paris một lần nhưng nay tôi quyết đinh sẽ không đến Pháp trong kỳ hè năm nay.



Lê Huy, Pháp
Tôi đồng ý với các bạn là các nhân viên ở Pháp phục vụ rất kém, có lẽ một phần là vì họ không sợ bị đuổi việc như ở các nước khác. Vì thế cái câu có tiền là xong ít hiệu nghiệm hơn ở xứ sở này. Nhưng dân Pháp có tính cách riêng của họ, thể hiện qua cách ăn mặc, đi đứng, giao dịch. Khi bạn tôi đón tôi tại phi trường TSN, anh ấy nhận xét : Nhìn dân Pháp thấy khác.


Asian, Halle, Đức
Hơn 10 năm trước đây tôi có dịp đến thăm Paris - thành phố mà tôi từng mơ ước sẽ đến thăm đầu tiên. Về vẻ đẹp của nó tất nhiên là tôi phải nói là thật tuyệt vời nhưng về phong cách sống ở đó có nhiều điều làm tôi không thích.

Có lẽ cảm tưởng đầu tiên của tôi về người Pháp là họ rất tự hào về thứ ngôn ngữ của họ và hình như họ muốn tất cả mọi người đến đó phải nói thứ tiếng của họ. Tôi nghĩ là hẳn nhiên tiếng Pháp rất đẹp nhưng ngoài nó ra trên thế giới còn nhiều ngôn ngữ rất đẹp khác nữa như tiếng Anh, Tây Ban Nha mà rất nhiều người muốn học.
Tôi còn nhớ như in khi tôi và một người bạn tìm đường đến Nhà hát Opera, chúng tôi có hỏi bằng tiếng Anh một quý ông Parisian ăn vận lịch sự thì được nghe trả lời lại bằng một tràng tiếng Pháp. Hẳn nhiên là bọn tôi không thể nào hiểu nổi và đành phải lí nhí cám ơn ông ta rồi đi tiếp.
Không hiểu thế nào mà ông ta quay lại và thật không thể ngờ tới là ông ta nói với chúng tôi bằng tiếng Anh thật trôi trảy. Có lẽ ông ta cảm thấy ái ngại tình cảnh của hai đứa chúng tôi hay là vì nguyên nhân nào khác nữa.

 Ở Paris tôi gần như bị quăng tiền trả lại vào mặt sau khi không nói có tiền tip cho bồi bàn.
 
Asian, Đức


Kỷ niệm thứ hai là tiền „tip“ theo lối Pháp hay có lẽ theo phong cách Paris. Tôi có dịp đi du lịch nhiều nước ở EU nhưng có lẽ không nơi nào làm tôi khó chịu về điều đó bằng ở nơi này.
Ở Đức, Áo hay Holland và có lẽ ở Anh, bạn có thể cho tiền tip người phục vụ nhiều hay ít tùy theo mức độ hài lòng của bạn về chất lượng phục vụ ở đó. Trong khi ở Paris lần đó tôi gần như bị quăng tiền trả lại vào mặt sau khi không nói tiền tip cho họ.
Thực ra tôi cũng có ý định đưa họ chút ít nhưng sau tôi tự nhủ tại sao mình phải cho họ thêm tiền khi mà tôi chỉ nhận được ánh mắt và thái độ phục vụ lạnh lùng của những người phục vụ ở nhà hàng đó.
Và chín năm sau, mùa hè năm 2005 tôi trở lại Paris và cảm nhận về tiền tip kiểu Pháp vẫn thế. Lần này rút kinh nghiệm, tôi có đưa cho người lái xe taxi thêm tiền tip khoảng 15% nhưng vẫn nhận được ánh mắt và cử chỉ không thân thiện của ông ta.
Tôi thật không hiểu người dân ở đó quan niệm thế nào về điều này trong một xã hội văn minh.
Người Pháp luôn tự hào về dân tộc của họ là tài hoa, lịch sự, văn minh và luôn cố gắng xuất khẩu văn hóa Pháp ra thế giới để có lẽ ngăn chặn sự bành trướng của các nền văn hóa khác.
Tuy nhiên không phải chỉ riêng tôi mà còn nhiều họ hàng và người quen nữa đều có chung một ý kiến là người Pháp sẽ không thể đạt được tham vọng đó của họ một cách dễ dàng.


Ẩn danh
Thật ra không cần đến Pháp mới biết người Pháp mà chỉ cần ở VN thôi cũng biết mà. Tôi có thời gian hướng dẫn khách du lịch ngoại quốc nên cũng có thể đưa ra một vài nhận xét.

Người Pháp vốn là đế quốc già trên lục địa cũ, còn vương vấn kiểu cách quý tộc xưa nên lắm lúc không được thoải mái lắm trong thế giới hiện đại này. Họ lại gốc thực dân, thường thầm chê bai khinh khi những người đến từ dân tộc đói nghèo, họ coi họ hơn kẻ khác một bậc.
Sang Pháp, nếu vào nhà hàng mà thấy mình ăn mặc có vẻ không được sang trọng, kiểu gì mấy gã bồi bàn cũng có ý chế giễu thậm chí còn phục vụ hết sức chậm chạp.
Nước Pháp khá bảo thủ, ngay cái cách mà các chính trị gia nước họ thể hiện thì cũng chẳng khiến cho người ta thấy phóng khoáng. Châu Âu thực ra cũng có rất nhiều dân tộc phóng khoáng, và lịch sự nhưng vẫn thoải mái cởi mở chứ không như dân Pháp.


Du học sinh, CHLB Đức
Bài này rất thú vị. Vừa đọc vừa cười bể bụng. Nhưng dù sao cũng được mở rộng hiểu biết về văn hóa Paris.



Joseph Nguyễn, Los Angeles
Tôi đi Paris hai năm trước. Tại một nhà hàng không xa Tháp Eiffel lắm, anh chạy bàn chê cách tôi gọi đồ ăn. Tôi bảo anh ta tôi là người Mỹ, tôi là Thượng đế vì tôi trả tiền. Mọi người nên tới Mỹ, Mỹ thân thiện hơn nhiều.


SKZ, USA
Ngày xưa tôi mơ tưởng đến nước Pháp, nhất là mê các nữ minh tinh màn bạc. Nay hóa người Tây không thật thà bằng Mỹ vì các kiểu cách và mưu tính tiền khôn lỏi của họ. Tôi nản vô cùng và không muốn đi Tây nữa. Ở Mỹ hóa ra lịch sự hơn Tây, có lẽ người Mỹ tự do hơn, còn ông Tây bà đầm vẫn mang óc thực dân.

<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.10.2007 01:33:07 bởi Ct.Ly >
#1
    marcel 20.10.2007 16:50:05 (permalink)
    Đồng thời nước Pháp cũng là quốc gia đầu tiên đã bỏ tiền phái chiếc tầu " Ánh Sáng " đi vớt " thuyền nhân " ở biển Đông, và cũng là quốc gia đầu tiên đã khởi xướng chương trình " Bác Sĩ Vô Biên Giới " cũng như " Phóng Viên Vô Biên Giới "... Thiết nghĩ chẳng cần phải nhắc lại chủ đích của 2 hiệp hội này.

    ... Nói chung dân tọc nào cũng có khiếm khuyết cả... quan trọng là có biết tự giác ngộ không !
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 20.10.2007 17:54:36 bởi marcel >
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9