Hà Nội ngày 29/11/2010
Tiếng chuông điện thoại reo vang, nó giật mình, kéo bản thân ra khỏi cơn ngái ngủ mệt mỏi, bắt máy và uể oải alo. Bên kia đầu dây, giọng mẹ khàn khàn:
- Con thế nào rồi, có ăn uống được gì không, có bị nôn nhiều không, sáng nay có đi làm không? Mẹ cứ thế, với cái giọng khàn khàn ấy, hỏi nó từng chập, từng chập rồi im lặng nghe nó trả lời cũng theo cả chập, lần lượt cho từng câu hỏi của mẹ.
- Con vẫn đi làm, nhưng không ăn được gì, nôn ra hết mà mệt lắm mẹ ạ.....
Thế rồi mẹ nhỏ giọng nói:
- Uh, cố gắng con ạ, ngày xưa bầu mày mẹ cũng yếu như thế mà còn chả có mà ăn cơ, giờ ít nhất mày cũng được đầy đủ dinh dưỡng thì mẹ đỡ lo. Thôi có khách, nhớ ăn sáng rồi hãy đi làm con ạ.....
- Vâng, con nhớ rồi
Nó vừa định cúp máy thì nghe tiếng mẹ dặn với lại:
- Đừng có uống nước nhiều, thay nước bằng sữa mà uống cho nó bù dinh dưỡng lúc không ăn được đấy nhá....
Ngay sau đó, mấy tiếng giục léo xéo phía ngoài vọng vào điện thoại. Mẹ dường như đã đặt điện thoại xuống, ko bấm dừng cuộc gọi mà chạy ra bán hàng từ khi nào.
Nó bấm điện thoại và bò từ trên giường vào nhà vệ sinh để làm thủ tục buổi sáng trước khi đi làm.
Đến công ty, sáng thứ hai, tất cả đều là thủ tục hành chính và giấy tờ chứ không đi kiếm khách hàng, không có nhiều công việc và cũng chả bận rộn như ngày thường. Nó mệt, ngồi miên man trong dòng suy nghĩ của một... bà bầu mới được gần 2 tháng.
Bất chợt mùi thức ăn từ bên ngoài thốc vào, chính xác hơn là cái mùi rán cá làm nó lộn tùng phèo hết cả ruột gan suốt cả tháng nay như thường lệ, đúng giờ lại bốc lên. Ngấy ngấy, khét khét, tanh nồng và phải nói là kinh khủng..... Nó luống cuống lao thẳng vào nhà vệ sinh, nôn, ọe, nói chung là tất cả những thứ gì còn trong bụng từ hôm qua đến giờ đều đã theo đường đi vào mà trở ra lúc đấy. Nước mắt giàn giụa, mặt tái xanh, nó vẫy cô nhân viên đang ngồi nhờ mang cho ít giấy ướt để sẵn trong ngăn bàn. Đầu óc chóng quay và người nó thì lử đử.
Ra đến bàn làm việc, nó thẫn thờ ngồi và thẫn thờ nhớ mẹ......
Ngày xưa, mẹ mang thai mình cũng là đứa đầu tiên, có lẽ còn mệt mỏi hơn mình bây giờ.... lại đói ăn vì khi ấy ba mẹ mới ra ở riêng vì bất đồng quan điểm với ông bà nội. Cái đói, cái khát ngày ấy không ngăn cản được sự ra đời của một đứa con gái là nó, cũng không thể ngăn cản nó lớn lên cho đến tận bây giờ. Chỉ biết rằng, sau 26 năm mang nặng đẻ đau và nuôi nấng hai chị em, cùng với những biến cố gia đình và tác động của thời gian, mẹ trở nên tiều tụy vào yếu như hiện tại. Nó chỉ nghĩ ngợi nhiều, bất chợt nó nghĩ, sau khi đứa nhỏ này ra đời, có lẽ nó cũng giống mẹ, cả đời phấn đấu để mưu cầu một tương lai tốt đẹp và đầy đủ hơn cho đứa nhỏ còn chưa thành hình này. Bất giác, nó nổi da gà và cảm thấy sống mũi mình cay cay. Nó còn nhớ như in cái ngày nó báo tin mẹ sắp có cháu ngoại. Nó lao thốc vào nhà, nói với cái giọng run run như không tin tưởng vào chính mình với mẹ:
- Mẹ ơi, hình như con sắp có cháu.
Mẹ mừng quýnh, hỏi dồn:
- Được bao lâu rồi hả con, có triệu chứng gì không, dùng que thử thai chưa, chồng con biết chưa, đã nói cho ai chưa......?
Rồi nhìn nó ngây ra thì lại cười cười hỏi lại từ đầu. Mẹ cười, mặt đỏ lựng không phải vì điều gì mà bởi làn da của mẹ đã có màu đỏ từ rất lâu rồi. Làn da dãi dầu mà nó đã nhìn thấy từ khi nó chào đời cho đến tận bây giờ, mặc dù đã có nhiều hơn những nếp nhăn so với ngày xưa.
Nó thận trọng trả lời mẹ, và cuối cùng từ hôm ấy, ngày nào mẹ cũng gọi điện ít nhất là 2 lần cho nó để hỏi han và để... biết tình hình. Mẹ dặn:
- Bao giờ chắc chắn thì hãy nói với bố mẹ chồng và chồng con nhé. Kẻo chưa có làm họ mừng hụt thì khó nói lắm con ạ. Mẹ đã nói là có sớm đi có phải tốt không.... còn kế với chả hoạch, làm tao suốt ngày lo cho mày....
Rồi vô thiên lủng nhứng thứ lặt vặt khác. Từ món ăn cho đến nước uống đến hoạt động ngày thường đến việc đi ra đường giữ ấm những phần nào cơ thể là quan trọng nhất..... Hình như ngày xưa, khi mẹ mang bầu nó, bà ngoại cũng từng chăm mẹ như thế mặc dù không có điện thoại để được tiện lợi như bây giờ.
Nó không còn hớn hở chạy xộc vào ôm cổ mẹ mà hét lên một câu : "Con chào U" mỗi lần thăm mẹ nữa, thay vào đấy là mẹ tất tả ra tận cửa xách đồ vào hộ nó mặc dù, phu quân của nó thì lúc nào cũng mang hết trên người để mẹ đỡ phải xách lủng củng rồi.
Nó không còn lượn chợ búa để mua thêm đồ cho vào tủ lạnh vì U lười đi chợ nữa. U sợ con gái lo thầy u không có thức ăn khi đi làm về muộn. Nó đến nhà, mở tủ lạnh lại càu nhàu thầy u ko chịu lo cho bản thân. Ngược lại, nó cũng chả càu nhàu cho được nữa bởi vì nó luôn luôn hiểu rằng mẹ vất vả sớm tối không lo cho chính bản thân được cũng vì mưu sinh cho cái gia đình nho nhỏ.... cũng vì mẹ lo rằng, sau này nó sinh, không có gì cho cháu....
Nó không còn đi những đôi guốc cao lênh khênh để cải thiện chiều cao mà mẹ thấy ngứa mắt nữa. Mẹ thấy điều này làm mẹ vui nhất. Mẹ thường gọi điện cho bà thông gia, buôn chuyện, hỏi han rồi nhờ vả chăm sóc, dù biết bà thông gia giờ đã không thể chăm sóc cô con gái đầu lòng của mẹ như người khác nữa vì chân bà đã không còn đứng vững. Nhưng nó thấy mẹ dường như ít nếp nhăn hơn khi mẹ nói chuyện về đứa nhỏ trong bụng cô con gái của mình.
Nó cũng nghĩ đến mẹ nhiều hơn nữa để mà biết cố gắng vì đứa nhỏ trong bụng. Nó mới bước vào thời kỳ thai nghén có gần 1 tháng mà đã ra nông nỗi này, huống hồ ngày xưa mẹ thiếu ăn thiếu mặc, lại vẫn phải lao động chân tay để mưu sinh. Nó biết, mẹ yếu như vậy thôi, nhưng nghị lực trong mắt mẹ thì lớn lắm. Nghị lực ấy đã giúp ba duy trì cái gia đình nhỏ suốt gần 30 năm qua và cũng chính nghị lực ấy giữ cho gia đình nhỏ của mẹ và của nó được bền vững đến tận ngày hôm nay dù qua bao nhiêu là sóng gió.
Nó mong chờ ngày tháng qua mau để khi đứa nhỏ chào đời, nó được mẹ ôm vào lòng che chở. Còn nó thì hạnh phúc nói với mẹ một câu duy nhất, cái câu mà chính mẹ và tất cả nhà đều mong mỏi cho đứa cháu sớm này rằng: "U ơi, con đã làm mẹ!"