VỀ THĂM QUÊ NỘI

Tác giả Bài
hoa hướng dương
  • Số bài : 17
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 10.10.2007
  • Nơi: Hà nội
VỀ THĂM QUÊ NỘI - 05.11.2007 11:38:02
 


     Đã lâu lắm rồi, hôm nay tôi mới có dịp về thăm Phát diệm, nhân thể về dự đám cưới của cô em họ .Chuẩn bị từ rất sớm mà mãi đến 8 giờ chúng tôi mới có thể xuất phát .Đường về Phát diệm bây giờ cũng dễ đi lắm, không còn nhiều ổ gà , ổ voi như trước - mỗi lần chúng tôi muốn về chơi lại ngán tới rùng mình  vì nghĩ đến con đường sẽ phải đi qua .
      Sáng nay thời tiết cũng khá đẹp, làm cho chúng tôi phấn chấn hẳn lên. Bây giờ đang là mùa gặt,người dân phơi hết rơm trên đường cái .Mùi rơm thơm thoang thoảng,với những cơn gió nhẹ mang theo hương lúa chín càng làm cho chuyến đi của chúng tôi thêm thú vị .
     Chẳng mấy chốc mà chúng tôi đã vào đến thị trấn . Ồ ! Sao thị trấn lại thay đổi nhiều và nhanh đến như vậy ?Hai bên đường không còn những ngôi nhà thấp lè tè như xưa mà thay vào đó là những ngôi nhà 2 - 3 tầng mang dáng dấp thị thành với những cửa hàng kinh doanh buôn bán kề bên nhau san sát .Tuy việc buôn bán không sầm uất nhưng cũng đủ làm thay đổi bộ mặt của thị trấn ,điều đó nói lên rằng người dân phát diệm không còn nghèo khó .
      Ghé qua chợ Nam dân - ngôi chợ đã hình thành từ rất lâu ,đến nỗi tôi không thể nhớ chính xác nó ra đời từ năm nào .Nhưng theo lời ba mẹ của tôi kể lại,nó đã có từ khi ba mẹ tôi sinh ra .Ngày xưa, Kim sơn nổi tiếng với nghề dệt chiếu cói và những sản phẩm thủ công được làm từ cói .Người dân thường đem bán sản phẩm của mình ở chợ này .Mỗi lần tới phiên,chợ cứ đông nghịt người .Người bán bày la liệt đủ loại : chiếu cải ,chiếu đậu , chiếu hoa ... nhiều vô kể .Người mua từ tứ xứ đổ về ,mua mua , bán bán rất là nhộn nhịp .Bây giờ chợ đã được sửa sang nhiều ,không còn lều quán lụp xụp nữa , chợ cũng bày bán nhiều mặt hàng hơn .Ngoài chiếu của dân ta làm, còn có cả chiếu tăm, chiếu cỏ, nhập từ biên giới Trung quốc nữa .
Chúng tôi tranh thủ mua vài thứ đồ  lưu niệm làm bằng cói Kim sơn ,nhìn đến là tinh xảo .Chúng được làm bởi những bàn tay khéo léo của người thợ Phát diệm.Những chiếc mũ thật đẹp, vài cái giỏ xách tay xinh xắn, vài cái hộp đủ kiểu vuông ,tròn ... Những thứ đó tôi sẽ mang về làm quà và khoe với bè bạn bằng tất cả sự tự hào mình đã là con cháu của  người dân Phát diệm nơi đây . 


Dạo quanh chợ một lúc, chúng tôi trở ra đi về phía  nhà đá Phát Diệm - một nhà thờ nổi tiếng  nhất miền Bắc nước ta, có từ thế kỷ 19. Ngày xưa, mỗi lần về thăm quê, tôi thực sự sung sướng khi mỗi buổi chiều lại được nghe tiếng chuông của nhà thờ đổ dài ngân nga mãi với cảm giác thanh bình hiếm gặp ở những miền quê khác .Tôi tuy không phải dân theo đạo Thiên chúa nhưng những tiếng nguyện cầu, hoặc tiếng đọc kinh Thánh của những nữ tu từ phía nhà Dòng  đã khiến cho ký ức của tôi không thể nào quên được thuở ấu thơ êm đềm .
   Bứt ra khỏi ký ức, trước mắt tôi là con đường đi vào nhà thờ, trước kia được lát bằng những phiến đá xanh to chừng nửa mét vuông, bây giờ đã được thay  bằng con đường rải nhựa, đủ rộng để đón những chiếc xe ca, xe con chở khách du lịch tới thăm .Hai bên đường toàn là cửa hàng lưu niệm, hoành tráng không khác gì những cửa hàng ở  Hà Nội, có khác chăng là những cửa hàng ở đây bán nhiều tranh Thánh và đồ cói mỹ nghệ hơn. Đẹp quá !Chỉ tiếc rằng... giá như hai bên đường có nhiều cây xanh hơn thì chúng tôi cũng phần nào bớt đi cảm giác nóng nực bởi cái nắng giữa trưa này .

         Đến trước cổng vào nhà thờ, tôi đã thấy hàng chục chiếc xe du lịch đưa khách thập phương tới tham quan. Khách tây, khách ta đủ cả ,tuy đông người là thế nhưng tôi vẫn thấy mọi người cố gắng giữ yên tĩnh cho phù hợp với cảnh thanh bình của nhà thờ . Mọi người toả ra các phía ngó nghiêng, trầm trồ, còn tôi nhanh chóng tìm đến gác chuông, nơi ấy có một cái chuông rất lớn. Tôi vội vàng cởi ba lô và lăn ra cái chiếu đá đặt ngay dưới gác chuông. Gọi là chiếu đá vì nó được làm từ  phiến đá to, cỡ chừng 2 cái chiếu  lớn gộp lại .Nghe nói, để mang được phiến đá này về đây,người thợ ngày xưa đã phải đổ bao xương máu .Ngày bé, tôi đã cùng với anh chị em chạy ào tới đây rồi nằm khểnh nhìn lên gác chuông vào những ngày hè nóng bức .Nằm ở đây mơ mộng và trò chuyện đủ thứ trên đời, chẳng khác nào được hoà mình với đất trời lộng gió, sảng khoái lắm, dễ chịu lắm .Bây giờ cũng thế, dường như ở nơi này chỉ có sự yên bình, chỉ có sự ngọt ngào mà Thượng đế ưu ái ban cho .
        Nói thật, nếu không có nếu như không có những du khách đang cùng ngồi ở đây để thưởng thức bầu không khí nơi này, có lẽ tôi sẽ lăn ra ngủ mất trong vòng tay của Chúa .
Mãi vui chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhà thờ, tôi đã không hay biết mình đã ở đây gần hai tiếng đồng hồ. Nếu không có mấy người đi cùng đoàn nhắc nhở, tôi đã quên khuấy nhiệm vụ chính là về đây tham dự lễ cưới của cô em họ.
      Nhà cô em họ tôi ở gần cầu Ngói - cây cầu nổi tiếng nhất Phát Diệm. Khi dẫn dâu, chắc chắn phải qua cây cầu này mới sang được nhà chú rể ở bên kia sông. Nhà gái, nhà trai ở gần nhau nên chọn cách đi bộ. Vậy càng hay, tôi lại có dịp đi qua chiếc cầu đầy kỷ niệm. Đoàn người dẫn dâu đi ngang qua cây cầu chừng 50 m, được thiết kế theo kiểu Trung Quốc, mái được lợp bằng ngói ta, vòm mái cong cong đầy thơ mộng, hệt như trong phim cổ trang vậy. Tôi đi giữa đoàn người nên chốc chốc lại nhào ra ngắm những đám lục bình dập dờn, dập dờn trên dòng nước. Cũng trên chính chiếc cầu này, ngày xưa tôi đã có lần đứng trú mưa hàng giờ mà không hề có cảm giác bồn chồn, nóng ruột. Tôi cứ ở trên cầu nhìn xuống lòng sông, mắt dõi theo bong bóng nổi trên mặt nước đỏ phù sa, trôi xa, xa mãi...

      Bây giờ thị trấn đã thay đổi, chiếc cầu trở nên cũ kỹ hơn, và có lẽ lâu ngày không được tu sửa nên có vẻ già nua hơn tuổi tác. Nó lọt thỏm trong khung cảnh mới mẻ của thị trấn nom bé bỏng đến tội nghiệp.
     Thế là cuối cùng tôi đã kết thúc chuyến đi với bao cảm giác đan xen lẫn lộn. Vừa vui, vừa tiếc nuối. Tôi càng vui hơn vì lại được uống rượu Kim Sơn nổi tiếng, được ăn cả gỏi cá kim Sơn ngon đến nỗi không nơi nào sánh được. Hương vị của chúng còn theo tôi mãi tận bây giờ. Quê tôi đã khác xưa nhiều lắm. Chỉ có tình người dân quê tôi và những kỷ niệm về miền quê yêu dấu trong tôi là chẳng thay đổi tẹo nào.

Ta đi nhặt niềm tin và hy vọng
Nhặt tia nắng hồng sưởi ấm trái tim yêu