NhàQuê
-
Số bài
:
2270
- Điểm: 0
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 12.12.2006
|
RE: HƯƠNG ÁO-thơ LUÂN TÂM
-
14.03.2009 23:09:09
Đọc Tập Thơ HƯƠNG ÁO của Luân Tâm Nguyễn Phụng Cựu Sinh Viên QGHC, Khoá Đốc Sự 11 & Cao Học 3, Ph.D, Giáo Sư Đại Học North Carolina, USA. Hương Áo* là một tập thơ đặc biệt. Đặc biệt vì đó là một tập thơ dày cộm và mỗi bài thơ mang một số thứ tự để người đọc dễ tìm hay dễ nhớ. Điều hiển nhiên là giá trị thi ca của tập thơ không tùy thuộc vào số lượng bài thơ; đó là trường hợp của T.T. Kh. hay Trần Bích Tiên, tác giả này chỉ đến với người đọc qua một bài thơ độc nhất, "Nói Với Em Lớp Sáu" nhưng vẫn được nhiều người đọc miền Nam nhớ tên. Tuy vậy, với 360 trang chữ nhỏ chi chít và 151 bài thơ dài dằng dặc, Hương Áo thật là đặc biệt. Đặc biệt hơn nữa là Hương Áo không phải chỉ là một tuyển tập những bài thơ tình -- hầu hết mọi thi phẩm dù trơ trọi đến mấy cũng chỉ là một tuyển tập thơ tình -- mà còn là một chuyện tình, một chuyện tình đẹp và buồn, bắt đầu từ quê hương miền Nam, Sài Gòn, Bến Tre, Long An và trôi giạt đến xứ Cờ Hoa này. Chuyện tình đó được lược lại trong mấy trang dưới đây với vài ghi nhận về hương vị thi ca gói ghém trong câu chuyện. Ngày xưa, khi yêu nàng, tác giả Hương Áo, Luân Tâm, đến với nàng bằng thơ, nhưng anh không biết làm thơ nên chỉ đọc thơ của thiên hạ để làm quà cho nàng khi nàng không giận hờn: Anh chẳng biết đàn, chẳng biết ca Đọc thơ thiên hạ để làm quà Cho em những lúc em không giận Em cũng mừng vui, cũng thiết tha. (Liêu Trai) Anh đọc nhiều thơ lắm -- thơ Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nhất Tuấn, Nguyên Sa… -- và đọc với giọng trìu mến, thiết tha. Ý thơ và giọng đọc của anh làm thành nhịp cầu thương yêu bắc qua giòng sông ngăn cách ban đầu và đưa đến tình yêu thơ mộng của nàng. Tình thương yêu của nàng nở hoa kết nụ thắm tươi; anh cảm ơn nàng và cảm ơn đời. Và từ đó họ thành đôi uyên ương, xây dựng một gia đình "như cổ tích như thần tiên" với người vợ hiền "như hoa đồng nội" trang điểm cho cuộc đời và "như nắng ấm đầu xuân" đem sự đầm ấm cho mai sau. Biến cố đau thương tháng 4 năm 1975 phủ xuống miền Nam. Như bao nhiêu người trai trẻ và trí thức khác, anh bị đẩy vào lao tù cọng sản, chịu bao đọa đày thân xác, khổ nhục tinh thần và chứng kiến sự kém cõi, u mê của kẻ giam cầm và hành hạ anh. Anh đi tù biệt xứ, nàng phải phấn đấu với cảnh áp bức, nghèo khó cùng cực để nuôi con và lặn lội thăm anh. Trong hoàn cảnh khốn khó đó, nàng tỏ ra là người vợ hiền, chung thủy và đảm đang. Phần anh, trong những ngày tháng khổ nhục và uất ức trong tù, tình yêu thương của nàng là hy vọng và nguồn sống của anh. Anh quyết phấn đấu để chờ ngày về sum họp. Và sau bao nhiêu năm dài ngày đó đã đến. Tuy sum họp với vợ con nhưng không kham nỗi một chế độ không tình người, bộ lạc và bán khai, anh và gia đình tìm đến đất tự do Hoa Kỳ. Tại xứ tự do này anh lại phải đối đầu với nhiều thứ khó khăn khác; nhưng đã có nàng; nàng đã giúp anh quên bớt nỗi buồn tha hương và xây mộng ngắn mộng dài cho một cuộc đời mới. Với tình yêu thương và bàn tay của nàng, mộng của anh đã thành sự thật; anh đã gầy dựng một mái nhà và một cuộc sống êm ấm trên quê hương thứ hai. Nhưng không may cho anh và nàng, gia đình chưa hưởng được hạnh phúc mới bao lâu thì nàng bị bạo bệnh: Đất khách tảo tần chưa năm năm Mua ngôi nhà mới chưa kịp nằm Bỗng dưng sấm chớp tan tình điệu Bệnh ngặt giữa đường tuyết lạnh căm (Đường Phai Nắng) Cơn bệnh khiến nàng thành người bất lực, không thể tự lo cho chính mình và lo cho chồng con. Anh thay nàng lo cơm nước cho gia đình và cố an ủi nàng: Em cực nhiều rồi, lo nhiều rồi Cũng cần ngơi nghỉ… chỉ thế thôi Cơm canh anh vẫn lo xong được Con vẫn bên em vẫn nói cười …………………. Ốm đau tình vẫn nở thành thơ! Kể như em nghỉ tay làm bếp Trời nắng trời mưa chuyện bất ngờ Cơm nóng canh ngon đã sẵn chờ! (Hương Áo) Và đáng buồn hơn là cơn bệnh ngặt nghèo đó cướp đi tiếng nói ngọt ngào của nàng, tiếng nói đã bao lần làm anh phải ghen tuông vì tiếng nói đó có thể làm cho anh mất nàng: Giọng nói ngọt ngào ai cũng khen Họ hàng người lạ lẫn người quen Say mê yên lặng nghe em nói Làm anh lo sợ làm anh ghen! (Hương Áo) Và từ đó anh và nàng trao đổi tâm tình với nhau bằng tiếng nói thầm lặng. Với tiếng nói thầm lặng đó anh vẫn hiểu nàng như xưa; hiểu nàng lúc nàng buồn, hiểu nàng khi nàng vui: Im lặng nhìn nhau lòng hiểu lòng Cần gì nói chuyện quá viễn vông Em vui anh biết, buồn anh biết Tuy gọi một đôi… chỉ một lòng! (Hương Áo) Và điều tối hậu anh muốn nàng ghi nhận là dù nàng đau yếu, không nói nên lời, nhưng anh may mắn vì vẫn còn có nàng; anh may mắn vì được sống bên nàng cho trọn kiếp người: Dẫu bệnh mà em vẫn còn đây Cho anh được sống trọn kiếp này (Hương Áo) Từ đó cuộc sống anh hoàn toàn thay đổi; anh thay nàng lo cho các con, đút cơm nước cho nàng, giúp nàng làm công việc mà nàng không thể tự làm và đọc thơ cho nàng nghe. Đọc thơ thành ra một sinh hoạt thường nhật trong gia đình, một sự trao đổi giữa hai tâm hồn, một niềm vui và một lẽ sống của anh và nàng. Với nàng, không một một cử chỉ thương yêu nào qua giọng đọc của anh mà nàng không nhìn thấy; không một âm thanh nào nàng không ghi nhận; không một khoảng yên lặng nào mà nàng không hiểu, nhất là những khoảng yên lặng nói chẳng nên lời vì cảm xúc quá mạnh, khoảng yên lặng sấm sét của cơn giông hè trước khi trời đổ mưa. Với anh, đọc thơ cho nàng nghe là sự đền đáp cho tình yêu của nàng đối với anh và là một cố gắng để cùng nàng sống lại những ngày xưa tươi đẹp.** Và rồi đọc thơ cho nàng nghe bỗng nhiên trở thành một phép lạ nhiệm mầu… Một chiều, như thường lệ, anh đọc thơ. Anh đọc bài Tương Tư của Nguyên Sa để nhắc lại tình yêu si mê của anh đối với nàng ngày xưa, nàng bỗng nhiên cất lên tiếng nói… Anh đã nghe lại tiếng nói của nàng… anh khóc lên vì vui mừng… Anh cảm ơn trời đất; đó là một ơn phước to lớn mà anh không bao giờ hiểu nỗi. Có lẽ ngày xưa, đã bao lần nàng nghe anh đọc bài thơ này, nàng thấu hiểu mối tình si mê này và đã giam giữ nó vào một chỗ trang trọng nhất trong tim óc nàng. Chiều đó, cũng đó với sự trìu mến đó và cũng với tần số rung động đó, giọng đọc anh đã tìm đến đúng nơi nàng chôn giữ khối tình si của anh, nên nàng thốt nên lời. Từ đó, đọc thơ cho nàng nghe là niềm hy vọng của gia đình. Một ngày không đọc thơ là một ngày bỏ qua, một ngày không nghe thơ là một ngày vô vọng; mọi việc kể từ ngày đó, dù là tiếp tục, cũng là bắt đầu. Anh cần phải bắt đầu đọc nhiều, đọc nhiều để nàng nói nhiều và nói líu lo như ngày xưa: Mưa gió cũng qua nắng đẹp lên Rồi em hết bệnh anh vẫn hên Rồi em lại nói cười đầm ấm Anh một bên và con một bên! …………….. Anh muốn em đừng nghĩ viễn vông Ngày mai nắng đẹp gót chân hồng Em anh lành bệnh đời thêm mộng Tay ấm bàn tay lòng ấm lòng! (Hương Áo) Mấy bài thơ của Xuân Diệu, Đinh Hùng, Hàn Mặc Tử, Nguyên Sa ngày xưa anh thì thầm bên nàng, anh đã đọc nhiều lần rồi; biết tìm đâu ra những bài thơ hợp với sở thích của nàng, gây được sự rung cảm nơi nàng? Nàng cần được nghe đọc thơ, nàng cần được chiều chuộng, nàng cần sự rung cảm… và vì sự cần thiết đó anh phải làm thơ. May mắn cho anh, nhờ tình yêu của nàng mà anh biết làm thơ: Hò hẹn hay không vẫn đợi chờ Yêu em anh bỗng biết làm thơ (Tình Tứ) Thơ anh ghi lại tình nàng, và đặc biệt hơn nữa, chỉ đến với nàng qua âm thanh trầm bỗng của giọng đọc của anh. Có lẽ anh chẳng bao giờ để ý đến câu nói bất hủ của John Stuart Mill ,"Eloquence is heard, poetry is overheard", nhưng từ một chỗ nào đó sâu kín trong tiềm thức, anh đã nắm bắt được hàm ý của lời nói đó. Anh đọc thật êm dịu nhưng rõ ràng để mỗi âm thanh khi đến với nàng biến thành một hình ảnh, hình ảnh ngày mới quen nhau, những lần đưa đón hẹn hò tại Bến Tre, Long An, trường Quốc Gia Hành Chánh hay Văn Khoa... Mỗi bài thơ là một bức tranh lung linh, huyền ảo của ngày xưa, đưa nàng về khoảng thời gian thơ mộng, tươi đẹp nhất của cuộc đời. Và như thế anh đọc thơ cho nàng nghe, đọc trong những đêm dài săn sóc nàng hay những lần đẩy xe lăn cho nàng đi dạo để ngắm nắng chiều, bướm trắng và màu hoa áo: Xe lăn ngơ ngác đường phai nắng Bướm trắng bay theo hoa áo vàng (Đường Phai Nắng) *** Ca ngợi tình yêu bằng thơ thì tuyệt vời vì thơ là đối tượng của tiếng nói, nhất là tiếng nói tình yêu. Và tình yêu đôi lứa của anh và nàng thật là thơ vì xây trên ân tình: hy sinh cho nhau, mang ơn nhau và giữ tình cho nhau. Nàng một thời nhan sắc khuynh thành, nhưng anh không mang ơn nàng vi` "ngực ngãi môi trầm" theo kiểu Du Tử Lê, mà vì nàng là nguồn thơ của anh; và nàng, trong những ngày đau yếu, mang ơn anh, vì ý và nhạc trong thơ anh là lẽ sống và hy vọng của nàng. Anh làm thơ để viết tên nàng, nhưng không viết theo kiểu Paul Éluard -- viết tên người yêu trên bóng đêm huyền diệu, trên thỏi nắng chói chang của ngày dài, trên đôi cánh chim, trên chân trời… : Sur les merveilles des nuits Sur le pain blanc des journées Sur les saions fiancées J'écris ton nom Sur les champs sur l' horizon Sur les ailes des oiseaux Et le moulin des ombres J'écris ton nom (J'écris ton nom, Paul Éluard) Anh làm thơ để viết tên nàng, Luân, ngay trong thơ anh với nhiều cưng chiều: Áo mới làm duyên để anh cưng Tóc trưa vừa gội vẫn thơm lừng Không làm cô giáo thêm tình tứ Anh nguyện trọn đời gọi tên Luân! (Trăm Nhớ Ngàn Thương) Và anh viết tên nàng, Luân, với chút đùa cợt nũng nịu: Nũng nịu chút chơi để anh cưng Đút ăn đút uống anh càng mừng Như những ngày xưa anh mơ ước Trọn đời bồng ẳm chị Tư Luân (Hương Áo) Luân Tâm là tâm của Luân (hay tấm lòng của Luân, tấm lòng của nàng). Anh làm thơ để ca ngợi cái tâm đó, cái tâm của sự bao dung trong tình yêu, của ân nghĩa trong tình vợ chồng và của sự hy sinh cho gia đình trong những ngày anh bị đày đọa trong trại tù cọng sản, trong những ngày nghèo khổ tiếp nối và những ngày khó khăn trên xứ lạ quê người. Cái tâm của Luân vời vợi bao la như cái "tâm" mà nàng Thúy Kiều của Nguyễn Du đã thấy một đêm nào trên trời cao với "nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời" (心). Anh viết "Luân Tâm" dưới mỗi bài thơ như lời tạ tình cho nàng; anh viết "Luân Tâm" dưới mỗi bài thơ gởi cho bạn bè, những người yêu mến nàng và hiểu nỗi khó khăn đau khổ mà nàng đang trải qua; anh viết "Luân Tâm" dưới bài thơ đắc ý nhất để nhờ nhà danh họa Vũ Hối chuyển thành bức thư họa tuyệt vời để làm quà cho nàng. *** Luân Tâm làm thơ để vuốt ve cơn đau của người bệnh bị mất hết khả năng sinh hoạt bình thường và tiếng nói loài người. Người bệnh hao mòn vì cơn đau thể xác và tiếc nuối một thời đã qua, trôi giạt giữa thực tại và mộng tưởng, suy tư trong một khung cảnh cấu thành bởi nhiều mãnh vỡ của quá khứ và tương lai. Thơ đọc cho nàng nghe -- thơ với nhiều nhạc tính, biến điệu, biến thể, điệp khúc và màu sắc -- là liều thuốc chữa cơn đau và ru bệnh nhân vào giấc ngủ ít mộng mị và vài giấc ngủ êm đềm… Thơ Luân Tâm là tiếng nói của tiềm thức, một tiềm thức sâu thẳm, ghi nhận đầy đủ hình ảnh và âm thanh của tất cả biến đổi vui buồn của tình yêu đôi lứa, gia đình, quê hương và đất nước. Khi tiềm thức khơi dậy, hình ảnh và âm thanh ghi nhận bấy lâu vượt thoát ra ngoài và đó là thơ Luân Tâm. Thơ Luân Tâm như giòng nước tuôn trào lai láng, lắm khi băng qua vài quy ước thông thường về chữ nghĩa và hình ảnh. Người đọc chắc sững sờ vì chàng si tình của Luân Tâm trong tuổi đôi mươi mà còn "bú tay" như trẻ thơ; và người đọc cũng phải gắng gượng lắm mới tưởng tượng ra hình ảnh "chó điên cản đường", "buồn trưa cỡi bò", hay "chó già mèo trẻ" chung vui: Sững sờ cây trả áo xanh Trời thương biển nhớ cũng đành...bú tay! Tình câm còn bóng hôn gầy Em hoa chùm gửi ta dây bìm bìm Áo quan nào cũng được khiêng Bàng hoàng nắng rụng chó điên cản đường... (Trả Áo Xanh) Ngậm ngùi cắt rún chôn nhau Nhện con rách lưới hàng rào buồn thưa Vàng hoa nắng bướm đời xưa Điệu ru nước mắt buồn trưa cỡi bò Trầu tàn cau cũng chết co Chó già mèo trẻ giả đò chung vui (Khô Hoa) Nhưng mừng thay, Luân Tâm không đi quá xa như nhiều nhà thơ siêu thực. Thơ anh không hề ngụ ý thuyết phục người đọc rằng ý thức đóng vai trò thứ yếu so với tiềm thức trong việc thai nghén và hoàn thành bài thơ để biện minh cho những ý thơ không hình thù, nối kết nhau vu vơ; thơ anh không chuyên chở lời phàn nàn rằng ngôn ngữ bất lực trong việc diễn đạt tiếng nói huyền ảo của tiềm thức để bênh vực cho lối dùng ý thơ và ngôn từ mới lạ nhưng tẻ nhạt, khô cứng. Hương Áo không phải là một tập truyện thơ nhưng lại gói gém một chuyện tình, một chuyện tình đẹp và buồn. Tuy vậy, người đọc dù không biết gì về câu chuyện tình đó vẫn cảm nhận được hương thơ toát ra từ Hương Áo. Dù không biết gì về câu chuyện tình lâm ly giữa Roméo và Juliet, người rành điệu khi nghe hòa tấu khúc Romeo and Juliet của Tschaikovsky vẫn thưởng thức và ngợi khen nét nhạc tuyệt vời, biến chuyển theo từng gút mở của câu chuyện. Nhận xét này là một cách nói cầu kỳ nhưng diễn đạt được một điều đáng nói về Luân Tâm: Hương Áo rất là thơ: Thơ tình yêu đôi lứa thật là ý vị: Có hai con bướm theo rình Hôn nhau để dạy chúng mình ...học hôn? (Ca Dao) Anh xin làm gió xuân tha thiết Hôn trộm một lần thật ... đắm say! (Tình Tứ) Thơ tình mẹ đậm đà và bao la: Mẹ nuôi được một con heo Bao nhiêu nồi cám, nồi bèo sớm trưa Mà tiền chẳng đủ để mua Cho con áo mới lên chùa dâng hương Quản bao dãi nắng dầm sương Quanh nhà bầu bí mướp hương mấy giàn Bạc hà hành hẹ dưa gang Khế chua bưởi ngọt bên hàng xoài tơ... (Giấc Ngủ Chưa Yên) Thơ tình quê hương rất thiết tha: Nắng gắt trưa hè rộn tiếng ve Chuồn chuồn nghiêng cánh hôn bóng ghe Ngày mai có lẽ trời mưa lớn Đám mạ xanh màu áo mới khoe Gà gáy dâng buồn tiếng võng trưa Con chim chích nhỏ ru bóng dừa Lá sầu riêng rụng khô bờ giếng Hoa cải thẩn thờ nhớ tiếng mưa (Tình Quê) Và thơ thân phận người trai miền Nam sau tai họa tháng 4 năm 1975 thật là thấm thía: Vui vẫn khóc, buồn vẫn cười Bao nhiêu ngang trái tại người? tại ta? Mất quê hương không cửa không nhà Không tình không nghĩa hay là không không? (Cỏ Hoang) *** Hương Áo rất riêng tư, chỉ viết vì một người và chỉ đọc cho người ấy nghe. Hương Áo tuy không "rao bán" nhưng không sợ "người đời thóc mách xem". Một người đọc dù thóc mách nhưng với một chút bình tâm cũng cảm nhận ngay rằng chuyện tình Hương Áo rất đẹp, ân nghĩa, thủy chung; và thơ Hương Áo rất hương vị, hương vị của chiếc áo đã nhốt thời gian và thương yêu của một cuộc tình say đắm. Nguyễn Phụng Raleigh, North Carolina Tháng 3/2008 ________________ (*) Luân Tâm Phan Văn Tám (Cao Học 3, Ban Hành Chánh) đóng góp thường xuyên cho Tập San Hành Chánh Miền Đông và Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Đốc Sự 14. Hương Áo không đề giá bán. Bạn đọc và đồng nghiệp có thể liên lạc với Luân Tâm tại 18504 Denhigh Circle, Olney, MD 20832 (**) Đầu thập niên 1970 nhiều sinh viên và cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh tìm đọc Má Hồng của nhà văn Quốc Gia Hành Chánh Đỗ Tiến Đức. Má Hồng trúng giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1969 và làm nhiều người đọc ưu tư về nền hành chánh và vai trò của những Phó Đốc Sự như Phó Quận Trưởng Đạm, nhân vật chính của Má Hồng. Người Phó Quận trẻ này thật là tệ. Trong hoàn cảnh khó khăn của nền hành chánh địa phương lúc bấy giờ, Đạm, cũng như các Trưởng Ty Bưu Điện, Thanh Niên…, không một chút ý thức nào về trách nhiệm, quản trị, kỹ năng hay hữu hiệu. Tựu trung, anh chỉ là cái máy đi tìm ái tình vặt và kết quả là anh là người có nhiều người tình nhất trong đám bạn bè. Người hành chánh phải chu toàn việc nhà rồi mới lo nổi việc nước. Không ai có thể phàn nàn Đỗ Tiến Đức vì tác giả nói lên một sự thật; nhưng đó chỉ là một trong nhiều sự thật; còn có biết bao nhiêu sự thật về sự hy sinh cao quý cho việc nước và sự tận tụy toàn vẹn trong việc nhà của những người Quốc Gia Hành Chánh khác. Nước đã mất, nhiều mái nhà đã suy sụp, không biết chúng ta phải nghĩ gì về việc nhà của những người như Phó Quận Trưởng Đạm và câu chuyện tình nhà êm ấm gói ghém trong Hương Áo? (Trích trong Tập San"Hành Chánh Miền Đông"(Tiếng nói cuả Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Miền Đông Hoa Kỳ),số 14,Xuân Kỷ Sửu 2009,tr.170-180)
|