NhàQuê
-
Số bài
:
2270
- Điểm: 0
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 12.12.2006
|
RE: HƯƠNG ÁO-thơ LUÂN TÂM
-
21.11.2007 04:38:11
100. lạnh Còn biết về đâu? Đã hết hơi? Sương tàn đêm lạnh hết sao rơi Em đi anh cũng thành nhang khói Không thể nhờ trăng nhắn một lời... Xin chút hương xưa thật bình yên Như hoa mai trắng bướm khoe duyên Như mùa thu cũ trăng hiền dịu Như gót hoa hồng thơm tóc tiên Từ nay không thể gọi tiếng yêu Mưa nắng tàn phai hết áo chiều Gió cát làm đau mầm hoa cỏ Ai biết dỗ dành biết nâng niu Chữ nghĩa cũng tan biến âm thầm Tay chân để bụi bám nhện giăng Chuyện lòng không dệt thành thơ mới Hồn cũng tan rồi khỏi viếng thăm! Mộng ước nào dành cho thế nhân Nghìn sau áo vẫn còn hương xuân Sợ đường khổ lụy đời đen bạc Than khóc tội tình tủi... cố nhân! Anh suối nghìn xưa lạc mất nguồn Quằn quại ôm triền đá ngóng sương Còn hạt mưa rừng về thăm viếng Còn chút ngọt ngào mây tiếc thương? Em đi sông biển cũng long đong Bao đêm chăn gối rượu thương hồng Bao nhiêu thơm ngọt say tình điệu Sao nỡ treo tình cửa... hư không? Không đợi cùng đi? Không để dành ? Xin cho vài phút... Đừng bỏ anh Xin kịp chỉ đường xin hẹn lối Kiếp khác cưng hoài không dấu quanh! Sợ con thơ dại sớm mồ côi Bể hận mênh mông che mặt trời Sống chết hai đường đều đứt ruột Bạc đầu sóng nước lạnh lùng trôi! Đầu óc vỡ tung lạnh mười phương Lạnh trong xương tủy lạnh chiếu giường Hương thừa bóng cũ trêu chăn gối Mưa gió đào sâu biển đoạn trường Thoi thóp cuối bờ muối biển khô Hồn tan theo hương áo mơ hồ Bàng hoàng nghe núi than rừng khóc Trăm nhớ ngàn thương chỉ là... mơ? Luân Tâm MD 08/08/05 R LuânTâm: Thi Sĩ Chung Tình Lãm Thúy Ngày kỷ niệm Chúa ra đời cũng sắp đến, Lãm Thúy gửi bài viết này đến quí vị, cũng coi như một món quà để đêm thêm đầm ấm, tình thêm thiết tha, nghĩa thêm mặn nồng. Nói vậy, chắc quí vị cũng đoán được là Lãm Thúy sắp mời quí vị đi vào cõi thơ của ai. Xin thưa, lần này thì quí vị đoán đúng. Chúng ta sắp đi vào cõi thơ SIÊU THỰC của nhà thơ chung tình: LUÂN TÂM. Thiển nghĩ thơ tình Luân Tâm phảng phất chút gì của tính thái quá: đau khổ thái quá, say đắm thái quá nồng nhiệt thái quá, gợi cảm thái quá…Hình như đôi lúc có những ngôn tự nồng đượm gối chăn, bay bổng cảm xúc, nên trong một góc cạnh, chừng hạn nào đó, có thể gợi lên trong lòng người đọc cảm nghĩ e thẹn, bối rối… Thử đọc: Dìu nhau lên đỉnh non cao Sương rơi gió thoảng, hôn nhau điên cuồng Nổi trôi tận suối, tận nguồn Mò trăng đáy nước, tìm hương ven đồi. (Ngọt Ngào, L.Tâm) Chỉ bốn câu thôi mà diễn tả được cả một trời cực lạc. Suối nào, nguồn nào chìm đắm, nổi trôi? Trăng nào mò nơi đáy nước? Hương nào tìm chốn ven đồi? Thật là những ẩn ngữ tuyệt vời! Mấy câu thôi mà chứa đựng biết bao điều kỳ thú, tha hồ tưởng tượng, tha hồ mộng mơ… Ngừng một chút ở đây để nhắc về một nhà thơ lừng danh: Lưu Trọng Lư. Người ta biết về ông qua những TIẾNG THU, MỘT MÙA ĐÔNG với: Con nai vàng ngơ ngác Đạp trên lá vàng khô Hoặc: Đôi mắt em lặng buồn, Nhìn thôi mà chẳng nói Tình đôi ta vời vợi Có nói cũng không cùng… Chứ ít ai biết đến một bài thơ thật NGƯỜI mà ông đã viết. Chắc quí vị biết mấy ông thi sĩ đời xưa ngon hơn thi sĩ đời nay nhiều! Họ có thể bỏ nhà đi lang thang một thời gian dài mà trở về vợ chẳng dám nói gì. Cụ Lưu Trọng Lư ta như vậy đó, mãi đến khi: Trông nàng môi nhạt màu son Giật mình ta nhớ vợ con ở nhà May phước, chứ nếu cô ca kỹ này mà môi thắm hoài thì thi sĩ nhà ta đâu có chịu trở về nhà để: Ngoan ngoãn như con cừu non dại Cỏ quanh vườn cắn mãi còn ngon ! Lãm Thuý đọc bài thơ đó rất thích, nhất là hai câu cuối: Đêm nay, hoạ có mình ta Đốt hương trầm cũ chờ ma dạo đàn. (Giang Hồ, L.T.Lư) Thích thì thích thật đó, nhưng cứ tủi thân hoài, vì người vợ chỉ là hình ảnh nhạt nhoà, héo úa… Hèn chi các cụ ta hay nói: Văn mình, vợ người. Cái cảm giác tủi thân cứ bám theo mình mãi, cho đến khi cái ông thái tử bên Anh Quốc cưới vợ. Một cô bạn nhận xét: “Em thấy quá thất vọng khi ông lấy một người đàn bà già nua, xấu xí như vậy, trong khi bao nhiêu người phụ nữ trẻ đẹp đang chờ ông ngỏ lời…” Lãm Thuý không đồng quan điểm này, trái lại, thấy vui mừng và thêm lòng tự tin. Ít ra điều đó cũng nói lên được rằng có những người đàn ông trên đời này yêu người đàn bà vì tính tình, vì sự hòa hợp. Đến khi đọc thơ Luân Tâm, Lãm Thuý thật sự yên lòng. À! Thì ra trên đời cũng còn những người đàn ông yêu mãi một người đàn bà, dù cả khi người ấy ốm đau, hoạn nạn, không còn tự chăm sóc được cho mình. Đẹp đẽ thay! Cảm động thay! Đáng quí thay! Có lẽ tình yêu đó được nuôi dưỡng từ những ngày đầu nên thơ, lãng mạn: “Cõng em qua phố, đường trơn quên về Nghĩ mình chân đất, áo quê Bây giờ bỗng được cận kề Tiểu thư Cảm ơn mưa đã nhân từ Khiến nàng tiên đẹp không từ chối ta, Vui cùng trời đất bao la Em cười e thẹn, thịt da thơm lừng. (Đời Còn Hoa – Luân Tâm) Thật là những câu thơ chân thành, hồn nhiên, làm Lãm Thuý tưởng tượng nhà thơ siêu thực của chúng ta lúc ấy mở rộng hết những giác quan ra mà thưởng thức cái diễm phúc bất ngờ ấy. Chỉ cảm ơn cơn mưa thôi còn chưa đủ, phải cảm ơn cả đôi guốc cao gót nữa đó nghe thi sĩ! (Người bạn cùng sở nghe Lãm Thuý đọc thơ, buột miệng nói: Không thịt da ai thơm bằng vợ Luân Tâm. Làm Lãm Thuý nhớ đến Nàng Hương Phi.) Đùa chút cho vui, trở lại với tình yêu thắm thiết ấy là nỗi nhớ thương tràn ngập, đắm say: Nhớ tiếng cười vui như gió xuân Nhớ bàn tay nhỏ, dáng thiên thần Khói sương thơm tóc mơ tình sử Giọng nói chim ca, bước ngập ngừng! Cười vui như gió xuân, dáng như thiên thần, tóc thơm sương khói, giọng nói du dương, bước đi yễu điệu, quả là một giai nhân tuyệt sắc, vậy mà chưa hết đâu, nghe tiếp đây nè: Gặp gỡ mùa thu, áo mộng nào Hàm răng tình tứ nhớ thương sao Về mơ sao rụng hôn dòng tóc Đầm ấm vòng tay, thơm má đào! (Hương Nhớ - Luân Tâm) Thấy chưa? Tình yêu nồng nàn ấy còn nuôi dưỡng bởi những niềm khát khao nóng bỏng đắm say: Đường cũ trăng xưa, đêm ngại bóng Thương nhớ điên cuồng nát thịt da! Thật là một cách diễn tả cực mạnh. Chỉ có thịt da thương nhớ thịt da mới tan nát điên cuồng đến vậy. Khủng khiếp! Cũng chính vì thế mà yêu một kiếp còn chưa đủ, mà phải: Xin cho một chút hương chăn gối Kiếp khác tìm nhau sẵn để dành. Anh Luân Tâm làm Lãm Thuý nhớ đến Tây Du Ký. Đọc truyện ấy, có một chi tiết thật hấp dẫn: Đó là những loài cầm thú, dù tu luyện đến mức thành yêu, cũng không thoát khỏi chữ TÌNH, nên hằng năm, chúng hội họp về một cái hồ, khóc thương những tình nhân cũ đến nỗi hộc máu ra, hồ đó gọi là THẤT HUYẾT ĐÀM. Lãm Thúy thích quá, có làm bốn câu thơ như sau: Nhỏ lệ tình chung: Thất huyết đàm Chữ tình, ai hẹn mấy trăm năm Thế gian có kẻ lòng như đá Chẳng lẽ còn thua cả thú cầm? Mấy con yêu nhền nhện ấy tìm người yêu cũ của cả 500 năm trước, bởi vậy gặp ngài Tam Tạng đẹp trai mới nhìn lầm đó thôi! Ai không tin về đọc lại sách sẽ chứng nhận ngay. Trở lại với tình yêu bền bĩ đời đời , kiếp kiếp của tác giả tập thơ HƯƠNG ÁO sắp xuất bản , ta thấy anh yêu mưa vô cùng, bởi mưa là băng nhân (là ông mai bà mối ấy mà) . Cũng bởi có cảm tình đặc biệt với mưa như thế nên nhà thơ lãng mạn này đã viết: Mưa từ biển cả về sông Ruộng vườn vẫn đợi, một lòng nhớ mưa. Và mối tình thuỷ chung như nhứt ấy, quả hiếm có trên đời, khi tác giả làm thơ không phải vì danh vị thi sĩ mà chỉ vì chút lòng thành khẩn, muốn đem tình yêu thương say đắm, không đổi dời trải lên trang giấy, làm tặng vật cho người vợ yêu quí bệnh hoạn, hiểu vậy, ta sẽ không còn ngạc nhiên nữa khi đọc những vần thơ có tính cách riêng tư ân ái quá nồng đượm, quá say sưa: Yêu nhau nghìn kiếp vẫn ngọt ngào Sơn cùng thuỷ tận vẫn tìm nhau Hoa thơm, bướm đẹp chờ âu yếm Tay vẫn mừng tay, ôm chặt mau Chơi vơi sóng mắt đêm hò hẹn Hôn thật tham lam đến bạc đầu. Đọc thơ Luân Tâm, ta có cảm tưởng như tình trong tim Anh đầy quá, dù viết ra bao nhiêu cũng không cạn bớt chút nào. Người ta thường nói hạnh phúc là những gì tầm thường, chỉ khi nào mất đi rồi ta mới biết là đã có nó. Anh Luân Tâm hơn người ở chỗ biết ngay khi cõng hạnh phúc trên lưng, và quí nhất là đã không coi là gánh nặng, dù niềm hạnh phúc kia giờ đây chỉ còn trông cậy vào sự chăm sóc đầy nâng niu của Anh để nuôi dưỡng lòng tin yêu mà trường tồn. Lãm Thuý muốn nói riêng với nàng thơ muôn đời kiều diễm của Anh Luân Tâm rằng dù chị chẳng may bị bệnh tật, nhưng quả thực chị là một người đàn bà diễm phúc như một câu nói của ai Thuý không nhớ tên, nhưng vẫn nằm lòng: “Tình yêu là toàn bộ vĩnh cửu của cái đẹp. Rằng cái gì đẹp thì vẫn đẹp ngay khi đã uá tàn.” Lãm Thuý nói tràn lan, nhưng cái điều chính yếu nhất vẫn chưa nói: Đó là tính siêu thực trong thơ Luân Tâm. Thật ra, theo ngu ý, thơ của Anh chú trọng về sự diễn tả dồn dập, gần như rượt bắt ngôn ngữ, muốn thống lĩnh nó, như nhà thơ DƯƠNG QUÂN đã hoa mỹ gọi là “Pháp thuật của tay phù thuỷ Luân Tâm” và làm cho những từ ngữ cũ kỹ, tầm thường biết “Ca múa đẹp lạ lùng” (Nói vậy còn ai nói gì được nữa!) Có lẽ Luân Tâm sợ chữ nghĩa không chuyên chở hết những cảm xúc tuôn trào lai láng trong lòng nên đã cố ý dùng nhiều tính từ, trạng từ, so sánh, ẩn dụ,… Những mỹ từ ấy khiến thơ Luân Tâm trở nên mông lung, huyền ảo. Chính ra cõi thơ ấy vừa có vẻ siêu thực mà lại rất thực như nỗi đam mê, như tình yêu, như lạc thú, như lòng biết ơn, như hạnh phúc, sự tận tuỵ, niềm ân ái … (Chết! Lãm Thuý bị lây bệnh Anh Luân Tâm rồi!) Nhớ lại trong bài thơ Một góc đời riêng, Lãm Thuý có viết: Hạnh phúc dường như nói để chơi Phải chăng không có thực trong đời? Mai này ai gặp, làm ơn nhé Gửi chút hương đời xuống mộ tôi! Theo đà này chắc Lãm Thuý không cần phải đợi xuống mồ mới ngửi được hương hạnh phúc! Hương hạnh phúc bay ngát trong thơ Luân Tâm. Dĩ nhiên, thơ Luân Tâm còn rất nhiều điều để nói: Về lòng hiếu thảo (Khi có được nhà cửa khang trang đã xót xa nghĩ đến cha mẹ đã qua đời), về nghệ thuật tạo hình ảnh, gây ấn tượng mạnh mẽ,… Rất tiếc, Lãm Thuý chỉ “Cưỡi ngựa xem hoa", đành lướt qua bao nhiêu hương sắc tuyệt vời. Chịu thôi! Cũng đã hết một nửa ngày bỏ Ông Táo lạnh. Mong rằng sẽ đem lại chút niềm vui cho quí vị những ngày cuối năm. Kính chúc quí vị một mùa Giáng Sinh an lành và tương kính như tân. Thân kính, LÃM THÚY (Maryland, mùa Giáng Sinh 2006) *** Gọi Là Một Chút Hồi Âm Kính nữ sĩ Lãm Thúy, Khi được hân hạnh đọc bài “LuânTâm: Thi Sĩ Chung Tình", tôi rất “sững sốt kinh hoàng” vui buồn lẫn lộn dữ dội như bị địa chấn. Cuối cùng không cầm được những giọt lệ già nua tưởng chừng đã khô cạn từ lâu. Chưa hề có ai “nhìn thấu một phần ý nghĩ bên trong” của thơ tôi như thế. Tôi bị chới với ngộp thở. Khi bình tỉnh lại một chút, tôi bỗng “quá giận” nữ sĩ tài hoa nầy bởi lẽ từ lâu tôi vẫn thường cố ý cài trong thơ mình những mã số bí mật chằng chịt quấn quít trong niềm hạnh phúc tình yêu kỳ diệu tuyệt vời & mong manh nửa thực nửa mơ nhằm dỗ ngọt người vợ quá hiền thục nhưng quá bạc phước và chính mình. Nay bất ngờ bị đưa ra ánh sáng “cho khắp người đời thóc mách xem!” (T.T.K.H)! Nhưng đồng thời tôi lại bị ngay nét “bút thần” của cô lôi cuốn vào một thế giới quá lạ kỳ diễm ảo từ chân trời Lưu Trọng Lư đến chuyện tình ngang trái của Thái Thử Charles ở Anh Quốc, đến giai nhân “thơm” tài sắc huyền thoại Hương Phi trong Hoàn Châu Cát Cát, đến hận tình huyết lệ sử ở Thất Huyết Đàm trong Tây Du Ký... Rồi ngơ ngác trở về thế giới huyền hoặc xa xôi hư ảo của mình: "Ảnh ai mà nhặt lên thờ, Nhìn đi nhìn lại còn ngờ là ta!” (Xanh Môi, L.Tâm) Chính dòng lệ chiều tàn muà đông đất khách quê người đã cuốn trôi hết những cảm giác giận dỗi buồn phiền vì “cõi lòng bí mật phần nào bị bật mí” để nhường chỗ cho lòng biết ơn vô hạn (rất may nữ sĩ không có thì giờ, sợ để Ông Táo lạnh quá lâu bị quở, nếu không thì e rằng...). Cũng không dám “thấy người sang bắt quàng làm họ” gọi là tri kỷ tri âm gì! Tiếng nói và ngòi viết bỗng trở chứng không chịu theo tâm ý mình nữa rồi? Bây giờ mới thực thấm thiá thế nào là “thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý"! Xin vô vàn cảm tạ nữ sĩ. Thân chúc nữ sĩ & quý quyến một mùa Giáng Sinh và Năm Mới mọi điều an bình tốt đẹp hạnh phúc tuyệt vời nhất. Rất thân mến. Maryland ngày 25-12-06 LUÂN TÂM
<bài viết được chỉnh sửa lúc 01.04.2009 04:12:01 bởi Viet duong nhan >
|