Từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp
BanHien 15.11.2007 16:07:50 (permalink)
Từ Thổ-Nhĩ-Kỳ đến Hy-Lạp

Chúng tôi rời thủ đô Bá-linh đến Munich trước khi đáp chuyến bay sang Thổ-Nhĩ-Kỳ (Turkey). Chiếc máy bay đến thẳng Izmir chứ không ghé thủ đô Istanbul. Thủ tục nhập cảnh rất nhanh vì nhân viên công ty du lịch đã đón chúng tôi ngay tại quầy nhận hành lý. Chúng tôi sẽ đùng xe buýt đến Kasadasi.

Vừa an toạ trên xe buýt, chúng tôi được cô hướng dẫn vui vẻ trao cho mỗi người một cái kẹo, 1 bản đồ bỏ túi và một cái nhạc nhỏ (loại gây âm thanh như chuông) cột dây xanh, có thể đeo vào cổ. Cô đã giải thích đó là truyền thống người Thổ đón tiếp khách: kẹo cho sự ngọt ngào, cái nhạc cho sự may mắn, còn bản đồ là phần phụ vì chúng tôi là người ngoại quốc.

Trong suốt gần 2 tiếng đồng hồ từ phi trường Izmir về thị trấn Kusadasi, cô hướng dẫn viên đã nói khá nhiều về đất nước Thổ-Nhĩ-Kỳ nhưng do mấy ngày ở Bá-linh quá mệt nên tôi ngủ gà ngủ gật chỉ nghe câu được, câu không.

Kusadasi (thực ra phải viết là Kuşadası) là một thị trấn biển khá đẹp nằm trong vùng biển Aegean của Thổ-Nhĩ-Kỳ, cách thành phố cổ Ephesus không xa lắm. Mấy ngàn năm trước, Kusadasi chỉ là một cảng nhỏ, cho tới khi Ephesus bị tàn phá và lún chìm trong nước biển.


Một góc Kusadasi nhìn từ sân thượng khách sạn

Kusadasi có nghĩa là “đảo chim”, được bao bọc bởi những bức tường dùng để chống hải tặc thời Trung cổ. Với hải cảng thích hợp, Kusadasi đã từng giữ một vai trò rất quan trọng trong nhiều thời đại trong các thể kỷ XII-XIV.

Ngày nay, Kusadasi được mở rộng ra ngoài các bức tường thành và được chia ra làm 2 khu vực chính: vùng cao và vùng đền đài. Vùng đền đài (Hồi giáo) nằm nơi khá bằng phẳng với nhà cửa xan xát và đường phố chật hẹp. Khu vùng cao tương đối được xây dựng quy củ hơn.

Chúng tôi vào khách sạn, nhận phòng, chỉ kịp tắm rửa sơ sài là phải lên sân thượng của khách sạn ăn tối. Dù món ăn lạ nhưng cũng rất ngon miệng, có món tôi đã đi lấy thêm 1 lần nữa.

Sau bữa tối, chúng tôi chia làm hai nhóm, một nhóm ra bờ biển và một nhóm đi chợ đêm. Vợ chồng tôi đi chợ đêm vì muốn mua thêm một đôi dép. Chợ khá đông và có đủ mọi thứ như ở bất cứ một chợ đêm nào. Đến dãy hàng trái cây cúng tôi gặp vài người bạn cùng chuyến và mua thử vài “mớ” đào (peach) vì thấy tươi ngon hơn nho, chuối …

Người bán và người mua ra hiệu bằng tay, kết quả chúng tôi mua 1 mớ đào (3 trái khoảng hơn nửa kí-lô) với giá 1 đồng Thổ trong khi bạn chúng tôi phải trả 1 Euro cũng 3 trái vì chuyện mua bán rất đơn giản: 1 ngón tay cho 1 mớ. (1 euro khoảng 2 lira)

Sáng hôm sau, chúng tôi lại lên sân thượng ăn sáng. Các thức ăn giống như ở các khách sạn Tây phương, đặc biệt rất nhiều trứng gà (hột gà) luộc. Các thức ăn có nguồn từ sữa, kể cả sữa tươi, đều có vẻ “hoi” hơn loại chúng tôi quen dùng một chút.


"Đại lộ" chính của Ephesus


Xa phía sau là một toà nhà lớn

Sau nửa giờ ăn sáng, chúng tôi kéo nhau xuống xe buýt đợi sẵn để đi Ephesus. Đây một thành phổ cổ rất huy hoàng đã bị chôn vùi lâu năm và đã được khai quật một phần nhỏ. Đã có hàng ngàn người đến trước chúng tôi, họ đang sắp hàng vào cổng. Nhân viên công ty du lịch phát vé vào cửa cho chúng tôi và dặn nếu vì lý do nào đó mà lạc đoàn chúng tôi cứ đi thẳng đến phía cổng đối diện (ôi gọi là cổng sau), xe buýt sẽ đón ở đó.

Phải nhìn nhận từ 3 ngàn năm trước đây, Ephesus rất phát triển vì thế đã được coi là thành phố tiêu biểu của văn minh La-Mã (Rome) khi đế quốc La-Mã chiếm đóng phần đất này. Các kiến trúc bằng đá được chia ra từng những khu vực riêng biệt: khu hành chánh, khu chợ, khu “nhà giầu” … Các di tích dù bị tàn phá rất nhiều qua thời gian, qua chiến tranh, động đất … nhưng chúng ta vẫn có thể hình dung ra một thành phố sống động và rất náo nhiệt.


Mặt trước Thư viện Roman


Hí viện ngoài trời

Gần ra phía ngoài là một hí trường, với sức chứa khoảng 25 ngàn người. Như những hí trường thời La-Mã là nơi được dùng để rình diễn "văn nghệ", nhưng cũng có thể trở thành đấu trường của những dũng sĩ giác đấu (gladiator). Với dân số ước tính khoảng 400 đến 500 ngàn người, có thể nói Ephesus là 1 trong những thành phố lớn nhất trong thời kỳ đó.

Dưới triều đại La-Mã, Ephesus có vài nhà tắm lớn và có một hệ thống dẫn nước thuộc loại tối tân nhất thời bấy giờ. Tiếc thay, sau những thời kỳ huy hoàng cho đến thế kỷ thứ VI, Ephesus bắt đầu bí tàn phá và vào đầu thế kỷ thứ VIII đã bị người Ả-rập chiếm đóng cùng với sự chôn vùi do bùn lầy của sông. Từ năm 1100 đến cuối thế kỷ XIII, thành phố được chỉnh đốn lại dưới triều đại Byzantines nhưng rồi hoàn toàn bị bỏ rơi vào thế kỷ thứ XV.


Những lời cầu xin của khách muôn phương nơi căn nhà của Đức Maria

Chúng tôi ra phía cửa sau, lên xe buýt đợi sẵn để đi đến một địa danh khác: nơi người Thổ tin rằng Đức Maria đã sống và qua đời tại đó. Dù rất ít người Thổ theo đạo Thiên Chúa giáo nhưng họ rất tôn kính nơi này. Sau đó, chúng tôi đến tham quan di tích Vương cung tháng đường Thánh Gioan và được nghe lại câu chuyện “Thánh chiến” giữa Thiên Chúa giáo và Hồi giáo mà bên thắng đã tàn phá đền thờ của bên thua rồi mang vật liệu về xây dựng đền thờ của mình. Thành ra có những viên đá hàng tấn đã được kéo tới kéo lui vài lần.


Cổng vào khu Vương cung thánh đường Thánh Gio-an

Chúng tôi trở về khách sạn lúc chiều tối, chuẩn bị đi ăn tối và sau đó thả bộ ngoài bãi biển. Dù đang mùa Hè, khá nóng nhưng khách du lịch và người địa phương hầu hết ở trong các quán ăn, nhậu … nên bãi khá vắng.

Do được thông báo trước, chúng tôi phải thức giấc từ 5 giờ sáng, chuẩn bị ăn sáng, trả phòng sau đó lên xe buýt ra bến cảng Kusadasi để đáp tàu đi tham quan một số đảo trong vùng biển Aegean và sau đó sang Hy-Lạp (Greece).

Quần đảo Hy-lạp (Greak Islands) trong vùng biển Aegean bao gồm trên 6 ngàn đảo, trong đó có trên 200 đảo có người sinh sống. Điểm đặc biệt là có rất nhiều đảo nằm rất gần Thổ-Nhĩ-Kỳ nhưng lại thuộc chủ quyền Hy-Lạp.

Trong vùng, nước biển tương đối ấm áp, lúc nào cũng xanh trong và êm ả nên vùng đảo này đã trở thành nơi du lịch nổi tiếng trên thế giới. Quần đảo này được chia làm 7 nhóm:
  1. Nhóm vùng phía bắc, gồm có các đảo chính: Agios Efstratios, Thasos, Ikaria, Lesvos, Limnos, Inousses, Samos, Samothrace, Chios, Psara.
  2. Nhóm Sporades gồm có: Alonissos, Skiathos, Skopelos, Skyros.
  3. Evia.
  4. Nhóm Argo-Saronic gồm có các đảo: Angistri, Aegina, Poros, Salamina, Spetses, Hydra và vùng biển Methana.
  5. Nhóm Cyclades gồm 56 đảo, các đảo quan trọng: Amorgos, Anafi, Andros, Antiparos, Delos, Ios, Kea, Kimolos, Kythnos, Milos, Mykonos, Naxos, Paros, Santorini, Serifos, Sikinos, Sifnos, Syros, Tinos, Folegandros, Donousa, Irakleia, Koufonisia và Schinoussa.
  6. Nhóm Dodecanese bao gồm: Astypalaia, Kalymnos, Karpathos, Thasos, Kastelorizo, Kos, Lipsi, Leros, Nisyros, Patmos, Rhodes, Symi, Tilos, Halki.
  7. Crete.
Ngoài vùng biển Aegean, Hy Lạp còn có vùng biển Ionian với các đảo: Zakynthos, Ithaca, Corfu, Cephallonia, Lefkada, Paxi, Antipaxi, Ereikoussa, Mathraki, Meganissi, Othoni, Strofades….

Do vấn đề an ninh gì đó mà chúng tôi phải đợi ở bến cảng gần 2 giờ sau mới được phát thẻ an ninh lên tầu (cruise). Đây là 1 du thuyền loại lớn, có đầy đủ các thứ như một thành phố nổi. Du thuyền sẽ chạy vào ranh giới Hy-Lạp nên khi bước chân lên tầu là qua 1 quốc gia khác: chúng tôi đã phải lập thủ tục nhập cảnh như những thủ tục thông thường.

Chạy khoảng vài giờ, tầu neo lại và cho chúng tôi sang các tầu nhỏ (taxi) để đưa vào đảo Patmos. Chúng tôi được dẫn đi xem nơi Thánh Gioan viết Sách Khải Huyền. Tại đây, giữa 2 đảo Leros và Ikaria, là ‘hình dạng khổ tú của Patmos, được coi là Giêrusalem của Aegea. Thánh Gioan được thị kiến Khải Huyền trong một cái hang trên đảo. Một đan viện đồ sộ dâng kính thánh nhân được xây cao hơn hết các nhà và biệt thự. Những nhà này trông giống như treo vào rễ đan viện. Phái đoàn dừng chân lại và vào trong hang Khải Huyền, nơi Thánh Gioan Tông Đồ được thị kiến và viết sách Khải Huyền…Nhìn thấy cái bệ đá, nơi Thánh Gioan dùng để viết sách, thấy một lỗ nhỏ, nơi Thánh Gioan tỳ tay lên để đứng thẳng.


Từ tầu qua "taxi" cập bến


Nhà thờ kính Thánh Gio-an trên đảo

Chúng tôi trở về du thuyền ăn tối, xem văn nghệ, dạo trong các cửa tiệm hoặc vào casino rồi về phòng nghỉ đêm. Trong lúc chúng tôi ngủ say, chiếc tầu tiếp tục cuộc hành trình và đưa chúng tôi đến đảo Crete. Sau bữa ăn sáng, chúng tôi xuống cảng Heraklion của đảo Crete. Đây là đảo lớn nhất trong số các đảo ở phía Nam của các đảo Hy-Lạp. Chúng tôi được xe buýt đợi sẵn đưa chúng tôi đi thăm các thắng cảnh trên đảo và một tu viện thuộc dòng Capuchin.

Gần trưa, chúng tôi trở về tầu để tiếp tục hành trình qua đảo Santorini. Nhìn từ xa, đảo Santorini được bao phủ bởi những căn nhà trắng toát. Lên bờ, chúng tôi chia nhau dùng xe kéo (telepherique), lừa hoặc đi bộ lên khu trung tâm đảo. Các đường phố trên đảo tương đối chật hẹp và rất đông khách du lịch đi lên đi xuống ngược xuôi. Chúng tôi trở lại tầu lúc xế chiều để nghỉ qua đêm trong lúc tầu nhổ neo trực chỉ đến Nhã Điển (Athens).


Đường đi lên tu viện


Những căn nhà trắng nhìn từ tầu

Vừa xuống tầu, chúng tôi rời hải cảng Piraeus (cảng Nhã Điển), theo hướng tây đi Côrintô, nơi thánh Phaolô sống và giảng đạo trong 5 năm. Thuở xưa, Côrintô là một trong những thị trấn giầu có nhất. Những di tích còn lại đủ chứng minh điều ấy, như Agora (chợ), Rostrum từ đó thánh Phaolô giảng Phúc Âm và đền thờ Apollo xây thế kỷ thứ 6. Tại đây, Thánh Phaolô cùng dân trong vùng làm nghề làm lều. Có cả những phố ăn chơi xa xỉ và khu vực điếm xây chót vót trên đỉnh núi. Những di tích Corintô đầy tràn những di tích, những tấm đá cẩm thạch, những cây cột Corintô, những di tích của thời phồn hoa còn đọng lại.


Nước trong xanh


Xe kéo, hậu cảnh là 1 núi lửa còn đang hoạt động

Sau đó, chúng tôi tiếp tục đi Kechreai, hải cảng xưa Thánh Phaolô lên bờ. Buổi chiều, trở lại Nhã Điển nghỉ đêm. Sau cơm tối, chúng tôi đi thăm Nhã Điển phố đêm, rất đông người du khách trong khu chợ đầy dẫy những shopping, những trò chơi, những di tích. Vì thời gian ở Nhã Điển rất ngắn nên chúng tôi tranh thủ đi càng nhiều chỗ càng tốt.


Cột Corintô


Các tượng Karyatides


Các tượng trong Viện bảo tàng

Hôm sau, chúng tôi dùng xe buýt tham quan toàn bộ thành phố Nhã Điển. Trung tâm điểm thành phố là Acropolis, trung tâm sinh hoạt và hành chánh thuở xưa, với khu chợ - Agora Cổ và Đền thờ Parthenon. Tất cả được xây dựng trên một ngọn núi tuyệt đẹp. Những dinh thự, đền thờ, với những cây cột mỹ thuật và kỹ thuật tuyệt hảo thời xa xưa. Rất nhiều du khách thăm viếng. Tham quan hý trường tuyệt vời với kỹ thuật âm thanh acoustique trọn hảo, có thể chứa hàng chục ngàn người.


Một khu đang được trùng tu

Chúng tôi cũng đến Aerogapus và đi tham quan thành phố với những bảo tàng viện, với các vị thần quen thuộc trong thần thoại như Zeus, Jupiter, Mars, Venus, Olympic, Artemis, Hercoles… Cùng gần gũi với 2 triết gia nổi tiếng: Platon và Aristote.

Chiều xuống, trên đường ra phi trường, chúng tôi đã dừng lại khu Thế vận Olympic 2004 và cuối cùng đáp máy bay qua thủ đô Vienna của nước Áo và chuyển máy bay đến Roma - Ý Đại Lợi, bắt đầu chuyến tham quan 5 ngày ở Rome.

BH

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9