Nhắc lại chuyện nghiên mực Tức Mặc Hầu
rongxanhag 16.11.2007 04:08:01 (permalink)
Nhắc lại chuyện nghiên mực Tức Mặc Hầu
 
I.Học giả Vương Hồng Sển nói gì về nghiên mực quí hiếm trên?:
 
Vua Tự Đức là ông vua hay chữ, nên những gì thuộc văn phòng tứ bảo (bút, mực, nghiên, giấy), ông hết sức tâng tiu. Ông có một nghiên mực làm bằng đá Đoan Khê, ông ưng ý đến nỗi phong nghiên mực tước là Tức Mặc Hầu
 
Cụ Vương Hồng Sển, người khá am hiểu về vật báu này đã giới thiệu như thế trong nhiều sách do cụ viết; ở đây tôi dựa theo văn bản được in trong sách Hơn Nữa Đời Hư, in năm 1992 của nxb TP.HCM.
 
Chuyện nghe có vẻ huyền bí, nhưng sau đây chúng ta hãy nghe cụ giải thích:
 
Đó chỉ là một nghiên mực làm bằng đá Đoan Khê…Nghiễm nhiên nhà vua đã nhân cách hóa một vật vô tri, một cục đá mài mực, vì nó biết dâng mực cho ông cấp kỳ, theo ý ông muốn

Và cụ cho biết vì ảnh chụp nghiên mực đã mất, nên cụ chỉ có thể mô tả và tôi đã tóm gọn như sau:
 
Một lần, cụ Vương ra thăm Huế và được ông quản thủ Tàng cổ viện lúc ấy là cụ Tôn Thất Đào (thân sinh của nhà thơ Tôn Thất Quán) đem khoe chiếc nghiên mực Tức Mặc Hầu của vua Tự Đức.
 
Nghiên mực dài khoản 3 tấc, ngang 2 tấc và dày khoản 3 phân tây. Dưới đáy nghiên chạm nổi mạ vàng một bài văn ngự chế của vua Tự Đức ca ngợi đặc tính tuyệt vời của nó. Nghiên lại được đặt trong một chiếc hộp bằng đồi mồi Hà Tiên vàng rực, được chế tác cực kỳ tinh xảo.
 
Trên nắp hộp và mặt dưới hộp cũng có thêm hai bài văn. Phía trên đầu của nghiên chạm nổi một cổ tùng gốc ngoằn ngoèo, bên cạnh một cổ đình bị che lấp bởi mây trời, cây lá sum sê.
 
Ngay dưới chân núi, tùng và đình cổ có cái bể nhỏ khoét sâu trên mặt nghiên, chính là nơi chứa nước dùng cho việc mài thỏi mực.
 
Giữa cái bể tí hon ấy nổi lên một cù lao đủ chỗ cho 8 vị tiên (bát tiên) đang xúm nhau xem một bức tranh cổ, mà mỗi vị tiên này đều nắm 1 chéo nhỏ của bức tranh.
 
Lại có một tiểu đồng theo một tiên ông khác chống gậy trường sinh bước qua chiếc cầu nhỏ nối liền cù lao có bát tiên với núi, tùng, đình cổ tạo thành một bức tranh chạm nổi rất mỹ thuật.
 
Phía dưới bức tranh bọc một đường hồi văn “chân muỗi”. Bức tranh và đường hồi văn bao quanh một khoảnh chạm khuyết phẳng lì. Đó là phần chính của nghiên.
 
Trên bề mặt phẳng lì đó có nhiều chỗ u lên và màu hơi nhạt. Sau nhiều năm nghiên cứu cụ Vương mới biết đó là những túi nước huyền bí (cù dục nhãn, nôm na là mắt chim cù dục) của nghiên.
 
Cố học giả Vương Hồng Sển cho biết giá trị của nghiên mực chính là vì có  “cù dục nhãn” huyền bí và cụ đã hết lời khen ngợi vật quí lạ như sau:
 
Tôi định hoàn lại cho ông Đào, nhưng ông biết ý, nói nhỏ vào tay tôi: “Đâu, cụ thổi mạnh một hơi vào, coi nào”.
 
Tôi vâng lời, nâng nghiên mực lên gần sát mặt, và thổi một hơi dài lên chỗ mài mực. Thổi rồi, tôi giựt mình, hết sức ngạc nhiên, vì dưới ánh sánh mặt trời rọi chỗ tôi đứng, tôi thấy hơi thở trên nghiên mực đã biến thành một lằn mống ngũ sắc, đang từ từ chạy lên chạy xuống mặt nghiên, rồi vụt biến mất…
 
Ông Đào cười, rồi bảo tôi lấy ngón tay quệt thử trên nghiên, quả đầu ngón tay tôi ướt đẫm những mực, không khác gì tôi đã nhúng vào mực do ai mài sẵn hồi nào không hay…
 
Mà chớ chi nghiên đá này”nông nước”, ẩm ướt tỷ như đá mài dao, đá bùn, thì đâu có chi là lạ. Đàng này, trước khi tôi hà hơi vào, rõ ràng cục đá vẫn khô ráo cho nên tôi cầm nó mà không bẩn tay, thế mà  tại sao có chút hơi “ cầm thực” thổi vào để mượn sức, thì tức khắc bảy tám chỗ “cù dục nhãn”kia, bèn thi hành phận sự…mà tiết ra đủ số mực cần thiết.Ồ, sướng quá, thần bí quá và quí hóa quá!
 
Trong thời buổi mà chưa chế tạo ra cây bút chì, cây viết bi “atomic” chưa sanh…người nào có dưới tay một nghiên mực có phép lạ như vầy, lại không lấy nó làm quí và tự mình hãnh diện lắm sao?...  
 
Phần cuối bài viết về đề tài này, cụ Vương Hồng Sển cho biết có một kẻ  khéo nịnh bợ, vì mưu cầu danh lợi đã ôm báu vật vào Sài gòn “tấn cống”cho ông Ngô Đình Diệm (sách không cho biết vào lúc nào).
 
Và khi Dinh Gia Long bị phe đảo chánh tấn công (01-11-1963), ông Diệm và em là “cố vấn” Ngô Đình Nhu bỏ chạy và bị giết ngày hôm sau, nghiên mực Tức Mặc Hầu cũng mất tích luôn kể từ đó cho đến nay.
 
Than thở cho việc mất nghiên, cụ Vương viết:
Sau ngày đảo chánh, ai nấy lo mất nước mất nhà, tôi lại lo mất nghiên mực. Tôi hỏi khéo ông quản gia có phận sự gìn giữ đồ vật của dinh Gia Long, ông này trả lời ông chẳng bao giờ nghe thấy điện có nghiên mực nầy. Tôi chẳng bao giờ ngã lòng , day qua mượn ông nhạc gia của quản gia hỏi chắc chú rể, ông cũng đinh ninh một hai ông không biết…
 
Có thể vì nuối tiếc quá nên ông có hơi úp mở và xỉa xói hơi nhiều:
 
Hỏi mãi, có người đưa ra thuyết hay là nghiên mực có cánh, đã bay tuốt qua La Mã ( ám chỉ L.M Ngô Đình Thục, anh ông Diệm, mang đi), qua Paris, hoặc mụ em dâu ác ôn (ám chỉ Trần Lệ Xuân, vợ ông Nhu tức em dâu ông Diệm) đã ôm bán quách cho nước ngoài rồi….
 
Sau lời hằn học đó, giọng văn của cụ dịu lại và tôi đoan chắc đây mới là những câu đáng nhớ nhất, vì nó được thốt ra từ đáy lòng:
 
Trước năm 1975, có một người trẻ, xưng là học trò cũ của tôi, nói nửa úp nửa mở rằng nghiên mực Tức Mặc Hầu chưa ra ngoại quốc, vẫn còn luẩn quẩn đâu đây hoặc vùng Sàigòn, hoặc còn trong nước không xa, và ở trong tay một người nọ, và nghèo lắm, túng lắm, chức vị nhỏ lắm, nhưng và không khứng lìa ngọc Tức Mặc Hầu.
 
Tôi đã ráng hết sức hỏi, hỏi thêm gì người ấy cũng không nói nữa, nên hôm nay đành nói tách bạch ra đây, những ai có lòng với văn hóa, biết bảo tồn quốc túy, hãy cứu vớt nghiên mực khỏi bước lạc loài…
 
Ảnh:
Nghiên mực của vua Tự Đức do cụ Tôn Thất Sa vẽ lại bằng màu nước
Nguồn/Ảnh: Nguyễn Văn Lục/E. Gras




[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/31295/A100D609A4F54F6F90C36E4320BA1858.jpg[/image]
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.11.2007 01:49:05 bởi Ct.Ly >
Attached Image(s)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9