Dante Alighieri. THẦN KHÚC

Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 30 trên tổng số 41 bài trong đề mục
Tác giả Bài
cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 09:24:20

 
 
Dante Alighieri sinh khoảng giữa 14 tháng 5 và 13 tháng 6 năm 1265 tại Firenze, miền trung Italia. Mẹ của Dante, Bella degli Abati, mất khi ông 7 tuổi; ngay sau đó bố của Dante, Alighiero de Bellincione, cưới người vợ thứ hai, Lapa di Chiarissimo Cialuffi, và họ có hai con: em trai Francesco và em gái Gaetana của Dante. Thời trẻ, Dante được Brunetto Latini, một người có kiến thức uyên bác dạy tiếng Latinh và truyền cho Dante niềm thích thú văn chương. Thông qua tiếng Latinh mà Dante say mê thơ ca cổ đại và tôn sùng thơ Virgile. Dante còn học tiếng Pháp, tiếng Provence, đi sâu nghiên cứu thần học, triết học, thiên văn học và trở thành một người có kiến thức bách khoa uyên bác bậc nhất ở thời đại ông.

Dante biết yêu và làm thơ từ rất sớm. Những bài thơ về mối tình tuổi thiếu niên sau này được gom lại thành tập Cuộc đời mới. Năm 1295 Dante tham gia hoạt động chính trị, đứng về phái Guelfi đối lập với phái Ghibellini. Năm 1289 phái Guelfi thắng thế nhưng rồi lại chia ra thành phe Đen và phe Trắng. Dante theo phe Trắng, kiên quyết chống lại đường lối dựa vào Giáo hoàng. Giáo hoàng cầu viện Hoàng tử Pháp Charles de Valois. Năm 1301 quân Pháp tiến vào Firenze, phe Đen lưu vong trở về tổ chức đàn áp phục thù. Dante bị kết án hai lần, phải rời bỏ quê hương đi sống lưu vong và mai danh ẩn tích. Thời kỳ này ông bắt đầu viết Thần khúc.
Dante mất năm 1321 tại Ravenna.

Tác phẩm:
Dante là tác giả của các tập Thơ (Rime), Bữa tiệc (Il convivio), Về hùng biện đại chúng (De vulgari eloquentia), Về chế độ quân chủ ( De monarchia)… Tuy vậy, những tác phẩm này chỉ một số ít các nhà nghiên cứu quan tâm, còn bạn đọc khắp thế giới hầu như chỉ biết hai kiệt tác: Cuộc đời mới và Thần khúc.

Tác phẩm Cuộc đời mới bao gồm thơ và văn xuôi, viết về tình yêu của Dante đối với Beatrice Portinari. Tình yêu của Dante với Beatrice mang một qui mô vũ trụ. Nhà thơ nhìn thấy ở người con gái trần tục này một ý tưởng thánh thần được thể hiện trong những con số: “Số 3 là nguồn gốc của số 9, ba lần ba là chín. Như vậy, nếu 3 có thể sinh ra 9 thì điều kì diệu ở trong mình – Ba ngôi: Chúa Cha, Chúa Con, Đức Thánh Linh – ba trong một. Từ đó rút ra kết luận rằng: người con gái này là con số 9, nghĩa là điều kì diệu và nguồn gốc của điều kì diệu này là Tam vị nhất thể”. Những lập luận này thể hiện tinh thần của thời đại bấy giờ nhưng phải nói rằng nhà thơ đã dũng cảm khi đem người yêu của mình so sánh với Ba ngôi thần thánh.
Dante gặp Beatrice lần đầu khi nàng lên 9 tuổi. “Linh hồn của cuộc sống” đã bao trùm lấy tâm hồn của cậu bé Dante. Beatrice chỉ khẽ nghiêng mái đầu cúi chào mà đã làm cho chàng trai Dante lâng lâng khôn tả. Chàng vội vàng đi về phòng riêng viết bài thơ đầu tiên… Chín năm sau hai người gặp lại nhau. Hễ nhìn thấy Beatrice là Dante lại luống cuống, xúc động, không thể làm chủ được bản thân và tự nhủ lòng sẽ không bao giờ tìm gặp Beatrice nữa… Những chi tiết này được Dante mô tả rất tỉ mỉ trong “Cuộc đời mới”. Sau đó Beatrice đi lấy chồng nhưng tình yêu của Dante đối với nàng vẫn không hề suy giảm. Ngược lại, tình yêu này là nguồn cảm hứng cho Dante viết ra hai kiệt tác “Cuộc đời mới” và “Thần khúc”. Beatrice mất năm 1290. Dante khóc suốt một năm ròng và những người đương thời kể rằng họ không bao giờ còn nhìn thấy Dante cười nữa. Dante và Beatrice trở thành một biểu tượng của tình yêu đôi lứa trong văn chương Thế giới như Petrarca và Laura, Tristan và Isolt, Romeo và Juliet.

Thần Khúc là một tác phẩm bằng thơ đồ sộ gồm ba phần: Địa ngục, Tĩnh ngục, Thiên đường. Mỗi phần có 33 khúc, cộng 1 khúc mở đầu, tất cả là 100 khúc với hơn 14.000 câu thơ. Người ta vẫn thường gọi Thần khúc là “Kinh Thánh của thời Trung cổ”. Trong tác phẩm vĩ đại này, Dante đặt ra cho mình một mục đích vĩ đại: giúp loài người thoát khỏi nỗi sợ hãi trước cái chết. Nhiệm vụ này ở thời bấy giờ là vô cùng quan trọng: trong linh hồn con người có một nỗi sợ về những cực hình ở Địa ngục mà người ta vẫn nghe qua những lời rao giảng và thuyết giáo. Khác với những nhà triết học theo trường phái Epicurus, Dante không khuyên người đời quên đi cái chết, hay như những nhà triết học thế kỉ Ánh sáng, khẳng định rằng Địa ngục là do các cha đạo nghĩ ra, Dante tin rằng Địa ngục là có thật và chỉ có sự Can đảm, Danh dự và Tình yêu có thể giúp con người thoát khỏi Địa ngục. Thần khúc mở đầu bằng những lời cay đắng về cái chết của Beatrice nhưng tác giả bỗng nhiên hiểu ra rằng nàng là con người cao thượng, trong trắng và không thể chết. Thế là linh hồn của Beatrice, với sự giúp đỡ của Virgile đã dẫn Dante, và cùng với Dante là bạn đọc, đi hết các tầng ngục, chứng kiến hết những nỗi kinh hoàng của Địa ngục. Trên cánh cổng vào Địa ngục có dòng chữ “kẻ vào đây hãy quên niềm hy vọng” nhưng Virgile khuyên Dante hãy quên nỗi sợ hãi, vì rằng chỉ với đôi mắt mở to thì con người mới có thể nhìn ra nguồn gốc của mọi cái ác. Cũng theo Dante thì linh hồn con người có thể bị đày xuống Địa ngục ngay cả khi thân xác còn sống nhởn nhơ nơi dương thế, bởi vì Địa ngục không phải là một địa điểm hay nơi chốn mà Địa ngục là một trạng thái của lòng người. Người nào sống trong lầm lỗi sẽ rơi vào trạng thái đó. Ngay cả lầm lỗi của lòng thù hận – cả người trả thù và nạn nhân của sự trả thù đều bị đày xuống Địa ngục, và một khi nạn nhân còn căm thù kẻ đã hành hạ mình thì vẫn chưa thể thoát ra khỏi Địa ngục. Bạn đọc có thể đọc thấy những điều này ở phần Địa ngục qua bản dịch tiếng Việt. Thần khúc lần đầu tiên được trích dịch ra tiếng Việt năm 1978. Đó là bản trích dịch 30 khúc của cả 3 phần ra văn xuôi có vần điệu của Khương Hữu Dụng và Lê Trí Viễn. Gần đây có bản dịch văn xuôi trọn phần Địa ngục của Nguyễn Văn Hoàn (2005) và bản dịch thơ trọn phần Địa ngục của Hồ Thượng Tuy. Tác phẩm Cuộc đời mới có một bản dịch của Hồ Thượng Tuy.

_______________
 
 

 
LA DIVINA COMMEDIA
di Dante Alighieri
INFERNO

Inferno: Canto I


THẦN KHÚC. ĐỊA NGỤC

KHÚC I

Khúc mở đầu: Rừng rậm – Ba con thú – Viếcghiliô

Con đường đời tôi đã đi đến nửa
Bỗng thấy mình lạc lối ở trong rừng
Đường chính đạo đánh mất trong bóng tối!

4 Rừng hoang vu, rừng hiểm trở trập trùng
Nói sao hết bao điều cay đắng ấy
Nỗi kinh hoàng trong ký ức tôi mang!

7 Cái chết cũng không đắng cay nhường vậy
Nhưng vì điều hay trong đấy muôn năm
Tôi xin kể về những điều trông thấy.

10 Tôi không nhớ, sao đã lạc vào trong
Rừng hiểm trở vì chìm trong giấc ngủ
Khi lìa xa chính đạo một con đường.

13 Nhưng rồi bỗng tới một chân đồi nhỏ
Nơi có một thung lũng nhỏ bao quanh
Tim tôi thắt lại vì run và sợ.

16 Tôi nhìn ra khi ngước mắt trông lên
Ánh sáng mặt trời khắp nơi rực rỡ
Soi tỏ lối đi trên mọi con đường.

19 Khi đó trong lòng vơi đi nỗi sợ
Nỗi sợ dài lâu nén ở trong tôi
Như mặt nước hồ qua đêm mệt lử.

22 Và giống như kiệt sức một con người
Thoát lên bờ từ mênh mông biển cả
Ngoái lại nhìn và sợ hãi không thôi.

25 Trong lòng tôi hãy vẫn còn run sợ
Quãng đường đi qua, thử ngoái lại nhìn
Chưa từng có một ai đi thoát cả.

28 Khi đã nghỉ ngơi mỏi mệt tấm thân
Tôi bước tiếp trên con đường cát vắng
Tiếng xạc xào ở dưới những bàn chân.

31 Và kia, ngay trên đầu dốc dựng đứng
Có một con báo nước chạy lẹ làng
Trên bộ lông những vết hoa lốm đốm.

34 Cản bước tôi, con báo chạy vòng quanh
Tôi cảm thấy ở trong vòng nguy hiểm
Từng tính bài quay lại đã nhiều phen.

37 Và rồi đến lúc bình minh vừa rạng
Giữa những vì tinh tú mặt trời lên
Đang chuyển động một tình yêu thần thánh.

40 Khơi dậy điều tốt đẹp lần đầu tiên
Tôi cảm thấy mừng vui và hạnh phúc
Máu nóng không còn dồn dập trong tim.

43 Vẻ con thú có bộ lông vui mắt
Nhưng không lâu, với một vẻ kinh hoàng
Một con sư tử bờm cao trước mặt.

46 Có vẻ như nhằm vào tôi tấn công
Nó dữ dội gầm lên vì cơn đói
Cả không gian cũng sợ hãi rùng mình.

49 Cùng với sư tử một con sói cái
Dáng gầy gò, lộ đầy vẻ khát thèm
Từng làm cho biết bao hồn kinh hãi.

52 Nó làm tôi rời rụng cả tay chân
Vẻ đe dọa phát ra từ ánh mắt
Làm cho tôi hết hy vọng bước lên.

55 Như một kẻ máu mê thèm thắng bạc
Nhưng gặp hồi đen đủi chịu trắng tay
Chỉ còn biết khổ đau và khóc lóc.

58 Con thú kia cũng như thế với tôi
Đẩy lùi tôi dần dần theo chân bước
Dồn tôi vào nơi tối ánh mặt trời.

61 Trong khi tôi đang tuột dần xuống thấp
Một người đàn ông trước mặt hiện ra
Nhưng lặng lẽ, im lìm và mỏi mệt.

64 Vừa nhìn thấy giữa hoang vắng và xa
“Cứu tôi với, – tôi kêu lên buồn bã –
Dù là người còn sống hoặc bóng ma!”

67 “Ta không phải người, đúng hơn là đã
Từng là người, dân của Lômbácđô
Quê ở Mantua cả cha lẫn mẹ.

70 Ta sinh ra vào cuối thời Xêda
Lớn lên ở Rôma, dưới triều Augút
Thời người ta thần tượng vẫn tôn thờ.

73 Ta là thi sĩ, từng viết lời bài hát
Ca ngợi con trai Ankixê, người Tơroa
Khi thành Iliông kiêu hùng lửa đốt.

76 Còn ngươi sao trở về nơi chết chóc?
Sao không trèo lên đỉnh núi diệu kỳ
Nơi khởi nguồn của mọi điều cực lạc?”

79 “Có phải Người là Viếcghiliô
Là mạch nguồn của dòng thơ tuôn chảy?” –
Tôi trả lời mà thấy thẹn thùng ghê!

82 “Ôi ánh sáng của bao nhà thơ ấy
Và việc say mê sưu tập thơ Người
Đã giúp cho tôi miệt mài đến vậy!

85 Người là thầy, là gương sáng cho tôi
Chỉ có ở nơi Người tôi đã học
Cách tuyệt vời làm vinh dự thơ tôi!

88 Người xem kìa, thú dồn tôi vào góc
Hãy cứu tôi, bậc hiền giả lẫy lừng
Máu tôi run trong đường gân thớ thịt!”

91 “Ngươi cần đi tìm một con đường khác
Nếu muốn thoát ra ma dại nơi này –
Người trả lời, khi thấy tôi than khóc –

94 Con thú không cho ai thoát lối này
Nếu ngươi cứ đứng thét lên và khóc
Nó sẽ nhảy vào cắn chết ngươi ngay.

97 Con thú bản tính xấu xa, ác độc
Lòng tham của nó không bao giờ vơi
Càng ăn no lại càng thích ăn tiếp.

100 Cùng với nhiều con vật nó kết đôi
Và sẽ quyến rũ còn nhiều con nữa
Khi thần Khuyển đến nó sẽ đi đời.

103 Thần chẳng sống vì bạc tiền, tài sản
Mà vì tình yêu, danh dự, trí khôn
Thần sống giữa diệu huyền và cao thượng.

106 Thần là cứu tinh của nước Ý khiêm nhường
Vì nước này Camminla đồng trinh tuẫn nạn
Và Ơraliô, Tuốcnô, Nixô bị tử thương.

109 Dù cho bước chân thú kia mong muốn
Thần sẽ xua đuổi sói khỏi đô thành
Giam vào ngục, nơi có bao dục vọng.

112 Ta nói với ngươi theo lối của mình:
Hãy theo ta, ta là người hướng dẫn
Đưa ngươi từ đây về chốn vĩnh hằng.

115 Ngươi sẽ nghe những tiếng kêu tuyệt vọng
Của những hồn xưa muốn chết lần hai
Sẽ nghe những lời nguyện cầu đau đớn!

118 Ngươi sẽ thấy hết đau khổ những ai
Trong lửa ngục với một niềm hy vọng
Sống với những người hạnh phúc nay mai.

121 Còn nếu ngươi muốn cao hơn bay bổng
Thì đợi chờ ngươi có một linh hồn
Ta chia tay, ngươi theo hồn xứng đáng.

124 Đấng Thượng Đế ngự trị chốn cao sang
Chưa muốn cho ta bước chân lên đó
Vì luật của trời ta hãy chưa thông.

127 Ngài ở khắp nơi nhưng trên cao ngự trị
Là thành đô, là nơi chốn ngai vàng
Hạnh phúc cho ai vinh quang được mở!”

130 “Hỡi nhà thơ – lời của tôi vang lên –
Tôi cầu Đấng mà thầy chưa biết rõ
Thoát khỏi chốn này cùng cực nguy nan!

133 Hãy dẫn tôi đến nơi thầy nói đó
Cho tôi nhìn cửa Thánh Piêtơrô
Và những linh hồn muôn đời đau khổ”.

136 Người chuyển động, và tôi theo nhà thơ.


CHÚ THÍCH

KHÚC I

1. Con đường đời… đến nửa: Dante hình dung đường đời như một vòng cung (Bữa tiệc, IV, 23), điểm cao nhất là 35 tuổi. Dante đạt đến điểm này năm 1300.
13. Một chân đồi nhỏ: tức là trên khu rừng tội lỗi và lầm lạc có một ngọn đồi cứu rỗi nhô lên cao, nơi có ánh sáng mặt trời soi tỏ mội lối đi (câu 18).
17. Theo học thuyết của Plotemaioi (90 – 160), thời của Dante cũng vẫn như thế, thì mặt trời là một trong số các hành tinh quay xung quanh quả đất đứng yên một chỗ.
32. Con báo: biểu tượng của dục vọng, thói dâm đãng.
44. Con sư tử: biểu tượng của sự kiêu căng.
49. Con sói cái: biểu tượng của thói hám lợi, tham lam.
62. Một người đàn ông: Virgilio (Virgil), Marone Publio (70 – 19 tr. CN) – nhà thơ La Mã, tác giả của thiên anh hùng ca Eneide (Aeneid).
69. Mantua (Matova): thành phố ở đông nam khu Lombardia, miền bắc Italia.
70. Giulio Cesare (Gaius Julius Caesar)(100 – 44 tr. CN): Lúc Virgilio sinh thì Cesare đã 31 tuổi.
71. Dưới triều Augút – nghĩa là dưới triều Hoàng đế La Mã Augusto (63 tr. CN – 14 sau CN).
74. Con trai Ankixê, người Tơroa: tức Enea (Aeneas), thủ lĩnh người Tơroa, là con trai của Anchise.
91. Ngươi cần đi tìm một con đường khác: Dante hãy còn chưa thể vượt qua con sói để lên đến đỉnh đồi ngay được mà phải đi qua ba thế giới bên kia.
105. Câu này trong nguyên tác: tra feltro e feltro đang gây tranh cãi xưa nay. Có người giải thích “giữa thành phố Feltro và lâu đài Montefeltro”. Chúng tôi dịch như bản tiếng Việt của Nguyễn Văn Hoàn.
107 – 108. Cammila, Eurialo, Turno, Niso: tên những nhân vật trong tác phẩm của Virgilio. Họ thuộc về hai phe địch thủ của nhau nhưng Dante quan niệm sự hy sinh của cả hai phe đều cần cho sự ra đời Đế chế La Mã.
116. Muốn chết lần hai: những kẻ lầm lỗi ở Địa ngục đã chết về thể xác nhưng vẫn còn mong được chết cả linh hồn để chấm dứt đọa đầy, đau khổ.
123 – 126. Ngươi theo hồn xứng đáng: tức Beatrice. Virgilio chưa qua phép rửa tội nên không được đặt chân đến thiên đường.
134. Cửa Thánh Piêtơrô: cửa vào Tĩnh ngục.


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 09:28:15

 
 
KHÚC II

Mối nghi ngờ của Đantê – Khích lệ của Viếcghiliô

Bầu trời sẫm tối, một ngày sắp qua
Mọi sinh linh dần đi vào giấc mộng
Họ nghỉ ngơi, chỉ tôi kẻ không nhà.

4 Và tôi chuẩn bị bước vào cuộc chiến
Với chặng đường dài, khó nhọc, gian nan
Cuộc chiến mà tôi trung thành hồi tưởng.

7 Hỡi Nàng Thơ, giờ ta gọi tên Nàng
Hỡi trí tuệ và tài thơ cao thượng
Ghi lại những điều đã thấy, đã trông!

10 Tôi bắt đầu: “Hỡi nhà thơ hướng dẫn
Hãy xem tôi có đủ khả năng không
Trước khi vào cuộc du hành bí hiểm?

13 Thân sinh của Xinviô – Người từng kể rằng –
Khi hãy còn mang phàm thân tội lỗi
Thân xác trần đi vào chốn trường sinh.

16 Nhưng nếu vượt qua những điều lầm lỗi
Đến hạnh phúc, thì xét sự vinh quang
Ông là ai, và xét ra sao vậy?

19 Điều đó hình như không hợp với thiên lương
Nhưng ông được chọn trên trời cao ánh sáng
Làm Cha tinh thần của Đế chế, thành Rôm.

22 Đế chế, thành này được làm đất Thánh
Và người ta đã thiết lập ngai vàng
Cho người kế vị Thánh Piêtơrô tối thượng.

25 Ông từng biết rõ về mọi nguyên nhân
Với du hành thầy cho ông vinh dự
Và chiếc trượng giám mục của Giáo hoàng.

28 Cả Thánh Paolô cũng lên trên đó
Để gia thêm sức mạnh cho Đức Tin
Bước đầu tiên trên con đường thoát khổ.

31 Còn tôi lấy ai làm gương cho mình?
Tôi không phải Enêa hay Thánh Paolô ấy
Không một ai nghĩ tôi xứng với mình.

34 Và nếu như tôi bước vào xứ đấy
Tôi sợ rằng đó là chuyện điên rồ
Thầy anh minh, thấy rõ hơn tôi vậy”.

37 Như người xa lạ với ý muốn xưa
Một ý tưởng làm đổi thay kế hoạch
Vứt bỏ cái điều đã nghĩ đã suy.

40 Tôi như thế, trên bờ dốc tối mịt
Mới khởi đầu mà đã thấy gian nan
Càng nghĩ suy, càng tiêu tan kế hoạch.

43 “Ta hiểu đúng sự thật những lời con –
Chiếc bóng hào hiệp kia liền đáp –
Trĩu nặng hồn con vì sự đớn hèn!

46 Chớ để sợ hãi khiến sai đầu óc
Còn nếu không sẽ nhụt chí bước chân
Như con thú quẫn trí trong cảm giác.

49 Ta sẽ nói để giải thoát cho con
Về cái điều, những gì ta nghe được
Rằng từ đầu ta đã xót thương con.

52 Ta ở giữa cái thiện và cái ác
Đã gọi ta một người đẹp thanh cao
Ta có trách nhiệm phục tùng người đẹp.

55 Ánh mắt nàng lấp lánh, sáng hơn sao
Giọng nói của nàng khoan thai, êm ả
Như lời thần tiên toát giọng ngọt ngào:

58 “Hỡi linh hồn xứ Mantua tao nhã
Mà vinh quang còn lưu lại trần gian
Còn vọng mãi, vĩnh hằng cùng vũ trụ!

61 Một bạn tôi đang gặp phải nguy nan
Bạn không may mắn trên đường cát vắng
Nỗi sợ hãi giờ đang cản bước chàng!

64 Để cứu chàng tôi sợ mình đến muộn
Chuyện của chàng tôi nghe ở Thiên đình
Tôi sợ chàng gặp phải điều nguy hiểm.

67 Người hãy đến cùng vẻ đẹp từ ngôn
Bằng tất cả những gì Người có thể
Cứu vớt chàng cho tôi đặng bình tâm.

70 Tôi là Bêatơrít, tôi cầu Người đó
Tôi đến đây và mong sớm trở về
Tình yêu đã xui khiến tôi bộc lộ.

73 Khi nào trình diện trước Đức Chúa Trời
Mọi công lao của Người tôi ca tụng”.
Ta bày tỏ khi nàng đã ngưng lời:

76 “Hỡi người con gái Duy nhất, Cao thượng
Đức hạnh cao hơn tất cả mọi người
Được đặt vào trong bầu trời nhỏ nhắn.

79 Phụng sự Người là vinh hạnh cho tôi
Vâng lệnh ngay mà thấy còn chậm trễ
Tôi chỉ cần nghe mệnh lệnh của Người.

82 Nhưng Người xuống đây mà không thấy sợ
Trong bóng đêm của lòng đất kinh hoàng
Rồi trở về nơi từng ra đi đó?”

85 Nàng đáp: “Nếu ngươi muốn rõ nguồn cơn
Ta sẽ nói một đôi lời ngắn ngủi
Tại sao ta đi xuống chẳng kinh hoàng.

88 Ta chỉ sợ tiết lộ điều có hại
Sẽ làm cho phương hại đến người thân
Còn chẳng sợ gì những điều còn lại

91 Chúa tạo ra ta và ban ân huệ
Nỗi khổ trần gian không ám ảnh ta
Không thể nào bén đến ta ngọn lửa.

94 Trên trời cao nhân hậu một Đức Bà
Từng tiếc thương những ai đau khổ vậy
Tỏ lòng thương khi xét xử người ta.

97 Đức Bà cho gọi Lusia và nói:
Đang cần ngươi giúp đỡ một tín đồ
Ta uỷ thác việc này cho ngươi đấy.

100 Lusia đã tìm đến chỗ ta
Nơi ngày xưa Rakenlê ngồi cạnh
Và nói: – xin vâng lệnh Đức Bà!

103 Bà nói: Hỡi Bêatơrít, xin cố gắng
Cứu kẻ vì tình tìm đến với ngươi
Cố tách ra khỏi trần gian bận rộn.

106 Hay không nghe ra lời van vỉ của người?
Không thấy dòng sông dữ dằn hơn biển cả
Sẽ cướp mất đi cuộc sống của người? –

109 Không một ai vội vàng hơn ta cả
Ta khát khao tìm đến với niềm vui
Làm điều phúc và tránh xa điều họa.

112 Từ vinh quang hằng phúc ta xuống đây
Tin cậy người tài từ tâm ngôn luận
Biết nghe theo, làm vinh dự cho Người”.

115 Nàng nói vậy và mắt buồn nhìn xuống
Rồi nhìn ta trong nước mắt ngước lên
Giục giã ta bước vào con đường lớn.

118 Ta vội đến với con theo ý Nàng
Cứu con thoát thú dữ từng ngăn cản
Chỉ ra con đường ngắn đến đỉnh non.

121 Có chuyện gì? Tại vì sao bước chậm?
Tại vì sao bối rối ở trong lòng
Thiếu dũng khí và cả lòng kiêu hãnh?

124 Khi lên với ba hằng phúc Tiên nương
Trên Thiên đình có những người lo lắng
Và hứa với con bao chuyện tốt lành”.

127 Như cánh đồng hoa rũ cành khép cánh
Qua đêm trường với giá lạnh và sương
Bỗng bừng nở khi vừng dương tỏa sáng.

130 Tôi vươn lên từ dũng khí mỏi mòn
Máu can đảm bỗng bừng trong huyết quản
Tôi trả lời, tôi nói bạo dạn hơn:

133 “Ôi Tiên nương như một người giải phóng
Và thầy tôi, thầy hào hiệp biết bao!
Nàng bày tỏ và thực thi nhanh chóng.

136 Tôi sung sướng, lời thầy tôi nghe theo
Tôi khát khao được lên đường tiếp tục
Trở lại với bao dự định ban đầu.

139 Giờ hai người nhưng mục đích chỉ một
Thầy là người Hướng đạo, là Tôn sư”
Tôi nói thế, khi bóng người chuyển tiếp.

142 Tôi cũng bước vào hiểm trở hoang vu.


Chú thích

KHÚC II

12. Cuộc du hành bí hiểm: nhiều bản dịch là khó khăn, gian khổ nhưng Dante cũng đã nói ở câu 8, khúc I là có “nhiều điều hay”.
13. Thân sinh của Xinviô: tức Enea, theo khúc VI của anh hùng ca Eneide, xuống Âm phủ được cha là Anchise chỉ cho xem linh hồn của hậu thế và báo trước cho tương lai vinh quang của Roma.
24. Người kế vị Thánh Piêtơrô tối thượng: Giáo hoàng thứ nhất.
25. Ông: tức Enea. Với du hành thầy cho ông vinh dự: tức cuộc du hành của Enea xuống Âm phủ mà Virgilio đã nói trong Eneide.
28. Cả Thánh Paolô cũng lên trên đó: tức Thánh tông đồ Paolô đã lên thiên đàng mà Kinh Thánh nói đến (Tân Ước_II Cô-rinh-tô 12: 2 – 4).
52. Ta ở giữa cái thiện và cái ác: những người sinh ra trước khi Chúa Giê-su ra đời, chưa qua lễ rửa tội.
58. Linh hồn xứ Mantua: tức Virgilio.
70. Tôi là Bêatờrít: Dante yêu Beatrice khi lên chín tuổi… Tình yêu này được Dante mô tả trong Cuộc đời mới. Beatrice chết năm 1290, lúc nàng mới 25 tuổi. Trong những dòng kết thúc Cuộc đời mới Dante đã hứa rằng “tôi hy vọng được nói về nàng cái điều mà chưa bao giờ có ai từng nói vậy về một con người”. Trong Thần khúc Beatrice cũng vẫn là người con gái mà Dante yêu thuở thiếu thời, nàng tượng trưng cho Trí tuệ của Chúa, cho sự giải thoát linh hồn.
78. Bầu trời nhỏ nhắn: chỉ tầng trời có mặt trăng, theo quan niệm thiên văn xưa, là tầng trời thấp nhất.
94. Một Đức Bà: chỉ Đức Mẹ đồng trinh Maria.
97. Lusia: Nữ thánh tử vì đạo ở Siracusana (thế kỉ VI sau CN), tượng trưng cho sự công bằng thần thánh. Đức Mẹ đồng trinh Maria phái Lusia đi báo cho Beatrice và Beatrice đã nhờ Virgilio đi cứu Dante.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 09:32:04

 
 
KHÚC III

Cửa vào Địa ngục – sông Akêrông – Carôngtê

Qua khỏi đây là xứ thảm sầu
Qua khỏi đây là đau thương vĩnh viễn
Là đi về những thế hệ khổ đau.

4 Công lý tạo hóa, quyền uy thánh thần
Đã tạo ra ta bằng sức mạnh của
Trí tuệ cao siêu, tình yêu đầu tiên.

7 Trước ta, chỉ những gì vĩnh viễn
Ta ngang bằng với giá trị vĩnh hằng
Kẻ vào đây hãy vứt niềm hy vọng.

10 Những dòng chữ viết bằng thứ mực đen
Khắc trên cổng ra vào tôi đọc được
“Ôi thầy ôi, sao quá đỗi dữ dằn!”

13 Như thông tỏ nỗi lòng tôi, thầy đáp:
“Đã tới đây – phải rũ bỏ đớn hèn
Đã tới đây – phải xua điều ngờ vực.

16 Chúng ta đến nơi ta đã nói trên
Con sẽ thấy những đám đông đau đớn
Vì muôn đời đã để mất trí khôn”.

19 Cho khỏi nghi ngờ, thầy đưa tay tôi nắm
Và hướng về tôi, vẻ mặt lặng yên
Dẫn tôi đi khám phá điều bí ẩn.

22 Đó đây nghe tiếng khóc, tiếng kêu rên
Không một vì sao nào trong bóng tối
Mới thoạt nghe, nước mắt đã trào lên.

25 Những giọng nói, những lời than hoang dại
Ngôn từ đớn đau, ngữ điệu điên khùng
Tiếng vỗ tay, tiếng kêu buồn tê tái.

28 Tất cả tạo nên náo động, quay cuồng
Trong không gian đã tối mù vĩnh viễn
Như bụi trong vòng bão tố cuồng điên.

31 Còn tôi đầu óc quay cuồng, u ám
Tôi hỏi: “Thầy ơi tiếng khóc của ai?
Họ là ai, tại vì sao đau đớn?”

34 Thầy bảo tôi: “Tình cảnh đớn đau này
Là số phận những linh hồn nhàm chán
Không biết nhục vinh của những kiếp người.

37 Chúng hòa theo đám thiên thần ngớ ngẩn
Không phản phúc mà cũng chẳng trung thành
Với Thượng Đế, mà chỉ vì mình chúng.

40 Trời xua chúng để Thượng giới đẹp hơn
Địa ngục sâu cũng chẳng thèm nhận chúng
Sợ tội đồ có cớ để vênh vang”.

43 Tôi hỏi: “Thầy ơi cái gì đè nặng
Mà chúng kêu khóc ghê gớm quá chừng?”
Thầy đáp: “Ta trả lời con ngắn gọn:

46 Đến cái chết, hy vọng cũng không còn
Chúng chỉ sống đời mù lòa, thấp kém
Nên ước ao một thứ nhẹ nhàng hơn.

49 Trên thế gian không còn ai nhớ chúng
Lòng xót thương, công lý cũng làm ngơ
Thôi đủ rồi, hãy nhìn lên, đi thẳng”.

52 Tôi nhìn quanh và thấy một lá cờ
Đang quay tròn như có sức lực ác
Cuốn là cờ trong đám bụi tròn vo.

55 Cuốn theo sau một đoàn người dằng dặc
Đông đến mức tôi không thể nào tin
Rằng đã nhanh tay nhường kia Thần chết.

58 Tôi nhận ra trong đám một bóng hình
Sau khi tìm hiểu ít nhiều khuôn mặt
Kẻ chối từ vì nhu nhược đáng khinh.

61 Lập tức tôi hiểu và tôi tin chắc
Đúng là lũ người hèn mạt, nhỏ nhen
Cả Chúa Trời, địch thủ đều khinh suất.

64 Đến muôn đời không sống lũ đáng thương
Chúng trần truồng, bị thường xuyên vây cắn
Những bầy ruồi và cả những bầy ong.

67 Máu, nước mắt từ trên gương mặt chúng
Chảy ròng ròng xuống dưới những bàn chân
Nơi dòi bọ thối tha đang chờ uống.

70 Nhìn ra xa tôi thấy một đám đông
Đang đứng chờ trên một bờ sông lớn
Tôi hỏi: “Thầy ơi, thầy biết rõ hơn:

73 Họ là ai và phải chăng số phận
Có vẻ như xua đuổi họ qua sông
Con nhận ra họ từ xa xôi lắm”.

76 Thầy trả lời: “Rồi con sẽ tự mình
Nhìn ra, khi mà chúng ta đi đến
Dòng sông sầu tên gọi Akêrông”.

79 Nhìn xuống đất, ánh mắt tôi luống cuống
Tôi ngại phiền thầy nên đã bước lên
Gần bờ sông và rồi tôi im lặng.

82 Về hướng chúng tôi có một chiếc thuyền
Một ông già tóc bạc phơ quát lớn:
“Đáng đời chưa! Độc ác những linh hồn.

85 Quên trời xanh đi, vì tao đi đến
Để chở chúng mày sang bờ bên kia
Vĩnh viễn đêm đen, lửa thiêu, giá lạnh.

88 Còn ngươi, linh hồn còn sống đến đây
Hãy tránh ra xa, chúng đều đã chết”.
Chúng tôi chưa đi, ông nói thế này:

91 “Hãy tìm đường khác, hãy tìm bến khác
Cũng mé sông này nhưng không phải đây
Cần tìm nhẹ nhàng một con đò khác”.

94 Thầy bảo: “Carôngtê, chớ phiền chúng tôi
Chúng tôi đến nơi chúng tôi mong muốn
Và chúng tôi xin cụ hãy ngưng lời!”

97 Tôi thấy mặt lão già hơi dịu xuống
Bộ mặt lông lá trên dòng sông đêm
Một vòng lửa quanh đôi mắt đỏ lựng.

100 Và những hồn ma mệt mỏi, trần truồng
Răng đánh lập cập, mặt mày tái mét
Khi nghe những lời ác độc vang lên.

103 Chúng nguyền rủa cả giống nòi, bộ tộc
Cả quê hương, tiên tổ, Đức Chúa Trời
Cả việc sinh ra loài người trên đất.

106 Rồi sau đó chúng trết cục vào nhau
Khóc ầm ĩ trên bờ sông quái ác
Đợi lũ người lòng sợ Chúa tắt lâu.

109 Carôngtê toé lửa trong con mắt
Ra hiệu nhanh lên những kẻ lỗi lầm
Nện mái chèo những kẻ nào chậm chạp.

112 Như mùa thu lá rơi rụng trong sương
Lá rụng xuống từng chùm cho đến lúc
Trả hết cho đất, trơ trụi giơ cành.

115 Bọn gieo hạt giống Ađam ác độc
Nối đuôi nhau, từng đứa nhảy lên bờ
Như bầy chim, theo người giơ roi quất.

118 Cứ như thế, bơi qua dòng nước đen
Và khi chúng sang bờ kia chưa kịp
Thì bên này một tốp mới đang chen.

121 Thầy tôi cặn kẽ với tôi giải thích:
“Những ai chết trong cơn giận Chúa Trời
Khắp tứ xứ đều về đây tụ tập.

124 Và rồi vội vã từng phút từng giây
Công lý thánh thần sẽ thúc ép họ
Nỗi sợ biến thành ham muốn liền ngay.

127 Chưa linh hồn tốt nào qua nơi đó
Nếu Carôngtê từng cáu kỉnh với con
Thì bây giờ chắc là con đã rõ”.

130 Thầy dứt lời thì không gian tối sầm
Toàn thân tôi bỗng rung lên dữ dội
Mồ hôi của tôi trên áo ướt đầm.

133 Và mặt đất bỗng đùng đùng gió nổi
Rồi ánh lên một chớp đỏ ngang trời
Cảm giác của tôi dường như tê dại.

136 Như người mê ngủ, tôi đổ xuống ngay.


Chú thích

KHÚC III

1 – 9. Dòng chữ đề trên cổng vào Địa ngục – theo truyền thuyết của Thiên Chúa giáo, Địa ngục do một vị thần ba ngôi tạo ra: ngôi Cha (sức mạnh tối cao), ngôi Con (trí tuệ cao siêu), và ngôi Thánh linh (tình yêu đầu tiên). Địa ngục này để hành hình Lucifeo từ trên trời rơi xuống (khúc XXXIV) và tồn tại muôn thuở. Đọc hết Địa ngục ta sẽ hình dung ra Địa ngục của Dante có hình như một cái giếng khổng lồ cứ xuống thấp dần theo từng tầng ngục.
58. Tôi nhận ra trong đám một bóng hình: các bản chưa có chú giải thống nhất mà chỉ nói hoặc là Giáo hoàng Celestino V được bầu năm 1294, lúc đó ông đã 79 tuổi, đã xin thôi sau 5 tháng vì sợ không đảm đương nổi chức vụ. Hoặc là Pontius Pilate (tức quan xét xử Phi-lát), người đã định tha cho Giê-su vì không thấy tội đáng chết nhưng đám đông dân chúng vẫn nằng nặc yêu cầu tha cho tên cướp Ba-ra-ba và đóng đinh Giê-su trên cây thập tự nên đã nghe theo (Tân Ước_Lu-ca 23: 1 – 24).
78. Dòng sông Akêrông: là con sông dưới Địa ngục theo thần thoại Hy Lạp. Đây là con sông do nước mắt vua Creta tạo thành, có bản cho là do tội lỗi của con người (xem khúc XIV, 94 – 138). Đầu tiên có tên Acheronte, tiếng Hy Lạp nghĩa là đau thương, chảy quanh vùng ngục thứ nhất. Sau đó, chảy xuống thấp hơn thành đầm Stige, nghĩa là hận thù, nơi hành hình những kẻ cuồng nộ (xem khúc VII, 106). Thấp hơn nữa thành dòng sông máu Flegetonta, nghĩa là nóng bỏng, nơi trừng phạt những kẻ bạo hành, những kẻ hại người thân (xem khúc XII, 47). Tiếp tục vẫn dòng sông máu và tên Flegetonta (xem khúc XIV, 113) xuyên qua khu rừng của những kẻ tự tử và trảng cát có mưa lửa (xem khúc XIV, 76 – 90; khúc XV, 1 – 12). Từ đây nó tạo thành những dòng thác ầm ầm đổ vào trong (xem khúc XVI, 1 – 3; 92 – 105) tạo thành đầm Cocito, nghĩa là khóc than (xem khúc XIV, 119; khúc XXXI, 123; khúc XXXII, 22 – 30; khúc XXXIV, 52). Sông Lete, nghĩa là quên lãng được Dante đặt ở “ngoài vực” (xem khúc XIV, 136 – 138) để cho những âm hồn đến rửa ráy sau khi đã chuộc lỗi lầm, để dòng sông sẽ cuốn đi những kỷ niệm về những điều lầm lỗi. Con sông này sau đó còn chảy tiếp đến Tĩnh ngục…
83. Ông già Carôngtê: là người lái đò đưa các linh hồn sang bên kia thế giới theo thần thoại. Trong Thần khúc Dante biến ông này thành một quỷ sứ của Địa ngục.
93. Cần tìm một con đò khác: Carôngtê biết rằng Dante không có lỗi lầm để phải chịu cực hình của Địa ngục nên phải tìm một con đò nhẹ nhàng để các thiên thần đưa đến gần Tĩnh ngục.
115. Giống Ađam ác độc: theo Cựu Ước, Eva nghe lời xui của con rắn đã ăn trái cấm và trao cho chồng là Ađam cùng ăn, họ đã thành những kẻ có tội và bị Đức Chúa Trời đuổi khỏi thiên đàng.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 09:38:03

 
 
KHÚC IV

Tầng Địa ngục thứ nhất – Những vĩ nhân chưa qua phép rửa tội

Cơn mê ngủ ở trong tôi đứt quãng
Tri giác phục hồi sau tiếng sét vang
Như một người bị thức bằng sức mạnh.

4 Đảo cặp mắt vừa được nghỉ, nhìn quanh
Tôi đứng thẳng và mắt nhìn chằm chặp
Cố hiểu ra nơi đang ở của mình.

7 Hai chúng tôi đang đứng trên bờ vực
Thung lũng thảm sầu ở dưới bàn chân
Nơi có vô vàn tiếng kêu khủng khiếp.

10 Vực thẳm sâu, vực mờ mịt, đen ngòm
Tôi chăm chú nhìn xuống sâu tận đáy
Nhưng tất cả đều mờ mịt, tối đen.

13 “Giờ ta xuống thế giới mù phía dưới
Ta đi đầu, còn con đi thứ hai”.
Mặt thầy tái mét khi thầy nói vậy.

16 Tôi nói, khi nhìn nét mặt thầy tôi:
“Con đi sao nổi, nếu thầy cũng sợ
Thầy cũng kinh hoàng, biết dựa vào ai?”

19 Thầy bảo: “Cực hình của hồn đau khổ
Đã truyền cả sang gương mặt của ta
Nỗi đau khổ con nhầm là nỗi sợ.

22 Ta đi thôi, đang giục giã đường xa”.
Thầy bước xuống và tôi theo thầy bước
Vào vòng thứ nhất, vực thẳm đang chờ.

25 Ở đó những gì mà tôi nghe được
Không phải tiếng kêu mà tiếng thở dài
Làm xáo động bầu không gian vạn kiếp.

28 Nó từ nỗi đau không bị cực hình
Của đám âm hồn vô cùng đông đúc
Có cả trẻ con, đàn bà, đàn ông.

31 “Sao con không hỏi – thầy tôi bỗng nhắc –
Họ là ai, trú ẩn những linh hồn
Ta muốn con tỏ tường khi bước tiếp.

34 Họ không phải là những kẻ lỗi lầm
Công tích không nhiều nhưng mà cũng có
Nhưng chưa qua rửa tội cửa Đức Tin.

37 Họ sống trước khi đạo Kitô có
Không biết tôn thờ Đức Chúa như cần
Ta cũng là một người trong bọn họ.

40 Vì khiếm khuyết đó, ta bị bỏ quên
Và ở đây ta chịu điều xét đoán
Mất hy vọng và cứ sống khát thèm”.

43 Lồng ngực tôi thắt lại vì đau đớn
Nghe thấy tin có không ít vĩ nhân
Chốn Minh phủ phải chịu nhiều cay đắng.

46 “Hãy cho con hay, chúa tể của con –
Tôi hỏi thầy vì muốn cho vững dạ
Về Đức Tin đã thắng mọi sai lầm –

49 Có phải nơi này không ai thoát cả
Nhờ công mình hay ai chuộc cho nhau?”
Thầy hiểu ngay những lời tôi nói đó.

52 Thầy trả lời: “Ta cũng tới chưa lâu
Ta đã thấy có một Ngài chúa tể
Với vòng hào quang chói lọi trên đầu.

55 Ngài đưa khỏi đêm anh hồn thuỷ tổ
Con trai Aben và cả Nôê
Và Môisê, luật gia, người coi giữ.

58 Vua Đavít, trưởng lão Abờraham
Ítxaraen, cha của ông và con nhỏ
Cả nàng Rakelê cũng được ưu tiên.

61 Nhiều người khác cũng được ban ân huệ
Trước họ chưa từng cứu rỗi một ai
Họ trở thành những người đầu tiên đó”.

64 Thầy vẫn nói nhưng không dừng bước chân
Chúng tôi đi qua một khu rừng lớn
Tôi thấy đây chật ních những âm hồn.

67 Và tôi thấy từ nơi xa xôi lắm
Có một vầng ánh sáng trước mặt tôi
Nửa bầu trời đen bỗng nhiên toả sáng.

70 Dù ánh sáng không ở gần chúng tôi
Tôi nhìn thấy một đoàn đông đúc lắm
Hẳn những người đáng kính ở nơi này.

73 “Hỡi người vinh dự của thơ ca, khoa học
Họ là ai mà lại được tôn vinh
Số phận họ sao khác xa người khác?”

76 Thầy đáp: “Tiếng tăm của họ lẫy lừng
Còn vang mãi trong cuộc đời dương thế
Nên Chúa Trời nhiều ân huệ đã ban”.

79 Ngay lúc này, tôi nghe ai đó nói:
“Nhà thơ cao cả nhất hãy tôn vinh!
Bóng của nhà thơ nay đà quay lại”.

82 Tôi nhìn thầy, khi dứt những lời trên
Đến trước chúng tôi bốn người vĩ đại
Nét mặt không vui mà cũng chẳng buồn.

85 “Con hãy nhìn – người thầy nhân hậu bảo –
Người đang cầm chiếc kiếm trong tay kia
Dẫn đầu ba vị như vì vương giả.

88 Nhà thơ tối thượng, chính là Hômer
Tiếp theo – Hôrát, nhà thơ trào phúng
Ôviđiô thứ ba, và sau nữa Lucanô.

91 Mỗi người danh hiệu với ta đều xứng
Lời vang lên, ta một chút bước lên
Tôn vinh họ, và tất nhiên, ta đúng”.

94 Trước mắt tôi tuyệt mỹ một tao đàn
Vị chúa tể với bài ca bất tử
Như đại bàng bay lượn giữa trời xanh.

97 Thầy tôi gặp và chuyện trò với họ
Rồi quay về tôi làm dấu cúi chào
Và thầy mỉm cười với tôi khi đó.

100 Họ ban cho tôi vinh dự lớn lao
Tôi được đứng trong tao đàn của họ
Người thứ sáu trong các bậc thanh cao.

103 Chúng tôi đi đến tận vùng sáng tỏ
Muốn nói lời mà nín lặng càng hay
Nhưng cũng hay nếu chuyện trò nơi đó.

106 Trước mắt tôi hiện ra một lâu đài
Có bảy lớp thành, tường cao chất ngất
Và một dòng sông xinh đẹp bao vây.

109 Chúng tôi qua sông như đi trên đất
Qua bảy cánh cổng đến nhóm đại hiền
Một thảm cỏ xanh hiện ra trước mặt.

112 Những vị đó rất điềm đạm, trang nghiêm
Dáng vẻ bề ngoài uy nghi, oai vệ
Lời họ khoan thai, chậm rãi vang lên.

115 Chúng tôi bước lên một khu đồi nhỏ
Một vùng cao tươi mát, sáng, dịu êm
Cho phép chúng tôi nhìn ra tất cả.

118 Ở đó, trên nền ngọc bích màu xanh
Đã hiện lên những anh hồn cao cả
Mắt thoạt nhìn đã phấn khích trong tim.

121 Tôi thấy cụ Eletơra và đàn cháu nhỏ
Trong số họ có Hécto và Ênêa
Xêda đeo gươm đôi mắt rực lửa.

124 Tôi thấy Cammila, Pantaxilêa
Và vua Latinô xa hơn một chút
Ngồi bên cạnh công chúa Lavina.

127 Bờrutô, người cho Táckinô hạ bệ
Lucờrêxia, Giulia, Mácxia, Coócnilia
Và Xalađinô một mình riêng lẻ.

130 Sau đó ngước mắt một chút nhìn lên
Thấy vị Tôn sư mọi người biết đến
Giữa quây quần triết học một gia đình.

133 Tất cả hướng về tỏ lòng tôn kính
Người ngồi gần nhất và trước mọi người
Tiếp đến Xôcrát, Platôn đáng kính.

136 Có Đêmôcrít nổi tiếng khắp nơi
Anaxagô, Talê, Điôgiênét
Empêđôclét, Hêraclít, Zênônê.

139 Tôi thấy người đi sưu tầm thảo dược
Điátcôriđê và thấy Oócphêô
Tuliô, Linô và Xênêca – nhà đạo đức.

142 Nhà hình học Ơcơlít và Tôlômêô
Avixena, Galen và Ipôcrát
Avêôít, nhà bình luận tài ba.

145 Tên mọi người không thể nào kể hết
Tôi cần nêu nhanh chóng tên mọi người
Thường lời nói không thể nêu hết việc.

148 Giờ nhóm sáu người chỉ còn lại hai
Nhà hiền triết dẫn tôi đi hướng khác
Rời lặng yên vào xao động khôn nguôi.

151 Chúng tôi đi vào một nơi tối mịt.

Chú thích

KHÚC IV

37 – 39. Đạo Kitô: tức đạo Thiên Chúa. Virgilio chết năm 19 tr. CN vào ngục Limbus khoảng nửa thế kỷ trước khi Giê-su chết và hồi sinh.
53. Ta đã thấy có một Ngài chúa tể: chỉ Đức Chúa Giê-su.
55. Anh hồn thuỷ tổ: chỉ Adam, người đầu tiên theo Kinh Thánh.
56. Aben: con Adam; Nôê: người theo ý Chúa Trời đã đóng thuyền chở vợ con và các loài vật khi xảy ra nạn hồng thuỷ.
57. Moise: người giải phóng dân tộc Do Thái khỏi ách nô lệ Ai Cập, được Chúa Trời ban cho bộ luật Do Thái.
58. David: Vua Do Thái; Abraham: Trưởng lão Do Thái.
59. Israel: tức Giacobbe (Jacob); Rakelê (Rachel): Vợ Giacobbe.
88–90. Omero (Homer): Nhà thơ Hy Lạp cổ đại, người được coi là tác giả của “Iliat” và “Odyssey”; Orazio (Horace) (65 – 8 tr. CN) – nhà thơ La Mã cổ đại; Ovidio (Ovid) (43 tr. CN – 18 sau CN) – nhà thơ La Mã; Lucano (39 – 65) – nhà thơ La Mã. Bốn nhà thơ cổ đại mà Dante gọi là “bốn người vĩ đại” (câu 83). Trong bốn nhà thơ này thì Omero là nhà thơ mà Dante chưa thể đọc được vì Dante không biết tiếng Hy Lạp, còn bản dịch ra tiếng Latinh hồi này chưa có, mặc dù vậy, ông vẫn gọi Omero là “nhà thơ tối thượng”, gọi Orazio là “nhà thơ trào phúng”. Còn Ovidio và Lucano thì Thần khúc sử dụng rất nhiều sự tích từ tác phẩm của hai nhà thơ này.
121–144. Dante tiếp tục gặp những nhân vật sau: Elettra (Electra): người yêu của thần Dớt, mẹ của Dardano, người lập thành Tơroa; Ettor (Hector): con trai vua Priamo và Ecuba, anh hùng Tơroa; Cammilla, Pantasilea: những nhân vật trong thiên anh hùng ca “Eneide” của Virgilio; Latino: vua của Latium, cha của Lavina. Lavina là vợ của Enea; Bruto: lãnh chúa đầu tiên của cộng hoà La Mã, người đã hạ bệ vua Tarquino năm 509 tr. CN, thiết lập chế độ cộng hoà (không phải Bruto, người giết Cesare ở câu 65 khúc XXXIV); Lucrezia, Iulia, Marzia, Corniglia: bốn gương mặt phụ nữ đại diện cho đức hạnh La Mã; Saladino (1138 – 1193) quốc vương Ai Cập và Syria, Saladino một mình riêng lẻ vì ông thuộc về nền văn hóa khác; vị Tôn sư là Aristotele (384 – 322 tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Socrate (469 – 399 tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Platone (427 – 347 tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Dimocrito (460 – 370 tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Anassagora (500 – 428 tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Tale (625 – 546 tr. CN): nhà toán học, triết học Hy Lạp cổ đại; Diogenes (413 – 327): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Empedocles (thế kỷ VI tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Zenone (335 – 264 tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Eraclito (540 – 480 tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Diascoride (thế kỷ I sau CN): thầy thuốc Hy Lạp cổ đại; Orfeo: nhà thơ, nhạc sĩ, nhà tiên tri Hy Lạp cổ đại; Tulio (106 – 43 tr. CN): nhà hùng biện La Mã cổ đại; Lino: nhà thơ thần thoại Hy Lạp cổ đại; Seneca (4 tr. CN – 64 sau CN): nhà triết học La Mã cổ đại; Euclide (thế kỷ III tr. CN): nhà toán học của Alexandria, Ai Cập; Tolemeo (thế kỷ II ): nhà toán học, thiên văn học Hy Lạp cổ đại; Ipocrate (460 – 377 tr. CN): danh y Hy Lạp cổ đại; Galieno (thế kỷ II) danh y Hy Lạp cổ đại; Avicenna (Ibn Sina) (980 – 1037): nhà triết học Arập; Averois (1126 – 1198): nhà triết học, danh y Arập, người bình luận triết học Aristotle hay nổi tiếng.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 09:43:04

 
 
KHÚC V

Tầng Địa ngục thứ hai – Minốt – Những người tình

Vậy là tôi đã đi hết một tầng
Xuống tầng hai này không gian càng hẹp
Nhưng nghe nhiều hơn những tiếng khóc than.

4 Minốt đứng đó nghiến răng ken két
Khảo tội từng người vừa mới tới đây
Phán tội rồi đuổi đi, roi xoay tít.

7 Khi một linh hồn khốn khổ tới đây
Phải trình diện và cung khai tội trạng
Thì quan âm binh xét xử như vầy:

10 Vị quan xem xét và quan cân nhắc
Tội trạng hồn này theo số vòng roi
Để chỉ định theo số tầng địa ngục.

13 Các âm hồn hối hả, chen chúc nhau
Kẻ trước người sau để chờ phán xét
Rồi lắng nghe, và họ nói với nhau.

16 “Sao ngươi đến đây, vị khách tội nghiệp –
Nhận ra tôi, Minốt chợt kêu lên
Thậm chí quên rằng mình đang làm việc –

19 Sao ngươi đến đây và đi cùng ai?
Chớ coi thường, không dễ vào đâu nhé!”
Thầy tôi trả lời: “Ai xuống chốn này

22 Thì chớ ngăn cản người ta như thế
Ai muốn thì hãy cứ để cho người
Làm việc muốn. Đứng gào lên như thế!”

25 Tôi nhận ra cảnh đau khổ ngậm ngùi
Nghe tiếng thở than và tôi bước đến
Muôn tiếng khóc than ùa đến quanh tôi.

28 Tôi ở nơi ánh sáng đều tắt ngấm
Và giống như tiếng sóng biển, gầm gừ
Hai ngọn gió giằng xé nhau cuồng loạn.

31 Gió địa ngục không yên nghỉ bao giờ
Cuốn âm hồn vào cơn điên của nó
Rồi gió xoay vần, hành hạ, đập, va.

34 Khi những hồn đến lối đi đất lở
Thì bỗng ồn lên những tiếng khóc than
Ồn lên mọi lời thánh thần báng bổ.

37 Tôi hiểu ra, đây là tầng cực hình
Dành cho những tội đồ về xác thịt
Lý trí thấp hơn, dục vọng cao hơn

40 Như đôi cánh của bầy chim co quắp
Lượn xoay vòng giữa trời lạnh, giá băng
Trận cuồng phong cuốn những linh hồn ác.

43 Cuốn khắp đó đây, hạ xuống, tung lên
Không một chút hy vọng nào được nghỉ
Hay ước mong được giảm bớt cực hình.

46 Như đàn sếu bay về nam tránh gió
Kêu thảm thiết buồn giữa chốn không trung
Trước mặt tôi, một vòng tròn nức nở.

49 Tôi hỏi thầy: “Âm hồn bị cuồng phong
Giằng xé đó, thì họ là ai vậy
Sao bị hành hình bởi ngọn gió đen?”

52 Thầy trả lời: “Cái người đầu tiên ấy
Con hãy nhìn xem, là một nữ hoàng
Xưa từng cai trị nhiều dân tộc đấy.

55 Bà ta là người quỉ quyệt, gian tham
Đem biến thói dâm ô thành luật pháp
Cho thoát khỏi lời đàm tiếu của dân.

58 Đó là Xêmiramít mà ta biết được
Là hoàng hậu, người kế vị Ninô
Cai quản thành đô dâng cho vương quốc.

61 Kia, người đàn bà tự sát vì tình
Phản nắm xương Xikêô chồng cũ
Kia là Cờlêôpát – nữ hoàng dâm.

64 Còn kia Êlêna, một thời khó nhọc
Đã nổ ra vì sắc đẹp của nàng
Kia là Asin bị tình yêu khuất phục.

67 Và Parítxơ, và Tờrixtăng”.
Thầy kể tên và lấy tay chỉ trỏ
Những kẻ vì tình loại khỏi trần gian.

70 Khi tôi lắng tai nghe nhà học giả
Nêu tuổi tên bao hiệp sĩ, giai nhân
Thì lòng tôi bồi hồi, xao xuyến quá!

73 Tôi nói: “Hỡi nhà thơ, con rất mong
Được trò chuyện cùng hai người sánh bước
Đang cuốn theo làn gió rất nhẹ nhàng”.

76 Thầy bảo tôi: “Chút rồi con sẽ gặp
Và hãy thỉnh cầu khi họ đến đây
Họ sẽ tới, theo tình yêu dẫn dắt”.

79 Khi gió đẩy họ về phía chúng tôi
Tôi kêu lên: “Hỡi hai hồn đau khổ
Hãy trò chuyện cùng tôi, cả hai người!”

82 Như đôi chim câu nghe lời của tổ
Sải cánh theo tiếng gọi của đam mê
Theo niềm khát vọng, vượt bầu không khí.

85 Thế là họ tách khỏi nhóm Điđô
Tách bầu âm khí, phía tôi hướng đến
Họ vui lòng theo tiếng gọi từ bi.

88 “Hỡi sinh linh đáng yêu và nhân hậu
Đã ghé thăm nơi Địa ngục tối tăm
Chúng tôi những kẻ phàm trần nhuộm máu.

91 Giá như Thượng Đế sẽ là bạn thân
Thì chúng tôi cầu cho ngươi vạn sự
Vì rủ lòng thương cho cảnh đau lòng.

94 Nếu ngươi muốn hỏi, muốn nghe gì đó
Thì chúng tôi bộc lộ rất sẵn lòng
Khi nơi này dịu bớt đi ngọn gió.

97 Tôi sinh ra ở bên một dòng sông
Dòng sông Pô, nơi hạ thấp dòng chảy
Rồi các nhánh vào một biển hòa chung.

100 Tình đốt cháy những con tim dịu dàng
Tình quyến rũ, tình khát khao thân xác
Và say sưa, khủng khiếp giờ cuối cùng.

103 Tình sai khiến cả người yêu dấu nhất
Làm mê hồn, cuốn hút hai chúng tôi
Vòng tù hãm vững bền, ngươi đã biết.

106 Tình dẫn về cái chết cả hai người
Dìm ngày xanh trong Caina địa ngục”
Từ miệng họ tôi nghe thấy những lời.

109 Những chiếc bóng thật vô cùng tội nghiệp
Tôi cúi đầu trên ngực, trong u sầu
“Con nghĩ gì?” – Thầy của tôi thắc mắc.

112 “Ô, có ai người biết – tôi bắt đầu –
Mơ ước nào và từ đâu tai nạn
Dẫn hai người đi vào cõi khổ đau!”

115 Sau đó, hướng về những hồn im lặng
Tôi rằng: “Phờrăngxétxca, những lời em
Ta nghe theo bằng nước mắt thương cảm.

118 Nhưng hãy nói: giữa thổn thức ngày xanh
Có phải vì em do ai xúi giục
Hay dẫn dắt em dan díu với tình?”

121 Nàng trả lời: “Nhớ lại ngày hạnh phúc
Trong bất hạnh càng khiến cõi lòng đau
Vị học giả của ngươi chắc biết được.

124 Nhưng ngươi muốn nghe câu chuyện từ đầu
Tình khổ đau, tình chất đầy khao khát
Thì em tiếc lời và nước mắt đâu.

127 Có một lần em với chàng đã đọc
Về Lancelot – một câu chuyện ngọt ngào
Rồi cả hai, ai cũng đều sơ suất.

130 Từng nhiều lần tái mặt qua trang sách
Mắt nhìn nhau trong bí ẩn rung lên
Và đành để câu chuyện kia khuất phục.

133 Khi đọc rằng với nụ hôn của mình
Vào nụ cười bờ môi chàng áp sát
Em với chàng đau khổ đến ngàn năm.

136 Và cuốn sách trở thành Galeôt
Chàng hôn môi, em bần bật run lên
Không còn ai đọc đến cùng trang sách”.

139 Hồn nói xong, vẻ tức tối vô cùng
Còn hồn kia tim khổ đau nức nở
Tôi như người chờ đợi phút lâm chung.

142 Như người chết, tôi ngã nhoài sau đó.


Chú thích

KHÚC V

4. Minos: Theo thần thoại Hy Lạp là vua xứ Creta, nổi tiếng công bằng và nghiêm khắc. Trong Địa ngục của Dante, Minos là quan phán xét.
58. Semiramis: nữ hoàng của xứ Caldea và Assiria, thế kỷ XIV tr. CN, nổi tiếng xinh đẹp và dâm đãng, đã ban bố đạo luật thừa nhận sự loạn luân.
59. Nino (Ninus): chồng Semiramis.
61. Didone (Dido): nữ hoàng của Cartagine (Carthage), vợ góa của Sicheo, đã yêu Enea say đắm khi chàng đi tìm miền đất để xây dựng thành Tơroa mới bị dạt vào xứ Cartagine. Enea phải tiếp tục ra đi, Didone tuyệt vọng và tự sát, như vậy là đã phản lại thề ước với người chồng cũ.
63. Cleopatras (69 – 30 tr. CN): nữ hoàng Ai Cập, là tình nhân của nhiều người, trong đó có Cesare và Antonio.
64. Elena (Helen): nữ hoàng xứ Sparta, vợ của Menelao bị Paride bắt cóc đưa về Tơroa trở thành nguyên nhân của cuộc chiến thảm khốc kéo dài 10 năm mà Dante gọi là “một thời khó nhọc”.
66. Achille (Asin): anh hùng Hy Lạp trong cuộc chiến Tơroa, yêu nàng Polissena, con gái vua Priamo, bị lôi kéo vào bẫy gian và bị giết chết.
67. Paride (Paris): người đã bắt cóc Elena; Tristan: nhân vật hiệp sĩ văn học trung cổ (Pháp, Đức), người yêu của Iđơn.
73 – 74. Đây là hai chiếc bóng không rời nhau của Fransesco da Rimini và Paolo Malatesta. Fransesco da Rimini là con gái của Gido da Polenta, lãnh chúa Ravenna đã gả cho Giancotto Malatesta, con trai của lãnh chúa Rimini – là một gã xấu trai và thọt chân nhưng độc ác. Khi Giancotto bắt gặp Fransesco dan díu với em trai mình là Paolo, đã đâm chết cả hai người bằng một nhát kiếm. Câu chuyện này xảy ra trong những năm 1283-1286.
107. Caina – đoạn đầu của vòng thứ chín địa ngục, nơi hành quyết những kẻ phản bội người thân của mình.
128. Lancialotto (Lancelot) – câu chuyện tình yêu của Pháp thế kỉ 13 về chàng hiệp sĩ Lancelot và tình yêu của chàng đối với hoàng hậu Guinevere (Gunivra), vợ của vua Arthur. Câu chuyện này thời đó đã được dịch ra tiếng Italia.
136. Galeotto (Gallehault) – người đã thuyết phục hoàng hậu Guinevere hôn chàng Lancelot vốn rất rụt rè, nhút nhát.


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 09:46:40

 
 
KHÚC VI

Tầng Địa ngục thứ ba – Sécberô – Siáccô

Vừa hồi tỉnh lại sau cơn choáng váng
Tôi thấy xót thương cho những người thân
Lòng tràn ngập một nỗi buồn đau đớn.

4 Khắp mọi nơi con mắt tôi ngoái nhìn
Những nơi đã qua, những gì đã thấy
Đều khổ đau và chỉ nỗi cực hình.

7 Tôi đang bước xuống tầng ba địa ngục
Mưa liên hồi và lạnh buốt thấu xương
Cứ như thế, không đổi thay thời tiết.

10 Mưa đá, mưa tuyết và cả mưa đen
Mưa trút xuống từ không trung tối mịt
Trên mặt đất mùi xứ uế oi nồng.

13 Con quái vật Sécbêrô độc ác
Cả ba mõm cùng như chó sủa lên
Hướng về đám người ngập chìm trong nước.

16 Mắt đỏ ngầu và râu ria bóng đen
Bụng to kềnh và tay đầy vuốt nhọn
Cào cấu, lột da, xé xác âm hồn.

19 Mưa khiến cho chúng gào lên như chó
Lấy sườn này làm mộc che sườn kia
Và cứ liên tục xoay mình đau khổ.

22 Khi Sécbêrô nhìn thấy chúng tôi
Ba mõm há hốc và khoe răng nhọn
Khiến những âm hồn sợ hãi khôn nguôi.

25 Thầy dẫn đường xòe bàn tay ra rộng
Rồi thầy vốc lên một nắm đất đầy
Ném Sécbêrô đang khát thèm vào mõm.

28 Như con chó sủa ầm ĩ, thèm ăn
Bỗng câm vì mồi vào răng dính chặt
Nó hăm hở ăn ngấu nghiến một mình.

31 Thế đấy, ba cái mõm kia thú vật
Của Sécbêrô, tiếng sủa cuồng điên
Khiến các âm hồn chỉ mong được điếc.

34 Chúng tôi vẫn đi giữa những âm hồn
Mưa vẫn rơi đều nặng nề, dồn dập
Chân bước trên không hay các âm hồn.

37 Tất cả đều nằm lăn trên mặt đất
Bỗng có một người bật dậy rất nhanh
Rồi ngồi xuống, ngẩng lên nhìn đôi mắt.

40 “Ai đưa anh đến chốn này, kìa anh
Anh có biết ta? Chắc là anh biết
Trước khi ta tàn thì đã có anh”.

43 Tôi trả lời: “Vẻ ngoài rất thương xót
Đã xóa nhòa mọi ký ức của tôi
Tôi cứ ngỡ như chưa hề quen biết.

46 Hãy nói cho tôi rằng ngươi là ai
Mà phải chịu nỗi cực hình như thế
Không đắng cay, nhưng khó chịu hơn người”.

49 “Đô thành của ngươi chất đầy dục vọng
Như túi căng đầy sắp sửa bật tung
Kìm giữ ta giữa cuộc đời thanh thản.

52 Người đời gọi ta là Siáccô
Tội trạng ta là chỉ vì cái miệng
Ta kiệt sức vì sau một cơn mưa.

55 Ta không phải là linh hồn duy nhất
Cả bọn ở đây đều tội giống nhau
Chỉ vì tội ấy”. Và lời im bặt.

58 Tôi đáp: “Siácscô, nỗi cực khổ của ngươi
Khiến cho ta chỉ chực rơi nước mắt
Nhưng nói ta nghe, điều gì sẽ đến đây?

61 Trong thành phố ta chất đầy thù hận
Trong đó ai là người đúng, ai sai?
Tại vì sao mối bất hòa căng thẳng?”

64 Hồn trả lời: “Sau cuộc đấu kéo dài
Máu sẽ đổ, phe nhà quê sẽ đuổi
Phe kia, và sẽ nhục nhã không thôi.

67 Nhưng mà rồi phe nhà quê suy đốn
Sau ba vòng mặt trời phe kia lại lên ngôi
Nhờ bàn tay một người rất ranh mãnh.

70 Một thời gian phe thắng ngẩng cao đầu
Kìm phe kia trong gông cùm xiềng xích
Trong ê chề và nhục nhã, đớn đau.

73 Không có ai nghe hai người chính trực.
Lòng tham lam, ghen tỵ và kiêu căng
Là ba ngọn lửa trong tim thiêu đốt”.

76 Bằng những lời cay đắng, hồn tạm ngừng
Tôi vội nói: “Tôi mong ngươi chỉ bảo
Tôi mong ngươi báo cho thật nhiều tin.

79 Técghiaiô, Pharinata – hai người cường tráng
Arigô, Rútxticúcsi hay Mốtxca
Tất cả họ đều gắng làm việc thiện.

82 Tôi muốn gặp, họ bây giờ ở đâu
Vì lòng tôi rất thiết tha muốn biết
Họ trong Địa ngục hay ở trời cao?”

85 “Họ ở cùng những hồn đen tối nhất
Nằm dưới sâu vì tội lỗi nhiều năm
Nếu đi xuống nữa thì ngươi sẽ gặp.

88 Nhưng khi trở về dương thế êm đềm
Ta xin ngươi chớ kể ra mọi chuyện
Đấy là những lời ta nói cuối cùng”.

91 Đôi mắt nhìn thẳng bỗng dưng biến dạng
Nhìn tôi lần cuối và rồi cúi đầu
Giữa đám người mù hồn kia ngã xuống.

94 Thầy bảo tôi: “Không còn ngóc đầu lên
Cho đến khi kèn thiên thần cất tiếng
Và khi đến đây quyền lực siêu phàm.

97 Mọi người quay lại nấm mồ tội nghiệp
Nhận lại hình hài, khuôn mặt khi xưa
Và lắng nghe lời vĩnh hằng phán xét”.

100 Qua nơi bẩn, chúng tôi rảo bước chân
Bước chầm chậm giữa mưa và giữa bóng
Nghe những lời về cuộc sống vĩnh hằng.

103 Tôi hỏi thầy: “Những khổ đau nhường ấy
Sau lời tối cao phán xét, tăng thêm
Hay giảm nhẹ, hay không hề thay đổi?”

106 Thầy đáp: “Quay về khoa học của con
Đã dạy rằng sự vật càng hoàn thiện
Thì hạnh phúc, đau khổ rõ ràng hơn.

109 Bởi thế đám âm hồn này nguyền rủa
Không thể nào đi tới sự vẹn toàn
Phía trước họ là những gì tồi tệ”.

112 Chúng tôi men theo đường tròn vòng quanh
Trò chuyện nhiều nên tôi không nhớ hết
Sau đó chúng tôi đi xuống sâu hơn.

115 Và gặp Pờlutô, kẻ thù lớn nhất.

Chú thích

KHÚC VI

13. Cerbero: theo thần thoại Hy Lạp là con chó ba đầu từng được Virgilio và Ovid sử dụng trong tác phẩm của mình. Dante dùng Cerbero làm quỉ sứ gác cổng tầng Địa ngục thứ ba.
49. Đô thành của ngươi: Firenze (Florence).
52. Ciacco: là biệt danh của một người dân Firenze nào đấy tham ăn.
61. Đoạn này nói về cuộc đấu tranh chính trị đã nổ ra ở Firenze khoảng năm 1300 giữa hai phe đảng Ghibellini và Guelfi. Năm 1266 phe Guelfi thắng nhưng rồi lại chia thành hai phe Đen và Trắng. Dante thuộc về phe Trắng.
68. Ba vòng mặt trời: ba năm.
79 – 84. Dante hỏi về những người thuộc cả phe Đen lẫn phe Trắng.
95. Khi kèn thiên thần cất tiếng: nghĩa là ngày Phán xét cuối cùng.
96 – 99. Khi đến đây quyền lực siêu phàm: nghĩa là ngày Giê-su sẽ xét xử người đã chết. Âm hồn sẽ quay lại mộ để nhận xác, nhập vào xác và lắng nghe lời phán xử.
106 – 108. Quay về khoa học của con: là những tác phẩm của Aristotle viết rằng sự vật càng hoàn thiện thì sự sung sướng hay đau khổ càng rõ ràng hơn. Sau khi hồi sinh, những âm hồn lầm lỗi “Không thể nào đi tới sự vẹn toàn”, sẽ phải chịu đau khổ nhiều hơn ở địa ngục, trong khi đó những kẻ chính đạo sẽ được hưởng hạnh phúc càng nhiều hơn ở thiên đàng.
115. Pluto (Plutus): thần của cải trong thần thoại Hy Lạp mà ở đây là quỉ sứ của tầng địa ngục IV trừng phạt những kẻ keo kiệt và hoang phí.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 09:49:37

 
 
KHÚC VII

Tầng Địa ngục thứ tư – Pờlutô – Những kẻ hà tiện, hoang phí

“Papè Satán, papè satán aleppe!”
Pờlutô kêu lên, khàn khàn trong giọng
Nhưng nhà hiền triết tất cả hiểu ra.

4 Trấn an tôi: “Con hãy đừng luống cuống
Dù có gấp đôi cái vẻ điên cuồng
Cũng không cản nổi chúng ta đi xuống”.

7 Rồi thầy hướng về cái mõm sưng phồng
Quát: “Câm đi, con sói kia nguyền rủa
Hãy lặng im gặm nhấm nỗi điên khùng.

10 Chúng ta xuống đây, để mi câm nín
Điều ước muốn này tự chốn cao xanh
Nơi thánh Mikelê trị bầy phản loạn”.

13 Và giống như căng gió những cánh buồm
Bỗng xẹp xuống vì cột buồm gãy gục
Con thú ngã nhào, sức lực tiêu tan.

16 Chúng tôi xuống tầng thứ tư Địa ngục
Tiếp tục đi theo đường dốc buồn đau
Nơi giam cầm biết bao nhiêu tội ác.

19 Ai đau khổ, hỡi công lý trên cao!
Đủ mọi hình phạt mà tôi đã thấy
Người ta khổ đau vì tội lỗi nào?

22 Như sóng nước Carítdi vực xoáy
Vỡ tung ra khi sóng khác xô vào
Mọi âm hồn đều phải vào vòng nhảy.

25 Đám bị đầy ải ngỡ còn đông hơn
Phía này phía kia tiếng gào rú lớn
Những khối nặng nề dùng ngực xô lăn.

28 Họ va đập vào nhau, rồi từ đó
Quay lại phía sau và họ mắng nhau:
“Sao giữ bo bo?”, “Sao xài hoang thế?”

31 Và cứ thế, họ theo vòng tròn đen
Đi tới điểm phía bên kia đối diện
Miệng gào to cái điệp khúc không ngừng.

34 Rồi mỗi người lại quay vòng trở lại
Khi hết nửa vòng ở mé bên kia
Tôi thốt lên, cõi lòng tôi tê tái:

37 “Ôi thầy ơi, xin thầy giảng cho con
Họ là ai, có phải là tăng lữ
Những kẻ trọc đầu bên trái ta chăng?”

40 Thầy trả lời: “Tất cả đều mờ mắt
Suốt cuộc đời họ không biết nghĩ suy
Và không biết tiêu pha cho đúng mực.

43 Lời của họ cho ta thấy rõ ràng
Khi họ đứng mặt vào nhau đối mặt
Đối lập với nhau bằng những lỗi lầm.

46 Là tăng lữ, những kẻ đầu trọc lốc
Nhưng còn Hồng y giáo chủ, Giáo hoàng
Những kẻ keo kiệt đã lên tột bậc”.

49 “Thưa thầy, trong các nhân vật trên đây
Có thể là một đôi người con biết
Làm bẩn mình vì một lỗi trong hai”.

52 Thầy bảo: “Con nghĩ làm chi vô ích
Cuộc sống tối mù đã khiến bọn này
Trở thành mù nên chúng không còn biết.

55 Muôn thuở chúng đi đến điểm cuối cùng
Rồi một ngày chúng chui ra khỏi mộ
Một bọn nắm tay, một bọn mình trần.

58 Không biết cho, biết giữ – hai tội ấy
Lìa thế gian vào cuộc đánh vật này
Mà thôi, chẳng cần dài dòng giảng giải.

61 Con thấy đấy, chỉ trò đùa ngắn ngủi
Tiền của loài người giành giật với nhau
Cuối cùng giao cho Thần tài giữ lấy.

64 Vì tất cả vàng bạc dưới ánh trăng
Không thể nào mang lại, dù một phút
Thảnh thơi cho mệt mỏi những âm hồn”.

67 “Thưa thầy – tôi hỏi – xin thầy giảng giải
Vị Thần tài thầy nói đó là ai
Mà mọi của cải trần gian giữ nổi?”

70 Thầy bảo tôi: “Dại dột những con người
Sao sự ngu dốt nặng nề nhường ấy
Ta mong con hiểu hết những ý này.

73 Đấng Tối cao mà trí khôn cao nhất
Tạo các vùng trời và các vị vua
Để vùng này chiếu sáng sang vùng khác.

76 Và tỏa ra thứ ánh sáng ngang bằng
Cũng như vậy với huy hoàng nhân thế
Chúa cho người hướng dẫn một trí năng.

79 Để luân chuyển những của cải ở đời
Từ người này, họ này sang họ khác
Bất chấp trở ngại, lòng tham con người.

82 Kẻ phất lên, kẻ mỏi mòn chờ đợi
Là tuỳ theo điều chỉnh của trí năng
Không nhìn ra như rắn trong cỏ dại.

85 Đừng tranh luận trí tuệ người nghèo hèn
Đến việc Thần phán xét và cai quản
Các Thần kia cũng dẫn dắt như Thần.

88 Sự chuyển đổi sẽ không hề ngưng nghỉ
Cần thiết khiến cho diễn biến nhanh hơn
Bởi vậy con người đổi thay phận số.

91 Chính các Thần cũng có lúc buồn phiền
Bởi thế, người ta đáng ra ca tụng
Lại đi chê trách, hằn học, sai lầm.

94 Nhưng mà Thần chẳng nghe lời chê trách
Thần vẫn vui cùng với những Thiên thần
Xoay quả cầu sáng sủa và an lạc.

97 Bây giờ chúng ta đến nơi đau buồn
Nơi trên cao những vì sao đã lặn
Và chúng ta không được phép chậm chân”.

100 Chúng tôi tới mé vòng tròn và đến
Nơi từ trên cao dòng suối chảy ra
Rót vào cái khe và rồi chảy xuống.

103 Nước đen như bồ hóng hơn là xanh
Và chúng tôi đi theo dòng nước ấy
Vào sâu theo hoang dã một lối mòn.

106 Dòng nước u sầu chảy ra tí tách
Hòa vào cái đầm tên gọi Xtigiê
Tới chân những vách đá xanh lạnh ngắt.

109 Dán ánh mắt, rất chăm chú tôi nhìn
Những con người đầy bùn dơ dưới vực
Họ giận dữ và tất cả trần truồng.

112 Họ đánh nhau nhưng bằng đầu, bằng ngực
Không chỉ bằng tay mà cả bằng chân
Và dùng răng đớp nhau từng miếng một.

115 Thầy tôi nói: “Bây giờ con đã nhìn
Hồn những kẻ mà cuồng điên áp đặt
Nhưng ta còn muốn cho con biết rằng:

118 Còn những kẻ đang thở dài dưới nước
Họ thở dài làm bong bóng sủi lên
Cho con biết nơi họ đang ẩn nấp”.

121 Họ nói: “Chúng tôi đã sống đau thương
Dù không khí dịu êm, mặt trời rạng rỡ
Vì chúng tôi mang làn khói u buồn.

124 Giờ càng buồn vì sống trong bẩn nhớp”.
Từ trong cổ bài ca ấy tuôn ra
Nhưng rõ ràng thành lời, không thể thốt.

127 Chúng tôi theo vòng cung lớn đầm kia
Giữa đất khô và đầm lầy ướt át
Mắt nhìn những ai đang ngốn bùn dơ.

130 Cuối cùng đến dưới chân một ngọn tháp.


Chú thích

KHÚC VII

1. Papè Satán, papè satán aleppe: câu này trong các bản mà chúng tôi dùng đều không dịch nhưng nếu ta đọc tiếp những câu sau (4-9), mà Virgilio hiểu ra, thì đây là những lời giận dữ và đe dọa.
12. Thánh Mikelê trị bầy phản loạn: tức là Thánh Michele đuổi quỉ satan khỏi trời xanh trong sách Khải Huyền.
22. Cariddi (Charybdis): tên một mũi đất nhô ra biển ở Sicilia.
42. Không biết tiêu pha cho đúng mực: bởi vì một số này keo kiệt, số kia lại hoang phí.
45. Đối lập với nhau bằng những lỗi lầm: nghĩa là họ lầm lỗi ngược với nhau.
57. Bọn hà tiện thì “nắm tay” còn bọn hoang phí thì “mình trần”.
63. Thần tài (Fortune): vị thần có trách nhiệm về tài sản của loài người.
96. Xoay quả cầu: nghĩa là sự đổi thay của số phận.
98. Những vì sao đã lặn: nghĩa là đang ở vào giữa đêm.
107. Stige (Styx): con sông dưới Âm phủ. Dante mô tả thành một đầm lầy (xem khúc III, 78).
118. Những kẻ đang thở dài dưới nước: đấy là những kẻ giấu hận thù và sự giận dữ trong sâu kín.


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 09:51:55

 
 
KHÚC VIII

Tầng Địa ngục thứ năm – Philíppô Ácgiăngti

Tôi tiếp tục, như đã nói phần trên
Chúng tôi đến dưới chân một ngọn tháp
Mắt ngước lên đỉnh cao vút ngắm nhìn.

4 Ở trên đó nhấp nháy hai ngọn lửa
Và xa hơn có một ngọn thứ ba
Xa đến nỗi phải cố nhìn mới rõ.

7 Quay về người như đại dương khoa học
Tôi hỏi: “Lửa kia đang nói những gì
Hai ngọn lửa kia do ai tạo lập?”

10 Thầy tôi đáp: “Con nhìn cuối đằng kia
Và sẽ thấy trên không gian bẩn nhớp
Con phân biệt ra chúng gọi ai về”.

13 Một mũi tên từ dây cung vội vã
Xé rách toang bầu không khí lao ra
Mũi tên lao đi thành con thuyền nhỏ.

16 Trong nháy mắt, đến trước mặt chúng tôi
Một thủy thủ trên chiếc thuyền kêu lớn:
“Âm hồn lỗi lầm, mi đã đến đây!”

19 Thầy nói: “Phờlêgiát, Phờlêgiát
Anh gào lên như thế để làm chi
Chở chúng tôi qua dòng sông bẩn nhớp”.

22 Giống như kẻ nhận ra trò dối gian
Từ căng thẳng, bực tức sang đấu dịu
Phờlêgiát đã nguôi cơn giận trong lòng.

25 Thầy tôi bước lên thuyền, hơi cúi xuống
Tôi theo thầy cùng bước xuống con thuyền
Chỉ khi ấy thuyền mới hơi lún xuống.

28 Khi thầy và tôi đã bước xuống thuyền
Con thuyền cổ ngay lập tức rẽ sóng
Vì còn bao nhiêu công việc phải làm.

31 Trong khi thuyền lướt trên làn nước cóng
Tôi gặp một hồn bê bết bùn dơ
Hỏi: “Anh là ai, sao đến đây trước hạn?”

34 “Tôi đến, nhưng còn quay lại trần gian
Còn anh là ai mà ghê như vậy?”
Hồn trả lời: “Tôi là kẻ khóc than”.

37 Tôi đáp: “Hãy ở mà than với khóc
Hỡi âm hồn đáng nguyền rủa kia ơi
Ta nhận ra ngươi dù bùn nhem nhuốc”.

40 Hắn giơ hai tay về phía chiếc thuyền
Nhưng thầy tôi đã gạt đi và nói:
“Hãy cút theo những con chó dưới sông!”

43 Thầy hôn tôi và ôm vòng quanh cổ
“Hỡi tâm hồn kiêu hãnh, cho con người
Sinh ra con, ta cầu trời phù hộ!

46 Gã này là tên kiêu ngạo trên trần
Trong tâm nó không chút tình nhân ái
Nên ở đây nó giận dữ điên khùng.

49 Bao kẻ trên trần là vua vĩ đại
Xuống đây là đàn lợn trong đống phân
Chỉ sự khinh bỉ là còn giữ lại”.

52 Tôi nói: “Thầy ơi, giá con được nhìn
Hắn chết ngạt ở trong dòng nước bẩn
Một khi trên đầm còn có con thuyền!”

55 Thầy trả lời: “Trước khi sang đến bến
Phía bờ kia con sẽ được hài lòng
Một ước mong sẽ làm con vui sướng”.

58 Chỉ lát sau cuộc tra tấn bắt đầu
Đám âm hồn bẩn nhớp trong điên loạn
Tôi thầm tạ ơn Thượng Đế trên cao.

61 “Thằng Ácgiăngti” – đám đông gào khản giọng
Và cả tên Phirenxe nữa, điên khùng
Cứ việc nhắm vào thân mình mà cắn.

64 Chúng tôi bỏ mặc hắn và lặng im
Ập vào tai tôi những lời nức nở
Khiến ánh mắt tôi chăm chú ngó nhìn.

67 Và vị ân sư của tôi liền nói:
“Đã sắp đến gần thành phố Đitê
Một đám đông bị nặng nề đày ải”.

70 Tôi nói: “Thầy ơi con thấy nhà thờ
Hiện rất rõ đằng xa, trong thung lũng
Rực hồng lên trong ánh lửa đung đưa”.

73 “Đó là ngọn lửa muôn đời muôn kiếp
Rực cháy bên trong và tỏa ánh hồng
Như con nhìn thấy từ nơi Ngục thấp”.

76 Con thuyền đến những hào sâu bao quanh
Một thành phố trông giống như con chạch
Và tường thành tôi ngỡ đúc bằng gang.

79 Sau khi lượn quanh một vòng rất lớn
Con thuyền đưa chúng tôi đến một nơi
Lão lái đò kêu: “Cổng vào, bước xuống!”

82 Tôi thấy trên cổng quỷ sứ hơn ngàn
Chúng nhảy xuống và hét lên giận dữ:
“Mày là ai, tại sao vẫn sống nhăn?

85 Mà lại đến vương quốc người đã chết?”
Thầy của tôi tỏ dấu hiệu muốn bàn
Với bọn chúng về một điều bí mật.

88 Vẻ khinh thị đã bớt đi một phần:
“Mình ngươi vào, còn tên kia hãy xéo
Sao nó dám liều mò đến quốc vương?

91 Nó phải về theo con đường rồ dại
Nhưng một mình, còn ngươi ở lại đây
Người dẫn đường ở lại vùng tăm tối”.

94 Bạn nghĩ xem, tôi tuyệt vọng nhường kia
Sau khi nghe bấy nhiêu lời nguyền rủa
Vì tôi tin chắc không biết đường về.

97 “Ôi thầy dẫn đường của con, thầy ạ
Đã hơn bảy lần che chở cho con
Đã cứu con bao hiểm nguy, đe dọa.

100 Giờ tuyệt vọng xin đừng bỏ rơi con
Nếu chúng không cho chúng ta đi xuống
Thì hai thầy trò ta lại quay lên”.

103 Nhưng vị sư phụ đã từng hộ tống
Bảo tôi rằng: “Chẳng ai cản được ta
Con đường cho phép quyền uy Tối thượng.

106 Hãy đợi ta ở đây, hãy vững tin
Vực dậy tinh thần sau cơn mệt mỏi
Ta sẽ dẫn con đi tiếp con đường”.

109 Người cha thân yêu bước đi cô độc
Để lại tôi với tâm trạng rối bời
“Được” hay “không”, nghe chừng rất ngờ vực.

112 Thầy nói gì, không nghe được rõ ràng
Và hình như những lời rất ngắn gọn
Thế rồi cả bọn chạy vụt vào trong.

115 Trước ngực thầy chúng đóng sầm cánh cổng
Và thầy tôi đứng lại phía bên ngoài
Quay lại phía tôi, bước đi chầm chậm.

118 Mắt nhìn xuống, không còn vẻ bình tâm
Thầy bước đi, trong thở dài thầm thĩ:
“Chúng cấm ta đi vào chốn cực hình!”

121 Rồi người lại nói: “Dù con đau khổ
Chớ ngại chi, sẽ qua cuộc đấu này
Dù bên trong chúng tìm cách ngăn trở.

124 Trò láo này không có gì mới cả
Chúng đã từng như thế ở cổng ngoài
Cái cổng đó nay không còn đóng nữa.

127 Con đã nhìn dòng chữ chết những lời
Nhưng từ trên dốc có người đi xuống
Vượt qua các tầng chỉ một mình thôi.

130 Tay người này sẽ mở ra cánh cổng”.


Chú thích

KHÚC VIII

4. Nhấp nháy hai ngọn lửa: tín hiệu báo có những linh hồn mới đến ở trên tháp của thành Dis, theo tín hiệu này người đưa đò biết được có người mới đến.
19. Flegias (Phlegyas): nhân vật thần thoại, con của Marte và Crise, điên tiết về việc Appolo quyến rũ con gái mình nên đã đốt đền Appolo ở Deifi, tượng trưng cho sự giận dữ, được phái xuống canh giữ tầng V Địa ngục.
27. Dante còn sống, thân xác có trọng lượng nên “thuyền mới hơi lún xuống”.
32. Filippo Argenti: một người Firenze giàu có, thuộc Phái Đen, kẻ thù của Dante.
68. Dite (Dis): một trong nhiều tên gọi của Âm phủ.
82 – 83. Tôi thấy trên cổng quỷ sứ hơn ngàn: những quỷ sứ này xưa kia từng là những thiên thần nhưng đã cùng Lucifeo nổi loạn chống lại Thượng Đế nên bị đày xuống Địa ngục.
124 – 126. Trò láo này không có gì mới cả: theo truyền thuyết, khi Chúa Giê-su xuống Địa ngục để mang ra khỏi Địa ngục những âm hồn ngoan đạo đã bị lũ quỉ cản đường nhưng Ngài đã phá cho tan cánh cổng ngoài nên “cái cổng đó nay không còn đóng nữa”.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 09:56:55

 
 
KHÚC IX

Tầng Địa ngục thứ sáu – Thành Đitê

Tôi rụt rè, mặt biến sắc vì sợ
Khi nhìn thấy thầy quay lại phía sau
Và giấu trên gương mặt thầy nỗi sợ.

4 Thầy dừng lại, mắt căng thẳng ngó nhìn
Vì ra xa mắt không nhìn qua được
Dày đặc màn sương, không khí tối đen.

7 Thầy bảo tôi: “Trận này ta sẽ thắng
Vì nếu không thì Nàng đã thân hành…
Ta sốt ruột chờ một người sẽ đến”.

10 Tôi cảm thấy lời của thầy bị ngắt
Thầy chữa câu đầu bằng một câu sau
Và câu trước, câu sau không thống nhất.

13 Nghe lời thầy, tôi bất ổn trong lòng
Vì nhận ra qua những câu đứt quãng
Một ý gì có vẻ tệ hại hơn.

16 “Có ai người từ vòng đầu sầu thảm
Xuống tận đáy sâu của chảo khổ đau
Chỉ để cho tiêu tan niềm hy vọng?”

19 Tôi hỏi thế, và thầy đáp lời tôi:
“Thật hiếm người như chúng ta, đã dám
Làm cuộc hành trình như ta vừa rồi.

22 Nhưng ngày xưa ta đã từng có mặt
Theo khẩn cầu của mụ Aritông –
Người độc ác, chuyên gọi hồn nhập xác.

25 Khi hồn ta lìa xác một thời gian
Mụ sai ta vào thành này đứng gác
Thoát ngục Giuđa cứu một linh hồn.

28 Đó là nơi sâu và tăm tối nhất
Xa mặt trời, và muôn vật xoay vòng
Nhưng con yên tâm, đường đi ta biết.

31 Vùng đầm lầy hơi nồng nặc bốc lên
Rồi bao lấy cả một vùng chết chóc
Không thể vào, nếu vũ lực không dùng”.

34 Thầy nói nhiều nhưng tôi không nhớ hết
Vì mắt tôi bị thu hút từ xa –
Một ánh lửa sáng ngời trên đỉnh tháp.

37 Ở nơi đó bỗng đột ngột hiện ra
Ba hung thần máu me và tái nhợt
Có cử chỉ và dáng dấp đàn bà.

40 Thắt lưng bằng rắn bảy đầu xanh lét
Rắn sừng, rắn giun làm tóc trên đầu
Vấn quanh thái dương, chao ôi khủng khiếp!

43 Còn thầy thì đã biết tất cả rồi
Tuỳ tùng Nữ hoàng đau thương mãi mãi
“Bầy Êrinê hung dữ – thầy nói với tôi –

46 Aléctô đang khóc than bên phải
Còn phía bên trái là Mêgiêra
Ở giữa – Têxiphôn”. Rồi thầy ngừng lại.

49 Những hung thần dùng móng sắc cào da
Tay đấm ngực, miệng gào lên ầm ĩ
Tôi kinh hoàng, ôm vội lấy nhà thơ.

52 “Mêđuxa, biến hồn này thành đá! –
Cả bọn hét lên và chúng cúi nhìn –
Mối thù Têxêô báo thù chưa đủ”.

55 Thầy bảo: “Nhắm mắt và hãy quay lưng
Vì Goócgiôn hiện ra, mà con nhìn nó
Thì sẽ không còn trở lại trần gian!”

58 Thầy nói thế, rồi tự xoay tôi lại
Và ý chừng chưa thật hẳn tin tôi
Thầy lấy tay mình bịt mắt tôi lại.

61 Hỡi bạn đọc với trí tuệ sáng ngời
Hãy tìm xem ý nghĩa còn che khuất
Sau những câu thơ có vẻ lạ đời!

64 Bỗng có tiếng động ầm ầm, khủng khiếp
Rồi ập vào một dòng nước đục ngầu
Khiến cả đôi bờ run lên vì nước.

67 Vẻ chẳng khác gì một trận cuồng phong
Sinh ra từ những luồng hơi thù hận
Không có gì cản được, táp vào rừng.

70 Bẻ cành cây, rồi cuốn đi, rồi ném
Rồi xốc lên hỗn loạn, bụi mù tung
Cả thú dữ, mục phu đều chạy trốn.

73 Thầy bỏ tay bịt mắt tôi, và rằng:
“Xem cơn điên của dòng sông cổ điển
Nơi thoát ra khói cay đắng màu đen”.

76 Như gặp phải kẻ thù là con rắn
Nhái kinh hoàng bơi trên mặt nước sông
Cho đến khi giấu được mình yên ổn.

79 Tôi nhìn thấy sợ hãi những âm hồn
Cùng chạy trốn một người đang sải bước
Vượt sông Xtigiê mà chẳng ướt chân.

82 Người ấy như muốn tránh làn khí độc
Dùng bàn tay trái trước mặt phẩy ngang
Có vẻ việc này khiến người mỏi mệt.

85 Tôi biết đó là sứ giả Thiên đình
Tôi nhìn thầy và thầy tôi ra hiệu
Cúi đầu trước người và tôi đứng im.

88 Tôi cảm thấy người đó sao cao ngạo
Đến gần cửa, gõ bằng chiếc đũa con
Cửa mở toang, không có gì cưỡng nổi.

91 Người đó quát, trên bậc cửa kinh hoàng:
“Lũ đày biệt xứ, ngu ngốc mù quáng
Tại sao chúng bay hỗn láo, ngu đần?

94 Dám chống lại từ trên cao mệnh lệnh
Mà kết cục thì vẫn thế mà thôi
Chỉ làm cho tội chúng bay thêm nặng.

97 Sao lại đối đầu với số phận kia
Chuyện Sécbêrô, chúng bay còn nhớ
Cổ và cằm hắn vẫn trụi đến giờ”.

100 Rồi người quay lại con đường lầy lội
Với chúng tôi, người không nói không rằng
Có vẻ như bận tâm điều gì đấy.

103 Nhưng không phải vì ai gặp trên đường.
Còn chúng tôi bước chân về phía cổng
Nghe những lời thánh thiện thấy yên tâm.

106 Chúng tôi vào, không bị ai gây chuyện
Và tôi chỉ mong thấy những âm hồn
Bị giam giữ trong những hàng rào kín.

109 Vừa bước vào tôi đảo mắt nhìn quanh
Tôi nhìn thấy chỉ mênh mông hoang vắng
Đầy nỗi cực hình và tiếng khóc than.

112 Như ở Ácli, nơi dòng Rôđanô lặng
Hay ở Pôla, gần vịnh Cácnarô
Biên cương nước Ý tắm mình trong biển.

115 Khắp mặt đất những ngôi mộ thấp cao
Lổn nhổn, nơi này chỉ toàn thế cả
Và quang cảnh nhuốm một vẻ buồn đau.

118 Lửa rải khắp và cháy quanh các mộ
Lửa bao trùm lên mồ mả khắp nơi
Tưởng không sắt nào nung lâu hơn thế.

121 Mọi nấm mồ nắp đều mở bật ra
Từ bên trong mộ phát ra tiếng khóc
Chắc của âm hồn đang bị khảo tra.

124 Tôi hỏi thầy tôi: “Họ là ai vậy
Mà bị chôn vùi trong những mộ này
Phát lên tiếng khóc đớn đau nhường ấy?”

127 Thầy đáp: “Chỉ toàn dị giáo mà thôi
Đủ mọi giới, cùng môn đồ của họ
Mồ mả ở đây chứa rất nhiều người.

130 Tội phạm giống nhau nhét vào một hố
Những nấm mồ nhiều ít đều bị nung”.
Thầy sang phải, và chúng tôi thong thả

133 Bước giữa tường cao, giữa những nhục hình.


Chú thích

KHÚC IX

8. Vì nếu không thì Nàng đã thân hành: tức Bêatờrít.
23. Eriton (Erichtho): mụ phù thủy nổi tiếng ở Tessaglia có khả năng làm cho người mới chết tạm sống lại để sai khiến.
27. Ngục Giuda (Judas): tầng thứ 9, nơi đày những ai phản bội thân nhân của mình. Giuda là kẻ đã phản bội Chúa Giê-su.
38. Ba hung thần (tre furie): ba hung thần Âm phủ này là con gái của Acheronte và Notte, chuyên việc hành hình các tội nhân.
40. Rắn bảy đầu: một loại rắn thần thoại.
46 – 48. Aletto, Megera, Tesifón (bầy Erine hung dữ): tức ba hung thần ở câu 38, là ba yêu phụ trong thần thoại Hy Lạp gồm: nguyền rủa, báo thù và trừng phạt.
52. Medusa: người trẻ nhất trong ba chị em nhà Gorgoni, con gái của Forco, thần của những người làm nghề đi biển. Medusa ganh tỵ với nhan sắc của Minevra, vị nữ thần này đã biến tóc của chị em chúng thành rắn, người sống mà nhìn vào thì sẽ hoá thành đá, bởi thế Virgilio đã lấy tay mình bịt mắt Dante (câu 60).
54. Teseo (Theseus): Teseo đã theo bạn là Piritoo xuống Âm phủ để bắt về Proserpina, bị bắt tù nhưng sau được Hercules phóng thích, còn Piritoo bị Cerbero cắn chết. Bọn hung thần nói “mối thù Têxêô báo thù chưa đủ” là nói chưa trừng phạt đúng mức, vì nếu giết được cả Teseo thì sẽ không ai còn sống lại cả gan xuống thăm Âm phủ.
85. Sứ giả Thiên đình: là một thiên thần nào đấy, Dante không nói rõ.
98. Serbero đã cản không cho Herrcules vào Địa ngục để phóng thích Teseo, bị Hercules dùng một sợi dây xích buộc vào cổ lôi ra khỏi Địa ngục, vì thế “cổ và cằm hắn vẫn trụi đến giờ”.
112. Arli (Arles): thành phố ở Provence, tả ngạn sông Rhône, ở đây có một nghĩa địa La Mã rộng lớn thường được nhắc đến trong các sách thời Trung cổ.
113. Pola: thành phố ở Istria, gần vịnh Carnaro, ở đây thời bấy giờ cũng có một nghĩa địa lớn.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 09:59:53

 
 
KHÚC X

Tầng Địa ngục thứ sáu (tiếp tục) – Pharinata

Giờ đây theo một lối đi bí mật
Giữa những cực hình, giữa những tường cao
Thầy bước đi và tôi theo sát gót.

4 “Hỡi thầy của con trí tuệ cao siêu
Đã khiến con vâng ý người trở lại
Xin người nói cho con biết những điều:

7 Những hồn ma đang nằm trong những mộ
Liệu chúng ta có thể đến xem không?
Vì nắp mở và không ai canh giữ”.

10 “Rồi nắp sẽ đóng – thầy trả lời tôi –
Khi chúng trở về từ Iôxaphát
Cùng với xác thân bỏ lại trên đời.

13 Đây nghĩa địa của những người duy vật
Gồm Epicurô và các môn đồ
Mà linh hồn đã chết cùng thể xác.

16 Và về câu hỏi con vừa đặt ra
Sẽ có câu trả lời ngay tức khắc
Cả những điều con còn giấu với ta”.

19 “Thầy ơi, với người, con đâu có giấu
Có chăng là vì sợ quá nhiều lời
Đã từ lâu con nghe thầy chỉ bảo”.

22 “Hỡi người Tôxcan nói năng rất hay
Sao còn sống mà đến thành phố lửa
Xin vui lòng tạm dừng bước nơi đây.

25 Nghe lời nói, ta nghĩ rằng có lẽ
Người sinh ra từ đất nước cao sang
Ta hơi nghiêm khắc với người, có thể”.

28 Những lời này bỗng đột ngột vang lên
Lời của ai phát ra từ ngôi mộ
Tôi thấy kinh hoàng, tiến sát gần hơn.

31 Thầy bảo tôi: “Quay lại, con sao thế?
Hãy nhìn kia, đứng dậy Pharinata
Con sẽ nhìn thấy rõ ràng tất cả”.

34 Tôi hướng mắt nhìn Pharinata
Hắn đứng lên, trán ngẩng cao, ngực thẳng
Có vẻ coi Địa ngục chẳng ra gì.

37 Bằng bàn tay cương quyết và dũng cảm
Thầy đẩy tôi về phía những nấm mồ
Và dặn tôi: “Nói năng cho thận trọng!”

40 Khi bàn chân tôi bước đến nấm mồ
Hồn nhìn tôi với vẻ rất kiêu hãnh
Và hỏi tôi: “Tổ tiên ngươi là ai?”

43 Còn tôi vì thích chiều theo ý muốn
Của âm hồn, không giấu một điều chi
Hồn nghe xong, lông mày hơi nhíu xuống.

46 Rồi hồn nói: “Họ là bọn chống ta
Họ chống ta cả họ hàng, phe đảng
Bởi thế, hai lần ta đẩy họ đi”.

49 “Hai lần bị đuổi – tôi trả lời chầm chậm –
Rồi từ khắp nơi họ đã trở về
Nghệ thuật này ích gì cho phe đảng!”

52 Ngay lúc đó ở nấm mồ kế bên
Một hồn khác nhô cái cằm có ngấn
Hình như chỉ bằng đầu gối nhỏm lên.

55 Rồi hồn đảo mắt nhìn quanh bốn hướng
Như muốn biết xem còn ai đi cùng
Nhưng mà đã tiêu tan niềm hy vọng.

58 Hồn khóc nói: “Nhờ thiên tài cao thượng
Mà ngươi đi vào ngục tối tăm này
Con trai ta đâu? Sao không cùng xuống?”

61 “Tôi đâu có thể đi xuống một mình
Mà nhờ người đợi đằng kia dẫn dắt
Người mà Guyđô trước đây coi thường”.

64 Qua lời nói và vẻ ngoài bị phạt
Đã cho tôi nhận ra được ông ta
Nên tôi trả lời rõ ràng, chu tất.

67 Hồn đứng dậy la lớn: “Ngươi nói gì?
Sao lại nói “trước đây” là sao vậy
Thế nó không còn thấy mặt trời kia?”

70 Khi thấy tôi đứng lặng im một chút
Tìm câu trả lời cho câu hỏi kia
Hồn đã ngã lăn và rồi biến mất.

73 Còn cái hồn kiêu hãnh vẫn đứng yên
Lưng vẫn thẳng, cổ không hề động đậy
Nét mặt không thay khi tôi tạm ngừng.

76 Rồi nối lại cuộc chuyện trò ban nãy:
“Nghệ thuật kia nếu không có ích gì
Thì ta đau hơn cực hình này vậy.

79 Nhưng trước đây chiếu sáng năm mươi lần
Gương mặt Nữ thần nơi này ngự trị
Nghệ thuật kia quả biết mấy khó khăn!

82 Ta mong ngươi với trần gian trở lại
Nhưng sao đời không một chút bao dung
Mọi điều luật họ hàng ta chống lại?”

85 “Cuộc tàn sát và cả sự kinh hoàng
Nhuộm đỏ dòng Ácbia bằng máu
Trong Thánh đường lời cầu nguyện còn vang!”

88 Hồn thở dài, rồi lắc đầu than thở:
“Cái ngày hôm đó không chỉ mình ta
Và ta tham chiến không hề vô cớ.

91 Nhưng quả đúng là chỉ có mình ta
Khi mọi người đều quyết tâm triệt phá
Ta là người bảo vệ Phirenxe”.

94 “Tôi cầu cho con cháu ngươi yên ổn
Nhưng xin gỡ hộ tôi thắc mắc này
Đang làm rối những lời tôi suy luận.

97 Tôi không lầm thì ngươi có khả năng
Nhìn thấy việc trong thời gian sắp tới
Trong hiện tại mắt của ngươi mơ màng”.

100 “Hiện tại chúng ta như người mắt kém
Nhưng lại nhìn rõ cái ở xa xăm
Là nhờ Thượng Đế ban cho ánh sáng.

103 Chúng ta bất lực với những gì gần
Với hiện tại nếu không ai mách bảo
Thì cũng tịt mù như ở trần gian.

106 Bởi thế, như ngươi tự mình đã hiểu
Tri giác của ta tất cả tiêu tan
Khi cánh cửa của tương lai đóng lại”.

109 Tôi thấy hơi ân hận nên thưa rằng:
“Nhờ ngươi báo với hồn vừa biến mất
Con trai hồn còn sống ở dương gian.

112 Nếu tôi trả lời còn chi khúc mắc
Là vì đầu óc còn vướng những điều
Lúc nãy với tôi ngươi vừa giải đáp”.

115 Tôi nghe thấy tiếng thầy nhắc nhở thêm
Hãy hỏi hồn một điều ta cần biết
Rằng có những ai đang ở với hồn?

118 “Tôi ở đây với hơn nghìn hồn khác
Có vua Phêđêricô đệ nhị, Hồng y
Nhưng không cần kể tên bao kẻ khác”.

121 Nói đến đây âm hồn chợt biến đi
Tôi quay trở lại nhà thơ cổ đại
Và về những lời bí ẩn, nghĩ suy.

124 Bóng thầy lay động, vừa đi vừa hỏi:
“Sao con có vẻ bối rối trong lòng?”
Và tôi trả lời câu thầy vừa nói.

127 “Hãy nhớ những lời mà con vừa nghe
Về số phận con” – thầy tôi chỉ thị
Rồi giơ ngón tay: “Nhưng nhớ điều này:

130 Khi con đến trước ánh mắt êm ái
Của đôi mắt đen nhìn thấy mọi điều
Hãy hỏi hành trình những năm sau đấy”.

133 Rồi thầy tôi về bên trái bước sang
Theo lối hẻm chạy xuống lòng thung lũng
Rời các tường thành, trở lại trung tâm.

136 Từ nơi đó xông lên mùi thối nặng.


Chú thích

KHÚC X

11. Iosafat (Jehosaphat): tên một thung lũng, gần Jerusalem, theo Kinh Thánh là nơi diễn ra sự phán xét cuối cùng.
14. Epicuro (Epicurus) (341 – 270 tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại chủ trương theo duy vật, người ta coi Epicurua và những học trò của ông là những kẻ vô thần.
18. Cả những điều con còn giấu với ta: Virgilio đoán biết nguyện vọng của Dante muốn gặp người đồng hương Farinata.
22. Người Tôxcan: tức Dante.
32. Farinata degli Uberti, thủ lĩnh của phe Ghibellini từ 1329 đã đuổi phe Giuelfi khỏi Firenze năm 1241. Năm 1251 phe Guelfi trở về nhưng đến năm 1258 lại bị trục xuất khỏi Firenze và từ đó khu Toscana nằm trong tay phe Ghibellini. Như vậy, Farinata là địch thủ chính trị của phe Dante ở Firenza.
53. Đây là Cavalcante de Cavalcanti, môn đồ của Epicurus, cha của Guido Cavalcanti – là nhà thơ và bạn của Dante.
79. Năm mươi lần chiếu sáng: tức là 50 tháng. Proserpina, vợ của Plutone, theo thần thoại, được coi là Nữ thần của mặt trăng.
86. Arbia: con sông nhỏ gần Siena. Năm 1260 phe Ghibellini của Farinata đã đánh thắng phe Guelfi của Dante. Cuộc tàn sát đã nhuộm đỏ dòng sông Arbia.
93. Trong cuộc họp của phe Ghibellini chiến thắng người ta đề xuất kế hoạch triệt phá Firenze nhưng Farinata đã công khai chống lại, tuyên bố rằng một khi ông ta còn sống thì sẽ còn cầm gươm để bảo vệ Firenze.
97 – 99. Tôi không lầm thì ngươi có khả năng: Dante cho rằng những kẻ lầm lỗi ở địa ngục có khả năng nhìn thấy việc trong thời gian sắp tới, tuy nhiên, xét theo câu hỏi của Cavalcanti (câu 67 – 69) thì họ không hề biết một chút gì về việc xảy ra trên dương thế trong thời điểm hiện tại.
108. Khi cánh cửa của tương lai đóng lại: nghĩa là khi ngày phán xử đến, thời gian sẽ là vĩnh hằng.
119. Federico đệ nhị (1194 – 1250): Hoàng đế Vương quốc Napoli, một người theo trường phái triết học của Epicurus nhưng được Dante coi trọng.
Hồng y giáo chủ: tức Ottaviano delgi Ubaldini, là một trong những người thành lập phe Ghibellini. Câu nói nổi tiếng còn được nhớ đến: “Nếu như có linh hồn thì ta sẵn sàng hy sinh vì phe Ghibellini”.
130. Khi con đến trước ánh mắt êm ái: ngầm chỉ Beatrice.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 10:49:13

 
 
KHÚC X

Tầng Địa ngục thứ sáu (tiếp tục) – Pharinata

Giờ đây theo một lối đi bí mật
Giữa những cực hình, giữa những tường cao
Thầy bước đi và tôi theo sát gót.

4 “Hỡi thầy của con trí tuệ cao siêu
Đã khiến con vâng ý người trở lại
Xin người nói cho con biết những điều:

7 Những hồn ma đang nằm trong những mộ
Liệu chúng ta có thể đến xem không?
Vì nắp mở và không ai canh giữ”.

10 “Rồi nắp sẽ đóng – thầy trả lời tôi –
Khi chúng trở về từ Iôxaphát
Cùng với xác thân bỏ lại trên đời.

13 Đây nghĩa địa của những người duy vật
Gồm Epicurô và các môn đồ
Mà linh hồn đã chết cùng thể xác.

16 Và về câu hỏi con vừa đặt ra
Sẽ có câu trả lời ngay tức khắc
Cả những điều con còn giấu với ta”.

19 “Thầy ơi, với người, con đâu có giấu
Có chăng là vì sợ quá nhiều lời
Đã từ lâu con nghe thầy chỉ bảo”.

22 “Hỡi người Tôxcan nói năng rất hay
Sao còn sống mà đến thành phố lửa
Xin vui lòng tạm dừng bước nơi đây.

25 Nghe lời nói, ta nghĩ rằng có lẽ
Người sinh ra từ đất nước cao sang
Ta hơi nghiêm khắc với người, có thể”.

28 Những lời này bỗng đột ngột vang lên
Lời của ai phát ra từ ngôi mộ
Tôi thấy kinh hoàng, tiến sát gần hơn.

31 Thầy bảo tôi: “Quay lại, con sao thế?
Hãy nhìn kia, đứng dậy Pharinata
Con sẽ nhìn thấy rõ ràng tất cả”.

34 Tôi hướng mắt nhìn Pharinata
Hắn đứng lên, trán ngẩng cao, ngực thẳng
Có vẻ coi Địa ngục chẳng ra gì.

37 Bằng bàn tay cương quyết và dũng cảm
Thầy đẩy tôi về phía những nấm mồ
Và dặn tôi: “Nói năng cho thận trọng!”

40 Khi bàn chân tôi bước đến nấm mồ
Hồn nhìn tôi với vẻ rất kiêu hãnh
Và hỏi tôi: “Tổ tiên ngươi là ai?”

43 Còn tôi vì thích chiều theo ý muốn
Của âm hồn, không giấu một điều chi
Hồn nghe xong, lông mày hơi nhíu xuống.

46 Rồi hồn nói: “Họ là bọn chống ta
Họ chống ta cả họ hàng, phe đảng
Bởi thế, hai lần ta đẩy họ đi”.

49 “Hai lần bị đuổi – tôi trả lời chầm chậm –
Rồi từ khắp nơi họ đã trở về
Nghệ thuật này ích gì cho phe đảng!”

52 Ngay lúc đó ở nấm mồ kế bên
Một hồn khác nhô cái cằm có ngấn
Hình như chỉ bằng đầu gối nhỏm lên.

55 Rồi hồn đảo mắt nhìn quanh bốn hướng
Như muốn biết xem còn ai đi cùng
Nhưng mà đã tiêu tan niềm hy vọng.

58 Hồn khóc nói: “Nhờ thiên tài cao thượng
Mà ngươi đi vào ngục tối tăm này
Con trai ta đâu? Sao không cùng xuống?”

61 “Tôi đâu có thể đi xuống một mình
Mà nhờ người đợi đằng kia dẫn dắt
Người mà Guyđô trước đây coi thường”.

64 Qua lời nói và vẻ ngoài bị phạt
Đã cho tôi nhận ra được ông ta
Nên tôi trả lời rõ ràng, chu tất.

67 Hồn đứng dậy la lớn: “Ngươi nói gì?
Sao lại nói “trước đây” là sao vậy
Thế nó không còn thấy mặt trời kia?”

70 Khi thấy tôi đứng lặng im một chút
Tìm câu trả lời cho câu hỏi kia
Hồn đã ngã lăn và rồi biến mất.

73 Còn cái hồn kiêu hãnh vẫn đứng yên
Lưng vẫn thẳng, cổ không hề động đậy
Nét mặt không thay khi tôi tạm ngừng.

76 Rồi nối lại cuộc chuyện trò ban nãy:
“Nghệ thuật kia nếu không có ích gì
Thì ta đau hơn cực hình này vậy.

79 Nhưng trước đây chiếu sáng năm mươi lần
Gương mặt Nữ thần nơi này ngự trị
Nghệ thuật kia quả biết mấy khó khăn!

82 Ta mong ngươi với trần gian trở lại
Nhưng sao đời không một chút bao dung
Mọi điều luật họ hàng ta chống lại?”

85 “Cuộc tàn sát và cả sự kinh hoàng
Nhuộm đỏ dòng Ácbia bằng máu
Trong Thánh đường lời cầu nguyện còn vang!”

88 Hồn thở dài, rồi lắc đầu than thở:
“Cái ngày hôm đó không chỉ mình ta
Và ta tham chiến không hề vô cớ.

91 Nhưng quả đúng là chỉ có mình ta
Khi mọi người đều quyết tâm triệt phá
Ta là người bảo vệ Phirenxe”.

94 “Tôi cầu cho con cháu ngươi yên ổn
Nhưng xin gỡ hộ tôi thắc mắc này
Đang làm rối những lời tôi suy luận.

97 Tôi không lầm thì ngươi có khả năng
Nhìn thấy việc trong thời gian sắp tới
Trong hiện tại mắt của ngươi mơ màng”.

100 “Hiện tại chúng ta như người mắt kém
Nhưng lại nhìn rõ cái ở xa xăm
Là nhờ Thượng Đế ban cho ánh sáng.

103 Chúng ta bất lực với những gì gần
Với hiện tại nếu không ai mách bảo
Thì cũng tịt mù như ở trần gian.

106 Bởi thế, như ngươi tự mình đã hiểu
Tri giác của ta tất cả tiêu tan
Khi cánh cửa của tương lai đóng lại”.

109 Tôi thấy hơi ân hận nên thưa rằng:
“Nhờ ngươi báo với hồn vừa biến mất
Con trai hồn còn sống ở dương gian.

112 Nếu tôi trả lời còn chi khúc mắc
Là vì đầu óc còn vướng những điều
Lúc nãy với tôi ngươi vừa giải đáp”.

115 Tôi nghe thấy tiếng thầy nhắc nhở thêm
Hãy hỏi hồn một điều ta cần biết
Rằng có những ai đang ở với hồn?

118 “Tôi ở đây với hơn nghìn hồn khác
Có vua Phêđêricô đệ nhị, Hồng y
Nhưng không cần kể tên bao kẻ khác”.

121 Nói đến đây âm hồn chợt biến đi
Tôi quay trở lại nhà thơ cổ đại
Và về những lời bí ẩn, nghĩ suy.

124 Bóng thầy lay động, vừa đi vừa hỏi:
“Sao con có vẻ bối rối trong lòng?”
Và tôi trả lời câu thầy vừa nói.

127 “Hãy nhớ những lời mà con vừa nghe
Về số phận con” – thầy tôi chỉ thị
Rồi giơ ngón tay: “Nhưng nhớ điều này:

130 Khi con đến trước ánh mắt êm ái
Của đôi mắt đen nhìn thấy mọi điều
Hãy hỏi hành trình những năm sau đấy”.

133 Rồi thầy tôi về bên trái bước sang
Theo lối hẻm chạy xuống lòng thung lũng
Rời các tường thành, trở lại trung tâm.

136 Từ nơi đó xông lên mùi thối nặng.


Chú thích

KHÚC X

11. Iosafat (Jehosaphat): tên một thung lũng, gần Jerusalem, theo Kinh Thánh là nơi diễn ra sự phán xét cuối cùng.
14. Epicuro (Epicurus) (341 – 270 tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại chủ trương theo duy vật, người ta coi Epicurua và những học trò của ông là những kẻ vô thần.
18. Cả những điều con còn giấu với ta: Virgilio đoán biết nguyện vọng của Dante muốn gặp người đồng hương Farinata.
22. Người Tôxcan: tức Dante.
32. Farinata degli Uberti, thủ lĩnh của phe Ghibellini từ 1329 đã đuổi phe Giuelfi khỏi Firenze năm 1241. Năm 1251 phe Guelfi trở về nhưng đến năm 1258 lại bị trục xuất khỏi Firenze và từ đó khu Toscana nằm trong tay phe Ghibellini. Như vậy, Farinata là địch thủ chính trị của phe Dante ở Firenza.
53. Đây là Cavalcante de Cavalcanti, môn đồ của Epicurus, cha của Guido Cavalcanti – là nhà thơ và bạn của Dante.
79. Năm mươi lần chiếu sáng: tức là 50 tháng. Proserpina, vợ của Plutone, theo thần thoại, được coi là Nữ thần của mặt trăng.
86. Arbia: con sông nhỏ gần Siena. Năm 1260 phe Ghibellini của Farinata đã đánh thắng phe Guelfi của Dante. Cuộc tàn sát đã nhuộm đỏ dòng sông Arbia.
93. Trong cuộc họp của phe Ghibellini chiến thắng người ta đề xuất kế hoạch triệt phá Firenze nhưng Farinata đã công khai chống lại, tuyên bố rằng một khi ông ta còn sống thì sẽ còn cầm gươm để bảo vệ Firenze.
97 – 99. Tôi không lầm thì ngươi có khả năng: Dante cho rằng những kẻ lầm lỗi ở địa ngục có khả năng nhìn thấy việc trong thời gian sắp tới, tuy nhiên, xét theo câu hỏi của Cavalcanti (câu 67 – 69) thì họ không hề biết một chút gì về việc xảy ra trên dương thế trong thời điểm hiện tại.
108. Khi cánh cửa của tương lai đóng lại: nghĩa là khi ngày phán xử đến, thời gian sẽ là vĩnh hằng.
119. Federico đệ nhị (1194 – 1250): Hoàng đế Vương quốc Napoli, một người theo trường phái triết học của Epicurus nhưng được Dante coi trọng.
Hồng y giáo chủ: tức Ottaviano delgi Ubaldini, là một trong những người thành lập phe Ghibellini. Câu nói nổi tiếng còn được nhớ đến: “Nếu như có linh hồn thì ta sẵn sàng hy sinh vì phe Ghibellini”.
130. Khi con đến trước ánh mắt êm ái: ngầm chỉ Beatrice.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 10:56:43

 
 
KHÚC X

Tầng Địa ngục thứ sáu (tiếp tục) – Pharinata

Giờ đây theo một lối đi bí mật
Giữa những cực hình, giữa những tường cao
Thầy bước đi và tôi theo sát gót.

4 “Hỡi thầy của con trí tuệ cao siêu
Đã khiến con vâng ý người trở lại
Xin người nói cho con biết những điều:

7 Những hồn ma đang nằm trong những mộ
Liệu chúng ta có thể đến xem không?
Vì nắp mở và không ai canh giữ”.

10 “Rồi nắp sẽ đóng – thầy trả lời tôi –
Khi chúng trở về từ Iôxaphát
Cùng với xác thân bỏ lại trên đời.

13 Đây nghĩa địa của những người duy vật
Gồm Epicurô và các môn đồ
Mà linh hồn đã chết cùng thể xác.

16 Và về câu hỏi con vừa đặt ra
Sẽ có câu trả lời ngay tức khắc
Cả những điều con còn giấu với ta”.

19 “Thầy ơi, với người, con đâu có giấu
Có chăng là vì sợ quá nhiều lời
Đã từ lâu con nghe thầy chỉ bảo”.

22 “Hỡi người Tôxcan nói năng rất hay
Sao còn sống mà đến thành phố lửa
Xin vui lòng tạm dừng bước nơi đây.

25 Nghe lời nói, ta nghĩ rằng có lẽ
Người sinh ra từ đất nước cao sang
Ta hơi nghiêm khắc với người, có thể”.

28 Những lời này bỗng đột ngột vang lên
Lời của ai phát ra từ ngôi mộ
Tôi thấy kinh hoàng, tiến sát gần hơn.

31 Thầy bảo tôi: “Quay lại, con sao thế?
Hãy nhìn kia, đứng dậy Pharinata
Con sẽ nhìn thấy rõ ràng tất cả”.

34 Tôi hướng mắt nhìn Pharinata
Hắn đứng lên, trán ngẩng cao, ngực thẳng
Có vẻ coi Địa ngục chẳng ra gì.

37 Bằng bàn tay cương quyết và dũng cảm
Thầy đẩy tôi về phía những nấm mồ
Và dặn tôi: “Nói năng cho thận trọng!”

40 Khi bàn chân tôi bước đến nấm mồ
Hồn nhìn tôi với vẻ rất kiêu hãnh
Và hỏi tôi: “Tổ tiên ngươi là ai?”

43 Còn tôi vì thích chiều theo ý muốn
Của âm hồn, không giấu một điều chi
Hồn nghe xong, lông mày hơi nhíu xuống.

46 Rồi hồn nói: “Họ là bọn chống ta
Họ chống ta cả họ hàng, phe đảng
Bởi thế, hai lần ta đẩy họ đi”.

49 “Hai lần bị đuổi – tôi trả lời chầm chậm –
Rồi từ khắp nơi họ đã trở về
Nghệ thuật này ích gì cho phe đảng!”

52 Ngay lúc đó ở nấm mồ kế bên
Một hồn khác nhô cái cằm có ngấn
Hình như chỉ bằng đầu gối nhỏm lên.

55 Rồi hồn đảo mắt nhìn quanh bốn hướng
Như muốn biết xem còn ai đi cùng
Nhưng mà đã tiêu tan niềm hy vọng.

58 Hồn khóc nói: “Nhờ thiên tài cao thượng
Mà ngươi đi vào ngục tối tăm này
Con trai ta đâu? Sao không cùng xuống?”

61 “Tôi đâu có thể đi xuống một mình
Mà nhờ người đợi đằng kia dẫn dắt
Người mà Guyđô trước đây coi thường”.

64 Qua lời nói và vẻ ngoài bị phạt
Đã cho tôi nhận ra được ông ta
Nên tôi trả lời rõ ràng, chu tất.

67 Hồn đứng dậy la lớn: “Ngươi nói gì?
Sao lại nói “trước đây” là sao vậy
Thế nó không còn thấy mặt trời kia?”

70 Khi thấy tôi đứng lặng im một chút
Tìm câu trả lời cho câu hỏi kia
Hồn đã ngã lăn và rồi biến mất.

73 Còn cái hồn kiêu hãnh vẫn đứng yên
Lưng vẫn thẳng, cổ không hề động đậy
Nét mặt không thay khi tôi tạm ngừng.

76 Rồi nối lại cuộc chuyện trò ban nãy:
“Nghệ thuật kia nếu không có ích gì
Thì ta đau hơn cực hình này vậy.

79 Nhưng trước đây chiếu sáng năm mươi lần
Gương mặt Nữ thần nơi này ngự trị
Nghệ thuật kia quả biết mấy khó khăn!

82 Ta mong ngươi với trần gian trở lại
Nhưng sao đời không một chút bao dung
Mọi điều luật họ hàng ta chống lại?”

85 “Cuộc tàn sát và cả sự kinh hoàng
Nhuộm đỏ dòng Ácbia bằng máu
Trong Thánh đường lời cầu nguyện còn vang!”

88 Hồn thở dài, rồi lắc đầu than thở:
“Cái ngày hôm đó không chỉ mình ta
Và ta tham chiến không hề vô cớ.

91 Nhưng quả đúng là chỉ có mình ta
Khi mọi người đều quyết tâm triệt phá
Ta là người bảo vệ Phirenxe”.

94 “Tôi cầu cho con cháu ngươi yên ổn
Nhưng xin gỡ hộ tôi thắc mắc này
Đang làm rối những lời tôi suy luận.

97 Tôi không lầm thì ngươi có khả năng
Nhìn thấy việc trong thời gian sắp tới
Trong hiện tại mắt của ngươi mơ màng”.

100 “Hiện tại chúng ta như người mắt kém
Nhưng lại nhìn rõ cái ở xa xăm
Là nhờ Thượng Đế ban cho ánh sáng.

103 Chúng ta bất lực với những gì gần
Với hiện tại nếu không ai mách bảo
Thì cũng tịt mù như ở trần gian.

106 Bởi thế, như ngươi tự mình đã hiểu
Tri giác của ta tất cả tiêu tan
Khi cánh cửa của tương lai đóng lại”.

109 Tôi thấy hơi ân hận nên thưa rằng:
“Nhờ ngươi báo với hồn vừa biến mất
Con trai hồn còn sống ở dương gian.

112 Nếu tôi trả lời còn chi khúc mắc
Là vì đầu óc còn vướng những điều
Lúc nãy với tôi ngươi vừa giải đáp”.

115 Tôi nghe thấy tiếng thầy nhắc nhở thêm
Hãy hỏi hồn một điều ta cần biết
Rằng có những ai đang ở với hồn?

118 “Tôi ở đây với hơn nghìn hồn khác
Có vua Phêđêricô đệ nhị, Hồng y
Nhưng không cần kể tên bao kẻ khác”.

121 Nói đến đây âm hồn chợt biến đi
Tôi quay trở lại nhà thơ cổ đại
Và về những lời bí ẩn, nghĩ suy.

124 Bóng thầy lay động, vừa đi vừa hỏi:
“Sao con có vẻ bối rối trong lòng?”
Và tôi trả lời câu thầy vừa nói.

127 “Hãy nhớ những lời mà con vừa nghe
Về số phận con” – thầy tôi chỉ thị
Rồi giơ ngón tay: “Nhưng nhớ điều này:

130 Khi con đến trước ánh mắt êm ái
Của đôi mắt đen nhìn thấy mọi điều
Hãy hỏi hành trình những năm sau đấy”.

133 Rồi thầy tôi về bên trái bước sang
Theo lối hẻm chạy xuống lòng thung lũng
Rời các tường thành, trở lại trung tâm.

136 Từ nơi đó xông lên mùi thối nặng.


Chú thích

KHÚC X

11. Iosafat (Jehosaphat): tên một thung lũng, gần Jerusalem, theo Kinh Thánh là nơi diễn ra sự phán xét cuối cùng.
14. Epicuro (Epicurus) (341 – 270 tr. CN): nhà triết học Hy Lạp cổ đại chủ trương theo duy vật, người ta coi Epicurua và những học trò của ông là những kẻ vô thần.
18. Cả những điều con còn giấu với ta: Virgilio đoán biết nguyện vọng của Dante muốn gặp người đồng hương Farinata.
22. Người Tôxcan: tức Dante.
32. Farinata degli Uberti, thủ lĩnh của phe Ghibellini từ 1329 đã đuổi phe Giuelfi khỏi Firenze năm 1241. Năm 1251 phe Guelfi trở về nhưng đến năm 1258 lại bị trục xuất khỏi Firenze và từ đó khu Toscana nằm trong tay phe Ghibellini. Như vậy, Farinata là địch thủ chính trị của phe Dante ở Firenza.
53. Đây là Cavalcante de Cavalcanti, môn đồ của Epicurus, cha của Guido Cavalcanti – là nhà thơ và bạn của Dante.
79. Năm mươi lần chiếu sáng: tức là 50 tháng. Proserpina, vợ của Plutone, theo thần thoại, được coi là Nữ thần của mặt trăng.
86. Arbia: con sông nhỏ gần Siena. Năm 1260 phe Ghibellini của Farinata đã đánh thắng phe Guelfi của Dante. Cuộc tàn sát đã nhuộm đỏ dòng sông Arbia.
93. Trong cuộc họp của phe Ghibellini chiến thắng người ta đề xuất kế hoạch triệt phá Firenze nhưng Farinata đã công khai chống lại, tuyên bố rằng một khi ông ta còn sống thì sẽ còn cầm gươm để bảo vệ Firenze.
97 – 99. Tôi không lầm thì ngươi có khả năng: Dante cho rằng những kẻ lầm lỗi ở địa ngục có khả năng nhìn thấy việc trong thời gian sắp tới, tuy nhiên, xét theo câu hỏi của Cavalcanti (câu 67 – 69) thì họ không hề biết một chút gì về việc xảy ra trên dương thế trong thời điểm hiện tại.
108. Khi cánh cửa của tương lai đóng lại: nghĩa là khi ngày phán xử đến, thời gian sẽ là vĩnh hằng.
119. Federico đệ nhị (1194 – 1250): Hoàng đế Vương quốc Napoli, một người theo trường phái triết học của Epicurus nhưng được Dante coi trọng.
Hồng y giáo chủ: tức Ottaviano delgi Ubaldini, là một trong những người thành lập phe Ghibellini. Câu nói nổi tiếng còn được nhớ đến: “Nếu như có linh hồn thì ta sẵn sàng hy sinh vì phe Ghibellini”.
130. Khi con đến trước ánh mắt êm ái: ngầm chỉ Beatrice.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 10:59:09

 
 
KHÚC XI

Tầng Địa ngục thứ sáu (kết thúc) – Trật tự ở Địa ngục

Chúng tôi đến một bờ vách dựng đứng
Nơi những tảng đá lớn xếp vòng tròn
Và nhìn thấy những điều rất kinh khủng.

4 Trước cảnh tượng thật quá đỗi kinh hoàng
Và mùi thối bốc lên từ vực thẳm
Chúng tôi đến núp sau nấm mồ đơn.

7 Trên mộ này có ghi dòng chữ đậm
Nơi giam Giáo hoàng Anaxtaxiô
Mà Phôtanh lái chệnh đường chính thống.

10 “Ta hãy dừng một lát đã nghe con
Để cho quen dần với mùi hôi thối
Và nữa, để cho cẩn trọng thêm phần!”

13 Thầy bảo thế, và tôi liền cất tiếng:
“Ta nên tranh thủ khỏi phí thời gian!”
Thầy lại bảo: “Đó là điều ta muốn”.

16 “Sau những tảng đá, con hãy nhìn xem –
Thầy bắt đầu – là ba tầng ngục nhỏ
So với trước kia thì nó bé hơn.

19 Nhưng cả ba chật ních hồn tội lỗi
Để cho con sau đấy sẽ ngó nhìn
Con hãy tìm hiểu những điều lầm lỗi.

22 Trong các tội căm ghét ở trời xanh
Tội bất công được coi là tội cuối
Xúc phạm kẻ khác bằng bạo lực, và gian.

25 Tội quen thuộc của người là gian dối
Nên Chúa Trời càng căm ghét nhiều hơn
Ném xuống đáy sâu, gia tăng phạt tội.

28 Tội bạo lực ở vòng thứ nhất giam
Và chia ra làm thành ba vòng ngục
Vì bạo lực xúc phạm đến ba lần:

31 Xúc phạm người thân, bản thân mình, Thượng Đế
Xúc phạm đến của cải hay hình hài
Con thế thể hiểu ra nhờ suy nghĩ.

34 Người ta có thể thương tích gây ra
Xúc phạm đến người khác, hay tài sản
Có thể cướp bóc, phá hoại, đốt nhà.

37 Những kẻ gây thương tích cho người khác
Cùng bọn côn đồ đều bị cực hình
Chúng bị giam ở trong vòng thứ nhất.

40 Những kẻ khác xúc phạm bản thân mình
Xúc phạm tài sản của mình, đau đớn
Trong vòng thứ hai chỉ biết kêu rên.

43 Còn những kẻ làm cho đời căm giận
Chơi trò đỏ đen, vung phí bạc tiền
Phải khóc than, lẽ ra là sung sướng.

46 Và những kẻ xúc phạm đến Chúa Trời
Mạt sát Ngài hay bằng lời nguyền rủa
Khinh miệt thiên nhiên, thành quả của Ngài.

49 Vì điều này, ở trong vùng hẹp nhất
In dấu lửa lên bọn Xốtđôma và Caoócxa
Những ai trong tim Chúa Trời khinh miệt.

52 Tội gian lận làm thương tổn lương tâm
Mang tai hại cho những ai tin cậy
Và những ai không tin cả chính mình.

55 Thói tật sau này thực ra cắt đứt
Liên hệ của tình mà Tạo hoá sinh
Chỗ của chúng là vòng hai tù ngục.

58 Bọn đạo đức giả, phù thủy, nịnh thần
Bọn trộm cắp, bọn buôn thần bán thánh
Bọn cờ gian bạc lận, bọn lưu manh.

61 Thói tật kia đã làm cho quên lãng
Tình yêu tự nhiên, tình cảm yêu thương
Không có lòng tin tâm hồn cao thượng.

64 Vòng hẹp nhất, nơi ngự của Đitê
Là tâm điểm, là trung tâm hoàn vũ
Bọn phản bội kia vĩnh viễn chôn vùi”.

67 Tôi thốt lên: “Lời của thầy sáng tỏ
Cái bóng hình vực thẳm trước mắt con
Thầy đã kể, ai trong này bị giữ.

70 Nhưng hãy nói thêm bọn ở trong đầm
Rất hôi thối, bị gió mưa hành hạ
Và phải trút bao sức lực cuối cùng.

73 Sao không ở trong đô thành lửa đỏ
Giam chúng, khi chúng nguyền rủa Chúa Trời
Còn nếu không, vì sao bắt chúng khổ?”

76 Thầy đáp: “Sao hôm nay con lầm
Khác sự xét đoán mọi ngày sáng suốt
Hay đầu óc con lầm lạc con đường?

79 Vì những lời mà con không nhớ hết
Trong quyển sách “Đạo đức” đã giải bày
Về ba điều mà trời xanh căm ghét:

82 Thú tính điên cuồng, hiểm độc, thói buông tuồng
Và hình như thói buông tuồng nhẹ nhất
Nên Ngài phần nào xử phạt nhẹ hơn.

85 Nếu con nghĩ suy những lời nói đó
Rồi xem trong trí nhớ họ là ai
Mà phải chịu cực hình ngoài thành lửa.

88 Con hiểu tại sao những tên độc ác
Bị tách ra nhưng vẫn chịu cực hình
Dù Thượng Đế có nhẹ phần xử phạt”.

91 “Ôi mặt trời sửa cho con cái nhìn
Khiến con hài lòng khi nghe giải đáp
Nhưng nghi ngờ cũng quan trọng với con.

94 Xin thầy hãy trở lại đây một chút
Thầy vừa nói rằng những kẻ cho vay
Xúc phạm nhân từ – thì con thắc mắc”.

97 Thầy tôi đáp: “Bài học cho những ai
Nhà triết học rất nhiều lần đã giảng
Rằng Tự nhiên có trước hết trên đời.

100 Và Nghệ thuật, và Tri thức thần thánh
Ở trong sách “Vật lý” nếu con xem
Thì chỉ qua vài trang là cảm nhận:

103 Rằng Nghệ thuật người trần theo tự nhiên
Giống như đồ đệ bước theo sư phụ
Là cháu con của Đấng chốn cao xanh.

106 Nghệ thuật, Tự nhiên nếu con còn nhớ
Sách “Sáng thế ký” những câu mở đầu
Rằng con người sống vui và nở rộ.

109 Còn kẻ cho vay nặng lãi theo đường
Khinh miệt cả Tự nhiên và Nghệ thuật
Nó đi tìm cái mà nó ước mong.

112 Nhưng thời gian trôi mau, giờ là lúc
Chòm Ngư tinh lấp lánh ở phía đông
Chòm Đại hùng trải theo luồng Tây-Bắc.

115 Và xa xa vách đá hạ thấp dần”.


Chú thích:

KHÚC XI

8. Anastasio II (Anastasius) làm Giáo hoàng từ năm 496 đến năm 498, mong muốn hoà giải mâu thuẫn về học thuyết giữa Giáo hội phía Tây và Giáo hội phía Đông đã đón tiếp Fotin thân tình nên sau này dư luận cho rằng Giáo hoàng Anastasio II bị Fotin lái đi theo tà thuyết.
50. Soddoma và Caorsa (Sodom and Cahors): Soddoma là thành phố vùng biển Chết trong Kinh Thánh, nổi tiếng bị Thượng Đế thiêu huỷ bằng một trận mưa lửa do dân chúng chống đối lại tự nhiên.
Caorsa (Cahors) là thành phố ở miền nam nước Pháp, nổi tiếng là nơi những kẻ cho vay nặng lãi. Ở Ý từ “caorsini” nghĩa là kẻ cho vay nặng lãi.
65. Dis (Lucifeo): theo quan niệm thời Trung cổ thì đáy Địa ngục là tâm điểm của quả đất mà cũng là tâm điểm của vũ trụ.
67 – 90. Dante thắc mắc rằng tại sao bọn bị hành hạ trong đầm kia không phải giam trong thành lửa đỏ (tức hình phạt nặng hơn), Virgilio trả lời rằng bọn này tội lỗi có phần nhẹ hơn và dẫn về cuốn Sách Đạo đức: tức cuốn Etica (Ethics) của Aristotle, nơi có phân loại và định nghĩa các loại tội: thói buông tuồng (incontinenza), hiểm độc (malizia), thú tính điên cuồng (malta bestialitade), theo đó, thói buông tuồng có phần nhẹ tội hơn (sách Đạo đức, quyển V, chương I).
98. Nhà triết học: tức Aristotle.
101. Sách Vật lý: tức cuốn Fisica (Physics) của Aristotle.
107. Sáng thế ký (Genesis): cuốn đầu tiên của Kinh Thánh.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 11:02:20

 
 
KHÚC XII

Tầng Địa ngục thứ bảy, ngục thứ nhất – Dòng sông máu

Con đường đi xuống một bờ dốc đứng
Và có một con quái vật đứng canh
Khiến mọi ánh mắt đều nhìn khác hướng.

4 Đó là do nạn lở đất năm nào
Vì động đất, núi Tờrentô giáng xuống
Ađixê, hay vách đá đổ nhào.

7 Đất đá ầm ầm đổ từ trên núi
Rồi bỗng nhiên ập xuống những cánh đồng
Tạo nên đường dốc từ trên cao ấy.

10 Đó là đường dốc dẫn xuống vực sâu
Từ trên sườn núi đá kia sụp đổ
Và phơi bày nỗi ô nhục Cờrétti.

13 Nó được thai nghén trong tượng con bò
Thấy chúng tôi, nó tự mình hành hạ
Vì do lòng căm giận với buồn lo.

16 Nhà thông thái của tôi liền quát nó:
“Mày lầm người này là quận công Atênê
Đã tặng mày cái chết trên trần thế?

19 Hãy cút đi, đồ súc vật, súc sinh
Người đâu phải do chị mày chỉ dẫn
Mà đến để xem những nỗi cực hình”.

22 Giống như con bò đực bị tử thương
Giật dây trói nhưng mà không thể chạy
Không thể đi mà chỉ nhảy điên cuồng.

25 Tôi thấy Minôtôrô lồng lên hoang dã
Và thầy tôi kêu lớn: “Hãy qua nhanh
Cần tranh thủ vì nó đang giận dữ!”

28 Đường đi xuống, chúng tôi rảo bước chân
Tiếng đá sỏi trên con đường lạo xạo
Do bàn chân tôi sức nặng bất thường.

31 Thấy tôi suy nghĩ trầm tư, thầy bảo:
“Chắc con nghĩ về quái vật điên cuồng
Mà ta vừa dẹp cơn điên hỗn láo.

34 Ta muốn cho con hay rằng trước đây
Ta đi xuống Địa ngục trong bóng tối
Lèn đá chưa sụp xuống như lúc này.

37 Nếu ta không lầm thì chưa lâu lắm
Trước khi Ngài hạ cố xuống nơi này
Tước của Đitê mấy mồi to lắm.

40 Khắp bốn phía chuyển động mạnh vực sâu
Ta ngỡ vũ trụ vì tình xúc động
Nên đã quay về với thuở ban đầu.

43 Thế giới đôi khi vẫn thành hỗn loạn
Chính thời đó cái lèn đá cổ này
Ở nơi đây và xa hơn đổ xuống.

46 Nhưng mà xuống phía dưới con hãy nhìn
Một dòng sông máu me và sôi sục
Nấu người dùng bạo lực hại người thân”.

49 Thói hám của và cơn giận điên cuồng
Làm khổ ta trong cuộc đời ngắn ngủi
Để rồi chìm trong vĩnh viễn khốn cùng!

52 Tôi thấy một vực hình cung cực lớn
Và cả cánh đồng bốn phía vây quanh
Đúng như lời thầy của tôi đã dặn.

55 Giữa vách đá và cả giữa cánh đồng
Nối đuôi nhau bọn nửa người nửa ngựa
Với cung tên săn thú như trên trần.

58 Vừa thấy chúng tôi, chúng liền dừng lại
Ba đứa liền tách ra đứng bên rìa
Và cung tên đã sẵn sàng chuẩn bị.

61 Một đứa gào: “Bọn mi cực hình gì?
Hỡi hai tên đang từ dốc đi xuống
Trả lời ngay không tao bắn bọn mi!”

64 Thầy tôi đáp: “Câu trả lời, khi đến
Chúng ta tự mình nói với Kirông
Sao ngươi vẫn bị vũ phu sai khiến?”

67 Rồi thầy bảo tôi: “Đó là Nétxô
Đã chết vì nàng Đêjanira kiều diễm
Nhưng rồi cuối cùng cũng trả được thù.

70 Kẻ đứng ở giữa, mắt nhìn xuống ngực
Là Kirông, đã nuôi dưỡng Asin
Và Phôlô – luôn điên cuồng bực tức.

73 Chúng đi quanh bờ vực hàng nghìn tên
Dùng tên bắn hạ những hồn tội lỗi
Định ngoi lên khi tội lỗi chưa đền.

76 Chúng tôi đến gần đám đông quái vật
Kirông lấy tên, rồi dùng đuôi tên
Gạt râu của mình sang hai bên mép.

79 Khi đã lộ ra rộng hoác cái mồm
Nó bảo đồng nghiệp: “Chúng bay có thấy
Cái gã đi sau khuấy động đá lên.

82 Nghĩa là không phải bước chân người chết”.
Và thầy của tôi đã đến kề bên
Nửa người nửa ngựa cái con quái vật:

85 “Anh ta còn sống như người trần gian
Nên tôi dẫn anh đi thăm thung lũng
Không vì thích thú mà chỉ vì cần.

88 Một vị dừng bài Thánh ca đang hát
Đã đến giao cho tôi sứ mệnh này
Tôi không lỗi lầm, anh ta không trộm cắp.

91 Chính bậc Đức hạnh đó đã khiến tôi
Cất bước đường thật kinh hoàng quá đỗi
Hãy cho một người dẫn đường chúng tôi.

94 Chỉ giùm tôi chỗ nào có thể lội
Và dùng lưng cõng giúp anh bạn này
Không phải âm hồn nên không đi nổi”.

97 Kirông quay phải và bảo Nétxô:
“Ngươi hãy làm kẻ dẫn đường cho họ
Gặp toán canh nào thì bảo tránh ra”.

100 Chúng tôi theo kẻ đưa đường phía trước
Đi dọc bờ sông máu đỏ sục sôi
Nghe thấy tiếng kêu những người bị luộc.

103 Tôi thấy nhiều kẻ ngập đến lông mày
Nhân mã bảo tôi: “Đây là bạo chúa
Từng khát máu và của cải bao người.

106 Và đang khóc than những ai hung dữ:
Kìa Alếchxanđrô và Điônixiô
Từng dìm Xixilia trong nhiều đau khổ.

109 Và cái trán có bộ tóc đen kia
Là Atđôlinô, còn tên tóc sáng
Chính là Ôpítxô xứ Etti.

112 Tên này bị đứa con trai giết chết”.
Tôi nhìn thầy, nhưng thầy tôi bảo rằng:
“Ta thứ hai còn tên này – thứ nhất”.

115 Và sau đó chúng tôi bước đến gần
Một đám tội đồ dường như muốn thoát
Khỏi dòng máu sôi gần ngập hết thân.

118 Chúng tôi thấy một âm hồn đứng lẻ
“Kẻ trước bàn thờ đâm thủng trái tim
Nay còn được thờ trên sông Thêm đó”.

121 Tôi thấy có rất nhiều kẻ nhô thân
Hoặc nhô đầu lên khỏi dòng suối đỏ
Trong số này tôi biết một âm hồn.

124 Dòng sông máu càng sôi lâu càng cạn
Rồi chỉ còn lấp xấp đến bàn chân
Ở đó chúng tôi vượt qua vực thẳm.

127 Nhân mã nói: “Khi ở mé bên này
Dòng sông máu kia đang dần dần cạn
Thì có một điều mà ngươi phải hay:

130 Ở mé bên kia, sông sâu thêm mãi
Cho đến khi sẽ tiếp nối với nơi
Đám đông bạo chúa vẫn còn rên rỉ.

133 Đó là công lý thánh thần xử phạt
Áttila, kẻ đã gặp tai ương
Piarô, Sétxtô tuôn dòng nước mắt.

136 Lửa đốt lên và nước mắt vĩnh hằng
Riniê Coónêtô và Riniê Patxô đó
Những kẻ từng gây bao cuộc chiến tranh”.

139 Nétxô nói xong, vượt qua suối đỏ.


Chú thích:

KHÚC XII

4 – 9: Dante gợi nhớ lại nạn lở đất xưa kia xảy ra ở sông Adige giữa vùng Trento và Verona.
12 – 25. Creti (hoặc Creta): tên một hòn đảo, nay gọi là Candia. Quái vật Minotauro (Minotaur) do Pasifae, vợ của Minosse, vua của đảo Creti, hôn phối với một con bò đực mà sinh ra.
17. Quận công Atene (Athens): tức Teseo (Theseus), con trai của Egeo, vua Atene. Thành phố này, theo lệ phải cống nạp 7 nam 7 nữ để làm thức ăn cho quái vật Minotauro sống trong mê cung. Khi Teseo bị nộp làm vật hy sinh chàng đã chỉ huy toán nạn nhân giết chết Minotauro. Nàng Ariana (Ariadne), con gái của Minosse đã đưa cho Teseo cuộn chỉ dẫn đường để biết đường đi trong mê cung, nơi ở của Minotauro. Điểm cuối của cuộn chỉ là lối ra.
38. Chỉ việc Giê-su đã xuống Địa ngục để giải thoát cho một số vĩ nhân chưa qua lễ rửa tội.
47. Dòng sông máu: sông Flegetonta (Phlegethon).
65. Chiron: tên cầm đầu ba con nhân mã nửa người nửa ngựa.
67. Nesso (Nessus): Nesso yêu nàng Dejanira, vợ của Ercole, chở nàng qua sông Eveno để cùng nhau đi trốn nhưng Ercole đuổi kịp, dùng tên thuốc độc bắn chết Nesso. Trước khi chết, Nesso tặng Dejanira chiếc áo có dính máu của mình và dặn rằng cho ai mặc áo này thì sẽ giành được lòng yêu thương của người ấy. Dejanira tin là thật, đã đưa cho chồng là Ercole mặc để hàn gắn tình cảm vợ chồng. Không ngờ Ercole mặc vào bị ngấm thuốc độc phát điên và chết, vì thế Nesso “cuối cùng cũng trả được thù”.
72. Folo (Pholus): Folo đến dự đám cưới của Piritoo, vua của người Lapiti, muốn bắt cóc cô dâu và những phụ nữ có mặt ở đấy. Folo tượng trưng cho bạo lực và tham lam.
88. Tức là Beatrice.
107. Alessandro (Alexander): vua Macedone; Dionisio (Dionysius): bạo chúa ở Siracusa, được các nhà văn cổ đại xem là đại diện cho sự tàn bạo.
110. Azzolino da Romano (1194 – 1259): kẻ từng gây ra nhiều vụ thảm sát ở Trevigi, thành phố Padova và vùng Lombardia.
111. Opizzo da Esti: lãnh chúa vùng Ferrara, cuối cùng bị người con trai giết chết. Có bản lại nói là bị đứa con trai riêng (stepson) giết chết.
114. Ta thứ hai còn tên này – thứ nhất: ý nói là ở đây thì tên này sẽ giải thích chứ không phải thầy.
118 – 120. Guido di Monfort (Guy de Monfort): người kế chức của Charles d’ Anjou đệ nhất ở Toscana, năm 1271 tại buổi lễ ban thánh ở nhà thờ Veterbo đã đâm chết hoàng tử Henry, con trai của vua Anh Henry III để báo thù cho cha. Tương truyền con tim của hoàng tử được để trong chiếc chén vàng đặt trên một trụ cầu ở sông Tamisi (sông Thêm), Luân Đôn.
134. Attila: vua của bộ tộc Unni (Hun) đã tàn phá các nước châu Âu ở thế kỷ thứ V, được mệnh danh là “thần roi” (Scourge of God).
135. Pirro (Pyrrhus): có thể là con trai của Asin đã giết vua Priam mà Dante lấy từ Eneide; Sesto (Sextus): có thể là con trai của Pompeo mà sau thành hải tặc.
137. Rinier da Corneto (Rinier of Corneto): một tướng cướp nổi tiếng ở Maremma, thời Dante; Rinier Pazzo: một thủ lĩnh của đảng Ghibellini ở Toscana khoảng năm 1200.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 11:05:10

 
 
KHÚC XIII

Tầng Địa ngục thứ bảy, ngục thứ hai – Những kẻ tự sát, những kẻ xài hoang

Khi Nétxô còn chưa sang bờ ấy
Thì chúng tôi đã vào một khu rừng
Chưa từng có một lối mòn đi lại.

4 Lá cây một màu xám xịt, không xanh
Cành không thẳng mà xù xì, vặn vẹo
Gai độc có nhiều nhưng quả thì không.

7 Thú rừng tránh cả những vùng trồng tỉa
Từ sông Xêxina đến Coónêtô
Không rừng nào rậm, dữ dằn như thế.

10 Đây là nơi loài ác điểu Ácpi
Làm tổ, đuổi dân Tơroa chạy khỏi
Thành Xtrôfađê và thảm hoạ kia.

13 Chúng có cánh chim nhưng cổ, mặt người
Chân có vuốt con, bụng đầy lông lá
Trên cành cây, kêu những tiếng bi ai.

16 Thầy bảo tôi: “Trước khi ta đi tiếp
Hãy nhớ rằng ta ở ngục thứ hai
Và vẫn ở đó – rồi thầy tiếp tục –

19 Cho đến khi đi vào bãi lửa hoang
Hãy nhìn cho kỹ và con sẽ thấy
Chứ lời ta, con có thể không tin”.

22 Khắp mọi nơi nghe những lời than khóc
Nhưng tuyệt nhiên không thấy một bóng người
Tôi vội vàng dừng chân vì sửng sốt.

25 Tôi ngỡ thầy đoán là tôi tin rằng
Lời than khóc là những người ẩn nấp
Sau những lùm cây cả một đám đông.

28 Nên thầy bảo: “Con bẻ vài cành lá
Của một bụi cây nào đó bất kỳ
Thì lập tức thắc mắc con sáng tỏ”.

31 Khi đó bàn tay của tôi đưa ra
Bẻ một cành cây mận gai bên cạnh
Cây bỗng kêu lên: “Sao lại hành ta!”

34 Từ chỗ gãy cành máu đen túa chảy
Cây lại kêu: “Ngươi hành hạ ta chi
Chẳng lẽ ngươi lại dữ dằn đến vậy?

37 Chúng ta xưa là người nay là cây
Bàn tay ngươi nên nhẹ nhàng mới phải
Dù là linh hồn rắn rết giờ đây”.

40 Như thanh củi tươi, một đầu đã cháy
Nhưng đầu kia vẫn rên rỉ, nghiến răng
Tiếng thoát ra ấy là nhờ gió đẩy.

43 Và rồi từ cành gãy ấy cùng tuôn
Cả lời và máu, làm tôi khiếp đảm
Tôi buông cành cây, tại chỗ đứng im.

46 Thầy tôi trả lời tiếng kêu ai oán:
“Giá người này trên con đường của mình
Những gì đọc trong thơ ta, suy ngẫm

49 Thì với ngươi tay nó chẳng chạm lên
Nhưng sự việc này khiến ta dính líu
Hành động này ta có lỗi một phần.

52 Xin cho biết: ngươi là ai, nếu không ngại
Để nó sửa sai ký ức về ngươi
Nơi trần thế, khi nó quay trở lại”.

55 Cây đáp: “Ngươi đã thuyết phục được tôi
Tôi sẽ nói nhưng xin đừng phiền muộn
Nếu như tôi có thêm bớt đôi lời.

58 Tôi là người giữ cả hai chìa khoá
Của trái tim Hoàng đế Phêđêrigô
Đóng, mở lẹ làng nhờ tay tôi cả.

61 Tôi trung thành với nghĩa vụ vinh quang
Bí mật của vua tôi luôn giữ kín
Quên cả ngủ nghê, sức lực coi thường.

64 Thói đố kỵ không hề rời con mắt
Trơ tráo ngó nhòm cung điện Xêda
Bệnh dịch của dân, cung đình thuốc độc.

67 Nhen lửa chống tôi trong các linh hồn
Lửa bén đến Augútxtô Hoàng đế
Biến sướng vui thành tang tóc đau thương.

70 Tâm hồn tôi trong tột cùng phẫn uất
Nghĩ cái chết trốn được sự khinh thường
Đã tự hại mình – một người chính trực.

73 Tôi sống chết giữ gốc rễ của mình
Tôi xin thề chẳng bao giờ phụ bạc
Lòng tin của Chúa là sự vinh quang.

76 Nếu một người còn quay về dương thế
Xin bảo vệ giùm ký ức về tôi
Đang bẹp dí dưới những trò đố kỵ!”

79 “Nó đã ngừng – tôi nghe tiếng nhà thơ –
Con đừng bỏ phí thời gian, hãy hỏi
Nếu như con còn muốn biết điều gì”.

82 Tôi trả lời: “Con mong thầy hỏi giúp
Những điều gì mà thầy nghĩ con nên
Con không thể hỏi vì lòng thương xót”.

85 Thầy liền tiếp: “Nếu người ta hết lòng
Đáp ứng cái điều mà ngươi cầu khẩn
Thì hồn bị tù xin hãy nói thêm.

88 Vì sao hồn vào thân cây nhập được
Và nếu có thể, cho biết điều này
Có bao giờ khỏi thân cây hồn thoát?”

91 Và cây thở dài một tiếng rõ to
Rồi đổi gió thành tiếng, bắt đầu nói:
“Chỉ xin trả lời vắn tắt thôi nghe:

94 Khi một linh hồn dữ dằn, rách nát
Lìa khỏi xác theo ý của chính mình
Thì xuống tầng thứ bảy Minốt vứt.

97 Rơi xuống đâu là tùy sự rủi may
Xuống rừng này, y như là hạt giống
Rồi nảy mầm, do số phận khiến sai.

100 Rồi đâm chồi, biến thành cây hoang dại
Ác điểu Ácpi đến mổ lá ăn
Gây đau đớn, tạo cửa đau đớn ấy.

103 Chúng tôi muốn tìm lại hình hài xưa
Như mọi người, nhưng chẳng còn được nhập
Vì xác thân tự mình đã vứt đi.

106 Tới đây chúng tôi sẽ lôi xác đến
Xác sẽ bị treo trên bụi cây gai
Nơi đang nằm ngủ oan hồn hung hãn”.

109 Chúng tôi nghĩ rằng đợi qua nỗi buồn
Sẽ còn nghe cây nói nhiều điều nữa
Bỗng bất ngờ, nghe tiếng động ầm ầm.

112 Có vẻ về phía chúng tôi áp sát
Con lợn rừng và một đoàn thợ săn
Nghe tiếng gãy cành, bước chân rầm rập.

115 Có hai người chạy bên trái chúng tôi
Trần truồng tả tơi giữa bao cành lá
Làm gãy những cành và những chồi cây.

118 Người thứ nhất: “Cứu tôi! Ôi Thần chết!”
Người thứ hai, gắng không chậm hơn người
Gào lên: “Lanô, mày nhanh khủng khiếp

121 Nhanh hơn cả khi đánh trận Tốppô!”
Rồi nhìn quanh, có vẻ như kiệt sức
Lao vào bụi cây thành một khối to.

124 Kín cả khu rừng, phía sau bọn họ
Một bầy chó đen đói khát đuổi theo
Như thể bầy chó do ai vừa thả.

127 Vào người nấp trong bụi, chúng ngoạm răng
Rồi xé ra từng mảnh, từng mảnh nhỏ
Và tha đi những cục thịt đỏ lòm.

130 Người bạn đường cầm tay tôi, rồi dẫn
Đến bên bụi cây nức nở khóc than
Từ vết thương máu ròng ròng chảy xuống.

133 “Ôi Jacôpô đa Xantô Anđờrêa
Sao anh dùng tôi làm nơi trú ẩn
Tôi có lỗi gì với đời anh xấu xa?”

136 Dừng trước bụi cây thầy tôi lẩm bẩm:
“Ngươi là ai mà cành lá sum suê
Máu tuôn trào và lời than đau đớn?”

139 “Những linh hồn mới đến – cây trả lời –
Để chứng kiến bao nỗi đau man dại
Đã vặt đi bao cành lá của tôi.

142 Xin hãy nhặt giùm và gom dưới gốc
Vì Thánh Giăng Báptít, đô thành của tôi
Đã thay vị chủ đầu tiên – Thánh Mác.

145 Làm cho khốn bằng tài nghệ của Ngài
Nay chỉ trên cầu Ácnô còn sót
Lại một phần dấu tích của Ngài thôi.

148 Rồi sau đó những người xây dựng lại
Trên đống tro tàn của Attila
Người ta đã làm một cách uổng phí.

151 Và tôi tự treo cổ mình trong nhà”.


Chú thích:

KHÚC XIII

8. Cecina: tên một con sông; Corneto: một miền hoang vu ở vùng Maremma, Toscana.
10. Arpie (The Harpies): một loài quái vật thần thoại có mặt đàn bà, thân chim.
13 – 15. Những điều này được kể trong anh hùng ca Eneide của Virgilio.
58. Pier delle Vigne: viên quan cận thần của hoàng đế Federico II (Frederick II), được nhà vua tin tưởng trao cho nhiều quyền bính. Bất ngờ bị thất sủng, bị bắt giam. Tự tử trong nhà tù.
65. Cung điện Xêda: là cung điện nhà vua nói chung.
68. Hoàng đế Augútxtô: tức Federico II.
96. Minos: quan xét xử nơi Địa ngục.
120. Lano: theo Boccacio đây là Lano da Siena chết ở trận Pieve al Toppo năm 1278 và tự nguyện chết vì chán cuộc sống nghèo nàn. Là kẻ trước đây tiêu tiền như rác (xem khúc XXIX, 130).
119. Người thứ hai là Iacopo de Santo Andrea, cũng là kẻ tiêu tiền như rác.
143. Thời cổ đại dân Firenze thờ Thánh Mác (thần chiến tranh), khi quy theo đạo Thiên Chúa thì Thánh Giăng Báptít trở thành vị thần bảo trợ cho Firenze. Vị trí đặt tượng Thánh Mác được dùng xây nhà thờ Thánh Giăng, còn tượng Thánh Mác được dời ra bờ sông Arno. Khi Attila tàn phá Firenze, tượng bị vứt xuống sông, sau tìm lại được một phần đem đặt trên Cầu Cũ (Ponte Vecchio). Âm hồn tự tử này nói ý rằng giá không có phần tượng Thánh Mác kia thì Firenze đã bị san bằng và việc xây dựng lại sẽ là “uổng phí”.
151. Câu này chưa có bản nào giải thích rõ ràng.
 

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 11:08:52

 
 
KHÚC XIV

Tầng Địa ngục thứ bảy, ngục thứ ba – Mưa lửa, những kẻ báng bổ thánh thần

Cảm thấy xúc động vì tình đồng hương
Tôi nhặt những chiếc lá rơi tản mát
Trả lại cho cây giờ đã lặng im.

4 Rồi xuyên qua rừng, chúng tôi đi tới
Điểm phân chia vòng ngục hai với ba
Thấy một cảnh tượng vô cùng kinh hãi.

7 Để trình bày lại những việc lạ này
Xin nói rõ là có một trảng cát
Không một cây nào sống nổi nơi đây.

10 Khu rừng đau thương bao quanh trảng ấy
Và bao quanh một cái hố đau buồn
Sát ngay bên rìa, chúng tôi dừng lại.

13 Khoảng trống là một bãi cát khô cằn
Giống như ngày xưa Catông từng vượt
Bãi cát này, cát bỏng dưới bàn chân.

16 Khủng khiếp thay, sự báo thù của Chúa
Với những ai khi đọc những dòng này
Những gì nhìn thấy mắt tôi lúc đó.

19 Tôi thấy từng lũ âm hồn trần truồng
Nhưng có vẻ cực hình thì lại khác
Tất cả đều khóc lóc cực thảm thương.

22 Có những người nằm dài trên mặt đất
Những kẻ khác phải ngồi lại thu mình
Và phải đi lại liên hồi – số khác.

25 Đông nhất là bọn đi thành vòng tròn
Những kẻ nằm trong đớn đau có ít
Nhưng mồm không ngừng những tiếng kêu than.

28 Theo một nhịp chậm trên khắp trảng cát
Mưa lửa rơi, những bông lửa to đùng
Như ngày lặng gió trên rừng hoa tuyết.

31 Như khi nhìn thấy rơi xuống quân mình
Những ngọn lửa tới đất còn bốc cháy
Alếchxanđrô ở Ấn Độ hành quân.

34 Thế là ông ra lệnh cho quân sĩ
Tách riêng chúng ra cho dễ giập hơn
Rồi giập xuống đất, tắt từng đốm lửa.

37 Cơn bão lửa trút xuống từ trên cao
Giống như bùi nhùi khi đà bén lửa
Cát cũng thiêu, nhân lên nỗi đớn đau.

40 Và không bao giờ dừng trò khiêu vũ
Của những bàn tay khốn khổ vẫy vùng
Gạt ra khỏi thân truồng từng đốm lửa.

43 Tôi hỏi thầy: “Sức mạnh ấy là ai
Mà thắng tất cả, ngoại trừ quỉ sứ
Đã cản trở ta ở chốn cổng ngoài.

46 Kia là ai, cái hình thù to lớn
Chẳng quan tâm đến lửa cháy, chỉ nằm
Đến mưa cũng không thể nào ngăn cản”.

49 Cái người đó hiểu rằng tôi ngạc nhiên
Đã kêu lên: “Ta sống sao chết vậy! –
Khi mà tôi đang hỏi thầy của mình –

52 Dù người thợ rèn bị Giôvê làm khốn
Và nổi cơn điên, lưỡi tầm sét đã cầm
Đâm vào ta trong cái ngày cuối tận.

55 Thần còn làm khổ người khác, dù cho –
Trong lò rèn Mônggibenlô đen đúa
Đã gọi: –Vuncanô hãy giúp ta, giúp ta!

58 Hoặc như ở trận Phờlêgờra tàn khốc
Dốc toàn bộ sức lực giáng vào ta
Nhưng mà cũng chẳng trả thù gì được”.

61 Lúc bấy giờ mới lên tiếng thầy tôi
Lời mạnh mẽ, tôi chưa từng nghe thấy:
“Ôi, Capanêô, thói kiêu ngạo của ngươi

64 Không giảm bớt mà còn thêm phạt nặng
Không hình phạt nào ngoài sự điên cuồng
Lại xứng với tính của ngươi hung hãn”.

67 Rồi quay lại tôi với vẻ dịu dàng
“Đây là một vị vua trong bảy vị
Đã vây thành Têbê, và phỏng chừng

70 Vẫn coi khinh và vẫn đánh giá thấp
Vị thần kia nhưng ta đã nói rồi
Thói khinh mạn chỉ là đồ trang sức.

73 Bây giờ hãy theo sát ta, và luôn
Không đặt chân vào cát đang bốc lửa
Hãy đi nép sát về phía mé rừng”.

76 Giữ im lặng và chúng tôi đi tới
Một con suối nhỏ từ rừng chảy ra
Nước màu đỏ, tôi vô cùng sợ hãi.

79 Như suối chảy từ hồ Bulicamê
Để chia nước cho những người lầm lỗi
Con suối này chảy xuống bãi cát kia.

82 Cả lòng suối và hai bờ lát đá
Cũng lát đá cả ở hai bên lề
Tôi hiểu rằng cần đi theo suối đó.

85 “Trong những điều ta đã nói từ đầu
Kể từ khi ta vượt qua ngưỡng cửa
Lối vào trong không cấm một người nào.

88 Không gì trong những điều con thấy đó
Lại đáng chú ý hơn con suối này
Nó làm cho lửa dịu đi cùng nó”.

91 Thầy nói vậy, và tôi cầu xin thầy
Ban cho tôi bài giảng nhiều hơn nữa
Những gì gợi lên ham muốn trong tôi.

94 “Ngoài khơi này xưa có vùng đất cổ
Người ta gọi là đảo Cơrêta
Ông vua hiền và dân lương thiện cả.

97 Có một quả núi tên là Iđa
Xưa kia từng có rừng cây xanh tốt
Nhưng bây giờ chỉ còn lại hoang vu.

100 Xưa Rêa chọn làm nơi trú ẩn
Cho đứa con trai yêu quí của mình
Khi nó khóc, phát ra nhiều tiếng động.

103 Đứng trong lòng núi là một ông già
Cao lớn, với Đammiata quay lưng lại
Như một tấm gương nhìn về Rôma.

106 Cái đầu được tạo bằng vàng nguyên chất
Hai cánh tay và ngực cũng bạc ròng
Và đến hết thân – bằng đồng tốt nhất.

109 Phần dưới, tất cả đều bằng sắt tây
Nhưng chân phải lại được làm bằng đất
Và ông già đứng trụ trên chân này.

112 Trừ phần bằng vàng, các phần còn lại
Đều có vết nứt, nước mắt ứa ra
Rồi đọng lại và xuyên qua hang núi.

115 Từ thung lũng này dòng nước chảy ra
Thành Akêrôngtê, Xtigiê, Phờlêgiêtông rồi chảy
Xuống thấp hơn nữa, theo những dòng khe.

118 Xuống tới điểm người ta không thể xuống
Tạo thành đầm Côxitô; nó ra sao
Con sẽ thấy, nên ta không nói đến”.

121 Tôi hỏi thầy: “Nếu như con suối này
Dòng nước chảy đến từ nơi dương thế
Sao chỉ hiện ra ở bờ bên này?”

124 “Con hiểu Địa ngục là hình tròn vậy
Mặc dầu con đã làm một hành trình
Nhưng luôn theo mé và đi xuống đáy.

127 Con vẫn chưa đi quanh hết một vòng
Do vậy, nếu có điều gì mới lạ
Thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên”.

130 “Thế Phờlêgiêtông, Lêtê ở đâu – tôi hỏi –
Sông, thầy bảo do nước mắt tuôn đầy
Còn một sông kia thầy không hề nói”.

133 “Con hỏi vậy có lý – thầy trả lời –
Nhưng sự sục sôi của dòng nước đỏ
Thì một trong hai có giải đáp rồi.

136 Con sẽ thấy sông Lêtê, nhưng ngoài vực
Mọi âm hồn đến rửa ráy ở đây
Sau khi tất cả lỗi lầm đã chuộc”.

139 Rồi thầy nói: “Phải rời khu rừng này
Con hãy nhìn và theo ta cho đúng
Bờ không cháy là đường đi được đây.

142 Trên những bờ ấy lửa đà tắt ngấm”.


Chú thích:

KHÚC XIV

14. Catone d’ Utica (Cato of Utica) xưa đã dẫn quân vượt qua sa mạc Libi.
31 – 36. Ở đây Dante nhắc đến một truyền thuyết về Alexander Đại đế.
52. Giove (Jupiter): vị thần lớn nhất trong các thần La Mã được thờ ở đền Capitole; Người thợ rèn: tức Vulcano, chuyên rèn lưỡi tầm sét cho Giove.
56. Mongibello: tiếng địa phương gọi núi lửa Etna. Đây được xem là nơi Vulcano thiết lập lò rèn.
58. Flegra (Phlegra): thung lũng ở Tessaglia, nơi diễn ra trận đánh nổi tiếng giữa những thần khổng lồ và Giove. Các thần khổng lồ định vượt lên đỉnh Olimpo để trèo lên trời.
63. Capaneo (Capaneus): một trong bảy vị vua của Hy Lạp đã giúp vua Polinice chống lại người anh là Eteole.
79. Bulicame: hồ nước có dòng suối nước nóng chảy ra, ở gần Viterbo, nơi đây có lệ cho phép gái điếm được tắm tự do.
96. Vua Saturno: vị vua thứ nhất của đảo Creta, thời ông vua này cai trị được gọi là thế kỷ vàng.
97. Ida: đỉnh núi cao nhất ở Creta luôn có tuyết bao phủ.
100. Rea (Rhea): vợ của vua Saturno, mẹ của Giove. Do có lời tiên tri đoán rằng vua Saturno sẽ bị chính con trai cướp ngôi nên ông đã ăn sống những đứa con của mình ngay từ khi vừa mới lọt lòng. Nhưng đứa cuối cùng được thần Dớt giúp đỡ: Rea sinh Giove trong một hang núi rồi sai bọn người hầu đem đi nuôi giấu trên đỉnh núi Ida. Mỗi khi đứa bé khóc thì bọn người hầu hò hét, múa gươm làm cho chó sủa để át đi tiếng khóc.
103 – 111. Ông già cao lớn: hình tượng này lấy từ giấc mơ của Nabucodonosor trong Kinh Thánh, nhà tiên tri Daniel giải thích giấc mơ này là biểu tượng của hiện tại và tương lai. Dante sử dụng tư liệu này, coi đó là biểu tượng của lịch sử nhân loại thay đổi theo thời gian, đi qua các thời đại: vàng, bạc, đồng, sắt. Hiện tại ông già này đứng trụ trên chân phải làm bằng đất, nghĩa là đang suy thoái. Ông già quay lưng lại với Dammiata: một thành phố của Ai Cập, tượng trưng cho phương Đông, nơi con người sinh ra; còn Nhìn về Rôma như một tấm gương: thể hiện sự vinh quang trong quá khứ và, theo Dante, có thể tác động đến sự cứu rỗi linh hồn và hạnh phúc của nhân loại.
113. Nước mắt ứa ra: do tội lỗi của loài người (có bản cho là nước mắt vua Creta) đã tạo nên những dòng sông Âm phủ: Acheronte, Stige, Flegetonta. Thực ra đây là đều một dòng sông qua các đoạn với những tên gọi khác nhau (xem khúc III, 78).
119. Đầm Cocito (Cocytus): đầm đóng băng ở trung tâm Âm phủ.
136. Sông Lete: xem khúc III, 78.


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 12:07:49

 
 
KHÚC XV

Tầng Địa ngục thứ bảy, ngục thứ ba – Bờrunéttô Latinô

Và chúng tôi đi trên bờ đá ấy
Có hơi nước từ dưới suối bốc lên
Bảo vệ bờ suối khỏi làn lửa cháy.

4 Giống như người Phiamminghi đắp đê
Giữa Guýtxăngtê và Brútgia phòng hộ
Để ngăn thuỷ triều của biển cả kia.

7 Như dân Pađôan đã từng che chắn
Thành phố, pháo đài dọc sông Bờrenta
Khi ập vào Carentana cơn nóng.

10 Cũng theo cách ấy, bờ suối ở đây
Dù Thợ không xây quá cao và rộng
Không biết được rằng Thợ ấy là ai.

13 Khi chúng tôi đã xa khu rừng rậm
Đến nỗi không hề nhìn thấy khu rừng
Thì con mắt vẫn ngoái nhìn phí uổng.

16 Và chúng tôi gặp một toán âm hồn
Một toán âm hồn dọc theo bờ suối
Tất cả bọn họ đều ngước mắt nhìn.

19 Như khi hai người dưới trăng gặp gỡ
Họ nheo mắt, chằm chặp nhìn chúng tôi
Như bác thợ may xâu kim chăm chú.

22 Một người có vẻ quen biết nhìn tôi
Và sau đó nhận ra tôi, thích thú
Nắm vạt áo tôi và kêu: “Ôi trời!”

25 Sau khi bàn tay người này buông xuống
Tôi nhìn chằm chằm bộ mặt cháy đen
Gương mặt đen nhưng rõ ràng, sống động.

28 Trí nhớ của tôi đã kịp nhận ra
Và tôi giơ tay về khuôn mặt đó
“Ngài đấy ư? Ngài Bờrunéttô?”

31 “Con trai của ta, chớ phiền – ông đáp –
Latinô quay lại chút với con
Rồi ta sẽ cùng đoàn này đi tiếp”.

34 Tôi trả lời: “Tôi rất lấy làm vui
Nếu Ngài muốn, tôi sẽ ngồi xuống cạnh
Khi người hướng dẫn đồng ý với tôi”.

37 “Trong đoàn này nếu kẻ nào dừng lại
Dù một giây, thì sau đó trăm năm
Cực hình lửa thiêu là không tránh khỏi.

40 Con cứ đi tiếp và bên cạnh ta
Rồi ta sẽ nhập vào đoàn trở lại
Lầm lỗi muôn năm cùng họ khóc về”.

43 Tôi không dám rẽ qua con đường khác
Để đi cạnh ông và hơi cúi đầu
Như đi bên một con người đáng phục.

46 Ông bảo tôi: “Chẳng biết con nhờ ai
Mà tới được đây trước ngày cuối tận
Vị dẫn đường cho con đó là ai?”

49 “Trên trần thế, trong cuộc sống thanh bình
Con bị lạc đường ở trong thung lũng
Trước khi chín muồi năm tháng của con.

52 Ngày hôm qua, khi quay lưng buổi sáng
Thì con gặp nhau với người ở đây
Đường con về nhà người này sẽ dẫn”.

55 “Cứ đi theo sao chiếu mệnh của con
Rồi bến bờ vinh quanh con sẽ đến
Vì ta tin tưởng cuộc đời huy hoàng.

58 Và giá như ta đã không chết sớm
Để thấy trời đã phù hộ cho con
Thì mọi việc ta giúp con nhiều lắm.

61 Nhưng cái dân ác độc, bội bạc này
Xưa kia từ Phiêxôlê tràn xuống
Và núi rừng vẫn chiếm giữ đến nay.

64 Họ là kẻ thù, vì con xử tốt
Vì giữa thanh lương trà chát lẽ nào
Kết trái đơm hoa nổi cây sung ngọt.

67 Một nhân vật xưa gọi họ là mù
Là keo kiệt, kiêu căng và đố kỵ
Những tật xấu này con tránh bị dơ.

70 Số mệnh còn dành cho con vinh dự
Phe này, phe kia đều muốn có con
Nhưng cái mỏ còn quá xa ngọn cỏ.

73 Cứ mặc bọn súc sinh Phiêxôlê
Cấu xé nhau mà cây không đụng đến
Nếu trong chuồng phân của chúng còn cây.

76 Hạt giống thiêng ở đó rồi sống lại
Sống lại ngay trong cái ổ gian manh
Khi những người La Mã còn trụ lại”.

79 “Giá lời cầu khẩn của tôi đã thành
Thì cuộc đời của Ngài còn chưa hết
Và Ngài hãy còn sống ở trần gian.

82 Khắc trong tâm khảm và tôi xúc động
Hình ảnh của người cha chú thân thương
Đã dạy dỗ tôi, khi Ngài còn sống.

85 Như người sắp đi vào cõi vĩnh hằng
Tôi biết nghĩa vụ trong đời ngắn ngủi
Đánh dấu ngôn từ với cõi trần gian.

88 Lời Ngài ghi nhớ và tôi chờ gặp
Tôi sẽ đem chất chính một Phu nhân
Nàng biết rõ, nếu như tôi được gặp.

91 Tuy nhiên tôi xin bày tỏ với Ngài
Để cho lương tâm hoàn toàn thanh thản
Tôi bằng lòng với số phận của tôi.

94 Những tiên đoán tôi không còn lạ lẫm
Cứ để Thần số mệnh vặn bánh xe
Tuỳ thích, như người nông dân với xẻng”.

97 Khi đó thầy tôi vặn người ngó qua
Bờ vai phải rồi thầy tôi cất tiếng
“Ai chăm chú nghe thì sẽ hiểu ra”.

100 Tuy thế, Ngài Bờrunéttô không im lặng
Tôi hỏi ông trong số những bạn đường
Ở chốn này ai là người quan trọng.

103 “Cũng tốt, nếu biết vài người, tuy vậy
Với số khác thì im lặng là hơn
Thời giờ quá ít để kể nhiều tên tuổi.

106 Họ đều tăng lữ, và nên biết rằng
Họ nổi tiếng là những nhà bác học
Vì một tội danh ô uế trên trần.

109 Pờrítxian trong đoàn khốn khổ
Cùng Phờrăngsétxcô D’Accorờxô
Nếu con muốn biết loài sâu mọt đó.

112 Có cả vị “tôi tớ của bầy tôi”
Từ Ácnô đến Báckilionê được chuyển
Tại đây ông ta sinh lực hết rồi.

115 Ta muốn nữa, nhưng không thể đi tiếp
Không thể nói hơn vì thấy đằng xa
Một làn khói mới bốc lên mù mịt.

118 Ta không muốn bị lạc vào trong đoàn
Âm hồn mới, ta gửi con “Kho báu”
Ta còn sống đó, và chẳng gì hơn”.

121 Rồi ông chạy đi và tôi thấy giống
Như chạy thi trên đồng Vêrôna
Hướng về tấm vải xanh, và tưởng tượng

124 Rằng mình thắng cuộc chứ không phải thua.


Chú thích:

KHÚC XV

4 – 9. Dante so sánh bờ sông ở Địa ngục với bờ đê biển do người Fiamminghi đắp giữa Guizzante và Bruggia (Wissand và Bruges, Pháp), và đập nước do người Padoan đắp trên sông Brenta, Ý.
30. Brunetto: Brunetto Latino (1220 – 1295): nhà hoạt động chính trị, nhà thơ, nhà bác học, thành viên của phe Guelfi. Dante coi Brunetto như người thầy của mình.
55. Cứ đi theo sao chiếu mệnh của con: Brunetto và Dante chia sẻ lòng tin thời trung cổ rằng những ngôi sao có ảnh hưởng đến số phận, tính cách của con người cũng như sự vật.
61. Cái dân ác độc, bội bạc này: tức cư dân thành phố Fiernze. Theo truyền thuyết thì cư dân Firenze gồm người Fiesole và người La Mã di cư. Theo Dante đây là một nguyên nhân gây sự chia rẽ.
65 – 66. Hai loại cây này trong nguyên bản: lazzi sorbi (crabbed sorbs): thanh lương trà chát, dolce fico (sweet fig): sung ngọt.
71. Phe này, phe kia: tức phe Đen và phe Trắng.
73. Bọn súc sinh Phiêxôlê: tức cư dân Firenze, đa số là con cháu người Fiesole (xem câu 61).
89. Một Phu nhân: ngầm chỉ Beatrice.
109. Priscian: một nhà ngữ pháp Latinh nổi tiếng thế kỷ VI.
110. Francesco d’Accorso (1225 – 1293): một luật sư nổi tiếng, thành viên phe Ghibellini.
112. Có cả vị “tôi tớ của bầy tôi”: một cách nói mỉa mai, đây là Andrea di Mozzi, Giám mục Firenze từ 1287 đến 1295, bị chuyển đến Vicenza và rồi chết ở đó.
113. Arno, Bacchiglione: tên hai con sông chỉ hai địa phương Firenze, Vicenza.
119. Cuốn Kho báu: tức cuốn “Li livres dou Tresor”, tác phẩm chính của Brunetto viết bằng tiếng Pháp trong thời gian ông sống lưu vong ở Pháp.
122. Như chạy thi trên đồng Vêrôna: ở Verona ngày chủ nhật đầu tiên của tuần chay trong năm người ta tổ chức cuộc chạy thi trên cánh đồng, những người chạy thi đều không mặc quần áo. Người thắng cuộc được phần thưởng là một tấm vải xanh, còn người về đích sau cùng được một con gà trống và phải đem con gà trống này đi vào phố. Sự so sánh ở đây có ý rằng Brunetto, cũng như tất cả tội phạm ở Địa ngục đều không mặc quần áo và cần phải chạy nhanh để “nhập vào đoàn” (câu 41).

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 12:11:21

 
 
 
KHÚC XVI

Tầng Địa ngục thứ bảy, ngục thứ ba (tiếp tục)

Tôi đi đến nơi nghe tiếng ầm ầm
Tiếng của nước chảy xuống vòng ngục tiếp
Như tiếng rì rầm của một tổ ong.

4 Và nhìn thấy ba bóng đen mải miết
Tách khỏi đám đông, về phía chúng tôi
Dưới một cơn mưa đọa đầy khốc liệt.

7 Một bóng hướng về phía tôi, kêu lên
“Hãy dừng lại, người mà cách ăn mặc
Có vẻ là người của cõi trần gian”.

10 Trên thân thể họ vết thương chi chít
Do lửa đốt thiêu, mới cũ hằn sâu
Tôi đau đớn nhớ lại từng chi tiết.

13 Thầy tôi dừng, khi nghe tiếng kêu trên
Rồi bảo tôi: “Ta hãy chờ một lát
Ta cần tỏ ra lịch sự nghe con.

16 Ta nói rằng giá mà không có lửa
Phóng ra như tên trong nóng bức này
Thì con vội vàng chứ không phải họ”.

19 Bọn họ tiếp tục – khi chúng tôi dừng –
Điệp khúc than vãn, rồi khi đến cạnh
Cả ba người quây lại đi vòng tròn.

22 Họ tìm cách chộp nhau và thủ thế
Như những đô vật ở trần, xoa dầu
Để sau đó hạ gục nhau có thể.

25 Cả ba người trong khi đi vòng tròn
Đều ngoái cổ, hướng về tôi ánh mắt
Thành ra cổ luôn ngược lại hướng chân.

28 Một người nói: “Cảnh khổ đau nhường ấy
Khiến anh khinh bỉ những kẻ khẩn cầu
Vì cái vẻ ngoài đen thui, trần trụi.

31 Nhưng vì danh dự chúng tôi cúi mình
Anh là ai? Cho chúng tôi được biết
Sao dám đặt vào Địa ngục bước chân.

34 Tuy chẳng áo quần, thịt da xây xát
Nhưng người này – tôi đang bước theo ông
Lại thuộc một dòng trâm anh thế phiệt.

37 Ông là cháu của bà Guanđờrađa
Tên là Guyđô Guera nổi tiếng
Bằng giáo gươm và trí tuệ cao xa.

40 Người sau tôi, đang giẫm chân trên cát
Là Técghiaiô Anđôbờrăngđi, mà lời ông
Trên trần thế hẳn vẫn còn chưa tắt.

43 Còn tôi, khổ sở vì cơn gió này
Tôi là Japôcô Rútxticúcxi lầm lỗi
Vì thói dữ dằn của mụ vợ tôi”.

46 Giá mà tôi là người không sợ lửa
Tôi đã lao vào giữa đám người này
Và tôi tin rằng thầy tôi đồng ý.

49 Nhưng nếu thế sẽ bị đốt và thui
Sự sợ hãi đã thắng điều dự định
Nên chỉ còn muốn ôm họ mà thôi.

52 Tôi nói: “Không khinh bỉ mà thương xót
Số phận các vị trong tâm trí tôi
Sâu đến mức không thể nào phai nhạt.

55 Ngay từ phút đầu, khi thầy của tôi
Bảo ban vài lời thì tôi đã hiểu
Có những người như các vị gặp tôi.

58 Tôi là người đồng hương cùng các vị
Với lòng kính trọng đã nói, đã nghe
Về tên tuổi và công lao các vị.

61 Tôi đi tìm quả táo của khu vườn
Mà người hướng đạo của tôi đã hứa
Nhưng trước hết phải xuống tận trung tâm”.

64 Đáp lại lời tôi vẫn từ bóng ấy:
“Cầu mong cho anh được sống dài lâu
Và danh tiếng muôn đời sau rạng mãi.

67 Nhưng xin cho biết: thành phố chúng ta
Vẫn như xưa, phẩm giá và thanh lịch
Hay tất cả nay tan biến, nhạt nhòa?

70 Bởi Guyliê Boócxiê cũng đang có mặt
Và lâu nay lời than vãn không ngừng
Chuyện của ông khiến chúng tôi thắc mắc”.

73 “Ngươi đắm mình trong cao ngạo, buông tuồng
Của cư dân và bất ngờ lợi lộc
Hỡi Phirenxe, giờ vẫn buồn thương!”

76 Thế là tôi kêu lên và trán ngước
Cả ba coi đó là câu trả lời
Nhìn sang nhau như nhìn vào sự thật.

79 Và họ nói: “Để làm cho vui lòng
Bao kẻ khác, quả với anh chẳng khó
Anh hạnh phúc được nói theo ý mình!

82 Anh lại thấy những vì sao đẹp đẽ
Khi anh giã từ chốn mịt mù này
Và sung sướng nhớ rằng: “Tôi từng ở”.

85 Hãy nhắc mọi người nhớ đến chúng tôi!”
Rồi họ phá vòng tròn và bỏ chạy
Chân lẹ làng như những cánh chim bay.

88 Tôi một lời “Amen” chưa kịp nói
Thì cả ba đã ở chốn xa xôi
Nên đi tiếp, thầy tôi cho là vậy.

91 Tôi theo thầy và chỉ mấy bước thôi
Nghe tiếng nước ầm ầm, gần đến nỗi
Có vẻ át đi tất cả những lời.

94 Như dòng sông chảy theo dòng nó chảy
Từ đỉnh Vixô về phía mặt trời
Trên dãy Apenninê sườn bên trái.

97 Đoạn thượng nguồn gọi là Ácquakêta
Để trước khi đến đồng bằng trút xuống
Không còn mang tên đó ở Phoócli.

100 Từ núi Anpê đổ xuống thành thác
Ầm ầm phía tu viện Thánh Benêđéttô
Nơi đó chứa được cả ngàn cái thác.

103 Chúng tôi nghe một dòng nước réo vang
Dòng nước sẫm dưới một vách đá thẳng
Chỉ chốc lát thôi tai đã ong ong.

106 Quanh mình tôi luôn có dây thừng nhỏ
Với nó, có lúc tôi đã nghĩ dùng
Bắt con cáo có bộ lông loang lổ.

109 Nhưng tôi nghe theo lệnh của thầy tôi
Ra khỏi lưng sợi dây thừng tôi cởi
Cuốn gọn lại và trao nó cho thầy.

112 Thầy tôi quay sang phải, và thầy đứng
Cách một quãng xa cho khỏi vướng bờ
Rồi vòng dây xuống vực sâu thầy quẳng.

115 Chắc một điều kỳ lạ sắp xảy ra
Đáp lại dấu hiệu, tôi thầm nghĩ thế
Và thầy tôi cũng nhìn rất tò mò.

118 Sự cẩn trọng thật đã cần như thế
Cạnh những người không chỉ thấy hành vi
Mà còn nhìn thấu cả tâm tư nữa.

121 “Lát nữa – thầy nói – rồi sẽ nổi lên
Cái ta đang chờ và con đang đợi
Nó sẽ hiện ra và con sẽ nhìn”.

124 Trước sự thật có vẻ như giả dối
Buộc người ta lo giữ miệng giữ mồm
Vì sẽ xấu hổ cho dù vô tội.

127 Nhưng ở đây tôi không thể lặng im
Tôi xin thề bằng thơ cùng bạn đọc
Và mong thơ sống mãi với tháng năm.

130 Và tôi nhìn thấy từ sâu đáy vực
Về phía chúng tôi một kẻ đang bơi
Vẻ kỳ lạ, dù với người tim sắt.

133 Nó trở lại và như muốn nhô cao
Sau khi lặn xuống gỡ ra một cái
Vướng vào đá hay gì đó mắc vào.

136 Rồi vươn mình và thu hai chân lại.


Chú thích:

KHÚC XVI

21. Cả ba người quây lại đi vòng tròn: bởi vì họ không được phép đứng yên một chỗ.
37. Gualdrada: vợ của Guido il Vecchio dei conti Guidi, nổi tiếng là tấm gương về đạo đức gia đình và sự liêm khiết, trung thực.
38. Guido Guerra: một trong những thủ lĩnh của phe Guelfi, dũng cảm chống lại phe Ghibellini.
41. Tegghiaio Aldobrandi: hiệp sĩ dũng cảm và khôn ngoan được người đời ca ngợi nhiều.
44. Jacopo Rusticucci: các nhà chú thích không biết được bà vợ của ông này dữ dằn như thế nào.
63. Xuống tận trung tâm: tức là xuống đến đáy Địa ngục.
70. Guglielmo Borsiere: một nhân vật trong triều đình, nổi tiếng là một con người phóng khoáng và độ lượng, chuyên tác thành việc hôn thú.
95. Monte Viso (Mount Visco): đỉnh cao nhất của dãy núi Alpi Cozie, nơi phát nguồn của sông Pô.
96. Apennino (Apennines): dãy trường sơn như là xương sống của bán đảo Italia.
97. Acquacheta: tên một trong ba cái thác lớn ở đầu nguồn tạo nên sông Motone, đến Forli thì mang tên Motone.
101. San Benedetto: tu viện nằm trên sườn núi Apennino, phía trên Forli. Có một câu thành ngữ: “Tu viện giàu có này chứa được cả ngàn tu sĩ hay ăn mày nhưng chỉ có một ít người được sử dụng thu nhập của nó”.
106. Quanh mình tôi luôn có dây thừng nhỏ: các nhà chú giải đã suy đoán nhiều về ý nghĩa tượng trưng của dây thừng này nhưng chưa thống nhất. Một số này coi nó là biểu tượng của sự gian xảo mà nhờ nó Dante có thể bắt con cáo, nghĩa là để quyến rũ phụ nữ (con cáo – dục vọng). Một số khác, ngược lại – cho rằng đấy là biểu tượng của sự kiềm chế mà Dante muốn bắt con cáo nghĩa là muốn kiềm chế dục vọng của mình.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 12:13:34

 
 
KHÚC XVII

Tầng Địa ngục thứ bảy, ngục thứ ba (kết thúc) – quái vật Giêriôn, những kẻ cho vay nặng lãi

“Con quái vật có cái đuôi sắc nhọn
Xuyên qua núi, húc đổ cả tường thành
Đã làm ô uế nhiều khu đất rộng”.

4 Thầy hướng dẫn nói như thế với tôi
Rồi ra hiệu cho nó đi gần lại
Con đường đá chúng tôi vừa đi qua.

7 Hình ảnh ghê tởm của sự gian xảo
Bơi đến gác đầu và thân lên bờ
Nhưng cái đuôi lên mình không thể kéo.

10 Nó có bộ mặt của người đàng hoàng
Có đường nét trang nghiêm và niềm nở
Nhưng phần còn lại là rắn hổ mang.

13 Nó có hai bàn chân đầy lông lá
Trên lưng, trên ngực và hai bên sườn
Là những cục, những u tròn loang lổ.

16 Cả người Thổ, Tác-ta cũng không làm
Những tấm vải có nhiều màu đến thế
Hay nàng Aranhê dệt những chiếc khăn.

19 Như con thuyền trên bến đang nằm nghỉ
Một nửa dưới nước, một nửa trên bờ
Như nơi bọn Phổ tham lam cư ngụ.

22 Giống như hải ly săn cá đang rình
Con quái vật này cũng ngồi như thế
Trên mép bờ đá có cát bao quanh.

25 Đuôi của nó quất trong bầu không khí
Chỉa lên cao cái mút nọc độc đầy
Giống như cái đuôi của con bọ cạp.

28 Thầy hướng dẫn nói: “Bây giờ ta cần
Đi vòng một chút, tới gần con vật
Con vật xấu xa trên đá đang nằm”.

31 Và chúng tôi xuống theo sườn bên phải
Mười bước chân chúng tôi đến mép bờ
Để tránh cát nóng và tàn lửa cháy.

34 Khi đến gần, tôi nhìn thấy xa xa
Có một đám đông ngồi trên mép vực
Họ ngồi gần nơi lửa cháy, bụi mù.

37 Thầy hướng dẫn bảo: “Để con có thể
Hiểu biết đầy đủ về tầng ngục này
Hãy đến để xem cực hình của họ.

40 Nhưng ở đó chỉ nên nói ngắn thôi
Trong lúc chờ ta đi nhờ quái vật
Để nó chở ta trên những bờ vai”.

43 Một lần nữa, tôi một mình đơn độc
Mép tầng thứ bảy, tôi đi đến gần
Một đám đông đang ngồi trong u uất.

46 Gương mặt họ hiện lên vẻ đau thương
Thỉnh thoảng họ lại đưa tay chống đỡ
Khi với cát nóng, khi với lửa tàn.

49 Không khác gì trong mùa hè, con chó
Dùng mõm, dùng chân để bảo vệ mình
Khỏi bị rận hay ruồi trâu cắn xé.

52 Lúc tôi đã nhìn kỹ mặt vài người
Trong số đang chịu cơn mưa lửa đó
Không nhận ra một ai, nhưng mà tôi

55 Thấy ở cổ mỗi người đeo một túi
Chứa đầy tiền, có màu sắc, in hình
Và mắt của họ hình như chỉ cúi.

58 Khi đã đến giữa bọn họ, tôi nhìn
Một mảnh xanh da trời trên cái túi
Có màu vàng, con sư tử ánh lên.

61 Rồi tôi tiếp tục nhìn sang túi nữa
Màu đỏ như máu, đầy vẻ đau thương
Có con ngỗng trắng, trắng như là sữa.

64 Hình con lợn có màu xanh da trời
Trên túi trắng, của một người khác nữa
Nó hỏi tôi: “Anh làm gì ở đây?

67 Đi khỏi đây! Hình như anh còn sống
Cần biết rằng bạn Vitalianô của tôi
Phía bên trái tôi, chỗ này sẽ chiếm.

70 Giữa cánh Phirenxe, tôi là dân Pađu
Tôi điếc tai vì những lời thô tục
Khi họ gào lên: “Nhà vua ở đâu?

73 Vua mang túi, hình ba con dê đực?”
Nói xong xéo miệng, thè lưỡi ra ngoài
Trông giống như con bò đang liếm mép.

76 Còn tôi sợ làm phật ý thầy tôi
Vì thầy dặn đừng dừng chân lâu quá
Tôi bỏ những hồn mệt mỏi, rã rời.

79 Tôi quay về thì thầy tôi đã kịp
Trèo lên lưng của con quái vật kia
Thầy bảo tôi: “Hãy kiên cường, gan góc!

82 Chúng ta sẽ đi bằng cái thang này
Ta phía sau, con ngồi lên phía trước
Để đuôi của nó không làm con đau”.

85 Như một người bị nhiễm cơn sốt rét
Móng tay bạc, nghe cơn lạnh đầu tiên
Toàn thân run rẩy khi nhìn bóng mát.

88 Tôi luống cuống khi nghe những lời trên
Nhưng như người hầu bên ông chủ tốt
Sự xấu hổ làm cho tôi hết run.

91 Tôi đành ngồi lên cái lưng gớm ghiếc
Muốn thốt lên: “Xin thầy ôm lấy con” –
Nhưng chẳng thốt lên lời, tôi im bặt.

94 Người thầy đã từng nhiều lần cứu tôi
Dù không nói, thầy hiểu rằng tôi sợ
Đã vòng tay ôm và giữ lấy tôi.

97 Bây giờ đi đi, Giêriôn – thầy nói –
Vòng bay rộng và hạ xuống từ từ
Ngươi đừng quên rằng chở khối nặng mới”.

100 Giống như một chiếc thuyền khi rời bến
Lùi lại phía sau khi nhổ neo xong
Rồi khi cảm thấy không còn bị vướng

103 Căng ngực bơi đi như con cá chình
Nó cuốn đuôi lại, thu về giữa ngực
Dùng hai chân kéo không khí về mình.

106 Không nỗi sợ nào lớn hơn nhường ấy
Cả khi Phêtôngtê buông lỏng dây cương
Khiến trời bốc cháy, như ta đã thấy.

109 Hay chàng Icarô cảm thấy đau thương
Thấy sáp chảy tan và lông rụng xuống
Nghe tiếng người cha kêu thét: “Sai đường!”

112 Còn nỗi sợ của tôi, khi trước mặt
Là cả một bầu không khí tối đen
Không nhìn thấy gì, ngoài con quái vật.

115 Nó bơi đi, rồi chậm dần, chậm dần
Lượn một vòng tròn và dần hạ thấp
Tôi chỉ nhận ra nhờ gió thổi lên.

118 Khi đó bên phải tôi nghe thác nước
Réo ầm ầm ở phía dưới chúng tôi
Tôi hơi cúi đầu và nhìn xuống thấp.

121 Lúc bấy giờ tôi thấy còn sợ hơn
Nhìn đống lửa và nghe lời than khóc
Tôi khép chặt đùi và lẩy bẩy run.

124 Chỉ ở đây, lần đầu tôi thấy được
Khi vòng lượn đang hạ xuống dần dần
Khắp bốn phía những đớn đau tang tóc.

127 Như chim ưng bay lượn đã quá lâu
Nhưng rồi chẳng thấy con mồi nào cả
Khiến chủ săn phải bảo: “Thôi xuống nào!”

130 Nó cúi mình nơi bay lên, mệt mỏi
Sau hàng trăm vòng lượn, nó ghé vào
Nhưng tránh xa ông chủ đang bực bội.

133 Đặt chúng tôi xuống đáy, Giêriôn
Đứng ở bên chân một vách đá dốc
Và, khi hai chúng tôi vừa xuống xong

136 Nó bay đi như mũi tên mất hút.


Chú thích:

KHÚC XVII

1 – 27. Quái vật Gerion: theo thần thoại Hy Lạp là quái vật khổng lồ có ba đầu, ba thân, vua của một đảo trong vùng biển tây, nuôi đàn gia súc của nó bằng thịt người, về sau bị Hercules giết chết
16. Thời Dante, người Tácta và người Thổ nổi tiếng là những thợ dệt vải giỏi nhất.
18. Aragne (Arachne): cô thợ dệt nổi tiếng xứ Lydia, dám thách tài nghệ với nữ thần Minevra, bị nữ thần biến thành con nhện.
35. Một đám đông ngồi trên mép vực: những kẻ cho vay nặng lãi.
55. Những kẻ cho vay nặng lãi đeo túi tiền ở cổ có in biểu tượng.
68. Vitaliano del Delte: tổng trấn Padova.
72. Đây là Giovanni di Buiamonte dei Becchi, là một kẻ cho vay nặng lãi khét tiếng.
107. Fetonte (Phaethon): con trai của thần Apollo, khi điều khiển xe mặt trời đã gây ra đám cháy.
109. Icaro (Icarus): con trai của Dedalo, được cha làm cho đôi cánh chim đính bằng sáp vào hai cánh tay. Icaro bay lên quá cao, gần mặt trời nên sáp chảy tan và bị rơi xuống biển.


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 12:17:08

 
 
KHÚC XVIII

Tầng Địa ngục thứ tám, ngục thứ nhất, hai – Bọn ma cô, xu nịnh

Địa ngục có nơi gọi Hố sầu thương
Tất cả bằng đá, một màu sắt xám
Trông giống như những núi đá vòng quanh.

4 Đứng ở giữa khu đất này nguyền rủa
Có một cái giếng rất rộng và sâu
Khi đến gần tôi sẽ xin nói rõ.

7 Phần bao quanh còn lại cũng tròn vo
Nằm ở giữa giếng và một vách đá
Mười hố riêng biệt đáy giếng chia ra.

10 Người ta có thể nhìn ra hố đá
Bảo vệ lâu đài có những bức tường
Khung cảnh nói chung là như vậy đó.

13 Các hố ở đây khung cảnh tạo thành
Từ các pháo đài những cây cầu nhỏ
Nối liền các cửa với bờ xa xăm.

16 Những thanh đá vươn ra từ vách đứng
Cắt ngang đường ngăn và các hố sâu
Và rồi dừng lại ở bên mép giếng.

19 Sau khi xuống khỏi lưng Giêriôn
Đó là nơi chúng tôi đang đứng lại
Thầy đi mé trái, tôi sát bước chân.

22 Ở bên phải thấy cảnh đau thương mới
Và rất mới mẻ cả những cực hình
Hố thứ nhất chứa đầy ắp tội lỗi.

25 Ở đó hai hàng tội phạm trần truồng
Từ giữa hố, gần chúng tôi tiến lại
Mé ngoài, cùng chúng tôi nhưng đi nhanh.

28 Giống như người La Mã năm Đại xá
Đã dùng cách ấy để đám người đông
Lần lượt qua cầu, chia làm hai ngả.

31 Theo một ngả, người đi về nhà thờ
Quay mặt về phía lâu đài tất cả
Còn người đi về phía núi, ngả kia.

34 Nơi nọ, nơi này, trên những mỏm đá
Tôi thấy một bọn quỉ sứ có sừng
Dùng roi quất những phạm nhân đau khổ.

37 Chúng buộc họ phải rảo bước đi nhanh
Từ roi đầu. Không một ai chờ đợi
Roi thứ hai, roi thứ ba không cần!

40 Trong lúc đang đi, mắt tôi gặp phải
Một người trong số người đó và tôi
Kêu lên: “Người này thì tôi đã thấy!”

43 Tôi dừng lại và nhìn kỹ anh ta
Người hướng dẫn nhân từ cùng đứng lại
Cho phép tôi một vài bước lui ra.

46 Tưởng có thể giấu mình – người bị nhận
Cúi gằm mặt xuống nhưng thật khó khăn
Và tôi nói: “Hỡi người đang nhìn xuống

49 Nếu dung mạo anh không lừa dối tôi
Anh là Vênôđicô Cácxianêmicô chứ
Nhưng vì điều gì mà anh đến đây?”

52 “Ta trả lời, mặc dù bất đắc dĩ
Chính giọng nói ngươi đã sai khiến ta
Làm ta nhớ lại trần gian xưa cũ.

55 Ta là kẻ đã khuyên Ghixôlabenla
Chiều theo dục vọng của tên hầu tước
Dù chuyện này thật nhục nhã, ê chề!

58 Ở đây không chỉ mình ta than khóc
Mà nhiều người bằng tiếng Bôlônha
Những kẻ luôn miệng “xi-pa” khó nhọc.

61 Cũng chẳng nhiều người Rênô, Xavêna
Nếu ngươi muốn thẩm tra, tìm chứng cứ
Thì xin nhớ thói hám lợi của ta”.

64 Trong khi hắn nói thì một quỉ sứ
Quất roi hắn và quát: “Đồ ma cô
Ở đây không có đàn bà đâu nhé!”

67 Và tôi trở lại cùng với nhà thơ
Đi quá vài bước, chúng tôi tới chỗ
Có hòn đá nhô ra khỏi mép bờ.

70 Chúng tôi trèo lên có phần dễ dãi
Rồi rẽ sang phải, đi trên đỉnh đầu
Và từ giã vòng khổ đau mãi mãi.

73 Tới chỗ tảng đá bị đào xuyên qua
Để có lối đi cho người phạm tội
Thầy tôi bảo: “Dừng cho họ đi qua

76 Để những kẻ xấu số kia nhìn thấy
Mà con cũng nhìn thấy mặt người ta
Bởi vì họ đi cùng chiều ta vậy”.

79 Trên cầu cũ chúng tôi nhìn đoàn người
Hướng về chúng tôi từ xa tiến lại
Họ bị quất tới tấp những ngọn roi.

82 Người thầy tốt bụng, dù tôi không hỏi
Bảo: “Hãy nhìn người cao lớn đang đi
Không rơi nước mắt, dù lòng đau nhói.

85 Vẫn còn giữ được phong thái đế vương
Đó là Iaxông, kẻ đã bằng dũng trí
Đoạt của người Cônki bộ lông cừu vàng.

88 Đảo Lennô từng in dấu chân ông
Nơi mà bọn đàn bà không thương xót
Đã giết chết tất cả cánh đàn ông.

91 Bằng lời mỹ miều và lời thề thốt
Ông đã lừa dối nàng Ixiphilê
Chính nàng trước đó đã lừa kẻ khác.

94 Rồi ông bỏ rơi nàng khi mang thai
Tội ác ấy buộc ông ta chịu phạt
Và nàng Mêđêa cũng được báo thù.

97 Cùng với ông ta là lũ lừa dối.
Vậy là con đã biết ở hố này
Còn những kẻ khác, không cần thiết vậy”.

100 Rồi chúng tôi tới một chỗ cheo leo
Cắt ngang bờ đê một con đường hẹp
Dùng làm chỗ dựa cho vòng tiếp theo.

103 Chúng tôi nghe một bọn đang rên rỉ
Trong một hố khác và chúng rống lên
Những bàn tay lên thân mình cấu xé.

106 Bờ hố mốc meo những cục trùm lên
Hơi nước từ dưới bốc lên, tụ lại
Làm ngạt mắt, ngạt mũi những âm hồn.

109 Đáy hố tối om chẳng nhìn thấy rõ
Nếu không trèo lên đỉnh của vòm cung
Ra xa hơn, chỗ chìa ra mỏm đá.

112 Chúng tôi tới đó và tôi đứng nhìn
Dưới đáy hố, đám đông trong phân ngập
Có vẻ lấy ra từ những hố phân.

115 Tôi đảo mắt lục tìm trong hố ấy
Thấy một cái đầu bê bết toàn phân
Thế tục hay thầy tu, không nhận nổi.

118 Hắn hỏi tôi: “Sao anh cứ chằm chằm
Nhìn vào tôi nhiều hơn nhìn kẻ khác?”
Tôi trả lời: “Nếu như ta không lầm

121 Thì ngươi xưa kia sáng khô đầu tóc
Ngươi là Alétxiô Intécminây ở Lúcca
Vì thế, ta nhìn kỹ hơn kẻ khác”.

124 Hắn ta liền đánh mái tóc bù xù:
“Những lời nịnh hót lưỡi tôi từng nói
Đã nhấn chìm tôi ở chốn ngục tù”.

127 Lúc đó thầy nói với tôi: “Hãy gắng
Đưa mắt nhìn ra một chút xa hơn
Và con thấy, kìa – không xa lắm

130 Cái con bẩn thỉu, đầu tóc rối tung
Ở đằng kia đang cấu mình bằng móng
Khi ngồi thụp xuống, khi lại đứng lên.

133 Là điếm Taidê đáp người tình nó
Khi anh ta hỏi: “Có bằng lòng không?”
Nó trả lời: “Vâng, anh tuyệt quá!”

136 Nhưng con mắt ta chuyện ấy đã nhàm”.


Chú thích:

KHÚC XVIII

1. Hố thảm sầu (Malebolge, Evil-Pockets): tầng Địa ngục thứ tám.
25 – 27. Ở đó hai hàng tội phạm trần truồng: hai hàng tội phạm này đi ngược chiều nhau, đây là những kẻ môi giới phụ nữ cho người khác và quyến rũ phụ nữ cho mình. Hàng từ giữa hố gần hai nhà thơ tiến lại gồm những kẻ môi giới, gạ gẫm phụ nữ để cho người khác (câu 40 – 66). Hàng ở mé ngoài đi cùng chiều hai nhà thơ nhưng “đi nhanh hơn” vì họ bị quỷ sứ quất roi tới tấp, đây là những kẻ lừa dối, quyến rũ phụ nữ cho mình (câu 79 – 99). Ta thấy Dante coi tội lừa dối phụ nữ là tội trọng rất nặng, bị giam ở tầng ngục gần cuối cùng.
28. Năm Đại xá: năm 1300 Giáo hoàng Bonifazio VIII tuyên bố đại xá cho tất cả những ai viếng thăm nhà thờ và dự lễ cầu nguyện do đó Rôma đông nghẹt giáo dân và khách hành hương. Để cho giao thông được thông suốt, người ta chia cầu Thánh Angelo thành hai làn đường dành cho hai dòng người đi ngược chiều nhau.
50 – 56. Venedico Caccianemico: cố vấn chính trị cho hầu tước Obizzo d’ Este, đã dụ dỗ em gái của mình là Ghisolabella làm người tình của viên hầu tước.
60. Tiếng địa phương của Bologna: sipa có nghĩa là vâng.
61. Savena, Reno: tên hai con sông phía đông và phía tây thành phố Bologna.
83 – 96. Iason (Jason): Theo thần thoại Hy Lạp, ở xứ Colchide (Colchis) có một con cừu đực có cánh, có bộ lông vàng tuyệt đẹp và do một con rồng canh giữ. Iason cầm đầu những người Argonauti với sự giúp đỡ của nàng Medea đã đoạt được báu vật này. Đảo Lenno là nơi mà đoàn quân của Iason đi qua khi những người đàn bà trên đảo đã giết hết tất cả đàn ông, bất kể là cha, chồng, anh, em hay con trai họ. Nguyên nhân là nữ thần Venere (Vệ nữ) ghét thói hung hãn của đàn bà trên đảo, đã gây hoạ cho họ bằng cách làm cho đàn ông ở đây có mùi rất khó chịu, dẫn đến cuộc tàn sát nói trên. Riêng có nàng Isifile, con gái của vua Toante đã cứu cha mình thoát chết bằng cách lừa các bạn gái là đã giết cha mình. Iason quyến rũ Isifile nhưng rồi bỏ rơi nàng lúc nàng đang mang thai để đi yêu Medea. Sau đấy, cả Medea cũng bị Iason phụ bạc, khi Iason đã đi yêu một người khác nữa. Medea đã báo thù bằng cách giết chết hai đứa con nhỏ trước mặt Iason.
113. Đám đông trong phân ngập: những kẻ xu nịnh.
122. Alessio Interminei: thành viên của một gia đình quí tộc ở Lucca.
133. Taide (Thais): một nhânvật trong vở kịch Eunuchus của Terenzio mà Dante dẫn lại qua tác phẩm De amicitia của Cicerone.


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 12:20:13

 
 
KHÚC XIX

Tầng Địa ngục thứ tám, ngục thứ ba – Bọn buôn thần bán thánh

Hỡi thầy pháp Ximông, hỡi lũ khốn cùng
Sự nghiệp của Chúa chỉ vì thánh thiện
Còn lũ chúng bay, một bọn gian manh.

4 Lũ chúng bay chỉ tham vàng khát bạc
Ngục thứ ba dành cho bọn chúng bay
Và giờ đây tiếng kèn đồng đã cất!

7 Chúng tôi đến một ngôi mộ tiếp theo
Đứng ở phía bên này, trên mỏm đá
Nhô ra đến giữa miệng hố, như cầu.

10 Ôi, trí tuệ tối cao, tài năng cao cả
Dù trên trời hay âm phủ, trần gian
Công lý của Người thi hành đầy đủ.

13 Tôi nhìn thấy trên mặt hố, trên tường
Mặt đá xám xanh, có rất nhiều lỗ
Rộng như nhau và tất cả hình tròn.

16 Qua mắt nhìn, chúng hoàn toàn có vẻ
Như vẻ đẹp trong nhà thờ Thánh Giăng
Nơi người ta rửa tội trong ngày lễ.

19 Tôi phá một lỗ cách đây không lâu
Vì để kéo ra một người chết đuối
Mong mọi người sẽ hiểu những lời sau.

22 Đôi bàn chân thòi ra từ miệng hố
Còn bắp chân kẻ lầm lỗi bên trong
Và thân xác thì đi vào trong đá.

25 Trên những bàn chân lửa cháy bừng bừng
Gân cốt khớp xương điên cuồng giãy giụa
Tưởng thừng chảo nào cũng sẽ đứt tung.

28 Giống như một vật tẩm dầu thắp lửa
Rồi cháy loang khắp bề mặt bên ngoài
Từ gót chân đến ngón chân cháy cả.

31 Tôi nói: “Thưa thầy, kẻ này là ai
Mà co quắp, giãy giụa hơn đồng bọn
Và lửa thiêu cũng gay gắt hơn nhiều?”

34 Thầy đáp: “Nếu muốn, ta đưa con xuống
Theo một bờ dốc thoai thoải đằng bên
Nó sẽ tự mình nói về tội trạng”.

37 Tôi đáp: “Thầy muốn thì con cũng mong
Thầy biết tất cả, dù con im lặng
Thầy là Tôn sư – chẳng gì quí bằng”.

40 Chúng tôi bước lên đường đê thứ bốn
Rẽ sang bên trái và rồi bước vào
Đáy hố hẹp có lỗ đào lổn nhổn.

43 Người thầy tốt bụng luôn đi sát bên
Không rời tôi, và thầy dắt tôi đến
Nơi một hồn khóc vì bị trói chân.

46 “Hãy cho tôi hay, âm hồn than khóc
Hồn là ai, chân chổng ngược lên trời
Đầu cắm xuống đất như là cái cọc?”

49 Tôi đứng đó, như Đức cha nghe xưng
Tội của một tên sát nhân nguy hiểm
Cố hỏi hắn cho chậm giờ hành hình.

52 Hắn quát to: “Mày đã tới rồi hả
Mày tới rồi hả, Bôniphaxiô?
Đã lừa tao nhiều năm qua “Sấm ký”.

55 Sao mày đã vội sớm chán bạc vàng
Vì vàng mày chẳng sợ thành phản bội
Chống lại nhà thờ, xúc phạm thánh nhân”.

58 Tôi chẳng hiểu gì những lời hắn nói
Giống như một người lãng trí, bẽ bàng
Còn nó cũng không hiểu gì, bối rối.

61 Viếcghiliô liền bảo: “Trả lời nó, con –
“Tôi không phải là người anh lầm tưởng”
Và tôi trả lời như thầy gợi lên.

64 Bấy giờ hồn càng vặn chân dữ dội
Rồi vừa não nuột nói, vừa thở dài:
“Vậy vì điều gì mà ngươi đã gọi?

67 Ngươi muốn biết ta đây là ai chăng
Vì mục đích ấy mà đi vào Ngục
Thì hãy biết: ta từng là Giáo hoàng.

70 Ta đúng là dòng dõi họ nhà Gấu
Quá tham lam tiền cho lũ gấu con
Nên gom bạc vàng nhét đầy cả túi.

73 Dưới đầu ta hãy còn rất nhiều tên
Đi trước ta trong buôn thần bán thánh
Bị nhét trong từng kẽ đá những hồn.

76 Rồi cả ta cũng sẽ rơi xuống đó
Khi kẻ ta lầm với ngươi đến đây
Câu hỏi mà ta hỏi ngươi, sớm quá!

79 Lâu lắm rồi ta bị đốt đôi chân
Lâu lắm rồi bị người ta chôn ngược
Tên sắp đến sẽ không còn bị chôn.

82 Vì sau hắn, từ phía tây sẽ tới
Kẻ chăn chiên vô đạo, lạc loài hơn
Tội của hắn bằng hai ta gộp lại.

85 Nó sẽ là tên Ixaông mới hơn
Nó nói gì vua cũng nghe theo nó
Nước Pháp sẽ trao cho nó ngai vàng”.

88 Tôi nghĩ rằng có phần nào dại dột
Khi đáp lại hắn với lời lẽ sau:
“Hãy cho ta biết bao nhiêu châu ngọc

91 Đức Chúa Trời đòi hỏi Thánh Piêtờrô
Trước khi trao chiếc chìa khoá quyền lực?
Người chỉ nói rằng: “Hãy đi theo ta”.

94 Thánh Pie và người khác không nhận
Từ Matia thứ gì, khi người này
Được chỉ định chỗ lúc này đã trống.

97 Hãy ở yên đấy mà chịu phạt đi
Hãy giữ chặt đồng tiền không đáng giữ
Đã từng khiến ngươi chống lại Cáclô.

100 Và nếu không có điều gì ngăn cản
Do sùng kính những chìa khóa thánh thần
Ngươi từng giữ trong quãng đời sung sướng

103 Thì ta còn dùng lời lẽ nặng hơn
Keo kiệt của ngươi làm đau thế giới
Kích động kẻ ác, áp bức người lành.

106 Các ngươi, những kẻ Thánh Giăng hướng tới
Thấy mụ đàn bà ngự trị trên cao
Và hủ hoá tất cả đám vua chúa.

109 Khi nó sinh ra có bảy cái đầu
Và mười cái sừng phát ra sức mạnh
Chừng nào chồng nó đức hạnh còn cao.

112 Vàng và bạc với các ngươi – thần thánh
Tên sùng thần tượng, nào có khác gì
Nó thờ một, còn các ngươi – trăm thánh.

115 Hỡi Cốtxtăngtanh, tội lỗi cả thế gian
Không phải chuyện cải đạo mà đút lót
Ngươi là Giáo hoàng giàu có đầu tiên!”

118 Khi bài ca này tôi ca cho nó
Không hiểu giận hay cắn rứt lương tâm
Đôi chân hắn không nằm yên tại chỗ.

121 Thầy nhìn tôi với nụ cười hài lòng
Và thích thú với những điều sự thật
Của những lời tôi vừa nói ở trên.

124 Rồi giơ hai cánh tay ra ôm chặt
Tất cả thân tôi áp vào ngực thầy
Và thầy trở lại với con đường thấp.

127 Người đưa tôi lên tận đỉnh vòng cung
Không biết mệt, thầy ôm tôi thật chặt
Đi trên đê nối ngục bốn sang năm.

130 Và tại đó rất nhẹ nhàng, thầy đặt
Tôi trên mỏm đá dốc đứng, gồ ghề
Ngay cả dê rừng cũng không thể vượt.

133 Một thung lũng khác trước mắt mở ra.


Chú thích:

KHÚC XIX

1. Simon: một thầy pháp xứ Samria. Truyền thuyết kể rằng Simon đã dùng tiền để gạ mua phép thần thông của hai thánh tông đồ Pietro và Giovanni. Từ đó mà có danh từ simonia chỉ những kẻ buôn thần bán thánh để trục lợi.
6. Tiếng kèn: của ngày Phán xử cuối cùng.
17. Nhà thờ Thánh Giovanni (Thánh Giăng). Trong Thần khúc có nói nhiều đến hai Thánh Giăng. Một người là Giăng Báptít – nhà tiên tri Do Thái. Sống khổ hạnh trong sa mạc, tập hợp môn đệ và giảng đạo về sự hoán cải nội tâm. Ông rửa tội bằng cách đắm mình xuống sông Giô-đanh (Gioóc-đa-ni). Chúa Giê-su được ông làm lễ rửa tội ở đây (Tân Ước_Mác 1: 9).
Một người nữa là Thánh Giăng (Thánh tông đồ) – môn đệ của Đức Chúa Giê-su, người được coi là tác giả của Kinh Phúc âm IV, sách Khải Huyền và ba lá thư trong Tân Ước (xem thêm khúc XII, 143 và câu 106 của khúc này).
31. Đây là Giáo hoàng Niccolo III, được bầu làm Giáo hoàng từ 1277 đến 1280.
49 – 51. Thời trung cổ ở Italia người ta trừng phạt những kẻ giết người bằng cách chôn đầu xuống đất, chân chổng ngược lên trời. Dante đứng như Đức cha nghe tên tội phạm xưng tội cố để cho chậm lại giờ hành hình.
52 – 54. Niccolo III lầm Dante là Giáo hoàng Bonifazio đã đến thế chân mình nên kêu là đã bị sách Sấm ký đánh lừa.
71. Ta đúng là dòng dõi họ nhà Gấu: nguyên tác tiếng Italia orsa, nghĩa là gấu cái (she-bear). Theo quan niệm thời trung cổ thì gấu là con vật tham lam, hám mồi.
79. Lâu lắm rồi… : Niccolo III chết năm 1280 và đến năm 1303 thì Bonifazio mới đến thay thế, như vậy hơn 20 bị chôn ngược và đôi chân bị đốt.
83. Kẻ chăn chiên vô đạo: chỉ Giáo hoàng Clemente V.
85. Iason (Jason): con trai của Simone II đã hối lộ vua Antioco IV (Antiochus of Syria) một số tiền lớn để được phong làm Đại giám mục của người Do Thái và sau đó sống một cuộc đời phóng đãng. Tên Ixaông mới: là ám chỉ Giáo hoàng Clemente V.
95. Matia (Matthias) được chỉ định thay chỗ Giuda, tên phản bội Chúa Giê-su.
106. Thánh Giovanni (Thánh Giăng) trong sách Khải Huyền (Apocalisse) có nói đến một người đàn bà vô đạo đã hủ hoá tất cả các vua chúa. Người này cưỡi trên một con vật có bảy đầu, mười sừng.
115. Costantin: Dante tin rằng quyền lực Giáo hoàng bắt đầu mạnh lên từ khi Hoàng đế Constantin dời kinh đô Đế chế sang Byzance và “tặng” Roma cho Giáo hoàng Silvestro (Sylvester).


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 12:22:49

 
 
KHÚC XX

Tầng Địa ngục thứ tám, nhục thứ tư – Những thầy bói

Hình phạt mới mà tôi kể giờ đây
Khúc hai mươi của bài ca thứ nhất
Về những ai bị khốn khổ đọa đầy.

4 Tôi đã cố để sao cho hết sức
Nhìn xuống hố mở ra trước mặt tôi
Chao ôi sợ hãi, đầm đìa nước mắt.

7 Tôi thấy men theo một đường vòng tròn
Đám đông vừa đi vừa khóc lẳng lặng
Như trên trần vừa đi vừa đọc kinh.

10 Khi tầm mắt của tôi nhìn hạ xuống
Mỗi người hiện ra một vẻ lạ kỳ
Ở cái nơi mà cằm xoay ngược hẳn.

13 Và mặt bị vặn ngược lại sau lưng
Nên bàn chân họ phải đi giật ngược
Ra phía trước con mắt chẳng thể nhìn.

16 Có thể là vì mắc bệnh bại liệt
Nên thân hình bị vặn như thế chăng
Tôi không biết, không thể nào tin được.

19 Hỡi bạn đọc, nếu Chúa cho phép tôi
Bài học cho bạn, những gì đọc được
Và hiểu tại sao ướt đôi mắt này.

22 Vì họ bị vặn ngược, nên nước mắt
Chảy xuống đầm đìa từ thận đến mông
Tôi đứng gần, đưa tay chùi lên mắt.

25 Tôi tựa vào cột đá của bãi ngầm
Khóc rất nhiều, đến nỗi, thầy tôi bảo:
“Chẳng lẽ con cũng là một kẻ điên?

28 Ở đây chỉ sống lòng thương đã chết
Vì còn ai lầm lỗi hơn cái người
Lại nức nở khi Chúa đà phán xét?

31 Hãy ngẩng đầu lên mà nhìn cái kẻ
Đất nuốt vào trước mắt người Têban
Khiến tất cả kêu: “Anh rơi đâu thế?

34 Hỡi Amfiraốt, sao lại bỏ mình?”
Nhưng anh ta không ngừng lăn xuống vực
Một khi Minốt còn chưa kịp ngăn.

37 Hãy nhìn kia, nay lưng nó thành ngược
Vì nó muốn nhìn về trước quá xa
Nên phải nhìn về phía sau, đi ngược.

40 Hãy nhìn Têrêxia thay dạng đổi hình
Từ nam giới đã biến thành nữ giới
Và đã đổi thay tất cả tay chân.

43 Chỉ lần sau dùng cây gậy đánh lại
Hai con rắn đang quấn quít lấy nhau
Thì lấy lại được hình hài nam giới.

46 Arôngta theo sau, tựa vào bụng ông
Nơi trên dãy Luni, núi cao vòi vọi
Mà dân Cararêđê cày cuốc vẫn lên.

49 Sống trong hang, giữa đá cẩm thạch trắng
Arôngta tha hồ ngắm trăng sao
Và biển cả nhờ tầm nhìn mở rộng.

52 Có người con gái mái tóc buông dài
Che kín ngực nên con không nhìn thấy
Che cả làn da còn mượt lông tơ.

55 Đó là nàng Mantô qua nhiều xứ sở
Rồi dừng lại nơi ta đã sinh ra
Ta muốn con nghe điều ta sắp kể.

58 Khi cha của nàng từ giã cuộc đời
Thì dân Bacô biến thành nô lệ
Một thời gian dài nàng đi khắp nơi.

61 Ở miền bắc Italia xinh đẹp
Có hồ Bênacô ở tầng cao Tirali
Bên dưới chân núi Anpê ngăn đập.

64 Từ hàng nghìn con suối nhỏ, ta tin
Tưới khắp vùng Gácđa và thung lũng
Camênia, Pennicô nước chảy êm đềm.

67 Người chăn chiên thành Vêrôna ở đó
Và Tơrentô hay Bờrétsia
Ai qua đây, ban phước lành cho họ.

70 Thành Pétkiêra hùng mạnh và xinh
Với người Bờrétsia, Bécgamô gan góc
Nơi bờ hồ vây những cánh đồng xanh.

73 Chính từ đây đã tràn ra lượng nước
Không chứa hết trong hồ Bênacô
Chảy thành sông giữa cánh đồng tươi mát.

76 Dòng nước bắt đầu chảy xuống từ hồ
Gọi là Menxiô và chảy đến
Giôvécnô thì đổ vào sông Pô.

79 Gặp cánh đồng, khi chảy xa một quãng
Lòng sông mở rộng tạo thành đầm lầy
Về mùa hạ đôi khi dòng nước bẩn.

82 Đến nơi này một trinh nữ cô đơn
Giữa đầm lầy, nàng tìm thấy vùng đất
Chưa có người ở, cây cối chưa trồng.

85 Để tránh khỏi giao du với mọi người
Nàng chỉ sống với đám người hầu hạ
Rồi đã bỏ lại thân xác trên đời.

88 Về sau dân chúng quanh vùng tản mát
Tụ tập lại đây vì họ biết rằng
Vùng đất này có đầm lầy bao bọc.

91 Họ lập thành phố trên nắm xương tàn
Đặt tên Mantua, chẳng cần tra số
Để tưởng nhớ người đã đến đầu tiên.

94 Dân cư ở đây xưa kia đông đúc
Nhưng sự dại dột của Caxalôđi
Đã để cho Pinamôngtê lừa lọc.

97 Và khi con nghe ở chốn trần gian
Câu chuyện về quê ta không phải thế
Hãy tin rằng: đó là sự dối gian”.

100 “Thưa thầy, lý lẽ của thầy vững chắc
Con rất tin và giờ đối với con
Lý lẽ khác – là hòn than đã tắt.

103 Nhưng xin thầy hãy nói cho con hay
Trong đám kia, có ai đáng chú ý?
Tâm trí con luôn nghĩ đến điều này”.

106 “Người đàn ông có chòm râu – thầy nói –
Dài từ má xuống đến tận bờ vai
Là thầy bói, cái ngày không thể bói

109 Ra đàn ông, mà chỉ bé trong nôi
Ở Anliđô, cùng Canăngta, ra hiệu
Chặt đứt những sợi dây neo thuyền đầu.

112 Ông là Ơripilô, ta đã ca ngợi ông
Trong bộ bi kịch của ta có nhắc
Con biết chưa? Chắc là đã tỏ tường.

115 Còn người kia, có bộ sườn gầy guộc
Là Mikenlê Xítcốttô, tinh thông
Hết tất cả mọi trò gian ma thuật.

118 Đây Guyđô Bônátti, đây Átđenđê
Chỉ mong biết đến da và kim chỉ
Nhưng than ôi, hối hận đã muộn rồi.

121 Và kia là đám đàn bà bất hạnh
Bỏ khung cửi để bói toán hành nghề
Tạo bùa yểm, cỏ cây và tranh tượng.

124 Nhưng mà thôi, giờ đã chạm đến bờ
Hai bán cầu, Cainô đầu gai tỏa sáng
Chạm tới biển ở dưới Xôbilia.

127 Đêm hôm qua trăng đã tròn vành vạnh
Con nhớ không, vì đã hơn một lần
Trăng đã giúp con ở nơi rừng rậm”.

130 Thầy nói vậy cùng tôi, và bước chân.

Chú thích:

KHÚC XX

2. Bài ca thứ nhất: chỉ phần Địa ngục của Thần khúc.
34. Amphiraus: theo thần thoại Hy Lạp là một trong bảy vị vua vây thành Tebe, có phép thuật tự chết rồi sống lại nhưng bị vợ phản bội, tiết lộ bí mật đó nên khi đang ngồi trên chiến xa thì có sét lớn, đất mở ra và nuốt chửng vào nơi Minos đang xét xử.
40. Tiresia (Teresias): theo thần thoại Hy Lạp, Tiresias dùng cây gậy của mình đánh vào hai con rắn đang quấn lấy nhau, bị biến thành phụ nữ trong bảy năm, khi dùng gậy đánh lại hai con rắn kia thì được trở về làm đàn ông, sau đó trở thành người trọng tài trong cuộc tranh luận giữa các vị thần (Dớt và Hera): Ai là người nhận được nhiều hơn khoái cảm của tình yêu – đàn ông hay phụ nữ? Khoái cảm của phụ nữ mạnh hơn khoái cảm của đàn ông gấp chín lần – kết luận của Tiresias. Vì điều kết luận này mà nữ thần Hera tức giận, đã làm cho Tiresias trở thành mù nhưng được thần Dớt ban cho một cuộc sống trường thọ (Metamorphores III).
46. Aruns: thầy bói ở Etrusque, sống vào thời Cesare và Pompei, đã đoán trước chiến thắng của Cesera.
52. Có người con gái mái tóc buông dài: tức Manto, con gái của Tiresias, cũng là thầy bói. Sau khi cha chết phải bỏ trốn đi phiêu bạt nhiều nơi, cuối cùng dừng lại ở Mantova (Mantua), quê hương của Virgilio.
62. Benaco: nay là hồ Garda, giữa hồ có đảo Lechi.
95. Casalodi: Alberto da Casalodi, thủ lĩnh phái Guelfi ở Mantova bị Pinamonte de Bonacolsi dùng mẹo đuổi khỏi thành phố năm 1272.
106 – 114. Euripilo (Eurypylus) và Calcanta (Calchas): là những thầy bói người Hy Lạp ở thành phố cảng Aulide (Aulis), đã chỉ dẫn thời khắc thích hợp để xuất phát, mở đầu cuộc chiến Tơroa. Dante gọi là “ông ra hiệu chặt đứt những sợi dây neo thuyền đầu”. Và cái ngày ấy “không thể bói ra đàn ông”, tất cả đàn ông ra trận, chỉ còn “những bé trai đang nằm trong nôi”. Những điều này đã được Virgilio nói đến trong tác phẩm của mình (Aeneid, II, 114, 161-186).
113. Virgilio gọi tác phẩm Eneide (Aeneid) của mình là tragedia vì được viết bằng phong cách quý tộc, còn Dante gọi tác phẩm Thần khúc của mình là commedia vì được viết theo phong cách quen thuộc.
Dante trong “Thư gửi Can Grande della Scala” cũng đã định nghĩa như sau: “Commedia – đó là mọi tác phẩm thơ có bút pháp trung bình với sự mở đầu nặng nề, rùng rợn và kết thúc có hậu. Tragedia – đó là mọi tác phẩm thơ có bút pháp cao sang với sự mở đầu bình tĩnh, thán phục và kết thúc kinh hoàng”. Thuật ngữ commedia thời trung cổ không có nghĩa là thể loại văn học gây cười hay là hài kịch như ngày nay mà để chỉ về cấp độ phong cách. Còn chữ Thần là do người đời sau thêm vào với dụng ý biểu dương giá trị của tác phẩm. Bởi thế La Divina Commedia dịch sang tiếng Việt là Thần khúc vừa ngắn gọn vừa chính xác.
116. Michele Scotto (Michael Scot): người Scotland, nhà thiên văn và là một thuật sĩ nổi tiếng.
118. Guido Bonatti: nhà thiên văn người Forli; Asdente: thợ giầy ở Parma, bỏ nghề đi làm thầy bói.
125. Cainô đầu gai: tức mặt trăng.
 

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 12:24:53

 
 
KHÚC XXI

Tầng Địa ngục thứ tám, ngục thứ năm – Thùng nhựa sôi

Từ cầu sang cầu, nói sang chuyện khác
Mà khúc ca tôi cũng chẳng bận tâm
Chúng tôi đang ở trên vòm cầu dốc.

4 Một hố khác, chúng tôi dừng lại xem
Và nghe những lời thở than vô ích
Cái hố này mới tối tăm lạ thường.

7 Giống như người Vinixiani trong xưởng
Vào cuối mùa đông đun nhựa sửa tàu
Và họ trám những con tàu bị hỏng.

10 Trong thời gian không đi biển, nghỉ ngơi
Người quét thân tàu, kẻ giằm khe hở
Trên những con tàu nhiều chuyến ra khơi.

13 Kẻ chữa đuôi thuyền, người kia sửa mũi
Kẻ vặn dây cáp, người làm mái chèo
Người vá lại buồm – buồm đuôi, buồm mũi.

16 Dưới hố đang sôi một thùng nhựa to
Không do lửa đun mà do phép thuật
Và nhựa dính bê bết xung quanh bờ.

19 Trong thùng nhựa đang sôi, tôi nhìn thấy
Không có gì ngoài những bọt nước sôi
Chúng hết phồng to lên, rồi xẹp lại.

22 Thầy cúi xuống và chăm chú ngó nhìn
Thầy hướng dẫn bảo tôi: “Coi chừng đấy!”
Và đưa tay kéo tôi đứng lại gần.

25 Tôi quay lại, như một người tất tưởi
Muốn thấy cái mà mình cần tránh ra
Nỗi sợ bất thần khiến tôi bối rối.

28 Nhưng muốn xem, nên không thể bỏ đi
Tôi thấy một con quỷ đen xuất hiện
Đang chạy trên cầu, về phía chúng tôi.

31 Ôi, dáng quỷ thật vô cùng khiếp sợ
Tôi rùng mình, vẻ hung dữ biết bao
Cánh giang rộng và bước đi rất nhẹ.

34 Trên đôi vai nhọn của nó vểnh lên
Vác một tội đồ ngang lưng bị gập
Và giữ lấy hắn ở những gân chân.

37 Từ trên cầu nó thét: “Bớ lũ quỷ
Đây lão già của nữ thánh Dita
Đặt nó xuống đáy, ta còn quay lại.

40 Thành phố này bọn lầm lỗi có đầy
Để có tiền chúng đổi “không” thành “có”
Chỉ ngoại trừ Bôngtuarô mà thôi.

43 Nó vứt tội đồ rồi quay trở lại
Theo dốc đứng, chưa có con chó nào
Lại khẩn trương đuổi theo tên trộm vậy.

46 Kẻ bị đun chìm xuống rồi nhô đầu
Nhưng quỷ thét từ vòm cầu che khuất:
“Không cần thánh giá Xan Vôntô đâu!

49 Đây không như ở Xéckiô, bơi khác
Nếu ngươi không muốn nếm vuốt chúng tao
Thì lặn xuống chứ đừng trồi lên mặt”.

52 Rồi hàng trăm móc sắt chúng xỉa vào
“Cứ nhảy múa, nhưng ở nơi che kín
Giỏi thì đi mà gian lận xem nào!”

55 Giống như đầu bếp thường sai phụ việc
Dùng móc dìm những miếng thịt xuống nồi
Để cho chúng khỏi nổi lên mặt nước.

58 “Để người ta khỏi nhận thấy là con
Có mặt ở đây, hãy ngồi xuống thấp
Sau tảng đá, nó sẽ che cho con.

61 Còn nguy hiểm cho ta, con đừng sợ
Ta ở đây không phải lần đầu tiên
Và đã gặp, đã quen trò tương tự”.

64 Thầy nói vậy rồi sang phía cầu bên
Và khi bước tới bờ đê thứ sáu
Thầy tỏ ra vẻ điềm tĩnh lạ lùng.

67 Với cái vẻ dữ tợn và hung ác
Của con chó khi lao vào kẻ gian
Chúng kéo đến cầu xin, khi có dịp.

70 Lũ quỷ từ phía dưới cầu đi ra
Chĩa về thầy những mũi xiên bằng sắt
Nhưng người thét: “Chớ ác, hãy chờ!

73 Trước khi xiên vào người ta móc sắt
Một kẻ trong bọn ngươi hãy tiến lên
Nghe, rồi nghĩ xem có nên lao móc”.

76 Cả bọn kêu: “Đuôi Nọc Độc tiến lên!”
Một con tiến, những con kia đứng lại
Nó hỏi: “Nào, có việc gì riêng?”

79 Thầy của tôi nói nhẹ nhàng: “Này Quỷ
Mày thấy rằng, ta đã đi đến đây
Rất bình tĩnh trước dữ dằn đấy chứ.

82 Ta theo giáo luật, thần thánh trên trời
Hãy để ta đi, trời cao đã muốn
Ta dẫn một người qua con đường này”.

85 Lòng kiêu ngạo của con quỷ hạ xuống
Nó buông rơi móc sắt dưới bàn chân
“Thôi đừng dây!” – nó nói cùng đồng bọn.

88 Người dẫn đường của tôi liền kêu lên:
“Hỡi anh đang ngồi nấp sau tảng đá
Hãy đến đây, mọi sự đã bình yên”.

91 Tôi đứng dậy và nhanh chân bước đến
Còn lũ quỷ kia tất cả tiến lên
Khiến tôi sợ chúng huỷ điều thỏa thuận.

94 Tôi thấy đội quân đồn trú ngày xưa
Ra khỏi thành Caprôna, tin lời nói
Bỗng thấy mình bị vây giữa quân thù.

97 Tôi đứng nép sát vào thầy hướng dẫn
Còn đôi mắt nhìn lũ quỷ không thôi
Tướng mạo chúng chẳng có gì lương thiện.

100 Chúng hạ móc sắt xuống hỏi: “thích không?”
Một đứa bảo: “Hãy nện vào mông nó”
Cả bọn đáp: “Ừ, cứ móc vào xem”.

103 Nhưng con quỷ với thầy tôi trao đổi
Liền chạy lại và bảo cả bọn rằng:
“Này lũ quỷ kia, dừng lại, dừng lại!”

106 Rồi bảo chúng tôi: “Không đi lối này
Vì vòm cầu thứ sáu đã bị gục
Tất cả đều đã chìm xuống vực sâu.

109 Nhưng các ngươi muốn tiến lên phía trước
Hãy đi vòng quanh cái tảng đá này
Đến một tảng khác gần đây để vượt.

112 Một ngàn hai trăm, sáu mươi sáu năm
Tính đến hôm qua, muộn hơn năm tiếng
Thì ở đây đã không có con đường.

115 Ta sắp phái mấy đứa đi xem đường
Để nhìn xem có đứa nào quậy phá
Đi với chúng hai vị cứ yên tâm”.

118 “Này tiến lên, Cánh Cụt và Băng Giá –
Nó bắt đầu nói – và mày Chó Điên
Thằng Râu Ngược sẽ cầm đầu mười đứa.

121 Cùng với chúng cả Gió Độc và Rồng
Cả Lợn Nanh Nhọn và tên Vuốt Chó
Thằng Điên Mặt đỏ và thằng Yêu Tinh.

124 Hãy lùng soát cẩn thận quanh lò nhựa
Dẫn hai người an toàn sang bên kia
Nơi hang ổ của các loài dã thú”.

127 “Thầy của con ơi, sao lại thế này
Tốt hơn là ta không cần hộ tống
Thầy đã biết đường – tôi nói với thầy –

130 Nếu thầy tinh mắt thì nên xem lại
Thầy không thấy chúng nghiến răng đó sao
Và lông mày chúng bắt đầu chau lại”.

133 “Không cần sợ và lo lắng đâu con
Cứ mặc chúng nghiến răng cho thỏa thích
Để dọa bọn người khốn khổ bị đun”.

136 Rồi lũ quỷ đi quành sang mé trái
Chúng thè lưỡi ra và cắn để chào
Con quỷ đi đầu đàn, tên đồ tể.

139 Nó ra lệnh thổi kèn từ phía sau.


Chú thích:

KHÚC XXI

7. Người Vinixiani trong xưởng: xưởng tàu nổi tiếng ở Venezia (Venice).
38. Sainte Zita: một người hầu gái ở thế kỷ XIII, sau được tôn làm thành hoàng của thành phố Lucca.
42. Bonturo: Bonturo Dati là một vị quan ưa nhận hối lộ trong Hội đồng thành phố Lucca. Dante dùng với ý mỉa mai.
48. Santo Volto: một loại thánh giá cổ Byzantin làm bằng gỗ đen trong nhà thờ ở Lucca. Bọn quỷ sứ nhạo những kẻ bị đun trong thùng nhựa mặt đen ngòm trông giống như màu của thánh giá kia.
49. Serchio: tên một con sông gần thành phố Lucca, là nơi tắm của dân Lucca.
76. Trong nguyên văn tiếng Italia là Malacoda, trong các bản tiếng Anh để nguyên như vậy, bản tiếng Nga dịch theo nghĩa, giống như bản tiếng Việt của Nguyễn Văn Hoàn. Chúng tôi dùng theo bản tiếng Việt tất cả tên gọi của quỷ sứ vì cho rằng như vậy vừa gọn vừa dễ hiểu hơn.
95. Caprona: một pháo đài của người Pisa bị người Firenze đánh lừa và chiếm năm 1289. Dante cũng là người tham gia.
107 – 114. Một ngàn hai trăm, sáu mươi sáu năm: Dante thể hiện qua cách tính của quỷ Đuôi Nọc Độc. Ở đây đã không có con đường: tức là trận động đất đã làm đổ gục vòm cầu thứ sáu. Đây là trận động đất, theo Kinh Thánh, xảy ra thời điểm Chúa Giê-su chết. Nhà thờ cho rằng Giê-su chết năm 34 tuổi, Dante cũng thừa nhận quan điểm này trong “Bữa tiệc: XII, 23”. Tính từ thời điểm trận động đất xảy ra, theo lời quỷ Đuôi Nọc Độc, là 1266 năm, vì rằng thời điểm mà Dante kể về chuyến đi xuống Địa ngục là năm 1300 (xem khúc I).

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 12:27:37

 
 
KHÚC XXII

Tầng Địa ngục thứ tám, ngục thứ năm (tiếp tục)

Tôi từng thấy những kỵ binh nhổ trại
Khi bắt đầu tiến công hay diễu binh
Đôi khi thấy cả những người tháo chạy.

4 Tôi từng thấy chạy thi ở quê thôn
Thấy diễu hành cùng với gươm và giáo
Hay ở Arêtini trận cưỡi ngựa tử thương.

7 Theo tiếng chuông là tiếng kèn trôm-pét
Theo nhịp trống, tín hiệu trên luỹ thành
Theo tục lệ của ta hay các nước.

10 Nhưng chưa bao giờ thấy cuộc diễu binh
Theo tiếng tù và lạ kỳ như thế
Không tín hiệu từ mặt đất, trời xanh.

13 Chúng tôi đi cùng với mười con quỷ
Như câu nói: với thánh ở nhà thờ
Ở tửu quán thì đi cùng bợm rượu.

16 Và đôi mắt tôi vẫn dán vào lò
Để xem cảnh tượng ở nơi xử tội
Xem cả đám người đang bị nấu kho.

19 Giống như những con cá heo ra hiệu
Cho thủy thủ bằng cách uốn cong lưng
Để báo họ cứu tàu mình, sẽ hiểu.

22 Cũng như thế, để giảm bớt cực hình
Thỉnh thoảng tội đồ nổi lên mặt nhựa
Rồi lại giống như tia chớp biến nhanh.

25 Và giống như ở bên mép hồ nước
Người ta thường thấy mũi ếch nhô lên
Còn hai chân và thân mình che khuất.

28 Cũng vậy, tội đồ thoát lên khắp nơi
Nhưng mà khi Quỷ Râu Ngược tiến đến
Thì chúng nhào ngay xuống lò nhựa sôi.

31 Tôi nhìn thấy… đến giờ tim còn đập
Một người đứng lại, như thường xảy ra
Con ếch bơi vào, nhảy ra con khác.

34 Ngay lập tức Quỷ Vuốt Chó bên kia
Lao móc sắt vào bộ tóc đầy nhựa
Và lôi như con rái cá, ra rìa.

37 Tôi nhớ hết tất cả tên lũ quỷ
Vì đã nghe khi lựa chọn lúc đầu
Nghe chúng kháo chuyện với nhau to nhỏ.

40 “Này, Mặt Đỏ cắn sâu vào nanh vuốt
Rồi hãy lùa cho hết lượt da ra”
Lũ chết tiệt ấy đua nhau la hét.

43 Tôi nói: “Nếu có thể, thưa thầy
Thầy thử hỏi, ai là người xấu số
Đã rơi vào tay những kẻ thù kia?”

46 Người hướng đạo của tôi liền tiến lại
Hỏi hắn là ai và được trả lời:
“Tôi sinh ra dưới triều Narava ấy.

49 Cho một lãnh chúa, mẹ đã giao tôi
Sau đó cha tôi trở nên hư hại
Đã làm tiêu tan cả cuộc đời người.

52 Thành người hầu Têbanđô tốt bụng
Thì tôi bắt đầu đục khoét quĩ công
Nên bây giờ trình diện nơi nóng bỏng.

55 Quỷ Lợn có hai nanh chĩa ngoài mồm
Liền chứng tỏ cho biết mình như lợn
Dùng một răng xé toạc hắn từng phần.

58 Con chuột ở giữa đàn mèo độc ác
Quỷ Râu Ngược dùng bàn tay che ngang
Và nói: “Để yên cho ta xử phạt”.

61 Nó quay về phía thầy tôi và rằng
“Hỏi nó đi, nếu ngươi còn muốn biết
Điều gì trước khi lột da nó không?”

64 Thầy tôi hỏi: “Hãy nói cho ta biết
Trong đám tội phạm ở lò nhựa này
Ai dòng dõi Latinh, ngươi có biết?”

67 “Tôi vừa rời một tên – hắn trả lời –
Đáng lý tôi ở dưới kia với hắn
Thì đã khỏi sợ móng vuốt này rồi”.

70 “Đợi lâu quá!” – kêu lên Quỷ Gió Độc
Và dùng móc xiên tay kẻ cực hình
Xẻ tay ra và lấy đi mảng thịt.

73 Quỷ Rồng ác muốn móc từ dưới lên
Vào chân kẻ cực hình nhưng đồ tể
Đe dọa và đưa mắt đảo một vòng.

76 Khi lũ quỷ đã hơi điềm tĩnh lại
Kẻ khốn khổ đang nhìn vào vết thương
Không chậm trễ, thầy của tôi liền hỏi:

79 “Ai là kẻ mà ngươi nói sai lầm
Khi rời hắn để lên bờ khốn nạn?”
Hắn trả lời: “Là thầy dòng Gômita

82 Ở Ganlura, trung tâm trò gian lận
Kẻ thù của chủ nó nắm trong tay
Và đối xử tốt, đứa nào cũng muốn.

85 Hắn thu tiền rồi cho chúng tự do
Như hắn vẫn nói, không hề giấu diếm
Thằng ăn cắp không hề nhỏ mà to.

88 Hắn với Ngài Mikelê Dankê là bạn
Người Lôgôđôrô, muôn thuở ngợi khen
Những ngày ở đảo Xácđênha sung sướng.

91 Ngài hãy trông con quỷ kia nghiến răng
Tôi muốn nói tiếp nhưng mà sợ quá
Nó định cào tôi theo dọc tấm lưng”.

94 Quỷ Đồ Tể nhìn thấy rằng phía trước
Quỷ Yêu Tinh đang đứng, mắt trợn tròn
Rồi bảo nó: “Cút đi cho khuất mắt”.

97 “Nếu ngài muốn thấy hoặc nghe gì thêm –
Vẻ sợ hãi, kẻ đọa đày nói tiếp –
Tôi tìm vài người Lômbácđi hay Tôxcan.

100 Nhưng quỷ sứ phải đứng xa một quãng
Vì chúng sợ người ta sẽ báo thù
Chỉ tôi ngồi đây với ngài trò chuyện.

103 Tôi có thể gọi đến đây bảy người
Nếu tôi huýt sáo, đúng như ám hiệu
Một khi có ai đó đi ra ngoài”.

106 Nghe câu đó, Quỷ Chó Điên hếch mõm
Rồi lắc đầu và nói: “Chớ có đùa
Nó đã nghĩ rằng tìm cách lặn xuống”.

109 Nhưng tên kia vốn mưu mẹo khôn lường:
“Trò ma mãnh thì tôi đây không thiếu
Nhưng chỉ để rồi đau khổ nhiều hơn!”

112 Quỷ Cánh Cụt không chịu được, liền độp:
“Nó nói nếu mày mà bỏ chạy đi
Thì tao đuổi theo không cần gấp gáp.

115 Một cái vỗ cánh, đã ở trên thùng
Rồi mép thùng, đến nơi mày ẩn nấp
Thử xem mày hơn được bọn tao không!”

118 Hỡi bạn đọc, hãy nghe vố lừa khác
Khi lũ quỷ hướng mắt về bên kia
Quyết định hành động kẻ tinh ranh nhất.

121 Người Navara khéo chọn thời gian
Trụ vững hai chân và trong nháy mắt
Nhảy xuống vực, tự giải thoát cho mình.

124 Cả lũ quỷ bị mắc lừa bực tức
Nhất là kẻ đã gây ra sai lầm
Nó lao lên thét: “Ngươi sẽ bị bắt”.

127 Nhưng vô ích, đôi cánh nó khó khăn
Để đuổi theo kịp, kẻ kia lặn xuống
Con quỷ phải rướn ngực để bay lên.

130 Chẳng khác gì khi con vịt lặn xuống
Để tránh chim ưng đang lao đến gần
Con quỷ kia trồi lên và thất vọng.

133 Quỷ Băng Giá điên tiết với vố lừa
Cũng sải cánh ra bay theo bọn chúng
Mong tóm được tên tẩu thoát lên ngay.

136 Và khi tên lừa đảo vừa biến mất
Nó chĩa móng vuốt vào một tên kia
Rồi đâm vào hắn ở trên miệng vực.

139 Nhưng tên này là một Quỷ Chim Ưng
Nó cào lại và cả hai rơi xuống
Giữa lò nhựa đang sôi lên bập bùng.

142 Sức nóng làm cả hai muốn bỏ cuộc
Cố thoát ra nhưng mà khó lắm thay
Vì đôi cánh nhựa dính vào bê bết.

145 Quỷ Râu Ngược cũng tức tối điên cuồng
Sai bốn con bay sang bờ đối diện
Chúng bay đi với vẻ rất vội vàng.

148 Chỗ này chỗ kia chúng đang dàn trận
Chìa móc cho hai đứa bị rơi kia
Đang bị nấu chín trong bao vỏ cứng.

151 Bỏ mặc lũ quỷ, chúng tôi ra đi.


Chú thích:

KHÚC XXII

6. Aretini: dân vùng Arezzo. Dante từng tham gia trận Campaldina như một kỵ binh.
12. Không tín hiệu từ mặt đất, trời xanh: tức là khi tàu thuyền đi trên biển thì người ta phải dựa vào bờ hoặc các ngôi sao.
19. Giống như những con cá heo ra hiệu: người ta cho rằng khi những con cá heo uốn cong lưng nhảy lên là sự báo hiệu sẽ có bão tố.
48. Các nhà chú giải đoán đây là Gian Paolo Ciampolo.
52. Tebaldo II (Thibault II): vua Navarra từ 1253 đến 1270.
66. Dòng dõi Latinh: nghĩa là người Italia.
81. Thầy dòng Gomita: giám mục giáo phận Gallura từ 1275 đến 1296, một trong bốn giáo phận của Sardegna, sau khi đảo này bị người Pisa chiếm.
88. Michel Zanche: hầu cận của vua Enzo, con trai của Federico II ở Logodoro. Sau khi vua mất, Zanche lấy vợ vua.
125. Kẻ đã gây ra sai lầm: tức Quỷ Cánh Cụt (câu 112 – 118).

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 12:30:35

 
 
KHÚC XXIII

Tầng Địa ngục thứ tám, ngục thứ sáu – Những kẻ đạo đức giả

Im lặng, lẻ loi, không kẻ tháp tùng
Chúng tôi bước đi, người sau kẻ trước
Như hai thầy tu rong ruổi trên đường.

4 Từ sự lục đục của lũ quỷ ác
Tôi nhớ chuyện ngụ ngôn Isôpô
Chuyện về hai con: chuột và ếch.

7 Chẳng khác gì chuyện “mô” và “itxa”
Nếu đem so sánh chuyện này chuyện khác
Một cách chính xác đoạn này đoạn kia.

10 Rồi như ý này khơi ra ý khác
Cứ thế ý đầu sinh ra ý sau
Lớn gấp đôi nỗi kinh hoàng lúc trước.

13 Vì tôi nghĩ rằng lũ quỷ tanh hôi
Vì chúng tôi bị chơi khăm, diễu cợt
Chắc là chúng sẽ căm tức chúng tôi.

16 Tức giận cộng thêm tâm địa ác độc
Khiến chúng đuổi theo càng ráo riết hơn
Như khi chó săn thỏ rừng muốn chộp.

19 Vì khiếp sợ, lông tóc tôi dựng lên
Tôi tụt lại phía đằng sau nghe ngóng
“Thầy ơi, nếu chúng ta không đi tìm

22 Nơi nào ẩn náu thì con thấy sợ
Bọn quỷ kia đang đuổi theo chúng ta
Con nghe ra và dường như thấy rõ”.

25 Thầy nói: “Nếu ta là tấm gương
Thì cũng không phản chiếu được hình ảnh
Nhanh hơn sự tiếp nhận của hồn con.

28 Hai ý nghĩ của hai người gặp gỡ
Cả hai tạo nên chỉ một ý đồ
Giống nhau cả vẻ ngoài và cử chỉ.

31 Nếu thoai thoải bờ đê bên phải đây
Thì chúng ta sẽ chuyển sang hố khác
Chúng ta sẽ thoát cuộc săn đuổi này”.

34 Thầy tôi chưa giảng giải xong kế hoạch
Lũ quỷ đã tới xòe rộng cánh ra
Không xa gì để có thể bắt được.

37 Lập tức thầy tôi ôm chặt lấy tôi
Như bà mẹ chợt tỉnh vì tiếng động
Thấy ngọn lửa bốc cháy bên mình rồi.

40 Mẹ vội bế đứa con, vùng chạy trốn
Lo cho con hơn cho cả thân mình
Chỉ kịp khoác vội vàng manh áo cánh.

43 Ngay tức thì từ trên đỉnh dốc cao
Thầy của tôi trượt lưng theo sườn đá
Xuống cạnh mép một hố ngục khác rồi.

46 Tôi nghĩ rằng chưa bao giờ dòng nước
Trên kênh chảy nhanh khi đổ vào gầu
Để làm cho quay bánh cối xay nước

49 Lại nhanh bằng khi thầy tôi trượt trên
Sườn đá dốc vừa ôm tôi trên ngực
Như ôm con chứ không bạn đồng hành.

52 Khi chân thầy vừa chấm vào đáy vực
Lũ quỷ hiện ra mỏm đá trên đầu
Nhưng chúng tôi đã không còn thấy khiếp.

55 Vì Đấng Tối Cao cho chúng đã giao
Việc cai quản vòng thứ năm của ngục
Chúng không có quyền rời khỏi đi đâu.

58 Chúng tôi gặp một toán người phía dưới
Vừa lê bước chậm chạp đi vòng quanh
Vừa khóc than, suy sụp và mệt mỏi.

61 Mũ trùm kín mắt và khoác áo choàng
Như áo chỉ dành riêng cho tu sĩ
Theo kiểu ở Cờlunhi cổ tròn.

64 Áo choàng bên ngoài giát vàng rực rỡ
Nhưng bên trong tất cả đều bằng chì
Nặng đến nỗi, áo Phêđêrigô – áo cỏ.

67 Những áo khoác nặng nề cho muôn đời
Rẽ bên trái, chúng tôi cùng như họ
Nên vẫn phải nghe tiếng khóc không nguôi.

70 Nhưng vì gánh nặng, bọn người mệt lử
Lê bước đi chậm chạp, nên mỗi vòng
Bạn mới cùng hàng chúng tôi lại có.

73 Tôi nói với thầy: “Xin thầy thử tìm
Một ai mà tên tuổi thầy quen biết
Về phía thầy, đang vừa đi vừa nhìn”.

76 Nghe tôi nói giọng Tôxcan, một kẻ
Kêu từ phía sau: “Hãy chậm bước chân
Hỡi hai người cùng đi trong bóng tối.

79 Anh có thể hỏi tôi điều anh cần”.
Thầy ngoái lại bảo tôi: “Con chờ nó
Rồi bước cùng theo nhịp của bàn chân”.

82 Tôi nhìn thấy hai người, mà trên ngực
Lộ một vẻ sống động thật khát khao
Nhưng chậm chạp vì nặng và đường chật.

85 Họ bước đến gần, không nói lời nào
Một hồi lâu, họ nhìn tôi chăm chú
Rồi quay lại, hai người nói với nhau:

88 “Anh ta còn sống, yết hầu động đậy
Nếu đã chết thì vì đặc ân gì
Mà không phải mang áo chì nặng trĩu?”

91 Rồi bảo tôi: “Anh bạn Tôxcan ơi
Ở đây những kẻ giả nhân giả nghĩa
Anh là ai, nếu không ngại trả lời?”

94 “Tôi sinh ra và lớn lên – tôi đáp –
Trong thành phố bên bờ sông Ácnô
Và thân thể tôi vẫn là như trước.

97 Thế còn các ngươi, các ngươi là ai
Mà nước mắt khổ đau dài trên má
Tia sáng phát ra vì hình phạt gì?”

100 Một người trả lời tôi: “Những áo khoác
Giát vàng này rất nặng – chì bên trong
Đến nỗi bàn cân cũng kêu ken két.

103 Chúng tôi thuộc dòng tu, người Bôlônha
Tôi là Catalanô, Lôđêrigô – là hắn
Chúng tôi do thành phố anh bầu ra.

106 Theo thông lệ mỗi lần bầu chỉ một
Nhưng vì an ninh, và việc chúng tôi làm
Giờ ở vùng Gácđingô còn biết.

109 Tôi vừa bắt đầu: “Hỡi bọn thầy tu…”
Thì im lặng, vì bỗng nhiên nhìn thấy
Một tội nhân trên đất bị căng ra.

112 Nhìn thấy tôi, hắn thân mình vặn ngửa
Vừa thở dài làm lay động chòm râu
Thầy dòng Catalanô nhận ra điều đó.

115 Hắn bảo tôi: “Cái gã bị đóng đinh
Xưa khuyên người Pharasi giả dối
Rằng vì tất cả, cần một hy sinh.

118 Giữa đường đi bị người ta đem vứt
Rồi anh thấy, cảm thấy mọi thời gian
Khi có người đi qua là nặng nhọc.

121 Còn bố vợ gã ở trong hố này
Và nhiều kẻ trong hội đồng xét xử
Dân Do Thái từng cực khổ lắm thay”.

124 Tôi thấy Viếcghiliô vô cùng kinh ngạc
Trước kẻ trên thánh giá bị căng thây
Thật hèn hạ trong đọa đầy muôn kiếp.

127 Rồi Viếcghiliô hỏi viên thầy tu:
“Nếu không phiền xin hãy cho tôi biết
Hình như phía trên có một lối đi.

130 Liệu chúng tôi có thể ra từ đó
Mà không cần thiết đợi các hắc thần
Đến đây để đưa chúng tôi ra nữa?”

133 “Hơn cả ngươi hy vọng – hắn trả lời –
Có một bờ đá theo vòng quanh lớn
Xuyên qua những hố rùng rợn kinh người.

136 Nhưng ở đây có một đoạn bị hỏng
Nơi đổ nát kia có thể trèo lên
Từ dưới đáy, men theo bờ dốc đứng”.

139 Thầy cúi đầu suy nghĩ trong lặng im
“Cái con đường mà ngươi vừa nói đấy
Có bọn phục bắt những kẻ lỗi lầm”.

142 Tên thầy tu: “Nghe nói ở Bôlônha
Rằng quỷ nhiều tật xấu, mà trong đó
Nói dối là bố đẻ mọi trò lừa”.

145 Nghe câu đó thầy tôi liền rảo bước
Nét mặt thầy giận dữ, trán thầy nhăn
Tôi cũng rời lũ tội nhân khốn kiếp

148 Theo dấu chân yêu dấu thầy dẫn đường.


Chú thích:

KHÚC XXIII

2. Hai thầy tu dòng Franciscani.
5. Chuyện ngụ ngôn của Aesop: một con ếch cõng trên lưng mình con chuột, hai con buộc vào nhau một sợi dây để làm tin. Khi ra giữa sông con ếch lặn xuống, con chuột lao lên mặt nước thì bị một con diều hâu vồ bắt. Thế là diều hâu bắt được cả hai con nhờ sợi dây buộc vào nhau.
7. Mo và Issa: hai từ của tiếng địa phương Firenze cổ nghĩa là: vâng, ngay bây giờ.
63. Cluni: một tu viện nổi tiếng của dòng thánh Bernardo ở Bourgogne, Pháp.
66. Theo truyền thuyết vua Federico II (Frederick II) của Đức trừng phạt những kẻ phạm tội bằng cách bắt họ mặc áo chì nặng trĩu và nhốt trong lò hơi nóng. Chì chảy ra và tội phạm bị luộc da.
90. Áo chì: ở đây là áo chì của Địa ngục.
95. Chỉ thành phố Firenze, nơi có sông Arno chảy qua.
103. Chúng tôi thuộc dòng tu: tức dòng tu “Hiệp sĩ Đức bà Maria” được thành lập ở Bologna để bảo vệ lý tưởng Thiên chúa giáo, chống lại các dị giáo, bênh vực kẻ yếu hèn, giữ gìn sự hoà hiếu giữa các tín đồ. Hai đại diện của dòng tu này mà Dante gặp ở Địa ngục là Catalano và Loderingo. Vì rằng những thành viên của dòng tu này chỉ quan tâm đến sự hưởng thụ của mình nên dân chúng gọi họ là “fratres gaudentes /The Jovial Friars), nghĩa là “những anh em Vui vẻ”. Dante coi họ và cả dòng tu này là đạo đức giả. Cả hai bị trục xuất khỏi thành phố, dinh cơ của họ bị đốt phá.
108. Gardingo: một quận của Firenze, nơi có trụ sở của phe Guelfi trong thời gian Catalano và Loderingo cai trị.
115. Cái gã bị đóng đinh: là Caifas (Caiaphas). Theo truyền thuyết, Caifas khuyên giết Giê-su, nói rằng cái chết của một người cứu cho muôn người.
121. Tức là Anne, bố vợ của Caifas, đồng lõa với Caifas trong âm mưu trừ khử Giê-su.
124. Virgilio kinh ngạc vì lần thăm Địa ngục trước chưa thấy cảnh Caifas bị trừng phạt vì lúc đó hắn chưa chết.


cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 12:35:47

 
 
KHÚC XXIV

Tầng Địa ngục thứ tám, ngục thứ bảy – Bọn trộm đồ thờ

Vào thời điểm này, năm đang còn mới
Ánh mặt trời sưởi ấm hệ Thái dương
Đêm so với ngày chỉ bằng một nửa.

4 Sương giá hãy còn phủ trên cánh đồng
Như mái tóc của người anh đã bạc
Nhưng nét điểm tô đang dần héo hon.

7 Một người nông dân cỏ khô đã hết
Sáng thức dậy – trắng xoá cả cánh đồng
Chỉ biết đưa tay lên sườn đập đập.

10 Rồi quay vào nhà, đi lại thở than
Chẳng biết phải làm gì, rất tội nghiệp
Lại quay ra và hy vọng nảy sinh.

13 Thấy đất trời đang dần thay bộ mặt
Chỉ trong chốc lát, chiếc gậy cầm lên
Xua ra đồng cỏ đàn cừu háo hức.

16 Cũng giống thế, thầy từng làm tôi lo
Khi thấy vầng trán của người xúc động
Nhưng ngay tức thì làm dịu nỗi lo.

19 Vì khi vừa tới chiếc cầu bị gãy
Thầy quay nhìn tôi với vẻ rõ ràng
Mà trước đó đã thấy dưới chân núi.

22 Thầy giang rộng hai tay ôm lấy tôi
Sau khi đã tự mình suy tính kỹ
Và quan sát rõ nơi sụt lở rồi.

25 Như người vừa hành động vừa suy nghĩ
Có vẻ luôn tiên liệu mọi thời gian
Người dẫn tôi đi lên đỉnh tảng đá.

28 Chỉ cho tôi một tảng khác và rằng:
“Con hãy bíu vào mỏm này cho chắc
Nhưng xem nó có đỡ nổi con không?”

31 Mặc áo choàng đường này không đi được
Thầy tôi nhẹ, còn tôi hơi khó khăn
Khi trèo từ mỏm này qua mỏm khác.

34 Và nếu như bờ dốc của thành này
Không ngắn hơn dốc của bờ thành trước
Thì tôi nhụt chí, không hiểu thầy sao.

37 Nhưng bởi vì tất cả đều dẫn xuống
Đáy sâu nhất ở giữa Hố thảm sầu
Nên hình thể các vực đều rất giống.

40 Một bên dốc đứng, thoai thoải bên kia
Cuối cùng chúng tôi tới điểm cao nhất
Nơi mỏm đá của vòm cầu nhô ra.

43 Hơi thở của tôi chỉ còn thoi thóp
Không đủ sức để đi tiếp con đường
Tôi ngồi xuống nhìn con đường khó nhọc.

46 Thầy tôi bảo: “Đâu phải trên đệm bông
Từ nay con phải nhiều hơn gắng sức
Trên đệm bông sao đạt tới vinh quang.

49 Kẻ nào sống mà điều này không biết
Thì dấu vết để lại ở trên đời
Như khói trên không, bọt trên mặt nước.

52 Hãy xua mệt mỏi và hãy đứng lên
Bằng tinh thần chiến thắng trong cuộc chiến
Hãy vượt lên sức nặng của xác thân.

55 Còn một bậc thang dài hơn phải vượt
Không phải chỉ cần thoát quỷ thôi đâu
Hãy nghe ta, rút cho mình bài học”.

58 Bấy giờ tôi đứng dậy và tỏ ra
Nhiều sinh lực hơn là tôi cảm thấy
Và nói: “Con đã khỏe, nào ta đi!”

61 Chúng tôi lên đường, gian nan khó nhọc
Đường nhám ráp, chật hẹp rất khó đi
Và dốc hơn cả con đường đi trước.

64 Tôi nói luôn miệng để không tỏ ra
Vẻ mệt mỏi, bỗng ở từ dưới hố
Vọng lời ai mà sao rất khó nghe.

67 Tôi không hiểu, mặc dầu tôi ở đó
Nơi đỉnh vòm cầu trên hố bắc qua
Kẻ đang nói lại hình như đang chạy.

70 Tôi cúi xuống, nhưng mắt người trần gian
Không thể xuyên qua bóng đêm để thấy
Tôi nói: “Thưa thầy chúng ta hãy sang

73 Mé bên kia và theo tường đi xuống
Vì con nghe mà chẳng hiểu được gì
Và chẳng thấy gì dù con nhìn xuống”.

76 Thầy tôi bảo: “Câu trả lời của ta
Là hành động, vì ước mong chính đáng
Thì thực hiện mà không cần nói gì”.

79 Từ đỉnh cầu, chúng tôi xuống từ từ
Ở đây cầu nối bờ đê thứ tám
Rồi trước mắt, một cái hố hiện ra.

82 Tôi nhận ra một đống thật khủng khiếp
Toàn là rắn, đủ mọi loài lạ kỳ
Vừa nghĩ tới đã hồn xiêu phách lạc.

85 Xứ Libia có lẽ cũng phát ghen
Rắn đỏ, rắn xanh, rắn lành, rắn độc…
Vì những loài đã có thể sản sinh.

88 Vì chưa bao giờ có loài rắn độc
Và dữ dằn, dù cả xứ Etiôpia
Hay quanh bờ biển Đỏ, trên sa mạc.

91 Giữa cái đám lúc nhúc và kinh hoàng
Một bọn người trần truồng đang chạy trốn
Không mong thoát hay có phép tàng hình.

94 Tay họ bị rắn sau lưng trói quặt
Rắn quấn chặt quanh cả hai bên sườn
Đầu và đuôi rắn khóa lại phía trước.

97 Bỗng có tội nhân đứng gần chúng tôi
Bị một con rắn lao đến và cắn
Đứt mất phần nối liền cổ và vai.

100 Còn nhanh hơn viết chữ I, chữ O
Kẻ khốn khổ kia bắt lửa và cháy
Rồi sụp xuống, chỉ còn lại đám tro.

103 Và khi đã bị hủy hoại trên đất
Đám tro tàn lại tụ hợp với nhau
Rồi tạo lại cái thân hình lúc trước.

106 Các nhà thông thái đã từng nói rằng
Chim Phượng hoàng chết đi rồi sống lại
Khi nó sống gần được năm trăm năm.

109 Suốt đời nó không ăn rơm hay cỏ
Mà chỉ ăn sa nhân và nhựa hương
Dùng nhựa trám và cam tùng lót ổ.

112 Giống như người bị ngã mà tự mình
Không biết được là do quỷ xô ngã
Hay là do bệnh bại liệt nảy sinh.

115 Khi đứng dậy, đảo mắt nhìn lo sợ
Hãy còn chưa tìm lại được chính mình
Rồi lại nhìn quanh thở dài buồn bã

118 Tội nhân này cũng vậy, khi đứng lên.
Nghiêm khắc biết bao quyền uy của Chúa
Đã giáng đòn trừng phạt chẳng tiếc thương!

121 Thầy tôi hỏi hắn ta là ai vậy
Hắn đáp rằng: “Cách đây còn chưa lâu
Tôi rơi từ Tôxcan vào vực ấy.

124 Tôi yêu cuộc sống súc vật, không phải người
Tôi từng là lừa, là Vanni Phúcsi thú vật
Pistôia là hang ổ của tôi”.

127 “Để nó đứng đây thầy ạ – tôi bảo –
Hỏi xem tội nào đẩy nó xuống đây
Vì hắn ưa bạo lực, tên khát máu”.

130 Kẻ tội đồ nghe được và sẵn sàng
Hướng về tôi cả linh hồn, bộ mặt
Lộ vẻ đớn đau và vẻ thẹn thùng.

133 “Tôi còn đau xót hơn – nó tiếp tục –
Rằng anh gặp tôi ở Địa ngục này
Đau hơn cái lúc mà tôi phải chết.

136 Điều anh hỏi tôi không thể chối từ
Tôi xuống thấp thế này vì ăn trộm
Những vật trang hoàng trong kho đồ thờ.

139 Rồi một kẻ khác đã bị buộc tội
Nhưng để anh khỏi vui đã gặp tôi
Nếu như anh đi khỏi nơi tăm tối.

142 Hãy mở rộng tai ra để mà nghe:
Trước hết ở Pistôia, Phe Đen sẽ chết
Rồi sau Phiôrenxa sẽ đổi luật kia.

145 Từ thung lũng Magơra mây đen bao phủ
Tia chớp Thần Mác rồi sẽ phóng ra
Và trong cơn giông điên cuồng hung dữ

148 Người ta sẽ đánh nhau trên đồng Pixen
Một tia chớp từ đám mây bỗng loé
Khiến mọi người Phe Trắng đều bị thương.

151 Tôi nói điều này cho anh đau khổ!”

Chú thích:

KHÚC XXIV

1. Đây là thời điểm cuối tháng giêng, đầu tháng hai.
21. Đây là vẻ rõ ràng khi Dante gặp Virgilio lần đầu tiên ở dưới chân núi (xem khúc I, 61 – 61, 76 – 78).
31. Mặc áo choàng đường này không đi được: nghĩa là áo chì của những kẻ lỗi lầm.
55. Còn một bậc thang dài hơn phải vượt: nghĩa là hai thầy trò còn phải đi từ trung tâm Địa ngục đến đỉnh của Tĩnh ngục.
56. Không phải chỉ cần thoát quỷ thôi đâu: nghĩa là đi khỏi những kẻ lỗi lầm thì hãy còn chưa đủ mà còn phải tự hoàn thiện cho mình.
86. Rắn đỏ, rắn xanh, rắn lành, rắn độc… trong nguyên bản đều có tên gọi của từng loài (chelidri, iaculi e faree/ chelydri, jaculi, phareae) nhưng sang tiếng Việt thì chỉ có thể dịch qua như vậy.
92. Một bọn người trần truồng: bọn kẻ cắp.
107. Đây là loài chim Phượng hoàng trong truyền thuyết. Từ xác của loài chim này mà sinh ra loài chim Phượng hoàng sau này.
125. Vanni Fucci: con hoang của Fuccio de Lazzeri, một người quí tộc Pistoia. Hắn ăn cắp đồ thờ năm 1293, nhiều người vô tội đã bị bắt và bị trừng phạt một cách oan uổng, cuối cùng một tên đồng phạm đã khai ra và hắn bỏ trốn. Vanni Fucci là người của phe Đen nên tiên đoán sự sụp đổ của phe Trắng để trả thù Dante.
143 – 144. Trước hết ở Pistôia, Phe Đen sẽ chết/ Rồi sau Phiôrenxa sẽ đổi luật kia: tháng 5 – 1301 phe Trắng đuổi phe Đen khỏi Pistoia, đến cuối năm này phe Đen đuổi phe Trắng khỏi Firenze, sửa đổi lại luật pháp, trong số những người bị đuổi có cả Dante.
145 – 150. Những điều tiên đoán của Vanni Fucci thể hiện bằng thuật ngữ khí tượng học của thời trung cổ: Thung lũng Val di Magra mây đen bao phủ. Thần Marte (thần chiến tranh) sẽ phóng ra tia chớp. Và trong cơn giông điên cuồng hung dữ, người ta sẽ đánh nhau trên đồng Picen (tên phiên âm không chính xác từ tiếng Latinh của Pistoia) và mọi người phe Trắng đều bị thương.
151. Tôi nói điều này cho anh đau khổ: bởi vì Dante là người của phe Trắng.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 12:37:52

 
 
KHÚC XXV

Tầng Địa ngục thứ tám, ngục thứ bảy (kết thúc)

Tên kẻ cắp nói xong giơ hai tay
Thành nắm đấm để làm vẻ nhạo báng
Rồi thét lên: “Cho ngươi đấy, Chúa Trời!”

4 Từ phút đó những con rắn thành bạn
Vì một con quanh cổ hắn quấn vào
Như muốn nói rằng: “Thôi, mày im hẳn!”

7 Một con khác quấn chặt hai bàn tay
Rồi quấn một nút vòng ở phía trước
Khiến hắn không còn có thể cựa xoay.

10 Pixtôia, Pixtôia, sao ngươi không đốt
Cháy thành tro mà ở lại ai cần
Ngươi đã vượt tổ tiên trong điều ác.

13 Không một hố nào trong ngục tối tăm
Có âm hồn hỗn với trời như thế
Cả bọn rơi xuống từ thành Têbê.

16 Hắn không nói thêm lời nào, chạy trốn
Tốp quỷ đầu người mình ngựa chạy ra
Thét lên: “Nó đâu, cái thằng phản loạn?”

19 Tôi không tin ở vùng Maremma
Lại nhiều rắn như trên người hắn vậy
Tới tận chỗ bắt đầu cái mặt dơ.

22 Hắn còn cõng trên lưng và sau gáy
Một con rồng đang giang rộng cánh ra
Vào bất cứ ai sẵn sàng phun lửa.

25 Thầy tôi bảo: “Kẻ này là Cacô
Rất nhiều người vì hắn mà đổ máu
Hắn sống trong hang núi Aventinô.

28 Hắn không theo đường của anh em hắn
Do vụ trộm mà hắn đã lấy đi
Đàn gia súc lớn gần nơi ở hắn.

31 Những việc làm khuất tất giờ đã thôi
Dưới mũi chùy của Hécquyn đã định
Một trăm đòn, hắn không chịu nổi mười”.

34 Quỷ lỉnh đi trong khi thầy đang nói
Ba âm hồn đã đến phía chúng tôi
Cả tôi và thầy đều không nhận thấy.

37 Nhưng chúng kêu lên: “Các người là ai?”
Cuộc trò chuyện của chúng tôi dừng lại
Chúng tôi nhìn ra những kẻ đến đây.

40 Tôi không biết họ, nhưng người này gọi
Một người kia, và chính do điều này
Tôi đoán ra tên những người còn lại:

43 “Xianpha, Xianpha, nó đâu rồi?”
Và để cho thầy hướng dẫn chú ý
Tôi đặt ngón tay lên trước miệng tôi.

46 Hỡi bạn đọc, chẳng có gì là lạ
Nếu bạn không tin điều sắp nói ra
Vì tôi đã nhìn mà vẫn thấy khó.

49 Trong khi tôi đang ngó nhìn họ, thì
Có một con rắn sáu chân lao đến
Nhảy lên một người, bám chặt anh ta.

52 Bụng anh ta hai chân giữa bó chặt
Còn hai chân trước bó chặt hai tay
Nó mổ hết má này sang má khác.

55 Hai chân sau bám chặt vào hai đùi
Và nó luồn xuyên cái đuôi qua háng
Rồi chếch lên lưng phần sau của đuôi.

58 Chưa từng có tầm gửi bám cây khác
Lại chặt bằng con vật kinh hoàng kia
Dùng thân mình quấn chặt thân kẻ khác.

61 Chúng đánh nhau, và dường như cả hai
Đều bằng sáp nóng cả màu lẫn sắc
Không giống trước, cả kẻ này, kẻ kia.

64 Tất cả biến hoá như vì sức nóng
Trên tờ giấy hiện ra một màu nâu
Chưa phải đen nhưng đã mất màu trắng.

67 Còn hai kẻ kia nhìn thấy và kêu:
“Than ôi! Anhen, mày làm sao thế
Mày không còn một mà cũng chẳng hai!”

70 Hai cái đầu giờ chỉ còn lại một
Hai diện mạo đã trộn lẫn vào nhau
Thành bộ mặt mới, vẻ trước đây biến mất.

73 Tứ chi của họ thành hai cánh tay
Với hai chân, thân mình và bụng
Thành những phần chưa từng thấy một ai.

76 Vẻ ban đầu giờ chỉ là một đống
Hoặc là không gì cả, hoặc là hai
Đi trên đường bằng bước chân chầm chậm.

79 Giống như con thằn lằn dưới ngọn roi
Đổi bụi cây dưới nắng hè nóng bỏng
Vụt qua đường như tia chớp lẻ loi.

82 Rồi giống như thế, một con rắn lửa
Xám và đen, nhỏ như một hạt tiêu
Nhảy lên bụng hai tội nhân còn lại.

85 Cắn một kẻ vào đúng chỗ cơ thể
Mà người mới sinh tiếp nhận thức ăn
Rồi rơi xuống dưới bàn chân nằm nghỉ.

88 Kẻ bị thương nhìn rắn, không nói năng
Rồi đứng trên hai bàn chân mà ngáp
Như bị giấc ngủ, cơn sốt tấn công.

91 Rắn nhìn anh ta, anh ta nhìn rắn
Rắn từ lỗ miệng, anh ta – vết thương
Hai làn khói mạnh phun ra rồi cuộn.

94 Xin hãy im lặng, nhà thơ Lucanô
Đừng nói về Xabenlô, Naxiđiô bất hạnh
Và nghe những điều tôi sắp phát ra.

97 Ôviđiô đừng nói về Cátmô, Arêtuxa nữa
Người thành suối, người thành rắn trong thơ
Tôi chẳng ghen tỵ với ông điều đó.

100 Bởi ông chưa từng thấy hai sinh linh
Mặt đối mặt rồi chuyển hai thực thể
Đến mức đổi cả bản chất tự nhiên.

103 Chúng biến đổi quả là rất hoà nhập
Như cái dĩa, con rắn xẻ đuôi mình
Kẻ bị thương vào chân mình nối khớp.

106 Chân và đùi hòa nhập vào với nhau
Chỗ khớp nối không hề còn dấu vết
Và rất nhanh, giây phút đó không lâu.

109 Cái đuôi bị xẻ đôi mang hình dáng
Đã mất đi ở chỗ khác, và da
Của rắn thì mềm của người lại cứng.

112 Thu gọn vào trong nách hai cánh tay
Và hai chân của con vật, vốn ngắn
Lại dài ra theo mức ngắn cánh tay.

115 Rồi hai chân sau vào nhau vặn xoắn
Tạo ra bộ phận mà người giấu đi
Kẻ kia ở đó hai chân xuất hiện.

118 Trong khi làn khói che phủ cả hai
Có màu sắc mới, khiến cho lông mọc
Trên da kẻ này, trụi ở kẻ kia.

121 Kẻ này đứng lên, kẻ kia ngã xuống
Nhưng vẫn không đổi hướng những cái nhìn
Dưới cái mõm của mỗi bên biến dạng.

124 Kẻ đứng kéo mõm về phía thái dương
Và từ chỗ còn dư ra vật liệu
Mọc ra hai tai, chỗ hai má bằng.

127 Phần dư thừa còn lại ở phía trước
Một cái mũi cho bộ mặt tạo thành
Và những cái môi phình ra đúng mức.

130 Kẻ nhô mõm về phía trước đang nằm
Đem hai tai vào trong đầu thu lại
Giống như ốc bươu khi nó thu sừng.

133 Lưỡi trước kia là một và hay nói
Nay xẻ ra, và lưỡi xẻ đôi kia
Cùng khớp lại và biến mất làn khói.

136 Âm hồn tội lỗi thú vật biến thành
Rồi chạy trốn vào trong khe của ngục
Kẻ kia theo sau khạc nhổ vào mông.

139 Nó quay cái lưng mới toanh của nó
Nói với kẻ khác: “Ta muốn Buôxô
Bò bốn chân trên đường như ta đã.

142 Tôi đã thấy sự thay đổi tự nhiên
Ở ngục thứ bảy, và điều lạ lẫm
Rằng ngòi bút tôi, có thể, lỗi lầm.

145 Nhưng dù mắt tôi có hơi hỗn loạn
Sự can đảm có giảm sút phần nào
Ba âm hồn đó cũng không thể trốn.

148 Tôi đã không nhận ra Púcxiô Xiancatô
Anh ta là kẻ không bị biến dạng
Kể từ khi ba âm hồn hiện ra.

151 Về kẻ kia, ở Gavinlê còn than vãn.

Chú thích:

KHÚC XXV

13. Ngươi đã vượt tổ tiên trong điều ác: có truyền thuyết cho rằng thành phố Pistoia được hình thành từ thế kỷ I tr. CN do những người lính thua trận dữ dằn và hung ác.
15. Capaneo: một trong bảy vị vua Hy Lạp dùng thang vượt lên mặt thành Tebe, bị Giove giáng sét đẩy lùi. Capaneo được coi là kẻ ngang ngược báng bổ thánh thần.
19. Maremma: vùng đầm lầy hoang vu ở Toscana.
25. Caco (Cacus): con trai Vulcano, tên ăn trộm đàn gia súc của Hercules. Để xoá dấu vết đã túm đuôi kéo đàn bò đi thụt lùi. Dante biến Caco thành một thứ hắc thần, nửa người nửa thú.
35. Ba âm hồn: ba tên trộm nổi tiếng của Firenze. Đó là Agnello Brunellschi (câu 68), Buoso Donati (câu 140) và Puccio Sciancato (câu 148).
43. Cianfa: thuộc dòng họ Donati, thủ lĩnh phe Đen, một tên trộm nổi tiếng.
94. Lucano Anneo (39 – 65): nhà thơ Latinh. Lucano kể lại trong bộ sách “Farsaghia” (IX, 761) chuyện hai người lính Sabello và Nasidio trong quân đội Catone ở Libia bị rắn độc cắn, một biến thành tro, một thân thể phồng to vì chất độc làm nổ tung cả áo giáp.
97. Ovidio Nasone (Ovid Naso): nhà thơ Latinh, trong tác phẩm Metamorfosi (Matamorphoses IV và V) kể chuyện Cadmo (Cadmus), người thành lập thành Tebe, hóa thành rắn và nữ thần Aretusa (Arethusa) biến thành suối ngầm (có bản gọi là giếng nước).
151. Gaville: một làng phòng thủ ở thung lũng Arno. Dân ở đây đã giết chết Francesco Cavalcanti, sau đó gia đình hắn báo thù rất dã man, do vậy mà “về kẻ kia, ở Gavinlê còn than vãn”.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 12:39:52

 
 
KHÚC XXVI

Tầng Địa ngục thứ tám, ngục thứ tám – Uylitxê

Hãy vui lên, hỡi Firenxe đô thành
Hãy tung cánh trên đất liền, biển cả
Danh tiếng vang truyền đến tận Âm cung!

4 Ở ngục trộm cắp, ta gặp năm đứa
Điều đó khiến ta hổ thẹn vô cùng
Ngươi chắc cũng không lấy làm vinh dự.

7 Nhưng nếu như buổi sớm ngươi mơ màng
Sẽ cảm thấy trong một ngày sắp đến
Điều mà Pờratô và nhiều kẻ vẫn mong.

10 Nếu việc ấy xảy ra, không hề sớm
Điều gì xảy ra, tất phải xảy ra
Càng cao tuổi ta sẽ càng đau đớn.

13 Chúng tôi lại đi theo những bậc thang
Mà chúng tôi đã nhọc nhằn đi xuống
Giờ đi lên, thầy đẩy tôi sau lưng.

16 Chúng tôi đi trên con đường hoang vắng
Giữa những tảng đá và mỏm đá nhô
Nếu không có tay thì chân không chuyển.

19 Tôi đã đau buồn, giờ lại đau buồn
Khi nhớ lại những điều mắt đã thấy
Muốn hãm đầu óc khác với lệ thường.

22 Để nó khỏi lầm lạc theo ý muốn
Nếu số phận thánh thần hoặc vận may
Ban cho năng khiếu mà tôi thèm muốn.

25 Như người nông phu nằm nghỉ trên đồi
Trong thời khắc mà ngọn đèn Tạo hoá
Hiển hiện ra, dù khép mắt ít thôi.

28 Và muỗi đến thay cho ruồi, bay lượn
Và trong thung lũng đom đóm lập lòe
Nơi ban ngày người hái nho, cày ruộng.

31 Hàng nghìn ngọn lửa, ngục thứ tám sáng trưng
Ngục mở ra trước mắt từ hai phía
Và tôi nhìn xuống dưới đáy tận cùng.

34 Giống như người được gấu rừng rửa hận
Nhìn thấy xe Êlia lúc lên đường
Khi những con ngựa lên trời bay bổng.

37 Nhưng bằng mắt thì không thể nhìn theo
Không thấy gì khác hơn là ánh lửa
Như một làn mây nhẹ bay lên cao.

40 Cũng như thế, mỗi ngọn lửa dưới đáy
Đều chứa bên trong mình một tội nhân
Dù mắt không thể thấy gì trong đó.

43 Để nhìn cho rõ, tôi lên đỉnh cầu
Và nếu không bám chặt vào mỏm đá
Thì tôi đã rơi tõm xuống vực sâu.

46 Thấy tôi cứ nhìn chằm chằm xuống vực
Thầy bảo: “Âm hồn phiêu bạt đến đây
Bị bọc trong lửa và đang bị đốt”.

49 Nghe thầy nói vậy, tôi đáp: “Thưa thầy
Con vững tin hơn và con hiểu được
Chuyện như thế, nhưng con muốn hỏi thầy:

52 Kẻ nào trong đám có ngọn lửa tách
Làm đôi, thì giống với chuyện ngày xưa
Từ giàn thiêu anh em Etêôcờlê tách bạch”.

55 “Trong đó Uylítxê và Điômêđê – thầy đáp –
Ngày xưa cơn thịnh nộ đã từng chung
Ngày nay ở đây chịu chung hình phạt.

58 Trong ngọn lửa mà chúng đang khóc than
Về mưu con ngựa cửa thành đã mở
Từ đó giống nòi La Mã cao sang.

61 Chúng than khóc về mẹo lừa đã giết
Nàng Đêtêmia còn thương nhớ Asin
Đền cả tội trộm tượng thần ngày trước”.

64 “Nếu trong ngọn lửa giọng nói vẫn còn
Thì con đây xin khẩn cầu lần nữa
Nghìn khẩn cầu trong chỉ một lời xin.

67 Hãy chờ ngọn lửa hai sừng tiến lại
Thầy chớ ngăn con chờ đợi ở đây
Thầy thấy đấy, con nghiêng về phía nó”.

70 “Lời thỉnh cầu của con thật đáng khen –
Thầy trả lời – vì vậy ta chấp thuận
Nhưng hãy giữ gìn cái lưỡi của mình.

73 Ta sẽ hỏi họ, điều con mong muốn
Rồi tự hiểu, vì giọng nói của con
Họ người Hy Lạp – có thể im lặng”.

76 Khi ngọn lửa đã đến gần chúng tôi
Thầy tôi chọn thời khắc và địa điểm
Và tôi đã nghe thầy nói thế này:

79 “Hỡi ngọn lửa tách đôi đầy thương xót
Lúc sinh thời, tôi kính trọng các anh
Kính trọng các anh dù nhiều dù ít.

82 Tôi đã làm thơ ở chốn trần gian
Các anh đừng đi, một người cho tôi biết
Ở nơi nao người ấy đã bỏ mình?”

85 Tia lửa cao nhất của ngọn lửa cổ
Bắt đầu lay động và nói thầm thì
Vẻ mệt mỏi đang lung lay trước gió.

88 Ngọn lửa nghiêng về bên này, bên kia
Có vẻ như một cái lưỡi đang nói
Và sau đó một giọng nói thoát ra.

91 “Sau khi với Siếcsê tôi từ giã
Rồi nán lại một năm gần Gaêta
Trước khi Enêa cho tên gọi đó.

94 Cả vẻ dịu dàng của đứa con trai
Cả tình thương với người cha già cả
Cả tình yêu với nàng Pênêlôpê.

97 Đều không thắng nổi trong tôi ước muốn
Trở thành người thông thạo cả thế gian
Thông thạo cả những yếu hèn, bản lĩnh.

100 Thế là muôn trùng biển cả xông ra
Với một con tàu và nhóm đồng đội
Những chiến hữu không từ giã bao giờ.

103 Tôi đã thấy những bến này, bến khác
Đến Tây Ban Nha, Marốc, đảo Xácđi
Mà biển bao la cùng nhiều đảo khác.

106 Khi chiến hữu và tôi đều già nua
Chúng tôi đi vào một eo biển hẹp
Nơi cột đèn Hécquyn dựng ngày xưa.

109 Để cảnh báo mọi người chớ có vượt
Về bên phải, đã bỏ lại Xibilia
Về bên trái, Xétta – đà phía trước.

112 “Hỡi anh em, ta đã đến phía tây
Sau khi vượt qua trăm ngàn nguy khốn
Nay chỉ còn lại chặng đường không dài.

115 Hướng đang đi, đó là chặng còn lại
Theo kinh nghiệm, đi về hướng mặt trời
Đến thế giới chưa từng có người ở.

118 Hãy nhớ rằng: ta dòng dõi cao sang
Không sinh ra để sống đời phàm tục
Mà vì tri thức, lòng dũng cảm, ta sinh”.

121 Các chiến hữu, sau những lời ngắn đó
Đều náo nức tiếp tục cuộc hành trình
Không một ai có thể dừng được họ.

124 Họ quay mũi tàu về phía rạng đông
Mái chèo như cánh, bay trong điên dại
Luôn giữ về mé trái mọi thời gian.

127 Ban đêm tôi nhìn những vì tinh tú
Của địa cực khác, còn địa cực ta
Thấp như không còn nhô trên biển cả.

130 Đã năm lần sáng, ánh sáng vầng trăng
Rồi bấy nhiêu lần ánh trăng đã tắt
Kể từ khi chúng tôi gặp nguy nan.

133 Khi ngọn đồi xa xa và tăm tối
Mở ra trước mặt, thì tôi chưa từng
Thấy ngọn đồi nào lại cao như vậy.

136 Chúng tôi mừng nhưng rồi bỗng khóc than
Một ngọn sóng thần từ miền đất mới
Giáng mạnh xuống con tàu rồi xoay vòng.

139 Ba lần con tàu xoay tròn trong nước
Lần thứ ba, đuôi chống ngược lên trời
Tất cả chìm như có Ai trừng phạt

142 Biển khép lại trên tất cả chúng tôi”.

Chú thích:

KHÚC XXVI

9. Prato: một quận thuộc Firenze. Dân Prato cũng như nhiều nơi khác không mong điều tốt lành cho Firenze.
27. Tức là về mùa hè đêm ngắn ngày dài.
28. Tức là buổi chiều muỗi đến thay cho ruồi.
34. Theo Kinh Thánh: nhà tiên tri Elia gặp một toán trẻ con, chúng chế nhạo ông và xúc phạm cả Thượng Đế, Elia nguyền rủa lũ trẻ, bỗng có hai con gấu xuất hiện và ăn thịt lũ trẻ.
54. Hai anh em Eteocle (Eteocles) và Polinice (Polylices) cùng tranh nhau ngôi báu thành Tebe rồi giết nhau. Chúng được đặt trên cùng một giàn thiêu nhưng lửa vẫn tách thành hai ngọn.
55. Ulisse (Ulysses) và Diomede: hai anh hùng người Hy Lạp nổi tiếng trong cuộc chiến Tơroa, thường ăn ý với nhau trong nhiều âm mưu.
59. Âm mưu con ngựa gỗ nổi tiếng đã được sách vở nhắc đến rất nhiều.
62. Deidamia: con gái của Nicomede vua xứ Sciro, người yêu của Asin (Achille). Asin trốn trong nhà Deidamia, cải trang làm gái nhưng Ulisse và Diomede nhờ mưu kế đã biết được và lôi kéo chàng ra trận chống lại người Tơroa và bị chết. Dưới Âm phủ nàng vẫn không nguôi thương nhớ Asin.
63. Palladio: tượng thần Palladio, được cất trong hang đá và được canh gác cẩn thận nhưng Ulisse và Diomede đã lập mưu đánh cắp được.
82. Tôi đã làm thơ ở chốn trần gian: anh hùng ca Eneide.
84. Ở nơi nao người ấy đã bỏ mình: người ấy là Ulisse.
91. Circe: người phụ nữ có phép thuật biến người thành động vật. Khi Ulisse lưu lại chỗ Circe, bà đã biến những chiến hữu của Ulisse thành những con lợn nhưng sau đó đã trả lại hình người cho họ.
92. Gaeta là tên bà nhũ mẫu của Enea về sau chết ở đây, nay là tên gọi một cửa biển gần Napoli.
96. Penelope: vợ của Ulisse, chờ chồng 20 năm, từ chối tất cả mọi lời cầu hôn. Được xem là biểu tượng của sự chung thủy trong văn học phương Tây.
104. Marrocco: Marốc; Sardi: đảo Sardegna (Sardinia) ở Italia.
108. Theo thần thoại, Hécquyn (Hercules) đã đặt hai cột đèn báo hiệu ở eo biển Gibraltar để cảnh báo mọi người không nên vượt qua.
110. Sibilia (Seville): một thành phố ở Tây Ban Nha.
111. Setta (Seuta): cửa biển phía châu Phi.
119. Câu này tất cả các bản tiếng Nga, tiếng Anh chúng tôi tham khảo cũng đều dịch “không sinh ra để sống như súc vật” (You were not born to live like animals/ you were not made to live your lives as brutes/ Ye were not made to live like unto brutes/ Ye were not form'd to live the life of brutes vv…) nhưng chúng tôi vẫn dịch “không sinh ra để sống đời phàm tục”.
126. Tức là giữ về phía tây-nam cột đèn Hercules.
127 – 129. Ban đêm nhìn những vì tinh tú của địa cực khác: nghĩa là của cực nam; còn địa cực ta, thấp như không còn nhô trên biển cả: nghĩa là cực bắc đã khuất sau chân trời. Từ đó suy ra là các thuỷ thủ đã vượt qua đường xích đạo.
130 –131. Đã năm lần sáng, ánh sáng vầng trăng/ Rồi bấy nhiêu lần ánh trăng đã tắt: nghĩa là đã qua 5 tháng.
141. Tất cả chìm như có Ai trừng phạt: Ai nghĩa là Thượng Đế vậy.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 12:42:52

 
 
KHÚC XXVII

Tầng Địa ngục thứ tám, ngục thứ tám (kết thúc)

Ngọn lửa kia cháy thẳng và yên tĩnh
Không nói gì, đã rời xa chúng tôi
Sau khi nhà thơ vui lòng chấp thuận.

4 Sau đó một ngọn lửa khác tiến vào
Khiến chúng tôi quay mắt về phía nó
Theo âm thanh không rõ phát từ đâu.

7 Con bò Xixin rống trước tất cả
Cũng hợp lẽ, đó là tiếng kêu than
Của chính cái kẻ đã tạo ra nó.

10 Nó rống như tiếng thét kẻ nhục hình
Thật như bị chính nỗi đau xâu xé
Mặc dù nó là con bò bằng đồng.

13 Ở đây không có lối ra như thế
Từ trong đám lửa những lời thảm sầu
Được thể hiện bằng ngôn từ của lửa.

16 Nhưng từ khi chúng tìm được lối ra
Lên đỉnh lửa, được ban sự rung động
Tiếng nói phát ra chỗ chúng đi qua.

19 Chúng tôi nghe: “Lời của tôi hướng tới
Người hồi nãy nói tiếng Lômbácđô
Đã nói: “Đi đi, không phiền ngươi nữa!”

22 Có lẽ vì tôi đến quá muộn màng
Nhưng hãy vui lòng cùng tôi trò chuyện
Tôi dù đang cháy, đâu vội với anh.

25 Nếu anh mới vào cái nơi tăm tối
Giã từ vùng đất Latinh dịu êm
Đến nơi mà tôi khổ vì tội lỗi.

28 Giờ Rômanha hòa bình hay chiến tranh?
Giữa Oócbinô và núi, nơi phát tích
Sông Têvêrê, với tôi là quê hương”.

31 Tôi nghiêng người và lắng nghe chăm chú
Khi người dẫn đường đụng vào bên sườn
“Con trả lời người Latinh” – thầy bảo.

34 Câu trả lời của tôi đã sẵn sàng
Và không hề chậm trễ tôi liền nói:
“Hỡi âm hồn ẩn náu chốn mịt mùng

37 Rômanha của anh, nay vẫn thế
Bọn bạo chúa luôn luôn có chiến tranh
Nhưng chiến tranh thực sự thì không có.

40 Ravena vẫn như thế từ xưa
Được con đại bàng Pôlenta ấp ủ
Nó chở che cho cả Xécvina.

43 Vùng đất xưa hứng chịu nhiều thử thách
Sống yên bình dưới những vuốt màu xanh
Nơi từng làm đổ máu bao quân Pháp.

46 Con chó ngao Vêrúckiô và đứa con
Đã từng làm cho Môngtanha đau đớn
Vẫn cấu xé con mồi như lệ thường.

49 Con sư tử nhỏ nằm trong ổ trắng
Cai trị Lamônê và Xantécnô
Cứ hè sang đông lại thay phe đảng.

52 Và thành phố nằm bên sông Xaviô
Giữa đồng bằng và núi non như vậy
Vẫn sống giữa chuyên chế và tự do.

55 Anh là ai, tôi cầu xin anh đấy
Tôi đã vui lòng nói chuyện cùng anh
Để tên tuổi anh trên đời lưu lại”.

58 Và ngọn lửa hơi nghiêng về bên phải
Theo cách của mình, cái vẻ tròng trành
Rồi sau đó mới cất ra lời nói.

61 “Giá tôi biết rằng câu chuyện của mình
Nghe thấy được người còn quay trở lại
Thì ngọn lửa của tôi đã không rung.

64 Nhưng bởi vì không còn đường trở lại
Tôi chưa từng nghe chuyện ấy bao giờ
Nên tôi trả lời, xấu hổ chi mà ngại.

67 Tôi đổi kiếm lấy áo khoác thầy tu
Tin có thể chuộc lỗi lầm mắc phải
Niềm tin đã thành hiện thực, nếu như

70 Không kéo tôi quay trở về tội lỗi
Một đại giáo chủ (cầu họa hắn ta!)
Chuyện đã xảy ra – tôi xin kể lại.

73 Xương thịt mẹ cho khi là con người
Thì là sư tử chứ đâu phải cáo
Trong mọi ứng xử, hành vi của tôi.

76 Mọi mưu mẹo và lối đi khuất tất
Tôi biết hết, và nghệ thuật nâng thành
Danh tiếng tôi vang tận cùng trái đất.

79 Khi tôi hiểu rằng đã đạt đến phần
Của cuộc đời, thì con người sáng suốt
Cần thu buồm và cuộn các dây thuyền.

82 Những gì quyến rũ là tôi đoạn tuyệt
Và hối hận, tôi đi làm thầy tu
Khổ thân tôi! Giá được như mong ước.

85 Ông Hoàng của người Pharixây mới
Mở cuộc chiến tranh gần Latêranô
Không chống người Xarasin hay Do Thái.

88 Vì cuộc chiến chống những người Cơ đốc
Vì đâu có ai chiến thắng ở Acờri
Hay ở Xôđanô đi làm cò đất.

91 Ông chẳng kể gì chức vụ tối cao
Cả sứ mệnh thiêng liêng đều khinh tất
Người gầy vì đeo sợi dây dòng tu.

94 Cũng giống như Hoàng đế Cốttantin
Gọi Giáo hoàng Xinvéttờrô chữa bệnh
Còn người ấy gọi tôi chỉ một mình.

97 Để chữa ông ta khỏi cơn kiêu ngạo
Ông hỏi lời khuyên và tôi lặng im
Lời của ông như lời anh say vậy.

100 Ông ta nói: “Con đừng sợ gì ta
Ta xá tội để nói cho ta biết
Cần làm gì để chiếm Pênéttờrinô?

103 Cửa nhà trời ta có thể đóng, mở
Con đã biết, khoá ta có hai chìa
Mà người tiền nhiệm đã không dám giữ”.

106 Những lời nghiêm trọng khiến tôi nghĩ rằng
Nếu im lặng là điều tệ hại nhất
Và tôi nói: “Nếu cha xá cho con

109 Tội lỗi, vì cha mà con đã mắc
Hãy để cho lời hứa hẹn nhiều hơn
Công việc, và trên ngai vàng cao nhất”.

112 Khi tôi chết Phờrăngsétcô đến tìm
Nhưng một hắc thần đã thưa với Thánh:
“Chớ động đến, cho nó được yên thân

115 Nó nhập hội với nô lệ của thần
Nó đã dâng những lời khuyên phản bội
Tóc của nó đã nằm trong tay thần.

118 Vì không hối hận không được xá tội
Hối hận xong lại còn muốn lỗi lầm
Không thể nào trong trò này có lỗi”.

121 Tôi đã tỉnh ngộ, khốn nạn tấm thân
Khi vị thần túm lấy tôi và bảo:
“Không nghĩ ta – nhà lô-gíc học chăng?”

124 Rồi dong tôi đến trước quỷ Minốt
Quỷ này quấn đuôi tám vòng quanh lưng
Rồi vừa giận dữ cắn đuôi, vừa nói:

127 “Những tên này phải để lửa tha ngay!”.
Và anh thấy tôi ở nơi hành tội
Bước đi đau thương, ăn vận thế này”.

130 Và sau khi đã kết thúc câu chuyện
Ngọn lửa rời xa với vẻ đớn đau
Vừa đi vừa lay động đỉnh lửa nhọn.

133 Lại bước tiếp, thầy hướng đạo và tôi
Đi trên mỏm đá đến vòm cầu khác
Bắc qua hố, nơi phải trả nợ đời

136 Của những kẻ bất hoà từng gieo rắc.

Chú thích:

KHÚC XXVII

7. Con bò Xixin (bue cicilian): bạo chúa Falaride (Phalaris) xứ Sicilia sai làm một con bò bằng đồng thau rỗng bụng để nhốt các tội nhân rồi đem nung đỏ. Khi thử con bò này Falaride đã bắt Perillo, người chế tạo ra nó ngồi vào đầu tiên.
28. Romagna: một vùng đất lịch sử ở miền bắc Italia (phía đông bắc Toscana).
30. Đây là Guido da Montefeltro (1223 – 1298), từng làm thủ lĩnh quân sự rồi Giám mục nhiều giáo phận của vùng Montefeltro nằm giữa Ubrino và núi Coronaro, nơi phát tích của sông Tevere.
40. Ravenna do Polenta, cha của Fransesca da Rimini cai quản từ 1270 và kéo dài trong nhiều năm. Vũ khí có hình con đại bàng, nghĩa là đôi cánh của nó che chở cho một vùng đất rộng đến cả Cervia trong biển Adriatico.
43. Đây là thành phố Forli, vũ khí của nó khắc hình con sư tử màu xanh. Tháng 5-1282 Guido da Montefeltro đã đánh bại đội quân Pháp do Giáo hoàng Martino IV phái đến.
46. Con chó ngao là Malatesta và đứa con là Malatestino. Hai cha con đã đối xử tàn nhẫn với Montagna, thủ lĩnh phe Ghibellini, bị bắt làm tù binh và sau đó bị giết chết.
49. Lamone và Santerno: tức là Feanzua bên sông Lamone và Imola bên sông Santerno, thuộc quyền cai trị của lãnh chúa Maghinerdo Pagani da Susinana, có biểu tượng là con sư tử màu xanh nằm trên cánh đồng tuyết trắng.
52. Tức thành phố Cesena bên sông Savio.
67. Đây là Guido da Montefeltro.
85. Ông Hoàng của người Pharixây mới: chỉ Giáo hoàng Bonifazio VIII.
86. Laterano: Giáo hoàng Bonifazio VIII mở cuộc chiến với dòng họ La Mã Colonna, những người ở gần cung điện Lateranno, chỗ ở của Giáo hoàng.
89 – 90. Không có ai xâm phạm Acri (Acre), thành phố cuối cùng của Cơ đốc giáo ở Jerusalem, cũng không có ai vi phạm lệnh cấm của nhà thờ về việc buôn bán đất đai của người Hồi giáo ở Soudan.
94 – 95. Theo truyền thuyết Hoàng đế Constantino bị bệnh hủi, ông nằm mơ thấy Thánh Peter bảo rằng Giáo hoàng Silvestro, đang ẩn trên núi Soratte gần Roma sẽ chữa được lành bệnh cho ông. Hoàng đế cho tìm gọi Silvestro và được chữa lành bệnh.
102. Penestrino (Palestrina): một thành phố nhỏ ở gần Roma, là pháo đài của dòng họ Orsini.
105. Người tiền nhiệm: Giáo hoàng Selestino V, được bầu năm 1294 và chỉ giữ chức vụ này 5 tháng (xem khúc III, 58).
112. Thánh Francesco d’ Assisi.
113. Một hắc thần: quỷ sứ.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Dante Alighieri. THẦN KHÚC - 16.11.2007 12:45:04

 
 
KHÚC XXVIII

Tầng Địa ngục thứ tám, ngục thứ chín – Bọn gây chia rẽ, bất hòa

Ai có thể, dù cả việc lặp lại
Kể đủ đầy, thậm chí bằng văn xuôi
Tất cả máu me mà tôi đã thấy.

4 Quả là mọi ngôn ngữ đều bất lực
Vì lời nói và trí tuệ của ta
Để thấu hiểu mọi điều là quá ít.

7 Và dù về đây tất cả mọi người
Xưa sống trên đất Pugờlia dữ dội
Từng khổ đau và đổ máu khôn nguôi.

10 Vì dân thành Tơroa và cuộc chiến
Dài lâu, mà nhẫn thành đống chất thành
Như sử gia Liviô đã từng ghi nhận.

13 Những kẻ còn thấy đau vì vết thương
Vì Rubéctô Guýtxcanđô chống lại
Những kẻ nay còn nhặt được xương tàn.

16 Ở Xêpêran dân Pugờlia phản bội
Và ở Tagờliacốtxô lão Alácđô
Đã chiến thắng, vũ khí không cần tới.

19 Dù người này người khác có chìa ra
Chân tay què hay tấm thân tơi tả
Thì cực hình ngục thứ chín chẳng so.

22 Một cái thùng lủng ván hay đai tuột
Cũng không hổng hoác như một âm hồn
Bị xẻ từ cằm đến nơi bài tiết.

25 Ruột lòng thòng treo ở giữa hai chân
Lòi cả phổi và cái túi kinh tởm
Mọi thứ nuốt vào chế biến thành phân.

28 Thấy tôi nhìn quá ư là chăm chú
Một kẻ nhìn lại rồi phanh ngực ra:
“Hãy nhìn đây, thân mình tôi tự xé!

31 Kìa, Mahômét đã què quặt ra sao!
Trước mặt tôi Ali đi và khóc
Mặt bị chẻ từ cằm đến đỉnh đầu.

34 Tất cả bọn gần xa mà ngươi thấy
Lúc sống toàn gây bê bối, chia lìa
Nay bị xẻ ra vì tội lỗi ấy.

37 Con quỷ phía sau cai quản chúng tôi
Dồn tất cả mọi người vào hàng ngũ
Bằng thanh gươm của nó ác kinh người.

40 Khi chúng tôi đi hết vòng sầu khổ
Là khi mà đã khép lại vết thương
Thì chúng tôi lại đến trước mặt nó.

43 Anh là ai mà đứng ngó chằm chằm
Hay muốn chậm lại, hay là sợ
Cực hình dành cho những kẻ lỗi lầm”.

46 Thầy tôi đáp: “Anh ta, người đang sống
Không tội lỗi để đến nơi đọa đầy
Mà chỉ muốn có thêm nhiều kinh nghiệm

49 Còn ta đã chết, nhưng dẫn anh ta
Thăm Địa ngục, tầng này qua tầng khác
Điều này thật như ngươi đứng trước ta”.

52 Hơn một trăm âm hồn nghe nói thế
Đã dừng lại trong hố và nhìn tôi
Kinh ngạc đến mức cực hình không nhớ.

55 “Vậy thì ngươi sẽ còn thấy mặt trời
Bảo thầy dòng Đônxin lo trang bị
Nếu không muốn theo ta đi xuống đây.

58 Lo tích trữ cho nhiều, để băng tuyết
Không lợi thế cho người Nôarê
Còn nếu không thì khó mà thắng được”.

61 Mahômét nói vậy, khi bàn chân
Đã nhấc lên để đi, rồi sau đó
Lại đặt xuống, nhưng rồi cũng lên đường.

64 Một kẻ khác cổ họng bị đâm thủng
Còn mũi bị xẻo đến tận lông mày
Và chỉ còn một tai đeo lủng lẳng.

67 Nó dừng lại và kinh ngạc nhìn tôi
Miệng há hốc trước bọn đi bên cạnh
Một cái họng đỏ loét như máu tươi.

70 Anh ta nói: “Hỡi con người vô tội
Mà tôi đã thấy ở đất Latinh
Nếu không nhầm, vì giống anh quá đỗi.

73 Hãy nhớ lại Pieđa Metđixina
Nếu về thăm lại cánh đồng êm ả
Trải từ Vécxenli đến Máccabô.

76 Hãy báo cho hai con người ưu việt
Ở Phanô: Ngài Guyđô và Angiôlenbô
Rằng ở đây sự tiên tri có ích.

79 Họ đã bị ném ra khỏi con tàu
Chết đuối gần Cáttôlica vì sự phản bội
Của một bạo chúa ác độc hiểm sâu.

82 Từ đảo Maiôlica đến đảo Síp
Thần Néptuyn chưa thấy tội lớn hơn
Do người Hy Lạp gây ra, hay kẻ cướp.

85 Chỉ nhìn bằng một mắt, tên ác ôn
Chiếm giữ cả thành phố mà có kẻ
Không muốn nhìn lại nó đến muôn năm.

88 Nó đã mời họ đến để trò chuyện
Nhưng ở Phôcara nó thấy không cần
Dù lời hứa hẹn hay lời cầu nguyện”.

91 Tôi đáp: “Xin hãy nói cho tôi
Cái kẻ đã có cái nhìn ác cảm
Để tôi mang tin báo với người đời”.

94 Bấy giờ anh ta đặt tay lên miệng
Một bạn đường, rồi vạch mồm nó ra
Vừa kêu lên: “Nó đấy, nhưng im lặng.

97 Nó bị đày vì đã làm tiêu tan
Hoài nghi của Xêda, khi khẳng định:
Chớ hoãn lại một việc đã sẵn sàng”.

100 Ôi, trông hắn vô cùng kinh tởm
Với cái lưỡi đứt lìa ở trong mồm
Thằng Curiôn này xưa hay nói lắm.

103 Một tên khác có dáng vẻ kinh hoàng
Giơ tay cụt vào không trung đen tối
Làm cho mặt mày máu bẩn vấy lên.

106 Nó gào: “Nhớ đến cả Mốtxca và cái thằng
Đã nói câu này: “Người chết – việc hết”
Đó là mầm tai họa cho dân Tôxcan”.

109 “Là cái chết cho nòi giống ngươi” – tôi thêm
Nó đã đau khổ càng thêm đau khổ
Bỏ đi với vẻ vừa điên vừa buồn.

112 Còn tôi đứng lại ngó nhìn cả lũ
Có điều gì tôi cảm thấy hơi lo
Chỉ cảm thấy mà không có chứng cứ.

115 Giá mà tôi không nhớ đến lương tâm
Với con người, lương tâm là bạn tốt
Như sự thật lên áo giáp bao trùm.

118 Tôi đã thấy và giờ tôi đang thấy
Một cái thân không đầu đang bước đi
Như kẻ khác, trong đoàn người uể oải.

121 Hắn cầm cái đầu lâu nhờ mớ tóc
Ngoắc ở tay như một cái đèn lồng
Mắt nhìn chúng tôi còn mồm than khóc.

124 Từ thân đến thân tạo thành ngọn đuốc
Hai trong một và là một trong hai
Tại vì sao – chỉ Người trừng phạt biết.

127 Khi đã đến đúng chân cầu hắn dừng
Giơ tay lên cùng cái đầu bị chặt
Để lời nói đến gần chúng tôi hơn.

130 “Hãy nhìn xem sự trừng phạt khủng khiếp
Thử xem còn trừng phạt nào lớn hơn
Hỡi người sống mà đến thăm người chết.

133 Để rồi ta nhờ ngươi mang hộ tin
Ta là Béctờram đơ Boócniô – hãy biết
Đã dâng lời khuyên bậy cho vua con.

136 Ta đã làm cho cha con thù nghịch
Hơn cả Áckitôghen bằng những lời khuyên
Khiến Ápxalông chống lại vua Đavít.

139 Ta từng làm chia rẽ hai người thân
Vì điều này chịu tách rời khối óc
Mà đáng lý ra phải ở cùng thân

142 Và, như tất cả, ta chịu hình phạt”.

Chú thích:

KHÚC XXVIII

8. Puglia: thời trung cổ địa danh này là miền nam Italia.
10. Dân thành Tơroa: chỉ người La Mã, con cháu của Enea cùng đồng đội; Cuộc chiến dài lâu: tức chiến tranh Punic (lần thứ nhất: 264 – 241, lần thứ hai: 218 – 201, lần thứ ba: 149 – 146 tr. CN) của người La Mã và người Cartaginesi (Carthaganian), mà cao điểm là trận Cannes (Cannae), theo sử gia Livio kể lại, số lính tử trận đông khủng khiếp, đến nỗi nhẫn đeo tay (chiến lợi phẩm) thu được chất thành đống.
14. Ruberto Guisardo (Robert Guiscard): người chinh phục Vương quốc Napoli, đánh đuổi người Arập trong thế kỷ XI.
16. Seperano: một cây cầu trên sông Liri, thời đó được xem như là cửa ngõ để vào Vương quốc Napoli; Dân Pugliese: tức người của vua Manfred đã phản bội, mở đường cho quân của Carlo I năm 1266.
17. Tagliacozzo: tên một pháo đài, ở đây năm 1268 Carlo I (Charles of Anjou) đã đánh bại Conradino. Chiến thắng này có được nhờ mưu của Alardo da Valery, cố vấn già của Carlo I.
Dante dẫn những cuộc chiến tranh đẫm máu thời Cổ đại và trung cổ để muốn nói rằng những thảm cảnh rùng rợn đó vẫn chưa thấm vào đâu so với những gì mà Dante chứng kiến ở Địa ngục.
31. Maometto (Mohammet, Muhammad) (570 – 632): người sáng lập Hồi giáo, tôn giáo mới. Theo quan niệm của người theo đạo Thiên Chúa thì Mohammet là người chia rẽ các tôn giáo.
32. Ali ibn Abi Tabib: con rể của Mahommet, người thành lập giáo phái Shiites. Dante coi Ali là người chia rẽ ngay trong đạo Hồi và “mặt bị chẻ từ cằm đến đỉnh đầu”.
56. Thầy dòng Dolcino Tornielli, xứ Novara, hoạt động như một nhà tiên tri và Thánh tông đồ truyền bá tình bác ái. Năm 1305 cùng 5000 tín đồ chiếm đỉnh núi Zebello, xứ Piemonte, nhiều lần đánh lui quân của Giáo hoàng Clemente V. Do nạn tuyết lở và thiếu lương thực, cuối cùng phải đầu hàng và bị thiêu sống trên giàn lửa. Maometto mong cho Dolcino thành công vì cho rằng Dolcino cũng là người gây chia rẽ như ông.
73 – 75. Pier da Medicina: nhân vật này không thật rõ, có bản chú thích là kẻ chủ mưu những vụ xích mích ở Romagna; cánh đồng êm ả trải từ Vercelli đến Marcabo là đồng bằng Lombardia ở miền bắc Italia, quê hương của Pier da Medicina.
76. Guido del Cassero và Angiolello da Carignano: hai người có thế lực của thành phố Fano. Bạo chúa Malatestino mời họ đến để thương lượng nhưng trên đường đi bị ném xuống biển ở vùng Cattolica (giữa Fano và Rimini, biển Adriatico). Malatestino loại trừ hai người kia để giành quyền lực đối với Fano.
82. Cipro và Maiolica: hai hòn đảo ở phía đông và phía tây Địa trung hải.
83. Nettuno: thần biển Neptuyn.
85. Chỉ nhìn bằng một mắt, tên ác ôn: tức bạo chúa một mắt Malatestino của thành phố Rimini đã nói ở câu 76.
90. Focara: ngọn núi ở giữa Cattolica và Pesaro, thường nổi gió dữ gây khó khăn cho tàu bè đi lại.
96. Caio Curione: một pháp quan, bị Roma kết tội đày biệt xứ, chạy sang phụng sự Cesare, xui Cesare tiến hành chiến tranh (nội chiến).
106. Mosca dei Lamberti: người đã nói câu “người chết – việc hết”, khuyên gia tộc Amidei giết Buondelmonte, gây ra sự chia rẽ ở Firenze.
134. Bertram del Bornio (Bertran del Born): người gây chia rẽ, thù nghịch giữa vua Anh Henry II và “ông vua con”, con trai của vua Henry II.
137. Achitofel (Achitophel): theo Kinh Thánh, cố vấn của vua David, đã gây chia rẽ giữa vua cha và con trai là Assalonne (Absalom).

Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 30 trên tổng số 41 bài trong đề mục