Dante Alighieri. THẦN KHÚC
cacbac 16.11.2007 09:24:20 (permalink)

 
 
Dante Alighieri sinh khoảng giữa 14 tháng 5 và 13 tháng 6 năm 1265 tại Firenze, miền trung Italia. Mẹ của Dante, Bella degli Abati, mất khi ông 7 tuổi; ngay sau đó bố của Dante, Alighiero de Bellincione, cưới người vợ thứ hai, Lapa di Chiarissimo Cialuffi, và họ có hai con: em trai Francesco và em gái Gaetana của Dante. Thời trẻ, Dante được Brunetto Latini, một người có kiến thức uyên bác dạy tiếng Latinh và truyền cho Dante niềm thích thú văn chương. Thông qua tiếng Latinh mà Dante say mê thơ ca cổ đại và tôn sùng thơ Virgile. Dante còn học tiếng Pháp, tiếng Provence, đi sâu nghiên cứu thần học, triết học, thiên văn học và trở thành một người có kiến thức bách khoa uyên bác bậc nhất ở thời đại ông.

Dante biết yêu và làm thơ từ rất sớm. Những bài thơ về mối tình tuổi thiếu niên sau này được gom lại thành tập Cuộc đời mới. Năm 1295 Dante tham gia hoạt động chính trị, đứng về phái Guelfi đối lập với phái Ghibellini. Năm 1289 phái Guelfi thắng thế nhưng rồi lại chia ra thành phe Đen và phe Trắng. Dante theo phe Trắng, kiên quyết chống lại đường lối dựa vào Giáo hoàng. Giáo hoàng cầu viện Hoàng tử Pháp Charles de Valois. Năm 1301 quân Pháp tiến vào Firenze, phe Đen lưu vong trở về tổ chức đàn áp phục thù. Dante bị kết án hai lần, phải rời bỏ quê hương đi sống lưu vong và mai danh ẩn tích. Thời kỳ này ông bắt đầu viết Thần khúc.
Dante mất năm 1321 tại Ravenna.

Tác phẩm:
Dante là tác giả của các tập Thơ (Rime), Bữa tiệc (Il convivio), Về hùng biện đại chúng (De vulgari eloquentia), Về chế độ quân chủ ( De monarchia)… Tuy vậy, những tác phẩm này chỉ một số ít các nhà nghiên cứu quan tâm, còn bạn đọc khắp thế giới hầu như chỉ biết hai kiệt tác: Cuộc đời mới và Thần khúc.

Tác phẩm Cuộc đời mới bao gồm thơ và văn xuôi, viết về tình yêu của Dante đối với Beatrice Portinari. Tình yêu của Dante với Beatrice mang một qui mô vũ trụ. Nhà thơ nhìn thấy ở người con gái trần tục này một ý tưởng thánh thần được thể hiện trong những con số: “Số 3 là nguồn gốc của số 9, ba lần ba là chín. Như vậy, nếu 3 có thể sinh ra 9 thì điều kì diệu ở trong mình – Ba ngôi: Chúa Cha, Chúa Con, Đức Thánh Linh – ba trong một. Từ đó rút ra kết luận rằng: người con gái này là con số 9, nghĩa là điều kì diệu và nguồn gốc của điều kì diệu này là Tam vị nhất thể”. Những lập luận này thể hiện tinh thần của thời đại bấy giờ nhưng phải nói rằng nhà thơ đã dũng cảm khi đem người yêu của mình so sánh với Ba ngôi thần thánh.
Dante gặp Beatrice lần đầu khi nàng lên 9 tuổi. “Linh hồn của cuộc sống” đã bao trùm lấy tâm hồn của cậu bé Dante. Beatrice chỉ khẽ nghiêng mái đầu cúi chào mà đã làm cho chàng trai Dante lâng lâng khôn tả. Chàng vội vàng đi về phòng riêng viết bài thơ đầu tiên… Chín năm sau hai người gặp lại nhau. Hễ nhìn thấy Beatrice là Dante lại luống cuống, xúc động, không thể làm chủ được bản thân và tự nhủ lòng sẽ không bao giờ tìm gặp Beatrice nữa… Những chi tiết này được Dante mô tả rất tỉ mỉ trong “Cuộc đời mới”. Sau đó Beatrice đi lấy chồng nhưng tình yêu của Dante đối với nàng vẫn không hề suy giảm. Ngược lại, tình yêu này là nguồn cảm hứng cho Dante viết ra hai kiệt tác “Cuộc đời mới” và “Thần khúc”. Beatrice mất năm 1290. Dante khóc suốt một năm ròng và những người đương thời kể rằng họ không bao giờ còn nhìn thấy Dante cười nữa. Dante và Beatrice trở thành một biểu tượng của tình yêu đôi lứa trong văn chương Thế giới như Petrarca và Laura, Tristan và Isolt, Romeo và Juliet.

Thần Khúc là một tác phẩm bằng thơ đồ sộ gồm ba phần: Địa ngục, Tĩnh ngục, Thiên đường. Mỗi phần có 33 khúc, cộng 1 khúc mở đầu, tất cả là 100 khúc với hơn 14.000 câu thơ. Người ta vẫn thường gọi Thần khúc là “Kinh Thánh của thời Trung cổ”. Trong tác phẩm vĩ đại này, Dante đặt ra cho mình một mục đích vĩ đại: giúp loài người thoát khỏi nỗi sợ hãi trước cái chết. Nhiệm vụ này ở thời bấy giờ là vô cùng quan trọng: trong linh hồn con người có một nỗi sợ về những cực hình ở Địa ngục mà người ta vẫn nghe qua những lời rao giảng và thuyết giáo. Khác với những nhà triết học theo trường phái Epicurus, Dante không khuyên người đời quên đi cái chết, hay như những nhà triết học thế kỉ Ánh sáng, khẳng định rằng Địa ngục là do các cha đạo nghĩ ra, Dante tin rằng Địa ngục là có thật và chỉ có sự Can đảm, Danh dự và Tình yêu có thể giúp con người thoát khỏi Địa ngục. Thần khúc mở đầu bằng những lời cay đắng về cái chết của Beatrice nhưng tác giả bỗng nhiên hiểu ra rằng nàng là con người cao thượng, trong trắng và không thể chết. Thế là linh hồn của Beatrice, với sự giúp đỡ của Virgile đã dẫn Dante, và cùng với Dante là bạn đọc, đi hết các tầng ngục, chứng kiến hết những nỗi kinh hoàng của Địa ngục. Trên cánh cổng vào Địa ngục có dòng chữ “kẻ vào đây hãy quên niềm hy vọng” nhưng Virgile khuyên Dante hãy quên nỗi sợ hãi, vì rằng chỉ với đôi mắt mở to thì con người mới có thể nhìn ra nguồn gốc của mọi cái ác. Cũng theo Dante thì linh hồn con người có thể bị đày xuống Địa ngục ngay cả khi thân xác còn sống nhởn nhơ nơi dương thế, bởi vì Địa ngục không phải là một địa điểm hay nơi chốn mà Địa ngục là một trạng thái của lòng người. Người nào sống trong lầm lỗi sẽ rơi vào trạng thái đó. Ngay cả lầm lỗi của lòng thù hận – cả người trả thù và nạn nhân của sự trả thù đều bị đày xuống Địa ngục, và một khi nạn nhân còn căm thù kẻ đã hành hạ mình thì vẫn chưa thể thoát ra khỏi Địa ngục. Bạn đọc có thể đọc thấy những điều này ở phần Địa ngục qua bản dịch tiếng Việt. Thần khúc lần đầu tiên được trích dịch ra tiếng Việt năm 1978. Đó là bản trích dịch 30 khúc của cả 3 phần ra văn xuôi có vần điệu của Khương Hữu Dụng và Lê Trí Viễn. Gần đây có bản dịch văn xuôi trọn phần Địa ngục của Nguyễn Văn Hoàn (2005) và bản dịch thơ trọn phần Địa ngục của Hồ Thượng Tuy. Tác phẩm Cuộc đời mới có một bản dịch của Hồ Thượng Tuy.

_______________
 
 

 
LA DIVINA COMMEDIA
di Dante Alighieri
INFERNO

Inferno: Canto I


THẦN KHÚC. ĐỊA NGỤC

KHÚC I

Khúc mở đầu: Rừng rậm – Ba con thú – Viếcghiliô

Con đường đời tôi đã đi đến nửa
Bỗng thấy mình lạc lối ở trong rừng
Đường chính đạo đánh mất trong bóng tối!

4 Rừng hoang vu, rừng hiểm trở trập trùng
Nói sao hết bao điều cay đắng ấy
Nỗi kinh hoàng trong ký ức tôi mang!

7 Cái chết cũng không đắng cay nhường vậy
Nhưng vì điều hay trong đấy muôn năm
Tôi xin kể về những điều trông thấy.

10 Tôi không nhớ, sao đã lạc vào trong
Rừng hiểm trở vì chìm trong giấc ngủ
Khi lìa xa chính đạo một con đường.

13 Nhưng rồi bỗng tới một chân đồi nhỏ
Nơi có một thung lũng nhỏ bao quanh
Tim tôi thắt lại vì run và sợ.

16 Tôi nhìn ra khi ngước mắt trông lên
Ánh sáng mặt trời khắp nơi rực rỡ
Soi tỏ lối đi trên mọi con đường.

19 Khi đó trong lòng vơi đi nỗi sợ
Nỗi sợ dài lâu nén ở trong tôi
Như mặt nước hồ qua đêm mệt lử.

22 Và giống như kiệt sức một con người
Thoát lên bờ từ mênh mông biển cả
Ngoái lại nhìn và sợ hãi không thôi.

25 Trong lòng tôi hãy vẫn còn run sợ
Quãng đường đi qua, thử ngoái lại nhìn
Chưa từng có một ai đi thoát cả.

28 Khi đã nghỉ ngơi mỏi mệt tấm thân
Tôi bước tiếp trên con đường cát vắng
Tiếng xạc xào ở dưới những bàn chân.

31 Và kia, ngay trên đầu dốc dựng đứng
Có một con báo nước chạy lẹ làng
Trên bộ lông những vết hoa lốm đốm.

34 Cản bước tôi, con báo chạy vòng quanh
Tôi cảm thấy ở trong vòng nguy hiểm
Từng tính bài quay lại đã nhiều phen.

37 Và rồi đến lúc bình minh vừa rạng
Giữa những vì tinh tú mặt trời lên
Đang chuyển động một tình yêu thần thánh.

40 Khơi dậy điều tốt đẹp lần đầu tiên
Tôi cảm thấy mừng vui và hạnh phúc
Máu nóng không còn dồn dập trong tim.

43 Vẻ con thú có bộ lông vui mắt
Nhưng không lâu, với một vẻ kinh hoàng
Một con sư tử bờm cao trước mặt.

46 Có vẻ như nhằm vào tôi tấn công
Nó dữ dội gầm lên vì cơn đói
Cả không gian cũng sợ hãi rùng mình.

49 Cùng với sư tử một con sói cái
Dáng gầy gò, lộ đầy vẻ khát thèm
Từng làm cho biết bao hồn kinh hãi.

52 Nó làm tôi rời rụng cả tay chân
Vẻ đe dọa phát ra từ ánh mắt
Làm cho tôi hết hy vọng bước lên.

55 Như một kẻ máu mê thèm thắng bạc
Nhưng gặp hồi đen đủi chịu trắng tay
Chỉ còn biết khổ đau và khóc lóc.

58 Con thú kia cũng như thế với tôi
Đẩy lùi tôi dần dần theo chân bước
Dồn tôi vào nơi tối ánh mặt trời.

61 Trong khi tôi đang tuột dần xuống thấp
Một người đàn ông trước mặt hiện ra
Nhưng lặng lẽ, im lìm và mỏi mệt.

64 Vừa nhìn thấy giữa hoang vắng và xa
“Cứu tôi với, – tôi kêu lên buồn bã –
Dù là người còn sống hoặc bóng ma!”

67 “Ta không phải người, đúng hơn là đã
Từng là người, dân của Lômbácđô
Quê ở Mantua cả cha lẫn mẹ.

70 Ta sinh ra vào cuối thời Xêda
Lớn lên ở Rôma, dưới triều Augút
Thời người ta thần tượng vẫn tôn thờ.

73 Ta là thi sĩ, từng viết lời bài hát
Ca ngợi con trai Ankixê, người Tơroa
Khi thành Iliông kiêu hùng lửa đốt.

76 Còn ngươi sao trở về nơi chết chóc?
Sao không trèo lên đỉnh núi diệu kỳ
Nơi khởi nguồn của mọi điều cực lạc?”

79 “Có phải Người là Viếcghiliô
Là mạch nguồn của dòng thơ tuôn chảy?” –
Tôi trả lời mà thấy thẹn thùng ghê!

82 “Ôi ánh sáng của bao nhà thơ ấy
Và việc say mê sưu tập thơ Người
Đã giúp cho tôi miệt mài đến vậy!

85 Người là thầy, là gương sáng cho tôi
Chỉ có ở nơi Người tôi đã học
Cách tuyệt vời làm vinh dự thơ tôi!

88 Người xem kìa, thú dồn tôi vào góc
Hãy cứu tôi, bậc hiền giả lẫy lừng
Máu tôi run trong đường gân thớ thịt!”

91 “Ngươi cần đi tìm một con đường khác
Nếu muốn thoát ra ma dại nơi này –
Người trả lời, khi thấy tôi than khóc –

94 Con thú không cho ai thoát lối này
Nếu ngươi cứ đứng thét lên và khóc
Nó sẽ nhảy vào cắn chết ngươi ngay.

97 Con thú bản tính xấu xa, ác độc
Lòng tham của nó không bao giờ vơi
Càng ăn no lại càng thích ăn tiếp.

100 Cùng với nhiều con vật nó kết đôi
Và sẽ quyến rũ còn nhiều con nữa
Khi thần Khuyển đến nó sẽ đi đời.

103 Thần chẳng sống vì bạc tiền, tài sản
Mà vì tình yêu, danh dự, trí khôn
Thần sống giữa diệu huyền và cao thượng.

106 Thần là cứu tinh của nước Ý khiêm nhường
Vì nước này Camminla đồng trinh tuẫn nạn
Và Ơraliô, Tuốcnô, Nixô bị tử thương.

109 Dù cho bước chân thú kia mong muốn
Thần sẽ xua đuổi sói khỏi đô thành
Giam vào ngục, nơi có bao dục vọng.

112 Ta nói với ngươi theo lối của mình:
Hãy theo ta, ta là người hướng dẫn
Đưa ngươi từ đây về chốn vĩnh hằng.

115 Ngươi sẽ nghe những tiếng kêu tuyệt vọng
Của những hồn xưa muốn chết lần hai
Sẽ nghe những lời nguyện cầu đau đớn!

118 Ngươi sẽ thấy hết đau khổ những ai
Trong lửa ngục với một niềm hy vọng
Sống với những người hạnh phúc nay mai.

121 Còn nếu ngươi muốn cao hơn bay bổng
Thì đợi chờ ngươi có một linh hồn
Ta chia tay, ngươi theo hồn xứng đáng.

124 Đấng Thượng Đế ngự trị chốn cao sang
Chưa muốn cho ta bước chân lên đó
Vì luật của trời ta hãy chưa thông.

127 Ngài ở khắp nơi nhưng trên cao ngự trị
Là thành đô, là nơi chốn ngai vàng
Hạnh phúc cho ai vinh quang được mở!”

130 “Hỡi nhà thơ – lời của tôi vang lên –
Tôi cầu Đấng mà thầy chưa biết rõ
Thoát khỏi chốn này cùng cực nguy nan!

133 Hãy dẫn tôi đến nơi thầy nói đó
Cho tôi nhìn cửa Thánh Piêtơrô
Và những linh hồn muôn đời đau khổ”.

136 Người chuyển động, và tôi theo nhà thơ.


CHÚ THÍCH

KHÚC I

1. Con đường đời… đến nửa: Dante hình dung đường đời như một vòng cung (Bữa tiệc, IV, 23), điểm cao nhất là 35 tuổi. Dante đạt đến điểm này năm 1300.
13. Một chân đồi nhỏ: tức là trên khu rừng tội lỗi và lầm lạc có một ngọn đồi cứu rỗi nhô lên cao, nơi có ánh sáng mặt trời soi tỏ mội lối đi (câu 18).
17. Theo học thuyết của Plotemaioi (90 – 160), thời của Dante cũng vẫn như thế, thì mặt trời là một trong số các hành tinh quay xung quanh quả đất đứng yên một chỗ.
32. Con báo: biểu tượng của dục vọng, thói dâm đãng.
44. Con sư tử: biểu tượng của sự kiêu căng.
49. Con sói cái: biểu tượng của thói hám lợi, tham lam.
62. Một người đàn ông: Virgilio (Virgil), Marone Publio (70 – 19 tr. CN) – nhà thơ La Mã, tác giả của thiên anh hùng ca Eneide (Aeneid).
69. Mantua (Matova): thành phố ở đông nam khu Lombardia, miền bắc Italia.
70. Giulio Cesare (Gaius Julius Caesar)(100 – 44 tr. CN): Lúc Virgilio sinh thì Cesare đã 31 tuổi.
71. Dưới triều Augút – nghĩa là dưới triều Hoàng đế La Mã Augusto (63 tr. CN – 14 sau CN).
74. Con trai Ankixê, người Tơroa: tức Enea (Aeneas), thủ lĩnh người Tơroa, là con trai của Anchise.
91. Ngươi cần đi tìm một con đường khác: Dante hãy còn chưa thể vượt qua con sói để lên đến đỉnh đồi ngay được mà phải đi qua ba thế giới bên kia.
105. Câu này trong nguyên tác: tra feltro e feltro đang gây tranh cãi xưa nay. Có người giải thích “giữa thành phố Feltro và lâu đài Montefeltro”. Chúng tôi dịch như bản tiếng Việt của Nguyễn Văn Hoàn.
107 – 108. Cammila, Eurialo, Turno, Niso: tên những nhân vật trong tác phẩm của Virgilio. Họ thuộc về hai phe địch thủ của nhau nhưng Dante quan niệm sự hy sinh của cả hai phe đều cần cho sự ra đời Đế chế La Mã.
116. Muốn chết lần hai: những kẻ lầm lỗi ở Địa ngục đã chết về thể xác nhưng vẫn còn mong được chết cả linh hồn để chấm dứt đọa đầy, đau khổ.
123 – 126. Ngươi theo hồn xứng đáng: tức Beatrice. Virgilio chưa qua phép rửa tội nên không được đặt chân đến thiên đường.
134. Cửa Thánh Piêtơrô: cửa vào Tĩnh ngục.

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9