Vladimir Maiakovsky. ĐÁM MÂY MẶC QUẦN

Tác giả Bài
cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
Vladimir Maiakovsky. ĐÁM MÂY MẶC QUẦN - 16.11.2007 13:36:35

 
 
Từng có một thời trong các sách giáo khoa ở Liên Xô người ta gọi Maiakovsky là “lá cờ đầu của thơ ca Tháng Mười”, là “sự thể hiện sống động của một kiểu nhà thơ mới – người chiến sĩ tích cực đấu tranh cho tương lai tươi sáng của dân tộc”vv… Sau khi Liên Xô sụp đổ một số người lại đòi vứt Maiakovsky khỏi “Con tàu Hiện đại” như ngày nào Maia cùng với một số người đã ký tên vào bản tuyên ngôn của nhóm Vị lai: “vứt Puskin, Dostoievsky, Tolstoy vv và vv… khỏi Con tàu Hiện đại”.
Những suy nghĩ nông nổi qua đi, ngày nay ý kiến này cũng sai lầm như nhóm Vị lai ngày trước. Bởi vì tài năng của Maiakovsky vô cùng to lớn. Maiakovsky không phải như D. Burlyuk hay A. Kruchenykh – những người cùng ký tên vào bản tuyên ngôn năm 1912. Di sản thi ca của Maia rất đồ sộ và sự cách tân hình thức thơ của Maia đã có ảnh hưởng không chỉ đến thơ ca Nga mà thơ ca cả thế giới.

***

Vladimir Vladimirovich Maiakovsky sinh ngày 19 – 7 – 1893 ở làng Bagdad, tỉnh Kutaisy, Gruzia trong một gia đình kiểm lâm. Vì sinh vào ngày sinh của bố nên được đặt tên trùng với tên bố. Cả bố và mẹ đều là những người có dòng dõi quí tộc. Lên 6 tuổi đã ham mê sách vở và thích đọc nhiều loại sách. Năm 1906, sau cái chết đột ngột của người bố, cả gia đình chuyển về Moskva. Năm 1908 vào đảng Dân chủ Xã hội Nga và tham gia hoạt động bí mật nên bỏ học từ lớp 5. Ba lần bị bắt giam, 11 tháng ngồi tù vì tội hoạt động cách mạng bí mật. Năm 1911 Maiakovsky học hội họa, điêu khắc và kiến trúc ở trường nghệ thuật. Tại đây Maiakovsky làm quen với David Burlyuk – một trong những thủ lĩnh của nhóm Vị lai. Burlyuk đánh giá cao tài thơ của Maiakovsky và khuyên nên tiếp tục sáng tác.
Maiakovsky thường xuyên tham dự vào các buổi sinh hoạt văn nghệ và đọc thơ. Công chúng không thể không để ý một chàng trai – thi sĩ cao lớn, đẹp và rất thích tranh luận. Thời kỳ sau cách mạng Maiakovsky vẫn tích cực đi đọc thơ ở nhiều nơi. Được công chúng đánh giá là người đọc thơ hay tuyệt vời, giọng ngân vang và mạnh mẽ, là người biết truyền đạt đến người nghe những chi tiết của cả âm thanh lẫn sắc màu…
Vladimir Maiakovsky từ lâu đã được dịch và giới thiệu nhiều lần ở Việt Nam. Bởi thế, chúng tôi sẽ không đi sâu giới thiệu về tư tưởng và tác phẩm của ông. Trong tập này chúng tôi chỉ dịch những bài thơ tình – là một mảng thơ quan trọng và phức tạp trong sáng tác của Maiakovsky và, xin phép, chỉ giới thiệu ngắn gọn về những mối tình, những người tình trong mảng thơ này.

***

Tình yêu là một đề tài muôn thuở, và có thể nói rằng không một nhà nhà thơ lớn nào mà lại không viết về tình yêu. Mà viết về tình yêu thì thường là có những mối tình, những người tình cụ thể…
Trong văn chương thế giới từng có nhà văn Giovanni Casanova (1725 – 1798) rất nổi tiếng, thậm chí trở thành con người huyền thoại vì tình yêu, tình yêu trong đời thực chứ không phải trong sáng tác. Từng có một người khổng lồ văn chương Alexandre Dumas (1802 – 1870), tác giả của hơn 600 cuốn sách. Số tác phẩm này một người bình thường đọc cả đời không thể hết, vậy mà ông vẫn có thời gian để yêu được 500 người tình… Chỉ trong các nhà thơ Nga thôi, thì Puskin cũng có đến hàng trăm mối tình. Nói là hàng trăm vì người viết căn cứ vào bức thư của Puskin gửi cho nữ công tước Viazemskaya năm 1830: “Chuyện cưới Natalia của tôi (đây là tình yêu thứ 113, tôi để trong ngoặc) đã quyết định xong”. Không hiểu Puskin nói thật hay đùa, dù sao ông cũng nổi tiếng là người yêu rất nhiều. Hay như Esenin, với cuộc đời ngắn ngủi 30 năm cũng có hàng chục mối tình thì Maiakovsky có phần khiêm tốn hơn, dù ông có thừa nhận với người đẹp Tatyana Yakovleva rằng “tôi đây muôn thuở đau vì tình” (đã đành người ta nổi tiếng trong tình yêu không chỉ vì số lượng). Trong cả cuộc đời 37 năm của Maiakovsky chỉ có 7 mối tình với 7 người đẹp cụ thể nhưng chỉ có 4 mối tình in dấu trong sáng tác của ông.
Mối tình đầu tiên là tình yêu với người đẹp 17 tuổi Maria Aleksandrovna (họ là Denisova, sau khi lấy chồng là Schadenko). Trong chuyến đi về thành phố biển Odessa, Maia đã bày tỏ tình cảm với người đẹp Maria nhưng nàng không trả lời yêu hay không yêu mà chỉ hẹn gặp lại vào lúc 4 giờ chiều. Và như trong “Đám mây mặc quần” Maia đã viết:
Tám giờ.
Chín giờ.
Mười giờ.

Và buổi chiều
đi vào đêm ghê sợ
giã từ khung cửa sổ
buổi chiều chau mày
buổi chiều tháng mười hai...

Cuối cùng, Maria cũng đến và thông báo rằng “ em sắp sửa đi lấy chồng”. Chúng ta nên biết rằng tình yêu giữa Maia và Maria có nhiều cách trở. Đấy là hoàn cảnh xã hội, điều kiện vật chất của hai người khác nhau, gia đình không cho phép Maria yêu một người như Maiakovsky. Thành ra
em là Gioconda
cần lấy cắp!
Và thế là người ta lấy mất.

Em đã bị người ta lấy mất, bị người ta mua bằng tiền bạc, địa vị, giàu sang… Tất cả nỗi đắng cay của mối tình bất hạnh này được Maia trút vào trường ca “Đám mây mặc quần”
Thân thể của em
anh yêu mến và giữ gìn
như người lính
trong cuộc chiến tranh
không có một ai cần
và không của một ai hết cả
sẽ gìn giữ bàn chân duy nhất của mình.
Maria –
em có muốn không?
em không muốn hả!

Ha!

Có nghĩa là – lại
tăm tối và buồn
tôi mang trong tim
đầy nước mắt
mang
như con chó
ở trong chuồng
giữ bàn chân
bị đoàn tàu cán đứt...

Dù sao, đấy chỉ là một thiên diễm tình bỏ ngỏ, tình yêu này mới chỉ là tình yêu đơn phương. Nhưng có một điều này: sau cái chết của Maiakovsky, người phụ nữ này (Maria Aleksandrovna Schadenko) đã đắp bức tượng đầu tiên của Maiakovsky.
Mối tình thứ hai, cũng là tình yêu mãnh liệt nhất, bền bỉ nhất của Maia là tình yêu với Lilya Brick. Lilya Yurievna Brick là chị gái của Elsa Triolet (1896 – 1970) – nữ nhà văn Pháp, vợ của nhà thơ Pháp nổi tiếng Louis Aragon (1897 – 1982), bạn đọc Việt Nam đã biết nữ nhà văn này qua tập thơ “Đôi mắt Elsa”. Có lẽ nên so sánh hai chị em Lilya và Elsa với Thúy Kiều và Thúy Vân chăng. Cả hai chị em đều tài sắc vẹn toàn, sinh ra trong một gia đình – bố là một luật sư nổi tiếng, mẹ là nữ nghệ sĩ dương cầm. Cả hai chị em đều có một tài năng không ai có thể phủ nhận – tài năng của nữ tính tuyệt đối, có khả năng chinh phục vô điều kiện tất cả những người đàn ông mà họ gặp…
Những con tàu biển – đi về cảng.
Tàu hỏa – hối hả trở về ga.
Còn tôi trở về em, và huống nữa là –
yêu em mà lỵ! –
... ... ... ... ... ... ... ... ...
Những gì thuộc về đất, lòng đất hấp thụ.
Ta trở về với mục đích cuối cùng.
Tôi thì cũng thế
trở về với em
tôi khao khát thường xuyên
nhọc nhằn từ giã
vất vả mắt thôi nhìn.

Đây là những câu thơ trong trường ca “Tôi yêu” Maia đề tặng Lilya Brick. Trong trường ca này nhà thơ đi triết lý về tình. Nhà thơ kể rằng từ trong nhà tù đã được học cách yêu, rằng từ bé đã căm ghét những kẻ béo phì (vì nhà thơ thì không thể yêu như những người giàu có), rằng khối tình của nhà thơ lớn lao quá cỡ “to lớn yêu thương, lớn lao thù hận”. Và nhà thơ mang khối tình to lớn này bước đi chệnh choạng, sẵn sàng trao nó cho mọi người, nhưng than ôi, không ai cần đến cả, vì nó to quá cỡ.
phụ nữ
né sang một bên
như tránh pháo thăng thiên:
"Chúng tôi cần be bé hơn
như điệu nhảy tango, có lẽ..."
Thế rồi xuất hiện một người phụ nữ với vẻ rất thành thạo đã quan sát kỹ càng và cho rằng “chỉ là cậu bé con”
Em cầm
lấy mất con tim
và đơn giản
em bước xuống đường
như cô bé cầm chơi quả bóng.

Thế là nhà thơ trút được khối tình cho người yêu dấu và cảm thấy vui vẻ, nhẹ nhàng. Những phần tiếp theo, nhà thơ đi triết lý về nguyên nhân của niềm hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là giữ gìn kho báu ở trong tim như chủ nhà băng giữ tiền trong tủ sắt mà là đem tặng nó cho người mình yêu…
Maia và Lilya làm quen với nhau mùa hè năm 1915. Maia lao vào săn đón Lilya một cách vồ vập và không do dự. Maia thích người phụ nữ thanh lịch, thông minh, có giáo dục và không thể hiểu được đến cùng. Họ gặp gỡ nhau thường xuyên, tuy vậy, Lilya biết giữ Maia một khoảng cách. Lilya yêu Maia nhưng không yêu điên cuồng như Maia. Lilya khi thì dịu dàng, âu yếm, khi lại hững hờ, ghẻ lạnh làm cho Maia đến phát điên. Sau này Lilya Brick đã hồi tưởng về ngày đầu gặp gỡ của hai người: “Đó là một cuộc tấn công. Anh ấy không chỉ đơn giản là yêu tôi mà lăn xả vào tấn công tôi. Suốt hơn hai năm trời tôi không hề có một phút giây yên lặng. Tôi sợ cái vẻ kiên gan, vóc người cao lớn và niềm say mê cuồng nhiệt, say mê không thể cưỡng lại được của anh ấy. Ngày đầu làm quen, anh ấy ngay lập tức lao vào săn đón tôi, quấn quít lấy tôi, còn xung quanh có những người bạn khác của tôi với vẻ mặt âm u. Tôi nhắc thì anh ấy bảo: “Lạy Chúa, anh vô cùng thích khi thấy người ta ghen tuông và đau khổ…” Nhưng rồi những năm sau đấy thì chính Maia cũng đã phải nếm mùi ghen tuông và đau khổ. Maia đã từng phát điên lên vì ý nghĩ rằng người yêu của mình còn thuộc về ai đấy.
Thiếu tình yêu của em
thì anh
không có biển...
Thiếu tình yêu của em
thì anh
không có mặt trời
mà anh không biết em ở đâu và em ở với ai.
Giá mà em làm khổ nhà thơ nào như thế
thì thi sĩ
sẽ đổi em yêu lấy danh vọng và tiền
còn anh
không một tiếng vang nào vui sướng
ngoài tiếng vang của cái tên em.
Và anh sẽ không lao vào khoảng không
sẽ không uống vào thuốc độc
và cò súng vào thái dương không bóp.
Trên người anh
thiếu cái nhìn của em
không một lưỡi dao nào sắc được.

Có lẽ chưa từng có nhà thơ Nga nào viết những dòng thơ tình cuồng nhiệt như thế về phụ nữ như Maia viết về Lilya của mình.
Trong bức thư đề ngày 26-10-1921, Maia viết cho Lilya: “Anh buồn, anh nhớ em, anh đứng ngồi không yên (đặc biệt là hôm nay!) và anh chỉ nghĩ về em. Anh không đi đâu cả, anh cúi mình hết góc này sang góc khác, nhìn vào cái tủ trống không – anh hôn lên những bức ảnh, những dòng chữ của em. Anh gào lên thường xuyên và bây giờ đang gào lên như vậy. Anh không muốn để cho em quên anh! Không có gì buồn bã hơn cuộc đời thiếu em. Đừng quên anh nhé, anh yêu em một triệu lần hơn tất cả những người còn lại. Anh không muốn nhìn thấy ai, không muốn nói chuyện với ai ngoài em. Ngày vui nhất trong cuộc đời anh sẽ là ngày em đến. Hãy yêu anh. Em hãy nghỉ ngơi, nhớ giữ mình và hãy viết cho anh em có cần một thứ gì không? Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em Hôn em. Anh của em”.
Bảy năm sau, Lilya cảm thấy quá mệt mỏi vì một tình yêu cuồng nhiệt còn Maia thì xin Lilya tha thứ cho mình vì một tình yêu không thể cưỡng lại được. Nhưng những lời van xin đã không làm cho tình sống lại. Năm 1922 Lilya có một mối tình mới, Maia vẫn yêu Lilya như vậy nhưng buộc phải làm lành, hai người giữ một tình cảm nhẹ nhàng hơn. Thời gian này Maia có nhiều chuyến đi sang Tây Âu và châu Mỹ.
Trong chuyến sang Paris mùa thu năm 1928, để cho Maia vơi bớt đi nỗi buồn, Elsa (người một thời cũng từng yêu Maia) đã làm quen Maia với một người đẹp Paris gốc Nga, người mẫu của hãng thời trang Chanel – Tatyana Yakovleva. Đây là mối tình thứ ba in đậm trong sáng tác của Maia qua hai bài thơ “Bức thư gửi đồng chí Kostrov từ Paris về bản chất của tình yêu” và “Bức thư gửi Tatyana Yakovleva”. Cả hai bài thơ này mang một tâm trạng mới, không có những lời thở than buồn bã mà chỉ có niềm vui hạnh phúc của một tình yêu được đáp lại.
Với chúng tôi
tình yêu
không phải vườn địa đàng
với chúng tôi
tình yêu
rú lên tất cả
những gì lại
làm cho máy nổ
chiếc máy
đã ngủ yên ở giữa con tim...
... ... ... ... ... ... ... ... ...
tình yêu gào lên
tình yêu đơn giản
của người trần.
Bão giông,
lửa,
nước
có mặt trong tiếng thì thầm…

Tình yêu với Tatyana Yakovleva là nguồn cảm hứng bất tận cho Maia viết ra những tuyệt tác của tình yêu như vậy. Sau này Tatyana Yakovleva hồi tưởng rằng ngay trong lần gặp đầu tiên nàng đã say mê, còn Maia thì vô cùng ngạc nhiên khi thấy Tatyana thuộc lòng nhiều bài thơ của mình. “Quả thực, tôi không nghĩ là Maia yêu vì thơ, chỉ đơn giản là vì tôi rất đẹp và tôi đã quen với việc người ta yêu mình…” Còn trong bức thư gửi cho mẹ của mình, Tatyana viết: “Con gặp anh ấy hàng ngày và rất thân với anh ấy. Nếu như con đã từng đối xử rất thân mật với những người hâm mộ thì trước hết là với anh ấy vì tài năng. Nhưng còn nhiều hơn là vì thái độ ân cần rất cảm động của anh ấy đối với con. Đấy là người đàn ông đầu tiên biết cách để lại trong lòng con dấu vết…” Sau chuyến đi Nice, Maia trở lại Paris gần hai tháng, hai người lại thường xuyên gặp gỡ. Gần đến ngày phải quay về nước Nga, Maia đã cố gắng thuyết phục Tatyana làm lễ cưới nhưng Tatyana yêu cầu để cho nàng một thời gian suy nghĩ thêm. Mặc dù Tatyana còn lưỡng lự, trong tình yêu của họ vẫn còn vật cản gì đó nhưng Maia vẫn tin tưởng rằng cuối cùng tình yêu sẽ chiến thắng.
Em đừng nghĩ rằng
nheo mắt đơn giản thế
cái nheo mắt này
uốn thẳng những vòng cung.
Em hãy đi lại đây
hãy ngã vào lòng
ngã vào vòng tay của tôi
to rộng và thô kệch.
Em không muốn ư?
Thì đứng đó mà chịu rét
và điều này
là sự sỉ nhục
cho cả hai người.
Dù sao
thì tôi
cũng sẽ có lúc
đem theo em chỉ một
hoặc cả hai người với Paris.

Lilya Brick không hề thích những dòng thơ như vậy. Và cũng không biết có đúng không, nhưng người ta cho rằng Lilya đã cố tình cản trở Maia trong lần định quay lại Paris để làm lễ cưới với Tatyana (Maia không được cấp thị thực xuất cảnh trong lần này). Lilya đã không còn yêu Maia nhưng vẫn muốn suốt đời hành hạ, suốt đời làm cho Maia đau khổ và mãi mãi là Nàng Thơ duy nhất của Maia. Khi Maia quay trở lại nước Nga thì ở Paris có ngài bá tước Plessy bắt đầu tìm hiểu Tatyana. Gia đình của Tatyana đã thuyết phục nàng và sau một thời gian chờ đợi, lưỡng lự, Tatyana đã đồng ý lấy ngài bá tước.
Nhận được tin Tatyana đã lấy chồng qua bức thư của Elsa gửi cho Lilya, Maia cảm thấy vô cùng trống vắng và buồn bã. Nhiều năm sau đó, Tatyana đã nói về Maia như thế này: “Anh ấy hiểu rằng, đối với tôi, anh ấy không chỉ là một người nổi tiếng. Tôi lớn lên trong môi trường của những người nổi tiếng. Những nghệ sĩ, những họa sĩ, những nhà văn, nhà thơ. Thí dụ, họa sĩ Manet còn nổi tiếng hơn cả Maia. Chỉ đơn giản là vì tôi thích anh ấy. Và như một người đàn ông, một thi sĩ, người mà tôi luôn luôn hiểu biết và yêu mến…”
Nữ họa sĩ Lavinskaya viết: “Ở con người như thế thiếu một nơi chốn có bàn tay âu yếm của người vợ, người bạn thân để giải thoát dù chỉ một ít khỏi bản thân mình…” Maiakovsky từng hy vọng tìm ra một người như thế ở Tatyana Yakovleva nhưng than ôi… mộng ước đã không thành!
Mối tình cuối cùng của Maia là tình yêu với nữ nghệ sĩ Veronica Polonskaya.
Yêu? không yêu? tôi làm hỏng bàn tay
những ngón trên bàn tay này gập lại
để đoán xem trong tháng năm này
những vành hoa nở từ hoa cúc dại
... ... ... ... ... ... ... ... ...
Đã sang giờ thứ hai, em phải đi nằm
Dải Ngân hà trong đêm ngời Con mắt bạc
Anh không vội vàng bằng những bức điện hỏa tốc
Để đánh thức em và làm em lo lắng chẳng làm chi

Veronica yêu Maia nhưng vẫn sợ Lilya, sợ mối ràng buộc rất bền chặt giữa hai người. Veronica thường hỏi Maia về thái độ của Lilya. Tình yêu giữa Maia và Veronica cũng chỉ mới dừng lại ở những cuộc giằng co muôn thuở của tình: chàng đòi hỏi – nàng không đồng ý. Nàng đòi hỏi – chàng không đồng ý. Veronica nhớ lại một buổi sáng Maia tiễn nàng đến nhà hát, trên đường đi Maia nói nhiều về cái chết. Veronica đòi Maia hãy quên đi những ý nghĩ rồ dại thì Maia trả lời: “… anh đã xua đi những ý nghĩ như vậy. Anh hiểu rằng, không thể làm điều này là vì mẹ. Ngoài ra chẳng có một ai cần đến anh”.
Ngày cuối cùng của cuộc đời, trước khi tự sát, Maia không cho Veronica ra khỏi nhà mình. Veronica giải thích rằng cần phải đến nhà hát và cần nói chuyện với người chồng cũ trước khi chuyển đến ở với Maia nhưng Maia dứt khoát hoặc là ngay lập tức hoặc là không cần gì cả. Hai người chia tay nhau. Maia* hôn Veronica, bảo nàng đừng bận tâm lo lắng và đưa tiền cho Veronica đi tắc xi. Vừa bước ra khỏi nhà, chưa ra đến cổng thì Veronica đã nghe vang lên tiếng súng. “Đôi chân của tôi khuỵu xuống, tôi kêu lên và chạy khắp hành lang”. Nhưng khi hãy còn chưa tản đi làn khói, Veronica đã bước vào nhà nhìn thấy “Vladimir nằm trên thảm, đôi bàn tay giang rộng. Trên ngực có một vết máu nhỏ”.
Trong bức thư để lại, viết trước khi chết hai ngày và đề “Gửi tất cả” nhà thơ lần cuối cùng nói về tình yêu: “Về cái chết của tôi xin đừng buộc tội cho ai cả và, hãy làm ơn đừng thêu dệt chuyện. Người đã quá cố không hề yêu điều này…
Như người ta thường nói: vụ rắc rối qua mau
con thuyền tình đã vỡ ra tan tác
Tôi với cuộc đời không còn nợ gì nhau
Và cũng chẳng cần chi danh mục
của những giận hờn và bất hạnh, đớn đau”…

Những câu thơ này trong “Bài thơ viết dở”, sau đó được Maia dùng lại trong bức thư tuyệt mệnh kia, thay đi ba từ, đã nói lên rất nhiều điều về sự đam mê, về một tâm hồn cô độc, về cuộc đời tuyệt vời nhưng đầy bi kịch, về con thuyền tình chở đầy cái hiện thực của những mộng ước không thành…
Tất nhiên là hãy còn một câu hỏi: đâu là nguyên nhân của cái chết? Ai là người có lỗi trong cái chết của Maiakovsky? Điều này thì người viết bài này không biết được, mà cũng không có ý định viết ra ở bài giới thiệu ngắn ngủi này. Nhưng thiết nghĩ, đọc đến đây, bạn đọc đã có thể tự mình phán xét. Đã từng có những bài viết, có cuốn sách được dịch ra tiếng Việt về cuộc đời và tình yêu của Maiakovsky. Chúng tôi chỉ có một mong muốn là qua bài giới thiệu, bạn đọc sẽ dễ hiểu hơn khi đọc tập thơ này. Thế thôi.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Vladimir Maiakovsky. ĐÁM MÂY MẶC QUẦN - 16.11.2007 13:45:28
 
Tetraptikh(1)

(Lời nhập đề)

Ý nghĩ của các người
mơ màng trong đầu óc chơi vơi
như người hầu trên đi-văng có đầu gối
tôi sẽ trêu chọc về con tim máu xối
xấc xược, chua cay cho thỏa thuê lòng.

Tôi đây, không một sợi tóc bạc trong hồn
và vẻ dịu dàng, già nua không hề có!
Cuộc đời bao la, giọng nói này vạm vỡ
và tôi bước đi
chàng trai hai mươi hai tuổi trẻ trung.

Hỡi những người dịu dàng!
Các người đem tình yêu đặt lên cây vĩ cầm.
Còn kẻ thô bạo đặt tình yêu lên trống.
Nhưng tự mình, các người không xoay, không vặn
để nơi nào cũng sẽ gặp môi hôn

Hãy đi đến đây mà học cho mình
vẻ đàng hoàng, trang trọng
một công chức có dòng dõi trâm anh.

Và người mà bờ môi lặng lẽ giở từng trang
như đầu bếp mở cuốn sách dạy nghề nấu bếp.

Nếu các người muốn
tôi sẽ trở nên điên cuồng
và, đổi sắc thái như trời xanh –
nếu các người muốn
tôi sẽ vô cùng dịu dàng, đằm thắm
không phải đàn ông, mà – đám mây mặc quần!

Tôi không tin rằng có một Ni-xơ(2) hoa hồng!
Mà tôi lại tán dương, ca tụng
những đàn ông nằm lâu như bệnh viện
và những đàn bà mòn như một cách ngôn.

1

Các người sẽ nghĩ rằng: điều mê sảng gì chăng?

Điều này đã từng có
ở thành phố Odessa(3).

“Em sẽ đến lúc bốn giờ” – cô Maria bảo thế
Tám giờ.
Chín giờ.
Mười giờ.

Và buổi chiều
đi vào đêm ghê sợ
giã từ khung cửa sổ
buổi chiều chau mày
buổi chiều tháng mười hai.

Sau tấm lưng già nua khanh khách cười
những chiếc đài cắm nến.

Tôi bây giờ có lẽ các người không thể nhận:
một sinh vật gầy nhom
nức nở kêu rên
và giật mình, quằn quại.
Còn muốn được gì cái hình thù như vậy?
Thế mà nó còn muốn nhiều thứ mới kinh!

Bởi vì không quan trọng cho mình
những gì bằng đồng thiếc
rằng con tim – cục sắt tây lạnh ngắt.
Trong đêm khuya mong tiếng của riêng mình
cất giấu vào những gì đó dịu êm
những gì đó thuộc về phụ nữ.

Và đây
cái hình thù đồ sộ
còng lưng bên cửa sổ
trán tỳ kính ép vào.
Liệu có còn không tình yêu?
Tình yêu ra sao –
tình yêu to hay bé?
Lấy đâu ra tình yêu to ở cái xác to như thế:
thực ra chỉ cần be bé
và trầm lặng một người tình.
Tình yêu tránh tiếng còi ô-tô ầm vang.
Và chỉ thích tiếng chuông xe ngựa.

Và còn điều này nữa
khi chúi đầu vào cơn mưa
lấm chấm rỗ hoa
tôi đợi, tôi chờ
tiếng ầm ầm của sóng.

Nửa đêm đánh dấu lên dao
rồi đuổi theo
và cắt
đấy – người yêu!

Giờ thứ mười hai đổ xuống
như cái đầu rơi từ đoạn đầu đài.

Trong kính những giọt mưa xám xịt
đã từng rất quen biết
vẻ cau có những hình thù
có vẻ như đang tru
trong nhà thờ Đức Bà Paris những con quái vật(4).

Hỡi người đáng nguyền rủa nhất!
Những điều này còn chưa đủ đầy chăng?
Sắp tới đây miệng sẽ kêu lên.
Và tôi nghe rõ:
rất lặng lẽ
như người bệnh từ trên giường
nhảy xuống bực mình.
Và đây –
đầu tiên chỉ đi qua
vất vả, nhọc nhằn
sau đó chạy hộc tốc
và hồi hộp
rất rõ ràng.
Bây giờ hắn và hai người mới khác
đánh dấu tuyệt vọng bước chân.

Lớp vữa trát dưới tầng thấp đổ xuống.

Những kẻ bực mình –
cả to
cả bé
có nhiều vô cùng! –
dữ dội cuồng điên
và những kẻ bực mình bây giờ đã
khuỵu xuống những bàn chân!

Còn đêm đang thả rêu khắp phòng
từ rêu không giãn ra đôi mắt thờ thẫn.

Những cánh cửa bỗng nhiên lại đóng
có vẻ gì đấy trong khách sạn
thấy run rẩy làm sao.

Em bước vào
đột ngột, bất ngờ
găng tay da tháo vội
rồi em nói:
“Anh biết không
em sắp đi lấy chồng”.

Thì, em cứ đi lấy chồng.
Chẳng sao đâu.
Anh rồi qua được.
Em thấy đấy – anh không hề tức ngực!
Anh giống như mạch đập
của người đã yên giấc ngủ nghìn năm.
Em còn nhớ không?
Em đã từng nói rằng:
“Jack London(5)
dục vọng
tình yêu
tiền bạc” –
còn anh chỉ nhìn thấy một
em là Gioconda(6)
cần lấy cắp!
Và thế là người ta lấy mất.

Giờ kẻ đang yêu lại bước vào trò chơi
lửa bừng lên trên bờ mi gấp khúc.
Thôi được!
Và trong ngôi nhà đã cháy thành tro
đôi khi vẫn sống những đứa bé không nhà!

Các người có chọc tức không?
“ít hơn một xu của kẻ bần hàn
các người có thừa châu ngọc”.
Các người còn nhớ không
rằng Pompeii(7) bị vùi lấp
khi chọc tức núi lửa Vesuvio!

Ê!
Những quí ông kia!
Những người ưa
phạm thánh
và tội trọng
lò sát sinh –
mà điều kinh khủng
là đã nhìn
gương mặt của tôi
khi mà
tôi
hoàn toàn yên lặng?

Và tôi cảm nhận
“tôi”
đối với tôi bé bỏng.
Ai đấy từ trong tôi ngang nhiên chạy trốn.

Alô!
Ai đầu dây thế?
Mẹ à?
Mẹ!
Con trai của mẹ ốm thật là hay!
Mẹ à!
Trong tim anh ta lửa cháy.
Mẹ hãy nói cho các cô em gái
rằng anh ấy không còn trốn thoát được đâu.
Mỗi lời nói
ngay cả chuyện bông lơn
phun ra từ mồm anh ấy
giống như con đĩ trần truồng
chạy ra từ lầu xanh đang cháy.
Rồi mọi người ngửi thấy
mùi khét bốc lên!
Người ta đang đun ai đấy.
Những kẻ tuyệt trần!
Trong mũ sắt!
Kẻ thợ vườn không nên!
Hãy nói cho những kẻ đang đun
đi vào con tim cháy bừng trong ve vuốt.
Tôi tự mình.
Những đôi mắt như thùng chứa tôi lăn.
Ô, những xương sườn hãy đưa cho chỗ dựa.
Tôi bước lên! Bước lên! Bước lên! Bước lên!
Rồi người ta sụp đổ.
Không rời khỏi con tim!

Trên gương mặt sạm đen
Từ đôi môi nứt nẻ
Một nụ hôn rồi sẽ xông lên.

Mẹ à!
Con không sao hát được.
Trong nhà thờ những con tim dành cho ban hát!

Những hình thù cháy sém của số và lời
từ cái sọ dừa
như trẻ con từ ngôi nhà cháy.
Nỗi sợ hãi
xâm chiếm cả bầu trời
đưa lên cao chơi vơi
những bàn tay “Lusitania”(8) đang cháy.

Dành cho những người sợ hãi
vẻ yên lặng trong phòng
trăm đôi mắt ráng hồng từ chốn nương thân.
Tiếng reo vui lần cuối –
còn em, dù chỉ nói
rằng đang cháy lên trong tiếng nấc trăm năm.

2

Hãy ca ngợi, biểu dương!
Tôi đâu xứng với những lời vĩ đại.
Lên tất cả những gì đã làm
tôi đặt “nihil”(9)

Không bao giờ
không có gì tôi muốn đọc.
Sách?
Sách mà chi!

Ngày xưa tôi nghĩ rằng sách
được làm ra như vầy:
một nhà thơ đi đến
nhẹ nhàng mở miệng
và kẻ ngố rừng hứng khởi hát lên
xin cứ việc tự nhiên!
Thế mà hóa ra
trước khi đi làm thơ
người ta đi nhiều và suy tư lắm vậy
trong sình lầy của con tim vùng vẫy
con cá dại khờ của sự hình dung.
Một khi mà những âm vận sôi lên
từ tình yêu và chim họa mi như một nồi canh
và đường phố quằn quại trong câm nín
chẳng cần chuyện trò mà cũng chẳng kêu lên.

Những tháp lầu theo kiểu Babilon
ta kiêu hãnh mang lên lần nữa
còn Thượng Đế
thành phố ra đồng
đập vỡ
lời xáo trộn lung tung.

Đường phố lệ rơi, khổ đau im lặng.
Tiếng kêu dựng lên từ giữa yết hầu.
Theo chiều ngang lời mắc trong cổ họng
những xe ngựa gầy gò, những taxi mũm mĩm
lồng ngực quặn đau.

Còn kinh hơn bệnh lao phổi.
Thành phố trùm bóng đêm lên những con đường.

Và khi nào –
dù sao! –
đám đông chen lấn trên quãng trường
xô nhau vào bậc thềm
thiết nghĩ:
trong bài thánh ca của những thiên thần
Chúa bị cướp bóc ra tay trừng trị!

Còn đường phố ngồi xổm kêu ầm ĩ:
“Đi ăn!”

Krupp(10) trang điểm cho phố xá
dữ dội nhíu lông mày
còn trong miệng
của những lời chết phân ra những xác thây
chỉ còn hai kẻ sống và béo mập –
“quân súc vật”
và còn nữa cái gì đây
cứ ngỡ như là “borshch”(11).

Các nhà thơ
khóc lên với nước mắt đầm đìa
xù tóc chạy ra đường phố:
“Biết làm sao tả được cả hai thứ kia
cả tiểu thư
tình yêu
và bông hoa trong sương sớm?”
Mà sau các nhà thơ đang đứng
ma quỉ lẻ một nghìn:
những sinh viên
những gái điếm
những tay thầu khoán.

Hỡi các quí ông!
Xin hãy dừng!
Quí ông không phải là những người mạt hạng
quí ông không thể nào đi ngửa tay xin!

Còn chúng tôi là những người khỏe mạnh
trong từng bước chân
không cần nghe mà giật đứt chúng
chúng
bằng thứ phụ lục không mất tiền
bám vào từng chiếc giường đôi rộng!

Có cần đi hỏi chúng một cách khiêm tốn:
“Anh làm ơn giúp tôi!”
Cầu xin bài ca
về xướng thanh, hùng biện!
Chúng tôi là những người sáng tạo trong những bài ca cháy bỏng –
trong tiếng ồn nhà máy và của phòng thí nghiệm.

Đến như Faust tôi cũng chẳng cần
cảnh huyền ảo của pháo thăng thiên
lướt cùng Mephistophel giữa trời sàn ván ghép!
Tôi biết rằng
cái đinh của chiếc giày tôi ở dưới bàn chân
còn kinh hoàng hơn điều mộng mơ của Goethe(12)!

Tôi đây
có cái miệng vàng mười
cứ mỗi lời của tôi
là linh hồn sinh nhật
đặt tên cho thể xác
tôi xin nói với các người rằng:
một hạt bụi sống dù là nhỏ nhất
giá trị hơn tất cả những gì tôi đã và đang viết!

Xin hãy nghe đây!
Đang rao giảng
đền thờ và những bức tường lặng
Zarathustra(13) của ngày hôm nay!
Chúng tôi đây
với gương mặt như vải trải giường
với bờ môi sệ xuống như chùm đèn
chúng tôi đây
những kẻ trong những trại lao động khổ sai
nơi vàng và rác bao trùm lên bệnh hủi
chúng tôi còn sạch hơn màu thanh thiên của Venice(14) tuyệt mỹ
do mặt trời và nước biển tạo nên!

Chúng tôi cóc cần
cả Homer và Ovidius(15) không có những người
như chúng tôi
trong bệnh rỗ hoa dính đầy bồ hóng.
Tôi biết rằng
mặt trời sẽ tắt nếu nhìn
vào hồn chúng tôi có vàng sa khoáng!

Thớ thịt đường gân – tin tưởng hơn những lời cầu nguyện.
Liệu chúng tôi có cần cầu xin ơn huệ của thời gian!
Chúng tôi
mỗi người
giữ chặt trong bàn tay mình
những dây truyền dẫn của nhiều thế giới!

Ở những giảng đường Golgotha(16)
của Petrograd, Moskva, Kiev, Odessa
không hề có
một người nào
mà không kêu:
“Hãy đóng đinh
hãy đóng đinh vào nó!”
Nhưng với tôi
những con người
và những kẻ từng làm tôi hờn giận
vẫn quí giá hơn và gần gũi với tôi.

Các người đã từng nhìn thấy rồi
con chó hôn bàn tay của người đánh nó?!

Tôi
cười cho bộ lạc hôm nay
như câu chuyện tiếu lâm dài
và hơi tục tĩu
tôi thấy đi qua thời gian con người
mà người này không một ai nhìn thấy.

Ở đâu rồi con mắt của mọi người
Người cầm đầu lũ sói
Trong cuộc cách mạng kết vòng hoa mận gai
Năm 1916 đang dần tới.

Còn tôi là người tiên khu cho người ấy
tôi – ở đâu đau đớn, ở khắp nơi
trong từng giọt nước mắt chảy dài
đóng đinh mình trên cây thánh giá.
Đã không còn gì đáng tha thứ cả.
Tôi đốt những linh hồn, nơi vẻ hiền dịu sinh ra.
Điều này còn khó hơn là chiếm giữ
một nghìn nghìn pháo đài Bastille(17)!

Và khi
người ấy đến
kêu gọi người ta nổi loạn
hãy ra gặp người cứu nạn
và tôi đây
sẽ lôi hồn các người
giẫm xuống
để cho lớn! –
và để cho thấm máu đỏ như cờ.

_____________


(1)Đám mây mặc quần được coi là kiệt tác của Maiakovsky. Bài thơ tình với cảm xúc mãnh liệt đến mức hoang dại. Nhà thơ tạo nên một hình thức mới, một hơi thở mới cho thơ ca Nga bằng việc cắt đứt vần điệu, trộn lẫn ngôn ngữ nói, cách thức biểu đạt thô thiển với những câu thơ mềm mại. Người ta vẫn thường so sánh Maiakovsky với T. S. Eliot (1885-1965) – nhà thơ Anh, nhà cách tân thơ ca Anh-Mỹ nửa đầu thế kỉ XX. Tetraptikh nghĩa là bài thơ có 4 phần.
Ý đồ của trường ca xuất hiện trong năm 1914. Maiakovsky yêu cô Maria Aleksandrovna nhưng tình yêu này không được đáp lại, nhà thơ thể hiện những nỗi cay đắng của mình trong thơ. Tuy vậy, suốt cả trường ca, nhà thơ với vai trò của Sứ đồ thứ mười ba – (tên gọi lúc đầu bị kiểm duyệt thay đổi), là sự tượng trưng của một cuộc cách mạng sắp đến. Trường ca viết xong năm 1915, có 4 phần. Mỗi phần có một ý đồ nhất định. “Đả đảo tình yêu các người”, “đả đảo nghệ thuật các người”, “đả đảo trật tự các người”, “đả đảo tôn giáo các người”. Bốn tiếng kêu “đả đảo” này được dùng làm đầu đề cho 4 phần của tác phẩm” – Maiakovsky viết như vậy trong lời nói đầu của lần in thứ hai.
(2)Ni-xơ (Nice) – thành phố cảng, khu nghỉ mát nổi tiếng của Pháp bên bờ Địa trung hải.
(3)Odessa – thành phố cảng bên bờ biển Đen của Liên-xô cũ, nay là Cộng hoà Ucraina.
(4)Những bức tượng quái vật tưởng tượng.
(5)London, Jack tên thật là John Griffith (1876-1916) – nhà văn Mỹ.
(6)Gioconda (Mona Lisa) – bức họa cô gái với nụ cười bí ẩn nổi tiếng của Leonardo da Vinci (1452-1519). Bức họa này ở bảo tàng Louvre năm 1911 bị ăn cắp.
(7)Pompeii – thành phố cổ La Mã bị núi lửa Vesuvio nhấn chìm (thếkỉ I).
(8)Lusitania – tên một vùng đất cổ nay thuộc Bồ Đào Nha. Tên một tàu thủy chở khách của Anh bị tàu ngầm Đức bắn cháy ngày 7-5-1915 trong chiến tranh thế giới I.
(9)nihil – không có gì (tiếng Latinh).
(10)Krupp – tổ hợp chế tạo máy và luyện kim của Đức, thành lập năm 1811.
(11)Borshch – một loại canh củ cải đỏ của Ukraine.
(12)Goethe, Johann Wolfgang von (1749 – 1832) – nhà thơ Đức, tác giả của “Faust”.
(13)Zarathustra (gần 1000 tr. CN) – nhà tiên tri Ba Tư, người sáng lập đạo thờ Lửa, tác giả của một phần kinh Avesta. Maiakovsky dùng ở đây với nghĩa là người rao giảng sự thật.
(14)Venice (Venezia) – thành phố biển ở miền bắc Italia.
(15)Homer – nhà thơ Hy Lạp cổ đại, được coi là tác giả của “Iliad” và “Odyssey”; Ovidius Naso (43 tr. CN – 18 tr.CN) – nhà thơ La Mã.
(16)Golgotha – tiếng Do Thái nghĩa là sọ dừa, ngọn đồi ở ngoại ô Jerusalem, nơi đóng đinh Chúa Giê-su Christ trên cây thập tự. Những giảng đường Golgotha là nói về những chuyến đi của nhóm Vị lai đến các thành phố lớn để cổ xúy cho trường phái này nhưng thường là những vụ xì căng đan.
(17Bastille – pháo đài ở Paris được xây dựng từ thế kỉ 14. Ngày tấn công pháo đài Bastille 14-7-1789, mở đầu cuộc Cách mạng Pháp, được coi là ngày lễ lớn chính thức của Pháp.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Vladimir Maiakovsky. ĐÁM MÂY MẶC QUẦN - 16.11.2007 13:52:29
3

Mà có để làm gì
chẳng hiểu từ đâu mà có
giữa sáng sủa và vui vẻ
nắm đấm bẩn giơ lên!

Ý nghĩ về nhà thương điên
nảy ra trong đầu
che đi điều tuyệt vọng.

Và –
như tàu Dreadnought(18) bị đắm
vì chuột rút trong hồn
nhảy xổ vào nắp cống –
xuyên qua đôi mắt rách của mình
rồi kêu lên
Burlyuk(19) trở nên điên loạn.
Đôi mắt hầu như máu bẩn
trèo ra
đứng dậy
bước đi
với vẻ dịu dàng, bất ngờ trong con người béo
cầm lấy và bảo:
“Tốt thôi!”
Khi mà linh hồn người
trong áo vàng cho khỏi ai xét khám!
Tốt lắm
khi ném vào lưỡi dao của đoạn đầu đài
và kêu:
“Cacao Van Houten(20) hãy uống!”

Và trong phút giây
của Bengal này
to lớn
tôi chẳng cần giao hoán
vì thứ gì…

Từ khói thuốc
sau chén rượu vang
khuôn mặt người phương Bắc dài ngoằng.
Sao các người gọi là nhà thơ cho được
kẻ xám xịt, ríu rít như chim cút!
Hôm nay đây
cần thiết
bằng đĩa sắt
cắt cuộc đời trong cái đầu lâu!

Các người
chỉ lo có mỗi điều này –
“không biết mình nhảy có đẹp”
hãy xem tôi chơi bời
tôi –
kẻ sống nhờ người khác
kẻ gian lận trong cờ bạc.
Tôi tránh các người
những kẻ ướt sũng vì luyến ái
tránh những người
vào trăm năm nước mắt tuôn chảy
tôi đi khỏi các người
kính một mắt che mặt trời
tôi đặt vào đôi mắt rộng mở.

Ăn mặc rất đàng hoàng
tôi bước đi trên đất
để cho người ta thích và để đốt
còn phía trước
dắt Napoleon(21) như một chú chó con.
Cả mặt đất như một phụ nữ nằm
thân cựa quậy, dù sẵn sàng qui phục
sống lại những đồ vật
những bờ môi tiên tri
lập bập:
“tsa, tsa, tsa!”

Bỗng đột ngột
những đám mây đen
và mây khác
tròng trành giữa trời xanh
có vẻ như giờ tan tầm những công nhân áo trắng
tuyên bố với trời xanh về cuộc đình công lớn.
Tiếng sấm từ những đám mây gào lên
những lỗ mũi to sụt sùi liên tục
và khuôn mắt bầu trời bỗng chốc cong vênh
như cái nhăn mặt của ngài Bismarck.(22)
và có ai đấy
lẫn lộn trong mây
hướng về quán cà phê bàn tay
và có vẻ như phụ nữ
vẻ dịu dàng có vẻ
có vẻ như những khẩu súng thần công.

Các người sẽ nghĩ rằng
đấy là mặt trời dịu dàng đằm thắm
run trên đôi má quán cà phê?
Đấy là người ta bắn vào những người nổi loạn
tướng Galliffet(23) rồi sẽ đến.

Hãy rút những bàn tay ra khỏi túi quần
cầm lấy đá, dao hoặc bom
còn nếu ai bàn tay không có
thì hãy dùng trán đánh, bước lên!
Hãy xuống đường những ai đói khát
những kẻ đổ mồ hôi
những người bị khuất phục
bị quăng như bọ chét!
Hãy bước xuống đường!
những ngày thứ ba, thứ hai
bằng máu trang hoàng cho ngày lễ!
Để cho mặt đất dưới những con dao sẽ nhớ
muốn tầm thường hóa những ai!

Cho mặt đất
thỏa thuê như một người tình
người yêu của ngài Rothschild(24)!
Để cho những lá cờ sau từng loạt súng sẽ bay phần phật
như trong một ngày lễ đàng hoàng
hãy giơ cao hơn những cái cột đèn
thây đầm máu những chủ kho lương thực.

Đã từng chửi mắng
đã cầu khẩn van xin
đã cắt
đã leo bên sườn
bám vào ai đấy.

Giữa trời, đỏ như bài ca Mác-xây-e
hoàng hôn rùng mình đã chết.

Đấy là chứng bệnh cuồng điên.

Sẽ chẳng có gì hơn.

Và đêm
đến lót dạ
rồi ăn.
Các người có thấy chăng –
bầu trời lại xét đoán
sự phản bội của những ngôi sao gặm nhấm?

Đêm đến
dự tiệc Mamai(25)
ghé mông lên thành phố.
Bằng mắt đêm này ta không đập vỡ
như kẻ khiêu khích Azef(26), đêm đen!

Tôi giật mình bước vào quán rượu
đổ rượu vang lên khăn trải, lên hồn
và tôi nhìn:
trong góc – những đôi mắt tròn –
những đôi mắt trong con tim Đức Mẹ.
Ngươi ban gì cho hình khuôn cẩu thả
của đám đông!
Ngươi có thấy – lại là
Kẻ bị thóa mạ ở Golgotha
Người ta ưa thích Barabbas(27) hơn cả?
Có thể là tôi đây cố ý
trong chất hỗn tạp con người
gương mặt chẳng mới hơn ai.
Tôi
có thể
là người đẹp nhất
trong những đứa con của Ngươi.
Ngươi hãy cho những ai
héo hon trong niềm vui
cái chết thời gian mau đến
để trở thành những đứa trẻ cần phải lớn
thành những ông bố – những đứa con trai
những đứa con gái – sẽ được mang thai
và trẻ sơ sinh hãy cho khôn lớn
thành những thầy tu hiếu kỳ tóc trắng
và chúng sẽ đến đây
những đứa trẻ sẽ được làm phép thánh
bằng những cái tên của thơ tôi.

Nước Anh và máy móc tôi sẽ ngợi ca
có thể đơn giản là
trong cuốn Phúc âm bình thường nhất
tôi là sứ đồ thứ mười ba.
Và khi đó giọng của tôi
kêu lên thô tục
theo thời gian nối tiếp
suốt cả ngày đêm
có thể, Chúa Giê-su Christ ngửi thấy
linh hồn của tôi sẽ không quên.

4

Maria! Maria! Maria!
Cho anh vào nhà Maria!
Anh không thể đứng ngoài đường phố
Em không muốn ư?
Em chờ
cho tóp vào đôi má
thử thách qua tất cả
nhạt phèo
anh đi đến đây
như người không răng nói đớt
rằng hôm nay anh
“vô cùng trung thực”
Maria
em thấy không
anh đã bắt đầu cúi gập.

Ngoài đường phố
những người béo mập rách trong những bướu cổ bốn tầng
lòi ra những đôi mắt
bơ phờ trong trận đòn của bốn mươi năm –
họ khúc khích cười
rằng trong răng của anh đây
– lại! –
chiếc bánh quỉ của âu yếm hôm qua.
Mưa tuôn trên đường phố
kẻ gian lận ép vào như đồng cỏ
ẩm ướt liếm lên đá vỡ trên đường
còn trên những bờ mi trắng xóa –
vâng! –
trên những bờ mi băng giá
từ những đôi mắt lệ tràn
vâng! –
từ những đôi mắt ống nước.
Những người đi bộ mưa quất lên mặt
những võ sĩ lực điền vạm vỡ nối đuôi nhau
người ta rạn nứt
đi xuyên qua
lớp băng non rỉ ra qua vết rạn
dòng sông đục từ đoàn người chảy xuống
cùng với chiếc bánh mì trong miệng
một sinh vật đã già.

Maria!
Biết làm sao nhét vào tai một lời lặng lẽ?
Con chim
xin lời hát
rồi hót lên
đói khát và ngân vang
còn anh là người Maria ạ
con người giản dị
vào bàn tay bẩn từng đêm khạc nhổ
nhạt nhèo và vô vị.
Em có muốn một người như thế Maria?
Maria, hãy cho anh vào nhà!
Anh bóp những ngón tay vào cổ sắt
tiếng vang ra!

Maria!

Bãi rộng trên đường trở nên giận dữ
những ngón tay đè lên cổ trầy da.

Hãy mở cửa ra!

Đau đớn quá!

Em hãy nhìn –
mắt đâm vào chiếc kim băng trên mũ!

Thế là em cho anh vào nhà.

Này em!
đừng có sợ
rằng anh đây trên cổ
mồ hôi phụ nữ ướt đầm
đấy là đi qua cuộc đời anh mang
hàng triệu tình yêu sạch sẽ và to lớn
triệu triệu tình yêu nhỏ nhắn và vấy bẩn.
Đừng sợ nghe em
rằng bây giờ lại
buổi tiết trời thay đổi
anh ngã vào một nghìn gương mặt dễ thương kia
“những người yêu Maiakovsky” –
đấy là cả một triều đại
những bà hoàng trong tim của một kẻ điên.
Maria, em hãy lại gần thêm!
Trong sự bạo dạn trần truồng
trong run rẩy sợ hãi chăng
nhưng hãy cho anh hôn bờ môi em tuyệt đẹp:
anh với con tim chưa một lần đến tháng năm sống được
còn trong cuộc đời đã sống qua
chỉ là tháng tư thứ một trăm em à.
Maria!

Nhà thơ đọc thơ cho Tyana(28)
còn anh
tất cả bằng thịt bằng xương
anh là người thịt mắt trần mà lỵ
thân thể em anh cầu xin giản dị
như những người theo đạo vẫn cầu xin –
“hãy cho chúng con
đồ ăn cả ngày đầy đủ”.

Maria – cho anh chứ!

Maria!
Tên của em anh sợ quên
như nhà thơ sợ quên
một điều gì đó
sinh ra trong đau khổ hằng đêm
vĩ đại như là Thượng Đế.
Thân thể của em
anh yêu mến và giữ gìn
như người lính
trong cuộc chiến tranh
không có một ai cần
và không của một ai hết cả
sẽ gìn giữ bàn chân duy nhất của mình.
Maria –
em có muốn không?
em không muốn hả!

Ha!

Có nghĩa là – lại
tăm tối và buồn
tôi mang trong tim
đầy nước mắt
mang
như con chó
ở trong chuồng
giữ bàn chân
bị đoàn tàu cán đứt.
Tôi mừng vì máu con tim
dính như hoa bụi áo.
Mặt trời nhảy một nghìn lần
bằng điệu nhảy của con gái nàng Herodias(29)
còn mặt đất – cái đầu của Thánh Giăng.
Và khi tất cả tháng năm
của tôi đi về điểm cuối –
bằng triệu giọt máu tươi, sẽ nối
vệt hướng về ngôi nhà của bố tôi.

Tôi trèo
bẩn (vì ngủ đêm trên rãnh cống)
tôi kề vai sát cánh
rồi tôi cúi xuống
và nói vào tai Ngài
– Hãy nghe này Đức Chúa Trời!
Sao Ngài không thấy chán
trong những đám mây hờ hững
hàng ngày chấm những đôi mắt béo phì?
Có khi là
ta làm một vòng ngựa gỗ
ở trên cây biết điều thiện và điều dữ!
Ngài có mặt khắp nơi ở chốn trần gian
và những lỗi lầm ta sẽ đặt lên bàn
để cho Thánh Peter(30) u ám
dập dìu điệu nhảy ky-ka-pu(31) sẽ muốn.
Còn ở thiên đàng ta lại đặt nàng Eva(32)
xin Ngài hãy lệnh cho
ngày hôm nay khi đêm đến
khắp mọi đường phố những cô gái xinh như mộng
tôi sẽ mang đến cho Ngài.
Ngài có muốn không?
Hay là không muốn vậy?
Ngài lắc lư cái đầu, râu tóc rối?
Chau lông mày bạc phơ?
Ngài nghĩ là –
Cái này
sau Ngài, có cánh bay
sẽ biết rằng tình yêu là như thế đó?
Tôi cũng từng là thiên thần
mắt nhìn như chú cừu non
nhưng không còn muốn tặng cho những con ngựa cái
từ nỗi đau khổ của những chiếc bình.
Ngài đã từng nghĩ
ra đôi bàn tay
đã cho mỗi người có cái đầu
thì tại sao Ngài không nghĩ
để cho không còn đau khổ
để chỉ hôn, hôn, và hôn?!
Tôi vẫn nghĩ rằng – Ngài vô cùng mạnh mẽ
hóa ra chỉ là kẻ trí thức nửa mùa, nhỏ bé.
Ngài có thấy, tôi còng lưng
vì cái ống bốt chân
tôi lấy con dao con.
Những kẻ ba que xỏ lá
Cứ ở chốn thiên đàng
cứ việc xù lông trong sợ hãi!
Mùi trầm hương tôi sẽ mở ra
từ đây cho đến Alaska(33)!

Hãy cho tôi bước vào nhà!

Các người không dừng tôi được.
Tôi dối gian
hay là sự thật
nhưng tôi không thể lặng yên hơn.
Các người hãy xem –
những ngôi sao lại xử trảm
và bầu trời càng đau đớn!
Ê, các người!
Bầu trời!
Hãy bỏ mũ xuống!
Tôi bước đi!

Điếc nặng.

Cả hoàn vũ ngủ yên
đặt bàn chân
với những ve sao một đôi tai lớn.
1914-1915
______________

(18)Dreadnought (không biết sợ) – tên một loại tàu chiến của Anh.
(19)Burlyuk, David Davidovich (1882 – 1967) – nhà thơ Nga, một trong những người sáng lập phái vị lai.
(20)Van Houten – một loại ca cao của Hà Lan. Có một thực tế: kẻ bị tử hình vì gia đình đã đồng ý kêu lên trước khi chết: “Hãy uống ca cao Van Houten!”.
(21)Napoleon I Bonaparte (1769 – 1821) – hoàng đế Pháp.
(22)Bismarck, Prince Otto Eduard Leopold von (1815 – 1898) – nhà chính trị Đức.
(23)Galliffet, Gaston-Alexandre-Auguste (1830 – 1909) – vị tướng Pháp, một trong những đao phủ của Công xã Paris 1871.
(24)Rothschild, Mayer Amschel (1743 – 1812) – nhà tư bản tài chính Đức.
(25)Mamai (? – 1380) – tướng Nguyên Mông Tác-ta. Thời xưa những vị tướng Nguyên Mông thường uống rượu mừng thắng lợi, ngồi trên những tấm ván đặt trên xác tù binh.
(26)Azef, Evno Fishelevich (1869 – 1918) – thủ lĩnh đảng xã hội cách mạng Nga.
(27)Barabbas – tên tội phạm bị xử cùng Đức Chúa Giê-su Christ ở Golgotha nhưng đám đông đã yêu cầu quan tổng đốc tha cho Barabbas mà chỉ đóng đinh Giê-su Christ (Tân ước_Ma-thi-ơ 27: 15-23).
(28)Tyana – tên một nhân vật nữ trong một bài thơ cùng tên của nhà thơ Igor Severianin (1887 – 1941).
(29)Herodias – mẹ của Salome. Salome là một cô gái xinh đẹp và quyến rũ. “Trong ngày sinh nhật vua Herod nàng đã nhảy múa giữa những người dự tiệc làm vua rất thích và hứa sẽ cho nàng điều chi nàng muốn. Nàng Salome, theo lời xui của mẹ, bảo vua rằng nàng muốn cái đầu của Giăng Báp-tít (John the Baptist). Vua rất buồn nhưng vẫn sai chém đầu Giăng như nàng yêu cầu…” (Tân Ước_Ma-thi-ơ 14: 6-11). Nàng Salome đã nhảy quanh cái mâm có đặt cái đầu lâu của Giăng Báp-tít.
Hai câu thơ trên đây của Maiakovsky nói về một sự tích trong Kinh Thánh. Trước Maiakovsky đã có nhiều ngưòi khai thác sự tích này. Nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch Oscar Wilde (1854 -1900) chuyển sự tích này thành vở kịch Salome nổi tiếng thế giới. Trong vở kịch này nàng Salome có phần đam mê mãnh liệt hơn, mọi tình tiết cũng phức tạp và gay cấn hơn. Giăng là một vị Thánh, xa lạ với những quyến rũ thân xác của phụ nữ nên ông thẳng thừng từ chối… Nhưng Salome không chịu đầu hàng: đã không chiếm đoạt được người tình bằng xương bằng thịt thì vẫn có được người tình, dù là xác chết… Vở kịch này cho thấy một sự ghen tuông, thói đỏng đảnh tai ác của phụ nữ trong tình yêu. Chính nàng Salome của Wilde (chứ không phải của Kinh Thánh) trong suốt hơn một trăm năm nay là nguồn cổ vũ cho rất nhiều nhà đạo diễn, nhiều họa sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn trong sáng tạo của mình.
(30)Thánh Peter (Phi-e-rơ) – môn đệ của Đức Chúa Giê-su Christ, tác giả của 2 lá thư trong Tân ước.
(31)Ky-ka-pu – một điệu nhảy rất thịnh hành thời đó.
(32)Eva – người phụ nữ đầu tiên trong Kinh Thánh, vợ của Adam.
(33)Alaska – bán đảo ở Bắc Mỹ, một bang của Hoa Kỳ.

cacbac
  • Số bài : 412
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.10.2007
RE: Vladimir Maiakovsky. ĐÁM MÂY MẶC QUẦN - 16.11.2007 13:57:13

 
 
LILYA!

Thay cho bức thư

Khói thuốc làm cho đặc bầu không khí.
Căn phòng –
cái đầu lâu nơi âm phủ.
Em còn nhớ
bên cửa sổ này
lần đầu
Anh điên cuồng ve vuốt đôi bàn tay.
Thế mà hôm nay ngồi đây
con tim trơ như sắt đá.
Ngày nữa
em đuổi ra
quở trách, biết đâu mà.
Trong phòng khách mờ tối
bàn tay gãy run lên không xỏ được áo vào.
Anh chạy ra mau
đem xác thân anh quăng ngoài đường phố.
Vẻ hoang dã
và cuồng điên
tuyệt vọng đến vô cùng.
Điều này thì không cần
em yêu ạ
em tốt quá
em hãy cho anh từ giã bây giờ.
Nhưng mà
tình yêu của anh –
một quả cân
quả cân nặng treo trên đầu em đó
dù em có chạy trốn xa gần.
Hãy cho anh tru lên trong tiếng kêu cuối cùng
nỗi đắng cay của những điều hờn giận.
Nếu người ta bắt con bò làm việc nặng
thì nó bỏ đi
đắm mình trong nước lạnh.
Thiếu tình yêu của em
thì anh
không có biển
mà trong tình em không được nghỉ ngơi.
Mong yên lặng, đã mệt mỏi con voi –
uy nghiêm nằm trên cát bỏng.
Thiếu tình yêu của em
thì anh
không có mặt trời
mà anh không biết em ở đâu và em ở với ai.
Giá mà em làm khổ nhà thơ nào như thế
thì thi sĩ
sẽ đổi em yêu lấy danh vọng và tiền
còn anh
không một tiếng vang nào vui sướng
ngoài tiếng vang của cái tên em.
Và anh sẽ không lao vào khoảng không
sẽ không uống vào thuốc độc
và cò súng vào thái dương không bóp.
Trên người anh
thiếu cái nhìn của em
không một lưỡi dao nào sắc được.
Ngày mai đây em sẽ quên
rằng anh đã đăng quang tên em
rằng tâm hồn nở hoa bằng tình yêu anh đốt
và hội hoá trang của những ngày khó nhọc
sẽ làm rối lên những cuốn sách của anh…
Những chiếc lá khô của những lời anh chăng
sẽ bắt buộc anh dừng lại
khao khát thở quá chừng?

Xin em hãy cho anh
dù, bằng vẻ dịu dàng cuối cùng sẽ trải
bước chân đã đi khỏi của em*.
26-5-1916
___________

*Tên của bài thơ này trong nguyên bản tiếng Nga là Lilychka – một cách gọi âu yếm tên Lilya, nhưng vì người Việt Nam ta không có cách gọi như vậy nên chúng tôi để nguyên tên. Đây là Lilya Yurievna Brick (1891 – 1978) – người tình, vợ của Maiakovsky. Tình yêu giữa Maia và Lilya đã thay đổi cuộc đời của cả hai người. Lilya trở thành Nàng thơ và là người dẫn đường của Maia trong nghiệp văn chương (tổ chức gặp gỡ, xuất bản tác phẩm và giải quyết những vấn đề tài chính…). Sau cái chết của Maikovsky, Lilya Brick trở thành người thừa kế chính thức của Maiakovsky.



BỨC THƯ GỬI ĐỒNG CHÍ KOSTROV*
TỪ PARIS NÓI VỀ BẢN CHẤT CỦA TÌNH YÊU


Cho tôi
xin lỗi,
đồng chí Kostrov
với một khoảng rộng bao la
rộng mở trong hồn
rằng một phần
cho Paris đã viết những dòng
cho thơ trữ tình
tôi
xài rất hoang phí.
Xin đồng chí
hãy hình dung
một người đẹp bước vô phòng
người đẹp mặc áo lông
chuỗi hạt cườm trên cổ.
Tôi
cầm tay người đẹp đó
và hỏi rằng:
– tôi nói đúng
hay là không đúng nhỉ? –
Tôi, người đồng chí
đến từ nước Nga
nổi tiếng là một nhà thơ
tôi từng thấy
những thiếu nữ còn xinh hơn thế
tôi từng thấy
những thiếu nữ người thon hơn thế.
Các cô gái
thường rất yêu thi sĩ.
Tôi thì thông minh
và giọng oang oang thế
nói nhảm những chiếc răng
nhưng chỉ
em nghe cho sẵn lòng.
Em chớ nghĩ rằng
tôi nói nhảm
đôi chút tình cảm
của kẻ qua đường.
Tôi đây
muôn thuở
đau vì tình –
nhọc nhằn đến thế.
Với tôi
tình yêu
không đo bằng hôn lễ
tình hết yêu –
tình sẽ bơi đi.
Tôi, đồng chí ạ
quả thực là
nhỏ nước bọt
lên tận nóc.
Đi sâu vào chi tiết làm gì
đôi câu đùa cợt
tôi, người đẹp ạ
không phải hai mươi –
mà là ba mươi…
có lẻ.
Tình yêu
không phải là để cho
sôi lên ầm ĩ
không phải là để đốt
cháy bằng than
mà là thức dậy sau đồi ngực
trên những
mái tóc – rừng.
Yêu –
có nghĩa
là vào giữa sân
chạy
và đến đêm của quạ
lấp loáng ánh rìu
giơ lên chặt bổ
bằng sức mạnh
của mình–
những kẻ yêu đương.
Yêu –
đấy là tấm vải trải giường
nhàu nát vì
những đêm không ngủ
giật tung ra
với Kopernik** ganh tỵ
với ông ấy
chứ không phải chồng của Mari Ivan
hãy coi
là tình địch của mình.
Với chúng tôi
tình yêu
không phải vườn địa đàng
với chúng tôi
tình yêu
rú lên tất cả
những gì lại
làm cho máy nổ
chiếc máy
đã ngủ yên ở giữa con tim.
Các người
sợi chỉ về Mạc Tư Khoa
đã cắt.
Tháng năm –
là khoảng cách.
Biết làm sao
giải thích
cho các người
rằng đấy là khoảng cách?
Trên mặt đất
của ngọn lửa – đến bầu trời…
giữa trời xanh
của sao –
đến quỉ.
Giá mà tôi
đã không là thi sĩ
thì tôi có lẽ
đã trở thành
một vị chiêm tinh.
Quảng trường ầm ĩ sôi lên
những đoàn người di chuyển
tôi bước đi
viết những câu thơ vào quyển
sổ ghi chép của mình.
Những chiếc ô-tô
trên đường phố
lao nhanh
chứ không phải xếp hàng trên mặt đất.
Những người thông minh
hiểu biết:
con người –
trong sự phấn khích.
Một đống hình
và ý tưởng
chất đầy
tận nắp.
Giá mà ở đây
và ở những con gấu
có những đôi cánh để mà bay.
Và đây
với quán ăn nào đó
rẻ như bèo
khi mà
cái này sôi
từ cổ hầu
đến những ngôi sao
lời vút lên
thành mạ vàng một ngôi sao chổi.
Và đuôi
cắt
bầu trời làm ba phần
ánh lên
và cháy bộ lông chim
để cho hai kẻ yêu nhau
vào những ngôi sao sẽ ngắm
và những cuộc chuyện trò
của họ trở nên màu tím.
Để nâng lên
để dắt dìu
và lôi cuốn
bằng mắt nhìn đã mệt mỏi những ai.
Để những cái đầu
hận thù
cưa đổ xuống bờ vai
bằng thanh kiếm
có chuôi dài tỏa sáng.
Tự mình, trong lồng ngực
đến tiếng gõ của ngày cuối tận
như đến cuộc hẹn hò
đứng lặng
rồi lắng tai nghe:
tình yêu gào lên
tình yêu đơn giản
của người trần.
Bão giông,
lửa,
nước
có mặt trong tiếng thì thầm.
Ai có khả năng
kìm nén được lòng?
Có thể, đồng chí?
Đồng chí hãy thử xem…
1928
_____________

*Kostrov (Cô-xtrốp) – biên tập viên báo “Sự thật Thanh niên” thời bấy giờ.
**Kopernik, Nikolai (Copernicus, Nikolaus)(1473 – 1543) – nhà thiên văn học Ba Lan.



BỨC THƯ GỬI TATYANA YAKOVLEVA

Trong nụ hôn lên bàn tay
hay bờ môi
trong cơn run thân thể
những người gần gũi thế
màu đỏ thắm
của những nước
cộng hòa của tôi
cũng cần phải
bừng lên
như lửa cháy.
Tôi không thích
tình yêu theo kiểu Paris:
đem trang điểm người ta
bằng nhung lụa
tôi dún người, chớp mắt
nói
tubo* –
bằng vẻ say mê
phát khùng với chó.
Chỉ một mình em
là cao bằng tôi thôi
em hãy đứng lại gần đây
ngang tầm mắt
em hãy để cho
về cái buổi
chiều này
kể những lời
rất chân tình, thân mật.
Năm giờ
và từ lúc ấy
rừng thông
mơ màng
của những câu thơ
thành phố trở nên
im ắng, hoang vu
chỉ còn nghe
có mỗi
tiếng còi tàu đi Barcelona.
Giữa trời đen
dáng đi của sấm
chớp
chửi nhau trong
vở kịch bầu trời
không phải cơn giông
mà đấy là
chỉ đơn giản
sự ghen tuông đang chuyển động sau đồi.
Em hãy chớ tin
dại dột những lời
đừng nhầm lẫn
sự lung lay, giũ xóc
tôi thắng cương
tôi kìm lòng
kẻ có dòng quí tộc.
Cơn đam mê
như vảy kết trên da
nhưng niềm vui
không hề khô cạn
sẽ rất lâu
và sẽ rất đơn giản
tôi trò chuyện bằng thơ.
Sự ghen tuông
những người vợ
những dòng nước mắt…
những mí mắt sưng
vừa vặn với Vio.
Tôi không tự mình
mà tôi
ghen tỵ cho
nước Nga Xô Viết.
Những miếng vá trên vai
tôi đã nhìn
và hơi thở
của bệnh
ho, lao phổi.
Nhưng dù sao
chúng tôi đâu có lỗi
khi nhọc nhằn
cả một trăm triệu dân.
Chúng tôi
bây giờ
sẽ rất mực dịu dàng
Với môn thể thao
uốn thẳng cho một số
những người như em
ở Mạc Tư Khoa rất cần
những cô gái chân dài
không hề đủ.
Không phải em
vào tuyết
và khói sương
từng đi qua
bằng những bàn chân đó
ở đây người ta
ve vuốt
mơn man
đem vào bữa ăn
của những vua dầu mỏ.
Em đừng nghĩ rằng
nheo mắt đơn giản thế
cái nheo mắt này
uốn thẳng những vòng cung.
Em hãy đi lại đây
hãy ngã vào lòng
ngã vào vòng tay của tôi
to rộng và thô kệch.
Em không muốn ư?
Thì đứng đó mà chịu rét
và điều này
là sự sỉ nhục
cho cả hai người.
Dù sao
thì tôi
cũng sẽ có lúc
đem theo em chỉ một
hoặc cả hai người với Paris.
1928
____________

*Dừng lại, chớ động vào.



BÀI THƠ VIẾT DỞ

I

Yêu? không yêu? tôi làm hỏng bàn tay
những ngón trên bàn tay này gập lại
để đoán xem trong tháng năm này
những vành hoa nở từ hoa cúc dại
Mặc cho râu tóc sợi bạc sẽ tìm ra
Dù ánh bạc tháng năm có nhiều vô thiên lủng
tôi hy vọng và tin rằng muôn đời không đến
cùng với tôi sự thận trọng xấu xa

II

Đã bước sang giờ thứ hai
em cần phải đi nằm
Mà có thể
em là như thế
Anh không vội vàng
bằng những bức điện khẩn
để đánh thức em
và làm em lo lắng
chẳng để làm chi

III

biển đi giật lùi
biển đi ngủ
Như người ta thường nói: vụ rắc rối qua mau
con thuyền tình đã vỡ ra tan tác
Ta đã không còn mắc nợ gì nhau
Và cũng chẳng cần chi danh mục
của những giận hờn và bất hạnh, đớn đau

IV

Đã sang giờ thứ hai, em phải đi nằm
Dải Ngân hà trong đêm ngời Con mắt bạc
Anh không vội vàng bằng những bức điện hỏa tốc
Để đánh thức em và làm em lo lắng chẳng làm chi
như người ta thường nói: vụ rắc rối qua đi
con thuyền tình đã vỡ ra tan tác
Ta hết nợ nần nhau và chẳng cần chi danh mục
của những đớn đau, bất hạnh, những giận hờn
Em hãy xem trong đời gió lặng trời yên
Đêm đặt lên giữa trời những vì sao xa thẳm
trong giờ thế này em hãy thức dậy, trong thầm lặng
nói cho hoàn vũ và những thế kỷ cuộc đời kia

khi in ra sẽ không cần những dấu chấm
như ở trong quyển sổ của Maiakovsky
1928-1930


PHONG CÁCH HEINE*

Đôi mắt em bừng lên như tia chớp
em nói rằng em đã nhìn
thấy anh đi cùng cô gái khác.
Rằng anh là người đê tiện nhất
rằng anh là kẻ thấp hèn.
Và em bước
đi trên đường
em vừa đi vừa rủa.
Anh chỉ là nhà bác học tầm thường, em yêu ạ
những tiếng sấm kia em hãy giữ cho mình.
Nếu như tia chớp đã không giết được anh
thì tiếng sấm rền
nói có trời, anh không sợ.
1920
_________

*Heine, Heinrich (1797 – 1856) – nhà thơ Đức.


CƯ XỬ VỚI CÔ NƯƠNG

Buổi chiều này đã quyết
còn anh và em có là người tình?
Trời tối đen
không ai nhìn thấy hết.
Và anh đã quì xuống thật
quả thật
là anh
trong khi cúi mình
nói với em
như người cha tốt bụng:
“Dục tình như vách dựng đứng
con làm ơn
đứng tránh ra bên đường.
Tránh ra bên đường
con nhé”.
1920.



Marina Tsvetaeva viết về Maiakovsky

GỬI MAIAKOVSKY

Phát súng bắn vào giữa ngực
Như chỉ để bắn kẻ thù thôi.
Người từng đánh vật với Đức Chúa Trời
Ngôi đền cuối cùng hôm nay phá nốt.

Lại một lần nữa không bị tắc
Viên đạn xuyên – người ấy lìa trần.
Đã từng có một con tim
Sau phát súng – thế là chấm hết.

(Ở nước ngoài người ta đón gặp:
“Quả là thật rắc rối, lung tung
Nghĩa là họ – cũng có tấm lòng?
Như ở bên ta, không khác?”)

Phát súng vào ngay giữa ngực
Như vào đích của chợ phiên.
(Thường vào thái dương bên trái, vứt
Như với người vợ trên giường.)

Anh giỏi lắm! Và đã không nhầm
Quả là chết vì phụ nữ!
Và nàng Elena xấu xa tồi tệ*
Có từng nghĩ – là sẽ gọi tên.

Chỉ một điều, nhưng mà rất quí tộc
Người phái tả làm cho ta ngạc nhiên:
Chỉ về phía hữu và đã biết rằng
Thiêu trụi lông, còn ở đây – bắt được.

Giá như vào bên phải – thì cần xem lại
Sếp của anh – người ta sẽ kiểm tra.
Còn đây phát súng bắn vào cánh trái
Thì nghĩa là tâm điểm những bài ca!

***

Đã từng phá rất nhiều ngôi đền
Nhưng ngôi đền này – quí hơn tất cả.
Cầu Chúa cho kẻ thù của Người đã chết được bình yên!
8- 1930

Bản dịch của Nguyễn Viết Thắng