Bình Nguyên Lộc - Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam
Thay đổi trang: < 123 > | Trang 2 của 3 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 31 bài trong đề mục
Ngọc Lý 01.03.2008 15:04:06 (permalink)
Bình Nguyên Lộc
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam




12/35
 
Từ năm 1918 đến nay, các nhà học giả bàn cãi với nhau không thôi về nước Tây Âu và Tượng Quận, không bao giờ mà hai nơi chốn lịch sử ở Á Đông, lại được các nhà bác học tìm tòi nhiều cho bằng Tây Âu và Tượng Quận, không phải chỉ là tò mò của những người hiếu học, mà hai nơi đó là hai nơi then chốt, hai cái chìa khoá mở cửa cho thấy rõ những sự kiện lịch sử về trước và về sau, nếu định vị trí sai về hai nơi đó thì những gì xảy ra về sau sẽ hỗn loạn, không còn biết đâu mà theo dõi nữa.

Chung quy chỉ vì các ông không thuộc sử và nhứt là không biết gì hết về địa lý cổ thời, như chúng tôi đã nói. Giờ muốn biết sự thật chúng ta cần nhắc sử lại, và cần viết lại địa lý cổ thời, bằng vào những tài liệu tản mác đó đây, viết cho thật đúng, không được phép mơ hồ nữa.

Ta cần ngược dòng thời gian, đi về lối Khổng Tử, rồi từ đó thả xuôi dòng cho đúng nẻo, mới mong khỏi lầm lạc.

Ở đây, chúng tôi trích một câu Xuân Thu của Khổng Tử, câu này sẽ được khai thác lại ở chương khác, cho một vấn đề khác.

Theo Xuân Thu thì năm 317 T.K. Ngô Khởi, một phản tướng của nước Nguỵ, xuống đầu nước Sở, nước này bấy giờ đã nuốt mất nước Ngô và nước Việt Cối Kê rồi. Tướng họ Ngô thực thi một chánh sách mới là ký hiệp ước thân hữu với các quốc gia Bách Việt ở phía nam Cối Kê.

Đó là những quốc gia nào, ta chưa cần biết ngay tức thì và ta cần xét lại việc khác nữa, cấp bách hơn.

Bẵng đi 99 năm, sử Tàu không buồn nói đến các quốc gia Bách Việt đó nữa.

Sự rối loạn bắt đầu, sau 99 năm im lặng ấy, chỉ rối loạn ở phía vùng Bách Việt chớ chuyện bên Tàu thì rất rõ: Chư hầu Tần lớn mạnh, nuốt cả Hoa Bắc, rồi nuốt luôn Sở trong lòng nước Sở vốn đã có nước Ngô, nước Việt, binh Tần chỉ đánh tới huyện Cối Kê rồi thôi.

Khổng Tử viết sử có đúng hay không? Nếu không, ta cũng chẳng làm sao được, vì đó là tài liệu độc nhứt, và phụ đề của Tả Khâu Minh cũng là tài liệu độc nhứt. Nhưng nếu cho rằng Khổng Tử bóp méo sự thật thì ngài bóp méo các việc khác, chớ chẳng bóp méo làm gì biên giới cực Nam của nước Trung Hoa vào thời đó.

Thế thì ta có thể tin rằng Khổng Tử viết đúng.

Vậy vài quyển sử Tàu mà sử ta cóp lại viết rằng Dương Việt ăn xuống tới Phú Kiến (có người viết rằng ăn xuống tới Giao Chỉ) đều sai.

Khổng Tử mà có sai, chúng tôi cũng ít lắm có dựa vào Khổng Tử, còn những quyển sách khác thì không có dựa vào đâu hết, hoặc dựa vào những quyển sách đời Tống về sau, những tác giả ấy không làm sao mà biết sự thật lịch sử thời Xuân Thu cho bằng Khổng Tử.

Vì đây là biên giới thật đúng ở cực Nam Trung Hoa dưới đầu đời Tần. Đó là Ngũ Lĩnh, tên của năm dãy núi lớn và cao, có đèo (passes). Năm dãy núi đó ở đâu và tên gì?

Ông H. Maspéro, L. Aurousseau và R. A. Stein với một ông Việt là sử gia trào Nguyễn, Nguyễn Siêu, đã phải dày công làm con mọt sách mới tìm được vị trí của năm dãy núi đó, vì sử Tàu xưa lộn xộn như một trận thế tru tiên. Mặc dầu có vài quyển cổ thư Trung Hoa viết sai quá xa, các ông trên đây vẫn loại lần để tìm biết đúng sự thật. Nhưng nếu chúng tôi kể lại đây, chắc người đọc sẽ chóng mặt và nhức đầu lắm trong mớ bòng bong hỗn độn mà sử Tàu xưa chồng chất lên nhau.

Thế nên chúng tôi nhờ một hoạ sĩ cóp theo hai quyển sách địa lý, một của Pháp, một của Trung Hoa dân quốc, và quý vị nhìn vào là thấy ngay. Năm dãy núi đó, chạy từ Đông sang Tây Nam, từ Ninh Phố đến Nam Tứ Xuyên, và tên là Ngũ Lĩnh.

Trong Việt Nam Văn Học toàn thư, tác giả là ông Hoàng Trọng Miên, có cho vẽ một bức dư đồ Ngũ Lĩnh. Theo bức dư đồ đó thì Ngũ Lĩnh là một dãy núi độc nhứt có năm đèo, trong khi sự thật nó là năm dãy núi kế tiếp nhau, và chỉ có bốn đèo thôi.

Lĩnh là núi, ngũ lĩnh là năm núi, không thể là năm đèo được. Mà giữa năm núi, chỉ có thể có bốn đèo mà thôi.

Làm thế nào để có năm đèo được giữa năm dãy núi kế tiếp nhau? Làm một bài toán nhỏ thì đủ thấy là chỉ có bốn đèo. Hoặc cứ vẽ ra một bức hoạ thô sơ, thì ta cũng thấy được là chỉ có bốn đèo chớ không thế nào mà có năm đèo.

Đất ở phía Nam của năm dãy núi ấy cũng lại được đặt tên là đất Ngũ Lĩnh.

Nhưng đất Ngũ Lĩnh có biên giới phân minh, chớ không phải là vô bờ bến như các sử gia Pháp và Việt hiểu lầm.

Phía Bắc là nước của Tần Thỉ Hoàng, phía đông là biển cả, phía Tây là Ba Thục, tức cũng là đất của nhà Tần, phía Tây Nam là đất Chơn (Vân Nam), phía Nam vô cùng quan trọng, vì sự ngộ nhận xảy ra ở đó, và sự rối loạn bắt đầu ở đó.

Phía Nam là một thứ Ngũ Lĩnh loại bỏ túi, tức là những dãy núi tại biên giới Hoa Việt ngày nay mà quý vị thấy rõ trong bức dư đồ, những dãy núi này tuy không quá hiểm trở như Ngũ Lĩnh chớ cũng là một chướng ngại đáng kể và được người xưa xem là biên giới tự nhiên cho một vùng đất: vùng Ngũ lĩnh (xin xem lại dư đồ nước Tàu).

Thấy rõ là đất Ngũ Lĩnh đích thị là địa bàn của những quốc gia Bách Việt mà Khổng Tử đã nói đến trong Xuân Thu, nhưng không có cổ Việt Nam, tức không có Âu Lạc.

Bức dư đồ cho thấy như vậy, sách địa lý Tàu ngày nay cho biết như vậy, mà cổ sử Tàu cũng xác nhận như vậy. Quả thật thế, trong quyển thứ ba của Đại Việt Sử Ký toàn thư ngoại kỹ, Ngô Sĩ Liên viết “Năm Bính Tý (136 S.K.), năm đầu hiệu Vĩnh Hoà đời Hán Thuận Đế, Thái thú Chu Xưởng cho Giao Châu là ở xa 9 châu, ở ngoài Bách Việt, dưng biểu xin lập ra Phương Bá.

Thế là thật rõ, về mặt chủng tộc học, ta cứ là Bách Việt, nhưng người Tàu từ Ngô Khởi cho tới Chu Xưởng, hiểu Bách Việt theo lối khác. Bách Việt đối với họ thuở đó, là dân của đất Ngũ Lĩnh, không có cổ Việt Nam trong ấy.

Tần không kể Cổ Việt vào Bách Việt không phải vì ngỡ rằng Cổ Việt là dân khác, mà vì nó quá xa, chưa liên lạc với Tàu, Tàu không thèm biết tới nó là một cõi giang san riêng, cách Ngũ Lĩnh bằng cái tiểu Ngũ Lĩnh loại bỏ túi nói trên.

Đất Ngũ Lĩnh được xem là một vùng đất có biên giới rõ rệt ở cả phía Nam nữa.

Thế mà rồi vì vài quyển sách Tàu, vì vài ông Tây lầm mà rồi bao nhiêu sử gia ta đều cho rằng nhà Tần đã đánh chiếm ta, Tây Âu và Tượng Quận gì cũng đều nằm trong nước ta cả thì thật khó chấp nhận.

Danh xưng Bách Việt, nghe tưởng nhiều lắm thì có thể có ta trong đó. Mà quả thật có ta trong đó về mặt khoa học. Nhưng nhà Tần chỉ đánh chiếm được có đất Ngũ Lĩnh mà thôi. Chúng tôi sẽ có nhiều chứng minh vững hơn chứng minh trên đây nhiều lắm, rằng nước ta không nằm trong đất Ngũ Lĩnh và nhà Tần không hề có đánh chiếm nước ta, vì họ đuối sức, hay vì lẽ gì không rõ. Có vài quyển sử Tàu viết rằng vì An Dương Vương đầu hàng nên được để yên. Nhưng có lẽ vì Tần đuối sức và sự đầu hàng của An Dương Vương chỉ là một dịp để Tần rút quân mà không mất mặt, chỉ có thế thôi.

Nhưng riêng chúng tôi lại hiểu hơi khác. Hạ Chí Tuyến (tropiques du Cancer) nằm ngang Phiên Ngung. Dân Tàu chưa chịu đựng nổi khí hậu ở dưới Hạ Chí Tuyến là khí hậu nhiệt đới, thế nên họ mới bằng lòng nhận sự đầu hàng của An Dương Vương và dừng bước lại ở Tây Âu mà không tiến xuống nữa, chớ không phải vì họ đã thật kiệt quệ sau khi bị Tây Âu đánh rát quá.

Cứ theo vào Hoài Nam Tử thì dân Tây Âu đã giết hết 100 ngàn quân Tàu, nhưng họ vẫn còn tới 400.000 quân, tức thừa sức đánh hoài, nhưng họ không đánh vì họ biết là lính Hoa Bắc chịu đựng không nổi khí hậu ở dưới Hạ Chí Tuyến.

Ba quốc gia Bách Việt ở đó mà Khổng Tử đã chép 99 năm trước, cũng được sử nhà Hán kể tên thật rõ, đó là Đông Âu, Mân Việt và Tây Âu mà bức dư đồ của ông Hoàng Trọng Miên lại bỏ Đông Âu và Mân Việt ở trên Ngũ Lĩnh, trong khi sử Tàu chép rằng đánh Ngũ Lĩnh xong họ mới cướp được cả ba nước Đông Âu, Mân Việt và Tây Âu. Cho đến tên vua của ba quốc gia ấy cũng được chép, và những cuộc rối loạn nội bộ của họ, thì quân, chúa gì, đều được Tàu biết rõ và ghi chép đủ cả, trong khi đó thì họ tuyệt đối không biết gì hết về đất Âu Lạc, trừ cái tên An Dương Vương, và hoàn toàn mù mịt về Văn Lang, trừ nhà vua mà họ không biết cả quốc hiệu, chỉ gọi là vua của dân Lạc (Lạc Vương).

Sự kiện mù tịt của Tàu về Cổ Việt thời đó đã cho thấy rằng Tần không có đánh Cổ Việt, vì cái lẽ giản dị rằng không có đạo quân xâm lăng nào mà lại dám đánh một nước mà họ không thạo sử địa và tình hình dân chúng, địa hình, địa thế cả.

Tuy bao nhiêu đó đã đủ, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục chứng minh để không còn ai cãi được nữa cả.

Biết địa lý ở đó rồi, biết sử thời đó rồi, thì tưởng không còn làm sao mà cho rằng cổ Việt Nam đã bị chiếm và được đặt tên là:

  1. Tượng Quận
  2. Tây Âu
Xin nhấn mạnh một lần nữa rằng sử chép rõ là binh Tần đánh đất Ngũ Lĩnh, chớ không có nói mơ hồ là đánh phương Nam. Và sử lại chép rõ rằng Tần chỉ chia thành quận huyện có ba quốc gia mà ai cũng biết, chớ không có chia một quốc gia thứ tư nào hết.

Đây là một điều kỳ dị đến khiến ta muốn phát khùng. Sử Tàu chép rõ ràng là họ đánh chiếm được có ba quốc gia, và chia ba quốc gia ấy thành quận, huyện. Cả ba quốc gia đó đều có tên, và không có tên nào trùng với quốc gia của ta cả, thế mà rồi hàng trăm sử gia Tàu đời sau, và Tây, Nhật, Việt đều cứ hiểu là có ta trong đó là thế nào?

Tuy nhiên, sự ngộ nhận của họ, xét kỹ ra, cũng có căn cứ chớ không phải là họ điên khùng và hiểu bậy bạ như kẻ mất trí đâu. Ngộ nhận xảy ra là vì vụ Thục Phán xuất binh từ Tây Âu đến diệt quốc Văn Lang, rồi đặt quốc hiệu của Văn Lang lại là Âu Lạc.

Họ tưởng Âu Lạc bị sáp nhập với Tây Âu, mà sở dĩ họ tưởng như vậy vì Tư Mã Thiên đã viết liều là có một nước tên là Tây Âu Lạc, cái địa danh không bao giờ có, được Tư Mã Thiên bịa ra, khiến cho thiên hạ ngỡ là có sáp nhập.

Nhưng nếu học sử thật kỹ về đoạn đó rồi thì ta thấy ngay là Tư Mã Thiên đã viết liều, địa danh ấy không bao giờ và sự kiện sáp nhập Tây Âu với Âu Lạc không bao giờ có xảy ra.

Đây là dịp mà ta cần biết Thục Phán là ai, mà từ xưa đến nay không sử gia nào tin là tên Phán ấy là con của vua Thục, mặc dầu thiên hạ tôn kính sử Tàu đến mê muội, nhưng trường hợp này, sử Tàu viết đúng lại bị họ nghi ngờ.

Cách đây không lâu, một nhà bác học Trung Hoa, ông La Hương Lâm, có nghiên cứu một nhóm người thiểu số ở Quảng Tây mà Tàu gọi là Khách Gia và khám phá ra rằng Khách Gia đích thị là người Ba Thục di cư xuống nước Tây Âu, sau khi bị Tư Mã Thác diệt quốc.

Chúng tôi không có tài liệu đó để xem ông ấy trưng bằng chứng cách nào, nhưng đồng thời với ông ấy, chúng tôi cũng nghiên cứu về người Khách Gia, ngay tại Chợ Lớn.

Từ Quảng Tây sang Chợ Lớn, người Khách Gia (Quảng Đông đọc là Hạc Cá) được Pháp gọi là Hakkas, nhưng Nam Việt gọi là Hẹ, vì họ tự xưng là Hẹcka, tức họ nói tiếng Tàu sai giọng, Hẹcka bị thu lại thành Hẹ.

Như đã nói, để làm chương Ngôn ngữ tỷ hiệu, chúng tôi phải học tất cả ngôn ngữ Á Đông. Ban đầu chúng tôi ngỡ họ là người Tàu ở Quảng Tây, tức người Tây Âu xưa bị đồng hoá, nhưng hỏi họ, và tra lại sử Tàu, thì không phải thế, mà lại đúng y như nhà bác học Trung Hoa trên kia đã nói. Họ còn nhớ là tổ tiên của họ đã từ Ba Thục đi xuống, mặc dầu câu chuyện đã cũ hơn hai ngàn năm rồi.

Hiện họ nói tiếng Tàu, sai giọng cố nhiên, nhưng y như người Quảng Đông, người Mân Việt, người Triết Giang, họ còn giữ được non một trăm danh từ của họ mà ở chương Ngôn ngữ tỷ hiệu chúng tôi còn gọi là cổ ngữ Ba Thục. Cổ ngữ Ba Thục, xem ra chỉ là ngôn ngữ Mã Lai, y hệt như cổ ngữ Tây Âu, cổ ngữ Mân Việt, kim ngữ Chàm chớ không có gì lạ hết.

Cái nhóm Hẹ này tưởng phải được nghiên cứu tỉ mỉ hơn các nhóm khác, vì họ có dính líu với cổ sử của ta và ta đã ngộ nhận rối ren về đoạn sử nước nhà, chỉ vì bọn này.

Cho tới ngày nay, không ai tin rằng con của vua Thục (Thục vương tử) lại đi xa đến thế để đánh chiếm nước Văn Lang và tự xưng là An Dương Vương, mặc dầu sử Tàu có chép như vậy.

Nhưng sau cuộc khám phá của các nhà chủng tộc học Tây phương rằng cổ Ba Thục là dân Thái, rồi tiếp theo đó, nhà bác học Trung Hoa La Hương Lâm xác nhận khám phá trên, không còn chối cãi được rằng quả An Dương Vương là con vua Thục.

Nhưng tưởng cũng nên nói rõ thêm vài chi tiết mà các ông Tây và La Hương Lâm không biết, khiến có người còn hồ nghi.

Những sự kiện lịch sử trên đây không phải là do La Hương Lâm khám phá ra được. Chính ta cũng biết, nếu ta đọc kỹ cổ sử của Tàu.

Quả thật thế, Tả Truyện chép rằng sau khi Tư Mã Thác diệt nước Thục thì dân Thục (có lẽ chỉ là quý tộc Thục) bỏ xứ, sang nước Ba, rồi tràn vào nước Sở, nhưng không phải là xâm lăng, mà là để đi đâu nữa đó không biết.

Nước Ba đồng chủng Thái với họ, tuy đã bị Tàu trị rồi, nhưng đa số dân chúng chưa bị Tàu đồng hoá vào thuở ấy, vả lại nó quá nhỏ nên không có ngán (hay ngăn không được) cuộc đi qua ấy. Nhưng Sở thì ngăn quyết liệt, đánh bật họ ra.

Sở, vào thuở đó, hết là Kinh Man rồi, tự xưng là nước Sở, tức là bị đồng hoá sâu đậm và đã văn minh cao rồi. Một nước văn minh và cường thịnh thì không thể chấp nhận một cuộc đi qua ngoại chủng.

Hẳn đó là một cuộc đi qua, chớ không cố ý xâm lăng, vì họ quá ít, Sở chỉ phái một toán quân nhỏ là đánh bật họ ra được rồi.

Nhưng họ đi đâu?

Dĩ nhiên là họ đi ở trọ với một cường quốc đồng chủng với họ là nước Tây Âu chớ không phải là đi Quý Châu, mặc dầu ở Quý Châu cũng là đất của người Thái, vì Quý Châu là đất núi non nghèo khó, khí hậu lại xấu.

Sử Tàu chép chuyện Con của vua Thục cướp nước của vua Lạc Vương, sử ta xưa chép lại nhưng không tin là con của vua Thục lại có thể đi xa đến thế, từ Tứ Xuyên xuống Cổ Việt Nam, nhứt là nước Thục đã bị diệt hàng trăm năm rồi, còn làm sao mà còn con vua Thục được. Chép lại nhưng không tin, các ông (như Ngô Sĩ Liên) cho rằng ông ấy họ Thục chớ không phải con vua Thục ở đâu dó, phía Bắc nước ta.

Ta còn nghi ngờ, vì cái sự kiện quá xa, và sự so le thời điểm gần một trăm năm. Nhưng cả hai yếu tố ấy đều có thể giải thích rõ ràng.

Ta đã và sẽ thấy rằng dân Thái có địa bàn liên tục từ Tứ Xuyên đến Quảng Đông và Quý Châu, vì đất xấu, nên chỉ được xem là một hành lang liên lạc giữa hai đại quốc đồng chủng: Thục và Tây Âu.

Khi mất nước, người Thục hẳn phải chạy xuống Tây Âu chớ không thể chạy vào một quốc gia khác chủng được. Mà muốn tới Tây Âu họ chỉ phải đi qua có hành lang Quý Châu, chớ không có quá xa như ta tưởng tượng. Mà họ cũng khỏi phải đi bộ, nhờ con sông Tường Kha, sông này dùng được từ Quý Châu tới biên giới Quảng Đông nay. Theo Việt sử tiêu án của Ngô Thời Sỹ thì khi bà Lữ Hậu muốn đánh Triệu Đà, bà không biết làm thế nào để tiến quân vì không có con đường đi, con đường mà quân của Tần Thỉ Hoàng đã dùng, không tiện và rất là mạo hiểm.

Một ông vua Thái ở Vân Nam, tên là Đường Mông vốn ghét Triệu Đà đã cướp đất Thái Tây Âu, bèn mách cho bà ấy con sông nói trên.

Các sử gia ta cứ nói Tứ Xuyên và Việt Nam quá xa, không thể đi được vào thời đó, nhưng thật ra thì con vua Thục đâu có đi thẳng từ Thục tới Văn Lang, mà ông ấy chỉ đi từ Thục tới Quảng Tây, qua hành lang Quý Châu nhờ sông Tường Kha.

Sở dĩ thoạt tiên họ mượn đường của nước Sở để bị đánh bật ra là vì hành lang Quý Châu có những nơi phải đi bộ, trèo núi cực nhọc, chứ không phải sông Tường Kha là con sông suôn sẻ từ đầu đến cuối. Nhưng rốt cuộc rồi họ cũng phải dùng cái hành lang Quý Châu đó vì bị Sở ngăn cản.

Rồi từ Quảng Tây đến Cổ Việt Nam tình hình chỉ là chuyện vượt biên giới.

Nhưng phải tốn thời gian, năm bảy mươi năm, và cái thời gian này làm cho các sử gia ta không hiểu được tiếng con vua Thục của sử Tàu, bởi năm bảy mươi năm qua thì con vua Thục phải đã chết già rồi.

Khi chúng tôi đi học cổ ngữ Ba Thục để viết chương Ngôn ngữ tỷ hiệu cho sách này, chúng tôi càng thấy rõ hơn là An Dương Vương quả đúng là con của vua Thục, vì Thục ngữ, Thái ngữ, Việt ngữ đều do Mã Lai ngữ mà ra cả.

Xin nhắc lại rằng nước Thục rất văn minh, ít lắm cũng bằng Trung Hoa vào thuở đó và có vài nét, họ hơn hẳn Trung Hoa vì thuở mất nước, họ đã biết nghề sơn mài, còn Trung Hoa thì chưa biết món tương Tàu, thật ra là phát minh của dân Thục đất Cao nguyên của họ là quê hương của đậu nành chớ không phải đất Tàu.

Di cư đến Huyện, họ hoạt động rất mạnh, lập ra một thành phố lừng danh vào thuở ấy là Đại Phố, và hoạt động được nhờ sự kiện đồng chủng đồng ngôn ngữ với dân Tây Âu.

Họ tài ba lắm, nhưng không lấy nước lại được bao giờ vì khí hậu của Thục hợp với người Trung Hoa thuở ấy nên Hoa chủng di cư vào Thục rất đông, nên ảnh hưởng Trung Hoa ở đó quá mạnh, địa phương bị diệt quá nhanh chóng.

Ở Sài Gòn, họ cũng tài giỏi hơn tất cả các nhóm Trung Hoa khác, nhứt là về văn hoá. Trong 10 tờ báo hằng ngày, có đến sáu bảy tờ là của người Hẹ và tờ báo mạnh nhứt ở Chợ Lớn là của người Hẹ.

Muốn hiểu Con vua Thục, ta cần lập ra giả thuyết sau đây:

La Hương Lâm nói chuyện tổng quát, chớ thật ra thì chỉ có quý tộc Thục mới di cư còn dân Thục thì không. Một dân tộc đã văn minh cao, không hề bỏ nước khi bị xâm lăng. Họ ở lại để chờ dịp khởi nghĩa. Chỉ có dân kém mở mang mới tự thấy bất lực, bỏ nước đi tìm đất mới mà thôi.

Tả Truyện có chép chuyện đám di cư này bị nước Sở đón đánh tại Hồ Nam là đất Nam Sở. Đó là tài liệu cổ nhứt về con vua Thục di cư nhưng ít ai chú ý tới. Họ chọn đường Hồ Nam cho dễ đi. Nhưng gặp người Tàu lai Việt ở đó là Sở, khác giống, họ bị đánh bật ra, mà đành phải dùng con đường khó đi hơn là đường Quý Châu.

Quý tộc Thục hẳn đông hàng ngàn lại có thê tử và nô bộc và một mớ quân sĩ trung thành nữa, thành thử họ tuy không phải là dân, họ cũng có thể đông đến vài ba ngàn.

Nhưng Vua, Hoàng hậu, Hoàng tử và các Thế tử Thục đều bị tướng Tư Mã Thác của Tần giết chết rồi thì làm sao mà còn con vua Thục được?

Ta giả thuyết rằng một bà thứ phi Thục thoát nạn. Thứ phi thì dễ thoát, không như Hoàng hậu. Bà phi ấy đang mang thai. Tới Tây Âu một ít lâu, bà hạ sanh một đứa con trai.

Đó là con người rất quý báu mà quý tộc Thục rất cần để dựng lại cơ nghiệp về sau. Vì thế mà chú bé ấy không được xem là Con Vua Thục mà được tôn làm Vua Thục trong cộng đồng lưu vong Thục. Đó là Vua lưu vong bé tí hon.

Mặc dầu tài giỏi, bọn lưu vong vẫn chưa đủ sức vẫy vùng, nhứt là Tần lại quật cường, làm bá chủ Trung Hoa và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Vậy họ âm thầm đợi. Ông vua Thục lưu vong ấy chết đi, có thể để lại một đứa con trai, có thể quả thật tên là Phán như Ngô Sĩ Liên đã chép, nhưng không phải họ Thục như họ Ngô đã lầm. Hắn ta đích thị là con vua Thục, một từ ngữ có vẻ bí hiểm của cổ sử Tàu mà ta không tin, vì biết cha con của vua Thục đã bị giết từ năm 316 T.C. rồi. Nhưng vua đây, chỉ là ông vua lưu vong, chớ không phải là ông vua vong quốc và con là con của vua lưu vong đó, tức cháu nội của vua vong quốc.

Thế thì mấy tiếng “Thục Vương tử” đã được giải thích ổn thoả.

Năm mà kẻ tên Phán ấy 23 tuổi là năm 268 trước Tây lịch. Mười một năm sau, tức năm ông ấy 34 tuổi, ông ấy mới cất quân đánh Hùng Vương thứ 18. Đó là vào năm 257 T.K.

Năm ấy nhà Chu chưa bị diệt và chư hầu Tần vừa bị thua một trận lớn do Tin Lăng Quân của nước Nguỵ chủ phá.

Nhưng thời cuộc ở nước Tàu thật ra thì không liên hệ tới thời cuộc của vùng dưới này.

Do đâu mà Thục Vương tử mộ quân Tây Âu được? Bọn quý tộc có thoát được đông hàng ngàn, cũng chỉ là sĩ quan. Lính phải là người bản xứ.

Sự kiện những vua lưu vong được các nước tiếp khách giúp đỡ cho, không thiếu, trong lịch sử thế giới. Phương chi như đã nói, dân Thục lưu vong lại tài ba, hoạt động nhiều để được sự giúp đỡ ấy bằng cách giúp cán bộ cho cái nước Tây Âu ở Lưỡng Quảng. Nước Thục là nước phát minh nhiều thứ công nghệ như đã nói thì hẳn họ có nhiều cán bộ để cho vua Trạch Hu Tống mượn hầu đổi lấy quyền mộ binh.

Sự giúp đỡ của Tây Âu thật ra chỉ là việc nhắm mắt cho họ mộ quân bằng vàng mà họ mang theo.

Thục Vương tử đánh Hùng Vương để chi?

Nói nước Thục văn minh và hùng cường, nhưng dầu sao họ cũng đã bị Tần cướp nước, tức Tần còn giỏi hơn họ nữa. Trong tình thế đó, họ không hy vọng khôi phục lại cơ đồ thì chỉ còn cách cướp nước khác, vẫn hơn là ở trọ nước Tây Âu mãi. Cũng nên biết rằng người Hẹ được người Hoa Nam gọi là Khách từ thuở ấy cho tới bây giờ. Đó là khách được ưu đãi, nhưng vẫn cứ là Khách, không có quyền như chủ nhà.

(Dân ta cũng có danh từ “Khách” nhưng chắc chắn là danh từ của ta trỏ người Tàu mới đến sau khi Đinh Bộ Lĩnh thu hồi độc lập, còn người Khách của Tây Âu thì đã đến xứ ta với tư cách kẻ xâm lăng mà có lẽ tổ tiên ta phải gọi họ là chủ chớ không phải khách).

Vậy Thục Vương tử đã mộ quân được và sử liệu về sự thù hiềm hỏi vợ thất bại của Thục Phán, cũng là sự thật… ở bên ngoài. Kẻ tên Phán ấy chỉ mượn cớ đó để đánh Hùng Vương mà thôi.

Đó là một cuộc xâm lăng, nhưng kẻ xâm lăng, từ thủ lĩnh (Thục) đến lính (Tây Âu) đều đồng chủng với ta, chủng Mã Lai tức Âu, tức Thái, thế nên kẻ xâm lăng thắng trận rồi, không diệt Lạc Hầu, Lạc tướng hai cấp cán bộ của vua Hùng Vương, vì họ cũng có chế độ y như vậy và rất cần hai cấp đó. Họ cũng không đặt tên nước một cách mới lạ, mà đặt là Âu Lạc, tức nước mà dân Âu lãnh đạo dân Lạc, chớ không phải nước Tây Âu nhập với dân Lạc Việt. Nhưng chỉ có họp tên mà không có sáp nhập đất như H. Maspéro đã viết vì ông Phán không dại mà đi cướp đất để dâng cho Trạch Hu Tống hưởng.

Nếu có sáp nhập đất đai thì chỉ có một ông vua là vua Trạch Hu Tống, còn tên Phán thắng trận chỉ là tướng mà thôi. Nhưng sử Tàu chép rằng có hai ông vua cai trị song song với nhau vào thời ấy thì không làm sao có sáp nhập đất đai được.

Các sử gia, bắt đầu từ Tư Mã Thiên, đều hiểu lầm một cách vô lý rằng có sự sáp nhập đất đai, nhưng nếu có sáp nhập thì làm sao mà có hai ông vua cai trị song song với nhau tại hai nơi, và ông An Dương Vương vẫn toàn quyền độc lập chớ không hề là phó vương của Trạch Hu Tống.

Cổ sử Tàu xét ra thì rất rõ, chỉ tại các ông sử gia về sau suy luận tầm ruồng nên mới tưởng tượng ra sự sáp nhập đó, và Tư Mã Thiên lại đi xa hơn, tưởng tượng xong, họ Tư Mã lại bịa thêm một địa danh là Tây Âu Lạc để ngầm nói là có sáp nhập (nhưng lại bịa sai nguyên tắc là lấy tên một nước ghép với tên một dân tộc, chớ nếu bịa đúng thì phải là Tây Lạc mới được).

Có lẽ họ Tư Mã cho đó là đất man mọi, đã thành các quận huyện của Tàu rồi thì viết sao cũng được, có sai chút đỉnh cũng chẳng việc gì, bởi những nơi ấy sẽ là đất của Tàu một trăm phần trăm với các tên khác, chẳng ai buồn biết tới sử của các nơi ấy mà chi. Không dè nó lại không thành đất Tàu, và trái lại, nó có tham vọng biết chắc về nguồn gốc của nó, nó tò mò, lần dò, lục lạo tỉ mỉ, và làm cho lòi ra cái sự viết liều của ông ta.

Cũng xin nhắc lại rằng trong chương đó Tư Mã Thiên cũng chỉ dùng có một lần cái danh xưng bịa kỳ khôi ấy mà thôi, còn thì ông tiếp tục gọi đất phía Tây của Triệu Đà là Âu Lạc, chớ không nói lần thứ nhì là Tây Âu Lạc nữa, vì lẽ gì thì chúng tôi đã giải thích rồi: ông ta chợt thấy mình ghép chữ sai, nhưng không thể bôi xoá được mà cũng lười bỏ cả để viết lại trọn quyển.

Và cũng xin nhắc rằng Ban Cố thì lại khác, gọi phía Tây của Triệu Đà là Tây Âu. Nhưng hai ông đó không có sai, cũng không có mâu thuẫn với nhau.

Họ chỉ hai nơi khác nhau chớ không phải một.

Tư Mã Thiên: “Kỳ Tây, Âu Lạc…”

Ban Cố: “Tây hữu Tây Âu…”

Họ nói đến các vùng phía Tây của quận Nam Hải, các vùng đó giống nhau về phong tục, về y phục, Tây Âu và Âu Lạc đều có thói ăn, nếp ở như nhau, thì chỉ nước nào cũng được, cũng đúng cả, chớ không phải là họ xem hai địa danh đó đồng nghĩa, cùng chỉ một nước.

Và cũng xin nói rõ là Triệu Đà chỉ chiếm được có quận Nam Hải. Phần đất còn lại của nước Tây Âu được chính dân Tây Âu quật cường, quản trị và lãnh đạo. Ban Cố gọi các phần đất còn lại đó là Tây Âu, là gọi đúng chớ không phải sai. Như ở nước ta hiện nay ta mất hết miền Bắc, nhưng phần còn lại ở miền Nam cũng cứ được ta và các nước khác gọi là Việt Nam.

Mà cả ở miền Bắc họ cũng xưng họ là Việt Nam và các nước bạn của họ cũng gọi miền Bắc là nước Việt Nam.

Nhiều sử gia không hiểu cái lẽ đó nên quá bối rối về địa danh Tây Âu. Tây Âu đã bị Tần diệt rồi, rồi lọt vào tay Triệu Đà, cớ sao lại cứ còn Tây Âu mãi, khiến họ nghĩ Tây Âu là nước khác, mà cái nước khác đó chỉ có thể là Cổ Việt Nam.

Họ quên mất rằng Tây Âu của Tàu chỉ lọt vào tay Triệu Đà có 1/3, 2/3 còn lại được chính dân Tây Âu quật cường và lãnh đạo hoặc bị hai ông quận trưởng (Giám) ở đó lãnh đạo, cũng đồng cách với Triệu Đà là nổi loạn với chính quốc của họ, và cũng cứ còn được gọi là Tây Âu, vì Triệu Đà không có cướp địa danh, mà lấy địa danh khác là Nam Việt, tại huyện Long Xuyên.

Vì Tư Mã Thiên tiền hậu bất nhứt nên H. Maspéro thấy rằng danh xưng Tây Âu Lạc của Tư Mã Thiên không thể dùng làm chứng tích được, nên ông phải viết chữ nho kỳ dị:

Kỳ, Tây Âu Lạc…

để cho danh xưng đó xuất hiện một cách mà ông ấy tưởng là ổn thoả hơn.

Nhưng nếu ổn thoả tạm thì Tư Mã Thiên mới là ổn thoả, họ Tư Mã đưa ra cái danh xưng không có ấy là nói tắt theo Tàu rằng có sự sáp nhập đất đai của hai nước đó, sự kiện đúng hay sai không chưa biết, nhưng lối nói tắt của Tàu là như thế đó.

Người Tàu không ưa cắt nghĩa dài dòng. Đưa ra một danh xưng mới là đã nói thầm lên rất nhiều việc, không riêng gì Khổng Tử đã làm như vậy trong Xuân Thu, mà tất cả các tác giả Tàu xưa đều làm như vậy hết. Cả dân chúng cũng làm như vậy nữa.

Chẳng hạn dân chúng có lối tả kỳ dị như sau đây: Tỵ ẩm = Uống bằng mũi. Nhưng làm thế nào để uống bằng mũi được kia chớ?

Đó là họ tả người man di chưa biết dùng chén bát, cúi mặt xuống dòng nước để uống bằng… miệng, nhưng mũi chạm phải nước luôn luôn.

Kể ra thì họ cũng giỏi lắm, bởi không thể diễn cách nào khác hơn được để nói ra 24 tiếng mà chỉ phải dùng có hai chữ.

Ông H. Maspéro không biết lối ăn nói co rút như vậy nên ông không dám dùng danh xưng mà Tư Mã Thiên đã đưa ra, nhưng họ Tư Mã có đầy đủ lý do để tạo một danh xưng, chỉ có điều là lời giải thích thầm lặng, chứa đựng trong đó, không đúng với sự kiện mà thôi.

Đây là một điểm sử cần được phanh phui, vì có quá nhiều cuốn sử của Tàu và ta nói rằng có sự kiện sáp nhập đất đai giữa Tây Âu và Âu Lạc. Nhưng hai lý do mà chúng tôi đã đưa ra, đính chánh mạnh sự ngộ nhận đó. Xin nhắc lại hai lý do:

A. Tên Phán không dại mà chinh chiến khó nhọc để dâng kết quả cho Trạch Hu Tống, khi y chỉ là thường dân ở trọ, chớ không hề là quan là tướng của Trạch Hu Tống.

Sử Tàu nói là y xưng Vương và toàn quyền độc lập, không hề là phó vương của Trạch Hu Tống như vậy thì không có thể có một cuộc sáp nhập lỏng lẻo nào hết.

Ta lại cần phanh phui điểm sử này vì bao nhiêu ngộ nhận về Âu Lạc và Tây Âu đều do danh xưng bịa càn Tây Âu Lạc của Tư Mã Thiên mà ra cả.

Nếu không có danh xưng bịa đó thì đâu đã ra đấy, ông H. Maspéro, ông L. Aurousseau, ông Trần Kinh Hoà, v.v. sẽ không hiểu lầm Tây Âu là Âu Lạc, là Tây Vu, là Thượng du Bắc Kỳ, v.v, và v.v.

Nhưng Tư Mã Thiên không là chánh phạm, tại các sử gia ấy thiếu tinh thần khoa học đó thôi, vì sử Tàu chép rõ rằng họ chỉ chinh phục được có ba nước chớ không phải bốn, rõ như ban ngày, thế mà các ông lại đưa một quốc gia thứ tư vào là Âu Lạc.

Mà cũng có ông hiểu rằng Tây Âu đích thực là Âu Lạc mới chết chớ. Nhưng hiểu như thế làm sao được, nước Âu Lạc chỉ nhỏ bằng bàn tay (nguyên văn của vua trào Trần) thì làm sao mà chứa nổi ba quận, mỗi quận lớn hơn cả toàn quốc Việt Nam ngày nay nữa.

(Một vài sử gia ta và Pháp cho rằng sử Tàu bịa ra An Dương Vương. Thử hỏi các sử gia Trung Hoa bịa ra An Dương Vương để làm gì? Và một nhơn vật chỉ xuất hiện một vài năm, còn có thể bịa được chớ một nhơn vật đã cai trị nửa thế kỷ thì không sao bịa mà khỏi bị người đồng thời hoặc các sử quan khác tố cáo.

Hơn thế, cái nhơn vật An Dương Vương đó không hề giúp cho Trung Hoa hãnh diện chút nào về phương diện nào hết thì họ không có lý do bịa ra ông ấy).

Thuyết về An Dương Vương trên đây không ổn nếu tin theo Tư Mã Thiên. Tác giả Sử Ký viết rằng Triệu Đà diệt An Dương Vương năm 180 T.K.

Thế thì vua An Dương Vương đã 100 tuổi rồi vào năm đó, thì còn làm sao mà đánh giặc được? Nhưng Tư Mã Thiên đã viết sai sự thật. Quả thật thế, Triệu Đà đã qua đời năm 137 trước Kitô kỷ nguyên. Ông ta ở ngôi được 70 năm. Đó là hai điểm chắc chắn. Như vậy năm ông ta diệt An Dương Vương và lên ngôi phải là: 137 + 70 = 207 trước Kitô kỷ nguyên. Năm 180 thì Triệu Đà chưa làm tri huyện (Uý).

Sai lầm rõ ràng này của Tư Mã Thiên, cho thấy rằng không phải luôn luôn Sử Ký viết đúng sự thật như nhiều sử gia đã tin và lấy Sử Ký làm tài liệu căn bản.

Xin “biên niên” lại tất cả mọi sự kiện để kiểm soát thử xem:

Nước Thục bị diệt năm 316 trước T.K.

Thục Vương tử lưu vong thứ nhứt sanh năm 315 –

Thục Vương tôn mà cũng cứ được gọi là Thục Vương tử, tên là Phán sanh năm 290 –

Phán hưng binh để diệt Hùng Vương 18 năm 257 –

Phán lên ngôi lấy hiệu An Dương Vương 257

An Dương Vương bị Triệu Đà diệt năm 207 –

Nhưng không nên quên sự kiện này là Phán chỉ đặt lại tên của nước Văn Lang mà không bao giờ có sáp nhập Văn Lang vào Tây Âu.

Ta nên thử tưởng tượng ra điều này. Sau khi An Dương Vương diệt Hùng Vương 18 rồi thì chưa có danh xưng Âu Lạc mà cũng cứ chỉ có danh xưng Văn Lang mà thôi, và trong giây phút mà An Dương Vương nghĩ ra một danh xưng mới, cũng chưa có danh xưng Âu Lạc thì làm sao mà có được Tây Âu + Âu Lạc.

Trong cái giây phút đó thì An Dương Vương nghĩ đến hai giải pháp:

  1. Nhập tên hai nước lại. Mà như vậy thì phải là Tây Văn hoặc Tây Lang.
  2. Nhập tên hai dân lại. Như vậy thì: Âu + Lạc.
Ông đã chọn giải pháp thứ nhì vì giải pháp thứ nhứt ông không có quyền dùng cũng không được phép lạm dụng tên của một cường quốc đã cho ông ở trọ.

Không thể có giải pháp thứ ba là Tây Âu + Âu Lạc vì trong giây phút đó chưa hề có danh xưng Âu Lạc kể cả trong ý nghĩ thầm kín của ông ấy nữa.

Có thế nào mà cải Văn Lang lại thành Âu Lạc rồi mới có việc sáp nhập tên hay chăng? Không. Vì không có lý do, vả lại nếu có thì phải:

Tây Âu + Âu Lạc = Tây Lạc

chớ không không làm sao mà Tây Âu Lạc được cả.

Chúng tôi còn nhớ khi làng của chúng tôi là làng Tân Uyên nhập với làng quá nhỏ ở liên ranh, tên là làng Hiệp Hưng, hương chức hội tề của hai làng đã cãi nhau đến một năm mới xong cái tên mới của làng, khiến hành chánh tỉnh đã phải sốt ruột và thúc giục, cảnh cáo nhiều phen.

Người ta chọn năm tên tất cả:

  1. Tân Uyên + Hiệp Hưng = Tân Hiệp
  2. Tân Uyên + Hiệp Hưng = Tân Hưng
  3. Tân Uyên + Hiệp Hưng = Hiệp Tân
  4. Tân Uyên + Hiệp Hưng = Hưng Tân
  5. Tân Uyên + Hiệp Hưng = Hiệp Uyên
Rốt cuộc danh xưng Uyên Hưng ra đời, từ 40 năm nay, vì dân làng Tân Uyên bám níu vào chữ Uyên quan trọng, nó tả địa hình của làng cạnh bên bờ vực cao của sông Đồng Nai.

Nhưng Hiệp Uyên thì không ổn vì dân làng Hiệp Hưng bám níu vào chữ Hưng của họ. Các tên khác thì quá xoàng như Tân Hiệp, Tân Hưng, v.v.

Tên của một làng tăm tối mà còn như thế đó, thì tên nước không phải muốn đặt sao thì đặt mà không kể đến quá nhiều yếu tố chống chọi với nhau. Phương chi Trạch Hu Tống lại là vua của một đại cường quốc đã hạ sát được tổng tư lịnh của đạo binh viễn chinh của Tần Thỉ Hoàng, thì ông ta hẳn có nhiều đòi hỏi, còn An Dương Vương vừa thắng trận, vừa có nước, không phải là dễ sai khiến.

Chỉ vào lúc Triệu Đà diệt An Dương Vương rồi thì mới có sáp nhập, nhưng lại sáp nhập dưới một cái tên mới lạ hoàn toàn: Nam Việt.

Ở đây, vấn đề Tượng Quận lại bỗng hoá ra hết quan trọng nếu chứng minh được rằng Tần không có chiếm Âu Lạc thì thuyết Tượng Quận là Cổ Việt Nam tự nhiên phải đổ vỡ, bởi hễ không chiếm Âu Lạc thì không làm sao mà biến Âu Lạc thành Tượng Quận được cả.

Nếu Âu Lạc có đầu hàng nhà Tần như vài quyển sử đã nói và An Dương Vương chịu làm quan Giám quận để được yên thân thì hẳn sử có chép đến quan Giám An Dương Vương, cai trị Tượng Quận, đằng này sử cứ tiếp tục gọi ông là vua nước Âu Lạc thì cũng không có vấn đề Tàu biến Âu Lạc ra Tượng Quận, không bằng chiến tranh, mà bằng sự ưng thuận của An Dương Vương.

Tưởng như thế, đủ chứng minh rằng Tây Âu hay Tượng Quận gì cũng không hề dính líu đến cổ Việt Nam.

Nhưng, như đã nói, Lão Cán đã trưng ra đầy đủ văn kiện cổ để chỉ Tượng Quận là ở đâu rồi thì suy luận nữa cũng bằng thừa.

Chúng tôi chỉ đưa thêm chứng tích để củng cố thêm tài liệu của Lão Cán mà thôi, vì tài liệu đó ít ai có để mà đọc, nhưng đọc chứng tích của chúng tôi tưởng cũng đủ, hơn thế nó lại mới lạ hơn của Lão Cán, Lão Cán chỉ chép tài liệu cổ trực tiếp còn chúng tôi thì trình tài liệu cổ gián tiếp, tuy là gián tiếp, nhưng rất vững.

Chúng tôi lại đi xa hơn Lão Cán là chứng minh được về sự kiện Âu Lạc và Tây Âu là hai nước kh ác nhau, và Tần không có bao giờ đánh Âu Lạc cả, trong khi Lão Cán chỉ chứng minh được về Tượng Quận mà thôi.


Bằng chứng thứ nhứt

Trước khi tìm được tài liệu cổ kim đính chánh Tượng Quận là cổ Việt Nam, và Tây Âu là Âu Lạc, chúng tôi có thử tìm, bằng toán pháp, và nay so lại thì kết quả của sự tìm tòi của chúng tôi ăn khớp với sự thật lòi ra ở những bằng chứng sử liệu Tàu.

Chúng ta nên viết tắt các tên quận đời Tần và các quận đời Hán đợt đầu như sau đây, các quận này đều ở Hoa Nam và trong đó có nước Tây Âu.

Nam Hải = NH
Tần Quế Lâm = QL
Tượng Quận = TQ
Hán đợt I
Nam Hải = NH
Uất Lâm = UL
Thương Ngô = TN
Giao Chỉ = GC
Cửu Chơn = CC
Nhựt Nam = NN
Hợp Phố = HP

Nói đời Hán đợt đầu vì ở đợt đầu, Hán chưa chinh phục Hải Nam và chưa có hai quận Châu Nhai, Thiềm Nhĩ, nên mới có 7 quận thôi, chớ không phải 9 như Ngô Thì Sĩ đã chép sai.

Ta đặt ra phương trình sau đây:

TẦN
NH + QL + TQ =

H Á N
NH + UL + GC + CC + NN + HP + TN

Ta loại lần các quận trùng nhau ở cả hai vế. Vòng loại đầu, ta bỏ Nam Hải và Quế Lâm ở cả hai bên vì hai quận đó giống nhau ở cả hai đời Tần và Hán. Ta còn:

TQ = GC + CC + NN + HP + TN

Ta lại bỏ GC + CC + NN là đất cổ Việt vừa được tướng Hán là Lộ Bác Đức mới chiếm, đời Tần chưa có, ta còn:

TQ = HP + TN

Biết rằng Hợp Phố là quận đặt sau, cắt bởi đất Giao Chỉ và Nam Hải mà lập ra, ta bỏ HP. Vậy ta còn:

TQ = TN

Tượng Quận = Thương Ngô

Bài toán trên đây rất phù hợp với sử liệu đời Hán, vì sau cuộc thắng trận của Lộ Bác Đức thì Tượng Quận biến mất ở vùng đó mà Thương Ngô lại xuất hiện. Nếu không ai biết Tượng Quận và Thương Ngô ở đâu thì Thương Ngô là tên mới của Tượng Quận rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Đành rằng Giao Chỉ, Cửu Chơn, Nhựt Nam cũng mới xuất hiện, nhưng ai cũng biết đó là đất mới chiếm và ta biết vị trí, còn Thương Ngô thì tại không biết ở đâu thì Thương Ngô là Tượng Quận vậy. Hán không có chiếm đất nào mới hơn là Giao Chỉ, Cửu Chơn, Nhựt Nam, thì một danh xưng mới, phải là tên mới của một đất cũ mà danh xưng biến mất.

Lại xin nhắc rằng cái Tượng Quận bị cắt làm hai nhập vào Uất Lâm và Tràng Sa về sau đó là Tượng Quận đời Hán, không dính líu gì đến Tượng Quận đời Tần là Thương Ngô. Nhưng cả hai Tượng Quận này đều không khác nhau bao nhiêu như ta đã thấy ở ám chỉ về nghiên cứu của Lão Cán.

Nay truy ra thì Thương Ngô nằm giữa Vân Nam và Quảng Tây ở sát Hạ chí Tuyến; về mặt Bắc của Hạ chí tuyến.

Thương Ngô sản xuất rất nhiều voi, mà nếu quả Tượng Quận là quận có nhiều voi thì Thương Ngô không trái với sự kiện voi.

Toàn thể các nhà bác học đều bị ám ảnh vì loài voi, nhưng chưa chắc nhà Tần đặt tên như thế là vì loài thú đó. Dưới thời Xuân Thu, ở nước Vệ có Tượng Ấp, nhưng nước Vệ ở mãi tận Hoa Bắc, nơi đó không có con voi nào cả thì bảo sao?

Nhưng nếu muốn voi, cứ được voi, vì dầu sao Thương Ngô cũng vẫn là nơi sản xuất voi chớ không riêng gì “Bắc Kỳ”, mà còn trái lại nữa. Bắc Việt chưa bao giờ có nhiều voi, từ cổ đến kim, nơi đó không hề nổi danh vì voi.

Nhưng một tài liệu cổ Trung Hoa mà chúng tôi moi ra, cho biết Tượng là gì. Đó là một điều mà không ai chú ý đến cả.

Sách Lễ Ký, chương Vương Chế, cho biết rằng người Tàu các đời Hạ, Thương, Chu, gọi phương Đông là Kỳ, phương Nam là Tượng, phương Tây là Đích Đề, phương Bắc là Dịch.

Lễ Ký lại còn cho biết thêm rằng dưới đời Chu có một chức quan tên là Tượng , quan ấy có nhiệm vụ trông nom việc bang giao với các man di ở phương Nam.

Vậy Tượng Quận chỉ có nghĩa là một quận ở phương Nam, chớ chẳng liên hệ gì tới voi cả mà bao nhiêu học giả cứ nói đến voi mãi.

Còn cái huyện Tượng Lâm của quận Nhựt Nam (Huế) thì mới có thể là huyện Rừng Voi, vì quả ở đó có voi nhiều và nghĩa cũ của chữ Tượng = Phương Nam cũng đã mất rồi vào năm nhà Hán đặt tên cho huyện Tượng Lâm.

Tới đây thì các ông quả quyết rằng Tượng Quận là Nhựt Nam, vì ở đó có huyện Tượng Lâm, là những ông quả quyết liều.

Viết sử bằng cảm giác Tượng là voi không có gì nguy hiểm bằng.

Danh từ Tượng bị hiểu lầm là voi, giống tiếp đầu ngữ Austro bị hiểu lầm là Úc Châu, nhưng cả hai chỉ có nghĩa là Phương Nam.


Bằng chứng thứ hai

Bằng chứng này của ông L. Bézacier, nguyên quản thủ các di tích lịch sử Việt Nam cho tới năm 1944: “Tất cả những ngôi mộ cổ của quan Tàu ở Đông Dương, toàn là mộ đời Hậu Hán về sau (tức từ sau Mã Viện). Không hề có một Trung Hoa cổ từ thời Mã Viện về trước”.

Thế nghĩa làm sao? Rất dễ thấy sự thật. Từ đời Tần cho đến Mã Viện, không có quan Tàu sang nước ta. Nếu nước ta là Tây Âu, là Tượng Quận như các ông nói thì họ đã có chiếm, đã có quan của họ chết và được chôn ở đó, và mộ quan phải còn.

Cũng không hề có dân Tàu di cư như các ông O. Jansé và Nguyễn Phương đã quả quyết rằng có, mà đừng tưởng rằng vì dân di cư nghèo làm mộ đất mà không có dấu vết. Chính ông O. Jansé đã quả quyết rằng họ là rể của Lạc Tướng, Lạc Hầu, thì họ phải là những nhơn vật Hoa Kiều rất quan trọng.

Suy luận viển vông, dựa vào sử liệu gián tiếp không sao thắng nổi khoa khảo cổ. Nhưng buồn cười lắm là chính ông O. Jansé làm công việc đào mồ cuốc mả, nhưng ông lại không biết thấy sự thật lịch sử ở đó, để cho người khác thấy là ông L. Bézacier, ông O. Jansé đã không thấy lại còn kết luận ngược lại là từ đời Chu đã có người Tàu đến làm rể của các lãnh chúa (chefs féodaux) ở cổ Việt Nam rất đông. Có lẽ là Thi Sách, chồng bà Trưng chăng?


Bằng chứng thứ ba

Bằng chứng này lại càng mạnh hơn vì đó là sử của Tư Mã Thiên.

Chúng tôi thấy là Tư Mã Thiên viết sai sự thật rất nhiều. Tuy nhiên, cũng có vài điểm họ Tư Mã viết đúng, chớ không phải điểm nào cũng sai hết.

Về việc Tần đánh Ngũ Lĩnh tới đâu thì ta có thể tin Tư Mã Thiên được vì ta kiểm soát chặt chẽ thì thấy ở đoạn đó Tư Mã Thiên không vô lý ở điểm nào hết.

Thế nên vừa công kích mạnh Tư Mã Thiên ở các trang trước ở đây chúng tôi lại đưa Tư Mã Thiên ra để làm nhân chứng với tinh thần vô tư và không thành kiến với sử gia đó, cái nào ông ấy sai thì cứ công kích thẳng tay, nhưng cái nào ông ấy đúng thì cần nghe theo ông ấy, không sợ bị mắng là khen chê bất nhứt.

Một người viết một bộ sử dày hàng ngàn trang, tất nhiên cũng viết đúng được chút ít, ta không nên thấy người ấy sai nhiều điểm quá rồi gạt quyển sử của người ấy ra một cách bất công.

Câu sử quan trọng chỉ đích xác Tượng Quận ở đâu, do chính ông L. Aurousseau tìm ra, nhưng ông lại không dùng câu ấy được, đúng theo nghĩa của nó, vì ông không hiểu câu đó muốn nói gì.

Sử Ký của Tư Mã Thiên có một câu ngắn khẳng định về biên giới cực Nam của Ngũ Lĩnh dưới đời nhà Tần. Theo Sử Ký thì sau khi chiếm xong Ngũ Lĩnh, biên giới cực Nam của nhà Tần là nơi mà thiên hạ cất nhà day cửa về hướng Bắc.

Tư Mã Thiên đã dùng từ ngữ bí hiểm là “Bắc Hộ” để diễn cái ý trên đây. Ông L. Aurousseau là giáo sư chữ Nho, ông hiểu “Bắc Hộ” là cất nhà day cửa về hướng Bắc, nhưng ông lại không biết cái thiên văn sai lầm mà Tư Mã Thiên đã biết. Hơn thế, ông không hề nghe nói có một nơi nào mà dân chúng cất nhà kỳ dị như vậy, nên ông cho là Tư Mã Thiên bịa, nên ông bỏ qua, đi phỏng đoán cho sai sự thật.

Theo khoa thiên văn thật đúng thì trên trái đất, vào những giờ trưa và vào vài ngày nào đó trong một năm, nói đích xác là vào những ngày Hạ chí (Soistice d’été) có những nơi mà con người thấy mặt trời nằm ở hướng Bắc của họ.

Người Tàu đã biết điểm thiên văn ấy rồi, vào thuở đó. Nhưng những nơi ấy là những nơi nào thì người Tàu chỉ bắt đầu biết chắc vào đời Tần mà thôi, bằng cách đặt Nhật Khuê (Ngomon) tại Phiên Ngung, sau khi chiếm trọn Ngũ Lĩnh. Có lẽ đó là lý thuyết thiên văn của Hy Lạp mà người Tàu học được, nhưng họ có kiểm soát lại, không biết họ bắt đầu kiểm soát từ thời nào, nhưng họ chỉ thành công sau cuộc chinh phục của Tần Thỉ Hoàng mà thôi và họ thấy rằng lý thuyết ấy đúng, vì khi đặt nhật khuê tại Phiên Ngung thì họ thấy hiện tượng đó xảy ra.

Đó là nơi mà ngày nay khoa thiên văn gọi là Hạ chí Tuyến Bắc (Tropiques Nord du Cancer). Hạ chí Tuyến Bắc chạy ngang thành Phiên Ngung, ở dưới Quảng Đông tỉnh lỵ ngày nay chừng một cây số.

Tư Mã Thiên chỉ mới biết tới đó mà thôi rồi ông chết đi. Những kiểm soát về sau, do Mã Viện thực hiện, ông không được hưởng.

Đám trí thức Tần nằm nhà, nghe tin sự thành công khoa học ấy, bày ra cái huyền thoại này là dân ở đó cất nhà day mặt hướng Bắc vì họ suy luận theo lối Tàu rằng hễ khi mà mặt trời nằm ở hướng Bắc của con người thì hẳn con người phải day cửa hướng Bắc để hưởng mặt trời. Họ không biết rằng hiện tượng ấy chỉ xảy ra có vài ngày trong một năm, và có vài giờ trong vài ngày đó, thì dân không dại gì mà cất nhà như vậy.

Huyền thoại “Bắc Hộ” chắc không phải do Tư Mã Thiên bịa ra, nhưng ông đã dùng huyền thoại đó trong Sử Ký.

Tư Mã Thiên không phải là một người nằm nhà, ông đã đi nhiều nhứt trong các sử gia Tàu, nhưng ông tự thú rằng về phía Nam, ông chỉ đi tới Giang Hoài (Sử Ký). Như vậy, ông dùng huyền thoại là chuyện dĩ nhiên, bởi ông không thấy cảnh vật Phiên Ngung.

Soạn giả Sử Ký chết đi với cái huyền thoại thứ nhứt đó.

Rồi Mã Viện lớn lên, đi viễn chinh, kiểm soát lại, và một huyền thoại thứ nhì lại ra đời.

Xin nhắc rằng sử nhà nước của Tàu chép rằng Mã Viện đuổi theo tàn quân của hai bà Trưng đến Cư Phong diệt được họ rồi thôi.

Nhưng những quyển sử không chính thức, thí dụ quyển Thuỷ Kinh Chú, thì lại chép tỉ mỉ rằng Mã Viện còn đi nữa, đi cho tới cực Nam của quận Nhựt Nam mới thôi, cái phần sau đó Thuỷ Kinh Chú viết rất dài, chớ không phải chỉ có 6 chữ như Hậu Hán thư.

Tác giả Thuỷ Kinh Chú, Lệ Đạo Nguyên, là một thứ sử Giao Chỉ. Suốt nhiệm kỳ của ông ấy, ông không có làm gì quan trọng cả, mà dân ta cũng không có nổi loạn, nên sử Tàu không hề nói đến tên ông, sau sắc phong thứ sử. Nhưng ông có viết một quyển sách rất quan trọng đối với dân ta, đó là quyển Thuỷ Kinh Chú, trong đó việc Mã Viện đi xa xuống phương Nam, được ghi chép tỉ mỉ từng li, từng tí, khó có thể nói rằng ông bịa. Sở dĩ sử nhà nước không chép đoạn sử ấy vì một bí mật quốc gia của Tàu sẽ được tiết lộ ở chương Bí mật Mã Viện.

Mã Viện không có đánh ai cả, từ Cư Phong đổ xuống, nhưng ông có hai sứ mạng khoa học mà chúng tôi chỉ kể ra đây sứ mạng thứ nhứt mà thôi, là đặt nhật khuê để kiểm soát thêm về lý thuyết thiên văn nói trên.

Mã Viện đã đặt thêm hai nhật khuê, một ở Giao Chỉ và một ở Huyện Tỵ Ảnh, quận Nhựt Nam.

Vài quyển sử ta viết về phong tục người Chàm, thường nói đến vụ cất nhà day mặt hướng Bắc của người Chàm. Họ viết theo các sử gia Tàu sai lầm, chớ sự kiện ấy không hề có bao giờ.

Sự thật khoa học này, Mã Viện chỉ biết có 1 phần 10, vì hiện tượng ấy kéo dài cho đến đường xích đạo, tức cách Phiên Ngung 5 ngàn cây số, cách Nhựt Nam 4.000 cây số.

Mã Viện rất cẩn thận, và ông biết rằng hiện tượng mặt trời ở hướng Bắc của con người vào buổi trưa, chỉ xảy ra có vài giờ trong vài ngày của một năm mà thôi.

Thấy rõ là sự hiểu biết về thiên văn của người Tàu vào thuở đó còn thô sơ lắm; và chính vì thế mà ông L. Aurousseau cho rằng Tư Mã Thiên bịa nên không dùng câu đó làm tài liệu, bởi trên thực tế, không ai lại dại mà cất nhà day mặt hướng Bắc để chỉ hưởng lợi được có mấy tiếng đồng hồ trong vài ngày của mỗi năm.

Mà cũng tại ông L. Aurousseau không biết cái trình độ kém về thiên văn của Tư Mã Thiên, chớ nếu ông biết, ông đã cố tìm hiểu Tư Mã Thiên.

Mã Viện chợt thấy Tư Mã Thiên sai:

  1. Không có ai cất nhà day mặt về hướng Bắc cả, bất kỳ ở đâu.
  2. Nhiều nơi khác cũng đồng tánh cách với Phiên Ngung. Họ Mã đã đặt Nhật Khuê ở Giao Chỉ và Tỵ Ảnh. Vì thế mà chỗ đó mới được đặt tên là huyện Tỵ Ảnh. Tỵ Ảnh là trốn hình bóng của mình hoặc bóng của mình trốn mất, hoặc mình che bóng của mình vào giờ Ngọ vì ở Hoa Bắc vào giờ Ngọ thì bóng của con người ngã dài ra về hướng Bắc tức mặt trời ở hướng Nam con người chớ không có tình trạng Đứng bóng như ở Việt Nam. Tỵ Ảnh dịch thật đúng từ ngữ Đứng bóng của ta.
Cái quận Nhựt Nam (gồm huyện Tỵ Ảnh) sở dĩ trước kia được Lộ Bác Đức đặt tên như vậy vì họ Lộ nghe đồn ở đó con người ở phía Nam của mặt trời còn nhiều hơn ở Phiên Ngung nữa.

Lộ Bác Đức cũng là một viên tướng nằm nhà. Diệt Triệu Bà xong, ông ta tiếp tục chánh sách của Triệu Đà, tức gởi đại diện Tàu xuống cai trị vùng dưới, vùng Cổ Việt, mà không hề dám ra khỏi thành Phiên Ngung vì sợ cái nóng nhiệt đới.

Thế nên đặt tên quận, huyện, ông ta phải căn cứ trên lời đồn. Ông nghe đồn rằng ở dưới Cửu Chơn, hiện tượng mặt trời lại còn ở phía Bắc con người nhiều hơn ở Phiên Ngung nữa, nên ông tách quận Cửu Chơn quá dài thành hai quận, phía dưới là Nhựt Nam, có nghĩa là mặt trời của phương Nam rất độc đáo, chớ không phải là mặt trời nằm ở phía Nam con người, vì như đã nói, càng đi xuống, mặt trời càng ở phía Bắc của con người vào mùa Hạ chí.

Tóm lại, Tư Mã Thiên chỉ biết có tình hình khí tượng Phiên Ngung là nơi mà nhà Tần đã thí nghiệm xong. Nhưng nếu họ Tư Mã biết nhiều hơn thì ông ấy cũng sẽ nói Phiên Ngung là nơi “Bắc Hộ”, vì biên giới là một lằn mức mỏng như sợi chỉ, chớ không thể là một phần đất dài 5.000 cây số được. Như vậy muốn lấy thiên văn để chỉ cái lằn mức đó, người viết sử chỉ có thể dùng hai nơi là nơi bắt đầu và nơi cuối cùng vì hai nơi đó có tánh cách tiêu biểu, tánh cách tượng trưng. Nơi cuối cùng là đường xích đạo, nơi bắt đầu là thành Phiên Ngung.

Ngày xưa ở Trung Hoa (mà cho cả ở Địa Trung Hải cũng thế) những nhà sử địa thường dùng thiên văn để định vị trí của những nơi xa xôi đối với xứ của tác giả.


Như vậy Tư Mã Thiên không có làm việc trái đời chút nào hết, mà làm đúng theo phương pháp thuở đó khi lấy hai tiếng “Bắc Hộ” để chỉ biên giới cực Nam của nước Tàu dưới đời Tần, sau trận Ngũ Lĩnh.

Chỉ rắc rối là cái khoa thiên văn ấy chỉ mới được kiểm soát lần đầu vào nơi bắt đầu của vùng nhiệt đới dài mười ngàn cây số mà thôi, vùng này chạy từ Phiên Ngung cho đến đường xích đạo là lên tới cực điểm rồi hạ xuống lần lần cho tới Nam Chí Tuyến (tropiques du Capricorne), chạy ngang từ xứ Úc Đại Lợi, tổng cộng là 10 ngàn cây số là hết và phiền nữa là sự kiểm soát ấy lại bị huyền-thoại-hoá với vụ “Cất nhà day mặt hướng Bắc” ly kỳ ấy.

Chúng tôi nói rằng chỉ có thể dùng hai nơi là Hạ Chí Tuyến Bắc (tropiques Nord du Cancer) và đường xích đạo để làm nơi tiêu biểu cho lằn ranh giới. Nhưng có thế nào mà Tư Mã Thiên lại làm sai phương pháp, lấy một lằn mức ở Giao Chỉ hay không?

Không, bởi vì sử Tàu chỉ nói đến việc đặt nhựt khuê tại Phiên Ngung dưới đời Tần mà không nói đến việc đặt ở nơi khác như đã nói vào thời Mã Viện.

Câu sử trên đây giải quyết một lượt đến hai vấn đề: Tượng Quận và Tây Âu. Khi biên giới cực Nam của Tàu mà nằm tại Hạ chí tuyến Bắc thì Tần không có chiếm Âu Lạc, vì Hạ chí Tuyến Bắc là Phiên Ngung.

Người đặt tên cho quận Nhựt Nam cũng bí hiểm không kém Tư Mã Thiên vì Nhựt Nam cũng gây ngộ nhận.

Thứ nhứt, hai tiếng Nhựt Nam đã làm cho nhiều người hiểu sai rằng ở đó mặt trời ở phía Nam con người, mà thật ra thì ở đó mặt trời ở phía Bắc của con người vào mùa Hạ chí.

Đã bảo Nhựt Nam là Mặt trời phương Nam độc đáo. Nhưng làm sao mà hiểu như vậy cho được chớ?

Các ông Tàu dùng chữ quá bí hiểm như vậy đó. Chính ở Hoa Bắc thì hiện tượng Nhựt Nam mới xảy ra hằng ngày, nếu hiểu theo nghĩa thông thường Nhựt Nam là mặt trời ở phía Nam của con người.

Cũng như hiện tượng ban ngày mặt trời bị mặt trăng che, họ gọi là Nhật thực tức Mặt trời ăn. Sự thật thì chính Mặt trăng ăn mặt trời ấy chớ, và phải gọi là Nguyệt thực mới đúng cho. Còn như muốn dùng chữ Nhật thì phải nói Nhật bị thực mới ổn.

Lại còn Tỵ Ảnh nữa. Thật ra thì chỉ có tại đường Xích đạo mới có thể đặt tên là Tỵ Ảnh, còn đứng về mặt tương đối thì chính huyện Tượng Lâm tỵ ảnh nhiều hơn huyện Tỵ Ảnh, bởi huyện Tỵ Ảnh ở trên Tượng Lâm khá xa, tức ít Tỵ Ảnh hơn Tượng Lâm nhiều lắm.

Thấy rõ là họ đặt địa danh bậy bạ hết, và ai tin rằng Việt Thường là đất của dân Việt Thường đời Chu Công Đán là lầm to.

Thứ hai, lối đặt tên bậy bạ như vậy đã gây ngộ nhận cho vua Tàu một cách buồn cười và ngộ nghĩnh.

Sử Tàu chép rằng một ông quan ở Nhựt Nam được sang Tàu, được chầu vua, và vua Tàu hỏi có phải ở Nhựt Nam thiên hạ cất nhà day cửa hướng Bắc hay không? Người Nhựt Nam trả lời rằng làm gì có cái việc kỳ lạ như vậy, mỗi người day cửa theo hướng tiện lợi thôi chớ, như ở gần sông day cửa xuống sông, gần biển day cửa ra biển mà biển thì ở hướng Đông.

Ở đây sự ngộ nhận lại chạy sang nẻo khác nữa và người mình lại hoan hô ông Nhựt Nam ấy dữ lắm. Nguyên vua Tàu có tục bắt các phiên thần day về hướng Bắc để tỏ ý thần phục vì hướng mà Trung Hoa cho là tốt, là đáng nhìn, là hướng Nam. Vì vậy mà người mình ngỡ câu hỏi của vua Tàu có ẩn ý muốn biết người Nhựt Nam quả có thần phục nước Tàu đến mức mà cả toàn dân đều thực hiện cái lịnh day mặt hướng Bắc hay không, còn câu đáp của ông Nhựt Nam cũng có ẩn ý rằng dân Nhựt Nam không thần phục Trung Hoa.

Đó là một ngộ nhận, chớ thật ra, vua Trung Hoa chỉ hỏi thật tình vì kém thiên văn và địa lý, còn ông Nhựt Nam cũng chỉ đáp thành thật mà thôi.

Ta lại ngộ nhận một lần thứ ba nữa, ta khen người Nhựt Nam đó biết binh vực cho tinh thần bất khuất… Việt Nam. Nhưng thật ra thì Nhựt Nam là đất Chàm, mà ai cũng cứ tưởng là đất Việt. Ta sẽ thấy rõ ở chương Chàm. Nếu có kẻ nào binh vực cho nước nào thì cái nước được binh vực là nước Chàm chớ không phải là nước Việt.

Nhưng không có ai binh vực ai cả, vì kẻ đó là người Tàu.

Cái ông Nhựt Nam đó tên là Trương Trọng, không phải là người Việt Nam hay người Chàm. Ông ta là người Tàu và được bổ nhiệm làm quan ở Nhựt Nam. Có dịp về Lạc Dương chầu Tàu, nên mới có câu chuyện trên đây.

Như vậy thì không có vấn đề “ái quốc”, vấn đề “binh vực thể thống quốc gia” như vài nhà học giả ta đã đưa ra để ca ngợi Trương Trọng. Đó chỉ là một ngộ nhận của vua Tàu, cả vua Tàu và Trương Trọng đều thành thật. Chỉ có ta là ngộ nhận thêm rằng vua Tàu quá tin nơi sự thần phục của “man di”, còn “man di Trương Trọng” thì lại biết binh vực màu cờ xứ sở Việt Nam. Trương Trọng là người Tàu đi trị man di, còn Nhựt Nam cũng không phải là đất của Việt Nam vào thuở đó, hay nói cho đúng ra đó là thuộc địa mới của vua Hùng Vương, người Chàm còn đông đặc ở đó.

Người Tàu Trương Trọng binh vực màu cờ Việt Nam làm gì, khi ông là người Tàu di cư đến Hợp Phố và đi trị Chàm?

Kết luận: Nhà Tần không bao giờ có đánh chiếm đất Bắc Việt ngày nào hết, câu sử của Tư Mã Thiên đã đính chánh mạnh tất cả mọi thuyết.

Chúng tôi không hề nhắm mắt mà tin Tư Mã Thiên như có một số sử gia đã tin, nhưng riêng câu sử trên kia thì Tư Mã Thiên phải được tin bằng lời bởi chúng tôi đã đưa ra nhiều sự kiện khác để chứng minh rằng nhà Tần không hề có chiếm Cổ Việt, tức Tư Mã Thiên bị kiểm soát cẩn thận.

Theo Ngô Sĩ Liên thì vào đời Đường và đời Tống, Trung Hoa lại kiểm soát lại một lần nữa tại Giao Châu và Lâm Ấp. Và đây là nguyên văn họ Ngô:

“Tống dựng nêu (ngomon) tại Lâm Ấp thì nhìn thấy mặt trời ở phía Bắc cây nêu 9 tấc 1 phân. Ở Giao Châu thì bóng ở phía Nam cây nêu 3 tấc 3 phân.

Nhà Đường đo bóng mặt trời ngày Hạ chí. Ở Giao Châu thì bóng ở phía Nam cây nếu, y như vào đời Tống”.

Nên biết rằng Ngô Sĩ Liên viết chữ Tàu nên phần trên của câu chuyện này có thể gây ngộ nhận, vì chữ Tàu là một thứ văn tự nói không rành mạch. Làm thế nào mà người đời Tống có thể thấy mặt trời ở phía Bắc cây nêu 9 tấc 1 phân được? Nói như ở phần sau là thấy bóng mặt trời (ở phía Nam) tức thấy bóng cây, thì ai cũng hiểu được hết.

Hễ bóng cây ở phía Nam (theo đoạn sau) thì mặt trời phải ở phía Bắc, nhưng sự kiện mặt trời ở phía Bắc không thể thấy được thì không nên viết như thế ở đoạn trước. Mà Tàu thì lại viết như thế về đủ cả vấn đề, khiến ta đọc sách Tàu nhức đầu lắm.
Nguồn: Bách Bộc xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản điện tử do talawas thực hiện.
 
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11054&rb=08
#16
    Ngọc Lý 05.03.2008 01:51:10 (permalink)
    Bình Nguyên Lộc
    Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam





    13/35
     
     Ở chương sau chúng ta sẽ biết thật rõ hơn nước Tây Âu về mặt chủng tộc học. Ở đây, chỉ tạm khẳng định rằng nước ấy chẳng dính líu gì hết đến Cổ Việt tức đến Âu Lạc.

    Dầu sao đất của An Dương Vương cũng còn ở ngoài vòng đô hộ của nhà Tần, và nước Trung Hoa không bao giờ có chiếm Cổ Việt trong cuộc viễn chinh của Đồ Thư như bài nghiên cứu dài 72 trang khổ lớn của ông L. Aurousseau đã muốn chứng minh, và nhiều sách ta chép theo.

    Đây chỉ là sự thật lịch sử chứ không vì tự ái quốc gia hay gì gì khác, bởi vua Tần Thỉ Hoàng vẫn hãnh diện cho ta hơn là thua An Dương Vương. Nhưng ta đã nhận có bị An Dương Vương chinh phục vào thuở đó là vì sự thật mà thôi.

    Bị Tần Thỉ Hoàng chinh phục, không xấu hơn là bị Thục Phán chinh phục chút nào, trái lại, còn vinh diệu hơn, vì Tần sử dụng đến nửa triệu quân còn Thục Phán thì chỉ dùng có ba mươi ngàn. Nhưng chúng tôi cứ nỗ lực phủ nhận cuộc chinh phục của Tần Thỉ Hoàng là chỉ vì sự thật.


    Bằng hứng thứ tư

    Đây là bằng chứng cuối cùng và quyết định, có giá trị hơn cả vụ Bắc Hộ huyền hoặc của Tư Mã Thiên nhiều lắm.

    Quyển sách độc nhứt có tả rõ chiến trường Ngũ Lĩnh của Tần Thỉ Hoàng là quyển Hoài Nam Tử của Lưu An, và câu sử quan trọng nhứt cho biết Tần Thỉ Hoàng đánh tới đâu, nằm rõ trong đó.

    Câu sử ấy đã được hầu hết các sử gia ta trích dẫn, nhưng họ chỉ dùng về mặt khác mà không bao giờ chú ý đến chiến trường, thế nên họ trích sót cái đoạn quan trọng nhứt mà chúng tôi sẽ trích ra đây. (Một ngày trước khi đưa cho nhà xuất bản tập bản thảo này thì tôi thấy có một vị có trích đoạn đó, đó là giáo sư Nguyễn Đăng Thục trong tạp chí Sử Địa cuối năm 1970. Nhưng giáo sư lại có chú thích. Giáo sư trích đoạn đó, nhưng chẳng dùng nó để chứng minh cái gì, có lẽ vì lúc dịch, tiện tay dịch hết câu vậy thôi, nhưng lời chú thích lại khiến người muốn dùng sẽ hiểu khác. Chúng tôi viết những dòng này khi rượt theo nhà xuất bản để ghi thêm vào, và để nói rõ rằng chúng tôi chú thích khác và câu sử đó quan trọng lắm, khi chú thích đúng).

    Đây, mấy chục chữ tối quan trọng đối với lịch sử ta: “Sai Uất Đồ Thư xuất 50 vạn quân, chia làm 5 đạo, một đóng ở Đàm Thành, một đóng ở Cửu Nghi, một đóng ở Phiên Ngung, một chận ở đất phía Nam, một đóng ở sông Dư Can”.

    Những địa danh ở câu trên đây đều được ta biết, đại khái Dư Can ở Quảng Tây, Phiên Ngung ở Quảng Đông, Cửu Nghi ở Hồ Nam, Đàm Thành thì có tự điển cho rằng cách phía Tây Phiên Ngung không xa nhưng giáo sư Nguyễn Đăng Thục cho rằng Đàm Thành ở tận mãi trên núi Ngũ Lĩnh thì hơi khả nghi vì từ Ngũ Lĩnh đổ lên là đất của Tần, man di Việt có thua cũng không dám chạy lên đó mà phải đóng quân nơi đó. Nhưng Đàm Thành ở đâu, chú trích sai hay đúng không quan trọng.

    Quan trọng nhứt là đất phía Nam mà trong nguyên văn là Nam .

    Ông Nguyễn Đăng Thục chú thích rằng Nam Dã là Dự Chương.

    Nhưng nếu là Dự Chương thì đất ấy lại cũng ở phía trên. Hai ông Lê Chí Thiệp và Phạm Văn Sơn cho rằng Dự Chương là Vũ Xương ngày nay, còn sách địa lý của Jean Brunhes thì vẽ Dự Chương ở xa hơn vào phía trong, cách Vũ Xương lối 500 cây số.

    Nhưng theo Tối tân Trung Quốc phân tỉnh đồ là sách giáo khoa của Tàu ngày nay, tức sách đáng tin cậy. Dự Chương nằm ở phía Nam hồ Động Đình, cách hồ này vài chục cây số, tức ở trên Ngũ Lĩnh rất xa. Như vậy thì nhà Tần không có lý do nào cả mà đóng một cái núi ở đó, vì như đã nói, nếu man di có thua thì chạy xuống chớ không điên rồ mà chạy vào nước Tàu.

    Hơn thế, cứ nhìn kỹ vào trật tự của câu văn thì thấy rõ rằng Nam không thể nào là Dự Chương. Lưu An là một bậc danh nho, nổi danh về văn học hơn là nghề làm vua vùng phía Nam sông Hoài thì ông không thể nào mà để Dự Chương năm xen giữa hai địa điểm Quảng Đông. Ông nói về phía trên xong thì nói đến Dư Can và Phiên Ngung ở phía dưới. Ông không có lý do mà thêm một vị trí ở trên là Dự Chương vào hai địa danh Dư Can và Phiên Ngung, vì viết như vậy không còn trật tự gì nữa hết. Nói chuyện phía Bắc xong rồi thì nói chuyện phía Nam là hữu lý, nhưng cớ sao lại nhét một vị trí Bắc vào giữa hai vị trí Nam?

    Không rõ giáo sư Nguyễn Đăng Thục tự ý chú thích như vậy hay căn cứ trên sách nào. Có lẽ là theo một sách rất cổ chăng, vì đối với nhà Chu thì bất kỳ nơi nào ở Nam Sở cũng bị gọi là Nam Dã được hết thì gọi Dự Chương là Nam Dã là gọi đúng. Nhưng nó không còn đúng nữa trong trận đánh của Đồ Thư mà Nam Dã đã hoá ra Bắc Dã rồi.

    Lưu An sống vào đời Hán, mà đời Hán thì Dự Chương thuộc Hán Trung, tức là Trung , hoặc Bắc chớ không thể là Nam .

    Hai tiếng Nam mơ hồ đó không phải là một địa danh nào mà chỉ là một danh từ, chỉ đất phía Nam của Phiên Ngung, trỏ đất Cổ Việt, nói cho thật đích xác đó là cái tiểu Ngũ Lĩnh loại bỏ túi thấy trong bức dư đồ khi nãy.

    Cả ba nhơn vật Đồ Thư, Lưu An và Lộ Bác Đức đều không biết gì về nước Âu Lạc, nên họ phải dùng một danh từ, mà không dùng địa danh. Lộ Bác Đức là tướng Nam chính mà cũng không ra khỏi thành Phiên Ngung thì Lưu An chỉ cần gọi phía dưới là “Đất phía Nam” là đủ rồi.

    Ngăn chặn ở biên giới đất phía Nam chỉ có thể hiểu là ngăn chặn tại biên giới Tây Âu và Âu Lạc, nói theo ngày nay là biên giới Quảng Đông, Quảng Tây và Việt Nam.

    Tại sao lại ngăn? Ngăn để tận diệt quân Tây Âu, không cho họ rút lui. Và ngăn để An Dương Vương không thể cấp cứu Tây Âu. Tại sao An Dương Vương lại phải tiếp cứu Tây Âu? Vì ơn nặng mà An Dương Vương đã thọ lãnh của vua Trạch Hu Tống, của nước Tây Âu.

    Thế thì một lần nữa, một sử gia khác, cho biết cái nơi dừng quân cuối cùng của Tần Thỉ Hoàng. Đó là Hạ chí Tuyến Bắc, tức Phiên Ngung.

    Đã bảo Tàu Hoa Bắc vốn là dân xứ lạnh, quen chịu khí hậu lục địa, không thể nào mà ở được dưới Hạ chí Tuyến vào thời đó mà đánh xuống đó cho mất công.

    Về sau này thì được, mà đó chỉ là dân Quảng Đông và Phúc Kiến di cư, hai dân đó vốn nằm ngay tại Hạ chí Tuyến, cơ thể quen được với vùng nhiệt đới phần nào, chớ vào thời cổ thì quân lính toàn là người Hoa Bắc.

    Tất cả người Tàu di cư xuống Đông Nam Á đều là người Quảng Đông và Phúc Kiến, ai tìm được một người Hà Bắc hay Hồ Bắc hay Thiểm Tây ở Đông Nam Á, chúng tôi dám đưa đầu ra cho họ chặt.

    Còn đây là chuyện phụ. Câu sử của Lưu An trong Hoài Nam Tử được các sử gia Pháp, Việt, Nhật thường trích dịch nhưng chúng tôi e là có chỗ nghi ngờ.

    Thí dụ quý vị ấy dịch là “quan Uý Đồ Thư”, quan “Giám Sử Lộc”.

    Dưới đời nhà Tần, quan Uý ở dưới quyền quan Giám thì tại sao quan Uý Đồ Thư lại là thượng cấp của quan Giám Sử Lộc được?

    Có sách (sách Tàu) giải thích rằng Uý là Hiệu Uý. Nhưng dưới thời ấy lại chưa có chức Hiệu Uý, là chức của đời Hán.

    Bản in Hoài Nam Tử mà chúng tôi có trong tay, quá tốt, địa danh và nhân danh đều được họ đánh dấu riêng để cho đừng lầm với danh từ. Cứ theo bản in của chúng tôi thì chữ là nhân danh, mà khi Uý là nhân danh thì phải đọc là Uất. Ông ấy họ Uất, tên Đồ Thư, chớ không phải họ Đồ, tên Thư và làm quan Uý.

    Và cũng cứ theo bản in của chúng tôi thì Sử là động từ còn Giám là nhân danh. Sử Giám Lộc là sai, ông Giám Lộc chớ không phải là ông ấy họ Sử tên Lộc, làm quan Giám.

    Lưu An nói rằng đó là quân của Tần Thỉ Hoàng đánh với quân Việt và toàn thể sử gia Việt Nam đều hiểu: Việt đó là Việt Nam. Nhưng đâu có phải như vậy. Tất cả dân Ngũ Lĩnh đều được gọi là Việt vào thuở ấy (Bách Việt kia mà) và mãi cho tới năm nay (1970) dân Quảng Đông cũng cứ còn được gọi là dân Việt và giọng đọc tiếng Tàu của Quảng Đông được sách giáo khoa Tàu gọi là Việt ngữ.

    Việt đó có phải là Việt Nam hay không thì chắc chắn là không, vì sử Tàu có viết rằng dân Việt đó là dân của nước Tây Âu mà Tàu cũng gọi là đất Lục Lương, tức đất của dân cứng đầu cứng cổ. Tàu có gọi ta như thế bao giờ đâu.

    Và nước Tây Âu là nước của dân nào thì lát nữa ta sẽ biết đích xác. Họ không phải là Việt Nam.

    Nhượng Tống đã chưởi Giám Lộc tắt bếp vì sử Tàu ghi rằng Giám Lộc là người Việt, khiến ông tưởng Giám Lộc là Việt Nam phản quốc. Đã bảo bất kỳ dân nào ở Hoa Nam cũng bị gọi là dân Việt hết kia mà.

    Đây là nguyên văn câu sử độc nhứt và quan trọng vào bậc nhứt để biết rõ giai đoạn cổ sử Việt Nam đó.

    Chúng tôi đánh dấu theo sách Tàu mới, sách này cũng chấm phết y như sách Tây, lại có gạch những từ phải được xem là nhân danh chớ không phải là danh từ thường.

    “… hựu lợi Việt chí tê giác, tượng xỉ, phỉ tuý, châu, cơ, nãi sử Uất Đồ Thư phát tiết ngũ thập vạn chi ngũ quân, nhứt quân trắc Đàm Thành chi lãnh, nhứt quân thủ Cửu Nghi chi tắt, nhứt quân cứ Phiên Ngung chi đô, nhứt quân thủ Nam dã chi giới, nhứt quân kiết Dư Can chi thuỷ, tam niên bất giải giáp thì nổ, sử Giám Lộc (vô dĩ) chuyển hướng, hựu dĩ tốt tạc cừ nhi thông lương đạo, dỉ dữ Việt nhân chiến, sát Tây Âu quân Trạch Hu Tống, nhi Việt nhân giai nhập tùng bạc trung, dử cầm thú xứ, mạc chỉ vì Tần cứ, tương trí kiệt tuấn đỉ vi tướng, vi dạ công Tần nhân, đại phá chi, sát Uất Đồ Thư phục thi lưu huyết sổ thập vạn, nãi phác trương tức dỉ bị chí”.

    Với câu sử của Tư Mã Thiên và Lưu An và những gì chúng tôi đưa ra để bác bỏ các thuyết, ta đã làm sáng tỏ được:

    1. Tần không hề đánh xuống khỏi Hạ chí Tuyến Bắc, tức Tây Âu không là Cổ Việt.
    2. Tây Âu Lạc là một địa danh hoàn toàn không có.
    3. Huyện Tây Vu không thể là nước Tây Âu hùng mạnh.
    4. Thượng du tả ngạn Nhị Hà không thể là nước Tây Âu hùng mạnh.
    5. Trạch Hu Tống là vua của Tây Âu, theo Lưu An chép. Khi Tây Âu không là Bắc Kỳ, không là Thượng du Bắc Việt thì Trạch Hu Tống chẳng dính líu gì tới Cổ Việt hết.
    6. Tượng Quận không hề là Bắc Kỳ, vì Tần Thỉ Hoàng không có chiếm Bắc Kỳ mà lại có chiếm Tượng Quận.
    7. Không có chánh sách trồng người tại Cổ Việt Nam để đẩy dân Lạc Việt vào thế thiểu số.
    Nhưng còn đến ba ông vua, ông Hùng Vương, ông An Dương Vương, ông Tây Vu Vương mà vài sử gia cũng làm cho rối nùi. Ta thử giải quyết Tây Vu Vương trước vì đó là một ông vua bé tí hon.

    Tây Vu Vương chỉ là một quý tộc Âu Lạc được Triệu Đà để lại sau khi diệt An Dương Vương. Đó là chánh sách cổ điển được thi hành vào thuở đó cho tới thời Mã Viện, người Trung Hoa mới trực trị được dân ở đó. Phong tục, tôn giáo, pháp luật hai bên còn quá xa lạ nên luôn luôn họ cần người “rợ để trị rợ”.

    Sử Tàu chép rằng sau khi diệt An Dương Vương rồi, Triệu Đà đặt hai điền sứ dễ kiểm soát cán bộ bản xứ còn được giữ lại là cấp Lạc Tướng. Ông Tây Vu Vương đã toan nổi loạn, sau khi Triệu Đà chết là một sứ giả đó, có thể ông ấy là em hay con cháu của An Dương Vương mà Triệu Đà, vì tình sui gia, tha chết cho, và ban cho một huyện Tây Vu để ăn lộc, nhưng cũng bị người Trung Hoa của Triệu Đà coi chừng, kẻ coi chừng là phó tướng Hoàng Đồng, người đã giết ông ấy.

    Ức đoán này, xem ra có lý, vì ông phó tướng được ghi tên trong sử còn ông vua thì lại không. Ông phó tướng Hoàng có vẻ Trung Hoa lắm, còn ông vua thì “man di” nên không được kể đến, tên ông phải phiên âm phiền phức nên người chép sử bỏ luôn.

    Các ông Tây, ông Tàu đồng hoá Tây Âu và Âu Lạc một cách độc đoán nên mới tạo hỗn độn ở đoạn sử này. Tây Vu nằm trong Âu Lạc chớ không phải trong Tây Âu. Còn Tây Âu và Âu Lạc thì không có bằng chứng là một, lại có bằng chứng là hai. An Dương Vương ở đâu chưa rõ, đến đánh diệt Hùng Vương, rồi sử Tàu chép rằng: “Đó là đất Âu Lạc vậy”. Một địa danh mới hoàn toàn được phân biệt với địa danh Tây Âu. Không ai được quyền đồng hoá hai danh xưng đó vào thời ấy.



    *

    Vua Hùng Vương (hoặc nếu không có tên đó thì vua Lạc Vương) dĩ nhiên không làm sao mà là Trạch Hu Tống được như vài sử gia đã viết vì bị rối trí bởi những suy luận, những giả thuyết viển vông của hai ông H. Maspéro và L. Aurousseau, vì cái lẽ giản dị là nước Tây Âu không bao giờ là Cổ Việt Nam, cũng không bao giờ có việc sáp nhập đất đai.

    Sự thật thì quả Âu Lạc hàm cái ý Âu với Lạc nhập lại, nhưng chỉ là nhập trong tưởng tượng chớ không có nhập đất đai, vua An Dương Vương là người nước Thục di cư xuống nước đồng chủng là nước Tây Âu, và sống ở đó hai thế hệ, nên ông tự xem ông là người Tây Âu. Hơn thế lính mà ông mộ để xâm lăng Văn Lang của Hùng Vương toàn là người Tây Âu.

    Như vậy khi cải quốc hiệu Văn Lang thành ra Âu Lạc, ông chỉ muốn ngầm nói rằng đó là nước của dân Lạc, nhưng do dân Âu lãnh đạo, nhưng không có sự kiện sáp nhập Âu Lạc vào Tây Âu bao giờ.

    Quả thật thế, ông ta không hề là tướng của vua Tây Âu, và cuộc xâm lăng đó là việc làm riêng của ông ta, ông ta hưởng lấy, chớ sao lại khổ công mạo hiểm đi đánh giặc để rồi trao kết quả tốt lại cho nước Tây Âu hưởng là nghĩa làm sao?

    Viết về đoạn sử đó, ông Phạm Việt Châu cho rằng đó là lần đầu tiên trong lịch sử mà hai nhóm Việt sáp nhập với nhau, nhưng không hề có việc sáp nhập vào thời đó. Trái lại, nếu có, cũng không phải là lần đầu tiên. Lần đầu tiên xảy ra cách đó 2.500 năm tại Hoa Bắc khi mà một nhóm Lê họp với một nhóm Lạc và được Tàu gọi là nhóm Lạc Lê.

    Sự ngộ nhận âm thầm của sử gia Tàu và Việt là có sáp nhập Tây Âu và Âu Lạc được H. Maspéro viết rõ ra trên giấy trắng mực đen, nhưng ông ấy đã viết một điều quá vô lý vì chúng tôi vừa trưng ra bằng chứng không thể bác bỏ được là không thể có một sự sáp nhập như vậy vì hai lẽ:

    1. Thục Phán chỉ là thường dân chớ không bao giờ là tướng của vua Tây Âu.
    2. Như thế, y làm y hưởng, chớ không thế nào mà mạo hiểm để rồi dâng đất cho vua Tây Âu.
    3. Sự kiện không có sáp nhập lộ rõ ra ở chỗ y làm vua, một ông vua trọn quyền độc lập, song song với vua Trạch Hu Tống của nước Tây Âu.
    Ông H. Maspéro cũng kém tinh thần khoa học lắm khi ông quả quyết một điều vô lý. Nếu ông có thử đặt ra ba điểm trên đây để xét kỹ, hẳn ông sẽ tự trả lời ông, như chúng tôi đã quan niệm, và ông đã không viết liều như thế.

    Dầu sao, trước H. Maspéro, Tàu và ta cũng đã hiểu lầm y như H. Maspéro rồi, mặc dầu không viết ra. Họ hiểu lầm như thế nên họ mới kết luận rằng hễ Tần Thỉ Hoàng chiếm được Tây Âu thì đương nhiên chiếm được Âu Lạc vì hai nước đó đã được sáp nhập lại rồi, và gọi Cổ Việt là Tây Âu, cứ được.


    Tài liệu tham khảo riêng cho chương này:


    Cổ Thục, Tây Âu và chi Thái

    Ở đây chúng tôi nhảy vọt. Ta chưa xét đến chi Mã Lai Lạc mà lại xét về chi thứ nhì là chi Âu tức Thái. Nhưng chúng tôi cần làm sai nguyên tắc cho trí nhớ người đọc không bị đứt đoạn, khi ta vừa nói sơ đến nước Tây Âu ở chương trước.

    Nước Tây Âu bí mật này, từ xưa đến nay, chưa có quyển sử nào viết rõ về nó, nhứt là về dân của nước ấy, xưa tên gì, nay tên gì, và đây là lần đầu mà một chi lớn của nhóm Mã Lai ở Trung Hoa được nghiên cứu với ba quốc gia hùng mạnh của chi đó, vào cổ thời.

    Tần xua quân xuống đánh vùng Ngũ Lĩnh, tức ở ngoài đất Dương Việt (theo Khổng Tử) và nói đến ba nước; đó là nước Đông Âu, nước Mân Việt và nước Tây Âu.

    Thắng trận xong, họ chia cả ra thành quận huyện của họ. Đông Âu là quận nào, Mân Việt là quận nào thì ai cũng đồng ý rồi, và đồng ý cả về địa bàn ngày nay của các nước xưa đó nữa là:

    Đông Âu = Nam Triết Giang + Bắc Phúc Kiến

    Mân Việt = Phúc Kiến và mấy phủ ở Quảng Đông (các phủ Triều Châu)

    Tới đây thì mọi việc đều rõ, và bắt đầu từ đây, rối loạn xảy ra, mặc dầu sử Tàu cũng đã nói rõ. Phần đất còn lại là đất của nước Tây Âu, và đất đó, Tàu chia ra thành ba quận: Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận.

    Rối loạn, như đã nói, và xin nhắc lại một lần nữa, bởi điểm này rất quan trọng, vì ta và Tây hiểu lầm sử Tàu.

    Sử Tàu viết rằng:

    Tượng Quận = Giao Chỉ

    Tây Âu = Giao Chỉ

    Nhưng cái Giao Chỉ đó phải hiểu là Giao Chỉ bộ, có ngay sau Lộ Bác Đức và gồm tất cả các thuộc địa mới của Tàu ở phương Nam.

    Nhưng ta và Tây cứ hiểu rằng đó là Giao Chỉ quận mà Giao Chỉ quận thì chỉ là Bắc Việt mà thôi, cái Giao Chỉ thứ nhì này, mãi đến đời Tam Quốc mới có vì Tàu tách Giao Chỉ bộ làm hai, phía trên đặt tên là Quảng Châu, phía dưới đặt tên là Giao Châu. Trong Giao Châu có ba quận: Giao Chỉ, Cửu Chơn và Nhựt Nam.

    Vì Giao Chỉ bộ chỉ thọ có vài trăm năm còn Giao Chỉ quận (Bắc Việt) tồn tại mãi cho đến đời nhà Đường, nên cả ta lẫn Tây cứ bị ám ảnh về Giao Chỉ II, hễ sử Tàu nói đến giản dị là nghĩ ngay đến Bắc Việt cũng như hễ họ nói đến Việt là ta nghĩ ngay đến ta mà quên mất rằng có đến Bách Việt.

    Có rất nhiều nhà trí thức Việt Nam lại còn tưởng rằng họ không có lầm, họ biết cái Giao Chỉ bộ ấy, nhưng dầu cho Giao Chỉ bộ có to hơn bao nhiêu, to đến đâu, cũng cứ là đất của ta, mà người tin tưởng như vậy trước tiên, có lẽ là vua Quang Trung Nguyễn Huệ.

    Với những người tin tưởng như vậy thì ta không còn đưa ra hai cái Giao Chỉ để mà làm bằng chứng nữa được, mà phải chỉ đích xác dân ở trên Cao Bằng, Lạng Sơn, hồi cổ thời là dân nào, có phải là dân Việt Nam hay không.

    Trước hết Tàu chỉ dân đó bằng chữ Việt bộ Mễ, chớ không phải bằng chữ Việt dùng để trỏ ta, và họ đã làm như vậy từ đời Tần, Hán chớ không phải mới làm về sau vì sợ ta đòi đất ấy lại.

    Tưởng hai tự dạng khác nhau, được Tàu dùng từ đời Tần Hán cũng đã là chứng tích khá vững rồi khi ta thấy Tàu họ ý thức vô cùng trong việc sử dụng tự dạng Lạc. Họ không hề biết khoa chủng tộc học, kể cả ngày nay nữa, nhưng họ quan sát rất giỏi.

    Nói ta với dân đó đồng chủng tộc thì đúng, và mục đích quyển sách này chỉ có thế, nhưng nói ta với họ là một dân tộc thì qua sai.

    Chúng tôi đã chứng minh rằng nhà Tần không hề có đánh chiếm nước ta vì họ chỉ đánh Ngũ Lĩnh, mà nước ta thì ở ngoài Ngũ Lĩnh.

    Nhưng chứng minh như vậy không đủ cho mấy người có tin tưởng trên kia vì họ lại cứ bảo rằng nếu quả đúng như thế thì nhà Tần đã đánh chiếm được phân nửa nước ta, chiếm phần trên và phần đó cứ là đất Việt.

    Hai cái tự dạng khác nhau đó không đủ họ tin, thế nên chúng tôi lại phải trình thêm một chứng tích nữa để củng cố chứng minh của chúng tôi.

    Chúng ta cùng đi tìm để biết đích xác nước Tây Âu này thử xem sao, để cho không còn gì lòng dòng nữa. Nếu nước đó quả là nước của dân Lạc Việt thì quí vị khác đúng, còn như đó là nước của dân khác thì chúng tôi đúng.

    Nhơn đọc Tối Tân Trung Quốc phân tỉnh đồ của Tàu, loại lớn, thấy họ cho biết rằng tất cả các cổ dân ở Hoa Nam, ngày xưa đều còn đầy đủ mặt, chúng tôi rất ham biết cái dân Tây Âu kiêu hùng đó, cái dân đã giết được tổng tư lệnh đạo quân viễn chinh của Tần Thủy Hoàng, biết đích xác họ là dân tộc nào. Trong ba năm học hỏi và săn tài liệu lung tung, chúng tôi tìm được một bức dư đồ rất hữu ích, tên là Ethnolinguistico Groups of Mainland Southeast Asia do Human Relations Area Fites Yale University xuất bản.

    Theo tài liệu của Pháp thì bức dư đồ Huê Kỳ đó được giới khoa học Nga xác nhận là thật đúng, và ta dùng nó được một cách an lòng, vì hai nước nghịch nhau mà tán đồng nhau thì đúng là sự thật.

    Theo bức dư đồ đó thì hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Nam Quí Châu là địa bàn hiện kim của dân Thái, một dân tộc rất cổ mà ngày xưa Tàu gọi là dân Âu. Chỉ bằng vào sự kiện địa bàn ta có thể kết luận rằng nước Tây Âu là nước của dân Thái ở ba tỉnh Trung Hoa ấy ngày nay, chớ không có gì rắc rối như các nhà bác học Tây, Tàu, Nhựt, Việt đã bút chiến lung tung với nhau làm rối nùi mọi việc khiến ta phải điên đầu từ năm 1918 đến nay.

    Nên biết rằng bức dư đồ trên đây là bức dư đồ ngôn ngữ chớ không phải là dư đồ chính trị. Theo dư đồ chính trị thì nơi đó là hai tỉnh rưỡi của Trung Hoa, nhưng về mặt phân phối ngôn ngữ thì nơi đó là vùng mà người dân nói tiếng Thái.

    Lại còn phải hiểu điều này nữa về kỹ thuật và quan niệm về dư đồ phân phối ngôn ngữ. Người Trung Hoa ở hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, tuy mười lần đông hơn người Thái, nhưng diện tích đất mà họ chiếm chỉ bằng 1/10 diện tích đất mà Thái làm chủ. Họ chỉ ở tỉnh lỵ, huyện lỵ và các đồng bằng của tỉnh Quảng Đông và vài đồng bằng quá hiếm hoi của tỉnh Quảng Tây và Nam Quí Châu. Sự phân phối ngôn ngữ luôn luôn đi sát diện tích đất ngự trị của cái ngôn ngữ đó. Vì thế mà trong loại dư đồ ấy, hai tỉnh rưỡi nói trên là đất Thái hoàn toàn, theo khoa học (chớ không phải theo chính trị) và người Trung Hoa có vẽ dư đồ ngôn ngữ cho chính nước của họ, họ cũng sẽ vẽ rằng đó là đất Thái cũng như khi Việt Nam vẽ dư đồ phân phối ngôn ngữ, ta cũng sẽ để Ninh Thuận là đất ngôn ngữ Chăm, chứ không phải để là đất Việt. Thiểu số Miêu tộc trong hai tỉnh rưỡi đó, dĩ nhiên cũng bị chìm mất, y như dân thống trị là người Tàu đã bị chìm mất trong bức dư đồ đó.

    Mặt khác Tối tân Trung Quốc phản tỉnh đồ cho biết một điều này rất quan trọng: là không hề có nhóm người Tàu nào gọi là người Quảng Tây hết. Ở cả hai tỉnh rưỡi đó, chỉ có người Quảng Đông mà thôi. Chi tiết trên đây rất quan trọng vì nó chứng minh rằng không có chủng tộc, dân tộc thứ nhì nào làm chủ vùng biến thành Tàu và được gọi là người Quảng Đông và người Thái chưa biến thành Tàu, còn phân chia thành nhiều nhóm, như người Nùng (chữ nho là Nông) là một.

    Nếu có dân nào khác ở đó, họ đã biến thành Tàu, nhưng mà là một thứ Tàu khác, chẳng hạn ở tỉnh kế cận có người Tàu gọi là Phúc Kiến vốn là dân Thất Mân, lạc bộ Mã.

    Nhưng không có ai hết ngoài người Thái biến thành Tàu, được gọi là người Quảng Đông và các nhóm Thái chưa biến thành Tàu.

    Tại sao ta biết rằng họ là người Thái biến thành Tàu? Như đã nói, các giọng nói địa phương của Tàu ăn khớp với địa bàn của các “man di” đời xưa. Mân Việt nói tiếng Tàu khác giọng với Quảng Đông, và cả hai nói khác giọng với Triết Giang.

    Hơn thế, và đây mới là điều quan trọng, mỗi nhóm giọng đều có giữ được lối một trăm danh từ cổ để chỉ nguồn gốc của họ.

    Thí dụ Buổi chiều, người Tàu nói là Hạ Ngọ, tức là sau giờ Ngọ. Nhưng người Quảng Đông, tuy cũng viết là Hạ Ngọ, nhưng lại đọc là Hạ Châu. Châu là tiếng Thái Tây Âu, giống hệt Chiếu là tiếng Thái Ba Thục và Chiều là tiếng Lạc Việt Nam, và cả ba danh từ ấy đều là danh từ Mã Lai, cái thứ Mã Lai mà ở một chương tới chúng tôi sẽ gọi là Mã Lai đợt I, nó khác chút ít với Mã Lai Nam Dương là Mã Lai đợt II.

    Và vì là “man di” nên họ dùng chữ Tàu sai. Sau giờ Ngọ thì có nghĩa, nhưng sau chiều (Hạ Châu) thì tức là đêm rồi, chớ đâu còn phải là chiều nữa, nhưng Hạ Châu cứ có nghĩa là Chiều ở vùng Lưỡng Quảng và Quý Châu.

    Nội một trăm danh từ địa phương sống sót này đủ cho ta biết rằng người Quảng Đông gốc Thái và nước Tây Âu là một cường quốc Thái dưới đời Tần, mạnh ngang hàng với nước Sở, vì Tần Thỉ Hoàng đánh Sở, đã dùng 600 ngàn quân, còn đánh Tây Âu cũng phải cùng đến 500 ngàn quân, và hao quân nhiều hơn lúc đánh Sở.

    Dĩ nhiên là trong hai tỉnh rưỡi ấy cũng còn dân thiểu số, nhưng họ là thiểu số nên không kể đến vì chủ đất phải là dân đa số, dầu cho họ đã biến thành Tàu hay mới biến nửa chừng như người Nùng, hoặc chưa biến chút nào hết như người Đồng người Cầu Di, người Lương, người Bạch Di.

    Trong các thứ người thiểu số có người Mèo (thuộc chủng Miêu) và người Choang (thuộc chủng Mã Lai, nhưng chi Lạc, nhưng đó là Lạc bộ Mã chớ không phải Lạc bộ Trãi, vì họ rất gần với người Phúc Kiến). Lại còn một nhóm thiểu số nữa bị Hoa hoá đến 90 phần trăm, đó là người Khách Gia mà Pháp gọi là Hakka và người miền Nam gọi là Hẹ, gốc Ba Thục, tổ tiên của An Dương Vương.

    Thế thì nước Tây Âu là nước của dân tộc nào, nay đã rõ. Đó là nước của người Thái, thuộc chủng Mã Lai, chi Âu.

    Người Quảng Đông đích thị là người Thái bị đồng hoá và lai giống thành Tàu vì tuy ngày nay họ nói tiếng Tàu, nhưng còn giữ được lối 100 danh từ Thái. (Ở chương ngôn ngữ, chúng tôi sẽ chứng minh rằng không hề có tiếng Quảng Đông như người Việt Nam cứ tưởng. Dân Quảng Đông nói tiếng Tàu sai giọng chút ít, và quan trọng nhứt là họ còn giữ được lối 100 danh từ Thái, mà danh từ Thái đó đích thị là danh từ Mã Lai).

    Điều quan trọng thứ nhì là không có người Quảng Tây, không có người Quý Châu, tất cả đều là dân cổ Tây Âu ở y nơi đó, bằng vào lối đọc sai tiếng Tàu của họ ở ba nơi, họ sai giống hệt như nhau, và bằng vào lối gọi của chính người Tàu, họ gọi dân của ba nơi ấy là dân Quảng Đông hoặc dân Việt Lưỡng Quảng.

    Thái là một danh tự xưng mà họ chỉ mới lấy hồi thế kỷ XIII khi bị Hoa tộc lấn dữ dội, họ phải bỏ xứ mà Nam thiên xuống Thượng du Bắc Việt và Thái Lan ngày nay, và có nghĩa là “thoát khỏi, tự do, thong thả”, không bị Tàu áp bức, còn trước đó họ tự xưng là Ngu hoặc Ngê-U. Quả thật thế, Quan Thoại phiên âm danh tự xưng đó là Ngê-U, tại các nhà nho ta đọc sai ra là Âu, chớ còn người Mường họ vẫn đọc đúng là Ngu, chỉ không biết là Mường và Quan Thoại, ai đúng hơn ai, dầu sao cả hai, Mường và Quan Thoại, chắc chắn đọc gần đúng danh tự xưng hồi cổ thời của chi Mã Lai đó.

    Vậy cái bí mật cổ thời ấy ta đã biết: Nước Tây Âu là một quốc gia của chi Âu của chủng Mã Lai, nằm sát các quốc gia của chi Lạc từ Hoa Bắc đến Hoa Nam (và chúng tôi càng tin mạnh rằng truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ bắt nguồn từ sự kiện này vì chi Âu luôn luôn chiếm địa bàn rừng núi, còn chi Lạc luôn luôn chiếm địa bàn ven biển, không có ngoại lệ trừ nước Thái Lan chỉ mới thành lập có 600 năm nay thì không kể).

    Âu châu cũng phân biệt hai thứ Mã Lai, Mã Lai bờ biển (Malais maritimes) và Mã Lai núi rừng (Malais des jungles). Tuy cả hai thứ đó đều thuộc chi Lạc, chớ không phải Âu và Lạc, nhưng sự phân biệt ấy cho thấy, mặc dầu trong một chi Lạc, hay giữa hai chi Âu và Lạc, đều có hai thứ người khác tánh cách với nhau mặc dầu đồng chủng.

    Chi núi rừng can cường dữ tợn, nhưng tiến trễ hơn chi ven biển vì ít tiếp thu ảnh hưởng bên ngoài. Mà nhờ tiến trễ mà họ giữ được dân tộc tính nhiều hơn.

    Người Thái ở Thượng du Bắc Việt khác hẳn người Thái Lan vì người Thái Lan đã tới bờ biển và lập quốc từ nhiều trăm năm, theo văn hoá Ấn Độ và Phật giáo, còn người Thái Thượng du Bắc Việt còn giữ nguyên vẹn văn minh cổ thời của họ.

    Gần đây, một ông Tây đã biết, đó là người Huê Kỳ P.K. Benedict với quyển Thái, Kakai and Indonésien in new alingment in Southeastern Asia, A.A. 1943, quyển sách này ra đời hai năm trước bức dư đồ trên, nhưng chúng tôi dùng bức dư đồ ấy mà không dùng quyển sách của Benedict để làm chứng tích, vì Benedict còn nói đến Thái ở nhiều địa bàn khác. Chỉ có bức dư đồ đó mới cho thấy rõ nước Tây Âu ở đâu, còn Thái Vân Nam, Thái Miến Điện của quyển sách nói trên làm cho người ta sẽ rối trí.

    Địa bàn Thái Lưỡng Quảng và Quý Châu là một địa bàn liên tục, cho thấy hiện lên ba quận: Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận. Các địa bàn của Benedict không liên tục và ở cách xa Tây Âu đôi khi hàng ngàn cây số.

    Bây giờ ta nên đặt ra một câu hỏi rất quan trọng và câu trả lời sẽ cho ta biết một sự thật lớn. Thượng du Bắc Việt ngày nay là đất Thái. Vậy nơi đó là đất Thái từ thời cổ đến nay, hay người Thái mới xâm lăng ta sau này, hoặc họ di cư tới đó sau này, và vào thời nào?

    Nói đến sự có mặt của dân Thái ở Thượng du Bắc Việt vào cổ thời, ông O. Jansé đã dùng danh từ xâm lăng (invasion) mà như vậy là các ông Tây mâu thuẫn với các ông. Nếu Thượng du Bắc Việt là đất của Tây Âu, thì không có xâm lăng gì hết. Họ tự nhiên mà ở đó, từ thuở nào không ai biết.

    Ông Lefèvre Pontalis tác giả “Notes sur quelques populations du Nord de L’Indochine” viết: “Nói đến sự pha trộn của hai dân tộc Việt, Thái, chúng tôi quan niệm rằng có một sự thoả hiệp nào giữa kẻ xâm nhập với chủ cũ của đất đai, mà đó chỉ giản dị là kết quả lâu đời và chậm chạp của nhiều thế kỷ”.

    Truyền thuyết về các đời Hùng Vương có nói đến chiến tranh với Chàm, với An Dương Vương mà không hề nói đến chiến tranh với Tây Âu, thì hẳn đó là một cuộc di cư êm thấm, không có đổ máu, mà khi nói đến di cư, tức Thượng du Bắc Việt không phải là của Tây Âu.

    Có di cư, nhưng di cư vào thời nào?

    Ta cũng thử đoán mò xem, nhưng dựa trên những nền tảng vững hơn họ.

    Ta dám quả quyết rằng cho đến thời Triệu Đà, người Thái vẫn chưa có mặt tại Thượng du Bắc Việt, vì chi tiết sau đây để tiết lộ ra sự kiện ấy.

    Khi nhà Hán chia hai nước Nam Việt của Triệu Đà, một phần làm Giao Châu, một phần làm Quảng Châu thì Thượng du Bắc Việt thuộc vào ta. Đừng tưởng người Tàu họ làm chủ mọi nơi rồi họ muốn chia cắt làm sao, tuỳ ý thức riêng của họ. Nhứt định họ phải theo một tiêu chuẩn nào mà tiêu chuẩn đó là như thế này: hai thứ man di không thể cùng trị được bằng một chánh sách. Chánh sách ấy phải mềm dẻo đối với mỗi châu, mỗi quận tuỳ theo phong tục địa phương của nhóm “man di”. Thế thì hẳn họ phải chú trọng đến dân tộc khi chia đất, chớ không thể dựa vào tiêu chuẩn nào khác hơn được.

    Hai dân tộc Âu và Lạc bị Triệu Đà sáp nhập thì Triệu Đà có lý do riêng của y, nhưng bị nhà Hán tách ra, nhà Hán cũng có lý do của nhà Hán, cả hai lý do đều hữu lý, nhưng sự kiện vẫn cứ là có hai dân khác nhau và thời điểm nhập và chia ra cho ta biết rõ địa bàn của hai dân tộc đó, vào thuở ấy.

    Danh xưng Việt trong quốc hiệu Nam Việt làm cho các sử gia Pháp Việt ngộ nhận rất nhiều.

    Lời phê của vua Tự Đức vào quyển Đ.V.S.K.T.T.N.K. của Ngô Sĩ Liên là sai. Khi thấy họ Ngô chép rằng có 6 quận của nước Nam Việt bị Trung Hoa lấy luôn làm đất Quảng Châu. Nhà vua phê “Đất nước Việt ta đã mất vào Trung Quốc hồ quá nửa!”.

    Nhà vua không biết rằng thuở ấy Âu và Lạc đều được Tàu gọi là Việt. Danh xưng Việt không chỉ riêng gì ta, và đất Việt không chỉ riêng gì đất của ta.

    Từ sông Dương Tử đổ xuống, bất kỳ thổ dân nào cũng bị họ gọi là Việt tuốt hết. Lưu An chỉ nói đến dân Việt ở Ngũ Lĩnh, mà cứ bị các sử gia Pháp và Việt hiểu rằng đó là Việt Nam ở Âu Lạc có kỳ chưa? Đã bảo Ngô Khởi ký hiệp ước với Bách Việt, mà trong đó có Đông Âu và Tây Âu, mà Âu tức là Thái thì danh xưng Việt của Tàu rất rộng nghĩa, phương chi họ đã phân biệt hai thứ Việt bằng hai tự dạng, ngay từ thời đó chớ không phải mới phân biệt về sau này vì sợ Tây Sơn và vua Tự Đức đòi đất lại.

    Sáu quận đó là của nước Nam Việt chớ không phải của nước Việt Nam. Mà Nam Việt thời Hán là Quảng Đông, và Cổ Việt Nam thì còn biết sáu quận ấy là đất của dân nào thật sự, có thể là của dân Lạc, mà cũng có thể là của dân Thái, nhưng chắc chắn là của dân Thái bằng vào tiêu chuẩn chia cắt nói trên. Tiêu chuẩn ấy không hề được ghi chép ở sách nào hết, nhưng vẫn phải có. Sự chia cắt của nhà Hán chỉ đi ngược chiều sự sáp nhập của Triệu Đà và các thành phần bị nhập và bị tách phải như nhau, cũng cứ vì cái tiêu chuẩn nói trên.

    Còn trước Triệu Đà, dưới thời Tần Thỉ Hoàng thì có di cư hay không?

    Cũng chắc chắn là không vì sử Tàu cho rằng xứ Tây Âu dư đất cần đem dân Tàu xuống định cư thì dân Tây Âu không mắc chứng gì mà di cư, bỏ quê hương xứ sở của họ. Cuộc di cư của người Miêu tộc vào Bắc Việt cách đây trên hai trăm năm, đã cho thấy như vậy. Họ chịu đựng người Tàu suốt 5 ngàn năm, rồi bị lấn đất dữ quá họ mới phải di cư. Tới Thượng du Bắc Việt, bị người Thái kháng cự không cho nhập cảnh, họ liều chết đổ máu với người Thái, cho đến lúc vua ta can thiệp, họ mới chạy lên các ngọn núi rồi được để yên trên đó từ ấy những nay. Dân bị trị đã chịu đựng được tới 5 ngàn năm không có vấn đề bỏ đất như thời Xy Vưu vì văn hoá đôi bên đã gần gũi nhau rồi.

    Tóm lại, lúc chia hai nước Nam Việt, nhà Hán phải nhớ đến hai nước cũ là Âu Lạc và Tây Âu, mà dân chúng còn nguyên vẹn vì có mấy trăm năm qua. Nhà Trần, rồi Triệu Đà, có muốn nhập hai thứ dân đó lại cũng không xong. Họ không dại mà cắt đất của nước này bỏ vào một châu khác bởi làm như vậy họ khó cai trị hơn, vì một đơn vị hành chánh cần trùng với một nước cũ để mọi biện pháp cải cách mới, được thi hành mà không gây xáo trộn nhiều cho dân phải bất mãn, luật cho Giao Châu phải khác luật cho Quảng Châu.

    Hơn thế người xưa luôn luôn cần biên giới tự nhiên (Frontiè res natucelles) vì họ không biết tính kinh tuyến vĩ tuyến như người thời nay, mà giữa Quảng Châu và Giao Châu lại có một thứ Ngũ Lĩnh loại bỏ túi như chúng tôi đã chỉ ở bức dư đồ nói về biên giới thật đúng của đất Ngũ Lĩnh.

    Hẳn Hùng Vương rồi An Dương Vương và Trạch Hu Tống đều dùng cái tiểu Ngũ Lĩnh đó để làm biên giới giữa hai nước Tây Âu và Văn Lang rồi Âu Lạc, không sao khác hơn được, bằng không, hoá ra giữa Tây Âu và Văn Lang không có biên giới tự nhiên mà như vậy là trái với quan niệm các quốc gia cổ thời, trái với chánh sách quốc phòng của họ.

    Tới đây, ta thấy rằng ông O. Jansé đã lầm khi nói rằng chính người Thái di cư đã khai hoá ta nhờ họ đã nhiễm văn minh Tàu. Tây Âu với ta đồng văn hoá thì không thể có việc họ khai hoá ta.

    Họ mà có theo văn minh Tàu để đủ sức khai hoá ta, theo văn minh Tàu, họ cũng phải mất 500 năm nhưng cho tới thời Triệu Đà họ vẫn chưa theo Tàu khi nhìn vào cổ vật Đông Sơn, sau Triệu Đà không bao lâu, mà ông O. Jansé viết như thế là viết liều.

    Và đây là bằng chứng thật đích xác rằng vào đầu Tây lịch người Thái không có mặt ở Thượng du Bắc Việt.

    Dưới đời Đường, một viên thứ sử (hay thái thú) ở Giao Chỉ là người Nhựt Bổn (theo sử Tàu). Ông ấy có công lớn với nhà Đường vì đã đánh dẹp được cuộc xâm lăng của dân Thái vào thượng du Giao Chỉ.

    Thế là rõ, đến nhà Đường họ mới xâm lăng, nhưng không thành công. Họ lại xâm lăng lần thứ nhì nữa, thành công, nhưng rồi cũng bị Cao Biền tiêu diệt. (Mà đó là Thái Vân Nam, khác với Thái Tây Âu).

    Nhưng tại sao hiện nay họ có mặt đông đảo tại thượng du? Ấy là vì vào thế kỷ XIII thì Tàu lấn đất quá khốc liệt, họ liều chết mà xâm lăng bất kỳ đất của ai, vì Tàu rượt theo họ bén gót. Họ lập ra hai quốc gia Xiêm và Lào chính vào thời đó.

    Còn ta thì không chống xâm lăng được vì dân ta không lên trên ấy được bởi sợ khí hậu ở đó, nên ta đánh để vậy, dụ dỗ họ và cho quan thổ ty lên cai trị họ mà thôi.

    Và chứng tích vững như trụ đồng là người ta vừa đào được cổ vật loại Đông Sơn ở Thượng du Bắc Việt mà chúng tôi đã nói đến ở chương trước, đồng tuổi và đồng loại với cổ vật lưu vực Hồng Hà và khác cổ vật Lưỡng Quảng. Hai dân tộc Việt Thái đều có chung văn hoá trước Tây lịch và đều Mã Lai với nhau cả, nhưng chính vì họ chia thành hai dân tộc nên cổ vật Lưỡng Quảng mới có tánh cách khác cổ vật Việt Nam.

    Thế là rõ. Trước Tây lịch và liền sau Tây lịch, Thái vẫn chưa có mặt ở Thượng du Bắc Việt và nước Tây Âu với nước Âu Lạc là hai nước phân minh đồng chủng tộc, nhưng khác dân tộc. Và không có lý do để lẫn lộn Tây Âu và Âu Lạc nữa.

    Nhưng nếu chủ trương theo chúng tôi thì là sao cắt nghĩa nổi sự kiện người Thái Thượng du Bắc Việt thờ hai bà Trưng?

    Quả thật thế, người Pháp đã tìm thấy đền thờ hai bà Trưng trong vùng đất Thái thượng du ngày nay, đền rất nhỏ và việc phụng tự cũng lôi thôi, nhưng chứng minh được sự có mặt của Thái vào thời ấy ở xứ ta, nhưng đồng thời cũng lại chứng minh rằng họ chỉ là kẻ hợp tác chớ không phải là Lạc Việt, chính nhờ sự nhỏ nhoi của đền thờ và việc thờ phượng lôi thôi cho thấy như vậy, khác xa với đền Hát Môn của ta và những nghi lễ vĩ đại của ta vào ngày lễ hai Bà.

    Đã bảo chủng tộc này có thể vay mượn thần thánh và cả phong tục toàn bộ của chủng tộc khác, nhưng không vay mượn anh hùng, thì đền thờ hai Bà trên đất Thái thượng du có ý nghĩa gì?

    Đó là người Lạc Việt gốc Tây Âu, họ vốn là lính của An Dương Vương và đã bị đồng hoá với Lạc Việt.

    Chúng ta đã thấy rõ ở một nơi khác là sau khi bị diệt quốc, hậu duệ của vua nước Thục, cũng là một nước của dân tộc Thái ở Tây Trung Hoa, di cư xuống Tây Âu, ở đó họ mộ lính Tây Âu để cướp nước Văn Lang của Hùng Vương. Thắng trận, lên ngôi, tự xưng An Dương Vương, họ không cho ba vạn quân Tây Âu đánh giặc mướn hồi hương, vì sẽ không còn ai để củng cố nền thống trị của họ. Dĩ nhiên bọn lính Tây Âu đó lấy vợ Lạc Việt và 110 năm sau, đến năm hai bà Trưng khởi nghĩa thì đã có ít lắm là 5 thế hệ dân Lạc Thái, nhưng bị đồng hoá với Lạc vì họ là thiểu số.

    Nhưng vua Tự Đức chỉ thạo văn thơ, không biết gì khác hết thì còn cho qua được, chớ những ông H. Maspéro, L. Aurousseau thì không thể tha thứ về sự sai lầm này, phương chi ông H. Maspéro đã sang Tàu để nghiên cứu Thái và Miêu thì sao ông lại không biết hai điều này:

    1. Cái địa bàn Thái đã nói trong bức dư đồ kia, tuy ông không vẽ ra được, nhưng hẳn ông có quan sát, có thấy.
    2. Địa bàn đó từ xưa đến nay không hề thay đổi, hay có mà chỉ thay đổi có một phần sáu là đồng bằng Quảng Đông nay đã bị người Tàu gốc Âu chiếm hết, người Thái còn lại ở Quảng Đông rất là hiếm hoi.
    Các ông không được phép không biết rằng dân Tây Âu là dân Thái để viết liều rằng Tây Âu = Bắc Kỳ. Các ông cũng không được phép không biết rằng Thượng du Bắc Việt không thể nào đương đầu nổi với Tần Thỉ Hoàng suốt một thời gian dài từ 7 đến 10 năm mà thắng lợi trong 3 năm đầu, để hiểu rằng:

    Tây Âu = Thượng du Bắc Kỳ

    Ta lại thử đặt ra câu hỏi thứ nhì.

    Sử Tàu chép rằng họ xén đất của quận Nam Hải (Quảng Đông) và của quận Giao Chỉ (Bắc Việt) để lập ra quận Hợp Phố.

    Quận Hợp Phố ngày nay thì thuộc vào tỉnh Quảng Đông. Vậy ta có mất đất vào tỉnh Quảng Đông chăng?

    Ai cũng cứ tưởng là có. Nhưng không. Cái phần đất bị xén ấy chỉ là thuộc địa mới của vua Hùng Vương mà thôi.

    Quả thật thế, người Tàu ở Đông Hưng – Móng Cáy (Hợp Phố xưa, thuộc đất Giao Chỉ) nói tiếng Tàu sai giọng, nhưng không phải sai như người Quảng Đông hay người Việt Nam, mà sai y hệt người Hải Nam.

    Ở nơi khác, chúng tôi sẽ chứng minh rằng dân Hải Nam là dân Lạc-Lê thời kỳ Xy Vưu, chớ không phải là dân Lạc bộ Trãi. Ở Cửu Chơn cũng thế. Vậy Hợp Phố và Cửu Chơn là đất của người Lạc-Lê mà vua Hùng Vương mới chinh phục, chưa kịp khai hoá rồi bị mất nước, nên hai đất ấy lọt vào tay Triệu Đà, rồi Lộ Bác Đức, rồi Mã Viện. Có chứng tích vững vàng về cuộc chinh phục của vua Hùng Vương (xin xem chương Không có đế quốc Việt Nam).



    *

    Ta thử tìm xem người Thái cổ thời còn địa bàn nào khác nữa hay chăng và liên hệ giữa họ và ta ra sao.

    Lúc đánh vào Ngũ Lĩnh, sử Tàu không còn phân biệt gì nữa hết. Đông Âu, Tây Âu, Mân Việt gì cũng bị gọi là Việt hết thảy. (Chính vì vậy mà nhiều sử gia ta mới lầm; hễ sách Tàu nói gì về dân Việt ở đó, thì họ đều cho là nói đến ta, thí dụ Lưu An nói đến việc chạy lên núi của dân Việt, thì các ông liền cho rằng Việt đó là Việt Nam).

    Chẳng những Tàu không phân biệt, họ còn nhập lại, vì trong thư tịch Trung Hoa vào thời ấy danh xưng Âu Việt xuất hiện, thay cho Tây Âu.

    Ngày nay khoa chủng tộc học đo sọ thì thấy sọ Thái và sọ Việt Nam là một, ngôn ngữ của hai dân tộc gần giống nhau thì hẳn người Trung Hoa, mặc dầu không biết chủng tộc học, ngôn ngữ học vào thuở ấy, vẫn biết quan sát rất là giỏi.

    Âu là một chi của chủng Mã Lai.

    Địa bàn đầu tiên của Âu tức là Thái ở Hoa Bắc, Âu có lẽ là nhóm dữ tợn nhứt trong Cửu Lê.

    Tại sao ta biết rằng Thái là một chi của Mã Lai Cửu Lê? Vì cái sọ Thái, sọ Việt và sọ Mã Lai y hệt như nhau, và vì ngôn ngữ Thái, Mã Lai và Việt là một.

    Người Thái tự xưng là gì hồi cổ thời? Có lẽ là Lai, như tám chi khác. Tàu phiên âm sai là Lê. Nhưng rồi họ lại tự xưng khác đi, tự xưng là Âu, khi họ lập ra quốc gia Đông Âu và Tây Âu.

    Ta biết chắc Âu là danh tự xưng chớ không phải là danh xưng mà Tàu đặt ra cho họ, nhờ người Mường, mà ta sẽ thấy lát nữa đây.

    Nhưng tại sao đồng chủng Mã Lai với nhau mà Mã Lai, Thái lại vừa có Thái trắng, vừa có Thái đen, và vài nhóm Thái khác, được ta và Tàu gọi là Thổ và Lô Lô cũng rất trắng?

    Đó là một bí mật tưởng không thể cắt nghĩa trôi, nhưng cũng có thể cắt nghĩa được.

    Trước khi dân Mã Lai di cư sang nước Nhật thì nước đó là của người Ai Nô mà Nhật gọi là Hà Di. Người Ai Nô thuộc chủng da trắng. Giữa Trung Hoa và Nhựt Bổn có một dãy đảo nhỏ, các đảo Lau Cầu. Người Ai Nô làm chủ nước Nhật thượng cổ hẳn cũng có mặt ở Trung Hoa, và một cuộc hợp chủng giữa Mã Lai, Trung Hoa và Ai Nô hẳn có xảy ra.

    Mã Lai Nhựt Bổn rất trắng, chính nhờ sự hợp chủng đó.
    Nguồn: Bách Bộc xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản điện tử do talawas thực hiện. http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11064&rb=08
    #17
      Ngọc Lý 13.03.2008 09:21:01 (permalink)
      Bình Nguyên Lộc
      Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam



      14/35

       
      Một địa bàn Âu nữa ở phía Tây nước Tàu xưa. Đó là Tứ Xuyên ngày nay và Cổ Thục xưa. Các nhà chủng tộc học cho biết rằng người Tàu Tứ Xuyên là người Hoa gốc Thái. Chúng tôi học cổ ngữ Ba Thục và cũng thấy như vậy. Đó là không kể địa bàn Vân Nam mà ai cũng biết.

      Thế thì địa bàn của Thái liên tục và lớn hơn địa bàn Lạc, nhưng chỉ toàn vùng núi rừng.

      Lúc mới đi học cổ ngữ Ba Thục tại Sài Gòn, chúng tôi thấy danh từ Cổ Thục quá giống danh từ Việt, chúng tôi ngỡ họ là hậu duệ của lính của An Dương Vương, nhưng xét kỹ ra thì không phải.

      Người Hẹ di cư tới Sài Gòn là di cư thẳng từ Quảng Tây chớ không phải là hậu duệ của lính An Dương Vương. Hơn thế, cổ ngữ Ba Thục, cổ ngữ Tây Âu và kim Việt ngữ đều giống kim Mã Lai ngữ. Như vậy là đồng gốc Mã Lai mà ra, chớ không phải Khách Gia bên Tàu nhờ là hậu duệ của An Dương Vương nên biết tiếng Việt, hậu duệ này của An Dương Vương ở lại Cổ Việt để thành Lạc Việt hoặc để thành Thái thượng du, trước cuộc xâm lăng Thái đời Đường. Khách Gia đó là con cháu thẳng dòng của dân nước Ba và nước Thục.

      Ta cần đặt ra câu hỏi này: “Khi An Dương Vương bị Triệu Đà diệt, có thể nào mà lính của ông ta chạy thối lui về Quảng Tây để hai ngàn năm sau di cư tới Chợ Lớn hay không?”.

      Ta trả lời dễ dàng rằng không có, vì sử chép rằng ông ấy trị vì tới 49 năm. Sau 49 năm không còn người lính nào mà còn tại ngũ được cả. Ông ta đã thu nạp các Lạc Tướng của Hùng Vương được rồi thì hẳn ông ta cũng không có mộ thêm người Ba Thục trẻ di cư xuống Tây Âu để bổ sung cho lính già mà có vấn đề chạy thối lui.

      Như vậy người Khách Gia ở Chợ Lớn không hề biết tiếng Việt Nam trước khi di cư tới Nông Nại Đại phố hay Chợ Lớn và họ không phải là con cháu của lính An Dương Vương.

      Nếu có những người lính quá già còn sống sót vào đời Triệu Đà, họ cũng không chạy đi đâu cả vì cái lẽ là họ đã quá già, đã thành người Lạc Việt rồi.

      Con cháu của họ cũng đã bị đồng hoá với Lạc Việt nên chẳng chạy đi đâu hết.

      Thế thì Ba Thục là Âu tức Thái, mà Thục, Âu, Lạc gì cũng là Mã Lai tuốt hết.

      Nếu việc đối chiếu sọ không nói lên gì được đối với những người không chuyên môn thì chương đối chiếu ngôn ngữ sẽ cho thấy cổ ngữ Ba Thục, cổ ngữ Tây Âu là một với kim ngữ Việt Nam, tất cả đều là Mã Lai.

      Chúng tôi lại tìm ra một địa bàn khác của cái chi Âu này vào thời Chiến quốc, ở dưới sông Dương Tử một chút. Tả Khâu Minh có nói đến một nước La, một dân tộc La dưới đời Chiến quốc, lập quốc đối diện với một nước của dân tộc Bộc Việt, tại cái nơi tên là bình nguyên Vân Mộng, ở gần hồ Động Đình.

      Danh xưng La ấy, ngày nay cũng còn và Tàu dùng để chỉ dân Lô Lô, tức cũng là dân Âu, tức Thái (xin xem chương sau về địa bàn cổ thời của chi Lạc).

      Địa bàn Quý Châu thì khỏi phải thắc mắc vì Nam Quý Châu hiện nay là địa bàn của dân Thái. Một ông cố đạo Pháp cho rằng dân Thái ở Nam Quý Châu là lính Thục của Tần Thỉ Hoàng, họ tàn sát hết đàn ông Miêu ở đó, rồi lấy đàn bà Miêu, sanh con đẻ cháu đến ngày nay.

      Đó là một ức thuyết sai hoàn toàn. Quý Châu là địa bàn Lạc Thái từ thời thượng cổ, bằng vào một quốc gia mà sử nhà Thương, cho biết tên là nước Quỹ Phương.

      Sử Tàu cho biết nước Quỹ Phương ở phương Nam của họ, cái phương Nam đó, rất là đích xác, nhưng các sử gia của ta chỉ giữ có một chữ Nam, rồi phỏng đoán lung tung.

      Nước Quỹ Phương này được họ nói đến hồi thời nhà Thương, chớ không phải về sau này, mà như thế thì cái phương Nam ấy là phương Nam của địa bàn thứ nhứt của Hoa chủng ở đất Việt đời Hạ mà chúng tôi đã có trình bày rõ ở chương “Nguồn gốc Hoa chủng” tức chương “Chủng Trung Mông Gô Lích”, đó là phương Nam của đất Kinh Man, nơi mà đến đời Chu người Tàu lai Việt ở đó lập ra nước Sở.

      Tuy nhiên, vẫn chưa biết nước Quỹ Phương ở đâu.

      Sử Tàu chép rằng họ có đánh giặc với nước Quỹ Phương đó dưới đời nhà Ân, tức mạt diệp của đời Thương. Không nghe thắng bại sao cả, Tuy nhiên, cuộc chiến tranh đó cũng cho ta đoán biết rằng nước Quỹ Phương hẳn phải văn minh và tài giỏi, vì có bằng chứng rằng sau chiến tranh, họ còn y nguyên là một nước, chớ không có bị Trung Hoa tiêu diệt y như bất kỳ nước nào đã đánh nhau với Trung Hoa, trừ Đại Hàn và Việt Nam.

      Quả thật thế, đền đời Chu thì sử Tàu lại chép rằng một dòng quý tộc Trung Hoa đã cưới con gái nước Quỹ Phương làm vợ, sanh con, và cháu của y, về sau là Hùng Dịch, được vua nhà Chu phong cho ở nước Sở.

      Sử Tàu không hề nói phong cho Hùng Dịch về quê ngoại hay quê cố ngoại y, tức nước Quỹ Phương không phải là nước Sở. Đó là bằng chứng Quỹ Phương không ở trong đất Việt Kinh Man, mà ở dưới nữa. Và đó là dấu hiệu văn minh thứ nhì của nước Quỹ Phương; vì quý tộc Trung Hoa hẳn đâu có cưới gái Miêu quá xấu xí để làm vợ.

      Kể ra thì cổ sử Tàu có nói đến hàng trăm nước mà nhiều nước nay không biết ở đâu, nhưng ta thích tìm biết Quỹ Phương vì nước đó bị tình nghi là nước Việt Nam cổ thời, bởi trong truyền thuyết của ta, có chuyện Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân, và có triuyền thuyết nói tên nước ta xưa là Xích Quỷ.

      Sách địa lý Tàu Tối tân Trung Quốc phân tỉnh đồ ngày nay, khẳng định rằng nước Quỹ Phương đích thị là tỉnh Quý Châu, Quỷ biến ra Quý.

      Xét ra thì không đúng. Bên Tàu có câu tục ngữ tả tỉnh Quý Châu, na ná như thế này: “Xứ đi ba thước thì gặp núi, đã ba ngày không thấy mặt trời một lần”.

      Một vùng đất như vậy, khó lòng mà giúp cho một dân tộc nào đó dựng lên một nước khá văn minh được tại nơi ấy.

      Bắc Quý Châu, hiện nay là địa bàn của người Miêu, mà có lẽ xưa kia cũng thế. Người Tàu không sống nơi đó được, trừ ở tỉnh lỵ và các huyện lỵ, thì họ không giành làm gì với người Miêu, và nhờ thế mà cho đến nay, qua năm ngàn năm rồi mà Miêu tộc cứ còn đất rất nhiều.

      Đó cũng là đất của chủng Thái nữa, Thái, Miêu sống lẫn lộn ở đó.

      Dầu sao, nước Quỹ Phương cũng không thể là của Miêu tộc vì theo các cuộc nghiên cứu dân tộc học thì cho đến ngày nay mà người Mèo vẫn còn bán du mục, chăn nuôi giỏi hơn là làm ruộng, thì cách đây trên ba ngàn năm, họ không thể đánh giặc với Trung Hoa mà còn giữ được nước, cũng không thể có con gái gả cho quý tộc Trung Hoa được.

      Nước Quỹ Phương không thể là của người Mèo, mà cũng không thể nằm tại Bắc Quý Châu, vì hầu hết các sử gia đều truy ra được rằng dưới đời Tần tỉnh Quý Châu tên là đất Dạ Lang, đất chớ không phải nước, như vài sử gia đã viết.

      Quả đúng là Dạ Lang không phải là tên nước và mãi cho đến hồi nào không thấy sử Tàu chép, mà chỉ còn đất không có tổ chức và bị Tàu đặt tên là quận Kiện Vi?

      Quả đúng Dạ Lang không phải là tên nước và mãi cho đến cuối thế kỷ XVII, Trung Hoa mới vào được vùng ấy, không phải vì ở đó có một nước rất mạnh mà vì nơi đó là núi rừng nhiều sơn lam chướng khí, đất lại quá xấu nên người Tàu không nỗ lực quân sự ở đó làm gì, với lại nó nằm trọn vẹn trong lãnh thổ Trung Hoa, không phải ở biên giới nên họ không vội.

      Có thể nào mà là một nước của người Thái hay không? Chắc là không vì Thái không có truyền thuyết đánh giặc Ân như ta, truyền thuyết thì ngày nay, đến cả nhà bác học cũng không dám xem thường. Truyền thuyết ấy lại ăn khớp với sử Tàu là nhà Ân tức nhà Thương quả có đánh nhau với nước Quỹ Phương.

      Cảm giác của người Việt rằng nước Quỹ Phương là nước của ta, có căn cứ chớ không phải là không, vì truyền thuyết của dân tộc, luôn luôn chứa đựng ít nhiều sự thật trong đó.

      Còn tại sao Quỹ Phương lại biến thành Xích Quỷ trong truyền thuyết của ta thì ta sẽ biết ở một chương sau, chỉ có điều là những học giả không tin truyền thuyết của dân tộc nói rằng lẽ nào tổ tiên ta lại đặt tên nước xấu đến thế: “Con quỷ đỏ” (Nhượng Tống).

      Nhưng chúng tôi có bằng chứng rằng nhiều quốc gia lấy quốc hiệu 10 lần xấu hơn Xích Quỷ nữa, chẳng hạn như nước Xiêm.

      Xiêm là biến thể Việt Nam của Syăm. Mà Syăm là tiếng Mã Lai có nghĩa là binh, đúng ra là Săm bu.

      Tại sao ngày xưa người Thái Lan lại đặt tên nước họ là nước “Tù Binh” thì chúng ta sẽ thấy ở một chương sau. Dầu sao sự kiện ấy cũng cắt nghĩa được tại sao ta lại có tên nước là “Quỷ đỏ” rất xấu xí.

      Như vậy nước Quỹ Phương có thể là một quốc gia Thái Việt ở Nam Quý Châu, ở đó, đất ít núi rừng hơn Bắc Quý Châu, và ta đã mất nước đó trong tay người Thái hiện tồn tại ngày nay ở đó, không rõ vào thời nào.

      Hoặc nước Quỹ Phương có lẽ tự diệt. Trong lãnh thổ Việt Nam có hai nước tự diệt đó là nước Xá của người Giarai và nước của người Mạ. Họ đã thống nhứt các bộ lạc rồi thì vì một lẽ gì không ai biết, lại tan rã và trở lại chế độ bộ lạc như cũ.

      Trở lại giả thuyết của ông cố đạo khi nãy.

      Nước Sở bành trướng ra phía Đông chớ không có ăn xuống đất Quý Châu, và tướng nước Tần là Vương Tiễn, diệt Sở ở Hồ Bắc và Hồ Nam rồi thì rượt tàn quân của Sở ra An Huy, không bao giờ có xuống Quý Châu cả. Đành rằng trong quân đội Tần Thỉ Hoàng hẳn phải có người Thục bị bắt đi lính, nhưng lính đó không bao giờ bị đưa xuống Quý Châu, vì Quý Châu ở nhiều địa bàn của nước Sở, mà dân Mèo chưa lập quốc nên nhà Tần không có bao giờ đánh vùng núi rừng mà Tàu ở không được ấy làm gì.

      Dưới đời Hán, Trung Hoa gọi nơi đó là đất Dạ Lang chớ không phải nước Dạ Lang. Có lẽ nước Quỹ Phương ở phía Nam địa bàn Miêu tộc, đã bị diệt rồi, không biết vì sao.

      Nhà Hán có đánh chiếm Dạ Lang, nhưng rồi cũng bỏ vì người Tàu không ở được vùng núi rừng, và thổ dân ở Quý Châu giữ được một thứ độc lập trên thực tế cho tới năm Mao Trạch Đông lên cầm quyền, nỗ lực triệt để để trị họ, bằng cách ban cho họ một chế độ đặc biệt mệnh danh là tự trị, nhưng không rõ thực trạng ở đó nay ra sao.

      Như vậy thì chi Âu có địa bàn liên tục từ Tây Bắc đến Đông Nam và Tây Nam nước Tàu, sát với địa bàn của chi Lạc.

      Xem cái địa bàn liên tục của Cửu Lê ra sao:

      Âu Thục: Tứ Xuyên

      Lạc Lê: Hồ Nam

      La: Hồ Bắc, Hồ Nam

      Dạ Lang: Quý Châu (Âu + Lạc + Miêu)

      Đông Âu: Nam Triết Giang, Bắc Phúc Kiến

      Tây Âu: Quảng Tây, Quảng Đông

      Điền: Vân Nam

      Địa bàn ấy liên tục và chiếm đến 8 tỉnh của Trung Hoa ngày nay.

      Địa bàn của chi Lạc nằm sát đó, nhưng chi Lạc chiếm các đồng bằng phì nhiêu và các vùng ven biển, còn chi Âu thì chỉ chiếm các vùng núi non hiểm trở.

      Xem địa bàn của chi Lạc ở chương sau, ta thấy chi Lạc chiếm đến 12 tỉnh rưỡi của Tàu, mà toàn là đất tốt không mà thôi, nhưng diện tích thì nhỏ hơn.

      Nhưng địa bàn của chi Lạc bị chi Âu ngăn làm đôi, tại cái quốc gia tên là Đông Âu (Nam Triết Giang và Bắc Phúc Kiến). Ta nên nhớ rằng (chương III) dân Phúc Kiến, tức dân Mân, cũng là “rợ Lạc”. Thế thì chi Âu đã thọc ra bờ biển, ngăn đôi Lạc Cối Kê với Lạc Thất Mân. Có lẽ đó là một nhóm Âu đi lập quốc riêng, nhưng âm thầm vâng lệnh một ý chí tiềm ẩn của dân tộc là tìm một con đường ra biển Đông, mặc dầu họ cũng đã có bờ biển rồi ở Quảng Đông. Nhưng bờ biển giữa U Việt và Mân Việt giúp họ giao thương với Trung Hoa tiện hơn là bờ biển Quảng Đông, bọn Âu ly khai đi dựng nước Đông Âu, có lẽ chỉ ly khai vì bất đồng quan điểm chánh trị với toàn khối nhưng sự thật bên trong thì đó là bản năng tiềm tàng của cả toàn khối, cố tìm một đường sống tốt hơn.

      Hai chi Âu và Lạc lập quốc gần với nhau và chi Lạc hùng cường hơn, nhưng văn minh thì như nhau. Thí dụ nước Thục và nước U Việt ở Cối Kê có mặt cùng lúc dưới thời Chiến quốc, nhưng nước U Việt được làm Bá, còn nước Thục thì bị diệt quá sớm. Nhưng nước U Việt không có phát minh nghề sơn mài như nước Thục. Trái lại U Việt giỏi nghề đúc đồng pha và nổi danh về kỹ thuật đúc gươm và đúc trống.

      Chi Lạc nổi danh giỏi thuỷ vận chỉ nhờ chiếm được địa bàn có nhiều sông ngòi nhứt ở Trung Hoa, và chính họ phát minh ra kỹ thuật dẫn thuỷ xuất điền và nhập điền cho toàn cõi Á Đông gió mùa (Asie des mossons) mà cổ sử Trung Hoa nhìn nhận rằng đã phải học với họ (H. Maspéro).

      Và cả hai địa bàn đều có biên giới chung với nhau ít lắm cũng từ Hà Nam, Sơn Đông cho tới Phúc Kiến.

      Tới đây ta mới thấy tài của trí thức Trung Hoa vào cổ thời. Họ làm việc rất là ý thức, mặc dầu sách của họ có vẻ hỗn loạn lắm. Nhưng ta phải biết dùng tài liệu rắc rối của họ, mới thấy được sự thật.

      Đã nói rằng chữ Việt nguyên thỉ là cái đuôi của chữ Việt bộ Nguyệt mà ta gọi là bộ Mễ.

      Chữ Việt thứ nhì là Việt bộ Mễ, dùng để chỉ dân Việt ở nước Sở, tức là thứ dân Việt hỗn độn trong đó có chi Âu mà cũng có chi Lạc.

      Nhưng đến thời Việt Câu Tiễn thì họ biết rõ là có hai chi, nên lại dùng chữ Việt thứ ba là Vượt, để chỉ dân Câu Tiễn.

      Lúc đánh dẹp hai bà Trưng, họ cũng lại biết dân ta thuộc chi Lạc, tức chi ở Cối Kê, nên lại dùng chữ Việt thứ ba cho dân ta. Còn với dân Âu ở Quảng Đông thì họ dùng chữ Việt thứ nhì là chữ Việt xô bồ, với mục đích phân biệt chi Lạc với chi Âu.

      Sự phân biệt ấy không cho phép ta lầm lẫn nước Nam Việt của Triệu Đà với nước Âu Lạc của ta vì Việt Quảng Đông viết với bộ Mễ ngay từ thuở đó, chớ không phải mới được sửa đổi từ ngày vua Quang Trung đòi hỏi cái đất Nam Việt ấy mà nghi rằng họ sửa đổi để dễ chối cãi.

      Việt và Thái cùng một gốc mà ra, là hai chi của Mã Lai chủng thì có tương đồng giữa Việt và Thái, không cần phải cắt nghĩa, hơn thế, không nên cắt nghĩa sai như các nhà bác học Âu Châu. Thấy ngôn ngữ Việt và Thái giống nhau, họ cứ nói là ngôn ngữ ta do gốc Thái mà ra, trong khi đó thì sọ của ta lại gần gốc tổ Mã Lai hơn là sọ của Thái thì đáng lý ra họ phải nói ngược lại. Và như thế thì cuộc sắp loại các ngôn ngữ Á Đông của các nhà ngôn ngữ học quốc tế đã sai cả, phải thay tên “Nhóm ngôn ngữ Thái” bằng tên “Nhóm ngôn ngữ Việt Nam” mới đúng.

      Chủ trương của chúng tôi chỉ vì sự thật khoa học mà thôi chớ không có mục đích tranh ăn trên ngồi trước với một dân tộc đồng chủng làm gì

      Vả lại, như sẽ chứng minh, Âu hay Thái hay Việt Nam gì cũng đều là Mã Lai hết thì không có ai ở trên ai cả.

      Nhưng các ông không biết điều đó, ngỡ Thái và Việt Nam thuộc hai chủng riêng thì cũng cho qua đi, nhưng tại sao họ cứ bắt ta làm học trò của Thái, của Cao Miên, mà không bắt trái ngược lại trong khi Thái và Cao Miên còn ăn cơm bằng tay, mà ta thì đã dùng đũa từ lâu đời lắm rồi.

      Các nhà bác học Âu Châu quả có ăn hiếp dân Việt Nam thật sự về khoản này. Tổng số dân Thái ở Đông Nam Á hiện nay thấp hơn tổng số dân Việt Nam, thế mà họ lại nghĩ Việt Nam từ Thái mà ra, mà không hề nghĩ Thái từ Việt Nam mà ra. Chẳng qua là hồi tiền 1945 ta bị trị, còn Thái thì có một đại diện độc lập là nước Xiêm. Họ được cầm cờ vì họ có đời sống quốc tế, ta phải chịu làm đàn em vậy. Mà như thế là phản khoa học.

      Việt Nam đồng ngữ vựng và ngữ pháp với Thái vì cùng một gốc mà ra, chớ không phải là ta vay mượn như các nhà ngôn ngữ học đã nói, mà lại nói rằng vay mượn của Thái Vân Nam nữa (sao lại đích xác quá thế trong khi không có bằng chứng, hơn thế, có bằng chứng ngược lại). Lá cây, cổ Thục, cổ Tây Âu và hiện nay Khách Gia và Quảng Đông đều nói là La, , còn Thái Vân Nam thì nói là Bai.

      (Người Quảng Đông dùng song song hai danh từ, danh từ Tàu đọc sai là Dịp, tức Diệp của Hán Việt, và danh từ cổ Tây Âu là ).

      Địa bàn Thái ở Quảng Tây và Bắc Việt liên tục với nhau, còn địa bàn Thái ở Vân Nam không được liên tục suôn sẻ như Quảng Tây và Bắc Việt chút nào. Thái Bắc Việt và Thái Quảng Tây chớ không phải Thái Vân Nam.

      Sự kiện có nhiều cổ vật bằng đồng ở Vân Nam vì có dịp tìm kiếm ở đó, họ chưa hề tìm kiếm ở Quảng Tây nhiều được.

      Nhà bác học ngôn ngữ danh tiếng Benedict, vì không biết chủng tộc học, nên đã lầm, gọi Miêu tộc ở Hoa Nam là Indonésien. Theo quan niệm của ông, hễ ai kém mở mang là ông bỏ vào cái bị Indonésien chớ không riêng gì Miêu tộc. Vài nhà bác học khác cũng thế.

      Vì vậy mà ông P. Benedict mới chủ trương rằng Thái Hoa Nam có lai giống với Indonésien!!!

      Hẳn ông không biết rằng Indonésien là Cổ Mã Lai và hẳn ông cũng không biết Thái thuộc Cổ Mã Lai. Nếu ông biết mà còn nói thế thì hoá ra Thái có lai giống với Thái là nghĩa làm sao?

      Sọ và ngôn ngữ Miêu khác hẳn sọ và ngôn ngữ của Mã Lai, không nên thấy Miêu kém mở mang mà gọi họ là Cổ Mã Lai được.

      Tóm lại, đọc sách của các ông Tây ngày nay, ta vẫn phải cẩn thận y như đọc sách các ông Tàu có đã hai ngàn năm vì cả hai ông thầy ấy của ta đều ăn nói lộn xộn.

      Tác phẩm của Benedict được giới khoa học xem là một khám phá quan trọng về chủng Thái, nhưng tác giả chỉ đúng về mặt ngôn ngữ để làm cái việc khám phá đó. Công của ông có lớn thật, nhưng ông cứ còn gây ngộ nhận với danh xưng Indonésien mà ông biến thành danh từ với cái nghĩa “man di”.

      Riêng nhà bác học G. Coedès thì dùng danh xưng Indonésien để chỉ Lạc trong câu: “Người Thái và người Indonésien, trước khi Nam thiên, bị chủng Cơ Me chọc thủng vào giữa khối và chia họ ra làm hai, một cánh đi về phía Bắc đến Quý Châu, đó là cánh Thái, một cánh đi về phía Nam, đó là cánh Indonésien.

      Ở đây danh xưng Indonésien của ông G. Coedès rõ ràng là ám chỉ chi Lạc không còn ngờ gì nữa. Tuy nhiên, ông vẫn sai về sự kiện, vì thật ra thì không hề có việc Cơ Me chọc thủng cái khối đó. Cơ Me, từ Tây Khương tiến ra ngoài, rồi thì rẽ ngay tay phải, xuống Vân Nam để tràn vào xứ Lào ngày nay mà lập quốc ở đó, chớ không có bao giờ ra tới Quảng Tây nữa, chớ đừng nói là ra tới biển thì việc tách hai cái khối Thái Việt đó không bao giờ có xảy ra. (Nước Chơn Lạp ban đầu nằm tại đất Lào ngày nay).

      Nhóm bác học Viễn Đông Bác Cổ gồm người nghiên cứu văn minh Cao Miên đông hơn nghiên cứu văn minh Trung Hoa, vì người Âu Châu có khuynh hướng mê say kiến trúc đồ sộ mà họ cho là dấu hiệu văn minh cao, còn cơ cấu tế nhị của văn minh Trung Hoa, họ không thấy. Mặc dầu vậy, sử Việt vẫn được biết rõ hơn sử Cao Miên, ít lắm cũng từ năm 330 T.K. cho tới nay.

      Ông G. Cocdès chỉ là người chuyên môn về Ấn học (Indianiste) chớ không là Hoa học (Sinoloque) nên mới lầm như thế.

      Sự thật thì Quý Châu là đất của Thái từ cổ chí kim, và họ không hề bị Cơ Me đẩy lên đó. Và sự thật thì nếu tiếng Việt có giống tiếng Cao Miên là vì lý do đồng chủng Mã Lai, y hệt như nó giống tiếng Thái, tiếng Miến Điện, tiếng Tây Tạng, tiếng Thượng Cao nguyên chớ không có gì lạ hết. Ta sẽ thấy như vậy ở các biểu đối chiếu trong chương ngôn ngữ.

      Theo lời cụ Vương Hồng Sển, nguyên quản thủ Bảo tàng viện Sài Gòn, thì chính các nhà bác học phái Sinologie đã than rất tiếc rằng đa số các ông Tây đều nhảy sang phái Indianisme vì mê chuyện ngoạn mục, trong khi môn Sinologie cần người hơn vì văn minh Trung Hoa tuy kém ngoạn mục, nhưng trái lại sâu sắc tế nhị hơn và vì thế mà khó nhọc hơn, cần phải đông người, mà than ôi, lại chỉ có quá ít người.

      Khi khai quật những ngôi cổ mộ bằng gạch ở Lạch Trường, nhà khảo cổ O. Jansé rất ngạc nhiên mà thấy mộ ấy giống mộ cổ ở Tứ Xuyên, cả hai đều cổ lối 2 hoặc 3 trăm năm T.K., tức không phải là mộ Trung Hoa rồi vậy.

      Thế nên rồi ông O. Jansé gọi “Việt Nam là cái ngã ba của dân tộc và các nền văn minh”. Ông O. Jansé đã lầm to, chỉ vì ông không biết những đẳng thức sau đây mà quý vị sẽ thấy qua các chương sách này:

      Tứ Xuyên = Thục

      Thục = Âu

      Âu = Việt

      Như vậy nếu cổ mộ Tứ Xuyên giống hệt cổ mộ Lạch Trường thì còn là lạ nữa, và có gì đâu mà là “Ngã ba của các dân tộc và nền văn minh”?

      Chúng tôi đã đề cao tài quật thám của ông O. Jansé, nhưng ngoài cái tài đó, ông đã đi từ sai lầm này đến sai lầm khác.

      Đó cũng là một nhà bác học không tinh thông môn Hoa học, nhưng lại bị biệt phái oan uổng sang khu vực ảnh hưởng Trung Hoa.

      Thái và Việt giống nhau cho đến đỗi trông cứ như là một.

      Bốn tượng đồng gắn trên nắp bình đồng Đào Thịnh cho ta thấy những Cổ Việt mặc sà rong, một thứ sà rong ngắn của nông dân Lào ngày nay, sà rong mặc tạm để làm việc trong nhà hoặc ngoài đồng, khác với sà rong đi chùa hay đi chơi.

      Còn người Việt Khê thì thổi kèn, một cây kèn giống hệt cây Khène của Lào và KènKhène chắc chắn là hai danh từ đồng gốc mà ra, chỉ có khác là người Đông Sơn bịt khăn, còn người Thái thì không.

      *

      Tới đây thì truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ của dân tộc phải được hiểu lại. Đó là chuyện Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đẻ ra 100 cái trứng, nở ra 100 người con, 50 theo cha xuống biển, 50 theo mẹ lên rừng.

      Cho tới nay, người ta cứ xem đó là sự ám chỉ đến sự ly khai giữa Việt Nam và Mường + Thượng. Nhưng thật ra thì không phải thế.

      Truyền thuyết này ăn khớp với hai danh tự xưng Âu và Lạc và đặc điểm của hai chi đó. Chi Âu chiếm toàn địa bàn (Âu Cơ là tiên, đem con lên rừng mà ở) còn chi Lạc thì chiếm toàn địa bàn sông ngòi ở ven biển (Lạc Long Quân là rồng nên đem con xuống biển).

      Truyền thuyết này không cho thấy dây liên hệ nào của người Mường và người Thượng với hai nhơn vật của truyền thuyết, mà chỉ có sự kiện lên núi rừng, mà sự kiện này cũng ăn khớp với chi Âu, nhưng với chi Âu thì nó lại ăn khớp hơn vì còn dây liên hệ ở danh tự xưng Âu và Lạc.

      Như ta vừa thấy, địa bàn của chi Âu của chủng Mã Lai toàn là địa bàn núi rừng, còn địa bàn của chi Lạc thì toàn là địa bàn sông biển. Lạc Long Quân ở đây là chi Lạc, còn Âu Cơ là chi Âu, cả hai đều ở trong chủng Mã Lai.

      Và ta có thể đoán được thời điểm ra đời của truyền thuyết. Truyền thuyết ra đời từ ngày dân Cửu Lê tách ra làm hai chi rõ rệt, chi Âu và chi Lạc. Sự ly khai ấy có lẽ xảy ra sau khi Cửu Lê bị Hiên Viên đánh đuổi, toàn thể Âu vượt sông Hoàng Hà, nhưng Lạc thì chia hai, một số vượt Hoàng Hà, một số theo đường biển sang Đại Hàn, Nhựt Bổn, Đài Loan, Hải Nam và Đông Nam Á lục địa, tức Đông Dương. Ta sẽ thấy khoa khảo tiền sử chứng minh như vậy.

      Rời đồng bằng Hoa Bắc rồi thì Âu chiếm địa bàn núi rừng ở Hoa Nam cho tới ngày nay, còn Lạc thì vừa chiếm địa bàn sông ngòi Hoa Nam vừa chiếm địa bàn sông ngòi ở các đất mới.

      Và danh xưng Âu có lẽ xuất hiện ngay từ thời Hiên Viên đó.

      Truyền thuyết trên đây bị ai đó không rõ, hệ thống hoá quá rõ ràng đích xác, làm như đó là sự thật, và Âu Cơ lại hoá ra là cháu năm đời của vua Thần Nông là vua Tàu.

      Nhưng trong thư tịch Trung Hoa cũng có ghi chép về thế phả Thần Nông, lại không hề có cái tên Âu Cơ này. Sự kiện đó không có nghĩa là họ sai, vì họ có thể chỉ chép con trai mà bỏ con gái.

      Nhưng truyền thuyết của ta, bị lịch-sử-hoá, thấy rõ là sai. Ở hai châu Kinh và Dương có hàng trăm ông vua vừa Tàu vừa Việt chớ không hề có một ông vua độc nhứt là Tàu lai Việt mà ta gán cho cái hiệu là Kinh Dương Vương và tên là Lộc Tục.

      Tóm lại, truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ của ta chỉ là truyền thuyết, đừng tưởng rằng đó là sử. Nhưng cũng nên nhớ rằng truyền thuyết luôn luôn chứa đựng sự thật nào đó, nó chỉ chiếm một phần trăm của toàn truyện mà thôi.

      Cái sự thật đó là LạcÂu sống chung với nhau, Âu chiếm địa bàn núi rừng, Lạc chiếm địa bàn sông ngòi, ven biển, hai nhóm đó xưa kia là một, được Tàu gọi là Cửu Lê, và họ tách ra làm hai, chính từ ngày mà Lạc làm cách mạng, theo phụ hệ, còn Âu thì giữ mẫu hệ cố hữu.

      Tách hai xong, họ vẫn còn sống cạnh nhau hoài cho đến ngày nay.

      *

      Dưới đây là bản đồ hệ thống hoá do Ngô Sĩ Liên ghi ra trên giấy.

      Truyền thuyết của Tàu cho rằng Thần Nông, sáng lập nông nghiệp, là vua trực tiếp của họ. Truyền thuyết Việt Nam lại chỉ nhận Thần Nông là ông tổ lai căn xa xôi mà thôi. Cháu ba đời của Thần Nông là Đế Minh.

      ĐẾ MINH (Tàu)
      ĐẾ NGHI (Tàu)
      Mẹ Tàu
      LỘC TỤC (Tàu lai)
      Mẹ là Vu Tiên Nữ (Việt)
      ĐẾ LAI (Tàu)
      LẠC LONG QUÂN (Tàu lai)
      + cháu gái họ là Âu Cơ
      TỔ BÁCH VIỆT
      ÂU CƠ (gái Tàu)

      Truyền thuyết của ta cũng nhiêu khê lắm. Cứ theo truyền thuyết đó thì Lạc Long Quân lấy cháu họ của mình vì bà Âu Cơ là con Đế Lai.

      Theo chế độ mẫu hệ kia thì được, vì con theo hệ của mẹ chớ không theo hệ của cha, và anh em, chị em nhà chú nhà bác có thể lấy nhau.

      Nhưng dầu sao, tước bỏ hết những huyền hoặc trong đó, cũng còn lại Việt có lai Tàu rất là xa xôi, chớ không là hậu duệ trực tiếp của Tàu.

      Nhưng điểm đó lại mâu thuẫn với khoa khảo tiền sử là Mã Lai Hoa Nam lúc di cư là thuần Mã Lai.

      Như thế thì ta phải tin khảo tiền sử hơn. Nhưng truyền thuyết đã kể như vậy thì ta cũng không thể bỏ qua. Ta giả thuyết rằng kẻ lãnh đạo của Mã Lai đợt II di cư đến Cổ Việt có thể là Tàu lai thật sự, một đứa con rơi không được Tàu chấp nhận nên làm Việt, hoặc làm Việt vì đã nắm được quyền lãnh đạo một nhóm Việt.

      Mà như vậy thì đó là truyền thuyết của Mường là Mã Lai đợt II gốc Hoa Nam, chớ không phải truyền thuyết của ta vì ta đa số là Mã Lai đợt I.

      Dầu sao Mã Lai đợt II ở Cổ Việt cũng đã hợp tác lớn lao với vua Hùng Vương và chính họ đã đưa trống đồng tới, thì ta cũng xét tới cùng về truyền thuyết của họ mà ta cũng xem là của tổ tiên ta, vì hiện nay không còn người Việt Nam nào mà biết mình thuộc đợt I hay II nữa cả. Người Mường chỉ bất hợp tác với Mã Viện mà tách riêng ra chớ trước đó, trong nhiều trăm năm, họ đã hợp tác chặt chẽ với vua Hùng Vương, đã lai giống đợt I tại Giao Chỉ rất nhiều, bằng chứng là ngôn ngữ ta đầy dẫy danh từ của Mã Lai đợt II, còn ngôn ngữ Mường thì cũng chứa đựng khá nhiều danh từ của đợt I.

      Nhượng Tống không biết rằng ta là Mã Lai hỗn hợp nên đã mắng Ngô Sĩ Liên tắt bếp khi Ngô Sĩ Liên đưa truyền thuyết Mường vào sử ta (ta sẽ biết rõ người hơn ở chương Làng Cườm).

      Nhưng Ngô Sĩ Liên đã có lý hẳn hòi mà làm như vậy vì sự hợp tác quá lớn lao giữa đợt I và đợt II ở Giao Chỉ, trước khi Trung Hoa đến nơi.

      Họ Nguyễn hay họ Trần là con cháu Hùng Vương, họ Lê hay họ Phạm là con cháu của Mường, thật không còn ai biết nữa cả.

      Trái lại các nhà ngôn ngữ học biết rằng Việt ngữ tách rời khỏi Mường ngữ không lâu lắm. Họ nói không minh bạch, chớ đáng lý gì phải nói Việt ngữ tách khỏi Mã Lai ngữ đợt II không lâu lắm và riêng chúng tôi sẽ có bằng chứng là tới thế kỷ XVII ta vẫn còn dùng Mã Lai ngữ chưa biến dạng và cho đến thời Minh Mạng, tức đến thế kỷ XIX, ta vẫn còn gọi Thuận An là cửa Eo. Eo là danh từ Mã Lai đợt II mà ta dùng không có biến một âm nhỏ nào hết.

      Vậy truyền thuyết Mường có giá trị như là truyền thuyết của ta và xin trở về với ông Tàu lai Việt là Lạc Long Quân.

      Sự lai giống đó là vua Việt lai giống chớ không phải là dân Việt. Ngay ở chương sau đây, nghiên cứu về chủng Mã Lai, khoa khảo tiền sử cho ta biết rằng Mã Lai không hề có lai giống với Tàu trước khi di cư xuống Cổ Việt.

      Một người ngoại quốc, nhảy lên làm vua của một dân tộc nào đó, rất thường xảy ra trong lịch sử nhứt là, mà chuyện mới nhứt là chuyện của đồng bào Thượng trên Cao nguyên, bị Pháp hạ, anh ta mới xuống, không thôi anh làm vua ở đó và truyền ngôi cho con cho cháu mấy trăm năm cũng chưa thôi.

      Nhưng, đừng ngộ nhận, đừng lầm lẫn vua và dân. Ông vua có thể là hậu duệ của Thần Nông, nhưng dân thì không. Chớ nên quên điều đó. Phương chi Lạc Long Quân đã bị lai tới ba đời, mẹ ông ta là Việt thuần chủng, còn cha ông ta là Tàu lai Việt, thì còn gì là máu Tàu trong người của ông ta?

      Tưởng cũng nên nói rằng chữ Âu, các nhà nho ta đọc là Âu, nhưng Quan Thoại đọc là Ngê U, và khi kể truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, người Mường đọc là Ngu Cơ chớ không là Âu Cơ như ta. Thế nghĩa là người Mường còn nhớ lối gọi cổ thời.

      Chúng tôi không biết danh xưng Âu là danh xưng hay là tên mà Tàu đã đặt để gọi dân đó.

      Nhưng bằng vào lối gọi của người Mường, họ đọc chữ Âu là Ngu, gần giống Tàu Quan Thoại là Ngê U, ta có thể suy đoán rằng Âu là danh tự xưng.

      Quả thật thế, người Mường không có chịu ảnh hưởng của Tàu, nhưng họ lại đọc cái danh xưng đó giống người Tàu, vậy thì họ đọc theo sự nghe Âu tự xưng, Tàu cũng thế. Nếu họ đọc qua trung gian của người Tàu như ta, thì họ phải đọc sai, và sai y hệt như ta, vì họ là ta. (Ta sẽ thấy như vậy ở một chương sau) nghĩa là họ phải đọc Âu chớ không là Ngu.

      Chỉ phiền là trong truyền thuyết đó người Mường lại cho rằng bà Ngu Cơ là bà thánh tổ của họ. Thế thì không còn gì chất Âu tức Thái trong vụ Âu Cơ cả.

      Thế nên ta mới hiểu rằng truyền thuyết ám chỉ sự tách rời ta với Mường.

      Có lẽ người Mường không giải thích được sự kiện tách rời đó, và nhân thấy họ và ta quả có tách rời và họ lên núi rừng, nên họ tự đồng hoá với Âu, và đó chỉ là một lầm lẫn mà thôi, vì ở chương người Mường chúng tôi sẽ trình chứng tích rằng họ là Mã Lai đợt II, tức là Lạc bộ Mã.

      Nước Tây Âu thành lập vào thời nào, không ai biết cả, và đó là nước của người Thái chớ không phải là của người Lạc. Chúng tôi sẽ chứng minh điều đó khi xét lại sai lầm của bao nhiêu là cuốn sử cho rằng Tây Âu = Cổ Việt Nam.

      Dầu sao nó cũng thành lập cùng lúc với nước Thục và Văn Lang, và rồi ta sẽ thấy rằng khi Thục bị mất nước thì quý tộc Thục chạy xuống nước Tây Âu đồng ngôn và đồng chủng.

      Tây Âu thu hút tất cả các dân Âu ở Hoa Nam bị Tàu đánh đuổi, nên Âu không hề có di cư đi đâu cả, cho tới ngày bị Tần Thỉ Hoàng diệt quốc. Sau ngày đó họ cũng không có di cư. Chỉ từ thế kỷ thứ VIII, IX, X tới XIII sau Tây lịch, bị Tàu lấn đất dữ quá, họ mới di cư đến thượng du Bắc Việt mà thôi.

      Đó là một quốc gia Âu hùng cường bậc nhứt trong các quốc gia ở phía trên chạy xuống, và khi Tàu vất vả diệt xong họ, kiểm tra dân số thì thấy Tây Âu 10 lần đông đảo hơn Mân Việt. Âu Lạc, Đông Âu, v.v.

      Nước ấy hùng cường và bất phục Tàu nên Tần Thỉ Hoàng mới gọi dân ta là Lục Lương, tức dân du côn.

      Ta có thể tưởng tượng rằng sau khi Cửu Lê vượt Hoàng Hà thì có một nhóm Âu chạy xa nhứt đến Lưỡng Quảng để về sau lập ra nước Tây Âu, và nhờ chạy xa như vậy nên họ mới tồn tại đến đời Tần, khác với các quốc gia Âu và Lạc khác ở Hoa Nam đều bị Sở diệt tất cả.

      Nhưng học ngôn ngữ Thái, chúng tôi thấy có một số danh từ Mã Lai đợt II, tức Lạc bộ Mã, tức Mã Lai Nam Dương. Thế nghĩa là cái nước của chi Âu đó cũng có chứa dân Lạc Hoa Nam, chớ không thuần Âu, y hệt như cũng không thuần Lạc bộ Trãi tức không thuần Mã Lai đợt I.

      Hơn thế, ngôn ngữ của họ lại dung túng nhiều danh từ của chủng Mê-la-nê hơn ngôn ngữ Việt Nam, thì hẳn họ đồng chủng với Mê-la-nê nhiều hơn ta.

      Mê-la-nê là cái chủng đã làm chủ Hoa Nam và Đông Nam Á lục địa, liền trước chủng Cổ Mã Lai.

      Lạc Việt còn chạy xa hơn họ nữa, nhóm tổ tiên ta chạy bằng đường thuỷ thì đã khác rồi, còn họ thì chạy bộ nên chúng tôi mới bảo đó là nhóm chạy xa nhứt, nghĩa là xa nhứt trong đám chạy bộ.

      Hơn thế họ lại là Âu chớ không phải Lạc, tức là xa nhứt của đám chạy bộ và của chi Âu, còn xa nhứt của đám chạy bằng đường biển và của chi Lạc là dân của đảo Célèbes, chớ cũng chẳng phải là dân Cổ Việt Nam, như khoa khảo tiền sử đã cho thấy.

      Tóm lại, Mã Lai đợt I, là Cửu Lê, và chia hai rõ rệt thành Âu và Lạc, sau khi bị Hiên Viên đánh đuổi. Họ thành lập nhiều quốc gia rất cổ, có lẽ đồng thời với nhau là Thục, Tây Âu (chi Âu) và Văn Lang (chi Lạc), còn các quốc gia Việt danh tiếng khác ở Hoa Lạc nằm sẵn tại Hoa Nam Lạc bộ Trãi và Âu cũng có lập quốc ở Hoa Nam, nhưng không thọ, trừ một quốc gia độc nhứt là Tây Âu, nhờ ở xa Tàu nhứt.

      Chúng tôi đi gần lạc đường ở đoạn sau của chương này. Nhưng tiện dịp phải nói luôn cho xong, chớ phần chánh yếu của chương sách là chứng minh mấy điều sau đây:
      1. Nước Tây Âu là một trong ba quốc gia Thái lớn nhứt trước Tây lịch kỷ nguyên: Ba Thục, Tây Âu và Ai Lao, tức tên xưa của một nước mà nay là tỉnh Vân Nam. Nước này mang tên ấy vì trung tâm của nó nằm tại Lao Sơn. Đó là danh xưng mà Tàu đặt ra để gọi nước ấy, chớ nó phải tự xưng khác, nhưng ta chưa truy ra danh tự xưng ấy được.
      2. Tây Âu không dính líu gì tới Cổ Việt Nam cả, dân Thái không phải là dân Lạc Việt, mặc dầu đồng tông với nhau.
      3. Không hề có sự sáp nhập đất đai của Tây Âu và Lạc Việt, để tạo ra một nước Tây Âu Lạc. Sau Lộ Bác Đức thì có sự sáp nhập đó, dưới cái tên Giao Chỉ, nhưng chỉ sáp nhập hành chánh mà thôi, nhưng rồi nhà Hán cũng tách ra ngay thành hai phần: Giao Châu và Quảng Châu.
      4. Tần Thỉ Hoàng chỉ chiếm được Tây Âu mà không bao giờ chiếm được Cổ Việt Nam cả.
      5. Vào đầu Tây lịch, Thượng du Bắc Việt là đất gần như là bỏ không, không có người Thái sinh sống ở đó.
      6. Người Thái dưới thời Chiến Quốc được Tàu gọi là người Âu, nhưng dưới thời Hiên Viên được gọi là Cửu Lê, nhưng Lê cổ thời ấy lại cùng với Lạc họp thành một khối duy nhứt, trước khi tách hai ra để Lạc di cư đi Nhựt Bổn, Việt Nam, Nam Dương và Mỹ Châu.
      Còn Thái thì ta sẽ thấy sau là họ không bao giờ di cư bằng đường biển hết vì địa bàn của họ không ở gần biển. Họ vượt sông Hoàng Hà, rồi cũng lập quốc cạnh Lạc ở bình nguyên Vân Mộng, rồi bị Tàu đẩy họ xuống Hồ Nam rồi xuống Tây Âu.

      Thái đã có mặt ở Tây Âu vào thời Hiên Viên chưa, cũng như Lạc đã có mặt ở Phúc Kiến vào thời Hiên Viên chưa, không ai biết cả, chỉ biết rằng khi Bách Việt bị đẩy khỏi địa bàn Dương Tử thì nước Tây Âu đã có rồi, và bao nhiêu Thái đều đổ dồn vào đó, kể cả Thái Ba Thục bị mất nước hàng trăm năm trước đó cũng đổ dồn về Tây Âu, thành thử Tây Âu lớn mạnh vô cùng và đa số binh sĩ của Tần Thỉ Hoàng, đông nửa triệu người, chỉ chúi mũi vào Tây Âu mà thôi (Hoài Nam Tử).

      Qua lịch sử, Âu luôn luôn chiếm địa bàn núi rừng, còn Lạc luôn luôn chiếm địa bàn sông biển. Thế nên chúng tôi mới tin chắc truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long Quân bắt nguồn ở cái tình trạng đó, và Tiên Rồng chỉ là chuyện người đời thêm thắt vào cho hoa mỹ vậy thôi.

      Chủng Mã Lai gồm có 4 chi, chớ không phải 2, nhưng chỉ có truyền thuyết cho 2 chi Âu và Lạc, vì hai chi kia có địa bàn không dính với Âu và Lạc.

      Hai chi kia là chi Khơ Me mà Tàu phiên âm là Khương và chi Môn mà có lần Tàu cũng gọi bằng Lạc (nhưng với bộ Chuy) mà chi đó được gọi là Khuyển Nhung thường hơn.

      Cũng xin thêm rằng danh xưng Lê hiện nay cứ còn được dùng tại Hoa Nam. Ở đó, trừ Miêu tộc ra thì những người Việt chưa biến thành Tàu được gọi bằng lu bù thứ tên, nhưng có một nhóm cứ được gọi bằng Lê, và người Lê đồng nhứt là ở Hải Nam chớ không phải ở Lưỡng Quảng, mà đó là nhóm Lạc-Lê chớ không phải Thái hoặc Lạc.

      Nhưng dầu gọi bằng Bạch Di, La La, Thổ, Tài gì, họ cũng chỉ là một, tức Thái trắng và Thái đen.

      Chúng tôi có quen thân với một người Tàu ở Đông Hưng di cư sang đây. Đông Hưng là cái làng đối diện với Móng Cái của Việt Nam. Đó là người Hợp Phố của các đời Chu, Tần, Hán.

      Ông ấy nói tiếng Tàu, nhưng không sai giọng như người Quảng Đông, mà lại sai y hệt như người Hải Nam. Thế nghĩa là dân Hợp Phố là dân Lạc-Lê chính cống.

      Sử Tàu chép rằng quận Hợp Phố là quận lập ra bằng cách cắt đất của Nam Hải (Quảng Đông) và Giao Chỉ. Nhưng cái phần đất Giao Chỉ ấy thì dân lại là dân Lạc-Lê chớ không phải là dân Lạc. Thế nghĩa là vua Hùng Vương đã có thuộc địa rồi, vào thuở tiền Triệu Đà, thuộc địa đó là một phần đất Hợp Phố của chi Lạc-Lê, đó là chưa kể Cửu Chơn và Nhựt Nam cũng là thuộc địa mà chúng tôi sẽ chứng minh rằng là của một thứ dân kia tên là Lạc-Lê, một phụ chi của chi Lạc Việt.

      Ta có thể nói rằng Thái chỉ là quan trọng của Mã Lai, nhưng chỉ quan trọng về số lượng mà thôi, còn văn hoá thì không có gì rõ rệt, trong khi đó thì văn hoá Lạc-Lê rất là rõ. Kiến trúc của Lạc-Lê, mãi cho đến ngày nay vẫn còn giống hệt kiến trúc Mã Lai, còn Thái không được như thế, lại dễ bị ngoại lai (Tàu, Ấn Độ) thu hút, còn Lạc-Lê thì nhứt định bám níu vào dân tộc tính Lê cổ thời (Bon sanh Lê còn sống sót hàng triệu).


      Sách tham khảo riêng cho chương này:


      Nguồn: Bách Bộc xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản điện tử do talawas thực hiện.
       
      http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11077&rb=08
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 13.03.2008 09:42:59 bởi Ngọc Lý >
      #18
        Ngọc Lý 22.03.2008 04:15:01 (permalink)
        Bình Nguyên Lộc
        Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam





        15/35

         
        Chương IV
        Mã Lai chủng

        Chúng tôi hẹn nghiên cứu các chủng Mông Gô Lích ở phần A của chương II, nhưng mới nghiên cứu được có ba chủng: Bắc Mông Gô Lích, Trung Mông Gô Lích và Nam Mông Gô Lích rồi phải bước sang những vấn đề khác, vì mạch của sách phải đi như vậy.

        Chúng tôi cần chứng minh rằng không có di cư ồ ạt của Tàu đến Giao Chỉ như sử gia Nguyễn Phương đã nói để kết luận rằng Việt Nam không phải là đồng bào của hai bà Trưng mà chỉ là con cháu của Tàu di cư. Mà muốn chứng minh như thế, chúng tôi lại phải bác thêm thuyết của L. Aurousseau và Trần Kinh Hoà cho rằng Tây Âu và Tượng Quận là Cổ Việt Nam. Muốn vậy, phải nghiên cứu người Tây Âu. Đi lạc đường quá xa vì những lý do đó.

        Nhưng không thể không đi xa ngoài đề vì cái mục đích xoá hẳn bao nhiêu ngộ nhận từ trước tới nay về những gì xảy ra vào năm Lộ Bác Đức tới chinh phục ta, bởi những sự kiện lịch sử của thời ấy bị các sử gia Tây, Tàu, Việt làm rối nát hết.

        Bây giờ thì chúng tôi nghiên cứu về chủng của ta được rồi, nhưng lại không bắt đầu từ thời Mã Viện đi lên, mà xuất phát ngay tại nơi và thời bắt đầu, tức nói chuyện cách đây 5.000 năm rồi đi xuống lần cho tới gặp Mã Viện là xong.

        Tại sao chúng tôi không ngược dòng như đã làm từ chương I cho tới chương này? Vì chúng tôi dựa vào khoa khảo tiền sử, mà khoa ấy đi xuôi chớ không lội ngược.

        Xin nhắc rằng là lúc bắt đầu làm việc chúng tôi không có đủ tài liệu khảo tiền sử trong tay, nó tản mác ở nhiều tạp chí trên thế giới rất khó tìm, lại có những tài liệu không phải viết bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh nên chúng tôi không được đọc và không đọc được, nếu có tìm được đi chăng nữa.

        Thế nên chúng tôi đã tạm dùng hai chứng tích, một chứng tích tắt là tìm những cái khoen trung gian nó nối kết Mã Lai Đông Sơn với Việt Nam mang màu sắc Trung Hoa phần nào. Chúng tôi lại dùng chứng tích gián tiếp là cổ sử Nhựt Bổn và kim sử Nhựt Bổn. Cả hai chứng tích đó đều đưa chúng tôi tới kết luận đúng là:

        Việt = Mã Lai

        Nhưng rồi làm việc nửa chừng, chúng tôi lại nhờ tóm lược của ông G. Cocdès về những công trình khảo tiền sử ở toàn cõi Á Châu, chứng tích này khoa học hơn, nên rốt cuộc chứng tích quý báu là khoa khảo tiền sử lại nằm trên hai chứng tích mà chúng tôi đã dùng lúc ban đầu.

        Ông G. Cocdès không có khảo cứu gì hết. Trong xã hội ta, sách ấy có thể được xem là sách khảo cứu có giá trị, nhưng trong giới bác học, nó chỉ là travail de compilation, theo loại của quyển “Lịch sử thành lập đất Việt”, mà soạn giả gồm tất cả những công trình khảo cứu trong vòng một trăm năm của hàng trăm nhà bác học ở khắp nơi để tóm lược lại trong sách, không phải để phổ thông trong dân chúng mà để giúp cho các sử gia tuỳ nghi sử dụng với điều kiện là phải biết dùng những trang sách ấy, bằng cách kiểm soát nó bằng khoa chủng tộc học và ngôn ngữ tỷ hiệu.

        Thế là rốt cuộc chúng tôi làm việc với đầy đủ ba chứng tích căn bản, không kể những chứng tích phụ thuộc mà chúng tôi cũng đã học qua rồi.

        Chúng tôi trích dịch ông G. Cocdès mà thú nhận, chớ không ăn gian nói rằng mình đọc được thẳng các tài liệu đó, mặc dầu rất dễ ăn gian vì ông G. Cocdès có cho biết tên tất cả sách báo khảo tiền sử ở toàn cõi Á Đông.

        Nhưng chúng tôi sẽ chỉ trích ông G. Cocdès vì ông không làm việc một cách lạnh lùng như các nhà khảo tiền sử, mà lại thỉnh thoảng suy luận để kết luận, vì ông có thử viết sử, chớ không phải chỉ làm travail de compilation mà thôi. Mà ông lại suy luận sai và kết luận sai.

        Nhưng ta phải nhìn nhận rằng việc khảo tiền sử là chiếc đèn pha độc nhứt đủ khả năng soi sáng những gì xảy ra vào cổ thời mà ta cứ đoán mò mãi theo mớ sử liệu Tàu hoặc theo cổ vật Đông Sơn, vì thế mà ta cứ đoán sai.

        Sách của ông G. Cocdès là tài liệu thường, ra đời năm 1962 và có bán ở Sài Gòn năm 1964, được những người Việt Nam mua đọc, nhưng không ai sử dụng được vì những lẽ mà chúng tôi đã nêu ra. Đó là một cuộc sa lầy thứ ba của ta: họ không hiểu hai từ Indonésien và Austro trong đó. Hơn thế, không ai kiểm soát được công trình khảo tiền sử ấy bằng các chứng tích khác, nên không ai dám tin để mà sử dụng công trình đồ sộ đó.

        Đây, nguồn sáng từ dưới âm ty chiếu lên hay từ 5.000 năm trước chiếu lại, một khúc phim của quá khứ mà các cuộc đào bới cho thấy khá rõ ràng, mặc dầu cũng còn vài khuyết điểm mà chúng tôi phê bình và bổ túc sau, không phải chỉ ở chương này mà ở nhiều chương khác nữa.

        1. Cách đây lối 5.000 năm, chủng Anh Đô Nê-diêng, tức cổ Mã Lai, từ đâu không biết, và không biết vì lẽ gì, di cư đến Triều Tiên, đến Nhựt Bổn, đến Đài Loan, đến Cổ Việt và đến đảo Célèbes ở Nam Dương.
          Đồng thời họ cũng di cư sang Đông Ấn Độ rồi từ Đông Ấn Độ họ đi sang Đông Dương (tức có cả Miến Điện và Thái Lan trong đó và nên nhớ rằng dân của nước Thái Lan chỉ mới di cư tới nước Thái Lan nay kể từ thế kỷ thứ VIII, thứ IX S.K. và đến thế kỷ thứ XIII thì họ đã đủ đông để đuổi người Cao Miên, đang làm chủ ở đó, để dựng lên nước Xiêm, vậy nếu ở đất Thái Lan có dấu vết của bọn di cư nói trên thì bọn ấy cũng không phải là tổ tiên của người Thái).
        2. Sọ của bọn Cổ Mã Lai này cho thấy rằng họ có lai giống với một vài nhóm Mông Cổ, nhưng không biết là nhóm nào. (Khoa chủng tộc học dùng danh từ Mongoloide. Danh từ này có nghĩa là có tánh cách Mông Cổ nhiều hay ít và chúng tôi đã trình ra hai thứ dân là Trung Mông Gô Lích, tức người Hoa Bắc, và dân Nam Mông Gô Lích, tức người Hoa Nam. Vậy danh từ Mongoloide có nghĩa rất rộng, có thể là lai thẳng với Mông Cổ mà cũng có thể là lai với Tàu Hoa Bắc, nhưng không thể với Tàu Hoa Nam, vì cách đây 5.000 năm, chủng Nam Mông Gô Lích chưa có mặt trên quả địa cầu).
        3. Tại Miến Điện xưa và Cao Miên xưa, tức ở Trung Lào nay, bọn Cổ Mã Lai lai giống quá nhiều với dân thổ trước, thuộc chủng Mê-la-nê, có lai nhiều vì ở những nơi đó chủng Mê-la-nê đã tiến bộ lắm, bắt đầu tiến tới thời đại Tân Thạch, giỏi gần bằng bọn mới đến. Thế nên bọn di cư ấy mới đen da.
          Ở Cổ Việt Nam thì thổ trước Mê-la-nê còn ở trong thời đại Cựu Thạch nên rất ít có hợp chủng Cổ Mã Lai + Mê-la-nê, thế nên người Việt Nam trắng da hơn Môn và Khơ Me.
        4. Vũ khí và dụng cụ độc nhứt của họ là lưỡi rìu đá mài có tay cầm.
        5. Cạnh sọ Mã Lai và lưỡi rìu tay cầm không thấy dụng cụ xay, giã, nghiền hay tán gì hết để có thể kết luận họ đã biết trồng trọt.
        6. Nếu chỉ có một mình họ di cư mà thôi thì không cần đặt tên mới cho họ, nhưng còn một đợt di cư sau, cũng là của chủng Cổ Mã Lai, sau đó lối 2.500 năm, nên bọn trước được đặt tên là Austro-asiatiques để phân biệt với bọn sau.
          (Chú ý: Austro-asiatique chỉ có nghĩa là người Á Đông phương Nam, chớ không có nghĩa gì là Úc Á cả, như tất cả các sách Việt đều đã dịch sai như thế).
        7. Cách đây lối 2.500 năm chủng Cổ Mã Lai từ cực Nam Hoa Nam đi thẳng xuống bán đảo Mã Lai Á, rồi từ đó sang Nam Dương quần đảo và từ Nam Dương sang Madagascar và Phi Luật Tân. Có một bọn lại đi ngược lên Nhựt Bổn.
        8. Sọ của bọn sau, thuần chủng cổ Mã Lai, không có lai giống với nhóm Mông Cổ nào hết.
        9. Vũ khí của họ là lưỡi rìu đá mài hình chữ nhựt.
        10. Cạnh lưỡi rìu có nhiều dụng cụ cho thấy họ đã biết nông nghiệp và nhứt là biết làm đồ đất nung, biết nuôi súc vật.

        Khoa học đặt tên bọn sau là Austronésiens.

        Khoa khảo tiền sử mới, được thế giới khoa học nhìn nhận là đúng, đã làm cho giúp Kim Định “hố” lớn ở trang 25, khi ông chủ trương rằng dân Anh Đô Nê là dân thổ trước ở Bắc Việt.

        Ông đã hiểu rằng Anh Đô Nê là Mọi thì ông chủ trương như thế là đúng theo ông G. Cocdès 20 năm trước. Mọi ấy bị Việt từ Hoa Nam tràn xuống và đuổi vào rừng.

        Nhưng ông G. Cocdès đã tự đính chánh trễ đến 20 năm, khi ông học xong cái khoa khảo tiền sử đúng này.



        *

        Đối với người không chuyên môn thì cái tóm lược trên đây không có nghĩa gì hết, không đọc cũng được, mà đọc lại càng rối trí thêm vì ai cũng hiểu Austro là Úc, mà Úc có dính líu gì với dân ta đâu, còn Indonésien thì lại bị hiểu là “Mọi”.

        Nhưng biết AustroPhương Nam chớ không phải Úc, và Indonésien là Cổ Mã Lai thì đã hơi khác rồi.

        Hơi khác, nhưng chỉ bắt suy nghĩ sơ sơ mà thôi, chớ không dùng được tài liệu tôi đã dẫn đó.

        Nhưng với những người đã học khoa chủng tộc học và ngôn ngữ tỷ hiệu và có học cổ sử Tàu, thì đây là một cuộc thắp đèn thình lình, soi tỏ hết cả mọi mối manh rối nùi của lịch sử dân ta, và cả dân Tàu, dân Chàm, dân Cao Miên, Miến Điện, Mã Lai và Thượng Việt.

        Chúng tôi mất bảy năm học các ngôn ngữ Á Đông và ba năm học chủng tộc học, không uổng chút nào, vì không biết hai khoa đó thì đã bỏ qua khoa khảo tiền sử đồ sộ mà ông G. Cocdès đã tóm lược, cũng như bao nhiêu người khác đã bỏ qua. Thế nên ông G. Cocdès đã ba lần định nghĩa Indonésien là Cổ Mã Lai, nhưng cũng chẳng ai thèm nghe.

        Ừ, biết rằng có những nhóm cổ Mã Lai di cư như thế đó, và họ có ghé xứ ta, nhưng cái biết ấy có nghĩa gì đâu chớ, vì ở xứ ta có hàng chục chủng tộc khác nhau vào thuở ấy, sống lẫn lộn với nhau, như chương tiền sử Làng Cườm đã cho thấy. Ta là ai trong đám đó? Mà có thể trong đám đó không có ta, ta chỉ mới đến đó về sau thôi, chẳng hạn theo sử gia Nguyễn Phương thì ta chỉ mới đến đó sau Mã Viện, tức sau Tây lịch, tức tương đối mới đây mà thôi (ta là Tàu kia mà).

        Nhưng khi ta biết rằng Miến Điện, Cao Miên, Thái, Chàm, Thượng, Mã Lai và Việt Nam đều có sọ Mã Lai, đều đồng ngôn ngữ Mã Lai với nhau thì mọi việc đã khác hết rồi.

        Hễ sự kiện mà là như thế thì ta đích thực là Mã Lai, lại Mã Lai hơn hẳn dân Mã Lai mà ai cũng tưởng là chánh hiệu, tức Mã Lai Nam Dương, vì tổ tiên ta là hai ba đợt Mã Lai nhập lại với nhau, còn Mã Lai Nam Dương chỉ là Mã Lai đợt nhì mà thôi (Austronésiens).

        Thế nên quyển sách của ông G. Cocdès chỉ giúp ích cho những người đã học khoa chủng tộc học về toàn thể Á Đông và học đủ cả ngôn ngữ Á Đông mà thôi.

        Lưỡi rìu có tay cầm của bọn Mã Lai di cư từ Hoa Bắc xuống Cổ Việt, khảo tiền sử đặt tên là Austroaslatique và chúng tôi gọi là Mã Lai đợt I.

        Lưỡi rìu hình chữ nhựt của bọn Mã Lai di cư từ Hoa Nam xuống Cổ Việt, khảo tiền sử đặt tên là Austronessien, và chúng tôi gọi là Mã Lai đợt II.

        Họ học xong, nhưng không kết luận được, mặc dầu họ đã thấy sự giống nhau khá ly kỳ giữa hàng trăm dân tộc ở Á Đông.

        Nhưng khi mà khoa khảo tiền sử tìm được dấu chơn di cư của dân Mã Lai quá rõ rệt như vậy thì cái phòng thượng cổ sử u tối bỗng sáng lên thình lình.

        Nhiều người Việt thông thạo tiếng Nhật cứ băn khoăn tự hỏi tại sao ta có nhiều danh từ giống hệt danh từ Nhật, mặc dầu hồi cổ thời hai dân tộc không hề có chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Nay thì đã rõ.

        Còn ba trăm trang nữa thì sách này chấm dứt và chúng tôi dùng ba trăm trang đó để giải thích và chứng minh ba trang mà chúng tôi vừa trích dịch của ông G. Cocdès, ông ấy đã đọc tất cả 30 ngàn trang sách để tóm lại thành một quyển nhỏ, chúng tôi trích dịch thành 3 trang, nhưng phải chứng minh bằng 300 trang với những khám phá riêng của chúng tôi, chớ các sách khảo tiền sử không nói đến những gì chúng tôi sắp nói ở 300 trang sau đây.



        *


        Bình chú và kiểm soát

        Ta thấy gì?

        Khoa khảo tiền sử ngậm câm về nguồn gốc của tổ tiên ta.

        Khoa đó không phải là sử học. Sử gia phải biết nhiều thứ hơn mới viết sử được.

        Họ chỉ đưa ra một mớ sọ để cho biết đích xác tại các địa bàn nào đó, các chủng tộc nào đã kế tiếp nhau mà làm chủ đất, chủ cũ nằm ở lớp dưới, chủ mới nằm ở tầng đất trên. Và các bọn ấy từ đâu đến, và đến vào thời nào.

        Đống sọ ở hang Làng Cườm gồm nào là sọ Négrito, sọ Mê-la-nê và sọ Anh Đô Nê, sọ Anh Đô Nê lai với sọ Mông Gô Lích.

        Nhà viết sử phải đo sọ để sọ Việt Nam hiện nay là sọ Mông Gô Lích, sọ Cổ Mã Lai, sọ Mê-la-nê hay sọ Négrito, hoặc sọ lai, vì lai với ai vẫn biết được. Mà đo hẳn hòi chớ không thể nói liều.

        Nếu có các nhà chủng tộc học đo hộ cho ta thì ta đỡ mất 20 năm để làm cái công việc đó. Bằng không, chính ta phải đo lấy. Thế nên chúng tôi mới cho rằng chứng tích chủng tộc học là chứng tích quan trọng vào hàng thứ nhì.

        (Việc đo sọ, phải đo từng nhóm lớn trong một nước, và đo nhiều nhóm như vậy, rồi nhập lại với nhau để lấy cái trung bình. Thí dụ ở miền Nam thì phải đo dân Đồng Nai, dân Sài Gòn, dân Tiền Giang, dân Hậu Giang, mỗi nhóm cần đo ít lắm là năm bảy trăm người. Như vậy, muốn đo toàn dân Việt, phải mất ít lắm là 20 năm, nếu chỉ có một người làm việc).

        Chúng tôi đẩy ngôn ngữ tỷ hiệu xuống hàng ghế thứ ba vì ngôn ngữ là yếu tố có thể vay mượn. Một dân tộc có thể mất cả ngôn ngữ, thí dụ người Khorat Thái vốn là người Cao Miên, thế mà chỉ từ thế kỷ 13 đến nay, tức mới có sáu trăm năm, là họ không còn biết lấy một danh từ Cao Miên nữa.

        Tuy nhiên, vị anh hùng hạng ba ấy lại vô cùng quan trọng vì đó là chứng tích mà đại đa số quần chúng thấy ngay và tin ngay, khi họ chưa tin khoa đo sọ.

        Hơn thế, nó giúp ta biết những chi tiết vụn vặt mà hai khoa lớn hoàn toàn không biết. Thí dụ vua Hùng Vương thuộc đợt I hay II thì chỉ có ngôn ngữ tỷ hiệu mới cho biết được mà thôi. Nói là vụn vặt, nhưng thật ra là rất quan trọng đối với thượng cổ sử riêng của dân tộc ta. Vụn là vụn đối với những đường nét lớn là chủng Mã Lai mà thôi.

        Người ta đã cãi nhau từ hơn nửa thế kỷ nay, và có kẻ cho rằng vua Hùng Vương không có, mà chỉ có Lạc Vương. Chưa phe nào thắng hẳn, nhưng khoa ngôn ngữ tỷ hiệu sẽ cho biết là có vua Hùng Vương, ông ấy quả đã lấy hiệu là Hùng Vương, và ông ấy thuộc đợt Mã Lai I, tức hậu duệ của Xy Vưu, chớ không phải của Câu Tiễn. Bọn Câu Tiễn chỉ là bọn bổ sung, 2.500 năm sau mới xuất hiện.

        Chúng tôi nhượng bộ khoa học rằng chứng tích ngôn ngữ không nặng cân bao nhiêu vì một dân tộc có thể mất hết cả ngôn ngữ, và vay mượn toàn bộ của một dân tộc khác. Nhưng xét ra thì từ 5.000 năm nay ta không hề bị dân Mã Lai cai trị, cũng không hề có tiếp xúc với Mã Lai đợt II (trừ cuộc tiếp xúc tại Nam kỳ cách đây 300 năm) thì sự giống nhau của ngôn ngữ Mã - Việt chỉ có thể là đồng gốc. Giả thuyết vay mượn của giáo sư Nguyễn Đình Hoà (Cù Lao = Pu Lô) phải được loại ra một cách không do dự.

        Hơn thế, cái chủ trương rằng khoa khảo tiền sử và khoa chủng tộc học là hai chứng tích ưu tiên nhứt và nhì, coi vậy mà có mang nặng nhiều khuyết điểm, trong khi chứng tích ngôn ngữ lại cho ta biết quá rõ các chi tiết về cổ thời mà hai chứng tích kia đều bí. Có nhiều sự thật lớn lao mà khoa khảo tiền sử thiếu sót, ta cũng biết được, nhờ khoa ngôn ngữ tỷ hiệu.

        Thí dụ, nhìn tóm lược trên, thì ta thấy rằng bọn Mã Lai đợt II không có ghé Đông Dương, Đông Pháp gì cả. Nhưng khi học ngôn ngữ của người Chàm và người Phù Nam thì ta thấy rằng chẳng những họ có ghé, mà họ còn đã lập ra ở đó hai quốc gia quan trọng vào đầu Tây lịch, vì ngôn ngữ của Chàm và ngôn ngữ Phù Nam thuộc ngôn ngữ của Mã Lai đợt II, chớ không phải đợt I.

        Riêng ở Việt Nam ta thì họ cũng có ghé qua đông đảo, khiến Việt ngữ gồm cả hai ngôn ngữ, đợt I và đợt II. Làm thế nào để phân biệt ngôn ngữ của đợt I và ngôn ngữ của đợt II thì chúng ta sẽ có cách, chỉ biết là cái khoa bị khoa học chê, lại rất quan trọng một cách bất ngờ và bị các nhà bác học bỏ quên đi, nên họ không biết những gì mà ta biết, những gì đó, không phải chỉ có chi tiết, mà có những sự kiện then chốt trong đó nữa.

        Tiếng “ta” ở đây không có nghĩa là Việt Nam, vì mặc dầu là Việt Nam, người Việt Nam cũng không thể viết sử đúng cho họ. Ta, nghĩa là những người có sử dụng chứng tích hạng ba mà các nhà bác học chê, tức họ là Tây hay Tàu gì cũng được, miễn họ có học đủ thứ ngôn ngữ Á Đông, sinh ngữ lẫn cổ ngữ.

        Vì đây là trích sách, gần như là dịch, nên chúng tôi bắt buộc phải dùng các danh từ mà các nhà bác học và ông G. Cocdès đã dùng.

        Đó là danh từ Đông Dương và Đông Pháp.

        Ở xứ ta, hai danh từ ấy đã bị bỏ từ 25 năm rồi, nên xin định nghĩa lại, theo lối hiểu của những người dùng danh từ, để người đọc sách cũng được hiểu y như họ.

        Đông Dương là vùng đất nằm giữa Ấn Độ và Trung Hoa, cũng được gọi là Ấn Hoa hoặc Hoa Ấn (Indochine).

        Còn Đông Pháp là vùng đất nhỏ hơn, nằm trong Đông Dương, vốn là thuộc địa của Pháp, và gồm Việt Nam, Ai Lao, Cao Miên (Indochine francaise).

        Nói như vậy thì Đông Dương gồm Đông Pháp, Thái Lan và Miến Điện. Còn bán đảo Malacca, tức nước Mã Lai Á nay, thì có khi được cho nhập vào Đông Dương, có khi không.

        Và xin nhắc rằng Mã Lai Á chỉ là tên một nước ở bán đảo Malacca, còn chủng tộc Mã Lai thì là chủ đất của nước Mã Lai Á, của nước Anh Đô Nê-xi-a, của nước Phi Luật Tân và của vô số đảo ở Thái Bình Dương.

        Người ta nói đến chủng Mã Lai, thế mà giáo sư Kim Định lại cho rằng nói đến Mã Lai Á. Không bao giờ có ai nói đến Mã Lai Á hết vì đó là tên một nước nhỏ. Người ta nói đến chủng Mã Lai mà chủng này thì đông trên 300 triệu, ở khắp nơi, vì Nhựt Bổn và Việt Nam cũng là Mã Lai.

        Ngày nay Mỹ, Anh và người Việt Nam tiến bộ gọi Đông Dương là Đông Nam Á lục địa, còn Phi Luật Tân, Indonésia, Mã Lai Á và các quần đảo Mê-la-nê, quần đảo Đa Đảo thì được gọi gộp là Đông Nam Á hải dương. Địa danh Đông Pháp bị bỏ luôn, không được thay bằng gì hết.

        Ở đây có sự nói tắt, người Việt Nam từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau đã được đo sọ rồi, và sọ của Việt Nam là sọ Mã Lai. Chúng tôi chưa trình bày những kết quả đo sọ và chưa đối chiếu mà lại nói Việt Nam là Mã Lai thì là tiên tri rồi vậy.

        Nhưng chỉ tiên tri có mấy mươi trang thì không sao. Tại tới lúc cần nói thì phải nói, còn chứng tích thì ở chương tới quý vị sẽ thấy.

        Tất cả những dân tộc ở trên lộ trình di cư mà khoa khảo tiền sử kể Rađêu mang sọ Mã Lai và đều nói tiếng Mã Lai: Đại Hào, Nhựt Bổn, Việt Nam, Célèbes v.v.

        Đây là công trình bác học quốc tế, đã được kiểm soát rồi và được công nhận là đúng, nhưng đề phòng những ông Kim Định và Lê Văn Siêu cho là “mơ hồ”, là “đón ý kẻ mạnh”, là “ngược xuôi”, chúng tôi làm công việc kiểm soát lại công trình ấy bằng khoa chủng tộc học và ngôn ngữ tỷ hiệu, và bằng cổ sử Tàu, xem công trình của các nhà bác học mà ông G. Cocdès tóm lược có đứng vững hay không.

        Chúng tôi kiểm soát tất cả kết quả về các chủng Négrito, Mê-la-nê v.v. chớ không riêng gì về chủng tộc Anh Đô Nê, nhưng lịch sử các chủng kia, sọ của họ, ngôn ngữ của họ, chẳng dính líu gì đến dân tộc Việt Nam cả, mà chỉ có chủng tộc Anh Đô Nê là ăn khớp với ta từ 5.000 năm nay, không có gì sai chạy hết. Thế nên chúng tôi chỉ trình kết quả của cuộc kiểm soát về chủng Anh Đô Nê mà thôi, để đi đến cuộc kết luận về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam.

        Sự kiểm soát của chúng tôi có sức nặng hơn những cuộc kiểm soát của các nhà bác học Âu Mỹ, họ chỉ kiểm soát xem công trình khảo tiền sử có được làm đúng phép hay không, còn chúng tôi thì kiểm soát bằng cách bổ túc công trình của họ bằng bốn môn: chủng tộc học, ngôn ngữ tỷ hiệu, thượng cổ sử Ấn Độ, thượng cổ sử Trung Hoa.

        Nó có sức nặng hơn vì nó thêm chứng tích chớ không phải “rà” lại chứng tích đã tìm được, nó lại có sức nặng vì dễ hiểu đối với dân chúng, dân chúng không hiểu khoa khảo tiền sử, khoa chủng tộc học cho rõ được, nhưng khi chúng tôi chứng minh được rằng tiếng Việt Nam đích thị là tiếng Mã Lai bằng vài trăm bảng đối chiếu thì ai cũng hiểu tức khắc và tin tức khắc.

        Cuộc kiểm soát này kéo dài cho tới trang chót của quyển sách chớ không phải là bằng vài trang, nhưng riêng ở đây thì chỉ có vài trang thôi. Ta sẽ kiểm soát thêm ở các chương cho thấy ngay là khoa khảo tiền sử không mơ hồ,không đắc ý bao giờ, mà nó đúng một cách kinh dị.

        Đây là một danh từ chung của cả hai bọn cổ Mã Lai di cư thành hai đợt cách nhau 2.500 năm:


        Lá cây

        Việt Nam: Lá
        Nhựt Bổn: Hạ
        Chàm: Hala
        Célèbes: Hạalaa
        Cổ ngữ Tây Âu: Lá (Quảng Đông là dân cổ Tây Âu biến thành Tàu. Hiện nay họ dùng song song hai danh từ là Dip, tức Diệp và La).
        Cổ ngữ Ba Thục: Lạ
        Khả văn minh: Lá
        Khả Lá Vàng: Sula
        Cao Miên: Slat
        Mã Lai Á: Lay u
        Mã Lai Kedat: Kalat
        Mã Lai Sembilan: Selara
        Mường: La
        Mạ: Nhla
        Giarai: Laa
        Sơ đăng: Hlaa
        Bà na: Hlaa

        Nhựt Bổn và Triều Tiên vì lai giống với ai đó nên không còn âm L y như Tàu không có R. Tàu thiếu âm R nên biến âm R thành L, thí dụ Chanh Ra, họ phiên âm là Chơn Lạp. Nhưng Nhựt Bổn thì không thể thay cái âm L thiếu đó bằng âm R vì danh từ Hara của họ lại đã có rồi, lại mang một nghĩa rất là thiêng liêng, họ không dám động tới. Hara của họ là Trời. Họ thờ Trời y hệt như dân Đông Sơn, chỉ có khác là nhờ không bị ngoại chủng diệt tục và diệt tôn giáo, nên họ còn nói đến Thái Dương thần nữ, còn Việt Nam thì không. Nhưng Việt Nam còn được hình mặt trời ở trống đồng.

        Chỉ hơi lạ ở chỗ này là Nhật còn khá đa âm như Mã Lai, thí dụ:

        Việt Nam = Món
        Nhựt Bổn = Mônô

        Để giữ tánh cách đa âm đó, họ hay thêm thắt ô, ư, a lung tung beng, thí dụ Cha là Trà thì đúng rồi, thế mà họ cứ nói là Ôcha, theo thói quen đa âm. Lại thí dụ Tera là Tự tức Cái chùa thì cũng khá đúng rồi, mặc dầu người ta có một âm mà họ biến ra thành hai, thế mà họ vẫn chưa vừa lòng, nói là Ô Tera. Nhưng lạ lùng thay, trong Hạla thì họ để mất luôn La, không thêm thắt gì hết.

        Cao Miên chịu ảnh hưởng của chủng Mê-la-nê nên rất ưa thêm S và Chx ngoài trước các danh từ Mã Lai, chẳng hạn như ở đây thì thay vì là Lat họ nói là Slat. Thí dụ Bông (Hoa) của Việt Nam, thì họ nói là Chxba, không kể danh từ vay mượn của Tàu là danh từ Phôka tức Foá, tức Fá, tức Wá của Tàu.

        Riêng Việt Nam thì chúng tôi bắt được bằng chứng rằng xưa kia tiếng ta đa âm y như Mã Lai. Chịu ảnh hưởng Tàu, chúng ta thành độc âm, nên chúng ta bỏ bớt Hạ. Nhưng người cổ Việt, hiện còn sống sót là người Khả Lá Vàng vẫn nói đa âm là Sula.

        Nhưng không cần những chú thích này, nhìn vào biểu đối chiếu ta cũng thấy ngay là danh từ ấy, bề ngoài có vẻ khác nhau, nhưng vẫn đồng gốc mà ra.

        Xin chú ý: Có 5 nhóm khởi sự bằng tử âm L, 5 nhóm khởi sự bằng tử âm H, 3 nhóm bằng tử âm S, một nhóm bằng tử âm K.

        Hai nhóm có mọc đuôi T, một nhóm mọc đuôi Ra và một nhóm mọc đuôi Yu. Nhưng cái bộ xương bên trong cứ là La, không có nhóm nào mà thiếu La được cả, trừ Nhựt Bổn.

        Nhưng nhóm Thái Lan, cũng đồng gốc Thái với Cổ Tây Âu và Cổ Thục, thì lại không có La. Họ nói là Bai. Nhóm Lào, cũng đồng gốc với Thái lại nói là Thông. Có lẽ là vay mượn của chủng Mê-la-nê mà họ có lãnh đạo một thời khá dài ở Vân Nam.

        Thí dụ thứ nhì cho ta thấy những biến dạng đã xảy ra y hệt như vậy đối với các danh từ, đại khái, một nhóm chỉ lấy khúc đầu, một nhóm chỉ lấy khúc đuôi, y hệt như Hạ + Lá, nhưng gốc tổ vẫn là nhị âm, nhị chớ không phải đa như thiên hạ cứ tưởng.

        Thí dụ: Núi non

        Việt Nam: Non
        Cổ ngữ Ba Thục: Non
        Cổ ngữ Phù Nam: B’nam
        Mạ: Ph’nơm
        Cổ ngữ Môn và Cao Miên: Ph’nom
        Mã Lai: Gunông
        Thái: Phu hoặc Phunông

        Ta thấy gì? Y như với danh từ Hala, ta thấy có nhóm lấy âm đầu, thí dụ Thái chỉ lấy Phu, có nhóm chỉ lấy âm sau, thí dụ Cổ Ba Thục và Việt Nam chỉ lấy âm sau là Non, có nhóm lấy trọn vẹn hai âm nhưng có biến dạng, thí dụ Phù Nam và Cao Miên.

        Đặc biệt Việt Nam thì ta vừa biến Phunông thành Non, vừa biến Gunông thành Nổng.

        Thói quen của chủng Mã Lai là thế về danh từ hoặc danh xưng. Mặc dầu ngôn ngữ của họ nhị âm (có vài danh từ tam âm hiếm hoi), họ thường chỉ lấy một hoặc hai âm mà thôi.

        Danh tự xưng của họ cũng theo luật đó, từ cổ chí kim, thí dụ ở Hoa Bắc họ chỉ tự xưng là Lai (thay vì Mã Lai) mà Tàu phiên âm sai là Lê, là Lạc, và rốt cuộc là Lai vào đời Tây Chu, còn ở vài nơi khác, họ chỉ tự xưng là Mã, là Mạ.

        Ở Nam Kỳ có một nhóm Thượng nay rút lên Cao nguyên Lâm Đồng, chỉ tự xưng là Mạ (mà chúng tôi nghĩ rằng họ là người Phù Nam vì họ nói tiếng Mã Lai đợt II y như Phù Nam) và sử Chàm cũng có cho biết rằng vào thời Trung Cổ người Chàm có diệt một tiểu bang đồng chủng ở lối Phú Yên, Bình Định, tên là Mạ Đạ, hay Mã Đa.

        (Mạ Đạ thì ở Nam Kỳ cũng có. Đó là tên một con sông của người Mạ mà nay dân Biên Hoà biến thành Mã Đà).

        Những điều trên và dưới đây đã được chúng tôi nói đến rồi, lại nói nữa ở đây và sẽ nói nữa ở nơi khác. Khuyết điểm ấy, giới khảo cứu Âu Mỹ gọi là Redites, nghĩa là nói đi nói lại một điều đã nói rồi.

        Sở dĩ có Redites là vì một điều cần phải nói lại ở nhiều chương. Nhưng Âu Mỹ xén bớt Redites, còn chúng tôi thì cố ý để nguyên vẹn hầu nhấn mạnh về các điểm mà chúng tôi cho là quan trọng, và đó là các điểm then chốt lại dễ bị chìm mất trong năm bảy trăm trang sách, cần đưa cao nó lên để chứng tích được nhớ rõ hoài hoài, hoặc để xoá những ngộ nhận lâu đời nào đó mà chúng tôi nhứt định phải xoá bỏ.

        Những Redites trong sách này làm cho văn của sách hoá ra kém cỏi, nhưng chúng tôi không ngại vì bị chê viết văn dở, vì chúng tôi nhằm mục đích khác hơn là viết văn.

        Ai lại không muốn cho một quyển dạy nuôi gà chẳng hạn, được viết bằng một lối văn hay, nhưng khi mà không dung hoà được văn hay với cái mà tác giả cần làm lộ rõ ra, thì tác giả phải hy sinh một trong hai món đó, chớ không thể cả tham. Phương chi chúng tôi lại mong ước sách này được những người không chuyên môn theo dõi, thì những Redites rất cần. Chỉ có những người nhà chuyên môn mới thấy ngay và nhớ kỹ những điểm quan trọng nằm ẩn trong hàng triệu từ của những trăm trang sách này, còn một người không chuyên môn thì sẽ không nắm vững được quá nhiều yếu tố quan trọng của sách.

        Trước khi có kết quả khảo tiền sử cho khắp Á Đông thì trên đời này không ai biết rằng có Mã Lai đợt II cả, mặc dầu họ thoáng thấy sự giống nhau giữa Môn ngữ, Khơ Me ngữ, Tạng ngữ, Việt ngữ, Nam Dương ngữ v.v.

        Nhưng khi mà khoa khảo tiền sử đã làm việc xong, và nhứt là khoa đo sọ đã làm việc xong, thì người ta mới hay rằng Tạng, Miến, Cao Miên, Việt Nam gì cũng là Mã Lai đợt I cả, và sự giống nhau về ngôn ngữ là sự đồng chủng chớ không phải là vay mượn.

        Thế giới chỉ biết có Mã Lai đợt II là người Nam Dương vì họ đang tự xưng là Mã Lai, và tưởng họ phát tích tại Nam Dương. Giáo sư Kim Định cũng chỉ biết tới chừng đó, nên giáo sư khuyên ta đừng tìm nguồn ở Nam Dương.

        Giáo sư có linh cảm rất hay là ta từ phương Bắc mà đến, nhưng chỉ hay riêng đối với dân ta thôi, chớ giáo sư không hề nghĩ rằng ta là Mã Lai. Và đó chỉ là linh cảm, mà vì làm việc bằng linh cảm cho nên giáo sư mới gán ghép, nhập Miêu vào Việt nhưng bỏ Nam Dương ra và gọi họ là Mán, Thổ với cái nghĩa sai là Mọi, chớ theo nghĩa chủng tộc học thì Mán thuộc Miên chủng và Thổ là một phụ chi của Âu tức Thái, cả hai thứ đều không hề có mặt ở Nam Dương bao giờ cả.

        Nhưng giáo sư chưa kịp học khoa khảo tiền sử đúng thì không sao, chỉ có điều là trong lời khuyên giáo sư có nói một câu rất là trái với điều mà khoa học đã biết rồi. Giáo sư nói rằng tìm nguồn gốc từ phương Bắc mới đúng luật chung của nhân loại (V.L.T.N. lúc còn đăng báo B.K.). Làm gì mà có cái luật chung ấy. Rõ ràng là dân Á Rập đã từ Yémen, tức từ phương Nam, di cư lên Arabie Saoudite rồi di cư lên Bắc Phi, lên Ba Tư, Ấn Độ, Tây Ban Nha v.v.

        Khoa khảo tiền sử không biết dân Mã Lai từ đâu mà di cư đi Đại Hàn, Nhựt Bổn, Việt Nam, cách đây 5.000 năm, nhưng ta thì biết. Họ từ Hoa Bắc mà di cư. Nhưng họ cũng không phải phát tích từ Hoa Bắc đâu. Linh cảm của giáo sư Kim Định chỉ đi tới Hoa Bắc mà thôi.

        Ở đây chúng tôi lại nói đi nói lại về bọn Cửu Lê.

        Khoa khảo tiền sử phải dè dặt đến mức tối đa vì họ không tìm thấy sọ Mã Lai ở Hoa Bắc nên mới kết luận như vậy. Nhưng ta sẽ nối kết được bọn di cư đi Triều Tiên với bọn Cửu Lê, khi ta nối kết được rồi thì rõ ràng là Cửu Lê chưa biết nông nghiệp trước khi di cư để bị Hiên Viên cướp nền văn minh nông nghiệp của họ.

        Ở đây thì ta phải làm việc bằng cách ngược nguồn. Cái bọn di cư đi Triều Tiên ấy, đến đời Tây Chu thì đã được sử nhà Chu gọi bằng một thứ thương nghiệp khác là Lai Di. Sử ấy cũng cho biết rằng Lai DiRợ Tam Hàn trước kia.

        Trước kia là vào thời nào? Vào đời nhà Thương của Tàu. Cuối đời Thương thì rợ Tam Hàn đã dựng lên được ba tiểu vương quốc tên là Cao Cú Lệ tức Cao Câu Ly, Tân La và Bách Tế (có sách viết là Bách Tề).

        Lại cũng cứ sử đời Chu cho biết thì trước kia nữa, rợ Tam Hàn vốn là dân Lạc bộ Trãi, tức là dân Đông Di, gốc ở cực Đông Bắc của Trung Hoa thượng cổ.

        Rợ Đông Di này được tả là xâm mình và nhuộm răng đen. Mặt khác rợ Đông Di lại không phải chỉ có mặt tại cực Đông Bắc của Tàu, mà gốc ở vùng sông Bộc và đã được gọi là Bách Bộc.

        Sông Bộc là một phụ lưu của sông Hoàng Hà, phát nguyên từ Sơn Đông rồi chảy qua Bắc Hà, vào Hà Nam mới đổ vào Hoàng Hà. Đó là nơi mà về sau nước Trịnh được thành lập và không xa Trác Lộc bao nhiêu, nơi mà Hiên Viên diệt Xy Vưu.

        Thời điểm di cư của Mã Lai đợt I được khoa khảo tiền sử định là 5.000 năm, cũng rất ăn khớp với thời điểm mà Hiên Viên diệt Xy Vưu.

        Vậy bây giờ ta lại xuôi dòng năm tháng.

        Cửu Lê = Lạc bộ Trãi = Lai Di = Mã Lai đợt I

        Không phải là trong 9 thứ dân Lê chỉ có Lạc bộ Trãi như đẳng thức trên đây cho thấy, mà nó là 1 trong 9 thứ Lê, vì rồi ta sẽ thấy là còn nhiều thứ Lạc nữa.

        Nhưng đẳng thức cho thấy Tàu đã phiên âm sai và họ đã lần dò từ thời Hiên Viên đến đời Tây Chu mới phiên âm đúng được và Lê, Lạc gì cũng chỉ là Lai đọc sai chớ không phải là ba thứ dân khác nhau.

        Hàng ngàn năm về sau, Tàu đã văn minh lắm rồi mà cũng phải mất nhiều trăm năm mới phiên âm đúng tên một dân tộc mà thí dụ điển hình hơn hết là danh xưng của nước Cam-bu-chia ngày nay.

        Từ thế kỷ VII, nước Chơn Lạp cũ đổi quốc hiệu là Cam-bu-ja. Tàu phiên âm là Cam-bố-trí. Nhưng họ lần dò mãi cho tới cuối đời Đường mới qua hai lần phiên âm nữa là Cam-phá-giá, rồi rốt cuộc Giản-phố-trại.

        Đọc theo Quan Thoại thì Giản-phố-trại (Kan-pú-cá) giống Cam-bu-ja hơn Cam-phá-giá và Cam-bố-trí.

        Thế thì Cửu Lê chỉ là Cửu Lạc, tức Cửu Lai, tức 9 nhóm Mã Lai.

        Vì có địa bàn ở cực Đông Bắc Trung Hoa thượng cổ nên nhóm Lê này mới di cư như vậy, chớ các nhóm khác di cư qua nẻo khác, nhưng sử Tàu theo dõi bọn Lạc bộ Trãi bén gót hơn các bọn kia, nhờ thế mà ta tìm được sợi dây nối kết trên kia, không thôi ta sẽ không biết Mã Lai đợt I di cư từ đâu, y hệt như khoa khảo tiền sử.

        Nhưng tại sao chỉ có Lai mà không có Mã? Như đã nói, có thể vì hai lý do, nhưng không biết lý do nào là đúng.
        1. Tàu độc âm nên có khuynh hướng bớt âm.
        2. Mã Lai cũng có khuynh hướng lấy một trong nhị âm của họ, về danh từ hay danh tự xưng đều như thế cả.

        Nhưng về sau Tàu biết một nhóm Lạc khác thì viết Lạc đó với bộ Mã mà ta có thể hiểu rằng dân đó tự xưng là Mã Lai nhưng chính Tàu bỏ bớt âm, nhưng vẫn ghi chép cái nghe thấy của họ bằng bộ Mã.

        Chúng ta đã thấy rằng Âu tức Thái và Lạc luôn luôn sát cánh với nhau, có sọ giống nhau, có ngôn ngữ giống nhau, nên chúng ta có thể kết luận rằng trong 9 thứ dân Lê có chi Âu tức Thái nữa, nhưng vào thuở ấy thì Tàu chưa phân biệt được như về sau, mà họ gọi cả Âu lẫn Lạc bằng Lê tức là Lai đọc sai, và Âu hay Lạc gì cũng tự xưng là Lai hoặc Mã Lai cả.

        Thượng Cổ thời: Lê = Âu + Lạc

        Cổ thời: Việt = Âu + Lạc

        Hai đẳng thức trên đây viết ra không phải để nói rằng Lê = Việt, vì nói như vậy là thừa mà để cho thấy rằng trong Cửu Lê phải có Âu tức Thái.

        Căn cứ vào đời Chu thì Tàu chợt biết đến Thất Mân ở Phúc Kiến và họ gọi dân đó là Lạc bộ Mã. Thế nghĩa là Lạc có mặt cả ở Hoa Nam nữa, chớ không riêng gì ở Hoa Bắc.

        Nhưng ta chỉ theo dõi địa bàn Hoa Bắc mà thôi, để dứt khoát về bọn Cửu Lê.

        Theo sử Tàu thì cạnh địa bàn của Cửu Lê có dân Lạc Lê rồi mới tới dân Lạc. Dân Lạc Lê này, ta sẽ tìm lại được ở Hải Nam, ở Nhựt Nam, và họ là kết quả của sự lai giống giữa hai nhóm đồng chủng là Lê + Lạc, cũng như Sơ Đăng lai giống với dân khác trên Cao nguyên của ta ngày nay.

        Tới đây ta chỉ mới thấy có 3 thứ Lạc là Lê chánh hiệu, Lạc Lê và Lạc bộ Trãi.

        Nhưng rợ Khuyển Nhung cũng có dân được gọi là Lạc nhưng viết với bộ Chuy.

        Lạc bộ Chuy là sông chảy từ Thiểm Tây sang Ba Thục và đó là đất của rợ Khuyển Nhung. Nhưng con sông này ngày nay viết khác nhưng xưa thì viết với bộ Chuy. Nhưng dân Khuyển Nhung ít khi gọi là Lạc bộ Chuy nên ta quên mất bọn Lạc đó.

        Cũng nên biết rằng có đến hai sông Lạc, một ở Bắc Hà Nam, viết với bộ Thuỷ và sông Lạc này đây.

        Ta xét qua các tự dạng mà Tàu đã dùng để chỉ ta thì ta bỗng thấy là họ quá giỏi. Họ chỉ bằng cả ba chữ Lạc, vì quả thật ở Cổ Việt có hai thứ Lạc, khác với kết luận của khoa khảo tiền sử.

        Sự đối chiếu ngôn ngữ đã cho chúng tôi thấy như vậy.

        Sách Tàu chỉ ta bằng Lạc bộ Trãi. Đó là Lạc biến thành rợ Tam Hàn của Nhĩ Nhã, Chu LễMạnh Tử.

        Hậu Hán thư trong một trang sách mà gọi ta bằng Lạc bộ Trãi và Lạc bộ Mã, khiến ai cũng ngỡ Phạm Việp viết xô bồ, nhưng họ Phạm viết rất ý thức vì ở Cổ Việt Nam quả cũng có mặt Lạc bộ Mã như ngôn ngữ tỷ hiệu sẽ cho thấy.

        Còn Thuỷ Kinh Chú chỉ ta bằng Lạc bộ Chuy cũng không có sai chút nào hết.

        Đã hẳn có lần, dân Khuyển Nhung bị gọi là Lạc bộ Chuy, mà Khuyển Nhung là tổ tiên của người Môn, người Miến Điện.

        Người Môn lại giống hệt người Cao Miên về ngôn ngữ, Việt Nam cũng thế. Ta với Thái còn khác nhau nhiều hơn là ta với Cao Miên nữa.

        Cao Miên: Kôn
        Cao Miên: Chau

        Việt Nam: Con
        Việt Nam: Châu

        Cao Miên: Soạt
        Cao Miên: Suôn

        Việt Nam: Sạch
        Việt Nam: Vườn

        Cao Miên: Sát (Thú)
        Việt Nam: Vận (Thú)


        Thế thì cả ba thứ Lạc đều có mặt tại Việt Nam nên ngôn ngữ của ta nó mới hỗn hợp như thế đó, vừa giống Nhựt Bổn (bộ Trãi), vừa giống Nam Dương (bộ Mã) vừa giống Cao Miên (bộ Chuy) vừa giống Thái (Mã + Trãi).

        Những danh từ Thái Lan giống Cao Miên chỉ mới giống từ thế kỷ XII, còn các nhóm Thái khác thì không giống Cao Miên, tức trong nhóm Thái không có Lạc bộ Chuy.

        Mà ý thức hơn hết là các sử gia Việt Nam đời xưa, họ chỉ dùng chữ Lạc bộ Trãi mà thôi, vì quả ở Cổ Việt Lạc bộ Trãi chiếm đa số, Lạc bộ Mã và Lạc bộ Chuy thiểu số.

        Chỉ có các ông Tàu đời sau là lầm. Từ ngày ta thu hồi độc lập (Đinh Bộ Lĩnh) thì ấn vàng mà vua Tàu ban cho ta đều có khắc hình con lạc đà.

        Đó là một lối nói thầm của người Tàu rằng ta là Lạc bộ Mã, vì chữ Lạc trong “lạc đà” viết với bộ Mã.

        Tự dạng Lạc trong Việt sử cũng gây thành án như hai danh xưng Lạc vương và Hùng Vương, và nay thì đã rõ. Không có ai viết sai cả, họ chỉ phiến diện mà thôi, riêng Hậu Hán thư thì lại đồng nhứt với lối dùng tự dạng xô bồ. Trong một chương sách, Phạm Việp viết lung tung với chữ Lạc này rồi với chữ Lạc nọ, xem như là ông ấy không biết Lạc là gì hết.

        Người Tàu biết Lạc rất rõ, trái với quan niệm của giáo sư Nguyễn Phương, ông cho rằng tác giả Nam Việt Chí lúng túng vì không biết Lạc là gì, nên giải thích không ổn.

        Chỉ phiền là ta chỉ tìm được có 4 nhóm Lê trong 9 nhóm. Nhưng các nhóm khác chắc cũng chỉ là phụ chi mà thôi, và cái nhóm quan trọng nhứt nó giúp ta truy ra được:

        Lê = Lạc = Lai

        là đủ cho ta lắm rồi.

        Cũng nên biết rằng cái thứ người tồn tại ở Hoa Nam hiện nay, mà Tàu gọi là Lê, thật ra chỉ là Lạc Lê mà thôi. Chúng tôi biết như vậy nhờ có học ngôn ngữ của người Lê di cư đến Việt Nam.

        Người Tàu phân biệt dân Hải Nam ra là Sanh Lê, tức Lê sống, tức Lê còn dã man, và Thục Lê, tức Lê chín, tức Lê theo văn hoá Tàu. Người Thục Lê có di cư tới xứ ta với danh nghĩa là người Tàu Hải Nam.

        Lệ Đạo Nguyên, tác giả Thuỷ Kinh Chú, cho biết rằng người Lê ở Hải Nam giống hệt người Nhựt Nam, mà người Nhựt Nam xét ra là người Lạc Lê. (Xin xem chương Không có đế quốc Việt Nam).

        Cả Lạc bộ Mã (Phúc Kiến) cũng chỉ là Lạc Lê vì những danh từ cổ mà Phúc Kiến và Hải Nam còn giữ được giống hệt nhau. Đó là một thứ tiếng Mã Lai na ná tiếng Chàm.

        Vậy mà khi Hải Nam là Lạc Lê thì Lạc bộ Mã ở Phúc Kiến cũng phải là Lạc Lê.

        Vụ án chữ Lạc đã được xét xử và, không có can phạm nào hết, tất cả đều trắng án, và nên khen sự xô bồ của Phạm Việp.



        *


        Nhờ truy ra được Lê = Lạc = Lai nên ta không được phép thắc mắc về cái nơi xuất phát di cư của Mã Lai đợt I trong khi khoa khảo tiền sử đã nín im.

        Có thế nào mà họ từ Mãn Châu hay Mông Cổ mà di cư chăng? Không, vì ở Mãn Châu và Mông Cổ cũng không có sọ Mã Lai, lại cũng không có sợi chuỗi Lê = Lạc + Lai như ở Đông Bắc, Hoa Bắc.

        Hai nhà bác học Mansuy và Colani rất bí về cái lưỡi rìu có tay cầm này lắm, vì họ chỉ làm việc ở Đông Dương nên không làm sao mà có “một cái nhìn tổng quát” được như giáo sư Nguyễn Phương đòi hỏi.

        Giáo sư Nguyễn Phương lại càng bí hơn, mặc dầu chính ông đã đòi hỏi như thế vì ông chỉ đọc có Mansuy và Colani, còn những công trình đào bới ở Triều Tiên, Nhựt Bổn, Célèbes, Nam Ấn, Miến Điện thì ông không hay biết, thế nên ông có bắt được chứng tích là lưỡi rìu tay cầm, nhưng chứng tích ấy không giúp ích cho ông được chút nào hết.

        Ông loay hoay mãi với cái lưỡi rìu tay cầm ấy khá lâu mà không dè rằng đó là một khám phá lớn vào bậc nhứt trong công việc khảo tiền sử ở Á Đông, nó cho biết nhiều điều quan trọng là chủng Mã Lai từ Hoa Bắc di cư xuống, chớ không phải từ Mã Lai di cư lên, nó lại cho ta biết bọn Anh Đô Nê-diêng đã tới hang Làng Cườm từ bao lâu rồi, trở thành dân nào hiện nay hay đã biến mất.

        Ở phụ chương Chủng Trung Mông Gô Lích chúng tôi đã bác bỏ Việt lý tố nguyên của giáo sư Kim Định mà không nói thật rõ đủ cả chi tiết, vì không thể nói đủ được, bởi chưa đến lúc phải nói. Và bây giờ đã nói được rồi đó.

        Cửu Lê, hiểu theo lối thứ nhì của giáo sư Kim Định, tức hiểu là Viêm, Việt (hiểu theo lối thứ nhứt các bộ lạc Trung Hoa chưa thống nhứt với nhau, cũng cứ là lối hiểu độc nhứt của tác giả, nhưng tác giả đó đi từ lối hiểu thứ nhứt đến lối hiểu thứ nhì không có bắc cầu, làm như là có một cuộc biến giống Việt = Tàu) cái bọn Cửu Lê ấy là bọn Mã Lai Hoa Bắc di cư vào đợt I này đây.

        Chúng tôi đã bảo rằng không có dấu vết của họ ở Hoa Bắc, nhưng lại có ở cạnh đó, tức có bắt đầu từ Đại Hàn, là như thế đó. Và chúng tôi cũng đã chứng minh đây đó rằng Cửu Lê tức là chín nhóm của một chủng tộc không phải là Tàu.

        Giáo sư Kim Định nói đến “Lịnh ông Cồng bà” tức là cho rằng đã có hợp chủng Hoa Việt ở Hoa Bắc, nhưng mà không hề có sọ lai Hoa Việt ở Hoa Bắc.

        Giáo sư Kim Định dùng câu này hơi nhiều: “Ai có tai thì nghe lấy”.

        Thế nghĩa là ai không hiểu như giáo sư hiểu đều là khoảng tai trâu hết thảy. Nhưng hiểu theo giáo sư thế nào được khi mà không có sọ Việt hay sọ Hoa Việt tại Hoa Bắc.

        Giáo sư dựng đứng lên một vụ đánh cướp văn minh với những chứng tích ngược xuôi rồi nói là ai hiểu rõ như vậy mới là người có tai thì thật là làm cho độc giả khó xử quá. Không hiểu như giáo sư, e rằng bị xem là kẻ tai trâu, nhưng hiểu theo giáo sư thì nó trái với các sự kiện khoa học.

        Thuyết của giáo sư khả nghi ở đủ cả mọi mặt.

        Về phụ hệ Hoa chủng thì cũng đáng ngờ lắm.

        Theo sử Tàu thì tới đời nhà Thương họ vẫn còn theo Mẫu hệ thì làm thế nào dưới đời Hiên Viên, trước đó hàng ngàn năm, họ lại đã theo Phụ hệ được chớ?

        Quả thật thế, sử Tàu cho biết rằng dưới đời nhà Thương không có việc truyền ngôi cho con, mà truyền ngôi cho các em đồng mẹ.

        Đúng là lối truyền ngôi của Chiêm Thành mẫu hệ, dòng máu mẹ quan trọng hơn thì con của mẹ mới là đáng kể chớ không phải con cha.

        Mãi cho đến đời Tần, tàn tích mẫu hệ vẫn còn, và Tần Thỉ Hoàng đã đàn áp thẳng tay bọn đi ở rể, quyết diệt cho hết di tích của chế độ mẫu hệ, và tất cả bọn đi ở rể đều bị bắt đày ải tới những thuộc địa xa xôi mới chiếm, như Ngũ Lĩnh chẳng hạn.

        Đó là sử thật sự chớ không phải là giả thuyết chút nào hết.

        Người ta đã có bằng chứng đích xác rằng mãi đến mạt điệp nhà Chu, Tàu mới theo phụ hệ, thì làm gì có sự kiện phụ hệ Hiên Viên bị mẫu hệ Việt xỏ mũi.

        Chữ Tánh của Tàu viết với chữ Nữ và chữ Sinh. Đó là dấu vết theo họ mẹ, và văn tự thì có trước đời Chu.

        Những cái họ lớn của Tàu như Nghiêu, như , tổ nhà Chu đều viết có chữ Nữ.

        Năm 1898, lụt to ở sông Ngươn tại Bắc Hà Nam, làm lở đất, để lộ một kinh đô nhà Thương tại một làng trong huyện An Dương.

        Chữ ở mu rùa và xương thú đều cho biết rằng người Tàu thờ mẹ và bà ngoại, chớ không phải thờ cha và ông nội.

        Chuyện của vua Nghiêu nhường ngôi cho rể là vua Thuấn cũng rất có ý nghĩa.

        Như thế còn đâu là phụ hệ Hiên Viên và mẫu hệ Việt và thuyết lịnh ông cồng bà Hoa Việt chỉ là một huyền thoại mới sáng tác.

        Nhưng giáo sư Kim Định đã bảo nhà Thương là Việt, mà như vậy thì phù hợp với chủ trương của ông. Chính Chu mới là Tàu du mục, cướp văn minh của Thương nông nghiệp, tiếp theo cuộc cướp bóc của Hiên Viên.

        Chỉ phiền là một kinh đô của nhà Thương, kinh đô Triều Ca đã được khám phá, đào bới, và văn tự của Thương lại là chữ Tàu.

        Tuy nhiên, giáo sư Kim Định cũng cứ có lý hoài, nếu theo luận điệu của ông. Chính cái thứ văn tự ấy là của Việt bày ra, theo giáo sư. Và ông giành hết, cả Phục Hy cũng là Việt nữa, thì chữ đời Thương mà ta ngỡ là chữ Tàu, lại là chữ của ta.

        Nhưng tại sao bọn bị ăn cướp, lúc chạy đi, lại không mang chữ nghĩa theo, đợi đến lúc bị Mã Viện chinh phục rồi mới học lại chữ Việt mà Tàu cướp, nói là của họ.

        Nếu họ có mang chữ đó theo thì họ đã có một cuốn sách tương tự như Hậu Hán thư, nhưng trong đó cuộc dấy quân của hai bà Trưng được trình bày dưới một quan điểm khác.

        Có lẽ họ đã có một quyển sách như thế, nhưng Mã Viện đã cướp mất rồi chăng.

        Chỉ phiền là Mã Viện ăn cướp cái gì Hậu Hán thư cũng có khai ra hết, như ăn cướp trống đồng chẳng hạn. Thế sao lại chối đã ăn cướp sách?


        Nguồn: Bách Bộc xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản điện tử do talawas thực hiện.
         
        http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11088&rb=08
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.03.2008 04:48:26 bởi Ngọc Lý >
        #19
          Ngọc Lý 23.03.2008 11:43:39 (permalink)
          Bình Nguyên Lộc
          Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam


          16/35


          Thì ra Cửu Lê chỉ vượt sông Hoàng Hà rất ít, nhưng còn phần lớn thì chạy bằng đường biển. Đã bảo Mã Lai cũng vô địch về thuỷ vận mà lại.

          Về hướng Tây, để sang Đông Ấn Độ, họ cũng đi bộ, có lẽ là mượn đường của một vùng đồng chủng là Ba Thục, chưa lập quốc, nhưng đã có dân.

          Ta có thể tưởng tượng rằng Cửu Lê có mặt khắp Hoa Bắc và khi bị Hiên Viên đánh đuổi, bọn phương Đông của Hoa Bắc chạy bằng đường biển, bọn phương Tây chạy qua vùng Ba Thục để sang Ấn Độ, bọn phương Nam vượt sông Hoàng Hà để rồi xuống vùng Dương Tử.

          Còn vấn đề họ không biết trồng trọt thì trái với thuyết của giáo sư Kim Định là họ giỏi trồng trọt, còn Hoa chủng thì còn du mục, Hoa chủng cướp văn minh nông nghiệp của họ.

          Nếu không có thuyết Kim Định thì ta không còn phải thắc mắc gì, nhưng giáo sư Kim Định đã lập ra cái giả thuyết đó, và trình bày giả thuyết như là sự thật lịch sử khiến ta phải bận tâm.

          Nhưng nghĩ thật sâu thì thuyết Kim Định sai.

          Giáo sư Kim Định cho rằng cả vua Thần Nông cũng là Việt, mà vua Thần Nông thì có trước Hiên Viên đến tám đời vua. Nếu thế thì hai chủng tộc Hoa Việt phải có sống chung nhau khá lâu; ít lắm cũng 50 năm.

          Nhưng không, nếu họ có sống chung được chừng 50 năm thì hẳn lưỡi rìu có tay cầm đã có mặt tại Hoa Bắc, vì bọn Lạc Lê hẳn phải bỏ rìu lại khi chết đường, hoặc dùng rìu làm vật tuỳ táng.

          Nhưng tuyệt đối không có lưỡi rìu đá mài có tay cầm tại Hoa Bắc, và chính vì thế mà khoa khảo tiền sử mới dè dặt đến mức tối đa, nói rằng không biết họ từ đâu mà di cư đến Triều Tiên, rồi Đài Loan, rồi Cổ Việt, v.v. Cũng không hề có sọ Việt.

          Ta phải hiểu thế nào đây?

          Rất nhiều người chớ không riêng gì giáo sư Kim Định cứ phàn nàn khoa học hẹp hòi, vì khoa học đòi hỏi những cái mà họ không thể tìm được, nó ngăn họ lập thuyết theo ý muốn.

          Nhưng một vị giáo sư đại học không được phàn nàn như người thường vì giáo sư đại học phải biết điều này là khi một dân tộc có định cư ở một nơi nào vào cổ thời thì luôn luôn họ có để dấu vết lại, sọ và vật dụng, không hề có ngoại lệ.

          Như vậy sự đòi hỏi của khoa học không phải là một vụ làm khó dễ ai, và một người có văn hoá tổng quát phải chấp nhận sự đòi hỏi ấy, xem nó là chính đáng, hơn thế, là cần thiết, bằng không thì bất kỳ ai cũng lập ra được bất kỳ thuyết nào mà họ ưng ý hay sao.

          Giáo sư đã lầm khi căn cứ vào Granet và Maspéro. Hai ông đó dựa trên sách vở đời Chu, thấy có sự giống nhau giữa văn hoá các “man di” và văn hoá Tàu, cho rằng có sự đồng văn vào thời cổ hơn.

          Quả có sự đó thật, nhưng cổ hơn, cũng chỉ là cổ vào đời Hạ mà Hoa chủng di cư vào đất Việt, chớ vào thời Hiên Viên thì không, bởi sự va chạm ban đầu giữa hai chủng quá khốc liệt và kẻ bại trận chạy đi hết cả, không có ở lại để mà hợp văn.

          Sử của giáo sư Kim Định thật là kỳ dị. Chúng tôi đã đưa ra thí dụ Tần; theo các quan niệm của giáo sư.

          Giáo sư cho rằng Tần là Việt. Nhưng nó nghịch hẳn với câu tục ngữ Tàu là Tần phì Việt sấu. Nhơn thể tính ấy cho biết rằng họ là hai dân tộc, lại còn chỉ rõ họ thuộc hai chủng khác nhau, một chủng ăn thịt và ăn lúa mì đến phì, một chủng ăn gạo, ăn cá nên sấu.

          Nhưng khi Tần Thỉ Hoàng lên núi Thái San để chiêm ngưỡng Ngọc Hoàng Thượng Đế thì giáo sư lại cho rằng đó là Tàu cảm hoá theo văn minh Việt vì núi Thái San nằm trong đất của rợ Đông Di, mà rợ Đông Di là Việt.

          Vậy Tần là ai? Tàu hay Việt?

          Ở một nơi khác, giáo sư lại càng đích xác hơn. Ông nói rõ rằng Tần là Khuyển Nhung chớ không phải bất kỳ Việt nào đâu.

          Mặt khác ông lại viết rằng vua nhà Tây Chu thấy mặt mày Khuyển Nhung hung tợn quá nên sợ hãi, thiên đô về Đông. Nhưng lúc thiên đô lại nhờ Khuyển Nhung hộ tống.

          Đã sợ người ta đến phải thiên đô thì cứ ở lại với người ta chớ sao lại dám nhờ người ta hộ tống?

          Sử Tàu có thể sai khi nói rằng Tần là Tàu. Nhưng phải vạch ra chỗ sai của giai đoạn đó rồi mới đưa cái khác vào được chớ không thể khẳng định Tần là Viêm Việt nào đó mà xong đâu. Cũng không thể khẳng định Tần là rợ Khuyển Nhung là yên vì bao nhiêu tài liệu cũ mà Tư Mã Thiên tìm được, chỉ có sử Tần là còn nguyên vẹn. Chu và Tần là Tàu 100%, không có Viêm Việt và Khuyển Nhung gì hết.

          Sử Tàu có viết Tần làm Bá của rợ Khuyển Nhung sau khi thắng họ. Nhưng câu sử ấy không hề có nghĩa rằng Tần là Khuyển Nhung.

          Giáo sư cũng đã hiểu rằng vua Thuấn là rợ Đông Di, theo một câu nói của Mạnh Tử. Nhưng đó là lời nói của người Tàu đời xưa, chớ vua Thuấn chỉ là người Tàu được phong di trị đất của rợ Đông Di mà thôi. Người Tần đời xưa chỉ nguồn gốc của một cá nhân không bằng chủng tộc mà bằng đất định cư.

          Giáo sư lại viết: “Nhà Chu du mục”. Và theo giáo sư du mục là Tàu, còn Việt là nông nghiệp. Nhưng giáo sư lại viết: “Nhà Chu học với nhà Thương rồi lần lần cảm hoá theo văn minh Hoa Hạ”.

          Vậy Chu là Tàu hay là Việt? Nếu Chu là Tàu thì Chu là Hoa Hạ, chớ không có cảm hoá theo Hoa Hạ gì hết. Bằng như Chu là Việt thì khi nhà Chu sợ Việt Khuyển Nhung hoá ra Việt thấy mặt Việt mà thất đảm thì thật khó hiểu.

          Tại sao giáo sư Kim Định lại mâu thuẫn khi nói về các nhà đó, chớ không trơn tru như sử Tàu? Là vì sử Tàu viết đúng sự thật, còn giáo sư thì không, mà hễ không đúng thì dĩ nhiên phải mâu thuẫn.

          Từ Phục Hy, Nữ Oa đến Tần, không có ai là Tàu, mà chỉ là Việt không mà thôi, nhưng lại không hề có sọ Việt ở Hoa Bắc suốt bao nhiêu ngàn năm Việt định cư và làm vua ở đó.

          Chúng tôi xin trở lại kết luận của chúng tôi là Xy Vưu, từ một nơi kia, mà lát nữa ta sẽ biết là nơi nào, đưa dân tới Hoa Bắc, làm cổ Thiên Tử (theo Từ Hải), ở đó chỉ mới có mấy năm thì Hoa chủ cũng xâm nhập Hoa Bắc. Cuộc xung đột xảy ra liền và Cửu Lê thua, chạy đi hết, không kịp để võ khí và sọ lại.

          Cũng nên biết rằng qua 5.000 năm thì trong 10 ngàn cái sọ dễ thường chưa có một cái còn nguyên. Thế nên sọ của chiến sĩ Cửu Lê tử trận cũng vắng bóng là vì thế, họ chết không nhiều để mà còn sọ được.

          Kiểm soát thứ nhì cho ta thấy thuyết về nguồn gốc người Nhật và người Chàm sai bét. Họ không từ Nam Dương hay Phi Luật Tân đến như các nhà ngôn ngữ học Âu châu nói liều. Tại sao trong ngôn ngữ của họ có chút ít yếu tố Đa Đảo thì ta sẽ biết ở chương ngôn ngữ.

          Địa bàn Nam Dương, địa bàn Phi Luật Tân đều là những địa bàn 10 lần tốt hơn địa bàn Trung Việt, mà Nam Dương thì cho đến ngày nay cũng còn dư đất, thí dụ Nam Bornéo thì to bằng cả nước Việt Nam mà không có người ở, thì không có lý do nào mà di cư xuống các đảo phương Nam rồi họ lại trở lộn ngược lên để chiếm hai địa bàn xấu là địa bàn Trung Việt và Nhựt Bổn.

          Kiểm soát thứ ba. Hiện nay ở Madagascar, người Hova, dân tộc thuộc cấp lãnh đạo các nhóm da đen ở Madagascar, không có đen da, và họ vác nước bằng ống tre, y hệt như người Mường.

          Còn đây chỉ là cảm giác riêng của chúng tôi, không có gì làm chắc, mặc dầu trống đồng đã tìm thấy ở Tây Bá Lợi Á, là người Esquimaux có thể là Mã Lai. Chúng tôi có xem một phim tài liệu về vũ của thứ người này và so sánh với các phim khác về vũ của thổ dân Đài Loan, của người Nam Dương sơn cước, và thấy ba thứ vũ đó giống hệt nhau, kể cả một số nhạc khí mà họ dùng cũng giống nhau. Mà người Esquimaux thì rõ ràng là người da vàng và có nét Mông Cổ (Mongoloides).


          Chúng tôi không tìm được sách về ngôn ngữ của dân Esquimaux nên không thể kiểm soát được sự thoáng thấy của chúng tôi, nhưng trống đồng là vết lông ngỗng rải rác trên đường di cư của Mã Lai đợt II, và có mặt ở Tây Bá Lợi Á cũng mang nhiều ý nghĩa lắm.

          Kiểm soát thứ tư được đặt thành câu hỏi sau đây: Hai bọn Mã Lai ấy định cư cách nhau đến 17.000 cây số, từ Nam Dương đến Ba Thục và di cư cách nhau 2.500 năm, có đồng ngôn ngữ nhau hay không?

          Có, họ đồng ngôn ngữ với nhau, như thí dụ đã cho thấy.

          Tuy nhiên,, một chủng lớn như thế phải gồm nhiều phương ngữ, nên rồi các dân tộc trong chủng đó vẫn không hiểu nhau. Nhưng xét tổng quát thì bọn lưỡi rìu tay cầm giống hệt nhau, còn bọn lưỡi rìu chữ nhật cũng giống hệt nhau, nghĩa là hai nhóm lớn đó có ngôn ngữ khác nhau nhiều hơn là mỗi nhóm nhỏ trong một nhóm lớn khác nhau.

          Nói như thế thì quá trừu tượng. Ở chương ngôn ngữ tỷ hiệu quý vị sẽ thấy rằng Mã Lai của hai đợt đều có một số danh từ giống hệt nhau như Lá, Cây, Cá, Trăng, Núi, Đảo, v.v., nhưng Gió, Mây, Mưa, v.v. thì khác nhau.

          Trong Mã Lai đợt I mỗi nhóm cũng khác nhau về một số danh từ, thí dụ Nước thì mỗi nhóm mỗi nói khác.

          Trong Mã Lai đợt II cũng thế.

          Nhưng sự khác nhau giữa các nhóm của một đợt, nhỏ hơn là sự khác nhau giữa hai đợt. Miến Điện hiểu Cao Miên dễ dàng, nhưng hiểu Chàm rất khó, trong khi đó thì Chàm hiểu Mã Lai Nam Dương rất dễ, mà hiểu Miến Điện rất khó, vì Cao Miên thuộc đợt I, còn Chàm và Nam Dương thuộc đợt II.

          Tuy nhiên, có một nhóm có khả năng hiểu tất cả, đó là dân tộc Việt Nam, vì cả hai đợt di cư đều có ghé và có định cư tại Cổ Việt Nam. Khoa ngôn ngữ tỷ hiệu đã cho thấy đúng y như vậy, trái với G. Coedès.

          Thí dụ: Đợt I nói: Mẹ, Má.

          Đợt II nói: Inang, Ina.

          Dân Việt Nam thuở xưa vừa nói Mẹ mà vừa cũng nói Nạ (trong câu tục ngữ: Đợi Nạ thì má đã sưng).

          Nhưng nên thận trọng. Trong các quốc gia gọi là Mã Lai, có 5 nơi có mặt cả hai nhóm: Đó là Chàm, Phi Luật Tân, Célèbes, Nhật và Việt, thành thử tiếng Mã Lai ở 5 nơi đó lại hỗn hợp một cách khá giống như ở Việt Nam hay Nhựt Bổn tức có cả hai thứ phương ngữ pha trộn nhau, và bằng vào số lượng danh từ của đợt I hay đợt II thì ta biết ở các nơi đó đợt nào đa số.

          Thí dụ ở Cổ Việt Nam thì đợt I, đợt vua Hùng Vương, đa số, ở Chàm thì đợt II đa số.

          Ta sẽ thấy chi tiết ở các chương sau và có bằng chứng chắc chắn là vua Hùng Vương và Bắc Chiêm Thành là thuộc đợt I. Dân nào thuộc đợt I hay đợt II đều có thể truy ra được, nhờ thế, và việc kiểm soát ngỡ là khó khăn lắm, lại thực hiện một cách hoàn hảo. Cả các thứ cổ ngữ Á Đông cũng học được, thế lại còn dễ kiểm soát hơn, miễn là chịu bỏ công học hỏi.

          Ta có thể nói rằng cái bọn Hoa Bắc mà Tàu gọi là Lê, là Lạc, là dân Âu tức Thái, dân Khuyển Nhung mà hậu duệ là Mân, Miến Điện, Khơ Me và Tàu phiên âm là rợ Khel (Khương).

          Còn toàn thể Mã Lai Hoa Nam mà Tàu gọi là Việt, chớ không là Lê, là Lạc, đều thuộc một thứ người, người Nam Dương hiện nay.

          Chúng tôi đã đưa ra một bằng chứng. Tên của một viên tướng nước Sở, sau lên tới chức Lịnh Doãn, là Nậu Ô Đồ.

          Nhân danh Nậu Ô Đồ được viết bằng chữ Tàu, nhưng viết theo ngôn ngữ Sở, tức phiên âm.

          Sử Tàu giải thích rằng cái nhân danh Nậu Ô Đồ có nghĩa là Bú vú của cọp. Đọc theo Quan Thoại thì đó là Nậu Sú Sù, mà Nậu Sú Sù là Mâu Sú Sú của Nam Dương, tức cũng là Bú vú cọp.

          Mâu = Cọp

          Sú Sú = Vú, sữa

          Hai thứ Mã đó khác nhau chút ít, nhưng có một số danh từ chúng lớn lao như Sú Sú đã cho ta thấy. Ta nói Vú, nói Sữa gì cũng do Sú Sú mà cải ra chớ không hề do chữ Nhũ của Tàu như nhiều học giả đã quả quyết. Sử Tàu phải phiên âm là Nậu Ô Đồ chớ không viết là Hổ Nhũ hoặc Hổ nhũ mẫn, tức Mã Lai đã có danh từ. Sú chớ không phải biến Nhũ thành Sú.

          Ở chương Ngôn ngữ tỷ hiệu ta sẽ biết danh từ nào của ta thuộc Mã Lai đợt I, danh từ nào thuộc Mã Lai đợt II.

          Chúng tôi lại xin trèo đèo soi sáng nhà bác học G. Cocdès. Ông ấy rất khổ sở tự hỏi tại sao bọn Mã Lai lưỡi rìu có tay cầm đã chịu hợp chủng với Tàu rồi lại còn chạy đi đâu, mà lại chạy trước bọn thuần chủng đến 2.500 năm.

          Ông G. Cocdès nói đó là một điều kỳ dị quá sức tưởng tượng, nhưng ông không thể phủ nhận bởi quả thật các cuộc khai quật ở Nhựt Bổn cho thấy rõ rệt là bọn lưỡi rìu có tay cầm ở tầng đất, ở dưới bọn lưỡi rìu hình chữ nhựt.

          Ông G. Cocdès không có học cổ sử Tàu và đủ các thứ ngôn ngữ Á Đông nên ông không kiểm soát được và ông cứ nghi hoặc họ.

          Bọn lưỡi rìu có tay cầm chỉ hợp chủng với Mông Cổ chớ không phải với Tần. Đối với họ, Mông Cổ là bạn, Tàu là thù. Thành thử đã hợp chủng rồi mà còn chạy đi. Vì sự hợp chủng ấy có bề ngoài gạt gẫm ta. Tánh cách Mông Gô Lích của những cái sọ của chủ nhân những lưỡi rìu tay cầm ở Làng Cườm cứ làm cho ông và nhiều người khác ngỡ là hợp chủng với Tàu, mà lại là hợp chủng tại Cổ Việt Nam nữa, trong khi đó thì cuộc hợp chủng đã xảy ra tại Hoa Bắc, mà không phải là với Tàu vì khoa khảo tiền sử nói rõ là với một nhóm Mông Gô Lích, nhưng không biết nhóm nào; mà chúng tôi thì đã trình ra đến ba nhóm rồi: nhóm Bắc Mông Gô Lích, Trung Mông Gô Lích và Nam Mông Gô Lích, Colani, Mansuy và Patte đều lầm.

          Có người lại còn lầm tưởng rằng sọ Mông Gô Lích ở Làng Cườm là sọ Tàu chánh hiệu nên mới nói là Tàu đã đến xứ ta hàng ngàn năm trước Mã Viện.

          Vả lại không phải toàn dân Cửu Lê tức Mã Lai Hoa Bắc đều có hợp chủng với Mông Cổ, bằng chứng là ở Bắc Sơn có sọ Mã Lai thuần chủng nằm cạnh sọ Mã Lai có lai giống với Mông Gô Lích mà sọ không lai lại nhiều hơn sọ lai với một tỷ lệ là 5/1.

          Và bằng chứng họ không có lai giống với Tàu lộ ra trong sự vắng mặt lưỡi rìu tay cầm tại Hoa Bắc, không còn phải thắc mắc nữa. Họ không có để dấu vết lại, mà như vậy thì không thể có sống chung lâu ngày, không thể có hợp chủng với Tàu vào thuở đó.

          Cả hai, Tàu và họ đều có lai Mông Cổ mà sọ vẫn khác nhau, vì:

          Tàu = Nhục Chi + Mông Cổ

          Cửu Lê = Mã Lai + Mông Cổ

          Cho đến ngày nay mà Tàu Hoa Bắc còn chưa chịu đựng nổi khí hậu bán nhiệt đới của ta thì dưới thời Hiên Viên không làm sao mà có. Tàu Hoa Bắc di cư tới Cổ Việt được hết.

          Đó là một sự thật nó nhảy lên mắt của mọi người, nhưng không biết tại sao mà bao nhiêu nhà bác học đều cứ cho rằng những cái sọ lai Mông Gô Lích ở Làng Cườm là sọ lai tại chỗ, quên mất rằng thuở ấy Tàu chưa vượt sông Hoàng Hà, nên cứ đành rằng đó là Tàu Hoa Nam, mà hễ Tàu Hoa Nam thì có thể di cư được. Nhưng làm gì mà có Tàu Hoa Nam vào thuở ấy? Từ hữu ngạn Hoàng Hà đổ xuống còn là đất của chủng Mã Lai Bách Việt một trăm phần trăm, mãi cho tới đầu đời Hạ, tức hơn 1.000 năm sau biến cố Hiên Viên, mới có Tàu Hoa Nam, mà thứ Tàu Hoa Nam ấy cũng chưa chịu đựng được khí hậu Cổ Việt, cứ đọc bài thơ Chiêu Hồn của Tống Ngọc thì rõ, bài thơ ấy làm ra một ngàn năm sau cuộc di cư vào đất Kinh Nam, tức 2.000 năm sau biến cố Hiên Viên – Xy Vưu.

          Tóm lại, tất cả mọi người đều không biết rằng có đến ba phụ chủng Mông Gô Lích và danh xưng Mông Gô Lích cứ bắt họ nghĩ đến Tàu, nên mới có ngộ nhận rằng sọ lai Mông Gô Lích ở Làng Cườm là sọ lai Tàu.

          Sự khó chịu của ông G. Cocdès là sự khó chịu của con nhà khoa học trước một sự kiện vô lý. Tại sao đã bằng lòng hợp chủng rồi lại bỏ đi? Mà lại đi trước bọn thuần chủng Mã Lai nữa. Nhưng các cuộc khai quật ở Nhựt Bổn đã cho thấy rõ ràng như vậy, ông không thể nói khác được.

          Đây là một bài học cho ta. Hễ cái gì không hữu lý thì phải tìm tòi thêm, chớ không để vậy mà chịu hoặc kết luận liều lĩnh, vì cái lẽ dĩ nhiên là chuyện vô lý không thể đứng vững, mà phải mang những lý lẽ sâu kín nào khác mà ta chưa khám phá ra.

          Nếu ông G. Cocdès còn sống, chắc ông đã tìm hiểu thêm, và đã biết sự thật.

          Từ trang một đến đây, chúng tôi gọi ông G. Cocdès là Nguyên viện trưởng. Nhưng ông đã thất lộc rồi khi quyển sách này viết xong. Chúng tôi không đổi chữ Nguyên thành chữ Cố vì sự thay đổi ấy không quan trọng lại làm mất thời giờ. Vậy xin chỉ nói qua một lần ở đây thôi.

          Kiểm soát thứ năm: Các nhà khảo tiền sử đều không biết cổ sử Tàu, người tóm lược là ông G. Cocdès cũng không biết, nên ông thử tìm lối giải thích lý do của hai cuộc di cư cách nhau 2.500 đó.

          Ông viết rằng cả hai bọn ấy đều di cư vì tiếng kêu gọi của biển cả! Đó là một sai lầm quá thô sơ. Mặc dầu không thạo sử Tàu từ thế kỷ I sắp lên, ông phải biết đại khái, mà một cuộc Nam chinh đã cho ông thấy rõ, và ông có nói đến, đó là cuộc Nam chinh của Tần Thỉ Hoàng.

          Chủng Mã Lai chạy đi chỉ vì bị Hoa tộc đánh đuổi để lấn đất, chớ không hề được ai kêu réo hết.

          Ông lại giải thích tại sao họ lại di cư xuống Đông Nam Á lục địa mà ông gọi theo xưa là Đông Dương: đó là vì ở đó có những lưu vực sông phì nhiêu: Hồng Hà, Mékong, Mé Nam, Salouen, v.v.

          Chớ ở phía đông Trung Hoa lại không có lưu vực sông à, mà sông còn to hơn nhiều: đó là Hoàng Hà, sông Hoài, Dương Tử Giang và Tây Giang.

          Ông không biết sử Tàu, nhưng nếu ông suy luận có khoa học ông cũng biết được tại sao họ không mê biển bằng cách chạy ra hướng đông và chỉ chạy xuống phương Nam. Vì Hoa tộc đánh tràn từ trên xuống trong một mặt trận dài từ Tây sang Đông. Tây Đông gì cũng bị Tàu giựt hết rồi. Họ không hề mê sông Hoàng Hà, sông Mékong, song Mé Nam nào hết.

          Kiểm soát thứ sáu: Lời lẽ của các nhà khảo tiền sử gây ngộ nhận nơi giới bác học. Họ bảo bọn di cư thứ nhứt chưa biết trồng trọt, nhưng họ phải theo dõi bọn đó, chớ không được phép dừng chơn tại các lưỡi rìu đá mài có tay cầm ấy.

          Bọn đó, tới các địa bàn mới, tiếp tục tiến và tự lực tiến đến thời đại đồng pha và nông nghiệp, vì người ta bắt được cái lưỡi rìu có tay cầm đó, bằng đồng pha, tại Núi Voi (Bắc Việt) với bên cạnh lưỡi rìu, đồ đất nung và dụng cụ để biến chế mễ cóc mà ăn.

          Đó là sơ sót gây ngộ nhận không nhỏ.

          Vua Hùng Vương, như ta sẽ thấy, thuộc bọn di cư đợt I, tức họ tiến lên rất cao, đến chế độ đồng pha một cách tự lực, không nhờ ảnh hưởng ngoại lai như ông O. Jansé đã nói, cả hai đợt đều tự lực tiến lên.

          Đó là tình hình ở Cổ Việt Nam. Còn ở Cổ Nhựt Bổn thì hơi khác.

          Ở Nhựt Bổn, khoa khảo tiền sử tìm được hai giai đoạn văn minh. Giai đoạn Thượng cổ được đặt tên là giai đoạn Thằng Văn, bọn này biết làm đồ đất nung rất là thô sơ. Đó là bọn di cư đợt I, đã tự lực tiến lên, tại địa bàn mới, nhưng chỉ tiến tới đó mà thôi, tuyệt đối không có dấu vết tiến thêm của họ.

          Giai đoạn văn minh thứ nhì được đặt tên là giai đoạn Di Sinh. Đó là nền văn minh của bọn di cư đợt II, giống hết bọn đợt II ở Cổ Việt Nam mà đồ đất nung khéo hơn nhiều, lại đã biết trồng trọt, biết kim khí.

          Thế nên ở Nhựt Bổn chính bọn đợt II lãnh đạo bọn đợt I, và ngôn ngữ Nhựt Bổn giống ngôn ngữ của Mã Lai Việt Nam.

          Bọn Di Sinh chiếm một vùng gần Đông Kinh ngày nay. Đó là vùng đất hoang vu cách đây 2.500 năm. Còn những vùng ở Tây Nam, gần Đại Hàn, thì đã bị bọn đợt I chiếm mất rồi. Nhưng bọn đợt II đã lập ra ở địa bàn hoang vu đó một quốc gia tên là Yumato mà Tàu phiên âm là Da Mã Đài, và chính quốc gia Yamato đã chế phục các tiểu bang của đợt 1 cho tới ngày nay.

          Chỉ có một điểm khó nuốt trôi là bọn Mã Lai đợt II ở xứ Chàm lại không có trống đồng bao giờ cả, trong khi đó thì ở khắp các địa bàn Đông Nam Á bọn đợt II đều có đưa trống đồng tới. Vâng, chúng tôi đã có bằng chứng chắc chắn rằng trống đồng là phát minh của đợt II chớ không phải của đợt I, mặc dầu ở vào địa bàn định cư mới đợt I vẫn tự lực tiến đến thời đại đồng pha rồi, khi bọn đợt II tới nơi.

          *

          Lời lẽ của các nhà khảo tiền sử cứ làm cho ta ngộ nhận nữa là bọn sau văn minh còn bọn trước lạc hậu. Họ quên mất 2.500 năm đã trải qua giữa hai cuộc di cư, và bọn trước đủ thời gian để văn minh bằng bọn sau tại các địa bàn mới khi bọn sau tới nơi.

          Nếu bọn trước mà cứ lạc hậu thì nơi nào họ cũng đã bị bọn sau nuốt mất, nhưng sự thật là vua Hùng Vương thuộc đợt I cứ còn vững ngôi, tức khi hai bọn gặp nhau ở Cổ Việt, thì hợp tác với nhau ngay mà không có sự chênh lệch văn hoá, nên vua Hùng Vương mới còn giữ ngôi được.

          Nhưng cắt nghĩa làm sao được khi mà các cổ thư Trung Hoa cho biết bọn sau đã có trống đồng tại Hoa Nam tức trước khi di cư, còn khoa khảo tiền sử thì lại nói bọn ấy chỉ di cư với lưỡi rìu đá mài hình chữ nhựt?

          Có một chi tiết này mà ai cũng quên là giai đoạn kim thạch hợp dụng kéo dài rất lâu, lắm khi ba bốn trăm năm, vì kỹ thuật khai mỏ kém cỏi của thuở ấy chỉ cho phép quý tộc có vũ khí và vật dụng bằng đồng pha, còn dân chúng thì không. Các nhà khảo tiền sử tìm được trên đường di cư của bọn II, lưỡi rìu đá mài hình chữ nhựt rủi ro không nằm cạnh trống đồng nên kết luận phiến diện. Tuy nhiên, họ vẫn tìm được một lần sự kiện sai lầm rằng dân đó đang chỉ biết đồ đá rồi thình lình Tàu đưa đồ đồng tới. Nhưng đó là sai lầm của riêng ông O. Jansé, còn các nhà khảo tiền sử làm việc rộng lớn hơn thì nín thinh về điểm ấy.

          Đọc sách đời Chu, ta thường thấy những câu đại khái như thế này: “Mài kim bằng đá để châm cứu”. Ta cứ ngỡ trong khoa châm cứu cây kim bắt buộc phải bằng đá mới có hiệu nghiệm nhiều.

          Nhưng không, đó là dấu hiệu kim thạch hợp dụng của đời Chu. Chu đã văn minh cao lắm rồi và y sĩ của họ cũng được trọng đãi lắm rồi, thế mà giai cấp y sĩ cứ còn tiếp tục dùng kim châm cứu bằng đá mài thì biết dân Tàu đời Chu có sắm nổi vật dụng bằng kim khí hay là không.

          Dân Tàu đã thế thì dân Việt có thể lại còn kém hơn, và đồ kim khí rất ít trong xã hội di cư.

          Riêng ở Chàm thì tuyệt nhiên bọn sau không có trống đồng. Chúng tôi ức đoán rằng dân Chàm là dân đợt II di cư sớm hơn hết, di cư trước khi chủng tộc phát minh trống đồng, tức trước đời Tây Chu, tức ngay khi bị Sở đánh bại lần đầu trong một trận chiến mà tất cả các quốc gia Việt ở Hoa Nam đều liên kết lại để đánh quốc gia Tàu lai Việt là Sở, sẽ nói rõ ở một chương sau.

          Kiểm soát thứ bảy: Ông G. Cocdès còn kết luận cả về chi tiết này nữa một cách sai lầm lớn lao quá sức: “Hình như bọn Mã Lai đợt II chỉ từ cực Nam Hoa Nam nhảy vọt xuống Mã Lai Á mà không có ghé đâu cả, nên ngôn ngữ Việt thì chỉ giống ngôn ngữ của Mã Lai đợt nhứt là Miến Điện, Môn và Khơ Me, mà không giống ngôn ngữ của đợt II”.

          Sách của ông G. Cocdès ra đời năm 1962, tức sách đó là sách lớn cuối cùng, nhưng ông lại không biết gì về ngôn ngữ Môn, Khơ Me và Việt Nam hết, nên mới kết luận như trên, đó là không kể trống đồng mà ông có quyền không biết là của đợt II, vì khoa khảo tiền sử không có nói rõ trống đồng là của đợt II.

          Trong Việt ngữ danh từ của Mã Lai đợt II có mặt đến 40% chớ không phải ít.

          Ông G. Cocdès đã kiểm soát khoa khảo tiền sử bằng ngôn ngữ tỷ hiệu, mà đó là cái ngôn ngữ tỷ hiệu thiếu sót của ông H. Maspéro. Ông H. Maspéro viết: “Việt ngữ gồm 3 yếu tố: Thái, Môn Khơ Me ngữ, và một yếu tố thứ ba, không biết là của ai”.

          Thái ngữ, Môn Khơ Me ngữ, là Mã Lai đợt I, còn yếu tố thứ ba bí mật ấy chỉ là tiếng Mã Lai đợt II của người Nam Dương mà ông H. Maspéro không biết vì ông không dè rằng tất cả đều là Mã Lai nên không buồn học tiếng Mã Lai Nam Dương.

          Khi mà thành phần của Việt ngữ mà như thế thì bọn Mã Lai đợt II phải có ghé Đông Dương.

          Công trình khảo tiền sử do ông G. Cocdès tóm lược được thực hiện trước khi chính người Việt Nam tìm thấy lưỡi rìu hình chữ nhựt tại Bắc Việt, trước khi người Pháp tìm thấy trống đồng ở Cao Miên nay, tức Phù Nam xưa. Trống đồng là tác phẩm của bọn đợt II mà khoa khảo tiền sử không biết.

          Cực Nam Hoa Nam là Lưỡng Quảng vốn là nước Tây Âu. Vào đời đó nước Tây Âu hùng cường lắm thì không mắc chứng gì mà họ di cư ồ ạt. Bọn di cư là bọn ở trên, di cư bằng đường biển, còn đường bộ thì họ đi ngang qua Tây Âu, nhờ là đồng chủng. Vả lại Tây Âu cũng có tiếp thu một đám Lạc đông đảo vì ngôn ngữ Thái cũng đầy dẫy danh từ của Mã Lai đợt II.

          Ta có thể tưởng tượng ra tình trạng này là bao nhiêu dân Âu từ Dương Tử đổ xuống đều quy tụ tại Tây Âu, nơi nương náu cuối cùng của họ, 1.500 năm sau kia họ mới bị áp lực và di cư xuống thượng du Bắc Việt, xuống Ai Lao, còn thuở ấy thì không.

          Vậy bọn Mã Lai đợt II không phải là dân ở cực Nam Hoa Nam mà di cư. Và họ có ghé nhiều nơi ở Đông Dương, trước khi đến Mã Lai Á.

          Chẳng những họ có ghé, mà họ còn lập ra ở đó tới hai quốc gia quan trọng là Phù Nàm và Chiêm Thành (Lâm Ấp, như ta sẽ thấy, là nước của bọn đợt I chớ không phải Lâm Ấp đổi tên là Chiêm Thành, như các cuốn sử Tây đã viết sai).

          Ta biết rõ như thế nhờ trống đồng có mặt tại trung tâm Phù Nam (gần hồ Tonlé sáp), và nhờ ngôn ngữ Chiêm Thành cho ta biết chắc là Chiêm Thành thuộc đợt II.

          Tuy nhiên,, ta cũng có thể biết ngôn ngữ của Phù Nam đôi chút. Ngôn ngữ đó cũng chỉ là ngôn ngữ của đợt II, chớ không phải của Cao Miên như toàn thể các ông Tây đã nói.

          Riêng về Cổ Việt thì họ cũng là một cộng đồng quan trọng, vì ngôn ngữ ta đầy dẫy danh từ của Mã Lai đợt II, tức Mã Lai Nam Dương, mà không ai hay biết, vì không có ai học tiếng Mã Lai cả.

          Tàu kiểm tra dân số thì thấy Tây Âu 10 lần đông dân hơn Đông Âu, Mân Việt, Âu Lạc. Họ hùng cường là nhờ thế, mà nhờ thế vì đó là đất quy tựu dân chạy loạn mà không di cư.

          Tại sao ta biết dân Tây Âu không có di cư? Vì sự vắng bóng của danh từ Thái ở Nam Dương.


          *

          Dầu sao sự định thời điểm di cư của bọn Mã Lai đợt II, tức bọn Austronésiens cũng rất hữu ích cho ta để tìm biết tại sao bọn đó di cư.

          Cũng nên nhớ rằng trong các cuộc khảo cứu này chất C. 14 không được dùng lần nào cả, vì chất ấy dùng cho những gì quá mới chừng hai ba ngàn năm, không dùng được thật đúng, có thể sai chạy vài ngàn năm, thì định tuổi theo phương pháp khác cũng thế thôi.

          Vậy ta có thể cho thời điểm di cư là 800 năm trước Kitô kỷ nguyên chớ không phải là 500 năm.

          Như vậy là dân Mã Lai đợt II bắt đầu di cư ngay từ lúc Sở đánh Nam dẹp Đông để bành trướng biên cương và cho đến năm nước U Việt bị tan rã thì cuộc di cư rầm rộ hơn bao giờ hết.


          Thế thì L. Aurousseau đúng chớ không sai và không mấy khi ông ấy nói đúng được một lần, ông ấy lại bị Madrolle và giáo sư Nguyễn Phương công kích hơi nhiều với luận cứ như sau: làm thế nào mà vượt được hàng ngàn cây số hoang vu, qua bao nhiêu là đất của dân thù nghịch, và chỉ mới tới Cổ Việt làm sao tạo được một nền hành chánh có quy củ, một nền văn minh rực rỡ.

          Cứ bằng vào Xuân ThuTả Truyện thì họ không có vượt đất hoang vu và thù nghịch nào mà chỉ đi qua các nước văn minh đồng chủng, các nước ấy đã hùng cường cho đến vua Sở phải ký hiệp ước thân hữu: Đông Âu, Mân Việt và Tây Âu.

          Và họ tới nơi là tổ chức được ngay là vì đã có bọn Mã Lai đợt đầu nằm sẵn ở đó, mà bọn ấy thì đã có vua chúa rồi, vua Hùng Vương.

          Sử gia Nguyễn Phương và nhiều sử gia khác cứ tưởng rằng vua Hùng Vương là con cháu của Câu Tiễn vì L. Aurousseau đã nói thế. Nhưng truyền thuyết nói có đến 18 vua Hùng Vương, mà con cháu Câu Tiễn thì chỉ mới tới, làm sao mà có 18 đời vua được, trong thế gian đó?

          Công kích ông L. Aurousseau, Madrolle và sử gia Nguyễn Phương chưa đọc sử Tàu, để biết những gì xảy ra vào thời đó, ở dưới nước Sở.

          Dầu sao, có đọc sử Tàu rồi, cũng không cắt nghĩa được sự có mặt của 18 đời vua, khi một dân tộc mới đến một nơi có mấy trăm năm.

          Nhưng khoa khảo tiền sử đã mở một cái gút. Sở dĩ có 18 đời vua Hùng Vương là vì có cả một đợt Mã Lai nằm sẵn đó từ 2.500 năm và nơi đó họ tiến lên từ đá mài đến đồng pha, tiến lên tự lực, không có nhờ sức của chú rể Tàu nào hết như O. Jansé đã viết liều.

          Bọn sau thiểu số chỉ đưa món trống đồng tới mà thôi, chớ tổ chức thì đã có sẵn, mà họ không phá vỡ được, vì họ là thiểu số, mà cũng chẳng phá vỡ làm gì, bởi đó chỉ là tổ chức phong kiến của chủng Mã Lai, y hệt như của họ.

          Đã bảo trước khi nước U Việt của Câu Tiễn bị tan rã, đã có di cư rồi. Chúng tôi đã đoán rằng Mã Lai Bách Việt di cư đi Nhựt Bổn trước khi Bách Việt biết chế tạo trống đồng.

          Thế nghĩa là bọn sau, bọn đợt II, di cư thành nhiều lần, từ thời Tây Chu đến thời Đông Chu.

          Ở Nhựt Bổn có ba nơi tên là Việt tiền, Việt trung, Việt hậu, có lẽ đó là đất ban đầu của Mã Lai đợt II đến nơi, làm ba lần, chớ bọn đợt I không bao giờ được gọi là Việt cả.

          Ở một chương tới, chúng tôi cũng sẽ theo dõi một bọn di cư tới Việt Nam mà không phải là con cháu Câu Tiễn. Họ từ Sở, bị đẩy lùi xuống lần lần khỏi An Huy, bọn này khác hơn tất cả các bọn khác là có mang một biệt sắc mà chẳng có Việt nào có hết.

          Và họ đã lập quốc tại địa bàn mới, nhưng không phải trong nước Văn Lang, và họ tồn tại đến ngày nay. Họ nói tiếng Việt cổ hơn người Mường, có nhị âm và tự xưng là Lạc.

          Tới đây ta lại phải khen người Tàu đời xưa một lần nữa. Họ viết sử coi có vẻ lộn xộn lắm, nhưng thật ra là ý thức vô cùng.

          Như đã nói, Lạc Hoa Bắc và Việt Hoa Nam đều là Mã Lai, nhưng Mã Lai Hoa Nam chỉ được họ gọi là Việt (trừ một nhóm nhỏ là Thất Mân mới được họ gọi là Lạc).

          Tuy nhiên, họ vẫn biết rằng Lạc và Việt là một. Là một, nhưng lại cũng có khác nhau. Họ cũng biết điều thứ nhì đó nữa.

          Thế nên dân ở Hoa Nam bị gọi là Việt này, Việt nọ, nhưng khi họ xuống tới Âu Lạc thì họ gọi ta ngay là Lạc Việt vì họ biết ta gồm cả hai đợt, Lạc Hoa Bắc và Việt Hoa Nam. Ngoài ta và dân Hải Nam ra, họ không gọi dân nào khác bằng danh xưng đó cả, mặc dầu ở vài địa bàn khác cũng cứ có hai đợt, có lẽ vì tại Cổ Việt và Cổ Hải Nam hai đợt ấy suýt soát nhau, còn nguyên vẹn, chưa đợt nào nuốt xong đợt nào cả, còn phân biệt được trắng đen, chứ như ở Nhựt Bổn thì đợt II đã nuốt mất đợt I xong rồi trước kỷ nguyên Tây lịch, không còn phân biệt được là có hai thứ nữa.

          Nhựt Bổn lại đã lai giống với Hà Di, nên hoá lùn, nên họ không biết được nguồn gốc của Nhật nữa, tưởng đó là thứ dân nào khác mà họ gọi bằng danh xưng bâng quơ “dân lùn”, viết chữ Tàu là Oải nụy (Miền Bắc đọc là Oa Nô).

          Khoa khảo tiền sử làm việc như một anh mù, họ không hề biết Hiên Viên, Hùng Vương, Câu Tiễn gì cả, nhưng chính anh mù ấy đã soi sáng truyền thuyết và cổ sử Tàu và ta.

          Sử gia Nguyễn Phương biết nguyên tắc làm việc là có khai thác khoa khảo tiền sử, ông lại nhiều công phu đã đọc Colani Patte, Mansuy rất kỹ, nhưng ba nhà bác học nói trên chỉ làm việc tại Đông Pháp, thành thử không cho sử gia có được cái nhìn tổng quát mà sử gia muốn.

          Sử gia dừng chơn lại nơi cái lưỡi rìu có tay cầm khá lâu, nhưng chỉ băn khoăn về những đường rạch Bắc Sơn là một chi tiết không đáng kể.

          Cái nhìn tổng quát mà sử gia Nguyễn Phương đòi hỏi, không ai mà có được hết, mà người ít có hơn cả chính là người đòi hỏi.

          Phải đi từng chi tiết một rồi lần dò để tới cái chỗ rộng bao la, rồi bây giờ, từ đó mới có thể nhìn tổng quát để rút ra những kết luận cần thiết, chớ chưa chi hết mà đòi hỏi một cái nhìn bao trùm thì làm thế nào thực hiện được.

          Công việc mà ông G. Cocdès tóm lược lại, đã huy động mấy mươi nhà khảo tiền sử, mấy mươi nhà địa chất học, làm việc suốt mấy mươi năm ở khắp Á Đông, từ Tây Bá Lợi Á đến Nam Dương quần đảo, từ Nhựt Bổn đến Tây Vức, tức là họ đi mò chi tiết ấy như là mò trai, chớ không làm sao mà nhìn rộng được hết.


          *

          Về chữ Lạc rắc rối và danh xưng Lạc Việt thì ông Đào Duy Anh cũng không có tra cứu sử Tàu, và cũng cứ đoán. Ông cho rằng ta tự xưng là Lạc vì vật tổ của ta là chim Lạc. Nhưng chim Lạc được Tàu viết với bộ Điểu chớ không bao giờ với bộ Chuy, bộ Trãi và bộ cả.

          Hơn thế, vật tổ của dân ta lại không phải là chim như các ông Tây đã lầm. Nó là gì, rồi ta sẽ thấy.

          Người Tàu biết quá rõ về Lạc từ thời Hạ, Thương, mà đến đời Hán tới chinh phục ta, họ vẫn chưa quên Lạc đó, thế nên họ thường chỉ dân ta bằng chữ Lạc bộ Trãi chớ không phải là bộ Chuyện hay bộ Mã.

          Tới đây thì ta thấy cổ sử Trung Hoa sai về Xy Vưu, vì đồng thời các cổ thư của họ cho ta biết vài chi tiết sau đây, nó mâu thuẫn với cổ sử của họ.

          Tự điển Từ Hải ghi: Ứng Chiêu vân: “Xy Vưu cổ thiên tử”. Trịnh Huyền vân: “Xy Vưu bá thiên hạ”.

          Hai nguồn sử trên đây có khác nhau, nhưng vẫn cứ là Xy Vưu làm chủ chớ không phải Tàu làm chủ Hoa Bắc cho dầu y là cổ thiên tử hay chỉ là bà của thiên hạ.

          Sử Tàu thì chép rằng Xy Vưu chỉ là một trong những tù trưởng. Y là cổ thiên tử, y làm bà của toàn cõi Hoa Bắc chớ không hề là chư hầu của ai hết.

          Nhưng cái ông vua của 9 dân Lê lại không có để dấu vết lại ở đó, tức họ làm chủ đất Hoa Bắc chưa bao lâu, và chỉ là dân từ nơi khác mới đến mà thôi. Có phải thế chăng? Nhưng không.

          Cũng có thể là họ làm chủ Hoa Bắc từ lâu đời rồi, nhưng chỉ mới tiến lên giai đoạn lưỡi rìu tay cầm thì bị người Tàu đánh đuổi, vì người Tàu có thể có vũ khí tốt hơn. Truyền thuyết Tàu ghi rằng Hiên Viên đã sáng tạo được vũ khí bằng đồng pha.

          Nhưng họ mới đến, hay đã ở đó từ lâu mà chỉ mới có lưỡi rìu đá mài tay cầm, cũng không binh vực thuyết của giáo sư Kim Định được, vì không có sọ Mã Lai tại Hoa Bắc. Không còn lưỡi rìu vẫn phải còn sọ, nếu Mã Lai đã định cư ở đó từ nhiều đời rồi.

          Có thể nào mà cho rằng Cửu Lê là bọn khác, chớ không phải bọn có lưỡi rìu tay cầm không?

          Ta đã xét qua rồi cái nghi vấn đó. Tại Hoa Bắc không có sọ cổ nào khác hơn là sọ Hoa và sọ Miêu, mà Miêu thì, như khoa dân tộc học cho biết, mãi cho đến ngày nay cũng còn giỏi chăn nuôi hơn là nông nghiệp, và cũng chưa ra khỏi chế độ bộ lạc.

          Dĩ nhiên là ta không kể đến những cái sọ quá thấp về chủng tộc học, sọ Mê-la-nê chẳng hạn, hoặc những cái sọ của những chủng tối cổ đã bị tiêu diệt, như sọ của người Bắc Kinh.

          Có thể nào mà người Tàu Hoa Bắc đã bị lai giống hết cả rồi với Viêm tộc hay không? Không, sự lai giống qua bảy, tám ngàn năm còn để dấu vết lại, nhưng trong sọ Hoa Bắc, khoa chủng tộc học chỉ thấy có hai yếu tố Mông Cổ và một yếu tố da trắng mà họ nghi là Nhục Chi, không có yếu tố thứ ba nào cả.

          Có thể nào mà Viêm tộc là Mông Cổ hay không? Không. Vì nếu thế thì Tàu đã gọi tộc đó là Hàn tộc, Băng giá tộc, hay gì gì tộc đó chớ không là Viêm. Và nếu thế đi nữa thì lại càng không dính dáng gì đến dân ta vì sọ của ta là sọ Mã Lai, chớ không phải sọ Mông Cổ.

          Viêm tộc không bao giờ có trên đời này.

          Tới đây thì ta đâm ngờ về truyền thuyết của người Tàu. Như ta đã thấy trình bày trên đây: Cửu Lê tức Mã Lai đến Hoa Bắc trước Tàu có bảy ngàn năm, bằng chứng chắc chắn là còn sọ Tàu cổ ở Hoa Bắc mà không còn sọ Cửu Lê.

          Kẻ đến Hoa Bắc trước tiên phải là Hiên Viên. Như vậy những kẻ xưa hơn như Toại Nhân, Phục Hy không có mặt tại Hoa Bắc.

          Nếu Toại Nhân, Phục Hy không phải là nước Nhục Chi thì cũng là Tàu lai Nhục Chi vừa xâm nhập Trung Hoa.

          Truyền thuyết Tàu đã lầm lẫn địa bàn, hoặc kể lại truyền thuyết của Nhục Chi mà cứ tưởng là của họ.

          Dầu sao những nhơn vật quá cổ như Toại Nhân và Phục Hy cũng không có mặt tại Hoa Bắc vì kẻ có mặt trước tiên là Hiên Viên.

          Thần Nông có thể cũng chỉ là đặt chơn tới Cam Túc chớ cũng chưa vào sâu Hoa Bắc được, vì nếu Thần Nông đã vào sâu Hoa Bắc thì họ là kẻ đến trước và đã đuổi Cửu Lê trước Hiên Viên, còn đâu để cho Hiên Viên diệt, khi mà ta đồng ý về giả thuyết Cửu Lê chỉ có mặt trước Hiên Viên chỉ có vài ba năm, mà không đồng ý cũng không được vì không có sọ Mã Lai ở Hoa Bắc, Cửu Lê không để sọ lại vì không có định cư kịp ở đó nhiều năm là bị diệt ngay.

          Còn giả thuyết thứ ba nữa. Có thế nào mà họ đến sau Tàu hay không?

          Chắc chắn là không, vì theo những nguồn sử cổ mà Từ Hải cho biết thì Xy Vưu là cổ thiên tử, tức hắn phải là kẻ đến trước. Kẻ đến sau mà làm cổ thiên tử được là làm luôn vì nó đã thắng. Mà như vậy thì các nguồn sử Tàu cổ đã không gọi y là cổ thiên tử mà là kim thiên tử.

          Người cổ lầm lẫn địa bàn trong truyền thuyết là chuyện thường xảy ra. Thí dụ truyền thuyết về biên giới Hồ Động Đình của ta chỉ là truyền thuyết của Mã Lai đợt II. Ta đa số là Mã Lai đợt I, tức Mã Lai Hoa Bắc, thế mà ta cũng cứ xem truyền thuyết đó là của ta, chớ không dè là của dân bổ sung là người Mường, 2.500 năm sau mới xuất hiện.

          Trong cuộc chứng minh Việt Nam = Mã Lai, chúng tôi có bắt được một chứng tích này là người Mã Lai ở đảo Java có kể một chuyện cổ tích y hệt như một chuyện cổ tích Mường, nhưng kỳ lạ lắm là khung cảnh mà họ tả trong chuyện là khung cảnh núi đá vôi ở Hoà Bình trong khi đó thì đảo Java không hề có núi đá vôi (sẽ kể rõ ở chương Mường). Đó là một bằng chứng một dân tộc thiên di, đồng hoá hai địa bàn cũ và mới.

          Nếu ngày nay dân Nhục Chi mà còn thì chắc chắn họ sẽ có hai nhơn vật truyền thuyết giống hệt Toại Nhân và Phục Hy.


          *

          Vậy sử Tàu chỉ cổ có 5.000 năm chớ không quá lâu đời với những Toại Nhân và Phục Hy như họ đã viết. Sử Tàu chỉ bắt đầu từ Hiên Viên tức Hoàng Đế mà thôi.

          Đặc biệt Thần Nông trước Hiên Viên một đời, thì không phải xuất hiện tại Tây Vức hay tại Trung Hoa mà có lẽ tại Cam Túc, nơi hành lang xâm nhập mà họ gặp đất hoàng thổ để tiến lên nông nghiệp.

          Ra khỏi Cam Túc, vào nội địa Hoa Bắc cổ thời là đã phải chết sống với chín thứ dân Lê dưới quyền lãnh đạo của Xy Vưu rồi.

          Giữa nhiều giả thuyết dĩ nhiên chỉ có một là đúng.
        • Xy Vưu chỉ mới đưa dân tới đó là bị Tàu đuổi ngay.
        • Xy Vưu làm chủ đất ấy lâu đời rồi, nhưng vừa tiến lên lưỡi rìu tay cầm là bị đánh đuổi. Ta không thể chọn giả thuyết II vì giả thuyết II vấp phải cái ngõ bí không lối ra là thiếu sọ Mã Lai ở Hoa Bắc.

          Vậy chỉ còn giả thuyết thứ nhứt là đúng được là Mã Lai Cửu Lê chỉ mới đưa dân tới Hoa Bắc có vài năm, dưới quyền lãnh đạo của Xy Vưu, là Hoa tộc cũng xâm nhập Hoa Bắc.

          Mã Lai từ đâu mà đến thì rồi ta sẽ thấy.

          Còn Tàu thì gặp hoàng thổ hành lang tại Cam Túc lúc xâm nhập nên tiến lên nông nghiệp, tại Cam Túc (đợt Thần Nông), rồi tiến lên giai đoạn vũ khí đồng pha (đợt Hiên Viên).

          Sở dĩ Hiên Viên đảo chánh Thần Nông được là nhờ vũ khí mới mà y phát minh. Nhưng y cũng biết nông nghiệp y hệt như Thần Nông.

          Rồi y tiến sâu vào nội địa Hoa Bắc và đánh diệt Xy Vưu, và Cửu Lê. Vì chỉ có lưỡi rìu tay cầm bằng đá nên Cửu Lê thua chạy đi hết nên không có lưỡi rìu ấy để lại.

          Trước đó Mã Lai và Mông Cổ không có diệt lẫn nhau mà hợp chủng với nhau, vì cả hai đều không có gì để phải tranh giành với nhau hết.

          Tới Hiên Viên thì đã có mồi ngon. Đó là đất ở Hà Nam đối với một dân tộc vừa tiến lên nông nghiệp. Tàu thắng vì vừa có vũ khí đồng pha chớ không phải nhờ xe chỉ nam như sử Tàu đã chép.

          Lại xin nói nhiều về hai loại lưỡi rìu.

          Các nhà bác học Việt Nam đã đào được tại Núi Voi (Bắc Việt) và Yên Hưng (Bắc Việt) lưỡi rìu có tay cầm, nhưng không phải bằng đá mài mà bằng đồng pha, giống hệt lưỡi rìu bằng đá mài ở cạnh đó.

          Thế thì bọn Lạc bộ Trãi đã tự lực tiến lên kỹ thuật đồng pha tại Cổ Việt, chớ không hề nhờ Tàu như O. Jansé đã nói (xin xem hình). Và họ cũng đào được lưỡi rìu hình chữ nhựt bằng đồng pha tại Quỳnh Xá giống lưỡi rìu chữ nhựt đá mài ở cạnh đó.

          Lưỡi rìu có tay cầm bằng đồng pha tìm được tại Núi Voi (Bắc Việt).

          Lưỡi rìu hình chữ nhựt bằng đồng pha tìm được tại Quỳnh Xá (Bắc Việt).

          Lưỡi rìu có tay cầm bằng đồng pha tìm được tại một kinh đô cũ của nhà Thương, có lẽ là Triều Ca, khác hẳn loạt lưỡi rìu có tay cầm cũng bằng đồng pha của Lạc Việt.

          Xin so sánh với hai lưỡi rìu y hệt như thế mà bằng đá mài, ở đoạn trước.

          Ta phải kết luận sao đây?
        • Chỉ có Bắc Việt, cả hai đợt di cư mới đều có hai loại lưỡi rìu bằng đồng pha, còn ở các địa bàn di cư khác thì không, kể cả ở Nhựt Bổn cũng không.

          Thế nghĩa là bọn Mã Lai (Lạc di cư) văn minh nhứt tại Bắc Việt, chớ không phải tại các nơi khác.
        • Lưỡi rìu chữ nhựt đồng pha là của bọn sau, tức dân của Câu Tiễn. Câu Tiễn đã làm một thời ở Hoa Nam thì ông ấy không thể quá kém mà được địa vị đó. Vậy lưỡi rìu chữ nhựt bằng đồng pha, hẳn phải đã có rồi ở Cối Kê, tức có trước khi bọn đợt sau di cư xuống Cổ Việt.
        • Đợt trước có phải học kỹ thuật đồng pha của đợt sau hay không? Không, vì chúng tôi đã có bằng chứng rằng vua Hùng Vương tuy không có trống đồng, vẫn đã biết nghề đồng trước khi bọn sau tới.
        • Tại sao đều là dân của Câu Tiễn mà bọn di cư sang Nhựt Bổn không có lưỡi rìu hình chữ nhựt bằng đồng còn bọn xuống Văn Lang lại có? Có lẽ vì kỹ thuật tìm mỏ kém nên kim thạch hợp dụng cứ kéo dài rất lâu, đồng pha quý nên chỉ có quý tộc mới có vũ khí ấy. Bọn đi Văn Lang là quý tộc còn bọn đi Nhựt Bổn là thường dân.
        • Kinh đô triều ca của vua Trụ đã tìm được và đã được thám quật năm 1943 tại An Dương (Hà Nam). Ở đó có lưỡi rìu tay cầm bằng đồng, nhưng khác hẳn lưỡi rìu tay cầm bằng đá hay bằng đồng của Mã Lai. Thế nghĩa là Hoa và Việt không có ảnh hưởng qua lại trước đó. Khoa khảo tiền sử đã cho biết đích xác cái luật này: Khi một dân tộc tiến lên từ đá mài sang đồng pha thì họ chế tạo đồ đồng pha giống hệt đồ đá mài mà họ có trước đó. Vật liệu khác, kỹ thuật khác, nhưng hình dáng thì không, mà như vậy trong hàng ngàn năm. Ở Bắc Việt lưỡi rìu tay cầm nhà Thương thì không giống lưỡi rìu tay cầm của Mã Lai chút nào. Đã bảo đồng cóp đã kéo dài hàng ngàn năm thì không thể nói rằng vì nhà Thương xuất hiện sau Hiên Viên nên lưỡi rìu tay cầm bằng đồng pha của họ đã biến dạng. Hơn thế, không hề có lưỡi rìu tay cầm bằng đá mài ở Trung Hoa dưới thời Hiên Viên và sau thời Hiên Viên.

          Tại chưa đào thấy chăng? Có thể, nhưng công việc khảo tiền sử ở Tàu có thể nói là đã làm xong trước thời Mao Trạch Đông thì cũng khó lòng mà cho rằng chưa kịp tìm thấy.

          Cái tay cầm của lưỡi rìu thì nhiều chủng tộc ở phương trời khác cũng đã có nghĩ đến, có chế tạo, chớ không phải là biệt sắc độc nhứt của Mã Lai đợt I hay của Tàu. Như vậy trong trường hợp này thì không thể cho là Việt đã cóp của Tàu hay Tàu đã cóp của Việt mà chỉ là một trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng dĩ nhiên là trong sự trùng hợp đó hai bên không thể nào chế tạo giống hệt nhau được.

          Ở Bắc Việt ta tiến từ đá mài lên đồng pha mà cứ giữ nguyên hình dáng cũ, còn nhà Thương thì dùng vũ khí hình dáng khác, mặc dầu cũng có tay cầm.

          Đồ gốm Mã Lai ở Cổ Việt Nam cũng khéo không kém đồ gốm của Tàu, nhưng cũng lại khác hẳn. Không có lấy một yếu tố Mã Lai nào cả trong đồ gốm Ngưỡng Thiền, An Dương và Long Sơn, ba trung tâm đồ gốm cổ của Trung Hoa mà giáo sư Kim Định có ám chỉ đến, có ý muốn gán cho ta nhưng không thành công.

          Vì kỹ thuật ấn loát và làm bản kẽm của chúng tôi kém, nên xin mời quý vị so sánh hai loại đồ gốm ấy bằng cách đọc hai quyển sách L’Art de la Chine của nhà xuất bản Larousse và Introduction à l’art ancien du Viet Nam của ông Trần Văn Tốt, Sài Gòn, 1967, mà chúng tôi không trích đầy đủ hình ảnh ở đây được.

          Thuyết “Lịnh ông, cồng bà” của giáo sư Kim Định thì gián tiếp nói đến cuộc hợp chủng Hoa Việt ở Hoa Bắc. Nhưng nếu không có thuyết đó mà chỉ có thuyết Tàu cướp văn minh Việt ở Hoa Bắc, ta vẫn phải hiểu là có hợp chủng bởi một nền văn minh phải học lâu lắm mới tiêm nhiễm được, chớ không phải chỉ thoáng thấy trong trận Trác Lộc là cóp được ngay. Mà muốn học lâu, phải có sống chung lâu, phải có hợp chủng.

          Nhưng sọ Tàu Hoa Bắc lại không mang yếu tố Mã Lai, cũng không có yếu tố nào khác hơn là một yếu tố da trắng bị tình nghi là Nhục Chi. Yếu tố đó không phải là Viêm vì theo định nghĩa của giáo sư thì Viêm là Lửa, là Nóng (và quả đúng như vậy).

          Nhưng dân Nhục Chi lại không phải là dân xứ nóng. Ở Hoa Bắc cũng thế. Không ở đâu mà có một chủng tên là Viêm hết, hoặc mang ý nghĩa là dân xứ nóng hết để rồi tràn tới Hoa Bắc và bị Tàu gọi là Viêm tộc.

          Hoạ chăng là có ta, dân Việt Nam. Nhưng phiền lắm là ta lại từ bên Tàu, tận Hoa Bắc mà sang đây.

          Ở đây cần giải thích rõ vấn đề. Khi một quốc gia bị xâm lăng, chắc chỉ có một số người là chạy đi, chớ không phải tất cả đều chạy đi. Đó là tình trạng đã xảy ra ở Hoa Nam mà một số Mã Lai quá lớn lao ở lại để lai giống và bị đồng hoá.

          Nhưng ở đây sao Cửu Lê phải chạy đi hết? Vì đây là lần đầu tiên mà Tàu thấy dân lạ, Mã Lai cũng thế. Như vậy thì phải một còn một mất, có ai muốn ở cũng không ở được, nhưng thật ra thì không có ai muốn ở cả, vì lạ lùng nó làm cho kẻ thua khó chịu. Kẻ thắng đã tàn sát cũng chính vì khó chịu và bỡ ngỡ, mà càng bị tàn sát thì kẻ thua lại càng có lý do để chạy đi hết, không như ở Hoa Nam mà họ đã có dịp trông thấy nhau từ đời Hiên Viên đến đời nhà Hạ.

          Dân Mã Lai hiếu chiến và dữ tợn có tiếng trên thế giới mà hiện nay sự kiện ấy còn thấy được nơi các nhóm Cổ Mã Lai ở Phi Luật Tân. Còn các vua Tàu thì không có phải là vua hiền vua thánh gì hết như sử họ đã chép đâu. Cả đôi bên đều dữ tợn, và lần chạm mặt đầu tiên họ phải tàn sát nhau khốc liệt lắm. Như thế thì bọn thua không thể nào ở lại được, bất cứ vì lẽ nào.

          (Và như vậy thì cái thuyết Nho giáo có nghĩa là Nhu, là Hiền lương, là của Việt tộc dùng để chống lại tính cường bạo của Hoa tộc, của giáo sư Kim Định, không đúng, vì ai cũng cường bạo cả vào thời cổ sơ và lần theo năm tháng hễ ai tiến lên thì bớt hung hãn, ai còn chậm tiến thì còn dữ tợn, không có vấn đề chủng tộc ở đây nữa và Nho giáo có phải là của Việt hay không thì còn ngờ lắm, vì không có chứng tích, và không nên dựa vào sự phỏng đoán của hai ông Granet và Maspéro về một nền văn hoá chung của Á Đông vào cổ thời.

          Sự thật thì chỉ có chi Âu, tức người Thái, mà cũng chỉ là người Thái Lưỡng Quảng là có văn hoá giống văn hoá Tàu cổ thời, còn Thái Vân Nam, Khơ Me, Miến Điện và người Nam Dương thì hoàn toàn không, mà sở dĩ có sự kiện đó là vì Thái Lưỡng Quảng đã sống gần Tàu quá lâu đời, tuy đã lập quốc riêng nhưng vẫn luôn luôn tiếp xúc với Tàu, còn người Mã Lai mà ta gọi là Thượng Việt thì chẳng hề giống Tàu ở một điểm lớn nhỏ nào cả. H. Maspéro không so sánh các dân khác, và không nên tổng quát hoá những gì mà hai thầy trò Granet và Maspéro đã nói).

          Xin trở lại chuyện Hiên Viên tàn sát và Mã Lai chạy đi hết.

          Hiên Viên có lý do tàn sát, còn Mã Lai thì có lý do chạy đi hết, vì một là Hiên Viên đã quá mạnh tay, hai là phong tục khác lạ của đôi bên, chỉ mới chạm trán lần đầu tiên, kẻ thua thấy rằng không thể ở lại với một thứ dân kỳ dị là dân Tàu.

          Trong khi đó thì Việt Hoa Nam cũng đồng chủng với Lạc Hoa Bắc, thì lại ít chạy đi hơn Trung Hoa vượt sông Hoàng Ha dưới đời nhà Hạ. Tại sao thế? Là tại từ Hiên Viên đến đời nhà Hạ, Tàu và Việt đã đủ thời giờ quen biết với nhau chút ít.

          Hiên Viên sống trước nhà Hạ thì nhà Hạ phải ít dữ tợn hơn. Đó là một cái luật: Kim hơn Cổ. Tần Thỉ Hoàng đốt sách là bậy. Nhưng không phải là không có lý do vì các nhà nho chủ trương cổ hơn kim, hoá ra ngăn bước tiến của dân tộc họ.

          Hạ thì ít dã man hơn Hiên Viên, họ không đánh Việt, mà chỉ xin tới ở trọ. Hai lý do đó, Tàu đã hiền hơn, phong tục đôi bên đã được biết nhau, Việt không quá bỡ ngỡ nữa nên ít chống đối hơn.

          Nhưng vẫn còn một điểm cần giải thích rõ. Lạc bộ Trãi có ở lại Sơn Đông và bị gọi là Đông Di. Nhưng làm sao không có sọ Mã Lai tại Sơn Đông?

          Tỉnh Sơn Đông rất đặc biệt. Đó là một Cao nguyên được bình nguyên mỏng vây quanh. Khi Tàu Đông thiên thì Đông Di rút lên Cao nguyên với ảo tưởng thoát được. Không dè họ không bao giờ thoát được cả vì rồi Tàu lại xung phong lên Cao nguyên. Thế nên ở Hoa Bắc có một tỉnh độc nhứt mà sọ Hoa mang yếu tố Việt, đó là tỉnh Sơn Đông.

          Nhưng đừng vì đó mà cho rằng Khổng Tử là “Việt gian”, hợp tác với Tàu. Đến đời Khổng Tử thì Đông Di đã bị Hoa hoá sâu đậm rồi mà Khổng Tử lại là người Tàu gốc ở nước Tống (Bắc Hà Nam) chớ không phải là người Đông Di.

          Cũng đừng cho rằng đạo Nho là của Việt, vì đạo Nho đã có trước khi Khổng Tử chào đời, mà là có ở đâu ấy, ở An Ấp, ở đất Cảo, chớ không phải ở xứ của rợ Đông Di.

          Giáo sư Kim Định chỉ biết rằng ta là Việt, mà không dè rằng Môn, Khơ Me, dân Nam Dương cũng là Việt, nên khi ông thấy ta tiêm nhiễm đạo Nho, ông kết luận rằng đạo ấy phải là của ta, không dè rằng hàng trăm nhóm Việt khác, chẳng có ai biết Nho là cái quái gì cả.

          Nếu khen Nho vì nó hay, tốt ở chỗ nào đó, thì cứ khen, cứ theo, không cần phải cố nói đó là của ta. Nếu nó là của ta đi nữa mà nó không hay, ta cũng chẳng theo làm gì. Bằng như nó là của Tàu, ta cứ mượn, người Tàu họ giấu nghề làm miến Song thần, nhưng không bao giờ họ giấu đạo Nho, mà trái lại họ bắt ta học ngất ngư cái đạo đó.


          *

          Cũng nên nói sơ qua về thổ dân châu Mỹ mà một nhóm đã thiết lập ra một nền văn minh rất lớn là nhóm Mayar. Mayar là phiên âm của Tây Ban Nha, chớ thật ra thì họ tự xưng là Mã-Y-A, và họ cũng là Mã Lai.

          Trước kia người ta ngỡ họ ở Tây Bá Lợi Á di cư sang Mỹ qua eo biển Béring. Nhưng vừa đây người ta khám phá ra rằng da họ không có đỏ, và họ thuộc da vàng và có lẽ di cư từ Trung Thái Bình Dương.

          Đó là ức thuyết, nhưng chúng tôi lại biết chắc rằng ức thuyết đó đúng 100 phần trăm.

          Quả thật thế, họ có ngôn ngữ giống hệt ngôn ngữ của Mã Lai Nam Dương. Mà như vậy thì họ di cư sang Mỹ Châu không lâu, lối 2.500 năm nay mà thôi.

          Ta có phương pháp biết những sự thật lịch sử nhờ một cái luật ngôn ngữ. Thí dụ bọn Mã Lai đợt I biết lúa gạo khác địa bàn với bọn Mã Lai đợt II, nên chi danh từ đó của hai nhóm ấy khác nhau, vì đó là danh từ sáng tác về sau chớ không còn là danh từ gốc tổ nữa, mà hai nơi ở xa nhau, phải sáng tác khác nhau.

          Thế mà người Mayar gọi lúa là Padi, y hệt như người Nam Dương (Pháp vay mượn của thổ dân châu Mỹ và biến thành Paddy), thế nghĩa là họ cùng nhau sáng tác rồi mới di cư và hai người đó là một.

          Người Mayar cũng thờ mặt trời y như người Đông Sơn, và họ hoàn toàn không biết con ngựa thuở họ bị Tây Ban Nha chinh phục, tức họ không từ phía Bắc mà di cư, vì ở phương Bắc Mông Cổ nuôi ngựa rất nhiều.

          Chỉ còn một chi tiết chưa thể biết là họ di cư từ Hoa Nam sau khi nước Việt tan rã, hay từ Nam Dương, vì danh từ Paddy đã được sáng tác tại Hoa Nam đến Nam Dương thì họ đã có danh từ ấy rồi, và đây là bằng chứng:

          Mường: Pơ Đuông
          Chàm: Pơ Đai
          Giarai: Pơ Đai Nam
          Dương: Pa Đi

          Danh từ Pơ Đuông của người Mường, nay đã mất Pơ vì ảnh hưởng độc âm của Việt Nam, và thêm dấu sắc thành Đuống (sông Đuống) vì ảnh hưởng đa thanh của Việt Nam.

          Người Mường trước khi di cư đến Cổ Việt đã biết lúa gạo rồi vì họ là Mã Lai đợt II, chớ không phải đợt I như con cháu trực tiếp của Hùng Vương.

          Đó là một địa bàn định cư nữa của Mã Lai đợt II mà khoa khảo tiền sử không biết mà chỉ có khoa dân tộc học là biết nhờ chúng tôi đối chiếu đồ vật của người da đỏ và người Nam Dương.

          Nhưng các nhà ngôn ngữ học nên tìm tòi thêm khi mà chúng tôi gợi ý về danh từ Padi này.

          Nguồn: Bách Bộc xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản điện tử do talawas thực hiện.

          http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11095&rb=08
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 23.03.2008 11:46:51 bởi Ngọc Lý >
        • #20
            Ngọc Lý 27.03.2008 22:42:27 (permalink)
            Bình Nguyên Lộc
            Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam


            17/35

             
             
            Ta tự hỏi tại sao bọn Mã Lai di cư đợt I lại chỉ tới Đông Ấn Độ rồi đi rẽ sang Đông Dương, và họ từ đâu mà đi Đông Ấn Độ.

            Đã bảo dân Môn và Miến Điện là hậu duệ của Khuyển Nhung và dân Khơ Me là hậu duệ của rợ Khel (Khương).

            Như thế thì Khuyển Nhung và Khương (Lạc bộ Chuy) phải chạy sang hướng Tây vì địa bàn của họ ở Tây Trung Hoa, chớ không chạy ra biển Đông được như bọn Lạc bộ Trãi.

            Tới Đông Ấn Độ thì họ chợt thấy đồng bào Dravidien của họ đang nằm dưới ách của bọn Aryen thuở ấy còn trắng da, nên không ở đó làm gì.

            Thấy rõ là các bọn di cư có liên lạc với nhau, vì Mã Lai đợt I Hoa Bắc biết ở Ấn Độ có đồng bào của họ.

            Về sau, cách đó lối 2.500 năm, bọn Mã Lai đợt II cũng đi đến những địa bàn của Mã Lai đợt I chớ không có đi đâu khác hơn, tuy ở Nam Dương họ chiếm các đảo khác hơn là Célèbes, nhưng các đảo ấy cũng cứ là một địa bàn với Célèbes về khí hậu và địa dư.

            Khoa khảo tiền sử đã bỏ sót Bọot-Nê-Ô vì dân cổ Mã Lai ở đó còn quá lạc hậu, quá dữ tợn, họ không xâm nhập vào để làm việc được trừ các nhà dân tộc học có làm việc ở Bắc Bọot-Nê-Ô và biết một nhóm Dayak và văn minh phần nào rồi.

            Nhưng nếu các đợt ấy mà không có liên lạc với nhau, họ vẫn chạy đến những nơi giống nhau vì cả đường bộ lẫn đường biển đều có những tiện lợi nào đó, đèo dễ vượt, hoặc gió phải mùa, mà cả các đợt đều biết.

            Bọn Mã Lai đợt II đi Nhựt Bổn từ Hoa Nam, chớ không đi Nam Dương có lẽ là bọn gặp gió Nồm, còn bọn đi Nam Dương gặp gió Bấc.



            *


            Về truyền thuyết Kinh Dương Vương và Lộc Tục của dân ta thì phải hiểu thế nào đây? Khoa khảo tiền sử đã cho thấy là Mã Lai Hoa Nam thuần chủng Mã Lai, không có lai với nhóm Mông Gô Lích nào cả thì làm thế nào mà Lạc Long Quân lại là cháu năm đời của Thần Nông được, trừ phi Thần Nông là Việt, đúng như giáo sư Kim Định đã nói.

            Nhưng chúng tôi đã chứng minh rằng Thần Nông không phải là Việt thì truyền thuyết này đâm ra rắc rối vô cùng, không giản dị, dễ giải thích như chuyện Lạc (Long Quân) và Âu Cơ (tức chủng Thái) ly khai để chiếm hai địa bàn khác nhau.

            Ta chỉ còn biết giả thuyết rằng một người Tàu lai Việt, Việt ở châu Dương hoặc châu Kinh, tên là Lộc Tục đã nhảy lên nắm quyền lãnh đạo nhóm Việt tổ tiên trực tiếp của ta. Nhưng y lại đồng hoá với Việt, y hệt như các quan thổ ty Việt mà vua chúa ta gởi lên xứ Thái, đã không đồng hoá được họ mà lại bị họ đồng hoá tuốt hết vì luật đa số nuốt thiểu số.

            Đó là lối hiểu hữu lý nhứt mà không chỏi với truyền thuyết, cũng không chỏi với khoa khảo tiền sử.

            Nhưng xin đừng hiểu lầm. Chỉ có một nhà lãnh đạo là Tàu lai, còn toàn quốc không liên hệ gì đến dòng máu Tàu cả, không có vấn đề Việt đã lai Tàu từ thời đó, tại châu Kinh và châu Dương.

            Ngày xưa, dân xem vua là cha mẹ của họ thì tự nhiên họ gọi tổ tiên của vua là tổ tiên của họ. Thần Nông chỉ là tổ tiên của Lộc Tục, thế mà lại được coi là tổ tiên của dân ta là vì tinh thần đó.

            Nhưng cái nước Việt ở Động Đình Hồ mà Lộc Tục cai trị là nước Việt nào, rồi ta sẽ thấy ở chương sau, khi nghiên cứu Tả Truyện. Và cái nước Việt đó, khi tan rã, dân di cư đi nơi khác, thì dòng vua Tàu lai ấy bị diệt rồi, theo lệ xưa, quân xâm lăng phải giết vua mới được. Thế là không còn giọt máu Tàu nào hết trong bọn di cư, đúng y như khoa khảo tiền sử đã nói.

            Như đã thấy, khoa khảo tiền sử rất đúng và rất cần thiết. Nó giúp ta hiểu những mâu thuẫn cũ. Sách Tàu tả dân Việt cắt tóc ngắn, mà cổ vật Đông Sơn lại cho thấy họ có tóc dài. Sử gia Nguyễn Phương đã dựa vào đó để cho rằng cổ vật Đông Sơn là của dân nào đó, có tóc dài, chớ không phải của Bách Việt tóc ngắn như Tàu đã tả.

            Nhưng Bách Việt tóc ngắn chỉ là Bách Việt của Tư Mã Thiên tả, tức Bách Việt đợt II, bọn có lưỡi rìu hình chữ nhựt. Còn bọn trước thì tóc dài. Thế nghĩa là Xy Vưu giống họ, không có biệt sắc về tóc nên họ không tả.

            Mặt khác, ở Cổ Việt, như chúng tôi sẽ chứng minh ở chương người Mường, chính bọn tóc dài, tức bọn Mã Lai đợt I, lãnh đạo, còn bọn Tiểu phát chỉ là bọn bổ sung. Thế thì các tượng đồng tạc hình người đào được ở Bắc Việt không còn gây thắc mắc nữa, mà cũng không giúp giáo sư Nguyễn Phương kết luận được rằng nền văn minh đó không phải là của Việt vốn Tiểu phát.



            *


            Và khoa khảo tiền sử không biết hai điều này, mà chúng tôi biết nhờ khoa khác:

            1. Trước khi làm chủ toàn cõi nước Tàu, chủng Cổ Mã Lai phát tích từ Tây Tạng chớ không phải phát tích tại nước Tàu, nói rõ hơn là phát tích tại chơn Cao nguyên Tây Tạng.


            Xy Vưu đã từ các vùng đất quanh núi Hy Mã Lạp Sơn đưa dân tới Hoa Bắc sau cùng hết. Các nhóm mà khoa khảo tiền sử gọi là Austroasiatiques và chúng tôi gọi là Mã Lai đợt I, thật ra là Mã Lai đợt III, nếu lấy điểm xuất phát di cư đầu tiên làm cái mốc.
          • Bọn đợt I là bọn đi làm chủ toàn cõi Ấn Độ, bọn đợt II là bọn đi làm chủ toàn cõi Hoa Nam ở dưới sông Hoàng Hà, còn bọn Xy Vưu chỉ là bọn đi sau thiên hạ.

              Nhưng ta biết rõ Xy Vưu hơn chỉ nhờ có nhân chứng là con cháu của Hiên Viên, còn lại hai bọn kia, chính khoa học biết, nhưng không biết chi tiết như Tàu đã biết về Xy Vưu, vì như đã nói, khoa khảo tiền sử không biết chi tiết, nhưng khoa đó lại giúp cho các khoa khác không sai lầm về sự tương đồng gạt gẫm bề ngoài.



              *

              HiMalaya có nghĩa là núi của người Malaya. Danh từ Hi này còn thấy được trong ngôn ngữ Nhựt Bổn ngày nay. Họ đọc là Khi, nhưng khi nào cần viết tiếng Khi bằng chữ La-Tinh, họ vẫn viết là Hi.

              (Có lẽ Hi biến thành Hui, rồi thành Núi, bằng vào những xâu chuỗi biến dạng kỳ dị ở chương ngôn ngữ tỷ hiệu).

              Đó là danh từ mà người Âu châu ghi theo ngôn ngữ của dân tồn tại quanh đó ngày nay, như dân Népal chẳng hạn, dân này, trước khi lai với Ấn Độ, cũng là Mã Lai gốc ở gần đó.

              Thế thì danh tự xưng của họ ban đầu tam âm chớ không nhị âm, bằng chứng là thánh Kinh Phê Đà gọi họ là Mleech’a mà ta có thể phân tách như sau:

              M = Ma
              Lee = Lai
              Cha = Ya

              Chúng tôi biết được những điều ấy do các công trình nghiên cứu khác, còn rời rạc, chưa được tóm lược lại thành hệ thống như đối với dân Lạc ở Trung Hoa.

              Và đó là bọn Mã Lai rời đất tổ trước tiên hơn hết, dưới quyền lãnh đạo của ai thì chỉ còn nhờ các nhà bác học đọc văn tự của họ, ta mới biết được mà thôi.

              Họ có văn tự nhưng chưa đọc được vì chưa ai dè rằng họ là Mã Lai, vì muốn đọc cổ ngữ biết ngôn ngữ của kẻ viết chữ.

              Nếu quyển sách này mà tới tay các nhà bác học đang cất giữ văn tự đó thì họ sẽ học tiếng Mã Lai và sẽ đọc được.

              Từ 6.000 năm trước đây, trở về xưa hơn, đất Ấn Độ không do hai chủng tộc ngày nay làm chủ. Chủ đất là những thứ dân da đen rất kém cỏi, mà chỉ có một chủng là văn minh hơn cả, đó là Mê-la-nê.

              Dân Mã Lai, từ quanh Cao nguyên Tây Tạng tràn tới chiếm đất đó, làm bá chủ, và đẩy lui bọn da đen lên núi rừng nhưng cho đến nay (1970) bọn da đen ấy vẫn cứ tồn tại (chủ trương diệt chủng không đứng vững được, trong bất kỳ trường hợp, thời đại nào).

              Bọn Mã Lai đó di cư thẳng từ chơn Cao nguyên Tây Tạng, chớ không phải là một nhóm Cửu Lê ở Hoa Bắc chạy tới đó qua ngả Ba Thục, vì Cửu Lê một ngàn năm sau mới xuất hiện tại Hoa Bắc.

              Địa bàn phát tích của họ là vùng chơn núi HiMalaya.

              Các dân thổ trước kém cỏi chạy lên núi rừng hết, nhưng dân Mê-la-nê khá văn minh nên ở lại hợp chủng với Mã Lai. Hoá ra Mã Lai ở Ấn Độ phải đen da.

              Bọn Mã Lai bị đen da ấy định cư ở đó có 500 năm là đã lập ra một nền văn minh rực rỡ mà các nhà khảo tiền sử chỉ mới khám phá ra đây thôi.

              Nền văn minh của họ tồn tại được lối một ngàn năm thì họ bị dân da trắng xâm lăng. Đó là dân Aryen.

              Họ truyền màu da đen của họ sang bọn Aryen cho tới ngày nay, nhưng họ vẫn còn đông đến một trăm triệu.

              Đây là những bằng chứng Mã Lai đã làm chủ toàn cõi Ấn Độ, trước khi chủng da trắng Aryen đến.

              Trước hết ta nên hình dung ra nước Ấn Độ. Đó là một hình tam giác mà một mũi nhọn chĩa thẳng xuống hướng Nam.

              Ở các góc của hình tam giác ấy, ngày nay các nhà ngôn ngữ học, các nhà chủng tộc học, các nhà dân tộc học đều tìm thấy dân Mã Lai thuần chủng.

              Ở phía cực Tây, tại biên giới Ấn Độ – Ba Tư (nay thuộc quốc gia Pakistan, từ ngay Ấn Độ tách ra làm hai), còn một nhóm thiểu số tên là nhóm Brahouis. Tại phía cực Nam, nay là tiểu bang Madras, còn một nhóm thiểu số tên là nhóm Nilgiri. Tại cực Đông còn một nhóm thiểu số tên là nhóm Naga, thuộc tiểu bang Assam.

              Nói là thiểu số nhưng riêng nhóm Naga đông cũng bằng toàn dân số ở Trung Việt, và khi Ấn Độ thu hồi độc lập thì họ nổi lên đánh du kích và cũng đòi độc lập. Họ đánh quá dữ, nên ông Nê Rư phải cho họ tự trị trong liên hiệp Ấn, nhưng họ từ chối cho đến năm 1965 thì hai bên đã không còn liên lạc ngoại giao với nhau nữa và nay không biết thế nào. Cũng nên biết là Trung Hoa đã thò tay tới đó và đã lập ra một hội tên là Hội bạn của người Naga, và tương lai của dân Naga chắc không xán lạn lắm như họ muốn, mặc dầu họ đã có “bạn”.

              Ba nhóm thiểu số đó là Mã Lai thuần chủng. Nhưng một nhà bác học, ông Przyluski, lại tìm được dấu vết của một nhóm Mã Lai thuần chủng ở ngay trung ương Ấn Độ, đó là nhóm Salva, thờ mặt trời và nai y như dân Đông Sơn.

              Sự kiện ở cả ba góc và ở trung ương đều có mặt họ, mỗi góc cách xa nhau hơn ba ngàn cây số, chứng tỏ rằng hồi thái cổ, họ làm chủ cả Ấn Độ, chớ không phải là họ chỉ làm chủ của bốn xó ấy mà thôi.

              Dân Mã Lai chủ đất Trung Hoa lập ra nhiều quốc gia có địa bàn liên tục, thì không có lý nào di cư sang Ấn Độ lại ở cách xa nhau trên ba ngàn cây số, để chỗ trống ở giữa các nhóm cho các chủng tộc khác.

              Vả lại, người Aryen, tức người Ấn ngày nay, viết sử cho biết rằng khi họ xâm nhập Ấn Độ thì họ gặp toàn là thứ người đó mà họ gọi là Mleech’a, ở đâu cũng do thứ người đó làm chủ, trên toàn cõi Ấn Độ (theo Kinh Phệ Đà).

              Mleech’a chỉ là phiên âm của danh tự xưng của dân Mã Lai, và quả thật thế, chúng ta sẽ thấy nhóm nữa, tự xưng là Malaya’am từ 6.000 năm rồi và cho đến ngày nay họ vẫn còn tự xưng như vậy.

              Chúng ta đã thấy Tàu gọi dân số đó là Lỉ, là Li,Lai, cũng tức là phiên âm danh tự xưng Mã Lai, chỉ có điều là phiên âm không đúng hẳn vào hai lần đầu mà chỉ đúng ở lần thứ ba vào thời Tây Chu mà thôi.



              *

              Đó là bốn nhóm thuần chủng Mã Lai ở Ấn Độ mà nhà bác học V. Goloubew cho biết rằng họ cất nhà giống nhà khắc ở trống đồng Đông Sơn và có văn minh giống với văn minh Đông Sơn, thuộc chủng cổ Mã Lai.

              Nhưng ngoài bốn nhóm nhỏ ấy các tiểu bang Madras, Kerela và quốc gia Tích Lan cũng là của thứ dân ấy, nhưng đã bị Ấn hoá và hiện còn đang lai căn với Ấn Độ cho tới ngày nay mà sự hợp chủng chưa dứt, và họ còn đông tới 100 triệu.

              Nhận xét của ông V. Goloubew đi song song với khám phá của các nhà chủng tộc học, các nhà dân tộc học và các nhà khảo cổ khác, nhứt là các nhà ngôn ngữ học.

              Tất cả họ đều thấy rằng dân Nam Ấn, hiện đông lối một trăm triệu, khác hẳn với chủng Aryen ở Bắc Ấn.

              Bắc Ấn, trước ngày độc lập vẫn chia ra thành nhiều tiểu bang, có ngôn ngữ riêng, nhưng tất cả các ngôn ngữ ấy đều đồng gốc Ấn Âu.

              Còn dân Nam Ấn thì ngôn ngữ khác hẳn. Họ có một thứ ngôn ngữ chung gọi là Nam Phạn (Pali), mà đó chỉ là Bắc Phạn (Sanserit) pha với thổ ngữ để truyền đạo Bà La Môn, còn thổ ngữ thì cứ tồn tại, và khác hẳn ngôn ngữ của chủng Aryen.

              Các thổ ngữ thật của thổ dân Nam Ấn đồng tông với ngôn ngữ của ba nhóm Mã Lai thuần chủng nói trên.

              Hai danh xưng AryenDravidien là danh xưng của khoa chủng tộc học ngày nay dùng để chỉ người Bắc Ấn và người Nam Ấn, chớ vào thời thượng cổ thì chắc chắn là họ phải tự xưng khác.

              Aryen tự xưng là gì không rõ, chỉ biết rằng vào đầu Tây lịch kỷ nguyên họ đã tự xưng là Hindou rồi (đọc là Hạnh Đu).

              Đó là chủng da trắng xâm lược từ phương Tây đến.

              Còn chủng của chủ đất cũ vào thời bị Aryen xâm lăng mà Tây gọi là Dravidien tự xưng là gì? Ta sẽ lần dò để đi đến họ.

              Chủng Aryen xâm lược gọi họ là dân Mleech’a mà ta đã đồng hoá được với Mã Lai như đã nói trên kia.

              Họ tự xưng bằng nhiều tên, tuỳ nhóm, chắc chắn như vậy, nhưng vì họ giống nhau hết thảy, bất kỳ nhóm nào cũng giống nhóm nào, nên hồi thượng cổ chủng Aryen mới dùng danh xưng chung là Mleech’a để gọi tất cả các nhóm, và ngày nay khoa chủng tộc học dùng danh xưng chung là Dravidien cũng để gọi tất cả các nhóm đó.

              Trong các nhóm Mleech’a hiện nay có một nhóm ít bị lai giống và ít thọ lãnh văn hoá Aryen nhứt. Nhóm đó lập thành tiểu bang Kerela và tự xưng là dân Malayalam.

              Không còn ngờ gì nữa hết về cái chủng Dravidien mà nhóm ít chịu ảnh hưởng ngoại lai nhứt lại tự xưng là Malayalam.

              Người của tiểu bang Kerela tự xưng là Malayalam vì như đã nói, họ là nhóm đại diện cho cái khối Dravidien, khối này tan ra thành nhiều chi, tự xưng khác, chỉ có chi gần gốc tổ mới tự xưng theo thời thượng cổ mà thôi.

              Vậy toàn thể dân Ấn thượng cổ trước khi dân Aryen đến đều đồng chủng với nhau mà khoa chủng tộc học gọi là chi Dravidien, nhưng ta lại biết được đại diện của họ ngày nay cứ còn tự xưng là Malayalam, còn dân Aryen thì gọi họ là Mleech'a khi tới xâm lăng họ.

              Chúng tôi vừa nói rằng có tánh cách thuần Mã Lai nhứt, là ba nhóm nhỏ Brahouis, Nilgiri và Naga, còn Kelera có bị lai Aryen chút ít, nhưng chúng tôi cho rằng Kerela đại diện vì ba nhóm thuần chủng nói trên bị thoái hoá, thấy là thuần Mã Lai hơn về phương diện chủng tộc học, nhưng về văn hoá thì chỉ hơn người Thượng chút ít, không đại diện cho chủng Mã Lai Ấn Độ là một chủng đã có một nền văn minh cao hơn cả văn minh của chủng xâm lược Aryen nữa.

              Cái nền văn minh đó hiện nhóm Malayalam còn giữ gần đầy đủ.

              Malayalam có thể hồi xưa không dài đến thế mà chỉ là Malaya mà thôi. Sau vì chịu ảnh hưởng Ấn Âu nên đa âm hoá.

              Ở chương Ngôn ngữ tỷ hiệu, chúng ta sẽ thấy bằng chứng của sự nhị âm của người Mã Lai Nam Dương, nhưng họ chuyển hoá bằng cách tiếp nhánh vì thọ lãnh ảnh hưởng Ấn Âu nên họ đa âm hoá.

              Thí dụ BôngaCái bông,

              nhưng Huê dạng thì là Bôngan tức Bônga + an.

              Ta độc âm vì ảnh hưởng Tàu, nên ta chỉ tạo danh từ kép, còn họ thì đa âm chịu ảnh hưởng Ấn Âu nên từ Mã họ đi đến Malayalam dễ như chơi.

              Có điều chắc chắn là vào cổ thời họ chỉ tự xưng là Malaya mà thôi, bằng vào lối phiên âm của thánh kinh Phệ đà là Mleech'a. Lam có lẽ là tiếp vĩ ngữ mới được thêm sau, để nói cái gì đó mà ta chưa biết.

              Kinh Phệ Đà chỉ được viết trên lá bối trước Tây lịch kỷ nguyên không lâu, nhưng lại chép đúng theo sự học thuộc lòng của các thầy Bà La Môn và nói đến chuyện cũ 5.000 năm, gọi thổ dân ở Ấn mà họ gặp là dân Mleech'a. Thế nghĩa là danh tự xưng Malaya đã có từ 5.000 năm chớ không phải chỉ mới có từ ngày thánh kinh Phệ Đà được ghi trên lá bối.

              Ai cũng biết rằng khi dân da trắng Aryen xâm lăng nước của dân Malayalam thì họ lập ra chế độ giai cấp để phân biệt dân thống trị và dân bị trị. Dân bị trị bị đồng hoá nhiều thì ở giai cấp trên, bị đồng hoá ít, ở giai cấp dưới.

              Có tất cả bốn giai cấp chia ra thành bốn ngàn tiểu giai cấp. Giai cấp thấp nhứt là giai cấp Paria, giai cấp này không được đến gần họ, đụng chạm tới họ.

              Nhưng trong tiểu bang Kerela, ngày nay mà dân còn tự xưng là Malayalam thì giai cấp Paria bị xử tệ nhứt nước Ấn Độ, vì họ còn bị cấm “ngó thấy” người Ấn.

              “Ngó thấy” sẽ phạm tội chết.

              Điều ấy chứng tỏ rằng họ là một thứ dân bị trị ít chịu đồng hoá nhứt nên mới bị bạc đãi đến thế.

              Ba nhóm nhỏ Brahouis, Nilgiri và Naga, vì sống độc lập trong rừng núi nên mới thoát khỏi vòng cương toả của chế độ giai cấp, còn nhóm Kerela thì lưng chừng, chịu để cho đồng hoá, nhưng sự hợp tác rất mong manh, và thường chống đối, nên mới lọt vào hàng rào giai cấp và bị ngược đãi đến thế.

              Chúng tôi nói nhóm Kerela là sai, vì thật ra thì Kerela là tên của tiểu bang ấy hiện nay, được mọi người biết nên nói thế cho dễ hiểu, chớ họ phân chia như thế này về mặt dân tộc:

              Nhóm Malayalam tức Chera ở tiểu bang Kerela;

              Nhóm Pandya ở tiểu bang Medras và đảo Tích Lan;

              Nhóm Chola ở tiểu bang Nam Andha Pradesch.

              Họ tự xưng là Mã Lai là vì đó là tên chủng tộc của họ, chớ không phải thấy sang bắt quàng làm họ với Mã Lai Nam Dương. Dầu sao họ cũng đã bị lai giống và đồng hoá phần nào với Aryen tức là sang hơn dân kém cỏi chỉ mới được khai hoá sau là dân Mã Lai Nam Dương. Nếu họ không có một nền văn minh thật cao như chúng tôi đã ám chỉ khi nãy, thì họ cũng cứ sang hơn Mã Lai Nam Dương nhiều lắm. Vả lại họ tự xưng là Mã Lai nhiều ngàn năm trước khi Ấn Độ tiếp xúc với Mã Lai Nam Dương.

              Mã Lai chủng làm chủ toàn cõi Ấn Độ trên 1.500 năm, vì họ làm chủ từ lối 6.000 năm trước đây nhưng chỉ mới bị chủng da trắng Aryen xâm lăng cách đây có 4.500 năm.

              Thế thì họ di cư khỏi Tây Tạng trước nhóm Mã Lai phía Đông đến hơn một ngàn năm.

              Cả hai cuộc di cư đều đồng nguyên nhơn với nhau là đất quanh Cao nguyên Tây Tạng quá xấu, khí hậu lại quá lạnh. Đó là khí hậu lục địa (climat continental).

              Họ làm gì suốt trên 1.000 năm làm chủ Ấn Độ? Họ đã thiết lập một nền văn minh rất cao, mà các nhà khảo tiền sử chỉ mới khám phá ra đây thôi, nền văn minh cao đó kéo dài lối 900 năm mới bị bọn da trắng diệt đi, tức họ di cư tới địa bàn Ấn Độ có 500 năm là đã từ dã man vượt lên văn minh tột bực, văn minh hơn cả cổ Ai Cập nữa.

              Nước của họ tên gì, không ai biết cả và các nhà khảo cổ ước lượng nó sinh trưởng từ lối 3.500 năm T.K. đến 2000 T.K. thì bị chủng da trắng Aryen từ phương Tây đến, diệt đi.

              Khi mới khai quật được hai thành phố chôn vùi là Harappa và thành Mohenjo Daro, thì các nhà khảo cổ thoạt tiên nghĩ rằng đó là thành phố của dân da trắng, từ Địa Trung Hải đến, tức là dân Aryen.

              Nay xét kỹ lại thì đó là thành phố của chủng Mleech'a, vì họ nghiên cứu lại thánh kinh Phệ Đà của chủng Aryen trong đạo Bà La Môn, thì thấy thánh kinh này nói đến bằng lời lẽ khinh bỉ, một thứ thị dân kia, da đen, mà họ gặp khi họ xâm nhập Ấn Độ, còn chính họ thì du mục, và da trắng.

              Khoa khảo cổ đã làm việc rất nhiều mà không hề đào được thành phố nào khác, mang tánh cách văn hoá khác. Vậy hai thành phố đào được là của chủng Mleech'a đã bị đen da rồi, sau khi hợp chủng với Mê-la-nê-diêng.

              Thánh kinh Phệ Đà của Aryen da trắng nói rõ rằng đó là thị dân, tức dân ở thành phố, và da đen. Còn họ thì da trắng và chưa biết cất nhà.

              Hai thành phố đã khai quật được là thành Harappa và thành Mohenjo Daro, được định tuổi là 3.500 năm, cho thấy một nền văn minh có thể nói là hơn văn minh của Cổ Ai Cập ở nhiều điểm, vì tuy họ chỉ xây cất bằng gạch chớ không biết dùng đá, nhưng họ giỏi cho đến nỗi gạch của họ, bị chôn vùi dưới đất ẩm năm ngàn năm rồi mà không hỏng, cả ở bề mặt ngoài nữa, và họ xây cất cho dân ở, chớ không phải thánh thần như ở Cổ Ai Cập hoặc như chủng xâm lăng da trắng là chủng Aryen, về sau này.

              Thành phố gồm toàn nhà lầu, có đường sá rộng lớn, có ống cống, ống dẫn nước, có cầu xí hầm với bàn ngồi, có chỗ tập trung rác rến. Dân đó biết dùng đồ đồng và có văn tự để lại (nhưng chưa ai đọc được).

              Muốn đọc cổ tự phải biết cổ tự ấy thuộc ngôn ngữ nào. Biết họ là Mã Lai, là chúng tôi, chớ các nhà khảo tiền sử không dè thành thử họ không học tiếng Mã Lai để mà đọc cổ tự đó.

              Có những phương pháp giúp ta đọc cổ tự lạ, khi biết cái ngôn ngữ lạ đó, phương pháp ấy ra đời từ ngày Âu châu bắt đầu tìm đọc cổ tự Ai Cập.

              Nhưng rồi ngày kia họ cũng biết đó là cổ tự của Mleech'a, họ sẽ học tiếng Mã Lai, và sẽ đọc được, và những văn kiện ấy sẽ giúp ta biết nhiều hơn về chủng Mã Lai cổ thời.

              Đã bảo thoạt tiên các nhà khảo cổ Âu Châu ngỡ đó là thành phố của một thứ người da trắng là người Aryen, nhưng lại có chứng tích trong thánh kinh Phệ Đà của người Aryen cho biết rằng chủng da đen đã biết xây cất thành phố rồi, còn Aryen thì chưa biết cất nhà.

              Chứng tích thứ nhì là trong thánh kinh Phệ Đà, không có thần Shiva, còn dân Mleech'a thì có thần ấy từ muôn xưa. Còn nay thì thần Shiva lại đã nghiễm nhiên chiếm địa vị sang trọng trong đạo Bà La Môn của người da trắng Aryen và người da trắng Aryen lại cũng bị đen da từ bốn ngàn năm nay, thì cuộc hợp chủng và hợp văn hoá giữa Mleech'a và Aryen không còn chối cãi được.

              Mà hễ có hợp chủng, hợp văn, hợp tôn giáo thì người da đen Mleech'a đã thắng vậy.

              Đạo Bà La Môn cấm dân xứ ấy kết hôn với dân bị trị, xưa thì thế, nay thì họ chỉ còn cấm các giai cấp Bà La Môn kết hôn với các giai cấp thấp hơn, thì tại sao dân da trắng Aryen lại bị đen da được?

              Hiện tượng này sở dĩ xảy ra vì một kẽ hở của lịnh cấm.

              Nên biết rằng dân da trắng Aryen xâm nhập Ấn Độ từ phía Bắc, dân Mleech'a bị đẩy lùi ra ba góc tam giác Ấn Độ, và tại phương Nam họ chống cự mãnh liệt, người Ấn không bao giờ chiếm được đất phương Nam của họ cả.

              Suốt lịch sử gồm hơn bốn ngàn 500 năm của Ấn Độ, họ có thống nhứt được hai lần, một lần dưới trào Ashoka, vào năm 322 T.K. và một lần dưới trào Akbar vào năm 1556 S.K. nhưng ba nhóm Dravidien lớn là nhóm Cholas, nhóm Cheras và nhóm Pandyas đều thoát khỏi cuộc thống nhứt ấy về mặt chánh trị.

              Họ chỉ bị nhiễm văn hoá Ấn Độ mà thôi, và bị lai giống lần hồi, đến nay vẫn chưa xong cuộc hợp chủng, chớ không hề bị trực trị.

              Sở dĩ hiện nay họ phải nằm trong quốc gia Ấn Độ là vì khi người Anh rút lui thì họ trao trả toàn cõi cho phe của ông Nê Rư, tức trao trả bậy bạ. Rồi thì phe ông Nê Rư dùng sức mạnh để ngăn Malayalam trở về sự độc lập như xưa, nhưng phao lên rằng là ngăn ly khai.

              Thuở ấy có bốn nhóm không bằng lòng cuộc trao trả kỳ dị như vậy và đòi độc lập:
            1. Nhóm Tích Lan. Đối với nhóm này thì ông Nê Rư nhượng bộ vì họ ở ngoài đảo mà ông ta thì không có tàu bè gì hết.
            2. Nhóm Naga, ông Nê Ru không nhượng bộ. Nhưng quân đội của ông ta đánh mãi mà không thắng được bọn ấy nên ông ta lờ đi.
            3. Nhóm Hyderabad. Nhóm này đã lai Ấn Độ rất đậm, nhưng họ đã lập quốc riêng từ 4 ngàn năm rồi, nên họ ly khai. Ở đây thì mới gọi được là ly khai vì Hyderabad giống hệt như nước Sở của Tàu, một quốc gia lai giống và đã hùng cường, và cũng ly khai từ ngày xưa. Ông Nê Rư đã xua quân đánh nhóm Hyderabad. Vì nhóm ấy nằm trong ruột của Ấn Độ, tức yếu thế nên phải bại trận.
            4. Nhóm Nam Ấn thấy Hyderabad mạnh hơn mà vẫn thua, nên không dám rục rịch. Nhưng sau đó khi ông Nê Rư lấy phương ngữ Hindi làm thừa ngữ cho toàn quốc, bỏ ngôn ngữ 5 ngàn năm của họ, đã sản xuất được bốn nền văn chương khá rực rỡ, nền văn chương Tamoul, nền văn chương Télégu, nền văn chương Kanara, và nền văn chương Malayalam thì họ bạo động đổ máu, khiến người thừa kế của ông Nê Rư huy động quân đội xuống để “dẹp loạn”.
                Xin trở lại khe hở nói trên, tồn tại đến ngày nay, nhờ thế mà người ta mới biết được một sự thật về lịch sử và về chủng tộc quan trọng.

                Số là ở Nam Ấn, vì lý do không đánh chiếm được, nên dân Aryen đổi chiến lược, gởi các thầy Bà La Môn xuống giảng đạo để làm cán bộ xâm lăng chậm chạp và trá hình, còn các giai cấp khác thì không được xuống đó.

                Các thầy Bà La Môn giảng đạo thành công rồi thì lại cũng bày trò giai cấp và cũng cứ các thầy làm giai cấp hạng nhứt.

                Vua chúa và quan lại của chủng Mã Lai Dravidien thì bị đẩy xuống làm giai cấp hạng nhì y như ở Bắc Ấn, mà vua chúa cũng chỉ thuộc giai cấp hạng nhì như chiến sĩ.

                Dĩ nhiên là cuộc kết hôn giữa giai cấp này và giai cấp khác bị cấm hẳn (cả ở Bắc Ấn mà giai cấp hạng nhì, cũng thuộc chủng da trắng Aryen mà cũng bị cấm kết hôn với giai cấp hạng nhứt Bà La Môn, trừ vua. Ở Nam Ấn thì giai cấp hạng nhì trở xuống, toàn là người bổn xứ thì càng cấm ngặt hơn nữa).

                Con trai thứ của giai cấp Bà La Môn lại bị cấm cưới vợ (bất kỳ cưới ai) vì lý do kinh tế. Họ sợ đất ruộng của gia tài bị chia manh xẻ mún. Để giải quyết vấn đề sinh lý, con trai thì được xã hội làm ngơ để cho tư tình hoặc hiếp dâm con gái của các giai cấp dưới.

                Nhưng những đứa con lai thì lại được xã hội nhìn nhận và cho vào các giai cấp trung gian. Đó là chứng tích của sự đen da của chủng da trắng Aryen bị bắt gặp ngày nay tại Kerela, nơi mà cuộc hợp chủng chưa hoàn thành, dân Mã Lai thuần chủng còn rất đông.

                Tình hình ở Ấn Độ giống hệt tình hình ở Trung Hoa, chỉ có khác là chủng Aryen không đồng hoá được chủng Mleech'a như chủng Hoa đã đồng hoá được chủng Việt ở Hoa Nam vì người Aryen kỳ thị hơn người Trung Hoa, mà cũng vì những dịp thống nhứt xứ sở của họ rất là mạng yểu. Trung Hoa đã thống nhứt được từ đời Tần, Ấn Độ cũng vậy, nhưng nền thống nhứt của Trung Hoa liên tục, thỉnh thoảng mới có phân ly vài mươi năm như dưới các thời Lục Triều, Ngũ Đại, Tam Quốc, còn Ấn Độ thì không bao giờ thống nhứt được trên 300 năm.

                Ở Bắc Ấn, thiên hạ đã đen hết cả rồi, nên không ai còn làm sao mà hiểu được nguyên nhơn đen da của chủng da trắng Aryen, nhưng ở Kerela thì chủng Mã Lai Dravidien còn đang hợp chủng với giai cấp Bà La Môn, giai cấp này, ở Kerela còn một số người da trắng, và vì còn cái tục là cấm con trai cưới vợ nhưng cho phép tư tình và hiếp dâm con gái giai cấp dưới, nên người ta mới khám phá được hiện tượng trắng thành đen của chủng Aryen.

                Hiện nay ở Ấn Độ, chính trong giai cấp Bà La Môn mà cũng chia ra nhiều đẳng cấp, có trên, có dưới, mà giai cấp Bà La Môn ở Kerela lại bảnh nhứt nước Ấn Độ vì họ còn trắng da, như Tây.

                (Xin đừng lầm lẫn giai cấp Bà La Môn Kerela với dân Bombay, dân này cũng trắng da. Nhưng họ không phải là người Ấn. Họ chỉ là dân Ấn, nhưng gốc Ba Tư di cư, cũng thuộc chủng da trắng).

                Tiểu bang Kerela là tiểu bang mà toàn thể dân chúng bị khinh rẻ nhứt nước Ấn Độ, nhưng giai cấp Bà La Môn ở đó lại đứng hàng đầu của phái Bà La Môn Ấn Độ. Có hiện tượng kỳ lạ ấy, vì các thầy Bà La Môn ở Kerela còn một số trắng da, y như Tây, như đã nói, bởi cuộc hợp chủng chưa chấm dứt.

                Tại sao giai cấp Bà La Môn ở Kerela còn trắng da mà ở Bắc Ấn thì đã đen? Vì giai cấp ấy đến Kerela truyền đạo sau rốt hết, chỉ lối 2.500 năm nay mà thôi, nên họ còn giữ được chủng của họ, còn ở Bắc Ấn thì cuộc chung đụng giữa Mleech'a và Aryen đã xảy ra từ quá lâu đời (5.000 năm) không còn ông Bà La Môn nào thoát đen được cả.

                Hiện nay, nhìn vào một bức dư đồ phân phối ngôn ngữ, ta thấy dân Mleech'a Dravidien còn chiếm được tới một phần ba đất đai Ấn Độ với bốn nhóm ngôn ngữ sau đây: Télégu, Kannara, Tamoul và Malayalam. Ngôn ngữ Tamoul chiếm hết phân nửa khác, dân Tích Lan nói tiếng Bắc Âu Aryen sai bậy đến nát bét hết.

                Đã bảo trừ giai cấp Bà La Môn có xuống Nam Ấn truyền đạo, còn giai cấp khác thì không nhưng sao lại có bọn nói tiếng Bắc Ấn này? Đó là phu trồng trà do người Ăng Lê đưa xuống khi họ chiếm Tích Lan vốn là Mã Lai. Người Ấn Độ siêng năng hơn người Tích Lan vốn là Mã Lai, nên Ăng Lê đã dùng phu người Ấn và hiện họ chiếm 50% dân số ở Tích Lan.

                (Từ ngày thu hồi độc lập, chánh phủ Tích Lan đã đuổi người Ấn về Ấn, nhưng chánh phủ Ấn lại không nhận dân bị đuổi thành thử dân Ấn ở đó không có quốc tịch vì dân Tích Lan không cho họ vào quốc tịch Tích Lan).

                Tình trạng của chủng Dravidien y hệt như Việt Nam, tức phải chịu văn hoá Ấn Độ, như ta phải chịu văn hoá Tàu, nhưng giữ được ngôn ngữ. Có khác là họ đã bị nước Ấn Độ của ông Nê Rư thôn tính họ, sau hàng ngàn năm họ độc lập, còn ta thì nay độc lập, sau một ngàn năm bị trị.

                Nhưng người ta tiên liệu rằng thế nào rồi họ cũng tách rời ra. Khi một trăm triệu người và khi 1/3 đất đai và dân số muốn ly khai thì rất khó giữ họ lại trong một nền thống nhứt nhị chủng mà chủng lép vế lại chưa bị đồng hoá hẳn.

                Hồi đồng chủng với Ấn, thế mà vẫn còn đòi ly khai vì tôn giáo thì Nam Ấn không có lý do không ly khai vì họ khác chủng.

                Sự kỳ thị chủng tộc kể từ ngày ông Nê Rư cầm quyền, nổi bật lên rõ rệt và được tiếp tục cho đến ngày nay.

                Số là thâu thuế thì các tiểu bang thâu đều và đóng đều cho ngân sách trung ương, rồi trung ương trợ cấp lại cho các tiểu bang để họ chi dụng.

                Nhưng hễ tiểu bang nào thuộc chủng Malayalam thì bị nhận trợ cấp thấp hơn nhu cầu rất xa, khiến dân phải đói. Tại tiểu bang Kerela, dân chúng mộ đạo nhứt nước Ấn Độ, vậy mà có mấy năm họ quá đói nên họ bỏ thăm cử cộng sản lên nắm quyền của tiểu bang.

                Ông Nê Rư không biết làm sao giải quyết, bèn bắt bọn dân cử ấy mà hạ ngục hết ráo.

                Khi mà lãnh đạo Ấn thực thi chánh sách kỳ thị chủng tộc như vậy thì Mã Lai Ấn Độ tất nhiên phải ly khai khi nào có dịp thuận tiện, và nước Ấn Độ, đã bị lai với Mã Lai rồi, sao cứ còn kỳ thị với Mã Lai thì cũng lạ.

                Đạo Bà La Môn là một tôn giáo mềm dẻo, chấp nhận cả thần thánh của các tôn giáo khác để tồn tại và lãnh đạo họ trong một cuộc hỗ tương nhượng bộ. Thế nên ngày nay ta mới thấy đạo Bà La Môn thờ thần Shiva, thờ dương vật và âm vật, đó là thần thánh của chủng Mã Lai, tồn tại cả trong xã hội Việt Nam ngày nay nữa chớ không riêng gì ở các xã hội theo văn hoá Ấn Độ. Đạo Bà La Môn nguyên thỉ không có thần Shiva cũng không có thờ âm vật, dương vật.

                Ca dao và tục ngữ của dân ta đầy dẫy những câu hát tục tĩu và ở nhiều làng còn thờ dâm thần, còn múa mo, âm vật và dương vật được thay bằng cái mo và cây tre, còn gọi con trai là Chày, con gái là Sọt, y hệt như các tiệm tạp hoá ở Ấn Độ bán chày và cối cho dân chúng mua về thờ, còn có đám rước âm vật (làng Đồng Kỵ), còn chơi trò tranh giành Nõn Nường mà dân miền Trung gọi là Lỗ Lường.

                Người ta cứ ngộ nhận đó là tục của tù binh Chàm bị Việt hoá, nhưng không phải thế, những trò ấy xảy ra ngay tại Bắc Ninh và Phú Thọ, trung tâm văn hoá Lạc Việt, tù binh Chàm chỉ được cho định cư ở các làng quê hẻo lánh để khẩn hoang, chớ đâu được ở Bắc Ninh, Phú Thọ.

                Chúng tôi nói rằng Thái cũng là Mã Lai và tục Ném Còn của họ cũng chỉ là dương vật và âm vật mà thôi.

                Trong một đám cưới, ông mai phải cầm trái Còn (dương vật) ném cho lọt vào một cái vòng tre bằng giấy mỏng tượng trưng âm vật còn màng trinh, ném lọt vào được thì đám cưới mới cử hành được. Rồi sau đó thì trai gái trong làng liền tiếp theo chơi cái trò chơi ấy, không còn tánh cách tôn giáo như khi nãy nữa, nhưng cũng cứ là những hành động chúc lành cho đám cưới.

                Ta sẽ thấy tôn giáo đồng bóng ở một chương khác, có mặt khắp Đông Nam Á, cũng mang tánh cách đó của chủng Mã Lai, mà Tây phương gọi là tôn giáo Phiền thực (Religion de la fécondité) không bao giờ có trong thánh kinh Phệ Đà.

                Hiện tại, người ta thấy xã hội Mã Lai Kerela quá giống xã hội Mã Lai Chàm.

                Chàm có câu ca dao:

                Đàn ông đi đánh giặc
                Đàn bà đi săn sóc con cái

                Dân Kerela cũng có một câu ca dao y hệt như vậy và dân Kerela vẫn cứ còn theo mẫu hệ, mặc dầu họ trí thức nhứt trong nước Ấn Độ ngày nay. Ở tiểu bang đó, số người mù chữ thấp nhứt nước tức họ giỏi hơn cả chủng Aryen nữa.

                Người Chàm tôn trọng chiến sĩ, người Kerela cũng tôn trọng chiến sĩ. Giai cấp chiến sĩ, thuần chủng Malayalam, chỉ kém có giai cấp Bà La Môn là giai cấp Ấn Độ thống trị mà thôi, ngoài ra họ đứng đầu tất cả mọi giai cấp khác.

                Nhưng dân Kerela lại không hề có đi chinh phục Chàm bao giờ cả. Họ cũng chẳng có đi khai hoá Chàm. Đó là công việc của một nhóm Ấn khác.

                Sự giống nhau ấy là do họ đồng chủng, đồng văn hoá với nhau, tự nhiên mà giống chớ không phải vay mượn. Đành rằng về sau Chàm theo Ấn, nhưng họ đã giống Nam Ấn sẵn rồi, thì sau đó mới theo văn hoá Ấn.

                Các sử gia Pháp viết sử Chiêm Thành đều nói rằng sau Phạm Văn vài đời thì người của nước Lâm Ấp do dự giữa văn hoá Trung Hoa và văn hoá Ấn Độ. Phạm Văn đã đưa văn hoá Trung Hoa vào nước Lâm Ấp rồi, từ vài trăm năm trước đó.

                (Họ do dự được là nhờ độc lập; chớ không bị trị như ta).

                Nhưng rốt cuộc thì họ chọn văn hoá Ấn Độ.

                Các sử gia Pháp không cắt nghĩa được sự chọn lựa kỳ dị ấy bao giờ, kỳ dị vì Chàm đã trót theo văn hoá Trung Hoa rồi, và thấy văn hoá Tàu là cao.

                Nhượng Tống làm ta có thể hiểu rằng vì văn hoá Ấn Độ thời đó đã mang nặng nhiều yếu tố Mã Lai rồi, mà những yếu tố Mã Lai thì gần gũi với tâm hồn người Chàm, Chàm vốn là Mã Lai.

                Tại sao tất cả bao nhiêu thứ dân ấy đều đồng ngôn, đồng sọ, mà chúng tôi không gọi chủng đó là chủng Nhựt Bổn, chủng Thục, chủng Âu hay chủng Thái, hoặc chủng Tạng như Tàu đã gọi, mà lại gọi là chủng Mã Lai, tức lấy Mã Lai làm căn bản?

                Là tại tất cả những danh xưng ấy đều chỉ cổ có lối hai ba ngàn năm, còn danh xưng Mleech'aMalayalam thì cổ đến 5.000 năm, tức danh xưng Mã Lai có trước nhứt.

                Lại thấy rằng tất cả bao nhiêu ngôn ngữ trên kia đều bắt nguồn từ Tạng ngữ (xin xem Ngôn ngữ tỷ hiệu), và nhiều dân tộc như Khuyển Nhung, Miến Điện, Cao Miên thì rõ ràng xuất phát từ chơn Cao nguyên Tây Tạng mà họ cũng nói tiếng Mã Lai, ta có thể kết luận rằng Mã Lai chủng xuất phát từ chơn Cao nguyên Tây Tạng, trái hẳn với các sách xưa cho rằng họ xuất phát từ Nam Dương.

                Tại sao lại không nói người Tây Tạng là dân Mleech'a hay dân Việt di cư đến Tây Tạng mà lại nói dân nào cũng từ Tây Tạng xuất phát ra? Vì Tây Tạng là một Cao nguyên khô cằn nhứt trong các địa bàn Mã Lai, đất đai còn xấu hơn đất Ninh Thuận của ta nữa, thì không có dân nào lại dại mà di cư đến Tây Tạng.

                Tuy nói thế chớ những dân di cư túa ra khắp nơi chỉ là dân sống chung quanh Cao nguyên Tây Tạng chớ không phải là dân của chính Cao nguyên Tây Tạng, như ta sẽ thấy ở các chương khác. Nhưng những vùng đất ở quanh Cao nguyên Tây Tạng cũng chỉ là đất rất xấu.

                Tới đây, ta không còn phải khó chịu nữa khi nghe ông G. Cocdès gọi người Thượng ở Cao nguyên khi thì bằng danh xưng cổ Mã Lai, khi thì bằng danh xưng Dravidien.

                Ông G. Cocdès không bao giờ giải thích tại sao ông dùng danh từ quá xô bồ như vậy, nhưng rõ ra thì Dravidien Nam Ấn và Thượng là một, tức đồng chủng Cổ Mã Lai với nhau.

                Ông G. Cocdès đã bác bỏ các nhà ngôn ngữ học, họ cho rằng người Thượng là người Cao Miên.

                Không, ngôn ngữ căn bản của người Thượng là Mã Lai ngữ, như ta sẽ thấy, họ chỉ có một số danh từ giống Cao Miên vì sự gần gũi với một dân tộc văn minh hơn họ mà thôi.

                Nhưng người Cao Miên cũng chỉ là Mã Lai như ta đã thấy thì không thể nói Thượng là phụ chủng của Cao Miên được. Tất cả đều là phụ chủng Mã Lai.

                Cũng đừng nên lẫn lộn hai đợt di cư của Mã Lai đi Ấn Độ, nó khác hẳn hai đợt di cư từ Hoa Bắc về thời điểm.

                Khi bọn Mã Lai đợt I di cư sang Ấn Độ thì Mã Lai đợt I ở Hoa Bắc chưa di cư, mà có lẽ cũng chưa tràn sang Hoa Bắc nữa, bằng vào sự vắng bóng dấu vết của họ tại Hoa Bắc.

                Còn trong đợt Mã Lai I di cư từ Hoa Bắc, có một nhóm cũng đi Ấn Độ, nhưng chỉ đến Đông Ấn rồi lại lộn sang Đông phương. Vì sao? Vì họ thấy nơi đó đồng bào của họ đang bị chủng Aryen xâm lăng và đánh đuổi, nên họ không ở lại làm gì để phải chịu số phận của đám Dravidien đó.

                Hoá ra đợt I Trung Hoa tức là đợt I Ấn Độ.

                Còn đợt II Trung Hoa thì không bao giờ có đi Ấn Độ cả, có lẽ vì họ đã biết tin tức là người đồng chủng của họ đã hoàn toàn đại bại và bị đẩy lùi xuống Nam Ấn tất cả rồi.

                Chỉ còn một điểm không ai biết cả là Mã Lai nằm sẵn lại Hoa Nam có di cư cùng lúc với bọn Mã Lai sang Ấn Độ hay là không.

                Ta có linh cảm mà không có chứng tích là họ đi Ấn Độ và đi Hoa Nam đồng lúc với nhau, nhưng họ là hai chi khác nhau chớ không phải một. Linh cảm ở điểm thứ nhì hơi vững hơn.

                Ta đã thấy rằng dân nước Sở nói tiếng Mã Lai Nam Dương.

                Mặt khác dân Mã Lai Hoa Bắc đợt I đi Ấn Độ hẳn phải đi tìm bọn đồng ngôn. Thế thì Dravidien là một thứ người với Mã Lai Hoa Bắc.

                Tuy cả hai thứ đều là Mã Lai, đều có một số danh từ chung nhưng vẫn có một số danh từ riêng và bọn nói Chơn phải đi theo bọn nói Chơn, tức Dravidien và Mã Lai Hoa Bắc nói Chơn, Hoa Nam và Nam Dương nói Cẳng.

                Chính vì hai thứ Mã Lai đó khác nhau nên khi rời gốc tổ là HiMalaya một đàng sang Tây, một đàng sang Đông. Vậy là bọn gọi là đợt II ở Hoa Nam di cư đến Trung Hoa trước bọn đợt II, và đồng lúc với bọn đi Ấn Độ.

                Nhưng ở Trung Hoa họ không văn minh cao như ở Ấn Độ.

                Ta cần xét lại thuyết của giáo sư Kim Định lần cuối cùng bằng cách nghiên cứu hẳn chủng Miêu, coi chủng ấy có dính dáng gì đến chủng Việt chăng để ông đặt tên là Viêm và định nghĩa rằng:

                Viêm = Miêu + Việt, và Tàu Hoa Bắc = X + Miêu + Việt

                Cũng trong dịp này, ta có thể bác bỏ luôn ông Lê Chí Thiệp và ông Nguyễn Bạt Tuỵ về nguồn gốc của dân ta.

                Miêu không phải là một dân tộc mà là một chủng rất lớn có mặt ở khắp nơi trên đất Tàu, nhưng không có mặt ở đâu nữa hết, trừ các nhóm di cư đến thượng du Bắc Việt và Bắc Ai Lao cách đây mấy trăm năm.

                Giáo sư Kim Định cho rằng một chủng tộc tên là Viêm = Việt + Miêu.

                Chúng tôi ngạc nhiên lắm mà thấy các nhà học giả ta cãi nhau lung tung về các chủng tộc, nhưng không hề có ai dùng chứng tích chỉ số sọ cả, mà đó là chứng tích độc nhứt không thể chối cãi được. Có lẽ vì tài liệu khó tìm, có thể có vị không biết rằng tất cả các chủng tộc ở Á Đông đều được đo sọ cả rồi nữa cũng nên.

                Ngoài cái vụ Viêm tộc không hề có, nhiều nhà trí thức khác cũng nói người Miêu, người Dao là người Việt.

                Ông Lê Chí Thiệp cũng đã dựa vào cổ sử Trung Hoa để chủ trương như vậy, trong khi chúng tôi đã nói nhiều lần rằng chỉ có khoa chủng tộc học mới là đưa tới kết quả không sai lầm mà thôi. Khoa này chứng minh rằng Miêu và Dao đồng chủng với nhau và khác Việt, còn ông Lê Chí Thiệp thì lại nói Dao và Việt là một. Ông Lê dựa vào cổ sử Trung Hoa, cổ sử ấy cho biết rằng người Dao búi tóc, ông chủ trương rằng họ là người Giao Chỉ, chủ trương đó cần được soát lại. Cái búi tóc chỉ là yếu tố văn hoá, dân này có thể vay mượn của dân khác. Ngôn ngữ học và việc đo sọ mới là cái gì có tánh cách vững chắc.

                Một bức ảnh trong chương này cho thấy người Dravidien ở Nam Ấn búi tóc y hệt như các cụ V.N. Ở chương Mã Lai chủng, chúng tôi có trình ra chứng tích rằng Dravidien là Mã Lai đấy, nhưng không phải từ Trung Hoa mà đến Ấn Độ. Thế là có rất nhiều nhóm Mã Lai búi tóc chớ không riêng gì dân Dao và dân Việt.

                Có hai thứ người Dao mà Trung Hoa viết khác nhau, nên các tự điển ta cũng viết khác nhau: Dao và Giao.

                Dao, Tàu viết với bộ Khuyển và chữ Miêu (và gần đây họ thay bộ Khuyển trịch thượng đời xưa bằng bộ Ngọc (hay Vương). Dao đó thuộc Miêu tộc, có một số có di cư đến thượng du Bắc Việt mà ta gọi là Mán này, Mán nọ.

                Thiếu phụ Mạ ở buôn CAMOUNG đang dệt vải. Có sọ Mã Lai và ngôn ngữ Mã Lai, tuyệt đối không phải Cao Miên như sách Tây đã viết. Người này xinh như một thiếu phụ Việt có nhan sắc bực trung, còn phụ nữ Cao Miên thì xấu xí hơn nhiều.

                ẢNH ĐỐI DIỆN. Một buổi họp việc làng ở Nam Ấn Độ sau ngày độc lập. Người Nam Ấn thuộc chủng Dravidien, tức chủng Mã Lai đã bị lai giống với Ấn Độ một phần. Xin đặc biệt chú ý đến hai búi tóc của hai cụ bô lão, y hệt như búi tóc Việt Nam. Có hàng chục nhóm Bách Việt để búi tóc và búi tóc không phải là biệt sắc cần theo dõi.

                Còn Giao thì viết ba cách:
                1. Giao, như giao thiệp, đó là chữ dùng cho Giao Chỉ, v.v.
                2. Bộ Trùng, đó là dân Giao của quyển Sơn Hải Kinh, thứ dân sợ con giao long, nhưng sách đó không cho biết dân đó ở đâu một cách đích xác.
                3. Bộ Ngư, đó là dân Giao cũng cứ của Sơn Hải Kinh, chỉ một thứ dân nửa cá nửa người, sống dưới đáy biển, trồi lên buôn bán với người và khóc ra những giọt lệ biến thành hạt trai.

                Cả hai thứ Giao đó, đều không còn, không thấy ghi trong các sách địa lý của Trung Hoa ngày nay, có lẽ vì không bao giờ có họ.

                Và chính dân Giao ấy không búi tóc mà phải xén tóc ngắn, cả hai đều sống dưới nước, nếu quả có họ.

                Ông Lê Chí Thiệp viết với chữ D thì tức là nói đến người Dao hiện còn mà ta gọi là các thứ Mán.

                Thật thế, ông lại đưa chứng tích ngôn ngữ thì chắc chắn là xem hai chủng khác nhau thì bốn đơn vị có là dấu vết của sự lai căn được chăng? Hẳn là không.

                Đó là về nhơn thể tính. Ta thử xét qua các điểm khác có thể xem là tương đồng Hoa Miêu (Hoa Miêu chớ Việt Miêu thì tuyệt đối không có điểm tương đồng nào cả).

                Họ có một huyền thoại về nguồn gốc của họ, giống của Trung Hoa, nhưng xét ra thì họ chỉ vay mượn để chưởi dân Trung Hoa mà họ căm thù.

                Nên nhớ rằng vật tổ của dân Mông Cổ là con chó sói.

                Hậu duệ của Mông Cổ là người Tần cổ sơ cũng thờ vật tổ là con chó Đại bản, tuy chỉ là con chó thường, nhưng nặn tượng bằng đất, họ để con chó ấy ngồi đưa mõm lên trời trông giống con chó sói đang tru.

                Nhưng từ đời Hán đến giờ thì họ không thờ nữa, con chó Đại bản chỉ còn là vật trang trí bằng đất tráng men gắn trên nóc nhà hay đặt trước sân các đền, miếu mà thôi.

                Người Miêu mượn chó Đại bản để thờ nhưng kể sự tích như thế này:

                Vua Trung Hoa đánh giặc mãi mà cứ thua hoài, bèn rao lên rằng ai mà lui giặc được thì gả công chúa cho, và chia cho nửa nước.

                Con chó Đại bản tới xin quân dẹp giặc và thành công.

                Vua Tàu bèn thí công chúa cho nó, còn nước thì ông ta ăn gian, thay vì chia phân nửa trên mặt đất, ông ta lại chia phân nửa trên không trung, thế nên ngày nay người Miêu chỉ ở trên núi, còn người Tàu thì ở đồng bằng.

                Như đã nói, xưa kia Miêu và Lạc làm chủ nước Tàu, trước khi người Tàu đến. Nhưng thay vì di cư như chủng Việt, họ rút lên núi mà sống từ năm ngàn năm nay, cho đến nỗi lối sống đó biến thành phản ứng sinh lý nơi họ, ngày nay họ xuống đồng bằng là mắc bệnh tức thì.

                Thấy rõ rằng họ không có chung vật tổ thật sự mà Miêu chỉ mượn vật tổ để chưởi Tàu cướp đất và có con gái gả cho chó.

                Họ không có nét Mông Cổ nào hết để nghĩ rằng sở dĩ họ thờ chó vì họ cũng có lai giống với Mông Cổ.

                Chưa ai cắt nghĩa được nguồn gốc, ý nghĩa của danh xưng Miêu một cách ổn thoả cả. Thuyết cho rằng ngôn ngữ Miêu giống tiếng mèo kêu, thuyết ấy bị Guy Moréchaud bác bỏ rất có lý rằng chính tiếng Tàu giọng Hoa Nam mới có 6 thanh còn tiếng Miêu thì chỉ có hai thanh thì lẽ ra người Miêu phải gọi Trung Hoa là Mèo mới đúng.

                Ông P. Le Convreur có thử giải thích ý nghĩa của danh xưng Miêu bằng vào tự dạng, Thảo đầu và Điền. Ông nói, đó là dân làm ruộng rất dở, không biết làm sạch cỏ trong ruộng, giải thích này phù hợp với quan sát của các nhà dân tộc học Âu châu về người Miêu là mãi cho tới ngày nay họ vẫn trồng trọt dở hơn là chăn nuôi. Và như đã nói, họ khác ta về phản ứng sinh lý nữa chớ không riêng gì về sọ: họ ở trên núi cao được, còn ta và Tàu thì không.

                Chúng tôi đọc nhiều sách cho một vấn đề, một dân tộc, và cho mỗi dân tộc, chúng tôi chọn một quyển làm tài liệu chủ lực. Về chủng Miêu thì chủ lực là quyển “Le chamanisme Hmong” của Guy Moréchand.

                Ông Guy Moréchand ghi chép bằng chữ La-tinh hằng lô những câu đối thoại, những lời khấn vái của họ, nhưng chúng tôi không tìm được danh từ nào hơi giống tiếng Việt như là Chàm đã giống, hay Cao Miên, hay Thái đã giống.

                Về ngôn ngữ, ông Lê Chí Thiệp dựa vào Prozyluski cho rằng ngôn ngữ Miêu cùng nhóm với ngôn ngữ Thái mà Thái ngữ lại giống Việt ngữ, ông Lê Chí Thiệp không có nói ra điều chắc chắn nhưng ta phải hiểu rằng ông ngầm cho Miêu ngữ đồng nhóm với Việt ngữ nhờ trung gian Thái ngữ. Nhưng Guy Moréchand, tác giả quyển Le chamanisme Hmong, quyển sách đồ sộ nhứt về Miêu tộc mà chúng tôi dùng làm tài liệu chủ lực cho chương này thì lại quả quyết rằng Prozyluski đã lầm và ngôn ngữ Miêu, Dao không hề dính líu gì về ngôn ngữ Thái cả. Ông Guy Moréchand vì nghiên cứu tôn giáo Miêu tộc, bắt buộc phải học ngôn ngữ của họ để hiểu những lời khấn vái, và ông làm việc ngay tại Quý Châu địa bàn chung của Miêu và Thái, nên ông lại phải học tiếng Thái vì người Thái có buôn bán, còn người Miêu thì không.

                Thành thử không là nhà ngôn ngữ chánh hiệu, ông vẫn để dành nhiều chương sách cho ngôn ngữ Miêu, Dao, Thái. Hơn thế, ông còn nói rằng Prozyluski đã lầm.

                Ông Lê Chí Thiệp dựa vào Prozyluski nói trên viết: “Không thể cắt nghĩa một cách hợp lý chỗ tương đồng giữa hai ngôn ngữ trên đây (Miêu và Việt Thái) nếu không nhìn nhận sự đồng chủng của hai dân tộc.

                Cái tương đồng mà ông Lê Chí Thiệp nói đến là tương đồng ngữ pháp.

                Ta không kể Guy Moréchand vì ông ấy cũng có thể sai và cứ xem như là ông Lê Chí Thiệp nói đúng, nhưng có một nguyên lý này về ngôn ngữ học áp dụng vào chủng tộc học, là hai dân tộc có ngữ pháp y hệt như nhau, không cứ là đồng chủng mà cho cả đến việc đồng ngữ pháp và ngữ vựng với nhau cũng không cứ là đồng chủng, lịch sử nhân loại đã cho nhiều thí dụ về các dân tộc bỏ ngôn ngữ của mình lấy ngôn ngữ của chủng khác vì áp lực hoặc vì cảm tình như trường hợp Thái Khorat mà chúng tôi đã dẫn ở chương Ngôn ngữ.

                Nhưng sự thật thì Prozyluski đã lầm, hai ngữ vựng Miêu, Dao và Việt, Thái không có trùng hợp với nhau như Việt, Thái, còn thanh thì Miêu chỉ có hai thanh.

                Sau 1945, một nhà bác học Nga có đến Quý Châu để nghiên cứu Miêu Thái. Ông ấy đã xác nhận Guy Moréchand: Prozyluski đã lầm, Thái ngữ và Miêu ngữ không có liên hệ nhau. Vì sống chung nhau họ có vài danh từ giống nhau, nhưng đó chỉ là Thái Quý Châu, còn Thái ở các nơi khác thì không, mà ở Quý Châu cũng chỉ giống nhau có vài chục danh từ mà thôi.

                Vậy xin bác bỏ một lần nữa chủng Viêm của giáo sư Kim Định.

                Trong bài tựa quyển Hành trình vào dân tộc học của giáo sư Lê Văn Hảo, giáo sư Nguyễn Bạt Tuỵ lại gọi dân ta là dân Giao viết với Gi, và ông phân biệt Giao Chợ, tức Việt Nam và Giao Mường, tức người Mường.

                Chủ trương của ông Nguyễn Bạt Tuỵ chắc dựa vào tài liệu Tàu như của ông Lê Chí Thiệp, chỉ có khác là giáo sư họ Nguyễn viết chữ Giao khác hơn.

                Không rõ giáo sư họ Nguyễn lôi kéo ta vào Giao nào. Nhưng dầu sao cũng không phải vào Dao với chữ D nó tả một chi của Miêu tộc.

                Hiện nay người Miêu còn sống dưới chế độ chưa phân công, tức một cá nhơn vừa làm nông nghiệp vừa chăn nuôi, vừa làm thợ mộc, thợ rèn, v.v. Như thế là quá kém, kém hơn cả người Thượng ở Cao nguyên, thì cách đây 5.000 năm, họ không thể là thầy của Tàu được.

                Mấy trang ngắn trên đây, cho ta biết thật đúng về chủng Miêu để cho phép ta gán ghép họ với các chủng khác. Tuy sự khác biệt chỉ số sọ của họ với Trung Hoa chỉ có một đơn vị thì có thể xem họ là một phụ chủng Tàu, nhưng cơ thể của họ lại chẳng có mang yếu tố Mông Gô Lích nào cả, và cơ thể Tàu cũng chẳng có mang yếu tố Miêu nào cả.

                Ngôn ngữ thì như thế đó, tức không có lấy một tiếng Tàu, một tiếng Việt nào cả trong Miêu ngữ.

                Nghiên cứu của ông G. Moréchand không phải là không được các nghiên cứu khác xác nhận và đó là những gì mà ta đã phải biết rõ mà có lẽ Mộng Văn Thông và Chu Cốc Thành cũng đã biết thật rõ.

                Như vậy thì không hề có một chủng tên là Viêm gồm Miêu và Việt được.

                Ở trang 405 giáo sư Kim Định cho rằng chỉ có một chủng mà ba thời đại được gọi tên khác nhau: Viêm là tên thái cổ, Miêu là tên thượng cổ, Việt là tên cổ và tên kim.

                Nhưng cái sọ và ngôn ngữ thì như thế đó, sọ Việt là sọ Mã Lai, ngôn ngữ cũng thế.

                Dân Giao bộ Ngư có thể là dân Hợp Phố bị huyền thoại hoá, mà ta sẽ thấy rằng dân Hợp Phố là Mã Lai đợt II, nói thứ ngôn ngữ của người Nam Dương.

                Còn dân Giao bộ Trùng có thể là dân Việt ở gần Hồ Động Đình, ở đó có con giao long. Dân này cũng đã bị huyền thoại hoá. Nhưng không có tài liệu nào để nối kết nhóm Việt đó với ta hết. Cứ xem Tả Truyện thì biết dưới thời Xuân Thu ở đó có rất nhiều quốc gia Việt thuần chủng.

                Nếu chỉ dựa vào chữ nghĩa thì cả ba chữ Giao đều viết khác nhau, tức cũng chẳng có dây liên hệ nào giữa ba tự dạng đó.

                Vậy Miêu, Dao hay Giao gì cũng phải bị loại ra hết cả, vì Giao có thể không có bao giờ, còn Dao chỉ là Hyao, một chi của Miêu chủng mà ta gọi là Mán, mà Miêu thì lại có cái sọ khác ta đến bốn đơn vị.

                Ở chương tới chúng tôi sẽ trình ra những dấu vết Mã Lai trong xã hội Việt Nam hiện kim mà quan trọng nhứt là sự đối chiếu sọ và ngôn ngữ Mã – Việt – Hoa.

                Nhưng trước khi trình ra những chứng tích khoa học, chúng tôi cũng xin trình ra những chứng tích kém khoa học hơn, những chứng tích gián tiếp mà chúng tôi đã dùng, trước khi tìm được sách đo sọ của nhóm bác sĩ Huard và sách tóm lược kết quả khảo tiền sử ở toàn cõi Á Đông của ông G. Cocdès.

                Những chứng tích gián tiếp ấy, chắc không được khoa học và dân chúng tin bao nhiêu, nhưng nó vẫn đưa chúng tôi đến cái sự thật là Việt = Mã Lai.

                Chúng tôi đã có chứng tích gián tiếp ấy từ lâu rồi, nhưng không dám viết ra thành sách vì biết rằng khoa học và dân chúng không tin bao nhiêu. Nhưng giờ đã nắm được cái gì thật vững hơn, chúng tôi cũng trình ra cái ít vững, để cho thấy rằng khi mà cái ít vững lại rất hữu lý thì nó cũng là sự thật được chớ chẳng không.

                Nếu muốn tìm một câu trong cổ thư Trung Hoa viết rằng:

                Việt = Mã Lai

                chắc không ai tìm được, vì cái lẽ giản dị là câu đó không có trong sách nào hết. Nhưng lại có rất nhiều câu khác đưa ta đến kết luận ấy, và nếu nhà bác học Trung Hoa Lăng Thuấn Thanh không xác nhận rằng Việt thuộc chủng cổ Mã Lai, chúng ta cũng có thể biết được cái chủng của dân Việt như thường.

                Chúng tôi khám phá ra điều này trước khi đọc Lăng Thuấn Thanh, vả lại họ Lăng chỉ khẳng định Việt = Cổ Mã Lai, chớ không chứng minh được mà khẳng định thì bất kỳ ai cũng có thể khẳng định bất kỳ điều gì.

                Khi qua các mê đạo của những sách Tây, Tàu, chúng tôi lượm được những viên ngọc quý sau đây:

                Các sách dân tộc học Âu Mỹ và chính cả người Nhựt cũng xác nhận bằng lời với ta là hiện nay những ông già bà cả của họ còn có người xâm mình, răng nhuộm đen. Đó là tục rất cổ của họ mà lớp tuổi trẻ đã bỏ, y hệt như trong xã hội Việt Nam.

                Quyển sử Nguỵ chí của Trung Hoa (đời Tam quốc) lại tả người Nhựt có tục Văn thân.

                Khoa khảo cổ Nhựt tìm thấy trong những ngôi mộ cổ bên Nhựt, những hình người bằng đất ung, mặc áo cài nút về bên trái (Tả nhậm).

                Như vậy Nhựt Bổn mang đến ba biệt sắc của chủng Việt, là Văn thân, tả nhậm và nhuộm răng đen.

                Trên thế giới chỉ có hai dân tộc là có tục Harakiri, đó là dân của Câu Tiễn và dân Nhựt Bổn.

                Mặt khác, khoa khảo cổ cho biết tánh cách Mã Lai của người Nhật đầu tiên, mà không phải là bất kỳ Mã Lai nào. Hình nhà khắc ở lưng gương đồng cổ thời của người Nhựt giống nhà Đông Sơn.

                Hiện nay người Nhựt cũng còn ở nhà sàn, mà đó không phải là phát minh mới, mà là theo tục cổ của chủng Mã Lai, thấy được trong gương nói trên.

                Người Nhựt cổ thời ở nhà sàn chớ không phải là ở nhà trên lỗ huyệt như các nhà khảo cổ của họ đã lầm. Lối kiến trúc Lập huyệt chi gia mà họ tìm thấy dấu vết, không phải là của dân tộc họ thời thượng cổ, mà của dân tộc khác, có lẽ là của người Aino.

                Nhà bác học Hoà Lan P.V. Van Stein Callenfels lại tìm thấy dấu vết Mã Lai trong vật dụng cổ thời trên đất Nhựt mà chính nhà bác học Nhựt Bổn Matsumoto đã tìm được sự giống nhau giữa Nhựt ngữ và Mã Lai ngữ, và dây liên hệ giữa thần thoại Nhựt và thần thoại Mã Lai.

                Ở một chương sau chúng tôi sẽ cho đối chiếu một mớ danh từ Việt Nam và Nhựt Bổn mà chúng tôi học được ở Sài Gòn. Chúng tôi đã đối chiếu xong một lần ở danh từ .

                Như vậy là có đến sáu bảy cái khoen nối kết giữa Việt, Nhựt và Mã Lai, và ta có thể bằng vào những cái khoen ấy để viết ra tam đoạn luận sau đây:

                Nhựt = Việt
                Nhựt = Mã Lai
                Vậy Việt = Mã Lai

                Ta không thể viết cái tam đoạn luận ấy cho ta, vì ta chưa tìm được dây liên hệ nào hết, trong chương này. Nhưng ta sẽ viết mạnh tay hơn, ở chương khác, vì ta sẽ tìm được nhiều cái khoen nối kết hơn trong xã hội Việt Nam, nhứt là việc đối chiếu sọ.

                Đây chỉ là một sự thoáng thấy của chúng tôi mà chúng tôi không dùng để làm chứng tích lớn.

                Cũng nên biết rằng nhờ độc lập nên người Nhựt họ tự khảo tiền sử và khảo cổ sử của họ, chớ không có nhờ Âu Mỹ như ta. Nhưng thuở họ mới làm công việc ấy, vì chưa thấm nhuần nổi tinh thần khoa học, nên họ làm những công việc ấy rất ngây thơ. Hễ đào được bất kỳ cái gì ở dưới lòng đất, họ đều cho đó là của tổ tiên họ, thí dụ như lối kiến trúc “Lập huyệt chi gia” nói trên đây là một.

                Về cổ sử họ làm cũng rất buồn cười. Nhân loại tiến lên qua nhiều giai đoạn, nhưng không phải dân tộc nào cũng qua đủ cả các giai đoạn, mà có rất nhiều dân tộc đốt bỏ một vài giai đoạn.

                Họ học lịch sử tiến hoá của nhân loại với Âu Mỹ, và tự nhiên trong bài học người dạy phải đưa ra đầy đủ tất cả mọi giai đoạn.

                Thế rồi về nước, viết cổ sử cho họ, họ quả quyết rằng tổ tiên của họ có qua đầy đủ các giai đoạn, đúng y theo những bài học tổng quát mà họ học được.

                Họ lại không biết tổ tiên họ chỉ mới di cư đến Nhựt không lâu, nên họ nói chuyện thời ăn lông ở lỗ của họ tại đất Nhựt, trong khi thời ấy xảy ra tại Hoa Bắc và HiMalaya.

                Những khám phá của ông Matsumoto là những khám phá mới đây mà họ đã thấm nhuần tinh thần khoa học được rồi.

                Trên đây là toán học, nhưng không phải là máy móc vì mỗi yếu tố tam đoạn luận gồm sáu vế, đều đã được chứng minh một cách không thể cãi, và rồi sẽ còn nhiều chứng minh nữa chớ không phải chỉ có bấy nhiêu đó mà thôi.

                Thí dụ, chúng tôi sẽ chứng minh rằng tô-tem của Lạc Việt là Nai chớ không phải là Chim như toàn thể thế giới khoa học đều viết.

                Mà hiện nay, cố đô Nại Lương của Nhựt Bổn rất nổi danh về đạo binh nai thần, mà họ nuôi một cách trịnh trọng y như là người Ấn Độ nuôi bò làm vật tổ.

                Các du khách vừa đến phi trường Đông Kinh là thấy cả một thị trường tượng nai, nai bằng lụa dồn gòn, bằng gỗ, bằng đồng, bằng sơn mài.

                Tại sao bán kỷ vật cho du khách, họ không bán con vật nào khác mà chỉ bán con nai, hoặc thường bán con nai?

                Tất cả những kiểu trang trí ở Nhựt Bổn, nếu không bắt chước Tàu như Rồng, Phượng, Mai, Trúc, v.v. đều là hình nai.

                Thế thì quyển sách của ông G. Cocdès, chúng tôi nói là cần thiết, nhưng không có sách đó, ta cũng đi tới được kết luận:

                Việt = Mã Lai

                như thường.

                Nhưng sự thật đó, chỉ nhờ cổ sử Tàu viết khá rõ, chớ với các dân tộc khác mà Tàu không biết, không nói đến, thì khoa khảo tiền sử vẫn đứng đầu vì cái lưỡi rìu có tay cầm và lưỡi rìu hình chữ nhựt là bằng chứng cụ thể hơn nhiều.

                Hơn thế lại còn sọ Cổ và sọ Kim nữa.

                Khoa khảo tiền sử cho biết có nhiều hơn bất kỳ những ráp nối đối chiếu phiền phức nào, nhưng chúng tôi đã thử làm chơi để đi đến kết luận Việt = Mã Lai, mà không cần khoa đó, hay nói cho đúng, làm trước khi đo sọ, và trước khi tìm được sách đo sọ để khỏi phải tự đo lấy.

                Ngoài ra, còn có một phương pháp nữa mà chúng tôi cũng đã theo, như đã nói, đó là phương pháp mà khoa học đòi hỏi đối với nên văn minh Đông Sơn: tìm những cái khoen trung gian, nối kết Đông Sơn, Lạc Việt xưa và Việt Nam nay.

                Chúng tôi đã tóm, và sẽ trình kết quả ở chương kế tiếp chương này, lấy tên là “Dấu vết Mã Lai trong xã hội Việt ngày nay”.

                Như đã nói, chuyện Đông Sơn là chuyện quá trễ về sau, đối với nguồn gốc tổ tiên ta mà các sử gia ta lại cứ dừng bước tại đó là sai nguyên tắc làm việc. Nhưng khi đã dừng bước tại đó thì cũng nên làm việc cho có khoa học, tức tìm cho được những cái khoen nối kết mà khoa học đòi hỏi.

                Nguồn: Bách Bộc xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản điện tử do talawas thực hiện.
                 
                 
                http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11105&rb=08
                 
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.03.2008 22:43:36 bởi Ngọc Lý >
                #21
                  Ngọc Lý 30.03.2008 06:28:48 (permalink)
                  Bình Nguyên Lộc
                  Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam


                  18/35

                   
                   
                  Cho đến năm 1927 mà giới khoa học còn chưa biết Việt, Mã Lai, Cao Miên và Thái đồng chủng, chớ đừng nói biết họ đồng gốc Mã Lai mà ra. Và cả cho đến nay, cả những nhà bác học không theo dõi các cuộc nghiên cứu cũng không biết rằng Cao Miên, Mã Lai và Việt đồng chủng nữa.

                  Năm 1927, một câu chuyện ngộ nghĩnh xảy ra, làm ngẩn ngơ giới bác học Âu châu làm việc tại “Đông Dương”.

                  Số là người ta tìm thấy, dưới hầm sâu 2th20 của trung điện của ngôi đền Chau Sau Têvoda, thuộc Angkor, một bộ xương của một người đàn bà còn nguyên. Theo ông Parmentier thì người đàn bà ấy không thể sinh ra trước thế kỷ XII, vì ngôi đền chỉ cất vào thế kỷ XII mà thôi. Bà ta cũng không thể là người Cao Miên bởi người Cao Miên hoả táng, thì không thể còn bộ xương nguyên được.

                  Và theo ông Malleret thì người Thái đã cai trị vùng đó cho tới năm 1927.

                  Người ta tạm kết luận rằng đó là một người Thái thường dân đi ăn trộm vàng, bởi các tục của Cao Miên chôn vàng ở hầm trung đường, và chôn một cách vĩnh viễn. Kẻ trộm bị chết vì rủi ro nào đó không biết được.

                  Bà Genet-Varein nghiên cứu sọ của người ấy và thấy rằng người ấy thuộc chủng Mã Lai!!!

                  Giới bác học ngẩn ngơ vì vào năm đó, chủng Mã Lai được đo sọ rồi, còn việc đo sọ của dân Thái thì cho mãi đến năm 1931 mới biết được kết quả. Người ta tự hỏi làm thế nào mà một người Mã Lai xa xôi lại đơn độc vào một ngôi chùa tại một nước xa lạ được, hầu toan ăn trộm vàng, để phải chết vì tai nạn?

                  Chỉ sau 1931 thì ánh sáng mới rọi vào câu chuyện khó hiểu đó, vì người ta khám phá ra rằng sọ Mã Lai, sọ Việt và sọ Thái giống hệt nhau, và kẻ trộm, chỉ là người Thái, mặc dầu y có sọ Mã Lai.



                  *


                  Đây là đặc điểm về nhân thể tính của chủng Mã Lai, nó cắt nghĩa được vấn đề rất khó tiêu hoá cho một số người Việt Nam ta, là nguồn gốc Mã Lai của tổ tiên ta.

                  Ta cứ thấy những Mã Lai sậm màu da, theo văn minh Ấn Độ, có vẻ khác ta, nên khó nhận rằng tổ tiên ta là Mã Lai. Văn hoá biến đổi con người rất kỳ dị như đã nói ở một chương trước.

                  Khía cạnh nhơn thể tính và chủng tộc học kia mới đáng cho ta dùng làm chứng tích.

                  Dưới đây là định nghĩa của nhà nhân thể học, kiêm chủng tộc học H.V. Vallois, thường được trích dẫn ở Âu châu, ông ấy là tác giả quyển “Les races humaines” được xem là quyển sách có uy tín về khảo cứu các chủng tộc: “Chủng tộc Cổ Mã Lai tức Anh Đô Nê-diêng rất đặc biệt ở cái điểm này là những đặc tính vi tế làm cho chủng ấy khác với ba nhóm chủng lớn: đen, vàng và trắng, những đặc tính ấy biểu lộ ra rất mong manh”.

                  Nói nôm na ra thì chủng Mã Lai hơi vừa giống Tàu, lại hơi vừa giống Tây, mà cũng hơi vừa giống các thứ người đen. Nó ở lưng chừng giữa ba chủng kia, không khác biệt nhiều với cả ba chủng ấy như là ba chủng ấy khác biệt với nhau. Một chủng tộc như thế thì nói nó giống với ai cả cũng được cả.

                  Thế nên, các nhà chủng tộc học không ngạc nhiên chút nào mà thấy ở Bắc Sơn và Hoà Bình sọ người Cổ Mã Lai nằm chung với sọ da đen, với sọ người Mông Gô Lích, v.v. Chủng Mã Lai có khuynh hướng hợp chủng vì nó tự thấy nó không khác ai bao nhiêu.

                  Cứ xem con gái Việt Nam lấy chồng thì đủ biết: Tàu, Ấn Độ, Mã Lai, người đen Phi châu, người Á Rập, người Âu, người Mỹ gì họ cũng vui lòng kết hôn hết thảy, đó là không kể vô số những cuộc lấy nhau mà không kết hôn.

                  Theo ông G. Wiltoquet một nhà địa lý học thì hiện nay không còn chủng Mã Lai thuần chủng nữa vì cái khuynh hướng dễ hợp chủng của họ.

                  Các nhà chủng tộc học Huê Kỳ đếm được 70 mẫu người Mã Lai bị lai giống như vậy.

                  Đó là định nghĩa tổng quát, súc tích, dành cho các nhà bác học. Định nghĩa thông thường là chủng Mã Lai có:

                  1. Tóc dợn sóng chớ không thẳng như tóc của Hoa chủng, cũng không quăn quíu như tóc của hắc chủng.

                    Đó là tóc của dân da trắng rồi vậy.
                  2. Mặc dầu vậy chủng Mã Lai cũng có tánh cách da vàng hơn là da trắng, nên chi khoa học mới sắp loại nó trong các chủng da vàng.
                  3. Và nhứt là không có chủng nào biến thành chủng da trắng được hết mà sách Tàu đã nói và giáo sư Kim Định đã chép lại về một nhóm sang Tây làm tổ tiên da trắng một nhóm sang Đông làm tổ tiên da vàng.
                  4. Quan niệm rằng nhân loại đồng gốc, nay đã thấy sai rồi, mỗi nhóm trắng, vàng, đen có những đặc điểm khác nhau và nhóm này không biến thành nhóm kia được.

                  Những nhóm lai căn trung gian cũng phải làm trắng hay làm đen tuỳ yếu tố. Thí dụ người Ấn Độ da thật đen nhưng vẫn được xem thuộc chủng da trắng vì các yếu tố trắng trong dân tộc Ấn quá nhiều, đè nặng lên yếu tố lai căn của Dravidien vốn là Mã Lai da vàng, lai với Mê-la-nê.

                  Trong khi đó thì Trung Hoa bị xem là da vàng vì yếu tố vàng của Mông Cổ lấn lướt yếu tố trắng của Nhục Chi. Mà như vậy cho đến muôn vạn kiếp, chớ Trung Hoa sẽ không có mũi cao và mắt đục như Nhục Chi được, mà Ấn Độ cũng không thể mất mũi cao và râu quai nón của họ được.

                  Màu da của Mã Lai thì vàng, chớ không đen. Nhưng trên thực tế thì họ lại hơi đen, vì khi mất địa bàn Trung Hoa, họ Nam thiên xuống quá gần xích đạo, màu da họ sậm lại. Nhưng vẫn không đen. Đó là cái màu mà Pháp gọi là gris cuivré.

                  Sau đời Hán thì các vua Trung Hoa luôn luôn tuyển cung phi mỹ nữ ở Hoa Nam, chính vì màu da trắng của chủng Mã Lai, nhứt là của chi Âu, tức chi Thái ngày nay. Nhiều nhóm Thái có má hồng tự nhiên và Dương Quý Phi có thể là một người con gái gốc Thái vì bà ấy ở huyện Dung trong địa bàn ngôn ngữ Thái ngày nay (zône linguistique).

                  Những chi Lạc của chủng Mã Lai cũng không đen, mà người con gái nổi danh nhứt là Tây Thi, nổi danh không kém Dương Quý Phi chút nào, danh lại thơm hơn nhiều. Tây Thi rất trắng.

                  Tầm vóc của họ kém Hoa chủng, nhưng vẫn cao lớn hơn tầm vóc của đa số hắc chủng Đông Nam Á, cao hơn chủng Mê-la-nê đến 0th20.

                  Dân ta có lai Mông Cổ cách đây 5 ngàn năm và có lai Tàu cách đây 1.930 năm, nên khác Mã Lai chánh hiệu ở điểm tóc ta thẳng. Tuy nhiên, vẫn có người Việt tóc dợn sóng, và người Bắc Việt vì ở xa xích đạo hơn người Nam Việt nên da trắng hơn.

                  Cũng nên nhắc rằng da của người Hoa Bắc rất sậm, gần giống như da của người Nam Kỳ làm nông nghiệp, trái lại da của người Hoa Nam mà dòng máu Mã Lai chiếm đến 60%, thì lại trắng.

                  Không ai còn biết người Mã Lai Hoa Bắc ra sao nữa cả nhưng bằng vào da của người Tàu Hoa Nam, ta đoán được rằng da của người Mã Lai Hoa Bắc trắng như thế đó. Da của Đại Hàn và Nhựt Bổn cũng trắng y như da người Tàu Hoa Nam. Da người Việt miền Bắc cũng không kém da người Nhựt Bổn bao nhiêu.

                  Nhưng các chủng da trắng sở dĩ được gọi là da trắng không vì màu da chút nào hết. Người Á Rập thuộc chủng da trắng đấy, nhưng dân Bắc Phi lại rất đen. Các chủng da trắng khác chủng da vàng không phải ở màu da mà ở tầm vóc, ở cái mũi và ở sự kiện có lông nhiều, và đôi khi ở màu mắt và ở màu tóc. Các chủng da vàng mắt và tóc luôn luôn đen.

                  Còn tại sao chi Khương (Khơ Me) không ở gần xích đạo như người Nam Dương mà cũng đen da, đã được ông G. Cocdès giải thích rồi, là khi họ Nam thiên họ hợp chủng lớn lao với người Mê-la-nê thổ trước, người đó, ở xứ họ, đã tiến tới tân thạch, tức văn minh bằng họ, nên cuộc hợp chủng lớn ấy hoá ra dễ dàng hơn ở Nhựt, ở Việt Nam và ở các nơi khác.

                  Về vóc dáng thì chưa chắc lắm bọn Mã Lai ở Hoa Bắc lại có tầm vóc nhỏ như người Việt Nam. Như đã nói, người Hoa Bắc cao lớn như Tây, mà họ cho rằng Cửu Lê và Khuyển Nhung quá dữ tợn thì Cửu Lê không thể bé nhỏ được.

                  Các nhà khảo tiền sử đã đào được sọ Cổ Mã Lai và lưỡi rìu tay cầm tại cánh đồng Chum. Thổ dân ở đó hiện nay kể rằng tổ tiên của họ truyền khẩu lại cho biết những cái chum đó, do người ông khổng lồ chế tạo ra.

                  Thổ dân hiện nay cao độ 1th50, tức không bé lắm đối với dân ta, thế mà họ gọi Lê có lưỡi rìu tay cầm là ông khổng lồ thì hẳn Cửu Lê phải to lớn lắm.

                  Nhưng tại sao Mã Lai ở Hoa Nam lại bé nhỏ và lôi kéo Hoa tộc bé nhỏ xuống, tại Hoa Nam?

                  Không làm sao trả lời được câu này nếu không dùng ức thuyết. Có lẽ cả hai, Hoa và Việt, đã hợp chủng với thổ dân nào đó vừa bé nhỏ lại vừa trắng da. Vâng, nên chú ý đến sự kiện Hoa Nam trắng hơn Hoa Bắc.

                  Ở Nhựt Bổn có một thứ dân thiểu số vừa bé nhỏ vừa thuộc bạch chủng. Đó là người Hà Di (Aino). Biết đâu ở Hoa Nam lại không có thứ người đó và chính phụ nữ của họ đã lôi kéo cả Mã Lai lẫn Trung Hoa bé nhỏ xuống.

                  Bằng chứng là người Thái đen và người Thái trắng ngôn ngữ giống hệt nhau, phong tục giống hệt nhau nhưng kẻ đen người trắng.

                  Bọn trắng có lẽ lai giống với bạch chủng Hà Di là thứ bạch chủng rất bé. Ở Nhựt có Hà Di thì không có lý nào mà ở Hoa Nam lại không có Hà Di, vào thời thượng cổ. Nhưng sách vở cổ của Tàu không nói đến Hà Di Trung Hoa chỉ vì họ không hề biết Hoa Nam vào thời thượng cổ.

                  Riêng Lạc ở Việt Nam thì lại còn bé nhỏ hơn người Tàu Hoa Nam nữa (nói một cách tổng quát). Tại sao vậy? Lại cũng phải dùng ức thuyết.

                  Có thể vì bị lai giống với Mê-la-nê, thứ thổ trước bé nhỏ, nên Lạc mới nhỏ xuống chăng?

                  Nếu không dùng ức thuyết ấy thì không làm sao mà cắt nghĩa được sự kiện kỳ dị:

                  Phúc Kiến = Lạc + Hoa Bắc

                  Việt Nam = Lạc + Hoa Nam

                  Nhưng sao Phúc Kiến lại to người hơn Việt Nam?

                  Ở hang Làng Cườm sọ Mã Lai lại giống với Mê-la-nê rất ít, tỉ số là 5/1. Nhưng đó là sự lai giống ban đầu. Có thể sau hàng ngàn năm sống chung, sự lai giống càng ngày càng tăng và Mê-la-nê đã lôi kéo Mã Lai Bắc Việt thấp bé xuống chăng?

                  Còn những người Việt Nam to lớn, cao từ 1th70 trở lên có lẽ dòng họ của họ không có lai với thổ trước Mê-la-nê.

                  Nhưng cũng chỉ là ức thuyết mà thôi.

                  Ta sẽ thấy những cổ Việt sống sót, cao đúng 1th70, ở một chương sau, chương Làng Cườm sống dậy, và ức thuyết trên đây có thể chấp nhận được.

                  Người Việt ở miền Nam, có tái hợp chủng với Mã Lai từ ba trăm năm nay (đó là một cuộc trở về nguồn chánh) nên có rất nhiều người tóc dợn sóng. Người Trung có lai Chàm, mà Chàm cũng là Mã Lai, tức người Trung cũng trở về nguồn, nên cũng có nhiều người tóc dợn sóng.

                  Các sử gia trào Nguyễn đều cho biết rằng người Mã Lai đã tới buôn bán đông đảo ở hai thành phố Nông Nại Đại Phố và Đề Ngạn, và họ có ở lại, có lấy vợ, đẻ con, nên ảnh hưởng văn hoá Mã Lai ở miền Nam rất lớn.

                  Người Việt ở miền Nam gọi Mã Lai bằng đến năm thứ danh xưng khác nhau: Mã Lai, Bà Lai, Bà Ba Kiến HổMiền Dưới. Kiến Hổ là tiếng nói đùa do người Tàu có sống ở các xứ Mã Lai và Nam Kỳ dùng, và người Việt miền Nam bắt chước. Nguyên chữ (Lai), ngày xưa viết với bộ Trùng, mà bộ Trùng có nghĩa là con hổ (kiến lớn). (Người Tàu thời cổ viết tên các dân tộc kém mở mang hơn họ, thường dùng những bộ Khuyển, bộ Trùng một cách ngạo mạn như vậy đó).

                  Sở dĩ người miền Nam gọi Mã Lai bằng lu bù thứ tên là vì hai dân tộc này có chung đụng mật thiết với nhau từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX tại Biên Hoà, Sài Gòn, Rạch Giá, v.v.

                  Ở Nam Kỳ người ta làm và ăn bánh Lai, người ta mặc áo Ba, người ta trồng cây Sầu riêng (Durian), người ta gọi cảnh sát là mã tà, một danh từ Mã Lai, ảnh hưởng Mã Lai du nhập vào quá dễ dàng khiến ta không khỏi ngạc nhiên nhưng ta sẽ hết ngạc nhiên khi thấy rằng tổ tiên ta là Mã Lai, và ta sẽ giải thích sự hấp thụ dễ dàng ảnh hưởng Mã Lai ở Nam Kỳ, nó có lý do tình cảm âm thầm bí mật giữa hai dân tộc đồng chủng với nhau.

                  Vị nào có máy thu thanh mạnh, đêm đêm cứ tìm các đài Nam Dương mà nghe. Quý vị sẽ thấy rằng nhạc điệu của họ giống hệt điệu hò mái nhì của ta.

                  Và ông Nguyễn Phụng, nguyên giám đốc Quốc Gia âm nhạc, cho chúng tôi biết rằng trên thế giới các nước sau đây có cây đàn độc huyền, ngoài ra, không ở đâu khác mà có cả: Việt Nam, Nam Dương, Nam Ấn, các đảo Polynésie.

                  Đó là dấu vết Mã Lai trong xã hội ta, đáng lý gì chỉ được trình bày ở chương dấu vết, nhưng chương ấy quá dài, thành thử chúng tôi phải bớt vài chi tiết nhỏ cho sang chương này.



                  *

                  Người Việt làm chủ đất ở Hoa Bắc xưa là Cổ Mã Lai, chớ không phải kim Mã Lai. Bằng vào sự kiện họ bị Trung Hoa lấn đất dễ dàng, ta đoán được rằng họ chưa văn minh bao nhiêu.

                  Nhưng người Việt chủ nước Ngô và nước U Việt thì chắc chắn là kim Mã Lai.

                  Người Cổ Mã Lai (Proto Malais) khác với người kim Mã Lai (Deutoro Malais) như thế nào?

                  Các nhà bác học châu Âu nói rằng hình ảnh trung thành của người Cổ Mã Lai là người Thượng ở Cao nguyên Việt Nam ngày nay. Người Thượng không thể sản xuất được một Tây Thi đâu.

                  Ta tạm an lòng với hình ảnh người Thượng là Cổ Mã Lai, còn người nước Anh Đô Nê-xia là Kim Mã Lai vậy.

                  Nhưng như đã nói, chúng tôi có tìm được một thứ người Việt tối cổ, nói tiếng Việt cổ hơn người thường và cao hơn đến 1th70 và tự xưng là Lạc, và da đỏ.

                  Đó là những ông chồng khổng lồ ở cánh đồng Chum, và đó là hình ảnh trung thành của Cửu Lê đã đương đầu với dân Hoa Bắc cao lớn như Tây.

                  Người Mường có lẽ chỉ là hình ảnh của người Đông Sơn, vì người Mường không cao 1th70, lại nói tiếng Việt không rõ lắm.

                  Tại sao một chủng tộc lại có Cổ có Kim cho rắc rối trí nhớ của thiên hạ?

                  Chủng tộc nào, hồi nguyên thỉ cũng khác ngày nay cả về văn hoá và về cả vóc dáng và nhân thể tính nữa. Nhưng các người cổ sơ của mọi chủng tộc đều biến mất cả rồi, chẳng hạn không còn làm sao mà thấy được một người cổ sơ Trung Hoa một người cổ sơ Anh, Pháp, Đức nữa.

                  Riêng chủng Mã Lai thì còn đủ cả hai thứ người của hai thời kỳ. Đặc thù của Mã Lai chủng có thể cắt nghĩa tổng quát được như thế này. Vào cổ thời cách đây nhiều ngàn năm, họ đang sống ở đâu đó, rồi bị một chủng tộc khác rất mạnh xua đuổi nên họ thiên di.

                  Bọn thiên di chia thành nhiều nhóm, nhiều đợt. Nhóm nào gặp đồng bằng và các điều kiện thuận lợi khác thì tiến lên được, còn nhóm nào gặp núi rừng sâu thì đứng yên ở trình độ cũ hoặc thoái hoá, trở lại thành người cổ Mã Lai, đó là trường hợp của người Thượng và người Dayak.

                  Trong nhân loại đã có bằng chứng có vài nhóm thoái hoá, không phải là một ức thuyết.

                  Người Chàm xưa kia đứng vào hàng cừ khôi về thuỷ vận, thế mà ngày nay họ không biết đóng một chiếc thuyền? Tại họ mất địa bàn bờ biển, chỉ còn làm nông nghiệp chớ không chuyên thuỷ vận được nữa.

                  Người Maya, ở Trung và Nam Mỹ vốn có một nền văn minh rực rỡ như Ai Cập nhưng ngày nay lại kém cỏi vô cùng, nếu họ không hợp tác với người da trắng.

                  Địa bàn phương Đông của chủng Mã Lai xưa kia, như đã thấy, là nước Tàu. Bị dân Trung Hoa lấn đất, họ Nam thiên. Tới các vùng đất mới, họ lại bị Tàu xâm lăng nữa, chẳng hạn như ở Cổ Việt thì họ lại bị nhà Hán chinh phục. Lần bị chiếm đất thứ nhì này, họ không còn đất để lánh thân nữa, nên một số ở lại chịu văn hóa Tàu còn số khác thì đành phải rút lên núi rừng, rồi vì khí hậu xấu và sự thiếu thốn nơi nó, nên họ lại thoái hóa. Thế nên ta mới thấy người Thượng ở Cao nguyên cứ còn là Cổ Mã Lai cho tới ngày nay, còn ta, kẻ ở lại đồng bằng thì đã khác xa vì điều kiện sống tốt giúp ta tiến lên được, hơn thế ta lại bị hợp chủng với dân xâm lược, phải thọ lãnh văn hóa mới nữa thì sự khác ấy lại càng rõ hơn.

                  Riêng ở Nam Dương quần đảo thì dân Mã Lai không có bị xâm lăng lần thứ nhì (không kể xâm lăng của Hòa Lan về sau) nhưng họ lại bị văn hóa Ấn Độ tràn ngập, thành thử cũng có người bất hợp tác với văn hóa đó, rút vào rừng và cũng thoái hóa, thành Cổ Mã Lai như dân Dayak chẳng hạn.

                  Những sự kiện trên, không hề có xảy ra cho chủng tộc nào khác hết vì không chủng tộc nào mà lại bị người Tàu đánh đuổi đến hai lần, lại may mắn có đất để mà thiên di hai lần, rồi có núi rừng không chủ để mà rút vào lần thứ ba. Họ bị diệt hết hoặc bị biến thái hết, không còn người Cổ người Kim như chủng Mã Lai được.

                  Ở đây, chúng tôi xin thương thảo với ông Phạm Việt Châu và các nhà khảo cứu khác để thống nhứt về danh xưng Cổ Mã Lai, hay Tiền Mã Lai, hay Cựu Mã Lai.

                  Các nhà dân tộc học Mỹ cho biết rằng ngày nay không còn Mã Lai thuần chủng nữa vì khuynh hướng hợp chủng của chủng ấy. Những người Mã Lai ở Anh Đô Nê-xia, ở Mã Lai Á, ai cũng ngỡ là thuần chủng, nhưng không.

                  Người Kim Mã Lai hay Hậu Mã Lai, hay Tân Mã Lai chủng có mặt từ hồi thế kỷ thứ VI đến thứ X với hai nền văn minh Mã Lai rực rỡ Shri-Vishaya và Madja Pahit, rồi thì từ ấy những nay, cái chủng đó đã biến dạng vì những cuộc hợp chủng hỗn loạn, mặc dầu sọ còn giống nhau, nhưng mẫu người đã khác, người nước Mã Lai Á có cái mẫu không giống với người nước Anh Đô Nê-xia. Như vậy thì kể như không có Hậu Mã Lai gì hết, và để đối lại, không nên dùng từ Tiền, và từ Cổ ổn hơn nhiều.

                  Và chúng tôi đề nghị dịch Indonésian hoặc Proto Malais ra là Cổ Mã Lai, chớ không phải Cựu Mã Lai, cũng không phải Tiền Mã Lai. Dân Mã Lai không có tánh cách Tân hay Hậu, mà chỉ có tánh cách hiện Kim mà thôi.

                  Và sau đây là câu hỏi có thể sẽ được đặt ra. Chúng tôi nói người Tàu vì quen với khí hậu lục địa nên rất sợ khí hậu nhiệt đới của Giao Chỉ.

                  Nhưng tại sao người Mã Lai, cũng ở khí hậu lục địa mà lại là thứ khí hậu lục địa tàn nhẫn hơn, là khí hậu Tây Tạng, lại di cư xuống các vùng nhiệt đới được?

                  Là tại họ ở trong cái thế phải di cư, bởi bị đánh đuổi. Buổi ban đầu chắc dân di cư ấy chết nhiều lắm vì bất phục thủy thổ, nhưng đó là cái thế chẳng được đừng, chết bao nhiêu họ cũng lao đầu vào chỗ chết, rồi thì mấy ngàn năm sau nó sẽ quen đi. Bọn sống sót là bọn chịu đựng được.

                  Ta thấy là ban đầu họ tràn sang Trung Hoa tức di cư tới một khí hậu tốt hơn đó chứ. Họ đã thành công, nhưng rồi bị đuổi đi, thành thử họ cứ chạy tới chứ không lùi về đất Hi-Malaya, khí hậu ác ôn, mà đất đai lại khô cằn, trong khi đó chủng tộc của họ lại đang đà phát triển mạnh, dân đông thêm lần lần, mà đất ở được thì rất là hạn chế, tại vùng Tây Tạng. Thế là họ đành phải tìm các vùng nhiệt đới vậy, khác hẳn với người Tàu, không có bị ai bắt buộc di cư cả, trừ một ông, đó là ông Lư Tổ Thượng; nhưng ông ta chọn cái chết xử trảm để thay cho việc phải đi Giao Chỉ làm quan đầu xứ.

                  Một điểm sử khác cũng sẽ được đặt thành câu hỏi, chúng tôi đã thử giải thích rồi nhưng cũng xin lặp lại.

                  Tại sao ở đất Chàm Mã Lai đợt II chiếm đa số, thế mà ở nước đó không có trống đồng là sản phẩm của Mã Lai đợt II như chương về người Mường sẽ cho thấy?

                  Chúng tôi hồ nghi đạo Hồi là một tôn giáo bất khoan dung đối với các tôn giáo khác. Ở Ấn Độ họ đã tàn phá hàng trăm ngàn đền thờ của đạo Bà La Môn, mà trống đồng là nhạc khí tôn giáo thì không sao mà họ tha được.

                  Ở Giao Chỉ, Mã Viện cũng có lấy trống đồng nhưng lấy để dùng chất đồng, hễ đủ dùng thì thôi chớ không cố diệt. Hơn thế ta lại chôn trống để giấu đi, còn ở Chiêm Thành thì chính người Chàm tự ý theo đạo Hồi, tự ý hủy diệt tôn giáo cũ của họ thì sự hủy diệt phải hữu hiệu hơn ở Giao Chỉ.

                  Nói thế có gượng ép quá chăng vì Nam Dương cũng theo đạo Hồi, nhưng lại còn trống. Chúng tôi nghĩ rằng không gượng ép, Nam Dương không ngoan đạo bằng Chiêm Thành.

                  Tuy nhiên,, cũng chỉ là ức thuyết. Thời gian sẽ trả lời vì Trung Việt ít bị đào bới hơn là Bắc Việt.

                  Các nhà khảo cứu Pháp ở Trung Việt, say mê đền đài Chiêm Thành trên mặt đất, bận tâm nghiên cứu đền đài ấy, còn ở Bắc Việt chẳng có gì ngoạn mục hết thành thử họ, rồi nhứt là ta, sau khi họ đi, nỗ lực đào bới rất dữ, một mô đất cao là có thể bị tình nghi, bị khai quật rồi, thành thử ở đó, những cổ vật phải được tìm thấy, không ẩn trốn được như ở Trung Việt mà ai cũng tha cho lòng đất sâu vì nghiên cứu đền đài trên mặt đất đã mệt lắm rồi.

                  Ở tất cả các địa bàn của Mã Lai đợt II đều có trống, trừ ở Trung Việt. Cả ở những địa bàn mà khoa khảo tiền sử không biết là Mã Lai đợt II đã đi qua, cũng có trống nữa, thí dụ Tây Bá Lợi Á, thế mà Chiêm Thành lại không, trong khi người Chàm là Mã Lai đợt II rõ rệt, vì họ còn sống sót và dùng ngôn ngữ của Mã Lai đợt II, tức Mã Lai Nam Dương.

                  Tưởng cũng nên thêm vài dòng về trống đồng của dân Lạc. Ở chương Người Mường, chúng tôi sẽ trình chứng tích là bọn đợt II đã đưa trống đồng tới cho vua Hùng Vương dùng chớ vua Hùng Vương không phát minh trống đồng vì ông ấy thuộc đợt I.

                  Nhưng người ta tìm thấy trống đồng ở Tây Bá Lợi Á, rất gần nơi xuất phát di cư của bọn đợt I, thì phải hiểu sao đây?

                  Nhưng cũng nên nhớ rằng đến thế kỷ III sau Tây lịch thì Nhựt Bổn đã xâm lăng Đại Hàn rồi. Bọn xâm lăng là bọn đợt II đã lãnh đạo bọn đợt I ở Nhựt.

                  Chính bọn ấy đã đưa trống vào Đại Hàn, rồi từ đó nó phiêu lưu đi Tây Bá, tức trống Tây Bá là trống mới, về sau này.

                  Ở tất cả các địa bàn hỗn hợp, bọn II lãnh đạo bọn I, chỉ trừ ở Cổ Việt mà bọn đợt II bị lép vế. Có lẽ bọn I ở Cổ Việt là nhóm tài giỏi nhứt nên họ đã tự lực tiến lên cao, nên họ không bị bọn II văn minh, đàn áp họ như ở Nhựt, Chiêm Thành và Célèbes.

                  Riêng ở Phù Nam thì cũng chính bọn II là Phù Nam bị bọn I là Chân Lạp, y như ở Cổ Việt, nhưng mãi cho đến thế kỷ thứ VI sau Tây lịch mà nhờ Nhục Chi lãnh đạo, Cao Miên mới được như vậy, còn vua Hùng Vương thì thẳng ngay vào ngày đầu mà bọn đợt II đến nơi, tức trước khi Cao Miên diệt Phù Nam đến 11 thế kỷ, mà không có nhờ sức của ai cả.


                  Tài liệu tham khảo riêng cho chương này:

                  Chương V

                  Dấu vết Mã Lai trong xã hội Việt Nam ngày nay

                  A. Trống đồng

                  Chúng tôi nói hơi dài ở chương IV nhưng vẫn phải là kiểm soát tiền sử học đúng. Nhưng những cái đã được nói ra, vẫn phải nói, và chỉ bắt đầu từ đây mới là kiểm soát.

                  Như đã nói, công việc khảo tiền sử trình ra ở trước, đã được giới khoa học thế giới kiểm soát rồi. Nhưng họ chỉ kiểm soát xem công việc làm có đúng phương pháp tiền sử học hay không.

                  Viết sử phải kiểm soát lại bằng cách khác. Trên nguyên tắc thì tất cả các chủng xưa còn để dấu vết tại đất Việt, đều phải được theo dõi, và chúng tôi đã theo dõi tất cả. Nhưng chỉ có sọ chủng Mã Lai là giống hệt sọ của người Việt Nam, còn sọ Mê-la-nê, sọ Négrito, sọ Miêu, sọ Trung Hoa đều khác, và sẽ trình ra sau, vì thế trong sách này chúng tôi cho de tất cả các chủng ấy mà chỉ theo dõi Mã Lai, vì các chủng đó không có để dấu vết trong xã hội ta, trong cơ thể ta. Cuộc theo dõi tất cả các chủng, chỉ làm để mà loại trừ, tốn công bao nhiêu, cũng không được phép viết vào đây, vì nó chẳng dính líu gì đến nguồn gốc dân tộc ta.

                  Viết sử, như đã nói, phải đo sọ của ta để đối chiếu với sọ của các cổ dân nằm trong lòng đất ta, phải học ngôn ngữ của họ mà để đối chiếu với ngôn ngữ của ta và nhiều việc phụ thuộc nữa, mà ở chương trước, chúng tôi đã xét đến một mớ chuyện phụ thuộc, đó là sử Tàu về dân Lạc, từ sông Bộc, di cư đi Triều Tiên, nó ăn khớp với tiền sử học.

                  Nhưng chưa lấy gì làm chắc là dân Lạc đó là ta, mặc dầu xâu chuỗi mà chúng tôi đưa ra rất vững:

                  Lê = Lạc bộ Trãi = Lại Di

                  Trong chương này, chương lớn nhứt của quyển sách, ta sẽ thấy những chứng tích mà không ai chối cãi được gì nữa hết: Cuộc đối chiếu sọ Việt với sọ của tất cả các dân tộc ở Á Đông, và cuộc đối chiếu ngôn ngữ Việt – Hoa – Mã.

                  Nếu ta nói tiếng Mã Lai thì tiền sử học và chúng tôi đúng. Bằng như ta nói tiếng Tàu thì sử gia Nguyễn Phương và giáo sư Lê Ngọc Trụ có lý. Còn như mà ta nói một thứ ngôn ngữ riêng biệt thì phải xem ông H. Maspéro và đệ tử của ông là thánh tổ vì các ông cho rằng ta là một chủng riêng biệt.

                  Xin nhớ. Chương này là tất cả quyển sách, và là chương quan trọng nhứt của tác phẩm, vì chứng minh không xong là đổ vỡ hết, và người khác sẽ lập ra một thuyết khác nữa, còn chúng tôi phải thủ phận đi học lại tất cả trong mười năm nữa, cũng như đã học trên 10 năm rồi để viết quyển sử này.

                  Hai ông Lê Văn Siêu và Nguyễn Phương đều tin mạnh rằng không còn dấu vết nào về xã hội Việt Nam cổ thời. Đồng quan điểm, nhưng hai ông lại có hai thái độ khác nhau.

                  Ông Lê Văn Siêu chủ trương “phi phương pháp”. Không ai hiểu ông Lê Văn Siêu sẽ làm việc thế nào khi ông cần viết một cuốn sử với quan niệm phi phương pháp đó. Cho tới nay, ông chỉ viết luận thuyết, muốn bàn rộng tán hẹp gì, tùy thích ông, chớ một khi ông viết sử mà bất kể chứng tích như ông chủ trương thì thử hỏi ông làm thế nào để biết cây Nỏ là phát minh của chủng Việt hay chủng Hoa, nếu không tưởng tượng và quả quyết theo chủ quan của ông.

                  Người Tàu có di cư quá nhiều vào Cổ Việt hay không, muốn biết, phải thấy bằng chứng giáo sư Nguyễn Phương đã thoáng thấy, mà còn sai, huống hồ gì là ông không cần thấy thì nó sẽ ra sao?

                  Giáo sư Nguyễn Phương lại có thái độ khác hơn ông Lê nữa. Ông chơi nghịch, thách đố tất cả giới khoa học tìm cho ta chứng tích. Ông viết: “Nếu cho rằng chủ nhân của văn hóa trống đồng là tổ tiên của dân Việt Nam, vậy sao ngày nay người Việt Nam không còn duy trì bất cứ gì của phong tục Lạc Việt, kể cả việc trọng kính trống đồng?”.

                  Đó là một câu đố bắt bí của một người lầm tưởng rằng bọn kia sẽ phải câm miệng, vì không còn chứng tích nào cả để mà cãi lại.

                  Nếu người Huê Kỳ chơi ác, hỏi người Pháp một câu na ná như thế: “Các anh nói tổ tiên các anh là người GÔ LOA, nhưng đâu là dấu vết GÔ LOA trong đời sống các anh? Chúng tôi chỉ thấy các anh là La Mã mà thôi”.

                  Người đố như vậy ngỡ mình ăn chắc một trăm phần trăm bởi bọn kia còn làm sao mà tìm ra được chứng tích nào kia chớ.

                  Nhưng rủi cho ông Nguyễn Phương là còn quá nhiều chứng tích. Ông Lê Văn Siêu không tìm tòi cho tới nơi nên mới tin là không có, riêng sử gia Nguyễn Phương thì còn chịu khó đọc cổ thư Trung Hoa, chớ ông Lê Văn Siêu thì không đọc, vì tin là Tàu bịa, đọc vô ích.

                  Dân Việt Nam còn duy trì phong tục Lạc Việt, Anh Đô Nê-diêng hay không, tưởng sử gia nên theo dõi các nghiên cứu của các nhà bác học mà chúng tôi đã ám chỉ trong nhiều chương, hơn là hỏi suông một cách quá tự tin như thế.

                  Riêng về trống đồng thì oái oăm thay, chính sử gia phản lại sử gia.

                  Quả thật thế, quyển V.N.T.K.S. ra đời năm 1965, nhưng từ năm 1963, sử gia cho xuất bản quyển Hải ngoại kỷ sự do chính sử gia dịch, đó là du ký đến viếng nước Đại Việt của chúa Nguyễn Phước Châu hồi thế kỷ XVII, tức chỉ mới đây thôi (đối với chuyện ngàn năm thì thế kỷ XVII rất là mới).

                  Thỉnh thoảng sử gia lại dịch: “Trống đồng nổi lịnh”.

                  À, nếu ta không còn dùng trống đồng, sao sư T.Đ.S. lại nói như thế? Bằng như họ cho rằng nhà sư ấy bịa láo thì sao sử gia còn dịch du ký của ông ấy làm gì?

                  Lạ lắm là hai năm trước, sử gia đã dịch như vậy, hai năm sau, sử gia lại hỏi thế kia là làm sao?

                  Tuy nhiên, ta có dùng trống đồng mà không có trọng kính trống đồng thì e sử gia không hài lòng. Vậy ta phải nỗ lực tìm dấu vết của sự kính trọng đó nữa, mặc dầu nội cái việc có dùng trống là đủ bác bỏ luận điệu của sử gia họ Nguyễn rồi.

                  Trong tác phẩm Kiến văn Tiểu Lục, Lê Quý Đôn đã viết như sau: Nước nhà, vua Thái Tông nhà Lý dựng miếu thờ Thần Đồng Cổ Sơn ở đằng sau chùa Thành Thọ. Hàng năm cứ đến ngày mồng bốn tháng Tư lập một đàn ở trước miếu này rồi dàn binh lính, đọc lời thề để quần thần cùng thề. Đến vua Nhân Tông thì hợp Quân nhân trong thiên hạ thề ở Long Trì. Vua Nhân Tông lại định lệ hàng năm cũng theo ngày mồng bốn tháng Tư. Sáng sớm hôm ấy đức vua ngự ra cửa bên điện Đại Minh, quần thần đề mặc binh phục tới lễ hai lễ rồi lui ra. Các quan đi đều có xe ngựa binh lính đi theo ra lối cửa Tây thành rồi đến hội thề ở miếu Đồng Cổ Thần. Quan kiểm chánh đọc lời thề rằng:

                  “Vi thần tận trung, vi quan thanh bạch”.

                  Thề xong quan tể tướng kiểm điểm từng người, nếu ai vắng mặt phải phạt năm quan tiền. Lễ này thời ấy cho là một lễ rất thịnh vậy.



                  *

                  Đại Nam nhất thống chí viết: Đền thờ Thần trống đồng, Đồng Cổ thần từ, ở trên núi Đan Nê thuộc huyện An Định (có tên gọi là núi Khả Lao).

                  Sợ e sử gia Nguyễn Phương không tin Lê Quý Đôn, không tin Đại Nam nhất thống chí, chúng tôi xin cầu viện ông V. Goloubew, ông này hiện còn sống (1966).

                  Ông V. Goloubew rất đáng tin vì chính ông là người đã không nhận dân Đông Sơn Mã Lai là tổ tiên của chúng ta, y như sử gia Nguyễn Phương. Trong tập kỷ yếu B.E.F.E.O. vol XXXIII, 1933, ông V.G. kể những gì ông ta đã thấy: Làng Đan Nê, huyện An Định, phủ Thuận Hóa, tỉnh Thanh Hóa, là một vùng hoàn toàn Việt Nam, và gần đó không có dân Mường. Trong đền thờ trên đường Phủ Quảng, gần bến đò An Định đưa sang sông Mã, có trống đồng cùng loại trống Hòa Bình để ở Bảo tàng viện Hà Nội, mặt trống rộng 0,85 và cao 0,58th.

                  Trống này chỉ để thờ chớ không được đánh, bằng vào lớp bụi dày trên mặt trống.

                  Trong đền có bài vị gỗ khắc chữ Nho, và bản dịch của ông Trần Văn Giáp cho biết nội dung của bài vị như sau: “Phía Tây Thanh Hóa, làng Đan Nê, huyện Yên Định, có núi Đồng Cổ, núi có ba đỉnh hình ngôi sao nên cũng có tên là núi Tam Thai. Trong thung lũng gần núi, có đền cổ thờ thần núi rất linh thiêng”.

                  Câu chuyện trên đây, xác nhận Đ.N.N.T.C. và đại cương ăn khớp với truyền thuyết thứ nhứt về thần trống đồng trên núi Khả Lao ở vùng An Định, vị thần đã giúp vua Hùng Vương khi vua Hùng đi đánh Chàm, để thống nhứt Cửu Chân vào Cổ Việt, Cửu Chân là đất của dân Chàm đồng chủng với dân Lạc nhưng còn kém mở mang như chúng tôi sẽ chứng minh ở một chương sau. Có lẽ nhờ điều động binh sĩ có quy củ, và được như vậy là nhờ kẻ chỉ huy có trống đồng nên lịnh nghe xa được, mà vua Hùng thắng trận, rồi thì dân chúng bịa lần, câu chuyện hóa ra vua Hùng thắng trận, rồi thì dân chúng bịa lần, câu chuyện hóa ra vua Hùng thắng trận nhờ thần trống đồng trên núi Khả Lao.

                  Tuy nhiên, rồi vua Hùng vẫn cho lập đền thờ thật sự chiếc trống đồng ấy, đều lặp lại thung lũng gần núi, như bia cổ (cổ nhưng vẫn sau việc thờ trống hàng ngàn năm) đã ghi.

                  Nhưng xem ra thì cái đền mà ông V. Goloubew đã thấy thờ trống đồng, không phải là đền vua Hùng. Theo lời bịa thì là bia nói đến một cái đền khác. Nhưng ở đền mới này lại có trống thì là sao?

                  Nhưng lại có một truyền thuyết thứ nhì về chiếc trống đồng ấy. Tích rằng khi Nguyễn Huệ đánh Bắc Hà xong, về ngang qua đền (đền thứ nhứt) bèn lấy trống đồng đưa về miền Trung. Sau, có người nhìn ra, bèn đưa trống trở về nguyên quán.

                  Có lẽ người đưa trống đã thừa một dịp loạn nào đó trong anh em Tây Sơn mà sử quên nói đến, và khi đưa về thì đền thờ cũ có lẽ bị hỏng không ai cất lại, nên cho vào cái đền thờ mới mà ông V. Goloubew đã viếng.

                  Dầu sao, năm 1933, một người Âu Châu cũng có thấy tận mắt một đền thờ trống đồng trong vùng lịch sử ấy, và thấy tận mắt một chiếc trống đồng đang được người đương thời thờ, chớ không phải là trống đồng đào được trong lòng đất và cất ở bảo tàng viện.

                  Những câu hỏi đố của sử gia Nguyễn Phương đã làm vất vả bao nhiêu người. Các ông Tây cũng đã phải khổ công lắm, nhứt là về kiến trúc. Về trống đồng thì người phải đổ mồ hôi là ông R. Mercier.

                  Ông R. Mercier đã làm một công việc khác người là không buồn tìm hiểu dân Đông Sơn như các ông Tây khác, mà lại đối chiếu cách chế tạo trống đồng của cái dân Đông Sơn đó và cách chế tạo đồ đồng của dân Việt Nam ngày nay ở Thanh Hóa, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hà Đông, Nam Định, và thấy cả hai dân tộc đều dùng một kỹ thuật y như nhau, dụng cụ thô sơ đến mức không còn thể nào mà thô sơ hơn được, mà trên thế giới không có dân tộc nào làm thế cả.

                  Ông R. Mercier đã tỉ mỉ đến mức này thì quý vị biết là ông có đi sâu vào cuộc đối chiếu hai kỹ thuật đó hay chăng.

                  Ông nghiên cứu chiếc trống lớn nhứt ở Bảo tàng viện L. Finot, mà ông không thèm biết là trống Ngọc Lũ, trống Hoàng Hạ hay trống gì, ông nói đó là trống đánh số D.8.214 – 36, nặng 86 kí lô.

                  Đó là một cái trống đúc nguyên khối, không có ráp mối. Ông quan sát ở hông trống và đếm được 280 cái vết đen hình vuông, một phân tây mỗi cạnh. Nhờ những dấu ấy mà ông biết được kỹ thuật của thợ Đông Sơn, họ làm hai cái khuôn, một lớn một nhỏ, cái nhỏ nằm trong cái lớn, hai cái cách nhau một khoảng trống lối ½ phân Tây, khoảng trống ấy được các khúc gỗ nêm.

                  Thế rồi các cụ Đông Sơn nhà ta nấu đồng pha, đổ vào khoảng trống ấy. Nêm gỗ bị cháy, nhưng vẫn còn để dấu vết lại trên hông trống.

                  (Có lẽ đó là cái trống độc nhứt được đúc nguyên khối, chớ cái trống ở Bảo tàng viện Sài Gòn mà chúng tôi nghiên cứu thì có ráp mối).

                  Ông R. Mercier nói rằng chỉ có dân Việt Nam ở các tỉnh trên mới đúc nguyên khố những vật quá to lớn bằng kỹ thuật và dụng cụ thô sơ như thế mà thôi.

                  (Thế nên ta rất có thể tin Hậu Hán thư khi sách viết: “Dân Lạc Việt có đúc thuyền bằng đồng”).

                  Như thế, không biết đã đủ cho sử gia Nguyễn Phương hay chưa về dấu vết trống đồng và tôn kính trống đồng?

                  Sử gia chỉ bắt bí về trống đồng vì sử gia ngỡ ta không dùng và không thờ trống đồng, còn những thứ khác, sử gia tránh không nói tên, như là tục nhuộm răng, tục búi tóc, tục chít khăn, tục thờ âm dương vật của chủng Nam Ấn anh em chú bác với Việt Nam, và cứ tồn tại đến nay từ Bắc Việt cho tới Nha Trang (theo nghiên cứu mới nhứt của ông Toan Ánh và ông Lê Quang Nghiêm) vì những câu hỏi ấy quá dễ bị lạc.

                  Nhưng trống đồng vẫn không bắt bí ai được hết, vì rủi ro có kẻ quá tò mò là ông V. Goloubew và ông R. Mercier.

                  Trống đồng là nhạc cụ, về nhạc thì trên thế giới, hiện nay chỉ có ba dân tộc là có cây Độc huyền cầm, đó là dân Việt Nam, dân Mã Lai ở Anh Đô Nê-xia, và dân Malayalam ở Nam Ấn.

                  Sự kiện đó cho thấy ba điều:
                  1. Ta có gốc Mã Lai.
                  2. Ta đồng chủng với Anh Đô Nê-xia, chi Lạc.
                  3. Thuyết O.J. cho rằng dân Lạc Việt đã chạy xuống Phi Luật Tân khi đã bị Mã Viện săn đuổi, chưa bao giờ được chứng minh, mà cây Độc huyền cầm lại chứng minh khác vì ở Phi không có Độc huyền cầm.

                  Lại còn hai chứng minh khác nữa cho thấy người Mã Lai ở Indonésia và ở Madagascar (tức người Hovas ngày nay) là người Lạc Việt từ Việt Nam di cư tới đó, bằng vào một truyện cổ tích ở Anh Đô Nê-xia đối chiếu với một truyện cổ tích Hòa Bình, sẽ được nói rõ trong chương Người Mường, và bằng vào việc “vác Nước” của người Hovas. “Vác nước” là phương pháp lấy nước mà trên thế giới chỉ có hai dân tộc là có làm là dân Mường và dân Hovas, mà người Mường là cái gạch nối liền giữa dân Đông Sơn Lạc Việt và dân Việt Nam ngày nay, như ta sẽ thấy ở một chương sau.


                  Nguồn: Bách Bộc xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản điện tử do talawas thực hiện.
                   http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11115&rb=08
                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.03.2008 06:29:59 bởi Ngọc Lý >
                  #22
                    Ngọc Lý 04.04.2008 03:51:37 (permalink)
                    Bình Nguyên Lộc
                    Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam


                    19/35


                     
                    B. Kiến trúc

                    Ngôi nhà cổ Việt độc nhứt, tìm được ở bờ sông Mã năm 1927 do ông Tây đoan Pajot, nhân viên tài tử của Viện Bác Cổ Viễn Đông. Nhưng cuộc nghiên cứu kéo dài, và mãi cho tới 17 tháng giêng D.L. năm 1938, nhà khảo cổ V. Goloubew mới báo cáo trong một buổi thuyết trình, mà bản văn được đăng trong tập kỷ yếu B.E.F.E.O. số 14, 1938.

                    Sở dĩ việc nghiên cứu đòi hỏi lắm thì giờ như vậy là vì sự định tuổi rất khó khăn của vật liệu cổ dùng cất nhà.

                    Ông V. Goloubew định tuổi ngôi nhà ấy đồng thời với ngôi mộ gần đó.

                    Theo sự trình bày của nhà khảo cổ nói trên thì đó là một ngôi nhà sàn mà cột cái cao 4,50th, sàn cao 1 thước. Mái nhà dài xuống tới sàn, và vì thế mà cửa phải trổ ra ở vách hồi. Sàn bằng tre sặt, một loại tre giống tầm vông ở miền Nam, tre còn xem xét được nhờ vật liệu đó đã gần hóa thạch, còn cột thì bằng gỗ lim nên còn bền.

                    Sườn nhà không có trính, tức là đó là loại sườn nhà mà miền Nam gọi là nọc ngựa, miền Trung gọi là nhà chữ Đinh.

                    Ông V. Goloubew còn nói nhiều nữa, nhưng đó là điều mà ta đã biết như ông, rằng nếp nhà khai quật được giống nhà khắc trong trống đồng, và đó là lối kiến trúc của tất cả các nhóm dân Cổ Mã Lai và cả Kim Mã Lai nữa.

                    Ông V. Goloubew có cho biết rằng trong một chiếc gương đồng cổ của Nhựt, có khắc hình một nếp nhà như vậy. Ngày nay nông dân ở nhiều đảo của nước Anh Đô Nê-xia vẫn còn cất nhà như vậy, và người Chàm, cũng gốc Mã Lai, giữ lối kiến trúc đó cả đến trong những xây cất bằng gạch nữa, những xây cất này, ngày nay còn thấy với những cái cửa trổ ra ở bức hồi.

                    Loại nhà đó, người Chàm gọi là Thang giơ. Danh từ Thang giơ tiếng Mã Lai Nam Dương Tanga mà ra và có nghĩa là cái Thang. Dân Việt Nam cũng nói tiếng Mã Lai Nam Dương và biến như sau:

                    Tanga = Thang
                    Nhà Tanga = Nhà sàn

                    Người Chàm ngày nay không còn cất nhà như vậy nữa, nhưng khi nào cử hành một lễ tôn giáo là họ cất sơ sịa một cái nhà như thế để hành lễ trong đó, cho đúng cổ tục Mã Lai.

                    Đó là kiến trúc Cổ Mã Lai, Kim Mã Lai đã hết cho mái nhà xuống tới sàn và nhờ vậy mà trổ cửa ở dưới mái được, thôi trổ cửa ở bức hồi, nhưng còn giữ lối kiến trúc chữ Đinh, đặc thù của kiến trúc của họ mà Tàu tuyệt đối không biết.

                    Người Tàu cất nhà luôn luôn có chái, từ cổ chí kim đều như vậy. Tường hồi là do họ bắt chước kiến trúc của Mã Lai vào đời Đường, chớ trước kia thì họ không có, còn các nhóm Mã Lai thì bắt chước cái chái của Tàu, tùy theo thời điểm họ chịu ảnh hưởng Tàu.

                    Tóm lại tường hồi và lối trổ cửa ở tường hồi, với lại lối nhà chữ Đinh với cây cột giữa là đặc thù của kiến trúc Mã Lai mà cho đến đời Đường thì Tàu mới theo, mà cũng chỉ theo tường hồi mà thôi, còn lối chữ Đinh thì họ không bao giờ theo cả. Nhưng Việt Nam thì luôn luôn dùng lối chữ Đinh.

                    Chỉ có một điểm này mà ông V. Goloubew để cho ta đoán mà thôi vì ông không có bằng chứng, là đỉnh nóc nhà của tất cả mọi nhóm dân Mã Lai đều oằn, riêng nhóm Nhựt thì mô, còn nếp nhà ở Đông Sơn thì không thể biết là oằn hay mô bởi cây đòn dông (thượng đống) không còn nữa. Nhưng bằng vào hình nhà cửa khắc ở trống đồng thau thì đỉnh nóc nhà Đông Sơn phải oằn.

                    Hình nơi trống đồng thau lại còn cho thấy một điểm khác nữa mà ông V. Goloubew không có nói, nhưng các nhà khảo cổ khác như L. Bézacier thì có nói, đó là góc mái nhà cong quớt lên.

                    Đây là bài nghiên cứu đầu tiên về nhà cửa của người Đông Sơn. Về sau những ông L. Bézacier, J. Y. Claeys, H. Maspéro tiếp tục nghiên cứu thêm và khám phá được nhiều điều hay lạ.

                    1. Kiến trúc Mã Lai giản dị hóa, tức không còn nóc oằn mái cong nhưng còn cái vỉ kèo là có cây cột giữa, ta gọi là nhà chữ Đinh hay Nọc ngựa. Tàu không bao giờ có lối kiến trúc này.
                    2. Kiến trúc Trung Hoa với đặc điểm không có cây cột giữa, gọi là nhà chữ Hợp mà ta chỉ mới bắt chước chừng 500 năm nay đây thôi.
                    3. Mái nhà Tàu các đời Thương, Chu, Tần, Hán, Tấn, ngay thẳng như nóc nhà Tây. Luôn luôn có chái. Chái là một mái độc nhứt, hình tam giác. Nhà Mã Lai không bao giờ có chái còn nhà Tàu thì không bao giờ có hồi.
                    4. Nhà của Trung Hoa ngày nay, đã biến dạng, hình bánh ít của nóc nhà.
                    5. Nhà Mã Lai ngày nay, biến dạng, tức lấy chái nhà của Tàu, nhưng cứ còn giữ một chút xíu đầu hồi của cổ thời, mái lại hình thang chớ không phải hình tam giác. So sánh với nhà số 4 để thấy hai lối biến dạng khác nhau.
                    6. Rong của đồng bào Thượng và các nhóm Mã Lai Nam Dương, có tánh cách đình Việt Nam ở điểm:
                      • Cấm đàn bà
                      • Nơi họp việc làng
                      • Nơi thờ thần làng

                    7. Chính Xương Viện, ngôi nhà ngói cổ nhứt có nóc oằn, mái cong, còn sót lại đến ngày nay tại Nhựt Bổn, nhưng xây cất từ đời Đường.



                    1. Mái nhà

                    Trong quyển ‘Về vài món đồ đời Hán”, ông H. Maspéro cho thấy rằng nóc và mái nhà của người Trung Hoa bằng thẳng, y như nóc và mái nhà của người phương Tây. Hình nhà bằng sành xưa đào được trong các ngôi mộ nhà Hán nặn rất trung thành, một con cừu trong sân cũng được nặn kỹ lưỡng, thì không thể bảo rằng thợ cẩu thả làm không giống.

                    Không tìm thấy nhà sành đời Đường, nhưng nhà đời Đường có chạm trên nhiều bia đá ở Trung Quốc, có thay đổi chút ít về nóc và mái, tức nóc bắt đầu hơi oằn, mái bắt đầu hơi cong quớt lên.

                    Nhưng trong vài bức tranh đời Tống thì nóc đã oằn, mái đã cong lên hẳn, giống nóc và mái nhà của tất cả các nhóm Mã Lai hiện kim.

                    Một bài văn danh tiếng của Trung Hoa cũng cho biết mái nhà đời Tần Hán ra sao. Đó là bài phú “A phòng cung” của Đổ Mục: “… mái nhà cong như mỏ quạ” tức quặp xuống chớ không phải là cong quớt lên.

                    Yếu tố kiến trúc nóc oằn và mái cong như mái chùa, ai cũng ngỡ là của Trung Hoa, có dè đâu đó là của chủng Mã Lai Bách Việt và của Cổ Việt mà Tàu bắt chước.

                    Chỉ có người Nhựt gốc Mã Lai là đôi khi làm đỉnh nóc mô, vì xứ ấy có tuyết, làm nóc mô cho tuyết đổ, kẻo sập nhà, nhưng chính hình dạng mô ấy cũng là hình thức trái nghịch với hình dạng oằn của đỉnh nóc Mã Lai, hễ không oằn thì mô, chớ nhứt định không thẳng, tại mỹ quan của chủng Mã Lai về kiến trúc nóc đó như vậy.

                    Trong quyển “Archacological Research in Indochina” của ông O. Jansé, người cầm đầu phái đoàn khai quật Đông Sơn, do nhà in Bruges St. Catherine Press (Bỉ quốc) tái bản năm 1955 có in hình nhiều kiểu nhà ở và nhà mồ của đồng bào Thượng ở Việt Nam, nhà ấy giống nhà trong trống đồng thau và giống nếp nhà do ông V. Goloubew hồi phục bằng vào vật liệu khai quật được, và công cuộc khảo sát về dân tộc học, nhơn thể tính cho biết rằng người Thượng ở Cao nguyên cũng thuộc chủng Cổ Mã Lai (Anh Đô Nê-diêng).

                    Trong quyển “Introduction â l’étude de l’Annam et du Champa” (BAVH số một và hai, 1934) ông Claeys viết: “Nếu cần phải kết luận thì người ta có thể nói mà không cần dè dặt (on pourrait facilement déclarer) rằng nóc oằn, mái cong lên, ở bên Tàu là do bắt chước người Cổ Mã Lai, còn ở xứ Annam thì đó là cái gì còn sót lại của cổ tục bổn xứ”.

                    Nhưng người Tàu đã bắt chước của ai hồi đời Đường? Ta có một chứng tích khá rõ. Các nhóm Mã Lai đều cất nhà lợp lá. Biến nóc lá oằn và mái cong thành nóc ngói oằn mái cong là chuyện khó lắm, vì vật liệu khác, không ai biết sẽ làm được hay không thì Tàu hẳn không có thử làm.

                    Nhưng một nhóm Mã Lai kia đã thử làm, đúng vào đời Đường, họ gởi hàng ngàn sinh viên đi sang Tàu để học đủ thứ môn kể cả kiến trúc gỗ và công nghệ ngói gạch.

                    Về nước, họ bắt đầu cất nhà lợp ngói, nhưng vẫn giữ nguyên mọi biệt sắc Mã Lai cố hữu là nhà sàn, nóc oằn, mái cong quớt lên. Đó là Chính Xương Viện ở cố đô Nại Lương (có hình cạnh đây).

                    Chính Xương Viện là ngôi nhà ngói nhưng cất trên sàn, có nóc oằn và mái cong, cổ nhứt của nhơn loại, mà chính người Mã Lai Nhựt cất lên bằng cách dung hòa hai thứ kiến trúc: kỹ thuật bên trong học của Tàu, còn thì cái gì của Mã Lai đều được giữ nguyên vẹn.

                    Cũng nên nhớ rằng dưới đời nhà Đường, Nhựt đi học của Tàu, nhưng vẫn có trao đổi văn hóa qua lại với nhau và hẳn Tàu đã có bắt chước Nhựt ở vài điểm mà loại nóc oằn mái cong là một.

                    Thế là Mã Lai Nhựt đã thành công trong việc dung hòa kiến trúc ngộ nghĩnh và đẹp hơn kiến trúc Tàu nhiều lắm! Chắc chắn là Tàu đã bắt chước Chính Xương Viện, nhưng bỏ cái sàn, vì họ chỉ thích cái nóc và cái mái lạ và đẹp thôi, còn sàn thì không có gì đặc sắc cả.

                    Cũng nên nhớ rằng Chính Xương Viện chỉ được xây cất vào năm 743 S.K. còn bức tranh Tàu của Li Sseu Hiun (Lý Tư Hùng) trong đó lâu đài cung điện Trung Hoa lần đầu tiên có nóc oằn, mái cong quớt lên, hiện được tàng trữ tại Bảo tàng viện Museum of Fine Arts ở Boston thì được họa vào khoảng năm 700.

                    Như vậy cho rằng Tàu học của Nhựt có mâu thuẫn chăng? Xin thưa rằng không. Vì sao?

                    Nhựt đã phái chuyên viên đi học kỹ thuật của Tàu siêng cần nhứt là từ năm Đại Nghiệp dưới đời nhà Tùy (607 S.K.) và kể từ năm đó thì hai quốc gia ấy trao đổi văn hóa với nhau không ngớt.

                    Như thế Chính Xương Viện chỉ là ngôi nhà ngói nóc oằn và mái cong còn sót lại của Nhựt, chớ trước đó, tức trước bức tranh năm 700 của Li Sseu Hiun, Nhựt phải có nhiều ngôi nhà loại ấy, nghĩa là họ đã bắt đầu nhờ kỹ thuật Trung Hoa từ năm 657, và Trung Hoa cũng bắt đầu cóp nóc oằn mái cong của họ từ năm 607.

                    Nhà của bức tranh năm 700, không là chứng tích Tàu thình lình phát minh nóc oằn và mái cong trước Mã Lai Nhựt Bổn.


                    2. Hồi và chái

                    Ông Maspéro và ông L. Bézacier lại còn cho biết rằng người Tàu không hề biết vách hồi, từ cổ thời cho đến đời Tống, cũng cứ dựa vào những nhà bằng sứ nói trên, có ảnh đăng trong quyển L’Art de la Chine, nhà xuất bản Larousse, Paris. Bức hồi chỉ thấy nơi nhà của người Cổ Mã Lai và Kim Mã Lai thôi. Cũng tới đời Tống, Tàu mới bắt chước bức hồi của Mã Lai.

                    Trái lại, các nhóm Mã Lai thì không bao giờ biết cái chái nhà và chỉ bắt chước Trung Hoa tùy theo năm họ bị Trung Hoa cai trị, còn nhóm nào không hề chịu ảnh hưởng Trung Hoa thì mãi cho đến ngày nay vẫn không biết cái chái là gì.

                    Ông L. Bézacier đi sâu thêm, trong quyển L’art Vietnamien, và cho biết rằng nhóm Mã Lai Việt Nam, mặc dầu bắt chước chái nhà của Trung Hoa, vẫn còn để lại bức hồi. Quả thật vậy, chái nhà của Trung Hoa hình tam giác và chỉ gồm có một tấm nằm nghiêng từ trên xuống dưới, trong khi đó thì chái nhà Việt Nam gồm hai phần phân biệt, phần trên là đầu hồi hình tam giác, nhưng đứng chớ không nghiêng như chái nhà Tàu, rồi tới cái chái hình thang nghiêng, chớ không phải hình tam giác như của Tàu. Loại chái nhà của ta, cổ Trung Hoa không có. Đầu hồi của ta là cái gì còn sót lại của vách hồi thời Đông Sơn vậy.

                    Ông L. Bézacier nói rằng ngày nay Trung Hoa cũng bắt chước ta mà làm chái nhà hai phần như ta, nhưng vẫn không giống được, bởi đầu hồi của Việt Nam để trống trơn, còn đầu hồi của Trung Hoa thì luôn luôn bít kín (vì xứ họ lạnh).


                    3. Sườn nhà

                    Ông L. Bézacier, nguyên quản thủ các di tích lịch sử Việt Nam cho đến năm 1945, rất thạo về kiến trúc. Ông cho biết rằng lối nhà Nọc ngựa của ta, Tàu không bao giờ có, còn ta thì chỉ bắt chước Tàu để cất nhà có trính về sau này thôi, và mãi cho đến ngày nay, ta vẫn còn tiếp tục cất nhà Nọc ngựa ở vài nơi, khi người cất nhà vì ít tiền nên phải tiết kiệm gỗ. Và hầu hết các Đình xưa của ta đều không có trính.

                    Ở đây, ta thấy rõ một hình thức tiêu cực đề kháng của tổ tiên ta rất là ngộ nghĩnh. Phàm khi một dân tộc bị trị mà bất khuất dưới một sức mạnh thống trị chưa có thể đương đầu nổi thì cuộc đề kháng rút vào vòng bí mật, hoặc dưới trăm ngàn hình thức tiêu cực nho nhỏ mà kẻ thống trị không thấy được.

                    Chúng tôi còn giữ được một kỷ niệm về câu chuyện sau đây xảy ra trong làng chúng tôi cách đây nửa thế kỷ, thuở chúng tôi còn bé dại.

                    Nhà giàu ta, hễ cất nhà thì có khuynh hướng cất có trính mà miền Nam gọi là Đâm trính, vì nhà có trính rộng hơn nhà Chữ Đinh mà miền Nam gọi là Nọc ngựa. Nhưng đàn ông các gia đình có nền nếp theo phong tục tổ tiên thì luôn luôn chống lại khuynh hướng đó. Xung đột thường xảy ra trong các gia đình bắt đầu mới có tiền chuẩn bị tậu nhà mới. Người đàn ông luôn luôn thua trận, bởi họ chỉ biết đưa ra một luận điệu có vẻ huyền bí là “Không nên”. Từ ngữ không nên ở miền Nam có nghĩa là chạm đến ma quỷ, thánh thần. Luận cứ đó không vững nên các bà luôn luôn thắng và những ngôi nhà cổ Nọc ngựa lần hồi biến mất hết, năm chúng tôi lên bảy thì nhà cửa trong làng hết 95 phần trăm là nhà trính mà các nhà kiến trúc Tàu gọi là nhà Chữ Hợp.

                    Chắc chắn là tổ tiên ta xưa, không biết làm thế nào để chống lại ảnh hưởng ngoại lai về kiến trúc đó nên mới bịa ra cái vụ “không nên” nói trên, dùng có hiệu quả trong nhiều ngàn năm, nhưng đến thời Tây tà thì không còn ai nghe nữa vì ta đã hết tin nhảm.

                    Sở dĩ toàn thể đàn bà theo khuynh hướng có trính vì họ không có nhiệm vụ tế lễ nên không hề hay biết có lời di chúc truyền miệng của tổ tiên. Còn đàn ông mà không biết là vì họ mồ côi quá sớm hoặc vốn là con nhà bần nông ở nhà tranh, trong gia đình người gia trưởng không có dịp nói lên lời di chúc ấy lần nào hết.

                    Câu chuyện này, chúng tôi tin chắc rằng cũng đã xảy ra ở Trung và Bắc Việt, nhưng không có ai nói ra, vì nhơn chứng không có viết lách gì, còn những người viết lách thì lại không thấy hoặc quên đi, hoặc không có quan sát thuở họ còn bé.


                    4. Ngói và nhà bếp

                    Theo ông L. Bézacier thì nhà bếp của Trung Hoa luôn luôn dính lại với nhà ở, còn nhà bếp Việt Nam thì luôn luôn cách xa nhà ở bằng một cái sân, lớn nhỏ, tùy khả năng tài chánh của chủ nhà và tùy nơi cất nhà có nhiều hay ít đất. Ngày nay ở các thành phố người ta cất nhà liên kế, rất hẹp, vậy mà nhà bếp cũng cách nhà ở bằng một cái sân bé tí teo.

                    Về ngói thì Trung Hoa luôn luôn dùng ngói ống. Ta chịu ảnh hưởng Trung Hoa rất nặng vậy mà ta lại chế tạo ngói dẹp để lợp nhà, những đình, chùa, đền cổ của ta chứng minh điều trên đây, và ngay cả ngói lợp nhà của thành Đại La, cái thành do người Trung Hoa xây cất, mà cũng đã dùng ngói dẹp rồi. Điều đó chứng tỏ rằng người Việt là người Việt, người Trung Hoa là người Trung Hoa, bởi từ bà Tây Thái Hậu về trước, Trung Hoa không hề chế tạo ngói dẹp, thì không có lý nào mà một nhóm Trung Hoa ở Giao Chỉ lại dùng ngói dẹp để xây cất Đại La.

                    Đành rằng đó là phát minh về sau của thợ Việt Nam, chớ vào thời Đông Sơn Lạc Việt tổ tiên ta chỉ lợp nhà bằng tranh, bằng cói, nhưng nó cũng chứng minh được rằng ta không phải là Trung Hoa.


                    5. Nhà rầm

                    Năm chúng tôi lên bảy, trong vùng chúng tôi sanh trưởng, mỗi làng còn được vài cái nhà rầm.

                    Các nhà khảo cứu Pháp, khi nói đến những ngôi đình ở Bắc Việt đã dùng từ ngữ sai là Edifice sur piloti. Trong ngôn ngữ của họ chỉ có từ ngữ đó thôi, họ không làm sao mà diễn tả hơn được, chớ thật ra Maison sur piloti là nhà sàn, nó khác nhà rầm ở điểm này là nhà sàn, khoảng trống bỏ không, từ mặt đất lên tới sàn, cao lắm, còn nhà rầm thì chỉ cao lối sáu tấc Tây là cùng.

                    Nhà rầm chỉ là một hình thức nhà sàn, không còn mục đích phòng thủ chống thú dữ như vào cổ thời, hoặc như nơi người Thượng trên núi rừng ngày nay nữa. Người Việt Nam biến nhà sàn ra nhà rầm vì mục đích vệ sinh, tránh đất ẩm ướt, mà nếu nền có lót gạch Tàu cũng không hết ẩm.

                    Nhưng cho đến năm 1925 thì tất cả những ngôi nhà rầm xưa trong vùng tôi đều mục nát hết và con cháu các chủ nhà đời xưa, dỡ bỏ, cất lại thì cất trệt, tức không rầm, vì bấy giờ họ đã tìm được một lối vệ sinh hơn là xây nền bằng đá rồi đổ cả mấy mươi thước khối cát trong thành đá ấy đoạn mới dựng nhà lên đó. Sự ẩm ướt, nhờ cát hút hết, mà không phải lo rác rến dưới rầm không thể quét dọn được vì rầm quá thấp, không làm sao để chui vào đó. Trên cát, họ lót gạch cho sạch sẽ.

                    Nhưng hiện nay thì tại Nhựt Bổn, cứ còn rầm như thường. Đất Nhựt Bổn không ẩm, nhưng họ có óc tồn cổ, và đó là di tích nhà sàn Mã Lai xưa chớ không có gì lạ. Nhiều du khách ta, không biết lẽ đó, ngỡ người Nhựt mới phát minh ra nhà rầm khi họ đã văn minh rồi, học đòi vệ sinh.

                    Chúng tôi tin chắc rằng, ở Bắc và Trung cách đây năm sáu mươi năm, cũng còn nhà rầm (không kể các ngôi đình), nhưng không thấy ai ghi chép gì, cũng cứ vì cái lẽ đã nói ở khoản nhà Nọc Ngựa, là tại không có một chú bé tò mò ở đó, hay có rất nhiều chú bé tò mò đã chứng kiến sự sống sót của nhà rầm và sự biến mất của nhà rầm, nhưng các chú không có viết lách như chúng tôi, chớ không có lý nào mà, cũng cứ như đã nói rồi, Nam Kỳ lại bảo hoảng hơn ông vua, giữ mãi nhà rầm, trong khi Trung Bắc đã bỏ từ nhiều trăm năm rồi, như các nhà khảo cổ Pháp đã nói sai riêng về vấn đề sur pileti Bắc Việt.

                    Người Pháp cai trị Trung, Bắc chỉ có 80 năm mà 40 năm đầu, họ chưa khảo sát kỹ đến chuyện xa vời như vậy đối với tư cách kẻ thống trị. Chừng họ bắt tay vào việc thì không còn nhà rầm nữa để cho họ thấy.

                    Sự kiện nhà rầm tồn tại ở Nam Kỳ cho tới năm 1925 là một sự thật do chúng tôi quan sát tại chỗ, và sự kiện Nam gần gốc Mã Lai hơn Trung, Bắc lại không thể có được, thì chỉ còn một lối kết luận là vào năm 1925 ở Trung, Bắc cũng còn chút đỉnh nhà rầm, chỉ có điều là những người thuở bé có quan sát thì ngày nay đã quy tiên rồi hoặc không viết lách.

                    Và ông L. Bézacier kết luận rằng chắc chắn đó là di tích Lạc Việt. Ông không hề dám kết luận Lạc Việt = Mã Lai vì ông không gom đủ được bằng chứng như chúng tôi, nhưng nội cái kết luận rằng Nọc Ngựa, bức hồi, mái cong, nhà rầm là di tích Lạc Việt cũng đã giúp cho thuyết của chúng tôi nhiều lắm.

                    Ông nói khi một dân tộc bị mất văn hóa, họ cố bám víu vào một vài điểm nào đó, trong trường hợp kiến trúc thì họ bám víu trong kiến trúc cất đình, vì đình là nơi thiêng liêng, giúp họ nhớ gốc tổ Lạc Việt, nếu không phải như vậy thì không sao cắt nghĩa được hiện tượng lạ lùng là ngôi đình của làng nào ở đất Bắc cũng cất theo lối nhà rầm hết, không hề có ngoại lệ bao giờ, trong khi cung điện, chùa, miếu thì không có rầm, là vì Phật giáo là tôn giáo ngoại quốc du nhập vào xứ ta do trung gian Trung Hoa, còn miếu mạo thì thường cũng thờ các vị thánh thần Trung Hoa; chỉ có đình là gốc chánh vì hiện nay người Sơ Đăng cũng còn đình, chỉ có khác là họ không thờ thần làng mà chỉ dùng làm việc buôn, y hệt như ở Bắc mà cái đình cũng dùng cho việc làng.


                    C. Cái đình

                    Tự trị thôn xã và thần làng

                    Hầu hết các sách khảo cứu đều cho rằng thôn xã ta chỉ mới được tự trị từ năm 1740, tức dưới thời vua Lê, chúa Trịnh, còn trước đó thì vẫn bị trực trị do chánh quyền trung ương.

                    Sự quả quyết ấy bắt nguồn từ năm một nhà khảo cứu Việt Nam, viết sách bằng tiếng Pháp, gặp được tài liệu chúa Trịnh cho các xã thôn tự trị, ghi rõ trong Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục.

                    Tài liệu lịch sử ấy chỉ ghi sự kiện và ngày tháng trả tự do cho thôn xã, mà không có nói gì thêm hết, nhưng nhà học giả ấy lại suy luận giản dị rằng trước đó hẳn luôn luôn trực trị mà quên rằng từ thời Hùng Vương đến năm 1740, hai ngàn năm đã trải qua mà trào đại thăng trầm, không biết có bao nhiêu thay đổi trong khoảng thời gian quá dài đó.

                    Khi mà sử liệu thiếu, thì nhà nghiên cứu chỉ còn biết suy luận để tái tạo sự cố, nhưng suy luận cũng phải dựa vào dấu vết nào, chớ có đâu mà chỉ bằng vào một đạo luật vắn tắt vài dòng chữ.

                    Đó là đa số. Một vài học giả thì lại cho rằng làng là dấu vết các bộ lạc xưa.

                    Nhưng dựa vào sự phân biệt giữa bộ lạc và thị tộc của chúng tôi ở chương “Những cái họ Việt Nam” thì làng không thể là bộ lạc xưa được, mà chỉ là thị tộc cổ thời mà thôi.

                    Có sách lại cho rằng làng chỉ mới thành hình từ thời nhà Lý, tức là từ ngày nền độc lập của ta đã vững sau ngót một ngàn năm bị trị. Thế thì trước khi bị trị, cả nước Văn Lang không được chia thành từng đơn vị nhỏ à? Như vậy làm thế nào vua Hùng Vương trị nước thì thật là không thể biết.

                    Còn bảo rằng làng chỉ có từ đời Lý, bắt chước theo Tàu thì không đúng, vì làng của ta tổ chức không giống của Tàu, trước 1740 hay sau 1740 gì cũng đều không giống.

                    Cứ bằng vào tên gọi, chúng tôi thấy rằng làng đã có từ cổ thời. Danh từ Mã Lai là T’lang, mà T’lang thì tổ chức giống hệt một thái ấp của người Mường ngày nay, tức đó là một lãnh địa nho nhỏ của một lãnh chúa địa phương theo chế độ phong kiến mà T’lang với Làng hai danh từ đó quá giống nhau.

                    Thái ấp Mường có tên riêng nhưng không có danh từ để chỉ thái ấp. Nhưng người lãnh chúa lại được gọi là Quan Lang. Ta phải hiểu rằng Quan Lang là ông Quan cai trị một Lang mà một Lang là một T’lang vậy.

                    Chữ Quan mới được thêm sau, do ảnh hưởng Trung Hoa, qua trung gian người Việt Nam, chớ xưa có lẽ là Xà Lang hay gì gì Lang chớ không thể là Quan được, bởi Quan là tiếng Tàu, Xa, danh từ Mã Lai và Xả, danh từ Thái, cả hai danh từ đều đồng gốc Mã Lai, chỉ người lãnh chúa địa phương.

                    Xin nhấn mạnh về điểm này mà trí thức Việt Nam không chú ý đến. Quan Lang chỉ là lối nói tắt mấy tiếng Quan đầu Lang, Quan cai trị một lang, chớ không phải là một danh từ kép có nghĩa riêng là một chức vị. Không bao giờ có danh từ Quan Lang cả đâu.

                    Mà lối nói tắt đó, chỉ mới có về sau, chớ vào cổ thời, thuở mà ta chưa học danh từ Quan của Tàu, hẳn Mường và ta đã nói Xà Lang hay gì gì Lang đó.

                    Trong Việt lý tố nguyên, giáo sư Kim Định cho rằng tên nước Văn Lang có lẽ là Văn Làng.

                    Nhưng thuở ấy ảnh hưởng Tàu chưa tới thì không làm sao mà ta có danh từ Văn được? Vả lại cũng không thấy ai ghép nôm với nho, trong những việc quan trọng. Dân chúng có ghép, vì dốt chữ nghĩa, chớ tới cấp bực quan vua thì không còn ghép kỳ dị như vậy nữa.

                    Vả lại ta có bằng chứng đích xác rằng tiếng ta và tiếng Mường chỉ mới tách rời nhau từ thế kỷ XVII, tức là trước thế kỷ đó vẫn nói Lang, chớ chưa nói Làng, trong khi đó thì danh xưng Văn Lang đã có trước rồi, không phải có trong sách Tàu, mà có trong sách vở xưa của ta nữa.

                    Nhứt định là Văn Lang phải do cái gì khác mà ra chứ không thể nào mà do Văn Làng được, vì chính Lang biến thành Làng, chớ không phải Làng biến thành Lang, mà sự biến hóa ấy thì chỉ mới xảy ra vào thế kỷ XVII. Lẽ thứ nhì là ta không có chữ Văn, trước khi ta học chữ Nho.

                    Chúng tôi có thể giải thích nghĩa của quốc hiệu Văn Lang và giải thích tại sao, trước khi học chữ của người Tàu, vào các trào Hùng Vương, mà ta lại biết chữ Nho để đặt quốc hiệu đó là Văn Lang. Nhưng đó là một câu chuyện khác sẽ trình bày ở chương khác.

                    Chúng tôi sẽ trưng ra bằng chứng rằng đó là một Quốc Hiệu hoàn toàn Việt, được Hoa hóa về sau, khi mà dân chúng chịu ảnh hưởng Trung Hoa.

                    Lối Hoa hóa ấy cùng tánh cách với lối phiên âm các danh xưng “man di” của Tàu, nó có nghĩa, nhưng cái nghĩa đó là nghĩa cưỡng ép chỉ cốt giống danh xưng bổn xứ, còn hiểu theo chữ Nho thì không thấy được ý thật của danh xưng, thí dụ danh xưng Chân Lạp, Tàu họ phiên âm như vậy, có nghĩa lắm, nhưng nghĩa đó quá vô lý. Chân Lạp là sáp ong thứ thiệt chăng? Có hàng trăm nước có sáp ong tốt, sao chỉ gọi nước đó là Sáp ong thứ thật. Nhưng về Chân Lạp thì ta may mắn biết được sự thật nhờ người Cao Miên nhớ tên cũ của nước họ và cái nghĩa đúng của nó. Đó là Chanh Ra. Trường hợp Văn Lang thì quá cổ, không còn ai nhớ gì nữa hết.

                    Dầu sao, ta cũng thấy sự liên hệ rõ rệt giữa T’lang của Mã Lai, Lang của Mường và Làng của ta, về cơ cấu tổ chức, tức tự trị, chỉ có khác là làng của ta không còn phong kiến như T’lang và Lang của Mã và của Mường, đó là do toàn quốc Việt Nam đều thoát khỏi chế độ phong kiến thật sự lâu rồi, không như nơi xứ Mường chẳng hạn.

                    Dấu vết thứ hai của sự trì hoãn xã thôn cổ thời là tục riêng các làng, tồn tại cho đến năm 1945 ở Việt Nam. Đại khái họ đóng thuế, và chịu lịnh triều đình như nhau, các nhà lãnh đạo mang chức tước đồng đều với nhau, nhưng các làng không giống nhau, mà những cái lệ làng khác nhau ấy, xem ra không có vẻ gì là mới có từ năm 1740 cả.

                    Ta nên nhìn rõ cái năm 1740. Đó là một chuyện quá mới, đối với lịch sử. Mà lệ làng thì đã thâm căn cố đế, không thể bắt rễ quá sâu như vậy được từ thế kỷ 18 đến nay.

                    Cũng nên nhớ là năm mà Pháp bỏ Hội đồng kỳ dịch ở các làng, lập ra Hội đồng hương chính thì việc chống đối của dân và làng mạnh mẽ cho đến nổi họ phải lui bước sáu năm sau đó.

                    Một dân tộc bị trị, đã chịu đầu hàng rồi, các cuộc nổi loạn cứu vãn nền độc lập kể như đã chấm dứt, tức họ đã đi vào thái độ cầu an, vậy mà họ chống đối mạnh như thế thì chắc chắn không phải là vì những tục lệ mới có từ năm 1740.

                    Dấu vết đáng kể hơn hết là các thần làng. Những vị dâm thần, nhứt định không phải là chuyện mới bày năm bảy trăm năm mà là chuyện cũ hai ba ngàn năm. Nếu các làng không tự trị trước năm 1740 thì cả thần thánh cũng bị chánh phủ hóa hết rồi, không còn làm sao mà những dâm thần còn được dung thứ.

                    Chánh phủ can thiệp vào sự thờ thần đã được ông Nguyễn Văn Khoan dẫn chứng rõ ràng trong B.E.F.F.O. bài “Essai sur le Dinh et le culte du génie tutélaire des villages du TonKin”. Nhưng can thiệp vẫn không toàn thắng thì đủ biết cái quyền tự trị của xã thôn không phải chỉ mới có từ năm 1740. Vua chúa chỉ thành công trong việc ban chức tước cho các thần cũ mà vua chúa cho là xứng đáng vì công trạng hiển hách nào đó, như Thánh Gióng chẳng hạn, và phong thần cho quan của vua chúa vừa quá cố, phong cho các làng mới lập (sự kiện này vua chúa đã thành công một trăm phần trăm ở Nam Kỳ vì toàn thể các làng Nam Kỳ, không có làng nào được lập trước 1620 hết), còn các thần bậy bạ, vua chúa không nhìn nhận thì thôi chớ cũng không dám chạm tới họ.

                    Thế thì ta phải kết luận rằng xưa kia thôn xã của ta tự trị, y như các Lang của Mường và T’lang của Mã Lai, rồi thì trào đại nào đó không biết đã cướp mất nền tự trị ấy mà không còn để dấu vết. Dấu vết trả lại tự trị của Khâm Định tuy là dấu vết đúng, nhưng lại thiếu cái khoen giữa, hóa ra nó gạt gẫm người suy luận liều lĩnh.

                    Và các làng của ta xưa là các thị tộc chớ không phải là bộ lạc. Truyền thuyết Mường đã đưa con số quá chính xác là 1960 cái, không thể tin được, nhưng chắc không xa sự thật bao nhiêu.

                    Xin nghiền ngẫm lại định nghĩa của bộ lạc và thị tộc ở chương Cái Họ thì thấy rõ là bộ lạc to lắm, chính thị tộc mới là nhỏ, trái với tưởng tượng thông thường của phần đông.

                    Hễ nói tới làng Việt thì không sao quên được cái Đình và Thần Làng đã có nói sơ qua rồi trên kia, nhưng cần nói rõ hơn.



                    *

                    Toàn thể các học giả ta đều sai lầm khi gọi thần làng của ta là Thần Thành Hoàng.

                    Hai thứ thần ấy khác nhau quá xa, một đàng của ta, một đàng của Tàu, mà Tàu cũng chỉ mới có từ đời nhà Chu đây thôi thì không thể lầm lẫn với nhau được. Những học giả Việt viết bằng tiếng Pháp cũng đã lầm lẫn y như những học giả Việt viết bằng tiếng Việt.

                    Thần làng của ta là thần riêng của dân làng. Đó là điều nên nhớ vì đó là điều quan trọng nhứt, vì các làng Trung Hoa không bao giờ có thần riêng cả, từ thời cổ đến nay (Maspéro). Nếu vì thần ta mà chống xâm lăng đi nữa, tức là có công chung đối với toàn quốc như ông Thánh Gióng đã chống giặc Ân, tức giặc Tàu trào đại Thương cuối mùa, thì ông cũng cứ là thần riêng của làng sinh quán của ông. Toàn quốc sùng bái ông nhưng không có lập đền thờ cho ông như làng sinh quán của ông. (Về Thánh Gióng tưởng đâu là chuyện hoang đường, nhưng không. Sử Tàu có chép rằng nhà Ân quả đã có chiến tranh với một nước ở phương Nam tên là nước Quỹ Phương, nay không ai biết ở đâu hết, chỉ biết là ở Hoa Nam. Nhưng không lẽ Việt Nam lại chiến tranh được với nhà Thương vì giữa họ và ta còn quá nhiều nước trung gian? Nhưng nếu ta thấy rằng dân ta xưa làm chủ đất Trung Hoa, cả Hoa Bắc lẫn Hoa Nam, thì câu chuyện hóa ra hết hoang đường. Làng Gióng có lẽ là một làng ở Hoa Nam mà trào đại hay đa số dân trong làng di cư xuống đất ta ngày nay, rồi ở đó, họ thờ lại vị anh hùng cứu quốc cũ).

                    Nhưng phần lớn không phải là những bực chống xâm lăng mà cũng không phải là quan nữa, trước khi trào đình xía mũi vào.

                    Phần lớn chỉ là những nhơn vật làm cái gì thoát sáo, độc đáo hoặc giản dị hơn. Thần của làng ta chỉ là tượng trưng cho một quan niệm tôn giáo nào đó thôi, thí dụ các dâm thần.

                    Đó là tục của người Mã Lai mà hiện Nhựt Bổn và các đảo Mã Lai còn giữ.

                    Hai ông L. Bézacier và H. Maspéro cực lực binh vực quan niệm rằng đình và thần làng là đặc thù của Việt Nam, (tức của Mã Lai) mặc dầu sách Trung Hoa Ying tsao fa che (?) cho biết rằng họ có đình từ đời nhà Hán.

                    Đình của Trung Hoa không phải là nơi thờ phượng mà chỉ là cái nhà cất trên đường để bộ hành nghỉ ngơi, nam nữ đều vào được.

                    Đình của ta là nơi thờ thần làng và nơi hội họp của các nhà lãnh đạo trong làng và phụ nữ không được vào.

                    Sự trùng hợp của danh từ đình, có thể hoặc là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hoặc là một cuộc vay mượn vì ảnh hưởng Trung Hoa về sau, ta đã vay mượn một cách không cần thiết một số danh từ mà ta đã có rồi.

                    Chẳng hạn cái Đình thì người Sơ Đăng, một thứ người nói tiếng Mã Lai y như Việt Nam, gọi nó là cái Rong. Có thể tổ tiên ta bỏ Rong vay mượn danh từ Đình. Rong là danh từ Mã Lai đợt I, còn danh từ Mã Lai đợt II là Bahala.

                    Ông Béacier dựa vào nghiên cứu của ông H. Maspéro trong quyển Les regliions chinoises, để chỉ sự khác biệt giữa thần làng của Mã Lai Việt và thần thành hoàng của Trung Hoa.

                    Các nhà học giả ta gọi thần làng của ta là thần thành hoàng là không đúng.

                    Thần thành hoàng của Trung Hoa chỉ mới xuất hiện vào đời nhà Chu, cùng một lượt với những thành quách của các nhà lãnh chúa lớn và chư hầu. Thành là bức tường bao quanh thành phố và Hoàng là cái hào bao quanh bức tường. Đó là thần của thành trì và thành phố.

                    Thần của ta là thần của làng xóm, chớ không phải là thần của thành phố. Nông thôn ở Trung Hoa có thần hay không? Có, nhưng lại khác hẳn thần của làng ta. Thần của ta là nhơn vật địa phương, còn thần các làng Tàu là thần đất đai. Ta có cất nhà, họ thì thờ lộ thiên. Thần của ta là của riêng mỗi dân làng. Thần của Tàu là của riêng của lãnh chúa mà dân nhiều làng phải cùng thờ với lãnh chúa. Khi mà một lãnh chúa lớn mạnh và nuốt rất nhiều đất của các lãnh chúa khác thì họ hóa ra ở quá xa các làng, và dân các làng không còn đi theo họ được để mà thờ vị thần đất đai đó, thế là thường dân Tàu không còn gì nữa để mà thờ cả, trong các làng. Thế nên cuối đời nhà Chu khi mà 10 ngàn chư hầu sụt xuống còn có 7 chư hầu thì các làng xóm không còn tôn giáo.

                    Trong khi đó thì thần thành hoàng mới xuất hiện, vì các thành quách lớn mới được xây cất, nhưng hai thứ thần đó cũng lại khác nhau, một đàng là thần đất đai của nông dân, một đàng là thần vách thành và hào của thị dân. Xem thế thì gọi thần của ta là Thần Thành Hoàng là sai. Ta không có thành phố vào cổ thời. Còn làng ta cũng không hề là thành quách lớn hay nhỏ bao giờ.

                    Ông L. Bézacier lại bác bỏ luận cứ của các học giả Việt cho rằng đình, nguyên xưa kia là hành cung. Ông bác bỏ vì vua ta chỉ mới bắt đầu có tục du hành từ thế kỷ thứ X, trong khi đình, dựa theo kiến trúc, thì phải có trước Tây lịch.

                    Vả lại xét ra, những đình cổ bốn trăm năm của ta cũng không có vẻ gì dùng ở được cho có một chút xíu tiện nghi nào cho người thường, chớ đừng nói chi nhà vua.

                    Ông L. Bézacier quả quyết rằng đình và thần làng của ta là cái gì tối cổ còn sót lại, và lối kiến trúc, cho thấy cái tối cổ đó có tánh cách Mã Lai.

                    Thần làng của ta xưa kia là anh hùng địa phương, danh nhân địa phương, giống hết Mã Lai, Nhựt Bổn, mà mỗi làng cũng có đình và cũng chỉ thờ anh hùng địa phương và danh nhân địa phương, chớ không bao giờ thờ thần đất đai hay thờ thần của TướngHào (Thành Hoàng) như Tàu.

                    Về cái đình thì ta rất giống Nhựt mà khác Tàu, lại giống các nhóm Mã Lai.

                    Chỉ về sau này, các vua ta mới bắt thờ quan ở các nơi khác chớ không luôn luôn thờ danh nhân địa phương nữa, nhưng vẫn không phải là thần đất đai hoặc thần Thành Hoàng như Tàu.

                    Hiện nay, trong các xã hội người Cổ Mã Lai, làng nào cũng có một ngôi nhà quan trọng nhứt như đình ở Bắc Việt, và đó là nơi hội họp của đàn ông để bàn việc công cộng của toàn làng y như ở Bắc Việt. Nơi một vài nhóm, cũng có thờ phượng y như trong các đình ta.

                    Tóm lại, kiến trúc Việt Nam là kiến trúc Đông Sơn, mà kiến trúc Đông Sơn là kiến trúc Mã Lai. Mã Lai, Đông Sơn và Việt Nam có ba biệt sắc về kiến trúc mà Tàu bắt chước đến hai:
                    1. Nhà Nọc ngựa họ không bắt chước
                    2. Bức hồi, được họ bắt chước
                    3. Nóc oằn, góc mái cong, được họ bắt chước


                    D. Thờ mặt trời và âm dương vật

                    Có rất nhiều nhóm Mã Lai chi Lạc thờ mặt trời hoặc, ông trời, mà riêng về Mã Lai Việt Nam chúng tôi sẽ nói rõ ở chương Bắc Việt. Ở đây xin nhắc lại một lần nữa rằng Mã Lai Nhựt Bổn cũng thờ nữ thần Thái Dương. Tất cả đều ăn khớp với hình trống đồng.

                    Còn một tôn giáo nữa mà không ai dè là của Mã Lai, và hiện vẫn tồn tại trong xã hội ta.

                    Tục thờ dương vật và âm vật ở vài làng Bắc Việt (Báo Ngày Nay, tác phẩm của Toàn Ánh và của Lê Quang Nghiêm) khiến nhiều nhà khảo cứu Việt Nam kết luận rằng đó là những làng Chàm, nguyên là tù binh xưa được trả tự do, cho làm dân Việt và là người Chàm, họ theo văn minh Ấn Độ, nên mới có tôn giáo kỳ cục đó.

                    Nhưng các nhà khảo cứu ấy không biết rằng đạo thờ dương vật, âm vật không phải là của Ấn Độ, mà là của chủng Malayalam ở Ấn. Tôn giáo ấy gồm dâm thần Shiva, dương vật và âm vật mà tượng trưng sau cùng hết là cối và chày có ám chỉ đến trong quyển Ô Châu Cận Lục, tả dân Việt ở Ô Châu có phong tục dâm đãng, và con gái thường lấy cối để trêu con trai.

                    Đó là dấu vết Mã Lai của xã hội Mã Lai Lạc Việt cổ thời, chớ không hề là dấu vết Chàm.

                    Tôn giáo ấy không phải chỉ có ở Bắc Việt, mà có cả ở Trung Việt (tác phẩm của Lê Quang Nghiêm) cũng cứ trong các làng Việt Nam một trăm phần trăm, còn trong các làng Chàm thì lại không có. Mã Lai Chàm đã bị đạo Hồi thủ tiêu nguồn gốc rồi, nhưng Mã Lai Việt không có chịu cảnh đàn áp tôn giáo của đạo Hồi, nên còn giữ được.

                    Chúng tôi đã nói rằng người Thái cũng là người Mã Lai, và tục đánh Còn của họ đúng là biểu diễn âm vật và dương vật.

                    Trước hôn lễ, bà lãnh chúa phải đưa ra một cái vòng tròn bằng mây, bịt giấy mỏng. Ông mai ném trái Còn lọt được vào cái vòng đó, xé rách được tấm giấy mỏng đi thì hôn nhơn mới được cử hành, và sau đó trai gái dự hôn lễ tiếp tục diễn cái trò ấy, nhưng để chơi cho vui chớ không phải vì tánh cách tôn giáo nữa.

                    Tất cả các nhóm Mã Lai đều có những nghi lễ và tục lệ liên hệ đến dương vật và âm vật của tôn giáo của chủng Malayalam mà đạo Bà La Môn vay mượn.

                    Việt Nam, mặc dầu đã nhiễm Khổng Mạnh rất sâu đậm, lại cứ được thờ dâm thần mà vua chúa ta không cấm. Tại sao không cấm? Là vì đó là tôn giáo cố hữu của chủng tộc mà lễ giáo Khổng Mạnh không dám chạm tới.

                    Người Nhựt còn nhiễm Tàu mạnh hơn ta nữa, nhưng sự trai gái cởi truồng để tắm chung là thường ngày của họ. Dương vật và âm vật là hai thứ thiêng liêng mà tổ tiên họ thờ thì họ chỉ kính trọng chứ không nghĩ xằng.

                    Ở Trung Hoa chỉ có vua là được thờ Trời vì ông ta tự xưng là con của Trời, mà chỉ có con mới được quyền thờ cha.

                    Đến thời Đông Chu hễ chư hầu nào muốn quật cường là bắt đầu thờ Trời và tế Dao.

                    Vua chúa Việt Nam cũng bắt chước vua Tàu, tế Dao, nhưng không có ngăn cấm dân thờ Trời. Hồi tiền chiến, ở nông thôn Việt Nam, nhà nào lại không có bàn thờ ông Thiên?

                    Tại sao bắt chước Tàu mà vua chúa ta không bắt chước trọn vẹn? Vì đó là tôn giáo của chính dân chúng, vua không cấm được, còn ở bên Tàu thì nó là tôn giáo của ngoại chủng, mà vua Tàu vay mượn, nên lịnh cấm có hiệu quả, bởi dân Tàu đâu có theo tôn giáo của Việt. Chỉ có vua Tàu là theo để bịa ra huyền thoại con Trời.

                    Trong Nho giáo, Trần Trọng Kim nói rằng bên Tàu có đồng bóng là các bà Vu và các ông Hích. Nhưng họ Trần không biết đó là Tàu bắt chước Việt chớ không phải là của họ.

                    Đồng bóng là cán bộ, là một thứ mực sự của đạo thờ Trời của chủng Mã Lai Bách Việt, vì lên đồng tức là liên lạc với Thần Thánh mà nhứt là với Trời.

                    Dân thổ trước ở Mỹ Châu mà người ta gọi là dân da đỏ cũng thờ Trời và mặt trời, và ngày nay toàn thể các nhà chủng tộc học đều xác nhận rằng họ da vàng và từ Á Châu đến. Cứ xem các nghi lễ và các điệu vũ của thổ dân Đài Loan với lại y phục của thổ dân Đài Loan trong nghi lễ là thấy rõ hai bên giống hệt nhau, không khác một nét, một màu.

                    Mà thổ dân Đài Loan là Mã Lai có lưỡi rìu tay cầm đấy.

                    Và khả năng văn minh của người da đỏ cũng không kém khả năng của Dravidien tí nào hết. Đền đài, cung điện của Maya và Aztèques còn tráng lệ hơn là của hai thành phố chôn vùi Harappa và Mohanjo Daro của Mã Lai ở Ấn Độ nữa, và cái vật quan trọng nhứt của thổ dân Mỹ châu cũng cứ là cái mặt trời.

                    Chính vì cái mặt trời ấy mà trước năm 1945 các nhà khảo cổ lầm tưởng nền văn minh rực rỡ của thổ dân Mỹ Châu từ Ai Cập đến, bởi Ai Cập cũng thờ mặt trời. Nhưng rồi họ nghiên cứu dân đó về dân tộc học, chủng tộc học họ mới thấy rằng đó là dân da vàng từ Châu Á di cư tới nhưng chưa biết vào thời nào.

                    Một dân tộc đi bằng xuồng nhỏ từ Nam Dương đến Madagascar, vượt qua hết Ấn Độ Dương được thì dân tộc ấy cũng đã vượt Thái Bình Dương bằng xuồng nhỏ được dễ dàng phương chi ở Thái Bình Dương lại có những đảo dọc đường mà Ấn Độ Dương không có.

                    Xem ra thì chủng Mã Lai văn minh hơn cả Hoa chủng nữa, vì dân Maya và Aztèques đã giỏi thiên văn, toán học một ngàn năm trước Trung Hoa, mà họ giỏi thật sự, chớ không phải chỉ dùng thiên văn để bói như Tàu.

                    Người Mỹ thấy rằng ngày nay hậu duệ của Maya và Aztèques mặc dầu đã thoái hóa rất xa vẫn còn giỏi về thiên văn.


                    Đ. Đối chiếu chỉ số sọ

                    Qua nhiều chương rồi, những chứng tích mà chúng tôi trình ra, mặc dầu có chặt chẽ bao nhiêu, cũng không đầy đủ. Phải có thêm hai chứng tích không thể chối cãi là chứng tích thuộc chủng tộc học, mà từ xưa đến nay chưa có nhà nghiên cứu nào sử dụng hết, và chứng tích ngôn ngữ.

                    Quý vị sẽ đối chiếu và sẽ thấy Việt, Thái, Cao Miên thuộc chủng Mã Lai chớ không thuộc Hoa chủng.

                    Phần lớn các dân tộc ở Á Đông và nhứt là Đông Nam Á từ cổ chí kim đều đã được đo sọ cả rồi, nhưng từ xưa đến nay các sử gia, các nhà học giả ta chưa ai sử dụng, vì có vị không hay biết rằng tài liệu này, có vị hay biết, nhưng đó là sách hiếm có nên tìm không được, có vị tìm được nhưng không biết rằng cái sọ là yếu tố căn bản để phân biệt các chủng tộc, thành thử chưa có sử gia nào khai thác chứng tích chủng tộc học cả.

                    Chúng tôi xin trích đăng tất cả các bản chỉ số sọ của tất cả các dân tộc ở Á Đông có thể liên quan đến ta để vị nào cần thì có tài liệu mà tham khảo, bởi không dễ gì tìm được quyển sách này đâu.

                    Những tài liệu này trích ở quyển Étal actuel de la crânologie indochinoise của các bác sĩ P. Huard, F. Saurin, Nguyễn Xuân Nguyên và Nguyễn Văn Đức, Hà Nội, 1938, tuy tên sách là thế, nhưng các tác giả trên có trích đăng trong sách, những con số về các dân tộc ở ngoài “Đông Dương” do các nhóm bác học khác nghiên cứu từ Tây Bá Lợi Á đến đảo Tân-ghi-nê.


                    Chỉ số sọ của người Việt

                    Tên nhà bác học đo sọ              Tên dân                              Chỉ số Trung bình

                    Breton                                      Người Bắc Việt Hà Nội            81,60       84,22

                    Madrolle                                    Người Bắc Việt Châu thổ        82,03      
                     
                     - -                                          Người Bắc Việt Châu thổ        83,00

                    Deniker                                     Người Bắc Việt tổng quát       82,70


                    Holbé                                        - -                                    83,17


                    Bonifacy                                    - -                                    83,20

                    Nhóm Huard                               - -                                     80,02         82,49


                    Chúng tôi để người Việt miền Trung và miền Nam riêng, vì người Việt miền Bắc gần với người Việt nguyên thỉ hơn và mới là tiêu biểu cho chủng của ta, về phương diện chủng tộc học. Tuy nhiên, người Việt hai miền khác cũng có mặt, sau đây:

                    Tên nhà bác học đo sọ               Tên dân                                Chỉ sốTrung bình

                    Holbé                                       Người Việt Quảng Trị               79,36

                    --                                           Huế                                      80,81

                    Madrolle                                   Nghệ An                                84,62


                    Bernard                                    Người Trung Việt tổng quát      83,80


                    Madrolle                                    Miền Nam tổng quát               79,98


                    Mondrière                                  - -                                      83,33


                    Mondrière                                  Người miền Nam tổng quát       79,29


                    P. Neis                                      - -                                      81,50


                    Deniker                                      - -                                     82,80


                    Holbé                                        - -                                      84,40        81,76 


                    Tổng trung bình: 82,13


                    Dung lượng sọ Việt

                    Nhóm B.S. Huard                      Bắc Việt tổng quát                    1.341,48

                    Chỉ số sọ người Thái

                    Tên nhà bác học                     Tên nhóm được đo sọ                  Chỉ số

                    Holbé                                     Xiêng Mai                                 81,84

                    Deniker                                   Hạ Lào                                    83,60

                    J. Harmand                              Lào tổng quát                          83,87

                    - -                                         Thai Phu                                 82,58

                    - -                                         Nam Nao                                 85,05

                    - -                                         - -                                         92,90

                    - -                                         Lào Pou Wa                             82,09

                    Hamy                                      Lào Attopeu                            83,13


                    Bác sĩ Haurd cho biết rằng người Thái Lan, người Lào và người Thái Bắc Việt đồng chủng với nhau, nên chúng tôi ghi tất cả vào đây để lấy con số trung bình (người Thái Bắc Việt chia ra làm nhiều nhóm, mang tên khác nhau như Thổ, Lô Lô, nhưng cũng thuộc độc một dòng máu Thái):

                    Tên nhà bác học                     Tên nhóm được đo sọ                Chỉ số

                    Ginad                                     Thổ Lạng Sơn                          80,51

                    Holbé                                     Thổ Lạng Sơn                          81,82

                    Madrolle                                  Thổ Lạng Sơn                         80,50

                    Madrolle                                  Thổ Phủ Quỹ                           82,30

                    Harmand                                  Thái tổng quát                       82,84

                    Legendre                                  Lô Lô tổng quát                     80,20

                    Holthé                                      Nùng tổng quát                     81,58

                    Trung bình: 82,25

                    Chỉ số sọ của các nhóm Mã Lai

                    Tên nhà bác học                      Tên nhóm Mã Lai được đo sọ         Chỉ số

                    Tschepourkovsky                      Mã Lai ở Mã Lai Á                        81,00

                    Cole, Nanagas, Jenks                 - - Phi Luật Tân                          81,84

                    Bean, Montano                         - -                                            81,84

                    Snell, Hagen, Garrett                 Java                                          84,70

                    Hage, Mijsberg                          - - Sumatra                               82,80


                    Halden, Mc Dongall                    - - Bornéo                                 80,60

                    Trung bình: 82,19


                    Chỉ số sọ Cao Miên

                    Tên nhà bác học                    Tên nhóm người được đo sọ             Chỉ số

                    Bonifacy                               Cao Miên tổng quát                        80,00

                    Deniker                                 - -                                              83,60

                    Madrolle                                - -                                              83,60

                    Mondière                               - -                                              83,70

                    Holbé                                   Cao Miên tổng quát                        84,10

                    Simon                                   - -                                             84,70

                    Trung bình: 83,28


                    Chỉ số sọ người Hẹ và người Thục

                    Tên nhà bác học                   Tên dân                                       Chỉ số

                    Zaborowski                           Hẹ Hoa Nam (gốc Thục)                 76,66

                    Legendre                              Trung Hoa Tứ Xuyên (gốc Thục)      79,30

                    Trung bình: 77,98


                    Chỉ số sọ của các thứ người Hoa

                    Tên nhà bác học đo sọ             Tên dân được đo                               Chỉ số Trung bình

                    Black                                     Người Cổ Trung Hoa
                                                                tức Mông Cổ lai với
                                                                da trắng Tây Vực (sọ Cam Túc)            75,70


                    Koganet                                 Người Hoa Bắc (Trung Mông Gô Lích)       80,20      78,30

                    Shirokogoreff                           - -                                                    81,70

                    Quatrefages                            - -                                                    75,97

                    Zaborowski                              Một người ăn mày chết đường
                                                                 ở Bắc Kinh                                         66,66        79,04

                    Veisbaces                                Người Hoa Nam
                                                                 (Trung Mông Gô Lích lai Việt
                                                                 ở châu Kinh và Dương)                         79,50

                    Legendre                                  - -                                                   79,50


                    Shirokogroff                              - -                                                    80,20

                    Hagen                                      - -                                                    81,80

                    Patte                                       - -                                                    76,97

                    Hamy                                       - -                                                    77,22

                    Haberer                                    - -                                                    78,80             79,14

                    Shirokogoroff                            Hoa Đông Di tức Việt thuần chủng            81,70

                    Tổng trung bình: 78,27

                    Dung lượng sọ Hoa

                    Tên nhà bác học                       Tên dân                                              Dung lượng

                    Flower                                     Trung Hoa tổng quát                             1.424

                    Keicler                                      - -                                                    1.456

                    Trung bình: 1.440

                    Chỉ số sọ những dân tộc gọi là Mông Gô Lích tức có lai giống với Trung Hoa hoặc Mông Cổ (Không có mặt các dân Đông Nam Á trừ Việt Nam)

                    Tên nhà bác học                         Tên dân                                           Chỉ số Trung bình

                    Đã có tên ở bản trước                  Bắc Việt                                            82,49

                    Deniker                                      Nhựt (Mã Lai + Mông Cổ + Aino)            78,20

                    Matsumura                                  - -                                                  80,80

                    Adachi                                        - -                                                  78,30

                    Baelz                                          - -                                                  80,30       79,40

                    Skirokogoroff                               Mãn Châu (Mông Cổ + Tongouse)          83,52

                    Kabo                                          Đại Hàn                                            83,40

                    Ivanoski                                     - -                                                   83,64

                    Deniker                                      - -                                                   81,60          82,88

                    Trung bình: 81,21

                    Chỉ số sọ của những chủng đã hợp thành Hoa chủng

                    Tên nhà bác học                          Tên chủng tộc                                   Chỉ số

                    Hrdhichka                                   Mông Cổ thuần chủng                          81,40

                    Bacot                                        Tây Tạng                                           77,07

                    Jochelson                                   Tongouses (Mãn Châu thuần chủng)       79,0

                    Maliev                                        Thát Đát                                           79,0

                    Lygin                                          - -                                                   80,80

                    Mainov                                        - -                                                   81,40

                    Trung bình = 66,61

                    Chỉ số này giống hệt chỉ số 66,66 của một người ăn mày ở Bắc Kinh mà chúng tôi bỏ ra không cho vào số trung bình của người Tàu.


                    Chỉ số sọ người Mường


                    Tên nhà bác học                       Tên dân                                      Chỉ số

                    Holbé                                       Mường (Tổng quát)                      79,66

                    Madrolle                                   Mường (Bắc Việt)                         79,60

                    Madrolle                                   Mường (Trung Việt)                       80,68

                    Trung bình = 79,98

                    Trong bản chỉ số của ông Madrolle, thấy ghi là Anh Đô Nê-diêng Bắc Việt và Anh Đô Nê-diêng Trung Việt, và không ai biết nhóm nào mà được ông Madrolle gọi là Cổ Mã Lai như thế. Nhưng khi đọc những bài công kích ông Madrolle của người khác, mới biết ông Madrolle chỉ người Mường.

                    Nhóm bác sĩ Huard rất dè dặt, tránh trước mọi kết luận bằng lời, hoặc bằng cách đặt tên không có căn bản vững. Nếu nhóm của bác sĩ Haurd mà có đo người Mường thì nhóm ấy chỉ đề là: Người Mường, mà không cho họ thuộc vào chủng nào hết, khi chưa biết gì thêm về họ cho rõ ràng đích xác.

                    Ông Holbé, trong bản trên đây, đã làm việc theo tinh thần đó và dựa vào bài khích bác của ông L. Aurousseau, chúng tôi dịch lại Anh Đô Nê-diêng của ông Madrolle ra là Mường để trả chỉ số sọ lại đúng cho thứ dân được họ đo sọ.


                    Tổng đối chiếu

                    Tên dân tộc                 Chỉ số trung bình                   Dung lượng trung bình

                    Mã Lai                         82,19

                    Thái                            82,25

                    Việt (Bắc)                    82,49                                   1.341,485

                    Cao Miên                      83,28

                    Đại Hàn                        82,88

                    Nhựt                           79,40

                    Thục                           77,98

                    Hoa Nam                      79,14

                    T.B. của Trung Hoa hai miền  77,82                               1.440


                    Nhận xét

                    Tất cả những dân tộc gốc Mã Lai đều có chỉ số sọ trên 80, trừ Nhựt, Mường và Thục, vì những lý do gì chúng tôi đã giải thích rồi và sẽ giải thích thêm. Chỉ số sọ Trung Hoa luôn luôn dưới 80. Chỉ số sọ Nhựt, gốc Lạc thì thấp nhứt trong đám Mã Lai Bách Việt vì họ bị lai giống với Tàu quá nhiều. Không bao giờ bị Tàu cai trị, họ cũng tự động rước chuyên viên Tàu về xứ họ, nhứt là vào đời Đường, và tất cả hậu duệ của Tần Thỉ Hoàng do con Phù Tô lãnh đạo đều chạy sang Nhựt, toàn dân của 127 huyện Tàu, tức là một cuộc di cư vĩ đại.

                    Thục vì đất quá tốt (xích thổ) lại có khí hậu hợp với Tàu nên khi họ bị diệt quốc rồi thì Tàu tràn tới như nước vỡ bờ.

                    Quý vị sẽ thấy ở chương Mường tất cả phụ nữ và bần dân Mường đều thuộc chủng Mê-la-nê, chỉ trừ đàn ông cấp lãnh đạo mới là Cổ Mã Lai, nên chỉ số trung bình của họ mới không giống Việt Nam, mặc dầu họ là Lạc Việt, thờ nai ở trống đồng.

                    Trong đám Mã Lai Bách Việt thì chỉ số Cao Miên lại cao nhứt, vì theo G. Coedès thì dân Môn và dân Khơ Me khi di cư tới địa bàn mới của họ thì gặp thổ trước Mê-la-nê ở địa phương đó, văn minh cao bằng họ, tức đã tiến đến tân thạch, vì thế mà cuộc hợp chủng Anh Đô Nê + Mê-la-nê nơi hai dân tộc đó lớn lao quá sức, khiến họ phải đen da, mặc dầu họ cũng ở xa xích đạo y hệt như Việt Nam.

                    Trong chỉ số sọ trung bình của Hoa chủng, chúng tôi loại nhóm Hoa Đông ra, vì họ gốc Việt, họ có chỉ số là 81,70 hơi gần chỉ số của Mã và Việt, vì như đã nói, họ gốc là rợ Đông Di mà yếu tố thổ trước còn mạnh hơn yếu tố thổ trước ở Hoa Nam nữa. Chỉ số sọ đó, đề vào sẽ làm sai con số trung bình nói trên, tại sao thì đã giải thích rồi.

                    Các vị trong nhóm Bs. Huard còn viết: “Cái sọ không phải chỉ có đặc sắc ở kích thước, mà các chi tiết về sinh vật hình thái (caractères morphologiques) rất có ý nghĩa quan trọng về mặt chủng tộc”.

                    Rồi các tác giả trên cho biết rằng hơn phân nửa người Việt Nam thuộc loại brachycéphales (54,36 phần trăm) và 30,85 phần trăm thuộc loại mésocéphales, trong khi đó thì đa số người Hoa thuộc loại mésocéphales.

                    Nhóm bác sĩ trên cho biết thêm ba điều sau đây:
                    1. ánh cách brachycéphalie là biệt sắc của chủng Mã Lai.
                    2. Người Việt ở miền Bắc nhiều tánh cách brachycéphalie hơn người Việt miền Nam.
                    3. Chỉ số sọ Hoa Nam lớn hơn Hoa Bắc non ba đơn vị.


                    Chỉ số sọ Việt Nam lớn hơn Hoa Nam trên ba đơn vị.

                    Khoa chủng tộc học phân biệt Trung Mông Gô Lích và Nam Mông Gô Lích thành hai chủng vì cái non ba đơn vị đó thì, tiếp tục công việc của họ, ta có quyền phân biệt Nam Mông Gô Lích với chủng của ta mà ta đặt tên là Cực Nam Mông Gô Lích, cực Nam Mông Gô Lích vì cái già ba đơn vị xuất hiện giữa Việt và Hoa Nam.

                    Điểm thứ nhì trên đây có hơi lạ vì dân Việt miền Nam, cũng như người Việt miền Trung, có lai Chàm, tức là lai thêm với Mã Lai sau khi đồng gốc.

                    Nhưng xét cho kỹ thì thật quả đúng như vậy, vì người Việt Nam miền Nam có lai Tàu rất đông, kể từ thời Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Dịch, thế nên họ bị lây tánh cách Mésocéphale của Tàu.

                    Chúng tôi không trích đăng hình dạy cách đo sọ, vì kỹ thuật rất là rắc rối, phải in trên ba tờ giấy mà hai tờ trên là giấy trong suốt và hình phải ăn khớp với hình của tờ giấy thứ ba là tờ giấy thường ở dưới, chỉ có những đại ấn quán cỡ Taupin ngày xưa mới in nổi mà thôi, nhưng những con số và những nhận xét trên đây cũng đã đủ lắm rồi.

                    Ta đã biết bốn điều quan trọng:
                    1. Sọ ta khác với sọ Hoa Bắc và Hoa Nam rất nhiều về chỉ số và dung lượng.
                    2. Sọ ta giống hệt sọ Mã Lai.
                    3. Sọ ta có tánh cách brachycéphale của Mã Lai.
                    4. Tất cả các dân mà tiền sử học nói là Mã Lai đều quả có sọ Mã Lai.


                    Chúng tôi chỉ dùng chỉ số sọ của người Việt miền Bắc để đối chiếu vì người Việt miền Nam không thuần chủng bằng người Việt miền Bắc.

                    Xin nhắc lại lời của giáo sư Lê Văn Hảo: “Chủng Nam Mông Gô Lích là chủng của các dân tộc ở Đông Nam Á”. Nhưng không có dân tộc Đông Nam Á nào có sọ Nam Mông Gô Lích cả. Các biểu chỉ số sọ trên đây cho thấy rõ như vậy.

                    Sử gia Nguyễn Phương cũng đã nói một điều vào năm 1965 mà O. Jansé đã nói rồi năm 1947 là các yếu tố trong máu của dân Việt Nam khác với dân Trung Hoa. Nhưng chỉ số sọ là bằng chứng quyết định hơn. Biểu đối chiếu cuối cùng sẽ làm nổi bật lên sự kiện khác chủng giữa Hoa và Việt.

                    Hoa trung bình: 77,82
                    Việt Bắc trung bình: 82,49

                    Sự khác biệt lên đến năm đơn vị.

                    Nhưng nếu lấy sọ Chàm Túc mà đối chiếu thì sự sai biệt lại càng to hơn.

                    Chỉ số sọ người Thục rất giống chỉ số sọ Trung Hoa, mặc dầu họ thuộc chủng Thái.

                    Nhưng cũng nên biết rằng người Thục ở Hoa Nam (Hakka) đã bị lai giống mạnh với Trung Hoa từ trên hai ngàn năm rồi. Còn người Thục Tứ Xuyên thì đã bị bốn đợt di cư lớn biến họ thành Hoa. Di cư do Tư Mã Thiên tổ chức dưới thời Chiến quốc, sau khi diệt Thục; di cư do Hàn Tín và Lưu Bang tổ chức, rồi do Khổng Minh, Lưu Bị tổ chức, di cư do Tưởng Giới Thạch tổ chức vào trận thế chiến thứ hai, cuộc di cư này còn quá mới, chưa thay đổi gì được nhưng cũng xin ghi vào cho đủ bộ.

                    Chỉ số sọ hơi thấp của người Việt miền Nam, thấp so với sọ miền Bắc chứng tỏ rằng người Việt miền Nam lai Tàu nhiều hơn người Việt miền Bắc.

                    Câu trên đây có vẻ mâu thuẫn với một khám phá lạ của chúng tôi và bọn lưu vong nhà Minh ở Bắc Việt 10 lần đông hơn ở Nam Kỳ.

                    Chỉ là có vẻ mâu thuẫn thôi, chớ thật ra thì không, vì khi Pháp chinh phục Nam Kỳ thì họ mở cửa Nam Kỳ cho Tàu di cư đến bao nhiêu tùy thích, khác hẳn ở Bắc Việt mà người Tàu, sau cuộc lánh nạn Mãn Thanh, chỉ di cư đến rất lưa thưa.

                    Hiện nay thì họ đã đông tới một triệu rồi và số con lai Tàu Việt vô số kể từ năm 1680 cho đến nay.

                    Lai giống nhiều nhất là người Triều Châu, vì người Triều Châu làm nông nghiệp, len lỏi vào sống trong nông thôn, lẫn lộn với dân chúng, chớ không phải là công nhân và thị dân như người Quảng Đông và Phúc Kiến.

                    Triều Châu tuy là Lạc bộ Mã, nhưng họ đã lai Tàu từ ngày Tần Thỉ Hoàng diệt Thất Mân ở Mân Việt, thành thử sọ của họ là sọ Hoa Nam.

                    Lời giải thích này, nếu đúng thì nó để lộ cho ta thấy rằng số người Tàu di cư vào Cổ Việt quá ít, chớ không như giáo sư Nguyễn Phương đã chủ trương. Vì quá ít nên từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau càng đi xuống, tánh chất Mã Lai càng ít đi, mà tánh cách Trung Hoa lại càng mạnh hơn.

                    Lại càng nên phân biệt người Việt gốc Hoa, tức Tàu lai với người Tàu thuần chủng. Thuyết của giáo sư Nguyễn Phương cho rằng ta là Tàu thuần chủng chớ không phải là Tàu lai.

                    Đó là người Tàu di cư sang Cổ Việt trá hình và tự xưng là Việt.

                    Ở chương Cái Họ, ta sẽ thấy rằng ở Nam Kỳ chỉ có Tàu lai là có thể làm Việt Nam, còn người Tàu thuần chủng thì tuyệt nhiên không hề làm Việt, cho dẫu sống ở đó mấy mươi đời họ vẫn cứ làm Tàu. Chúng tôi đã nói rằng họ giống người Do Thái lắm về mặt ấy, có bắt họ lấy quốc tịch Việt Nam, họ vẫn cứ làm Tàu như thường, và đa số lại không thèm học tiếng Việt nữa, chớ đừng nói là, tuy làm Tàu nhưng vẫn nỗ lực sơn một lớp sơn Việt lên người họ, để dễ làm ăn, hoặc dễ làm dân biểu.

                    Nguồn: Bách Bộc xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản điện tử do talawas thực hiện.


                    http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11125&rb=08
                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.04.2008 04:24:50 bởi Ngọc Lý >
                    #23
                      Ngọc Lý 06.04.2008 23:54:17 (permalink)
                      Bình Nguyên Lộc
                      Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam


                      20/35


                       
                      E. Ngôn ngữ tỷ hiệu

                      Khoa học chê khoa ngôn ngữ tỷ hiệu, chỉ bố thí cho nó địa vị thứ ba trong các cuộc chứng minh thôi.

                      Chúng tôi nhượng bộ khoa học cho khỏi phải tranh luận lôi thôi, chớ riêng về trường hợp Việt Nam thì ngôn ngữ tỷ hiệu phải được thủ vai hạng nhì, ngang hàng với việc đo sọ.

                      Vâng, đúng là phải như vậy. Từ hai ngàn năm nay, thử hỏi dân tộc ta có tiếp xúc với dân tộc Mã Lai hơn một ngày hay không, trước khi ta di cư vào Nam hồi giữa thế kỷ XVII?

                      Nhưng ta lại đã dùng ngôn ngữ Mã Lai hàng năm trước cái lần tiếp xúc vào thế kỷ XVII ở Nam Việt ấy, mà là dùng tại Bắc Việt kia, thì phải chăng khi hai ngôn ngữ giống nhau là đồng gốc tổ chớ không hề là vay mượn.

                      Vay mượn hồi nào, và ở tại thành phố nào ở Bắc Việt kia chớ, từ hai ngàn năm nay? Tuyệt đối không có tiếp xúc và ảnh hưởng nào hết.

                      Vài ông Tây cho thấy rằng trong Việt ngữ có một số danh từ Mã Lai. Họ chỉ nhận xét thế thôi nhưng không kết luận.

                      Nhưng giáo sư ngữ học Nguyễn Đình Hòa thì kết luận rằng đó là một sự vay mượn, và vài sử gia phụ họa theo cho rằng sự vay mượn đó là dĩ nhiên.

                      Chúng tôi không thấy tánh cách dĩ nhiên ấy ở chỗ nào cả và không hiểu nổi tại sao lại có sự vay mượn đó, nhứt là khi chúng tôi tìm ra được đến 6, 7 ngàn danh từ Việt giống danh từ Mã Lai thì chúng tôi phải kêu trời, tự hỏi tại sao ta vay mượn nhiều đến thế của một dân tộc không hề có địa bàn gần với ta, mà cũng không hề có tiếp xúc với ta hồi cổ thời, chỉ trừ cuộc tiếp xúc tại Nam Kỳ hồi giữa thế kỷ XVII, mà danh từ Việt giống Mã Lai lại có từ thuở dân ta… mới biết nói tiếng người.

                      Sử ta có chép chuyện Mã Lai liên kết với Chàm, đến đánh Thăng Long, nhưng bị ta rượt chạy không kịp đổ bộ, thì thử hỏi sự vay mượn “DĨ NHIÊN” ấy xảy ra hồi nàoở đâu?

                      Chỉ còn có một cách trả lời là nó xảy ra hồi thượng cổ, lúc hai dân tộc còn là một, tức là ta với họ đồng chủng với nhau và có địa bàn chung vào thời thượng cổ.

                      Mà không phải chỉ có ta với họ, vì Môn, Miến Điện, Khơ Me, Thái đều đồng chủng Mã Lai với nhau cả, thế nên mới có sự giống nhau nó gạt gẫm, các ông Tây họ cho là ta vay mượn lung tung, không có lấy một danh từ nào là của ta hết, vì xem đi xem lại (trong quyển tự vị đối chiếu 10 ngàn danh từ mà chúng tôi đang soạn) thì ta không giống Chàm cũng giống Khơ Me, không giống Khơ Me cũng giống Thái, không giống Thái thì giống người Thượng Cao nguyên, tóm lại, nếu chủ trương là ta vay mượn thì không còn Việt ngữ nữa, bằng chứng chắc một trăm phần trăm là không có danh từ Việt nào mà không giống danh từ của nhóm dân nào đó.

                      Hai thí dụ điển hình nhứt là con Yểng, con vật nhỏ mọn không đáng kể, vậy mà Đàng Trong gọi là con Nhồng, người Bà Na trên Cao nguyên gọi là con Jồng, và con Mạt (rận gà) thì người Bà Na gọi là con Mạc. Mà đừng tưởng là họ học với ta đâu nhé. Họ đã có hai danh từ đó trước khi ta để chân lên Cao nguyên, mà ta cũng có rồi trước khi họ thấy mặt ta lần đầu trong lịch sử của họ.

                      Nhưng khi học về nguồn gốc của Mã Lai chủng xong rồi thì những tiếng vay mượn nhiên không còn đứng vững được nữa, và thắc mắc của những người biết suy nghĩ đã được giải đáp: một dân tộc cường sinh nhứt Đông Nam Á mà lại không có ngôn ngữ, đi lượm danh từ của cả người Thượng để mà dùng, là chuyện không có được, mà tại sao có sự giống nhau đó thì đã rõ.

                      Chương này chắc chắn là chương quan trọng nhất của quyển sách này, không phải đối với các nhà khoa học, mà quan trọng vì sẽ được dân chúng nhìn nhận dễ dàng nguồn gốc của mình, bởi nếu những cái sọ khó hiểu, thì ngôn ngữ là cái gì thấy được tức khắc, bất cứ với trình độ văn hóa nào.

                      Trước khi kết quả của công việc khảo tiền sử được ông G. Cocdès đưa ra ánh sáng, trên thế giới không hề có ai biết có Mã Lai đợt I hết. Họ chỉ biết có một thứ Mã Lai mà thôi vì nhóm người đó, đông hàng trăm triệu hiện đang sống tại các đảo Mã Lai và tự xưng là Mã Lai đợt I. Nhưng đó chỉ là Mã Lai đợt II. Đây là dịp mà ta biết Mã Lai đợt I, biết nhiều hơn ông G. Cocdès nữa, vì ông ấy không có kiểm soát như chúng ta.

                      Làm thế nào để biết được? Rất là giản dị. Cứ dựa theo khoa khảo tiền sử thì đại khái Nam Dương và Đa Đảo (trừ Célèbes) với lại Phi Luật Tân, là Mã Lai đợt II, Môn, Khơ Me, Miến Điện, Thái, Việt Nam, Célèbes là Mã Lai đợt I.

                      Đại khái thì là như vậy, nhưng đi sâu vào chi tiết hơn, sau khi đối chiếu xong hiệp đầu, ta thấy tiền sử học có sai. Ở ba quốc gia Việt Nam, Chiêm Thành và Nhựt Bổn có cả hai thứ Lạc Trãi và Mã. Riêng ở Việt Nam thì lại có đến ba thứ: Trãi, Chuy và Mã.

                      Có một thứ Lạc bộ Chuy mà không ai chú ý đến, cứ cho rằng Nam Việt Chí viết sai chánh tả.

                      Đối chiếu xong hiệp đầu, chúng tôi mới thấy rằng sử Tàu quá giỏi. Tiền sử học chỉ biết tổng quát có Mã Lai đợt I mà không dè rằng trong bọn đợt I Lạc ở Tây Hoa Bắc bộ Chuy ngôn ngữ khác hơn Lạc ở Đông Hoa Bắc bộ Trãi một chút xíu.

                      Đối chiếu xong hiệp đầu, với hàng vạn danh từ, chúng tôi chợt thấy rằng trong Việt ngữ có những danh từ không giống Mã Lai Nam Dương, cũng không giống Thái, Môn, Khơ Me, Miến Điện. Thế là chúng tôi nhờ đến Lạc bộ Chuy mà Tàu thường gọi là Khuyển Nhung hơn, và đó là tổ tiên của Môn, Miến Điện, Khơ Me.

                      Vậy những danh từ không giống ai hết hẳn là của Lạc bộ Trãi. Đó là cái biết do sự đối chiếu hiệp đầu để lộ ra. Và đó là cái biết căn bản, nó giúp ta rõ được ở quốc gia nào có bao nhiêu thứ Lạc, và có với tỷ lệ nào, vì ở địa bàn nào họ cũng chỉ tìm được có vài mươi cái sọ.

                      Chúng tôi nhận thấy hai điều rất quan trọng:

                      1. Cả hai thứ Mã Lai đều có một số vốn chung về ngôn ngữ, kẻ này nói kẻ kia hiểu được, như hai danh từ Lá và Non đã cho thấy.
                      2. Sử Tàu rất đúng khi họ ghi chép về ngôn ngữ của dân nước Sở. Dân nước Sở nói tiếng Mã Lai Nam Dương, vì đó là Lạc Hoa Nam, đợt II, bộ Mã (xin nhắc lại câu chuyện Nậu Ô Đồ).

                      Và chúng ta có thể viết lại thật đúng lịch sử của nước Chiêm Thành mà cho tới ngày nay các sử gia Pháp và Hoa viết sai cả về đoạn đầu, đoạn song đôi với Hùng Vương.

                      Về thượng cổ sử của Phù Nam và Cao Miên, ta cũng viết đúng được y như thượng cổ sử Chiêm Thành, mà cũng chỉ nhờ ngôn ngữ đối chiếu.

                      Hơn thế, ta lại biết được rằng có một quốc gia Việt Nam thứ nhì đã bị nước Cao Miên tiêu diệt cách đây trên 2.000 năm và thứ dân đó hiện còn sống, nói tiếng Việt lối cổ, và cái tiếng Việt lối cổ ấy ra sao.

                      Nhưng hữu ích hơn hết là ta sẽ biết rõ thời đại của vua Hùng Vương mà cho tới nay chưa ai biết cả, trừ một câu sử ngắn và thiếu sót của quyển Giao Châu ngoại vực ký. Việt sử trung điệp, giai đoạn Đông Sơn, cũng được ta biết rõ hơn, những gì mà hàng chục nhà bác học Âu Mỹ đã đưa ra ánh sáng từ 1924 đến 1954.

                      Mà cũng cứ nhờ ngôn ngữ tỷ hiệu.

                      Như trong toàn thể quyển sách, chương này cũng chia ra làm hai phần, phần thứ nhứt bác bỏ chủ trương Việt ngữ là Hoa ngữ của giáo sư đại học Nguyễn Phương, phần thứ nhì chứng minh Việt ngữ là Mã Lai ngữ.

                      Giáo sư Nguyễn Phương khẳng định mà không đưa bằng chứng rằng Việt ngữ là Hoa ngữ. Tưởng như thế, ta chỉ nói một tiếng “Không” là đủ rồi.

                      Nhưng một vị giáo sư khác, không hề cho ta là người Tàu, lại có chứng minh rằng tiếng ta là tiếng Tàu. Đó là giáo sư Lê Ngọc Trụ.

                      Vậy chúng tôi cần bác bỏ hơi dài, vì giáo sư họ Nguyễn được giáo sư họ Lê ủng hộ một cách vô tình và gián tiếp.

                      Trong V.N.T.K.S. trang 230 sử gia Nguyễn Phương viết: “Hầu như có thể nói được rằng tiếng Việt Nam ngày nay, sau 10 thế kỷ độc lập, vẫn còn là chính tiếng Tàu, nhưng đọc lên một cách hơi khác với cách đọc của những tiếng địa phương ở Trung Quốc. Cố nhiên, trong Việt ngữ, đôi khi có xen vào một đôi số những tiếng không phải gốc Tàu, như tiếng Mọi, tiếng Chàm, nhưng hiện tượng đó không thể nói lên gì khác, ngoài sự người Việt Nam trên đường bành trướng, đã có gặp người Mọi, người Chàm, cũng một cách như họ đã gặp người Pháp trong thế kỷ vừa qua và họ đã thâu nhận một số tiếng Pháp vào trong kho ngôn ngữ của họ”.

                      Tiếng Việt do tiếng Tàu mà ra, là chủ trương của một số học giả từ lâu rồi, chớ không riêng gì của sử gia Nguyễn Phương mới nói như vậy. Nhưng đây là lần đầu tiên mà một giáo sư đại học công khai nhấn mạnh về chủ trương ấy và dùng chủ trương đó để làm một trong nhiều chứng minh quan trọng cho giả thuyết rằng người Việt Nam là người Trung Hoa thuần chủng di cư sang đây vào thời Bắc thuộc, còn dân Lạc Việt thì đã “đi ra khỏi lịch sử rồi” nên ta không còn thờ ơ được với quan niệm trên nữa, mà phải cấp tốc đặt thành vấn đề ngay, với một cuộc kiểm soát cẩn thận.

                      Ngữ vựng của dân tộc nào cũng vay mượn lung tung, Tuy nhiên, các cuộc vay mượn còn để dấu thời gian lại. Xin giải thích rõ. Khi người Tàu đến đánh ta để trực trị ta, không lẽ hai bà Trưng và đồng bào của hai bà lại không có một danh từ để chỉ bàn tay hay sao?

                      Nếu phải vay mượn của Tàu thì ta chỉ vay mượn những tiếng chỉ những ý niệm phức tạp, những dụng cụ và vật dụng lạ, chớ không thế nào ta lại vay mượn một danh từ để chỉ Nước là chất mà ta uống hằng ngày và ta đã phải có tiếng gọi hàng ngàn năm rồi.

                      Đó chỉ là mới nói chuyện vay mượn của Tàu không mà thôi, mà nhiều người cũng lạm dụng sự kiện có vay mượn đó, để mà nói quá lố ra, biến tiếng nào của ta cũng thành của Tàu cả, như trường hợp giáo sư Lê Ngọc Trụ mà chúng tôi sẽ xét thật kỹ ở chương này.

                      Chí như nói ta là Tàu thuần chủng vay mượn của Mọi thì lại càng vô lý hơn. Người Tàu đã rất văn minh dưới ba trào đại Chu, Tần, Hán, họ lại có tự tôn mặc cảm quá nhiều, không như các dân tộc văn minh khác. Như vậy nếu có chuyện người Tàu ly khai với chính quốc của họ để tự xưng là Việt Nam thì họ chỉ ly khai về chánh trị mà thôi chớ không bao giờ ly khai về ngôn ngữ, mặc dầu họ có sống với “Mọi” đi nữa như sử gia họ Nguyễn đã nói.

                      Họ xem cái gì của họ cũng hơn của man di cả, nhứt là ngôn ngữ, vì cái lẽ dễ hiểu rằng họ đã có văn tự còn các thứ man di thì không. Thế thì tại sao, khi tự xưng là Việt, họ lại mượn những danh từ , Trăng, Ngựa, Chòi, Túp, Cơm, Trâu, , Bóng, Chim, Vua của “Mọi” trong khi họ đã có những danh từ đó rồi, và thấy là hay hơn danh từ của Mọi?

                      Nhưng chắc sử gia đã đổi quan niệm, sau khi xem qua vài thí dụ về danh từ Lá và Non ở đầu sách này. Nếu sử gia lại còn chưa đổi ý thì xin cứ xem hết chương này thì rõ.

                      Sử gia Nguyễn Phương nói rất đúng rằng trên đường Nam Tiến ta, tức là theo sử gia thì là người Tàu đấy, có mượn tiếng “Mọi”, nhưng không nên kể đến.

                      Vâng, nhưng người Tàu tự xưng là Việt mượn tiếng Mọi để chỉ những vật lạ như Cây Dừa mà bên Tàu không có chẳng hạn, chớ sao lại bỏ danh từ Xùi của đại quốc Trung Hoa, rồi mượn danh từ Nước làm gì?

                      Không có lý nào mà như vậy hết.

                      Biết trình độ văn hóa của ta dưới thời Mã Viện thì có thể dựng lên được một ngữ vựng Việt vào thời ấy. Chắc ta chưa biết lịch, thì danh từ lịch mới có thể là gốc Trung Hoa, chớ ta đã có biết cái Bàn tay rồi thì danh từ Bàn tay hẳn phải là của ai đó, tức của tổ tiên ta, chớ không thể nào mà là Trung Hoa, cũng không thể nào mà Trung Hoa bỏ danh từ Chưởng của họ để mượn danh từ Bàn tay của “Mọi”.

                      Chúng ta đã thấy có trường hợp một chủng tộc mất ngôn ngữ của mình và dùng ngôn ngữ của nước khác, nhưng luôn luôn kẻ yếu mất và kẻ cho vay là kẻ mạnh.

                      Người Tàu di cư, nếu có, là kẻ mạnh, là dân văn minh, thì khi họ ly khai với chính quốc của họ tại Giao Chỉ, theo quan niệm của sử gia Nguyễn Phương, không thế nào mà họ để mất ngôn ngữ của họ, đi mượn ngôn ngữ “man di”, mượn những danh từ thông thường mà họ đã có rồi như ăn, uống, ngủ, v.v.

                      Vậy khi ngôn ngữ căn bản của ta không phải là ngôn ngữ Tàu thì chắc chắn rằng là ta không phải là người Tàu.

                      Nhưng trước khi bác bỏ và chứng minh, chúng tôi thấy là cần xóa vài ngộ nhận của trí thức ở các ngành khác mà không có theo dõi khoa ngữ học.

                      Theo quý vị đó thì văn phạm mới là việc chính của một ngôn ngữ, còn danh từ có thể vay mượn qua lại.

                      Theo quan niệm sai lầm ấy thì không thể bác bỏ hoặc chứng minh bảo vệ những biểu đối chiếu danh từ.

                      Thật ra đó là quan niệm đúng… của đời xưa, mà nó chỉ mới được thấy là sai về sau này thôi. Và trí thức của các môn khác mà không theo dõi ngữ học, đã sai vì đã dừng chơn lại ở cái biết đời xưa vừa được phổ biến ngày nay ở xứ ta, còn cái biết ngày nay thì chỉ có các nhà chuyên môn mới biết?

                      Để truy nguyên một dân tộc, sau vấn đề chủng tộc học và khảo tiền sử, vấn đề quan trọng vào hàng thứ ba là ngôn ngữ học. Trong công trình nghiên cứu về chủng tộc Mèo (B.E.F.E.O. 1968), ông G. Moréchand viết đại khái: “Sau chỉ số nọ, ngôn ngữ là dấu vết lâu đời nhứt mà một chủng tộc có thể giữ được qua nhiều ngàn năm chung đụng với các chủng tộc khác. Y phục, phong tục, tôn giáo có thể chịu ảnh hưởng ngoại lai dễ dàng, nhưng ngôn ngữ thì không”.

                      Nhưng chính chúng tôi lại đã nói, ngôn ngữ chỉ là chứng tích có giá trị hạng ba, vì ngôn ngữ là văn hóa, có thể vay mượn lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Và trong ngôn ngữ, bất kỳ cái gì cũng biến được hết chớ tuyệt đối không phải văn phạm bất biến còn danh từ thì biến.

                      Người Đức và người Anh đều thuộc nhóm Nhựt Nhĩ Mạn của chủng Ba Tư Ấn Âu (race Iranienne Indo-Européenne, groupe Germanique). Thế mà người Anh theo văn phạm Nhựt Nhĩ Mạn, còn người Đức thì lại theo văn phạm La Tinh. Trong khi đó thì danh từ Nhựt Nhĩ Mạn của hai dân tộc đó lại cứ giống nhau.

                      Thế thì cái gì bị biến nhiều hơn? Văn phạm hay danh từ?

                      Vì biết cái lẽ đó nên khi tìm nguồn gốc các dân tộc da trắng bằng chứng tích ngôn ngữ, chính phương pháp đối chiếu danh từ được áp dụng, chớ không phải căn cứ vào liên hệ văn phạm.

                      Người Âu Châu đã thành công, vì khi họ dùng phương pháp đối chiếu danh từ, nó cho họ một kết quả ăn khớp với khoa khảo tiền sử và khoa chủng tộc học, còn phương pháp đối chiếu văn phạm thì không.

                      Thế nên chúng tôi dùng phương pháp đối chiếu danh từ.

                      Thí dụ: Tiếng BÀN TAY

                      Pháp: Main
                      Nga: Ruka
                      Anh: Hand

                      Ý: Mano
                      Balan: Reka
                      Đức: Hand

                      Thoạt trông cứ tưởng Pháp, Nga, Anh khác ngôn ngữ nhau. Nhưng không. Qua một biểu đối chiếu khác, ta lại thấy rằng họ đồng tông Ba Tư, Ấn Âu.

                      Thí dụ về danh từ MẸ:

                      Pháp: Mère Nga: Mat Anh: Mother

                      Một chủng là cái gì rất là lớn lao, họ chia ra nhiều chi, rồi mỗi chi chia thành nhiều tiểu chi, các tiểu chi đều có một số danh từ khác nhau, nhưng đồng thời cũng có một số danh từ giống gốc mẹ thuở cổ sơ. Người ta dùng phương pháp đó để truy nguyên chủng tộc, căn cứ vào cái gốc mẹ ban đầu ấy.

                      Nói thế chỉ để nói ra một sự thật kỳ dị mà cho đến trí thức cũng không biết, họ đinh ninh rằng văn phạm, âm thanh là cái gì bất di bất dịch, còn danh từ thì vay mượn qua lại lung tung. Chỉ nói ra cho rõ trắng đen thôi, chớ chúng tôi đã xét ngôn ngữ dưới đủ cả mọi khía cạnh: văn phạm, cú pháp, ngữ vị, âm, thanh và danh từ.

                      Nhưng chúng tôi đưa ra kết quả của phương pháp đối chiếu danh từ vì chúng tôi thấy những thứ khác sai hết. Thí dụ về phương diện nhân-thể-tính (caractères anthropologiques) là phương diện quyết định hơn cả thì người Lô Lô đích thị là người Thái. Thế mà họ nói “Ông ăn cơm”, khi người Thái nói “Ộng ăn cơm”.

                      Đó là về ngữ vị (word order). Các thứ khác cũng biến bậy bạ như thế. Chúng tôi đã khám phá ra rằng tiếng Cổ Việt đa âm, y hệt như Mã Lai ngữ và Nhựt Bổn ngữ ngày nay. Quý vị nói sao về vấn đề này? Nó đa âm và nó chỉ có 4 thanh. Cái đó mới là phiền, trong khi ngày nay ta có tới 8 thanh và độc âm.

                      Tóm lại, chỉ có việc đối chiếu danh từ là dùng được, và danh từ, kỳ dị thay, mới là tồn tại lâu dài.

                      Thế nên khi sử gia Nguyễn Phương cho rằng “Tiếng Việt chính là tiếng Tàu” để chứng minh rằng Việt là Tàu, khi giáo sư Kim Định bảo rằng yếu tố Việt là yếu tố căn bản trong Hoa chủng, chúng tôi không đưa ra sự khác biệt quá rõ ràng giữa văn phạm Tàu và văn phạm Việt để bác bỏ chủ trương của hai ông như bao nhiêu học giả khác đã làm, mà chỉ bác bỏ bằng việc đối chiếu danh từ mà thôi.

                      Nhưng trước khi trình ra trên hai trăm bản đối chiếu, chúng tôi nói dài thêm về ngộ nhận của trí thức ta là danh từ không phải căn bản. Chúng tôi đi sâu vào các thứ biến để cho thấy rằng chỉ có phương pháp đối chiếu danh từ là dùng được, còn văn phạm, ngữ pháp, ngữ vị, thanh, âm đều không dùng để đối chiếu mà có thể biết sự thật như ai cũng tưởng.

                      Chúng tôi đã trình ra thí dụ về văn phạm nước Đức và văn phạm Lô Lô, nó gạt gẫm ta chớ không chứng minh cái gì hết.

                      Giờ xin bước sang vấn đề độc âm và đa âm.

                      Chúng tôi nói rằng chúng tôi đã khám phá ra tiếng Việt cổ thời đa âm, thì tưởng chỉ cần đưa ra một mớ danh từ cổ thời ấy là đủ rồi, không phải nói dông dài làm gì. Nhưng vẫn phải nói dông dài, bởi cái gì cũng cần được đưa ra cả hết.

                      Lối sắp loại của các ông Tây cho rằng tiếng Thái, tiếng Chàm và tiếng Mã Lai có hai Xy láp còn tiếng ta chỉ có một, không đúng. Những tiếng mà ta ngỡ là hai Xy láp của Mã Lai, cái tử âm đầu của họ, họ chỉ nói gió mà thôi. Thí dụ danh từ của ta, tiếng Mã Lai được ghi là Halaa, nhưng thật ra là họ đọc H’laa, không thể gọi là hai Xy láp được.

                      Nhưng nếu cứ muốn nói chuyện hai Xy láp thì ta vẫn có hai Xy láp. Những tiếng nhị trùng âm của ta đều có thể coi như là gồm hai Xy láp, theo lối Halaa. Thí dụ Chuyên.

                      Nhưng ngay trong những tiếng chỉ gồm có một Xy láp [syllable], cũng là hai Xy láp. Ai không tin cứ nghe tài tử Anh Tuấn nói trong Tivi thì phải tin ngay. Tài tử ấy là người gốc miền Bắc, và đa số người gốc miền Bắc nói như vậy, nhưng ông đó nói rõ hơn ai hết. Thí dụ Lạ Kỳ, ông ấy nói La Ạ Kỳ.

                      Và ông ấy là người Việt Nam độc nhứt nói đúng tiếng Việt gốc, vì hiện nay người Mã Lai Nam Dương nói là Lu Ạ, tức nói với hai Xy láp [syllable] chớ không phải với một Xy láp.

                      Đành rằng ta đã biến âm U thành âm A và nhập hai âm A lại, nhưng thuở mới biến, hẳn ta chưa nhập và ta còn nói là La Ạ, y hệt như ông Anh Tuấn ngày nay đã phát âm.

                      Nhưng tiếng Thái có hai Xy láp hay không như các ông Tây đã nói mò? Không. Đồng họ nói là Tong luang, các ông Tây viết dính rồi cho là có hai xy láp, nhưng thật ra đó là hai từ: ĐồngLuang. Tiếng Thái Luang hoặc Longmàu vàng, Tong luangĐồng màu vàng, chớ không có hai Xy láp gì hết.

                      Các ông Tây viết dính lại hết rồi muốn nói ra sao thì nói. Các ông viết Luangprabang, nhưng thật ra đó là ba từ:

                      Luang: Vương quốc
                      Pra: Thần
                      Bang: Tên của vị Thần.

                      Luangprabang là Vương quốc của thần Bang, làm gì mà có ba Xy láp được?

                      Ở biên giới Lào - Việt, gần đèo Mụ Già, có một làng tên là Tân Ấp. Các ông gọi là Letanap. Tiếng Lào đó đa âm hay không? Cũng như Lê Văn Duyệt được gọi là Lê Tả Quân, các ông ấy viết là Letacun thì còn biết ta đa âm hay độc âm?

                      Bên Lào có một nơi tên là Thakhek.

                      Tha = Bến
                      Khek = Kẻ lạ

                      Các ông viết Thakkek rồi nói là tiếng Lào Thái có hai Xy láp. Chẳng những thế, các ông làm cho người khác lầm nghĩa nữa, vì Thaknek có thể đọc là Thak Hek.

                      Thak = Thu nhỏ lại
                      Hek = Cây sầu đông

                      Bến của kẻ lạ mặt trở thành Cây sầu đông bị thu nhỏ thì là chuyện động trời.

                      Ở Trung Việt có một mũi đất mà các ông ghi bằng tiếng Chàm, tức tiếng Mã Lai đợt II. Đó là Cap Batangan. Nhưng chính người Chàm cũng chẳng biết đó là gì, bởi nó gồm ba từ chớ không phải một từ mà ba Xy láp thì người Chàm còn làm sao mà hiểu được!

                      Vấn đề đa âmđơn âm cũng không có gì là rõ rệt.

                      Có trường hợp ngôn ngữ đơn âm biến thành ngôn ngữ đa âm. Trường hợp này rất thường xảy ra, và nếu ta muốn, tiếng Việt đã là tiếng đa âm từ lâu rồi. Đó là trường hợp một dân tộc kém văn minh được một dân tộc văn minh khai hóa, ráp nối một tiếng của họ và một tiếng của dân tộc văn minh đó mà họ dùng làm ngữ căn. Trong vòng 10 năm nay, ta thấy xuất hiện trên báo chí những tiếng như lành-mạnh-hóa chẳng hạn mà có người nói là từ ngữ, có người cho là động từ ghép, chỉ vì có hai gạch nối liền, chớ bỏ hai gạch đó, viết dính nó lại thì đó là một tiếng đa âm chớ không có gì lạ.

                      Dân Việt dùng Hoa làm ngữ căn thì dân Mã Lai dùng Ấn làm ngữ căn, chỉ có khác là tiếng Mã Lai bị ảnh hưởng đa âm của Ấn nên người Mã Lai đọc rất nhanh, người Âu châu phiên âm các Xy láp Mã Lai cho dính lại thì nó có vẻ đa âm hơn tiếng lành-mạnh-hóa của ta, chỉ có thế thôi.

                      Chúng tôi học tiếng Mã Lai trong mấy quyển tự điển Pháp - Hòa, Hòa - Mã, chúng tôi thấy danh từ Angin. Tự nhiên chúng tôi đọc hơi giống Engine của tiếng Anh.

                      Nhưng một vị trí thức Chàm đã dạy chúng tôi đọc cho đúng. Nó hoàn toàn không phải như vậy mà là A Ngin, hai từ rời ra xa nhau và Ngin đọc y như Nghin của Việt Nam.

                      Người Mã Lai quả hiện nay họ đa âm, nhưng đó là ảnh hưởng Ấn Độ, chớ vào cổ thời họ cũng là chủng có nhị âm, và nhị âm y hệt như Việt Nam cổ thời.

                      Họ nối kết rất là kỳ dị, không còn gì là Ấn Độ nữa, mà cũng chẳng còn gì là Mã Lai nữa hết.

                      Thí dụ:

                      Măm: Kẻ
                      Panaa: Bắn
                      P’na: Ná

                      Họ nhập hai chữ P lại cho đứng đầu, rồi cho Măm vào giữa và nuốt mất một M, rồi lại cho Anaa + Na đi sau. Nó hóa ra là Pamanaa. Như vậy là:

                      Ná kẻ bắn hoặc Bắn kẻ ná

                      P có thể thay cho Panaa và P’na.

                      Họ nuốt mất M, và trong Panaa và P’na có tới bốn chữ A, nhưng rốt cuộc chỉ còn có ba chữ.

                      Đó là một sự cấu tạo kỳ dị quá sức tưởng tượng, không có ngôn ngữ nước nào mà chuyển hóa lạ lùng như vậy bao giờ.

                      Tiếng Phạn dài bao nhiêu họ cũng không nuốt. Dưới đây là một danh từ mà Ban điển chế ngôn ngữ của ông Nê Rư đã tân tạo để chỉ cái nhà ga:

                      Angirahyantraviramsthan

                      Cả thế giới, và cả người Ấn Độ đều phì cười. Nhưng họ nhứt định để cho nó dài, không nuốt một tiếng, một Xy láp nào hết.

                      Khi ông Mã Lai tự đa âm hóa theo kẻ khai hóa của ông thì ông đảo lộn điên đầu, không còn biết đâu là đâu nữa. Nhưng đó là những tiếng mới, chớ những danh từ căn bản của dân tộc Mã Lai cứ chỉ có một và hai Xy láp, không bao giờ trên hai cả, mà danh từ Cổ Việt thì cũng thế, như ta sẽ thấy.

                      Lại có trường hợp ngộ nhận là đa âm, nhưng thật ra chỉ là đơn âm. Thí dụ ngôn ngữ Nhựt Bổn. Ai cũng cho đó là tiếng đa âm. (Và Nhựt cũng gốc Mã Lai). Nhưng thử hỏi có quả nó đa âm hay không? Chúng tôi xin lấy tên một đảo của họ làm thí dụ. Đó là đảo Shikoku, và đó là do người Âu châu phiên âm, chớ phiên âm thật đúng thì chỉ có Việt ngữ mới phiên âm được. Ta phải phiên âm là Shikôku mới không phản giọng đọc của người Nhựt. Mà Shikôkư là gì? Chỉ là: Shi = Từ. Đó là tiếng Tàu. Và Quốc = Cuốc . Đó cũng là tiếng Tàu nhưng đọc theo Nhựt, họ ưa thêm ở sau nhiều tiếng lắm. Hồi họ chiếm đóng xứ ta, Thakhek, họ đọc là Takê-Kư.

                      Như vậy có gì là đa âm? Ta cũng có thể viết Tứ Quốc và cho là tiếng ta đa âm được chứ?

                      Lại thí dụ: Bonsai. Bon sai chỉ là Bồn Tài của Tàu, mà Bồn TàiCây Cảnh, chớ không có đa âm gì hết. Tại Tây viết dính lại và nghe Nhựt đọc nhanh rồi cho rằng tiếng Nhựt đa âm.

                      Lại thí dụ: Nihonbunka

                      Ni = Nhựt
                      Hon = Bổn
                      Bun = Văn
                      Ka = Hóa

                      Đa âm ở chỗ nào? Cũng chỉ cứ là là tiếng Tàu đọc quá nhanh.

                      Quả họ cũng có những tiếng nhị âm, nhị chớ không đa âm, thí dụ Yama là núi, Sima là đảo.

                      Nhưng sự thật một trăm phần trăm là tiếng Mã Lai cổ sơ chỉ có nhị âm chớ không có đa âm, tiếng Nhựt cũng thế. Tại Tây có tật viết dính làm ta ngộ nhận, mà chính họ cũng ngộ nhận.

                      Chịu ảnh hưởng Pali và Sanscrit rồi thì Mã Lai ngữ mới đa âm.

                      Còn tánh cách nhị âm của Mã Lai Việt bị ảnh hưởng Trung Hoa làm cho nó thành độc âm mà không ai ngờ.

                      Và chúng tôi tìm được một dân tộc đang sống tại biên giới Lào - Việt, họ tự xưng là dân Lạc và họ nói tiếng Việt nhị âm. Đó là một khám phá vô cùng quan trọng đối với việc tìm nguồn dân tộc bằng ngôn ngữ.

                      Nên nhớ, họ tự xưng là Lạc, và đó là một chi tiết đáng được ta chú ý vì vào đời Hán sách Tàu cũng gọi ta là Lạc, và ngôn ngữ của họ, tuy cổ sơ, nhưng họ nói, ta còn nghe hiểu được họ muốn nói gì, tức họ nói tiếng Việt.

                      Văn phạm của họ cũng cho thấy rằng không như văn phạm Việt ngày nay, và cho đến cả văn phạm Mường, ít cổ sơ hơn, cũng hơi khác văn phạm ta ngày nay chút ít. Thế thì văn phạm của ta cũng có biến mà không ai hay biết.

                      Thứ dân Việt tự xưng là Lạc nói trên chỉ có ba thanh, như Mã Lai. Âm, thanh, văn phạm đều bị tiêu tùng hết, sau cuộc khám phá này và sau không biết bao nhiêu công trình nghiên cứu ngữ học ở các nước khác.

                      Nhưng danh từ thì cứ còn, gần như xưa sao nay vậy. Ta đã ngộ nhận nhiều từ về ngôn ngữ, cho rằng cái vĩnh cửu là phù du, và ngỡ cái phù du là chuyện muôn năm trường tồn.

                      Lại có trường hợp một ngôn ngữ không có thanh, biến thành ngôn ngữ có thanh, và ngược lại. Ngay trong Hoa ngữ mà miền Bắc thì chỉ có hai thanh còn miền Nam thì có bảy thanh thì đủ biết các ngôn ngữ khác cũng biến như vậy được như thường. Sự kiện này giải thích được do đâu tiếng Mã Lai chỉ có ba thanh, còn tiếng Việt thì có tới tám thanh.

                      Cho đến cả ngữ vị, văn phạm, cũng biến được chớ đừng nói là Xy láp và thanh. Và nó chỉ biến không đầy hai trăm năm nay.

                      Chúng tôi xin đơn cử một câu thơ của Nguyễn Du:

                      Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

                      Thường thì thiên hạ đọc câu thơ đó, theo cú đậu (césure) sau đây:

                      Cành lê trắng / điểm một vài bông hoa.

                      Cú đậu ấy sai.

                      Cành lê không bao giờ mang màu sắc trắng, mà là màu xám vàng.

                      Nếu vì cành ấy mang hoa mà ta thấy nó trắng thì Nguyễn Du đã không phải thêm “Điểm hoa” vào đó nữa.

                      Có ai nói “Má hồng của cô ấy được tô hồng” hay không? Cái ý “hồng” đó, người ta chỉ được phép nói đến một lần mà thôi. Dùng động từ “điểm hoa” tức là nói lại cái ý trắng lần thứ nhì rồi vậy.

                      Nguyễn Du không kém cỏi đến phải diễn ý niệm trắng hai lần trong một câu ngắn, bằng tĩnh từ trắng và bằng thành ngữ điểm hoa.

                      Nguyễn Du cũng không kém cỏi đến phải dùng cú đậu sai. Cú đậu của lục bát luôn luôn nằm sau hai tiếng, cho nó nằm sau ba tiếng là kém rồi, mà Nguyễn Du thì không có kém.

                      Thí dụ:

                      Trăm năm / trong cõi / người ta

                      Chữ tài / chữ mệnh / khéo là / ghét nhau.

                      Sè sè / nắm đất / bên đàng

                      Rầu rầu / ngọn cỏ / nửa vàng / nửa xanh.

                      Sau khi nhận rằng Nguyễn Du không kém cỏi, ta chỉ có thể hiểu rằng câu trên kia phải như thế này:

                      Cành lê / trắng điểm / một vài / bông hoa.

                      Mà như thế thì Trắng không còn là tĩnh từ nữa mà là trạng từ. Và muốn hiểu câu đó, dịch ra tiếng Pháp là hiểu ngay. Trắng điểm sẽ được dịch ra là Se Parer banchement de…

                      Trong ngôn ngữ Pháp không có trạng từ blanchement, nhưng ta phải tạo ra trạng từ đó ra để dịch câu thơ của Nguyễn Du.

                      Hiểu như vậy xong, ta thấy ngay là Nguyễn Du đã biến văn phạm Việt Nam. Trong văn phạm Việt Nam trạng từ luôn luôn nằm sau động từ. Người ta nói Điểm trắng chớ không bao giờ nói Trắng điểm.

                      Nhưng Nguyễn Du dùng sai cú đậu hay biến văn phạm?

                      Chúng tôi có bằng chứng là Nguyễn Du đã biến văn phạm Việt Nam.

                      Chúng tôi xin đưa ra một câu thơ khác của Nguyễn Du mà trạng từ đứng trước động từ, và ở câu thơ này thì không còn chối cãi được nữa, vì quá rõ ràng:

                      Nhà hương / cao cuốn / bức là

                      Ở đây, rõ ràng là trạng từ cao được đặt trước động từ cuốn không còn ngờ gì nữa, nếu còn cứ ngờ ở câu trước.

                      Nếu cho rằng Nguyễn Du, vì bí luật bằng trắc, phải viết Cao Cuốn thay vì Cuốn Cao thì đúng, nhưng nếu lại nói thêm rằng đó là trường hợp không tiền khoáng hậu, không đáng kể, thì sai. Chúng tôi đã thấy có vài văn sĩ viết văn xuôi như vậy, và độc giả vẫn chấp nhận, vì hiểu được và nghe không kỳ. Rồi thì lối ấy sẽ thành quen, và văn phạm, ngữ vị của ta sẽ bị thay đổi.

                      Nó SẼ bị thay đổi thì nó cũng có thể ĐÃ bị thay đổi, nên nếu hiện nay Mã Lai ngữ và Việt ngữ có khác nhau đôi chút về văn phạm, điều đó không hề chứng tỏ rằng hai ngôn ngữ đó không là đồng gốc với nhau.

                      Đó là trạng từ phong cách (Adverbe de manière). Đến như trạng từ nơi chốn, Nguyễn Du cũng biến khác văn phạm của ta.

                      Ta nói: “Tôi đi Huế, ghé Nha Trang”. Nhưng Nguyễn Du nói: “Tôi đi Huế, Nha Trang ghé”. Thí dụ: “Tường đông ghé mắt…”

                      Chúng tôi trích dẫn Nguyễn Du mà không trích dẫn ngôn ngữ của dân chúng mặc dầu dân chúng cũng có cho biến như thường, thí dụ: Ngon ăn, mạnh ăn, nhưng khi dân chúng cho biến như vậy thì đồng thời cũng cho hình thức mới một nghĩa khác, ngon ăn không phải là ăn ngon, mạnh ăn cũng thế, chí như với Nguyễn Du thì Cao cuốn hay Cuốn cao gì cũng thế thôi, tức ông biến văn phạm rõ rệt, còn dân thì không biến văn phạm, vì trong Ngon ăn, ngữ vị (Word order) tuy có bị đổi thật, nhưng hai tiếng đó đã thành ra thành ngữ chớ không còn là một động từ và một trạng từ riêng rẽ như nơi Nguyễn Du.

                      Chúng tôi cũng không trích dẫn Cung oán chẳng hạn:

                      Trắng răng đến thuở bạc đầu

                      mặc dầu ở đây, tĩnh tử trắng cũng đứng trước danh từ răng, nhưng giữa đó có những tiếng ẩn. Câu ấy cần được hiểu như thế này: “Từ thuở người phụ nữ còn trắng nơi cái răng đến thuở họ bạc nơi cái đầu”. Tĩnh từ trắng, trong trường hợp này đi với người phụ nữ, chớ không phải đi với răng thì không có vấn đề đảo ngữ. Nó cứ là tĩnh từ chớ không là trạng từ.

                      Bạc đầu cũng vậy. Bạc đầu phải hiểu là: Kẻ nào đó mang màu bạc nơi cái đầu, và bạc cũng đi với kẻ nào chớ không đi với đầu.

                      Đành rằng vấn đề văn phạm, cú pháp, ngữ vị, âm và thanh cứ còn giữ vai trò quan trọng của nó chớ không mất phần, nhưng ta sẽ không quá nô lệ nó lắm nữa.

                      Ngữ vựng, ngữ là ít quan trọng hơn hết trong các vấn đề ngôn ngữ, lại trở nên quan trọng vô cùng khi mà các yếu tố ngữ là quan trọng, hóa ra bấp bênh không chịu nổi sự đào thải của thời gian và danh từ trở nên yếu tố vĩnh cửu.

                      Văn phạm Mã Lai chỉ khác văn phạm Việt Nam có hai điểm:

                      Về ngữ vị thì văn phạm Mã Lai đang nằm lưng chừng giữa lối nói ngược và lối nói xuôi.

                      Thí dụ: Cửa sông họ nói Kưala sôngai, tức nói xuôi như ta, nhưng Sông con họ nói Anak sôngai, tức con nít sông, tức nói ngược, thay vì phải nói Sông con nít.

                      Khi một ngôn ngữ vừa nói xuôi lại vừa nói ngược thì ngôn ngữ đó tự lật tẩy là đang biến dạng theo ngôn ngữ nào đó, nhưng biến chưa xong.

                      Không có ngôn ngữ của nước nào mà cú pháp lại vừa ngược vừa xuôi, trừ ngôn ngữ Mã Lai.

                      Đó là về cú pháp. Còn về văn phạm thì họ có chuyển hóa (dérivation), còn ta thì không. Sự chuyển hóa của họ cũng do ảnh hưởng Phạn ngữ chớ xưa kia thì họ không có.

                      Thí dụ: Bông (Hoa), họ nói là Bônga.

                      Nhưng: Hoa dạng, họ nói là Bôngaan.

                      An thêm sau Bônga, là sự chuyển hóa chớ không là tĩnh từ kép như Hoa dạng của ta, không phải là Bônga-An đâu.

                      Ta chịu ảnh hưởng độc âm của Tàu nên muốn diễn ý mới lạ ta chỉ có thể tạo từ kép, còn họ chịu ảnh hưởng Phạn ngữ, họ chỉ có thể cho tiếp nhánh, không sao khác hơn được. Nhưng sự khác nhau đó chỉ mới xảy ra từ đầu Tây lịch, còn vào cổ thời thì cả họ lẫn ta đều không có kép, không có chuyển hóa gì cả, vì cả hai đều không có dịp diễn những ý niệm phức tạp.

                      Chỉ khác nhau có hai điểm ấy mà thôi, còn có hai Xy láp thì chúng tôi sẽ trưng bằng chứng là tiếng Việt lối cổ có hai Xy láp, còn đa thanh là một tai nạn xảy ra cho độc một dân tộc ta mà thôi, vì địa bàn Bắc Việt tạo tai nạn đó ra, trên thế giới không nơi nào có cả. Nhưng đừng tưởng là Mã ngữ chỉ có độc một thanh. Cả Mã ngữ, Nhựt ngữ và Chàm ngữ đều có dấu sắc, dấu huyền, dấu hỏi, dấu nặng, họ chỉ thiếu dấu ngã mà thôi, và họ ít bỏ dấu hơn ta, nhưng vẫn có bỏ các dấu kể trên, và Nhựt Bổn bỏ dấu nặng rất nhiều.

                      Những thuyết về ngôn ngữ Việt Nam của các ông Tây, ông Việt đều rối loạn khiến ta phải điên đầu:

                      Ông Kari-Himly cho rằng tiếng ta có bà con với tiếng Môn.

                      Ông H. Maspéro bỏ Việt ngữ vào bộ Thái ngữ.

                      Ông E. Souvinget cho rằng tiếng ta có liên hệ đến Mã Lai.

                      Bs. Reynaud nhấn mạnh về ngữ vựng Miên, Việt giống nhau quá nhiều.

                      Sử gia Nguyễn Phương khẳng định tiếng ta là tiếng Tàu.

                      Giáo sư Lê Ngọc Trụ cố chứng minh 10 năm trước, lời khẳng định trên.

                      Sử gia Phạm Văn Sơn kết luận rằng Việt ngữ và Việt chủng là một chủng tộc và một ngôn ngữ riêng biệt.

                      Một dân tộc cường sinh nhứt Đông Nam Á là dân tộc Việt Nam mà lại không có ngôn ngữ riêng, đi lượm của đầu này một ít, đầu kia một mớ, để ráp lại làm ngôn ngữ của mình là chuyện không thể có được.

                      Các ông Tây, giống hệt các anh mù thấy con voi. Một anh sờ phải tai voi, cho rằng con voi giống cây quạt, một anh sờ phải chơn voi, bảo rằng con voi là cây cột, anh khác mò vào vòi voi, quả quyết rằng voi là một con đỉa lớn. Truyện tiếu lâm của ta rất là ý nhị.

                      Các ông ấy thấy phiến diện chỉ vì mỗi ông chỉ học có một ngôn ngữ, trong khi phải học hết tất cả các ngôn ngữ Á Đông kể cả cổ ngữ Ba Thục, Tây Âu, Mân Việt. Và nếu các nhà ngôn ngữ học ấy biết chủng tộc học và tất cả các dân tộc Đông Nam Á đều đồng chủng Mã Lai thì các ông đã học tất cả các ngôn ngữ, để kiểm soát chủng tộc học, và các ông đã không phiến diện như thế.

                      Ông E. Souvinget có thoáng thấy rằng Việt ngữ giống Mã Lai ngữ, nhưng không dám kết luận. Vài ông Việt cho đó là sự kiện dĩ nhiên, vì Việt có tiếp xúc với Mã Lai.

                      Ấy, ta có tiếp xúc với Mã Lai hồi nào, và tại đâu, để mà vay mượn?

                      Ta chỉ có tiếp xúc với Mã Lai vào thời di cư vào Nam cách đây ba trăm năm, mà những danh từ Mã và Việt giống nhau thì đã có từ nhiều ngàn năm. Thí dụ: Cù lao.

                      Những nhà bác học chủ trương vay mượn, không biết tương đối đủ để mà có được một chủ trương đúng, đó là sự đồng gốc chớ không có ai vay mượn của ai hết.

                      Vấn đề ta vay mượn của Mã Lai chỉ là một huyền thoại, không kể vay mượn cách đây ba trăm năm, thuở ta di cư vào Nam.

                      Nhưng cũng đừng tưởng là ta mượn qua trung gian Chàm, vì ta nói tiếng Mã Lai đúng hơn Chàm nhiều lắm, như ta sẽ thấy.

                      Các ông Tây đã phiến diện vì học chưa tới chốn, lại còn để tình cảm vào chủ trương khoa học. Hễ nghi là có vay mượn thì luôn luôn các ông nói là Việt Nam vay mượn của người khác, không bao giờ có ai vay mượn của Việt Nam cả, mặc dầu các ông không đưa ra được bằng chứng nào hết là Việt Nam là con nợ, còn các dân tộc khác là chủ nợ.

                      Xin nhận xét sơ về các thuyết ngôn ngữ của các ông Tây.

                      Nhiều người Việt thường chưởi rằng các nhà bác học Tây ở Đông Pháp đã xuyên tạc, chỉ có chúng tôi là binh vực các ông thôi nhưng về ngôn ngữ thì mặc dầu nhiều thiện chí chúng tôi cũng không còn binh vực các ông được nữa, vì sự thiên vị và xuyên tạc của các ông quá rõ ràng. Các ông đã bị bắt quả tang.

                      Tại sao sự nhìn thấy giống nhau giữa Cao Miên và Việt không khiến các ông nói tiếng Cao Miên thuộc gia đình Việt, mà lại nói tiếng Việt thuộc gia đình Cao Miên?

                      Chỉ vì Cao Miên là thuộc địa ngoan ngoãn, còn Việt Nam là thuộc địa hay nổi loạn, nên tao cho tụi bay làm con Cao Miên cho đáng kiếp!

                      Mà không chỉ làm con Cao Miên, mà làm con của Thái, của Môn, của Mã Lai, của Thượng, của đủ thứ dân hết thảy, không bao giờ có ông Tây nào mà không cho ta thuộc vào ai đó, thay vì ai đó thuộc vào ta.

                      Sự thiên vị và xuyên tạc trắng trợn trên đây, chúng tôi không thể bỏ qua, chớ đừng nói là binh vực nữa. Chúng tôi nói Sạch, Cao Miên nói Soạt, thế là các ông bảo là chúng tôi thuộc vào Cao Miên, trong khi chúng tôi ăn cơm bằng đũa, còn Cao Miên thì bốc cơm bằng ngón tay để ăn, thì ai học danh từ sạch của ai?

                      Tiện đây chúng tôi xin lưu ý chính quyền Việt Nam về một chi tiết vô cùng quan trọng đối với tiền đồ của nước ta, do các ông Tây thật tình lầm lẫn, hay cố ý gạt gẫm của ta thì không biết.

                      Người viết sử không bàn chánh trị, nhưng chúng tôi cũng xin lưu ý chính quyền Việt Nam về vụ này. Trang sách này là trang sách thêm sau ngày đưa tác phẩm cho nhà xuất bản vì vào đầu năm 1971, Thượng viện ta họp phiên khoáng đại đầu tiên trong năm đã chấp thuận cho hai triệu người Cao Miên ở Việt Nam Cộng Hòa trở về địa vị thiểu số.

                      Các ông thượng nghị sĩ ta, đa số là trí thức, nhưng lại là trí thức luật học, không có nhà bác học nào cả về chủng tộc học, về ngôn ngữ học, nên đã bị người Pháp đánh lừa.

                      Sách Pháp cho rằng người Thượng là Cao Miên. Đó là một sai lầm vĩ đại, vì dốt hay cố ý thì không rõ.

                      Sự thật thì họ là Cổ Mã Lai (Indonésien) tức đồng chủng đồng bào với Việt Nam nhưng tiến trễ. Ngôn ngữ căn bản của họ là ngôn ngữ Mã Lai. Sở dĩ họ có nhiều danh từ giống Cao Miên là vì sự gần gũi. Họ ngăn cách với ta bằng dải Trường Sơn, tức là ta ít gần họ hơn Cao Miên, thế mà đối chiếu thì thấy ngôn ngữ của họ gần Việt hơn là gần Cao Miên.

                      Nhưng các nhà bác học chơn chính của Pháp đã có cho biết sự thật, còn những ông Tây thì nói càn vì lý do chánh trị, thì có bảo người Thượng là Cao Miên, rồi ta lại quá tin các ông Tây nói bậy.

                      Như thế làm gì có hai triệu người Cao Miên ở Việt Nam Cộng Hòa? Vì ngộ nhận, ta mới để cho người Mỹ trả quân nhân Thượng, được huấn luyện trong lãnh thổ Việt Nam cho Cao Miên.

                      Người Thượng là người Cổ Mã Lai, hoàn toàn không phải là người Cao Miên và họ với ta đồng chủng.

                      Chỉ số sọ (Indice Crânien) của người Thượng y hệt như chỉ số sọ của Việt và Mã Lai, và khác chỉ số sọ của Cao Miên.

                      Ai không tin về chỉ số sọ xin xem vài bản đối chiếu ngôn ngữ dưới đây thì rõ:

                      Việt Nam: Cá
                      Sơ Đăng: Kaa
                      Mạ: Ká
                      Chàm: Kán (đọc như Bắc Việt tức An đọc như Al).
                      Khả Thong Long: Aka
                      Mã Lai: Ikán.

                      Nhưng Cao Miên thì: Trây

                      Việt Nam: Cột
                      Sơ Đăng: Kơt
                      Bà Na: Kơơt
                      Chàm: Kaat
                      Mã Lai: Ikaat

                      Nhưng Cao Miên thì: Chơn

                      Việt Nam: Mắt
                      Sơ Đăng: Mat
                      Mạ: Maht
                      Mã Lai: Mât

                      Nhưng Cao Miên thì: Fnéc

                      Việt Nam: Mặt trăng
                      Bà Na: Mạt tlăng
                      Mạ: Maht kăn
                      Chàm: Blaăng
                      Mã Lai: Bulăng

                      Nhưng Cao Miên thì: Khe

                      Người Mỹ mới tới sau, không biết gì hết về chủng tộc học và ngôn ngữ học xứ này, cũng bắt chước Pháp mà cho rằng người Thượng là người Cao Miên, khi họ đưa những nghĩa quân Thượng luyện tập trong lãnh thổ của ta cho Cao Miên.

                      Cái hội bác học của Mỹ, hội Summer Institute of Linguistic ở Sài Gòn, cũng chỉ nhai lại các sách xuyên tạc của Pháp khi họ xuất bản quyển A study of Middle Vietnamese Phonology tại Sài Gòn.

                      Khi mà cả thế giới đều bị các ông Tây lôi cuốn vào mê hồn trận vĩ đại, chúng tôi thấy cần lưu ý Hành Pháp và Lập Pháp về một mối nguy trong một tương lai không xa lắm.

                      Khi mà hai triệu người không phải là Cao Miên lại cứ bị ai xúi giục tự xưng là Cao Miên, để tạo thành một khối lớn, yêu sách những điều không thể chấp nhận được thì chánh phủ ta sẽ gặp những khó khăn không nhỏ.

                      Nếu cứ muốn cho mấy trăm ngàn người Cao Miên ở Hậu Giang hưởng chế độ thiểu số thì cứ cho, nhưng đừng có gộp đồng bào Thượng vào đó và nói là Cao Miên đông hai triệu, vì nó trái với sự thật khoa học, lại mang họa lớn cho ta về mặt chánh trị.

                      Chế độ Cộng Hòa I đã sai lầm mà phát minh ra chữ riêng cho đồng bào Thượng, trong khi họ chỉ nên học quốc ngữ Việt vì họ với ta đồng chủng, đồng ngôn. Không nên thấy họ tiến trễ mà tưởng họ là “Mọi”. Cứ học ngôn ngữ của họ một cách bác học và học về sọ, về máu của họ là ta sẽ thấy rằng họ là người Việt một trăm phần trăm. Như vậy họ nên học chữ Việt ngữ chớ ta không phải sáng tạo cho họ một thứ văn tự ngôn ngữ giả tạo như chế độ Cộng Hòa I đã làm.

                      Người Pháp miền Bắc nói ngôn ngữ Oil, người Pháp miền Nam nói ngôn ngữ Oc. Thế mà họ hy sinh một để thống nhứt, trong khi đó thì Thượng và Việt đồng ngôn ta lại tạo cho Thượng một thứ chữ kỳ dị để phiên âm các Lạc ngữ của họ.

                      Đó là Lạc ngữ thuở xưa mà ta biến khác còn họ thì không biến vì họ ở trên núi, ít tiếp xúc với ai.

                      Chúng ta sẽ thấy trong chương này những tiếng Mã Lai bị ta biến đến mất nghĩa, nhưng họ còn giữ.

                      Thí dụ: chữ CÁI, trong BỐ CÁI Đại Vương, trong Con dại cái mang. CÁI ấy là Đầu, là Cha, là Thủ Lãnh, còn y nguyên trong Chàm ngữ, ngữThượng ngữ, chớ không phải là Mẹ như ta đã hiểu lầm.

                      Con của ông Phùng Hưng chỉ xây đền thờ cho cha, mẹ ông ấy không làm có gì cả ngoài việc nội trợ, thì không có lý nào mà ông ấy gộp mẹ vào chức Đại Vương được hết.

                      Vả lại trong Việt ngữ hiện kim cũng còn dấu vết của tiếng CÁI đó trong danh từ Thợ Cái. Đâu có phải là thợ đàn bà hở trời? Đường Cái cũng đâu có phải là đường để dành riêng cho phụ nữ đi dạo mát. Ngón chơn Cái là ngón chơn lớn nhứt chớ cũng không phải là ngón chơn của cô nào hết.

                      Các nhà ngôn ngữ học Tây sắp Việt ngữ vào gia đình Môn-Khơ Me ngữ vì vấn đề cú pháp, nhưng cú pháp của ta lại không giống cú pháp của Thái hay sao?

                      Các ông Tây lại bảo rằng tiếng ta thuộc gia đình Miên ngữ, vì lẽ khác nữa. Nếu cứ bắt cả hai làm họ với nhau, thì phải nói rằng tiếng Miên thuộc gia đình Việt ngữ mới đúng. Tại sao?

                      Về con số, họ chỉ có 5 số, trong khi ta có tới 10 con số. Số 6 họ nói là 5 với 1, số 7 họ nói là 5 với 2, v.v.

                      Về các bộ phận của thân thể con người, ta chỉ mượn của Trung Hoa một tiếng độc nhứt là Đầu, nhưng cũng không chắc là mượn, như sẽ xét đến, trong khi đó thì mượn quá nhiều, thí dụ sơ sơ như là:

                      Cái ngực họ nói Trung do Tàu: Hung, Hiung, Yiung mà ra.

                      Cái trán họ nói Thngac do Tàu: Ngạch, Ngạc, Ngớ mà ra.

                      Da họ nói là Sbec do Tàu: , Pỉa mà ra.

                      Các nhà bác học Âu Mỹ sai lầm rất nhiều. Chẳng hạn họ nói rằng người Môn-Khơ Me ở Tây Khương không hề tiếp xúc với Trung Hoa lần nào hết trước khi tràn xuống phương Nam lập quốc. Nhưng thử hỏi, sao họ lập quốc được rồi mà chưa có những danh từ cái ngực, cái trán, cái da, đến phải vay mượn của nước đã khai hóa họ là nước Ấn Độ chớ sao lại vay mượn của Tàu?

                      Tất cả các nhóm Mã Lai, xuất phát từ Tây Tạng đều có thọ lãnh ít nhiều ảnh hưởng Trung Hoa và nhóm nào thọ lãnh nhiều hơn mà không bị trị lần nào là nhóm đó kém mở mang nhứt.

                      Chủng Việt bị trị đến bốn lần: bọn Tàu di cư vào Kinh Việt, rồi mấy lần nhà Hán, thế mà số tiếng cổ vay mượn của Tàu lại ít hơn Cao Miên. Như vậy cho rằng tiếng ta nằm trong gia đình Cao Miên có gượng gạo chăng?

                      Nói ngược lại, như chúng tôi đã nói, là Miên ngữ nằm trong gia đình cũng không đúng; chúng tôi nói thế để cho thấy cái bất công của các ông Tây mà thôi, chớ thật ra cả hai thứ đều là đồng tông Mã Lai Bách Việt với nhau, anh em, chớ không phải cha con.

                      Các ông Tây dựa vào vấn đề có thanh và không có thanh, đã bị bác rồi, các ông dựa vào vấn đề ngữ vựng cũng không xong, vì nếu chép hết cả ngữ vựng ra như:

                      Việt-Chàm
                      Việt-Miên
                      Việt-Mã Lai
                      Việt-Giarai
                      Việt-Thái
                      Việt-Bà Na

                      vân vân, thì ta thấy bộ ngữ vựng Việt Bà Na đồ sộ hơn tất cả mọi ngữ vựng đối chiếu khác, vì đối chiếu khác, vì mặc dầu trước kia Bà Na chịu ảnh hưởng Cao Miên, ngôn ngữ của họ cũng do gốc Mã Lai Bách Việt như ta, chớ không phải gốc Cao Miên.

                      Ông G. Cocdès cho rằng những ngôn ngữ Sơ Đăng, Bà Na, Rađê, Giarai, v.v. là dialectes Môn-kmers, tức phương ngữ của chủng Môn-Khơ Me. Nhưng như ta đã thấy, qua những thí dụ điển hình trên đây và sau đây thì không phải thế. Những ngôn ngữ ấy có giá trị ngang hàng với ngôn ngữ Cao Miên và đều cùng gốc Mã Lai Bách Việt mà ra cả.

                      Mặc dầu là Viện trưởng của Viện Viễn Đông bác cổ, ông G. Cocdès còn dốt ngữ học hơn đàn em của ông nhiều lắm trong cái Viện đó, nên mới có sự trống đánh xuôi kèn thổi ngược trong tạp chí của Viện mà giới bác học chợt thấy là ông Viện trưởng nói sai hơn các nhơn viên thường.

                      Nói một cách khác, về phương diện chủng tộc và ngôn ngữ, đồng bào Thượng không hề là chi phụ của Môn-Khơ Me mà là anh em đồng tông y như Thái, Việt, Chàm và các nhóm Mã Lai hiện nay, bằng chứng là những danh từ gốc của họ chỉ những vật, những ý cổ sơ nhứt nơi loài người đều giống danh từ Mã Lai chớ không giống danh từ Cao Miên chút nào.

                      Những đồng bào Thượng nguyên là phiên thuộc của Cao Miên xưa, như là Sơ Đăng, Bà Na, Xi Tiêng, Mạ cũng có danh từ gốc Mã Lai nhiều hơn gốc Cao Miên.

                      Nội một biểu đối chiếu độc nhứt là danh từ Lá, cũng đủ cho thấy rằng đồng bào Thượng gần gốc Mã Lai hơn Cao Miên quá nhiều, không cần phải tranh luận lôi thôi dài dòng.

                      Dân tộc Cao Miên là một thứ Mã Lai Bách Việt rất là xa xôi, xa Mã Lai hơn Thái, hơn Chàm, hơn Việt, hơn Thượng Việt vì danh từ của họ ít giống với danh từ các nhóm Mã Lai khác trong khi đó thì các nhóm khác rất giống nhau.

                      Họ bị lai giống với thổ trước Mê-la-nê quá nhiều nên cái sọ của họ có chỉ số gần giống với sọ Mã Lai, nhưng không giống hệt như sọ Việt đã giống, và lại không tròn, tức có tánh cách cổ sơ trong đó.

                      Ngôn ngữ của họ đi xa dòng Mã Lai hơn ta cũng vì thế, trong khi đó đồng bào Thượng lại thuần Mã Lai hơn cả người Mã Lai ở Nam Dương nữa, vì họ không có chịu ảnh hưởng ngoại lai Ấn Độ và Á Rập như Nam Dương bao giờ hết.

                      Khi những ngôn ngữ Việt, Sơ Đăng, Bà Na, Xi Tiêng, Mạ không bao giờ bị Mã Lai cai trị và khai hóa lại chứa đựng quá nhiều danh từ Mã Lai hơn danh từ Cao Miên thì tại sao các ông Tây lại sắp Việt ngữ vào Miên ngữ mà không vào Mã Lai ngữ thì đó là một bí mật lớn, nếu không nói là một sai lầm to.

                      Đành rằng ngữ vựng là chuyện vay mượn được nhưng tại sao Cổ Việt không vay mượn của Cao Miên mà lại vay mượn của Mã Lai, mặc dầu Cổ Việt có biên giới chung với Cao Miên từ trước Tây lịch mà không bao giờ có biên giới chung với Mã Lai?

                      Chỉ có một lời giải thích: Việt gốc Mã Lai.

                      Nhưng Cao Miên cũng gốc Mã Lai như đã nói. Và chính là Mã Lai Cao Miên đã học thêm với Mã Lai Việt.

                      Việc khám phá ra một cổ bia Cao Miên, cổ bia Sek Tà Tay đã cho thấy rằng người Cao Miên đã học tiếng Việt qua trung gian người Mường vào thế kỷ thứ VII.

                      Nguyên vào thế kỷ đó thì người Cao Miên mượn âm lịch của Tàu để dùng, song song với lịch của họ, cổ bia nói trên để ngày tháng năm theo âm lịch, nhưng lại ghi bằng tiếng Mường, tuy với văn tự Cao Miên.

                      Số là người Mường cũng mượn âm lịch của Tàu, qua trung gian Việt, nhưng họ không dùng Tý, Sửu, Dần, Mão mà nói là năm Chuột, năm Trâu, năm Cọp, v.v. bằng tiếng Mường, tức tiếng Việt cổ sơ.

                      Ấy, cổ bia Cao Miên cũng đã khắc chữ y như vậy, nhưng những con thú đó, không được gọi bằng tiếng Cao Miên mà bằng tiếng Mường.

                      Dầu sao, đã là đồng chủng với nhau thì phải có một số vốn chung. Nhưng số vốn chung đó quá ít giữa Miên và Việt. Đã hẳn họ là bà con quá xa mà lại. Sở dĩ sau này vốn chung nhiều lên một cách tương đối là do sự vay mượn qua tay người Mường mà họ có biên giới chung thuở mà nước họ tên là Chân Lạp và nằm tại đất Ai Lao ngày nay, còn phía dưới này là nước của dân Phù Nam mà họ thôn tính hồi thế kỷ thứ VI.

                      Tuy nhiên, cũng có một nhà ngôn ngữ học sáng suốt, đó là ông Cabaton, ông ấy thì biết rằng Indonésien có nghĩa là Cổ Mã Lai đấy (May thay có một tiếng Pháp mà bao nhiêu ông Tây không hiểu, thì đừng có than phiền khi có nhiều ông Việt không hiểu).

                      Theo lối tìm biết người Cổ Mã Lai ở Cao nguyên ai thuần chủng nhiều, ai thuần chủng ít (mà chỉ dựa vào ngôn ngữ chớ không dựa vào khoa chủng tộc học) thì ông Cabaton sắp người Giarai thuần chủng nhứt, vì họ không biết lấy một tiếng Cao Miên nào hết, mà cũng chẳng biết lấy một tiếng Phạn nào hết, thế nghĩa là ngôn ngữ của họ thuần Mã Lai nhứt thế giới, không kể các nhóm Mã Lai trong rừng sâu Boọt-nê-ô.

                      Chủ trương của các ông Tây rằng Chàm thuần Mã Lai nhứt Đông Pháp là sai lầm. Trong ngôn ngữ Chàm có quá nhiều ảnh hưởng Phạn ngữ, Lưỡng Hà ngữ mà chúng tôi sẽ nói rõ ở chương người Chàm. Ngôn ngữ Chàm cũng đầy dẫy tiếng Á Rập. Thí dụ danh từ Kafir là danh từ Á Rập dùng để chỉ người không theo đạo Hồi như họ.

                      Còn Mã Lai hạng ít thuần chủng nhứt là người Phong, thứ người này hiện sống ở các tỉnh Bình Long, Phước Long, Quảng Đức, mượn quá nhiều danh từ Cao Miên.

                      Như vậy, khi thiếu một danh từ Mã Lai trong các biểu đối chiếu, chúng tôi chỉ đưa vào đó một danh từ Giarai, Na hay Đăng là đủ cho biểu đối chiếu được giá trị rồi, miễn là danh từ Cao Miên phải khác. Có phải thế không? Nhưng không, vì đã bảo Cao Miên cũng là Mã Lai thì cái danh từ Thượng ấy có giống với danh từ Cao Miên, cũng cứ được.

                      Tuy nhiên, chúng tôi cũng cố tìm những danh từ Bà Na, Sơ Đăng mà Cao Miên tuyệt đối không có, nhưng Việt, Chàm lại có, để không còn ai nói được nữa rằng họ là Cao Miên.

                      Chúng ta nên đặc biệt chú ý đến ngôn ngữ Khả Lá Vàng. Đó là tiếng Việt Nam tối cổ, cổ hơn tiếng Mường một bực, mà ta sẽ thấy ở chương “Làng Cườm” rằng họ tự xưng là người Lạc, và giống thứ người mà thi sĩ Tàu Tống Ngọc đã tả trong bài thơ Chiêu Hồn: người Điêu Đề.

                      Nhóm Việt độc nhứt trong thư tịch Trung Hoa có biệt sắc Điêu Đề chỉ được nói đến có một lần trong thư tịch Tàu. Và ta từng gặp lại họ ở Cao nguyên Ai Lao, gần đèo Mụ Già, mà cuộc tái ngộ này cho ta biết rõ hơn Tống Ngọc nữa. Tống Ngọc chỉ nói đến chuyện Điêu Đề, còn ta thì được biết thêm rằng họ tự xưng là Lạc, họ nói tiếng Việt tối cổ, họ thuộc chủng Cổ Mã Lai, họ có màu da đất đỏ (Ocre), ăn khớp với truyền thuyết ta cho rằng nước ta xưa tên là Xích Quỷ, họ ăn canh cua đồng, y hệt như người Bắc Việt ngày nay.

                      Thế nên chúng tôi xem ngôn ngữ Khả Lá Vàng là ngôn ngữ Mã Lai căn bản nhứt trong các nhóm ngôn ngữ Mã Lai ở “Đông Pháp”!

                      Những danh từ Việt tối cổ còn sót lại trong ca dao của ta hiện tại, ta không hiểu, nhưng nhờ ngôn ngữ của Khả Lá Vàng mà ta hiểu. Thí dụ điển hình nhứt là danh từ Tua xuất hiện trong ít lắm là hai câu ca dao miền Bắc.

                      Tua với họ, có nghĩa là ngôi sao. Người miền Bắc khi viết đã viết sai. Họ viết là Tua-rua với một gạch nối liền và chữ rua không hoa, khiến ta ngỡ đó là danh từ Tua-rua. Sự thật Rua là tên của một ngôi sao mà Tàu gọi là sao Mão, ta gọi là sao Mạng và nên viết là Tua Rua, hai chữ không có gạch nối liền và Rua phải viết hoa, vì Tua là Sao, còn Rua là tên của ngôi ấy).

                      Vì không biết ngôn ngữ Khả Lá Vàng nên ta không hiểu Tua Rua là gì, mà khi không hiểu thì ta phải viết sai, dĩ nhiên là như vậy.

                      Danh từ Sao chỉ là danh từ Thái mà ta vay mượn về sau, họ nói là Đao, còn Lạc Việt có thời thì nói là Tua.

                      Các ông Tây tìm tòi về ngôn ngữ Việt Nam không hề có ai đi qua đủ các lộ trình, và nhứt là không ai kể đến cổ Mân Việt, cổ Tây Âu và cổ Ba Thục hết, và chưa hề có những bản đối chiếu Việt với tất cả các ngôn ngữ để tìm về nguồn Tây Tạng.

                      Cái nhìn tổng quát mà giáo sư Nguyễn Phương đòi hỏi, chính là cái đó. Nhưng không thể tự nhiên mà bắt đầu có cái nhìn tổng quát được, mà phải lần dò. Chúng tôi đã mất sáu bảy năm học các ngôn ngữ mới nhìn tổng quát được.


                      Nguồn: Bách Bộc xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản điện tử do talawas thực hiện.
                       
                      http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11140&rb=08
                      <bài viết được chỉnh sửa lúc 07.04.2008 00:02:11 bởi Ngọc Lý >
                      #24
                        Ngọc Lý 07.04.2008 13:11:41 (permalink)
                        Bình Nguyên Lộc
                        Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam


                        21/35



                        Chúng ta thử dựng lên một bộ ngữ vựng cổ Việt trước khi Mã Viện tới để xem sao, coi nó là Trung Hoa hay Mã Lai. (Chúng tôi không nói tới Triệu Đà và Lộ Bác Đức, hai ông đó không có trực trị ta mà chỉ kiểm soát lỏng lẻo thôi. Nếu ta vay mượn của Tàu, thì chỉ vay mượn kể từ Mã Viện mà thôi).

                        Ngữ vựng này chúng tôi đã làm, không những thế, chúng tôi còn biến nó thành các biểu đối chiếu với Hoa ngữ và Mã ngữ ở hai loại bản đối chiếu khác nhau. Hơn thế cột Hoa ngữ của chúng tôi, lại chia thành nhiều cột nhỏ vì người Tàu, tuy là đều nói tiếng Tàu ở khắp nơi trên lãnh thổ Trung Hoa, nhưng giọng của mỗi vùng có khác nhau đôi chút. Những cột nhỏ ấy để dành cho một số giọng địa phương có thể đưa ảnh hưởng tới Việt Nam.

                        Thí dụ tiếng Nước của ta. Hán Việt là Thủy, tiếng Trung Hoa chính gốc là Xùi, nhưng biết đâu ta lại không phải là người Trung Hoa chánh gốc mà chỉ là người Mân Việt biến thành Việt Nam thành thử giọng Mân Việt Chúi cũng phải được đưa ra để đối chiếu.

                        Biểu đối chiếu dưới đây trích ở những tập học các giọng Trung Hoa của chúng tôi, trích theo một kế hoạch, tức không phải biết cái gì chép cái ấy, mà đã loại bỏ rất nhiều, không phải chỉ bỏ đi những món đồ mà riêng văn minh Trung Hoa thuở ấy mới chắc có như Lầu, Các, Hài, mà cũng bỏ cả những danh từ rất là thông thường.

                        Những thứ coi thì như là rất tầm thường, nhưng thật ra đó là những món đồ của một xã hội văn minh cao, chẳng hạn như tiếng Canh (canh để ăn cơm) chúng tôi cũng không ghi vào đây, vì quả thật ta đã vay mượn thức ăn đó của Tàu và vay mượn luôn cả danh từ nữa. (Nên biết rằng mãi cho đến ngày nay mà dân tộc Ấn Độ, văn minh cao là thế, lại chưa biết món canh thì cái thứ ngỡ hèn mọn ấy là dấu hiệu văn minh cao đấy). Trừ nhiều đến thế, trừ cả những tiếng mà ai cũng ngỡ là tiếng Việt thông thường, vẫn còn hàng vạn danh từ Việt gốc, không do Trung Hoa mà ra, và hàng vạn tiếng ấy đủ để làm một ngôn ngữ giúp một dân tộc diễn những ý thường trong một đời sống không cao, nhưng cũng chẳng dã man.

                        Biết bao nhiêu chữ Tàu để đọc được thơ Đường mà không cần tự điển? Hai ngàn chữ là đủ rồi. Mà đó là thơ, tức chuyện khó. Ta còn lối 10 ngàn danh từ thuần Việt thì hẳn cũng đã khá giàu, không thể nói rằng không có một dân tộc khi 10 ngàn danh từ của dân tộc ấy có.

                        Cũng không thể nói rằng người Tàu khi ly khai với Trung Hoa đã vay mượn của “Mọi” 10 ngàn danh từ đó để làm ngôn ngữ bởi đó là những danh từ mà họ đã có rồi và họ tin là hay thì còn vay mượn làm gì nữa?

                        Và tưởng cũng nên trình bày cặn kẽ về ngộ nhận của ta về Hoa ngữ mà nhiều người chỉ có một ý niệm rất mơ hồ.

                        Từ xưa tới nay, ta hay có thói quen cho rằng có tiếng Quảng Đông, tiếng Phúc Kiến, tiếng Hồ Nam, v.v. nhưng thật ra thì không và chỉ có tiếng Tàu. Các địa phương Trung Hoa có đọc sai chút ít nhưng vẫn cứ những danh từ đó, là vì sự nỗ lực đồng hóa các thuộc địa cổ, liên ranh giới của người Tàu, đã thành công cả về mặt ngôn ngữ từ hai ngàn năm nay rồi.

                        Ngôn ngữ Trung Hoa là một cái gì rất mơ hồ, chẳng những đối với các nước khác, mà cho đến cả với giới trí thức Trung Hoa, họ cũng ngộ nhận nữa, cả trong những sách vở đúng đắn, là sách giáo khoa của họ.

                        Ngôn ngữ Trung Hoa chỉ có một, trái hẳn với sự hiểu biết của người Âu châu, họ thường viết: “Dialecte de Canton (Phương ngữ Quảng Đông), Dialecte de Foukien (Phương ngữ Phúc Kiến), v.v. Thậm chí có nhà học giả Âu châu viết: Dialecte de Pékin (phương ngữ Bắc Kinh). Nếu quả đúng như thế thì không kể có Hoa ngữ hay sao, vì nơi nào cũng dùng toàn là ngôn ngữ địa phương, kể cả kinh đô của họ?

                        Từ Lớn, Quan Thoại tức Trung Hoa chánh gốc, Trung Hoa kinh đô, nói Ta, Quảng Đông nói Tài, Mân Việt nói Tòa, Việt Nam nói Đại, là tại đọc sai chớ không phải là khác ngôn ngữ.

                        Hôm nay, Quan Thoại nói Chính Thiên (Chíl thél), còn Quảng Đông nói Kim nhựt (Cắm dạch) là cũng nói tiếng Tàu chớ không phải là tiếng của chủng tộc nào khác. Nhựt là trời về phương diện vật chất (mặt trời) còn Thiên là Trời về mặt tôn giáo, vì người Tàu xưa trọng ý niệm Thiên hơn là Nhựt.

                        Vả lại Quan Thoại ngày nay cũng đã nói Khém dứa y như Quảng Đông.

                        Buồn cười nhứt là chánh sách vở chánh thức, sách giáo khoa của Trung Hoa cũng gọi những “cái đó” là phương ngữ, họ phân biệt tới 9 phương ngữ và một ngôn ngữ trung ương gọi là Trung nguyên ngữ. Thật ra thì có 10 giọng chớ không hề có 10 ngôn ngữ bao giờ hết.

                        Đó là 9 phương âm, tức thổ âm (Prononciation régionale) chớ không hề là 9 phương ngữ, tức thổ ngữ (Dialecte) và một trung ương âm (Prononciation de base), chỉ có thế thôi.

                        Nhưng chúng tôi cũng gọi những giọng ấy là ngữ, theo sách của Tàu, vì đây là trích sách, thay đổi sẽ gây lộn xộn phiền phức lắm, xin quý vị hiểu rằng ngữ dưới đây, chỉ có nghĩa là giọng đọc mà thôi.

                        Sách giáo khoa Tàu phân biệt như sau đây:

                        Tần ngữ: Giọng Tần ngữ ở tỉnh Thiểm Tây và đó là cái giọng có thể gọi là Tiền trung ương, Tiền Quan Thoại, tức lơ lớ Quan Thoại, lơ lớ Tây Nhung, lơ lớ Mông Cổ. Đó là đất của các chư hầu mạnh đã thay phiên nhau lãnh đạo người Tàu về mặt quân sự và chánh trị, thí dụ chư hầu Chu đã diệt vua Trụ lập ra nhà Chu, chư hầu Tần đã diệt Chu lập ra nhà Tần.

                        Thục ngữ: Giọng này nằm gọn trong tỉnh Tứ Xuyên và đó là Tần ngữ đọc theo giọng Thái cổ. Nước Thái cổ là nước Thục bị chư hầu Tàu chinh phục và đưa giọng đọc của họ vào đó. Thục ngữ còn thấy dấu vết trong ngôn ngữ của người Tàu, mà dân Sài Gòn gọi là người Hẹ. Chính chư hầu Tàu đã diệt nước Thục và làm chủ nước Thục trước khi thống nhứt Trung Hoa.

                        Dân Thục, như đã nói là dân Âu phía Tây Trung Hoa, chi Âu xưa của Mã Lai chủng, nay được gọi là chi Thái, và Thục ngữ chỉ là tiếng Tàu bị người Thái ở Tứ Xuyên đọc sai (xin xem chương chủng Âu). Chúng tôi học cổ ngữ Ba Thục với người Ba Thục di cư tức người Khách Gia, tức Hakka, tức Hẹ. Nhóm Âu này còn giữ được nhiều danh từ Mã Lai hơn nhóm Tây Âu (Quảng Đông, Quảng Tây).

                        Yên Tề ngữ: Đây là đất của rợ Đông Di gồm Sơn Đông. và một phần Hà Bắc. Giọng ở đó là giọng Tàu của người Đông Di bị lai giống hoặc bị đồng hóa.

                        Sở ngữ: Giọng này được nói ở Hồ Bắc và Hồ Nam. Đó là giọng Tàu của rợ Việt ở đất Kinh Man bị lai giống và bị đồng hóa với người Tàu. Cả ba giọng Yên, Tề, TầnSở ngày nay đều khá giống Quan Thoại vì họ ở gần Trung nguyên, tức là trung tâm văn hóa của Trung Hoa. Tuy nhiên, hồi đầu Tây lịch thì Yên Tề ngữSở ngữ lại giống tiếng Việt Nam vì như đã và sẽ nói rợ Đông Di và rợ Kinh Man đích thực là Lạc Việt bộ Trãi và bộ Mã.

                        Giọng Sở ngữ lại còn có một tên nữa mà dân chúng dùng thường hơn, đó là giọng Hồ Quảng. Hồ Quảng là tên xưa của hai tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc.

                        Ngày nay tuy giọng Sở ngữ không hẳn là giọng của trung ương, nhưng vùng Hồ Quảng lại được xem là trung tâm văn hóa của Trung Hoa chớ trung tâm không phải cái vùng đất mà người ta gọi là Trung nguyên nữa.

                        Trung tâm văn hóa bị xê dịch là chuyện thường xảy ra trong một quốc gia, nhưng giọng nói không đi theo bước xê dịch đó, hoặc đi theo trễ và có thể vài trăm năm nữa thì giọng Sở ngữ sẽ giống hệt Trung Nguyên vì Hồ Quảng đã già dặn trong vai trò trung tâm văn hóa rồi.

                        Mân ngữ: Đó là giọng Phúc Kiến, tức giọng của “man di” Mân Việt bị lai giống và đồng hóa với Tàu. Đó là dân Lạc bộ Mã.

                        Việt ngữ: Đó là giọng Quảng Đông và Quảng Tây, tức giọng của “man di” Tây Âu gốc Thái bị lai giống và đồng hóa với Tàu. Việt này viết với bộ Nguyệt mà ta gọi là bộ Mễ.

                        Giang Hoài ngữ: Ở giữa sông Hoài và sông Dương Tử, là giọng của nước Ngô thời Chiến quốc, cũng thuộc chủng Việt (Bắc Giang Tô).

                        Ngô Việt ngữ: Giọng này được nói ở Nam Giang Tô và Triết Giang, là giọng của nước U Việt thời Chiến quốc, cũng thuộc chủng Việt.

                        Ở đây có một thắc mắc cho nhiều người. Danh từ Ngô Việt ngữ khiến người ta cứ tưởng địa bàn của Ngô và Việt ở đó còn địa bàn Giang Hoài là của ai khác chưa biết.

                        Nhưng thật sự, cứ theo sử Tàu thì Ngô và Việt đánh nhau tại Thái Hồ, tức nước Ngô phải ở phía Bắc Giang Tô, và nếu chỉ có Bắc Giang Tô thì quá nhỏ để nước Ngô hùng cường được trong một thời, nên nước Ngô phải kiêm luôn cả vùng Giang Hoài.

                        Danh từ Ngô Việt ngữ là danh từ cố ý sai, nó chỉ là Việt ngữ mà thôi, nhưng người sắp loại sợ lẫn lộn với Việt ngữ Quảng Đông nên phải thêm tiếng Ngô vào vậy. Hai chữ Việt ấy viết khác nhau.

                        Điền Kiềm ngữ: Giọng Tàu của người Thái làm chủ đất vùng Vân Nam và phụ cận.

                        Và sau rốt:

                        Trung nguyên ngữ: Đây là Hoa ngữ chánh thống mà cái giọng đọc cũng được gọi giọng Quan Thoại được nói ở Đông Thiểm Tây, Bắc Hà Nam, Nam Hà Bắc và Nam Sơn Tây, từ 5.000 năm chớ không phải là Quan Thoại mới xuất hiện năm 1911 như nhiều người Việt cứ tưởng.

                        Thấy rõ là sách giáo khoa của Tàu còn thiếu sót, họ thiếu mất một giọng quan trọng, giọng Hải Nam, vì đảo Hải Nam to hơn cả Bắc Việt nữa.

                        Nhưng tuyệt nhiên Hải Nam ngữ không được kể đến trong sách giáo khoa của họ.

                        Chúng tôi học Hải Nam ngữ (mà phải hiểu Ngữ đó chỉ là giọng đọc chớ không phải ngôn ngữ) thì thấy như thế này: Họ cũng nói tiếng Tàu, nhưng đọc sai chút ít, y như bất kỳ man di nào, Mân Việt, Tây Âu, v.v.

                        Thí dụ Nước, Trung Hoa chánh gốc nói là Xùi, Quảng Đông nói là Xủi, Mân Việt nói là Chúi, nhưng Hải Nam nói là Tùi. Nhưng những tiếng Mã Lai mà họ còn giữ được thì lại giống hệt Mân Việt, giống hệt Chàm, và giống hệt người Đông Hưng trong tỉnh Quảng Đông, tức người Hợp Phố xưa. Đó là người Lạc Lê.

                        Thế nên Lệ Đạo Nguyên, tác giả Thủy Kinh Chú mới nói rằng thổ dân Hải Nam giống hệt thổ dân Nhựt Nam và Victor Goloubew mới nói thổ dân Hải Nam giống hệt người Đông Sơn.

                        Người Hải Nam có cái đặc điểm này là ở sạch nhứt trong các nhóm Trung Hoa, và ở sạch là biệt sắc của chủng Mã, và nhóm nổi danh ở sạch nhứt thế giới là Mã Lai Nhựt Bổn và Mã Lai Mayar ở Mỹ Châu.

                        Người Trung Hoa phát tích ở ngoài tỉnh Cam Túc rồi xâm nhập vào nước Tàu ngày nay, do ngõ Cam Túc, rồi văn minh lên ở Bắc Hà Nam, Nam Hà Bắc và Nam Sơn Tây.

                        Khi một dân tộc văn minh rồi thì ngôn ngữ mới định và ngôn ngữ Trung Hoa có quy củ là ngôn ngữ Đông Thiểm Tây, Bắc Hà Nam, Nam Hà Bắc và Nam Sơn Tây đó. Đó là vùng Trung nguyên của họ.

                        Ta cứ nhìn sơ qua lịch sử nước Tàu thì biết địa bàn của Trung nguyên ngữ, từ Nghiêu Thuấn đến cuối đời Đường, nằm tại đâu.

                        Nghiêu          đóng đô tại                   Bình Dương (Nam Sơn Tây)
                        Thuấn           - -                              Bồ Bản (Nam Sơn Tây)
                        Hạ                - -                              An Ấp (Nam Sơn Tây)
                        Thương         - -                              Hào Kinh (Bắc Hà Nam)
                        Thương         - -                              Triều Ca (Bắc Hà Nam)
                        Tây Chu        - -                               Cảo Kinh (Đông Thiểm Tây)
                        Đông Chu       - -                              Lạc Dương (Bắc Hà Nam)
                        Tần              - -                               Hàm Dương (Đông Thiểm Tây)
                        Tiền Hán       - -                               Trường An (Đông Thiểm Tây) Trường An tức Cảo đời Chu
                        Hậu Hán        - -                               Lạc Dương (Bắc Hà Nam)
                        Tấn              - -                               Lạc Dương (Bắc Hà Nam)
                        Tùy              - -                               Tràng An (Đông Thiểm Tây)
                        Đường           - -                               Tràng An (Đông Thiểm Tây)

                        Quay qua lộn lại thì suốt ba ngàn năm họ không ra khỏi khu tam giác Bình Dương – Tràng An – Lạc Dương.

                        Đời Tống dời đô sang Đông Bắc Hà Nam là Khai Phong, nhưng vẫn không cách xa Lạc Dương bao nhiêu. Chỉ về sau thì rợ Mông Cổ rồi rợ Mãn Châu mới đóng đô tại Bắc Kinh, ở ngoài khu vực Trung nguyên ngữ mà thôi. Tuy nhiên, giọng Quan Thoại vẫn đi theo trào đình ngoại tộc để đến Bắc Kinh.

                        Nhưng cái Quan Thoại Bắc Kinh là Quan Thoại lơ lớ Mãn Châu và Mông Cổ, thế nên từ ngày Mao Trạch Đông lên cầm quyền thì Quan Thoại được sửa đổi lại chút ít, gọi là TÂN ÂM.

                        Nhưng cái Tân âm của họ Mao, thật ra là Cựu âm vì Quan Thoại ngày nay trở lùi về với giọng đọc của khu tam giác nói trên, vì giọng đó mới thật đúng là giọng Trung Hoa chánh gốc, không bị nói lơ lớ như giọng Bắc Kinh.

                        Cũng như ở xứ ta, khi trào Nguyễn cầm quyền thì xem giọng Huế là giọng chánh, nhưng thật ra giọng chánh gốc của dân tộc ta là giọng Hà Nội, vì người Hà Nội không bị lai Chàm như người Huế.

                        Quanh Kinh Đô và ngoài trào đình, dân chúng vẫn nói giọng Trung nguyên tức giọng Quan Thoại vì đó là tiếng Tàu chánh hiệu, chớ không phải riêng trong thành vua.

                        Nhưng những vùng đất xa hơn các kinh đô kể trên chừng vài trăm cây số là đất Mọi. Thí dụ ở Đông Thiểm Tây, tại đất Cảo, tức Tràng An và Hàm Dương người ta nói Quan Thoại, nhưng ở Tây Thiểm Tây, thì người Tàu lai giống với rợ Khuyển Nhung và nói giọng khác gọi là giọng Tần ngữ.

                        Những vùng đất quanh vùng Trung Nguyên đều là đất của các dân tộc khác mà người Trung Hoa gọi là rợ. Những vùng đất đó mãi cho đến đời Chiến quốc, vẫn còn đang được chinh phục, ở phương Đông, còn ở phương Nam thì công việc ấy mãi cho đến nhà Hán mới xong. Những nước nho nhỏ đó bị chiếm thì dân, lớp bị đồng hóa, lớp bị lai giống với người Tàu, phải nói tiếng Tàu, giọng Trung Nguyên, nhưng không nói y hệt được như người Tàu, họ nói khác không phải vì ở gần hay ở xa Trung Nguyên như có người tưởng, mà vì họ khác chủng. (Lẽ dĩ nhiên là ngày nay các nơi ấy nói gần giống Trung Nguyên hơn xưa bởi ảnh hưởng Trung Nguyên như nhiều đợt sóng liên tiếp, cứ lan lần ra).

                        Các dân tộc bị lai giống và bị đồng hóa, nói tiếng Tàu lơ lớ, chớ không phải là dùng một ngôn ngữ khác nào hết.

                        Mặc dầu vậy, nhóm man di nào cũng còn giữ được lối một trăm danh từ Mã Lai như Phúc Kiến, Quảng Đông, Hakkas gì cũng còn nói tiếng Mã Lai hết. Chính một trăm danh từ đó khiến thiên hạ hiểu lầm, ngỡ họ nói một ngôn ngữ khác. Nhưng khác làm sao được khi chỉ còn sót có một trăm danh từ?

                        Trong các biểu đối chiếu, chúng tôi sẽ cho thấy rằng Quảng Đông, Phúc Kiến vẫn còn nói tiếng Mã Lai, vì họ là Mã Lai đợt II, bọn Austronésien không kịp di cư, ở lại biến thành Tàu.

                        Dân Trung Hoa rất lớn, nhưng đặc biệt hơn là dân Ấn Độ, là họ chỉ có một bộ lạc độc nhứt, nên họ không bao giờ có phương ngữ như Ấn Độ đã có hằng mấy trăm phương ngữ. Cái ngôn ngữ độc nhứt đó là Trung Nguyên ngữ, tức Quan Thoại. Những giọng khác, quanh khu tam giác đó, không phải là phương ngữ Hoa tộc mà là giọng sai của ngoại chủng bị đồng hóa.

                        Và công việc đồng hóa của họ hữu hiệu đến nỗi man di nào cũng chỉ giữ được tối đa là một trăm danh từ chớ không hơn. Ta không có bị đồng hóa ở Tây Âu, tức Quảng Đông, nên ta còn giữ gần đủ những danh từ Mã Lai.

                        Việc đồng hóa bằng cách thống nhứt giọng đọc được thực hiện mãnh liệt nhứt, dưới đời nhà Tần.

                        Dưới đời nhà Tần, các địa phương phải gởi kẻ sĩ về Hàm Dương để đọc giọng Quan Thoại và học lối viết thống nhứt do Lý Tư bày ra. Trở về quê cũ, họ có phận sự dạy lại từ quan đến dân giọng ấy và lối viết ấy. Nhưng vì là dị chủng nên dân địa phương đọc không giống lắm được theo ý muốn của Tần Thỉ Hoàng. Tuy nhiên, chiến dịch ấy cũng làm cho họ mất luôn ngôn ngữ của họ.

                        Họ bị mất ngôn ngữ, nhưng không mất hết, còn dấu vết và nhờ thế mà ta biết được vùng nào thuộc “man di” cổ thời nào.

                        Thí dụ người Quảng Đông có từ ngữ Chẩy nả, có nghĩa là Mẹ con. Chẩy là tiếng Tàu Tử, còn Nả là tiếng Mã Lai đợt II, tức Lạc bộ Mã.

                        Chàm: Ina
                        Việt: Nạ (Nạ dong)
                        Mã Lai Nam Dương: Inang

                        Vì là “man di” nên họ ghép tiếng Tàu Tử với tiếng Mã Lai Nỏ, chớ Tàu thật thì không mắc chứng gì mà học tiếng Nả khi họ đã có rồi tiếng Mẫu mà họ rất trọng.

                        Và vì là “man di” nên cổ Tây Âu mới bất kể luân lý Khổng Mạnh, để con đứng trước Mẹ.

                        Đó là sự đề kháng tiêu cực của các man di xưa, nhưng đề kháng tới mức nào, cũng không đương đầu được với chiến dịch thống nhứt ngôn ngữ của Tần Thỉ Hoàng, hóa ra toàn cõi Trung Hoa đều nói một thứ tiếng với nhau, tuy có đọc sai chút ít ở các địa phương.

                        Tóm lại, Hoa ngữ chỉ có Một, chớ không có nhiều phương ngữ như chính họ cũng lầm tưởng. Sở dĩ được như vậy là nhờ:


                        1. Ưu thế ban đầu. Ở địa bàn cổ sơ của họ chỉ có độc một bộ lạc chớ không có nhiều bộ lạc như chính họ cũng đã lầm tưởng (Xin xem chương Cái Họ của Trung Hoa và Việt Nam).
                        2. Các chiến dịch làm mất ngôn ngữ “man di” ở các thuộc địa, mà chiến dịch hữu hiệu nhứt là chiến dịch Tần Thỉ Hoàng.


                        Sự đọc sai chút ít là phương âm, chớ không phải là phương ngữ như ai cũng tưởng. Và sự sống sót của lối một trăm danh từ trong mỗi nhóm man di biến thành Tàu, không thể gọi là phương ngữ được vì nó quá ít.

                        Không kể giọng Trung Nguyên tức giọng Quan Thoại, tức giọng Trung Hoa trung ương, chín giọng kia giúp cho ta truy ra các nhóm “ngoại di” bị xâm lăng, bị lai giống và bị đồng hóa với Trung Hoa. Mỗi nhóm “man di” đọc sai tiếng Tàu một cách khác nhau rõ rệt. Chúng tôi lấy tỉnh Giang Tây làm thí dụ. Trong khi các tỉnh khác có một giọng rất thuần nhứt thì giọng của tỉnh Giang Tây lại không thuần nhứt, thành thử biên giới “Man di” ở đó coi vậy mà rất dễ truy tầm, hễ huyện nào đọc giọng Phúc Kiến thì mảnh đất của tỉnh Giang Tây đó hồi cổ thời thuộc “man di” Mân, huyện nào đọc giọng Quảng Đông thì mảnh đất Giang Tây nơi đó thuở xưa thuộc nước Tây Âu.

                        Đó là những “man di” quan trọng, đã lập quốc rồi, chớ giữa các thứ man di ấy, còn vô số “man di” khác, ngày nay vẫn tồn tại ở Trung Hoa, nhưng họ quá kém không hợp tác được nên rút lên rừng núi, không nói tiếng Tàu nên không có giọng Tàu riêng, thí dụ người Mèo.

                        Người Tàu thuần chủng Tàu, may mắn hơn người Ấn Độ, và giống Việt Nam vì họ không có những bộ lạc nói khác nhau quá nhiều như Ấn Độ cổ thời, mà chỉ có độc một bộ lạc bành trướng mãi ra, như ta sẽ thấy ở một chương sau.

                        Chủng Mã Lai cũng may mắn như vậy, nhưng họ lại rủi ro mất địa bàn liên tục ở Trung Hoa, chạy bậy chạy bạ rồi lai giống lung tung với thổ trước, hóa ra tiếng Mã Lai không còn được thuần nhứt lắm như tiếng Tàu. Chỉ có những nhóm Mã Lai nho nhỏ như Việt Nam mới là thuần nhứt với nhau mà thôi. Mã Lai Java cũng thuần nhứt nhưng chỉ trong đảo Java, v.v.



                        *

                        Chúng tôi đã nói rằng Quan Thoại Bắc Kinh đã bị Mao Trạch Đông sửa lại và gọi là Tân Âm, vì cái Quan Thoại trước họ Mao không đúng giọng chánh gốc.

                        Nhưng cái Quan Thoại của Tần Thỉ Hoàng cũng chẳng đúng gì hơn.

                        Ta cứ xem lại khu tam giác nói trên, nhau rún của Quan Thoại. Đó là Lạc Dương, An Ấp và Tràng An.

                        Hàm Dương, kinh đô của Tần Thỉ Hoàng, không nằm trong khu tam giác đó, nó ở dịch về phía Bắc của Tràng An lối 100 cây số.

                        Tuy nhiên, 100 cây số cũng không xa và Quan Thoại của Tần Thỉ Hoàng gần với giọng chánh gốc hơn là Quan Thoại Bắc Kinh, chính vì sự kiện nó không quá xa nhau rún của dân Tàu như Bắc Kinh, và cũng vì sự kiện không có “rợ” tại Hàm Dương, như đã có “rợ” quanh Bắc Kinh.

                        Dầu sao, Quan Thoại Hàm Dương vẫn không phải là Quan Thoại chánh gốc 100%, y như ở Bắc Việt, Hà Nội nói Con gà trống thì các tỉnh ven biển nói Con sống.

                        Các thuộc địa “man di” nói không đúng Quan Thoại lắm, vì họ là ngoại chủng, mà cũng vì giọng Hàm Dương không đúng là giọng chánh.

                        Nhưng mà cuộc thống nhứt giọng thì quả đã được thực hiện tới một mức đáng kể, mà danh từ Xùi của Quan Thoại đã cho thấy:

                        Quan Thoại: Xùi
                        Quảng Đông: Xủi
                        Mân Việt: Chúi
                        Hải Nam: Tùi.

                        Trong các bản đối chiếu, chúng tôi lấy giọng Quan Thoại làm căn bản, những giọng địa phương Trung Hoa, và cả giọng Hán Việt của ta chỉ là giọng nhơn chứng (prononciation témoin). Nhưng các giọng khác, không phải là có đủ mặt. Người Hồ Quảng, người Yên Tề không bao giờ để chơn tới xứ ta, thì ta không cần biết họ làm gì.

                        Xem ra thì chỉ có ba giọng là có vào đất cổ Việt, đó là giọng Quan Thoại của sĩ quan, của lính và của quan văn mà trung ương Trung Hoa đã gởi tới trong dịp đánh dẹp hai bà Trưng. Kế đó là giọng Việt Nam Hải, tức giọng Quảng Đông, và giọng Mân Việt vì dân hai địa phương đó có tới lui buôn bán với ta, hoặc di cư đến để tìm sinh kế, từ cổ đến nay cũng y hệt như vậy. Chót hết là giọng Ba Thục của người Hakkas và giọng Lạc Lê của người Hải Nam.

                        Trước khi trình bản đối chiếu chúng tôi xin nói thêm đến ba ngộ nhận nữa về ngôn ngữ Trung Hoa.

                        Trong Việt Nam Văn Học toàn thư, quyển I, tác giả Hoàng Trọng Miên viết: “Chữ viết và tiếng nói của Tàu là hai ngữ thể khác nhau, ta học văn của họ chứ không theo ngôn ngữ họ”.

                        Ngộ nhận thứ nhứt nằm ở đoạn thứ nhì của câu trên đây, là ngộ nhận chung của toàn quốc chớ không riêng gì của ông Hoàng Trọng Miên.

                        Thử hỏi có một đế quốc nào bắt dân bị trị học tiếng của họ mà không cần bắt họ theo đúng ngôn hay không? Đối với một đế quốc, chính cái việc theo ngôn mới là việc cần thiết để lịnh của họ được hiểu, được tuân mau lẹ, và để phổ biến ngôn ngữ của họ, việc phổ biến đó có lợi cho họ, chớ còn học chữ, học văn, học triết, là chuyện xa vời, ta cố sức học, họ cũng cho ta học nhưng họ không cố sức dạy mà chỉ nỗ lực ở mặt ngôn mà thôi, vì lý do chánh trị và kinh tế.

                        Không có tài liệu nào về vấn đề này cả, nhưng ta cứ suy luận thì đủ rõ sự thật. Một ông thầy từ trung ương Trung Hoa đến dạy ta học tiếng Tàu, sau khi Mã Viện tổ chức xong hành chánh. Ông ấy ra một câu:

                        Wò txửa fál

                        Nếu cậu học trò Việt Nam, thay vì lặp lại y theo ông thầy, lại nói:

                        Ngã thực phạn

                        thì hẳn không có ông thầy nào trên thế giới này mà chấp nhận cả vì cái lẽ không thể chấp nhận được, bởi ông ấy không biết ta lặp lại lời ông ấy dạy ta hay là ta chưởi ông ấy.

                        Sự thật thì ta đã phải theo ngôn ngữ của họ y như dưới thời Pháp thuộc, không khác một nét, nghĩa là người được học phải học đúng giọng đọc của ngôn ngữ của kẻ thống trị, chỉ có bình dân mới nói tiếng Tàu ba trợn, nhưng vì không ai dạy, chớ không phải là không theo ngôn của họ.

                        Nhưng câu văn của Hoàng Trọng Miên loại bỏ bình dân ra, vì có vấn đề học văn (ý tác giả muốn nói học chữ, học tự dạng), như vậy thì ngộ nhận càng lớn hơn bởi bọn có học, không thể nào mà không theo, và cứ đọc ba trợn như bình dân mà yên thân với các ông thầy Tàu.

                        Sở dĩ sau rồi fál biến thành phạn chỉ vì Tàu mất chủ quyền ở xứ ta, dưới trào Đinh Bộ Lĩnh; sự kiện đó xảy ra y hệt như vậy tại Sài Gòn năm 1954 mà Pháp triệt thối toàn diện, và thiên hạ bắt đầu đọc sai tiếng Pháp một cách buồn cười, kể cả vài kẻ có học.

                        Ngộ nhận trên đây kéo theo ngộ nhận thứ nhì là chủ trương rằng ta biến tiếng Tàu thành tiếng Hán Việt để mỹ hóa những danh từ vay mượn với cái giọng đọc không hay của Tàu.

                        Có ai chứng minh được rằng Hương Cảng hay hơn, đẹp hơn Hướng Cỏn hay chăng? Và nếu quả Hương Cảng đẹp thì tại sao, về sau ta lại bỏ Hương Cảng mà đọc là Hồng Kông? Hồng Kông đẹp hơn Hương CảngHướng Cỏn ở chỗ nào?

                        Địa danh Tức Mặc mà ta mượn của Tàu để đặt tên cho một nơi của ta ở Bắc Việt, cũng hẳn là không đẹp hơn là Tục Ma nguyên thỉ bởi TứcMặc gợi cái ý tức mìnhmặc kệ thì hơn gì Tục Ma?

                        Ta chỉ đọc sai mà thôi, chớ không hề mỹ hóa để làm gì cả, bằng chứng là có những danh từ Trung Hoa, Quan Thoại đọc thế nào thì Hán Việt cũng đọc thế ấy, không hề được biến dạng mà cũng không phải vì nó đẹp mà ta giữ nguyên, ta không mỹ hóa, mà vì nó rất dễ đọc.

                        Không ai chứng minh được rằng Chít xão xấu hơn Chiên xào ở chỗ nào, Điếm đẹp hơn Tiệm ở chỗ nào, thì quan niệm mỹ hóa không đứng vững được.

                        Có nhiều học giả còn thử đưa bằng chứng mỹ hóa này nữa. Thí dụ câu thơ:

                        Nhân diện đào hoa tương ánh hồng

                        Họ nói nếu đọc theo Tàu Quan Thoại là:

                        Dỉt mél thảo wá chál quál hụng

                        thì ta chẳng nghe sao hết. Đọc theo Quảng Đông cũng thế. Còn đọc theo mỹ hóa của Hán Việt thì nó thấm thía tận đáy lòng ta, đi vào tận tế bào ta.

                        À, luận cứ trên đây thật là kỳ. Đọc theo Quan Thoại và theo Quảng Đông thì ta hiểu sao được để mà đi vào tận tế bào ta kia chớ?

                        Đây là vấn đề hiểu và không hiểu, chớ không hề là vấn đề thuận tai và nghịch tai. Dân ta không hiểu Dỉt mél, nhưng đã hiểu Nhân diện từ hai ngàn năm nay, mặc dầu Nhân diện cũng chỉ là tiếng Tàu (đọc sai).

                        Chắc chắn là cho tới năm Đinh Bộ Lĩnh thu hồi độc lập, dân ta vẫn phải ngâm thơ theo Tàu là:

                        Dỉt mél thảo wá chál quál hụng

                        vì người thống trị còn đó để không cho phép ta đọc là:

                        Nhân diện đào hoa tương ánh hồng

                        Và hồi thời ấy ta đọc thơ theo Quan Thoại, ta vẫn nghe nó đi vào tế bào ta được, y hệt như ta đọc bài thơ Milly ou la terre natale của Pháp bằng tiếng Pháp, không có mỹ hóa gì hết. Tiếng Pháp không hề thuận lợi tai của ta hơn tiếng Tàu. Đây chỉ là hiểu hay không mà thôi, và chỉ là đọc sai bậy bạ vì dân thống trị đã đi mất, chớ không hề có việc mỹ hóa bao giờ.

                        Viết tới đây, một câu chuyện vặt nhưng rất ngộ nghĩnh và quan trọng xảy ra tại nhà tôi. Một người bạn đi Đài Loan về, mang biếu tôi một phiến đá nhỏ, trên đó có khắc một bài thơ Tàu, theo lối chữ thảo mà có hơn mười chữ tôi đọc không trôi.

                        Sau khi người bạn tặng quà đi rồi thì nhiều bạn khác đến, trong đó có một bạn Trung Hoa, một nhà nho và vài sinh viên Văn Khoa, cũng có học chữ nho chút ít.

                        Tôi yêu cầu người bạn Trung Hoa ngâm bài thơ ấy nghe chơi. Anh bạn ngâm rằng:

                        Chọt dìa xứng cưới, chợt dìa phúng
                        Hòa lầu xấy phùng quậy thoòng tùng
                        Tsần mà xổi phùng xướng phi dực
                        Dì dậu lìl xì dách tỉm túng.

                        Ngâm xong, anh bạn kêu lên: Hà! Cái lầy hay quá mà! Nhưng chúng tôi không ai nghe hay cả. Tôi lại yêu cầu ông bạn nhà nho ngâm theo lối mà thiên hạ gọi là mỹ hóa tiếng Tàu. Ông bạn già đó ngâm:

                        Tạc dạ tinh cư, tạc dạ phong
                        Hoa lâu Tây bạn quế đường Đông
                        Thân mà vô phượng, song phi dực
                        Như hữu linh tê nhứt điểm thông.

                        Hai anh bạn sinh viên bật cười, vì hai anh ấy chẳng thấy bài thơ ấy hay chỗ nào cả, mặc dầu bao nhiêu tiếng Tàu trong đó đã được “mỹ hóa” hết cả, nó cũng không đi vào tế bào của các bạn không tinh thông chữ nho ấy được.

                        Vấn đề là hiểu hay không, chớ không phải là sự êm tai. Những tiếng Tàu gọi là được mỹ hóa mà không được phổ biến thì ta nghe y hệt như tiếng Á Rập. Thí dụ không thể chối cãi là hai anh bạn sinh viên ấy hiểu “Tạc dạ” như là Tạc dạ ghi xương. Nhưng Tạc dạ ở đây có nghĩa là Đêm hôm trước.

                        Tóm lại, sự thuận-tai-tưởng-tượng không làm cho ta cảm khái chút nào hết thì không hề có vấn đề mỹ hóa cho thuận tai. Chỉ là đọc sai, chớ không có việc cố ý mỹ hóa.

                        Sở dĩ câu:

                        Nhận diện đào hoa tương ánh hồng

                        mà đi vào tận tế bào của ta, chỉ vì đó là những tiếng Tàu đã được phổ biến từ lâu, được ta hiểu y như ta hiểu tiếng Việt, còn cả bốn câu thơ Đường được trích trên đây không cảm ta được vì có người không hiểu nó, bởi trong ấy có nhiều danh từ chưa được phổ biến, nhứt là nhiều danh từ đồng âm dị nghĩa với danh từ khác, làm rối loạn hết cả, phải thấy những chữ Tàu đó mới hiểu được.

                        Nhưng ngộ nhận quan trọng nhứt là ở đoạn đầu câu của Hoàng Trọng Miên. Đó là sự kiện “Chữ viết và tiếng nói của Tàu là hai ngữ thể khác nhau”.

                        Sự thật thì họ nói sao, viết vậy, hồi cổ thời, đến đời nhà Hán, nhà Tần cũng còn như vậy.

                        Dân Trung Hoa chánh gốc, tức người Hoa chưa vượt sông Hoàng Hà để tràn vào đất Việt lập ra nước Sở, dân đó là một thứ người rất ít nói, cả đến ngày nay cũng thế, và họ ưa nói tắt. Đó là đặc tánh của các thứ dân ở xứ lạnh và xứ khô cằn. Lòng dạ họ khô khan, họ không có gì cho nhiều để nói ra. Họ văn minh rồi, họ cũng chỉ nói chuyện thực tế, theo lý trí, mà những loại chuyện đó không tràng giang đại hải được, và trái lại nữa, càng nói ít, càng nói ngắn, càng hay.

                        Tràn xuống phương Nam vào đất Việt ở Hồ Quảng, gặp khí hậu ấm áp, phong cảnh tốt tươi và đất đai màu mỡ ở đó, lòng họ phong phú hơn, tánh họ yêu đời hơn, họ nói nhiều hơn và nhứt là thấy rằng nói vắn tắt không ổn nữa, đã diễn không hết ý, lại gây hiểu lầm.

                        Chính cái sự kiện diễn ý bằng nhiều tiếng hơn xưa này có khiến cho văn không còn đi chung với lời nữa, văn viết theo cổ quá vắn tắt người dân diễn ý thì lại bắt đầu dài dòng.

                        Nhưng tình trạng ấy chỉ mới xảy ra từ đời nhà Hán, còn trước kia thì Tàu nói sao viết vậy, không ít hay nhiều hơn một từ nào cả, không bao giờ có vấn đề hai ngữ thể khác nhau, cho đến đời nhà Hán.

                        Nhưng từ đời nhà Hán thì họ đã lớn mạnh ở phương Nam và chính người Tàu phương Nam mới bắt đầu nói khác văn viết. Như vậy là quả có hai ngữ thể khác nhau, mà cũng chỉ có trong một giai đoạn từ Hán đến Tống mà thôi, chớ không phải luôn luôn có. Nhưng câu văn của Hoàng Trọng Miên lại làm cho ai cũng hiểu là luôn luôn có. Nhưng không phải đó là lầm lẫn riêng của Hoàng Trọng Miên mà đa số người mình đều tưởng như vậy.

                        Nhưng xét ra thì ngôn ngữ của nước nào cũng thế cả, không riêng gì của Tàu. Nhưng thiên hạ chỉ ngộ nhận đối với trường hợp Tàu là vì nơi các dân tộc khác người ta dùng chữ tượng âm, hễ ngôn ngữ biến thì văn cũng biến theo, còn ở Trung Hoa thì văn không cần biến theo cùng lúc, người đọc chữ cũng hiểu được cổ văn, nhờ nó là chữ tượng hình, thành thử chính quyền không buồn cho văn biến theo ngôn vội.

                        Nhưng đến đời nhà Tống thì dân chúng tự động biến bằng cách tạo ra Bạch thoại.

                        Ở đây lại xảy ra ngộ nhận nữa. Rất đông người Việt ngỡ Quan Thoại là Bạch thoại. Nhưng không phải thế, Quan Thoại chỉ là giọng đọc (Prononciation), còn Bạch thoại là lối hành văn (Style).

                        Bạch thoại là hễ nói dài thì cũng viết dài y như nói, chớ không viết tắt như đã nói tắt hồi cổ thời, nhưng đọc thì cứ đọc y hệt như xưa.

                        Một câu văn viết theo hành văn Bạch thoại có thể đọc bằng giọng Quan Thoại, bằng giọng Quảng Đông, bằng giọng Phúc Kiến, bằng giọng Hán Việt, y hệt như một câu cổ văn.

                        Nhưng đừng tưởng là cổ văn đã biến mất, vì có nhiều lối nói cổ thời vẫn được dân Tàu giữ nguyên, không biến khác, thành thử trong hành văn Bạch thoại có nhiều đoạn y hệt như cổ văn, chớ không phải hoàn toàn khác 100% đâu.

                        Cứ lật một tờ báo ở Chợ Lớn ra đọc thử, ta thấy ngay là cổ kim lẫn lộn, nhiều đoạn văn giống hệt như Sử KýHậu Hán thư. Nhưng một cái tin xe cán chó tại cầu chữ Y thì bắt buộc là phải viết theo hành văn mới. Tàu xưa làm gì có danh từ cầu chữ Y, làm gì có ô-tô, có chó bị cán.

                        Nhưng khi quân đội Việt Mỹ dàn trải ra để chận tại Mõ Vẹt chẳng hạn thì họ cũng viết như xưa, bởi xưa nay gì cũng chẳng nói khác nhau về chuyện ấy cả.

                        Đó là nói về hành văn, nhưng tự dạng thì cứ vậy, trừ một cuộc cải cách mới đây của Mao Trạch Đông là bớt nét cho những chữ quá rườm rà và bỏ những bộ Khuyển, bộ Trãi, bộ Thỉ, trước tên các dân tộc, nhưng chuyện vặt ấy cũng chẳng dính líu gì đến Bạch thoại vốn đã có rồi từ đời nhà Tống.



                        *

                        Hán Việt không được dùng để nói, không hề thành ngôn ngữ vì nó không phải là ngôn ngữ của dân Lạc Việt (đó là bằng chứng dân này cứ còn có mặt mãi mãi trên lãnh thổ của họ) với lại vì nó quá khó, các nhà đại trí thức cũng không biết cho hết các danh từ Hán Việt. Trong Việt sử tiêu án, Ngô Thời Sĩ, một bậc danh nho của ta mà còn phải thú nhận rằng không biết cây Am la là cây gì. Nhưng nếu nói cây Muỗm hoặc cây Xoài thì toàn thể dân Lạc Việt tức dân Việt Nam đều hiểu ngay tức khắc.

                        Hàng vạn tiếng Hán Việt đã thành hình, đủ nhiều để làm một ngôn ngữ, nhưng không bao giờ thành ngôn ngữ cả, vì không ai mà nói chuyện với nhau bằng loại tiếng đó, các quan đại thần, các nhà nho nói chuyện với nhau cũng nói bảo vệ tiếng Việt, và chắc chắn là trong Hội nghị Diên Hồng chẳng hạn, người ta nói với nhau bằng tiếng Việt.

                        Một yếu nhân Việt Nam nói rằng TIẾNG VIỆT do tiếng Quảng Đông mà ra. Đó là sai lầm cùng loại với sai lầm của sử gia Nguyễn Phương nhưng có thêm một chi tiết cố ý muốn xác thực hơn, là định rõ nguồn gốc tiếng ta là phương ngữ Quảng Đông.

                        Mặc dầu có thêm chi tiết ấy, sự sai lầm vẫn không giảm phần nào.

                        Đã bảo không bao giờ có tiếng Quảng Đông thì làm thế nào mà tiếng Việt do tiếng Quảng Đông mà ra?

                        Xin nhắc rằng dân của nước ta xưa là dân Thái. Dân đó bị đồng hóa thành người Tàu Quảng Đông. Và họ nói tiếng Tàu sai giọng chút ít. Không hề có tiếng Quảng Đông.

                        Nếu nói có tiếng Tây Âu, tiếng Thái, thì được, nhưng nói có tiếng Quảng Đông thì sai.

                        Còn một ngộ nhận nữa, và đây là ngộ nhận của toàn thể người Việt, chớ không phải của riêng ai, nên ta cần xét lại kỹ hơn nhiều lắm.

                        Người ta bảo rằng tiếng Hán Việt do tiếng Quảng Đông gây ra. Ở đây lại còn xác thực hơn trên kia nữa là Hán Việt chớ không phải Việt ngữ.

                        Họ nói thế là vì họ thấy quả, để chỉ nước, Quảng Đông nói Xủi, Hán Việt nói Thủy. Để chỉ con bò, Quảng Đông nói Ngầu, Hán Việt nói Ngưu.

                        Nhưng khi ta tìm hiểu về thời Tần, Hán thì sự sai lầm lộ rõ ra liền. Xủi hay Ngầu gì cũng chỉ là Quan Thoại đọc sai. Nhưng sở dĩ ta sai rất gần lối sai của Quảng Đông là vì Quảng Đông là người Tây Âu, tức Thái, tức Cửu Lê, bị Tàu đồng hóa. Họ đồng chủng với ta và sống giáp ranh thì hai thứ dân ấy đọc Quan Thoại phải sai gần như nhau là một chuyện dĩ nhiên, chớ không phải là Hán Việt do Quảng Đông mà ra.

                        Nhưng những người ngộ nhận như trên lại có một quan niệm sử sai lầm. Họ tưởng Quảng Đông là Tàu mà là Tàu đã khai hóa ta.

                        Ở một chương trước, ta đã thấy rằng Tây Âu bị chinh phục trước ta có một trăm năm. Vào năm Mã Viện đến đặt nền trực trị tại Cổ Việt Nam thì dân Tây Âu đang bị đồng hóa, học chưa thuộc tiếng Tàu, thì làm thế nào đủ khả năng đi khai hóa ta?

                        Chúng tôi sẽ trình ra một bản đối chiếu trong đó chỉ có ba thứ tiếng: Hán Việt, Quảng Đông và Quan Thoại, thì ta thấy ngay là Hán Việt giống Quan Thoại hơn là Quảng Đông.

                        Cuộc suy luận trên kia, có thể còn hồ nghi, nhưng bản đối chiếu thì không thể cãi lại được vì nó là chứng tích cụ thể và rõ ràng.

                        Nhưng quả có lối một trăm danh từ Quảng Đông và Thuần Việt hoặc Hán Việt giống hệt nhau, nhưng đó không phải là tiếng Tàu, mà là tiếng Mã Lai mà cả hai nhóm Mã Lai Tây Âu, tức Thái, và Lạc Việt đều giữ được nhớ tinh thần đề kháng. Viết chữ thì họ viết y hệt như Tàu, nhưng đọc thì họ lại đọc y hệt như Mã Lai.

                        Thí dụ điển hình nhứt là danh từ Wài của Quảng Đông và Vân của Hán Việt. Ai cũng ngỡ đó là tiếng Tàu. Nhưng không phải.

                        Tiếng Tàu, Mây họ nói là Diển, mà Diển không là sao mà biến thành Wál được cả.

                        Đó là tiếng Mã Lai Awan có nghĩa là Mây, mà cả Tây Âu lẫn Lạc Việt vẫn cố bám níu, mặc dầu họ viết chữ y hệt như Tàu.

                        Họ bám níu vào hàng vạn danh từ như vậy, nhưng Quảng Đông bị trực trị và bị đồng hóa mạnh, nên đành phải bỏ rơi gần hết, chỉ còn giữ được có lối 100 danh từ, còn Việt Nam không có chịu cái cảnh đó nên giữ được gần hết danh từ Mã Lai.

                        Awan là danh từ của Mã Lai đợt II, còn Mây là danh từ của Mã Lai đợt I. Ta dùng cả hai vì Việt Nam là Mã Lai hỗn hợp, nhưng trong trường hợp Mây, ta dùng tiếng Mây để làm quốc ngữ và tiếng Awan để đọc cái chữ Điền của Tàu, khác với các trường hợp khác, thí dụ trường hợp ChơnCẳng. Chơn, danh từ Mã Lai đợt I, Cẳng, danh từ Mã Lai đợt II, đều được ta dùng làm quốc ngữ, còn Túc thì ta đọc theo Tàu với sự sai giọng chút ít.

                        Nhưng mà chỉ có Hán Việt thì mới gần giống Tàu Quảng Đông chớ thuần Việt thì khác Quảng Đông như đen với trắng. Chỉ có những danh từ cổ Tây Âu mà Quảng Đông còn giữ được, mới giống thuần Việt mà thôi, chớ Quảng Đông Tàu, tức Quảng Đông ngày nay, thì tuyệt nhiên không giông.

                        Có thể nói cổ ngữ Tây ÂuViệt Nam kim ngữ giống nhau vài ngàn tiếng, chỉ có thế thôi, hoặc nói một cách khác, Cổ ngữ Tây Âu và kim ngữ Việt Nam là một.

                        Sự sống sót của mấy mươi danh từ Tây Âu cổ đó là sự tiêu cực đề kháng một cách tuyệt vọng của dòng Mã Lai Bách Việt, họ gồm hai nhánh lớn nhứt là nhánh Âu tức Thái, như đã chứng minh, và nhánh Lạc.

                        Thí dụ: Hai, Trung Hoa chánh gốc nói Ơl, đọc như Ơn miền Bắc Việt, nhưng vì bị đồng hóa, dân Tây Âu để kháng lại, và tiếp tục nói Dzi. Đó là tiếng Mã Lai gốc Tây Tạng mà tất cả các nhóm Mã Lai từ xưa đến nay đều dùng. Riêng Việt Nam thì dùng của hai tiếng Mã Lai là HaiNhị. Và Nhị không bao giờ là tiếng Hán Việt như ai cũng ngỡ. Ta cũng đề kháng tiêu cực y như Tây Âu khi ta học tiếng Tàu, và cả hai, Giao Chỉ và Tây Âu, đều không nói Ơn, Tây Âu chỉ dùng có một tiếng Mã Lai là Dzi còn Lạc Việt thì dùng cả hai là HaiNhị.

                        Việt Nam: Hai, Nhị
                        Cổ ngữ Tây Âu: Dzi
                        Cổ ngữ Ba Thục: Nhi
                        Bà Na: Ngôi Hai
                        Cao Miên: Pi
                        Khả Lá Vàng: Bơ
                        Miến Điện: Ngi
                        Tây Tạng: Ngi

                        Trung Hoa không bao giờ có Nhi, Pi mà Ơn của họ cũng không thể biến hóa thành Nhi, Pi được.

                        (Người Mân Việt, Tây Âu và Ba Thục, ngày nay thành Tàu hẳn rồi, nhưng vẫn còn giữ Dzi, Nhi, Ni tức Nó).

                        Thí dụ: Khi Trung Hoa chánh gốc viết chữ và đọc là Chiều là cái Cổ thì các nhóm Mã Lai Bách Việt lại không chịu đọc theo, sai chút ít như các danh từ khác, mà cứ đọc chữ ấy bằng ngôn ngữ của họ và ngôn ngữ của họ chỉ có một, nghe hơi khác, nhưng vẫn cứ đồng gốc Mã Lai.

                        Tàu Quan Thoại: Chiều
                        Mân Việt: Kẹ
                        Cổ Tây Âu (Quảng Đông): Kẻng
                        Thái ngày nay: Kủ
                        Việt Nam: Cổ
                        Cao Miên và các nhóm Thượng: Cổ, Co, Ko.

                        Tuy nhiên, người Tây Âu, người Mân Việt, người Ba Thục chỉ giữ được có non trăm tiếng vì họ đã thành Tàu Quảng Đông, Tàu Phúc Kiến, Tàu Tứ Xuyên tức Hakka, trong khi đó thì ta giữ được cả vạn danh từ.

                        Thế thì vài tiếng Hán Việt hoặc thuần Việt có giống Quảng Đông, không hề có nghĩa là tiếng Việt do tiếng Quảng Đông mà ra.

                        Sử gia Nguyễn Phương hỏi khó: “Dựa vào đâu để chứng minh rằng tiếng Việt ngày nay là tiếng Việt của người Lạc Việt?”.

                        Ông hỏi rất nghiệt, vì ông đinh ninh rằng không ai trả lời được. Nếu ai cắt cớ hỏi dựa vào đâu để chứng minh rằng tiếng Tàu ngày nay là tiếng Tàu đời nhà Hạ thì chắc người Trung Hoa phải đầu hàng.

                        Nhưng rủi cho sử gia là có những người chịu khó học cổ ngữ Tàu và cổ ngữ Việt, trả lời được.

                        Về ngoại ngữ Quan Thoại thì đã có sách Tây rồi, còn về cổ ngữ Việt, xin lấy thí dụ sau đây. Ta có câu ca dao:

                        Tua Rua lặn, chết cá chết tôm.

                        Danh từ Tua Rua hiện ra trong nhiều câu ca dao tối cổ của ta, ta không hiểu ngỡ đó là một danh từ riêng chỉ một vì sao, nhưng thật ra thì không phải. Đó là hai tiếng riêng ra. Tua là danh từ tối cổ của bọn Mã Lai lưỡi rìu chữ nhựt.

                        Rua kia, mới là danh từ riêng chỉ con sao Mang mà Tàu gọi là sao Mão.

                        Theo Việt Nam thì câu ấy như thế đó.

                        Còn theo Mường thì:

                        Sao Mang lặn, chêt ka, chêt tum,

                        Theo Khả Lá Vàng thì:

                        Tua Rua lăn kêt aka, kêt tum

                        Có nhiều cái khoen nối kết cho thấy rằng tiếng Việt ngày nay với tiếng Lạc Việt cổ sơ là một, giáo sư ạ!

                        Sử Tàu không có ghi chép vì về chuyện họ dạy ta học tiếng, nhưng có ghi chép về những ông thái thú đầu như Tích Quang, Nhâm Diên, dạy ta học lễ.

                        Nhưng không ai thử đặt ra câu hỏi này bao giờ: Họ dùng ngôn ngữ nào để làm thừa ngữ (lannge véhicule)? Một nước thống trị dạy dân bị trị, hẳn không dùng ngôn ngữ của dân bị trị để làm thừa ngữ bao giờ, trừ trường hợp độc nhứt Mông Cổ và Mãn Châu vì họ là rợ, nên họ học và nói tiếng Tàu, mà đó là vì tình thế kém cỏi của họ bắt buộc như vậy. Tình thế của Tàu trị ta thì khác.

                        Họ không dùng Việt ngữ vì họ không muốn dùng, mà cũng vì không thể dùng, bởi họ đâu có buồn học làm gì. Hiện nay ở Chợ Lớn có đến 60 phần trăm người Việt gốc Hoa, không biết tiếng Việt thì vào thời Mã Viện hẳn không có chú nào biết hết.

                        Trong trường hợp này thì tiên học văn hậu học lễ vậy. Nhưng ta học với ai? Quảng Đông không có cán bộ vì cái lẽ dễ hiểu rằng họ chỉ bị trị trước ta có một trăm năm, họ học chưa xong, sức mấy mà họ làm thầy ta được.

                        Nhưng nếu Quảng Đông đã giỏi rồi, ta cũng không học với Quảng Đông vì nếu Tàu cần gởi cán bộ họ không ngại tốn tiền xe đâu, bởi cán bộ vùng nào, tới xứ Giao Chỉ cũng đi bằng chơn, không tốn tiền xe pháo gì hết thì họ phải gởi người của kinh đô của họ, tức của thành Lạc Dương, bởi Quảng Đông đã nói tiếng Tàu sai bét rồi như đã nói.

                        Nhứt định là ta học văn, học ngôn với cán bộ trung ương, hay ít ra cũng với những cán bộ quê ở các vùng khác, nhưng được trung ương luyện giọng, việc luyện giọng theo chương trình của Tần Thỉ Hoàng. Và vì vậy mà ta phải học tiếng Tàu, nhưng giọng Quan Thoại, Quan Thoại xin nhắc lại là một giọng đọc, chớ không phải là một ngôn ngữ, và nó đã có từ năm ngàn năm chớ không phải mới có năm 1911.

                        Bản đối chiếu nhỏ dưới đây cho thấy thật rõ là Hán Việt do giọng Quan Thoại mà ra, chớ không phải giọng Quảng Đông.

                        Hán Việt         Quảng Đông    Quan Thoại
                        Thú                Xâu               Xú
                        Chinh              Chil               Chíl
                        Khách             Hẹc               Khớ
                        Huy (Chỉ huy)   Fấy               Húy
                        Chủ                Chuỷa            Chủa
                        Khảo               Hảo               Khào
                        Thủ                Thầu              Thủ
                        Quý (Báu)        Quây              Quý
                        Đùi                 Thủi               Thùi
                        Hà (Sông)        Hổi                 Hài
                        Giá                  Ca                 Chá
                        Chi (Phí)          Chía                Chi
                        Bỉnh (Bành)      Bẻng                Bing

                        Thế là rõ. Ta đã học với thầy trung ương Tàu, chớ không phải học với Quảng Đông. Và rõ hơn nữa là không có vấn đề mỹ hóa gì hết ráo. Quy của Quan Thoại vẫn được ta đọc là Quy từ cổ chí kim. Còn Hài bị đổi thành Hà, không hề vì đẹp hơn Hài bao giờ, mà vì tại ta đọc bậy, sau khi Tàu mất chủ quyền.

                        Trở lại với lời khẳng định của sử gia Nguyễn Phương, xin đưa ra một bản đối chiếu vài mươi danh từ Việt và Hoa, những danh từ này thì chắc chắn là bà Trưng Trắc đã có rồi, bởi nếu không, ta chẳng hiểu bà làm sao mà sanh hoạt được cũng như kêu gọi đồng bào của bà đứng lên chống xâm lăng.

                        Tiếng Việt Nam      Tiếng           Giọng Mân Việt        Giọng Việt Nam Hải      Giọng Quan Thoại
                        thuần túy          Hán Việt              Phúc Kiến              Quảng Đông

                        Trời                  Thiên                   Thi-i                     Thil                            Thél
                        Đất                   Địa                      Tuô ôi                   Tẩy                           Ti-i
                        Người                Nhơn                    Náng                     Dzành                        Dỉl
                        Ăn                    Thực                    Lim                       Xực                           Txửa
                        Uống                 Ẩm                       Lim                       Dẩm                           Dil
                        Nhà                   Ốc                       Xù                        Úc                             Úa
                        Cửa                   Môn                     Mửn                     Mùi                             Mổl
                        Ao (Chuôm)        Từ (Đường)           Tì (Tứng)               Xi (Thòon)                   Sửu (Thản)
                        Rào, Dậu            Li                         Lỳ                        Lỳ                              Lỷ
                        Ghe                   Thuyền                 Tsùng                   Xùi                             Tsoal, tsoải
                        Sông                 Hà                        Hở                        Hỏi                             Hài
                        Ruộng                Điền                      Txil                      Thil                             Thẹl
                        Mưa                  Vũ                         Hó                       Yũ                              Dia
                        Nắng             (Xem chú thích sau biểu Đ.C)
                        Gió                    Phong                    Hon                     Fung                            Fứng
                        Mây                   Vân                      Cuổm                    Wàl                             Diển
                        Núi                     San                      Xoa                      Xál                              Xál
                        Nước                  Thủy                     Chúi                     Xủi                              Xùi
                        Lửa                     Hỏa                     Huổi                      Phổ                             Khỏ
                        Đá                      Thạch                  Chiu                      Xẹc                             Xửa
                        Cây                     Mộc                     Pát                       Mục                            Mục
                        Rừng                   Lâm                      Lím                       Lầm                            Lỉl
                        Con chó               Cẩu                      Cào                      Cẩu                            Cù
                        Con heo               Trư                      Tư                        Chuyá                         Chứa
                        Con bò                 Ngưu                    Củ                        Ngầu                           Liểu
                        Con ngựa              Mã                       Bếc                       Mạ                             Mả
                        Con mèo               Miêu                     Ni-eo                     Méo                           Máo
                        Con gà                 Kê                        Cu-ê                      Cấy                           Chía
                        Con vịt                 Ấp                        À                           Ạp                            Dã                     
                        Con cá                 Ngư                      Hi-ỉ                        Yũ                             Día
                        Con chim              Điểu                      Chéo                      Niêu                          Ni èo
                        Một                     Nhứt                     Chi-ít                      Dzách                        Ý-i
                        Hai                      Nhị;Lưỡng               Nò                         Lượng; Dzi                  Léng; ơl
                        Ba                       Tam                      Xa                         Xám                           Xái
                        Bốn                      Tứ                        Xí                          Xi                              Xứa
                        Năm                     Ngũ                       Ngóồ                      Ưng                           Wủ
                        Sáu                      Lục                       Lác                        Lục                            Líu
                        Bảy                      Thất                      Sic                        Xách                          Tsiá Tám                      Bát                       Bội                         Pạt                             Pá
                        Chín                      Cửu                      Cáo                        Cẩu                            Chiều
                        Mười                     Thập                     Cháp                       Xập                            Xửa

                        Chú thích:

                        1. Ở cái ô tiếng Nắng của ta, không có các danh từ Trung Hoa tương đương vì dân Trung Hoa không có tiếng ấy. Để diễn cái ý niệm Nắng của ta, họ nói là Hong. Thí dụ: “Hôm nay nắng tốt”, họ nói “Hôm nay Hong áo thì tốt”.

                        Họ có tiếng Hải mà ta biến ra thành HạnHanh nhưng không có nghĩa là Nắng. Hạn là không mưa. Hanh cũng không có nghĩa là Nắng. Về sau họ có tiếng Thử, đúng là Nắng. Nhưng họ đã quen nói Hong, nên tiếp tục không dùng Thử trong lời nói.

                        Hong của Việt Nam, Quan Thoại nói là Txai, Quảng Đông đọc là Txao, Mân Việt đọc là Xọa, Hán Việt là Sái.

                        2. Cột tiếng Mân Việt không bảo đảm là thật đúng, không phải vì chúng tôi không cẩn thận mà vì lẽ sau đây: Hiện người Mân Việt sanh sống tại tỉnh Phúc Kiến, tại một số huyện ở tỉnh Quảng Đông, Giang Tây và Triết Giang. Họ gồm đến 7 nhóm (Thất Mân) giọng nói hơi khác nhau chút ít, chẳng hạn có các nhóm Dầu Phếl, Pháo Lết, Tìa Ía, v.v. rất khó biết là giọng nói của vùng nào là thuần Mân, thành thử chúng tôi chỉ ghi vào đây một giọng mà thôi, giọng của thành phố Phúc Châu.

                        Nhưng nếu có sai, chỉ sai như giọng Nam Việt đối với giọng Bắc Việt chớ không khác hẳn. Vả lại sai đối với cái gì? Làm sao biết giọng nào thuần Mân hơn giọng nào?

                        Nên nhớ rằng nhà Hán đã vét sạch dân Mân Việt, đầy đi Triết Giang, còn đất thì bỏ không. Sau bọn bị đầy được trở về, nhưng đã rối loạn hết cả rồi, không còn biết Mân nào chánh gốc Mân nữa.

                        3. Chúng tôi chủ trương rằng không hề có phương ngữ Trung Hoa, mà chỉ có đọc một thứ tiếng Tàu đọc sai chút ít tùy vùng. Nhưng đồng thời chúng tôi cũng cho biết có cuộc đề kháng tiêu cực của các quốc gia “man di” cũ, nhưng rốt cuộc họ chỉ cứu vãn được mỗi địa phương có mấy mươi danh từ và động từ thôi.

                        Thế nên trong biểu đối chiếu này quý vị đừng ngạc nhiên mà thấy ở cột Mân Việt những danh từ và động từ Ăn, Uống, Nhã, Gió, Mưa, Mây, Đá, Cây, Bò, Ngựa, Cá, v.v. của họ không giống Quan Thoại một cách xa gần gì hết.

                        Cột Việt Nam Hải cũng thế, những danh từ, động từ Gà, Vịt, Hai, Năm của họ cũng không giống gần hay xa gì với Quan Thoại hết.

                        Đó là những danh từ, động từ cổ Tây Âu, cổ Mân Việt, gốc Mã Lai, như chúng tôi sẽ chứng minh ở các biểu đối chiếu Việt, Mã Lai ngữ.

                        4. Danh từ Đất của ta, Trung Hoa đọc là Tì-i, có vẻ do Trung Hoa mà ra lắm, nhưng các nhóm cổ Mã Lai đều nói:

                        Bà Na: Tẻ
                        Giarai: Tơ nả
                        Mường: Tất
                        Thái: P’tét
                        Cao Miên: Dây
                        Sơ Đăng: Tơ nẻ
                        Kơ Yong: Tơ nả
                        Mã Lai: Tanản

                        Hơn thế không lẽ dân Bách Việt Mã Lai phải đợi biết Trung Hoa mới vay mượn một danh từ để chỉ một món mà dân cổ sơ nào cũng đã có tiếng để chỉ, ngay lúc họ còn ăn lông ở lỗ?

                        Ta nhận thấy rằng âm Đ của ta do âm T của Hoa và của Mã Lai mà ra thì không thể quyết đoán một chiều mà chọn Trung Hoa, bởi các nhóm Cổ Mã Lai trên đây không hề thấy mặt người Tàu bao giờ, trừ Thái, Cao Miên và Mã Lai.

                        Xem lại thật kỹ:

                        Trung Hoa: Tì-i
                        Việt Nam: Đất
                        Cao Miên: Đây
                        Mã Lai: Tnả

                        Không có bằng chứng gì để lôi kéo Đất vào Ti-i mà hữu lý hơn là vào Tnả. Trái lại trong các nhóm Mã Lai có Đây (Cao Miên) Tất (Mường) P’lét (Thái) Tẻ (Bà Na) có vẻ là Đất hơn Ti-i rất nhiều.

                        Nếu quý vị lại còn cho rằng sự biến dạng trình bày như trên, không rõ rệt lắm, thì xin nhắc lại rằng các nhà bác học ngôn ngữ đã tìm thấy những cái luật biến dạng từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác, chẳng hạn như âm H biến thành âm Ph rồi Ph biến thành BC.

                        Thí dụ dễ thấy nhứt là giữa ngôn ngữ Bà Na, Sơ Đăng và Việt có sự biến âm này: tất cả các âm DĐ của họ biến thành NN vào âm Rađê, rồi biến thành âm N vào âm Việt:

                        ĐĐỏ (Bà Na) = Nổ (Việt Nam)
                        ĐĐã (Sơ Đăng) = Nẻ (Việt Nam)
                        ĐĐẮK (Bà Na, Sơ Đăng) = Nước (Việt Nam)

                        Mà cả nơi người Mường, được xem là nói tiếng Việt Nam, Nước cũng còn ở dưới hình thức Đak (chỉ còn có một chữ Đ mà thôi).

                        Ngay trong Việt ngữ ta mà Trời còn biến thành Giời.

                        Năm ngày còn biến thành Dăm ngày

                        Hai mươi nămHai mươi lăm

                        hai mươi lămHăm lăm

                        phương chi là giữa hai ngôn ngữ của hai dân tộc.

                        Như vậy kết luận rằng Đất do Đây, Tất, Tnả mà ra, ít gượng gạo hơn là do Ti-i của Trung Hoa mà ra.

                        5. Qua biểu đối chiếu hạn chế trên đây, ta không thấy tiếng Việt nào do tiếng Tàu trung ương chánh gốc, tức Quan Thoại, hoặc Mân ngữ, hoặc Quảng Đông mà ra cả.

                        Ta chỉ thấy trong bản liệt kê trên, có một tiếng Việt độc nhứt là hơi giống tiếng Trung Hoa mà thôi, đó là tiếng Mèo. Nhưng MÁO hay MÈO của Trung Hoa đều là tiếng nhại giọng (ONMATOPÉE), mà nhại giọng thì dân tộc nào cũng nhại gần giống nhau thì Mèo của ta, có giống MÈO của Trung Hoa, chẳng qua là sự trùng phùng trong việc nhại những tiếng động làm thiên nhiên, những tiếng kêu của cầm thú.

                        Còn một tiếng nữa, đó là tiếng Hai. Sử gia Phạm Văn Sơn trong Việt sử tân biên, mặc dầu không chủ trương như sử gia Nguyễn Phương, vẫn ghi rằng HAI là tiếng Trung Hoa. Nhưng có lẽ sử gia họ Phạm đã nghe không rõ giọng trong khi tìm tài liệu, chớ Trung Hoa trung ương (Quan Thoại) hay địa phương, không ai nói HAI cả (Xin xem lại biểu đối chiếu. Vả lại dân Lạc Việt có số 1, số 3 đến số 10, lẽ nào lại không có số 2?).

                        Cho đến tiếng Nhị mà ai cũng ngỡ là của Trung Hoa cũng không phải là của Trung Hoa, mà đích thị là của Bách Việt. Trong Hoa chỉ có ỚtLèng tức Lưỡng, Dzi, Nhị đều là Bách Việt Mã Lai chánh gốc Tây Tạng, Tây Tạng đọc là Gui như đã trình bày.

                        Những danh từ Việt Nam Hải: Dzi Ạp, những danh từ Mân Việt À, Cuổm, Cu ê, Hi ỉ, Lím không giống tiếng Trung Hoa chánh gốc thật đó, nhưng đó là mấy mươi danh từ hiếm hoi mà Mã Lai, Bách Việt Mân (tức Phúc Kiến) và Mã Lai Bách Việt Tây Âu (tức Quảng Đông) còn giữ được, nhưng nó quá hiếm hoi, chớ không như ngôn ngữ của ta (xin xem chi tiết về những trường hợp vài mươi danh từ Bắc Việt Mã Lai còn sót lại ở ngôn ngữ Trung Hoa tại Hoa Nam, từ Hồ Bắc xuống tới Quảng Đông tỉnh lỵ ở những trang sắp tới đây.

                        Trên đây là những tiếng chỉ những gì thường thấy, đến như những gì ít khi thấy, ta cũng có danh từ thuần Việt của ta. Thí dụ Bão tố. Quan Thoại nói: Tá Fứng, Quảng Đông nói Tài Fúng. Mân Việt nói Toa Hon, Hán Việt nói Đại Phong, nhưng Việt thì nói Bão tố hoặc Gió lớn hoặc Biển động mạnh, hoặc gì gì khác, nhưng không hề mượn của Trung Hoa. Cho đến Pháp cũng vay mượn của Tàu và nói Typhon, nhưng ta thì không.

                        Chúng tôi cứ nhìn mãi vào bản đối chiếu riêng rất dài của chúng tôi, để thử xem sử gia Nguyễn Phương có tìm được dấu vết cũ nào khác binh vực cho hay không.

                        Có, chúng tôi có tìm được lối 10 tiếng rất có vẻ Việt cổ nhưng truy ra thì đó là tiếng Tàu. Chẳng hạn tiếng ĐÙI. Quan Thoại, tức Kinh đô Trung Hoa đọc là THÙI, Hán Việt đọc là THÔI. Ai cũng cứ ngỡ ĐÙI là cổ Việt ấy chớ. Cuộc khám phá nho nhỏ này làm cho những vị tin theo chủ thuyết Nguyễn Phương mừng lắm. Nhưng xin chớ vội mừng. Quả thật Đùi là tiếng Trung Hoa. Nhưng cổ Việt có một tiếng tương đương. Tiếng ấy thuần Việt. Đó là danh từ Bắp vế.

                        ĐÙI được dùng song song với BẮP VẾ, tiếng Lạc Việt giàu thêm một danh từ mới, nhưng họ vẫn có sẵn danh từ căn bản ấy rồi.

                        Chúng tôi lại tìm được vài ba tiếng nữa mà chúng tôi không giải thích được dễ dàng như trên kia, nhưng có vài ba danh từ trong bao nhiêu ngàn danh từ thì làm sao binh vực cho thuyết Nguyễn Phương được? Thí dụ tiếng BẾN (Bến sông) Quan Thoại đọc là Pin. Chúng tôi không tìm được một danh từ thuần Việt có nghĩa tương đương với Bến.

                        Nhưng như thế, cũng không thể bảo rằng tiếng Việt do tiếng Tàu mà ra, vì cái lẽ là dân Lạc Việt đã giỏi chèo thuyền, đã di cư bằng thuyền biển trên một lộ trình 10 ngàn cây số, đã biết làm ruộng dựa các bờ sông thì lẽ nào lại không có một danh từ chỉ cái BẾN là danh từ sơ đẳng?

                        Bạn hữu của chúng tôi cho rằng đó là một sự trùng phùng hai động từ khác nhau, không hề tiếp xúc nhau, có thể có vài danh từ giống hệt nhau. Nhưng tôi không dám nói như vậy, mặc dầu kiến giải đó rất đúng và thú nhận rằng mấy danh từ thuộc loại BẾN là một bí mật cần được các nhà ngôn ngữ học khám phá ra.

                        Chúng tôi đã nỗ lực suốt mấy tháng để tìm nguồn gốc kỳ lạ của tiếng BẾN và đã tìm được.

                        Cái bến, tiếng Mã Lai là Păngka cũng có thể lôi kéo vào Bến, nhưng Bến lại giống Pin của Tàu hơn, nên chúng tôi lương thiện không lôi kéo liều lĩnh. Dân Mã Lai ở Johore nói là Pang thì còn gần hơn là Păngka nữa. Người Cao Miên nói là Kampong, người Thái nói là Pong, tất cả đều có thể lôi kéo vào Bến, nhưng Pin của Quan Thoại vẫn cứ giống Bến hơn là Pang, Pong, Pung.

                        Ở đây, sự lương thiện rất cần thiết. Thí dụ danh từ Hộp:

                        Việt Nam: Hộp
                        Giarai: Hip
                        Chàm: Hop
                        Mã Lai: Brhop

                        Ta có thể lôi kéo Hộp vào Brhop được, nhưng chúng tôi cứ cho là Mã Lai vay mượn của Tàu, y như ta, và vay mượn tại Nam Dương chớ không phải hồi còn là Bách Việt Hoa Nam, và tất cả đều vay mượn Hap của Trung Hoa, bởi trong hàng ngàn món đồ bằng đồng pha Đông Sơn không có cái hộp nào cả, mà chỉ có bình có nắp đậy, thì chắc chắn ta chưa biết chế tạo cái hộp trước khi Mã Viện đến.

                        Thoạt tiên, chúng tôi lập ra cái giả thuyết rằng người Trung Hoa cưỡng bách chúng ta nói tiếng Tàu. Khi ta độc lập rồi, ta bỏ tiếng họ, nói tiếng ta, nhưng quên loại một mớ danh từ. Nhưng rồi chúng tôi thấy rằng giả thuyết của chúng tôi đứng không vững. Nếu có sự cưỡng bách nói trên, thì sau hơn một ngàn năm, không thể còn tiếng Việt được đâu. Họ có bắt ta nói tiếng Tàu phải giống Tàu, nhưng không hề có bắt ta chỉ được phép nói tiếng Tàu.

                        Kỳ lạ nhứt là khi chúng tôi nhờ người Tàu viết chữ Bến bằng tiếng Tàu, thì luôn luôn họ viết cái chữ mà các nhà nho ta đọc là Tân.

                        Họ đọc là n, nhưng sao trí thức đời xưa của ta lại đọc sai quá xa, đọc là Tân, còn chính dân chúng lại đọc gần đúng là Bến?

                        Thế nên chúng tôi rất bận bịu với PăngkaPang của Mã Lai nhiều lắm, và rất khổ mà không nối kết được Pang = Bến.

                        Nhưng vài thí dụ khác lại làm cho chúng tôi không dám nối kết liều với Mã Lai.

                        Cái Tủ, Quan Thoại viết và đọc là Tu, dân chúng nhại gần đúng, nói là Tủ. Nhưng các nhà nho lại đọc sai quá xa là Độc.

                        Thế thì Tân có thể cũng ở trong trường hợp đó và quả dân chúng đã mượn Pín, chỉ tại các nhà nho đọc bậy bạ thôi.

                        Chúng tôi tạm lập ra ức thuyết này là những tiếng Tu, Pín, phạm húy trào đại đầu của ta sau thời đô hộ, chẳng hạn mẹ của Đinh Bộ Lĩnh tên là Bín hay Bính gì đó chăng và em của Đinh Bộ Lĩnh tên là Tu?

                        Mà xin đừng tưởng rằng các nhà nho đọc theo Quan Thoại xưa, còn dân chúng đọc theo Quan Thoại nay. Không. Quan Thoại xưa đã có biến, nhưng người ta đều biết rõ nó biến ra sao và dân ta theo dõi Tàu bén gót. Khi Quan Thoại biến Vút ra thì ta cũng biến Bụt ra Phật.

                        Riêng cái danh từ Độc này thì bằng chứng lại rất chắc chắn hơn, là dưới trào Hán, mà Mã Viện chinh phục ta, Tàu đọc là Tu thật sự.

                        Quả thật thế, vào thời ấy họ vừa biết được nước Ấn Độ. Nước ấy tự xưng là Hanh Đu, và họ phiên âm gần đúng là Tsân Tu, chỉ các nhà nho ta là đọc sai là Thân Độc. Nhưng cái sai đó, chỉ mới xảy ra vào thời Đinh Bộ Lĩnh, nếu thuyết của chúng tôi mà đúng, còn trước đó ta vẫn đọc là Hanh Tu, để cho đúng với giọng Tàu vì kẻ thống trị bị bắt buộc như vậy.

                        (Có một người bạn nói rằng danh từ Bến của ta do danh từ Bạn của Hán Việt mà ra. Như thế thì rất ổn. Nhưng khi tôi yêu cầu nhiều người Trung Hoa viết tên BẾN ra chữ Hán thì luôn luôn họ viết chữ TÂN, không bao giờ có chú nào viết chữ Bạn hết).

                        Người bạn ấy cũng tiếp tục luận điệu đó và nói Chợ do Thị mà ra. Đành vậy. Nhưng danh từ CHỢ không thể dùng làm tài liệu căn bản được, như đã giải thích rồi. Lúc tiếp xúc với Tàu, ta chưa biết Chợ là gì thì ta phải mượn danh từ ấy của họ. Chỉ có những danh từ gọi là Vietnamese Basic mới có giá trị khảo cứu trong vấn đề này. Ta có hay không có những danh từ chỉ những thứ nằm chung quanh ta, trước khi Trung Hoa xâm lăng ta? Những danh từ chỉ những món mà văn hóa Trung Hoa đưa tới không được phép kể vào đây. Và những tiếng sơ đẳng tìm thấy được, có đủ nhiều để thành một ngôn ngữ hay không? Ngôn ngữ gốc của dân tộc là như thế đó, chớ không phải những tiếng vay mượn về sau.

                        Cũng như bao nhiêu học giả khác, sử gia Nguyễn Phương đã lẫn lộn tiếng Hán Việt và tiếng Việt thuần túy. Hoa là tiếng Hán Việt do tiếng Quan Thoại mà ra. Quả là tiếng Hán Việt do tiếng Quan Thoại Quò mà ra. Nhưng tiếng Việt thuần túy là BÔNGTRÁI ấy chớ. Mà Bông là do danh từ Mã Lai Bônga mà ra đấy. Người Chàm được các ông Tây cho là gốc Mã Lai chánh hiệu, nhưng thật ra thì họ ít chánh hiệu hơn ta vì danh từ Mã Lai Bôn ga này được người Chàm đọc là Bngư thì tức là đọc sai hơn Việt Nam quá nhiều.

                        Theo thuyết Nguyễn Phương thì ta, tức Tàu thuần chủng vì lai Chàm, nên ngôn ngữ hơi khác Tàu. Nếu quả đúng như vậy sao ta lại không gọi HoaBngư như kẻ lai giống với ta, mà là đọc gần đúng với một kẻ ở rất xa là Mã Lai?

                        Chỉ có người Việt mê Tàu mới dùng Hán Việt, còn người thường thì họ nói tiếng Việt thuần túy. Họ nói: đâm bông kết trái, thay vì nói đâm hoa kết quả.

                        Nếu phân biệt minh bạch Hán Việt và thuần Việt thì không còn chủ trương tiếng Việt là tiếng Tàu được nữa, vì người Tàu không có lý do để vay mượn hai danh từ BôngTrái của “Mọi” như giáo sư Nguyễn Phương đã tưởng.

                        Chỉ có tiếng Hán Việt mới do tiếng Tàu mà ra, vậy có Việt ngữ thuần túy không? Nhưng tiếng Hán Việt đâu có phải là ngôn ngữ mà dân Việt Nam dùng để nói. Họ nói bằng tiếng Nôm, tức bằng một ngôn ngữ khác, hoàn toàn không phải là ngôn ngữ Trung Hoa biến dạng.

                        Nhưng chúng tôi dám quả quyết rằng ta mới chỉ sính tiếng Hán Việt về sau đây mà thôi, còn trước thì không.

                        Trong Việt Nam văn học sử yếu, trang 188, cụ Dương Quảng Hàm cho rằng có “vài tiếng ngoài Bắc dùng mà trong Nam ít dùng hay không biết hẳn, thí dụ hoa, quả, thuyền…”.

                        Sự thật thì không phải là người trong Nam không biết đâu. Chỉ tại họ không dùng đó thôi. Mà tại sao vậy?

                        Giải thích được tại sao người miền Nam không nói Hoa, Quả, Thuyền thì ta sẽ chứng minh được rằng hồi xưa cả người miền Bắc cũng không nói Hoa, Quả, Thuyền kể cả trong thời Bắc Việt bị Tàu đô hộ, mà vẫn nói Bông, Trái, Ghe y như miền Nam.

                        Ta có thể hiểu rằng vào thời đó Bắc Bố Chính và miền Bắc cũng đều nói Bông, TráiGhe, chớ chưa nói Hoa, QuảThuyền, bằng chứng là trong ngôn ngữ miền Nam, lắm danh từ cổ, gốc Bắc rõ rệt, mặc dầu thuở ấy dân của chúa Trịnh không có di cư vào. Thí dụ: Họ nói Chỉ, nhưng lại nói ngón tay trỏ, họ nói hàng rào, nhưng cũng nói rào giậu, họ nói con heo, nhưng họ chế tạo một thứ bánh tên là bánh da lợn, họ nói Cây, nhưng đặt tên một thị trấn nhỏ kia là Bến Gỗ, họ nói khoai mì, khoai bàng, nhưng đặt tên một làng quan trọng kia là làng Bến Sắn, họ nói làm mướn, nhưng cũng lại nói làm thuê.

                        Ta làm sao cắt nghĩa được hiện tượng đó? Chỉ có một lối giải thích là vào năm 1668, người Bắc Bố Chính ăn nói y hệt như Bắc Việt, còn Nam Kỳ thì nói hệt theo Bắc Bố Chính.

                        Nhưng Bắc Việt thay đổi, mà lưu dân miền Nam không hay biết, cứ tiếp tục nói như vào năm 1668, chớ quả thật chính họ không hề phát minh ra hai danh từ Bông, TráiGhe. Ba danh từ đó, cổ Giao Chỉ đã có, và đó là danh từ Mã Lai.

                        Một nhà học giả miền Nam cho rằng những kẻ càng đi xa, càng giữ gốc (cụ Vương Hồng Sển, trong một bài diễn văn), nhưng cụ Vương không cắt nghĩa được tại sao mà như vậy.

                        Sự thật thì không phải họ là công dân tốt, quyết tồn cổ, thích bảo vệ dân tộc tính đâu, mà vì họ không hề hay biết gì về những biến đổi xảy ra ở đất tổ

                        Chúng tôi đã tìm được dấu vết làm bằng chứng trong quyển Thi văn đời Trần của hai vị giáo sư Hoàng Xuân Hãn và Nghiêm Toãn. Ta sẽ thấy rằng vào đời Trần, người Bắc Việt nói Bông thay vì Hoa. Ở trang 11, có hai câu ca dao:

                        Bao giờ đến tháng Giêng Hai
                        Trồng bông, trồng đậu, trồng khoai kịp thì.

                        Hai câu trên đây, sách nào cũng có, nhưng chúng tôi chỉ trích ở sách trên vì hai vị giáo sư ấy rất cẩn thận trong việc trích lục, ta không lo người trích lục tự ý sửa đổi theo thời trang, theo địa phương hiện đại. (Các sách khác đã tự ý sửa Bông ra Hoa).

                        Ở hai câu ca dao trên đây, không thể bảo rằng những ông tác giả vô danh đã phải dùng chữ bông để giải quyết một vấn đề bằng trắc, bởi bông hay hoa gì cũng là vần bằng cả.

                        Còn nhiều bằng chứng nữa. Đọc quyển sách Sổ sang chép các việc của cố đạo P. Bỉnh ghi ký năm 1822 tại Bồ Đào Nha, cố đạo là người Hải Dương, tức người miền Bắc, ta thấy cố đạo viết Bông, Trái thay cho Hoa, Quả, viết , thay cho ô, viết muỗng thay thìa, y hệt như người miền Nam, mà cố đạo thì không có đi giảng đạo ở miền Nam bao giờ cả.

                        Vậy đã có bằng chứng rằng miền Bắc chỉ dùng Hán Việt thay cho thuần Việt mới đây thôi. Nhưng vì lý do nào, và từ năm nào thì ta cũng biết được.

                        Ông L. Bézacier, trong quyển “L’Art Vietnamien” đã cho thấy và giải thích hiện tượng kỳ dị đó. Ông ấy là quản thủ các di tích lịch sử Việt Nam cho tới năm 1945, chuyên nghiên cứu và bảo trì các đền, đình, cung, tự cổ của ta và nhận thấy rằng những kiến trúc đó, càng cổ, càng mang biệt sắc Việt, càng kim, càng mang biệt sắc Hoa, và kiến trúc Trần, Lê ở đất Bắc rất Việt, còn kiến trúc Nguyễn ở miền trung thì rất Hoa, vì kiến trúc Nguyễn được xây cất sau cùng hết.

                        Ông ấy giải thích rằng sự xâm nhập văn hóa Tàu đi ngược chiều với tinh thần chống ngoại xâm. Khi vững chủ quyền, ta càng tiêm nhiễm văn hóa Trung Hoa vì ta cần kiện toàn văn hóa của ta bằng sự vay mượn, và ta không ngại vay mượn, bởi mối nguy xâm lăng đã bị đẩy lùi đi xa rồi. Tất cả kiến trúc của trào Nguyễn sau 1700 đều rập y khuôn Trung Hoa, không khác một nét, còn kiến trúc Lý, Lê, Trần thì là Việt Nam hơn nhiều.

                        Sự rập khuôn này ắt không do áp lực của kẻ thống trị bởi ta đã độc lập từ lâu (không kể 14 năm của nhà Minh), mà do sự thán phục nó kéo theo sự bắt chước, và phải mất ngót 800 năm, bắt chước mới y hệt được (về kiến trúc) và sự bắt chước văn hóa Trung Hoa mạnh nhứt bắt đầu từ thời xây cất Văn Miếu ở Hà Nội, đến thời tôn sùng các ông Nghè vào triều Lê, những ông Nghè mà Nguyễn Huệ khi ra đất Bắc đã mỉa mai rằng: “Xứ này chỉ có ông Nghè là quý nhứt”.

                        Đành rằng ông Nghè không dùng được vào việc gì hết nhưng đó là sự tượng trưng cho nền văn hóa mà vua chúa ta xưa khâm phục.

                        Ngôn ngữ cũng chạy theo cái đà bắt chước đó, từ năm 1668, trước kia vào thời Lê Đại Hành, Đinh Bộ Lĩnh, dân ta ở đất Bắc cũng nói Bông, trái, ghe.

                        Đó chỉ là một lối giải thích của ông L. Bézacier, nghe thì rất hữu lý nhưng chúng tôi cần tài liệu cụ thể để khỏi sai lầm. Chúng tôi tìm tòi và tìm được bằng chứng, chớ không phải là suy luận như ông L. Bézacier nữa.

                        Sự kiện ngôn ngữ Việt chạy theo Hoa ngữ, chỉ mới xảy ra đây thôi, vào năm Mãn Châu xâm lăng Trung Hoa.

                        Bản dịch Khâm định Việt sử thông giám cương mục của giáo sư đại học Sài Gòn, ông Langlet đã cho ta biết nguyên do thay đổi kỳ dị ấy.

                        Khi Mãn Châu xâm lăng Trung Hoa thì bọn lưu vong nhà Minh tràn sang Bắc Việt 10 lần đông hơn ở Nam Kỳ mà dân ta không hay biết. Ở Nam chỉ có ba ngàn quân của bọn Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Dịch mà sách vở ta cứ nói đến mãi không thôi, trong khi ấy thì Bắc Việt bị xâm nhập đến 50 ngàn.

                        Khâm Địch cho biết rằng chúa Trịnh đã lo lắng nhiều, thi hành nhiều biện pháp để chặn đứng ảnh hưởng bọn ấy, họ chi phối cả ngôn ngữ của ta nữa.

                        Đó là một điều vô cùng mới lạ mà bản dịch Langlet cho biết và hoa, quả, thuyền, thìa đi vào Việt ngữ là vì vậy, và chỉ mới đây mà thôi, và chỉ tại ở đất Bắc mà thôi.

                        Chúng tôi cho rằng giáo sư Nguyễn Phương lẫn lộn Hán Việt và thuần Việt nên mới chủ trương như vậy. Chúng tôi tưởng là thế vì giáo sư chỉ khẳng định mà không có đưa ra thí dụ nào, hoặc bản đối chiếu nào hết để giúp ta biết giáo sư muốn nói đến tiếng Hán Việt hay thuần Việt.

                        Nguồn: Bách Bộc xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản điện tử do talawas thực hiện.

                         

                        http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11149&rb=08
                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 07.04.2008 13:42:50 bởi Ngọc Lý >
                        #25
                          Ngọc Lý 09.04.2008 05:32:28 (permalink)
                          Bình Nguyên Lộc
                          Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam


                          22/35


                           
                          Nhưng một người bạn Trung Hoa của chúng tôi thì có nói để chúng tôi thoáng hiểu rằng tiếng Sông do tiếng Tàu Súng mà ta đọc theo Hán Việt là Dõng mà ra, và Tàu đọc là Súng. Nhưng chúng tôi kiểm soát lại thì không phải thế. Quan Thoại đọc là Dõng ra Dùng. Quảng Đông cũng vậy. Mân Việt đọc là Yủng. Không có nhóm nào đọc là Súng hết.

                          Vả lại Dõng không hề có nghĩa là Sông, và xin lấy tự điển Từ Hải làm bằng: “Suối nào ở dưới đất trào lên là Dõng”.

                          Từ Hải lại trích quyển Nhỉ Nhả, một thứ từ điển tối cổ đời Chu: “Lạm tuyển xuất tức Dõng” nghĩa là “Suối chảy mạnh là Dõng”.

                          Từ Hải lại trích Hách Dục Hanh: “Nước: từ đất phun lên là Dõng”. Thế là Puits Artésiens rồi vậy.

                          Tóm lại, Dõng không hề có nghĩa là Sông, cả vào cổ thời, và Trung Hoa cũng không đọc là Sông bao giờ, và danh từ Sông là danh từ của ta rặc ròng, gốc Mã Lai Bách Việt, như ta sẽ thấy ở các biểu đối chiếu.

                          Người Trung Hoa chỉ có 5 danh từ để chỉ Sông, đó là Xuyên, Hà, Giang, ThủyPhố.

                          Nên biết rằng vào cổ thời Giang là danh từ riêng đấy, dùng để chỉ sông Hoàng Hà và sông Dương Tử, chỉ có về sau, có lẽ trước đời Tống, hai danh từ đó mới biến thành danh từ để chỉ sông.

                          Hai danh từ chỉ sông của TàuThủyPhố.

                          Đó là tình trạng cổ thời. Ngày nay thì Giang dùng để chỉ sông to, còn ThủyPhố dùng để chỉ sông nhỏ.

                          Trong Thủy Kinh Chú thì tác giả là Lệ Đạo Nguyên gọi tất cả sông của nước ta là Phố.

                          Không hề thấy sách cổ hay sách kim nào của Tàu gọi sông của ta là Dõng. Mà sông bên Tàu cũng không có cái nào được gọi là Dõng.

                          Như vậy không có lý nào mà khi dạy ta học, họ lại dạy tiếng Dõng mỗi lần nói đến một con sông lớn hay nhỏ của ta mà họ không khinh rằng nhỏ như cái suối Dõng của họ. Và xin nhắc lại rằng không có nhóm Trung Hoa nào đọc DõngSúng cả.



                          *

                          Chúng tôi có ám chỉ đến giáo sư ngữ học Lê Ngọc Trụ, và xin trở lại với giáo sư họ Lê.

                          Giáo sư họ Lê viết sách trước giáo sư Nguyễn Phương đến 10 năm, không có chủ trương chủng tộc nào hết, nhưng giáo sư đã thấy sai rằng hầu hết tiếng Việt đều do Tàu mà ra.

                          Một thí dụ khả nghi hơn hết là tiếng Dừa giáo sư họ Lê đã đưa ra một ngữ nguyên động trời nói Dừa do tiếng Hán Việt Da mà ra.

                          Bên Tàu không có cây Dừa. Nước Việt Nam là quê hương của Dừa. Thế thì tại sao người Việt Nam lại không có danh từ chỉ loại cây ấy mà lại phải vay mượn của một dân tộc không có cây dừa?

                          Giáo sư họ Lê đã lầm lẫn vai trò chủ nợ và con nợ, không biết ai vay của ai, nên mới nói như thế cho hàng ngàn danh từ như vậy, và cứ bằng vào sách của giáo sư họ Lê thì khó có ngôn ngữ Việt, vì danh từ Việt sơ đẳng nhứt là Dừa cũng là của Tàu.

                          Người Tàu vay mượn cái gì của ai, vào thời nào, ta đều biết được hết một cách chắc chắn. Ở Đông Nam Á chỉ có dân tộc Việt Nam là gọi trái ấy giống Tàu mà thôi. Ta gọi là Dừa, Quan Thoại gọi là Dẻ, còn thì các dân khác gọi khác quá xa: Thái: Brao, Cao Miên: Đôn, Chàm, Mã Lai: Nyor. Thế thì họ học của ai, đã rõ rồi, chớ không có có ai học của họ cả. Trái xoài đời hậu Hán, Tàu gọi là trái Am-ma-la. Đó là tiếng Tamoul tức Nam Ấn (gốc Mã Lai) thật đúng là Empelam mà hiện nay các nước Mã Lai đều dùng. Mấy trăm năm sau họ mới học thẳng với Bắc Ấn danh từ Mongga mà họ đọc là Mang quò (chữ nho đọc là Mông quả).

                          Danh từ Thái là Muang, danh từ Bắc Việt là Muỗm, đều một gốc Mangga mà ra, có lẽ Thái Quảng Đông học của Tàu, Giao Chỉ học của Thái Quảng Đông, nhưng danh từ chánh hiệu thì:

                          Thái không bị đồng hóa: Huài
                          Cao Miên: Sway
                          Đàng Trong: Xoài

                          Tàu viết sử rằng họ học nghề nấu đường với nước Ấn Độ vào đời Đường. Tại sao họ không học với Giao Chỉ lại đi học chi cho xa thế? Mà đường tưởng là Giao Chỉ chưa biết làm đường vào thời đó, Giao Chỉ giáp ranh với Chàm mà Chàm đã biết làm đường nhiều trăm năm trước đó rồi.

                          Cái gì bảnh họ mới nhận, còn không thì thôi, giống hệt Việt Nam nhận Đông Sơn, nhưng phủ nhận Mã Lai.

                          Họ viết sử rằng họ học nghề làm đường với nước Ấn Độ vào thế kỷ thứ bảy. Ấy, Ấn Độ là nước văn minh, nên họ thấy sang bắt quàng làm họ, sự thật thì họ học với nước Giao Chỉ.

                          Chúng tôi bắt được tài liệu hiếm hoi sau đây nó sẽ làm cho các sử gia Tàu cứng họng. Mấy câu này trích dẫn ở quyển Orien’al Commerce của Villiam Milburn, London, 1925, chương nói riêng về nước Việt Nam: Hàng hóa CHÁNH (của xứ Việt Nam) xuất cảng sang Ấn Độ là ĐƯỜNG. Có ba thứ tất cả:
                          1. Đường phèn, tốt nhứt thế giới và được TRUNG HOA QUÝ NHỨT.
                          2. Đường cát trắng, loại tầm thường, giống như đường Phi Luật Tân.
                          3. Đường đen.
                          (Đường đen là thứ đường rẻ tiền mà Nam Kỳ gọi là đường ta).

                          Nước Ấn Độ, cho tới năm ấy mà còn phải nhập cảng đường của Việt Nam thì vào thế kỷ thứ bảy họ không thể đủ khả năng dạy Trung Hoa làm đường.

                          Vả lại chứng tích sau đây còn mạnh hơn nữa. Nếu họ học với Ấn Độ, họ đã gọi môn ấy bằng tiếng Ấn Độ phiên âm. Nhưng họ gọi bằng tiếng Giao Chỉ. Danh từ Trung Hoa chỉ món đường, ở Kinh đô Tàu là Thẻl. Còn danh từ Giao Chỉ cổ thời là Tàng. Tàng biến thành Đàng, Đàng biến thành Đường.

                          Tàng là danh từ Mã Lai chung của hai nhóm Thái, Việt, còn Cao Miên cũng thuộc chủng Mã Lai thì lại gọi là gì không biết, họ vay mượn của ai thì chưa truy ra. (Xin xem chương Làng Cườm sống dậy).

                          Chàm và Mã Lai thì gọi đường là Gula.

                          Thế thì Thẻl do đâu mà ra, cũng rõ rồi.



                          *

                          Nổi danh nhứt về ngữ nguyên (Etymologie) là giáo sư đại học Lê Ngọc Trụ. Giáo sư họ Lê đã tìm ra được nguồn gốc của một số tiếng Việt mà ai cũng ngỡ là thuần Việt, nhưng lại do tiếng Tàu mà ra.

                          Nhưng giáo sư Lê Ngọc Trụ đã khám phá sự kiện đó bằng cách đối chiếu tiếng Hán Việt và tiếng thuần Việt, thấy hơi giống giống rồi gán ghép, nên có lắm tiếng ông cho là của Tàu một cách sai lầm, như danh từ Dừa đã cho thấy.

                          Mãi rồi ông bị ám ảnh về sự hơi giống đó, biến nhận xét riêng rẽ của ông thành một cái luật để tổng quát hóa vấn đề.

                          Nếu giáo sư kiểm soát cái luật của giáo sư bằng cách đối chiếu giọng đọc của Hoa và Việt, ông sẽ thấy rằng ngữ nguyên của ông không đúng.

                          Khi nãy chúng tôi có nói rằng giáo sư họ Lê bị vài nhận xét lẻ tẻ vô tình đúng, rồi tổng quát hóa vấn đề một cách sai nguyên tắc khoa học.

                          Nhưng đọc kỹ tác phẩm của giáo sư họ Lê, ta thấy rằng không phải thế. Cái bộ sử mà giáo sư Lê Ngọc Trụ không hề có viết, giáo sư có âm thầm nghĩ trong bụng, và nghĩ gần như giáo sư Nguyễn Phương, nhưng kém khoa học hơn giáo sư họ Nguyễn nhiều.

                          Giáo sư họ Nguyễn cho rằng đồng bào của bà Trưng là “Mọi” còn ta đây là người Tàu. Giáo sư họ Lê thì làm cho độc giả rối trí đến muốn điên lên vì họ không còn biết họ là ai nữa hết.

                          Trong Chính tả Việt ngữ, trang 229, giáo sư viết:

                          “Nơi đồng bằng Bắc Việt, tổ tiên ta đụng phải ngọn sóng Nam tiến của người Bách Việt. Phải tranh sống với họ, họ mạnh thế hơn. Họ chinh phục nước ta mấy lượt”.

                          Thế là, theo câu trên đây, ta không thuộc dòng Bách Việt, mà là dân thổ trước Mélanésien (theo khoa khảo tiền sử thì trước Bách Việt là chủng Mê-la-nê).

                          Nhưng sao giáo sư lại cứ gọi dân ta là dân Việt, tiếng ta là Việt ngữ? Việt chỉ là kẻ xâm lăng thôi chớ?

                          Quan niệm riêng của giáo sư, trong trường hợp này thật là làm ta choáng váng, còn choáng váng hơn cả quan niệm của giáo sư Nguyễn Phương đã cho ta là Tàu thuần chủng.

                          Theo ông Lê thì ta, Nguyễn Văn Hai, Trần Văn Ba, hiện nay là ai? Thật không sao biết được. Nếu ta là Bách Việt, sao ông lại nói: Ta bị Bách Việt chinh phục? Còn ta là thổ trước Mélanésien, sao ông gọi tiếng ta là Việt ngữ, mà không gọi là Mélanésien ngữ?

                          Ta không còn biết ta là ai nữa, đó là một tâm trạng khó chịu như kẻ mắc bịnh kiên vong quên mình là ai, mặc dầu vẫn còn sáng suốt, hiểu biết mọi việc trên đời.

                          Nhưng Bách Việt là ai mới được chớ? Cũng trong câu trên giáo sư giải thích rằng Bách Việt là người Tàu phương Nam. Giải thích như vậy là đúng 70 phần trăm. Nhưng chúng ta cũng là Bách Việt nhưng may mắn hơn không bị đồng hóa như Quảng Đông, chỉ có thế thôi, sao giáo sư lại nói chúng ta bị Bách Việt chinh phục? Chính bọn Hoa Bắc đã chinh phục Bách Việt Hoa Nam ấy chớ, bọn Bách Việt ở Hoa Nam, thuở đó chỉ mới bị trị trước ta có hơn trăm năm, đâu có đi chinh phục ta được bằng quân sự và văn hóa. Thuở đó họ chưa thành Tàu và còn nguyên là Bách Việt, mà là Bách Việt đang bị trị, bị nô lệ hóa, sao lại đi chinh phục ta được? Có lẽ vì hiểu lịch sử như vậy, ta là Mélanésien, Quảng Đông mới đích thật là Bách Việt và nhận thấy khi tiếng Hán Việt và thuần Việt hơi hơi giống nhau, giáo sư mới cho tiếng ta có họ với tiếng Tàu, vì Tàu là Bách Việt Hoa Nam, giáo sư không kể Tàu chánh gốc, nhưng chính Tàu đó mới là đáng kể và ta có là họ hay không là nên nhắm vào Tàu đó.

                          Theo ý giáo sư họ Lê thì chính Quảng Đông hoặc Mân Việt mới là Bách Việt và mới là kẻ đi chinh phục ta. Quả quân đội của Mã Viện có lấy thêm người ở Quảng Đông, nhưng đó là người Hoa Bắc do Tần Thỉ Hoàng đưa xuống để trồng người không hơn một trăm năm.

                          Nhưng nếu họ là người Thái Tây Âu đi nữa, họ cũng chỉ là quân bổ sung. Quân chánh quy chủ lực là Hoa Bắc, và nhứt là tất cả cán bộ quân sự, văn hóa đều là Hoa Bắc, bằng chứng rõ ràng là các nhà giáo dục nổi danh: Tích Quang, Nhậm Diên, Sĩ Nhiếp đều là người Hoa Bắc. Chính họ mới đưa văn hóa vào xứ ta, chớ Tây Âu học chưa thuộc bài, làm thế nào để đặt ảnh hưởng vào xứ ta được?

                          Nhưng nếu Mã Viện, Tích Quang, Sĩ Nhiếp và toàn thể đạo quân viễn chinh đều là Bách Việt như giáo sư họ Lê nói, thì như vậy Bách Việt là quân xâm lăng, còn ta, cứ là dân thổ trước chịu ảnh hưởng của Bắc Việt, chớ không thể nào ta lại là Việt và quyển sách của giáo sư cần đổi tên lại là Chính tả Mê-la-nê ngữ mới đúng.

                          Nhưng nếu thế thì lại hơi lạ, vì lẽ rằng cái văn hóa mà ta học là văn hóa Tàu chớ không phải văn hóa Bách Việt.

                          Phương pháp của giáo sư đã được áp dụng trong Việt ngữ chánh tả tự vị, và nếu tin theo phương pháp của giáo sư họ Lê thì khó lòng mà có tiếng thuần Việt được và lời khẳng định ngắn của sử gia Nguyễn Phương được củng cố thật mạnh nhờ thuyết của giáo sư Lê Ngọc Trụ, nhờ cả một bộ tự điển của giáo sư họ Lê.

                          Thỉnh thoảng có gì không biết chúng tôi có tìm giáo sư Lê Ngọc Trụ để học hỏi, thì những trang sách sau đây thật là có vẻ phạm thượng và phản sư lắm.

                          Nhưng chắc giáo sư không tức giận chúng tôi đâu vì chúng tôi chỉ tìm sự thật chớ không hề chối rằng mình đã có học hỏi nơi giáo sư, đã khâm phục và tôn kính giáo sư.

                          Hơn nữa chưa chắc gì chúng tôi viết ra ở chương này là đúng, và giáo sư sẽ có dịp bác bỏ và như thế thuyết của giáo sư sẽ được vững chãi thêm, và đó là cái lợi cho nền học thuật của ta. Giá trị của một thuyết chỉ được củng cố mạnh sau nhiều thử thách, nhiều bài bác mà thôi, và hai người đưa ra hai thuyết ngược hẳn nhau, không hề là địch thủ có ác ý muốn chống đối nhau như thế để sự thật lòi ra.

                          Giáo sư Lê Ngọc Trụ, không hề chủ trương như sử gia Nguyễn Phương bao giờ, mà còn trái lại nữa, ông viết trong bộ luật chánh tả Việt ngữ: “Trót ngàn năm bị cai trị, dân Việt Nam có chịu ảnh hưởng sâu xa của văn hóa Tàu, chớ riêng tiếng Việt thì không vì đó mà bị đồng hóa”.

                          Câu này thì rất đúng, nhưng lại quá mâu thuẫn với câu trên. Thế thì trong hai câu, phải có một câu sai. Chúng tôi cho rằng câu này đúng thì câu trên hoàn toàn sai.

                          Giáo sư họ Lê nhận thức đúng lẽ đó, nhưng đáng tiếc thay, khi áp dụng bộ luật của giáo sư để tìm ngữ nguyên thì không hiểu vì lẽ nào mà danh từ nào của ta, giáo sư cũng đều cho là do tiếng Tàu mà ra cả, kể cả những danh từ sơ đẳng nhứt mà một dân tộc bán khai hẳn đã phải có mà không cần vay mượn làm gì nữa hết.

                          Thí dụ điển hình nhứt là tiếng Nỏ, sau tiếng đó giáo sư ghi là Nôm, nhưng lại thêm một cái dấu riêng, giống hình chữ V nằm. Dấu này ở chương Phàm Lệ, được giải thích là “do tiếng Hán mà ra”. Sau cái dấu đó, quả nhiên giáo sư viết chữ NỖ của Trung Hoa.

                          Vậy Nôm Nỏ do Nỗ của Tàu, và như thế thì đâu còn là Nôm nữa? Lại mâu thuẫn.

                          Sự thật thì chính Tàu đã học tiếng Nỏ của Mã Lai Việt chớ Nỗ không phải của họ.

                          Các nhóm Mã Lai Bách Việt đều có danh từ đó, xin kể ra đây, nhưng không phải vì đa số đó mà chúng tôi chủ trương rằng Nỏ là của ta, mà vì một luật tạo tự dạng Trung Hoa:

                          Việt Nam: Ná, Nỏ
                          Cao Miên: Snả
                          Mạ: Na
                          Bà Na: Hna
                          Sơ Đăng: Mnaá
                          Giarai: Hnaá
                          Thái: Nả
                          Mã Lai: Pnả

                          Người Trung Hoa khi họ bày ra một tự dạng mới, họ theo những cái luật bất di bất dịch, chớ không phải viết càn. Ta thử chiết tự chữ Nỗ của họ xem sao.

                          Chữ ấy gồm ngữ căn Cung để tượng hình, tức chỉ nghĩa, và tiếp vĩ ngữ (Nô bộc), dùng chỉ giọng đọc (Hài thanh).

                          Theo luật tạo tự dạng của Trung Hoa thì danh từ đó là danh từ tân tạo chớ không phải là danh từ nguyên thỉ của dân tộc Tàu. Cung mới là nguyên thỉ vì không có ngữ căn và ngữ phụ gì cả trong Cung.

                          Mà tân tạo thì có hai loại:
                          1. Loại hoàn toàn nội lực. Thí dụ chữ Dẫn, gồm ngữ căn Cung để tượng hình và một sổ cũng tượng hình sự giương cung, không có ảnh hưởng ngoại lai vì cả hai yếu tố đều có nghĩa, và đều là chữ Tàu.
                          2. Loại phiên âm ngoại ngữ thì chữ tượng hình thứ nhứt vẫn là Cung nhưng chữ tượng hình thứ nhì được thay bằng chữ hài thanh, hoàn toàn vô nghĩa đối với Trung Hoa nhưng lại chỉ được cái âm ngoại quốc mà họ phải theo.
                          Có lý nào mà cây Nỗ là một thứ Cung do Nô bộc hoặc Nô lệ sử dụng hay không? Không, không thể nào mà có chuyện như vậy. Nô bộc không phải là chiến sĩ, còn nô lệ có thể là chiến sĩ, nhưng không sao mà được phép sử dụng một loại khí giới quá lợi hại (của thời đó).

                          Vậy hoàn toàn vô nghĩa, và chỉ để phiên âm giọng đọc của chủ nhơn môn võ khí ấy mà thôi, và Nà, Nỏ của ta không bao giờ do Nỗ của Tàu mà ra, mà trái lại chính Tàu đã vay mượn của Mã Lai Việt cả món vũ khí lẫn cái tên.

                          Lộ trình vay mượn có thể được hồi phục như sau đây. Sự vay mượn xảy ra khi dân Trung Hoa di cư vào đất Kinh của chủng Việt, họ vay mượn cả vật dụng lẫn lối đọc tên vật ấy. Pnả biến thành Nỗ. Riêng các nhóm Mã Lai Bách Việt thì cứ tiếp tục dùng Na, Ná, Phả, Hná, Nỏ của họ. Người Tàu viết chữ, ta đọc sai là Nỗ, chớ Quan Thoại thì đọc là Nũa.

                          Chữ Noa cũng viết theo lối đó, nhưng với chữ Tử. Nhưng chữ Noa thì có nghĩa hẳn hòi vì phụ hệ Trung Hoa xem vợ con như tôi tớ, về mặt tinh thần. Nô + Tử là chữ tân tạo có nghĩa hẳn hòi, chí như Nô + Cung thì chắc chắn là chữ phiên âm không còn ngờ gì nữa, cũng như chữ Phật chỉ là chữ phiên âm mà thôi: Nhơn + Phất.

                          Nhưng ta cũng cố tìm xem coi Trung Hoa cổ thời có vũ khí Nỗ hay không? Tài liệu tìm được ở trong một quyển sách thuộc loại rất cổ của họ, đó là quyển Chu Lễ. Chu Lễ tả cây Nỗ khá tỉ mỉ, nhưng ta đừng nên thấy Chu Lễ có tả cây Nỗ mà vội kết luận rằng Tàu đã phát minh ra Nỗ.

                          Trung Hoa đã tiếp xúc với Việt ở Kinh Man từ đời nhà Hạ, mà Chu Lễ thì hơn một ngàn năm sau mới được soạn thảo. Đến cuối đời Tần, Tàu vẫn còn kém về Nỗ. Có phải chăng là Triệu Đà đã rất sợ Nỗ của An Dương Vương? Câu chuyện Nỏ thần có hoang đường bao nhiêu, cũng còn lại cái vũ khí rất lợi hại của Bách Việt mà Tàu rất kinh sợ.

                          Tàu học của Việt ở đất Kinh Man rất nhiều, nhưng ít ai chú ý đến. Trường hợp NỏNỗ nhắc ta nhiều danh từ khác. Thí dụ danh từ Đỗ của ta mà ai cũng bảo là do Hán Việt Đậu mà ra. Không có bằng chứng nào như thế hết mà còn có bằng chứng trái lại:

                          Việt Nam: Đỗ
                          Bà Na: Tở
                          Giarai Pleiku: Tả

                          Giarai thuần Mã Lai nhứt ở Đông Nam Á, thuần hơn cả Chàm và Java nữa.

                          Trong trường hợp này, y như trong trường hợp trước, ta nói được rằng Cổ Mã Lai cho vay, Trung Hoa là con nợ.

                          Chiết tự chữ Đậu, ta cũng thấy có sự lạ kỳ. Ngữ căn trong chữ đó chỉ là bộ Thảo đầu, còn phần dưới không dính dáng gì tới một món ăn nào hết, mà lại tượng hình một dụng cụ thờ phượng mà Pháp gọi là Compotier, Tàu dùng đựng trái để cúng trên bàn thờ mà họ gọi là cái Đậu (món đó Hán Việt và Hoa ngữ, đều đọc là Đậu). Thành thử cái phần tưởng là chánh yếu, lại chỉ để tượng thanh mà thôi, chính cái bộ Thảo đầu mới là chỉ thực vật mà chỉ như thế là chỉ tổng quát, không có nghĩa gì hết. Đó là một tự dạng vô nghĩa, kể cả phần tượng thanh lẫn tượng hình thì nó chỉ có thể là một chữ phiên âm mà thôi.

                          Ráp nối liên hệ họ hàng đã khó, mà đặt cho thật đúng địa vị kẻ vay mượn và chủ nợ, còn khó hơn khi ta không đi sâu vào vấn đề.

                          Đã bảo dân Cổ Mã Lai làm chủ đất Trung Hoa trước người Tàu thì người Tàu chắc chắn phải có vay mượn của Cổ Mã Lai trước khi đồng hóa họ hoặc đuổi họ thiên di, và chúng tôi đã ám chỉ đến những vay mượn của Tàu đối với Việt, trong Sở từ.

                          Trong quyển Études des phnènes Vietnamiens, bác sĩ Reynaud lại xác nhận sự kiện đó. Và đây là thí dụ của ông: Chữ Bạn của ta, ai cũng cho là Bạn hoặc Bằng của Hán Việt mà ra, nhưng bác sĩ Reynaud lại bảo rằng ngữ căn M'Bang của Mã Lai tràn ngập Đông Nam Á và có nghĩa là Bầy, Bạn, Nhóm, và bằng chứng sơ sơ là:

                          Việt Nam: Bạn
                          Mường: Ban
                          Khả văn minh: Bơn
                          Giarai: Baan
                          Ban: Baan
                          Cao Miên: Bôn, Pốut
                          Mã Lai: Bang

                          Mà đừng tưởng là Giarai, Bà Na, Cao Miên đã học với ta hay với Tàu vì Giarai chỉ chịu ảnh hưởng của Chàm tức Mã Lai còn cho tới ngày nay. Bà Na vẫn chưa hề thấy mặt Trung Hoa, còn ta thì cũng mới đến xứ họ sau đầu thế kỷ XX mà danh từ đó họ đã có hàng ngàn năm rồi.

                          Danh từ Ván của ta, ai cũng cho là do Bản của Hán Việt, nhưng bác sĩ Reynaud cũng nói là do P’pan của Mã Lai.

                          Thoạt tiên chúng tôi không thể tin bác sĩ Reynaud cũng như đã không tin giáo sư Lê Ngọc Trụ. Nhưng một tài liệu khác lại cho chúng tôi thấy rằng bác sĩ Reynaud nói đúng.

                          Cách đây 300 năm dân ta không nói Cửa mà nói Pan do P’Pan của Mã Lai mà ra, không phải Pan biến ngay thành Cửa đâu mà nó được ta đọc ra là Ván hiểu là Ván, rồi lại đồng hóa Ván với một món đồ (Cái cửa).

                          Đây là bằng chứng:

                          Năm 1792, một du khách Ăng Lê có viếng Việt Nam (miền Trung) có chép du ký Voyage à la Cochinchine. Quyển du ký này đã được dịch ra tiếng Pháp. Trong ấy tác giả có dành một chương cho ngôn ngữ Việt. (Con chó, thấy được ghi là Con Koo, y hệt như nơi người Thượng hay người Mường ngày nay).

                          Nhưng danh từ quan trọng hơn hết là danh từ Cửa, thấy ghi là Pan.

                          Người phê bình sách đó, bà Martine Piat cho rằng tác giả chép sai, hoặc chép theo lời phu bến tàu ở Tourane vốn là người Tàu, hoặc nhà in đã in sai. Nhưng không. Tác giả đã chép đúng. Người Tàu không bao giờ gọi Cửa là Pan hết. Hiện nay, cái Cửa, người Thượng Bà Na gọi là Mbang, người Kơlua gọi là Mbơng, người Mang Buk gọi là Mbong, và người Mã Lai gọi tấm ván là Pan. VánCửa là hai thứ đi đôi với nhau, biến nghĩa qua lại với nhau.

                          Không phải Pan biến thành Cửa như đã nói mà nó biến ra Pan, Bơng, Bong, Ván rồi bị đồng hóa với một món đồ là Cửa. Danh từ Cửa chắc chắn chỉ xuất hiện sau năm 1792, tức chỉ mới đây thôi, và cũng chắc chắn không phải do Hộ mà giáo sư Lê Ngọc Trụ đã viết.

                          Chúng tôi đối chiếu CửaMôn để phủ nhận nguồn gốc Trung Hoa của tiếng Cửa, nhưng ông Lê Ngọc Trụ cho rằng Cửa do Hộ mà ra. Để xem coi các thứ giọng Trung Hoa có giọng nào đọc Hộ giống Cửa hay không.

                          Quan Thoại đọc Hầu
                          Việt Nam Hải đọc Hẩu
                          Mân Việt đọc

                          Hộ cũng không may mắn gì hơn Môn.

                          Sự thật thì Cửa là tiếng Mã Lai Kưala. Danh từ đó không chỉ Cửa của cái mà được định nghĩa như sau: Kưala là tên chỉ những nơi sông đổ ra biển, hoặc đổ vào một con sông khác. Cửa sông họ nói là Kưala Sôngai, mà cửa sông danh tiếng khắp thế giới là Kưala Lumpur được dùng làm thủ đô cho nước Mã Lai Á.

                          Tất cả các sông của họ đều được gọi là Kưala và tất cả các cửa sông của Việt Nam đều được gọi là Cửa, trái hẳn với Tàu mà các nơi đó luôn luôn được gọi là Khẩu.

                          Còn cái cửa thì họ gọi là Pan, đúng nghĩa là tấm ván. Giáo sư họ Lê lại cũng nói Ván do Bản của Tàu mà ra, nhưng ta là Mã Lai thì nó phải do Pan của Mã Lai.

                          Mà đừng tưởng là Mã Lai đã học của Tàu. Mã Lai Nam Dương là Mã Lai thuần chủng tuy từ Hoa Nam di cư, nhưng họ không có chịu ảnh hưởng của Tàu, như khoa khảo tiền sử đã cho thấy.

                          Còn Mã Lai Hoa Bắc thì lại di cư vào thời mà Trung Hoa chưa biết cưa gỗ để làm ván.

                          Tóm lại, cả hai thứ Mã Lai đợt I (Lạc bộ Trãi) và Mã Lai đợt II (Lạc bộ Mã) không có ai học Trung Hoa tiếng nào cả trước khi họ chịu ảnh hưởng Tàu từ đầu Tây lịch về sau. Mà những danh từ Kưala SôngaiM'Pan thì Mã Lai đã có từ muốn vạn thuở.

                          Dân Mã Lai không có danh từ để chỉ cái cửa, nên đồng hóa Pan là Ván với một món đồ là cái cửa.

                          Dân Việt Nam là Mã Lai nên cũng đã làm y hệt như thế.

                          Xin nhắc lại một lần nữa là danh từ Kưala của Mã Lai chỉ để gọi Cửa Sông mà không hề có nghĩa nào khác hơn, và Việt Nam chỉ mới đồng hóa Kưala để chỉ Cửa nhà không lâu, bằng chứng là đến năm 1792 mà ta còn gọi Cửa nhà là cái Pan.

                          Có lẽ sự đồng hóa đã xảy ra lâu hơn nữa, nhưng đến năm 1792, ta còn dùng song song cả hai danh từ, danh từ Pan chưa mất hẳn như ngày nay.

                          Chúng tôi tìm những sách viết trước năm 1792 bằng chữ nôm thì thấy danh từ Cửa đã xuất hiện rồi, để chỉ cái Cửa nhà. Như thế thì sự đồng hóa Kưala (cửa sông) ra Cửa nhà xảy ra trước khi người du khách Ăng Lê ghi chép. Nhưng người ấy mà ghi chép như thế tức vào năm 1772 Pan vẫn còn được thịnh dụng.

                          Ở Nghệ An có một giang khẩu tên là Cửa Lò. Từ hai ngàn năm nay nơi đó không có xí nghiệp nào, công nghệ nào, dựng lò nào cả.

                          Nhưng nếu chúng tôi nói rằng Cửa Lò là Kưala thì không ai tin. Chúng tôi phải đưa ra một chứng tích không thể chối cãi được. Trong Việt sử tiêu án Ngô Thì Sĩ gọi nó là Cô La.

                          Nếu địa danh Cửa Lò mà có trước Ngô Thì Sĩ thì sử gia họ Ngô đã dịch ra là Lô Khẩu, chắc chắn không sai, vì thói quen của nhà nho ta là thế, Bến Nghé ở Saigon đã được các ông dịch là Ngưu Tân.

                          Khi mà một nhà nho Việt Nam không dịch là nhà nho đó có tinh thần trọng thực và Kưala = Cô La = Cửa Lò.

                          Sử ta lại chép rằng ở phía dưới Cửa Lò ở Nghệ An trong tỉnh Hà tĩnh, có một giang khẩu nay tên là Cửa Khâu, nhưng xưa tên là Kỳ La.

                          Hết Cô la đến Kỳ la, chung quy cũng chỉ là Kưala mà thôi.

                          Đối với lịch sử, những biến dạng như thế có thể xem là câu chuyện hôm qua, vì danh từ Pan của năm 1972 không lâu đời lắm, còn Ngô Thì Sĩ thì cũng không phải cổ nhơn như Lê Văn Hưu.

                          Đến đời Tây Sơn, Cửa Thuận An còn được gọi là Cô la Eo và Tourane còn được gọi là Cô la Han. Ở đó có một cái tháp Chàm đổ nát, nên Pháp gọi là Tour Han, sau biến thành Tourane.

                          Chỉ phiền là ta biết Kưala Eo là cái gì còn Kưala Han thì chúng tôi chưa truy ra nghĩa của danh từ Han.

                          Tất cả các địa danh ở miền Trung mà chưa bị Việt hóa đều là địa danh Mã Lai, vì đó là đất của Chàm, mà Chàm là Mã Lai.

                          Dấu vết Mã Lai xuống tới Cù My Lagi là hết và ai muốn biết Cù My Lagi là gì xin đón đọc bộ Tự vựng Mã – Việt mà chúng tôi đang soạn.

                          Lắm địa danh bị các ông Tây viết dính lại, như Cap Bantangan ở Quảng Ngãi, khiến chính người Chàm cũng điên đầu, không còn biết là gì nữa. Nhưng học xong tiếng Mã Lai, thì ta sẽ hiểu. Đó là Ba-Ta-Ngan chớ không phải là Batang-An đâu, lại càng không phải là Batangan như các ông Tây đã viết, vì các ông ấy mắc bệnh viết dính các danh từ độc âm, y như Việt Nam mắc bịnh viết ngắn những danh từ đa âm.

                          Fermetur éclair bị ta thâu lại thành Nút le.



                          *

                          Nhưng xuống tới Nam Kỳ thì Kưala biến mất, hóa thành Piam, một danh từ Mã Lai đợt I, mà người Nam Kỳ biến thành Vàm: Vàm Cỏ, Vàm Lôi Lạp (Piam Soarap).

                          Có lẽ xưa hơn, các Piam ở Nam Kỳ cũng được gọi là Kưala, vì người Phù Nam dùng ngôn ngữ của Mã Lai đợt II, tức y như Chàm. Nhưng ảnh hưởng Cao Miên đến thay thế cho Phù Nam, thành thử ta mới nhảy từ Kưala sang Piam một cách đột ngột.

                          Tuy nhiên, thuyền biển ở Nam Kỳ vẫn được tiếp tục gọi là Ghe Cửa, tức Gay Kưala, chớ không phải Ghe Vàm. Ghe Vàm là danh từ rất ít được dùng, và tuyệt đối không được dùng ở Bình Tuy, Biên Hòa và Bà Rịa, vì ba nơi đó còn là đất Chàm mãi tới năm ta di cư vào Nam mặc dầu với giấy phép của vua Cao Miên, vì thuở ấy ở ba nơi đó Cao Miên chỉ làm chủ trên giấy tờ mà thôi, người Chàm còn đông đảo, địa danh chàm cũng được ta giữ nguyên cho tới nay, thí dụ Cù My Lagi ở Bình Tuy.

                          Riêng ở Biên Hòa thì toàn là địa danh của người Mạ mà chúng tôi nghi là hậu duệ của Phù Nam.

                          Tên Đồng Nai, không phải là tên Việt Nam đâu. Đó là tên của Mạ, họ gọi con sông đó là Đạ Đờng.

                          Đạ là hình thức đầu tiên sẽ biến thành Nước trong ngôn ngữ ta, qua Nác ở Huế và Đák của người Mường.

                          Mạ: Đạ
                          Xi Tiêng: Đá
                          Bà Na Sơ Đăng, Mường: Đák
                          Việt Nam Thừa Thiên: Nác
                          Việt Nam: Nước
                          Cao Miên: Tứk

                          Đờng được biến thành Đồng.

                          Nhưng cụ Trương Vĩnh Ký lại cho rằng tên cũ của sông Đồng Nai là một tên Cao Miên, cụ có viết ra chữ rõ ràng. Không biết cụ đã thấy điều đó ở đâu, chớ chúng tôi nghe tận tai người Mạ ở Biên Hòa gọi con sông ấy là ĐẠ ĐỜNG.

                          Mà đừng tưởng họ bắt chước ta, biến Đồng thành Đờng. Có hằng lô, hằng tá địa danh ở Biên Hòa là địa danh của họ mà ta phiên âm, chớ chủ mới bắt chước chủ cũ thì có, không bao giờ chủ cũ bắt chước chủ mới cả.

                          Nếu biến Kontum thành Công Tâm chẳng hạn, người Sơ Đăng ở đó cũng bất kể, cứ gọi nơi ấy là Kontum.

                          Bằng chứng chủ mới bắt chước chủ cũ còn dấu vết rành rành vì Nha Trang (chủ mới Việt) chỉ là EA TRAANG (chủ cũ Chàm) có nghĩa là con sông đầy lau lách, sậy, đê.

                          (Danh từ Trang trong Việt ngữ biến thành TranhTrảng).

                          Lại bằng chứng ở Hội An. Fai Fô (chủ mới Pháp) chỉ là Hoài. Phố (chủ cũ Việt). Hoài là tên, còn Phố là con sông nhỏ. Con sông nhỏ ở đó xưa kia tên là Hoài Phố.

                          Vậy sông Đồng Nai, chỉ là sông Đờng mà lưu vực có nhiều nai, chớ không phải là đồng bằng có nhiều nai, như ta hiểu theo ngày nay.

                          Cũng nên nhắc rằng đất Phù Nam xưa ăn tận ra tới Nha Trang mà Chàm chỉ mới chiếm sau thế kỷ thứ IX còn Cao Miên thì không có bao giờ chiếm được Nam Kỳ cả, theo khám phá mới nhứt của ông Pierre Dupont (B.S.E.I.).

                          Có rất nhiều người cho trạng từ Xa của Việt Nam do Hán Việt mà ra, và quả Quan Thoại đọc Xa. Nhưng thử hỏi đó là trùng hợp ngẫu nhiên hay vay mượn? Trong các nhóm dân gốc Mã Lai, chúng tôi thấy người Cao Miên nói Xangai có nghĩa là Xa, mà Cao Miên là Lạc bộ Chuy. Nhưng có thể nào mà Cao Miên cũng học của Quan Thoại như ta hay không? Chúng tôi có bằng chứng là không.

                          Thí dụ tiếng Xẻ của Quan Thoại bị ta biến thành Xe, nhưng Cao Miên biến thành Te, các âm X của Quan Thoại đều bị Cao Miên biến thành âm T. Nhưng Xangai không bị biến thành Tangai là làm sao? Chỉ có một lối trả lời độc nhứt là trạng từ Xa là trạng từ Mã Lai đợt I mà bộ Chuy nói là Xăngai, còn bộ Trãi nói là Xa chớ nếu bộ Chuy cũng đã vay mượn thì họ đã nói là Tangai theo luật biến âm trong ngôn ngữ của họ.

                          Có những trùng hợp ngẫu nhiên trong ngôn ngữ như thế đó mà chúng tôi đã trình ra quá nhiều rồi, thí dụ Đua của Mã Lai đợt II và của La Tinh đều có nghĩa là Hai, và đều đọc y như nhau, nhưng Mã Lai đợt II không bao giờ mà là La Tinh hoặc vay mượn của La Tinh được.

                          Đôi khi giáo sư Lê Ngọc Trụ cũng có dựa vào H. Maspéro để nhìn nhận rằng có một số tiếng Nôm ta gốc Thái. Thí dụ: Trăng, Cổ, nhưng như thế lại cũng chẳng là Nôm gì hết, tức chẳng là Việt Gốc gì hết mà cứ là gốc của kẻ lạ, không Tàu thì Thái. (Nhưng sự thật thì Trăng là danh từ chung của chủng Mã Lai mà tất cả các dân tộc ở Đông Nam Á đều nói y nhau, kể cả Tây Tạng.

                          Chúng tôi đã đi xa hơn H. Maspéro mà lên tới tận nguồn là Mã Lai và Tây Tạng, chớ không dừng chơn ở giai đoạn chót như ông H. Maspéro mà giáo sư Lê Ngọc Trụ dựa theo.

                          Ông H. Maspéro, như chúng tôi đã chứng minh, không hề biết Thái ngày xưa tên là Âu, và Âu và Lạc là hai Chi của chủng Mã Lai. Ông cũng không hề biết rằng chủng Việt đích thị là chủng Mã Lai. Thế nên thay vì chủ trương rằng Thái ngữ và Việt ngữ đồng gốc, ông chủ trương rằng Việt ngữ do Thái ngữ mà ra. Vài ông khác lại cũng chẳng hề biết rằng Cao Miên và Việt đồng gốc, cho rằng Việt ngữ thuộc gia đình Miên ngữ. Các ông Tây sai hết về ngữ học Việt Nam.

                          Thái và Việt chỉ là hai chi của Mã Lai, chi Thái xưa kia được người Tàu gọi là Âu, chỉ có thế thôi.

                          Bắt ta làm họ với Thái, với Miên, các ông Tây không hoàn toàn sai, mà chỉ vì các ông chỉ biết có giai đoạn cuối. Dầu sao các ông Tây cũng thấy đúng một chặng đường của lộ trình, còn ông Lê Ngọc Trụ thì lại đi theo lộ trình hoàn toàn khác.

                          Chúng tôi đối chiếu Ăn với Xực và thấy là khác, nhưng giúp Lê Ngọc Trụ nói Ăn do Xan mà ra.

                          Nhưng Xan không phải là ăn mà chỉ là Bữa ăn mà thôi. Động từ Ăn là của chủng Mã Lai. Họ chia ra ba động từ như sau:





                          Việt Nam: Ăn

                          Việt Nam: Xơi

                          Việt Nam: Nhắm


                          Cao Miên: Ănh

                          Cao Miên: Xi

                          Sa Mường: Lam


                          Mường: Ăn

                          Cao Miên: Xi Sa

                          Cao Miên: Nham


                          Khả Lá Vàng: Ăn

                          Mạ: Saa

                          Rađê: Mnam


                          Mã Lai: Mak-An

                          A-Ka-Lông: Haa

                          Bà Na: Nyơm






                          Khả văn minh: Cha Cổ ngữ Đông Âu (Bắc Phúc Kiến): Lim






                          Giarai: Nyam






                          Mã Lai: Miniom


                          Chú ý: Trong động tác Nhắm, phần uống quan trọng hơn phần ăn, nhưng vẫn có ăn. Thế nên Đông Âu (Bắc Phúc Kiến) mới dùng Lím để chỉ cả ăn lẫn uống và có lẽ động từ Liếm của Việt Nam cũng cùng gốc đó mà ra vì Liếm ngoài cái nghĩa Liếm, còn là ăn như chó ăn, tức cũng bằng cách Liếm và uống.

                          Chúng tôi đã nói rằng bộ luật ngữ nguyên của giáo sư họ Lê không theo sự đối chiếu giọng đọc Hoa Việt mà chỉ dựa vào sự hơi giống nhau giữa Hoa và Hán Việt.

                          Ở đây ta lại có thể thêm rằng luật đó không theo luật ngôn ngữ tổng quát.

                          Quả thật thế, âm X của Trung Hoa cứ còn nguyên vẹn trong Việt ngữ. Thí dụ: Xé = Xe, Xảo = Xào.

                          Âm X không hề biến mất thì tại sao trong Xan, nó lại biến mất để thành Ăn?

                          Nếu theo quan sát ngoài đời và theo luật ngôn ngữ, giáo sư đã chủ trương khác rồi.

                          Giáo sư cho rằng Trẻ do Trĩ mà ra, ăn do Xăn, nhưng GiàUống thì theo giáo sư, lại là thuần Việt.

                          Tại sao một dân tộc có tiếng Già mà không có tiếng Trẻ, có tiếng Uống lại không có tiếng Ăn?

                          Còn nói họ bỏ tiếng họ để vay mượn thì sao trong cặp Già, Trẻ chỉ bỏ Trẻ mà giữ Già, còn trong cặp Ăn, Uống chỉ bỏ Ăn mà giữ Uống.

                          Thật ra Già và Trẻ đều là tiếng Mã Lai.

                          Việt Nam: Trẻ
                          Mường: TlẻMã Lai đợt I
                          Khả Lá Vàng: Plẻ

                          Việt Nam: Già
                          Thái: Kà
                          Mường: Gia
                          Khả Lá Vàng: K’rà
                          Mạ: Kra
                          Bà Na: Kra (Người già)Mã Lai đợt II
                          Bà Na: Ya (Bà già)
                          Mã Lai Célèbes: Ya
                          Các đảo Mã Lai khác: Tu À

                          Miền Nam có một tỉnh từ Sằn dã, có nghĩa là đồng quê, quê mùa giản dị, mộc mạc. Ông Lê Ngọc Trụ viết rằng Sằn Dã do Điền Dã biến ra nhưng tại sao trong hai chữ Hán Việt, chỉ có một chữ Điền là bị biến còn chữ thì không?

                          Tự điển Huỳnh Tịnh Của thì nói Sằn là cây Tế Tân dùng làm thuốc đau răng. Như vậy nguồn gốc của Sằn, theo Huỳnh Tịnh Của thì lại còn khác hơn ông Lê Ngọc Trụ nữa.

                          Thuyết của ông Huỳnh Tịnh Của mới nghe tưởng như là hữu lý hơn bởi ta không tin rằng Điền biến ra Sằn thì ta cũng phải tin rằng Sằn là Sằn. Nhưng thử hỏi cây Sằn có phải là tượng trưng cho đồng nội, cho đồng quê của miền Nam hay không?

                          (Vâng, sằn dã là từ ngữ riêng do các nhà nho miền Nam đặt ra chớ Trung Hoa và miền Bắc không có).

                          Ta có thể trả lời không cần suy nghĩ rằng cây Tế tân không bao giờ tượng trưng cho đồng nội miền Nam hay miền Bắc miền Trung gì hết thì các cụ xưa không tạo ra một từ ngữ với loại cây đó.

                          Sự thật thì tĩnh từ này bị viết sai chính tả. Nó là Sàn dã, chớ không phải là Sằn dã. Sàn là chữ nho, có nghĩa là hèn mọn, Sàn dãĐồng nội hèn mọn của tôi, nói theo lối quá khiêm nhượng của Trung Hoa về những gì chỉ mình, chỉ quê hương mình.

                          Sàn dã là thôn quê hèn mọn của tôi, nghĩa ban đầu là thế.

                          Ông Lê Ngọc Trụ nói Làng do Hán Việt Hương mà ra. Có ai tin nổi Hương biến âm thành Làng hay không? Riêng chúng tôi, chúng tôi thấy Làng do tiếng Mã Lai T’Lang mà ra, và quyển sách này cốt chứng minh rằng dân ta gốc “Mã Lai” chứng minh bằng nhiều chứng tích chớ không phải chỉ có danh từ Làng mà thôi đâu.

                          Tổ tiên ta xưa có tiếng Lang có nghĩa là fiel féodal, mà cho đến ngày nay, người Mường còn dùng, họ cũng còn Quan Lang (Chef du fief) y như tổ tiên ta xưa.

                          Danh từ Mã Lai T’Lang cũng có nghĩa y hệt như vậy và hiện vẫn còn được người Mã Lai dùng.

                          Làng của ta gồm nhiều ấp, Lang của Mường và T’lang của Mã Lai cũng gồm nhiều ấp. Đó là thái ấp (fief féodal) bé tí ở Hồ Nam hồi cổ thời của chủng Mã Lai.

                          Giáo sư viết rằng Đũa do chữ Hán Trợ mà ra. Có thể nào mà âm Tr biến thành Đ được hay không chớ?

                          Sự thật thì Đua thì tiếng Mã Lai mà ta biến thành Đôi rồi thành Đũa, vì chính nó có nghĩa là Hai, là Cặp. Còn Đôi đũa thì chính người Mã Lai họ nói là Đua Đua.

                          Giáo sư lại nói Vá áo do Hán Việt Bổ Y mà ra, Bể vỡ do Hán Việt Phá mà ra. Mổ xẻ do Phẫu mà ra, Giống do Tượng mà ra, Khéo, Giỏi do Tài mà ra, Xuôi do Lưu mà ra, v.v.

                          Đọc những tiếng Hán Việt mà ông Lê Ngọc Trụ đưa ra để chứng minh, đọc theo tiếng Tàu giọng Quan Thoại, giọng Man hay giọng Quảng gì, cũng không giống gần hay giống xa tiếng Nôm của ta chút nào.

                          Ông nói tiếng Áo do Y mà ra. Nhưng không hề thấy âm Y của Hán Việt biến thành âm Ao của Việt Nam lần nào hết. Sự thật thì ta đã mượn tiếng đó, nhưng Áo là do Áo của Tàu, chớ không bao giờ do Y.

                          Thấy rõ là giáo sư thấy hơi giống rồi tổng quát hóa thành một cái luật. Còn hễ có vay mượn mà không giống giáo sư lại cho rằng không có vay mượn. Thí dụ giáo sư nói Tủ là tiếng Việt Nam. Nhưng Tủ lại đúng là vay mượn của Tàu. Họ đọc là Tu, bình dân ta nhại gần đúng là Tủ nhưng các nhà nho ta thì đọc sai quá xa là Độc, vì một lẽ bí mật đã nói đến rồi ở trường hợp tiếng Pín được nhà nho đọc là Tân mà không là Bến như bình dân.

                          Rồi cứ cái đà ấy ông viết Bể vỡ do Phá mà ra. Giống do Tượng. Tốt mã do Mỹ, Vùi lấp do Bồi, Cái giùi do Chuy, Dễ do Dị. (Nhưng Khó thì lại thuần Việt. Ấy, cũng giống trường hợp Trẻ giàĂn uống, trong một cặp, dân Lạc Việt cũng vay mượn có một tiếng mà thôi). Chùa do Tự, Chờ do Trữ.

                          Kỵ biến thành Đám giỗ.

                          Nhưng Kỵ Mã lại biến thành Cỡi ngựa.

                          Chưa bao giờ thấy âm K của Tàu biến thành âm G của ta, nó chỉ có thể biến thành C như trong Cỡi mà thôi, nhưng lại không có bằng chứng là ta không biết cỡi ngựa trước khi tiếp xúc với Tàu.

                          Có ba từ làm cho ta nghi ngờ lắm là Chèo, ChốngChở, mà giáo sư cho rằng do Trạo, KhángTải mà ra.

                          Dân Việt nổi danh vô địch về thủy vận, giỏi hơn Tàu nhiều lắm hồi thượng cổ, thì sao ta phải học ba tiếng đó của Tàu? Mà âm Kh của Tàu cũng không thấy biến thành âm Ch của Việt lần nào hết.

                          Ông viết Lưu của Tàu biến thành Xuôi của Việt, lại biến ra Làu (thuộc làu làu) của Việt. Thế thì một âm L của Tàu biến thành lu bù âm của ta được hay sao.

                          Mõm chó theo ông thì do chữ Vần của Tàu.

                          Ta không có danh từ Mõm chó nữa, thì ta không có ngôn ngữ và dân tộc Việt không có, và đúng ta là Tàu như sử gia Nguyễn Phương đã nói. Nhưng bằng chứng ở đâu để cho rằng Mõm chó do Vẩn mà ra?

                          Ông nói rằng Ngực do Ức của Tàu mà ra, nhưng người Tàu chỉ cái Ngực bằng tiếng Hún, Siung và viết ra chữ thì mới hay đó là chữ Hung. Không có nhóm Trung Hoa nào mà nói Ức, Óc, Ích gì hết.

                          Đã bảo giáo sư không tìm tài liệu trong ngôn ngữ mà dân chúng đang nói, nếu có, giáo sư sẽ thấy rằng không có nhóm Trung Hoa nào nói Ức hết, mà chỉ nói Hung thôi, vì cái lẽ giản dị rằng Ức không phải là Ngực. Trong tiếng Việt, Ức chỉ là một điểm nhỏ trên ngực, còn trong Hoa ngữ thì ỨcPhía trước ngực, cũng như Xanbữa ăn, chớ không phải là Ăn.

                          Chữ Hung của Tàu có hai nghĩa: Poitrine, Sternum. Còn Ức chỉ là Thorax mà thôi. Còn trong Việt ngữ thì:

                          Sternum = Mỏ ác (Bắc)
                          = Chớn thủy (Nam)

                          Chớn thủy tương đương với Ức của Tàu đấy.

                          Nếu thấy trong sách hai danh từ giống nhau rồi đặt ra mối liên hệ giữa hai danh từ đó thì một người Pháp đã làm rồi, Đại tá H. Fray, nhưng với tánh cách đùa cợt mà thôi:

                          Con voi (Việt) = Con voi (Pháp)

                          Nhưng các con voi ngày xưa thì không hợp thành bằng con voi mà bằng con lạc đà.

                          Trường hợp của Ngực giống hệt trường hợp của MắtNhà. Ai cũng nói hai danh từ MắtNhà do Hán Việt MụcGia mà ra, kể cả giáo sư Lê Ngọc Trụ. Nhưng người Trung Hoa không bao giờ chỉ con mắt bằng tiếng Mục mà họ chỉ bằng tiếng Nhãn, và Gia không hề có nghĩa là cái nhà. Gia hàm ý gia đình. Luôn luôn người Tàu dùng danh từ Ốc để chỉ món kiến trúc đó.

                          Người ta nói Nhãn khoa chớ không ai nói Mục khoa. Người ta nói Kiến ốc cục chớ không ai nói Kiến gia cục.

                          Mắt do Mã Lai Bách Việt Mata mà ra, còn Nhà cũng thế.

                          Việt Nam: Mắt
                          Mạ: Maht
                          Mã Lai: Mata
                          Tây Tạng: Mag
                          Việt Nam: Nhà
                          Mường: Nha
                          Kơ Yong: Nyia
                          Yêh: Niơ
                          Khả Lá Vàng: H’Nơm
                          Sơ Đăng (Kong Bring): Hnhây
                          Rơn Gao: Hnyê
                          Mamêt: N’a

                          Ông Lê nói tiếng Vạc là cái Đỉnh do Hoạch của Tàu mà ra và Hoạch có nghĩa là cái chảo ba chơn. Nhưng tra tự điển Từ Hải thì thấy sách ấy nói Hoạch là cái bồn lớn không chơn, hoặc cái bình lớn không chơn, có vẽ hình hẳn hòi.

                          Trong cổ vật Đông Sơn, dân Lạc Việt có cái nồi ba chơn thì họ có danh từ Vạc là chuyện dĩ nhiên, không cần bắt họ mượn của Tàu hay của ai cả.

                          Việc kiểm soát bằng tự điển Tàu khiến ta đâm nghi ngờ ông Lê Ngọc Trụ cố ý lôi kéo liều lĩnh để cho thuyết của ông được thành thuyết với nhiều bằng chứng.

                          Thật vậy, sau tiếng Hoạch, ta tra thử vài tiếng khác. Ông viết rằng danh từ Xương của Việt Nam do Khang Hán Việt mà ra, và Khang cũng đọc là Xang. Nhưng trên thực tế thì không có vùng nào ở Việt Nam mà người ta đọc KhangXang cả. Xương do đâu mà ra, ta sẽ thấy ở các biểu đối chiếu.

                          Ông nói Xảo của Hán Việt cũng đọc là Khảo để kết luận rằng Khéo do Khảo mà ra. Nhưng không có vùng nào đọc XảoKhảo cả.

                          Cứ làm như thế mãi rồi thì không còn danh từ nào là thuần Việt được nữa.

                          Việc bắt tiếng Việt làm bà con với tiếng Hán Việt rất là phiêu lưu mạo hiểm. Có hai tiếng Hán Việt ThủĐầu. Thủ, Trung Hoa đọc là Sầu, Sẩu, Sùi, Đầu họ đọc là Thủ, Thầu, Tháo.

                          Mặc dầu sáu lối đọc Trung Hoa về hai tiếng Hán Việt ấy đều hơi giống tiếng Nôm Đầu của ta, thế nhưng ai dám chắc Đầu của ta gốc Trung Hoa hay không? Nhìn vào bản đối chiếu những danh từ chỉ các bộ phận trong thân thể con người dưới đây, ta đâm ngờ. Ta có đủ các danh từ, chỉ trừ cái Đầu là nghĩa làm sao? Có thế nào ta mê tiếng Tàu mà chỉ mê có tiếng Đầu, còn tay, chơn, mắt, mũi thì không mê hay chăng?





                          Thuần Việt
                          Hán Việt
                          Mân Việt
                          Việt Nam Hải
                          Quan Thoại

                          Tóc
                          Phát
                          Hoặc
                          Fatt

                          Fạ


                          Đầu

                          Thủ

                          Xùi

                          Xẩu

                          Xầu


                          Đầu

                          Tháo

                          Thầu

                          Thủ




                          Cổ

                          Cảnh

                          Kẹ

                          Kẻng

                          Chiều


                          Mặt

                          Diện

                          Mil

                          Mil

                          Mél


                          Trán

                          Ngạch

                          Hía

                          Ngạc

                          Ngớ


                          Mắt

                          Nhãn

                          Ngán

                          Ngạl

                          Ièl


                          Mũi

                          Tỵ

                          Phì



                          Pi


                          Lỗ mũi

                          Tỵ khổng

                          Phì khang

                          Pì có

                          Pi khùng


                          Tai

                          Nhỉ

                          Hỉ

                          Dii

                          Ơl


                          Lỗ tai

                          Nhỉ khổng

                          Hỉ khang

                          Dii có

                          Ơ khùng


                          Miệng

                          Khẩu

                          Kháo

                          Hẩu

                          Khù


                          Môi

                          Thần

                          Xún

                          Xuần

                          Xài


                          Râu

                          Tu

                          Txiu

                          Xúa






                          Hạp

                          ?

                          ?

                          ?


                          Răng

                          Nha

                          Ghế

                          Ngà

                          Yạ


                          Lưỡi

                          Thiệt

                          Chíi

                          Li

                          Xửa


                          Mình

                          Thân

                          Xink

                          Xál

                          Xil


                          Ngực

                          Hung

                          Hênk

                          Hún

                          Siung


                          Bụng (B ngoài)

                          Phúc

                          Pậc

                          Phục

                          Phủ


                          Lưng

                          Bối

                          Bùê

                          Pui

                          Pi


                          Tay

                          Thủ

                          Txiú

                          Xẩu




                          Chơn

                          Cước

                          Kha

                          Cượk

                          Chèo


                          Bắp vế

                          Thối

                          Thúi

                          Pỉ

                          Thùi


                          Đầu gối

                          Tất

                          Xik

                          Xách

                          Xưa


                          Da



                          Phuế

                          Phì

                          Pia


                          Lông

                          Mao





                          Mao


                          Khi hai bà Trưng ra lệnh chặt đầu một viên tướng Tàu, thật không rõ bà nói làm sao cho được khi mà dân ta chưa vay mượn được tiếng Đầu của Tàu.

                          Theo chúng tôi, sở dĩ Đầu của ta hơi giống của Tàu, là chỉ vì sự trùng hợp ngẫu nhiên. Và chúng tôi nói thế không có gượng gạo chút nào hết.

                          Trung Hoa có đại danh từ Pàpá để con xưng hô với cha (danh từ của họ là Fùxíl, tức Phụ thân).

                          Nhưng Ấn ngữ cũng có tiếng Pa vừa là danh từ để chỉ cha, vừa là đại danh từ dùng để con xưng hô với cha.

                          Có ai dám bảo rằng Quan Thoại đã học theo Ấn ngữ hay không? Hoặc Ấn ngữ đã học của Hoa Ngữ?

                          Hẳn là không. Nhưng mà khi Việt hơi giống Tàu là tức thì bị xem là cóp của Tàu, không có ngoại lệ.

                          Chúng tôi nói rằng sự gán ghép ấy phiêu lưu mạo hiểm vì càng khám phá, càng thấy mỗi ngày sự sai lạc, mà một thí dụ sau đây rất là điển hình.

                          Giáo sư họ Lê nói động từ Đâm do động từ Châm của Tàu mà ra (trang 57, bản in 1959).

                          Cho tới nay thì giới khảo cổ Tây lẫn ta đều quan niệm rằng người Mường là người Cổ Việt bất hợp tác với Trung Hoa, rút lên rừng mà ở. Sự kiện bất hợp tác hẳn phải kéo theo sự kiện không chịu ảnh hưởng. Và quả thật thế, mặc dầu một số người Mường hiếm hoi có học chữ Nho, họ vẫn không chịu ảnh hưởng của Tàu như người Việt ở đồng bằng.

                          Năm 1962, nhà khảo cổ Lê Văn Lan đã lên xứ Mường Phú Thọ để khảo sát cách sử dụng trống đồng thì ông thấy người Mường ở đó đánh trống y hệt như hình khắc trong trống đồng, tức lấy gậy to mà đâm vào mặt trống, lối đánh kỳ dị ấy khiến thuở nghiên cứu trống, các nhà khảo cổ Âu Châu rất phân vân và nhiều nhà cho rằng đó là giã gạo, chớ ai lại đánh trống lạ lùng như vậy.

                          Ấy, người Mường gọi động tác đâm gậy vào mặt trống như vậy là Chàm, mà Chàm trong ngôn ngữ của họ, có nghĩa là Đâm của ta. Đánh trống đồng, họ nói là Chảm thau, tức Đâm trống thau.

                          Giã gạo theo lối đó, tức giã theo thời cổ, họ gọi là Chàm ló tức Đâm lúa, Chọt lúa của ta, hoặc Chàm Đuống, tức Chọt gạo.

                          Vậy Đâm mà do Chàm mà ra, đó là tiếng Lạc Việt thời tiền Mã Viện. Không thể bảo rằng Chàm cũng chỉ là biến thế của Châm y như Đâm bởi người Mường không có chịu ảnh hưởng của Trung Hoa.

                          Hơn thế danh từ Chàm của Trung Hoa chỉ có nghĩa là cây kim, sau thêm cái nghĩa dùng kim để chích. Thế thì vật dùng để châm, tương đối nhỏ, nhọn và ngắn (cây kim thời thạch khí bằng đá, nhưng vẫn nhọn, nhỏ và ngắn) còn cái vật mà dân ta dùng để đâm, để chọt gạo lại dài, mà không được nhọn, mà công việc thì cũng không phải là chích.

                          Người Mường nói Chàm, và một số lớn các dân tộc Cổ Mã Lai cũng nói tương tự như thế:

                          Người Sơ Đăng nói Tam
                          Người Chàm nói Tơm

                          Đâm, Chàm, Tum, Tơm thấy rõ là đồng gốc, mà là gốc cổ Mã Lai, chớ không phải là gốc Tàu Châm, vì Châm chỉ một động tác khác mà vật dụng dùng để Châm cũng khác với vật dụng dùng để Chàm.

                          Người ta cứ bị ám ảnh rằng Tàu văn minh ảnh hưởng đến mọi dân tộc mà quên mất sự kiện rằng Tàu đã vay mượn lung tung. Thí dụ ở Đông Dương (chớ không riêng Việt Nam) có danh từ Ô Dước, Hoa Nam gọi là Oyo. Nhưng Hoa Nam lại không có cây Ô Dước như Đông Dương. Như vậy ai học của ai?

                          Trong Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ, có ba danh từ mà dịch giả cho rằng không biết là gì.

                          Danh từ thứ nhứt là Am La. Danh từ đó đã được chúng tôi giải thích rồi.

                          Danh từ thứ nhì là La Nga, dịch giả biết rằng đó là chiếc bành voi có mui, nhưng cũng không biết do đâu mà ra. Đó cũng là danh từ mà Trung Hoa vay mượn của Phạn ngữ dưới trào đại Ma già đà. Danh từ Phạn ấy là P’lana.

                          Danh từ thứ ba thì rất bí. Dân ở Bến Vân Đồn ưa đội nón Tàu. Quan trấn thủ ở đó là Trần Khánh Dư ra lịnh cấm, vì Tàu thường tấn công vào nơi ấy và quân ta sẽ khó phân biệt bạn và thù nên hạ lịnh cho dân phải bỏ nón Tàu, đội nón Ma lôi.

                          Dịch giả cũng kêu là không biết nón ấy ra sao.

                          Nên biết rằng Ngô Thì Sĩ là người sống ngang với trào nhà Thanh, nhưng viết sách, lại dùng danh từ đời Hán mà Trung Hoa đã bỏ hơn một ngàn năm rồi, như danh từ Am la đã cho thấy.

                          Như thế danh từ Ma lôi chắc cũng là danh từ Tàu đời Hán. Dưới đời Hán, Tàu đã biết các đảo Mã Lai rồi.

                          Cái nón lá nhọn đỉnh của dân ta và của tất cả các dân gốc Mã Lai, được người Mã Lai gọi là Tărăndắc Malaya.

                          Có lẽ ông Tàu đời Hán đã phiên âm, nhưng bỏ bớt âm, theo thói quen của họ, trong cái danh từ quá dài đó, họ chỉ giữ lại có hai âm là Ma Lôi mà thôi, bởi dân Việt ở Bến Vân Đồn thì ngoài nón Tàu ra không thể đội nón nào khác hơn là nón nhọn đỉnh, biệt phẩm của chủng Mã Lai, mà cho đến ngày nay dân ta còn dùng.

                          (Một điểm khiến ta phải ngạc nhiên là các sử gia ta, bất kỳ sống dưới đời Minh, đời Thanh gì, cũng dùng danh từ đời Hán cả, thí dụ các ông gọi nước Cao Miên là Chân Lạp. Đó là danh từ mà Tàu đã bỏ từ đời Đường. Nhưng các ông Việt cứ tiếp tục dùng mãi. Ông Tàu bỏ rất hữu lý vì ông Cao Miên đã bỏ và đã tự xưng là Kampuchia, nên ông Tàu đời Đường phiên âm là Cam-Bố-Trí, Cam-Phá-Giá, hoặc Giản-Phố-Trại, cớ sao các ông Việt lại cứ dùng danh từ đời Hán thì thật là khó hiểu).

                          Trung Hoa đã mượn chữ Phù là cây phù dung để phiên âm Trầu mà họ không có. Phù đọc theo Quan Thoại là hơi giống PlùPlù là lối đọc có cái tiếng Trầu của ta mà nay người Mường còn đọc.

                          Mã Lai Bách Việt chỉ ăn trầu nhiều ở Đông Nam Á mà thôi, còn ở Quảng Đông thì rất ít, vì họ không trồng trầu được. Hơn thế người Quảng Đông ăn trầu, không hề nói rằng họ ăn trầu, mà nói rằng ăn cau: xực pín loòng (Thực tân lang).

                          Tại sao họ không nói ăn trầu, mà nói ăn cau? Chỉ vì tại họ không có danh từ Trầu. Nhóm Tây Âu là Quảng Đông, có ăn trầu theo Việt Nam, nhưng cũng chẳng có danh từ đó, vì khí hậu bên ấy lạnh, trầu không mọc được một cách tự nhiên, mà nhập cảng cũng không xong. Nhưng tại sao Tàu vẫn mượn Phù để phiên âm Trầu, chi vậy? Chỉ để cho có, vì dân văn minh muốn có tất cả, như Pháp chẳng hạn, họ không hề ăn được trái sầu riêng, không hề dùng danh từ đó, nhưng vẫn phiên âm tiếng Mã Lai DurianDurion, cho có vậy thôi.

                          Trầu là tiếng Bách Việt chánh gốc Mã Lai, không hề do Phù của Tàu, mà chính Tàu mượn Phù của Mã Lai:

                          Việt Nam Kim: Trầu
                          Việt Nam Trung Cổ: T’lù (theo sách của các cố đạo)
                          Mường: Plù
                          Cao Miên: Pìu hoặc Mìu
                          Bà Na: Blao
                          Sơ Đăng: Grao
                          Mã Lai Célèbes: Blao

                          Danh từ Cau của Trung Hoa là Tân lang thật đáng ngờ là của họ. Họ không có cây trầu cây cau gì hết thì đó chỉ có thể là tiếng phiên âm mà thôi.

                          Quả thật Tân lang không có nghĩa gì cả mà tiếng Mã Lai chỉ cây cau lại là Pin nang mà Quan Thoại đọc Tân langPấn lạl. Pin nang = Pấn lạng. Có phải là Tàu phiên âm hay Mã Lai học của Tàu. Đó là trường hợp Dừa và Da. Ở Mã Lai có cau, ở Trung Hoa không có cau.

                          Đành rằng hiện nay ngôn ngữ ta đầy dẫy danh từ vay mượn của Tàu, không ai muốn chối sự kiện đó, nhưng đó là những tiếng vay mượn về sau để chỉ những vật, những việc, những ý mà trước đời Hán, ta không biết diễn ra. Đời sống thuần nông nghiệp xen lẫn với việc săn bắn, câu kéo của dân Lạc Việt, hẳn là không bị bận rộn về cái xe. Bị nhà Hán trực trị một thời gian, ta mới có xe, nên mới biến xé, xẻ ra xe, nhưng những gì ta có trước đó, ta đã có danh từ để chỉ.

                          Cho đến những vật lạ ta chỉ mới thấy lần đầu dưới đời Tần, mà lắm cái ta tạo ra tiếng, hay vay mượn ở nơi khác, chớ không vay mượn của Tàu thì đủ biết rằng ta không là Tàu. Chẳng hạn như tiếng CừKinh.

                          Nhà Tần phát minh việc đào kinh lớn gần như sông, và họ gọi là Cừ (sau này họ gọi là Vận tải hà), nhưng ta không bao giờ dùng cả hai danh từ cũ và mới của họ, mà gọi là Kinh hoặc Sông đào mà thôi. Tại sao người Tàu ly khai ở Việt Nam lại dùng danh từ khác người Tàu Quảng Đông, Phúc Kiến, người Sơn Đông? Là tại họ không phải là Tàu.

                          Nhà bác học ngôn ngữ M. Karlgren, cho biết rằng hồi đầu Tây lịch, Quan Thoại đọc chữ Phật là But, chớ không có đọc Fa hay như ngày nay. Đến thế kỷ thứ VII thì họ biến BUT ra Vuel, rồi sau biến VUETFO vào thế kỷ nào, không tìm được dấu vết nữa.

                          Thế nghĩa là tiếng Quan Thoại ngày nay đã qua nhiều cuộc biến giọng. Nhưng xin đừng dựa vào nhận xét trên đây mà cho rằng tiếng Việt ngày nay đích thị là tiếng Quan Thoại cổ, đã biến dạng đi rồi, thế nên nay ta đối chiếu Việt và Quan Thoại, ta mới thấy khác nhau.

                          Không, ông M. Karlgren đã tìm được dấu vết của rất nhiều danh từ, động từ bị biến dạng, trong đó chẳng hạn Xúi, là XúiXủi gì đó chớ không bao giờ là NứcNựcNược mà cho rằng tiếng Nước của ta có thể là Quan Thoại cổ thời.

                          Ta đã theo dõi Trung Hoa rất sát, hễ họ biến thì ta cũng biến, chớ không phải là nhà quê, học được một lần rồi thôi và tiếp tục nói tiếng Tàu cổ rồi nay lại ngỡ tiếng Tàu cổ đó là tiếng Việt khi đối chiếu với Kim Quan Thoại, thấy là khác, bằng chứng là khi họ biến But ra Fo, ta cũng biến Bụt ra Phật.

                          Trường hợp người thời nay nói tiếng xưa vẫn có xảy ra, thí dụ dân Gia Nã Đại nói tiếng Pháp của thế kỷ thứ XVIII, nhưng đó không phải là trường hợp của ta vì ta cứ giữ liên lạc với Trung Hoa hoài hoài.

                          Những danh từ mà họ biến, ta không buồn biến, cũng được biết. Việt ngữ theo bén gót Quan Thoại, chớ không hề nhà quê, miền này không theo thì miền khác theo.

                          Chúng tôi xin đơn cử ra thí dụ cái Moustiquatre. Cái đó Quan Thoại thời Mã Viện gọi là Wát cháng tức Mấu trướng, Mấu là con muỗi, trướngbức màn dài. Giao Chỉ dĩ nhiên là không có danh từ trướng vì họ không biết dùng cái màn dài trước khi Mã Viện đến.

                          Nhưng ta vay mượn của Tàu Quan Thoại một cách thông minh kinh khủng, ta không nói là wát cháng mà nói là wát màn. Màn là gì? Màn là tiếng Quan Thoại (chữ nho đọc là Mục) chỉ cái lưới (cương mục).

                          Quả thật thế. Cái Monstiquaire, thật ra, đâu có phải là trướng mà đó là năm cái trướng may dính lại, nói giống cái lưới cá (Màn) chớ không có giống cái trướng. Người Tàu hồi đó còn nghèo danh từ.

                          Có người ngỡ ta mượn tiếng Mạn là cái màn ngắn. Nhưng không. Mạnmàn ngắn che cửa sổ, họ đọc là , chỉ có Mục họ mới đọc là Màn.

                          Vậy ta theo Tàu, nhưng theo rất là tài tình, ta gọi cái đó là cái Văn Màn chớ không gọi là Văn trướng hay Văn Mó. Sau vì lười biếng, ta bỏ mất chữ Văn chỉ còn Màn.

                          Nhưng đến nhà Minh thì Tàu đã có danh từ khác, đó là danh từ mà Quan Thoại đọc là Mung viết một bên Cân một bên Mông để thay cho wát cháng. Ta cũng biết và cũng theo. Ta bắt đầu theo tại Hội An mà nhà Minh bị nhà Thanh đuổi xuống đó. Từ Hội An đến Cà Mau đều gọi cái đó là Mùng, rồi Mùng lộn ngược lên trên Nghệ An nữa. Tóm lại, ta không có quê một chút xíu nào hết, trong việc vay mượn tiếng Tàu.

                          (Riêng Bắc Việt thì, vì đã quá quen với Màn, không sửa đổi như những người chịu ảnh hưởng của Tàu về sau là dân Trung Việt và Nam Việt).

                          Sự tồn tại của ngôn ngữ Lạc Việt, chứng tỏ rằng dân tộc ấy không bị diệt. Hơn thế, nó còn là yếu tố chủ lực của dân tộc Việt Nam ngày nay, vì lai giống với Chàm hay Thái, hay Cao Miên hay gì cũng cứ là với chủng Mã Lai với nhau cả.

                          Bây giờ nếu loại bỏ tất cả những danh từ vay mượn của Tàu quá nhiều, dân Việt Nam vẫn cứ trao đổi ý nghĩ với nhau được như thường, chỉ có cái là không diễn được những ý khó về văn hóa, học thuật mà thôi.

                          Ta không chối đã vay mượn quá nhiều của Tàu, cũng không bị mặc cảm nghèo nàn, nhưng ta phải thấy rằng cái căn bản của ngôn ngữ ta vẫn là Lạc Việt. Mà như vậy tức ta không phải là người Tàu.

                          Người Trung Hoa có thể tự lập ở đây và tự xưng là Việt Nam, nhưng không bao giờ họ lại nói tiếng Lạc Việt và dùng văn phạm Lạc Việt. Nếu phải vay mượn của Lạc Việt, họ chỉ mượn vài danh từ hiếm hoi mà họ không có, chớ sao lại vay cái mặt, cái má, cái mũi, lỗ mũi, cái môi, cái miệng, cái răng, cái cổ, cái ngực, cái bụng, cái lưng, chơn, tay, toàn là danh từ mà họ đã có?

                          Nguồn: Bách Bộc xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản điện tử do talawas thực hiện.
                           
                          http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11161&rb=08
                          #26
                            Ngọc Lý 09.04.2008 05:35:33 (permalink)
                            Bình Nguyên Lộc
                            Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam


                            23/35


                             
                            Năm 1944, dịch Đại Việt sử ký toàn thư ngoại kỷ của Ngô Sĩ Liên, nhà nho Nhượng Tống viết: “Trong bao nhiêu năm chung đụng với người Tàu, sự lẫn giống cố nhiên là có. Thế nhưng bảo chúng ta hoàn toàn là con cháu khách buôn, các lính thú ở Tàu sang đây như ý nhiều người, thì quyết là không đúng. Vì nếu như thế, sao tiếng nói của chúng ta lại khác hẳn của Tàu về tự pháp? Nếu cùng chung một giống tiếng thì nói có thể khác nhau về phương ngôn, về thổ âm, chớ không thể khác nhau về tự pháp như thế được.

                            Đây là ông nhà Nho, nhưng ông nhà Nho này không kém về khoa học chút nào, khi ông đưa ra luận cứ tự pháp (ý Nhượng Tống muốn nói cú pháp đó).

                            Điều nên chú ý là theo Nhượng Tống thì trước năm 1915, đã có người nghĩ như sử gia Nguyễn Phương rồi, nhưng họ không dám viết ra vì thiếu bằng chứng. Sử gia Nguyễn Phương dám viết nhưng bằng chứng thì chỉ là một lời khẳng định.

                            Bác bỏ nguồn gốc Trung Hoa xong, ta thử tìm về nguồn Mã Lai xem sao, mặc dầu chúng ta đã có chứng tích mạnh mẽ là chỉ số sọ, cổ sử Trung Hoa và khoa khảo tiền sử và các khám phá về dấu vết Mã Lai trong xã hội ta ngày nay.

                            Chúng tôi đã nói qua về cái khó của việc chọn danh từ để đối chiếu và cái khó trong việc chọn phương pháp.

                            Nhưng học các ngôn ngữ Á Đông tưởng đâu dễ như học Ăng Lê để làm thông ngôn cho Huê Kỳ, nhưng cũng khó không kém.

                            Chúng tôi đã mất ba tháng để biết nguồn gốc của độc một tiếng, đó là tiếng Xiêm, quốc hiệu cũ của nước Thái Lan ngày nay, vì trong tự điển Thái Lan – Anh không có tiếng đó, bất kỳ dưới hình thức biến dạng nào, Viêm, Tiêm, Tim, Siêm, Sám đều không có.

                            Hời hợt thì có thể nói đó là danh xưng Tiêm của Tàu mà ra. Khá hơn, có thể nói rằng đó là danh tự xưng của nước Xiêm, không biết do đâu mà ra.

                            Cả hai người đều nói đúng, nhưng chỉ ở giai đoạn thứ tư là giai đoạn Tàu biến âm, và giai đoạn thứ ba là giai đoạn Xiêm tự xưng.

                            Đó là một danh từ Mã Lai đợt II mà dân Thái không có và không hiểu vì họ là Mã Lai đợt I. Danh từ đó là Săm bu, có nghĩa là Kẻ lạ, hoặc tù binh ngoại quốc.

                            Trong ngôn ngữ Chàm và Cao Miên, Săm bu biến thành Syâm.

                            Dân ta cũng có một phần đợt II, nhưng ta không có mượn danh từ đó của đợt II, nên chỉ còn dùng danh từ đó trong một trường hợp độc nhứt để chỉ tên xưa của nước Thái Lan, và ta biến thành Xiêm.

                            Nhưng tại sao Thái Lan lấy quốc hiệu xấu đến thế: Nước Tù Binh?

                            Muốn biết tại sao dân Thái lập quốc ở Thái Lan, lại tự gọi nước của họ là Tù binh thì phải học sử của cả năm nước Chàm, Cao Miên, Pégan, Pyu và Thái Lan.

                            Pégan là nước của người Pégon, tức người Môn, tức tổ tiên của người Miến Điện, mà là con cháu của Khuyển Nhung thời Tây Chu bên Tàu, tức Lạc bộ Chuy.

                            Nước ấy khi xưa chạy dài từ Nam Miến cho đến Trung Thái Lan ngày nay, bị Phù Nam chiếm làm thuộc địa và lọt vào tay Cao Miên khi Cao Miên diệt Phù Nam.

                            Thuở đó dân Thái chưa xuất hiện tại Đông Nam Á.

                            Pyu là nước của người Pyu cũng là người Môn, cả hai thứ người ấy đều là tổ tiên của người Miến Điện ngày nay và nước của họ chạy dài từ Bắc Miến đến Bắc Thái Lan ngày nay và cũng bị Cao Miên diệt quốc.

                            Ngày xưa, tù binh Tàu, Việt, Cao Miên, Mã Lai đều được người Chàm chạm hình trên các đền Chàm và đều ghi bằng chữ quốc ngữ Chàm mà đọc ra thì là Syâm. Chắc chắn là Lạc Việt cũng có danh từ đó (vì ta sẽ thấy Lạc Việt và Chàm là một), nhưng vì lỡ đánh mất khi bị Tàu trực trị.

                            Khi Cao Miên xây cất đền Angkor thì chữ Syâm khắc ở đền Angkor với văn tự Khơme (quốc ngữ), chỉ một thứ người ăn mặc rất khác. Đó là người Thái mới xâm nhập.

                            Nhưng cuộc phiêu lưu chưa xong.

                            Đó là dân Thái xâm nhập Cao Miên, chớ không phải là giặc thật.

                            Họ bị Tàu lấn đất dữ quá, nên bỏ địa bàn Vân Nam và Quảng Tây di cư xuống thượng du Bắc Việt và hai nước Pégan, Pyu.

                            Vì không phải là giặc thật nên đám tù binh này rồi được trả tự do cho sống lẫn lộn với dân chúng ở thuộc địa Pégan và Pyu của Cao Miên nhưng vẫn cứ được Cao Miên và Môn gọi là Syâm hoài.

                            Rồi các đợt xâm nhập khác nối tiếp theo, càng ngày càng đông cho đến một khi kia thì họ nắm hết các then chốt xã hội và một lãnh tụ của họ thừa dịp Cao Miên lủng củng nội bộ, lập quốc càn, lập ra một nước gọi là Syâm. Họ chẳng biết Syâm là gì nên rồi họ cũng tự xưng là Syâm theo thói quen mà Môn và Cao Miên gọi họ.

                            Ta gọi họ là Xiêm là biến âm, còn Tàu thì gọi họ là Tiêm là phiên âm. Ta không hề bắt chước Tàu, trong trường hợp này.

                            Nhưng học sử của họ không, cũng chưa đủ, mà còn phải học về nghệ thuật của họ về các tượng đá của họ mà trên đó có khắc hình và khắc chữ, tốn quá nhiều công phu, mà phải biết được ngữ nguyên có độc một danh từ.

                            (Truyền thuyết của ta bảo rằng xưa kia nước ta tên là Xích Quỹ, Nhượng Tống phản đối, cho rằng không có lý nào mà mỹ thuật dân tộc lại lấy quốc hiệu xấu đến thế và đó là chuyện láo khoét.

                            Nhưng Thái đã tự xưng là Nước tù binh thì ta vẫn có thể tự xưng là Nước Xích Quỹ lắm, hơn thế, chúng tôi sẽ cho thấy lý do chánh đáng và hữu lý tại sao chúng ta lại xưng là Xích Quỹ. Cái gì cũng có thể xảy ra được cả).

                            Trong chương chứng tích chủng tộc, chúng tôi có viết rằng người Đại Hàn là rợ Tam Hàn đời xưa, từ Đông Bắc Trung Hoa di cư đến xứ họ ngày nay, mà rợ Tam Hàn là Lạc bộ Trãi. Người Nhựt cũng thế, tức cả hai đều là Mã Lai đợt I, và được Tàu đời Tây Chu phiên âm đúng hơn là Lai Di. Lạc chi là một danh xưng phiên âm sai của buổi đầu. Điều đó đã được khoa chủng tộc học thế giới xác nhận.

                            Nhưng chúng tôi đọc thấy trong quyển L’Art de la Chine, de la Corée et du Jupon của nhà xuất bản Larousse câu sau đây: “Ngôn ngữ Triều Tiên gốc ở núi Thiên San (Tây Vức) còn ngôn ngữ Nhựt Bổn thì cũng đồng loại với ngôn ngữ Triều Tiên.

                            Nhưng nghiên cứu ngôn ngữ Nhựt Bổn, chúng tôi thấy ngôn ngữ ấy gồm 65 phần trăm tiếng Tàu đọc sai và 35 phần trăm tiếng Mã Lai, không có tiếng Tây Vức nào trong đó hết.

                            Như vậy câu trong sách của nhà Larousse không làm cho chúng tôi mâu thuẫn ở chương này vì câu đó sai. Sở dĩ tiếng Tàu tràn ngập ngôn ngữ Nhựt vì người Nhựt bị xâm lăng văn hóa, như sẽ nói ở cuối chương, hay nói cho đúng, họ tự động làm Tàu kể từ đời nhà Đường về kỹ thuật, công nghệ, canh nông, hành chánh, chánh trị, tôn giáo, học thuật, mà làm một cách hẳn hoi cẩn thận đúng theo thói quen của họ, chớ không phải làm lấy lệ như dân ta vì vậy mà họ mất gần hết ngôn ngữ Mã Lai của họ. Tuy nhiên, những danh từ căn bản của họ vẫn còn là danh từ Mã Lai.

                            Cũng nên biết rằng ngôn ngữ Tây Vức cùng với ngôn ngữ Ấn Độ, Hy Lạp và La Mã đồng gốc tổ với nhau, còn ngôn ngữ Đại Hàn và Nhựt Bổn thì nhứt định không liên hệ gì tới bốn nhóm ngôn ngữ da trắng nói trên. Sách Laousse cũng tầm phào chớ không phải luôn luôn đúng đắn.

                            Kể cả ngôn ngữ Hà Di (Aino) là ngôn ngữ của thổ trước da trắng ở Nhựt, đã bị Nhựt tiêu diệt, ngôn ngữ Hà Di cũng chủng liên hệ đến ngôn ngữ của các chủng da trắng phương Tây.

                            Nhưng hóc búa nhứt là các cổ ngữ. Chủng tộc học cho biết Cổ Ba Thục là một đại cường quốc Thái, nhưng nó đã bị tướng Tư Mã Thác của chư hầu Tần diệt mấy trăm năm trước Chúa giáng sanh, họ đã thành Tàu hết rồi, còn làm sao mà học được. Nhưng khoa chủng tộc học cho biết rằng họ là một quốc gia Thái mà Thái là Mã Lai, không học không xong.

                            Còn Quảng Đông là Tây Âu, Tây Âu là Thái, Thái cũng là Mã Lai, cũng chẳng bỏ Tây Âu được. Phúc Kiến là Thất Mân, là Lạc bộ Mã, tức cũng là Mã Lai, thế nên cũng phải học tiếng cổ Thất Mân, mặc dầu đã biết Quảng Đông và Phúc Kiến đều nói tiếng Tàu. Phải học, vì biết chắc họ còn giữ được lối 100 danh từ Mã Lai.

                            Đừng nói chi chuyện khó, ngay tiếng Thái cũng đủ điên đầu với nó. Họ ghép Phạn ngữ, Thái ngữ và Hoa ngữ để làm một danh từ thì ta còn làm sao mà đủ tĩnh trí được khi học tiếng Thái?

                            Ngôn ngữ Thái ở Hoa Nam và Ai Lao thì mượn quá nhiều tiếng Tàu, ngôn ngữ Thái ở Vọng Các lại bị Phạn ngữ tràn ngập. Thí dụ một khách sạn sang trọng, họ nói là Prâ-Barom-Mâhá-Ral-Châwâng. Đó là Phạn ngữ, còn dùng làm sao được? Cho đến dân Thái chánh hiệu mà nghe những danh từ Ấn Độ đọc sai đó còn chẳng hiểu gì huống chi ta chỉ tìm gốc Mã ngữ đơn giản mà thôi. Chỉ có tiếng Thái ở sông Đà mới là thuần túy, theo H. Maspéro, nhưng sách cũng lại quá ít, và đi tới nơi thì không thể được, không phải vì tốn tiền xe mà vì đó là đất chiến lược của Bắc Việt, chỉ có trời mà xâm nhập vào đó mới được.

                            Thế nên chúng tôi đặc biệt chú trọng đến các ngôn ngữ của đồng bào Thượng là thứ người còn thuần túy Mã Lai. Chúng tôi đã đưa ra thí dụ để chứng minh rằng đồng bào Thượng không hề là Cao Miên như các ông Tây đã nói, mà trái lại còn gần gốc Mã Lai hơn Cao Miên rất nhiều.

                            Học tiếng Chàm, tiếng Thượng, tiếng Thái, tiếng Môn tương đối dễ mà còn bể đầu như vậy. Học tới tiếng Mã Lai thì thật muốn hóa điên. Những ngôn ngữ Mã Lai được các nước Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai Á dùng làm thừa ngữ chánh thức, không thể dùng được, nên có sách nhiều cũng như không, vì ba ngôn ngữ đó bị Phạn ngữ và Á Rập ngữ tràn ngập.

                            Mã Lai ngữ chánh hiệu, cổ sơ, là phương ngữ của các bộ lạc ở trong rừng sâu, mà chúng tôi không có phương tiện học được.

                            Chỉ có người Hòa Lan là biết rõ thôi. Thế nên muốn học Mã Lai ngữ cổ sơ, phải có hai quyển tự điển Hòa - Mã và Pháp - Hòa. Thí dụ muốn biết danh từ Lá cây, Mã Lai chính hiệu nói sao, phải tra tự điển Pháp Hòa nơi chữ Fuille xem Hòa nói thế nào. Rồi lại xem tự điển Hòa Mã cổ sơ coi Mã cổ sơ dùng danh từ gì. Tìm một danh từ, mất đến 20 phút đồng hồ, có khi hai tiếng đồng hồ, vì có quá nhiều bộ lạc, mà tự điển không có in để bán, mà nằm trong đủ thứ tạp chí của Hòa Lan, rất khó tìm. Riêng Phi Luật Tân, có hơn 70 phương ngữ khác nhau.

                            Từ ngày họ thu hồi độc lập, ở cả ba nước đó đều chọn một phương ngữ quan trọng để làm thừa ngữ cho giáo dục và ngoại giao. Sự chọn lựa này, khác hẳn ở Ấn Độ, tức không căn cứ trên số đông người nói mà căn cứ trên cái phương ngữ nhiều khả năng nhứt, tức diễn được dễ dàng nhứt những việc trừu tượng, những cảm nghĩ tế nhị.

                            Ở Anh Đô Nê-xia thì phương ngữ của đảo Java được dùng làm ngôn ngữ chánh thức cho toàn quốc vì đảo ấy xưa kia chịu ảnh hưởng Ấn Độ nhiều, đã lập được một nền văn minh rực rỡ với nhiều sách vở. Ngôn ngữ đó tên là Jawi.

                            Ở Phi Luật Tân thì phương ngữ Tagal được chọn, Tagal, kém hơn Jawi vì Phi chưa bao giờ có văn hóa cao như Java.

                            Nhưng đại để cũng y như Việt ngữ, là vay mượn rất nhiều của cái nước khai hóa là Ấn Độ, như ta đã vay mượn của Tàu.

                            Thế nên muốn tìm gốc Mã Lai của ngôn ngữ, không thể dùng JawiTagal được, mà trái lại, nên lục lạo trong các nhóm Mã Lai cổ sơ không chịu ảnh hưởng Ấn Độ.

                            Người Hòa Lan và người Anh họ làm tự điển cho các quốc gia Mã Lai, khoa học không thể nào tưởng tượng được. Họ không bao giờ lầm lẫn gốc tổ Mã Lai với những vay mượn của ngoại chủng, mà ngoại chủng nào họ đều có ghi rõ: Phạn, Á Rập, Trung Hoa, Ba Tư (nên nhớ rằng theo khám phá mới nhứt thì dân đi khai hóa các xứ Mã Lai, Cao Miên và Chàm, không phải là người Ấn Độ mà người Nhục Chi đang thống trị hai đại cường quốc Ba Tư và Ấn Độ trước Tây lịch mấy trăm năm).

                            Những vay mượn lẫn nhau trong các nhóm Mã Lai, họ không gọi là vay mượn nhưng ghi chú là: “Phương ngữ Mã Lai ở…”. Thí dụ làm tự điển Việt Nam thì danh từ Xoài không nên nói là vay mượn của Cao Miên, mà nên làm như họ: “Phương ngữ Mã Lai Khơ Me: Swai, phương ngữ Mã Lai Âu tức Thái Huai”.

                            Còn Muỗm của Bắc Việt là đích tập hợp vay mượn của Phạn ngữ qua trung gian Thái.

                            Quả thật thế, Bắc Việt nói Muỗm, Thái vừa nói Huai, vừa nói Muang.

                            Muỗm vay của MuangMuang là vay của Phạn ngữ Mangga. Tàu cũng vay của Phạn ngữ mà nói là Máng (quõ). Đó là Quan Thoại, chớ Quảng Đông thì nói là Moóng (quõ), tức Mang quả hoặc Mông quả.

                            Chỉ có ba danh từ sau đây mới là danh từ Mã Lai đợt I:

                            Việt Nam: Xoài
                            Cao Miên: Swai
                            Thái: Huai

                            Mã Lai đợt II ở Nam Dương mượn của Tamoul, Tamoul, tức Mã Lai đợt siêu I, tức Mã Lai di cư trước Mã Lai đợt I Trung Hoa. Đó là danh từ Tamoul Ămpătam, mà Tàu cũng có vay mượn và phiên âm là Am-ba-la.

                            Trong mấy chục quyển tự điển Âu châu Mã Lai mà chúng tôi tra cứu, họ chỉ lầm có độc một danh từ, thì kể ra sự lầm lẫn hiếm hoi như thế là vô địch rồi vậy.

                            Đó là danh từ Mã Lai Tẻ, họ bảo là vay mượn của Tàu, nhưng thật ra đó là gốc tổ Mã Lai đợt lưỡi rìu hình chữ nhựt ở Hoa Nam.

                            Quả thật thế, dưới thời Chu, người Tàu tìm được trà ở Ba Thục. Nhưng họ gọi là Đồ, là Dinh (Bắc Việt gọi là Dánh), chớ không gọi là trà.

                            Danh từ Quan Thoại Txã chỉ xuất hiện sau khi Tần Thỉ Hoàng đánh xuống Ngũ Lĩnh. Đó là danh từ Âu, tức Thái mà họ vay mượn tại nước Đông Âu (Nam Triết Giang), dân Âu đọc là Txà mà ngày nay hậu duệ của họ là người Quảng Đông còn đọc y hệt như vậy.

                            Danh từ Tẻ, là danh từ Lạc Việt bộ Mã, tức Thất Mân (Phúc Kiến) mà đa số các nước da trắng vay mượn vì họ tới Áo Môn (Phúc Kiến) trước hơn các nơi khác.

                            Mà Mân Việt đích thị là Mã Lai đợt II, lưỡi rìu chữ nhựt.

                            Người Mã Lai Nam Dương nói Tẻ thì không phải là vay mượn của Tàu, mà nói theo gốc tổ Mã Lai lưỡi rìu chữ nhựt ở Mân Việt vậy.

                            Xin chú ý: Trong các biểu đối chiếu ngôn ngữ Mã - Việt của chúng tôi, khi nào chúng tôi để Mã Lai đơn giản thì tức nhóm Mã Lai nào cũng nói y như thế: Nam Dương, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, bằng như các nơi đó nói khác nhau, chúng tôi mới ghi đích xác xuất xứ.

                            Thí dụ: Mã Lai: Bônga = Cái Bông (Đóa hoa).

                            Như vậy có nghĩa là tất cả các đảo Mã Lai đều nói y hệt như nhau.

                            (Nhưng bông Chămpa thì không được dùng để đối chiếu vì loại bông đó của ta gọi là bông Đại hoặc bông Sứ chớ không gọi là bông Chămpa như người Chàm vì họ là đợt II, nói khác một chút xíu).

                            Nếu như các địa phương Mã Lai nói khác nhau chút ít, chúng tôi sẽ ghi rõ địa phương nào nói thế nào.

                            Và xin nhớ rằng:

                            A. Đảo Célèbes là đất của Mã Lai đợt I, thế nên khi nào một danh từ mà Célèbes có thì kể như đó là danh từ đợt I, nên các nhóm khác là Java, Sumatra, Mã Lai Á, Phi Luật Tân không có, mà Việt Nam thì lại có, vì Việt Nam là Mã Lai hỗn hợp.

                            Những biểu đối chiếu mà không có Mã Lai, Chàm và Giarai trong đó, xin quý vị chớ ngạc nhiên. Ba nhóm nói trên, chỉ là Mã Lai đợt II. Mã Lai đợt I tuy đồng ngôn với Mã Lai đợt II, vẫn có một số danh từ riêng.

                            Trước khi có kết quả của khoa khảo tiền sử và khoa chủng tộc học, không hề ai biết rằng có nhóm Mã Lai đợt I cả, chỉ biết có nhóm II vì họ tự xưng là Mã Lai. Tuy nhiên, nếu các nhà ngôn ngữ như ông H. Maspéro chẳng hạn hoặc ông Cabaton chẳng hạn mà tinh ý một chút xíu, cũng biết các dân tộc sau đây thuộc Mã Lai đợt I: Thượng, Việt, Miên, Miến, Tạng, Thái, vì trong ngôn ngữ của sáu dân tộc đó, có quá nhiều danh từ của Mã Lai đợt II, nhứt là Việt Nam thì gồm đủ cả hai đợt ngôn ngữ.

                            Ông Cabaton là người độc nhứt trên thế giới đã biết rằng đồng bào Thượng là Mã Lai chớ không phải Cao Miên, nhưng không rõ cớ sao ông lại không biết rằng Việt Nam cũng thế, vì ngôn ngữ Thượng không khác Việt ngữ bao nhiêu.

                            Ông G. Cocdès đã nói một câu rất thông minh và rất bất ngờ: “Ai biết người Lạc Việt của thời hai bà Trưng dùng ngôn ngữ nào thì nguồn gốc của dân tộc Việt Nam sẽ là một vấn đề dễ giải đáp”.

                            Trong chương này, chúng ta tìm biết ngôn ngữ của hai bà Trưng đây. Hơn thế, ta lại biết cả ngôn ngữ của vua Hùng Vương, nó khác hơn một chút xíu.

                            Đã bảo khoa khảo tiền sử cho ta biết rằng ở xứ ta có hai đợt Mã Lai hỗn hợp, đợt II chính là người Nam Dương ngày nay, thế thì ta lấy tập tự vựng Việt ngữ, trừ đi các tiếng Mã Lai Nam Dương thì lòi ra ngôn ngữ của vua Hùng Vương là người của đợt I.

                            Mà ngôn ngữ của đợt I của vua Hùng Vương không có gì là bí hiểm. Đó là Môn ngữ, Miến ngữ, Khơ Me ngữ và Thượng Việt ngữ, Tạng ngữ, Nam Ấn ngữ.

                            Hai bà Trưng vừa nói Chơn (đợt I) mà cũng vừa nói Cẳng (đợt II). Nhưng vua Hùng Vương các đời 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 chẳng hạn thì không hề biết Cẳng, bởi bọn đợt II chưa tới nơi.

                            Người Chàm, đa số là đợt II, nên chỉ biết Cẳng mà không hề biết Chơn.

                            Vì gồm đến hai đợt hỗn hợp nên Việt ngữ rất giàu. Chàm cũng thế, nhưng như đã nói, đợt I của họ ở miền Bắc (Lâm Ấp) không liên lạc được nhiều với đợt II (miền Nam) vì nước họ là những cái ô ngăn cách với nhau, chỉ thống nhứt lỏng lẻo về chánh trị mà không thống nhứt về văn hóa, ngôn ngữ miền Bắc không xuống miền Nam được và khi miền Bắc bị chiếm rồi thì họ chỉ còn độc nhứt một đợt phương ngữ mà thôi là đợt II. Tuy đợt I và đợt II cũng có rất nhiều danh từ giống nhau, nhưng đồng thời cũng có nhiều danh từ khác nhau, như Chơn và Cẳng nói trên.

                            Nhựt Bổn cũng gồm hai đợt, nhưng họ không giàu lắm, và một cuộc hợp chủng nào không rõ, có lẽ là với Hà Di (Aino) làm họ rất nghèo âm. Khi sự nghèo túng ấy trở thành cơ hàn thì khó lòng mà giàu được. Ông Châm Vũ Nguyễn Văn Tần nói rất đúng rằng họ có hàng trăm danh từ đọc là TÔ (tô): Đấu là Tô, Mười cũng là Tô, Chim cũng là Tô, Dây mây là Tô, Cửa là Tô, Đầu là Tô, Đáp lời là Tô, thì có giàu cũng hóa nghèo xơ.

                            Riêng cổ ngữ Tây Âu đã làm cho chúng tôi thắc mắc vô cùng mà không sao giải đáp được.

                            Nước Tây Âu (Lưỡng Quảng) là nơi nương náu cuối cùng của tất cả Âu đời xưa, Ba Thục đời Chu v.v. Lạc không có chen chơn vào đó được vì họ đã quá đông dân rồi (vì thế mà đạo binh viễn chinh của Tần Thỉ Hoàng mới lọt vào ổ kiến lửa tại đó).

                            Thế mà không hiểu sao trong ngôn ngữ Tây Âu lại có quá nhiều danh từ Mã Lai đợt II.

                            Nói là họ vay mượn, thì cũng được đi; nhưng sao họ lại vay mượn cả những danh từ không cần thiết mà họ đã phải có rồi thuở mà họ còn là Cửu Lê.

                            Thí dụ danh từ Trời của họ là danh từ của Lạc đợt II mà Chàm và Nam Dương đang dùng, trong khi đó thì từ khi là Cửu Lê, đến lúc là Âu họ cũng văn minh y hệt như Lạc chớ không có kém, hơn chút nào hết.

                            Những danh từ mà họ và Việt Nam giống nhau thì rất dễ hiểu vì như đã nói trong Cửu Lê có Lạc đợt I. Nhưng mà sự hiện diện của Lạc đợt II trong đó khó quan niệm được vì họ bận tiếp đón quá nhiều dân Âu bị Tàu đánh đuổi, kể cả dân Ba Thục cũng dồn xuống đó nữa, nghĩa là bao nhiêu Âu từ Hoa Bắc tới Hoa Nam đến đổ dồn vào nước Tây Âu, không còn chỗ chen chơn. Cuộc kiểm tra dân số của Tàu nhà Hán đã cho thấy rằng họ mười lần đông hơn Cổ Việt Nam thì bọn Lạc đợt II làm thế nào mà lọt vào đó được. Bằng như nói họ vay mượn của Lạc II có địa bàn tiếp cận với họ thì không ổn vì họ mượn toàn những tiếng mà họ phải có rồi là làm sao?

                            Đó là điểm độc nhứt trong quyển sách này mà chúng tôi không thể cắt nghĩa được bằng ức thuyết nào cả.

                            Thí dụ hoa đại, hoa sứ, thì họ nói y như Chàm là Bôngga Chămpa chớ không nói như Việt Nam là Bông đại, trong khi họ còn phải nói y theo Việt Nam vì họ là Mã Lai đợt I, còn ta thì đa số là Mã Lai đợt I (?).

                            Nhạc sĩ Lê Thương có sống ở Lào, có viết bản nhạc lấy ngôn ngữ Thái Lào làm tên cho bản nhạc đó là: Ô đuống Chămpa. Chúng tôi có hỏi nhạc sĩ có biết tại sao mà Thái Lào không dùng danh từ Mã Lai đợt I để chỉ loài hoa ấy, mà lại dùng danh từ của Mã Lai đợt II, thì nhạc sĩ cũng chẳng biết tại sao mà có chuyện kỳ lạ như vậy, điều chắc chắn là người Thái Lào gọi hoa đó y như Chàm, là Chămpa, chớ không biết danh từ Đại hay Sứ.

                            Về danh từ Trời thì rất dễ hiểu. Cả hai đợt Mã Lai đều có hai danh từ Trời, tùy theo nghĩa thiêng liêng (ông Trời) hay nghĩa vật chất (vòm trời). Việt Nam đã đánh mất hết một danh từ, Thái Lào cũng thế, Nhựt Bổn cũng thế, nên ba nhóm ấy chỉ còn có một danh từ, nhưng Thái Lào khác ta vì họ lại đánh mất cái danh từ mà ta còn, còn ta thì đánh mất cái danh từ mà họ đang có.

                            Những chứng minh ở chương trước của chúng tôi, đã giúp chúng tôi vẽ ra ở cuối tiểu mục Đ một đổ biểu chủng tộc.

                            Ở đây chứng minh của chúng tôi cũng phải đi sát cái đồ biểu ấy, tức chứng minh rằng các nhóm Mã Lai: Việt, Thái, Cao Miên, Chàm, Miến Điện, Tây Âu (cổ Quảng Đông), Ba Thục (cổ Tứ Xuyên) gì cũng đều đồng ngôn ngữ với nhau và tất cả đều quy về cái gốc tổ Tây Tạng.

                            Không làm như vậy được ở đây, cũng không thiếu sót, vì chứng tích quan trọng bực nhứt là chỉ số sọ, cũng đã đủ rồi, nhưng thêm được chứng tích quan trọng bực nhì càng hay.

                            Tuy nhiên, chứng tích quan trọng này dĩ nhiên là phải bị bể vỡ từng manh mún chớ không toàn vẹn như những cái sọ, vì như đã nói, ngôn ngữ là văn hóa, không ai mượn sọ được, nhưng mượn ngôn ngữ thì được.

                            Nhưng đây là vay mượn nội bộ, chớ không phải vay mượn bên ngoài. Đành rằng ta có vay mượn tiếng Tàu, tiếng Anh, tiếng Pháp, nhưng đó là vay mượn về sau kỷ nguyên Kitô, chúng tôi không kể vào, mà chỉ cứu xét về ngôn ngữ sơ khai của tổ tiên ta buổi đầu, cách đây trên hai ngàn năm thôi, ấy thế mà cũng đã có vay mượn rồi, vào thuở đó.

                            Vậy xin đừng ai mong hiểu được một câu chuyện của người Mã Lai, hoặc nói một câu ngắn bằng tiếng Việt mà họ hiểu được đâu. Đã bảo hiện có hơn 1.000 nhóm kim Mã Lai thì tìm thấy ngữ căn là may mắn lắm rồi đó.

                            Số là một chủng tộc quá lớn như chủng tộc Mã Lai thì tự nhiên vào thời thượng cổ, họ chia ra thành nhiều chi nhóm, ban đầu đồng ngôn với nhau cả, nhưng các chi ấy lại tủa ra khắp nơi (tùy theo đà phát triển của chủng tộc) để tìm sinh kế và tại các địa bàn mới, vì ảnh hưởng khí hậu, họ nói khác giọng với nhau chút ít như Bắc Việt với Nam Việt.

                            Mỗi địa bàn mới đó lại tự phát triển ra nữa và chung đụng với các dân khác quanh họ, vay mượn đủ thứ của người xa lạ kể cả ngôn ngữ, thành thử họ bắt đầu nói khác nhau. Thí dụ trực tiếp nhứt là người Việt miền Nam có danh từ Bưng biền vay mượn của Cao Miên, mà người Việt miền Bắc không có. Miền Bắc cũng không có danh từ Rạch chỉ phụ lưu một con sông.

                            Với thời gian, nhứt là với không gian, đôi khi họ vay mượn của ngoại nhân cả âm, thanh, cú pháp, văn phạm nữa, chớ đừng nói là danh từ.

                            Hiện nay dân thổ trước Papou chỉ đông có 70 ngàn người, thuộc chủng Mê-la-nê hết thảy, nhưng có nhiều bộ lạc nói, bộ lạc khác nghe không hiểu, phương chi dân Maori ở Tân Tây Lan, cũng thuộc chủng Mê-la-nê thì không mong hiểu được Papou, mặc dầu họ đồng gốc tổ Mê-la-nê với nhau hết.

                            Nhưng các nhà ngôn ngữ học biết được họ đồng gốc tổ, chính nhờ những danh từ căn bản (basic) của họ.

                            Các phương ngữ biến dạng theo một cái luật, và luật ấy đã được biết, dầu có bể ra từng mảnh nhỏ, ngôn ngữ ấy cũng còn truy nguyên ra được trong các thứ ngôn ngữ đồng gốc mà được thành hình về sau.

                            Chúng tôi xin vẽ ra một đồ biểu trừu tượng chỉ sự phân tán, và vay mượn.

                            Rất nhiều học giả Việt Nam chủ trương rằng Việt ngữ là một ngôn ngữ hỗn hợp mượn đây một ít, kia một ít, mà không biết rằng những nơi cho mượn toàn là các nhóm cổ Mã Lai, tức không có vấn đề hỗn hợp gì hết, vì tất cả các nhóm ấy đều mượn qua mượn lại với nhau sau một giai đoạn biến khác, dài hàng ngàn năm.


                            Gốc tổ ban đầu A

                            Phân chia rồi biến giọng, tân tạo danh từ, tùy nhu cầu địa phươngVay mượn Giữa các nhóm và ngoại nhân. Ngoại nhân được ghi bằng XYSự nhìn lại nhau của vài nhóm sống sót

                            XY
                            BB = A + Đ + XC chỉ nhận được nhờ
                            CC = A + D + Yyếu tố A và vay mượn
                            DD = A + E + XY nhưng cái gốc tổ A
                            ĐĐ = A + F + Ycàng lâu đời càng bị
                            Evân vânbiến dạng rất xa nhau.
                            F\Thí dụ ta nói Xơi, Cao
                            \Miên nói Xi, Bà Na nói Sa.

                            Thí dụ cụ thể và trực tiếp:

                            Sông của nhóm ASông của nhóm BNhưng A và B nhận
                            TháiKhungCao MiênT’lênhau được nhờ danh
                            ChàmKrongSơ ĐăngTơ lêtừ Trái
                            MườngKhôngJêhTlêViệt Nam cổBlái
                            Bà NaKrông\MườngBlái
                            KhảHông\Cao MiênPhle
                            Việt NamSông\Bà NaPlây
                            Cao MiênStung (Phụ lưu)\Sơ ĐăngPlây
                            Mã LaiSôngai\TháiPho la
                            \KhảP’lai
                            \MạPlây

                            (Sách của các cố đạo xưa viết là Blái hoặc Tlái, người Mường ngày nay cũng nói Blái hoặc Tlái).

                            Đôi khi tất cả các nhóm đều nhận nhau được nhờ gốc tổ Mã Lai mà nhóm nào cũng giữ được hết thảy. Thí dụ danh từ Lê (cây).


                            Biểu đối chiếu số 1

                            Việt Nam: Lá cây
                            Mã Lai Célèbes: Hạalaa
                            Chàm: Halaa
                            Bà Na: Hlaa
                            Sơ Đăng: Hla
                            Giarai: Laa (Xin đừng lầm với động từ La của Giarai; chỉ có một chữ A và cũng có nghĩa là La, y hệt như Việt Nam)
                            Mạ: Nhla
                            Mường: La
                            Nhựt Bổn: Hạ
                            Triều Tiên: Hạ
                            Mã Lai Kedat: Kelat
                            Mã Lai Sembilan: S#rela
                            Mã Lai Johore: Ulat
                            Mã Lai Á: Layu (chỉ được dùng để gọi lá héo)
                            Cao Miên: Slat
                            Khả Lá Vàng: Sala
                            Khả Văn Minh: Là
                            Cổ ngữ Ba Thục: Lạ
                            Cổ ngữ Tây Âu: Lá (Người Quảng Đông gác Tây Âu, hiện nay nói Dịp, tức Diệp. Nhưng đồng thời họ cũng nói ).

                            Xin đừng ngạc nhiên mà thấy vắng mặt danh từ Thái trong biểu đối chiếu này. Thái cũng là Việt, tức Mã Lai, nhưng thuộc một chi khác, chi Âu. Tất cả các dân tộc có mặt trong biểu đối chiếu này đều thuộc ba chi Lạc, Lạc bộ Trãi. (Việt Nam, Thượng), bộ Mã (Giarai, Chàm, Nam Dương) và bộ Chuy (Tạng, Miến, Môn và Khơ Me).

                            Nhưng ở các biểu đối chiếu khác sẽ có Thái. Tuy nhiên, vẫn ít thời vì cái yếu tố Thái trong Việt ngữ mà ông H. Maspéro cứ nói đến mãi, thật ra là yếu nhứt trong Việt ngữ vì cái lý do giản dị là Thái thuộc chi khác.

                            Danh từ Thái là Bai (Mai). Nhưng không nên kể đến từ Mai, bởi đó là tiếng Tàu Mộc. Họ nói Lã Mộc thay cho lá cây, tức chi Âu mất ngôn ngữ nhiều hơn chi Lạc. Điều đó cũng dễ hiểu. Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng chi Âu không hề ra khỏi nước Tàu, trước thế kỷ thứ X. Hiện họ gồm:

                            Người Quảng Đông bị đồng hóa 99%
                            Người Nùng bị đồng hóa 70%
                            Các thứ người khác bị đồng hóa 50%

                            về mặt ngôn ngữ và phong tục, văn hóa.

                            Các đảo Mã Lai còn một danh từ nữa, đó là danh từ của nhóm Lạc Lê.

                            Tàu Hải Nam gốc Lạc Lê: Đo
                            Mã Lai: Đôn



                            *


                            Dân Việt Nam là Mã Lai hỗn hợp nên dùng danh từ của cả ba thứ Lạc và cả danh từ của Âu tức Thái nữa.

                            Thí dụ điển hình nhứt là danh từ , SữaNúm Vú. Sữa là danh từ của Lạc bộ Mã, họ nói Sú Sú, ta biến thành Vú và Sữa.

                            Danh từ của chi Âu Nóm, ta nhập Nóm với để tạo ra Nóm Vú chỉ cục thịt nhỏ ở đầu vú.

                            Tóm lại, quả thật ta lượm lung tung, đầu này một ít, đầu kia một ít, nhưng chỉ lượm trong đại cộng đồng Mã Lai, chớ không hề vay mượn của chủng tộc nào khác hết.

                            Mà các quốc gia Mã Lai khác như Thái, Cao Miên cũng thế, chớ không riêng gì là ta. Họ cũng ghép danh từ của lu bù nhóm Mã Lai để tạo danh từ riêng của họ. Thí dụ điển hình nhứt là danh từ Ma Nam của Thái, sẽ nói thật rõ ở biểu đối chiếu về các danh từ Ma.

                            Trong chủng Ấn Âu cũng thế, Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha mượn của nhau lung tung rồi biến nghĩa, tạo danh từ riêng cho họ, thành thử trong một danh từ Đức có danh từ Nga cộng với danh từ Pháp, với danh từ Albanie, rất là ngộ nghĩnh như Nóm vú của ta. Riêng người Thái Lan thì loạn xà ngầu, họ ghép Phạn ngữ, Thái ngữ, Môn ngữ để tạo một danh từ vô cùng kỳ dị mà chỉ có các nhà bác học mới tầm nguyên được mà thôi.


                            Biểu số 2

                            Việt Nam: Cột (dây)
                            Mạ: Kơt
                            Giarai: Keet
                            Sơ Đăng: Kơt
                            Bà Na: Kơơt
                            Chàm: Kaat
                            Mã Lai: Ikat

                            Đây là động từ của Lạc bộ Trãi và bộ Mã, còn Lạc bộ Chuy, Cao Miên, Miến Điện thì nói là Chon.


                            Biểu số 3

                            Việt Nam: Cháu (con cháu)
                            Mạ: Sáu
                            Mường: Cau
                            Giarai: Côô
                            Sơ Đăng: Caô
                            Bà Na: Saô
                            Cao Miên: Chau
                            Mã Lai: Chu


                            Biểu số 4

                            Việt Nam: Chim
                            Bà Na: Sêêm
                            Sơ Đăng: Chim
                            Mường: Chim
                            Khả Lá Vàng: Tiêm
                            Bộ lạc Irogo Phi Luật Tân: A chêm


                            Biểu số 5

                            Việt Nam: Cò (con cò)
                            Mạ: Kô
                            Bà Na: Kook
                            Giarai: Koo
                            Mường: Ko
                            Mã Lai: Kua (chỉ được dùng để gọi là Cò ăn đêm)


                            Biểu số 6

                            Việt Nam: Con (cha con)
                            Bà Na: Koon
                            Sơ Đăng: Kooon
                            Cao Miên: Kôn
                            Mạ: Kon
                            Mường: Kon


                            Biểu số 7

                            Việt Nam: Con (con vật)
                            Cao Miên: Ko
                            Mạ: Ko
                            Bà Na: Ko
                            Sơ Đăng: Ko
                            Giarai: Ko
                            Mường: Ko

                            Lạc bộ Mã không có loại từ Con. Chi Âu tức Thái thì dùng loại từ Con để chỉ Người, và vì vậy, không còn loại từ Con nữa.


                            Biểu số 8

                            Thí dụ này hơi rắc rối. Trước hết nên biết rằng ta có hai danh từ để chỉ một gia súc: đó là lợn và heo. Trong rừng Cao nguyên lại có một con vật hơi giống con heo, đó là con Agouti, mà ta gọi là con Cúi. Nhưng về sau, lợn, heo cũng được ta gọi là Cúi.

                            Việt Nam: Cúi tức Heo, Lợn
                            Mường: Kuy
                            Cao Miên: Kui
                            Sơ Đăng: Cuur
                            Giarai: Kuai
                            Khả Lá Vàng: Kur

                            Dùng chung để chỉ lợn và Agouti


                            Biểu số 9

                            Việt Nam: Lội (Bơi lội)
                            Thái: Lô Y
                            Giarai: Loôi
                            Bà Na: Glôôi
                            Chàm: Luôy
                            Mã Lai Bontok (Phi): Luôy


                            Biểu số 10

                            Việt Nam: Nghe (hoặc Tai)
                            Giarai: T’nghĩa = Nghe
                            Khả: Sẽ = Nghe
                            Bà Na: I’nghẻ = Nghe
                            Chàm: Tauyô = Tai
                            Mã Lai Célèbes: Tngar = Nghe
                            Mã Lai Á: Tảlinga (Tai)
                            Mã Lai Á: Mảnảnga (Nghe)


                            Biểu số 11

                            Việt Nam: Chó
                            Mạ: So
                            Cao Miên: Cho
                            Giarai: Tsao
                            Khả Lá Vàng: Acho
                            Sơ Đăng: Coo
                            Bà Na: Soo
                            Mường: Coo
                            Chàm: Tho
                            Mã Lai Célèbes: Atho
                            Mã Lai Á: Asu

                            Người Mường lại có một danh từ nữa là Khai mà Cao Miên đã mượn. Khai của Mường có nghĩa là Chó, nhưng đồng thời cũng lại có nghĩa là Cọp.

                            Theo cố đạo L. Cadière thì tiếng Việt xưa cũng gọi con chócon khai, di tích còn thấy mãi cho đến ngày nay tại thôn quê hẻo lánh ở Quảng Bình, và đó là hình thức cổ sơ của danh từ Cầy.

                            Cầy là danh từ của đợt I, còn Chó là danh từ của đợt II. Người Mường thuộc đợt II, nhưng họ nói Chó vì chịu ảnh hưởng ta. Họ cũng nói Cầy với hình thức cổ là Xhai, nhưng lại cho nó một cái nghĩa rất sang là Cọp vì một cái luật văn phạm dưới đây.

                            Ta thấy Lạc Việt đợt I, tức nòng cốt của Việt Nam, có cái đặc sắc này là những danh từ vay mượn của đồng chủng, đồng bào, họ chỉ cho nó giá trị hạng nhì mà thôi.

                            Đừng nói chi là danh từ của chi Âu, cả danh từ của chi Lạc đợt II, cũng chỉ được ngồi ghế hạng nhì. Thí dụ Chơn. Chơn là danh từ của Hùng Vương, nên nó giữ ngôi sang trọng. Ta có thể nói “Dấu Chơn của hai bà Trưng trên chiến trường chống Mã Viện”. Nhưng ta không thể nói “Dấu Cẳng của hai bà Trưng”, vì Cẳng là danh từ của đợt II, ta nghe không sang.

                            Trong khi đó thì người Chàm và người Nam Dương lại cho danh từ Cẳng một địa vị thơ mộng và cao quý. Họ nói Cẳng của nàng rất đẹp. Họ nói Cẳng Trời, thay vì Chơn Trời như ta.

                            Ta có thể lập ra cái luật văn phạm này mà rất ít vấp ngoại lệ:

                            A. Khi Việt ngữ có hai từ đồng nghĩa, thì luôn luôn từ thứ hai bị lép vế, và chắc chắn từ đó là vay mượn của một nhóm Mã Lai khác.

                            Xơi (đợt I) sang hơn Ăn (đợt II)
                            Cầy (đợt I) – Chó (đợt II)
                            Chó (Lạc đợt I) – Chó má (chi Âu)
                            Ngỗng (Lạc bộ Trãi) – Ngan (Lạc bộ Chuy)
                            Chơn (đợt I) – Cẳng (đợt II)
                            Cẳng (đợt II) – Giò (Chủng Mê-la-nê)

                            B. Khi Việt ngữ có ba từ đồng nghĩa thì từ thứ ba có một nghĩa xấu tệ và đó là vay mượn của một chủng kém hơn hoặc của một chi khác hơn là chi Lạc.

                            Cầy sang hơn chó, mà chó thì sang hơn chó má, chỉ dùng để chưởi, vì Má, Mã là danh từ của chi Âu tức Thái, chớ không phải của chi Lạc, mặc dầu trong chi Âu, nó chỉ có nghĩa là chó chớ không có gì là kém cỏi hết.

                            Sở dĩ người Mường (đợt II) cho Cầy có một nghĩa sang trọng vì thấm nhuần cái luật đó. Họ chỉ là khách trọ của Hùng Vương, tức chỉ là Mã Lai đợt II ở trọ với Mã Lai đợt I. Họ đã phải thần phục vua Hùng Vương về mọi mặt, như ta sẽ thấy, mặc dầu thuở di cư đến cổ Việt, họ đã văn minh cao lắm. Thế nên họ tự động đưa Cầy của ta lên thật cao với cái nghĩa là Cọp.


                            Biểu số 12

                            Việt Nam: Ngày
                            Môn: Tngay
                            Cao Miên: Thngay
                            Jêh: Ngaai
                            Kơ Young: Ngaai
                            Sơ Đăng: Haal
                            Mường: Ngai
                            Khả Lá Vàng: T’ngai

                            Trên đây là danh từ của Mã Lai đợt I. Mã Lai đợt II nói Hari.

                            Danh từ Hari này, rất là rắc rối trong Mã Lai ngữ và Nhựt ngữ, nhưng khi nó len vào ngôn ngữ ta thì nó làm cho thiên hạ điên đầu.

                            Trong ngôn ngữ Mã Lai Hari có nghĩa là Vòm Trời (vật chất), là ông Trời (thiêng liêng) và cũng có nghĩa là Ngày.

                            Nhưng có ai tin được rằng Hari biến dạng thành Trời hay không? Chắc là không. Ấy thế mà có sự biến dạng kỳ dị đó. Chúng tôi biết được là nhờ những cái khoen nối kết của xâu chuỗi biến dạng ấy.

                            Dầu sao, Mã Lai đợt I vẫn giàu danh từ hơn Mã Lai đợt II, ta có Ngày lại có Trời, còn họ thì chỉ có Hari.

                            Trong Nhựt ngữ, Hari biến thành Hara.

                            Mã Lai đợt II có Langít để chỉ Vòm trời (vật chất) nhưng các nhóm Mã Lai đợt I như Cao Miên, Thái cũng đều có (nhưng Việt Nam đã đánh mất Langít. Chúng tôi nói đánh mất, mà không nói là không có, vì Cao Miên và Thái có thì ta phải đã có, và một thời nào đó).

                            Sẽ trở lại vấn đề này sâu hơn, trong biểu đối chiếu về danh từ Trời.


                            Biểu số 18

                            Việt Nam: Ngoài
                            Mường: Ngwai
                            Bà Na: Tơ nguải
                            Khả Lá Vàng: Hòi
                            Sơ Đăng: Rơ nghieo
                            Cổ ngữ Ba Thục: Ngôi

                            Nhiều tỉnh Trung Việt nói Ngòi tức trung gian giữa Ngoài và Hòi của Khả Lá Vàng.


                            Biểu số 14

                            Việt Nam: Người
                            Bà Na: Bngoai
                            Sơ Đăng: Bngaai
                            Giarai: Ngaai
                            Mường: Mwai, Mwal (ta biến Mwal thành Mường và Mwai thành Mọi)
                            Cao Miên: M'Nư
                            Khả Lá Vàng: R’Nui
                            Khả Bolooen: P’Nui
                            Mã Lai Phi Luật Tân: Mnui
                            Thái: Muang (xóm đông người, hoặc thị trấn đông người, ta cũng biến thành Mường).

                            Trên đây là danh từ Mã Lai đợt I, lưỡi rìu tay cầm. Còn Mã Lai đợt II thì ORANG là người, không được dùng trong ngôn ngữ Việt Nam, mặc dầu đợt II cũng có mặt đông đảo ở Cổ Việt vì chính họ là tác giả trống đồng. Vì thế mà ta cũng cần biết:

                            Mã Lai, Chàm: ORANG
                            Triều Châu, một trong Thất Mân: NÁNG
                            Tàu Hải Nam gốc Lạc Lê: NÀNG

                            Thất Mân là Lạc bộ Mã, tức cũng là cổ Mã Lai Bách Việt đợt II. Đã nhiều lần, chúng tôi có nói đến việc tiêu cực đề kháng của người Tàu Hoa Nam, họ là Mã Lai, bị đồng hóa với Tàu, họ nói tiếng Tàu (sai giọng chút ít) nhưng mỗi nhóm còn giữ được hơn trăm danh từ Mã Lai.

                            Quả thật thế, Người, tiếng Tàu là Dỉl, bị dân cổ Tây Âu tức Quảng Đông, đọc sai chút ít, hóa ra Dành. Nhưng Náng thì không thể là biến dạng của Dỉl được như Dành.

                            Bằng vào danh từ Nàng của Hải Nam gốc Lê, ta biết được họ là Mã Lai đợt II, rất gần gũi với Thất Mân tức Lạc bộ Mã. Nhưng ông H. Maspéro cho rằng Hải Nam là Thái đen, thuộc chi Âu. Như thế là sai.

                            Chỉ có thể kết luận Hải Nam là nhóm Lạc Lê, nên họ mới có danh từ Nàng của Lạc.

                            Ta chỉ còn bí về danh từ cổ thời, không biết Triều Châu đã biến ORANG thành NÁNG hay chính Mã Lai đã biến ONÁNG thành ORANG.

                            Có lẽ Triều Châu và Hải Nam là thủ phạm vì chịu ảnh hưởng Tàu, họ đánh mất âm R mà xưa kia họ có, vì họ là Mã Lai, còn Tàu thì không bao giờ có âm R.

                            Nhưng Mã Lai đợt I lại còn một danh từ nữa để chỉ Người mà chỉ có Âu tức Thái là có dùng. Đó là danh từ Kon, được người Lào biến thành Cần.

                            Kon, bị Việt ngữ biến thành loại từ Con. Loại từ Con, chỉ có Thượng Việt (Mã Lai đợt I) là có, y như ta, còn Mã Lai đợt II tuyệt đối không có loại từ Con, cả Mã Lai đợt I là Thái cũng không có.

                            Có lẽ khi xưa, tất cả Mã Lai đợt I đều có, nhưng chi Âu đã biến nó thành Người rồi thì không thể dùng làm loại từ được nữa.


                            Biểu số 15

                            Việt Nam: Rễ (cây)
                            Sơ Đăng: Rễ
                            Bà Na: Rở
                            Mạ: Rỉa


                            Biểu số 16

                            Việt Nam: Khiên (tức cái mộc, cái thuẫn)
                            Chàm: Kheèl
                            Cao Miên: Khèl
                            Bà Na: Khèl
                            Sơ Đăng: Khèl
                            Kơyong: Khèl

                            Khiên, kheèl, khèl gì cũng là danh từ của Mã Lai đợt I mà Mã Lai đợt II không có. Nhưng Chàm vốn là Mã Lai đợt II lại có. Thế nghĩa là trong dân tộc Chàm cũng có hai đợt. Khoa khảo tiền sử không biết điều đó, nhưng khoa ngôn ngữ tỷ hiệu, bị khoa học chê, lại cho ta biết rõ hơn về nhiều chi tiết.

                            Mã Lai đợt I trong dân tộc Chàm là bọn Lạc lồi, tức dân ở quận Nhựt Nam mà nơi đó bọn đợt II, bọn Khu Liên, tức bọn đã lập ra nước Tây Đồ Di, đã nổi loạn với quan cai trị Tàu và lập ra nước Chàm thứ nhì là nước Lâm Ấp.

                            Như vậy, danh từ nào của Mã Lai đợt I mà Chàm có đều do Chàm miền Bắc Lâm Ấp đưa xuống miền Nam Chiêm Thành khi họ thống nhứt xứ sở của họ. Nhưng họ đưa không nhiều vì xứ sở của họ bị núi ngang làm trở ngại giao thông.


                            Biểu số 17

                            Việt Nam: Kiềng (vật 3 chơn để nấu ăn)
                            Giarai: Kên
                            Hbao: Kên
                            Koyong: Khiêên
                            Bà Na: Tkaan


                            Biểu số 18

                            Việt Nam: Kèn
                            Các nhóm Thái: Khèl
                            Khả Lá Vàng: Khèl


                            Biểu số 19

                            Việt Nam: Rảy (nước)
                            Mạ: Srỉ
                            Bà Na: Prả
                            Chàm: Hprai


                            Biểu số 20

                            Việt Nam: Chín (không sống)
                            Bà Na: Sin
                            Sơ Đăng: Sên
                            Cao Miên: Ch’eanh
                            Giarai: Tsêêng


                            Biểu số 21

                            Việt Nam: Con ruồi
                            Mạ: Ko Rhai
                            Môn: Ko Rui
                            Cao Miên: Ko Ruy
                            Bà Na: Ko Rooi
                            Kôhô: Ko Rha
                            Roglai: Ko Rouai
                            Braou: Ko Ruay
                            Hrê: Ko Ròi
                            Tampoun: Ko Roy
                            Biut: Ko Rhuai
                            Xi Tiêng: Ko Ruêi
                            Mường: Ko Ruuêi
                            Khả Lá Vàng: Kon Rruêi

                            Không có mặt đợt II trong biểu rất dài này, và điều này chứng tỏ rằng Thượng Việt là Mã Lai đợt I.



                            *


                            Biểu số 22

                            Việt Nam: Đắng
                            Bà Na: Tang
                            Sơ Đăng: Sang


                            Biểu số 23

                            Việt Nam: Ngóc (đầu)
                            Bà Na: Ngơk
                            Giarai: Ngaak


                            Biểu số 24

                            Việt Nam: Đang (làm việc)
                            Bà Na: Tơ đang
                            Giarai: Tơ đang
                            Chàm: Ttang
                            Mã Lai Célèbes: Tđang


                            Biểu số 25

                            Việt Nam: Tê (bại)
                            Giarai: Tom
                            Giarai Pleiku: Pơtơm
                            Bà Na: Pơtơm


                            Biểu số 26

                            Việt Nam: Cái (Lớn: sông cái, kẻ đứng đầu: thợ cái)
                            Sơ Đăng: Kel (Lớn)
                            Bà Na: Akal (Quan trọng) Kơl (Cái đầu)
                            Mã Lai: Laki (Đàn ông, hùng mạnh, lãnh tụ, lực lượng, đực)
                            Chàm: Lì cáy (Đàn ông, lãnh tụ, đực)

                            Danh từ này cho ta biết một sự thật ngộ nghĩnh mà nhiều người đã ngộ nhận. Là con của Phùng Hưng chỉ xây đền thờ cho cha, chớ không phải cho cha và mẹ vì cái lẽ rằng mẹ ông ấy chỉ là một bà nội trợ tầm thường, không xứng đáng gọi là đại vương. Người ta ngộ nhận vì danh từ Cái trong Bố Cái Đại Vương.

                            Nhưng Cái là danh từ Mã Lai, có nghĩa như trên vào thời xưa: Bố Cái là ông cha hùng mạnh, ông cha thủ lãnh. Cả trong Mã ngữ ngày nay cũng thế.

                            Chúng tôi nói có bằng chứng. Hiện nay Mã Lai có danh từ Ibu Láki đúng nghĩa là Bố Cái, vì Ibu = Bố. Ibu Láki có nghĩa là nhà lãnh đạo.

                            Láki của Mã Lai biến thành Lìcáy của Chàm và Cái của Việt.

                            Con dại cái mang không có nghĩa là mẹ chịu trách nhiệm, mà chính là cha chịu trách nhiệm đây.

                            Danh từ riêng của miền Nam: “Người lại cái”, có nghĩa là người bán nữ bán nam, chắc chắn là do danh từ Chàm mà ra. Đó là Camay lagi lìcáy dịch ra từng chữ là Đàn bà mà lại còn là đàn ông.

                            Camay = Đàn bà
                            Lagi = Lại còn
                            Licáy = Đàn ông

                            Ta lười biếng, nuốt mất Càmay lagi, chỉ còn LICÁY biến thành LẠI CÁI. Một lần nữa, ta thấy Cái là đàn ông chớ không phải là đàn bà.

                            Từ Lagi còn thấy được ở một địa danh trong tỉnh Bình Tuy. Nơi đó xưa kia là đất của Phù Nam, rồi của Chàm, cả hai dân tộc ấy đều nói tiếng Mã Lai đợt II thì thật là không biết địa danh ấy là của ai. Nhưng nói đúng tiếng Mã Lai Nam Dương thì nó phải là Sa-Lagi. Nhưng chỉ có Sa-Lagi không thì không có nghĩa gì cả. Chắc chắn là người Việt đã nuốt mất một vài tiếng sau, như trong trường hợp trên đây, ta đã nuốt đến sáu tiếng Đàn bà mà lại còn là.

                            Cái địa danh trên kia có lẽ là Sa-gi đánh nhau với San La tức lại còn đánh nhau với Chân Lạp.



                            *


                            Tra các tự điển đất Bắc thì không có danh từ Lại Cái, mặc dầu có danh từ Bố Cái. Có lẽ ngày xưa ngoài ấy cũng có, nhưng dân đất Bắc đâm ra mê Tàu từ năm 1600, như đã giải thích khi nãy nên bỏ bông, trái, ghe, muỗng, lại cái, dùng hoa, quả, thuyền, thìa, bán nam bán nữ. Mặc dầu họ xa Chàm, nhưng miền Bắc là đất mà dân Mã Lai đợt II đã định cư và phục vụ vua Hùng Vương đến 500 năm, và đã mượn đến 40% danh từ của Mã Lai Nam Dương thì lẽ nào lại không có danh từ Lại Cái vào thời xưa.

                            Chú ý: Licáy biến thành Lại cái thì chữ Lại hoàn toàn vô nghĩa vì nó là tiếng phiên âm. Người miền Nam hiểu lầm rằng Lại = Trở thành, nên có một dạo họ nói Đàn bà lại đực, nhưng danh từ ấy không thành hình, không được ai dùng cả, mặc dầu cuộc sáng tác đó kéo dài nhiều chục năm. Thấy rõ sức mạnh của các danh từ, nó sống dai không thể tưởng tượng được. biến thành Lại một cách sai lầm đã mất nghĩa từ lâu, nhưng vẫn không ai có tài nào cho nó một nghĩa khác được nữa.

                            Hiện nay người miền Nam nói Đàn ông lại cái tức là nói sai. Câu đó có nghĩa là: Đàn ông – Đàn ông, tức rất vô nghĩa nếu xét theo ngữ nguyên nhưng nó cứ đứng vững được hoài, vì người ta hiểu rằng: Cái = Đàn bà.

                            Nếu hiểu như vậy thì Lại có nghĩa rõ ràng là trở thành và có quyền nói Đàn bà lại đực, nhưng vẫn không nói được, vì người sáng tác không được ai theo cả, có lẽ vì linh cảm cho họ nhớ cái nghĩa cũ một cách âm thầm trong thâm tâm của họ, và họ âm thầm chống đối nghĩa mới bằng cách không dùng. Còn từ Cái mang nghĩa là Giống Cái, là đàn bà, do ngữ nguyên khác, sẽ nói đến sau.


                            Nguồn: Bách Bộc xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản điện tử do talawas thực hiện.
                             
                            http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11174&rb=08
                            <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.04.2008 05:44:36 bởi Ngọc Lý >
                            #27
                              Ngọc Lý 09.04.2008 05:40:40 (permalink)
                              Bình Nguyên Lộc
                              Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam


                              24/35


                               
                              Biểu số 27

                              Việt Nam: Sạch
                              Mạ: Sạt
                              Cao Miên: Soạt


                              Biểu số 28

                              Việt Nam: Cây, gậy
                              Giarai: Gaai
                              Chàm: Gaai
                              Rađê: Giê
                              Mã Lai Célèbes: Gaai


                              Biểu số 29

                              Việt Nam: Hút
                              Bà Na: Huuc
                              Kơyong: Huut

                              Uống nước bằng ống. Người Thượng dùng ống trúc nhỏ hoặc ống sậy để uống rượu cần.


                              Biểu số 30

                              Việt Nam: Tro
                              Jêh: Blô
                              Kơ Yong: Loo
                              Sơ Đăng: Plo


                              Biểu số 31

                              Việt Nam: Sắn (Nam kỳ: Báng)
                              Bà Na: Blang
                              Thái: Parăng
                              Sơ Đăng: Loong
                              Giarai: Ploom
                              Khả Lá Vàng: Bluôn
                              Giarai + Radê (Pleiku): Bblaang


                              Biểu số 32

                              Việt Nam: Tru (chó)
                              Mường: Tlu
                              Bà Na: Klu
                              Sơ Đăng: Klu
                              Giarai: Lu


                              Biểu số 33

                              Việt Nam: Chết
                              Sơ Đăng: Chết
                              Mường: Chết
                              Mạ: Sớt
                              Khả Lá Vàng: Kết

                              Biểu đối chiếu này và bao nhiêu biểu khác cho thấy rõ ràng Thượng Việt không phải là Cao Miên như các ông Tây nói. Chết, Cao Miên gọi là Ngợp. Biểu về Trăng, Cá, v.v. đều có mặt người Thượng mà không có mặt người Cao Miên ở đâu cả.


                              Biểu số 34

                              Việt Nam: Bét (Toét mắt)
                              Bà Na: Peek
                              Giarai: Peek
                              Hadrông: Peek
                              Cu-Ti: Piơ


                              Biểu số 35

                              Việt Nam: Mới
                              Thái: Mai
                              Cao Miên: Thơmây
                              Mạ: Mhê


                              Biểu số 36

                              Việt Nam: Bước
                              Bà Na: Bôôk
                              Giarai: Rơ bành trướng
                              Mã Lai Célèbes: Bơlak


                              Biểu số 37

                              Việt Nam: Bửa (củi)
                              Mạ: Pả
                              Bà Na: Pả


                              Biểu số 38

                              Việt Nam: Bọn, bạn
                              Cao Miên: Pôut, Bòn
                              Bà Na: Buơl, Pụng
                              Giarai: Pout
                              Khả Lá Vàng: Bang
                              Mã Lai: Mbang


                              Biểu số 39

                              Việt Nam: Sâu (không cạn)
                              Cao Miên: Chrau
                              Mạ: Zirâu
                              Bà Na: Jrâu


                              Biểu số 40

                              Việt Nam: Ruột
                              Mạ: Proit
                              Cao Miên: Pốt (Viên)
                              Giarai: Porooi
                              Rađê: Prooe
                              Mã Lai: Prụt

                              Mã Lai Nam Dương, Mã Lai Á và Phi Luật Tân chỉ có một danh từ Prụt để chỉ Ruột, BụngDạ dày. Về mặt cơ thể và mặt thủy vận thì Mã Lai đợt I giàu danh từ hơn Mã Lai đợt II, mặc dầu Mã Lai đợt II ở biển.

                              Thí dụ Mã Lai đợt I là Môn và Khơ Me có danh từ Prek mà Nam Kỳ biến thành Rạch để chỉ phụ lưu, Thái có danh từ Honei mà Bắc Việt biến thành Suối, trong khi đó thì Mã Lai Nam Dương chỉ có Sôngai. Suối, họ nói là Sông con nít. Còn nguồn thì họ nói là Con mắt của nước. Nhưng một chuyện cổ tích cho biết rằng người Nam Dương từ Hòa Bình của ta mà di cư xuống đó, sau khi chung sống với ta khá lâu. Thế mà họ lại không học được những danh từ của đợt I.


                              Biểu số 41

                              Việt Nam: Lưng
                              Thái: Lâng
                              Bà Na: Roong
                              Sơ Đăng: Roong
                              Giarai: Roong


                              Biểu số 42

                              Việt Nam: Xương
                              Cao Miên: Chxoâng
                              Thái: Sân
                              Sơ Đăng: Ksing
                              Mạ: Ting
                              Bà Na: Kting
                              Cổ ngữ Ba Thục: Xoong
                              Khả Lá Vàng: K’tương
                              Mã Lai: Tulang

                              Ta thấy sự biến dạng hữu lý của những danh từ chỉ Xương, danh từ chung cho cả hai đợt Mã Lai, mà ông Lê Ngọc Trụ cho là Xương do Khang của Tàu mà ra. Cả hai nhóm đều không có chịu ảnh hưởng Tàu khi di cư, mà khi đó thì họ phải đã có danh từ Xương rồi vì họ ăn cá, mắc xương cá, họ chế tạo dụng cụ bằng xương thú, không làm sao mà đợi học với Tàu mới có được danh từ để chỉ món đó.


                              Biểu số 43

                              Việt Nam: Mắt
                              Bà Na: Mat
                              Sơ Đăng: Mat
                              Khả Lá Vàng: Mat
                              Mạ: Maht
                              Mã Lai: Mata
                              Tây Tạng: Mag
                              Mã Lai: Mata-Mata = Cảnh sát, tức kẻ có nhiều mắt ở khắp nơi


                              Biểu số 43 bis

                              Việt Nam: Mác
                              Xi Tiêng: Mata = Giáo cán dài
                              Mạ: Mata = Giáo cán dài

                              Hai danh từ Mata của Mã Lai trên đây, không phải là hai tiếng đồng âm. Danh từ thứ nhứt là danh từ chung của hai đợt Mã Lai (Mắt). Danh từ thứ nhì chỉ là danh từ riêng của Lạc bộ Trãi (Việt Nam và Thượng), có nghĩa khác hẳn, chẳng liên hệ gì đến con mắt hết.

                              Năm 1858, Pháp chiếm Saigon, với lính Pháp và Bạc Ti Dăng Phi do Tây Ban Nha cho thuê.

                              Chiếm Saigon xong Pháp cho bọn ấy ở lại làm cảnh sát mà Mata-Mata là tiếng Mã Lai có nghĩa là cảnh sát (có nhiều mắt). Saigon bỏ dấu gọi là Mã Tà.


                              Biểu số 44

                              Việt Nam: Tóc
                              Cao Miên: Sóc
                              Bà Na: Sok
                              Khả Lá Vàng: Sok
                              Mạ: Soc
                              Sơ Đăng: Sok

                              Đây là danh từ của Mã Lai đợt I mà các ông Tây không biết, cứ nói là của Cao Miên

                              Mã Lai đợt II có danh từ khác, nhưng chúng tôi không trích, không đối chiếu. Chúng tôi chỉ nói đến những danh từ riêng của Mã Lai đợt II khi nào có gì cần phải nhận xét mà thôi, thí dụ về trường hợp Hari, đã nói rồi và sẽ nói nữa.


                              Biểu số 45

                              Việt Nam: Sấm (sét)
                              Bà Na: Grâm
                              Giarai: Grâm


                              Biểu số 46

                              Việt Nam: Trôn
                              Giarai: Klôôn
                              Rađê: Tlôôn


                              Biểu số 47

                              Việt Nam: Nem
                              Tơlô: Nyem (Thịt)
                              Bà Na: Sêm (Thịt)
                              Sơ Đăng: Nyam (Thịt)


                              Biểu số 48

                              Việt Nam: Ít
                              Mạ: Y hệt
                              Bà Na: Nyet
                              Giarai: Eet
                              Nam Ấn: Eet (Dravidien tức Mlech’a tức Malayalam)

                              Đối chiếu Nem với Thịt, tưởng như là vô lý, nhưng không. Đó là mượn danh từ rồi biến nghĩa đôi chút. Nhưng Mạ thì Puịt = Thịt, Khả Lá Vàng thì Plịt = Thịt.

                              Tiếng Nam Ấn EetMột mà cũng là Ít.

                              Chúng tôi đã nói người Nam Ấn gốc da vàng từ Tây Tạng sang Ấn, và họ là Mã Lai và đây là xác nhận của ông L. Renou trong quyển Les littératures de l’Inde, xác nhận riêng về ngôn ngữ Nam Phạn chớ không phải về chủng Dravidien, nhưng vẫn củng cố những gì chúng tôi đã nói về chủng tộc học: “Tiếng Nam Phạn cũng do Bắc Phạn mà ra. Nhưng nó bị các phương ngữ thổ dân Nam Ấn xâm nhập vào, do chính các giáo sĩ Bà La Môn khuyến khích sự xâm nhập đó để truyền giáo với các thứ dân khác chủng”.

                              Vậy Eet của Nam Phạn không phải đồng gốc với Bắc Phạn mà là danh từ Dravidien tức đồng gốc Mã Lai.

                              Có lẽ Nam Ấn có nhiều danh từ giống ta lắm, tại ta chưa thông ngôn ngữ Malayalam, Tamoul, v.v. nên trong các biểu đối chiếu này rất thiếu họ.


                              Biểu số 49

                              Việt Nam: Chơn, chưn, chân
                              Cao Miên: Chơn
                              Mạ: Zưn
                              Giarai: Jơng
                              Jêh: Yơng
                              Sơ Đăng: Yông
                              Bà Na: Yơng
                              Khả Lá Vàng: Yơng

                              Trên đây là danh từ của Mã Lai đợt I. Danh từ của Mã Lai đợt II là Kaki mà Chàm biến thành Teay và Việt biến thành Cẳng.

                              Thấy rõ là trong xã hội Việt Nam Mã Lai đợt I đa số nên Chơn chiếm địa vị sang trọng trong văn chương: Người ta không thể nói: Xây gạch Bát Tràng cho nàng rửa cẳng.

                              Trong khi đó thì Chàm và Mã Lai nói: Cẳng của nàng, và Chơn trời họ nói là Cẳng trời, và họ nghe rất là văn chương vì đó là động từ chánh của họ.

                              Trong xã hội Việt Nam còn có một danh từ nữa là danh từ Giò thấy trong tự điển Anh-Mê-la-nê có ghi. Vì đó là danh từ của một chủng kém cỏi, nên trong ngôn ngữ Việt Nam, danh từ đó chiếm hạng ba. Người ta nói giò gà, giò lợn, tướng học trò, giò ăn cướp.


                              Biểu số 50

                              Việt Nam: Đứng
                              Bà Na: Đớng
                              Giarai: Đóng


                              Biểu số 51

                              Việt Nam: Tay
                              Chàm: Tangưl
                              Mã Lai: Tangan
                              Bà Na: Tii
                              Khả Lá Vàng: Tai
                              Mạ: Ti
                              Sơ Đăng: Taai
                              Cao Miên: Đaai

                              Danh từ Chàm đã bị biến qua lịch sử của họ. Hồi cổ thời, họ vẫn nói Tangan y như Mã Lai, thay vì Tangưl như ngày nay.

                              Dấu vết còn thấy được ở địa danh mũi Batagan ở Quảng Ngãi mà các ông Tây viết dính lại, khiến cả người Chàm cũng không hiểu địa danh ấy có nghĩa gì, một là tại Tây viết dính, hai là nếu viết đúng là Ba tangan Chàm cũng không hiểu vì họ đọc là Tangưl.

                              Ba là Ngón tay. Đó là Mũi ngón tay.

                              Nhưng không chắc chắn lắm là người Chàm đã biến Tangan thành Tangưl.

                              Ngôn ngữ Chàm mà Tây và ta học được ngày nay chỉ là ngôn ngữ Chàm Ninh Thuận, còn ngôn ngữ Chàm miền Quảng Ngãi thì trên đời này, không ai biết nó sao cả, và rất có thể nó giống hệt ngôn ngữ Mã Lai, bằng chứng là địa danh Tangan.

                              Nhưng Chàm Ninh Thuận thật ra là Phù Nam đa số vì nước Phù Nam ăn lên tới tỉnh Khánh Hòa hồi cổ thời.

                              Có lẽ chính Phù Nam đã biến Tangan của Mã Lai thành Tangưl và Chàm Ninh Thuận bị thiểu số trong đại đa số Phù Nam nên phải nói theo Phù Nam.

                              Ta nên đặt ra câu hỏi này: Ai đã ghi ra trên dư đồ cái danh xưng Batangan ấy? Chắc chắn là các cố đạo Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vì chính họ đã ghi Cửa Hàn ra Tour Han, rồi Pháp mới biến thành Tourane.

                              Mà thuở các cố đạo Tây và Bồ đến thì người Chàm Quảng Ngãi vẫn còn, và họ đã ghi theo cái nghe tận tai của họ, tức người Chàm Quảng Ngãi vẫn nói Tangan chớ không nói Tangưl như Chàm Ninh Thuận.


                              Biểu số 52

                              Việt Nam: Nài (Quản tượng)
                              Giarai: Naai
                              Rađê: Naai
                              Chàm: Naai


                              Biểu số 53

                              Việt Nam: Gãi
                              Ghẻ
                              Giarai Phú Bổn: Gải
                              Kuaĩ
                              Bà Na: Kổi (Cạo, Nạo ghẻ)

                              Các ông Tây cứ cho Chàm là Mã Lai, mà không biết rằng Việt Nam còn Mã Lai hơn cả Chàm nữa vì bao nhiêu danh từ Mã Lai được ta giữ gìn đúng còn Chàm thì biến rất xa.






                              Mã Lai: Bônga

                              Việt Nam: Bông

                              Chàm: Bơngư


                              Mã Lai: Sôngai

                              Việt Nam: Sông

                              Chàm: Krong


                              Mã Lai: Tangan

                              Việt Nam: Tay

                              Chàm: Tangưl


                              Có nhiều danh từ Mã Lai bị Chàm bỏ mất luôn như Gunông và Phunông họ không biến thành Non thành Gò nổng như ta, mà nói là Chớ, một danh từ của chủng Mê-la-nê.

                              Không ai hiểu tại sao các ông Tây nhận diện được Chàm là Mã Lai, qua ngôn ngữ, mà không nhận diện được ta. Vâng, họ chỉ nhận diện được Chàm là Mã Lai, nhờ ngôn ngữ, chớ không nhờ chứng tích nào khác cả, trước cuộc đối chiếu kiến trúc Mã Lai và Chàm của ông Claeys.


                              Biểu số 54

                              Việt Nam: Mái (Giống cái của loài cầm)
                              Sơ Đăng: Maai (Vợ)
                              Cao Miên: Maai (Cung phi)
                              Giarai: Amaai (Chị cả)
                              Bà Na: Mmaai (Chị cả)
                              Bà Na: Maai (Cô dâu)
                              Khả Lá Vàng: Prmay (Con gái)
                              Chàm: Cà May (Đàn bà)

                              Trong xã hội Chàm, người Mã Lai đợt II chiếm đa số, nhưng danh từ Cà May lại là danh từ của Mã Lai đợt I chớ người Nam Dương, đàn bà họ nói là Wanita, còn người Đa Đảo nói là Wahinê.

                              Xin nhắc rằng ở Bắc Chiêm Thành, tức Lâm Ấp, Mã Lai đợt I đa số tuyệt đối, mặc dầu chính Mã Lai đợt II lập quốc.

                              Càmay là ngữ nguyên chánh của MáiCái với cái nghĩa là đàn bà mà giống cái mà chúng tôi hẹn trình ra trong lời chú thích dưới biểu số 26 khi nãy. (Cái của ta có hai nghĩa, một nghĩa do danh từ Mã Lai Lì Cáy mà ra và có nghĩa là đàn ông là lực lưỡng, là to lớn, là lãnh đạo. (Thí dụ Bố Cái đại vương, thợ cái, ngón tay cái). Nghĩa thứ nhì do danh từ Cà May này và có nghĩa là giống cái, là con mái).

                              Chỉ phiền là không tìm được nhóm Mã Lai nào nói Cà May như Chàm, hoặc nói Cái như Việt Nam. Chúng tôi chỉ tìm được có hai danh từ 1 wahita của Mã Lai và 1 wahinê của Đa Đảo mà thôi.

                              Và Chàm không hề là Mã Lai Đa Đảo bao giờ cả như các ông Tây cứ nói vì thấy trong ngôn ngữ của họ có vài yếu tố lạ.

                              Ngôn ngữ của Đa Đảo cũng đã được biết. Nó chỉ là Mã Lai ngữ, pha với Mê-la-nê ngữ, nhưng trong Chàm ngữ thì không có yếu tố Đa Đảo, như danh từ Cà MayWahinê đã cho thấy là Chàm và Đa Đảo khác quá xa, Chàm chỉ là Mã Lai, chớ không có Đa Đảo gì hết.


                              Biểu số 55

                              Việt Nam: Mẹ (tức Mẫu thân)
                              Việt Bắc: Me
                              Việt Bình Trị, Thiên: Mạ
                              Mạ: Me
                              Bà Na: Me
                              Tàu Hải Nam gốc Lạc Lê: Mà
                              Cao Miên: Mê (Đàn bà trẻ tuổi)
                              Cao Miên: Ma đai (Mẹ, Má, đại danh từ chớ không là danh từ)
                              Thái: Maê
                              Cao Miên: Mê (Mẹ của thú vật)
                              Khả: Mè (Mẹ của người)
                              Mã Lai Java: Emak (Mẹ. Chữ E đọc nuốt phân nửa, chỉ còn nghe là Mak).


                              Biểu số 56

                              Việt Nam: Mợ (Vợ của cậu)
                              Giarai: Kmơi (Đàn bà)
                              Khả văn minh: Mơ (Mẹ)
                              Kơyong: Mơ (Mẹ)
                              Bà Na Gôlar: Mơ (Chị cả)
                              Bà Na Halong: Mơ (Chị cả)
                              Sơ Đăng: Moo (Mẹ)


                              Biểu số 57

                              Giarai: Mi (Mẹ). Đừng lầm với Mi là Mày của Bà Na và của Việt Nam.
                              Bà Na: Mi-i (Em dâu). Đừng lầm với Mi là Mày chỉ có một chữ I.


                              Biểu số 58

                              Việt Nam: Nạ (Mẹ có nhiều con: Chờ Nạ thì má đã sưng).
                              Việt Nam Trung Cổ: Ang Nà (Tự điển Huỳnh Tịnh Của = Mẹ)
                              Giarai: Ina (Mẹ)
                              Chàm: Ina (Mẹ)
                              Rađê: Ana (Mẹ)
                              Cổ ngữ Tây Âu: Nả (Mẹ)
                              Nhựt Bổn: Onna (Đàn bà)
                              Mã Lai Sumatra: Jnang (Mẹ)

                              Bằng vào danh từ miền Nam Ang Ná của Tự vị Huỳnh Tịnh Của, ta biết chắc rằng cách đây một trăm năm, người Việt miền Nam chưa dùng danh từ Mẹ, Má, mà nói là Ang Ná, và chắc Bắc và Trung cũng thế, nhưng không có ai ghi chép như Huỳnh Tịnh Của, nên không ai biết rằng có. Riêng Bắc Việt có lẽ dùng song song Nạ và Ang Ná.

                              Và Việt Nam rất giống Nhựt Bổn là cho danh từ đó một nghĩa nữa là Đàn bà (gái nạ dòng) chớ không phải chỉ có nghĩa là Mẹ. Có lẽ gốc cũ chính là đàn bà, vì Nhựt Bổn rất thủ cựu ít biến nghĩa của danh từ cũ lắm.

                              Người Quảng Đông, hậu duệ của Tây Âu, vẫn viết Mẫu, đọc là Mụ, y theo Tàu, nhưng trong dân chúng, họ luôn luôn đọc chữ Mẫu là hoặc Na. Họ có thành ngữ Chẩy NãMẹ con. Họ lại chưởi Tiểu Na Má, tức như ta chưởi Đ… mẹ.

                              Từ ngữ Chẩy Nã (Tử Mẫu) cho thấy rõ rằng người Quảng Đông là Thái chớ không phải là Tàu, vì người Tàu luôn luôn để Mẹ đứng trước con, thế thì phải Nã Chẩy (Mẫu Tử) mới đúng luân lý Khổng Mạnh.

                              Nhưng người Thái biến thành Tàu không mê Khổng Mạnh bằng Việt Nam. Như đã nói, phong tục luyến ái của người Thái rất buông lơi và theo các bản thống kê quốc tế thì ở Quảng Đông, gái buôn hương đông nhứt nước Tàu, bịnh hoa liễu lại cao nhứt thế giới.

                              Sự kiện đó cũng xảy ra như vậy ở Chợ Lớn, mà gái Phúc Kiến không có làm kỹ nữ như gái Quảng Đông. Việc thay đổi vợ chồng cũng xảy ra trong cộng đồng Phúc Kiến ít hơn là trong cộng đồng Quảng Đông một cách rõ rệt.



                              *


                              Phụ chú về lời chú thích biểu đối chiếu danh từ Cái ở vài trang trước.

                              Về câu đầu của bài hát trẻ con ở miền Bắc “Bắt cái hồ khoan” ông Tàu Việt Điểu trong Văn hóa Nguyệt san số 56, năm 1960, đã bác lối giải thích của ông Ngô Quý Sơn trong tập kỷ yếu B.I.I.E.H. 1943. Ông Ngô giải thích rằng Bắt Cái có nghĩa là bắt thăm để làm nhà lãnh đạo, theo lối rút cọng rơm ngắn hay dài, một lối bắt thăm của ta.

                              Ông Tân Việt Điểu cho rằng Bắt cái = Bát, Cạy, tiếng Chàm mà ta học được ở miền Trung.

                              Nhưng theo chỗ chúng tôi biết thì Mã Lai Nam Dương và Chàm có động từ Kuak (Cạy) là chèo lệch sang một bên, còn Pối (Bát) là chèo một cách khó nhọc tức chèo từ trái sang phải, cực nhọc vì dân Việt Tả nhậm lấy bên trái làm bên thuận (Tư Mã Thiên). Bao nhiêu chim, nai đều bay và đi từ phải sang trái ở trống đồng, cực nhọc vì làm trái với thói quen của họ. Ta đã mượn của Chàm, nhưng chỉ biến thành BátCạy mà thôi còn Bắt Cái là một câu hát tối cổ của ta ở đất Bắc thì ta phải vay mượn của đợt II bổ sung, tức của người Mường tại Bắc Việt, bởi cuộc Nam tiến thật sự chỉ xảy ra dưới trào Lý mà xem ra, bài hát đó cổ hơn nhiều.

                              Như thế thì từ Cái trong Bắt cái chỉ có thể là bắt thăm để làm Láky tức làm Lìcáy, tức làm nhà lãnh đạo trong một trò chơi, hoặc có nghĩa là Bắt lãnh tụ của địch, trong một trận thủy chiến. Ta đã có tiếng Cái ấy rồi từ thuở Bố Cái Đại Vương, chớ không đợi Việt Chiêm chiến sử mới có.

                              Cả ngày nay trong cờ bạc người ta vẫn còn dùng từ ngữ Bắt cái tức bắt thăm để làm cái, bằng cách rút phóng mạng một con bài, hễ ai nhiều nút thì Làm Cái.

                              Bắt Cái của ngày nay và của ngày xưa đều có nghĩa là bắt thăm để làm Xếp trong một trò chơi, nhứt là thi đua bơi chèo.

                              Đó là bài hát Chanson folklorique của một dân tộc thì không thể có chữ nho trong đó được. Như vậy Hồ khoan cũng phải là tiếng Mã Lai có nghĩa gì đó mà ta truy chưa ra, chớ không thể nào mà là chữ nho Hải Hồ Khoan như ông Tân Việt Điểu đã nói. Chúng tôi đang nỗ lực học thêm tiếng Mã Lai để đi sâu vào ngôn ngữ ấy hầu tìm biết những danh từ bí hiểm của ta có nghĩa là gì. Chúng tôi đã tìm được vô số danh từ như Tràm Lục, sông Trem với nghĩa đúng của nó trong ngôn ngữ Mã Lai, nên chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ biết được Hồ Khoan là gì, và chắc chắn không là chữ nho vì cái lẽ tự nhiên là Chanson folklorique phải có rất lâu đời, trước khi chịu ảnh hưởng ngoại lai, thì không thể là chữ nho được.



                              *


                              Biểu số 59

                              Việt Nam: Bu (Mẹ)
                              Cổ ngữ Mân Việt: Pô (Mẹ)
                              Các đảo Mã Lai: Ibu (Mẹ)
                              Mã Lai Johore: Papu (Nhủ mẫu)


                              Biểu số 60

                              Việt Nam: Bố (Cha)
                              Cổ ngữ Mân Việt: Pế
                              Tàu Hải Nam gốc Lạc Lê: Pe
                              Mã Lai: Phiên âm
                              Thái: Por
                              Cao Miên: Pút
                              Tamoul, tức Nam Ấn gốc Mã Lai: Babu

                              Đại danh từ U của Việt Nam, chúng tôi tìm không ra nguồn gốc, có lẽ nó chỉ là biến thể của Ibu của Mã Lai.



                              *


                              Người Việt miền Nam đã bắt chước Thất Mân dùng danh từ Tía, nhưng họ dùng sai giọng đọc lẫn cả nghĩa. Danh từ đó là Tia (không có dấu sắc) và đó là danh từ của Mã Lai đợt II. Thất Mân, Lạc bộ Mã, các đảo Mã Lai đều nói là Tưa và đó là Cha vợ chớ không phải là Cha như người Việt miền Nam đã dùng sai. Nam Dương và Thất Mân (Phúc Kiến) đều dùng đúng nghĩa là Cha vợ.



                              *


                              Quan Thoại có Pà Pá, nhưng đó là đại danh từ để xưng hô, chớ không phải là danh từ. Danh từ của họ là Fuá Tsil = Phụ thân.

                              Nhưng đó là trường hợp ngẫu nhiên vì Bắc Ấn Độ nói Pa, Pháp nói Papa, không hề có vấn đề Mã Lai vay mượn của Tàu hay của Pháp.


                              Biểu số 61

                              Việt Nam: Đẻ
                              Mạ: Đẻ
                              Bà Na: Kđẻ
                              Mường: Tể

                              Nói Mường gần ta hơn, nhưng ở đây thì thấy Mạ giống ta hơn Mường.


                              Biểu số 62

                              Việt Nam: Tỳ (chống tay)
                              Bà Na: Tiết
                              Giarai: Tít


                              Biểu số 63

                              Việt Nam: Già
                              Thái: Kà
                              Mạ: Krà
                              Bà Na: Kra
                              Bà Na: Ya (Bà già)
                              Giarai: Tla
                              Chàm: Tahaa
                              Mã Lai: Tu À
                              Cu Ti: Khaa
                              Khả Lá Vàng: K’rrà

                              N.B. Mạ và Khả Lá Vàng sống cách nhau hơn 1.000 cây số, nhưng lại rất giống nhau.


                              Biểu số 64

                              Việt Nam: Tre
                              Việt Nam Trung Cổ (A. de Rhodes): Ble
                              Bà Na: Plee
                              Giarai: Bu Le
                              Mạ: Gle
                              Mường: Tle


                              Biểu số 65

                              Việt Nam: Trăn (một thứ rắn to)
                              Mạ: Klan
                              Giarai: Tlan
                              Sơ Đăng: Klan
                              Bà Na: Klan


                              Biểu số 66

                              Việt Nam: Trẻ
                              Mường: Tlẻ
                              Khả Boloven: Plẻ


                              Biểu số 67

                              Việt Nam: Vải
                              Bà Na: Kpải
                              Giarai: Kpải
                              Cao Miên: Kpải
                              Khả Lá Vàng: Kpở
                              Mạ: Byải


                              Biểu số 68

                              Việt Nam: Chí, chấy (rận tóc)
                              Mạ: Chí
                              Sơ Đăng: Chí
                              Bà Na: Tzi
                              Cao Miên: Chaay


                              Biểu số 69

                              Việt Nam: Khố (quần)
                              Cao Miên: Kho
                              Mạ: Kho
                              Xi Tiêng: Kho


                              Biểu số 70
                              V
                              iệt Nam: Mùi (màu sắc). Nói theo Trung và Bắc.
                              Giarai: Bui
                              Cao Miên: Mau


                              Biểu số 71

                              Việt Nam: Mùi (vị). Huế cũng đọc là Màu.
                              Bà Na: Moou
                              Giarai: Bao
                              Mã Lai: Baou


                              Biểu số 72

                              Việt Nam: Há (miệng)
                              Bà Na: Haa
                              Giarai: Haa
                              Sơ Đăng: Haa
                              Mã Lai: Haa

                              Biểu số 73

                              Việt Nam: Lợi (Nướu răng)
                              Giarai: Lơni
                              P. Kli: Lươni
                              Ma: Lưng
                              Bà Na: Li in
                              Chàm: Liên
                              Mã Lai: Lơny


                              Biểu số 74

                              Việt Nam: Bú
                              Cao Miên: Bau
                              Mạ: Phản ứng (?)


                              Biểu số 75

                              Việt Nam kim: Trời
                              Việt Nam Trung Cổ: Blời và Tlời
                              Mường: Blời
                              Mạ: Trô
                              Bà Na: Blơny
                              Nhựt Bổn: Hara
                              Khả Boloven: H’ngày
                              Mã Lai Célèbes: Hơry
                              Mã Lai các đảo khác: Hari

                              Có lẽ lộ trình biến dạng là như thế này:

                              Hơri, Hari (Mã Lai) biến thành Hara (Nhựt Bổn)
                              Hơry - Hơny
                              Hơny – Blơny (của Bà Na)
                              Blơny – Blời (Việt Nam Trung Cổ)
                              Blời – Trời (Việt Nam hiện đại)
                              Blời – Trô (Mạ)

                              Nhưng trong xâu chuỗi này, chúng tôi chưa tìm ra cái khoen Hơny, có lẽ là của nhóm Mã Lai rừng rú nào đó ở Bornéo. Nhưng cái khoen Bà Na Blơny cho thấy quá rõ lộ trình biến dạng như thế đó. Sự biến dạng của danh từ Mã Lai Lơny thành Lợi của Việt Nam ở biểu số 74 trên đây cũng qua một lộ trình tương tợ như Hơry thành Trời. Chúng tôi để biểu Lợi và Trời cạnh nhau để cho thấy rõ cái luật biến dạng đó.

                              Trong biểu đối chiếu danh từ Ngày, chúng tôi đã nói khá nhiều về danh từ Hari của Mã Lai và Hara của Nhựt Bổn, nhưng nói chưa đủ.

                              Thoạt kỳ thỉ, các nhà ngôn ngữ học Âu Mỹ ngỡ rằng Mã Lai đã vay mượn danh từ đó của Phạn ngữ là Surya. Nhưng xét ra thì Nhựt Bổn không có tiếp xúc với Ấn Độ trước Tây lịch mà họ đã có Hara trước Tây lịch rồi, thì sự hơi giống nhau giữa Hari, Hara và Surya chỉ là một cuộc trùng hợp ngẫu nhiên như trường hợp danh từ Cái Đầu của Việt Nam ngẫu nhiên trùng hợp với Tàu.

                              Ngày nay thì Mã Lai Nam Dương chỉ còn dùng danh từ Hari trong hai trường hợp:

                              Hari = Ngày
                              Hari = Ông Thiên

                              Muốn chỉ vòm trời, họ nói Langít, Chàm cũng nói thế. Người Thái thì biến thành Ngèn, còn người Cao Miên không biến nhưng lại cho nó một nghĩa hơi khác là Trời chiều.

                              Khi mà Cao Miên và Thái đều có Langít (biến dạng, biến nghĩa chút đỉnh) thì ta cũng phải có vì cả hai đợt đều có hai danh từ chỉ trời với hai nghĩa khác nhau:

                              Vòm trời (vật chất)
                              Ông Thiên (thiêng liêng)

                              Việt Nam đã đánh mất Langít, chớ không phải là không có, bằng chứng là các nhóm đợt I khác đều có.

                              Xin chú ý: Tất cả mọi nhóm đều dùng danh từ Hari với ý nghĩa thiêng liêng, người Mã Lai Nam Dương gọi mặt trời là Mata Hari, tức Mắt của vòm trời.

                              Tàu thì chỉ có độc một danh từ Thiên để chỉ hai ý niệm Thiêng liêng và Vật chất, tức chỉ ông Thiên và vòm trời.

                              Danh từ Nhựt của Tàu tuy chỉ mặt trời, nhưng không mang ý niệm ông Thiên hay vòm trời nữa.



                              *


                              Danh từ Trời thì biến dạng lung tung như thế đó, nhưng danh từ Trăng thì rất là đồng nhứt trong tất cả mọi nhóm.


                              Biểu số 76

                              Việt Nam: Mặt trăng
                              Mạ: Maht Kan
                              Thái: Jăng
                              Khả Lá Vàng: Mặt Kai
                              Bà Na: Mat Tlang
                              Cổ ngữ Ba Thục: Chắng
                              Giarai: Blăang
                              Chàm: Blăang
                              Miến Điện: Blăang
                              Tây Tạng: Blăang
                              Mã Lai: Bulăng

                              Thái, trên biểu này là Thái Lan, gốc Vân Nam. Nhưng Thái thượng du Bắc Việt Nam thì gọi Trăng là Bưông. Đó là một danh từ kỳ dị không giống danh từ của đợt I, cũng chẳng giống danh từ của đợt II.

                              Danh từ Trăng là danh từ may mắn nhứt có đủ mặt tất cả các dân tộc gốc Mã Lai, thế mà Thái thượng du Bắc Việt lại đi chơi riêng thì quả thật đáng buồn. Không biết là họ vay mượn của ai, chúng tôi truy mãi mà không ra. Họ cũng chỉ là Thái Vân Nam và Thái Lưỡng Quảng di cư xuống chớ không phải là Thái bí mật nào. Nhưng cho đến cả Ba Thục còn nói là Chắng thì không lẽ Tây Âu lại nói Bưông vì Ba Thục và Tây Âu đồng ngôn y như Nam Việt và Bắc Việt.

                              Chú ý: Một quyển tự điển Anh – Thái Lan mà chúng tôi mua từ Thái Lan về để kiểm soát lại sự hiểu biết về tiếng Thái của chúng tôi, lại viết rằng trong ngôn ngữ Thái Lan, Trăng nói là Đuăng. Thế thì không còn ăn khớp với Jăng ở trên đây nữa mà chúng tôi học với Việt kiều ở Thái hồi hương. Nhưng dầu cho jăng hay Đuăng gì, nó cứ đồng gốc tổ với Blăng của Tây Tạng.

                              Nhưng người Chàm thường thêm danh từ EA trước Blăng; tức có nghĩa là Bà Trăng, cũng như Việt nói Ông Trăng vậy.

                              Danh từ Chàm EA là Nước không phải biến thể của tiếng Mã Lai Ayer. Đó là tiếng Lưỡng Hà có nghĩa là Nữ thần nước, thế nên nó mới đứng trước danh từ Blăng và có nghĩa thật đúng là Bà Trăng, Nữ thần Trăng.

                              Ta lại thấy rằng kẻ đến đất Chàm, không phải là Ấn Độ như các ông Tây tiền chiến đã viết. Theo khám phá mới thì đó là người Ba Tư gốc Nhục Chi.

                              Nhưng bọn Ba Tư Nhục Chi này lại có thể là gốc Lưỡng Hà, theo khám phá của riêng chúng tôi, chính vì danh từ EANước của người Chàm, bởi đó là danh từ Lưỡng Hà không thể chối cãi. Dân Ba Tư lại thờ Mặt Trăng.

                              Nhưng tôi tìm được hai ba chứng tích rằng Chàm do Lưỡng Hà khai hóa chớ không phải Ấn Độ (sẽ nói rõ ở chương Chàm).



                              *


                              Trong quyển Atlas ethnographique du globe, Paris, 1821, thấy ghi rằng vào năm đó, Việt Nam gọi TrăngBlăng, tức giống hệt Giarai, Chàm, Miến Điện, Tây Tạng. Và tiếng Việt rời xa gốc tổ không lâu lắm như ai cũng đã ngộ nhận.


                              Biểu số 77

                              Việt Nam kim: Trái
                              Việt Trung Cổ: Blái
                              Mường: Blái
                              Khả Lá Vàng: Plái
                              Bà Na: Plây
                              Mạ: Plái
                              Cao Miên: Ph’le
                              Thái: Pho-la

                              Chú ý: Trong ngôn ngữ Chàm thì Plây có nghĩa là Xứ, là Vùng. Ở Ninh Thuận có làng Chàm Plây Râm, tức Vùng rậm rạp, đã được Việt hóa thành làng Văn Lâm.

                              Danh từ Trái trên đây là của Mã Lai lưỡi rìu tay cầm đợt I, tức Lạc bộ Trãi. Dạng từ của Lạc bộ Mã là Bu Ả. Nhưng không phải là do Quò, Quó, Quả của Tàu vì khoa khảo tiền sử cho biết rằng lúc di cư thì Lạc bộ Mã thuần Mã Lai, không có hợp chủng, không có chịu ảnh hưởng Tàu.


                              Biểu số 78

                              Việt Nam: Về, Vìa (Nam kỳ)
                              Bà Na: Wia
                              Nam Giarai: Wit
                              Rađê: Wit
                              Mường: Vê
                              Chàm: Vơk
                              Cao Miên: Vil
                              Kơ Yong: Val

                              Một điều lạ lùng hết sức là người Bà Na với người Việt miền Nam đọc các danh từ quá giống nhau, sáng tác danh từ mới cũng quá giống nhau như Jông, Nhồng (Yểng) chẳng hạn, mà họ thì không hề có liên lạc với Bà Na trước năm 1954.

                              Nếu đọc quá giống một danh từ chung, ta có thể nghĩ rằng qua khỏi vĩ tuyến nào đó, dân Lạc phải đọc khác, và mọi người mọi nhóm đều đọc khác như nhau. Nhưng vấn đề sáng tác thì đã khác. Có lẽ hồi xưa, Bà Na và Việt miền Trung không sống riêng rẽ như ngày nay, và chính những người Việt miền Trung ấy đưa giọng đọc và danh từ vào Nam.


                              Biểu số 79

                              Việt Nam: Khạc
                              Bà Na: Kơhak
                              Cao Miên: Khac
                              Khả Lá Vàng: Khé


                              Biểu số 80

                              Việt Nam: Nhổ (Khạc nhổ)
                              Sơ Đăng: Kơ cổ
                              Bà Na: Kơ sỏ


                              Biểu số 81

                              Việt Nam: Rừng, Rừng rậm, Rừng rú
                              Mạ: Pri, Prưng
                              Cao Miên: Prây
                              Thái: Sây và Rú
                              Khả Lá Vàng: Brây, Bru
                              Chàm: Râm
                              Chàm: Rố (glai)

                              Chuỗi biến dạng có thể là từ cái gốc Ri của ai đó, ta truy chưa ra.

                              Ri biến thành Ru, Rú, Rố (glai) và Pri.
                              Pri biến thành Prưng, Prây và Rừng.

                              Ta thiếu mất cái khoen Ri không biết của dân tộc nào.

                              Tới Rừng thì có sự trở về nguồn. Việt Nam nhập Rừng với để làm Rừng Rú, rồi lại nhập Rừng với Rậm để làm Rừng Rậm.

                              Nhưng thì chỉ có hai tỉnh là Nghệ An và Hà Tĩnh là dùng mà thôi. Tại sao vậy? Có lẽ đó là ảnh hưởng Lào ở gần đấy. Ở quê hương của Nguyễn Du thì danh từ được dùng gần như đơn độc, ít có dùng Rừng lắm.

                              Ông H. Maspéro lại cho rằng chánh gốc là của Thái. Ông không biết Pri, BruPrưng để thấy được sợi dây chuyền của danh từ Rừng của ta.

                              Bác sĩ Reynaud ghi là Brai thì sai. Phải ghi là Prei trong Pháp văn mới đúng.

                              Ở đây có một sự kiện giống nhau lạ lùng giữa Mạ và Việt.

                              (Mạ) Prưng = (Việt Nam) Rừng

                              Dân Mạ quá nhỏ trong các bộ lạc khác, ở quá xa gốc chánh Việt Nam, cớ sao có sự kiện kỳ lạ như thế?

                              Mà đừng tưởng là họ biến Rừng của ta thành Prưng của họ. Họ có hai danh từ mà họ dùng khác nhau, tức họ đã có từ lâu nên mới được ghi sâu vào văn phạm của họ như vậy.

                              Thú rừng = Pom tahm pri
                              Gà rừng = Yhr prưng

                              Với thú thì Pri còn với cầm thì Prưng, họ cũng đã dùng khác nhau, trong nhiều trường hợp, và đó là bằng chứng không phải họ mới học với ta sau này. Vả lại họ học làm gì, khi họ đã có danh từ Pri rồi?

                              RốRâm đều là danh từ của Mã Lai đợt I của Chàm miền Bắc du nhập xuống Ninh Thuận, chớ danh từ của Mã Lai đợt II là Hu Tăng mà người Pháp biến thành Outang trong danh từ Orang-Outang (người vượn rừng).

                              Có thuyết cho rằng Lâm Ấp là tên mà Tàu phiên âm của Chàm miền Bắc là Râm Iếp, tức vùng Rậm rạp (Thừa thiên cổ thời).

                              Thuyết này có vẻ đúng hơn thuyết Lâm Ấp là sự co rút của Tượng Lâm Ấp.

                              Lâm Ấp là danh tự xưng thì phải là ngôn ngữ của Lạc Lồi, hoặc Lạc bộ Mã, của bọn Khu Liên, chớ không thể nào mà là tiếng Tàu được.

                              Vả lại Tàu gọi nơi ấy là Tượng Lâm, huyện chớ không bao giờ gọi là Tượng Lâm ấp. Trong ngôn ngữ Trung Hoa, danh từ ấp chỉ một vùng đất rất lớn, lớn bằng cả nước Việt Nam của ta, thí dụ An ấp, Lạc ấp đều là những vùng mà vua nhà Hạ, nhà Chu để dành cho họ đủ ăn, còn các ấp khác thì họ phong cho chư hầu. Huyện Tượng Lâm chỉ bằng một tỉnh Việt Nam nay thì không xứng đáng với danh từ Ấp của Trung Hoa đời Hán.

                              Cũng nên nhớ rằng Tàu luôn luôn thay âm R mà họ thiếu bằng âm L khi nào phải phiên âm danh xưng ngoại quốc. Vậy thì Râm biến thành Lâm là đúng. Ta cũng đã biết Plây râm thành Văn Lâm.

                              Thế thì còn danh từ Ngàn của Việt Nam do đâu mà ra? Chúng tôi hồ nghi nó do Utang của Mã Lai Nam Dương mà Pháp biến thành Outang, trong Orang-Outang.

                              Nhưng chúng tôi chỉ nói qua vậy mà thôi, muốn nối kết hai danh từ khác nhau, phải có đủ cả xâu chuỗi biến dạng, điển hình là danh từ Lợi của Việt Nam.

                              Danh từ Trời tuy thiếu mất một cái khoen của xâu chuỗi nhưng vẫn có xâu chuỗi đó. Còn với Utang và Ngàn thì chúng tôi tìm những khoen trung gian chưa ra. Nhưng nó vẫn phải có ở đâu đó, vì có đến 2.000 phương ngữ Mã Lai Nam Dương mà chúng tôi học đến bạc đầu cũng chưa xong.

                              Vậy xin nhường lại cho thế hệ sau để truy nguyên nguồn gốc của danh từ Ngàn mà không có nhóm nào có cả, trong các nhóm mà tôi đã học ngôn ngữ, kể cả bao nhiêu nhóm Thượng Cao nguyên vốn cũng đông vô số kể rồi.


                              Biểu số 82

                              Việt Nam: Rức
                              Giarai: Ruac
                              Bà Na: Rố
                              Rađê: Rứ
                              Chàm: Ruik
                              Mã Lai: Ruak


                              Biểu số 83

                              Việt Nam: Bay (lên trời)
                              Bà Na: Par
                              Giarai: Poor


                              Biểu số 84

                              Việt Nam: Ngáp
                              Cao Miên: Sngap
                              Bà Na: Sơ ngap
                              Giarai, Chàm: Hơap
                              Mã Lai Á: Kuap
                              Mã Lai Johore: Sa ngap


                              Biểu số 85

                              Việt Nam: Lột (vỏ)
                              Bà Na: Lok
                              Giarai: Lỏ


                              Biểu số 86

                              Việt Nam: Rét
                              Giarai: Rơot
                              Jêh: Root
                              Bà Na: Hrơt
                              Khả Lá Vàng: Dèt


                              Biểu số 87

                              Việt Nam: Sán (xơ mít)
                              Bà Na: Klan
                              Giarai: Tlaan


                              Biểu số 88

                              Việt Nam: Quăng, Quẳng
                              Sơ Đăng: Hoang
                              Jêh: Toual
                              Bà Na: Hoang


                              Biểu số 89

                              Việt Nam: Mây (Rotin)
                              Giarai: Hwây
                              Chàm: Hwây

                              Mặc dầu Chàm có danh từ này, nhưng đó là danh từ của Mã Lai đợt I do bọn Lâm Ấp đưa xuống. Tiếng Mã Lai đợt II mà đáng lý Chàm phải dùng là Rô Tăng (mà Pháp vay mượn, biến thành Rotin).


                              Biểu số 90

                              Việt Nam: Môi
                              Giarai: Boai
                              Cao Miên: Bobôô
                              Khả Lá Vàng: Bưa (Âm M của cổ Việt là B)


                              Biểu số 91

                              Việt Nam: La (hét)
                              Giarai: Laa
                              Cao Miên: Lôla


                              Biểu số 92

                              Việt Nam: Cành
                              Sơ Đăng Koirap: Kâng
                              Bà Na: To kơng
                              Sơ Đăng Tổng quát: Tkhơng
                              Cổ ngữ Ba Thục: Chảnh
                              Khả Boloven: Kưng


                              Biểu số 93

                              Việt Nam: Một
                              Mường: Môt
                              Cao Miên: Mui
                              Bà Na: Môny
                              Sơ Đăng: Môi
                              Khả Nam Om: Moy
                              Khả Boloven: Muôi


                              Biểu số 94

                              Việt Nam: Hai
                              Mường: Hai
                              Kơyong: Haai
                              Khả Nam Om: Hai


                              Biểu số 95

                              Việt Nam: Nhị
                              Khả Boloven: Bư
                              Cao Miên: Phải
                              Cổ ngữ Mân Việt: Ni, Nò
                              Bà Na: Nyi
                              Cổ ngữ Ba Thục: Nhi
                              Cổ ngữ Tây Âu: Dzi
                              Quảng Đông: Dzi
                              Tây Tạng: Ngi

                              Chữ Nhị này là một hình thức đề kháng của người Tây Âu khi họ bị đồng hóa thành Trung Hoa ở Quảng Đông. Đó cũng là danh từ chung của Mã Lai gốc Tây Tạng song song với danh từ Hai. Riêng Việt Nam, ta vừa dùng Nhị vừa dùng Hai. Đồng thời về Hán Việt ta cũng đề kháng mà nói Nhị chớ không nói theo Trung Hoa là Ơl.

                              Tất cả các nhóm Trung Hoa đều nói Ơn, Ờn, Ớn, chỉ trừ Mân Việt và Quảng Đông vì bị đồng hóa sau hết nên còn giữ được Ni, Dzi. Riêng nhóm Khách Gia tức Hakka, tức Hẹ, là Ba Thục, bị đồng hóa trước khi Tần Thỉ Hoàng lên ngôi, nhưng đây là nhóm chạy xuống lánh thân ở Quảng Đông nên cũng cứ giữ được Nhi của họ.


                              Biểu số 96

                              Việt Nam: Ba
                              Mường: Pa
                              Mạ: Pê
                              Sơ Đăng: Pii
                              Cao Miên: Pee
                              Khả Nam Om: Pa
                              Khả Boloven: Pê


                              Biểu số 97

                              Việt Nam: Bốn
                              Mường: Pươn
                              Khả Nam Om: Pon
                              Khả Boloven: Puôn
                              Bà Na: Pươn
                              Sơ Đăng: Puôn
                              Cao Miên: Puôn
                              Mạ: Puôn


                              Biểu số 98

                              Việt Nam: Năm
                              Mường: Kam
                              Bà Na: Pơđđm (ĐĐ Bà Na = NN của Việt Nam)
                              Cao Miên: Pram
                              Mạ: Prahm
                              Khả Nam Om: Đam


                              Biểu số 99

                              Việt Nam: Sáu
                              Mạ: Prao
                              Bà Na: Tdruao
                              Khả Boloven: Trau

                              Tất cả các nhóm Thượng đều có từ số 6 đến số 10, chỉ có Cao Miên là không có. Thế mà các ông Tây lại nói rằng tiếng Thượng là một phương ngữ phụ của Miên ngữ.


                              Biểu số 100

                              Việt Nam: Bảy
                              Mường: Pai
                              Khả Nam Om: Pay
                              Khả Boloven: Po
                              Mạ: Pỏ
                              Sơ Đăng: Pải
                              Bà Na: Pải
                              Jêh: Pải


                              Nguồn: Bách Bộc xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản điện tử do talawas thực hiện.
                               
                              http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11185&rb=08
                              <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.04.2008 05:42:58 bởi Ngọc Lý >
                              #28
                                Ngọc Lý 09.04.2008 05:46:56 (permalink)
                                Bình Nguyên Lộc
                                Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam


                                25/35


                                 
                                 
                                Biểu số 101

                                Việt Nam: Tám
                                Bà Na: Tơngaam
                                Mạ: Pàm
                                Kơ Yong: Tơham
                                Khả Nam Om: Sam
                                Khả Boloven: Tham
                                Jêh: Tam
                                Sơ Đăng: Tham
                                Xiêng tiêng: Pam
                                Giarai: Spam


                                Biểu số 102

                                Việt Nam: Chín
                                Mường: Chín
                                Mạ: Shin
                                Sơ Đăng: Chin
                                Kơ Yong: Chin
                                Bà Na: Tơsin
                                Khả Nam Om: Kin
                                Khả Boloven: Chin


                                Biểu số 103

                                Việt Nam: Mười
                                Mạ: Mơht
                                Mường: Mươi
                                Khả Nam Om: Muy
                                Khả Boloven: Chêt (Chục)

                                Đây là 10 con số của Mã Lai đợt I, Nam Dương là Mã Lai đợt II, nên 10 con số ấy của họ khác ta hết.


                                Biểu số 104

                                Việt Nam: Vật (Thú vật)
                                Cao Miên: Sât
                                Thái: Sât


                                Biểu số 105

                                Việt Nam: Lỗ
                                Bà Na: Lỗ
                                Giarai: Lủ
                                Mã Lai: Lubang
                                Cao Miên: Lô


                                Biểu số 103

                                Việt Nam: Còng, Vòng (tức cái xuyến đeo tay)
                                Cao Miên: Kong
                                Giarai: Kuung
                                Bà Na: Kuay


                                Biểu số 107

                                Việt Nam: Đốt
                                Rađê: Đuic
                                Bà Na: Tơk
                                Jêt: Têk


                                Biểu số 108

                                Việt Nam: Gió
                                Hrê: Yau
                                Sơ Đăng: Kơya
                                Nhựt Bổn I: Kazi
                                Nhựt Bổn II: Thôyò
                                Khả Boloven: Yưll
                                Mã Lai Á: Bayu


                                Biểu số 109

                                Việt Nam: Năm (Année)
                                Cao Miên: Chonam
                                Bà Na: Đđam


                                Biểu số 110

                                Việt Nam: Thêm
                                Cao Miên: Thêm
                                Giarai: Thiam
                                Bà Na: Tam


                                Biểu số 111

                                Việt Nam: Gầy
                                Rơn Gao: Rơnghi
                                Sơ Đăng: Rơghi
                                Mạ: Rgay
                                Khả Boloven: Srầy

                                Người Mạ không hề có tiếp xúc với Bắc Việt, chỉ gần Nam Việt thôi còn Nam Việt nói ốm chớ không bao giờ nói gầy. Vậy mà Mạ và Bắc Việt vẫn có chung danh từ với nhau, tức đồng gốc tổ rồi vậy.


                                Biểu số 112

                                Việt Nam: Muỗi
                                Cao Miên: Mú
                                Bà Na: Mỏi
                                Giarai: Moả
                                Mã Lai: Mok


                                Biểu số 113

                                Việt Nam: Đan
                                Giarai: Laam
                                Bà Na Rơbang: Klan


                                Biểu số 113 bis

                                Việt Nam: Nửa, Rưởi
                                Rađê: Nả
                                Cao Miên: Kamlả


                                Biểu số 114

                                Việt Nam: Xơi
                                Cao Miên: Xi, Sa
                                Khả Boloven: Cha
                                Cổ ngữ Mân thứ 7 trong Thất Mân (Triều Châu): Chia
                                Mạ Biên Hòa: Saa
                                A Ka Lông: Haa


                                Biểu số 115

                                Việt Nam: Ăn
                                Mường: An
                                Cao Miên: Ănh
                                Khả Nam Om: An
                                Khả Lá Vàng: An
                                Mã Lai: Mak An

                                Tôi rất bối rối trước hai nhóm danh từ có nghĩa là Ăn. Nếu lấy Mark-An của Mã Lai Nam Dương làm cái mốc thì Ăn đích thị là danh từ của Mã Lai đợt II.

                                Thế nhưng Mân Việt, Lạc bộ Mã, cũng là Mã Lai đợt II lại nói Chìa, đồng gốc với động từ Mã Lai đợt I là Cha của Khả Boloven, Sa của Cao Miên?

                                Trong xã hội Mân Việt không thể có hai đợt Mã Lai như trong xã hội Cao Miên hoặc Việt Nam mà danh từ của đợt nào, có mặt cũng không làm cho ai ngạc nhiên hết. Ở Mân Việt chỉ có độc một đợt là đợt II, đợt Lạc bộ Mã, con dân của Câu Tiễn.


                                Biểu số 116

                                Việt Nam: Nhắm
                                Việt Nam: Liếm (Ăn theo lối chó ăn)
                                Mường: Lam
                                Cao Miên: Nham
                                Rađê: Miam (Ăn)
                                Bà Na: Miam (Ăn)
                                Mã Lai Á: Nyam (Ăn tiếng nói của trẻ con)
                                Mã Lai Á: Minum (Uống)
                                Cổ ngữ Đông Âu (Phúc Kiến): Lim (Ăn và Uống)
                                Mã Lai Phi Luật Tân: Mi miom (Ăn)

                                Thật ra thì Nhắm là uống hơn là ăn, nhưng vẫn có ăn thế nên Đông Âu dùng tiếng đó vừa chỉ ăn mà cũng vừa chỉ uống.


                                Biểu số 117

                                Việt Nam: Cà
                                Chàm: Kán (Âm Án đọc theo Bắc Việt tức như Ál của Pháp)
                                Mường: Ka
                                Sơ Đăng: Kaa
                                Khả Lá Vàng: Aka
                                Khả Boloven: Ca
                                Thái: Blá
                                Nhựt Bổn: Sakána
                                Mã Lai: I-Kán (Chữ N cuối cũng đọc như Bắc Việt hoặc như L của Pháp)


                                Biểu số 118

                                Việt Nam: Ghe
                                Cao Miên: Thwe (ghe chài loại to lớn)
                                Mã Lai: Gav

                                Chúng tôi đã cho thấy rằng Bắc Việt chỉ mới mất những danh từ thuần Việt là Bông, Trái, Muỗng, Ghe vào đầu đời Thanh vì lưu vong nhà Minh tràn ngập vùng đó (Khâm Định Việt Sử, Bản dịch Langlet).

                                Thế nên không ai biết Hòn Gay là cái gì. Có lẽ đó là cái đảo mà ngày xưa là Bến Ghe thương hồ, và nó ăn khớp phần nào với Kattigara của Ptolémée, chớ Kattigara không thể là Oc Eo như ông Melleret đã viết.

                                Kathi có thể nào là Kẻ Thị chăng? Vâng, Kẻ ThịKẻ Chợ cũng thế thôi. Và Kathi GaraKẻ Thị Gay, tức thành phố ghe thuyền, tức thương cảng.

                                Cũng nên biết rằng Ptolémée đến nơi đó vào cuối thế kỷ thứ II S.K., thế nghĩa là ta bị Mã Viện chinh phục gần hai trăm năm rồi, và sự vay mượn danh từ Thị đã xảy ra rồi.

                                Hoặc Kattti hay KathiCái Xị của Quảng Đông không chừng, vì dân cổ Tây Âu đã tràn sang đó để buôn bán vì bị trị trước và vì thạo thương mãi hơn ta.

                                Dầu sao, không vì thế mà Kattigasa lại nằm trong tỉnh Quảng Đông như có nhiều ông Tây đã nói, vì Gara không ăn vào với địa danh nào cả trừ với GayHòn Gay mà thôi.

                                Kattigara cũng không thể là Oc Eo như ông Melleret đã viết vì ông R.A. Stein đối chiếu sự miêu tả cảnh vật của Ptolémée thì thấy nó không ăn khớp với vùng Oc Eo tí nào cả.


                                Biểu số 119

                                Việt Nam (kim): Trầu
                                Việt Nam Trung cổ: Tlù
                                Mường: Plù
                                Cao Miên: Mìu
                                Bà Na: Bơaou
                                Sơ Đăng: Graou
                                Mã Lai: Brao


                                Biểu số 120

                                Việt Nam: Ta
                                Giarai: Ta
                                Chàm: Kiểm tra (?)
                                Mã Lai: Kita (chỉ có nhà vua mới được dùng)
                                Mã Lai Kelantan: Kita (thường dân cũng được dùng)


                                Biểu số 121

                                Việt Nam: No tức Đâu (No Nao = Đâu nào)
                                Cao Miên: Na
                                Mường: No


                                Biểu số 122

                                Việt Nam: Mặc (áo)
                                Bà Na: Bak
                                Giarai: Bak

                                Ba thí dụ dưới đây làm cho thuyết của giáo sư Lê Ngọc Trụ bị xáo trộn, như đã trình bày về vụ người Mường “Chàm thau” từ ngàn xưa, và về sự chiết tự chữ Nỗ của Tàu.

                                Chúng tôi xin lặp lại, cho đoạn này được trọn bộ, mặc dầu cả ba bản đều đã trình ra rồi ở đoạn trước nhơn một dịp khác.


                                Biểu số 123

                                Việt Nam: Chìm
                                Chàm: Tram
                                Cao Miên: Tram
                                Giarai: Ram
                                Bà Na: Kham
                                Mã Lai: Kram
                                Thái: Đâm

                                Chú ý: Tram của Chàm cũng có nghĩa là Ngâm (nước).


                                Biểu số 124

                                Việt Nam: Đâm
                                Bà Na: Tam
                                Mường: Chàm
                                Chàm: Tơm
                                Mã Lai: Tơm

                                Chú ý: Cả hai tiếng ChìmĐâm, giáo sư Lê Ngọc Trụ đều cho rằng do Hán Việt TrầmChâm mà ra.


                                Biểu số 125

                                Việt Nam: Ná, Nỏ
                                Cao Miên: Snả
                                Mạ: Na
                                Bà Na: Hôm nay
                                Sơ Đăng: Mnáa
                                Giarai: Hnáa
                                Thái: Nảa
                                Mã Lai: P’nả


                                Biểu số 126

                                Việt Nam: Tên (cung tên)
                                Mã Lai: Tiang

                                Sự thật thì danh từ đúng là Anak P’na nghĩa là Con của cây Nỏ, còn danh từ Tiang chỉ là cây dài, nhọn. Nhưng cả hai danh từ ấy lại để chung, mặc dầu định nghĩa khác nhau, trong tự điển Mã Lai. Ta có thể hiểu rằng như thế có nghĩa là mượn nghĩa qua lại được.

                                Giáo sư Lê Ngọc Trụ vì chủ trương rằng Ná, Nỏ do Nỗ của Tàu mà ra, nên ông bắt buộc phải chủ trương rằng Tên do Tiễn của Tàu mà ra.

                                Nhưng về động từ Bắn dưới đây thì ông không còn biết làm sao để lôi kéo ta vào Tàu được nữa vì BắnXạ khác nhau quá xa, chớ nếu động từ Tàu mà rủi ro là Bạn, Bằng gì đó thì nhứt định ông đã bắt ta làm bà con với Tàu rồi.


                                Biểu số 127

                                Việt Nam: Bắn
                                Cao Miên: Panh
                                Thái: Puen
                                Mạ: Panh
                                Mã Lai: Panaa


                                Biểu số 128

                                Việt Nam: Nhà
                                Trung Việt nông thôn: Yà
                                Mường: Nha
                                Kơ Yong: Nyia
                                Khả Lá Vàng: Honiơm
                                Jêh: Niơ
                                Sơ Đăng (K. Bring): Hnhây
                                Rơn Gao: Hnyê
                                Lamet: N’a
                                Khả Boloven: Túp (lều tranh)

                                Ta có thể hồi phục lộ trình biến dạng như sau:

                                Hnyê biến thành Hnhây
                                Hnhây – Niơ và Hniơm
                                Niơ. Hniơm – Nyia
                                Nyia – Na Ya và Nha
                                N’a, Nha, Ya – Nhà


                                Biểu số 129

                                Việt Nam: Mặt
                                Cao Miên: Múk
                                Mã Lai: Muka
                                Mạ: Mat
                                Bà Na: Maa
                                Sơ Đăng: Hơmaa
                                Khả Lá Vàng: Mat

                                Cũng có nghĩa là phía tay mặt (tay phải)

                                Tự điển Anh-Mã của R. O. Winstedt ghi rằng Muka là danh từ gốc Phạn ngữ. Chúng tôi cho rằng đây là trùng hợp ngẫu nhiên, y hệt như người Khả Lá Vàng nói AiTôi như Anh. Dân Mã Lai đợt nhì di cư xuống Nam Dương thì đã tiến đến thời đại đồng thau rồi, không lẽ lại không có danh từ Muka để phải vay mượn của Ấn Độ.

                                Dân Lạc Việt đã phải vay mượn không cần thiết, thí dụ Đùi = Thùi là vì bị thực trị, còn Mã Lai thì không bao giờ bị Ấn Độ xâm lăng cả thì họ chỉ mượn những gì họ không có mà thôi.

                                Người mà ta gọi là da đỏ Maya ở Nam Trung Mỹ có vài danh từ giống hệt Do Thái. Nhưng các nhà chủng tộc học, dân tộc học và ngôn ngữ học vừa khám phá ra họ là Mã Lai đợt II.

                                Và cũng xin nhắc lại rằng cái thuyết của thế kỷ XVIII cho rằng nhơn loại đồng gốc tổ, nên tất cả các ngôn ngữ đều đồng một vốn cũ, nay đã thấy là sai rồi. Những trùng hợp lẻ tẻ, chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, chớ không phải là đồng tổ.

                                Không có lý nào mà cho rằng người Khả Lá Vàng đồng gốc với Ăng Lê được chỉ vì đại danh từ ngôi thứ nhất của hai dân tộc đều là Ai.

                                Paddy, Ananas của Pháp là danh từ Mã Lai Mỹ Châu, Pháp mượn mà không khai ra trong tự điển của họ, khiến ngày kia có người sẽ nói là Mã Lai vay mượn của Pháp đấy. Mã Lai có danh từ Đua có nghĩa là Hai, Đôi, Song, Cặp mà Việt Nam biến thành Đũa (ăn cơm) Latinh, Pháp cũng có Dualis, Dualité, cũng đồng nghĩa với Đua của Mã Lai, nhưng không vì thế mà Mã Lai là La Tinh, hoặc là Pháp bao giờ cả.

                                Sự trùng hợp ngẫu nhiên có rất thường trong ngôn ngữ, nhưng phải trùng hợp vài trăm từ sắp lên kia mới là đồng tông, chớ chỉ có vài từ thì chỉ là trùng hợp buồn cười vậy thôi.


                                Biểu số 130

                                Việt Nam (Bắc): Hắc
                                Thái: Harak
                                Sơ Đăng: Harak
                                Bà Na: Harak
                                Việt Nam (Trung và Nam): Lác
                                Chàm: Laak
                                Mã Lai Sumatra: Haarraak
                                Sơ Đăng: Harak Lao (Hắc của người Lào)
                                Bắc Việt: Hắc Lào


                                Biểu số 131

                                Việt Nam: Lạ
                                Mã Lai Á: Lu ạ
                                Mã Lai Sumatra: Lahi
                                Môn, Miến: Lạ

                                Chúng tôi có ám chỉ đến lối đọc tiếng Lạ của tài tử Anh Tuấn (gốc miền Bắc) trong Tivi. Ông ấy đọc là Lạ-a (hai âm). Mà như vậy là đúng với gốc Mã Lai Lu-Ạ (hai âm), tức tài tử đó đọc theo cổ Việt vốn là nhị âm, còn ta thì độc âm hóa tiếng Lu-Ạ thành Lạ.

                                Hai ngàn năm đã qua rồi, mà sự độc âm hóa của Mã Lai ngữ trong xã hội Việt Nam chưa hoàn thành và còn để lại dấu đây đó, nơi ông Anh Tuấn.


                                Biểu số 132

                                Việt Nam: Mưa
                                Mạ: Mui
                                Mường: Mừa
                                Khả Lá Vàng: Mừa


                                Biểu số 133

                                Việt Nam: Mây
                                Mường: May
                                Cao Miên: Mêk (cũng có nghĩa là Trời)
                                Cổ ngữ Ba Thục: Mui
                                Thái: Mek

                                Trên đây là danh từ của nhóm Mã Lai lưỡi rìu tay cầm, gốc Hoa Bắc dưới đây là danh từ của nhóm Mã Lai lưỡi rìu hình chữ nhựt gốc Hoa Nam.


                                Biểu số 134

                                Việt Nam: Vân
                                Cổ ngữ Tây Âu: Wàl
                                Quảng Đông: Wàl
                                Khả Lá Vàng: Wil
                                Mã Lai: Awan

                                Toàn thể người Việt Nam đều ngỡ Vân là Hán Việt. Nhưng sự thật đó là tiếng Mã Lai, do nhóm Mã Lai Tây Âu giữ được. Chúng tôi đã đưa ra nhiều thí dụ rằng người Quảng Đông (tức cổ Tây Âu bị Hoa hóa) tuy nói tiếng Tàu sai giọng chút ít, nhưng vẫn cố giữ được non trăm danh từ cổ Tây Âu, vì tinh thần tiêu cực đề kháng. Mây, tiếng Trung Hoa kinh đô (Quan Thoại) là Diễn. Quảng Đông vẫn phải viết y như người Tàu chánh hiệu, nhưng thay vì đọc trại chút ít, họ đọc cái chữ Diễn đó bằng ngôn ngữ Mã Lai Wàl tức là Awan, mất chữ A đầu.

                                Các “Man di” Tây Âu, lẫn “Man di” Lạc Việt đều đề kháng y như nhau, viết y như Tàu nhưng không chịu đọc như Tàu nhưng sai chút ít, theo thường lệ, mà đọc là Wàl, là Vân tức giữ gốc tổ Awan.

                                Mà đừng tưởng là Mã Lai đợt II đã học của Tàu. Khoa khảo tiền sử đã cho biết với đầy cả chứng tích là bọn đó là Mã Lai Hoa Nam còn thuần túy là Mã Lai, lúc di cư.

                                Chúng tôi có nói bằng chứng. Chữ đó, Quan Thoại đọc là Diễn mà âm D của Quan Thoại chỉ biến thành âm D của Quảng Đông và Ng của Quảng Đông chớ khônh bao giờ biến thành âm W cả, Diễn không thể biến thành Wal được, theo cái luật biến nói trên.

                                Một lần nữa, ta thấy Âu, tức Thái, tức Quảng Đông, mặc dầu là bọn lưỡi rìu tay cầm, có mượn vài danh từ của Lạc đợt II như Nghen là Trời, Nả là Mẹ và WàlMây.

                                (Không thể nói ba danh từ đó là danh từ chung cho cả hai đợt, mà có bằng chứng là danh từ riêng của đợt II).

                                Nhưng không vì thế mà chủ trương rằng Hán Việt do Quảng Đông mà ra. Đã bảo không bao giờ có Quảng Đông ngữ cả. Chỉ có cổ Tây Âu ngữ tức Thái ngữ và Hoa ngữ do Thái Lưỡng Quảng đọc sai chút ít.

                                Còn tại sao Việt và Quảng Đông lại khá giống nhau trong lối đọc Wàl, Vân thì rất dễ hiểu. Cả hai đều vay mượn Awan và đều biến gần giống Awan vì họ sống khít vách nhau.


                                Biểu số 135

                                Việt Nam: Lu (đựng nước)
                                Mường Cao Miên: Tr’lu
                                Khả Lá Vàng: Tru


                                Biểu số 136

                                Việt Nam: Bông
                                Mã Lai: Bônga
                                Chàm: Bơngư
                                Mường: Pong
                                Khả Lá Vàng: Pươ
                                Nhựt Bổn: Bana
                                Cao Miên: Chxba

                                Cao Miên còn một danh từ nữa là Phôka. Nhưng đó vay mượn Fóa của Quảng Đông. Người Chàm là Mã Lai chánh hiệu, nhưng lại biến xa hơn Việt về danh từ này. Giữa Bông của Việt và Bơngư của Chàm, thì Bông gần với Bônga của Mã Lai hơn.

                                Nhưng theo một người bạn Chàm thì khi xưa người Chàm vẫn nói là Bônga. Và người bạn ấy kể một chuyện rất lạ về tên của vua Chế Bồng Nga.

                                Đó là một cái tên hỗn loạn mà người Việt đã phiên âm bậy bạ chớ vương hiệu và tên cúng cơm của ông ấy không phải là thế.

                                Về Vương hiệu, thì ta nhìn nhận, vì các nhà khảo cổ Pháp đã cho biết đúng Vương hiệu của Chế Bồng Nga là gì.

                                Còn về tên cúng cơm của ông ấy, không ai biết cả. Người Việt Nam đã phiên âm danh từ Phạn Cri thường được đặt trước Vương hiệu các vua Cao Miên, Phù Nam và Chàm, thành ra là Chế.

                                Tới đây thì đã ổn. Nhưng người Việt Nam thuở đó lại không biết cả vương hiệu của ông ấy nữa chớ đừng nói là tên cúng cơm vì hai bên cắt đứt liên lạc ngoại giao với nhau tức khắc khi ông ấy lên cầm quyền.

                                Người Việt tưởng Chế là Vua (và cũng đúng phần nào) nên thêm vào đó là tên nước, mà tên nước của Chàm là Bônga Chămpa, tức Bông Sứ, Bông Đại, để diễn cái ý Vua của Chàm.

                                Vậy vì không biết, nên Việt gọi ông ấy là vua của nước Bônga Chămpa. Nhưng quá dài, nên Việt tự ý bỏ Chămpa, chỉ còn Chế Bônga mà thôi.

                                Mà Việt thì đã bị Hoa hóa sâu đậm rồi, viết Bônga thành chữ Nho không được nên lại tự ý biến Cri Bônga thành Chế Bồng Nga, hai tiếng Bồng Nga thì viết bằng chữ Nho được mà cũng không xa Bônga lắm.

                                Vậy đó là ba tiếng phiên âm, nhưng chỉ có tiếng đầu mới dính líu đến vua, còn hai tiếng sau thì dùng để trỏ tên nước vì họ không biết tên vua, cũng không biết vương hiệu, tức hai tiếng phiên âm sau chẳng dính líu gì đến tên hay hiệu của ông đó cả.

                                Một lần nữa, ta thấy rằng tiếng Chàm Ninh Thuận không phải là tiếng Chàm chánh hiệu, mà có thể chỉ là ngôn ngữ Phù Nam vì như đã nói, lãnh thổ Phù Nam ăn ra tới Khánh Hòa.

                                Địa danh Ba Ta Ngan và nhân danh Bônga đã cho thấy là Chàm ở trên, nói Mã Lai đúng giọng, còn Chàm Ninh Thuận thì nói sai quá xa.


                                Biểu số 137

                                Việt Nam: Cù lao
                                Mạ: Cu rao
                                Mã Lai Igorote: Cu rao
                                Chàm: Pi’lao
                                Mã Lai Á: Pu lô
                                Khả Lá Vàng: K’lô
                                Thái: Kốc
                                Cao Miên: Kốc

                                Có lẽ đây là danh từ chung cho cả hai đợt chớ không phải là danh từ riêng của đợt II. Sự biến dạng như sau:

                                Kốc biến thành Kốc Lô
                                Kốc Lô – K’Lô
                                Kốc Lô - Pulô
                                Pulô – CuRao
                                Cu Rao – Cù Lao

                                Tất cả các hòn đảo ở bờ biển Nam và Trung Việt cho tới Quy Nhơn, đều được Pháp gọi là Poulo. Nên biết rằng người Âu châu đến nước ta từ năm 1650, và họ đã đặt tên các đảo ấy trước khi xâm lăng. Có lẽ họ đặt tên theo hướng dẫn viên Phi Luật Tân chăng?

                                Nhưng không, ta thấy là các đảo ấy được đặt tên theo nghề nghiệp, theo thổ sản, thí dụ Poulo Gambir có nghĩa là Đảo Cau Mứt, Poulo Obi, Đảo Khoai, thì bọn thông ngôn Phi Luật Tân khó lòng thủ được vai trò nào bởi phải có sống lâu ở đó mới biết sanh hoạt của dân chúng.

                                Vả lại Phi Luật Tân nói là Cu-Rao chớ không hề nói là Poulo bao giờ cả mà nghĩ rằng chính họ đặt tên những cái Poulo đó.

                                Vậy họ phải đặt theo lối gọi của dân địa phương, tức của Chàm và Phù Nam. Thế nghĩa là người Phù Nam tồn tại vào thời đó, vì những danh từ Poulo, Obi, v.v. Cao Miên không có.

                                Từ Phú Quốc lên tới Quy Nhơn, có hai thứ dân địa phương là Phù Nam và Chàm, vậy Phù Nam nói cùng một thứ tiếng với Chàm, và danh từ đó quả là Pu-lô, bằng chứng là hồi cổ thời Tàu đã phiên âm đảo Chàm ở Quảng Nam là Chiêm Phù Lao, phiên âm có sai đôi chút cũng còn gần sự thật, mà sự thật có thể là Ph’lao. Thế nên trên biểu đối chiếu, trước tiếng Chàm, chúng tôi để là Ph’lao là phỏng theo lối phiên âm của Tàu đời xưa mà không so lại với lối đọc của Chàm thời nay, thấy là đã sai cả rồi khác rất xa lối đọc cách đây mấy trăm năm của Chiêm Thành.

                                Nhưng người Mạ mà chúng tôi hồ nghi là dân Phù Nam sống sót lại đọc là Cu-Rao, giống hệt Phi Luật Tân, chớ không là Pu-lô. Nhưng cũng có thể là vì sống chung với ta mấy trăm năm, họ biến giọng đi.

                                Chỉ cần 50 năm là một dân tộc đọc sai cả rồi. Hiện người miền Nam, chịu ảnh hưởng của Pháp đọc Ph giống F trong khi Ph Việt Nam khác xa F không như trong ngôn ngữ của Pháp.

                                Các cô ca sĩ đầu tiên cách đây 25 năm đều xuất thân ở trường đầm. Họ đọc I giống hệt của Pháp. Họ được hoan nghinh hóa ra ngày nay đa số người Việt miền Nam đọc chữ I đã sai rồi. Chữ Ch cũng vì các cô đó mà sai tuốt, các cô đọc như Ti của Pháp.

                                Những địa danh Chàm ở Trung Việt, được Pháp ghi trong dư đồ Việt Nam chưa lâu, thế mà nay không còn ăn khớp với lối đọc của Chàm nữa, ta biết được nó là gì, chỉ nhờ thuở xưa nó giống Nam Dương, và ta đã học tiếng Nam Dương nên mới truy ra được, chớ cả một số người Chàm cũng không biết đó là gì, bởi họ đã đọc khác rồi mà trường hợp điển hình hơn cả là trường hợp mũi Bantagan ở Quảng Ngãi.

                                Nam Dương: Tangan = Tay
                                Kim Chàm: Tơngưl = Tay

                                Pháp không ghi là Cap Batơngưl thì tức là người Chàm năm 1860 không đọc là Batơngưl như ngày nay.

                                Ngôn ngữ biến như vậy, thế mà ta truy ra được tiếng ta là tiếng Mã Lai thật quá may mắn. Danh từ Kưala sôngai = Cửa sông, ở Mã Lai Á thì thế, thế nhưng đi có vài cây số đường biển sang Sumatra, nó đã biến thành Mưala sôngai. Nếu không có cái khoen Mã Lai Á thì ta đã bị tịt ngòi trong việc tìm ngữ căn của danh từ Cửa.



                                *


                                Danh từ của Thái và Miên tuy hơi khác, nhưng vẫn thấy được là cùng gốc tổ Mã Lai là từ Kốc sang Cu Rao có cái khoen trung gian K’lô của Khả Lá Vàng.

                                Chúng tôi không tin là dân Phù Nam đã bị đồng hóa với Cao Miên vào giữa thế kỷ XVII mà ta di cư tới Nam Kỳ. Một dân tộc phải mất một ngàn năm mới đồng hóa được một dân tộc khác, mà phải thật văn minh kia, còn Cao Miên thì không giỏi lắm. Hơn thế, ở một chương khác chúng tôi sẽ đưa ra khám phá của một nhà khảo cổ cho biết khi diệt quốc Phù Nam, Chân Lạp chỉ chiếm được đất Cao Miên ngày nay, chớ không chiếm được đất Nam Kỳ. Vậy Pu Lô phải là danh từ của Phù Nam tức Phù Nam nói y hệt như Nam Dương.


                                Biểu số 133

                                Việt Nam: Măng (tre)
                                Mạ: Pang
                                Cao Miên: Pang


                                Biểu số 139

                                Việt Nam (kim): Trâu
                                Việt Nam Trung cổ: Tlu
                                Mường: Tlu
                                Khả Lá Vàng: Salu

                                Đó là danh từ của Mã Lai đợt I Xy Vưu, Hùng Vương. Còn danh từ của Mã Lai đợt II là:

                                Mã Lai: Kả Bô
                                Chàm: Ku Bao
                                Thái: Kawi
                                Cao Miên: Kà Bây
                                Mạ: Kà Bây

                                Khoa khảo tiền sử cho rằng Môn và Khơ Me thuộc Mã Lai đợt I, chúng tôi kiểm soát bằng ngôn ngữ và quả thấy như vậy.

                                Nhưng biểu đối chiếu trên cho thấy một chi tiết khác là họ vẫn có dùng danh từ của Mã Lai đợt II.

                                Danh từ này có lẽ đi vào ngôn ngữ Cao Miên qua dân Phù Nam. Cao Miên diệt Phù Nam, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng Phù Nam phần nào.



                                *


                                Một động từ cho Cao Miên và Chàm khiến chúng tôi ngẩn ngơ:

                                Chàm: Ngáp Kubao = Giết trâu
                                Cao Miên: Sláp Kabây = Giết trâu

                                Động từ Ngáp, Sláp là giết, chúng tôi tìm khắp các đảo Mã Lai, không đâu có cả mà cũng không phải là động từ đợt I, động từ đợt I là Giết, Ket, Pchkét, v.v.


                                Biểu số 140

                                Việt Nam: Chiều
                                Cổ ngữ Ba Thục: Chiếu
                                Cổ ngữ Tây Âu: Châu

                                Tiếng Trung Hoa chánh gốc, Buổi Chiều, họ viết là Hạ Ngọ, tức sau giờ Ngọ, đọc là Xá Wùa.

                                Bị đồng hóa, dân nước Ba, nước Thục và nước Tây Âu tiêu cực đề kháng, tuy bắt buộc bị nói tiếng Tàu, họ phải viết là Hạ Ngọ nhưng cứ đọc là Hà Chiếu, Hà Châu, theo gốc tổ Mã Lai trong cái gốc tổ ấy dĩ nhiên làm gì có Hạ, bởi Sau Ngọ thì được chớ Sau Chiều thì không có nghĩa gì hết. Nhưng hiện người Hẹ và người Quảng Đông nói như thế, tức nói Sau Chiều, nhưng lại nói bằng một danh từ kỳ dị gồm một tiếng Tàu Hạ, mà họ đọc là , và một tiếng Thái là Chiếu, là Châu.

                                Danh từ Chiều thì ta dùng của đợt Mã Lai I, nhưng danh từ Sáng thì ta lại dùng của Mã Lai II. Đó là một sự hợp tác ngộ nghĩnh tại địa bàn Hồng Hà làm vừa lòng cả hai đợt.


                                Biểu số 141

                                Việt Nam: Sáng (buổi sáng)
                                Mã Lai: Siang
                                Thái: Rong sáng (tức Rạng sáng)

                                Biểu đối chiếu này cũng cho thấy một điều kỳ dị là Âu tức Thái cũng có danh từ của Lạc. Có lẽ nước Tây Âu cũng có tiếp thu một mớ Lạc chạy giặc Sở, vì Thái có Nghén, một biến thể của Langít Nam Dương mà Cao Miên biến thành Nghít.

                                Nhưng Rạng Đông thì ta trở lại dùng danh từ của đợt I.


                                Biểu số 141 bis

                                Việt Nam: Sớm mai
                                Nhựt Bổn:Yoakê Maê


                                Biểu số 142

                                Việt Nam: Xóm
                                Cổ ngữ Ba Thục: Xâm
                                Mã Lai Célèbes: Tsăm

                                Bi
                                ểu số 143

                                Việt Nam kim (toàn quốc): Nước
                                Việt Nam kim (Bình Trị Thiên): Nác
                                Mường: Đák
                                Khả: Đák
                                Bà Na: ĐĐák
                                Sơ Đăng: ĐĐak
                                Xi Tiêng: Đáa
                                Mã: Đạa
                                Mã Lai Phi Luật Tân: Đanum
                                Cao Miên: Tứk
                                Mã Lai Á: Banyu

                                Chữ U trong Đanum và Banyu của Mã Lai ghi trên đây, nên đọc như chữ U của Việt Nam.

                                Sự biến dạng như sau: Đạ-Đá-Đák-Nác-Nước-Tứk-Banyu.

                                Đó là danh từ của Mã Lai đợt I. Mã Lai đợt I còn một danh từ nữa là Nam, chỉ được dân Thái dùng.

                                Danh từ của Mã Lai đợt II là:

                                Mã Lai: Ayer
                                Nhựt Bổn: Ây
                                Chàm: Ea
                                Rađê: Ia
                                Giarai: Ya

                                EA của Chàm, đọc thật nhanh, và nghe YA của Giarai.

                                Ở các đảo Mã Lai, Nam biến thành JAM. Như vậy ở các đảo Mã Lai vẫn có dùng danh từ đợt I, có lẽ đó là ảnh hưởng của Célèbes là đất của đợt I.

                                Nhưng như đã nói, chúng tôi không tin rằng EA của Chàm là biến thể của Ayer của Mã Lai đợt II ở Nam Dương, vì đó là danh từ Lưỡng Hà có nghĩa là NướcNữ Thần nước mà Chăm thì cũng dùng EA với cả hai nghĩa đó, thí dụ EA BlăngBà Trăng, Nữ Thần trăng.

                                Chúng tôi lại tìm được nhiều dấu vết Lưỡng Hà nữa trong xã hội Chàm và sẽ kể ra ở chương “Chàm”.

                                Ây của Nhựt Bổn mà Tây viết là EI để đọc cho đúng giọng Nhựt Bổn thì mới là không thể chối cãi là biến dạng của Ayer.

                                Trong xã hội Nhựt Bổn họ cũng dùng hỗn loạn danh từ của đợt I (như Kazi là Gió) và danh từ đợt II (Ây là nước) vì ở đó có cả hai đợt Mã Lai y hệt như ở Việt Nam và Chàm.

                                Nhưng ở Đại Hàn thì chỉ có Mã Lai đợt I mà thôi. Tuy nhiên, ở cực Nam Đại Hàn, thuở xưa có một tiểu vương quốc hé tí Hồ Nam mà sử của Tây của Tàu không có nói đến. Đó là tiểu vương quốc Nhiệm Na. Đó thuộc địa của Nhựt và ở đó thì có danh từ của cả hai đợt Mã Lai, vì ảnh hưởng Nhựt sâu đậm ở đó.

                                Trong nhiều xã hội Mã Lai, Nước cũng dùng để chỉ Sông, thí dụ nơi người Thái, người Chàm, người Thượng và cả các đảo Mã Lai nữa.

                                Sự kiện này không lạ lắm vì hình như dân tộc nào, lúc sơ khai, cũng dùng danh từ như vậy, chỉ có khác là có dân tộc đã bỏ lối cũ, có dân cứ còn giữ hoài.

                                Hiện ở Việt Nam, cũng có vài con sông được gọi là Nước. Ở Trung Hoa cũng có nhiều con sông được gọi là Thủy.

                                Nên nhớ là trong ngôn ngữ Trung Hoa, Giang ban đầu không phải là danh từ mà tên riêng của sông Hoàng Hà và sông Dương Tử. Sông Hoàng Hà đến đời nhà Chu, vẫn còn bị gọi là Hà Thủy (xem lại Xuân Thu và Tả Truyện: Năm U Vương thứ ba Kinh Thủy, Hà Thủy và Lạc Thủy đều cạn nơi nguồn”.

                                Ngày nay thì họ dùng Thủy để chỉ những con sông nhỏ, bất luận tánh cách, chớ không phải phụ lưu được gọi là Thủy, mà hễ nhỏ thì mặc dầu đổ thẳng ra biển cũng được gọi là Thủy, y hệt như dân Mã Lai.

                                Ba tên riêng Hà, GiangHoài bị biến thành danh từ, nhưng không vì thế mà Thủy mất địa vị, bởi đôi khi họ cũng gọi sông Dương Tử là Giang Thủy.

                                Nhưng sự kiện dưới đây mới là lạ. Người Giarai đọc tiếng EA của Chàm nhanh đến mức y như Ya. Nhưng ở quanh Ban Mê Thuột có những con sông tên là EA YA này, EA KRONG nọ.

                                Hễ EA thì không còn Ya nữa làm gì, mà hễ EA rồi thì cũng không còn Krong làm gì nữa, thế mà dân địa phương lại đặt tên như thế đó, y như ở vùng đất Việt duyên hải ở ranh giới hai tỉnh Ninh và Bình có con sông tên là sông Lòng Sông.

                                Hình như đó là dấu vết của hai chủ đất kế tiếp nhau, thuộc hai nhóm Mã Lai không thạo ngôn ngữ của nhau, nên chủ trước đặt tên rồi, có danh từ Sông trong đó, chủ sau lại tiếp theo mà đặt tên nữa, cũng thêm danh từ Sông nhưng bằng phương ngữ của mình.

                                Thí dụ người Bà Na đặt tên là Krông Pach, thế rồi người Chàm lên cai trị Cao nguyên không hiểu Krông là gì (Họ có Krong nhưng không có dấu mũ, đọc khác Krông của Bà Na), bên ngỡ Krông Pach là tên nên thêm EA ở trước, hóa ra sông đó là EA Krông Pach, tức sông Sông Pach.

                                Tên của sông Lòng Sông chắc cũng có nguồn gốc như thế.

                                Chú ý: Danh từ Thái, Nam = Nước cũng có mặt trong Việt ngữ ở độc một trường hợp. Đó là danh từ Con Nam của ta, mà giáo sư Trần Ngọc Ninh đã ngộ nhận là do Mana của chủng Mê-la-nê mà ra. Chúng tôi sẽ trở lại rành mạch về danh từ Con Nam ở biểu đối chiếu về các danh từ Ma.

                                Và cũng nên biết rằng ở Nam Dương cũng có danh từ Nam. Đó là ảnh hưởng của đảo Célèbes (Mã Lai đợt I). Nhưng Nam ở Nam Dương bị biến thành Jam.


                                Biểu số 144

                                Việt Nam: Non (Núi)
                                Cổ ngữ Ba Thục: Non
                                Phù Nam: B’Nam
                                Cao Miên: Ph’num
                                Mạ: Phơnơm
                                Bà Na Trường Sơn: Bơnơm
                                Thái Lan: Phu
                                Mã Lai: Gunong và Phunông

                                Đã nhận xét rồi ở chương Mã Lai chủng là các nhóm Mã Lai có thói quen không lấy hết trọn danh từ hai Xy láp, mà có nhóm lấy Xy láp đầu như Thái, có nhóm lấy Xy láp sau như Ba Thục và Việt Nam, có nhóm lấy hết nhưng biến dạng, như Cao Miên, Phù Nam và cả Việt Nam nữa: Gunông = Gò nổng.

                                Đây là danh từ chung của cả hai đợt Mã Lai, còn Chớ của Chàm là danh từ Mê-la-nê.

                                Hi là núi, trong Hi-Malaya, có mặt ở Nhựt Bổn. Còn Yama là Núi ở Nhựt Bổn thì lại không thấy nơi nào có cả.


                                Biểu số 144 bis

                                Việt Nam: Gò
                                Mã Lai Penong: Gun
                                Mã Lai Kedanh: Gua


                                Biểu số 145

                                Việt Nam: Gò Nổng
                                Mã Lai: Gunông


                                Biểu số 145 bis

                                Việt Nam: Sông
                                Mường: Không
                                Khả: Hông
                                Chàm: Krong
                                Bà Na: Krông
                                Thái: Khung (Mé Khung)
                                Cao Miên: Stung (Phụ lưu), Sông của Cao Miên là T’lê
                                Mã Lai: Sôngai


                                Biểu số 146

                                Việt Nam: Cửa
                                Mường: Cua
                                Mã Lai Á: Kưala

                                Trong danh từ Sông, chỉ có Việt Nam là dân gốc Mã Lai nhứt mặc dầu Chàm được xem như là dân Mã Lai, còn ta thì không xa Mã Lai nhứt là Cao Miên với danh từ T’lê của họ.

                                Mã Lai đợt II di cư đi xa hơn Mã Lai đợt I và có sông ngòi nhiều hơn, giỏi thủy vận hơn, thế mà lại nghèo danh từ, về sông ngòi đợt I. Quả thật thế, để chỉ con suối họ nói là Anak sôngai tức Con nít sông. Trong khi đó thì:

                                Thái: Houei
                                Việt: Suối

                                Họ cũng không có danh từ phụ lưu. Trong khi đó thì:

                                Cao Miên: Prek (Phụ lưu)
                                Việt Nam: Rạch (Phụ lưu)



                                *


                                Danh từ Kưala của Mã Lai chỉ để trỏ cửa sông mà thôi, chứ không hề trỏ Cửa (nhà). Nam Việt lại mượn thêm danh từ Piam của Cao Miên để chỉ Kưala và Việt hóa thành Vàm (Vàm Cỏ). Nhưng Vàm chỉ trỏ nơi sông nhỏ đổ vào sông lớn chớ không chỉ nơi sông lớn đổ ra biển như Kưala. Nam Việt cũng dùng đúng y hệt như thế. Cửa chỉ để gọi nơi cửa biển, còn Vàm thì gọi nơi giáp lưu bên trong.


                                Biểu số 147

                                Việt Nam: Cây
                                Khả: Ki
                                Mã Lai Á: Kâyu


                                Biểu số 118

                                Việt Nam: Làng = Đơn vị hành chánh tự trị
                                Mường: Lang = Thái ấp nhỏ (Quan Lang là chủ của Lang)
                                Mã Lai: T’lang = Thôn

                                Hiện nay ở Phi Luật Tân, làng họ nói là Barangay và danh từ này có một lịch sử kỳ dị ngộ nghĩnh nó cho ta thấy sự biến dạng của danh từ thật là thiên hình vạn trạng.

                                Nguyên dân Phi Luật Tân ban đầu là dân phiêu lưu ăn cướp biển từ Nam Dương đến. Họ đi bằng gay (tức ghe thuyền).

                                Đến nơi vì chưa khai hoang kịp, họ lâp làng ngay trên các sông ngòi mà làng này là làng gồm toàn ghe thuyền, Làng thì đã sẵn có danh từ T’lang, nhưng họ đọc sai đi, biến nó ra thành Barang. Thế thì Barangay = T’langgay = làng ghe.

                                Ngày nay đã hết làng ghe, làng nào cũng là làng trên bờ, nhưng họ cứ tiếp tục gọi làng là Barangay nuốt mất hết một chữ G, chớ đáng lý gì mà Barang-Gay.


                                Biểu số 149

                                Việt Nam: Tắc kè (gecko)
                                Nam Việt: Cắc ké (gecko)
                                Nam Việt: Cắc kè (caméléon)
                                Thái: Tuk-kae (gecko)
                                Cao Miên: Tắc kè (gecko)
                                Mã Lai: Tokek (gecko)


                                Biểu số 150

                                Việt Nam: Đò
                                Bà Na: Đúc
                                Sơ Đăng: Đoo
                                Khả Lá Vàng: Đo
                                Mã Lai Kelantan: Đogol


                                Biểu số 151

                                Việt Nam: Đũa (ăn cơm)
                                Việt Nam: Đôi
                                Mã Lai: Đua = Hai, cặp
                                Mã Lai: Đua Đua = Đôi đũa

                                Bằng vào cuộc đối chiếu này, ta biết được rằng đũa ăn cơm do đợt nhì đưa vào nước ta, chớ không phải đợt I.

                                Mã Lai lại có động từ Suái nghĩa là Đối. Như vậy không chắc lắm là Đối của Việt Nam do Tàu mà ra.

                                Mà đừng tưởng rằng Mã Lai đợt II ấy đã học với Tàu vì khoa khảo tiền sử đã đưa ra đầy đủ bằng chứng là họ thuần túy Mã Lai, về máu mủ và văn hóa.


                                Biểu số 152

                                Việt Nam: Cổ (Trung Hoa chánh gốc là Chiêl)
                                Cổ ngữ Ba Thục: Cú
                                Cổ ngữ Tây Âu: Kẻng
                                Kim Thái: Kủ
                                Cổ ngữ Mân Việt: Kẹ
                                Mạ: Co
                                Mường: Kô


                                Biểu số 153

                                Việt Nam: Bướm
                                Cao Miên: Bâđ
                                Khả Lá Vàng: Pùl
                                Mường: Puôm
                                Mã Lai Johore: K’phản ứng (?)


                                Biểu số 154

                                Việt Nam: Soi
                                Mã Lai Á: Sua (Rọi bằng đèn) đọc là Su-A
                                Mã Lai Sumatra: Tua (Rọi bằng đèn) đọc là Tu-A?
                                Việt Nam tối cổ: Tua (ngôi sao)
                                Khả Lá Vàng hiện kim: Tua (ngôi sao)

                                Động từ này là động từ chung cho cả hai đợt Mã Lai, nhưng thật ra ban đầu nó là danh từ, có nghĩa là ngôi sao, còn thấy được trong ca dao Việt Nam và ngôn ngữ Khả Lá Vàng.

                                Về sau, Mã Lai đợt II biến thành động từ Sua ta biến thành động từ Soi.

                                Còn danh từ Tua cũng bị ta biến thành Sao, Thái biến thành Đao. Thế nên trong Việt ngữ thái cổ là Tua mà kim là Sao.


                                Biểu số 155

                                Việt Nam: Nàng
                                Cao Miên: Niêng
                                Thái: Năng
                                Thái: Năng
                                Mã Lai Java: Nona

                                Ta có tĩnh từ Nõn Nà có lẽ Nona đẻ ra Nàng và Nõn nà. Ta lại có danh từ Nõn Nường, chỉ bộ phận phụ nữ, có lẽ cũng là một biến thể của Nona.


                                Biểu số 156

                                Việt Nam: Vàng
                                Khả Lá Vàng: Yêng
                                Mã Lai: Wang

                                Nhưng Wang lại có nghĩa là Tiền nữa, nơi Mã Lai Đồng tiền còn gọi là Mata Wang, tức Con mắt bằng vàng, tức Vàng tròn như con mắt.

                                Họ còn một danh từ nữa là Ảma mà đồng bào Thượng và Chàm nói là Maah, ẢmaMaah là danh từ của Mã Lai đợt I vì người Thượng trừ Giarai thì thuộc đợt I, còn danh từ Wang chắc chắn là của đợt II mà vua Hùng Vương đã mượn.

                                Danh từ của đợt I lại cũng bị Mã Lai mượn.

                                Mã Lai: Ảma
                                Cao Miên: Mia
                                Thượng: Maah
                                Chàm: Mah


                                Biểu số 157

                                Việt Nam: Nôn mửa
                                Mã Lai Johore: Mual
                                Mã Lai Penang: Muak

                                Đó là động từ của Mã Lai đợt II. Động từ của Mã Lai đợt I là:

                                Việt Bắc: Oẹ
                                Việt Nam: Ọi, Ọc, Ợ
                                Miến Điện, Môn và Cao Miên: Ko ẹ


                                Biểu số 158

                                Việt Nam: (Chiếu) Sáng
                                Khả Lá Vàng: Trắng
                                Mã Lai: Tárang

                                Các tĩnh từ chỉ màu sắc của ta, thường mượn của Mã Lai đợt II.

                                Có lẽ ta mượn tĩnh từ Tărang để biến thành Trắng, chớ tĩnh từ của đợt I thì là So.

                                Môn: Đây So = Đất trắng
                                Miên: Đây So = Đất trắng
                                Việt Nam: Đất thó = Đất trắng


                                Biểu số 158 bis

                                Việt Nam: Đen, Thâm
                                Thái: Lam, Đăm
                                Mã Lai: Hi Tam


                                Biểu số 159

                                Việt Nam: Đêm
                                Khả Lá Vàng và các nhóm Thượng: Mang
                                Mã Lai: Malam


                                Biểu số 160

                                Việt Nam: Lưỡi
                                Cổ ngữ Tây Âu và Ba Thục: Li
                                Các nhóm Thái: Lin
                                Mã Lai: Lidaa, Lio

                                Quảng Đông nói là Li là dùng Cổ ngữ Tây Âu chớ không phải đọc tiếng Tàu sai giọng chút ít. Tiếng Tàu là XửaXửa thì không thể biến thành Li. Chúng tôi đang nghiên cứu tại sao các cụ nhà nho lại đọc cái tiếng Xửa ấy thành Thiệt. Có lẽ Thiệt là danh từ Mã Lai đợt nhứt chăng? Nhưng không chắc lắm, vì Môn Khơ Me là Mã Lai đợt I, nhưng họ nói là On Đát.
                                 
                                Nguồn: Bách Bộc xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản điện tử do talawas thực hiện.
                                 
                                http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11196&rb=08
                                <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.04.2008 05:48:25 bởi Ngọc Lý >
                                #29
                                  Ngọc Lý 09.04.2008 06:28:20 (permalink)
                                  Bình Nguyên Lộc
                                  Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam


                                  26/35

                                   
                                  Biểu số 161

                                  Việt Nam: Ai (đại danh từ ngôi ba)
                                  Mã Lai: Aku (Tôi)
                                  Khả Lá Vàng: Ai (Tôi)

                                  Người Khả Lá Vàng nói tiếng Việt, nhưng đại danh từ ngôi thứ nhứt của họ là như trên. Nhưng chúng tôi thấy rằng họ thuộc đợt Mã Lai thứ I hơn là thuộc Mã Lai II, vì có nhiều danh từ giống Việt Nam hơn là giống Nam Dương.

                                  Như vậy ta có thể tạm kết luận rằng hồi cổ thời ta cũng nói AI, y hệt như Mã Lai và Khả Lá Vàng, thay cho Tôi, nhưng sau rồi ta đẩy đại danh từ ấy xuống ngôi thứ ba. Và đó là danh từ chung cho cả hai đợt.

                                  Trong câu chuyện người Việt Nam ngày nay cũng thường nói Ai thay cho Tôi.

                                  Thí dụ A hỏi B:

                                  “Tại sao quân Congo lại đánh quân Ouganda?”

                                  “Ai biết đâu!”

                                  Chữ Ai đó rõ ràng có nghĩa là Tôi. Ai biết đâu = Tôi có biết gì đâu về chuyện đó.


                                  Biểu số 162

                                  Việt Nam (kim): Mình (Tôi)
                                  Việt Nam Trung cổ: Min (Sách các cố đạo)
                                  Mã Lai: Kami (Chỉ có nhà vua mới được dùng để nói)


                                  Biểu số 163

                                  Việt Nam: Mi, Mày
                                  Bà Na: Mi = Mày
                                  Mã Lai Perák: Mika = Mày
                                  Mã Lai Perak: Mika-Ma = Bây


                                  Biểu số 164

                                  Việt Nam: Mắc cỡ
                                  Cao Miên: Khở mắt
                                  Mã Lai: Malủ, Mukả


                                  Biểu số 165

                                  Việt Nam kim: Vua
                                  Triết Giang: Vò
                                  Việt Nam Trung cổ: Bua (Theo sách cố đạo)
                                  Mường: Bua
                                  Bà Na: Bưa
                                  Giarai: Patô
                                  Mã Lai: Pảtuan
                                  Chàm: Pô

                                  Đây là danh từ của đợt II mà Hùng Vương vay mượn.

                                  (Chúng tôi chủ trương rằng người Thượng là Việt thoái hóa vì mất địa bàn tố, chớ không phải Việt tiến trễ. Sự có mặt của danh từ Vua trong ngôn ngữ của họ chứng minh rằng họ đã biết chế độ vua chúa vào một thời nào đó).

                                  Thái: Sadet
                                  Mường: Adecht
                                  Cao Miên: Sdacht

                                  Danh từ vua của Mã Lai đợt I

                                  Cao Miên còn một danh từ nữa để chỉ Vua, đó là Luông, nhưng danh từ này lại cũng gần giống với danh từ Thái: LuangVương quốc.


                                  Biểu số 166

                                  Việt Nam: Lửa
                                  Môn: Phlơn
                                  Cao Miên: Phlơn
                                  Khả: Phlơn
                                  Vài nhóm Thượng: Phlơn


                                  Biểu số 167

                                  Việt Nam: Bắp (Lúa, Ngô)
                                  Thái: Bốt
                                  Cao Miên: Bôt
                                  Vài nhóm Thượng: Bốt

                                  Xem các tự điển xưa, thấy ghi là miền Bắc vẫn nói Bắp trước khi nói Lúa Ngô. Vậy Bắp không là danh từ riêng của miền Nam như nhiều người đã tưởng.

                                  Như thế thì rõ ràng là lúa Ngô không phải từ bên Ngô (bên Tàu) đưa sang ta, vì lẽ ta đã gọi món ấy là Bắp trước khi gọi là lúa Ngô. Nhưng tại sao ta gọi nó là lúa Ngô thì thật không thể truy ra.

                                  Có lẽ đó là do sáng kiến của một kẻ dốt nào, nhưng sáng kiến lại được hoan nghinh? Bằng chứng là món ý dĩ, từ bao lâu nay ta và đồng bào Thượng đều gọi là bo bo. Bỗng dưng vài năm nay người ta đưa ra danh từ mới là lúa Miến, mặc dầu nó không từ Miến Điện nhập cảng sang đây bao giờ cả. Thế mà cái danh từ mới ấy cũng lại được hoan nghinh.

                                  Món bí Ngô, chắc chắn cũng không phải từ bên Ngô đưa sang vì bên Ngô không có bí đó, họ đem giống từ xứ Hồ sang nên họ gọi nó là bí Hồ.

                                  Bằng chứng là Nhựt Bổn lấy giống bí đó ở Cam Bốt Ra và gọi nó là Kaboja, thì ta, có biên giới chung với Cao Miên hồi cổ thời, ta vẫn phải lấy giống từ Cam Bốt Ra. Nhưng miền Bắc cũng gọi nó là bí Ngô.

                                  Lúa Ngô và bí Ngô có lẽ do một tác giả độc nhứt sáng tác ra, với hậu ý nào đó.


                                  Biểu số 166

                                  Việt Nam: Bo bo (Ý dĩ)
                                  Sơ Đăng: Bo Kô Bo
                                  Bà Na: Bo Kô Bo

                                  Bo bo cũng là không phải là danh từ riêng của miền Nam, y như đã thấy trên kia trong trường hợp Bắp.

                                  Bo bo là danh từ của Mã Lai đợt I. Danh từ của Mã Lai đợt II là Sảkoi, mà có lẽ người Chàm đã nói như vậy, chúng tôi quên học danh từ này của người Chàm.


                                  Biểu số 169

                                  Việt Nam: Lúa
                                  Việt Nam Bình Trị: Ló
                                  Mường: Ló
                                  Mã Lai Perak: Lú

                                  Nhóm Pérak là một nhóm Việt Nam ly khai Nam Dương và thuộc Mã Lai đợt I. Đã bảo một dân tộc ở hai địa bàn khác nhau mà phát minh cùng một món đồ giống nhau, họ cũng sáng tác tên gọi khác nhau, vì cái lẽ dĩ nhiên là không thể giống nhau được. Việt Nam đợt I và dân đảo Célèbes cũng đợt I, nhưng khi di cư cả hai đều chưa biết nông nghiệp. Thế nên cùng đợt với nhau, vậy mà họ gọi lúa gạo khác nhau.

                                  Trong khi đó thì Mã Lai Pérak lại gọi là thì Mã Lai Perak phải là người Việt Nam di cư xuống đó.

                                  Người Mường thuộc đợt II nên họ thường dùng danh từ Pơ Duông của đợt II hơn là Ló của đợt I, thế nên ta mới biết họ thuộc đợt II.

                                  Xin nhắc lại danh từ đợt II chỉ lúa gạo là:

                                  Mã Lai: Padi (Pháp mượn biến thành Paddy)
                                  Giarai: Pơ đai
                                  Chàm: Pơ đai
                                  Mường: Pơ đuông (Sau biến thành Đuống, Sông Đuống).


                                  Biểu số 169 bis

                                  Việt Nam: Nầy, Nay, Ni, Nầy, Nè
                                  Khả Lá Vàng: Nè
                                  Mã Lai Pennag: Ini
                                  Thái: Tini


                                  Biểu số 170

                                  Việt Nam: Vườn
                                  Cao Miên: Suôn
                                  Thái: Suôn


                                  Biểu số 171

                                  Việt Nam: Thang (Để leo cao)
                                  Mã Lai: Tangga
                                  Chàm: Thang giơ

                                  Người Mã Lai, nhà Sàn, họ mới là nhà Tangga, tức nhà thang. Vậy danh từ Sàn của Việt Nam là biến dạng thứ nhì của Tangga.

                                  Tangga: Thang
                                  Tangga: Sàn

                                  Riêng trong ngôn ngữ Chàm, Tangga biến khác nữa. Chàm biến thành Thang giơ có nghĩa là Nhà cất theo cổ tục tổ tiên. Nguyên hiện nay họ ở nhà sát ngay trên mặt đất như ta. Còn nhà sàn, chỉ cất để cử hành những nghi lễ tôn giáo theo cổ tục, nên Thang giơ mới biến nghĩa như thế.


                                  Biểu số 172

                                  Việt Nam: Hái
                                  Mã Lai: Tuái
                                  Mã Lai Lalangor: Mãnuái (Lưỡi hái)


                                  Biểu số 173

                                  Việt Nam: Kẻ lạ
                                  Mã Lai: Ka lu ạ (Kẻ từ ngoài đến)
                                  Miến Điện: Ka Lạ (Như trên)

                                  Việt Nam đã vay mượn Lu ạ (tức ngoài, từ bên ngoài) để biến thành người lạ rồi lạ kỳ chớ tĩnh từ lạ kỳ của Mã Lai đợt II thì khác chớ không phải Lu ạ.

                                  Và Lu ạ bị biến như sau: Lu ạ = La ạ = Lạ

                                  Lối đọc của tài tử Anh Tuấn trong Tivi cho thấy rõ ràng là La ạ.


                                  Biểu số 173 bis

                                  Việt Nam: Xiêm
                                  Chàm: Syăm
                                  Cao Miên: Syăm
                                  Mã Lai: Syămbu

                                  Có nghĩa là chạy trốn, tù binh. Cao Miên dùng danh từ này để chỉ người Thái Lan là kẻ chạy trốn Tàu hồi thế kỷ thứ VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII, xâm nhập vào thuộc địa của Cao Miên. Họ là kẻ chạy trốn và bị xem như là một thứ tù binh của Cao Miên.

                                  Sau Thái lập quốc tại đó, chẳng hiểu danh từ ấy có nghĩa gì, nên lấy đó làm quốc hiệu. Xiêm là do ta mượn thẳng của Mã Lai, Chàm và Cao Miên chớ không phải mượn của Tàu như có người tưởng, vì Tàu cũng chỉ phiên âm Syăm, chớ họ không có danh từ đó.


                                  Biểu số 174

                                  Mã Lai Nam Dương: Manát (ma của người chết đuối)
                                  Việt Nam: Ma (bất kỳ loại ma nào)
                                  Thái: Masuốt (bất kỳ loại ma nào)
                                  Thái: Manam (ma dưới nước, vì nam = nước).
                                  Việt Nam: Con Nam (ma dưới nước)
                                  Miền Nam Việt Nam: Ma Da (ma của người chết đuối).

                                  Giáo sư Trần Ngọc Ninh có ngộ nhận về hai điểm trong danh từ này. Ông cho rằng ta vay mượn của chủng Mê-la-nê. Nhưng tự điển Anh-Mê-la-nê lại cho biết rằng chính chủng Mê-la-nê đã vay mượn của chủng Mã Lai danh từ đó.

                                  Giáo sư lại nói rằng ta biến Mana thành con Nam. Sự thật thì chính Thái đã biến Mana thành Ma Nam rồi ta vay mượn lại của Thái mà bỏ âm Ma đi.

                                  Danh từ Ma Da của Nam Kỳ thì lại mượn thẳng của người Java, thời ta khẩn hoang miền Nam, vì họ có tới đây đông đảo đến hai lần Nông Nại Đại phố vừa thành lập, và lần Pháp đánh ta năm 1858 mà Phi Luật Tân đến với tư cách lính đánh thuê. Cả hai lần họ đều có ở lại và thành Việt Nam luôn.

                                  (Có lẽ giáo sư họ Trần lẫn lộn Mê-la-nê với Mã Lai cũng nên như giáo sư Nguyễn Phương và học giả Lê Văn Siêu).


                                  Biểu số 175

                                  Nam Việt: Hởi
                                  Chàm: Hời, Hới (Đồng Hới)
                                  Mã Lai: Hai

                                  Trong ngôn ngữ Chàm, tiếng Hời, Hới không có dùng trong văn chương như Mã Lai và Việt, mà chỉ dùng để gọi nhau, tương đương với tiếng Ê của Việt Nam, và ai bị gọi như vậy là mích lòng lắm, vì đó là lối gọi không trọng nể. Ta không nên gọi người Chàm là người Hời, vì sẽ làm cho họ giận.

                                  Những tiếng Ơi, Ời, Ới, Ôi của Việt Nam đều do Hai mà ra cả.

                                  Chúng tôi đã tự hỏi Thái biến Mana thành Ma Nam hay Nam Dương biến Ma Nam thành Mân, và chúng tôi trả lời được ngay là chính Thái đã biến, vì danh từ Nam là Nước của Thái, khi đến Nam Dương thì đã hóa thành Jam. Nếu Nam Dương biến thì danh từ của họ phải là Majam chớ không là Mana.

                                  Đặc biệt chú ý

                                  Có sự liên hệ giữa âm Du, Vu, Dâu Việt Nam với âm của Mã Lai, nhưng không biết vì sao mà lai biến hơi lạ vậy.

                                  Mã Lai: Kảtô = Cây dâu
                                  Mường: Tô = Cây dâu
                                  Mường: Tô = Cái Vú
                                  Khả Lá Vàng: Tô = Cái Vú

                                  Lại có sự liên hệ giữa âm V của Việt Nam và âm S của Mã Lai.

                                  Mã Lai: Su = Cái Vú (có biến âm)
                                  Mã Lai: Su = Sửa (bình thường)

                                  Sửa là hai thứ khác nhau, thế mà người Mã Lai nói y như nhau, thì có nghĩa là họ đã nhập âm V vào âm S.


                                  Kỳ công của ngôn ngữ tỷ hiệu

                                  Nếu chúng tôi cứ tiếp tục đối chiếu mãi thì quyển sách này hóa ra một quyển tự điển mất, vì có ít lắm 10 ngàn từ cần được đối chiếu.

                                  Bao nhiêu đây thì tạm ngưng được rồi để bước sang những điểm sử khác.

                                  Nhưng trước khi ngưng đối chiếu chúng ta cần nhận xét những điều sau đây là Việt Nam còn Mã Lai hơn chính người Mã Lai nữa, bằng chứng là danh từ Cửa sông ở Mã Lai Á nói là Kưala sôngai, nhưng chỉ bước qua một eo biển nhỏ, tới đảo Sumatra thì nó biến thành Mưala Sôngai tức xa gốc tổ hơn Việt Nam quá nhiều.

                                  Ta lại tự hỏi tại sao các nhà bác học Âu Mỹ nhận diện được người Chàm là Mã Lai mà không nhận diện được ta, trong khi ta nói giống Mã Lai hơn Chàm nhiều lắm. Thí dụ sơ sơ:

                                  Mã Lai Á: Bônga
                                  Việt Nam: Bông
                                  Chàm: Bơngư


                                  *


                                  Mã Lai: Sôngai
                                  Việt Nam: Sông
                                  Chàm: Krông


                                  *


                                  Các nhà bác học Âu Châu làm việc ở “Đông Dương” hơi bê bối, nếu không, họ đã thấy cái gì, và một quyển sách như thế này, có lẽ ra đời từ 30 năm rồi khi mà trong Việt ngữ có đến 40 phần trăm danh từ Nam Dương nói đúng giọng hơn Chàm ngữ nhiều lắm.

                                  Thật ra thì trong Chàm ngữ cũng chỉ có lối 60 phần trăm danh từ Mã Lai Nam Dương, tức không nhiều hơn ta bao nhiêu, mà lại đọc sai quá xa, thí dụ danh từ Kaki của Nam Dương, ta đọc là Cẳng, còn người Chàm đọc là Tcay thì cũng là ta đọc đúng hơn Chàm, vì rõ ràng là Cẳng gần gũi với Kaki hơn là Tcay.

                                  Điển hình nhứt là Gu nông của Nam Dương, ta đọc là Gò Nổng thì quá giống trong khi đó thì danh từ của người Chàm là Chớ thì lại khác xa Nam Dương một trời một vực.

                                  Cái lớp sơn Trung Hoa phết lên văn hóa Việt Nam đã gạt gẫm tất cả mọi người, kể cả các nhà bác học nữa.


                                  *


                                  Những biểu đối chiếu trình ra trên đây được lập ra có toan tính, tức cố ý chọn những từ có nhiều nhóm trùng hợp với nhau, hóa ra nhìn vào đó, ta không thể biết ta giống ai nhiều hơn. Bổn ý của chúng tôi là đối chiếu nhiều nhóm Mã Lai, chớ không phải đối chiếu ta với một nhóm nào đó.

                                  Nhưng cứ bằng vài chỗ chúng tôi biết riêng thì tỷ lệ giống thiên hạ được ước tượng thế này trong Việt ngữ căn bản, tức bỏ vay mượn của Tàu ra:

                                  Thái: 6%
                                  Môn và Khơ Me: 30%
                                  Mã Lai Nam Dương: 40%
                                  Thượng Việt: 40%
                                  Miến Điện: 6%
                                  Tây Tạng: 10%
                                  Mê-la-nê: 4%

                                  Tổng cộng: 135%

                                  Con số 135% là một con số giả tạo, bởi tối đa, chỉ có 100% mà thôi. Sở dĩ giả, vì Miến Điện, Tây Tạng và Môn Khơ Me lại giống nhau.

                                  Bây giờ cho một con số thật thì như thế này:

                                  Thái: 6%
                                  Môn Khơ Me, Miến Điện, Tây Tạng: 10%
                                  Thượng Việt: 40%
                                  Mã Lai Nam Dương: 40%
                                  Mê-la-nê: 4%

                                  Tổng cộng: 100%

                                  Các ông Tây nói đến Thái ngữ quá nhiều, nhứt là ông H. Maspéro, vì ông biết có Thái ngữ mà thôi, nhưng tỷ lệ Thái ngữ trong Việt ngữ lại quá thấp, ít hơn cả Cao Miên nữa.

                                  Điều mà không ai ngờ là Thượng Việt ngữ lên đến 40 phần trăm. Thế nên chúng tôi mới hò hét dữ dội khi Thượng Viện ta biểu quyết cho người Cao Miên làm dân tộc thiểu số, mà lại bỏ Thượng Việt vào trong nhóm Cao Miên vì nghe theo sự xuyên tạc của các ông Tây.

                                  Nội cái danh từ Harak Lào của người Sơ Đăng và Hắc Lào của Bắc Việt đủ cho ta thấy sự gần gũi hồi cổ thời giữa ta và Thượng Việt rồi, người Chàm được thế giới nhìn nhận là Mã Lai đấy, nhưng Harak, họ đọc là Lák tức là xa gốc tổ hơn Việt quá nhiều vì Hắc phải gần với Harak hơn.

                                  Gốc tổ đây là Mã Lai đợt I, Thượng Việt là Mã Lai đợt I, chớ không phải Nam Dương đâu, bởi Nam Dương chỉ là Mã Lai đợt II, tức Mã Lai Hoa Nam.

                                  Chúng tôi thử viết lại, theo cái biết của người Tàu đời xưa:

                                  Âu: 6%
                                  Lạc bộ Chuy: 10%
                                  Lạc bộ Trãi: 40%
                                  Lạc bộ Mã: 40%
                                  Mê-la-nê (Tàu không hề biết dân này): 4%

                                  Tổng cộng: 100%

                                  Thế thì không có chữ Lạc nào của Tàu nào sai cả, mặc dầu họ gọi ta bằng bất kỳ chữ Lạc nào.

                                  Và ta đừng ngạc nhiên sao tỷ lệ của Âu lại quá thấp. Họ khác chi với ta, với Nam Dương, với Thượng, với Cao Miên, tất cả đều Lạc, mà họ thì là Âu thì tỷ lệ danh từ của Thái trong Việt ngữ không thể cao hơn được.

                                  Và các biểu tỷ lệ sau đây, một lần nữa, cho thấy rằng các nhà ngôn ngữ học Âu Mỹ sai quá to khi họ cứ nhấn mạnh về Miên ngữ, mà không biết 80 phần trăm kia gồm 40 phần trăm Mã Lai đợt I (Thượng) và 40 phần trăm Mã Lai đợt II (Nam Dương).


                                  *


                                  Những danh từ của chủng Mê-la-nê chỉ dùng để trỏ thổ sản và cầm thú địa phương, như Dừa chẳng hạn, những thứ mà khi ta định cư ở đây, ta tìm thấy, nhưng không buồn sáng tác danh từ, chỉ học với thổ dân là đủ rồi. Tuy nhiên, một vài danh từ cao hơn của họ vẫn len lỏi vào ngôn ngữ ta được, thí dụ danh từ Giò.

                                  Tuy nhiên, cầm thú địa phương, có lắm con, ta cũng sáng tác. Thí dụ: một loài chim nói giỏi mà đất Bắc gọi là Yểng, thì người Bà Na gọi là Jông, người Đàng Trong gọi là Nhồng. JôngNhồng đồng gốc, và có lẽ đó là sáng tác về sau, sau khi vay mượn Yểng của Mê-la-nê tại cổ Bắc Việt.

                                  Các biểu tỷ lệ cho thấy ở cổ Việt, Mã Lai bộ Trãi và Mã Lai bộ Mã đồng số với nhau. Sở dĩ chúng tôi bảo đợt I đa số vì đợt I gồm bộ Trãi, lại bộ Chuy nữa, nếu không có bộ Chuy thì không có sự đa số đó.

                                  Có một danh từ độc nhứt làm cho chúng tôi khổ sở lắm, không biết Mã Lai học của Tàu, hay Tàu học của Mã Lai. Đó là danh từ Bông Lài.

                                  Việt Nam: Bông Lài
                                  Mã Lai Nam Dương: Bônga Mãlati
                                  Tàu: Mạt lị hoa

                                  Thấy rõ là đồng gốc, nhưng gốc nào chớ?

                                  Theo khoa khảo tiền sử thì, khi di cư, Mã Lai Nam Dương tuyệt đối không có chịu ảnh hưởng Tàu. Vậy chúng tôi tạm kết luận rằng Tàu học của ta, hoặc của Nam Dương hồi đời nhà Hán.


                                  *


                                  Cũng vì tỷ lệ này mà ở chương sau, chúng tôi viết sơ sử cho Thượng Việt theo chiều hướng đó. Họ là bộ Trãi, di cư đồng thời với ta, ta ghé Bắc Việt, họ ghé Trung Việt. 2.500 năm sau họ bị Mã Lai đợt II là Chàm đánh đuổi lên Cao nguyên, trái hẳn với các ông Tây, các ông cho rằng Thượng Việt là phụ chi của Cao Miên và từ Cao Miên sang Cao nguyên. Chúng tôi có nhiều bằng chứng hơn chứng tích ngôn ngữ, còn các ông Tây nói ra mà không chứng minh được, lại sai lầm rõ rệt về điểm ngôn ngữ.

                                  Thế là ước mơ của ông G. Cocdès đã được thể hiện. Ông viết: “Ai biết người sống đồng thời với hai bà Trưng dùng ngôn ngữ nào thì vấn đề nguồn gốc của dân tộc Việt Nam sẽ được giải quyết dễ dàng”.

                                  Nay thì ta đã biết rồi đây. Họ dùng ngôn ngữ của cả ba thứ Lạc:

                                  Lạc bộ Trãi: 40%
                                  Lạc bộ Mã: 40%
                                  Lạc bộ Chuy: 10%

                                  Ông G. Cocdès là người có công lớn nhứt đối với quyển sách này vì chính ông là người tóm lược khoa khảo tiền sử đúng về Á Đông mà chúng tôi không được đọc và không đọc được. Không được đọc vì tài liệu tản mác khắp thế giới, không đọc được vì tài liệu được viết với nhiều ngôn ngữ mà chúng tôi không thạo.

                                  Chúng tôi đã nỗ lực biến mơ ước của ông thành sự thật, nhưng ông lại đã hóa ra người thiên cổ rồi.


                                  *


                                  Cũng xin nhắn với vong linh ông H. Maspéro. Ông nói Việt ngữ gồm 3 yếu tố: Miên, Thái, và một yếu tố còn ẩn.

                                  Khá thông minh. Miên, Thái là Mã Lai đợt I, còn yếu tố ẩn thứ ba là Mã Lai ngữ đợt II mà ông quên học.

                                  Ông cũng quên một yếu tố thứ tư. Đó là Mê-la-nê ngữ nó chỉ những cây, trái, cá mà mỗi nhóm đều phải học với dân địa phương vì các thứ ấy vắng mặt ở địa bàn cũ của họ là Trung Hoa, nên họ không biết mà cũng không dại mà sáng tác cho mất công. Thí dụ: Cây dừa.

                                  Việt Nam: Dừa
                                  Cao Miên: Đôn
                                  Thái Lào: Prao
                                  Mã Lai: Nyor

                                  Những món mà họ sáng tác hàng ngàn năm sau khi họ có ngôn ngữ, họ phải sáng tác danh từ, mà họ không còn ở gần nhau nữa nên:

                                  Mã Lai đợt I nói cái Nhà.
                                  Mã Lai đợt II nói Rumaa.

                                  Ruộng, lúa, gạo chính họ phát minh ra chớ không phải là thổ dân, và ở đây thì họ sáng tác danh từ chứ không còn vay mượn nữa, nhưng vì các nhóm đã văn minh rồi và sống biệt lập với nhau thành thử Thái sáng tác không giống Cao Miên, Cao Miên không giống Việt Nam.

                                  Thí dụ:

                                  Việt Nam: Ruộng
                                  Thái: Na
                                  Môn và Cao Miên: Srê
                                  Chàm: Alak
                                  Mã Lai Á: Ladang, Uma (Ruộng khô)
                                  Mã Lai Selangor: Sawra (Ruộng bầu, ruộng đầm lầy)

                                  (Giáo sư Trần Kinh Hòa cho rằng Alak của Chàm do Phạn ngữ mà ra. Nhưng Chàm tiếp xúc với Ấn Độ sau Mã Lai Nam Dương rất lâu mà Mã Lai không có mượn tiếng Phạn để chỉ ruộng, còn Chàm thì mượn là thế nào? Ở đây lại có trùng phùng ngẫu nhiên nữa).

                                  Chúng tôi cho rằng mặc dầu khoa học chê chứng tích ngôn ngữ tỷ hiệu, nhưng chính chứng tích ấy lại cho biết rõ nhiều điều mà khoa chánh là khảo tiền sử và chủng tộc học mù tịt.

                                  Những điều đó gồm cả việc đại sự lẫn việc lặt vặt.

                                  Đây là đại sự. Khoa khảo tiền sử bảo rằng Mã Lai đợt II không có ghé Đông Dương, Đông Pháp gì hết ráo, từ cực Nam Hoa Nam nhảy vọt một cái là đi thẳng xuống bán đảo Ma-Lắc-Ca.

                                  Nhưng học ngôn ngữ của Chàm và Phù Nam, thì ta thấy hai quốc gia đó nói tiếng Mã Lai đợt II.

                                  Vậy cái khoa bị chê này lại biết nhiều hơn các khoa khác mà họ gọi là quan trọng hơn.

                                  Cũng nên biết, chúng tôi sẽ chứng minh rằng trống đồng là sản phẩm của Mã Lai đợt II, mà người ta đã tìm được trống đồng ở gần hồ Tonlé Sap, tức tại trung tâm văn hóa cổ Phù Nam. Như thế thì khoa khảo tiền sử đủ khả năng biết sự thật. Nhưng chưa bao giờ ai tìm được trống đồng ở cổ Chiêm Thành cả thì nếu không có ngôn ngữ tỷ hiệu, khoa khảo tiền sử sẽ bí chết về Chiêm Thành, không thể biết họ thuộc đợt I hay đợt II.

                                  Chúng tôi biết, hơn thế nhờ đó mà chúng tôi viết được cả thượng cổ sử Chiêm Thành nữa, chớ cho đến nay sách vở cũng chỉ viết được kể từ thế kỷ thứ hai (II) sau Tây lịch, tức cũng chưa xứng đáng là cổ sử nữa, chớ đừng nói là thượng cổ sử.

                                  Chuyện lặt vặt thì nhiều vô số kể, nhưng thật ra thì đều là đại sự cả chớ không có lặt vặt tí nào, chỉ lặt vặt đối với đại chủng Mã Lai, chớ rất to tát đối với Việt sử.

                                  Chẳng hạn, chúng tôi biết (xin xem chương riêng) nhờ ngôn ngữ tỷ hiệu, rằng người Mường thuộc Mã Lai đợt II, đó là chuyện lớn, vì cho đến nay, chưa ai biết người Mường là ai cả.

                                  Nhưng to hơn chuyện người Mường, là chuyện Hùng Vương. Nhờ biết rõ người Mường mà chúng tôi biết rằng quả có vua Hùng Vương và ông vua đó quả lấy vương hiệu là Hùng Vương, một đề tài tranh luận lớn trong giới trí thức ta, chưa ngã ngũ được, vì chưa ai biết rõ người Mường, họ là nhơn chứng nói cho ta biết là có vua Hùng Vương và vua Hùng Vương thuộc đợt I.

                                  Hay quá sức hay!

                                  Lặt vặt là vua Hùng Vương nói Chơn, còn bọn đợt II tới sau nói Cẳng, còn thuở trước Mê-la-nê thì nói Giò.

                                  Ta biết bọn đợt II đã đưa yếu tố văn minh nào để giúp vua Hùng Vương kiện toàn văn hóa. Họ đưa Trống Đồng, nhưng đó không do ngôn ngữ đối chiếu cho ta biết. Họ đã đưa lưỡi hái đến, trong khi vua Hùng Vương chỉ có lưỡi liềmlưỡi A. Họ đưa đôi đũa ăn cơm đến mà họ gọi là Đua-đua.

                                  Đua = Hai, cặp, đôi

                                  Ta có thể biết xa hơn nữa thế kia, chẳng hạn Nhựt Bổn thuộc nhóm nào trong khối Mã Lai.

                                  Việt Nam đã đánh mất quá nhiều danh từ, Nhựt Bổn cũng thế. Nhưng Nhựt Bổn còn giữ được danh từ Mã Lai tương đương với Phương hướng của Tàu.

                                  Phương hướng họ nói là Khí.

                                  Thí dụ: Khí Gắc (Hướng Đông)
                                  Khí Ta (Hướng Tây)

                                  Chúng tôi tìm khắp Đông Nam Á, chỉ có một nhóm độc nhứt là còn nói Khí mà thôi. Mã Lai Nam Dương thì nói Mata An nghin tức là Mắt gió, chớ cũng không có nhóm nào nói Khí cả.

                                  Những nhóm Khả Lá Vàng thì nói Khí đấy.

                                  Khí To: Hướng Đông
                                  Khí Lừng: Hướng Tây
                                  Khí Tin: Hướng Nam
                                  Khí Ho: Hướng Bắc

                                  Chỉ hơi kỳ dị một chút xíu là hướng Tây của Nhựt Bổn (Khí To) lại giống hướng Đông (Khí Ta) của Khả Lá Vàng.

                                  Có lẽ các nhà bác học Nhựt Bổn cũng linh cảm được cái gì cho nên đi tìm tổ tiên họ, họ không đi Nam Dương, mà lên Cao nguyên Việt Nam.

                                  Đó là tiết lộ của giáo sư đại học Nghiêm Thẩm, vì nhà bác học Nhựt Bổn ấy có ghé Saigon, có thăm giáo sư và có cho biết ý định.

                                  Chúng tôi tin rằng với những khám phá của chúng tôi, dùng làm bàn đạp, các nhà học giả Việt Nam sẽ đi xa hơn chúng tôi nhiều để biết nhóm nào thuộc nhóm nào, nhóm nào di cư đích xác từ đâu và đích xác là vào thời nào.

                                  Nhờ ngôn ngữ tỷ hiệu mà chúng tôi biết rằng họ là người Mã Lai và di cư tại Nam Dương từ đầu Tây lịch, bằng chứng là những danh từ Paddy, Ananas, Âu châu mượn của da đỏ Mỹ Châu đều là danh từ của Nam Dương, tức họ đã cùng nhau sáng tác những danh từ ấy rồi thì mới di cư, chớ nếu sáng tác riêng rẽ thì không làm sao mà họ sáng tác giống nhau được.

                                  Có thể nào mà họ đã cùng nhau sáng tác tại Hoa Nam chăng vì người “da đỏ” di cư từ Hoa Nam.

                                  Chắc chắn là không, vì ở bên Tàu, thuở ấy không có trái Ananas, đó là một chứng tích vững như trụ đồng.

                                  Chúng tôi đã phí hơn 10 năm, nhưng vẫn chỉ biết được đường nét lớn mà thôi. Chắc phải tốn thêm 100 năm nữa, mới biết rõ hơn, và đó là công việc của lớp người sau, và chúng tôi tha thiết mong rằng thế hệ trẻ tiếp tục công việc của chúng tôi, và nhiều khám phá mới lạ nữa về thượng cổ sử Việt Nam sẽ được đưa ra ánh sáng.

                                  Nếu ta làm việc thận trọng thì mỗi danh từ đều cho ta một khám phá mới lạ. Thí dụ: chúng tôi tự hỏi danh từ Tangga là cái thang, cái nhà sàn, là danh từ của đợt I, hay của đợt II, hoặc chung của hai đợt.

                                  Để trả lời chúng tôi phải suy luận, và nhờ suy luận mà khám phá. Đó là danh từ riêng của Mã Lai đợt II, danh từ của Mã Lai đợt I đã bị đánh mất rồi, hoặc ta không bao giờ có.

                                  Tại sao biết được như thế?

                                  Hai đợt Mã Lai phát minh ra cái nhà ở địa bàn khác nhau và thời điểm khác nhau thì tự nhiên họ phải sáng tác danh từ chỉ món đó khác nhau là NhàRumaa.

                                  Cả hai đều cất nhà sàn và cái thang còn được phát minh ra sau cái nhà nữa thì không có lý nào mà danh từ Tangga lại là danh từ chung cho hai đợt.

                                  Nhưng biết nó là của đợt II vì hiện khắp các đảo Mã Lai đều dùng danh từ đó, còn ở Đông Nam Á lục địa rất có ít nhóm biết danh từ đó.

                                  Thế thì vua Hùng Vương đã vay mượn của khách trọ bổ sung hơi nhiều.

                                  Và vua Hùng Vương đã vay mượn có hơi kỳ dị, là vay mượn cả những danh từ mà ông đã có rồi.

                                  Thí dụ: đợt I đã có danh từ Chiều thì không lẽ lại không có danh từ Sáng. Thế mà Sáng là danh từ riêng của đợt II đấy, mà cổ Thục, cổ Tây Âu, Môn, Miến, Khơ Me đều không có.

                                  Nhiều danh từ của đợt I lại biến mất, nhường đến 90 phần trăm chỗ ngồi cho đợt II. Thí dụ danh từ Đam của đợt I nay chỉ còn có vài tỉnh miền Trung là nói thôi còn Cua (Kôjor) của đợt II tức Nam Dương, được toàn quốc ta dùng.

                                  Có những danh từ của đợt I biến mất hẳn, thí dụ Knra là con Rùa là danh từ của đợt II đấy. Còn danh từ của đợt I thì khác, chỉ còn nơi người Môn và người Khơ Me thôi.

                                  Vân và mây, không phải là vay mượn, mặc dầu nó là danh từ của Mã Lai đợt II. Ta chỉ dùng Vân để cùng Tây Âu để kháng Trung Hoa đọc tiếng Diển của Tàu theo Mã Lai đợt II cho bõ ghét vậy thôi, chớ đợt I đã có danh từ Mây rồi.

                                  Vua Hùng Vương và dân của ông đã vay mượn của đợt II, nhưng không trọng những danh từ đó lắm. Trong văn chương và ca dao ta, ta chỉ nói Chơn mà không nói Cẳng. Có ai lấy gạch Bát Tràng xây ao cho nàng rửa Cẳng hay không?

                                  Trong khi đó thì đợt II, Chàm và Nam Dương nói Cẳng trời thay vì Chơn trời, và làm thơ nói đến cái Cẳng của nàng, họ vẫn nghe nó hay như thường.

                                  Còn Giò là danh từ của thổ trước Mê-la-nê nên lại còn bị khinh rẻ hơn, thường dùng để chỉ chơn thú vật, hoặc chơn người, nhưng với ý miệt thị hay đùa cợt: Tướng học trò mà giò ăn cướp.

                                  Vấn đề Chơn, CẳngGiò, cho ta thấy một điểm triết lý ngộ nghĩnh là quan niệm về cái hay, cái đẹp của con người sai cả, vì nó dựa trên những yếu tố bậy bạ.

                                  Trong văn chương Việt, ai mà dám viết: “Cẳng nàng quá đẹp” thì sẽ bị người ta chưởi là dùng danh từ thô và quê.

                                  Nhưng ở Nam Dương thì họ viết như vậy và thấy là hay là đẹp vô cùng. Và nếu họ biết danh từ Chơn, chắc họ sẽ dùng để chỉ chân thú.

                                  Có người Việt Nam nào viết: “Vết cẳng của hai bà Trưng trên các chiến trường chống xâm lăng” hay không? Không. Họ phải viết “Vết chân” mới yên thân với độc giả.

                                  Người Chàm cũng cảm thấy rằng danh từ Chơn của ta là dị kỳ thô lậu, quê mùa. Đối với họ Cẳng mới là hay và sang.

                                  Khoa thẩm mỹ còn phải tự chỉnh lý mới xong, Chơn, Cẳng hay Giò gì, thật ra chẳng có từ nào hay hơn từ nào cả, nó chỉ hay đối với riêng lỗ tai của một nhóm người mà thôi, bởi dân Mê-la-nê nghe rằng danh từ Giò thơ mộng vô cùng và sang cả vô cùng chớ không phải như ta để danh từ đó để nói Giò heo, Giò gà.

                                  Và khi ta thâm lậm văn hóa Tàu quá rồi thì nghe danh từ Hoa của Tàu là hay còn danh từ Bông của Mã Lai là dở, chớ thật ra thì hai thứ cũng như nhau, Sơn thủy không làm sao mà hay hơn Non nước được, nhưng các cụ thì cứ nghe rằng Tranh sơn thủy hay hơn Tranh non nước.

                                  Khi ta coi rẻ Cẳng hơn Chơn thì đợt II hẳn là không văn minh bằng đợt I vào thuở đó. Khoa khảo tiền sử nói đợt I thuở di cư, chưa biết nông nghiệp, nhưng ta phải hiểu rằng suốt 2.500 năm sống ở Bắc Việt, trước khi bọn đợt II đến, họ đã tự lực tiến lên, bằng chứng là người ta đã tìm được lưỡi rìu tay cầm bằng đồng pha, tại núi Voi.

                                  Chúng tôi nói Mã Lai đợt II kém hơn đợt Hùng Vương vào năm đó. Quả thật thế, mãi cho đến năm nay (1970) mà họ chỉ có độc danh từ Prụt để chỉ Bụng, RuộtDạ dày.

                                  Nhưng đừng tưởng là họ kém lắm đâu. Ba trào đại danh tiếng của ta, trào Đinh, trào Lê, trào Nguyễn đều xuất phát từ xứ Mường (đợt II), và người Chàm, đa số là đợt II, vẫn oanh liệt trên một ngàn năm.

                                  Như vậy trào Lê và trào Nguyễn đánh Chàm thì chỉ là đợt II đánh đợt II, chớ không phải đợt I đánh đợt II đâu nhé. Mà cũng tại đợt II đã cất binh đánh đợt II là Đinh Bộ Lĩnh trước nhứt.

                                  Nhờ ngôn ngữ đối chiếu mà ta biết được những địa danh vô nghĩa của ta thật ra có nghĩa gì.

                                  Sông Côi (tức Hồng Hà) là sông gì? Côi là cái cối. Đó là danh từ của Mã Lai đợt II mà ta mượn rồi bỏ dấu sắc.

                                  Sông Côi lại nắm tay với sông Đuống. Mà Đuống là gì kia chớ?

                                  Đó cũng là danh từ của Mã Lai đợt II, có nghĩa là lúa gạo. Cối ở gần lúa gạo là ổn lắm rồi.

                                  Nhiều người cho rằng ở Bắc tên làng thường là chữ Nho kèm theo một tên Nôm chỉ nghề nghiệp hay đặc thù của làng đó.

                                  Nhưng thật ra thì không phải luôn luôn như vậy.

                                  Xin lấy thí dụ tên Nôm của làng Tả Thanh Oai. Đó là làng . là gì? Là một dụng cụ dùng để chống cái xe khi bò hay ngựa, trâu được mở ra khỏi ách.

                                  Làng nào cũng biết chế tạo cả vì trẻ con làm dụng cụ đó cũng được thì đâu cần cả một làng Tả Thanh Oai chế tạo cái ấy.

                                  là một danh từ Mã Lai có nghĩa khác.

                                  Sông Mã là sông gì? Ở đó không có ngựa nhiều hơn nơi khác đâu. Ảma là danh từ Mã Lai đợt II, có nghĩa là Vàng. Chắc chắn ngày xưa sông Mã có vàng và người Mường ở đó gọi là sông Ảma.


                                  Một nhận xét đặc biệt

                                  Trong tất cả các nhóm Mã Lai đợt I, hay đợt II gì đều không có loại từ Cái, trừ Việt.

                                  Theo nghiên cứu của giáo sư Trần Ngọc Ninh thì ta phải hiểu rằng loại từ Cái, có đã lâu đời lắm, có từ thuở ngôn ngữ ta vừa mới phôi thai. Nhưng cái Việt ngữ phôi thai ấy, ta đã thấy, đó là ngôn ngữ của người Khả Lá Vàng, mà người Khả thì không hề có loại từ Cái.

                                  Theo chúng tôi quan niệm thì đó chỉ là tiếng Tàu mà ta mới bắt chước sau Mã Viện đây thôi, nhưng vì ngộ nhận mà ta biến nó thành loại từ, (Hán Việt) cũng được Quan Thoại gọi là Cá, Quảng Đông đọc là , nhưng nó chỉ là một danh từ có nghĩa là Đơn vị.

                                  Thế thì đó là vay mượn quá mới.

                                  Loại từ Con thì chỉ có Mã Lai đợt I là có mà thôi, còn Mã Lai đợt II tuyệt đối không. Nhưng nhóm Mạ ở Nam Kỳ thì đặt loại từ ấy bất kỳ danh từ nào: con Trời, con đá, con cá, v.v. khác hẳn ta ngày nay. Có lẽ xưa kia, ta cũng thế.

                                  Nhưng cũng chỉ có nhóm Mạ là dùng quá loạn loại từ Con, còn các nhóm Mã Lai đợt I khác thì chỉ đặt nó trước cầm thú mà thôi.

                                  Không hiểu sao chi Âu tức Thái lại biến nó thành danh từ và có nghĩa là Người. Chúng tôi tự tìm hiểu. Xin phân tách danh từ kép: Người ta. Nguyên thỉ, danh từ này phải có nghĩa là kẻ khác,TaTa đây, thì Người ta phải là kẻ không phải là ta. Vậy danh từ Người phải là tĩnh từ và có nghĩa là Khác. Người ta = Ta Khác.

                                  Thế thì Con mới đúng là Người nguyên thỉ, còn Người chỉ là tĩnh từ mới bị biến thành danh từ về sau thôi.

                                  Có lẽ chính hai bọn Lạc bộ Chuy và Lạc bộ Trãi đã biến Người Tĩnh từ thành Người Danh từ, và biến Con danh từ thành Con loại từ, không biết vào thời nào và vì lẽ gì. Mà như vậy loại từ Con của ta cũng không có lâu đời gì hết, sánh với lịch sử 5.000 năm của dân ta.

                                  Giáo sư Trần Ngọc Ninh bảo rằng loại từ của ta không thể hoán chuyển được, nhưng rõ ràng ca dao ta đã hát:

                                  “Cái cò, cái vạc, cái nông”.

                                  Thế thì loại từ Cái đã bị ta dùng rất loạn, để chỉ cả con người nữa, giống hệt nhóm Mạ đã loạn với từ Con, với những con Trời, con đá của họ.

                                  Nếu ta nói Cái nông được, chắc ta đã nói Cái Trời, Cái đá. Những nhận xét trên đây cho thấy rằng CáiCon quá mới, không có lâu đời gì hết, mà bằng chứng khó chối cãi là Khả Lá Vàng không có Con, Cái, trừ Con Gái, Con Trai mà Con, trong trường hợp đó, có thể bị đồng hóa với Đứa Con, chớ cũng không hẳn là loại từ.

                                  Về loại từ thì ta chịu ảnh hưởng Tàu rất nhiều. Thí dụ ta nói Phiến đá. Có lẽ đó là vay mượn của trí thức về sau, còn Cái là vay mượn của bình dân, ngay trong buổi đầu bị chinh phục, và chỉ do một sự hiểu lầm khi học ngoại ngữ lối nhảy dù với bọn lính Tàu từ Lạc Dương xuống. Họ trao cho ta một cái bánh, hai cái bánh và nói “Yi cá, ơl cá” tức một đơn vị, hai đơn vị, rồi ta hiểu rằng trước danh từ chỉ một vật, phải có loại từ Cá mà ta đọc sai là Cái. Rồi ta tổng quát hóa ra, làm sai ngôn ngữ của ta với Cái Cò, Cái Vạc, Cái nông, v.v. Câu chuyện chỉ xảy ra chưa tới 2.000 năm.

                                  Cuộc biến Con ra loại từ, tuy cũng không tối cổ, nhưng có thể cổ hơn việc dùng loại từ Cái hàng ngàn năm, vì tất cả bọn Lạc bộ Chuy và Lạc bộ Trãi đều có loại từ Con thì hẳn phải tốn lắm thì giờ.

                                  Người Mạ là một nhóm Mã Lai đợt I, có ngôn ngữ quá giống ngôn ngữ Khả Lá Vàng, mặc dầu một kẻ có đơn giản ở Nam Kỳ, một kẻ có địa bàn ở đèo Mụ Già, giống nhứt là đại danh từ Tôi, nơi họ là Ai.

                                  Chúng tôi đã chứng minh rằng Khả Lá Vàng là Việt tối cổ thì chúng tôi phải tin rằng Việt xưa cũng nói Ai, thay vì Tôi. Thật thế, ngày nay ta nói Tôi, TaoTôi, Tao chỉ là biến thể của Ta, Ta chỉ là Kita của Mã Lai đợt II. Hồi Trung cổ, theo sách của các cố đạo, ta nói Min (tức Mình ngày nay) mà Min cũng chỉ là vay mượn của Mã Lai đợt II.

                                  Thế thì đại danh từ ngôi thứ nhứt của ta ở đâu? Nó phải là Ai của Khả Lá Vàng và của Mạ, tức của nhiều nhóm Mã Lai đợt I, chớ không riêng gì của nước ta.

                                  Trong một câu tiếng Việt ngày nay, đôi khi Ai cũng rõ ràng có nghĩa là tôi. Thí dụ hai câu đối thoại dưới đây:

                                  “Chó có bị chẹt ô tô ngoài phố không?”
                                  “Ai biết đâu!”

                                  Ta đã lôi Ai từ ngôi thứ nhứt xuống ngôi thứ ba, có lẽ chánh phạm là vua Hùng Vương. Quả thật thế, Kita của bọn đợt II, chỉ có vua mới được dùng, mà vua Hùng Vương thì không có đại danh từ nào khác hơn là Ai. Vậy muốn phân biệt cái ngôi thứ nhứt của vua và dân, vua Hùng Vương đã vay mượn Kita. Sau, vua tổ ta mất rồi thì loạn trong ngôn ngữ, dân chúng cũng trèo đèo nói Kita, rồi biến thành Tôi, Tao, v.v. Ai mất ngôi, bị ai lôi đi đâu tha hồ mà lôi.

                                  Sự trèo đèo này giống sự trèo đèo của Lê Văn Duyệt, dùng đại danh từ thứ nhứt là , y như vua, và dùng danh từ Làng để gọi mộ cha mẹ, chỉ vì ngài Lê ở quá xa vua, cũng như dân Lạc Việt ở quá xa Hùng Vương khi vua Hùng Vương thứ 18 bị diệt.

                                  Trở lại với người Mạ. Danh từ U của ta, mà cũng là đại danh từ, để trẻ con dùng gọi mẹ, chúng tôi không tìm thấy trong nhóm Mã Lai nào cả, mà chỉ có mặt trong ngôn ngữ Mạ mà thôi dưới hình thức Uu, có nghĩa là Vợ, mẹ, đàn bà và hình thức Uuru, có nghĩa là giống cái. Mà đừng tưởng đó là ảnh hưởng qua lại. Người Việt miền Nam không bao giờ dùng tiếng U cả, còn người Việt miền Bắc thì lại cách trở họ đến hai ngàn cây số, bao nhiêu rừng sâu núi thẳm, và mấy chục thứ dân khác không có danh từ đó.

                                  Tuy đã được các nhà dân tộc học biết rõ, họ có tánh cách cổ sơ nhứt trong bao nhiêu người Thượng ở điểm này là họ không ưa sự gần gũi với bất kỳ nhóm dân nào khác, không ưa ảnh hưởng ngoại lai, rất sợ chung đụng với bên ngoài. Đó là nhóm Mã Lai có khuôn mặt đều đặn nhứt nơi nét, và hợp chủng với người ta một đời là họ trắng trẻo ra ngay.

                                  Vì tánh cách chống ngoại lai của họ mà chúng tôi mới tìm nguồn cội của loại từ trong ngôn ngữ của họ, và mới thấy biệt sắc lạm dụng loại từ Con, sự lạm dụng này, có thể là dấu hiệu của thời mới có loại từ, tức lâu đời, ít lắm cũng bốn hoặc ba ngàn năm, các dân tộc khác tước bỏ bớt nhưng họ thì không mà ta mới gặp lại buổi ban đầu của loại từ đó, nơi họ.

                                  Trong sợi chuỗi biến dạng từ Hari sang Trời, ta thấy rằng họ có hình thức TRÔ trước cả khi ta có hình thức Trời nữa, vì cách đây không lâu, ta vẫn còn nói Blời. Cả họ lẫn ta đều nói Plái. Blái thay cho Trái, ta sang từ Blái đến Trái, còn họ thì chưa sang, nhưng Trời thì họ đã sang rồi từ rất lâu đời. Cách đây 50 năm, có tiếp xúc trực tiếp với dân đó, chúng tôi đã nghe họ nói là Trô rồi, và hỏi họ, họ cho biết rằng là tổ tiên của họ đã nói Trô từ lâu, chớ không phải là họ muốn bắt chước Trời của ta mà bắt chước không xong.

                                  Chỉ khác có một điều là tự nhiên mà hiểu một câu của người Khả Lá Vàng mà không hiểu một câu của người Mạ, nếu không học tiếng Mạ cho thuần thục. Người Mạ không đồng nhóm với ta như người Khả Lá Vàng, nhưng lại là một nhóm Mã Lai gần gũi ta hơn tất cả các nhóm Mã Lai khác. Vì thế mà chúng tôi mới đặc biệt theo dõi loại từ trong nhóm Mạ hơn là theo dõi nơi các nhóm khác, và lại các nhóm khác không có nhóm nào mà lạm dụng loại từ Con đến thế.

                                  Điều này đáng chú ý lắm nơi người Mạ, Con vẫn còn ở dưới hình thức người, và cũng có nghĩa là Người, y hệt như nơi chi Âu tức Thái, nói một cách khác đó là nhóm Mã Lai đợt I mà Con vừa là danh từ có nghĩa là Người, vừa là loại từ đang được dùng rất loạn. Đó là tàn tích của thời mới biến hóa động từ Con thành loại từ Con.


                                  Sách tham khảo riêng cho chương này:


                                  Nguồn: Bách Bộc xuất bản. Giấy phép xuất bản số 3650/BTT/PHNT ngày 2/8/1971. Bản điện tử do talawas thực hiện. http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11211&rb=08
                                  #30
                                    Thay đổi trang: < 123 > | Trang 2 của 3 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 31 bài trong đề mục
                                    Chuyển nhanh đến:

                                    Thống kê hiện tại

                                    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                    Kiểu:
                                    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9