Những tấm lòng vàng,
Huyền Băng 26.11.2007 17:45:20 (permalink)
Những tấm lòng vàng,  
 
Tôi lắng nghe một người bạn tâm sự về những khó khăn của mình, tôi thấy quả là nan giải. Bà Tám, mẹ của người này tuổi đã trên bảy mươi, ông cha cũng vậy. Hai người trong độ tuổi thất thập cổ lai hy sống đạm bạc trong một căn phố nhỏ ở chợ quê cùng với con và cháu ngoại. Các con của hai ông bà chỉ là những công nhân viên bình thường với đồng lương khiêm nhượng, với mức lương công nhân khiêm nhượng này, phải nuôi cha mẹ già cùng con trong độ tuổi học hành quả là vất vả! Các con của bà Tám tuy tạm đủ sống nhưng cũng cố gắng nhín nhút để biếu mẹ ít tiền dằn túi, cho bà có cái sắm sửa theo ý thích trong lúc tuổi già.
 
Gần nhà bà lão này, lại có một bà lão cùng độ tuổi, bị liệt nằm một chỗ. Do không có gia đình con cái, nên được một người em mang đi để chăm sóc và để nhà lại cho một cô cháu trông coi. Được không bao lâu, người em này lại ngã bệnh, chứng bệnh ung thư oái ác! Ttrước những đau đớn hoành hành của cơn bịnh, người này phải giao trả bà lão ốm liệt về căn nhà cũ của bà ! Cô cháu giữ nhà đã không tiếp rước người ốm trở lại căn nhà của chính mình, bà được bỏ ở ngoài sân như một kẻ không nhà. Từ một kẻ không người chăm sóc giờ thêm nỗi là kẻ không chốn nương thân. Ôi cái buổi xế chiều của một đời người sao mà quá bi thảm…?
 
 
Bà Tám không thể nhìn một người lối xóm, đồng tuổi với mình lại chịu kiếp hẩm hiu đến như vậy, bà đã mang người ốm liệt này về nhà mình để chăm sóc.   Căn nhà chỉ còn một chỗ trống duy nhất có thể để người khách ốm liệt là phòng khách. Bà Tám đặt bà Năm ở đó, giải quyết mọi sinh hoạt ở đó, và hằng ngày tự tay giặt giủ, tắm rửa lau chùi cho người bạn già này, bà dùng đồng tiền đã từng giành dụm để mua sửa, mua quà bánh cho bà Năm, người liệt lão mà bà đã nuôi. Số tiền ít oi của bà cạn dần và đến lúc hết. Bà lại nghĩ, bà có thể ra chợ mua cá, xẻ khô đem bán kiếm ít tiền như thời bà còn trẻ để tiếp tục nuôi người bệnh, nhưng thực tế thì mọi việc đã khác hẳn, việc buôn bán nay đã khác xưa, và tuổi già của bà muốn thực hiện công việc đó cũng không phải dễ dàng. Ông Tám cũng đã chìu ý bà trong việc làm đầy lòng nhân ái, ông ngồi phụ bà xẻ từng còn cá để đẩm muối phơi khô! Đôi ngày trôi qua, bà Tám hiểu lực đã bất tòng tâm với bà trong vấn đề này. Bà thủ thỉ với đứa cháu ngoại còn đi học: Con ơi, ngoại hết tiền để nuôi bà Năm, con biết đàn, con đi dạy đàn kiếm ít tiền cho ngoại để ngoại lo cho bà Năm . Đứa cháu cũng ngoan ngoản vâng lời, cô bé đã nhín chút thời gian học  của mình để dạy kèm đàn cho mấy đứa trẻ kiếm tiền cho Ngoại nuôi người bệnh. Bà Tám lại nuôi Bà Năm thêm một khoảng thời gian nữa. Việc săn sóc một người liệt đối với một người tuổi quá bảy mươi là một công việc quá sức. Bà đã gầy đi nhiều vì mệt, không ăn uống được … Các đứa con trước đây đã lo ngại cho sức khoẻ của mẹ mình, giờ lại lo lắng hơn. Làm sao đây? Họ phải kiếm sống nên không thể thay thế mẹ chăm sóc người già liệt này được, mà cứ tiếp tục thế này thì có khi mẹ họ lại ngã bệnh. Phải có một nơi nào đó nhận nuôi bà Năm thì mẹ họ mới yên lòng để cho bà đi. Đúng là một vấn đề nan giải.
 
Trong gia đình, trước cuộc sống nhiều khó khăn của thời buổi hiện tại, vừa đi làm, vừa chăm sóc cha mẹ già của chính mình cũng đòi hỏi con cái phải kiên nhẫn, tận tụy, thì mới có thể hoàn thành bổn phận. Nhưng để gánh thêm một gánh nặng từ bên ngoài, do lòng nhân ái của cha mẹ mình, thì con cái thật là khó xử. Nếu dứt khoát không - thì mẹ buồn lòng, mà cưu mang thì quá tầm tay!
 
Một cánh cửa đã mở ra, một “nhà mở” ở Thành Phố đã đồng ý nhận bà lão ốm liệt vào để săn sóc không điều kiện. Nhà mở do một bà soeur trông coi, và sự tài trợ của một nhóm nhỏ người hảo tâm. Họ đã thuê xe vượt hàng trăm cây số để đưa Bà Năm đến nhà mở này.
 
Theo chân họ vào một con hẽm sâu dẫn vào một cánh cổng siêu vẹo bằng gổ, tôi nhìn cánh cổng - cảm giác buồn làm sao! Tôi tưởng tượng đến căn nhà cũng ộp ẹp như cánh cổng và người nằm lố nhố. Tuy nhiên, sau cánh cổng căn nhà trông khá hơn, nóc nhà cũng cao ráo được cất liền 4 dãy nối nhau như hai chữ L.  Dãy nhà được ngăn ra nhiều ô, mỗi ô có đặt mấy chiếc giường cây cũ kỹ. Những người còn đi lại được nằm chung một ô, và những người liệt nằm một ô, vì là “nhà mở” nên nó không có được cái hình ảnh của nhà trọ, nhà nghỉ, kín đáo riêng tư, mà chỉ được che nửa bằng phênh tre. Ngắm cái giường cứng ngắt ôm lấy tấm thân già yếu tôi thấy hơi xót xa, nhưng ngẫm cho cùng, so với việc phải nằm phơi ngoài trời không người săn sóc, tôi nghĩ những kẻ cô độc cũng cảm thấy mãn nguyện.
Căn phòng khách của nhà mở với bàn thờ bằng gỗ đơn sơ ,  và một bộ ghế cũng cũ kỹ rách đôi chỗ như là được nhặt từ đâu về, tôi cảm được sự nghèo khó của chốn này. Người chạy xe ôm cho tôi biết, bà Soeur ở đây đã thường mang những người người lang thang đau ốm về săn sóc ở đây, và khi khoẻ mạnh thì họ lại bỏ đi kiếm sống.  Những người già yếu cô độc thì cơ hội khoẻ mạnh trở lại đương nhiên là hiếm hoi, và nếu có qua đời thì bà sẽ lo an táng. Tôi cảm thấy công việc này không dễ dàng chút nào, dù cho có người giúp đở.
Bà Năm được mang vào, đặt vào chiếc salon, một bà lão cũng trên 60 tuổi, tóc đã sương trong chiếc áo cọc màu nâu, chiếc quần đen rách một bên gấu, đã đến an ủi, và bằng lời dịu ngọt, đã trấn an Bà Năm để bà Năm yên tâm ở lại không phải lo lắng bị hất hủi. Sau vài câu trao đổi, tôi được biết bà lão này chính là bà Soeur đứng ra chăm sóc người cơ nhở bệnh tật ở đây. Hỏi bà tên gì, bà mĩm cười bảo người ta gọi tôi là bà Soeur nuôi heo, có lẽ ngoài việc chăm sóc người đau ốm, bà đã nuôi heo để có thu nhập, và quanh khung viên nhà mở này tôi thấy có một ao rau muống . Do mới đến lần đâu tiên, tôi không dám tò mò đi chung quanh, nhưng thật tình tôi chẳng nghe mùi hôi do việc nuôi gia súc, tôi không biết bà nuôi ở khoảng nào!
Bước ra khỏi nhà mở này lòng tôi cứ phân vân, nếu mọi người thông cảm được nỗi khổ của những kẻ cô đơn cơ nhở,  góp sức với bà Soeur già này, tu bổ nơi đây một chút, có lẽ nơi đây thật sự là một thiên đàng trong hạ giới. Vì trong nó chỉ có tình yêu nhân loại và lòng hy sinh quãng đại.
 
Huyền Băng   
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 26.11.2007 17:53:53 bởi Huyền Băng >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9