Các nhà thơ đoạt giải Nobel
Thay đổi trang: < 123 | Trang 3 của 3 trang, bài viết từ 31 đến 34 trên tổng số 34 bài trong đề mục
cacbac 30.11.2007 19:23:06 (permalink)

Roger Garaudy
 
 
SAINT JOHN PERSE
(Bài viết của Roger Garaudy)

Một nhân vật của Claudel(1) đã đưa ra định nghĩa về thơ ca như sau:

Con trai ơi! Khi giữa mọi người cha là thi sĩ
Cha sẽ viết bài thơ không kích cỡ, không vần
Và sẽ nhận thức ra trong sâu thẳm tâm hồn
Cả năng khiếu, thiên chức từ hai phía
Thu nhận về mình cả cuộc đời trần thế –
Rồi tạo nên những lời ai cũng hiểu ra.

Trong định nghĩa này bao hàm vấn đề mà thơ của Saint John Perse đặt ra, nói đúng hơn là sự thách thức: mối liên hệ nào giữa thế giới bên ngoài, giữa cuộc đời mà nhà thơ thu nhận vào mình với những lời mà nhà thơ tái tạo trong tác phẩm của mình?
Đi tìm hiểu thơ Saint John Perse – trước hết là tìm hiểu qui luật của sự biến hoá, sự thể hiện này.

***
Nhiệm vụ này vô cùng khó khăn, vì chúng ta đi nói về nhà thơ vẫn khăng khăng phủ nhận mối liên hệ giữa địa vị xã hội và sáng tạo của mình. Và nếu chúng ta tin vào lời ông thì không thể xác định được mối liên hệ nào giữa cuộc đời của Alexis Leger, người mà trong một thời gian dài, dưới nhiều chính phủ khác nhau, thực tế là người sáng tạo chính sách ngoại giao của nước Pháp và những trường ca của Saint John Perse.

“Điều quan trọng, xin đừng trích dẫn xuất xứ về hoạt động ngoại giao của tôi - ông viết cho M. P. Fouche năm 1948 – không phải vô tình mà tôi dùng bút danh và luôn luôn tuân thủ nguyên tắc chia đôi một cá nhân. Thực chất, đi xác lập một sự liên hệ nào đấy giữa Saint John Perse và Alexis Leger nhất định sẽ làm sai lệch cái nhìn của bạn đọc và rất có hại cho bạn đọc trong việc cảm nhận thơ tôi”.

Chúng ta buộc lòng phải từ chối những đòi hỏi này, vi phạm điều cấm chỉ này để cố gắng mở ra ý nghĩa tác phẩm của một trong những nhà thơ lớn nhất thời đại chúng ta.
Vì rằng, những gì mà tác phẩm xác nhận quan trọng hơn ý muốn của tác giả. Mà trước hết, rõ ràng là toàn bộ chất liệu tạo nên thế giới thơ Saint John Perse (tôi nói chất liệu chứ không phải qui tắc xây dựng của ông), được lấy từ kinh nghiệm sống của Alexis Leger. Sự lựa chọn hình tượng, từ ngữ để thể hiện nó, nguyên tắc chọn lựa và phong cách thể hiện của toàn bộ những ấn tượng giàu có, kỳ lạ, của những hoài niệm, những khát khao để tạo thành trường ca – tất cả những điều này cũng được khai thác từ cuộc đời ông.
Đó là tuổi thơ của hoàng tử trên một hòn đảo của quần đảo Antilles(2), một hòn đảo nhỏ mất hút trong biển Caribê, “ở đó nước xanh lên dưới ánh mặt trời”. Ở đây, trên hòn đảo thần tiên này, tuổi thơ của ông trôi đi giữa những vẻ đẹp được tạo nên bởi thiên nhiên và bàn tay con người, những vẻ đẹp lạ kỳ và huyền diệu. Như chiếc thuyền buồm bị cơn bão ném lên giữa hòn đảo, cậu bé sống giữa miền cây cối sum suê của vùng nhiệt đới và chính nó đã tạo nên cái thế giới cầu kỳ của tuổi thơ ông…

Không chỉ tuổi thơ hoàng tử của ông mà cả nghề nghiệp hoàng tử của ông đã cho phép ông làm nên những cuộc du hành đi qua sa mạc Gô-bi hay bơi trên biển Ấn độ dương, và chuyến lưu đày sang nước Mỹ (khi Petain(3) buộc ông từ chức), đã mở rộng thêm phạm vi của những ấn tượng và sự hiểu biết về hành tinh của chúng ta. Nghề nghiệp hoàng tử, hoàng tử - khách viễn du trên biển, đi qua nhiều xứ sở, thu thập được nhiều dấu tích và chứng kiến tầm vóc những con người của các nền văn hoá cổ xưa, các nền văn minh đã mất, và từ đó mà suy ngẫm về sức mạnh của quyền lực, về sự lưu đày, về biển, về sa mạc, về nỗi giận dữ, về niềm hy vọng, về bài ca được cất lên từ lòng người.

Ngôn ngữ của nhà thơ mang trong mình dấu vết cuộc đời ông: từ việc lựa chọn màu sắc và cây cối của tuổi thơ đến những hình tượng và từ vựng dùng trong công sở, cả những dòng chữ đề, những khẩu hiệu treo trên tường.
Điều này giúp chúng ta hiểu rằng tại vì sao Saint John Perse đòi hỏi sự phân biệt rạch ròi giữa thế giới mà ông sống với thế giới mà ông tái tạo trong thơ - mặc dù chất liệu trong cả hai trường hợp kia chỉ là một, còn qui luật chi phối cuộc đời thì không chỉ khác mà còn trái ngược với nhau: con người này là một và chia đôi. Cuộc đời ông là một tổng thể thống nhất nhưng qui luật cuộc đời thì mâu thuẫn.

***

“Tôi luôn tuân thủ nguyên tắc chia đôi một cá nhân”. – Saint John Perse đã viết vậy. Con người chia làm hai nửa này thuộc về thời đại của mình, thời phân chia con người…

Ông lãnh đạo nền ngoại giao Pháp trước chiến tranh thế giới thứ II – những năm này nước Pháp đã mất đi vai trò một cường quốc. Ông sống qua cơn hấp hối này, sự suy tàn này. Chúng tôi không có ý định phân tích ở đây vai trò cá nhân hay trách nhiệm của ông về việc này. Chỉ lưu ý rằng trên cơ sở hiểu biết trong tác phẩm của ông có một sự nhận thức về sự phá sản này. Chia sẻ quan điểm của Briand(4), người mà ông là một cộng tác viên gần gũi, Leger từ năm 1933 luôn theo dõi “sự lộng hành của chủ nghĩa Hitler”.

Những thế lực giai cấp và mối quan hệ lẫn nhau của nó đã dẫn đến việc phản bội quyền lợi dân tộc và sự thất bại năm 1940 chưa từng có mặt trong dự đoán của nhà ngoại giao nhưng nhà thơ đứng lên chống lại bộ máy này, cái bộ máy mà ngài tổng thư ký của Quai d’Orsay(5) là một mắt xích quan trọng. Ông cảm nhận hết tất cả áp lực của thói ghẻ lạnh đã thành một trò chơi của những thế lực thù ghét ông, đe dọa tiêu diệt ông. Ông bắt đầu nghi ngờ cả thể kỷ lịch sử của con người. Thất bại năm 1940 thô bạo mở ra trước mắt ông sự bất hoà sâu sắc và thói ghẻ lạnh này. Và thế là sinh ra những trường ca tuyệt vời nhất của Saint John Perse. Phản ứng đầu tiên của ông là sự đoạn tuyệt, là sự từ chối. “Và sẽ không bao giờ còn nữa cùng ta những gì ưng thuận, bằng lòng xưa đã có” - ông viết trong “Những ngọn gió”.
“Ô, những niềm hy vọng quá lớn lao ta đã đặt vào bước chân của người trên đá! Ô, ta đã tin một cách ngây thơ quá độ, rằng đằng sau cái mặt nạ ẩn giấu gương mặt con người!”
“Cả trăm năm mờ mịt khói sương vì đã tắt lịch sử”.
“Và không lẽ các người chẳng nhìn ra, rằng tất cả bỗng nhiên sụp đổ, rằng cả trục, cột buồm và dây rợ, rằng cả cánh buồm trùm lên gương mặt của lòng tin, rằng cả tấm vải cánh buồm của sự hư không và cái vẻ bên ngoài giả dối? Và rằng đã đến thời gian cuối, đành mang rìu búa chạy lên boong?”
“Tất cả đành làm lại từ đầu. Tất cả đều nói lại. Và ánh mắt sắc như lưỡi hái trên tài sản sẽ đưa qua đưa lại”.
Ý cuối cùng rất đặc trưng và hoàn toàn chẳng vô tình; tài sản mâu thuẫn với sự tồn tại. Trong trường ca “ Những mốc ngoài khơi” ông viết: “Nhưng tự hào về cuộc đời mình hãy còn chưa thành tập quán, niềm kiêu hãnh hãy còn đi đó đi đây, và ta hãy còn chưa có nó trong tay”.
Đấy là đề tài trung tâm, đề tài về sự ghẻ lạnh, qui luật chính mà K. Marx(6) đã rút ra như vậy: “Tồn tại của anh càng bé… thì tài sản của anh càng lớn…”. Thế giới của tài sản, của sở hữu, thế giới của sự ghẻ lạnh, nơi mà những quan hệ con người nhìn theo bề ngoài là khó hiểu, là thù địch với ông và chúng thống trị ông. Thế giới “vật chất hoá” này đặt toàn bộ gánh nặng của mình lên con người và cản trở sự phát triển của tồn tại.
Mâu thuẫn này xuyên suốt toàn bộ chủ nghĩa nhân đạo tư sản, từ Goethe(7) đến Saint John Perse.

Bi kịch của Saint John Perse là bi kịch của sự chia đôi một cá nhân đã thành lẽ tất nhiên của cái thế giới nơi mà ông sống và giai cấp của ông: hoạt động xã hội của mình ông không thể làm thành đối tượng của thơ ca, còn thơ ca của mình không thể biến thành hành động. Cuộc đời của ông không thể thi vị hoá hoạt động, không trở thành hiện thực của thơ ca.
Sự phân đôi này thể hiện sự phân đôi của cả một thời đại, tính chất hai mặt của toàn bộ chủ nghĩa nhân đạo tư sản mà kết quả cuối cùng là sáng tạo thơ ca của Saint John Perse. Thơ ông - đấy là mặt trái của hoạt động, là mặt đối lập, mâu thuẫn, đồng thời là sự giống nhau. Bài học cay đắng của “Anabase” là không thể trở thành người chinh phục thế giới này, tuy nhiên “…về người anh em, nhà thi sĩ, người ta sẽ nhận được tin”. Ở nơi kết thúc hành động thì bài ca được bắt đầu: “ và người kể chuyện ngồi dưới gốc cây già”.

***

Sáng tạo của Saint John Perse là bậc cuối của sự tiến hoá thơ được bắt đầu từ thế kỷ XIX. Trước đó người nghệ sĩ không nghi ngờ về sự tồn tại của thế giới bên ngoài hay bên trong thiên nhiên để làm hình mẫu cái hiện thực mà nghệ thuật phải tái tạo bằng những phương tiện của mình.
Chủ nghĩa lãng mạn nghi ngờ tiền đề này.
Người nghệ sĩ trở nên bàng quan với đối tượng khi mà những thứ như truyền thống, xã hội, ngôn ngữ ấn định, hoặc làm cho anh ta bất động. Hậu quả bất di bất dịch của sự hờ hững với đối tượng là ý nghĩa lớn hơn cả chủ thể. Nhiệm vụ của sáng tạo là không chỉ kể về thế giới mà còn tạo nên một thế giới khác. Thơ ca, theo ngữ nguyên của từ này, trở thành sự sáng tạo chân chính. Sự hình dung thơ ca học được ở Đức Chúa Trời tiếp tục sự nghiệp sáng tạo.
Thiên nhiên, đã đành, mang lại sắc màu, hình thái, vẻ bề ngoài của sự vật, nhưng chỉ là nguyên liệu. Phủ nhận trách nhiệm tái tạo, sao chép vật thể, người nghệ sĩ tách những yếu tố hiện thực khỏi thói quen, khỏi ý nghĩa chung và từ đó tạo nên một thế giới khác.
Quả thực, quay mặt khỏi cái hiện thực mà họ chối bỏ, người nghệ sĩ và nhà thơ mù quáng tuân theo qui luật lịch sử của sự phát triển và những mâu thuẫn bên trong của nó.

Lautreamont(8) khát khao “chống lại trời” hay Rimbaud đả phá “thời giết chóc” đã đi tìm lối thoát từ những mâu thuẫn giữa cuộc đời và thơ ca. Rimbaud không có khả năng sống cuộc đời của một con người và một nhà thơ ở nước Pháp, nơi những người công xã ca khúc khải hoàn đã chấp nhận im lặng và sống cuộc đời vất vưởng của kẻ phiêu lưu ở Harare. Nerval trở nên điên cuồng và tự tử. Baudelaire đi tìm những thế giới khác vì không đủ sức để sống trong thế giới này, giống như albatros của mình hay thiên nga buồn Mallarme. Jarry tạo nên hình tượng “Ubu roi” với tiếng cười trầm, đặt ra nhiệm vụ tìm hiểu “qui luật điều hành những ngoại lệ và sự giải thích vũ trụ xung quanh thế giới này”.
Họ mỗi người mỗi vẻ, những tài năng khác nhau, và tất cả họ, từ những người lãng mạn đến những người siêu thực đều thuộc về một thế hệ, một giống người, mà đối với giống người này tất cả những gì tồn tại đều là thường lệ. Họ nhìn thấy vẻ hùng tráng trong sự từ chối mọi thực dụng về quan niệm xã hội (không nhận thức được rằng trong nền tảng của nó là xã hội tư bản chủ nghĩa) và trong sự tạo dựng vũ trụ của con người. Saint John Perse thuộc về thế hệ này, giống người này.
Đạt đến định đề cuối cùng, làm thành hình thức về sự có mặt của con người trong cuộc đời, thơ ca thay thế cho ông triết học.

***
Tất cả được bắt đầu từ sự phủ nhận và nổi loạn, từ sự nhận thức rằng thế giới này xa lạ với con người: “Ta mong muốn đoàn tụ, chung sống với con người nhưng mặt đất với tâm hồn lạ lẫm, xa xôi lại khát khao ly biệt”, từ sự nhận thức rằng “cuộc đời này điên rồ, mù quáng”. Thế giới này của những gã con buôn, nơi mà “những quốc gia được đem ra bán mua dưới mặt trời lạm phát, những cao nguyên thuần phục, những miền đất được đẩy giá lên cao sau hương thơm ngát của hoa hồng”. “Còn sau đấy hiện ra những kẻ bán buôn và đổi chác. Những người từ xa xôi đến với chủ tâm lừa lọc. Và đi sau họ là những cảnh sát lành nghề và những nhà luật pháp…
Và đi theo sau họ – những sứ giả của giáo hoàng đi kiếm tìm những doanh thu béo bở…
Còn ta mơ màng giữa những kẻ huyên hoang như Thượng Đế!”
“Những cuốn sách đọc xong vẫn kín mít như bưng trong giấc ngủ – lẽ nào lại thế? Hy vọng ở đâu, lối thoát ở nơi nào?… Sự cao thượng, thanh cao – chỉ là giả dối!… Chức vô địch, đứng đầu – là sự phản bội!…
Và danh dự giã từ những đầu óc nổi tiếng nhất trần gian…”
Trong con mắt của Saint John Perse cả thế giới này lang thang và đang sụp đổ. Và đó là thế giới của ông.
Perse không tìm cách trốn chạy hay ẩn náu trong một tháp ngà nào đấy.
Con người này không tin vào Thượng đế nên không thể, khác với Claudel, đi tìm ý nghĩa cuộc đời ngoài bản thân mình.
Tuy nhiên, không một phút giây ông để mất lòng tin vào cuộc đời, vào con người, vào tương lai. Trên đỉnh điểm của tai họa ông giữ một sự lạc quan vô bờ bến, một lòng tin vào thắng lợi cuối cùng của con người, của những nền văn minh và thành quả của nó. Ta gặp ở ông một sự nhiệt tình có tính chất dự báo, khác với với những người lãng mạn trước năm 1848, lòng tin nhân hậu của Edgar Quinet(9) trong “Assuerus” – thì đã gần gũi với ta – và cảm xúc sử thi cao cả của con người đã cổ vũ cho Walt Whitman và Emile Verhaeren.
Lòng tin này có nguồn gốc từ xa xưa, khi con người sống trong hoà hợp với thế giới sự vật, khi còn sự thống nhất với vật chất có trong danh dự của con người, điều mà Perse có được từ thiên đường của tuổi thơ… “Quê hương tuyệt vời lại một lần nữa cần chinh phục, quê hương tuyệt vời của Vua từ xưa ta không nhìn thấy và vật bảo bối kiêu kỳ ở trong bài hát của ta”.

Thơ của Saint John Perse bắt đầu từ tiếng reo vui, từ tình yêu cuộc sống mà giá như ông là một tín đồ thì sẽ thành lời cầu nguyện và mãi mãi sẽ là “Tụng ca”, như tên ông đặt cho tập thơ đầu tay của mình. “Đấy là cái tên gọi tuyệt vời - ông viết cho Andre Gide(10) – mà tôi sẽ in một hoặc nhiều tập, không bao giờ tôi muốn một cái tên khác”.
Phẩm chất cao cả nhất - đó là sự gắn bó say mê với cuộc sống trong những thay đổi của nó: từ sự lên men của sinh lực trong cơ thể ta đến cảm giác vũ trụ của năng lượng con người, những thứ kích thích lịch sử, mang lại cho con người lòng tin vào tương lai.
Quả vậy, sáng tạo thơ ca của Saint John Perse có vẻ như một trường ca lớn, một bộ sử thi thống nhất về con người, thu nhận trong đó tất cả kinh nghiệm của mình, tất cả các nền văn minh, “huyền thoại bao thế kỉ” theo thước đo của thời đại chúng ta, cho phép ta cảm nhận, cho ta sống bằng ngọn gió trên biển lịch sử và với cảm giác tự hào ta tham dự vào những chuyển động này…

Yếu tố trung tâm trong thế giới quan của Saint John Perse là ý tưởng hình thành của Heraclitus(11) – liên tục huỷ diệt và liên tục sinh ra. Qui mô hoàn vũ, hình thức sấm ngôn, trường ca của nhà tiên tri Heraclitus gần gũi nhất với sáng tạo của Saint John Perse.
“Thế giới là một thực thể thống nhất – Heraclitus viết – không do một ai trong số các thánh thần hay con người tạo nên mà đã, đang và sẽ mãi mãi là ngọn lửa sống, theo qui luật cháy lên và theo qui luật lụi tàn… Dù anh có đi theo con đường nào đi nữa thì giới hạn của tâm linh anh không thể tìm ra… Đối với người sảng khoái tồn tại một thế giới thống nhất chung, còn người đờ đẫn sẽ rơi vào trong thế giới của riêng mình…”
Những câu trích từ tác phẩm của Heraclitus Ephesus gợi nhớ lối tư duy và phong cách của những câu châm ngôn trên những bức tường cổ – những tượng đài của những nền văn minh đã mất. Những trích đoạn mà Saint John Perse có vẻ đã giải mã và tái tạo lại trong thơ mình, truyền vào trong đó hơi thở của cuộc sống mới và tuổi trẻ. Trong con người có sự hồi hộp của biển và của gió. Tên gọi những tác phẩm lớn nhất của Saint John Perse là những trường ca về biển và về gió - đó là những lời bóng gió của con người không biết đến giới hạn. “Và không nói gì về biển mà ta chỉ nói về sự trị vì của biển ở trong tim”. “Những kẻ du hành vĩ đại của công việc, của ước mơ, những kẻ chuyện trò luôn khát khao những miền xa thẳm”. “Những kẻ phiêu lưu, mạo hiểm của tâm linh”. “Những kẻ đi kiếm tìm những con đường tự do và nước”.
Biển là chủ đề chính trong tác phẩm của Saint John Perse, cũng giống như tác giả của Odyssey vậy. Biển là nhu cầu, là khát vọng, biển là vô tận, vô cùng…
Biển - đó là lời kêu gọi mở ra những vùng đất mới cho những người đi chinh phục: “Ô biển Balboa(12)!... Biển rực sáng, chói lòa, biển của bài ca sức mạnh, biển xa hoa, sang trọng, nơi mỗi buổi chiều có một người thả con ngựa xốn xang… Nhưng giá như tất cả ta đều biết được rằng cả cuộc đời ta – chỉ là một chuỗi luân phiên quay về những gì đã biết?
Ô ký ức, ngươi luôn vượt quá ta, ngươi đầu tiên đặt chân đến bến bờ chưa một ai nhận ra, nơi mà ta chưa bao giờ có mặt”.
Biển là khát vọng của con người không biết đến giới hạn. Con người không có Thượng Đế, chỉ là con người nhưng không biết đến giới hạn: “Nào, hãy đi tiếp nữa, đi tiếp nữa – thử còn có điều gì ngoài mình ta đang có, thử còn có điều gì ngoài một con người?… Nửa đêm trên biển sau Giữa trưa… Và con người, một mình, giống như chiếc đồng hồ, chiếc bàn mỏng manh trên làn khăn nước…”
Cả trường ca – mà có thể là điều này quan trọng nhất – “trái ngược với những nghi ngờ thầm thĩ” ca ngợi nỗi ao ước, nỗi khát khao đủ đầy, vô tận…
Biển là vô bờ bến, biển giống như tình yêu. Cũng như các nhà thơ siêu thực, cũng giống như Aragon(13) đã viết: “Yêu – nghĩa là trước hết vượt ra khỏi giới hạn của bản thân mình”, Saint John Perse nhìn thấy trong tình yêu một sự trung gian giữa con người của thế giới vật chất và lịch sử: “Ô những cái mang giữa biển và tôi!…”

Trong thơ của Perse hình tượng biển và tình yêu gắn chặt với nhau, như những người đưa tin của những miền vô tận.
“Nỗi cô đơn trong tim của người đàn ông. Người đàn ông lạ lùng, người đàn ông vô biên bên người đàn bà - bên bờ biển”.
“Và con người đuổi theo trên đá cho đến khi gặp phiến đá cuối cùng, rồi cúi mình trước biển nghìn năm và nhìn thấy trong diệp thạch ánh lên một thân hình phụ nữ trong những cơn co giật không ngừng, trong triệu con sóng dâng lên – tựa như bụng những nàng tiên trong khoảnh khắc đang khoe vẻ đẹp trần truồng”.
Tình yêu với phụ nữ và tình yêu với biển đều vô tận như nhau, là bản chất của biểu tượng và là vật bảo đảm cho sự phì nhiêu của sáng tạo.
“Và đây. Ngọn gió vút lên cao. Và chiếc bàn chải của nhà thể thao đang bơi theo dòng nước chảy. Nếu biển đã cầm lên khí giới thì đừng một ai cãi lại!… Ta có nên gọi là tình yêu vĩ đại, tình yêu có hành động biếng lười?”
“Tình yêu – cũng là hành động mà thôi! Ta kêu gọi cái chết về chứng kiến, vì rằng chỉ có tình yêu dám cùng cái chết so đo sức mạnh… Không quyền lực, chẳng vinh quang không biết được đối phương, những thứ có sức mạnh như nhau trong trái tim của người trần”.
Nhà thơ biết thức dậy trong ta nỗi khát khao đặc biệt, làm say mê ta, mở ra trong ta một nghị lực mới để vượt qua những giới hạn, để làm việc không ngừng.
Ông khao khát sự đầy đủ mà không mong muốn chạy trốn. Nhu cầu trong tất cả những gì mà con người còn thiếu thốn. Và đi theo điều này là lòng tin tuyệt đối vào con người, vào tương lai không một chút lo sợ nhìn vào “mặt đất lại được sinh ra dưới biểu tượng màu hồng, mở ra từ cao điểm”.
Trái ngược với tất cả những nhà tiên tri giả hiệu của sự nghi ngờ, của điều vô nghĩa hay sự tuyệt vọng mà hiện nay người ta vẫn đưa ra mời gọi tuổi trẻ như những người thầy, Saint John Perse dựa trên sự vận động của con người hàng thế kỷ nay và nhìn thấy trong triết học của Heraclitus về con người và hoạt động sáng tạo của họ, đòi hỏi nghệ thuật phải nói về sự cao cả và hân hoan, để nghệ thuật cổ vũ sự hành động:
“Hãy cứ để cho trước dáng hình của biển người ta sẽ hứa hẹn cùng ta những đợt sóng – những tác phẩm tuyệt đẹp, muôn đời, những tác phẩm sống động, tuyệt vời – những tác phẩm vĩ đại và mãnh liệt không nguôi… để trả về cho ta phong cách của tồn tại, xứng đáng với con người…
Ai sẽ hồi sinh cho ta trong dòng nước chuyển động không ngừng những lời vĩ đại của nhân dân?”
Nhưng sự ca tụng con người và hành động của họ ở Perse không phải là sự ca tụng của một người lẻ loi và mỗi ngày một ít - điều này có thế thấy từ “Anabase” đến “Những ngọn gió” và “Những mốc ngoài khơi” – nó trở thành sự ca tụng những người đi chinh phục. Tất nhiên, Perse khác với Eluard(14), không chuyển đổi “từ chân trời một người sang chân trời tất cả mọi người”. Con đường đấu tranh của quần chúng chưa bao giờ là con đường của ông.
Nhưng, mặc dù với quan điểm quí tộc về cuộc sống cũng như sáng tạo của ông, Saint John Perse – trước hết là nhà thơ sử thi. Mà những thiên sử thi – từ những huyền thoại của ấn Độ đến những khúc saga của vùng Scandinavia, từ Kinh Thánh đến “Iliát” và “Bài ca Roland”(La Chanson de Roland) – không bao giờ là sáng tác của một người mà là sáng tạo của nhân dân, là những gì mà nhà thơ có thể thu nhận.
Chỉ có tâm hồn của quần chúng nhân dân có thể dâng lên đến tầm những chuyển động vĩ đại của thiên nhiên và lịch sử, mở ra ý nghĩa của nó và mang tiếng vọng tới ngàn sau.
Con người có ý định tạo nên trường ca như vậy, không thể đứng một mình, mà người đó phải cùng với quần chúng nhân dân. “Và Thi sĩ – cùng với chúng ta, với mọi người, trên con đường lớn của thời gian.
Vun vút con tàu của thời gian, vun vút con tàu của gió.
Giải thích những thông điệp là mối quan tâm của nhà thi sĩ”.
“Tiếng reo vui! Tiếng hò reo Thượng Đế! Hãy cứ để cho Ngài gặp ta giữa đám đông ầm ĩ mà không ở trong phòng.
Và nhắc lại đám đông, Ngài gọi ta, lăn ta đi đến tận cùng bến bờ xa thính giác…”
Những trường ca này đầy ắp lòng tin, vang lên bài ca của thời đại chúng ta và mang xa đến những thời đại mới của lịch sử, rằng Saint John Perse biết “nghe tiếng vọng xa xôi của những người bất tử và biết nghe ngôn ngữ của nhân dân”, và giữ gìn trong ký ức dấu tích của những nền văn minh cổ đại, giữ gìn tất cả những gì chứng kiến sự chuyển động của con người trong mỗi thời đại và biết giành lấy “tiếng reo của loài người, mà lúc này không một ai nghe rõ”…
Đấy là tất cả lịch sử, tựa như một con sóng hùng vĩ mang ta đi tới tương lai. Không phải một người mà cùng với tất cả. Ta hãy lắng nghe:
“…Giương cánh cung của đám đông, giữ ta bằng dây cung của mình. Và ngươi, đang nhảy múa giữa đám đông, ngươi, những lời cha cao cả, - trên bãi cát dài, ô Biển cả - liệu ngươi có trở thành biển của bí ẩn lặng câm, bằng giấc mộng xa xăm, còn xa hơn giấc mơ của giống nòi Sarmat?”(15)
Cuốn hút theo cảm hứng này, dâng lên từ vực sâu thế kỷ, từ lao động, đấu tranh của loài người, dựa trên sử thi xa xôi, Saint John Perse kêu gọi và đón chào một thế giới mới. Ta hãy lắng nghe ông:
“Và nhà thơ luôn luôn cùng các bạn. Cùng các bạn ý nghĩ của nhà thơ, như sự im lặng canh chờ. Thì hãy cứ để cho đến khi trời tối, hãy cứ để mặc nhà thơ bằng cái nhìn hờn dỗi sẽ nắm bắt niềm hạnh phúc sắp tới của con người!
Tôi vì các bạn mà đưa đến trong đôi mắt nhà thơ vực thẳm. Còn những giấc mơ của nhà thơ thì các bạn sẽ biến thành hành động”.
Vì rằng “công việc liên quan đến con người”, và chính công việc “là sự chứng kiến về con người”, tôi muốn lưu ý điều này trong tác phẩm của Saint John Perse…
“Đấy là niềm hy vọng, những hạt giống của hy vọng bằng những đôi mắt trên đất hãy ném – niềm hy vọng thế kia chưa từng có ai ban tặng cho người.
Và đây – sự trưởng thành đột ngột của một thế giới khác trong con tim chính ngọ của đêm…
Tất cả vàng bạc của nhà băng và của những tầng hầm của Quốc gia các bạn vẫn hãy còn thiếu thốn để mà mua những cổ phiếu vô giá này.
… Ta hãy nhớ về một bờ bến khác! Và ta hãy cúi mình trước Mặt trời đen đang bơi xuống thấp!”
Tôi không biết được tương lai nào mà Saint John Perse tin tưởng và hân hoan chào mừng đến vậy, tôi cũng không biết được những vàng bạc trong nhà băng hay tầng hầm của những quốc gia nào mà ông nhắc đến một cách giận dữ và mặt trời đen nào mà ông chờ đợi hiện ra. Nhưng trong những trường ca của ông ca ngợi vẻ cao cả, hùng tráng của con người và kêu gọi họ ở giữa đám đông, giữa mọi người, đề cao lòng tin vào tương lai của nhân loại, bản thân tôi là người đấu tranh cho sự thể hiện những hy vọng cụ thể của những người ở các quốc gia châu á, Phi, Mỹ Latinh, những người đã vùng dậy và không còn bao giờ chịu cúi đầu, những người đã dứt khoát từ bỏ quá khứ để xây dựng cho mình tương lai xã hội chủ nghĩa.
Đối với tôi không quan trọng, nếu như Saint John Perse có ý định thức dậy trong con người những ước mơ khác, những viễn cảnh khác, mà quan trọng là ông thức dậy trong tôi những ước mơ này, vẽ ra chính những viễn cảnh này, ca tụng và tạo ra tình hữu ái của những ai tin tưởng vào tương lai, bất kể những gì chia cách chúng ta, trái ngược với sự nghi ngờ, điều phi lý và sự tuyệt vọng.

Tôi yêu nhà thơ hoài niệm về quá khứ như vầy:
“Khi con người trong ngọn gió tự do hãy còn chưa biết dửng dưng và hãy còn chưa biết trèo lên đồi núi”.
Tôi yêu nhà thơ chào đón tương lai như thế này:
“Mặt trời hãy sinh ra! Tiếng hò reo của nhà Vua! Những Thủ lĩnh, Toàn quyền của những giới hạn hãy còn phía trước!
Ta giữa những người đón chào sự xâm nhập của thần thánh mới…”
Saint John Perse muốn cho những trường ca của ông tạo nên hình tượng của một nền văn minh mới lý tưởng, trên cơ sở đỉnh cao của những thời đại lịch sử – một nền văn minh thể hiện được toàn bộ lịch sử của con người, của những chinh phục, những chiến công, tất cả vẻ hào hùng của loài người trong mọi biểu hiện của nó.
Đấy không chỉ là ca ngợi một lối sống tích cực, mà còn là ý chí của Hegel(16) tạo nên một cá nhân phát triển toàn diện, làm giàu cho mình toàn bộ lịch sử của nhân loại, của những cá nhân trong quá khứ. Phong cách của loại thơ này là phong cách của cuộc sống. Tại sao những tình cảm của loại thơ này không có trong tôi, người chiến sỹ, mà lại khác với những tình cảm đã cổ vũ cho tác giả của nó?

Chẳng can hệ gì đến tôi, rằng tác giả, có thể, quay lưng lại với tương lai, tạo nên những cái là ý nghĩa của cuộc đời tôi – nếu như những bài ca do ông viết ra đi cùng với tôi trên con đường của mình: con mắt ông hướng về mặt trời, còn ta – ta làm những việc vặt vãnh chỉ để cho qua ngày, mà khả năng nhìn thấy trước, cả nhà thơ lẫn nhà tiên tri đều không có được.
Tôi cũng chẳng hề lôi kéo về phía mình, những người Mác-xít, một nhà thơ mà xa cách với chúng tôi không chỉ như một nhà ngoại giao của Quai d’Orsay mà còn tác phẩm của ông. Tuy nhiên trong bản hợp xướng anh hùng về sự chuyển động của nhân loại như thơ của Saint John Perse, ta cảm nhận được một tình yêu mãnh liệt với con người. Cái niềm lạc quan ấy, sự hiểu biết cuộc đời ấy và sự ca tụng con người cao cả là những gì gần gũi, là những gì mà ta quí trọng, vang lên trong ý nghĩa của ta và trong cuộc đấu tranh hàng ngày.
Và đây là những cái rất chung:
“Những chiếc bóng to lớn màu xanh đang chuyển động trên đồng bằng, trong im lặng xua bầu trời đi xuống đất… Vì rằng ta là những mục phu của tương lai..”
“Ta đưa lên trong tay, trong những bàn tay của mình nóng bỏng – tựa như một dàn những đôi cánh – một trái tim buồn bã của người trần, trong trái tim này có một tình yêu kín thầm, có lửa và có khao khát, ước mong…
Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe này đêm – trong sân những tu viện bỏ hoang, dưới những mái vòm ầm vang, giữa những đống tro tàn linh thiêng, những thành phố, những mô đất cổ – hãy lắng nghe tiếng bước chân của những linh hồn không nơi ở.
Có vẻ như đang giấu mình một thú dữ của rừng hoang.
Và đây là ta, thế kỷ vinh quang! Hãy đem trái tim người đo đếm”.
Vâng, tôi tâm đắc chủ nghĩa nhân đạo của người ngợi ca hạnh phúc và sự cao cả. Ông mang trong mình tất cả quá khứ của con người và không thể bằng lòng với hiện tại. Với ông – thơ ca là những gì thể hiện bản chất con người và cuộc đời trong quá trình hình thành.
Tất cả thơ ông bắt nguồn từ điều đòi hỏi này.

***

Nhiệm vụ của từ ngữ - không phải sao chép sự vật, không lấy khuôn mẫu cho mình, mà ngược lại, đào bới lên định nghĩa của chúng, nắm bắt giới hạn vị lợi, ý nghĩa của chúng, lấy ra như tia lửa từ đá, những khả năng không nhìn thấy trước, những ý nghĩ còn ẩn giấu mà từ ngữ mang trong mình và sẽ biến hiện thực thông thường nhất thành chất liệu.
Hiện thực có trong mình nhiều hơn so với sự hoạt động thường ngày, nhiều hơn những con đường mà hoạt động này đã đi qua, nhiều hơn những mối liên hệ theo thói quen.
Sự vật – chỉ là một phần của cái mà chúng định nghĩa. Đối với Baudelaire cả vũ trụ nhạy cảm là kho chứa hình tượng, ký hiệu, là cuốn từ điển của hình thức mà từ đó trò chơi sự tương xứng cho phép lấy ra những ngân vang bất ngờ.
Sự tương xứng giữa những cảm xúc khác nhau xuất hiện khi Saint John Perse hồi tưởng: “những con cá đang bơi tựa như chủ đề theo sự phát triển của bài ca”. Sự tương xứng giữa sự vật và sự mong muốn của ta: “Trí khôn của ngày có hình dáng một cây gỗ đẹp”. Sự tương xứng giữa sự vật và ý nghĩa trong giới hạn của vũ trụ…
Đây là đề tài chủ đạo trong thơ của Saint John Perse, cũng như trong thơ của Paul Claudel. Tuy nhiên, với một sự khác biệt cơ bản, đối với Claudel theo đạo Thiên Chúa thì ý nghĩa này đã đặt vào trong vũ trụ và con người chỉ việc giải mã nó trong sách thánh, trong khi đối với nhà nhân văn và vô thần Saint John Perse thì trong thế giới không có những giá trị nào khác ngoài hoạt động và sáng tạo của con người…
Con người tìm thấy nguồn cảm hứng chỉ ở trong những chiến công hiện tại của mình, chỉ ở trong những hoạt động đã qua của mình.

Mục đích của thơ ca là để nhận thức ý nghĩa này, là để chuyển tải trong đó thông điệp hay khải huyền, và không thể biến thành những hình thức thơ cổ điển có vần điệu. Lời của những nhà tiên tri đều thu nhận hình thức thơ của các loại kinh: từ thơ của Kinh Thánh đến thơ của Zarathustra(17), từ thơ của Claudel đến thơ của Saint John Perse.

Phong cách của tượng đài về sự vĩ đại, cao cả của con người thu nhận trong mình trí tuệ và lòng tin của mọi dân tộc, mọi thời đại, tất cả những huyền thoại, truyền thuyết, tất cả những gì do bàn tay con người tạo nên, tái tạo nó như một bộ sử thi bằng cách giải mã những dấu vết, những ký ức của quá khứ. Phong cách như vậy đối với Saint John Perse không quá cầu kỳ, không quá trang trọng. Những câu chú này chúng ta đôi khi ngỡ rằng quá bóng bẩy và trang trọng, “lời của những nhà tiên tri mang lại”. Nhưng chẳng lẽ có thể biểu hiện sự sinh ra của một thực tại mới bằng một phong cách nào khác, ngoài phong cách trang trọng, oai nghiêm này?
“Vinh quang của ta trên cát! Vinh quang của ta trên cát!… Và điều này không có gì sai lầm, sơ suất, ô những kẻ hành hương…
Trên cuộc đời xin hãy huýt gió lên, những vỏ sò xin hãy hát lên trên dòng nước!
Ta đứng trên bờ vực và trên bọt nước, trên cát nóng bừng lên. Ta sẽ ngủ hằng đêm trong bể nước và trong những con thuyền, trong những nơi thâm cốc cùng sơn, nơi trú ngụ những gì là vĩ đại”.
Nhà thơ ghi nhận về giới hạn của con người tựa hồ như là chính giọng nói của tồn tại… Trong “Những mốc ngoài khơi” thể hiện bản chất thơ ca Saint John Perse:
“Ái chà, ta biết những lời để dành cho ngươi và ta không biết được những lời đầy đủ
Và tình yêu cản trở ta với đám đông từ ngữ
Và lời của ta không còn nữa, không còn là những dấu hiệu nữa bây giờ
Chúng là sự vật được gọi tên bây giờ, chúng tự thân là sự vật
Hoặc là nói cho chính xác: ta trở thành những câu chuyện của ta, ta trở thành lời
Ta trở thành ngươi, bởi vì trước đây ta và ngươi không hoà hợp, ta trở thành thơ và bút pháp của thơ, và sự chuyển động biển khơi của nó
Và ta khoác vào áo choàng của nhịp điệu bao la…”
Đấy là những lời có hình bầu dục, là ngôn ngữ ám chỉ, khó hiểu, ngôn ngữ của giới luật, của lễ nghi với đặc trưng của những lời cầu nguyện, những câu thần chú, là ngôn ngữ mà trong đó hình ảnh và nhịp điệu, ý nghĩ và âm thanh tạo thành một khối thống nhất.
Đấy là những thuộc tính của thơ Saint John Perse, sự hoà hợp lạ lùng của ý nghĩ và âm nhạc đòi hỏi sự có mặt và chuyển động của chúng ta. Và không nghi ngờ, đấy là tiêu chuẩn quan trọng nhất của thơ ca. Sự chuyển động của trường ca cho ta thấy sơ đồ của vần điệu và âm nhạc cuốn hút ta. Có nên ngắt quãng nó hay chỉ đơn giản là kéo lệch chúng đi – và nói như Paul Valery(18), “có cái gì đó vỡ ra như cốc chén hay là pha lê”. Ta hãy nghe trường ca về biển này một lần nữa:
“…Biển Vaal(19), biển Mammon, biển của tên gọi bất kỳ và thế kỷ!
Biển một lòng chung thủy và chung những mơ ước của ta, vì rằng thiếu biển thì giấc mơ không thể sống qua –
Biển là vết thương bên sườn và là dàn đồng ca cổ xưa bên cánh cổng
Và là điều xúc phạm, là ánh huy hoàng, là vẻ hân hoan, là cơn mê sảng…”

***

(…) Có thể, Saint John Perse trở nên quí giá đối với chúng ta trước hết là bởi (và ở đây chúng ta lại trích dẫn ông, để dành cho ông lời cuối):
“… Ai nhìn thấy trong giấc mộng của mình những qui luật khác về những cuộc du hành trên mặt đất và ai kiên nhẫn đi tìm đất đỏ trong sâu thẳm mờ xa, để tạo nên hình bóng của ước mơ”
“… Ai tìm ra trong hơi mát âu lo rồi đứng lên từ bờ vực thẳm để ngọn gió thổi lên ý tưởng và ai can trường thổi tù và trước cổng lớn của ngày mai”.

_________________
(1)Claudel, Paul Louis Charles Marie (1868-1955) – nhà thơ, nhà ngoại giao Pháp.
(2)Antilles – quần đảo ở Đông Ấn gồm những đảo lớn như: Cuba, Jamaica, Haiti, Puerto Rico… những đảo nhỏ như: Trinadad, Tobago, Barbados…
(3)Petain, Henri Philippe (1856-1951) – chính khách. Từ 1940-1944 là thủ tướng và là người đứng đầu nước Pháp.
(4)Briand, Aristide (1862-1932) – chính khách. Bộ trưởng ngoại giao, thủ tướng Pháp những năm 1909-1931. Giải Nobel Hoà bình năm 1926.
(5)Quai d’Orsay - đường phố bên bờ sông Seine, nơi có toà nhà Bộ Ngoại giao Pháp. Cụm từ “Quai d’Orsay” thường được dùng đồng nghĩa với Bộ Ngoại giao Pháp.
(6)Marx, Karl (1818-1883) – nhà tư tưởng, người sáng lập chủ nghĩa Mác.
(7)Goethe, Johann Wolfgang von (1749-1832) – nhà tư tưởng, nhà thơ Đức.
(8)Lautreamont, Comte de tên thật là Isidore Lucien Ducasse (1846-1870) – nhà văn, nhà thơ Pháp.
- Rimbaud, (Jean Nicolas) Arthur (1854-1891) – nhà thơ Pháp.
- Harare – thủ đô của Zimbabwe (châu Phi).
- Nerval, Gerard de tên thật là Gerard Labrunie (1808-1855) – nhà văn, nhà thơ Pháp.
- Baudelaire, Charles Pierre (1821-1867) – nhà thơ Pháp, chủ soái phái hình tượng.
- Mallarme, Stephane (1842-1898) – nhà thơ Pháp.
- Jarry, Alfred (1873-1906) – nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch Pháp.
(9)Quinet, Edgar (1803-1875) – chính khách, nhà sử học Pháp.
- Whitman, Walt (1819-1892) – nhà thơ Mỹ.
- Verhaeren, Emile (1855-1916) – nhà thơ Bỉ.
(10)Gide, Andre (1869-1951) – nhà văn Pháp, giải Nobel Văn học năm 1947.
(11)Heraclitus (540-480 tr. CN) – nhà triết học Hy Lạp cổ đại.
(12)Balboa, Vasco Nunez de (1475-1591) – nhà chinh phục Trung–Nam Mỹ (conquistator). Năm 1513 là người đầu tiên đi qua eo Panama để sang bờ Thái Bình Dương.
(13)Aragon, Louis (1897-1982) – nhà thơ, nhà văn Pháp.
(14)Eluard, Paul (1895-1952) – nhà thơ Pháp.
(15)Sarmat (Sarmatian, Sarmatai, Sauromatai) – tên gọi một bộ tộc người sống ở châu Âu khoảng thế kỉ 6-4 tr. CN (nay vùng đất này là lãnh thổ Nga, một phần Đức, Áo).
(16)Hegel, Georg Wilhelm Friedrich (1770-1831) – nhà triết học Đức.
(17)Zarathustra (sống khoảng trên 1000 năm tr. CN) – nhà tiên tri Ba Tư, nhà thơ, người sáng lập đạo Thờ Lửa.
(18)Valery, Paul Ambroise (1871-1945) – nhà văn, nhà thơ Pháp.
(19)Vaal – thần nước, thần chiến tranh của người Do Thái cổ.
- Mammon – theo Kinh Thánh là thần giàu có (Tân Ước_Ma-thi-ơ 6:24; Luca 16:13).
#31
    cacbac 30.11.2007 19:31:34 (permalink)

     
    Sully Prudhomme (tên thật là René Francois Armand Prudhomme) – nhà thơ Pháp, người đoạt giải Nobel Văn học đầu tiên, năm 1901. Sully Prudhomme sinh ngày 16/3/1839. Bố mất lúc S. Prudhomme lên hai tuổi, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông cùng mẹ và chị gái chuyển đến sống với một người chú. Năm lên 8 tuổi vào học trường Lycee Bonapart. Cậu bé học giỏi toán, say mê ngôn ngữ và thơ Pháp. Từ năm 1860, đã phải tự đi làm nhiều nghề kiếm sống, buổi tối về nghiên cứu triết học và làm thơ. Năm 1865 in tập thơ đầu tay ký bút danh Sully Prudhomme (tên bố) được đánh giá cao. Năm sau, một nhà xuất bản in thơ của ông vào tập Parnasse ngày nay (Le Parnasse contemporain) - một thứ tuyên ngôn của các nhà thơ nhóm Parnasse phản đối lại trường phái lãng mạn. Năm 1870, nổ ra chiến tranh Pháp - Phổ, ông tự nguyện gia nhập dân quân. Những túng thiếu, vất vả trong thời kỳ quân Phổ phong tỏa Paris khiến sức khỏe đã yếu của ông càng thêm trầm trọng, ông bị liệt và phải cắt hai chân sau khi cuộc phong tỏa chấm dứt. Trong thời kỳ chữa bệnh, ông vẫn viết thơ ái quốc (ấn tượng chiến tranh, 1870), cổ vũ thơ truyền thống, phản đối thơ tự do, chủ nghĩa tượng trưng, suy đồi (Di chúc thơ, 1900). Năm 1888 ông xuất bản trường ca Hạnh phúc, gồm 4000 câu thơ, khẳng định hạnh phúc có thể đạt được nhờ sự ham học hỏi, nhờ khoa học, nhờ lòng thiện và sự hy sinh. Năm 1901 S. Prudhomme trở thành người đầu tiên trên thế giới được trao giải Nobel “vì những giá trị văn chương xuất sắc, chủ nghĩa lí tưởng cao cả, nghệ thuật hoàn thiện và sự kết hợp tuyệt vời giữa tình cảm và tài năng”.
    Sully Prudhomme mất tại nhà riêng ở ngoại ô Paris ngày 7/9/1907. Tên tuổi Sully Prudhomme còn nổi tiếng là người dùng tiền của giải thưởng Nobel lập ra một giải thưởng dành cho các nhà thơ trẻ nước Pháp.

    Tác phẩm:
    - Tứ tuyệt và các bài thơ (Stances et poèmes, 1865), thơ.
    - Thử thách (Les épreuves, 1866), thơ.
    - Những phác thảo về Italia (Croquis Italiens, 1866-1868), thơ.
    - Nỗi cô đơn (Les solitudes, 1869), thơ.
    - ấn tượng chiến tranh (Impression de la guerre, 1870), thơ.
    - Nước Pháp (Le France, 1870), thơ.
    - Định mệnh (Les destins, 1872), thơ.
    - Loài hoa nổi loạn (La révolte des fleurs), thơ.
    - Lòng dịu dàng hoài phí (Les vaines tendresses, 1875), thơ.
    - Hạnh phúc (Le bonheur, 1888), trường ca.
    - Công lí (La justice, 1888), thơ.
    - Di chúc thơ (Le testament poétique, 1900), tiểu luận.
    - Tôn giáo đích thực theo Pascal (La vraie religion selon Pascal, 1905), khảo luận.
    - Vấn đề mục đích cuối cùng (Le problème des causes finale, 1906), khảo luận.
    - Tâm lí của sự tự do lựa chọn (Psychologie du libre arbitre, 1906), khảo luận.
    - Phiêu bạt (Les epaves, xuất bản năm 1908), thơ.






    Một số bài thơ:

    GIỐNG NHAU

    Nếu em muốn biết được vì sao anh
    Lại yêu em chân thành, tha thiết vậy?
    Em yêu ạ, anh yêu em là bởi
    Em giống như thời tuổi trẻ của anh.

    Ánh mắt em đầy hy vọng nhưng buồn
    Tỏa ánh sáng chói ngời như tia chớp
    Trong lòng em ngập tràn bao mơ ước
    Em giống như thời tuổi trẻ của anh.

    Thân hình em kì diệu và mong manh
    Như người đẹp thành Tơ-roa thuở trước
    Vẻ lộng lẫy trên mái tóc, trên ngực
    Em giống như thời tuổi trẻ của anh.

    Tình yêu chân thành, tha thiết cháy lên
    Mỗi giây phút lời “yêu em” anh nói
    Nhưng em bước đi, không thèm ngoái lại
    Em giống như thời tuổi trẻ của anh.


    GIỌT SƯƠNG

    Ta nhìn thấy, rất buồn bã trong mơ
    Những giọt sương lấp lánh trên đồng cỏ
    Bàn tay lạnh của đêm đen đã thả
    Những giọt sương lên những cánh hoa.

    Những giọt sương rơi xuống từ đâu vậy?
    Không mây mù, nơi ấy chẳng hề mưa.
    Thì ra trước khi lấp lánh trên hoa
    Trong không khí sương đã từng run rẩy.

    Những giọt lệ từ đâu trong đôi mắt?
    Giữa trời xanh không một dấu vết buồn.
    Thì ra trước khi ánh lên trong mắt
    Dòng lệ đã từng ấp ủ trong tim.

    Đời vẫn thế, bóng giấu mình trong ngực
    Nước mắt mơ màng, run rẩy trong tim
    Và ngay cả những ngày vui, hạnh phúc
    Những giọt lệ buồn vẫn cứ trào dâng.


    BÌNH VỠ

    Trong bình hoa đã héo hon
    Vì em khẽ chạm quạt nan vô tình
    Vết nứt không rõ mắt nhìn
    Tháng ngày cứ thế trên bình dần loang.
    Bàn tay chạm đến đã quên
    Nhưng điều tai họa lớn lên trong bình
    Nước dần vơi, hoa héo hon
    Bình nay đã vỡ xin đừng chạm tay!

    Con tim tôi cũng thế này
    Dịu dàng khẽ chạm bàn tay, một lần
    Kể từ dạo ấy trong tim
    Vết thương còn mãi, dù nhìn chẳng ra.
    Tim vẫn sống như ngày qua
    Và che giấu nỗi xót xa của mình
    Nhưng tai họa cứ lớn lên
    Tim nay đã vỡ xin đừng chạm tay!


    HORA PRIMA(1)

    Tôi chào đón ngày khi còn chưa thức dậy
    Bằng ánh sáng của mình ngày chạm đến thế kỉ tôi
    Nhưng tôi chưa nhận ra sự tiếp xúc như vậy
    Khi ngày nhìn hồn tôi xuyên qua giấc mơ đời.

    Tôi nằm im trên giường, không cử động
    Như pho tượng đá trên những nấm mồ
    Trong đầu tôi những nghĩ suy rất sáng
    Tràn ngập ánh mặt trời, tôi không mở mắt ra.

    Tôi cảm thấy như trong ánh bình minh
    Chào vầng dương, dàn đồng ca đang hát
    Và trong tim tôi có tiếng hót của chim
    Không thấy hoa, chỉ mùi hương ngào ngạt.

    Ngoài thực tại, ngoài những điều lo lắng
    Của cuộc đời, tôi cảm thấy như là
    Rất ngọt ngào, tất cả niềm vui sướng
    Không ngủ mà đang sống, tựa trong mơ.
    __________
    (1)Giờ thức tỉnh (tiếng Latinh).



     
     
    CHƯA BAO GIỜ NGHE TÊN

    Chưa bao giờ nghe tên, chưa nhìn thấy
    Chưa bao giờ tôi từng gọi tên em
    Nhưng chung thủy và vui lòng chờ đợi
    Đến muôn đời, tôi vẫn mãi yêu em!

    Tôi giang tay hướng về em, cầu nguyện
    Chẳng hề gì khép lại cánh tay run
    Bởi vòng tay lại về em hướng đến
    Đến muôn đời, tôi vẫn mãi yêu em!

    Chỉ là ước mơ, chỉ là hy vọng
    Theo dòng lệ này, như nước, tan nhanh
    Tuôn dòng lệ, tôi vui mừng sung sướng
    Đến muôn đời, tôi vẫn mãi yêu em!

    Chưa bao giờ nghe tên, chưa nhìn thấy
    Chưa bao giờ tôi từng gọi tên em
    Nhưng tôi biết em, tôi cảm tạ em
    Đến muôn đời, tôi yêu em, mãi mãi!


    SỰ CỨU RỖI TRONG NGHỆ THUẬT

    Nếu chỉ có trời xanh và biển xanh
    Màu đỏ của hoa hồng, màu vàng lúa mạch
    Thì vẻ đẹp khô khan vuốt ve ánh mắt
    Niềm vui của ta thật cay đắng vô cùng.

    Nhưng có vẻ đẹp khác ở chốn trần gian:
    Nụ cười đắng cay trong nước mắt cúi xuống
    Dễ thương hơn cả màu xanh của trời, của biển
    Đó là bóng hình người phụ nữ yêu thương.

    Linh hồn ta chịu đau khổ muôn năm
    Nhưng giữa những bài ca, sau những lời to nhỏ
    Đau khổ của tình yêu vẫn đắm đuối mê hồn.

    Nghệ thuật hãy cứu ta, như áo giáp binh
    Để bóng hình thân thương, ta yêu mà không đau khổ
    Như màu của trời xanh, như hương của hoa hồng!

    #32
      cacbac 28.04.2008 09:54:55 (permalink)

       
      Joseph Brosky nói về Derek Walcott
       
        Năm 1992, khi Derek Walcott đoạt giải Nobel Văn học, báo chí phương Tây hầu như đều trích dẫn lời của Brodsky: “Đó là nhà thơ hay nhất viết bằng tiếng Anh hiện tại”. Đây không chỉ là chuyện một nhà thơ Nobel khen một nhà thơ Nobel khác, không chỉ vì họ là những người bạn thân của nhau… mà những lời này mang tính dự báo và trở thành hiện thực. Joseph Brodsky viết những lời này trước đó 10 năm, sau đó in trong cuốn “Ít hơn một”(Less than one, 1986).
        Derek Walcott sinh ở Saint Lucia (thuộc địa Anh), một hòn đảo nhỏ trong quần đảo Antilles ở vùng biển Caribê. Năm 1979, khi Saint Lucia tuyên bố độc lập Walcott đổi từ quốc tịch Anh - đất nước mặt trời không bao giờ lặn, thành công dân Saint Lucia. Quốc đảo bé nhỏ này, xét về mặt giải thưởng Nobel là nhất thế giới, dù tính theo đầu người hay diện tích cũng vậy. Derek Walcott là người thứ hai. Arthur Lewis (1915-1991) người đầu tiên của Saint Lucia đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1979.
        Một hòn đảo có diện tích 616 km2 với hơn 150 ngàn dân (năm 2000), thu nhập quốc dân chủ yếu dựa vào nguồn xuất khẩu chuối mà có một người đoạt giải Nobel Kinh tế, mới nghe qua, ta thấy không thuyết phục. (Tất nhiên là mới nghe qua vì nếu xét về những đóng góp hay xem qua một số tác phẩm của ông như: Những nguyên tắc của kinh tế kế hoạch – Principles of economic planning, 1949; Lý thuyết tăng trưởng kinh tế – Theory of economic growth, 1955; Quy hoạch sự phát triển – Development planning, 1966; Phương thức phát triển – The Development process, 1970; Những nhân tố động lực của tăng trưởng kinh tế – Dynamic factors in economic growth, 1974 vv… thì sẽ thấy rằng Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển có lý).
        Dù giải Nobel Kinh tế có thuyết phục hay không nhưng thơ ca của giải Nobel Văn học thì không một ai nghi ngờ. Đọc những lời trò chuyện của Brodsky ở phần cuối bài này ta sẽ càng hiểu thêm về điều này. Rất tiếc, thơ của Derek Walcott dịch ra tiếng Việt còn quá ít. Chúng tôi cũng chỉ mới dịch được có hai bài thơ ngắn mà tâm đắc nhất là bài “Tình yêu sau một tình yêu” (Love After Love). Thực ra thì chúng tôi cũng chỉ mới cố gắng chuyển sang tiếng Việt cái hồn của bài thơ chứ chưa thể dịch sát được từng câu từng chữ. Hy vọng rồi sẽ có những bản dịch khác hay hơn, chính xác hơn. Nguyên bản của bài thơ như sau:

      Love After Love

      The time will come
      when, with elation
      you will greet yourself arriving
      at your own door, in your own mirror
      and each will smile at the other's welcome,

      and say, sit here. Eat.
      You will love again the stranger who was your self.
      Give wine. Give bread. Give back your heart
      to itself, to the stranger who has loved you

      all your life, whom you ignored
      for another, who knows you by heart.
      Take down the love letters from the bookshelf,

      the photographs, the desperate notes,
      peel your own image from the mirror.
      Sit. Feast on your life.

      Tình yêu sau một tình yêu

      Rồi sẽ đến một ngày
      Khi nhìn vào gương
      Với chính mình, em cười mỉm.
      Rồi sẽ đến một ngày
      Con tim em hồi hộp
      Khi nghe tiếng bàn chân em bước
      Bên ngưỡng cửa nhà em.

      Thì em hãy mời vào nhà chính bản thân mình
      Thết rượu vang, bánh mì và trả lại con tim
      Và hãy nhận về cho mình – một người quen xa lạ
      Người ấy với em chung thủy
      Yêu em suốt cả cuộc đời
      Người ấy vì em mà mệt mỏi rã rời.

      Em hãy cất khỏi chiếc bàn chân dung của những kẻ xa vời
      Những bức thư tình, những bài thơ tuyệt vọng…
      Rồi ngồi xuống bên bàn. Mở tiệc mừng long trọng
      Mừng cho bản thân mình. Mừng cho cuộc đời em.


        Gần đây, ở Mỹ có một cuốn sách của các nhà văn Việt Nam mang tựa đề “Tình yêu sau chiến tranh” (Love After War), và hình như có cả tiếng Việt. Tôi chưa đọc cuốn sách này, không biết nó hay thế nào nên không biết nói gì về cuốn sách này nhưng nếu có ai hỏi thì tôi cũng có thể nói: Tình yêu mà sau chiến tranh thì chắc chắn là hay. Vì rằng tình yêu, xét về bản chất cũng là chiến tranh, cũng giống như chiến tranh. Heraclitus Ephesus (540-480 tr.CN) từng viết rằng “chiến tranh là cha đẻ của muôn loài, của tất cả”. Tương tự, cũng có thể nói “tình yêu là mẹ đẻ của tất cả”. “Tình yêu sau một tình yêu” của Derek Walcott là tình yêu sau một cuộc chiến tranh (với chính bản thân mình). Joseph Brodsky trong bài thơ “Vĩnh biệt, hãy quên, đừng trách cứ gì nhau” cũng nói về “một trận đánh” ở trong lòng. Sau khi nói với người yêu rằng “những bức thư/ em hãy đốt/ như cầu…”, sau khi đã nói những lời vĩnh biệt, ông viết:

      Rồi sẽ có bão táp mưa giông
      Và tiếng gào điên cuồng của lửa
      Sẽ có những thành công rực rỡ
      Phía trước đợi chờ em
      Sẽ tuyệt vời và mạnh mẽ vô cùng
      Một trận đánh
      Sẽ vang lên trong lồng ngực của em.


        Quay trở lại với các nhà thơ Nobel, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc câu chuyện giữa Petr Vail  và Joseph Brodsky nói về Derek Walcott:

      - Anh có một thói quen thật là hay - lẽ ra đi kết bạn với những "người đoạt giải Nobel" thì anh kết bạn với những kẻ mà sau đó trở thành "người đoạt giải Nobel".

      - Quả là tôi vui khủng khiếp. Vui vì đó chính là Derek.

      - Các anh làm quen với nhau ra sao?

      - Năm 76 hay 77 gì đấy. Có nhà thơ Mỹ - Robert Lowell là chỗ thân quen với tôi. Một ngày đẹp trời, hai chúng tôi ngồi tranh luận về chuyện - ai đáng gì trong thơ ca viết bằng tiếng Anh. Robert Lowell đưa cho tôi xem tập thơ của Derek Walcott, đó là bài thơ dài "Star - Apple Kingdom", nghe như là "Vương quốc Quả Táo – Ngôi Sao", một cách dịch ngớ ngẩn. Tôi có ấn tượng mạnh với tác phẩm này. Mặt khác thì tôi vẫn nghĩ: bài thơ hay thật đấy nhưng ai mà chả có thơ hay.
      Sau đó một thời gian R. Lowell chết, trong đám tang anh ấy tôi gặp D. Walcott lần đầu. Và, hoá ra là chúng tôi cùng chung một nhà xuất bản - Farrar, Straus & Giroux. Nếu bây giờ thêm D. Walcott nữa thì nhà xuất bản này in sách của 20 nhà văn đoạt giải Nobel. Thế rồi tôi lấy được tác phẩm của Walcott ở nhà xuất bản và hiểu ra rằng bài thơ dài nọ, như người ta vẫn hay nói, không phải là một thành công riêng biệt, không phải là ngoại lệ. Tôi đặc biệt thích tác phẩm "Another Life", (Cuộc đời khác).
      Anh biết không, một nền văn học nào cũng vậy, đặc biệt là trong một giai đoạn nhất định, có những tác phẩm nền. Ở ta (Nga- ND) đó là "Trừng phạt" của Blok, sau đó là "Trung uý Smith" của Pasternak, hoặc còn những tác phẩm khác. Đó là tác phẩm tạo nên cho thơ ca một thời tiết mới. Cũng vậy "Cuộc đời khác" - một địa phận mới như vậy. Không hẳn về địa phận được mô tả trong tác phẩm mà cái khác - là tâm lý, là địa lý. Và phương pháp mô tả cũng rất đặc thù. Sau đó, năm 78 hay 79 gì đó cả Walcott và tôi đều là thành viên ban giám khảo của tạp chí "Văn học thế giới hôm nay", một tạp chí xuất bản ở Oklahoma (Mỹ – ND) và cứ hai năm một lần tổ chức trao giải thưởng, Eugnio Montale, Elizabeth Bishop và một số người khác được giải thưởng này. Ban giám khảo gồm 13 người và mỗi người đưa ra ứng cử viên của mình. Tôi đề cử Milosz còn Walcott đề cử Naipaul, gần như là đồng hương. Tiện thể, nghe nói ở Stockholm họ cũng sát điểm nhau. Walcott tranh thủ được thêm và họ cũng là những người bạn lớn.

      - Giờ thì vùng Caribe còn lâu mới được giải Nobel, Naipaul dù còn trẻ hơn Walcott hai tuổi nhưng cũng đã tròn sáu chục.

      - Nhưng đấy là trong ngoặc. Còn ở Oklahoma về đích - ở đó theo nguyên tắc Olympic -  là Milosz và Naipaul, cuối cùng Milosz được. Tôi hiểu là Walcott nhường ứng cử viên của mình cho ứng cử viên của tôi và hỏi anh ta tại vì sao? Walcott trả lời rằng "tôi nhường không theo nguyên nhân có thể hình dung. Vấn đề không ở chỗ là Đông Âu, là chủ nghĩa Quốc xã, là tai họa vv... Những gì hiện tại đang xảy ra ở quần đảo chúng tôi không kém gì tai họa của người Ba Lan hay người Do Thái, đặc biệt là về phương diện đạo đức. Mà những tiêu chuẩn hoàn toàn khác: tôi thích rằng sau khi đọc - dù là thơ hay văn xuôi - tôi nghe thấy một sự ngân vang. Ngân vang của hình cầu, nếu tiện. Thế mà ở Naipaul tôi không cảm thấy điều này, còn ở Milosz thì có". Từ đó, từ cái dạo Oklahoma ấy hai chúng tôi trở nên những người bạn vô cùng thân thiết.

      - Anh có dùng chính cái từ này? "Druk", dù sao cũng thân thiết hơn "Friend" chứ. (Druk: bạn - tiếng Nga; Friend: bạn - tiếng Anh. ND)

      - Anh biết không, đó là một con người rất nồng nhiệt. Nghĩa là từ anh ấy có một luồng xạ khí. Hoàn toàn không phải như chuyện trong nhà thờ ở Kiev mà thực tế là có một con sóng ấm áp, vâng. Khi gần anh ấy tôi luôn cảm thấy điều này. Anh ta như người vừa sưởi ngoài nắng - ta nên nhớ là anh ấy người ở đâu.

      - Tôi cũng có một lần cùng hội với Walcott và tôi nhớ rất rõ một điều xung quanh anh ấy luôn có tiếng cười.

      - Quả là như vậy. Anh ấy có đầu óc hài hước rất kỳ lạ. Mà sống động khủng khiếp, lúc nào cũng có một cái gì đó mới trong đầu. Nói chung là chuyện anh ấy nằm, ốm, buồn chán, uể oải thì tôi không hề nhớ. Hai mươi năm nay đó là người bạn thân nhất của tôi trong số các nhà văn tiếng Anh. Chúng tôi cùng có mặt trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, cùng ở trong nửa bán cầu này.

      - Trong tất cả những bài viết về việc trao giải Nobel đều trích những lời của anh: " nhà thơ hay nhất viết bằng tiếng Anh"...

      - Quả là tôi đã nói như vậy. Mà người ta buộc phải trích dẫn tôi là vì tôi viết về anh ấy rất nhiều. Chẳng phải vì điều này mà tôi tự hào... Mặc dù không, tôi tự hào mình là ai? Tôi tự hào, mà thậm chí, có thể khoe khoang điều này.

      - Trong quyển "Ít hơn một" có bài về Walcott "The Sound of the Tide" (Tiếng sóng vỗ bờ), anh viết rằng Walcott - ngoài mọi trường phái. Đâu là ý nghĩa "nền" như anh thể hiện? Anh nói về những "địa phận mới" nào vậy?

      - Trong bài này tôi nói phỏng theo Mandelshtam: "Đã một phần tư thế kỷ, kể từ ngày     <... > tôi bơi vào thơ Nga". Walcott cũng bơi vào thơ Anh và bây giờ đã bơi đến. Anh ấy hay ở chỗ nào? Đó là phong cách cổ điển, không trái ngược với chủ nghĩa hiện đại  mà hoà nhập với nó. Walcott làm thơ có vần điệu rất phong phú. Tôi nghĩ rằng, không ai gieo vần thơ bằng tiếng Anh hay hơn Walcott. Tiếp tục: thơ rất màu sắc, bởi vì màu sắc, thực tế là thông tin tâm hồn. Nếu nói về động vật thì đó là mimicry (bắt chước, mô phỏng) - điều này còn hơn là sự thích ứng, vâng? Sau tất cả những điều này là cả một câu chuyện dài - là một sự tiến hoá - còn nhiều hơn là lịch sử. Derek là nhà thơ thời Adam, có nghĩa là anh ấy đến từ thế giới nọ, nơi tất cả chưa được nghĩ ra, nơi tất cả chưa được đặt tên. Thế giới này có người ở chưa lâu lắm. Người phương Tây da trắng chưa khai hoá hết. Nơi này đa số dùng những khái niệm hãy còn chưa được nhận biết đầy đủ bằng kinh nghiệm và nhận thức.

      - Có điều gì đó tương tự ta nhận ra trong hiện tượng tiểu thuyết Mỹ Latinh, nơi gần gũi với huyền thoại hơn là châu Âu hay bắc Mỹ đã được tinh luyện.

      - Derek xét về chủng tộc là người da đen. Quả thực là trong máu anh ấy có trộn lẫn nhiều. Nhưng khi anh sinh ra là công dân của Liên hiệp Anh và là người da màu thì sẽ rơi vào tình trạng rất lạ lùng. Nếu môi trường hoạt động của anh là văn hoá thì sự lựa chọn sẽ rất hạn chế. Hoặc là đắm chìm trong hoài niệm về nguồn gốc không còn tồn tại vì chẳng còn chút truyền thống  gì ngoài những lời truyền miệng. Hoặc là đi tìm nơi trú ẩn trong văn hoá của những người chủ. Trường hợp thứ nhất - dễ hơn, vì rằng ở đó chẳng có gì ngoài tình cảm.

      - Và sau đó thì trở thành người số một. Tôi hồi trẻ đã tiếc rằng sao mình không là người của một dân tộc thiểu số phương bắc nào đấy: mới 30 tuổi đã có một tuyển tập tác phẩm.

      - Trong mọi trường hợp, sự ủng hộ anh sẽ tìm ra cho mình và không cần suy nghĩ nhiều mà quan trọng là cần cảm nhận.

      - Trong trường hợp thứ hai mà anh nói trên sự cạnh tranh, tất nhiên, hoàn toàn khác.

      - Không đơn giản như vậy. Anh đang đi vào lịch sử văn hoá mà cần phải nắm vững và phải đấu tranh với nó. Thế giới này rộng lớn, có nhiều thứ đã được hình thành. Điều này có thể sẽ giẫm đạp lên. Đấy là chưa nói chuyện những đồng bào của anh vẫn thường xuyên trách móc rằng anh đã bán mình cho những người Bôn-sê-vích.

      - Trong trường hợp này – cho những người Da trắng.

      - Vâng, cho những người Da trắng. Cho nền văn hoá lớn. Nhưng tài năng mạnh mẽ như Walcott, cũng như Naipaul, họ không đến từ đâu cả và họ nắm vững không chỉ văn hóa Anh. Họ mong muốn tìm ra cho mình một chỗ đứng và một trật tự thế giới thay vì có được một chốn nương náu ở văn hóa Anh, xuyên qua nó và đi ra từ phía khác, trở thành những người xa lạ hơn trước khi vào.

      - Họ không đo cao trình trong truyền thống mạnh mẽ mà chỉ tôi luyện và tăng cường sự đặc trưng của mình. Nghĩa là, trước đó sự đặc trưng này là thiên bẩm từ nguồn gốc xuất thân – sự ảnh hưởng của vùng Caribê, châu Phi, Ấn Độ – còn sau đó thì trở thành nhân cách thực sự. Nhưng nếu như Walcott và Naipaul viết bằng tiếng Anh thì trước hết có lợi cho người Da trắng chứ.

      - Những người này đã khác. Và thế giới này đã khác. Nhờ có những người như Walcott, như Naipaul. Mà Derek nhận được nền giáo dục cổ điển Anh. Nền giáo dục cổ điển thuộc địa Anh.

      - Tiện thể, cái đảo Saint Lucia này là một nơi rất kỳ lạ. Thu nhập tính theo đầu người chỉ bằng 1/10 của dân Mỹ mà người biết chữ là 90%, đấy là một tỉ lệ cao của thế giới.

      - Derek học ở Đại học Đông Ấn, sau đó học tiếp ở Anh, nhiều con đường khác nhau. Nhưng lĩnh vực của anh ấy là thơ ca.

      - Một công việc rất riêng tư. Nhưng mà Walcott còn là một nhà soạn kịch.
      - Anh ấy viết kịch thơ bởi vì: a) say mê sân khấu và b) là để tạo việc làm cho nhiều người đồng hương tài năng của mình. Trong kịch anh ấy nhiều âm nhạc, rất sôi nổi còn say mê thì như kịch của Shakespeare.

      - Tôi cứ ngỡ rằng Derek Walcott là người đại diện toàn quyền của nhóm Thất tinh thời nay. Trước hết là người phù hợp nhất với những dòng của anh viết: “Nếu phải sinh ra trong đế chế thì tốt nhất là được sống ở bên bờ biển nơi tỉnh lẻ xa xôi”. Này là Walcott, Naipaul – từ những hòn đảo ở vùng biển Caribê. Một năm trước đó giải Nobel Văn học được trao cho Nadine Gordimer từ Nam Phi. Cũng ở Nam Phi có Coetzee, người mà anh nhiều lần gọi là một trong những nhà văn viết bằng tiếng Anh hay nhất. Có Salman Rushdie. Còn ở Stockholm nghe nói đang xét trao giải cho Seamus Heaney. Tất cả đều là văn xuôi và thơ ca bằng tiếng Anh và tất cả đều không phải người Anh, không phải người Mỹ, tất cả đều người ngoài. Điều gì xảy ra vậy?

      - Xảy ra cái điều mà Yeats đã từng nói: “Trung tâm đã không còn giữ nổi”. Và quả là trung tâm đã không còn giữ nổi.

      - Đế chế tốt đẹp lên bởi những đống hoang tàn?

      - Không chỉ những đống hoang tàn mà còn là những vùng biên cương xa xăm. Mà vùng biên cương xa xăm hay một điều, có thể, là nơi kết thúc Đế chế, nhưng là nơi bắt đầu của thế giới còn lại. Và ở nơi biên cương xa xăm của Đế chế, trên một hòn đảo nhỏ trong biển Caribê có một người bắt đầu đọc Shakespeare và những người còn lại. Người ấy không nhìn thấy những người lính lê dương nhưng nhìn thấy sóng biển và những cây cọ, những cây dừa bên bờ biển như những cái mũ sắt của những người lính đổ bộ đã chết năm nào.

      - Walcott viết rằng: “Biển là lịch sử của chúng tôi”. Và ở một chỗ khác: “Dân tộc tôi sinh ra trên biển, không tên gọi, chẳng có những chân trời". Còn anh, ở vùng tây-bắc của một Đế chế khác cũng có biển, cũng có ý nghĩa đầu tiên, nếu xét theo những câu thơ này:
      “Tôi sinh ra và lớn lên trong những đầm lầy Baltic
      bên những con sóng bạc đầu ùa lên bờ cát từng đôi
      giọng nói héo hon và tất cả những vần điệu từ đây
      cuộn vào nhau, tựa như mái tóc xoăn đẫm ướt…”
      Nếu vùng biên cương xa xăm của Đế chế mà trung tâm “đã không còn giữ nổi”, Đế chế đang tan rã như Đế của ta, hay đã tan rã như Đế chế Anh, nếu tất cả đều tốt đẹp đến vậy thì liệu có nên chờ đợi điều bất ngờ từ những vùng biên cương xa xăm của nước Nga?

      - Nên hy vọng một điều gì tương tự sẽ đến. Mặc dù những vùng biên cương xa xăm của ta không tách biệt với nhau về địa lý, mà là một lục địa toàn vẹn. Bởi thế không có cảm giác tách biệt hẳn với trung tâm. Mà theo tôi, cảm giác này này rất quan trọng. Những người nói tiếng Anh cám ơn địa lý vì có những hòn đảo này. Tuy nhiên, trường hợp với nước Nga để có những điều tương tự không ngoại trừ điều này.

      - Tôi nghĩ rằng sự trẻ trung của nền văn hóa mà con người ở vùng biên cương của Đế chế mang trong mình cùng với truyền thống gắn liền với sự can đảm, nếu không nói là táo bạo. Ví dụ như Walcott cả gan viết cả thiên sử thi: 325 trang “Omeros” – cải biên “Iliat” và “Odyssey” theo kiểu Caribê. Sử thi trong thời đại của ta không còn phù hợp chăng?

      - Không biết được. Đối với nhà văn – không hợp. Đối với bạn đọc – cũng không hợp.

      - Tại sao sử thi hiện đại không tồn tại, hoặc hầu như không có?

      - Là bởi vì ruột của ai cũng nhỏ cả. Là bởi vì ta vẫn thích những hình thức ngắn gọn hơn: tất cả đều tự nhiên thôi. Thời gian có ít, cả nhà văn lẫn bạn đọc. Và tất nhiên trong sử thi có chỗ lếu láo. Nhưng mà “Omeros” là tác phẩm thơ hay, đôi chỗ rất lạ kỳ. Nhưng “Cuộc đời khác” mới đúng là sử thi của Walcott.

      - Và một câu hỏi truyền thống: Walcott có biết nhiều về văn học Nga không?

      - Anh ấy biết nhiều qua những bản dịch sang tiếng Anh tác phẩm của Pasternak và Mandelstam và chịu sự ảnh hưởng của họ. Theo tôi biết được thì Walcott ở giữa hai nhà thơ kia. Walcott là nhà thơ dùng thủ pháp, chi tiết và điều này gần với Pasternak. Còn ở mặt khác – giọng teno tuyệt vọng của Mandelstam… Tôi nhớ lần ở Oklahoma, hai chúng tôi ngồi trò chuyện. Mỗi thành viên ban giám khảo mỗi ngày được phát một chai Whisky “Ballantyne” mà Derek khi đó đã bỏ rượu nên anh ấy trao cho tôi, còn tôi làm vui anh ấy bằng cách dịch theo trí nhớ thơ của Mandelstam. Tôi nhớ câu thơ: “Và trên sông Nê-va màu vàng chanh, sau tiếng xạc xào của tờ một trăm đồng rúp/ Cô gái Digan trước mặt tôi đã không còn nhảy múa nữa bao giờ” đã gây cho Derek một ấn tượng rất mạnh. Anh ấy đánh mất mình vì khoái chí. Sau đó làm thơ về sự ân huệ của tôi sử dụng xảo thuật gây ấn tượng của những dòng thơ này. Anh ấy còn giúp tôi dịch thơ của mình.

      - Tôi nghĩ rằng Walcott trong thơ của Mandelstam và trong thơ anh mang một nét cổ điển. Không ngẫu nhiên mà anh ấy thích so sánh quần đảo của mình với quần đảo của người Hy Lạp.

      - Quả là đúng như vậy, khuynh hướng này ở anh ấy rất mạnh mẽ, suy nghĩ về quần đảo của mình ở Đông Ấn như về Hy Lạp. Derek lật từng trang sách như ngọn sóng - giật lùi.
      <1992>

      #33
        cacbac 02.12.2008 13:00:12 (permalink)



        Derek Walcott (sinh năm 1930) - nhà thơ, nhà soạn kịch Saint-Lucia đoạt giải Nobel Văn học 1992 Được thừa hưởng sự kết hợp nền văn hóa Caribe cùng với di sản thuộc địa Anh, Derek Walcott trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của thi ca đương đại.

        Derek Walcott sinh ngày 23-01-1930 ở Castries, đảo Saint Lucia. Học trường cao đẳng St. Mary's College ở quê hương Saint Lucia. Tốt nghiệp Đại học West Indies ở Jamaica năm 1953, D. Walcott làm giáo viên trường phổ thông rồi phóng viên của các tờ báo “Public Opinion”“Trinidad Guardian”. Năm 18 tuổi in 25 bài thơ bán trên đường phố Castries nhưng thực sự nổi tiếng với tập thơ Đêm xanh (1962). Với tập thơ này D. Walcott được đánh giá là nhà thơ của xứ thuộc địa đã sáng tạo ra tác phẩm ngang hàng với các nhà thơ nổi tiếng nhất ở chính quốc. Thơ của D. Walcott chủ yếu được viết bằng tiếng Anh, đôi khi mang sắc thái ngôn ngữ địa phương. Ngoài những tác phẩm thơ, ông còn nổi tiếng trong lĩnh vực sáng tác kịch, trong đó phải kể đến vở Lễ tưởng niệm và vở kịch câm (1980). Một số vở kịch của ông được viết bằng thơ. Năm 1959 ông thành lập nhà hát Trinidad và viết nhiều vở kịch cho nhà hát này.

        D. Walcott đi du lịch rất nhiều nước nhưng các tác phẩm của ông mang nặng các yếu tố của xã hội Jamaica với sự du nhập văn hóa từ Châu Phi, Châu Á, Châu Âu. Trong nhiều năm ông sống ở Trinidad, dạy văn học và cách viết văn sáng tạo ở đại học Boston. D. Walcott từ chối danh hiệu công dân Anh quốc và nhập quốc tịch Saint - Lucia - một quốc đảo có đường kính 25 dặm với gần 25.000 người dân. Cho đến nay ông đã xuất bản hơn 40 tập thơ và kịch. Kinh nghiệm sống tại một đất nước thuộc địa của Anh đã có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc đời và sáng tác của ông. Nhà thơ Mỹ gốc Nga Brodsky (giải Nobel 1987) là người bạn gần gũi thân thiết của D. Walcott đã viết về quê hương xứ sở của ông như sau: "Colombo đã tìm ra nó, người Anh đã chiếm nó làm thuộc địa và Derek Walcott làm cho nó trở thành bất tử."

        Năm 1981, D. Walcott được nhận giải "Giành cho các thiên tài" 250.000 USD của quỹ John và Katrin Makartuz. Năm 1992 ông nhận giải Nobel vì đã sáng tạo nên những mẫu mực thơ ca tuyệt vời của xứ Caribe.

        Tác phẩm:
        - 25 bài thơ (25 poems, 1948), thơ.
        - Văn mộ chí cho chàng trai trẻ (Epitaph for the young, 1949), thơ.
        - Đêm xanh. Thơ 1948-1960 (In a green night. Poems 1948- 1960), thơ.
        - Người đắm tàu và những bài thơ khác (The castaway and other poems, 1965) thơ.
        - Vịnh và những bài thơ khác (Gulf and other poems, 1969), thơ.
        - Cuộc đời khác (Another life, 1973), thơ.
        - Nho biển (Sea grapes, 1978), thơ.
        - Vương quốc Star-Apple (The Star-Apple kingdom, 1979), thơ.
        - Lễ tưởng niệm và kịch câm (Remember and pantomime, 1980), kịch.
        - Người lữ hành may mắn (The fortunate traveller, 1981), thơ.
        - Giữa mùa hè (Midsummer, 1984), thơ.
        - Giấc mơ trên đồi khỉ và những vở kịch khác (Dream on monkey mountain and other plays, 1970), kịch.
        - Thịt bò, không thịt gà (Beef, no chicken, 1985), kịch.
        - Chúc thư Arkansas (The Arkansas testament, 1987), thơ.
        - Omeros (Omeros, 1990), thơ.
        - Odyssey (The Odyssey, 1993), kịch.
        - Đứa con phóng đãng (The prodigal, 2004), thơ.



        Một số bài thơ:


        TÌNH YÊU SAU MỘT TÌNH YÊU

        Rồi sẽ đến một ngày
        Khi nhìn vào gương
        Với chính mình, em cười mỉm.
        Rồi sẽ đến một ngày
        Con tim em hồi hộp
        Khi nghe tiếng bàn chân em bước
        Bên ngưỡng cửa nhà em.

        Thì em hãy mời vào nhà chính bản thân mình
        Thết rượu vang, bánh mì và trả lại con tim
        Và hãy nhận về cho mình – một người quen xa lạ
        Người ấy với em chung thủy
        Yêu em suốt cả cuộc đời
        Người ấy vì em mà mệt mỏi rã rời.

        Em hãy cất khỏi chiếc bàn chân dung của những kẻ xa vời
        Những bức thư tình, những bài thơ tuyệt vọng…
        Rồi ngồi xuống bên bàn. Mở tiệc mừng long trọng
        Mừng cho bản thân mình. Mừng cho cuộc đời em.





        KHÔNG CẦN GÌ NGOÀI LÒNG CHÂN THẬT

        Tôi sống gần bên bờ biển
        Một mình. Không vợ, không con
        Và bằng rất nhiều con đường
        Để đi và đến.
        Ngôi nhà thấp bên biển
        Cửa sổ bao giờ cũng mở toang
        Về phía biển thân quen.
        Không ai có thể chọn cho mình công việc
        Ta chỉ là thành qủa của những việc ta làm.
        Năm tháng đi qua, ta quên điều lo sợ
        Nhưng còn lại khát khao được vượt qua
        Tình yêu – như tảng đá
        Rơi vào đáy biển bao la
        Bây giờ tôi không còn đòi hỏi gì ở thơ ca
        Ngoài lòng chân thật
        Không sự vinh quang, không thương xót
        Nếu vợ lặng im thì có thể cùng ngồi bên bờ biển với nhau
        Vách đá vẫn còn giữa những con sóng bạc đầu
        Sóng sẽ mang lên bờ rác rưởi của những gì hèn kém
        Và tôi phải quên đi thói quen cảm nhận
        Quên đi tài năng của mình
        Nhưng điều này còn khó khăn hơn
        Là nhận về cho mình cuộc sống.

        #34
          Thay đổi trang: < 123 | Trang 3 của 3 trang, bài viết từ 31 đến 34 trên tổng số 34 bài trong đề mục
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9