Chất lượng giáo dục bậc cao học tại XHCN Việt Nam
Ngọc Lý 05.12.2007 10:57:46 (permalink)
Thạc sĩ cũng năm bảy đường…
23:31' 14/11/2007 (GMT+7) 
 
(VietNamNet) - Là người đang theo học cao học, tôi thấy hơi chạnh lòng khi xã hội càng ngày càng coi rẻ, thậm chí chế nhạo loại văn bằng này, nhưng nhìn lại, thấy đúng là loại hình đào tạo này đang có khá nhiều vấn đề.
 

Nhiều thạc sỹ không xứng đáng với tấm bằng. Ảnh mang tính minh hoạ.  

Bạn đọc Chánh Ngữ, Trưởng bộ môn Khoa học Xã hội, ĐH Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh chia sẻ những bức xúc về thực trạng đào tạo thạc sỹ.

Mấy năm gần đây, nhu cầu học cao học, lấy bằng thạc sỹ đang “sôi” lên, một phần do quy định của Bộ GD-ĐT về tiêu chuẩn của giảng viên đại học, cao đẳng đến năm 2010, một phần do nhu cầu “có bằng” để giữ ghế của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức.

Tháng 5 trượt, tháng 9 đỗ

Có lẽ, việc tổ chức thi thành nhiều đợt và việc liên kết đào tạo loại hình này tại địa phương là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện trạng này.

Ở các trường có quyền đào tạo thạc sỹ, thường tổ chức 2 kỳ thi tốt nghiệp vào tháng 5 và tháng 9.

Tuy nhiên, các trường chủ yếu tập trung nhân lực, vật lực cho kỳ thi tháng 5 (chúng tôi gọi là thạc sĩ tháng 5) với tiêu chí và nội dung đề rất khắt khe, còn lại quá ưu ái cho những người dự thi ở lần thi tháng 9 (chúng tôi gọi là thạc sĩ tháng 9) mà không khó để nhận ra rằng phần lớn những người dự thi ở lần 2 này đã không thể “vượt vũ môn” trong "tháng 5 đỏ lửa".

Thạc sỹ liên kết: Núp bóng


Một loại hình đào tạo cũng khá khôi hài và chứa nhiều uẩn khúc khác là loại hình liên kết đào tạo thạc sĩ tại các địa phương (thường  là thạc sĩ giáo dục). 

Đối tượng tham gia các khoá này thường là các thí sinh “không bao giờ dám ló đầu lên chiến trường Hà Nội, Sài Gòn máu lửa” mà vận động hành lang với đầy đủ lí do "muôn đời” là địa phương vùng sâu, vùng xa. 

"Kẻ cần bán, người cần mua” gặp nhau thế là hình thành một liên minh “núp bóng liên kết đào tạo” mà những hậu quả xã hội của nó thật nặng nề. Nó làm thui chột ý chí của những người tâm huyết với giáo dục và đặc biệt là làm mất lòng tin của nhân dân vào giáo dục, vào hệ thống công quyền ngay cái lúc mà ta cần chấn hưng để phát triển và hội nhập.

Giao lưu vui vẻ, hướng dẫn qua mail


Học thạc sĩ chính quy ở các trường lớn thật khổ, khổ thứ nhất là số tài liệu phải đọc nhiều như núi, khổ thứ nhì là trong các buổi thảo luận phải đưa ra được các chứng cứ và lí lẽ khoa học để thuyết phục các thầy và các học viên khác.

Hằng năm, học viên còn phải tham gia các hội nghị khoa học trẻ. Những học viên nào không có báo cáo trong hội nghị này đương nhiên không được bảo vệ luận văn. Còn các tỉnh lẻ thì sao?

Thật khôi hài khi các thầy từ Hà Nội hay TP.HCM đến dạy chỉ 3 ngày cho một chuyên đề, tài liệu thì “thầy cho cuốn nào photo cuốn đó”, học thì “bữa đực, bữa cái” vì lí do công việc trăm đường…

Tuy nhiên, sau cuộc “giao lưu vui vẻ”, các học viên hiển nhiên qua chuyên đề đó mà không cần đọc thêm một cuốn sách nào… Tôi cũng không nghe ở tỉnh tôi tổ chức một hội nghị khoa học nào.

Còn chuyện chọn đề tài bảo vệ và chọn thầy hướng dẫn thì cũng nực cười “thầy một nơi, trò một nẻo”, hướng dẫn qua điện thoại và mail, webcam. Đến khi bảo vệ thì lũ lượt học viên khăn gói ra Hà Nội,  mà ngạc nhiên là không có luận văn nào điểm dưới 7.

Tai hoạ tiềm tàng?

Những "thạc sĩ tháng 9" và "thạc sỹ liên kết" này khi có bằng thạc sĩ sẽ là một “tai họa lớn cho giáo dục và xã hội”. Họ sẽ vin vào đó mà được giữ những chức vụ cao, ngon hơn. Chưa có ai thống kê những người này đang làm gì? Giữ chức vụ gì? Có liên quan đến chuyên môn mà họ học hay không? Nếu có chắc đến Bộ trưởng cũng phải rùng mình…!

Viết những dòng này, tôi chợt nhớ một câu nói của người xưa “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, tôi thiết nghĩ đã đến lúc trong giáo dục, mà trước mắt là trong đào tạo thạc sĩ, chúng ta mạnh dạn nhìn vào thực trạng này đừng để trong  "nồi canh giáo dục rau ít hơn sâu”.

  • Chánh Ngữ 



*******************

Ho ten: Dinh Viet Binh
Dia chi: DHQGHN

Là người cũng đang đứng trên bục giảng Đại học, tôi hoàn toàn chia sẻ với bạn. Và xin bổ xung thêm: Không chỉ những “thạc sĩ tháng 9”, “thạc sĩ liên kết”…theo cách gọi của bạn, mà cả những “thạc sĩ tháng 5”, những học viên cao học thạc sĩ chính qui đang theo học ở hầu hết các trường đại học tại Hà nội, và chắc ở cả thành phố HCM, cũng xem xem thế thôi(nói vậy có thể nhiều người không hài lòng).

Theo tôi, cái khó là lúc thi vào (đầu vào). Riêng môn ngoại ngữ, tôi dám đảm bảo rằng nếu không có sự nương nhẹ của các thầy (xin nói sự nương nhẹ này rất trong sáng, không hề vụ lợi) thì tỉ lệ trượt thi vào cao học đã là rất cao. Tại sao lại nương nhẹ? Câu trả lời rất đơn giản: - Không tuyển đủ chỉ tiêu; - Người ta muốn học, thích học, và, trong tất cả sự muốn của con người thì muốn học là đáng yêu nhất, đáng trân trọng nhất. Vậy thì phải mời chào, lôi kéo người ta học chứ.

Điều đáng nói là quá trình học (2 năm). Họ được học như thế nào, học cái gì? Những người dạy, dạy như thế nào?

Hầu như cả xã hội kêu ca về chất lượng Thạc sĩ, cả chất lượng Tiến sĩ, nhưng có một thực tế là luận văn tốt nghiệp của họ rất hiếm có điểm 7, hầu hết là điểm 9, điểm 10. Một số người được điểm 9 còn nước mắt lưng tròng. Khổ thế.

Người ta cũng đã nói nhiều đến cái “văn hoá cho điểm” của các thầy. Chuyện này, có viết cả nhiều nghìn chữ cũng chưa đủ.

Tôi biết, không ít Tiến sĩ, có cả học hàm Phó giáo sư, thậm chí cao hơn, đang dạy ở trường đào tạo Ngôn ngữ mà nói tiếng Việt, người Việt rất khó hiểu, nói tiếng tây, Tây không hiểu. Còn các bài viết của họ… thì, lỗi rất không ít.

Nỗi buồn này, có lẽ không chỉ của riêng ai. Nhiều lúc tôi thầm nghĩ, nếu mấy cụ Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Tuân…sống lại, có may mắn đọc các bài viết của nhiều vị Thạc sĩ, Tiến sĩ thời nay, hẳn các Cụ sẽ không lấy làm tiếc là mình không có bằng Đại học (chứ đâu dám mơ có bằmg Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ). Và, các Cụ sẽ vái chào chúng ta để nhanh chóng về cõi Âm.

Thôi thì, cứ vài nghìn Tiến sĩ có được vài ba người có trình độ, năng lực đúng với học vị là quí rồi.

Ho ten: Mai Thu Hà
Dia chi: Phú Thọ

Tôi đang học cao học tại Thái Nguyên, và hoàn toàn đồng tình với những gì tác giả bài báo đã nêu. Bức tranh toàn cảnh về lĩnh vực đào tạo sau đại học ở nước ta quả là rất đáng buồn, và ở các trường ĐH khu vực, tình cảnh còn đáng buồn hơn nữa. Là học viên ở khu vực tỉnh lẻ, xem các chương trình đào tạo của các trường lớn ở HN, TP Hồ Chí Minh qua mạng, chúng tôi thấy ngậm ngùi cho mình quá. Chương trình học đã ít hơn về số lượng chuyên đề, mà còn ít dần đi sau mỗi khoá học. Việc mời các giáo sư đầu ngành ở các trung tâm lớn, những người tiên phong trong các lĩnh vực khoa học chuyên ngành cũng ít dần theo, thay vào đó là tỉ lệ “nội địa hoá” ngày càng tăng, với sự góp mặt của đội ngũ giảng viên tại chỗ được đào tạo cũng theo cung cách trên. Các buổi xemina, một nội dung quan trọng trong phân phối chương trình còn ít hơn các buổi thảo luận về việc… đóng quĩ. Và còn nhiều chuyện không vui khác nữa trong chuyện thi cử…Tất cả góp phần làm giảm sút chất lượng dạy và học.

Tôi biết có nhiều thày cô giáo tâm huyết với nghề và những học viên siêng năng, ham hiểu biết cũng nản lòng, khi phải đối mặt với vô vàn hệ luỵ của tình trạng học lấy bằng cấp chứ không phải lấy kiến thức. Bởi bên cạnh họ có những người thẳng thừng tuyên bố: “Thời gian đâu mà học tập với chả nghiên cứu, còn phải đi làm nữa chứ!” “ Ra trường thì thạc sĩ trường nào mà chẳng là thạc sĩ!”

Mong rằng các nhà lãnh đạo các trường ĐH khu vực quan tâm hơn nữa đến chất lượng đào tạo sau đại học, thay vì tự hào với số lượng thạc sĩ tiến sĩ hàng năm “ra lò” năm sau đông hơn năm trước. Bởi chất lượng chứ không phải số lượng mới làm nên “thương hiệu” của trường mình.Và hơn thế, còn vì lương tâm và trách nhiệm đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước nhà. 

Email: vpctg@..., Tiền Giang


Tôi ủng hộ quan điểm của bài viết.

Tôi rất tâm đắc ý kiến của tác giả Chánh Ngữ. Tác giả đã nói ra một vấn đề "hết sức tế nhị" mà nhiều người trong cuộc tuy biết nhưng không mấy ai dám nói ra. Bởi không khéo người ta sẽ cho là đố kỵ.

Đúng là hiện có một sự chênh lệch lớn về chất lượng đào tạo thạc sĩ giữa nhiều cơ sở đào tạo ở TP.HCM với hầu hết các cơ sở đào tạo ở các tỉnh ĐBSCL. Có một vấn nạn tiềm tàng là không ít "thạc sĩ tháng 9" mà tác giả vừa đề cập sẽ đường bệ trở về địa phương lãnh đạo lại những trí thức thực học đã nỗ lực vượt khó tại các trung tâm đào tạo SDH lớn ở trong và ngoài nước.

Tôi nghĩ, Bộ GD-ĐT cần tiên liệu trước hậu quả không hay này, nếu thực lòng muốn làm một cuộc cải tổ đến cùng nền giáo dục Việt Nam.

Đặng Hằng Huyền, Láng Hạ, Hà Nội, email: Danghanghuyen@...


Cần xem lại hệ thống đào tạo.

Đọc bài viết trên, tôi thấy hoàn toàn đồng ý và còn có rất nhiều thông tin xung quanh việc học, thi và lấy bằng. Việc đào tạo quá tràn lan không những tạo điều kiện cho tiêu cực phát triển mà làm cho chất lượng giáo dục đi xuống. Tôi có người bạn làm cơ quan nhà nước nên cần phải đi học thạc sỹ thì mới có "cơ" và cậu ấy phát biểu rằng, thực sự không có gì mới so với chương trình đại học, chỉ có cái bằng là làm mới mình.

Ngày nay, giáo dục và đào tạo đang là một lĩnh vực kinh doanh dịch vụ hốt bạc nên ai có tiền là có thể mở trường đại học mà việc kiểm soát chất lượng của cac trường này là rất hạn chế. Tối nhớ khoảng 10 năm trước ai vào được Đại hoc là niềm vinh dự cho gia đình và lang xóm nhưng nay thì hình như cứ có tiền là có thể đi học.

Có rất nhiều trường được nâng cấp từ trường trung học dạy nghề và cao đẳng lên thành Đại học VD như trường ĐH Công nghiệp, Đại học lao động xã hội... Có nhiều trường rất mới do tư nhân thành lập. Tôi nghĩ, giáo dục là vấn đề cốt yếu và là cái gốc của mọi sự phát triển nên nó phải được đầu tư, quy hoạch và kiểm soát gắt gao.

Lê Hải Hà, Hà Nội, email: chippuppy2005@...


Tôi không đồng ý với bạn ở điểm này, không thể bảo những thạc sỹ thi tháng 9 là được ưu ái. Bản thân tôi là người thi vào đợt tháng 9 nên tôi là người biết rất rõ tháng 9 thi khó khăn như thế nào. Tôi ra trường vào tháng 7, nên khi trường tổ chức thi đợt 2 vào tháng 9 tôi cùng rất nhiều bạn trong lớp thi.

Ngoài ra, cũng còn nhiều bạn vừa ra trường của các trường khác cũng thi vào. Như vậy, chúng tôi phải cạnh tranh với một lực lượng thí sinh có khả năng rất cao cùng thi. Không thể nói là chúng tôi được ưu ái trong kỳ thi này. Tỷ lệ chọi cao cùng năng lực thí sinh đồng đều khiến cho chúng tôi đã rất căng thẳng khi ôn và thi. Các bạn tôi trượt cũng rất nhiều, có người thi đến 4-5 lần không đỗ, kể cả thi tháng 9, vậy ưu ái ở đâu khi chỉ tiêu tuyển còn thừa?

Chưa hết, bản thân trường tôi năm nay thi đợt tháng 9 vừa rồi chỉ có 4 người đỗ, đầu vào kém hơn so với chỉ tiêu rất nhiều. Vậy đâu là sự ưu ái. Bạn đừng nói như thế, vì chúng tôi cũng phải phấn đấu hết sức mới đỗ và học bằng chính thực lực của chúng tôi. Biết rằng cũng có tiêu cực trong quá trình học và thi, nhưng không chỉ tháng 9 đâu, nếu có thì tháng 5 tôi nghĩ cũng không thiếu. 

Trương Thị Hoà Bình, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, email: tthbinh@...

Tôi cũng không có nhiều thời gian nên chỉ vắn tắn 2 ý kiến:

1. Đầu vào cho cao học phải đặt chuẩn. Thực tế, tôi đã gặp nhiều người thi đại học đến lần thứ 3 trượt, sau thi vào hệ tại chức và tốt nghiệp không xin được việc lại xin tiếp vào cao học và sắp trở thành thạc sỹ trong khi các bạn cùng khoá học giỏi hơn nhiều, tốt nghiệp xin được việc ngay thì sẽ nghĩ sao với sự thiếu công bằng này? Theo tôi, cần đặt điều kiện đầu vào cho thí sinh cao học.

2. Mã đào tạo của ta đã lạc hậu và có nhiều bất hợp lý nên nghiên cứu và sửa lại. Ví dụ cụ thể trường hợp của tôi, tôi chuyên sâu về viễn thám ứng dụng trong lâm nghiệp nhưng bằng tiến sỹ nông nghiệp? 

H.A.Tuấn, email: t15071980@...


Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả bài báo. Đã đến lúc cần phải chấn chỉnh vấn đề này. Ngay cả những trường lớn thì cũng đã không ít những trường hợp tốt nghiệp Thạc sỹ không xứng đáng thì nói gì đến "liên kết đào tạo".

Chúng ta cần nghiêm túc xem lại chất lượng thực tế của loại hình đào tạo này ở cả 2 trình độ là đại học và cao học. Đừng biến giáo dục thành một cái chợ mà ở đó có "kẻ cần bán" và "người cần mua". Nếu tình trạng này kéo dài, chính xã hội sẽ là nơi gánh chịu những hậu quả nặng nề. Theo ý kiến riêng tôi, nên dẹp ngay loại hình liên kết đào tạo. Đã đi học thì phải học tập trung.



http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/2007/11/754884/
<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.12.2007 00:54:52 bởi Ngọc Lý >
#1
    Ngọc Lý 07.12.2007 00:51:03 (permalink)
    Viết tiếp những sai phạm ở Học viện Hành chính Quốc gia: Học viên “nợ” đầu vào, Học viện “nợ” bằng thạc sĩ

    10:41 AM, 04/12/2007


    Mới đây, ông Nguyễn Trung Tiệp - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Hợp tác Quốc tế, một cán bộ có thâm niên hơn 26 năm công tác tại Học viện Hành chính Quốc gia (HCQG) đã nộp đơn xin thôi việc với lý do: "Không thể tiếp tục làm việc trong môi trường Học viện như hiện nay".

     

    Vậy, đó là môi trường gì? Trong lá đơn gửi báo Đại Đoàn Kết, ông Tiệp cho biết: ông và một số cán bộ khác của Học viện bị "vô hiệu hóa trong công tác chuyên môn đến mức buộc phải xin thôi việc". Tuy nhiên, theo ông Tiệp, lý do chính yếu để một cán bộ thâm niên như ông phải miễn cưỡng xin thôi việc và khiến nhiều cán bộ, viên chức của Học viện nhức nhối xuất phát từ việc: Ban lãnh đạo mới của Học viện đã làm ngơ để không ít tiêu cực, sai phạm liên quan đến một số cá nhân trong đội ngũ lãnh đạo, cán bộ của Học việc kéo dài trong nhiều năm qua.


    “Hỏng” thi đầu vào: vẫn học, vẫn bảo vệ luận án thạc sĩ


    Đó là trường hợp của hai cán bộ được cử theo học lớp Cao học hành chính công (lớp CH8B- 2003- 2007) tại cơ sở 2 của Học viện HCQG tại TP. Hồ Chí Minh. Bà Tô Thị Kim Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Gia đình - Trẻ em TP và ông Võ Văn Long, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận 8 đã gửi đơn khiếu nại lên Ban Tổ chức thành ủy TP. Hồ Chí Minh về việc “không được xét cấp bằng tốt nghiệp thạc sĩ do không đủ điểm môn thi Anh văn đầu vào” (Theo thông tin của chúng tôi, qua giám sát, Vụ sau Đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát hiện ra 7 người không đủ điều kiện để cấp bằng thạc sĩ trong khóa học này mặc dù đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ).


    Vụ việc phi lý đến mức đích danh Ban Tổ chức thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã phải gửi công văn số 574- CV/BTCTU (ngày 20- 6- 2007) tới Bộ Giáo dục và Đào tạo và Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh để yêu cầu xem xét cấp bằng tốt nghiệp cho hai học viên này. Theo Ban Tổ chức thành ủy: chị Tô Kim Hoa và anh Võ Văn Long đã hoàn thành nghĩa vụ học tập đúng quy chế đào tạo sau đại học và đã được Học viện ra quyết định giao đề tài tốt nghiệp và bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Trong suốt quá trình học tập của hai học viên này, Ban Tổ chức thành ủy và bản thân những học viên này không được Học viện thông báo về tình trạng nợ đầu vào môn Anh văn để có hướng chủ động khắc phục.


    Theo quy định về điểm chuẩn xét trúng tuyển cao học Học viện HCQG năm 2003, thì ngoại ngữ phải đạt 50 điểm trở lên (thang điểm 100). Tuy nhiên, theo giấy báo điểm (do ông Đinh Văn Tiến - Trưởng khoa Sau đại học của Học viện HCQG gia ký) thì điểm thi môn ngoại ngữ của ông Võ Văn Long chỉ đạt 41 điểm. Nhưng không hiểu vì lý do gì, ông Long vẫn được Học viện cho phép theo học lớp cao học CH8B.Thậm chí đến ngày 20-7-2005 vẫn được ông Đinh Văn Tiến gửi thông báo về việc giao đề tài luận văn tốt nghiệp (?).


    Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, đây không phải lần đầu tiên ông Đinh Văn Tiến - Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Sau đại học, người chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý sau đại học của Học viện để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong thi tuyển, tuyển sinh.

    Ai bao che cho các sai phạm trong kỳ thi tuyển sinh sau đại học năm 2004?

    Ông Chu Văn Đạt - Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định: Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII mới đây, đề cập đến chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, đại biểu Quốc hội Chu Văn Đạt - tỉnh Nam Định đã nêu ra thực tế đang gây bức xúc trong dư luận: "Bây giờ có tình trạng đại học tại chức đi học thạc sĩ hết cả, nhưng toàn là thạc sĩ hành chính quốc gia. Chất lượng đội ngũ cán bộ của chúng ta có vấn đề. Khi làm tổ chức ở địa phương, tôi phát hoảng lên, sờ đến cán bộ nào cũng 2 - 3 bằng...Toàn là bằng học thâm". 
     
    Đây có thể xem là một “vết đen” trong lịch sử các kỳ thi tuyển của Học viện HCQG, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của trung tâm đào tạo cán bộ, công chức hàng đầu này. Tuy nhiên, sau các cuộc thanh kiểm tra thì một số cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp trong vụ việc vẫn ung dung tại vị, thậm chí có người còn được cất nhắc lên chức cao hơn.


    Sai phạm trong kỳ thi tuyển sinh sau đại học năm 2004 (ở khu vực Hà Nội) theo một “quy trình khép kín” từ khâu tổ chức học chuyển đổi cho đến thi cử và chấm bài. Ông Đinh Văn Tiến, lúc bấy giờ là Trưởng khoa Sau đại học, đã “thiết kế” ra lịch giảng dạy 19 môn học chuyển đổi hết sức phi lý. Theo đó, các vị như PGS. TS Nguyễn Hữu Khiển (nay là Phó Giám đốc Học viện HCQG) được ông Tiến bố trí giảng 7 môn với 255 tiết chỉ trong... 4 ngày (từ 29-3-2004 đến 1-4-2004), bình quân 64 tiết/ngày; hay GS.TS Bùi văn Nhơn giảng 14 môn với 525 tiết trong... 8 ngày, bình quân 65 tiết/ngày. Sự bất bình thường này đã khiến Ban thanh tra của Học viện HCQG phải đặt dấu hỏi: việc xây dựng lịch giảng chỉ mang tính chất hợp thức hóa giờ học cho học viên hay còn nhằm mục đích gì nữa vì tiết giảng đi kèm là chế độ đóng góp của người học và thù lao của giảng viên?


    Nhưng tùy tiện và phản cảm nhất là ở khâu tổ chức thi mà trong đó, ông Tiến chịu trách nhiệm chính với tư cách là Trưởng khoa Sau đại học, Trưởng ban coi thi. Theo quy chế, Trưởng ban coi thi chỉ hướng dẫn cách đánh số báo danh của từng môn thi theo quy luật nào đó là đủ, nhưng ông Trưởng ban coi thi Đinh Văn Tiến tự lập ra sơ đồ đánh số báo danh môn thi tiếng Anh, đến từng phòng giao cho giám thị và yêu cầu giám thị đánh số báo danh để sắp xếp vị trí ngồi cho từng thí sinh. Về nguyên tắc, giám thị bốc thăm phòng thi từng buổi nếu trùng phòng thì đổi, nhưng khi giám thị bốc trùng đề nghị cho đổi phòng thì ông Tiến lại không đồng ý. Sau đó, theo phản ánh của cán bộ làm phách thì số bài ghi trong danh sách thu bài thi và số bài đưa làm phách có chênh lệch. Ban Thanh tra đã chất vấn cán bộ làm phách thì được cho biết, đó là “theo sự chỉ đạo của Trưởng khoa (ông Đinh Văn Tiến - NV), vì đó là trường hợp đối ngoại”. Kiểm tra các bài thi, Thanh tra cũng đã phát hiện ra có bài viết bằng hai loại mực, một số bài có dấu hiệu đánh dấu bài vẫn được thu bài, làm phách, chấm và lên điểm. Sau này, Thanh tra tiếp tục phát hiện ra đến 38 trường hợp thi hộ...

    Trước rất nhiều sai phạm liên quan đến kỳ thi tuyển sinh sau đại học năm 2004, Ban Thanh tra đã kiến nghị: cần chấn chỉnh số cán bộ làm công tác quản lý sau đại học và cần xử lý nghiêm minh, ít nhất cũng không để làm công tác quản lý đào tạo bồi dưỡng. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung bấy giờ đã có công văn số 2555/BNV-TT (ngày 27- 9- 2004) chỉ đạo Học viện HCQG (thời điểm đó trực thuộc Bộ Nội vụ) yêu cầu xem xét, xử lý, kỷ luật đối với số cán bộ làm công tác quản lý sau đại học của Học viện có liên quan đến sai phạm. Tuy nhiên, bất chấp kết luận của Ban Thanh tra và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, người chịu trách nhiệm chính trong vụ việc nghiêm trọng này là ông Đinh Văn Tiến tiếp tục được giữ chức Trưởng khoa Sau đại học, thậm chí được cất nhắc lên chức vụ cao hơn- Phó Giám đốc Học viện HCQG chưa đầy 2 năm sau đó (2006).
    Đến đây, câu trả lời đã rõ: Vụ việc ““hỏng” thi đầu vào: vẫn học, vẫn bảo vệ luận án thạc sĩ” chính là hệ quả nối tiếp của việc xử lý không nghiêm những cá nhân sai phạm và thiếu trách nhiệm trong kỳ thi tuyển sinh sau đại học năm 2004 của Học viện HCQG.

    Hưng Bình






    Trở lại bài viết “Có hay không học giả - chứng chỉ thật?”
     
    Cách đây hơn một năm, báo Đại Đoàn Kết đã có bài viết "Học viện Hành chính Quốc gia: Có hay không học giả - chứng chỉ thật?" (số 50 ra ngày 16- 6- 2006), phản ánh những tiêu cực liên quan đến kỳ thi "chuyển đổi cao học Đồng bằng sông Cửu Long năm 2006" do Học viện đứng ra tổ chức. Ngay sau đó, Học viện đã có công văn trả lời những nội dung báo nêu (do Phó Giám đốc Đinh Văn Tiến ký), trong đó khẳng định sẽ chỉ đạo nghiêm túc Tổ chuyên quản sau đại học về việc này.

    Tại khóa học chuyển đổi mở tại cơ sở Học viện HCQG ở TP. Hồ Chí Minh lại có tên 6 học viên là cán bộ tại Hà Nội. Theo giải thích của bà Trần Cẩm Tú - Tổ phó phụ trách Tổ chuyên quản: Học viện đã cho phép 6 học viên này học tại Hà Nội, và việc học, thi nghiêm túc, đúng quy chế. Nhưng hồ sơ chúng tôi có được lại khẳng định ngược lại, việc làm này là sai quy chế. Bởi lịch học chuyển đổi (do ông Đinh Văn Tiến sắp xếp) diễn ra trong 2 tháng với 19 môn học và thời lượng là 375 tiết học. Tuy nhiên, 6 học viên này chỉ học trong 13 ngày với 19 môn và 135 tiết học (từ ngày 9-3 đến 21-3-2006). Như vậy, thời lượng các môn học đã bị cắt mất hơn một nửa. Ly kỳ hơn nữa là việc 6 thí sinh này lại được cho phép “học trước - thi sau”: lịch học bắt đầu từ ngày 9-3-2006, nhưng các học viên này lại được cho thi từ ngày 2- 3- 2006 và vẫn tiếp tục thi trong khi lớp đang học.

    Từ đó đến nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, vụ việc không hề được xử lý nghiêm túc như lời hứa của lãnh đạo Học viện. Điều vô lý nhất là cá nhân ông Đinh Văn Tiến, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Sau đại học lẽ ra phải là người chịu trách nhiệm trực tiếp vì để xảy ra vụ việc tiêu cực này thì lại nghiễm nhiên vẫn lấy tư cách Phó Giám đốc Học viện HCQG để trả lời báo Đại Đoàn Kết rằng: Sẽ chỉ đạo nghiêm túc kiểm điểm Tổ chuyên quan sau đại học của Học viện (?).

    M.H
     



    http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?masterId=2&categoryId=83&id=2261
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 07.12.2007 00:53:43 bởi Ngọc Lý >
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9